22/3/13

Sứ giả của thần chết (C19-21)

Chương 19

Để có được một ý thức bắt đầu công việc trong những ngày bề bộn đang đối diện với nàng, Mary bảo Florian đến đưa nàng đi vào lúc 6 giờ 30.
Trong suốt chuyến đi đến Toà đại sứ, nàng đọc các báo cáo và thông cáo của các Toà đại sứ khác đã chuyển đến dinh nàng trong đêm.
Lúc Mary bước xuống hành lang của Toà đại sứ qua văn phòng của Mike Slade, nàng dừng lại kinh ngạc. Ông ta đang ở bàn giấy làm việc. Ông ta không cạo râu. Nàng tự hỏi có phải ông ta đi đâu suốt đêm không?
- Ông đến sớm đấy, - Mary nói.
Ông ta nhìn lên. - Chào bà. Tôi muốn nói chuyện với bà đây!
- Được rồi, - nàng bắt đầu bước vào.
- Không phải ở đây. Văn phòng bà đấy.
Ông ta theo Mary qua cửa ăn thông vào văn phòng nàng và nàng quan sát trong lúc ông ta bước đến một dụng cụ trong góc phòng.
- Đây là một chiếc máy xé vụn giấy tờ, - Mike cho nàng biết.
- Tôi biết!
- Thật à? Đêm qua khi bà đi ra ngoài, bà đã để lại một số giấy tờ trên mặt bàn đấy. Bây giờ, nó đã được chụp hình và gởi đi Moscow rồi đấy!
- Ồ, Chúa ơi! Có lẽ tôi đã quên. Giấy tờ gì vậy?
- Một danh sách các thứ phấn sáp, giấy vệ sinh và các đồ phụ nữ cá nhân khác mà bà muốn gửi mua. Nhưng việc ấy ngoài vấn đề. Các người phụ nữ dọn quét làm việc cho an ninh đấy. Bọn Rumani sẽ biết ơn bất cứ mẩu tin nào họ có thể có được và họ rất giỏi trong vấn đề liên kết các dữ kiện lại với nhau. Bài học số một: Ban đêm mọi thứ phải được khoá lại trong tủ an toàn của bà hoặc xé tan đi!
- Còn bài học thứ hai là gì? - Mary lạnh lùng hỏi.
Mike cười toe toét.
- Vị Đại sứ luôn khởi sự ngày làm việc bằng cách uống cà phê với phó trưởng phái đoàn của mình. Bà uống gì nào?
Nàng không muốn uống cà phê với tên ngạo mạn này tí nào cả.
- Tôi… đen!
- Tốt. Bà phải chú ý đến thân hình của bà ở đây. Thức ăn có nhiều mỡ đấy. - Ông ta đứng dậy và đi về cánh cửa dẫn đến văn phòng ông ta. - Tôi có làm rượu riêng của tôi. Bà sẽ thích nó.
Nàng ngồi đấy, tức giận với ông ta.
Mình phải thận trọng trong các việc đối phó với ông ta - Mary quyết định. - Mình muốn đẩy ông ta ra khỏi đây càng nhanh càng tốt.
Ông ta quay trở lại với hai tách cà phê bốc hơi và đặt lên bàn giấy của nàng.
- Làm sao tôi có thể thu xếp cho Beth và Tim theo học tại một trường Mỹ ở đây nhỉ? - Mary hỏi.
- Tôi đã thu xếp việc ấy rồi. Florian sẽ đưa đi buổi sáng và đưa về buổi chiều.
Nàng sửng sốt.
- Tôi… cám ơn ông!
- Bà nên nhìn qua trường ấy một chút khi nào bà có dịp. Đấy là một trường học nhỏ, độ một trăm học sinh. Mỗi lớp có từ 8 đến 9 học sinh. Chúng đến từ khắp nơi - Canada, Isarel, Nigeria - bà biết đấy, các thầy giáo đều giỏi.
- Tôi sẽ ghé lại đấy!
Mike hớp một ngụm cà phê.
- Tôi hiểu rằng đêm qua bà mạn đàm thú vị với nhà lãnh tụ không biết sợ của chúng ta đấy.
- Chủ tịch Ionescu à? Vâng. Hình như ông ta rất dễ chịu.
- Ồ, vậy đấy ông ta là một người đáng yêu. Cho đến lúc ông ta bực bội với người nào đấy. Rồi ông ta chẻ đầu bà ra.
Mary nói một cách căng thăng:
- Chúng ta không phải nói về điều này trong phòng cách âm à?
- Không cần thiết. Sáng nay tôi đã cho kiểm tra các máy nghe lén ở phòng bà rồi. Dọn sạch hết rồi. Sau khi những người giữ cửa và dọn quét bước vào và canh chừng. Nhân đây, đừng để vẻ đẹp của Ionescu mê hoặc bà đấy. Ông ta là một tên chó đẻ được nhuộm màu len đấy. Dân ông ta khinh bỉ ông ta, nhưng họ chẳng làm gì được cả. Cảnh sát mật ở khắp nơi. Đấy là KGB và lực lượng Cảnh sát hợp lại làm một. Luật chơi chung chung ở đây là cứ ba người có một người làm việc cho An ninh hoặc KGB. Các người Rumani được lệnh không được tiếp xúc gì với người ngoại quốc cả. Nếu một người ngoại quốc muốn ăn uống tại một căn nhà của một người Rumani, trước tiên việc ấy phải được bộ ngoại giao chấp thuận.
Mary cảm thấy ớn lạnh.
- Một người Rumani có thể bị bắt vì ký tên vào kiến nghị, chỉ trích chính phủ, viết lên tường…
- Họ có thể xử án ở đây mà, - Mary nói.
- Ồ, thỉnh thoang họ xử án biểu diễn mà các phóng viên của phương Tây được phép xem. Nhưng hầu hết những kẻ bị bắt đều tìm cách có được những tai nạn chết người trong lúc họ còn bị cảnh sát giam giữ. Đấy là những người Gulag tại Rumani mà chúng ta không được phép nhìn thấy. Họ ở trong vùng Delta và trong sông Danube gần biển Đen. Tôi đã nói chuyện với những người đã trông thấy họ. Các điều kiện ở đấy thật là khủng khiếp. Và không có nơi nào cho họ tẩu thoát cả!
Mary nói to lên tư tưởng của nàng. Họ có biển Đen về phía Đông, Bulgari về phía Nam và Nam Tư, Hungari, và Tiệp Khắc ở những biên giới khác của họ. Họ ở ngay giữa Đông Âu.
- Bà có nghe đến sắc luật của máy chữ không?
- Không!
- Đấy là sáng kiến hay mới nhất cả Ionescu đấy. Ông ta ra lệnh cho đăng ký mọi máy chữ và máy photocopy trong nước. Ngay khi các máy ấy được đăng ký, ông ta cho tịch thu. Giờ đây Ionescu kiểm soát tất cả tin tức được phân phối. Uống cà phê nữa không?
- Không, cám ơn!
- Ionescu bóp vào những yếu huyệt của dân chúng. Họ sợ đình công vì họ biết họ sẽ bị bắn. Mức sinh hoạt ở đây là một trong những mức thấp nhất châu Âu. Thiếu tất cả mọi thứ. Nếu người ta thấy có một hàng người trước một cửa hiệu, họ sẽ nhập vào và mua bất cứ thứ gì bán ra khi họ có cơ hội.
- Tôi thấy hình như, - Mary chậm rãi nói, - tất cả các điều này cộng thêm cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời để giúp đỡ họ đấy.
Mike Slade nhìn nàng. Đúng, - Ông ta lạnh lùng nói - Tuyệt vời đấy.
***
Chiều ấy trong lúc Mary xem qua một số công điện vừa gửi từ Washington đến, nàng nghĩ đến Mike Slade. Ông ta là một con người kỳ lạ. Ngạo mạn và thô lỗ, tuy nhiên, tôi đã thu xếp cho bọn trẻ đi học. Florian sẽ đưa chúng nó đi buổi sáng và đóng chúng buổi chiều. Và ông ta có vẻ quan tâm đến dân tộc Rumani và những vấn đề của họ. Ông ta có lẽ phức tạp hơn là mình nghĩ, - Mary quyết định như thế. Mình vẫn không ưa ông ta.
Hoàn toàn vì tình cờ mà Mary biết được những cuộc họp đang diễn ra sau lưng nàng. Nàng đã rời văn phòng để đi ăn trưa với Bộ trưởng Nông nghiệp Rumani. Khi nàng đến Bộ, nàng được cho biết rằng ông ta đã bị chủ tịch gọi đi. Mary quyết định trở về Toà đại sứ và vừa ăn, vừa làm việc.
Nàng bảo bí thư của nàng:
- Hãy bảo Lucas Janklow, David Wallace và Eddie Matlz rằng tôi muốn gặp họ!
Dorothy Stone do dự:
- Thưa bà, họ đang họp!
Giọng bà ta có một cái gì đó tránh né.
- Họp với ai vậy?
Dorothy hít một hơi dài.
- Với tất cả những lãnh sự khác.
Phải mất một lúc để việc ấy thấm nhập vào.
- Có phải bà nói rằng có một cuộc họp tham mưu đang diễn ra mà không có mặt tôi không?
- Vâng, thưa bà Đại sứ!
- Quá mức đấy? Tôi suy ra rằng, đây không phải là lần đầu, đúng không?
- Không, thưa bà.
- Có gì khác đang xảy ra ở đây mà tôi phải biết nhưng lại không biết nhỉ?
Dorothy Stone hít một hơi mạnh.
- Họ đều đánh đi những bức điện không cần sự cho phép của bà đấy.
Hãy quên về một cuộc cách mạng đang nhen nhóm tại Rumani đi, - Mary nghĩ thế. - Có một cuộc cách mạng đang nhen nhóm ở đây, ngay trong Toà đại sứ này.
- Dorothy hãy triệu tập một cuộc họp tất cả các trưởng ban lúc ba giờ chiều nay nhé. Có nghĩa là tất cả mọi người đấy.
- Vâng, thưa bà.
Mary ngồi ở đầu bàn quan sát trong lúc ban tham mưu bước vào phòng họp. Các uỷ viên lớn ngồi vào bàn họp và các uỷ viên nhỏ chiếm những chiếc ghế dựa vào tường.
- Chào quý vị, - Mary lên tiếng cộc lốc. - Tôi sẽ không làm mất nhiều thì giờ của quý vị. Tôi biết tất cả các vị đều bận rộn như thế nào. Tôi để ý rằng các cuộc họp của các uỷ viên cao cấp đã được tổ chức mà tôi không biết hoặc phê chuẩn. Từ lúc này trở đi, bất kỳ ai tham dự một cuộc họp như thế sẽ bị sa thải ngay. - Nàng liếc mắt trông thấy Dorothy đang ghi chú. - Tôi cũng để ý rằng một số các vị đang giữ công điện mà không cho tôi biết. Theo nghi thức ngoại giao của Bộ Ngoại giao, mỗi Đại sứ có quyền thuê hoặc sa thải bất cứ uỷ viên nào của ban tham mưu Toà đại sứ tuỳ ý mình!
Mary quay sang Ted Thompson, Lãnh sự nông nghiệp.
- Ngày hôm qua, ông đã gửi một bức điện không được cho phép về Bộ Ngoại giao. Tôi đã giữ chỗ cho ông trên một chiếc phi cơ đi Washington vào trưa ngày mai. Ông không còn là thành viên của Toà đại sứ nữa. - Nàng nhìn quanh phòng. - Lần sau, bất cứ ai trong phòng này gửi công điện mà không có tôi biết hoặc không chịu hỗ trợ tôi hoàn toàn, người ấy sẽ lên chiếc phi cơ kế tiếp trở về Hoa Kỳ. Xong rồi, các ông, các bà.
Có một sự im lặng kinh ngạc. Rồi, từ từ, mọi người bắt đầu đứng dậy và nối đuôi nhau ra khỏi phòng. Có một vẻ mưu mô trên khuôn mặt của Mike Slade trong lúc ông ta bước ra.
Chỉ còn Mary và Dorothy trong phòng. Mary nói:
- Bà nghĩ gì thế?
Dorothy cười hớn hở.
- Gọn, nhưng không cầu kỳ. Đây là một cuộc họp tham mưu ngắn nhất và hiệu quả nhất tôi chưa từng thấy.
- Tốt. Bây giờ đã đến lúc làm sáng tỏ phòng truyền tin.
Tất cả các điện văn gửi đi từ các Toà đại sứ tại Đông Âu đều được gửi bằng mật mã. Chúng được đánh trên một máy chữ đặc biệt, đọc bằng một bộ phận hình điện tử trong phòng mật mã và được tự động mã hoá ở đấy. Mật mã được thay đổi hàng ngày và có năm tên gọi. Tối mật, mật, kín, phổ biến hạn chế, và thường. Bản thân phòng truyền tin là một căn phòng phía sau không cửa sổ, cấm lai vãng, đầy những thiết bị điện tử mới nhất và được canh gác cẩn mật.
Sandy Palance, sĩ quan phụ trách, ngồi trong phòng truyền tin sau một buồng nhỏ. Anh ta đứng dậy lúc Mary đến gần.
- Chào bà Đại sứ. Bà cần gì không?
- Không. Tôi sẽ giúp ông đây!
Có một vẻ bối rối trên khuôn mặt của Palance.
- Thưa bà?
- Ông đã gửi đi những điện văn không có chữ ký của tôi. Có nghĩa đó là những điện văn không được phép.
- Anh ta bỗng lâm vào thế bị động.
- À, các ngài Lãnh sự bảo tôi rằng…
- Từ nay trở đi, nếu có ai nhờ ông gửi một điện văn không có chữ ký của tôi, nó phải được mang ngay đến cho tôi. Rõ không? - Có một vẻ cứng rắn trong giọng nói của nàng.
Palance nghĩ:
- Chúa ơi! Chắc họ đã kềm không chặt người này rồi, - Vâng, thưa bà. Tôi rõ.
Mary quay lại và bỏ đi. Nàng biết rằng phòng truyền tin được CIA dùng để chuyển điện văn qua một "hệ thống đen". - Nàng tự hỏi liệu có bao nhiêu uỷ viên của Toà đại sứ là thành phần của CIA, và nàng thắc mắc không biết có phải Mike Slade đã cho nàng biết toàn bộ sự thật. Nàng có cảm giác ông ta không nói thật.
Đêm ấy, Mary ghi chú về các biến cố trong ngày ghi nhanh những vấn đề cần thiết phải hành động. Nàng đặt tất cả bên giường nàng, trên một chiếc bàn nhỏ. Lúc sáng nàng đến phòng tắm để tắm. Trong lúc nàng mặc quần áo, nàng cầm mấy tờ ghi chú lên. Chúng được xếp theo một trật tự khác.
Bà có thể chắc rằng Toà đại sứ và dinh đều bị đặt máy nghe lén.
Mary đứng đấy suy nghĩ một lúc.
Lúc ăn sáng, khi nàng còn lại một mình trong phòng ăn với Tim và Beth, Mary lớn tiếng nói:
- Người Rumani thật là một dân tộc tuyệt vời. Nhưng mẹ có cảm giác rằng họ còn kém xa Hoa Kỳ trong một số cách thức. Các con có biết rằng có nhiều gian phòng mà ban tham mưu Toà đại sứ đang sống không có nhiệt hoặc nước máy và các phòng vệ sinh bị hỏng không?
Beth và Tim trố mắt nhìn nàng một cách lạ lùng.
- Mẹ cho rằng chúng ta phải dạy người Rumani cách sửa chữa những việc như thế.
Sáng hôm sau, Jerry Davis nói:
- Tôi không biết bà làm cách nào, nhưng có những người làm việc khắp nơi sửa sang lại những gian phòng của chúng tôi đấy!
Mary cười hớn hở.
- Ông chỉ cần nói tử tế với họ thôi.
Cuối buổi họp tham mưu, Mike Slade bảo:
- Bà có nhiều Toà đại sứ phải đến chào. Tốt hơn bà nên bắt đầu từ hôm nay đi.
Nàng ghét miệng lưỡi ông ta. Ngoài ra, tuyệt nhiên, chẳng có gì là công việc của ông ta cả.
Harriet Kruger là sĩ quan nghi thức ngoại giao và bà đã rời Toà đại sứ để đi lo việc trong ngày.
Mike tiếp tục nói:
- Điều quan trọng là bà nên viếng các Toà đại sứ theo thứ tự ưu tiên. Quan trọng nhất…
- Là Toà đại sứ Nga. Tôi biết rồi.
- Tôi muốn khuyên bà…
- Ông Slade - Nếu tôi cần bất cứ lời khuyên nào của ông về nhiệm vụ của ông ở đây, tôi sẽ cho ông biết.
Mike thở dài.
- Đúng! - Ông ta đứng dậy. - Bất cứ gì bà nói, thưa bà Đại sứ!
Sau chuyến đi viếng thăm Toà đại sứ Nga, phần ngày còn lại của Mary được dùng cho các cuộc phỏng vấn, một thượng sĩ từ New York muốn có tin tức nội bộ về những kẻ bất đồng ý kiến và một cuộc họp với tân lãnh sự nông nghiệp.
Lúc Mary sắp rời văn phòng, Dorothy Stone thì thầm vào tai nàng.
- Có một cú điện thoại khẩn cấp cho bà, thưa bà Đại sứ. James Stickley từ Washington gọi.
Mary nhấc điện thoại.
- Alô, ông Stickley.
Giọng của Stickley nóng nảy qua đường dây.
- Phiền bà cho tôi biết bà đang làm gì thế?
- Tôi… Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
- Rõ ràng là vậy. Bộ trưởng Ngoại giao vừa nhận được lời phản kháng chính thức của Đại sứ Gabon về tư cách của bà đấy!
- Chờ một chút! - Mary đáp. - Có điều thiếu sót.
- Tôi chưa được nói chuyện với Đại sứ Gabon.
- Đúng vậy, - Stickley đốp chát lại. - Nhưng bà đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô đấy!
- À, vâng. Sáng nay tôi có viếng xã giao.
- Bà không biết rằng các Toà đại sứ ngoại quốc có quyền ưu tiên theo thời gian họ trình uỷ nhiệm thư à?
- Vâng, nhưng…
- Cho bà biết nhé, tại Rumani, Gabon là nước đầu tiên. Còn câu hỏi nào không?
- Không, thưa ngài. Tôi xin lỗi nếu tôi…
- Yêu cầu bà hãy xem lại để điều ấy không xảy ra nữa.
Khi Mike Slade nghe tin, ông ta vào văn phòng Mary.
- Tôi đã cố gắng bảo bà!
- Ông Slade…
- Họ xem những việc như thế rất nghiêm trọng trong công việc ngoại giao đấy. Quả vậy, năm 1961 tuỳ tùng của Đại sứ Tây Ban Nha tại London đã tấn công xe ngựa của Đại sứ Pháp, giết người giữ ngựa trạm, đập người đánh xe và cắt nhượng hai con ngựa chỉ cốt để xe ngựa của Đại sứ Tây Ban Nha đến trước. Tôi đề nghị bà nên gửi một bức thư xin lỗi.
Mary biết nàng sẽ phải ăn gì trong bữa ăn chiều.
- Nhục nhã.
Mary bị quấy rầy vì những lời bình luận mà nàng tiếp tục nghe về số lượng quảng cáo về nàng và con nàng.
- Có cả một bài tại tờ Pravda về cả ba người đấy.
Lúc nửa đêm, Mary gọi điện đến Stanton Rogers.
Có lẽ ông vừa vào văn phòng. Ông đến máy ngay.
- Đại sứ đắc ý của tôi khỏe mạnh ra sao đấy?
- Khoẻ thôi. Anh thế nào, Stan?
- Ngoài thời khoá biểu 48 tiếng một ngày, tôi chẳng chê gì được cả. Quả vậy, tôi đang tận hưởng mọi phút của nó. Bà làm ăn thế nào đấy? Có vấn đề nào tôi có thể giúp bà được không?
- Thực sự đấy không phải là vấn đề. Chỉ là một điều tò mò của tôi thôi. - Nàng do dự, cố gắng chỉnh câu văn để ông không hiểu lầm. - Tôi cho rằng anh đã trông thấy ảnh của con tôi và tôi trên tờ Pravda tuần trước chớ?
- Vâng, tuyệt đấy! - Stanton Rogers thốt lên. - Cuối cùng chúng ta đã thành công với họ đấy.
- Những đại sứ khác có được đăng báo nhiều như tôi không?
- Thẳng thắn mà nói thì không. Nhưng ông chủ quyết định phải dốc toàn lực với bà, Mary ạ. Bà là tủ bày hàng của chúng tôi. Tổng thống Ellison đã muốn nói điều ấy khi ngài đang tìm một kẻ đối lập với người Mỹ xấu xí. Chúng tôi đã được bà và chúng tôi định phô trương bà đấy. Chúng tôi muốn cả thế giới có một cái nhìn đẹp về người tốt nhất của quốc gia chúng ta đấy.
- Tôi thật sự, tôi rất thích!
- Cố gắng làm tốt công việc nhé.
Họ trao đổi với nhau vài mẩu chuyện vui thêm ít phút nữa và tạm biệt.
Vậy là Tổng thống đứng sau lưng cuộc quảng cáo này, - Mary nghĩ thế. - Chẳng lạ gì ngài có thể thu xếp được quá nhiều việc đăng tải trên báo.
***
Bên trong nhà ngục Ivan Stelian còn nghiêm ngặt cả bên ngoài nữa. Các hành lang chật hẹp với một lớp sơn xám buồn tẻ. Ở tầng dưới là cả một loạt các phòng giam cài thanh sắt đen đông nghịt người và tầng trên cũng thế với các binh sĩ mặc quân phục trang bị súng liên thanh tuần tra. Mùi hôi thối trong khu vực các phòng giam đông người chịu không nổi.
Một người gác đưa Mary đến một phòng khách nhỏ ở phía sau nhà ngục.
- Cô ta ở đấy. Bà có mười phút.
- Cám ơn ông. - Mạry bước vào trong phòng và cánh cửa đóng lại sau lưng nàng.
Hannah Murphy đang ngồi tại một chiếc bàn nhỏ đầy vết chiến tranh. Cô bị còng tay và mặc áo tù. Eddie Maltz đã đề cập về cô như là một sinh viên 19 tuổi xinh đẹp. Cô trông lớn hơn 20 tuổi. Khuôn mặt xanh xao, hốc hác và đôi mắt mọng đỏ. Tóc thì rối.
- Chào cô, - Mary bảo - Tôi là Đại sứ Mỹ.
Hannah Murphy nhìn nàng và bắt đầu khóc sướt mướt.
Mary vòng tay qua người cô dỗ dành:
- Suỵt. Sẽ ổn thôi.
- Không, không ổn đâu! - cô gái rên rỉ - Tuần sau tôi sẽ bị xử án. Tôi sẽ chết nếu tôi phải ở lại nơi này năm năm. Tôi sẽ chết!
Mary đỡ nàng một lúc.
- Được rồi, cho tôi biết sự việc xảy ra đi.
Hannah Murphy hít một hơi mạnh và sau một lúc, lên tiếng:
- Tôi đã gặp người đàn ông này - hắn là một người Rumani - và tôi cô đơn. Hắn tốt với tôi và chúng tôi - chúng tôi làm tình với nhau. Một người bạn gái của tôi đã cho tôi hai thỏi cần sa. Tôi cũng chia xẻ với hắn một thỏi. Chúng tôi lại làm tình và tôi ngủ. Khi tôi thức dậy buổi sáng, hắn đi mất, nhưng cảnh sát đã ở đấy. Tôi trần truồng. Họ họ đứng xung quanh xem tôi mặc quần áo và đưa tôi đến cái chỗ địa ngục này. - Nàng lắc đầu tuyệt vọng. - Họ bảo tôi năm năm.
- Không, nếu tôi có thể giúp được.
Mary nghĩ đến điều Lucas Janklow đã nói với nàng khi nàng đi đến nhà giam. Bà chẳng có thể làm gì được cho cô ta cả, bà Đại sứ ạ. Trước đây chúng tôi đã thử rồi. Án năm năm đối với một người ngoại quốc là tiêu chuẩn đấy. Nếu cô ta là người Rumani, có lẽ họ sẽ lấy mạng cô đấy.
Mary nhìn Hannah Murphy nói:
- Tôi sẽ làm tất cả theo khả năng của tôi để giúp đỡ cô.
Mary đã xem báo cáo chính thức của Cảnh sát về việc bắt giữ Hannah Murphy. Nó được đại uý Aurel Istrase, trưởng ngành an ninh, ký tên. Nó ngắn gọn và không có thể giúp gì được, nhưng chẳng nghi ngờ gì về tội trạng của cô gái cả. Mình sẽ phải tìm cách khác, - Mary nghĩ thế. Aurel Istrase. Tên nghe quen thuộc. Nàng nhớ lại hồ sơ mật mà James Stickley đã cho nàng xem tại Washington. Trong đó có một điều gì đấy về đại uý Istrase. Một điều gì đấy về… nàng nhớ lại.
Mary thu xếp để họp với vị đại uý sáng hôm sau.
- Bà mất thời giờ thôi! - Mike Slade trắng trợn bảo nàng. - Istrase là một quả núi. Không thể lay chuyển ông ta được đâu.
Aurel Istrase là một người đàn ông lùn, nước da ngăm đen với một khuôn mặt đầy sẹo, đầu láng bóng và những chiếc răng biến màu. Trước kia trong nghề nghiệp của ông ta, có người đã làm gãy mũi ông ta và nó không chịu lành lặn một cách thích hợp. Istrase đã đến Toà đại sứ dự hội nghị.
Ông ta tò mò về tân Đại sứ Hoa Kỳ.
- Bà muốn nói chuyện với tôi à, thưa bà Đại sứ?
- Vâng, cám ơn ông đã đến đây. Tôi muốn thảo luận về trường hợp của Hannah Murphy!
- À, vâng. Người bán rong ma tuý. Tại Rumani, chúng tôi có những luật lệ nghiêm ngặt về những người bán ma tuý. Họ bị tù!
- Tuyệt đấy, - Mary bảo - Tôi hài lòng được biết điều ấy. Tôi mong rằng chúng tôi có được những luật lệ nghiêm ngặt hơn tại Hoa Kỳ.
Istrase trố mắt nhìn nàng, hoang mang.
- Vậy là bà đồng ý với tôi à?
- Tuyệt đối. Bất cứ ai bán ma tuý đều bị giam. Tuy nhiên, Hannah Murphy không bán ma tuý. Cô ta đưa cho tình nhân của cô ta một ít cần sa thôi!
- Cũng vậy thôi. Nếu…
- Không hoàn toàn, thưa đại uý. Tình nhân của cô ta là một trung uý trong lực lượng cảnh sát của ngài. Ông ta cũng hút cần sa nữa. Ông ta có bị phạt không?
- Tại sao ông ấy phải bị phạt? Ông ấy chỉ đơn thuần thu thập bằng chứng về một hành động tội phạm.
- Trung uý của ngài có một vợ, ba con phải không?
Đại uý Istrase cau mày.
- Vâng. Cô gái Mỹ dụ ông ta vào giường!
- Thưa đại uý - Hannah Murphy là một cô gái 19 tuổi. Trung uý của ngài 45. Thế thì ai dụ dỗ ai?
- Tuổi tác không liên quan đến việc này, - vị đại uý ngoan cố nói.
- Vợ của vị trung uý có biết về việc gian díu của chồng bà ấy không?
Đại uý Istrase trố mắt nhìn nàng:
- Tại sao bà ta biết được?
- Bởi vì tôi nghe việc đó như là một trường hợp gài bẫy rõ ràng. Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên công bố cả sự việc này. Báo chí quốc tế sẽ bị mê hoặc đấy.
- Sẽ không có vấn đề ấy đâu. - Ông ta nói.
Nàng tấn công đối thủ:
- Bởi sự kiện là ông trung uý là con rể của ngài phải không?
- Chắc chắn là không, - vị đại uý giận dữ nói. - Tôi chỉ muốn thi hành công lý.
- Tôi cũng thế, - Mary quả quyết với ông ta.
Theo hồ sơ nàng đã xem, người con rể có biệt tài làm quen với các du khách trẻ - đàn ông hoặc phụ nữ - để ngủ với họ và đề nghị những địa điểm mà họ có thể buôn bán chợ đen hoặc mua ma tuý rồi tố cáo họ.
Mary nói bằng một giọng hoà giải:
- Tôi thấy không cần cho con gái ngài biết về cách cư xử của chồng bà ấy. Tôi nghĩ rằng điều tốt hơn nhiều cho tất cả những người liên can là ông nên lặng lẽ thả Hannah Murphy ra và tôi đưa cô ta về lại Hoa Kỳ. Ngài có ý kiến gì không, đại uý?
Ông ta ngồi đấy, cáu kỉnh và suy nghĩ kỹ:
- Bà là một phụ nữ rất hay đấy! - cuối cùng ông ta nói.
- Cám ơn ngài. Ngài là một người đàn ông rất hay đấy. Chiều nay tôi mong có được cô Murphy tại văn phòng tôi. Tôi sẽ lo cho cô ta lên chuyến phi cơ đầu tiên rời Bucarest.
Ông ta nhún vai:
- Tôi sẽ sử dụng ảnh hưởng nhỏ nào mà tôi có được.
- Tôi chắc ngài sẽ làm được đấy, đại uý Istrase ạ. Cám ơn ngài.
Sáng hôm sau, một cô Hannah Murphy biết ơn lên đường về xứ.
- Bà đã làm thế nào vậy? - Mike Slade hỏi, có vẻ không tin.
- Tôi đã nghe theo lời khuyên của ông. Tôi đã mê hoặc ông ta.


Chương 20

Ngày Tim và Beth bắt đầu đi học, Mary nhận một cú điện thoại lúc 5 giờ sáng của Toà đại sứ rằng một NIACT - một công điện hành động đêm đã đến và đòi hỏi được trả lời ngay. Đấy là khởi đầu của một ngày dài bận rộn và lúc Mary trở về dinh, đồng hồ đã chỉ hơn 7 giờ. Con nàng đang đợi nàng.
- À - Mary hỏi, - học hành thế nào đấy?
- Con thích, - Beth đáp. - Mẹ biết là ở đấy có trẻ con của hai mươi quốc gia khác nhau không? Có một thằng bé Ý gọn gàng cứ trố mắt nhìn con suốt giờ học. Đấy là một trường học vĩ đại.
- Họ có một phòng thí nghiệm khoa học xuất sắc, - Tim nói thêm. - Ngày mai chúng con sẽ mổ một con ếch Rumani ra.
- Lạ thật, - Beth nói. - Họ đều nói tiếng Anh bằng một giọng thật buồn cười.
- Chl nên nhớ rằng, - Mary bảo con nàng, - khi ai đấy có một giọng buồn cười điều đó có nghĩa là hắn biết hơn các con một ngôn ngữ. Mà thôi, mẹ hài lòng vì các con chẳng có vấn đề gì cả.
Beth nói:
- Không, Mike lo cho chúng con đấy.
- Mike Slade có liên quan gì đến chuyện đi học của các con thế?
- Chú ấy không bảo với mẹ à? Chú ấy cho chúng con lên xe, đưa chúng con đến đấy, đưa chúng con vào giới thiệu chúng con với các thầy cô giáo đấy!
- Chú ấy cũng biết nhiều trẻ con ở đấy nữa, - Tim nói. - Và chú ấy giới thiệu chúng con với chúng nó. Mọi người đều thích chú ấy. Chú ấy thật là một người cẩn thận.
- Hơi quá cẩn thận một tí, - Mary nghĩ thế.
Sáng hôm sau, khi Mike bước vào văn phòng Mary, nàng lên tiếng:
- Tôi biết rằng ông đã đưa Beth và Tim đi học.
Ông ta gật đầu.
- Các thiếu niên khó lòng điều chỉnh ở nước ngoài. Chúng nó là những đứa trẻ tốt đấy!
- Ông ta có con không? - Mary bỗng nhận ra nàng biết rất ít về đời tư của Mike Slade. Có lẽ tốt hơn nên như thế, - nàng quyết định. - Ông ta định xem mình thất bại mà. Nàng định phải thành công.
Chiều thứ bảy, Mary đưa con nàng đến câu lạc bộ ngoại giao riêng, nơi các người trong cộng đồng ngoại giao họp nhau để mạn đàm.
Lúc Mary nhìn qua sân trong, nàng trông thấy Mike Slade đang uống rượu với ai đấy và khi người phụ nữ quay lại, Mary nhan ra đấy là Dorothy Stone. Mary cảm thấy sững sờ trong giây lát. Có vẻ dường như người bí thư của nàng đang cộng tác với kẻ thù. Nàng tự hỏi liệu Dorothy và Mike Slade thân nhau như thế nào. Mình nên cẩn thận, không nên tin tưởng bà ấy quá nhiều. - Mary nghĩ thế. - Hoặc bất kỳ ai cũng thế.
Harriet Kruger đang ngồi riêng tại một chiếc bàn. Mary bước đến. - Bà có phiền nếu tôi cùng ngồi không?
- Rất hân hạnh. - Harriet rút ra một bao thuốc lá Mỹ. - Bà hút thuốc chứ?
- Cám ơn, không. Tôi không hút.
- Một người không thể sống được ở xứ này nếu không có thuốc lá, - Harriet nói.
- Tôi không hiểu.
- Một trăm gói Kent mềm làm cho nền kinh tế phát triển đấy. Tôi muốn nói - theo nghĩa đen. Nếu bà muốn gặp bác sĩ, bà cho y tá thuốc lá. Nếu bà cần một mậu dịch viên bán thịt cho bà, một thợ máy để sửa xe của bà hoặc một thợ điện để sửa một ngọn đèn - bà hối lộ họ bằng thuốc lá. Tôi có một người bạn Ý cần một cuộc phẫu thuật nhỏ.
Người ấy đã phải hối lộ cô y tá trực để dùng một lưỡi dao mới và phải hối lộ các cô y tá khác để băng lại bằng nhũng chiếc bãng mới sau khi họ rửa sạch các vết thương thay vì dùng lại tất cả các chiếc bãng cũ.
- Nhưng tại sao?
Harriet Kruger nói:
- Nước này thiếu băng và mọi loại thuốc bà có thể gọi tên đến. Cũng giống mọi nơi trong khối Đông Âu. Tháng trước có một cơn dịch ngộ độc thịt tại Đông Đức. HỌ đã phải lấy tất cả sérum kháng sinh của phương Tây đấy.
- Và người dân chẳng có cách nào để than phiền cả? - Mary lên tiếng phê bình.
- Ồ, họ có cách đấy. Bà đã nghe đến Bula chưa?
- Chưa!
- Hắn là một nhân vật huyền thoại mà người Rumani dùng để xả hơi. Có một câu chuyện kể là một số người đang đứng xếp hàng để mua thịt vào một ngày nào đấy và cái hàng ấy hầu như chẳng nhúc nhích tí nào cả. Sau năm tiếng đồng hồ, Bula nổi điên bảo "Tôi sẽ đến dinh và giết Ionescu?" Hai giờ sau, hắn trở lại hàng và bạn bè hắn hỏi. "Việc gì thế? bạn đã giết ông ta chứ?" Bula bảo "Không, ở đấy cũng có một hàng dài nữa".
Mary bật cười.
Harriet Kluger nói.
- Bà có biết một trong những món hàng chợ đen ở đây là gì không? Video cassette ở bên mình đấy.
- Họ thích xem phim của chúng ta à?
- Không đâu - họ quan tâm đến những quảng cáo thương mại. Tất cả những đồ đạc của chúng ta cho là tất nhiên - máy giặt, máy hút bụi, xe hơi, truyền hình - những thứ ấy quá tầm tay với của họ. Họ say mê chúng. Khi phim bắt đầu chiếu là họ có mặt ngay!
Mary nhìn lên đúng lúc trông thấy Mike Slade và Dorothy Stone rời câu lạc bộ. Nàng thầm thàc mắc không biết họ đi đâu.
Đêm đến, khi Mary về nhà sau một ngày dài khó nhọc tại Toà đại sứ, nàng chỉ muốn đi tắm, thay quần áo và quên việc trong ngày. Tại Toà đại sứ, hình như mọi giây phút đều bị lấp đầy và nàng không bao giờ có một tí thì giờ nào cho riêng mình cả. Nhưng chẳng bao lâu, nàng nhận thấy dinh của nàng cũng tệ hại như thế. Mọi nơi Mary đi đều có gia nhân và nàng có cảm giác khó chịu rằng họ luôn luôn rình rập nàng.
Vào một đêm, nàng dậy lúc hai giờ sáng và xuống lầu để đến nhà bếp. Lúc nàng mở tủ lạnh, nàng nghe một tiếng động. Nàng quay lại và Mihai, người quản lý, mặc áo ngủ, và Rosica, Delia và Carmen đang đứng đấy.
- Thưa bà, tôi có thể lấy gì cho bà không? - Mihai hỏi.
- Chẳng có gì cả, - Mary nói. - Tôi chỉ muốn một tí gì để ăn thôi.
Cosma, người đầu bếp, bước vào và nói với một giọng bị tổn thương:
- Tất cả những gì bà làm là bảo tôi biết bà đang đói và tôi nên dọn một thứ gì đấy.
Họ đều trố mắt nhìn nàng có ý trách móc.
Mary nói, - Tôi không nghĩ rằng tôi đói thật sự. Cám ơn các người.
Và nàng thoát thân về lại phòng nàng.
Ngày hôm sau, nàng kể cho con nàng nghe điều đã xảy ra.
- Các con có biết.không, - nàng bảo Beth và Tim, - Mẹ có cảm giác như người vợ thứ nhì trong Rebecca đấy.
- Rebecca là gì thế? - Beth hỏi.
- Đấy là một cuốn sách đáng yêu mà có ngày các con sẽ đọc.
Khi Mary bước vào văn phòng, Mike Slade đang đợi nàng.
- Chúng ta có một chàng trai ốm mà tốt hơn, bà nên xem đến - Ông ta nói.
Ông ta đưa nàng đến một văn phòng nhỏ dưới hành lang. Trên giường là một người lính thuỷ quân lục chiến trẻ đang rên rỉ đau đớn.
- Việc gì đã xảy ra thế? - Mary hỏi.
- Tôi đoán là viêm ruột thừa!
- Vậy tốt hơn chúng ta nên đưa cậu ấy đến bệnh viện ngay.
Mike quay lại nhìn nàng.
- Không phải ở đây.
- Ông muốn nói gì thế?
- Hắn phải bay đến Rome hoặc Zurich.
- Buồn cười thật, - Mary đối chát lại. Nàng hạ thấp giọng để người lính không nghe được. - Ông không thấy được rằng cậu ta đau thế nào à?
- Buồn cười hoặc không khoan đã nói, nhưng chẳng có ai trong Toà đại sứ Mỹ đi đến một bệnh viện trong khối Đông Âu cả.
- Nhưng tại sao?
- Bởi vì chúng ta có thể bị tấn công. Chúng ta sẽ lệ thuộc vào chính quyền Rumani và bọn an ninh. Chúng ta có thể bị tác dụng của ether hoặc bị cho dủng thuốc mơ màng - họ có thể khai thác chúng ta đủ loại tin tức, đấy là quy luật của Bộ Ngoại giao - chúng ta phải đưa hắn đi.
- Tại sao Toà đại sứ của chúng ta không có bác sĩ riêng?
- Bởi vì chúng ta là Toà đại sứ hạng C. Chúng ta không có kinh phí cho bác sĩ riêng của chúng ta. Một bác sĩ Mỹ đến đây thăm chúng ta ba tháng một lần. Đồng thời, chúng ta có một dược sĩ cho các chứng đau nhẹ.
Mike bước đến một bàn giấy và nhặt một mảnh giấy.
- Chỉ cần ký vào đây là hắn sẽ được đưa đi thôi. Tôi sẽ thu xếp một chiếc máy bay đặc biệt cho hắn.
- Rất tốt. – Mary ký lên mảnh giấy. Nàng bước đến người lính thuỷ quân lục chiến còn trẻ và cầm tay hắn.
- Anh sẽ mạnh thôi, - nàng dịu dàng nói.
Hai giờ sau, người lính thuỷ quân lục chiến lên phi cơ đi Zurich.
Sáng hôm sau, khi Mary hỏi Mike về bệnh trạng của người lính thuỷ quân lục chiến trẻ, ông ta nhún vai:
- Họ đã phẫu thuật - ông ta lãnh đạm nói. - Hắn sẽ mạnh thôi.
- Thực là một con người lạnh lùng! - Mary nghĩ thế.
- Mình không biết có bao giờ ông ta xúc động về điều gì không?

Chương 21

Buổi sáng dù Mary đến Toà đại sứ lúc nào đi nữa, Mike Slade vẫn luôn luôn đến đấy trước nàng.
Nàng trông thấy ông ta tại rất ít buổi tiệc tại các Toà đại sứ và nàng có cảm giác rằng mỗi đêm ông ta có những lạc thú riêng.
Ông ta lúc nào cũng là một điều kinh ngạc. Một buổi chiều, Mary đồng ý Florian đưa Beth và Tim đi trượt băng tại công viên Floreasca. Mary rời Toà đại sứ sớm để gặp chúng nó và khi nàng đến nàng trông thấy Mike Slade đang ở đấy với chúng. Cả ba đang cùng nhau trượt băng, rõ ràng thật là vui vẻ.
Ông ta đang kiên nhẫn dạy hai đứa cách trượt hình số tám. - Mình phải cảnh giác trẻ con về ông ta, Mary nghĩ thế. Nhưng nàng không biết chắc nàng sẽ phải cảnh giác điều gì.
Sáng hôm sau khi Mary đốn văn phòng, Mike bước vào
- Một codel sẽ đến trong hai giờ nữa. Tôi nghĩ…
- Một codel à?
- Đấy là một chuyến thàm ngoại giao của một phái đoàn Quốc hội. Bốn thượng nghị sĩ với phu nhân và tuỳ tùng của họ. Họ mong bà đón họ. Tôi đã thu xếp một cuộc hẹn với chủ tịch Ionescu và bảo Harriet lo cho việc họ đi mua hàng và ngắm cảnh.
- Cám ơn ông.
- Bà dùng một chút cà phê tự pha của tôi chứ?
Nàng nhìn ông ta bước qua cửa ăn thông vào văn phòng ông ta. Một con người kỳ lạ. Gay gắt, thô lỗ. Nhưng lại kiên nhẫn với Beth và Tim.
Khi ông ta quay trở lại với hai tách cà phê, Mary nói:
- Ông có con không?
Câu hỏi là Mike sửng sốt.
- Tôi có hai đứa con trai.
- Ở đâu?
- Chúng được người vợ cũ của tôi nuôi dưỡng.
Ông ta đột nhiên chuyển đề tài.
- Chúng ta hãy xem thử tôi có thể thu xếp cuộc hẹn với Ionescu không?
Cà phê ngon thật. Sau này Mary phải nhớ lại rằng đây là ngày nàng nhận ra rằng uống cà phê với Mike Slade đã trở nên một lễ nghi buổi sáng.
***
Angel nhặt cô ta vào một buổi tối tại la Buca, gần bến cảng, nơi cô ta đang đứng cùng những cô "putas" khác, trong một chiếc áo cánh bó sát và một chiếc quần Jean bị cắt ở đùi phô bày cả đồ đạc ra. Cô ta trông không hơn 15 tuổi, không xinh nhưng điều ấy chẳng làm Angel bận tâm.
- Vámonos querida. Chúng ta sẽ đùa với nhau chứ?
Cô gái sống trong một gian nhà không có thang máy, rẻ tiền gần đấy chỉ có một phòng duy nhất dơ bẩn với một chiếc giường, hai chiếc ghế, một ngọn đèn và một cái chậu.
- Hãy cởi đồ ra, estrehta. Tôi muốn xem cô khoả thân.
Cô gái do dự. Có một cái gì đấy ở Angel làm nàng hoảng sợ. Nhưng hôm ấy là một ngày buồn tẻ và cô gái hoặc phải mang tiền về cho Pepe hoặc sẽ bị đánh đập. Cô gái từ từ cởi quần áo.
Angel đứng nhìn. Chiếc áo cánh được cởi ra rồi đến chiếc quần Jean. Cô gái chẳng mặc gì bên trong cả. Thân thể nàng xanh xao và ốm.
- Giữ lại đôi giầy. Hãy đến đây và quỳ xuống.
Cô gái vâng lời.
- Bây giờ đây là điều tôi muốn cô làm.
Cô gái lắng nghe và nhìn lên bằng đôi mắt kinh hoàng.
- Em chưa bao giờ làm…
Angel đá vào đầu cô ta. Cô gái nằm trên sàn nhà rên rỉ. Angel nắm tóc lôi dậy và ném lên giường. Khi cô gái vừa la lên, Angel đấm mạnh vào mặt. Cô rên rỉ.
- Tốt. - Angel nói, - Tôi muốn nghe cô rên rỉ.
Một quả đấm mạnh vào mũi cô gái làm mũi gãy. Khi Angel xong việc với cô ta 30 phút sau, cô gái nằm trên giường, bất tỉnh.
Angel mỉm cười nhìn xuống thân thể dập nát của cô gái và ném lên giường ít đồng pesos.
- Gracias.
***
Mary cố gắng tìm mọi giây phút có thể được để sống bên cạnh con nàng. Chúng nó đi ngắm cảnh nhiều. Có hàng chục viện bảo tàng và nhà thờ cổ để viếng thăm, nhưng đối với con nàng, cảnh nổi bật nhất là chuyến đi Brasow, lâu đài Dracula, toạ lạc tại trung tâm Transylvania, cách Bucarest một trăm dặm.
- Vị bá tước thực sự là một ông hoàng đấy! - Florian thốt lên trong chuyến đi. - Ông hoàng Vlad Tepes. Ông ta là một vị anh hùng vĩ đại đã chặn đứng cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ.
- Cháu đã nghĩ rằng ông ta chỉ thích hút máu và giết người thôi! - Tim lên tiếng.
Florian gật đầu.
- Ừ không may, sau chiến tranh, quyền lực của Vlad tập trung lên đầu ông ta. Ông ta trở thành nhà độc tài và cắm kẻ thù lên những chiếc cọc. Huyền thoại cho rằng ông ta là một con quỷ hút máu. Một người Irland tên là Bram Stoker, viết một quyển sách căn cứ trên chuyện hoang đường ấy. Một quyển sách ngốc nghếch, nhưng nó đã gây kinh ngạc cho du khách!
Lâu đài Bram là một toà lâu đài bằng đá to lớn cao trên núi. Họ đều kiệt sức lúc họ leo những bậc cấp bằng đá dốc dẫn lên lâu đài. Họ đi vào một phòng trần thấp đựng súng ống và những món đồ cổ.
- Đây là nơi Bá tước Dracula sát hại nạn nhân của ông ta và uống máu họ - người hướng dẫn lên tiếng bằng một giọng lạnh lẽo như trong nhà mồ.
Căn phòng ẩm ướt và kỳ quái. Một mạng nhện quét vào mặt Tim.
- Con không kinh hãi điều gì cả, - nó bảo mẹ nó, - Nhưng chúng ta không thể ra khỏi đây à?
***
Cứ mỗi tuần, một chiếc C130 của không lực Mỹ đáp xuống sân bay nhỏ ở ngoại ô Bucarest.
Chiếc phi cơ chở đầy thức ăn và những vật dụng xa xỉ không có tại Bucarest đã được các nhân viên Toà đại sứ Mỹ hỏi mua qua sĩ quan quân nhu tại Frankfurt.
Một buổi sáng, trong lúc Mike và Mary đang uống cà phê, Mike bảo:
- Hôm nay, chiếc phi cơ quân nhu của chúng ta sẽ đến. Tại sao bà không đi một chuyến ra sân bay với tôi nhỉ?
Mary bắt đầu từ chối. Nàng có nhiều việc phải làm và hình như đấy là một lời mời nhạt nhẽo. Tuy nhiên, Mike Slade không phải là một con người chịu phí thời giờ. Sự tò mò của nàng làm nàng thay đổi ý kiến.
- Được thôi!
Họ lái xe đến sân bay và trên đường đi thảo luận các vấn đề khác nhau mà Toà đại sứ phải đối phó. Câu chuyện được giữ ở mức độ trỏng trỏng, lạnh nhạt.
Khi họ đến sân bay, một trung sĩ thuỷ quân lục chiến võ trang mở một cái cổng để chiếc xe hòm đi qua. Mười phút sau, họ nhìn thấy chiếc C130 đáp xuống.
Sau hàng rào, trên vành đai sân bay, hàng trăm người Rumani đã tụ tập. Họ nhìn thèm thuồng trong lúc phi hành đoàn bắt đầu khuân đồ ra khỏi phi cơ.
- Đám người ấy làm gì ở đây thế?
- Mơ mộng. Họ đang xem một số đồ vật mà họ không bao giờ có thể có được. Họ biết chúng ta nhận thịt nướng, xà phòng và nước hoa. Ở đây luôn luôn có một đám đông khi phi cơ hạ cánh. Đấy là một loại điện tín bí mật huyền bí.
Mary quan sát những khuôn mặt thèm thuồng sau hàng rào.
- Thât không tin được.
- Đối với họ chiếc phi cơ ấy là một vật tượng trưng. Nó không chỉ là chiếc tàu chở hàng - nó đại diện cho một nước tự do săn sóc công dân mình.
Mary quay lạị nhìn ông ta.
- Tại sao ông đưa tôi đến đây nhỉ?
- Bởi vì tôi không muốn bà bị mê hoặc bởi câu chuyện ngọt ngào của chủ tịch Ionescu đấy. Đây là Rumani thực sự đấy!
Mỗi buổi sáng khi Mary đi làm, nàng nhận thấy một hàng dài những người bên ngoài cổng đợi vào ban lãnh sự của Toà đại sứ. Nàng mặc nhiên cho rằng họ là những người có những vấn đề nhỏ hy vọng được lãnh sự giải quyết. Nhưng và buổi sáng đặc biệt này, nàng đến cửa sổ để nhìn kỹ hơn và những nét mặt mà nàng nhìn thấy đã buộc nàng bước vào văn phòng của Mike.
- Tất cả những người xếp hàng đợi bên ngoài ấy là ai nhỉ?
Mike đi với nàng đến bên cửa sổ.
- Hầu hết họ là những người Rumani gốc Do Thái đấy. Họ đang đợi nộp đơn xin thị thực di dân đấy.
- Nhưng có một Toà đại sứ Do Thái tại Bucarest rồi. Tại sao họ không đến đấy?
- Hai lý do! - Mike giải thích. - Trước tiên, họ nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ có cơ hội lớn đề giúp đỡ họ đến Israel hơn là chính phủ Israel. Và thứ nhì, họ nghĩ rằng có ít cơ hội cho những người an ninh Rumani tìm ra ý định của họ, nếu đến với chúng ta. Họ nhầm, dĩ nhiên! - ông ta chỉ ra cửa sổ.
- Có một gian nhà ngay bên kia Toà đại sứ có nhiều căn hộ đầy các nhân viên dùng các ống kính viễn vọng chụp ảnh tất cả mọi người ra vào Toà đại sứ!
- Kinh khủng thật!
- Đấy là cách chơi của họ. Khi một gia đình Do Thái làm đơn xin thị thực di dân, họ mất thẻ làm việc màu xanh của họ và họ bị đuổi ra khỏi nhà. Láng giềng của họ được chỉ thị phải quay lưng với họ. Rồi phải mất từ ba đến bốn năm, chính phủ mới chịu cho họ biết họ sẽ được cấp giấy xuất cảnh không có câu trả lời thường là không!
- Chúng ta không thể làm gì được về việc ấy à?
- Lúc nào chúng ta cũng nỗ lực. Nhưng Ionescu thích chơi trò mèo chuột với người Do Thái. Rất ít người trong bọn họ từng được phép rời khỏi nước.
Mary nhìn ra những vẻ mặt tuyệt vọng của họ.
- Phải có một cách nào đó - Mary nói.
- Đừng thương tâm, - Mike bảo nàng.
***
Vấn đề múi giờ thật là mệt, khi tại Washington là ngày, tại Bucarest là nửa đêm, và Mary thường xuyên bị thức giấc vì các điện tín và các cú điện thoại vào ba bốn giờ sáng. Mỗi lần có một công điện đến, người thuỷ quân lục chiến trực tại Toà đại sứ sẽ gọi sĩ quan trực nhật. Anh ta sẽ cho một người phụ tá tham mưu đến dinh đánh thức Mary dậy. Sau đó, nàng sẽ bị căng thẳng khó ngủ lại.
- Thực là thú vị, Edward ạ. Em thật sự nghĩ rằng em có thể làm được một điều gì khác ở đây.
Dù sao, em đang cố gắng. Em không chịu nổi sự thất bại. Mọi người đang trông cậy vào em. Em ước gì có anh đây để nói "Em có thể làm được, bà bạn ơi, - Em nhớ anh quá. - Anh có thể nghe em không, Edward? Có phải anh đang ở đâu đây mà em không thể thấy anh không? Đôi khi việc không biết được câu trả lời làm em muốn điên loạn…
***
Họ đang uống cà phê buổi sáng.
- Chúng ta có một vấn đề! - Mike bắt đầu.
- Vâng!
- Một phái đoàn gồm một chục giáo sĩ giáo hội Rumani muốn gặp bà. Chính phủ Rumani sẽ không cấp cho họ chiếu khán xuất cảnh đâu!
- Tại sao không?
- Rất ít người Rumani được phép rời khỏi đất nước. Họ có một câu chuyện đùa về ngày Ionescu lên cầm quyền. Ông ta đến cánh đông của dinh và trông thấy mặt trời mọc "Chào bạn Mặt Trời! Ionescu nói. "Chào ngài" - Mặt trời nói. "Mọi người đều thật sung sướng vì ngài là tân chủ tịch của Rumani". Chiều hôm ấy, Ionescu đến cánh tây dinh để xem mặt trời lặn. "Chào bạn Mặt Trời". Mặt Trời không trả lời. "Sao sáng này bạn nói với tôi thật tử tế và bây giờ bạn chẳng nói năng gì với tôi thế?". "Bây giờ tôi đang ở phương Tây, - Mặt Trời đáp. - Ông cút đi!" - Ionescu sợ rằng một khi họ ra đi, hàng giáo phẩm sẽ bảo chính phủ cút đi đấy.
- Tôi sẽ nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao và xem thử tôi có thể làm được gì?
Mike đứng dậy.
- Bà có thích ca múa quần chúng không? - ông ta hỏi.
- Tại sao!
- Tối nay có một buổi khai mạc của một đoàn khiêu vũ Rumani. Người ta cho rằng họ khá hay đấy! Bà có thích đi không?
Mary sửng sốt. Điều cuối cùng mà nàng đã mong đợi là Mike mời nàng đi chơi.
Và bây giờ, còn khó tin hơn, nàng thấy mình trả lời:
- Vâng!
- Tốt - Mike trao cho nàng một phong bì nhỏ. - Ở đây có ba vé. Bà có thể mang Beth và Tim theo, xã giao của chính quyền Rumani đấy. Chúng tôi nhận được vé đến dự hầu hết các buổi khai mạc của họ.
Mary ngồi đấy, mặt nàng đỏ rần, cam thấy mình như một người đần độn.
- Cám ơn ông! - nàng ngượng ngùng nói.
- Tôi sẽ cho Florian đưa bà đi lúc 8 giờ, Beth và Tim không thích đến rạp hát. Beth đã mời một bạn học đến ăn tối.
- Đấy là người bạn Ý của con - Beth nói. - Được chứ?
- Nói thực nhé, con thực sự không bao giờ thích ca múa quần chúng cả, - Tim thêm vào.
Mary cười.
- Được rồi. Lần này, mẹ sẽ không móc chúng con theo đâu nhé.
Nàng tự hỏi không biết con nàng có cô đơn như nàng không. Nàng nghĩ xem có thể mời ai cùng đi với nàng. Nàng dò danh sách trong trí: đại tá Mc Kinney, Jerry Davis, Harriet Kruger? Chẳng có ai nàng thực sự muốn đi cùng cả. Mình sẽ đi một mình, - nàng quyết định.
Florian đang đợi Mary khi nàng bước ra cửa trước.
- Chào bà Đại sứ - ông ta cúi đầu và mở của.
- Florian, tối nay ông vẻ rất vui đấy!
Ông ta cười toe toét.
- Lúc nào tôi cũng vui cả.
- Thưa bà - ông ta đóng cửa và ngồi sau tay lái. - Những người Rumani chúng tôi có một câu nói: Hãy hôn bàn tay mà bạn không cắn được.
Mary quyết định sử dụng cơ hội:
- Ông sống ở đây có hạnh phúc không, Florian?
Ông ta quan sát nàng trong kính chiếu hậu.
- Tôi phải cho bà một câu trả lời theo đường lối các bữa tiệc chính thức không, thưa bà Đại sứ, hoặc bà có thích nghe sự thật không?
- Xin vui lòng nói sự thật.
- Tôi có thể bị bắn vì nói điều này, nhưng chẳng có người Rumani nào ở đây được hạnh phúc cả. Chỉ có người ngoại quốc thôi. Bà có thể đến và đi tuỳ ý. Chúng tôi là tù nhân. Ở đây chẳng có gì đầy đủ cả!
Họ lái xe qua một hàng người dài trước một cửa hàng thịt.
- Bà thấy không? Họ sẽ đợi trong hàng ba hoặc bốn giờ nữa mới có được một hai miếng thịt cừu và nửa số người sẽ thất vọng. Mọi thứ đều như vậy cả. Nhưng bà có biết Ionescu đã giấu bao nhiêu nhà không? 12 đấy? Tôi đã lái xe đưa nhiều viên chức Rumani đến đấy. Mỗi cái như một dinh thự. Cùng lúc ấy, ba hoặc bốn gia đình bị buộc phải chung sống với nhau trong những gian phòng nhỏ không có nhiệt!
Florian đột nhiên dừng lại, dường như sợ rằng mình đã nói nhiều chuyện quá.
- Bà sẽ không nói đến câu chuyện này chứ?
- Dĩ nhiên là không!
- Cám ơn bà. Tôi không thích để vợ tôi thành quả phụ. Nàng còn trẻ. Và Do Thái!
Mary đã biết điều ấy.
- Có một câu chuyện về một cửa hàng được hứa hẹn có trứng tươi. Lúc 5 giờ sáng, một hàng người dài đợi trong khí hậu lạnh băng. Lúc 8 giờ, trứng vẫn chưa tới và cái hàng đã dài thêm ra. Người chủ lên tiếng nói, "Sẽ không có đủ cho mọi người đâu". Người Do Thái có thể đi được. Đến hai giờ chiều, trứng vẫn chưa tới và hàng còn dài hơn nữa. Chủ tiệm bảo "Những người không vào Đảng đi đi". Đến nửa đêm, hàng vẫn đợi trong trời giá lạnh. Chẳng có trứng. Chủ tiệm khoá cửa hiệu và bảo "Chẳng có gì thay đổi cả. Người Do Thái lúc nào cũng được ưu tiên mọi điều tốt nhất!".
Mary không biết nên cười hay nên khóc. Nhưng mình sẽ làm một điều gì đấy với việc ấy, - nàng tự hứa với mình.
Rạp hát nhân dân ở trên đường Rapspdia Romana, một đường phố náo nhiệt đầy những quầy hàng bán hoa, ép plastic, áo cánh và bút viết.
Rạp hát nhỏ và trang trí công phu, một di tích của những ngày còn thanh bình. Bản thân cuộc biểu diễn văn nghệ phiền phức, y phục loè loẹt và các diễn viên vũ đều bất tài. Cuộc trình diễn có vẻ như không thể chấm dứt được và khi cuối cùng nó kết thúc, Mary hài lòng thoát vào không khí ban đêm.
Florian đang đứng cạnh chiếc xe hòm trước mặt rạp hát.
- Tôi e sẽ bị trễ thưa bà Đại sứ. Một bánh xe xẹp. Và một kẻ cắp đã lấy mất bánh xơ-cua. Tôi đã gửi mua một cái. Nó sẽ đến đây trong một giờ nữa. Bà có thích đợi trong xe không?
Mary nhìn lên mặt trăng tròn chiếu sáng trên cao. Buổi tối sảng khoái và trong trẻo. Nàng nhận ra nàng chưa đi bộ trên đường phố Bucarest từ lúc nàng đến. Nàng thực hiện một quyết định bất ngờ.
- Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi bộ về dinh!
Ông ta gật đầu.
- Thật là một buổi tối đáng yêu đế đi bộ!
Mary quay lại và bắt đầu đi dọc theo con phố về hướng Quảng trường Trung ương. Bucarest là một thành phố lạ, hấp dẫn. Trên các góc đường có những bảng hiệu bí mật: Tuten… Gospodina… Chimice…
Nàng đi bộ theo đại lộ Mosilor và rẽ sang đường Piata Rosetly, nơi có những chiếc xe điện đỏ sẫm đầy những người. Ngay cả vào giờ khuya này, đa số các cửa hiệu còn mở và tất cả đều có những hàng người dài. Các quán cà phê dọn gogoase, bánh rán ngon của Rumani. Các vỉa hè đông đúc những người đi mua hàng khuya mang theo những chiếc "pungas" những chiếc túi đựng hàng có dây.
Mary thấy hình như dân chúng yên tĩnh một cách đáng ngại. Hình như họ đang trố mắt nhìn nàng, phụ nữ thèm thuồng nhìn vào bộ đồ nàng đang mặc. Nàng bắt đầu bước đi nhanh hơn. Khi nàng đến góc đường Calea Victoric, nàng dừng lại phân vân không biết phải theo hướng nào. Nàng nói với một người qua đường:
- Xin lỗi, ông có thể cho tôi biết làm cách nào để đến…
Ông ta ném cho nàng cái nhìn nhanh và hoảng sợ rồi vội vã bỏ đi.
Họ không được nói chuyện với người ngoại quốc, - Mary nhớ lại.
Làm sao nàng có thể về lại được? Nàng cố gắng hình dung con đường mà Florian đã đưa nàng đi đến đây. Nàng thấy hình như dinh của nàng ở đâu đấy về phía đông. Nàng bắt đầu đi về hướng ấy. Chẳng bao lâu nàng đi trên một con đường phụ nhỏ, sáng mờ mờ. Xa xa, nàng có thể trông thấy một đại lộ rộng, sáng rực.
Mình có thể tìm được một cái taxi ở đấy, - Mary suy nghĩ một cách nhẹ nhõm.
Ô kìa, có tiếng chân nặng về phía sau lưng nàng và nàng quay lại một cách vô thức. Một người đàn ông to lớn mặc áo khoác đang tiến nhanh về phía nàng. Mary bước đi nhanh hơn.
- Xin lỗi, - người đàn ông gọi lớn bằng một âm Rumani nặng.
- Bà lạc đường à?
Nàng thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ ông ta là một loại cảnh sát nào đấy. Có lẽ ông ta đã theo nàng để chắc chắn nàng được an toàn.
- Vâng - Mary nói một cách biết ơn. - Tôi muốn trở về…
Bất ngờ có tiếng động cơ và âm thanh của một chiếc xe chạy nhanh đến sau lưng nàng và rồi tiếng thắng rít khi chiếc xe rú lên và dừng lại. Người bộ hành trong chiếc áo khoác chộp lấy Mary. Nàng có thể ngửi thấy được hơi thở hôi hám, nóng của hắn và cảm thấy những ngón tay to mập của hắn bóp chặt lấy cổ tay nàng. Hắn bắt đầu đẩy nàng về cùa xe mở sẵn. Mary vùng vẫy để thoát ra…
- Vào trong xe! - Gã đàn ông gầm lên.
- Không! - Nàng thét lên - Cứu... cứu tôi với!
Có một tiếng hét từ bên kia đường và một bóng người chạy nhanh về phía họ. Người đàn ông dừng lại không rõ phải làm gì.
Người lạ thét lên;
- Thả bà ấy ra!
Ông ta chộp lấy gã đàn ông mặc áo khoác và kéo hắn ra khỏi Mary. Nàng bỗng cảm thấy đột nhiên được tự do. Gã đàn ông ngồi sau tay lái bắt đầu lao ra khỏi xe để giúp đồng bọn.
Từ xa xa vang đến âm thanh của một chiếc còi báo động đang đến gần. Gã đàn ông mặc áo khoác gọi bạn hắn và cả hai nhảy lên xe chạy mất.
Một chiếc xe trắng bên hông có đề chữ "Dân Quân" và một ngọn đèn xanh nhấp nháy trên mui, dừng lại trước mặt Mary. Hai người mặc quân phục nhảy xuống.
Bằng tiếng Rumani, một người lên tiếng hỏi:
- Bà không việc gì chứ? - Và rồi bằng tiếng Anh ngập ngừng - Việc gì đã xảy ra thế?
Mary cố gắng lấy lại bình tĩnh.
- Hai người đàn ông… họ… họ định buộc tôi vào xe họ. Nếu,… nếu không có ông này…
Nàng quay lại.
Người lạ đã đi mất.


Nguồn: http://www.sahara.com.vn/