4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C82-84)

Chương 82: Hai chiến lợi phẩm

Sáng sớm hôm sau, René thức dậy, còn François, anh ta không thể làm như vậy. Là lính canh cần mẫn, anh ta đã gác cả đêm. Không một con thú nào, ngay cả cá sấu, đến quấy quả nữa.

Khi thức giấc, René ra hiệu xuất phát và không quên cho mọi người uống chút rượu arack và nhai trầu. May thay lũ ngựa đã bị buộc níu vào nhau, nếu vì sợ đám lửa bị mặt hồ phản chiếu như một tấm gương khổng lồ mà chúng chạy trốn, e là chúng không thành công.

Tất nhiên đã có một lúc tất cả loài vật sống ở chốn đáy sâu của cái mặt nước này không hiểu chuyện gì xảy ra. Rừng đã cháy rộng đến nửa dặm và ngay cả hồ nước cũng giống như một hồ lửa.

Hôm sau, khi trời sáng rõ, tất cả đã chạy trốn. Người ta không nghe thấy tiếng hổ gầm, tiếng rắn phun phì phì, tiếng cá sấu xì xoạt. Tất cả đều im lặng, tất cả đều đã chạy trốn đám cháy đến nỗi người ta còn nghe tiếng bước chân bên rừng rậm.

Mọi người nhìn René đầy ngưỡng mộ. Ban ngày một người có thể đối diện với nguy hiểm mà không nao núng nhưng ban đêm vẫn người ấy có thể lại run lên trước mối lo hoặc trước sự việc mà ban ngày anh ta cho là quá dễ. Nhưng tâm hồn của René là nước thép đặc biệt nên nỗi sợ không thể xâm nhập được.

Đoàn người tiếp tục đi bộ. Không ai thú nhận nỗi sợ đang đè trĩu trong người họ nhưng những bước chân của họ cho thấy ai cũng muốn mau chóng thoát khỏi cánh rừng nguyền rủa ấy.

Khoảng hai giờ chiều người ta đã nhìn thấy bìa rừng và ai nấy đều thở phào. Họ nói đến chặng nghỉ và ăn tối nhưng phải đến lúc ra khỏi rừng người ta mới dám thực hiện dự định ấy, cái dự định mà nếu thực hiện trong rừng có lẽ được coi là khá táo bạo với cả những người dũng cảm nhất.

Khi ra đến đồng bằng lúc trời còn sáng mọi người mới bắt đầu nhận ra rằng họ đã đi từ sáng mà chưa ăn gì. Họ vui vẻ ngồi xuống, lấy đồ ăn đeo hai bên sườn ngựa gồm một chiếc đùi linh dương quay và hun khói, mỗi người cắt một miếng, vừa ăn vừa uống một ly rượu arack.

Sau đó, chỉ mất hai ba tiếng đi bộ trong địa hình bằng phẳng và họ không gặp tai nạn nào cho đến khi về thành Pégou.

Con tàu của René không hề di chuyển. Nó vẫn bập bềnh bên mỏ neo.

René ra hiệu, lập tức chiếc xuồng nhỏ được tháo khỏi mang tàu Tay đua New York đến bờ đón anh. Người đến chờ René thanh toán tiền thuê người, ngựa và voi đang đợi anh trên tàu.

Ngay tối hôm ấy, họ thanh toán mọi khoản trước sự chứng kiến của ông chủ cảng. Riêng hai con voi mà René làm quà tặng cho Hélène không có trong hợp đồng nên chuyện sẽ được bàn với ngài Shabunder. Như đã nói ở trên, chức danh Shabunder tương đương với chức cảnh sát trưởng hải quân ở Anh.

Không gì có thể níu giữ René ở lại Miến Điện nữa, chỉ ngẫu nhiên đã dẫn anh đến đây. Nghĩa vụ gia đình anh đã hoàn tất, không còn lý do gì mà lưu luyến chốn này. Vì vậy, ngay hôm sau họ thuê người hoa tiêu dạo trước đi xuôi dòng Pégou.

Đó là ngày 22 tháng Năm năm 1805.

René hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra ở Pháp từ ngày anh rời Saint-Malo lên tàu Revenant một năm trước.

Cũng không phải có quá ít lý do để người ta tiếc thương tổ quốc nơi sinh ra ta. Vả lại, René đã rời nước Pháp ở thời điểm có nhiều sự kiện trọng đại đang phôi thai. Ngài Bonaparte đã quyết định sinh tử với nước Anh. Liệu ông ta có theo đuổi dự định ấy hay đã từ bỏ nó rồi? Đây là điều không ai có thể nói với anh từ khi anh đến An Độ.

Có lẽ khi về đến đảo Pháp, gặp lại thuyền trưởng Surcouf, ông ta có thể cung cấp cho anh vài tin tức gì đó chăng. Nhờ dòng sông mang tàu Tay đua New York ra biển, họ chỉ mất ba ngày là vượt đoạn đường từ Pégou đến Rangoon. Ngày thứ tư, họ vào biển.

René chỉ đạo nước chạy con tàu về mũi đảo Sumatra. Mười ngày sau anh nhận ra mũi Achem. Ngay tối hôm ấy anh vượt qua nó đi vào một khoảng không mênh mông vô tận trải dài không có mỏm đá nào từ Achem đến Chagos.

Sớm hôm sau, thủy thủ canh gác hô to "Có tàu!", lập tức René chạy lên boong tay cầm ống ngắm.



Quả thật từ phía trên múi Jouzou, người ta nhận ra ba con tàu, hai chạy về phía quần đảo Chagos và một tiến đến chỗ họ. Qua vẻ bề ngoài René đoán hai tàu đều là tàu buôn. Nhưng ở thời điểm ấy tàu buôn cũng trang bị vũ khí như tàu của chính quyền. Tuy nhiên, René lại tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào con tàu đang tiến đến gặp họ. Qua dáng vẻ nhẹ nhàng và lướt nhanh của nó, anh dễ dàng nhận ra đây là một tàu có vũ khí dùng để săn đuổi.

René chuyển ống ngắm cho François chỉ nói gọn "Nhìn kìa!" nhưng toàn bộ sức nặng đó đè lên câu nói ấy.

François cầm ống ngắm nhìn một hồi rồi không thể kìm được cơn run lên vui sướng. Thấy René mỉm cười, François trả anh ống ngắm và thì thầm:

- Tôi xin thề đúng là nó.

Một phát đạn pháo của con tàu đang ấy tách biệt vang lên, cờ hiệu của nó cuộn quanh một lớp khói.

- Cậu thấy chưa, cờ Cộng hoà đấy - René bảo François.

Hai con tàu đang chạy cầm chừng lập tức cũng đáp trả bằng một phát đạn đại bác và giương cờ Anh lên.

- Giương tất cả buồm lên! - René ra lệnh - Quay mũi tàu về phía có đụng độ!

Tàu của René cách đó độ hai dặm biển nhưng trời ít gió lên chẳng mấy chốc tàu của anh cũng nằm giữa đám mây khói. Việc ít gió không quan trọng đối với con tàu có thể chạy năm đến sáu dặm một giờ như Tay đua New York.

Càng đến gần, lớp khói càng dày vấn vít lấy ba chiếc tàu. Tiếng đạn pháo không ngớt từ những cái miệng lửa tạo thành những tiếng vang rền rĩ đến từ phía Mã Lai giống như tiếng sấm dai dẳng không dứt. Ba chiếc thuyền buồm đã vờn nhau gần một tiếng thì René ra lệnh chuẩn bị lao vào lớp khói mù mịt bao quanh họ. Các pháo thủ vào vị trí, qua ánh mồi lửa René thấy tên một trong hai tàu là Louisa.

Bất cần nó thuộc quốc gia nào và thủy thủ đoàn của nó là ai! Anh chỉ biết con tàu buôn này đang chiến đấu với một tàu Pháp. Anh chỉ cần có thế!

- Khai hoả mạn trái! - Anh ra lệnh.

Sáu khẩu đại bác từ mạn trái đồng loạt nhả đạn. Rồi vượt lên trước con tàu đang ngỡ ngàng không biết mình gặp phải địch thủ nào, anh bắn hai phát dọc từ mũi xuống đuôi con tàu Anh. Một tiếng gãy răng rắc vang lên: cột buồm mũi đổ gục xuống boong tàu Louisa.

Qua làn khói ngày càng dày đặc, René nghe thấy giọng nói quen thuộc át mọi âm thanh: "Tấn công lên tàu!"

Lúc này cột buồm mũi của René vướng vào dây neo của con tàu trước mũi nó mà anh chưa biết tên. Mặc kệ, anh hoà theo tiếng hô ban nãy bằng một tiếng hô tương tự: "Tấn công lên tàu!"

Dứt lời qua một tia sáng, anh nhận ra một viên sĩ quan Anh trên bàn điều khiển con tàu anh vừa áp sát, René chuyển súng trường từ tay phải sang tay trái, vai rung mạnh nhả đạn và thấy tên người Anh lăn tròn xuống boong.

- Tấn công! - Các bạn ơi tấn công! Anh hét lên một lần nữa rồi lao đầu tiên lên cột buồm mũi trong khi chục người khác do François dẫn đầu cũng leo lên dây neo đu sang cột buồm theo sau chỉ huy của họ.

Người Anh còn đang ngỡ ngàng không hiểu những người này ở đâu ra hay từ trên trời rơi xuống thì giọng nói như sấm của René bằng tiếng Anh vang lên:

- Hạ cờ xuống cho tàu Tay đua New York?

Viên trợ lý trên tàu Anh giơ tay định ngăn lại lệnh nhưng tay hắn đã thõng xuống theo cơ thể, giọng nói của hắn nghẹn lại trong cuống họng, một viên đạn từ súng lục vừa xuyên qua thái dương hắn. Lần này tàu Anh hạ cờ và René nói bằng tiếng Pháp.

- Các bạn, dừng chiến, tàu Anh đã hàng rồi.

Nói xong anh lắng nghe. Tất cả đã im lặng.

Người ta cảm thấy một cơn gió thổi đến làm căng hai cánh buồm che phủ trận đấu và hai con tàu. Khói vẫn chầm chậm quấn lấy các cột buồm. Hai con tàu Anh đều đã đầu hàng vài phút sau, René nhận ra viên thuyền trưởng trên con tàu cộng hoà Pháp cũng làm chủ boong tàu địch thủ của mình giẫm chân lên cờ Anh.

René không nhầm: đó chính là thuyền trưởng Surcouf.

Cả hai đồng thời kêu lên vì sung sướng và vì chiến thắng.

Nếu như hai tay họ không với tới nhau được thì hai cái tên thốt ra từ miệng họ cho thấy hai người bạn đã nhận ra nhau.

Chương 83: Trở lại cảng Chien-De-Plomb

Trong thời gian đầu, cả Surcouf và René không dám rời con tàu họ vừa chiếm được. Nhưng khi mời thủ tục vừa hoàn tất, các sĩ quan vừa chấp nhận đầu hàng, François được tuyên bố trở thành chỉ huy tàu Louisa và Èdeux, trợ lý của Surcouf trở thành chỉ huy con tàu ba cột buồm Le Triton thì hai chỉ huy René và Surcouf sai thả xuồng lòng biển để đi thăm nhau.

Đi được nửa đường, hai chiếc xuồng gặp nhau, René nhảy lên chỗ Surcouf và lao vào vòng tay của ông.

Hiển nhiên, họ bên nhau suốt ngày và ăn tối cùng nhau. Ai cũng tán dương tài nấu bếp của tàu mình để lôi kéo bạn nhưng cuối cùng họ đồng ý ăn tối trên tàu Tay đua New York. Kết quả là hai người bạn cùng trở lại con tàu của người buôn nô lệ da đen trước kia.

René kể vắn tắt chuyến đi của mình tới Miến Điện cho ngài Surcouf nào là những cuộc đi săn, những cuộc tấn công ngày đêm, trận quyết đấu với hải tặc Mã Lai, ầán đọ gươm với con trăn và không quên nhắc đến cái chết của Jane nhưng không nói gì đến hoàn cảnh vì sao cô qua đời. Cuối cùng, anh kể về Đất Trầu, vụ đốt rừng sau hai lần cá sấu tấn công và hổ tấn công.

Ngài Surcouf giậm chân thích thú. Ông nói:

- Đó là cái gọi đi một ngày đàng học một sàng… vui. Tôi cũng ba bốn bận đụng độ với quân Anh, bọn họ đều để bị bắt như một lũ ngốc. Hôm nay tôi đang ngỡ đụng phải miệng sói thì thật may cậu đã đến bắt nó phải ngậm mồm. Cậu tưởng quá mải lo đến hai tàu vừa rồi mà không thấy cậu đến ư, tôi có những con mắt tinh tường của các thuyền trưởng người Malo, Bretagne và Normand đấy! Tôi làm sao có thể ngạc nhiên khi nghe tiếng nhạc của những khẩu đại bác cỡ 16 ly lẫn vào tiếng đạn của chúng tôi nhé: Ngay khi anh bạn cất giọng, dù bằng tiếng Anh, tôi nhận ra ngay. Bấy giờ, cậu biết là chúng ta đã chiếm được chúng chưa?

- Thực tình là không! Tôi không chiến đấu để cướp tàu, tôi đến để trợ chiến cho ông.

- Được rồi anh bạn thân mến của tôi - Surcouf nói - Chúng ta vừa kiếm được lượng hạt tiêu có thể rải khắp đại dương từ Mũi Hảo vọng đến mũi Horn. Ba triệu tiền hạt tiêu anh bạn ạ, một triệu cho cậu và người của cậu.

- Một triệu cho tôi, để làm gì? Ông biết rõ là tôi không chiến đấu cho số hạt tiêu của ông.

Đành rằng là vậy, nhưng còn người của cậu? Người ta có thể từ chối một triệu cho mình nhưng cũng phải nghĩ đến mười tám hai mươi con người đáng thương trông mong có gì cho vào bát súp trong phần đời còn lại của họ chứ. Cậu có thể không lấy phần của mình thì tuỳ, khoản đó gần năm trăm nghìn phăng đấy! Nhưng cậu có thể phân chia cho họ.

- Tức là ông là người sẽ đưa cho họ.

- Cậu hay tôi thì cũng thế. Thôi nào, có quan trọng gì nửa triệu ấy đến từ ta, miễn là nó đến tay người cần đến. Bây giờ tới câu hỏi đầu tiên của cậu muốn biết người ta đã làm gì ở Pháp.

- Người ta có đánh nhau trên biển hay đánh nhau trên bộ. Tôi tuyệt nhiên không hay biết gì cả, tiếng đại bác sao đến được Ấn Độ Dương. Tất cả những gì tôi biết là Đức Giám mục Thánh - Cha đã đến Paris để tấn phong hoàng đế cho ngài Napoléon. Nhưng có xảy ra chiến tranh với nước Anh hay không thì tôi không rõ. Nếu được khuyên hoàng đế bệ hạ một câu thì tôi khuyên ông ta cứ hành nghề chiến binh của ông ta và để chúng ta làm nghề thủy thủ của chúng ta.

René mới rời đất liền chưa lâu nên trên tàu của anh có lượng thực phẩm tươi và hoa quả ngon khiến các sĩ quan trên tàu Revenant tỏ ra rất khoái chí.

Về phía Surcouf, ông cũng đã trải qua vài sự kiện đặc biệt và chủ yếu là một lần quần nhau giáp lá cà với một con cá mập. Câu chuyện về cuộc đụng độ này sẽ chứng tỏ rằng không khác gì René, ông cũng bình tĩnh dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Số là vài ngày sau khi Revenant lên đường, Surcouf cũng bắt đầu đi săn. Trong lần thả neo ở đảo Mahé, một chiếc thuyền độc mộc tình cờ gặp phải một con cá mập khổng lồ trong lúc nó đang ngủ. Con này dùng một phát quật đuôi đã cho chiếc thuyền nát tan tành. Những ai trên thuyền đều trở thành mồi cho con quái vật biển trừ ông chủ.

Những người thiệt mạng đều là thủy thủ trên tàu của Surcouf. Ban đầu sự việc này khiến ai trên tàu cướp biển cũng kinh hoàng đặc biệt là ông chủ, người duy nhất thoát khỏi hàm răng của con cá mập. Thậm chí ông còn tạ ơn nữ thần Madone. Nhưng rồi giữa mệt mỏi, công việc nặng nhọc, các thủy thủ cũng nguôi ngoai dần. Họ lại vô tư tiếp tục cuộc hành trình từ đảo này sang đảo khác để mua đồ giải khái từ những người dân di cư.

Lại một lần neo tàu khác, một ngươi dân ở Mahé, bạn cũ của ngài Surcouf mời ông đến ăn tối cùng vài sĩ quan bản địa mới được phong chức được vài năm ở phía tây đảo. Họ rời bây giờ những ca nô của tàu Revenant và đi mất rất ít thời gian dù quãng đường khá dài.

Ngày hôm ấy qua đi vui vẻ cho đến lúc họ phải trở lại tàu. Ca nô của Surcouf đi đầu tiên chất đầy thực phẩm tươi của miền nông thôn. Một sĩ quan và Bambou: anh chàng da đen của thuyền trưởng cũng nhân cơ hội ấy vào bờ trước. Surcouf đưa cho anh ta khẩu súng trường và túi săn hai vật bất ly thân của ông trong mỗi lần đi đâu đó.

Dân bản địa dùng một chiếc thuyền gỗ đưa khách về tàu do ông chủ tiệc cầm lái chở ngài Surcouf, bác sỹ phẫu thuật Millian và trung uý Joachim Vieiliard.

Thuyền gỗ vượt qua mũi bắc đảo Mahé, gió dịu dần vào thời điểm cuối ngày nên mặt biển chỉ khẽ xao động. Người ta đã nhận ra giàn pháo của tàu Revenant mới được sơn lại đang hắt ánh nắng hoàng hôn. Con thuyền gỗ đi được là nhờ bốn người da đen lực lưỡng chèo lái trên mặt nước trong suốt nơi ẩn chứa nhiều cá mập đáng gờm về kích thước cũng như tính hung bạo của chúng.

Đột nhiên trong lớp xoáy nước của con thuyền xuất hiện một trong những con thủy quái có cái đầu khổng lồ đã ngửi thấy mùi thịt người mà anh chàng hoa tiêu, không phải ai khác chính là ông chủ bữa tiệc, đập cho nó một mái dầm chèo đầy giận dữ.

Con vật bản tính hung bạo còn lâu mới chịu từ bỏ, nó áp sát vào mạn thuyền và xét về chiều dài, nó trội hơn hẳn. Sau đó, nó vòng ra sau tìm mọi cách để nhấn chìm con thuyền thứ mà chắc chắn sẽ thoả mãn cơn đói cồn cào của nó. Con quái vật quật đuôi suýt làm con thuyền vỡ tan đó là điều làm mọi người lo sợ biết làm sao để kết thúc cuộc đua tài với một cú đạp chèo do chủ tàu thưởng cho.

Trong cơn tấn công đáng sợ, nó há cái miệng cao đến mạn thuyền, Surcouf tiện tay ném chỗ trứng tươi trong làn. Vật ném ra là quà tặng của ông chủ hiếu khách, bay thẳng vào họng con cá như một miếng bánh nhúng ngon lành mà nó có vẻ khoái khẩu. Nó khép cái hàm ba hàng răng lại, cuộn mình rồi biết mất.

Khi nguy hiểm đã qua, mọi người bật cười về cuộc tấn công và quả đạn dùng để hạ con goulu(1). Chủ nhà hứa sẽ mời họ món trứng rán vào dịp gặp khác.

Đó là những lần ngài Surcouf bị tấn công sau khi rời đảo Pháp. Thủy thủ đoàn của ông chỉ còn bảy mươi người. Do đó, ông quyết định, trừ phi René phản đối, sẽ trở về đảo Pháp.

René không mong gì hơn thế.

Ngày 26 tháng Năm, tàu Rèvenant và tàu Tay đua New York cùng hai tàu chiến lợi phẩm của họ vượt qua xích đạo trở về.

Ngày 20 tháng Sáu, khi bình minh mới ló rạng, thủy thủ gác báo: "Đất liền!" Các dãy núi dần dần hiện ra khi mặt trời tiến sát chân trời. Bằng giờ ấy ngày hôm sau, họ đã ở giữa đảo Flacq và quần đảo Ambre.

Phía trên vịnh Tombeau có tàu hoa tiêu neo đậu thông báo rằng vì cuộc chiến Anh - Pháp sắp bùng nổ nên không tàu nào được đậu trước đảo Do đó, Surcouf, René và hai chiến lợi phẩm dễ dàng vào cảng Louis rồi thả neo trên cảng Chien-De-Plomb.

Chú thích:

(1) Biệt hiệu các thủy thủ gọi loài cá mập

Chương 84: Cuộc viếng thăm ngài đảo trưởng.

Surcouf và René trở về, sau mỗi tàu của họ còn kéo thêm chiến lợi phẩm quan trọng khiến cả đảo Pháp vui mừng.

Trong số tất cả các đảo thuộc địa của Pháp, có lẽ đảo Pháp là nơi gắn bó với tổ quốc mẹ hiền nhất. Một nhà thơ Pháp đã mang lại cho nó cuốn Paul và Virginie một tác phẩm văn học có giá trị khiến nó đáng là đứa con của mảnh đất lục địa gấp hai lần.

Những cư dân anh dũng, phiêu lưu, vừa phóng túng song cũng rất dịu dàng ngưỡng mộ những sự kiện trọng đại hay các cuộc chiến lớn của Pháp. Họ yêu quý mẫu quốc không chỉ vì lợi ích theo một qui luật tự nhiên là ngưỡng mộ và yêu quý những cái gì vĩ đại.

Từ gần sáu mươi năm qua, đảo Pháp đổi tên là đảo Maurice và thuộc về nước Anh cũng là sáu mươi năm, ba thế hệ thay nhau nối tiếp và ngày nay, đảo Pháp vẫn đậm chất Pháp từ tận đáy lòng mỗi khi có lá cờ trắng hay cờ ba màu bay phấp phới trên cảng Louis và cảng Bourbon.

Và quả thật, ngày nay, những cái tên người anh hùng Bretagne hay người Normand thời trước vẫn còn nguyên vẹn trọng tâm trí người Pháp. Khi nhớ lại quá khứ của những người thời ấy như Surcouf, Cousinène, Hermite, Hénon và Le Gonidec, thì không một trẻ em nào trên cảng Louis lại không biết tên họ và sẵn sàng kể về những chiến công của họ, những chiến công khiến bọn bất lương trên vịnh Mexique phải tái mặt. Khi họ gặp hoạn nạn, những thủy thủ của chúng ta vẫn tìm thấy trên đảo Pháp sự đồng chào nồng nhiệt như khi họ thành công. Không biết bao lần, chỉ bằng chữ ký của mình họ đã nhận từ tay ngân quỹ của nhà băng của ngài Rondeau nổi tiếng khoản tiền đến 200 thậm chí 250 nghìn phăng để sửa chữa hay dựng lại tàu của họ.

Quả thật, những thủy thủ Pháp rất đoàn kết tương thân tương ái nếu một người không thể thực hiện cam kết của mình, hàng chục người khác sẵn sàng chung tay giúp đỡ anh ta.

René, người một lòng một dạ vào nghề giống như anh từng học làm thủy thủ trước kia, người không suy chuyển trước bất cứ cam go nào, người hiểu lời khuyên tuyệt vời mà ngài Fouché dành cho anh, cũng hiểu rằng nếu anh làm trợ thủ trên tàu của nhà nước như ngài Surcouf hoặc làm chủ tàu Slúp của mình, anh cũng sẽ có quyền đạt được vinh quang như các quan chức cao cấp và có quyền như trên chiến thuyền Hải quân hoàng gia.

Nhưng những gì anh đã làm, anh lại thực hiện nó trong tâm trạng của một người không thiết tha gì nữa. Ngài Surcouf từng được phong làm chỉ huy một chiến thuyền vốn được tất cả những sĩ quan hải quân của Pháp biết đến và đề cao. Một lời đề bạt của ông có thể giúp René làm chuẩn uý trên con tàu đầu tên họ gặp, một chìa khoá cho anh trở lại châu Âu và phục vụ cho những thuyền trưởng danh giá chỉ huy các tàu như Le Tonnant, Redoutable, Le Bucenlaure, Le Fouguellx, L Achille, Le Témérmne và nhiều tàu khác.

Muốn vậy, chỉ cần một lời đề cử của Surcouf và chắc chắn ông ta cũng không từ chối điều đó.

Ngài Surcouf vốn quen biết đảo trưởng đảo Pháp, tướng Decaen. Ông sắp đi thăm viên tướng ấy và ngỏ muốn một trong những sĩ quan dũng cảm của mình, người đang mong trở lại Pháp được tham gia vào cuộc chiến. Ông hăng hái kể nhưng chuyện đã qua, cách René thể hiện khi chiếm tàu Standard và anh đã cống hiến ra sao để đưa hai cô gái Pháp trở lại Miến Điện khi cha các cô, hành khách trên tàu Standard bị tử nạn. Tướng Decaen tỏ ra rất vui được tiếp anh chàng dũng cảm mà ngài Surcouf nhắc đến.

Ngày hôm sau, vào giờ đã định, René đến nhà đảo trưởng, nhưng người lục sự lưỡng lự không muốn cho anh vào. René nhận ngay ra thái độ của ông ta và anh hỏi tại sao.

- Ông có đúng là trợ lý của ngài Surcouf và là chỉ huy tàu Tay đua New York không? - Viên lục sự hỏi.

- Đúng vậy. - René trả lời.

Ông ta càng lưỡng lự khi thấy cách ăn mặc của René. Vì thủy thủ tàu cướp biển không nhất thiết phải mặc quân phục nên anh mặc theo mốt thời đó và với vẻ lịch sự bẩm sinh anh không thể mặc khác đi ngay cả khi anh muốn che giấu thân phận của mình. Ở đảo Pháp anh không nghĩ nó quan trọng nên mặc như thể đến thăm tiểu thư Sourdis hay phu nhân Récamier vậy.

Tướng Decaen khi được thông báo có ông René, trợ lý của thuyền trưởng Surcouf đến, những mong sẽ gặp một con sói biển, một thủy thủ râu tóc xồm xoàm cộng với bộ quần áo loè loẹt nhưng trước mặt ông là một chàng trai trẻ đẹp, nước da hơi tái, đôi mắt dịu dàng, mái tóc uốn thành lọn, bàn tay trong đôi găng không chê vào đâu được và một bộ ria chớm xoà lên môi trên.

Ông định đứng dậy khi nghe cái tên René đến nhưng vừa thấy anh, ông như bị chôn chân tại chỗ.

Ngược lại, René rất đàng hoàng, thoải mái tiến lên trong tư thế của người quen với chốn sang trọng nhất trên đời, anh chào viên tướng bằng vẻ lịch thiệp hoàn hảo.

- Sao, anh là người mà ông bạn cướp biển Surcouf của tôi đã nói đến hôm qua ư? - Viên tướng ngạc nhiên hỏi.

- Lạy Chúa! Ngài làm tôi sợ, thưa tướng quân - René đáp - Nếu ông ấy hứa hẹn một ai khác thì tôi sẵn sàng xin rút lui và thú thật tôi không xứng với sự quan tâm mà ngài có lòng tốt dành cho tôi. Tôi chỉ là một chàng trai hai mươi sáu tuổi tội nghiệp, không biết chuyện gì xảy ra vì đã lênh đênh sóng nước hàng năm nay.

- Không đâu - Viên tướng nói - Tôi ngạc nhiên trước phong cách của anh thôi chứ không có ý không tôn trọng anh. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ người ta chỉ có thể làm cướp biển khi câu nào cũng chửi đổng, đội mũ lệch và bước chân khuỳnh ra như một người đi trên đất bồng bềnh như trên biển. Xin thứ lỗi, tôi đã nhầm và cho tôi hân hạnh được nói rằng mình may mắn được anh đến thăm.

- Thưa tướng quân - René nói với ông ta - Ngài có thể giúp tôi một việc được chăng, đó là để tôi được chết một cách hợp lẽ và trong danh dự.

Nói rồi René ngồi xuống mân mê một đoạn gậy bịt đầu bằng ngọc bích.

- Để anh chết à? - Viên tướng nói và một nét cười khó nhọc hiện ra - ở tuổi anh, tài sản, vẻ lịch thiệp, thành công anh đã có và chắc chắn còn nhiều hơn nữa sao! Anh đùa…

- Ngài hãy hỏi ngài Surcouf xem đối diện với kẻ thù, tôi có làm tất cả những gì có thể vì điều ấy hay không.

- Ông Surcouf có nói với tôi những chuyện không thể tin được về lòng dừng cảm, về tài khéo cũng như sức mạnh của anh. Chính vì thế mà khi nhìn thấy anh tôi thấy khó tin anh là người mà ông ấy đã nói vơi tôi, và không chỉ ông ấy đã nói về lòng can đảm của anh đối với con người mà còn nhiều lần thể hiện trước các loài ác thú. Có thể nói ở tuổi anh, anh đã hoàn thành mười hai kỳ công của Héc-quyn vậy.

- Thật không xứng đến vậy đâu, thưa tướng quân. Một người không những không sợ cái chết thậm chí còn coi là hạnh phúc khi được đón nhận nó thì ngoài viên đạn lạc ra anh ta sẽ lần như thất bại. Vả lại tôi mới chỉ đương đầu với lũ hổ mà hổ lại là một loài vật tàn bạo nhưng bạc nhược. Lần nào đối diện với một trong những con vật ấy, tôi đều nhìn thẳng vào mắt chúng và khiến chúng phải cụp mắt xuống. Người hay vật, một khi đã cụp mắt tức là đã thất bại.

- Thật ra anh làm tôi rất vui. Nếu anh vui lòng ăn tối cùng tôi, tôi sẽ giới thiệu với phu nhân Decaen, mời anh làm quen với con trai tôi và kể cho nó nghe vài cuộc đi săn của anh.

- Tôi rất vui lòng thưa tướng quân, thật hiếm khi một thủy thủ thấp kém nào lại có vinh hạnh gặp một người cao quý như ngài.

- Thủy thủ thấp kém ư? - Vị tướng quân mỉm cười - người sắp có một khoản 500 nghìn phăng ư? Cho phép tôi nói rằng về phía tài sản anh đã không phải là người thấp kém rồi.

- Thưa tướng quân, đến đây tôi mới nhớ một việc mà thiếu chút nữa tôi quên mất. Đó là khi làm nghề cướp biển nghiệp dư, tôi có thói quen chia sẻ phần của mình, như vậy với khoản 500 nghìn phăng, tôi sẽ dành 400 nghìn cho các bạn của tôi, còn 100 nghìn còn lại cho phép tôi trao lại cho ngài để phân phát cho những người Pháp nghèo khổ đang cần hồi hương hay những người vợ goá bất hạnh của các thủy thù. Ngài cho phép chứ?

Và trước khi vị tướng quân kịp trả lời, anh cúi xuống bàn rút một tờ giấy viết dòng chữ quý tộc nhất trên đời:

"Thưa ngài, mong ngài vui lòng chuyển theo xuất trình giấy này khoản tiền 100 nghìn phăng cho ngài tướng quân Decaen, đảo trưởng đảo Pháp. Ông ấy biết sử dụng khoản ấy ra sao.

Cảng Louis ngày 23 tháng 6 năm 1805

Gửi ngài Rondeau,

Chủ nhà băng, phố Gonverment, cảng Louis”.

Ông tướng Decaen cấm tờ giấy và đọc.

- Nhưng - ông ngạc nhiên nói - Trước khi sử dụng khoản này, tôi phải chờ bán được chiến lợi phẩm của ngài đã chứ.

- Không cần thưa tướng quân, tôi có khoản tín dụng nhiều gấp ba lần khoản tôi xin đưa cho ngài ở chỗ ngài Rondeau.

- Vậy ít nhất anh cũng phải nói với ông ấy chứ.

- Có lẽ không cần. Ngài sẽ thấy khoản tiền thanh toán khi xuất trình giấy. Vả lại ông ấy còn hai chữ ký của tôi được gửi từ Paris bởi ông chủ ngân hàng của tôi, ngài Penégeau.

- Vậy từ khi về đảo anh đã đến thăm ông Rondeau hay báo cho ông ấy là anh đã về chưa?

- Tôi chưa có hân hạnh diện kiến ông ta, thưa tướng quân.

- Anh có muốn làm quen với ông ta chăng?

- Rất sẵn lòng thưa tướng quân. Tôi không thảy có bất tiện nào cả.

Vừa lúc đó, phu nhân Decaen bước vào, René đứng dậy.

- Phu nhân - Viên tướng nói - Bà có cho phép tôi giới thiệu anh René, trợ lý của thuyền trưởng Surcouf, người vừa có một trận đấu tuyệt mỹ, nhờ đó anh ta mang lại tự do và mạng sống của anh bạn người đảo Malo của chúng ta. Anh ấy dành cho chúng ta vinh sự đến ăn tối cùng chúng ta và ngài Rondeau người mà anh ấy chuyển 100 nghìn phăng cứu tế cho những người Pháp bần hàn và các goá phụ của thủy thủ. Đến lượt phu nhân có trọng trách thiêng liêng làm tiếp đấy. Hãy cảm ơn anh René và tôi mong bà đưa tay cho anh ấy hôn.

Phu nhân Decaen ngỡ ngàng chìa tay về phía René. Anh này nghiêng mình trước bàn tay ấy khẽ chạm môi lên đầu ngón tay, lùi lại một bước đồng thời cáo từ ra về.

- Nhưng anh quên là có điều định nói với tôi sao.

- Ồ tôi có vinh dự được gặp lại tướng quân trong ngày cho nên tôi xin phép không dám quấy rầy ngài thêm vì chuyện viếng thăm này nữa.

Nói rồi vừa chào vị tướng đang sửng sốt rồi đến phu nhân Decaen còn ngạc nhiên hơn chồng, anh đi ra để cho họ nhìn nhau cố tìm lời giải thích cho hành động cực kỳ khó hiểu ấy.

Sau đó, tướng Decaen đến chỗ ông Surcouf vừa mời ông này ăn tối cùng trợ lý của ông và ông chủ nhà băng Rondeau và thông báo giờ ăn vì ban nãy quên mất. Đó là từ ba rưỡi đến bốn giờ chiều.

Tướng quân Decaen vừa ra về, ngài Surcouf đã lao vào phòng René.

- Có chuyện gì xảy ra thế bạn hữu của tôi? Ngài đảo trưởng vừa đến mời tôi tới ăn cùng anh và ông Rondeau.

- Đã xảy ra một chuyện hợp theo lẽ tự nhiên thôi. Đó là ngài đảo trưởng là người rất đúng mực, ông ta biết rằng việc mời thêm ông khiến tôi rất vui mà.


Nguồn: http://vnthuquan.org/