4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C31-33)

Chương 31: Chiến tranh

Gương đã vỡ, cơn giận dữ của Bonaparte với Whitworth tương đương với một lời tuyên chiến.

Và quả nhiên kể từ lúc đó, nước Anh dù đã cam kết trả Malte, lại quyết giữ lại. Thật bất hạnh là thời đó nước Anh lại có một trong những Bộ trung gian áp đặt những động thái quan trọng nhất không phải vì lợi ích quốc gia mà đại diện cho ý kiến đa số.

Đó là Bộ của Addington và Hawkesbury. Vua Georges Đệ tam nước Anh là một vị trí đặc biệt giữa bộ của ngài Pitte và bộ của ngài Fox. Đức vua thường có chung quan điểm với ngài Pitte nhưng lại không hợp tính ông ta. Ngược lại, đức vua hợp tính ngài Fox nhưng lại bất đồng quan điểm chính trị, chính vì lẽ đó, đức vua không ngả về bên nào trong hai phe đối địch ấy mà giữ lại bộ Addington bên mình.

Ngày 11 tháng Năm, đại sứ Anh quốc đến xin rút về nước.

Chưa từng có cuộc ra đi nào lại gây ấn tượng như sự ra đi của Whitworth. Từ lúc người ta biết tin ông xin lại hộ chiếu, đã có vài trăm người đến đại sứ quán từ sáng tới tối.

Cuối cùng, người ta cũng thấy xe của ông đi ra. Vì ai cũng biết ông đã làm tất cả những gì có thể để như kéo nền hoà bình nên chuyến ra đi ấy được dành những tình cảm nồng hậu.

Về phần Bonaparte, cũng giống như tất cả những con người thiên tài khác, một khi đã quyết định giữ hoà bình tức là ông đã lường trước tất cả những ích lợi mà nước Pháp được hưởng.

Giờ đây, khi đột ngột xoay sang con đường ngược lại, ông tự nhủ rằng, dù không là người làm được điều tốt đẹp cho nước Pháp và thế giới, thì cũng phải làm nên một bất ngờ. Mối ác cảm thường trực với nước Anh giờ đây biến thành cơn giận dữ vượt ngưỡng và đầy dự định lớn lao. Ông tính khoảng cách từ Calais đến Douvres, đó chỉ ít cũng là khoảng cách phải vượt qua khi đi ngang Saint-Bernard và ông tự nhủ nếu giữa mùa đông thì không đi nhanh, mặt nước đóng băng còn những núi tuyết không vượt qua nổi nữa, tất cả chỉ là vấn đề giao thông và nếu ông có nhiều tàu để dẫn qua nước kia eo biển một đội quân khoảng mười lăm vạn quân thì việc chinh phục nước Anh cũng không khó hơn việc chinh phục Italie. Ông đưa mắt ra xung quanh để xem hiện tại, ông có thể trông cậy vào ai và lo ngại ai. Tổ chức Philadelphes còn nằm trong bí mật. Song Concordat đang khơi lên mối thù hằn của những tướng lĩnh Cộng hoà. Tất cả những tông đồ lý tính mà người ta quen gọi là Dupuis, Mong và Berthollet vẫn chưa sẵn sàng, họ đã bắt đầu nhận ra thiên chất của Chúa, và một nửa thiên chúa của Giáo hoàng. Với phẩm chất của người Italie, Bonaparte dù không sùng đạo những cũng khá mê tín. Ông tin vào các điềm báo, các linh cảm. Ông thường nói đến tôn giáo khi ở phòng Joséphine bởi đôi khi ông sợ có người nghe theo lý thuyết thái quá của mình.

Một buổi tối, Monge bảo ông:

- Thưa ngài Tổng tài, tuy vậy cần phải hy vọng rằng chúng ta sẽ không trở lại với những phiếu xưng tội chứ.

- Chẳng cần phải quy kết gì hết - Bonaparte lạnh lùng trả lời.

Và trên thực tế, nếu hiệp ước Concordat đã giúp Bonaparte xích lại với giáo hội thì ông lại có vấn đề khác với một bộ phận quân đội. Ông mang đến cho tổ chức Philadelphes một hy vọng trong khi họ lại tưởng thời điểm hành động đã đến. Do đó mà một cuộc mưu phản được tổ chức chống lại Tổng tài.

Đó là khi ông có khoảng sáu mươi tướng tả bất mãn, họ muốn hất ông xuống ngựa và cho ngựa đạp lên. Hai thủ lĩnh rõ nhất trong dự định này là Benatte, chỉ huy quân đội miền Tây, hiện đang ở Paris và Moreau, người không được thưởng hậu hĩnh sau trận thắng Hohenlinden dẫn đến chấm dứt chiến tranh với nước Áo, đang hờn dỗi ở Grosbois.

Thế là có ba bài đả kích dưới dạng thư nguyện của quân đội Pháp gửi đến Paris, chúng xuất phát từ tổng hành dinh Rennes, tức là từ tướng Bemadotte. Trong những bài đả kích ấy có những lời lẽ lăng lục nhằm vào "tên bạo chúa đảo Corse", "kẻ tiếm quyền", "kẻ đảo ngũ sát hại Kléber" vì tin tức về cái chết của Kléber đã về Paris, người ta quy tội giết người ấy cho người vừa làm điều tốt đẹp cho nước Pháp lại vừa gây ra các tiếng xấu.

Từ sự lo ngại đổ máu, chúng chuyển sang dùng lời lẽ cay độc chống lại luận điệu "dạy đời" của Bonaparte sau đó kêu gọi một âm mưu hòng diệt từ tận gốc cái giống đến từ đảo Corse này.

Việc vận chuyển bài đả kích được bưu điện gửi tới tất cả các tướng, tất cả các chỉ huy quân đoàn, các uỷ viên thời chiến, tất cả đều bị cảnh sát của Fouché giữ lại trừ bản đầu tiên được đặt trong giỏ đựng bơ của xe thuế Rennes đến Rapatel, tuỳ tùng của tướng Moreau ở Paris.

Đúng hôm Bonaparte cho gọi Fouché đến để tổng kết với ông xem ai là bạn, ai là thù thì Fouché cũng mang theo những chứng cứ về vụ bạo loạn quân đội này.

Bonaparte vừa nhắc đến chủ đề này, Fouché hiểu ngay là đã đến lúc, ông ta đã có trong tay ba bản sao của ba lời xúi giục.

Fouché cũng biết chuyện gửi lời kêu gọi đến Rapatel. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Moreau không phải là chủ mưu, ít nhất hắn cũng phải là đồng loã trong vụ việc nguy hiểm rộng khắp giới quân sự ấy.

Đó là thời điểm vinh danh bằng gươm và súng danh dự và Bonaparte đã nghĩ ra danh hiệu Bắc đẩu bội tinh.

Do có sự tác động của vợ và bà mẹ vợ vốn có xích mích và thù ghét Joséphine, Moreau đã có hành động giễu cợt danh hiệu ấy. Fouché kể lại sau một bữa tối thịnh soạn ở nhà Moreau, một chiếc xoong bội tinh đã được trao cho anh đầu bếp và sau một buổi đi săn lợn lòi, một con chó dũng cảm bị ba vết thương cũng được trao vòng cổ bội tinh.

Bonaparte cực kỳ nhạy cảm trước kiểu cạnh khoé ấy. Ông ra lệnh cho Fouché đến ngay nhà Moreau và yêu cầu ông này giải thích. Nhưng Moreau chỉ cười vào mệnh lệnh đó và trả lời rằng vì Bonaparte, người đứng đầu nhà nước có thể ban gươm và súng danh dự thì trong nhà ông ta, là chủ nhà, ông cũng có thể ban xoong và vòng cổ danh dự được.

Fouché bẽ mặt ra về dù cho ông ta ít khi bị như thế. Trong khi chờ đợi trở về bộ của mình, (Fouché vẫn chỉ là Bộ trưởng Bộ cảnh sát một mình) Bonaparte đã cho ông ta toàn quyền xả giận.

- Sau tôi, Moreau là người duy nhất có giá trị thật không. Công bằng khi nước Pháp phải chịu đựng, giằng co giữa hai chúng tôi. Nếu tôi ở vị trí của ông ta còn ông ta ở vị trí của tôi thì tôi đã sẵn sàng làm sĩ quan tuỳ tùng cho ông ta rồi. Giá ông ta ở vị trí điều hành! Thật tội nghiệp cho nước Pháp! Thôi được rồi! Ngày mai, lúc bốn giờ sáng bảo ông ta đến rừng Boulogne, hoặc gươm của ông ta hoặc của tôi sẽ quyết định chuyện đó. Tôi sẽ chờ ông ta hãy đi thực hiện lệnh của tôi đi, Fouché, nói y nguyên không thêm bớt gì hết.

Bonaparte chờ đến nửa đêm, Fouché mới trở về, lần này ông đã thấy Moreau dễ xử lý hơn. Moreau hứa sớm hôm sau sẽ đến Tuileries, nơi mà từ lâu rồi ông ta không hề hiện diện.

Bonaparte tiếp đón ông ta rất tử tế, mời ăn trưa và trước khi chia tay còn tặng ông ta một cặp súng lục chạm kim cương và nói:

- Tôi những muốn gắn những vinh quang của ông lên hai vũ khí này, tướng quân, nhưng tiếc là không còn chỗ nữa.

Họ bắt tay nhau khi chia tay nhưng con tim thì lạnh nhạt, xa cách.

Về vụ việc này, dù nó chưa yên hoàn toàn nhưng ít ra cũng dịu lại, Bonaparte đã có thể tập trung vào dự định lớn lao của mình: ông đi thăm các cảng ở Phần Lan và Hà Lan để xem xét tình hình, địa thế, dân cư và vật lực. Đại tá Lacuée chịu trách nhiệm về công việc này đã phải trưng dụng tất cả các toà nhà ven bờ cảng và nhà đánh cá từ Le Havre đến tận Texel. Các sĩ quan được cử đến Saint-Malo, Granville, Brest để nhận quân. Các kỹ sư hàng hải trình bày các tàu dẹt có khả năng mang được pháo lớn. Tất cả các cánh rừng ven eo biển Manche được thăm dò chất gỗ tốt nhất để đóng tàu chiến. Được biết người Anh buôn gỗ trong các quốc gia La Mã, ông cử người mang tiền đi mua số gỗ cần thiết ấy.

Ác cảm dấy lên khi quân Anh tạm chiến Bồ Đào Nha và vịnh Tarente. Ý đồ xấu của nước Anh đã quá rõ ràng đến mức không một ai, dù là kẻ thù Bonaparte buộc tội ông về sự cắt đứt ấy. Nước Pháp thấy chấn động mạnh nhưng họ cũng tin tưởng rằng nếu có đủ thời gian và tiền bạc sẽ đóng được những tàu tốt và sẽ đạt được việc đánh trên bộ, như thế quân Anh sẽ thua.

Ngay khi biết được giá của các con tàu dẹt, Loiret là tỉnh đầu tiên dành ra một khoản ba trăm nghìn phăng. Với ba trăm nghìn phăng người ta có thể xây dựng và trang bị vũ khí cho một tàu chiến ba cột buồm mang được ba mươi khẩu đại bác. Tiếp đến các nơi khác cũng theo gương như Coutance, Be may, Louviers, Valognes, Foix, Verdun và Moissac đóng các con tàu dẹt tốt từ tám nghìn đến hai mươi nghìn phăng.

Paris ủng hộ tàu chiến, trang bị một tàu có một trăm hai mươi đại bác; Léon một trăm; Bordeaux hai mươi tư Marseille, bảy mươi tư tỉnh Gironde đành một khoản một triệu sáu trăm nghìn phăng.

Cuối cùng, nước Cộng hoà Italie góp cho ngài Tổng tài bốn triệu để xây dựng hai hạm đội, một mang tên Tổng thống và một mang tên Cộng hoà Italie.

Với sự chuẩn bị ấy, Bonaparte đã dồn toàn bộ tâm sức mà quên tình hình trong nước. Savary nhận được một lá thư của cựu thủ lĩnh phái Vendée mà trước kia anh từng vài lần phục vụ. Ông này sau khi giải giáp chỉ mong được sống bình yên trên mảnh đất của mình. Ông ta báo cho Savary rằng ông vừa được gặp một nhóm người có vũ trang muốn liên lạc với đám quân mà ông đã từ bỏ sau cuộc đảo chính 18 Brumaire. Ông ta nói thêm rằng, để chứng tỏ những gì đã hứa với chính phủ, ông muốn tự mình xem đằng sau cuộc gặp ấy là gì rồi mới lên Paris nói tường tận trước khi sự việc nổ ra.

Savary biết ngài Tổng tài rất muốn được thông báo tất cả mọi chuyện. Trì tuệ của ông mẫn tiệp và sáng suốt đến nỗi có thể nhìn ra trong từng sự việc nhỏ nhất những mưu tính bí mật nhất. Lá thư ấy khiến ông suy nghĩ một lát, chừng mười lăm phút sau ông nói với Savary.

- Anh sẽ đi một chuyến, hãy lưu lại vài ngày tại nhà chỉ huy của anh. Anh sẽ nghiên cứu miền Vendée và thăm dò xem mọi sự thế nào.

Savary bí mật đi ngay hôm đó.

Đến nhà bạn mình, anh đánh giá tình hình trầm trọng đến nỗi anh cải trang thành nông dân và bắt chủ nhà cũng làm tương tự để theo dõi băng nhóm mà người bạn đã nói trong thư.

Ngày thứ ba, họ gặp vài nhân vật mới tách khỏi nhóm hôm trước. Họ đã thu thập được tất cả những chi tiết muốn biết. Savary trở về Paris khẳng định rằng chỉ cần một mồi lửa cũng đủ đốt cháy cả miền Vendée và Morbihan.

Bonaparte ngạc nhiên nghe anh nói. Ông cứ tưởng mọi chuyện ở đó đã êm đẹp, ông biết Georges đã một lần nữa tuyên chiến nhưng ông tưởng Georges đang ở London, cảnh sát của ông Régnier chắc chắn sẽ để mắt đến Georges nên ông không lo ngại gì cả.

Hồi đó, có rất nhiều tù nhân đang bị giam trong các nhà ngục ở Paris vì lý do chính trị, họ là những can phạm tình báo mà người ta không muốn xử vì ngay bản thân Bonaparte cũng nói đó là thời điểm không cần coi trọng đến những tội phạm như thế, vậy là ngay lập tức người ta gạt những kẻ bất hạnh đó sang một bên.

Lần này, không tham khảo ý kiến của Fouché, Bonaparte sai Savary mang danh sách những người bị bắt, kèm theo ngày tháng bắt và các lý do bắt giữ khác nhau đến.

Trong số đó có các tên như Picot và Lebourgeois, họ bị bắt cách đó một năm vào thời điểm đặt thuốc nổ, khi vừa đặt chân từ Anh về Pont-Audemer, biên bản bắt giữ có ghi: "Đến để ám sát ngài Tổng tài".

Không ai biết vì sao những cái tên này lại đập vào mắt Bonaparte chứ không phải những người khác. Chỉ cần ngài Tổng tài chỉ định, họ cùng ba người khác lập tức được chuyển cho một uỷ ban xét xử.

Dù các chứng cứ đều chống lại họ nhưng Picot và Lebourgeois phản bác lại lời cáo trạng với vẻ lạnh lùng đáng ngưỡng mộ. Tuy vậy, việc đồng loã với Saint-Régeant và Carbon là hiển nhiên cho nên họ bị kết án tử hình. Họ bị xử bắn mà không hề thú tội. Thậm chí họ còn có vẻ muốn thách thức chính quyền khi thông báo rằng chẳng mấy nữa đất nước sẽ lâm vào chiến tranh và Bonaparte sẽ phải nhảy vào đó.

Trong số ba can phạm khác hai người được xử trắng án còn một người bị kết luận có tội. Người bị kết án là Querelle. Đó là một người miền hạ Bretagne đã từng phục vụ trong quân đội Vendée dưới sự chỉ huy của Georges Cadoudal.

Người này bị bắt do sự tố giác của một chủ nợ mà anh ta không may vay tiền mà phải trả góp, không thể thanh toán toàn bộ, chủ nợ đã tố cáo anh ta tội phản loạn.

Việc xét xử Picot và Lebourgeois cách vụ của Querelle khá lâu. Kết quả là họ không bị hành quyết cùng nhau. Lúc chia tay người chiến hào hai tử tù trước khi chết đã nói:

- Hãy theo gương chúng tôi, chúng tôi có trái tim trung thành và tinh thần cao thượng, chúng ta chiến đấu cho ngai vàng và điện thờ Chúa, chúng ta sẽ chết vì một mục đích và mục đích ấy sẽ mở cánh cửa cho chúng ta lên thiên đàng, hãy chết như chúng tôi đừng khai gì cả khi anh bị kết tội. Chúa sẽ xếp anh vào số những người tử vì đạo và anh sẽ được tận hưởng cực lạc trên thiên đàng.

Quả nhiên, như hai người bạn tù của mình dự đoán, Querelle đã bị kết án khoảng chín giờ tối, quan toà gửi bản án đến tham mưu trưởng để ông ta ra lệnh hành quyết tù nhân vào sáng sớm hôm sau như thông lệ.

Viên tham mưu trưởng đang vũ hội, mãi ba giờ sáng ông ta mới về mở tờ lệnh ra luồn xuống gối và ngủ gục lên trên.

Giá như mệnh lệnh được thực thi theo đúng thời hạn thì Querelle cùng bước với các chiến hữu của mình trên một con đường có lẽ bằng sự dũng cảm, bằng sự tự ái, anh ta cũng sẽ chết như họ và sẽ mang bí mật xuống mồ giống họ. Nhưng lại có sự chậm trễ bất ngờ kia, một ngày lê thê trong đơn độc đối diện với cái chết, thời gian định mệnh lò dò khiến đầu óc anh ta không chịu nổi, khoảng bảy giờ tối, anh ta bị cơn co giật mạnh đến nỗi người ta cứ tưởng anh này uống thuốc độc. Bác sĩ nhà ngục được gọi đến. Ông hỏi phạm nhân vì sao lại có hành động như vậy, liệu có phải do thuốc độc và đó là loại thuốc gì?

Nhưng Querelle đã vòng tay qua cổ bác sĩ, áp vào tai ông nói thầm.

- Tôi không bị đầu độc đâu. Tôi sợ đấy!

Thế là nhân cơ hội ấy, ông bác sĩ ép kẻ bất hạnh khai báo.

- Anh là người mang một bí mật mà cảnh sát rất muốn biết, hãy nói ra biết đâu anh lại được hưởng khoan hồng thì sao?

- Ồ! Không bao giờ! Không bao giờ! Đã quá muộn rồi.

Cuối cùng, do sự thúc ép của bác sĩ, Querelle đã xin một cây bút lông ngỗng và giấy để viết tới nhà lãnh đạo Paris rằng anh ta muốn khai báo.

Nhà lãnh đạo Paris lúc ấy không còn là Junot nữa mà là Murat. Theo Bonaparte, Junot quá dễ dãi nên ông bổ nhiệm Murat thế chỗ của anh.

Khoảng mười một giờ đêm, khi ngài Tổng tài đang lo lắng bàn bạc với Réal trong phòng làm việc của mình thì cửa phòng bật mở. Sarary thông báo người đứng đầu Paris đến và Murat bước vào.

- À là chú đó ư, Murat - Bonaparte nói và bước lại gần em rể - Chắc phải có tin gì mới nên chú mới đến gặp tôi vào giờ này.

- Vâng, thưa tướng quân, tôi vừa nhận được một lá thư của một tử tù khốn khổ sẽ phải chịu hình án vào sáng mai. Anh ta yêu cầu được khai báo.

- Tốt lắm! - Bonaparte vô tư nói - Hãy gửi thư đó đến toà đã xét xử hắn, họ sẽ xem phải làm gì.

- Lúc đầu tôi cũng nghĩ nên làm như thế - Murat nói - Nhận lời lẽ trong thư rất thẳng thắn và thật thà khiến tôi rất quan tâm. Anh tự đọc đi.

Bonaparte đọc lá thư đã mở sẵn mà Murat đưa cho.

- Đồ quỷ đáng thương! Hắn muốn kéo dài mạng sống thêm một tiếng nữa, có thể thôi. Cứ làm như tôi nói đi.

Rồi ông trả lại lá thư.

- Nhưng thưa tướng quân - Murat nài nỉ - anh không thấy là người này muốn khai điều quan trọng ư?

- Có chứ, tôi đọc rồi, nhưng tôi lạ gì kiểu người này, chính vì thế mà tôi nhắv lại rằng điều phạm nhân nói không đáng bận tâm.

- Ai mà biết được? - Murat nói - hãy để chúng tôi, tôi và ngài Réal theo vụ này.

- Vì chú cứ nhất quyết như vậy - Bonaparte nói - nên tôi không phản đối nữa. Réal, ông cũng đi thẩm vấn hắn đi, Murat, hãy đi cùng vị chánh án này nếu chú cần, nhưng không có án treo đâu nhé tôi không muốn án treo nào hết.

Réal và Murat lui ra Bonaparte mới đi về phòng ngủ.

Chương 32: Cảnh sát của Régnier và cảnh sát của Fouché

Khi Réal và Murat rời khỏi nhà ngài Tổng tài, lúc đó đã quá nửa đêm. Chỉ bảy giờ sáng hôm sau, phạm nhân sẽ bị xử bắn. Để đến gặp anh ta, Murat buộc phải hy sinh buổi tối để xin ngài Tổng tài ra lệnh. Murat để cho Réal đến thăm tù nhân vì nhiệm vụ của ông đã xong, ông đã đến gặp Bonaparte và ngài Tổng tài đã trao quyền thẩm phán cho Réal.

Réal tính sẽ đi gặp phạm nhân hai tiếng trước giờ hành hình.

- Nếu lời khai có giá trị, ông còn đủ thời gian ngồi nghe, còn nếu không thì án sẽ thi hành sau đó.

Vả lại vốn quen với việc xử lý tâm lý con người, ông cho rằng khi nhìn thấy vũ khí quanh nhà tù, tức là nhưng tia sáng ban ngày đầu tiên đó cũng là đòn cuối cùng đánh vào lòng can đảm của tù nhân khiến hắn chỉ còn nước khai sạch sành sanh.

Lúc ta thấy kẻ phiến loạn bất hạnh nhờ bác sĩ gởi yêu cầu được khai báo cho Murat, ta cũng hiểu rằng nếu không có hồi âm, không có tin tức gì từ người đứng đầu Paris tức nghĩa là tình trạng ấy chỉ thêm tồi tệ.

Đến lúc nản nhất của kẻ bất hạnh, anh ta chỉ còn là sinh vật bất động giống như một đứa trẻ, không còn sức để chờ cái chết giữa những nỗi kinh hoàng và mê man tăm tối. Đôi mắt anh ta nhìn trân trân ra ô cửa sổ hướng xuống phố. Anh ta rùng mình khi thấy tia sáng ban ngày đầu tiên rọi vào.

Khoảng năm giờ sáng, anh tưởng mình khi nghe tiếng bánh xe lăn lạo xạo rồi dừng trước cửa nhà tù không một tiếng động nào thoát khỏi sự chú ý của anh ta. Tiếng cửa lớn mở ra rồi khép lại tiếng những bước chân nặng nề ngoài hành lang, đó là tiếng bước chân của hai hoặc ba người dừng lại trước cửa buồng giam anh ta, tiếng chìa tra vào ổ khoá lạch xạch. Cánh cửa đã mở ra, một tia hy vọng cuối cùng dồn lên đôi mắt nhìn vào người bước vào anh ta hy vọng nhìn thấy bộ trang phục lộng lẫy của Murat đính đầy đường thêu và lông chim anh ta lại thấy một người đàn ông mặc đồ đen, dù khuôn mặt dịu dàng và đường nét phúc hậu nhưng anh ta vẫn chết khiếp.

Người ta châm nến trên chiếc đèn gắn vào tường. Réal liếc mắt nhìn xung quanh và thấy mình không ở trong một xà lim.

Vì tù nhân sắp bị hành quyết nên người ta đưa anh này vào buồng lục sự, Réal thấy một chiếc giường trên đó, phạm nhân để nguyên quần áo nằm sõng soài, sau đó ông nhìn vào kẻ bất hạnh đang giơ tay về phía ông.

Réal đưa tay ra hiệu, người ta để ông lại một mình với kẻ ông sắp thẩm vấn.

- Tôi, chánh án Réal - ông nói - Anh đã thông báo muốn khai rõ sự thật tôi đến để nghe anh đây.

Con người ấy run lên cầm cập đến nỗi không trả lời được, hai hàm răng va vào nhau còn khuôn mặt thì co dúm lại vì những cơn co giật.

- Cứ bình tĩnh - ông uỷ viên Hội đồng nhà nước nói, dù đã quen với cảnh người sắp chết nhưng chưa bao giờ thấy ai đón nhận nó một cách hãi hùng như thế - Tôi đến trong ý định làm điều tốt cho anh. Bây giờ anh nghĩ đã có thể trả lời tôi được chưa?

- Tôi sẽ cố, nhưng để làm gì cơ chứ? Hai tiếng nữa thôi, chẳng phải tất cả đều kết thúc với tôi hay sao?

- Tôi không thể hứa gì với anh được - Réal đáp - Tuy nhiên, nếu điều anh nói cực kỳ quan trọng như anh báo…

- À hoá ra ông là người xử - Tù nhân kêu lên - Được rồi, vậy ông muốn biết gì? Ông muốn tôi nói gì hãy hỏi đi, tôi mất phương hướng rồi.

- Cứ bình tĩnh trả lời. Trước hết tên anh là gì?

- Querelle.

- Làm gì?

- Sĩ quan quân y.

- Anh sống ở đâu?

- Biville.

- Được rồi, bây giờ hãy kể điều anh muốn nói.

- Nhân danh đức Chúa mà tôi sắp xuất hiện trước ngài, tôi sẽ nói sự thật nhưng ông sẽ không tin tôi.

- Trước hết tôi phải nghe đã – Réal nói -Anh vô tội, đúng không?

- Vâng, tôi xin thề.

Réal gật đầu.

- Ít ra cũng vô tội về những gì người ta buộc cho tôi - Phạm nhân nói tiếp, - và lẽ ra tôi đã có thể chứng minh sự vô tội của mình.

- Thế tại sao anh không làm?

- Vì nếu thế tôi lại rơi vào tội khác.

- Dù sao anh cũng vẫn mưu phản?

- Vâng, nhưng không phải với Picot và Lebourgeois. Tôi không liên quan đến vụ đặt thuốc nổ, tôi thề đấy. Vào lúc đó, tôi còn đang ở Anh cùng Georges Cadoudal.

- Thế anh về Pháp khi nào?

- Từ hai tháng nay.

- Thế là anh đã rời Georges Cadoudal hai tháng?

- Tôi không rời ông ấy.

- Sao lại thế? Vì anh ở Paris còn ông ta ở Anh, như vậy anh phải chia tay ông ta, tôi không nhầm chứ?

- Georges không còn ở Anh nữa.

- Thế ông ta ở đâu.

- Ở Paris.

Réal nhảy dựng lên.

- Ở Paris ư? Không thể được!

- Thế mà ông ấy đang đây vì chúng tôi về cùng nhau và trước hôm tôi bị bắt, tôi còn nói chuyện với ông ấy.

- Vậy là Georges đã ở Paris từ hai tháng! Vậy là lời khai này không những quan trọng mà còn trên mức người ta có thể tưởng tượng được.

- Thế các anh về Pháp như thế nào? - Réal hỏi.

- Qua vịnh Biville. Đó là chủ nhật, chúng tôi đi bằng thuyền nhỏ suýt nữa chúng tôi đã bị chết đuối vì hôm đó thời tiết rất xấu.

- Được rồi - Réal nói - Tất cả những điều này nghiêm trọng hơn tôi tưởng anh bạn ạ, tôi chưa thể hứa gì cả, nhưng… cứ tiếp tục đã các anh có bao nhiêu người?

- Chuyến đầu tiên, chúng tôi có chín người.

- Từ đó đã có bao nhiêu chuyến?

- Ba.

- Lên bờ, ai ra đón các anh?

- Đó là con trai của người chữa đồng hồ, anh ta dẫn chúng tôi đến một trang trại mà tôi không biết tên. Chúng tôi ở đó ba ngày, sau đó từ trang trại này đến trang trại khác, chúng tôi tới được Paris. Ở đó, những người bạn của Georges đến gặp chúng tôi.

- Anh có biết tên của họ không?

- Tôi chỉ biết tên hai người: một cựu sĩ quan tuỳ tùng của ông ấy là Sol de Grisolles và một người là Charles d Hozier.

- Anh đã gặp họ bao giờ chưa?

- Rồi, một năm trước ở London.

- Sau đó chuyện gì đã xảy ra.

- Hai ngài ấy đưa Georges vào trong một chiếc xe độc mã còn chúng tôi đi bộ và vào Paris qua những trạm khác nhau.

Suốt hai tháng tôi chỉ gặp Georges ba lần chỉ khi nào ông ấy cho gọi. Có hai lần tôi gặp ông ấy ở cùng địa điểm.

- Thế lần gặp cuối cùng ở đâu?

- Ở nhà một thương nhân rượu vang có cửa hàng ở góc giữa phố Bac và phố Varenne. Tôi chỉ bước ra phố độ ba chục bước thì bị bắt.

- Từ đó, anh có tức gì không?

- Có ông ấy gửi cho tôi một trăm phăng qua Fauconnier, người gác cổng nhà lao.

- Anh có cho rằng ông ta vẫn còn ở Paris không?

- Tôi chắc chắn, ông ấy chờ những chuyến tàu khác, nhưng dù sao sẽ không có chuyện gì xảy ra mà không có sự hiện diện của một hoàng thân của triều đình quân chủ Pháp tại Paris.

- Hoàng thân triều đình Pháp! - Réal kêu lên - Anh có bao giờ nghe nói tên người này chưa?

- Chưa thưa ngài.

- Được rồi - Réal nói và đứng dậy.

- Thưa ngài - Tù nhân nắm lấy tay Réal kêu lên - Tôi đã khai tất cả những gì tôi biết, tôi là kẻ thù phản bội của các chiến hữu của tôi, một kẻ phản bội, hèn nhát, hèn hạ.

- Anh cứ yên tâm, anh chưa chết đâu, ít ra là hôm nay. Tôi sẽ xin ngài Tổng tài giùm anh, nhưng anh không được tiết lộ bất cứ điều gì vừa nói với tôi cho bất cứ ai, nếu không, tôi không thể giúp gì anh được. Hãy cầm số tiền này và nhờ mua những thứ anh cần để hồi sức. Ngày mai có thể tôi sẽ trở lại.

- Ồ thưa ngài - Querelle quỳ xuống nói - Ngài chắc là tôi sẽ không chết chứ?

- Tôi không thể hứa được nhưng cứ bình tĩnh và hy vọng đi.

Tuy nhiên mệnh lệnh của ngài Tổng tài: "Không có án treo!" lại mạnh đến nỗi Réal chỉ nói với cai ngục.

- Đi báo cho quản ngục sở tại rằng không được làm gì trước mười giờ sáng.

Sáu giờ sáng, Réal biết mệnh lệnh của Bonaparte: "Chỉ đánh thức tôi khi có tin xấu đừng bao giờ báo tin vui khi tôi đang ngủ".

Ông biết tin tức mình mang đến có lẽ là không vui nên quyết định đi đánh thức Bonaparte. Ông đi thẳng đến điện Tuileries và sai người gọi Constant dậy. Constant đánh thức cận vệ, canh ngoài cửa phòng Bonaparte từ ngày ông ngủ riêng phòng với Joséphine.

Rustan đi đánh thức ngài Tổng tài. Boumerine bắt đầu thất sủng nên không được đặc quyền như trước nữa. Người cận vệ được nhắc hai lần vào báo với ngài Tổng tài rằng có ngài đại phán quan đang chờ và tất nhiên Rustan không thể quên được.

- Châm đèn lên - Bonaparte nói - và mời ông ta vào.

Người ta châm cây đèn, đặt lên góc lò sưởi chiếu đến giường ngủ ngài Tổng tài.

- Thế nào! Là ông đó ư, Réal, nhưng như vậy chắc chuyện nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng lúc đầu đúng không?

- Chuyện hệ trọng lắm, thưa tướng quân.

- Thế nào? Ý ông là gì?

- Là tôi vừa biết những chuyện hết sức kỳ lạ.

- Kể cho tôi nghé xem nào - Bonaparte nói và ngả đầu vào tay sẵn sàng lắng nghe.

- Thưa công dân tướng quân, Georges Cadoudal đang ở Paris cùng với băng đảng của hắn.

- Hả? - Ngài Tổng tài lại tưởng mình nghe không rõ.

Réal nhắc lại.

- Thôi nào! - Bonaparte thốt lên kèm theo cái nhún vai, cử chỉ đặc biệt mỗi lần ông tỏ ra nghi ngờ - Không thể thế được?

- Là sự thật một trăm phần trăm, thưa tướng quân.

- Hoá ra là thế mà gã vô lại Fouché đã viết cho tôi hôm qua: "Xin ngài hãy cẩn thận, không khí sặc mùi dao găm". Này, ông cầm lấy thư của lão, tôi đã để nó lên bàn ngủ và không bận tâm đấy.

Ông rung chuông, Constant bước vào.

- Gọi Boumerine đi - ông nói.

Người ta đánh thức Boumerine dậy, Boumerine xuống và làm theo lệnh ngài Tổng tài.

- Hãy viết cho Fouché và Régnier đến điện Tuileries ngay vì việc Cadoudal, bảo họ mang toàn bộ tài liệu liên quan đến vụ này. Anh sẽ truyền lệnh cho mang hai tin nhanh đi ngay. Trong khi chờ đợi, Réal sẽ giải thích rõ sự việc cho tôi.

Ông Réal ở lại cùng Bonaparte và thuật lại từng câu mà Querelle đã nói với ông: Họ đã trở về từ Anh qua vịnh Biville bằng thuyền ra sao, được con ông chữa đồng hồ mà Querelle không biết tên dẫn qua từng trang trại để đến Paris thế nào nên anh này gặp Cadoudal lần cuối tại ngôi nhà góc phố Bac và Varenne nữa. Sau khi thuật lại đầu đuôi sự việc ông Réal xin phép về gặp tên tù nhân đang hoảng sợ tại Abbaye và xin lệnh cho hưởng án treo vì lời cung khai quan trọng.

Lần này Bonaparte nghe theo Réal và cho phép hắn, nếu không được tha bổng thì cũng bảo toàn được tính mạng. Ông Réal đi ra để lại ngài Tổng tài trong bàn tay của cận vệ để chờ Fouché và Régnier.

Vì Fouché sống trên phố Bac xa nhất nên Régnier là người đến trước. Bonaparte đã vệ sinh buổi sáng xong. Régnier thấy ông đi đi lại lại với cái đầu chúi ra trước, tay chắp sau lưng và vầng trán nhăn lại.

- À Régnier, hôm qua, ông đã nói gì với tôi về Cadoudal nhỉ?

- Thưa ngài Tổng tài, tôi đã nói rằng vừa nhận được thư báo về rằng Cadoudal vẫn đang ở London và cách đấy ba ngày, ông ta còn ăn tối tại nhà thư ký Addington ở Kmgston.

Đúng lúc đó thì Fouché tới.

- Ông Fouché, tôi cho gọi ông đến để phân xử xem giữa ông Régnier và tôi ai đúng, ông Régnier thì cho rằng Cadoudal đang ở London còn tôi lại cho rằng ông ta đang ở Paris. Ai có lý đây?

- Người mà hôm qua tôi đã nói: "Xin ngài hãy cẩn thận, không khí sặc mùi dao găm!" có lý.

- Ông nghe thấy chưa Régnier, tôi là người đã nhận thư của ông Fouché, tôi đúng đấy.

Régnier nhún vai.

- Ngài có muốn đưa cho ông Fouché lá thư nhận từ London cho ngài Fouché không?

Bonaparte đưa thư cho Fouché. Sau khi đọc xong, ông ta nói:

- Ngài Tổng tài có cho phép tôi gọi một người đã trở về Paris cùng Cadoudal không?

- Ồ! Lạy Chúa, có chứ! Tôi rất sẵn lòng.

Fouché ra mở cửa phòng chờ và gọi Victor vào. Anh chàng này ăn mặc kiểu quý tộc nhìn giống như một trong số quân triều đình hoặc có chính kiến hoặc theo mốt để đả phá ngài Tổng tài.

Victor kính cẩn cúi chào rồi đứng chờ gần cửa.

- Gì thế này? - Bonaparte hỏi - Nếu anh chàng này thật sự trở về cùng Cadoudal thì làm sao anh ta còn sống sót được?

- Bởi vì - Fouché trả lời - đó là một trong số người của tôi chịu tránh nhiệm theo dõi Cadoudal ở London không rời nửa bước. Chính vì không để rời mắt khỏi ông ta nên đã theo ông ta về tận Paris.

- Chuyện ấy từ bao giờ? - Bonaparte hỏi.

- Cách đấy hai tháng - Fouché trả lời - Nếu ngài Régnier đây muốn tự mình hỏi nhân viên của tôi thì anh ta sẽ vinh hạnh lắm đấy.

Régnier vẫy tay ra hiệu cho chàng trai lại gần trong khi Bonaparte tò mò liếc nhìn anh ta. Anh ta không giống hạng người bông phèng mà ăn mặc vô cùng hợp thời trang. Nhìn anh ta, người ta có thể nói anh vừa đi thăm các phu nhân Rescanier hay Tallies về. Người ta còn cảm thấy anh ta cố gắng nén nụ cười tinh quái vốn quen thuộc của mình.

- Anh làm gì ở London thế anh bạn? - Régnier hỏi.

- Ồ thưa công dân Bộ trưởng, tôi làm như tất cả mọi người, tôi âm mưu chống lại công dân Tổng tài.

- Để làm gì?

- Thì để được các ông hoàng tiến cử với ngài Cadoudal.

- Anh nói về những ông hoàng nào thế?

- Thì những ông hoàng nhà Bourbon chứ ai.

- Anh cũng được giới thiệu với Georges chứ?

- Nhờ Quý ngài công tước Berry, vâng thưa Bộ trưởng, tôi đã được vinh hạnh ấy. Đến nỗi tướng Georges thề danh dự sẽ đưa tôi vào tốp đầu tiên trở lại nước Pháp, tức là trong số chín người đầu tiên về cùng ông ấy.

- Chín người đó là ai?

Là Coster Saint-Victor, Burban, Rivière, tướng Lajolais, một người có tên là Picot nhưng không phải người vừa bị xử bắn, ông Bouvet de Lozier, Demonville, một người có tên là Querelle chính anh ta đã bị kết án tử hình hôm qua và cuối cùng là Georges Cadoudal.

- Các anh về Pháp bằng cách nào?

- Trên một con tàu do thuyền trưởng Wright chỉ huy.

- À Bonaparte reo lên - Tôi biết anh ta, đó là cựu thư ký của Sidney Smith.

- Chính vậy thưa tướng quân - Fouché nói.

- Thời tiết rất xấu - Chàng trai tiếp tục - Chúng tôi phải vất làm mới nhờ thuỷ triều đưa đến vịnh Biville.

- Chỗ nào ở Biville? - Bonaparte hỏi.

- Gần Diepp thưa tướng quân - Fouché đáp.

Bonaparte nhận thấy người nhân viên không trả lời trực tiếp, ông bằng lòng nghiêng mình trong khi Fouché trả lời thay mình. Vẻ khúm núm ấy khiến ông cảm động.

- Khi tôi hỏi anh có thể trực tiếp trả lời tôi được.

Chàng trai lại nhún mình lần nữa.

- Chúng tôi xuống bãi biển - Anh ta tiếp tục kể - Từ chân vách đá lên đỉnh cao tới bai trăm bộ.

- Thế làm thế nào các anh leo lên được? - Bonaparte hỏi.

- Chúng tôi bám vào sợi dây cáp tàu! Chúng tôi leo lên nhờ lực của dao găm và chống chân vào vách đá. Thỉnh thoảng trên dây có những nút thắt để việc bám vào dễ dàng hơn, thậm chí còn có bậc gắng gỗ để chúng tôi có thể nghỉ một lát giống như con vẹt trên bục đứng của chúng vậy. Tôi leo lên đầu liên, sau đó là tử tước Rivière, tướng Lajolais, Picot, Burban, Querelle, Bouvet, Demonville, Coster Saint-Victor và Georges Cadoudal đi cuối cùng. Đi được nửa đường, nhiều người bắt đầu kêu mệt.

- Tôi báo trước cho các anh biết là tôi vừa cắt đứt dây cáp rồi - Cadoudal nói.

Và quả nhiên tiếng dây rơi xuống chân vách đã vang đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi lơ lửng giữa trời và đất, không còn cách nào xuống, tất cả chúng tôi đành phải tiếp tục trèo lên đỉnh vách đá. Cuối cùng mọi người đều đến nơi mà không xảy ra tai nạn nào.

Phải thú nhận vừa lên đến đỉnh tôi thực sự tức thở vì độ cao vừa vượt qua. Tôi nằm sấp xuống đất chỉ sợ nếu đứng dậy tôi sẽ ngã nhào ra sau vì chóng mặt.

Rivière là người yếu nhất trong số chúng tôi đã gần như ngất xỉu Coster Saint-Victor đến nơi và huýt sáo săn, còn Cadoudal thở dốc và nói:

- Với một người nặng hai trăm sáu mươi livre thì đoạn đường này quả là khó khăn.

Sau đó, ông ném nốt phần cáp còn lại cho nó móc với nửa kia. Chúng tôi hỏi vì sao ông làm như vậy, ông đáp rằng, thông thường sợi dây ấy dùng cho bọn buôn lậu, nếu để nguyên; kẻ bất hạnh nào cứ thế trèo xuống sẽ không biết nửa kia đã bị cắt và hắn ta phải ở cách mặt đất một trăm bộ.

Xong việc, ông cất tiếng kêu như tiếng quạ lập tức có hai tiếng chùm cú đáp lại và hai người đàn ông xuất hiện. Đó là người dẫn đường của chúng tôi.

- Ông Fouché đã nói Georges đi từ Biville đến Paris qua các trạm nghỉ được chuẩn bị từ trước. Anh có biết các chỗ ấy không?

- Hoàn toàn có, thưa tướng quân. Tôi đã đưa danh sách cho ngài Fouché, nhưng tôi vẫn còn nhớ, nếu có ai chép lại, tôi có thể đọc chính xác như bản kia.

Bonaparte rung chuông.

- Cho gọi Savary đến đây. Đó là cận vệ gần gũi của tôi.

Khi Savary xuống, Bonaparte chỉ vào chiếc bàn bảo anh ta:

- Hãy ngồi ở đó và ghi lại những gì anh chàng này đọc!

Savary ngồi xuống cầm bút lông ngỗng viết lại theo lời đọc của Victor.

"Đầu tiên, cách vách đó một trăm bộ có một ngôi nhà dùng làm nơi trú ẩn cho những người gặp thời tiết xấu, những ai muốn cập bến hay đợi chuyến tàu khác. Từ đó chúng tôi đến trạm nghỉ đầu tiên ở Guilmécourt, tại nhà một thanh niên có tên là Pageot de Pauly, trạm thứ hai ở trang trại Potterie, và Saint-Rémy ở nhà vợ chồng Dénmont, trạm thứ ba ở Preuseville, nhà người có tên là Loizel. Thưa đại tá, đến đây cho phép tôi được lưu ý là từ chỗ này có ba lối khác nhau cùng dẫn đến Paris. Theo lối rẽ trái, trạm thứ tư tại nhà Monnier ở Aumale, trạm thứ năm ở Feuquière, nhà Colliaux, trạm thứ sáu ở Monceau nhà Leclerc, trạm thứ bảy ở Auteuil nhà Rigaud, trạm thứ tám ở Saint-Lubin nhà Massignon, trạm thứ chín ở Saint-Leu-Ta-Verny, nhà Lamotte.

Nếu chúng tôi đi đường ở giữa thì trạm thứ tư ở Gaillefontaine, nhà chị goá Le Seur, trạm thứ năm ở Saint-Clair nhà Sachez, trạm thứ sáu ở Goumay, nhà chị goá Cacqueray, còn nếu rẽ phải trạm thứ tư ở Roncherolles nhà Gam u, trạm thứ năm ở Saint-Crespin, nhà Bertengles, trạm thứ sáu ở Etrépagny nhà Demonville trạm thứ bảy ở Lauréal nhà Bouvet de Lozier và trạm thứ tám ở Eaubonne, nhà một người có tên là Hyvonnet. Tất cả có vậy.

- Savary, hãy giữ danh sách này cẩn thận - Ngài Tổng tài nói - Nó sẽ cớ ích cho chúng ta. Được rồi! Ông Régnier, ông nghĩ sao về chuyện này?

- Thật lòng mà nói, hoặc nhân viên của tôi là lũ ngốc hoặc anh chàng này là một kẻ ranh mãnh khéo léo.

- Thưa ngài Bộ trưởng, về phần ngài - Anh chàng nhân viên vừa nói vừa nghiêng mình xuống - những điều ngài vừa nói đã là một lời khen ngợi, nhưng tôi không phải là một kẻ ranh mãnh, tôi chỉ hơn các đồng nghiệp khác ở điểm là có thể cải trang tốt mà thôi.

- Bây giờ hãy nói cho tôi biết Georges đã làm gì từ khi hắn ở Paris?

- Tôi đã theo ông ta đến ba bốn nhà. Đầu tiên, ông ta đến phố Ferme, tiếp đó là phố Bac nơi ông ta gặp Querelle rồi vừa ra khỏi nhà Georges thì anh này bị bắt, bây giờ ông ta đang ở phố Chaillot dưới cái tên Larive.

- Nhưng ông biết tất cả những chuyện này từ đâu… - Régnier nói với Fouché.

- Từ hai tháng - Fouché ngắt lời.

- … vậy tại sao ông không cho bắt hắn?

Fouché bật cười và nói:

- Ồ xin lỗi ngài Bộ trưởng Tư pháp, chừng nào tôi chưa bị kết án, tôi sẽ không nói ra bí mật của mình đâu. Vả lại, tôi giữ chúng lại cho tướng quân Bonaparte.

- Ông bạn Régnier thân mến. - Ngài Tổng tài nói và nở một nụ cười - Tôi cho rằng sau những gì chúng ta vừa nghe, ngài có thể thong dong mà gọi nhân viên ở London của ngài về được rồi đấy. Còn bây giờ với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp, ngài hãy để mắt đến kẻ tử tù khốn khổ bị kết án hôm qua người đó cung khai tất cả sự thật. Tôi biết rõ điều đó vì lời khai ấy trùng với lời kể của anh đây (Bonaparte chỉ vào nhân viên vừa mang đến tin tức mà chúng ta vừa đọc) - không bị hành quyết. Tôi không tha bổng cho anh ta vì tôi muốn anh ta được đưa đến nhà tù. Hãy theo dõi và trong sáu tháng tới ông hãy báo cáo về thái độ của anh ta. Ông Régnier thân mến, còn lại tôi xin được bày tỏ sự hối tiếc khi buộc ông phải dậy sớm như thế bây giờ ông có thể đi. Còn Fouché, ông ở lại.

Ông này lùi xuống cuối phòng rồi đi ra để lại ngài Tổng tài cùng với Bộ trưởng cảnh sát thật sự.

Bấy giờ Bonaparte mới lại gần Fouché.

- Ông đã nói là sẽ cho tôi hay tại sao ông giấu việc có mặt của Cadoudal ở Paris cho đến tận lúc này đúng không?

- Tôi giấu ngài, thưa ngài Tổng tài, trước hết để ngài không biết chuyện ấy.

- Thôi đừng đùa nữa. - Bonaparte cau mày nói.

- Tôi không hề đùa chút nào, thưa công dân tướng quân, và tôi lấy làm tiếc là hôm nay ngài buộc tôi phải nói ra. Niềm vinh hạnh mà ngài dành cho tôi trở thành chỗ thân tín cho phép tôi được quan sát ngài. Xin ngài đừng chau mày! Đó là tình trạng của tôi mới đúng. Thế này, ngài là một người dễ để lộ bí mật trong lúc giận dữ. Chừng nào ngài còn bình tĩnh, mọi chuyện đều êm đẹp, ngài sẽ giấu mình như một chai Champagne nhưng nếu ngài nóng giận, chai Champagne sẽ bật tung và thế là tất cả thành bọt hết.

- Ông Fouché, - Bonaparte nói - tôi xá cho ông tội so sánh đấy.

- Còn tôi, thưa tướng quân, tôi tự xá cho mình việc giữ bí mật cho nên xin phép ngài cho tôi được lui.

- Thôi nào, chúng ta đừng bực mình nữa - Bonaparte nói - Tôi muốn biết tại sao ông đã không bắt Georges.

- Ngài muốn biết ư?

- Tuyệt đối muốn.

- Thế nhỡ vì lỗi của ngài mà trận đánh Rivoli của tôi bị thất bại, ngài không xử tôi tội chứ?

- Không.

- Thế thì được rồi. Tôi muốn để ngài tóm gọn bọn người ngài muốn chỉ trong một mẻ lưới. Tôi muốn chính ngài là người đầu tiên vui mừng trước mẻ cá hoàn hảo. Tôi đã không cho bắt Cadoudal vì chỉ hôm qua Pichegru mới đến Paris.

- Cái gì?

- Pichegru đã đến Paris hôm qua. Hắn đang ở phố Arcade vì hắn chưa kịp gặp Moreau.

- Gặp Moreau! - Bonaparte kêu lên - Ông điên rồi, ông quên họ là kẻ thù không đội trời chung à?

- À vì Moreau đã tố cáo Pichegru ư! Chính ngài là người biết rõ hơn ai hết rằng Pichegru có người anh trai là tu sĩ, và để trả khoản nợ sáu trăm nghìn phăng cho Cayenne mà anh này để lại, Pichegru đã buộc phải bán thanh kiếm và ve áo với dòng thông báo: "Thanh gươm Marengo và cầu vai của người chiến thằng nước Hà Lan". Ngài cũng biết rõ tướng Pichegru đã không nhận được khoảng tiền một triệu từ hoàng thân Condé. Ngài còn biết rõ hơn cả Pichegru, người không vợ không con, nên không thể nhận khoản hai trăm nghìn phăng cho bà vợ goá và một trăm nghìn cho con của anh ta trong bản cam kết với hoàng thân Condé. Đó là mẹo vặt mà các chính phủ sử dụng để chống lại người nào họ muốn vứt bỏ sau khi anh ta phục vụ nhiều đến mức người ta không còn cách trả nào khác ngoài sự bạc bẽo. Thế là Moreau đã nhận ra sai lầm của mình và Pichegru hôm qua đến để tha thứ cho ông ta.

Trước sự kết hợp của hai người mà Bonaparte ngỡ họ là kẻ thù bây giờ lại chĩa vào ông khiến ông không thể không đưa tay làm dấu trên ngực theo tục lệ của người dân đảo Corse.

- Nhưng - ông nói - khi họ gặp nhau, hoà hảo với nhau, khi những con dao nhọn sặc mùi trong không khí chĩa vào tôi thì ông sẽ loại chúng cho tôi chứ? Ông sẽ cho bắt chúng chứ?

- Chưa đâu!

- Thế ông còn chờ gì nữa?

- Tôi chờ khi nào hoàng tử mà họ đang mong đặt chân đến Paris. Họ đang chờ một ông hoàng của chính nhà Bourbon.

- Họ cần một ông hoàng để ám sát tôi à?

- Trước hết, ai nói với ngài rằng họ muốn ám sát ngài? Cadoudal đã tuyên bố nếu vì thù riêng, hắn sẽ không bao giờ ám sát ngài.

- Thế hắn có ý định gì khi đặt thuốc nổ?

- Hắn tưởng Chúa của hắn nằm trong tác phẩm của quỷ ấy.

- Vậy rốt cục hắn muốn gì?

- Muốn chiến đấu với ngài.

- Tôi sẽ đồng ý sao?

- Tại sao không? Hôm trước ngài đã muốn đấu cùng Moreau còn gì.

- Nhưng Moreau là Moreau, tức là một tướng tài, một người thắng trân. Tôi đã gọi anh ta là Tướng về hưu, nhưng đó là trước trận Hohenlinden. Họ muốn đấu với tôi thế nào?

- Một buổi tối, khi ngài trở về từ La Malmaison hay Saint-Cloud, ngài chi có khoảng ba chục tuỳ tùng thì khoảng ba chục quân Bảo hoàng do Cadoudal cầm đầu tấn công người của ngài. Với số quân tương đương, họ chặn đường ngài, sẽ giao đấu và sẽ giết ngài.

- Thế khi tôi chết rồi, họ sẽ làm gì?

- Ông hoàng kia cũng tham dự trận đấu nhưng dĩ nhiên không trực tiếp, ông ta sẽ tuyên bố lập lại triều đình. Bá tước miền Provence không cần động ngón tay vào tất cả việc này, sẽ nhân danh vua Louis XVIII và ngồi vào ngai vàng của các tiên đế, mọi việc thế là xong. Ngài chỉ còn là một đốm sáng trong lịch sử giống như một tia mặt trời quanh quỹ đạo vàng như Toulon, Montebello, Arcole, Rivali, Louis, Marengo, Pyramides…

- Đừng đùa nữa, ông Fouché. Ông hoàng nào phải đến Pháp để kế vị tôi?

- Về điều này, phải thưa rằng tôi vẫn chữa được rõ. Chúng tôi chờ ở Vedée những ông ta không đến. Chúng tôi lại chờ ở Quiberon ông ta vẫn không đến và có lẽ ông ta cũng không đến Paris như đã không tới Vendée và Quiberon.

- Được rồi, tôi đồng ý - Bonaparte nói - chúng ta hãy chờ hắn, ông đảm bảo tất cả chứ, ông Fouché.

- Tôi bảo đảm tất cả ở Paris miễn là cảnh sát của ngài không can thiệp vào cảnh sát của tôi.

- Được thoả thuận thế nhé. Ông biết là tôi không đề phòng gì hết, chính ông là người bảo vệ tôi. Nhân đây, đừng quên thưởng sáu nghìn phăng cho nhân viên của ông và nếu có thể, bảo anh ta đừng rời mắt khỏi Cadoudal.

- Xin ngài cứ yên tâm, nếu anh ta để mất hắn, chúng tôi còn hai tiêu điểm khác để dò ra hắn.

- Tiêu điểm gì?

- Moreau và Pichegru.

Fouché vừa ra khỏi phòng, Bonaparte đã cho gọi Savery.

- Savery, Bonaparte nói vời sĩ quan tuỳ tùng của mình - Hãy mang cho tôi danh sách những kẻ tình nghi trong các vụ nhận xe thuế hay các trường hợp tương tự đến đây.

Kỳ thực, từ ngày lập lại tình hình trong nước, cảnh sát đã lên danh sách tất cả những ai từng vi phạm tội dân sự hay lập danh sách những phần tử chống đối trong đó có các vụ cướp xe thuế.

Tất cả được chia làm nhiều thành phần như sau:

- Những kẻ kích động.

- Thủ phạm.

- Tòng phạm.

- Chứa chấp và giúp những người này tẩu thoát.

Cần phải tìm ra tên chữa đồng hô mà Querelle và nhân viên của Fouché nhắc tới. Qua nhân viên của Fouché, Bonaparte đã có thể biết tên hắn nhưng ông không muốn quá coi trọng cái tên này vì sợ làm lộ kế hoạch của Fouché.

Thực ra Bonaparte hầu như bị thương tổn trước sự sáng suốt của Fouché cũng như trước sự mù quáng của Régnier, ở giữa mối nguy hiểm mà ông không biết gì, được bảo vệ mà lại không phải tấm chắn của cảnh sát. Là một người thiên tài và có tính cách, Bonaparte muốn tận mắt mình xem xét xung quanh. Chính vì vậy ông mới cho Savary mang danh sách những kẻ tình nghi từ phòng Seine Inférieure đến.

Mới nhìn qua danh sách ở Eu và Tréport, họ thấy tên chữa đồng hồ là Troche. Ông bố đã bị bắt vì tội đồng loã trong vụ này, người ta không lấy được lời khai của hắn. Những hắn còn một người con trai khoảng mười chín tuổi chắc chắn biết nhiều như bố về các vụ tàu cập bến và những chuyến còn tiếp tục sau đó.

Bonaparte ra lệnh bằng điện tín cho bắt và dẫn ngay đứa con đó lên Paris, nếu đi bằng xe ngựa, ngay sáng hôm sau, cậu ta có thể đến nơi.

Trong thời gian đó, Réal quay trở lại nhà tù. Ông gặp lại tù nhân trong một tình cảnh đáng thương.

Mới sáng sớm, tức là từ sáu giờ đến bảy giờ, lực lượng quân đội người phải dẫn anh ta ra đồng bằng Grenelle để xử bắn, đã xếp vào vị trí. Chiếc xe dẫn tù nhân đậu trước lối ra với cánh cửa mở sẵn và bục bước lên đã hạ.

Kẻ bất hạnh vẫn ở trong nhà giam có cánh cửa sắt hướng ra phố. Qua cửa sổ, anh ta có thể thấy khung cảnh chuẩn bị vụ xử bắn kinh hoàng ấy, dù không khiếp bằng việc chặt đầu nhưng dẫu sao anh ta vẫn thấy tức thở.

Anh ta thấy người ta vội vã đi lấy lệnh hành quyết, còn tay quản ngục đã yên chỗ trên ngựa đang chờ đợi được tham dự buổi hành hình khi lệnh đến. Đám long kỵ binh áp giải cũng đã xếp hàng chờ sẵn, viên sĩ quan chỉ huy đội này cũng đã lên ngựa ngay sát cửa sổ của anh ta. Tù nhân chờ đợi khoảng thời gian khủng khiếp từ sáu rưỡi đến chín giờ.

Cuối cùng chín giờ cũng đã đến, sau khi đếm những tiếng chuông đổ thêm ba mươi phút, mười lăm phút, anh ta đã nghe thấy tiếng xe giống như tiếng lúc xe lúc năm giờ sáng. Thế là anh ta hướng ánh mắt lo lắng ra phía cửa, tai anh ta căng ra để nghe tiếng bước chân trong hành lang, những cảm xúc ban sáng lại rộn ràng trong lồng ngực.

Réal bước vào với nụ cười trên môi.

- Ôi ngài sẽ không cười nếu như tôi bị kết án tử hình! - Kẻ bất hạnh reo lên rồi sụp xuống ôm chân ông vào lòng.

- Tôi không hứa thả anh - Réal nói - Tôi đã hứa có án treo và tôi mang nó đến đây. Tôi đã gắng sức để cứu anh rồi.

- Thế thì được rồi! - Tù nhân kêu to - Nếu ngài không muốn tôi chết vì sợ hãi thì hãy cho giải tán đám long kỵ binh, chiếc xe và binh lính ngoài kia đi. Họ ở đó vì tôi, và chừng nào họ còn ở đó tôi vẫn chưa tin những gì ngài nói.

Réal cho gọi chỉ huy đội quân đến.

- Việc thi hành án bị bãi bỏ - ông nói - do lệnh của ngài Tổng tài. Hãy giữ người này thật cẩn thận, tối nay sẽ đưa anh ta đến Temple.

Querelle thở phào. Temple là nhà tù dài hạn nhưng ở đó sẽ ít nguy hiểm. Cuối cùng, đó cũng là điều mà ông Réal muốn nói với anh ta. Rồi ngay sau đó, qua cánh cửa, Querelle thấy người ta nhấc bục đi, đóng cửa xe lại, chuyển nó đi. Anh ta còn thấy viên sĩ quan xuống ngựa dẫn đầu đoàn quân của mình rồi anh ta không thấy gì nữa. Trong niềm sung sướng cực độ, anh ta đã ngất xỉu. Bác sĩ được gọi đến. Querelle tỉnh dậy, được đưa vào nhà giam bí mật và theo lệnh, ngay đêm hôm đó được dẫn đến Temple.

Ông Réal ở lại bên cạnh anh ta khi anh này ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy, ông đã hứa sẽ xin thêm cho anh ta với ngài Tổng tài.

Chương 33: Rình hụt

Hoàn cảnh đặc biệt đã giúp cảnh sát tìm ra dấu vết của ông Troche. Hai, ba năm trước, một cuộc đụng độ giữa quân Bảo hoàng và dân buôn lậu đã xảy ra nhân một chuyến cập tàu đã có nổ súng và trên một trong số gói hàng cháy dở còn sốt lại trên bãi chiến trường, người ta đọc được dòng chữ; Gửi công dân Troche, thợ đồng hồ ở…

Lúc ấy ai cũng biết ở Dieppe có công dân Troche, do đó không ai không nghi ngờ công dân Troche có dính líu, và chính lá thư ấy đã khiến ông ta trở thành đối tượng quan tâm của chính phủ.

Khoảng sáu ngày trước, người ta đã bắt công dân Troche và dẫn ông ta từ Dieppe về Paris. Đó là một người miền Normand khoảng bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi, người này đã được cho gặp Querelle nhưng hôm ấy thấy Querelle không muốn nhận mình nên ông ta cũng không nhận Querelle. Mặc dù chối tội, người ta vẫn cho ông Troche vào nhà giam.

Nhưng vẫn còn Troche con, một chàng trai cao lớn khoảng mười chín, đôi mươi. Nhìn bề ngoài rất ngây thơ nhưng anh ta còn giỏi buôn lậu hơn chữa đồng hồ. Bị bắt đến Paris, anh ta được đưa đến chỗ Savary, cận vệ của ngài Tổng tài. Sau khi nghe nói cha mình đã thú nhận tất cả. Nicolas Troche tin ngay và cũng nhận tội.

Lời khai của anh này không làm hại anh ta nhiều. Anh ta được tin những người buôn lậu muốn cập bến, anh ta ra hiệu cho họ. Nếu biển lặng, anh ta giúp họ, nếu biển động anh ta chờ "lặng sóng" rồi giúp họ đến khi họ lên đỉnh vách đá ấy. Sau đó, anh ta chỉ gặp một người để lấy tiền là ba phăng cho mỗi lượt người được giúp lên đỉnh vách đá. Đó lâ công việc từ thời xa xưa của nhà Troche, con trai cả trong nhà mới được thừa kế hưởng lợi nhuận ấy và nhà Troche kiếm cả ngàn phăng mà không bao giờ nghĩ họ là ai khác ngoài dân buôn lậu.

Qua một cánh cửa hé mở, tướng Bonaparte đã nghe thấy toàn bộ cuộc hỏi cung. Nó hoàn toàn giống như ông ta dự đoán. Savary hỏi liệu sắp có chuyến cập bến nào hay không. Cậu con trai Troche trả lời rằng trong lúc Savary dành hân hạnh cho anh ta thì có một chiếc tàu từ Anh đang neo đậu trước vách đá Biville chỉ chờ lặng sóng là cập vào bờ.

Savary đã có kế hoạch do ngài Tổng tài vạch cho. Nếu Nicolas khai thật điều mà anh ta vừa làm. Savary sẽ đi cùng anh ta để chặn chuyến tàu mới đó.

Chàng trai Troche bị theo dõi suốt cả ngày hôm đó.

Dù viên tuỳ tùng của ngài Tổng tài rất nhanh nhẹn nhưng phải bảy giờ tối anh ta mới khởi hành trên một chiếc xe ca khổ to, trong đó có một tá hiến binh ưu tú.

Ban đầu, người ta định chuyển Nicolas Troche vào trại giam để anh ta gặp lại người cha Jéromé Troche của mình, nhưng anh chàng vốn thích không khí thoải mái hơn là nhà tù đã nói rằng nếu trên bờ không có tín hiệu quen thuộc, tàu sẽ không ghé đậu.



Troche là một thợ săn thực thụ, anh ta chỉ cần săn mà bất cần là săn cho ai. Hơn nữa, anh ta bị kích động với ý nghĩ rằng con đường mình đang đi biết đâu dẫn anh ta đến đoạn đầu đài thì sao, tốt nhất là nên nhiệt tình đi giăng bẫy cho kẻ sắp đến cũng giống như từng giúp những người đã đi trước vậy. Savary đến Dieppe sau khi rời Paris hai mươi tư tiếng. Anh được sự uỷ quyền của Bộ chiến tranh có thể tuỳ ý hành động trước mọi tình huống.

Troche ngay lập tức ra hiệu bên bờ biển. Biển vẫn rất xấu và chiếc tàu hai cột buồm còn ở đó.

Thời tiết xấu khiến cho không tàu nào vào bờ được. Savary đưa Troche ra bờ biển ngay từ sớm. Chiếc tàu nọ vẫn ở đó chừng nào lặng gió, nó có thể tiến lại gần chân vách đá. Nhưng Savary không muốn dừng chân ở Dieppe. Anh cải trang thành thương nhân cùng một tá người của mình đi đến Biville. Họ là những người đã được lựa chọn từ những nhân viên giỏi giang thật sự.

Savary gửi ngựa và theo hướng dẫn của Troche, đi vào một ngôi nhà mà những người trên con tàu nước Anh thường lui đến.

Ngôi nhà này hoàn toàn cách biệt và nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách, nằm ở tận cùng ngôi làng quay ra biển, nó giúp cho những ai đến đây ẩn náu có lợi là ra vào mà không bị ai phát lủện.

Savary để người của mình ở ngoài vườn rồi bước qua hàng rào tiến về phía ngôi nhà nhỏ. Qua cánh cửa chắn gió hé mở, anh thấy một chiếc bàn chất đầy rượu vang, bánh mì cắt sẵn và những lát bơ.

Savary quay lại phía hàng rào, gọi Troche lại và chỉ cho anh ta sự chuẩn bị ăn uống ấy.

- Đó là bữa ăn nhẹ mà chúng tôi chuẩn bị sẵn cho những ai đến bờ. Điều này chứng tỏ tàu sẽ cập bến vào đêm nay, ngày mai hoặc mấy hôm nữa. Nếu thuỷ triều hạ, họ sẽ có mặt ở đây trong vòng mười lăm phút hoặc không trước ngày mai - Troche đáp.

Savary chờ một cách vô ích, ngày hôm đó và cả những ngày sau vẫn không thấy tàu cập vào bờ. Tuy nhiên, chuyến tàu ấy được chờ đợi một cách nóng lòng nhất. Tin đồn cho rằng vị hoàng tử nọ đang ở trên chuyến tàu ấy.

Ngay từ sớm, Savary đã ra vách đá mặt đất phủ đầy tuyết trắng trên đường đi, anh ngỡ mình đã có kết quả trong giây lát.

Nhưng gió thổi từ bờ biển thổi vào dữ dội, xoáy theo những bông tuyết trắng đến nỗi người ta chỉ nhìn ra xa được vài bộ. Tuy thế, người ta vẫn chờ đợi.

Có tiếng nói vang lên từ đoạn đường gồ ghề ven vách đá, Troche đặt tay lên cánh tay Savary và nói:

- Đó là người của chúng tôi, tôi nghe thấy giọng của Pageot de Pauly.

Pageot de Pauly là một chàng thanh niên trạc tuổi Troche đang thay anh ta làm người dẫn đường trong lúc Troche vắng mặt.

Savary sai người chặn đoạn đường gồ ghề còn mình cùng với Troche và hai người nữa tiến về phía có tiếng nói.

Bốn người bất thình lình hiện ra trên đỉnh vách đá, tiếng kêu "Đứng lại!" vang lên khiến những kẻ đi đêm phải khiếp sợ

Nhưng Pageot đã nhận ra Troche và reo to:

- Đừng sợ, có Troche ở đó!

Hai toán người tiến lại gần nhau, những người đi cùng Pageot chỉ là dân trong làng đến chờ tàu vào bờ.

Lần này, con tàu đã thử nhưng nó không thể vì sóng quá lớn, trên tàu có tiếng vọng đến:

- Hẹn ngày mai!

Gió đã mang câu ấy đến chỗ mấy người dân này. Đây là lần thứ ba con tàu định vào bờ mà không được. Ban ngày, nó thả neo ngoài khơi, đậu tại đó suốt cả ngày, buổi tối, nó sáp vào đất liền và định cập bến.

Savary rình suốt đêm nhưng không chỉ không có gì xảy ra mà sớm ngày hôm sau, người ta đã thấy nó giong buồm rời xa bờ tiến về phía nước Anh.

Savary ở thêm một ngày xem nó có quay lại không. Trong thời gian ấy, anh đi xem sợi dây cáp dùng để leo lên vách đá. Dù là một người không dễ để con tim nao núng, anh vẫn phải thừa nhận thà tham gia vào mười trận chiến còn hơn là phải leo lên vách đá dựng đứng không có mấy chỗ bám với bão tố quay cuồng xung quanh, bóng tối trên đầu và biển dưới chân như vậy.

Ngày nào, anh cũng gửi tin tức về cho Bonaparte. Đến ngày thứ hai mươi tám, anh nhận điện phải trở về Paris. Savary tuân lệnh về Paris vì một số điểm đã rõ nhưng bóng tối còn trùm lên một số điểm khác.

Bonaparte đã nhận được tin chắc chắn rằng con tàu xuất hiện suốt hơn chục ngày do Savary báo không hề có ông hoàng nổi tiếng, người mà nếu không có thì Georges tuyên bố sẽ không hành động.

- Nếu hành động một mình, Georges chỉ là một kẻ phiến loạn tầm thường. Nếu kết hợp với công tước Berry hay bá tước Altois tức là ông ta trở thành đồng minh của hoàng tử.

Một hôm, Bonaparte cho gọi Carnot và Fouché đến bên mình. Chúng ta hãy xem ông tự nói gì về cuộc gặp mặt ấy trong tập bản thảo viết tay do con tàu Le Heron mang về từ đảo Sainte-Helène nơi mà Bonaparte bị lưu đày:

"Tuy nhiên, tôi càng đi lên, phái Jacobin, người không tha thứ cho tôi về việc xử anh em của họ, càng trở nên nguy hiểm. Trong tình hình ấy, tôi cho gọi Carnot và Fouché đến.

- Thưa các ông - Tôi với họ - sau những cơn phong ba bão táp liên miên, tôi những mong nó chứng tỏ cho các vị tin rằng lợi ích của nước Pháp vẫn chưa hoà hợp với các chính phủ khác trong suốt thời kỳ Cách mạng, chưa một ai bằng lòng về vị trí địa lý của nước Pháp, về dân cư và số lượng thuộc địa của nó. Sự bình yên mà nhà nước mang lại hiện nay vẫn còn như trên một núi lửa, phải luôn lường trước một ngày nó sẽ hoạt động với lớp dung nham sôi sục. Cũng giống như bao nhiêu người cao cả khác, tôi thiết nghĩ chỉ có một cách để cứu nước Pháp và bảo đảm cho lợi ích mãi mãi về sau với sự tự do mà nó dành được đó là đặt nó dưới một chế độ quân chủ lập hiến trong đó ngai vàng sẽ được thừa kế.

Carnot và Fouché không hề ngạc nhiên trước đề nghị của tôi; họ đang chờ đợi điều này. Carnot nói thẳng là ông ta thấy rõ tôi đang nhòm nhó ngai vàng.

- Khi điều đó được thực hiện - Tôi trả lời ông ta - thì ông thấy có gì phải tiếc khi mà kết quả sẽ mang lại vinh quang và bình yên cho nước Pháp?

- Tôi tiếc khi chỉ trong một ngày ngài phá huỷ toàn bộ tác phẩm của toàn dân tộc và điều này sẽ có thể làm chính ngài hối hận.

- Tôi thấy rõ mình không còn gì để nói với Carnot nên đã kết thúc buổi nói chuyện tại đó nhưng với Fouché thì khác. Sau vài ngày, tôi lại cho gọi ông ta.

Carnot đã nói toạc bí mật của tôi mà trên thực tế, nó cũng không còn là bí mật nữa, không yêu cầu ông ta im lặng, tôi không cớ gì mà bực mình về sự khiếm nhã của ông ta. Mà dẫu nó cũng phải để mọi người biết kế hoạch của tôi xem phản ứng của họ ra sao.

Các sắc lệnh đều do tôi ban ra, kể từ khi tôi đứng đầu mọi việc Họ có chuẩn bị cho người Pháp thấy một ngày tôi cầm cây vương trượng hay họ có tin sắc lệnh ấy có thể mang cho dân chúng bình yên và hạnh phúc. Đó là điều tôi không biết như có một điều luôn đúng là mọi việc sẽ êm đẹp khi có bàn tay của quỷ, đó là Fouché. Nếu ông ta truyền tin thiện chí, ông ta sẽ có ít lỗi, nếu ông ta gây cho tôi bối rối, đó là một con quái vật.

Vừa có tin tôi chuẩn bị lên ngôi, Fouché, nhờ các tay chân của mình bề ngoài thì không phải do ông ta chủ mưu, đã loan tin đến tất cả các chủ chốt của phái Jacobin rằng tôi muốn lập lại ngai vàng chỉ trong mục đích duy nhất là muốn quyền thừa kế vương miện được hợp pháp. Người ta còn thêm thắt rằng bằng hiệp ước bí mật, tôi sẽ áp đặt việc tái thiết vương triều cho tất cả các cường quốc nước ngoài.

Sự bịa đặt thật quỷ quyệt, nó đặt lên lưng tôi tất cả mọi lá thư trong đó lời kêu gọi của nhà Bourbon có thể làm phương hại đến cả sinh mệnh của tôi.

Nhưng hồi đó tôi chưa hiểu rõ Fouché nên không thể nghi ngờ ông ta trong vụ việc đen tối ấy. Những gì tôi nói đều thật thà đến nỗi tôi còn giao cho ông ta đi thăm dò các ý kiến. Ông ta chẳng cần đi đâu vì tất cả ý kiến đều là sản phẩm của ông ta.

- Phái Jacobin - ông ta nói - sẽ dốc giọt máu cuối cùng trước khi để ngài ngồi lên ngai vàng. Không phải họ nghi ngại chế độ quân chủ, tôi còn nghe biết đâu họ cũng thấy đây là cách tốt nhất để kết thúc mọi việc, những tất cả là do chúng muốn đẩy nhà Bourbon đi vì chúng cho rằng chế độ nào cũng đáng sợ.

Đoạn diễn văn này tuý cỏ dự báo trở ngại nhưng không hề khiến tôi nản lòng, tôi không hề nghĩ đến nhà Bourbon. Tôi tỏ thái độ ấy với Fouché và hỏi ông ta làm thế nào để chỉnh lại những tin đồn nhảm và thuyết phục phái Jacobin rằng tôi chỉ làm việc vì mục đích của mình.

Ông ta xin tôi hai ngày để đưa ra câu trả lời.

Hai ngày sau, như Bonaparte nói, Fouché đã đến. Ông ta nói:

- Chiếc tàu mà Savary báo với chúng ta đã biến mất sau ngày thứ mười một. Chiếc tàu ấy chỉ chứa những tay chân phụ tá, cho họ lên bờ biển Bretagne rồi trở lại bằng con đường khác. Ngài còn lạ gì các ông hoàng nhà Bourbon, bá tước Artois và công tước Berry họ lại chịu lộ diện chiến đấu với ngài ở Paris ư. Họ không bao giờ ra mặt (mặc dù trước đây lời kêu gọi khắp nơi) chiến đấu với quân Cộng hoà ở Vendée. Bá tước Artois còn mải dành tình yêu của mình cho các quý cô và quý bà nước Anh xinh đẹp Còn về công tước Barry, ngài cũng biết ông ta đấy, không bao giờ ông ta chứng tỏ lòng can đảm cá nhân trong các cuộc đọ gươm hay đấu súng điều mà các hoàng tử khác sẽ không bỏ qua cơ hội. Tuy nhiên bên bờ sông Rhin, cạnh nước Pháp khoảng bảy tám dặm có một người đàn ông rất dũng cảm, người đã hai mươi lần chứng tỏ lòng can đảm ấy khi chiến đấu với quân Cộng hoà. Đó là con trai của hoàng thân Condé, công tước Enghien.

Bonaparte rùng mình.

- Cẩn thận đấy ông Fouché - Bonaparte nói - Mặc dù tôi không thẳng thắn nôi dự định trong tương lai của mình đối với ông nhưng dần dần tôi thấy ông đang sợ đấy. Ông sợ một ngày tôi hoà hảo với nhà Bourbon và ngày đó, hỡi con người hay diệt trừ các chế độ, ông sẽ ở trong một tình thế bấp bênh. Còn nếu một người nhà Bourbon chống lại tôi, nếu điều đó hiện ra rõ ràng trước mắt tôi, thì cũng không triều đình hay ý kiến xã hội nào ngăn tôi được. Tôi muốn đi đến cùng vận mệnh của mình, dù nó thế nào, tôi cùng vận mệnh ấy được viết lên cuốn sách định mệnh.

Tất cả chướng ngại trên con đường của tôi, tôi sẽ lật đổ hết, nhưng tôi cần phải có quyền lực và lý trí.

- Thưa ngài - Fouché nói - Không phải vô tình hay vì mục đích cá nhân mà tôi nói với ngài về công tước Enghien vì dạo trước sau khi mang thông điệp của Cadoudal tới ngài, Sol de Grisolles, thay vì đến London gặp lại tướng quân của anh ta, đã sang Đức. Tôi dễ dàng biết anh ta làm gì bên bờ kia sông Rhin. Tôi đã sai nhân viên mà anh ta hân hạnh được gặp ngài hôm nọ đi theo dõi Sol. Đó là một người rất khéo léo, ngài cũng thấy đấy. Anh ta theo Sol đến Strasbourg, cũng vượt sông với anh này, làm quen với Sol dọc đường và cùng đến Ettenheim. Điều đầu tiên cận vệ của Cadoudal làm là đến thăm đức ông Enghien. Ông này còn mời anh ta ở lại ăn tối và giữ anh ta đến tận mười giờ tối.

- Này này - Bonaparte đột ngột nói vì ông đã thấy Fouché muốn đưa ông đi đâu - Nhân viên của ông không ăn tối cùng họ đúng không? Nhưng làm sao anh ta biết họ nói gì và vạch kế hoạch gì?

- Họ nói gì đâu có khó đoán. Những kế hoạch họ đã làm cũng dễ hình dung ra. Nhưng, để không võ đoán chúng ta hãy dừng ở tính xác thực. Thưa ngài, người của tôi vốn làm chủ thời gian nên không thể bỏ lỡ vài tiếng mà không làm gì. Quả vậy! Anh ta đã dùng nó để dò la tin tức, qua đó, anh ta biết công tước Enghien thỉnh thoảng lại rời Ettenheim bảy tám ngày, ngoài ra anh ta còn biết có lần ông ấy qua đêm thậm chí hai đêm ở Strasbourg.

- Chuyện ấy thì có gì lạ - Bonaparte nói - Tôi cũng được báo ông ta đến đó làm gì.

- Ông ta đến đó làm gì vậy? - Fouché hỏi.

- Ông ta đi gặp tình nhân của mình - quận chúa Charlotte de Rohan.

- Bây giờ - Fouché nói - vấn đề là xem việc gặp phu nhân Charlotte de Rohan, người không phải là tình nhân của công tước Enghien mà là vợ ông ta vì ông này đã bí mật cưới bà ấy (lẽ ra bà đã có thể sống cùng chồng ở Ettenheim) có phải là cái cớ để ông ấy đến Strasbourg gặp các đồng loã của mình khi mà Strasbourg chỉ cách Paris hai mươi tiếng.

Bonaparte nhíu mày.

- Chính vì thế mà người ta đã khẳng định với tôi ông ta đến đó để xem kịch. Tôi đã nhún vai mà nói rằng điều ấy không đúng. Dù ông ta đến xem kịch hay không - Fouché nói - tôi cũng mong ngài Tổng tài không nên rời mắt khỏi ông hoàng Enghien.

- Tôi còn làm nhiều hơn thế - Bonaparte nói - Ngày mai, tôi sẽ cử một người tin cẩn sang bên kia sông Rhin. Anh ta sẽ trực tiếp báo cáo cho tôi, ngay khi anh ta trở về, chúng ta sẽ lại đề cập đến vấn đề này.

Nói rồi ông quay lưng lại Fouché, điều đó có nghĩa là ông muốn ở lại một mình.

Fouché đi ra.

Một giờ sau, ngài Tổng tài cho gọi thanh tra sở mật vụ đến văn phòng của mình và hỏi có phải trong cơ quan của anh ta có một người thông minh lanh lợi có thể sang Đức để thực hiện một nhiệm vụ bí mật, kiểm tra lại các tin tức của nhân viên của Fouché.

Người này trả lời rằng ông ta có một người mà ngài Tổng tài cần tên và hỏi xem liệu ngài Tổng tài muốn tự mình giao nhiệm vụ hay chỉ cần ông ta báo lại cho nhân viên ấy.

Bonaparte đáp với một nhiệm vụ quan trọng như vậy, các yêu cầu cần phải rõ ràng. Do đó, tự tay ông thảo các yêu cầu ngay trong buổi tối và giao cho viên thanh tra chuyển đến sĩ quan nọ.

Các yêu cầu đó là:

"Tìm hiểu xem có phải công tước Enghien thường vắng mặt một cách bí hiểm khỏi Ettenheim.

Tìm hiểu những kẻ lưu vong hay lui tới và thường được long trọng đón tiếp.

Tìm hiểu xem ông ta có quan hệ chính trị với người Anh qua kênh của nước Đức hay không?"

Tám giờ sáng hôm sau, viên sĩ quan đi Strasbourg.


Nguồn: http://vnthuquan.org/