4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C85-87)

Chương 85: Một cuộc quyên tiền cho người nghèo

Đúng ba rưỡi, với sự đúng giờ như quân lệnh, ông Surcouf và René đến nhà ngài đảo trưởng.

René muốn bốn giờ kém mười lăm mới đến nhưng ông Surcouf nhận thấy mọi lần ăn tối nhà mình đều vào lúc ba rưỡi và ông cũng biết phải chờ đợi thật khó chịu.

René dự đoán thường khách mời hay đến trễ một chút nhưng ông Surcouf gạt đi. Thế nên kim đồng hồ của ông Surcouf chỉ đúng ba rưỡi, họ gõ cửa nhà ngài đảo trưởng.

Người ta dẫn hai vị khách đến phòng khách nơi chưa có ai cả.

Phu nhân Decaen đang hoàn tất việc điểm trang, viên tướng đang kết thúc công việc, còn Alfred Decaen đi ngựa cùng gia nô vẫn chưa thấy về.

- Ông thấy chưa, - René nói và huých tay vào ông.

Một cánh cửa mở ra, viên tướng bước vào nói:

- Xin lỗi các quý ông, nhưng ông Rondeau, đã ngỏ ý lui lại đến bốn giờ. Đó là giờ ông ta đóng cửa nhiệm sở. Từ mười năm qua, ông ấy luôn là người cuối cùng trong số nhân viên rời công sở. Bây giờ thì tuỳ các vị lựa chọn trong khi chờ đợi, hoặc ở đây hoặc đi dạo một vòng quanh vườn. Cậu con trai tôi cũng vừa xuống ngựa. Nó cũng cần chuẩn bị một chút trước khi có thể ngồi vào bàn.

Vị tướng mở cửa gọi con trai.

- Presto! Presto! Chúng ta chờ con ngoài bãi biển.

Mọi người đi ra vườn, qua các lối phủ cỏ họ đi đến bậc thềm bên bờ biển.

Nơi đây có tầm ngắm rất đẹp, một bên người ta có thể quan sát từ Bête-à-Mille-Pieds đến tận vịnh Grande-Rivière. Hai mái dài ở hai đầu thềm dẫn đến một phòng tập vũ khí có trang trí mặt nạ, kiếm, phòng kia là phòng tập bắn có bia, hình nộm búp bê đạn và đủ thứ liên quan cho người tập những động tác phức tạp nhất. Họ đi vào phòng vũ khí.

- Đây là sở trường của anh phải không anh René - Vị tướng nói - Vì ngài Surcouf khẳng định với tôi anh là người không chỉ am hiểu mà còn siêu phàm nữa.

René thoáng hiện một nụ cười trên môi.

- Thưa tướng quân - Anh nói - Ngài chỉ huy Surcouf của tôi luôn nhìn tôi với ánh mắt ưu ái như người cha nhìn con mình. Nếu ngài nghe ông ấy, tôi sẽ là kỵ sĩ giỏi nhất, sĩ quan giỏi nhất người bắn súng thiện xạ nhất từ thời thánh Georges. Tôi bắn cũng như mọi người, có hơn cũng chỉ hơn kẻ tầm thường trong đám tuần đạo, sự siêu phàm của tôi cũng chỉ đến vậy. Vả lại với kiếm thuật chắc tôi đã sa sút nhiều vì từ ngày đi biển, tôi không đụng vào thanh gươm nào.

- Vì cậu không tìm được người cân xứng đó thôi - Surcouf nói - Đừng khiêm tốn.

- Sao! Ngay cả với ngài ư, ngài Surcouf? - Viên tướng hỏi - Ngài vốn là tay gươm giỏi cơ mà.

- Ở Saint-Malo thì quả có vậy! Tôi chỉ nhìn cậu ấy cầm gươm một lần cũng đủ biết là mình mất uy rồi.

Đúng lúc đó, con trai của ông Decaen bước vào.

- Lại đây Alfred - Cha cậu ta nói - Hãy lĩnh giáo vài đường từ ngài Surcouf đi. Con vốn có triển vọng về gươm thuật, ngài Surcouf lại rất nổi tiếng. Cha hy vọng ông ấy chứng tỏ cho con thấy rằng con là một kẻ kiêu căng.

Chàng thanh niên mỉm cười và bằng vẻ tự tin của tuổi trẻ, anh ta đi lấy hai thanh kiếm và hai mặt nạ đưa cho ngài Surcouf một cái.

- Thưa ngài - Anh ta nói - Nếu ngài muốn giúp cha tôi và tôi như ông ấy yêu cầu thì tôi sẽ vô cùng biết ơn.

Surcouf bị đặt vào tình thế ấy không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận lời thách đấu. Ông ngả mũ, và cởi bớt áo, đeo mặt nạ và cúi chào vị tướng.

- Xin tuân lệnh tướng quân cũng như quý công tử.

- Thưa các ngài… - Viên tướng cười và nói - Hãy chờ xem cuộc đọ gươm sánh cùng Entelle và Darès. Ngài Rondeau đây rồi.

- Ngài đến đúng lúc lắm! Thưa các quý ngài, tôi xin giới thiệu ngài Rondeau, được mệnh danh là tay súng cự phách của chúng tôi. Ở đây ai cũng biết sử dụng vũ khí ngay cả ông chủ nhà băng. Thưa ngài Rondeau thân mến, đây là ngài Surcouf mà ngài đã biết từ lâu còn đây là anh René mà ngài chưa biết nhưng tôi nghĩ có liên quan về tài chính với ngài…

- À có phải với ngài René…

- René… vô danh thưa ngài. - René đáp.

- Sao lại thế được - ông Rondeau nói và đưa tay lên dây đồng hồ - Tôi mới là người phục vụ ngài với khoản 300 nghìn phăng tiền mặt và còn hơn thế.

René cúi chào.

- Nhưng chúng ta đang cản trở hai quý ông này. - ông ta nói - Nào, các vị chạm gươm thôi.

Surcouf và Alfred Decaen vào tư thế chuẩn bị, một người bất động như pho tượng - không cần nói cũng biết đó là Surcouf người kia rất tự tin và mang vẻ duyên dáng của tuổi trẻ.

Giữa hai kiếm thủ có vài khác biệt, một người điềm tĩnh, hơi cứng nhắc, đệm vào bằng những đường đơn giản; người kia lại khiến thanh kiếm chết mệt vì những đợt tấn công lại đệm vào bằng những đường trực diện. Người ta khó nhận ra ai làm người cao tay hơn.

Chàng trai chạm vào Surcouf một lần còn Surcouf hai lần sau mười phút xung trận. Alfred chào Surcouf, chấp nhận thua và chuyển gươm cho ông chủ ngân hàng.

Như ngài Decaen đã nói, mọi người đều biết sử dụng khí giới, hoặc ít ra là đã biết sử dụng khí giới từ hồi đảo còn mang tên đảo Pháp, ngay cả những người trong nhà băng. Ông Rondeau cởi bớt áo rút ví chuyển nó từ túi áo sang túi quần và vào thủ thế.

Giữa ông ra và Surcouf có một thế cân bằng hoàn toàn. Mỗi người đều chạm vào nhau hai lần và lần này đến lượt Surcouf tháo mũ che mặt đưa cho René.

- Thưa ngài Surcouf thân mến - René nói - ông biết là tôi không có thói quen thi đấu trước các khán giả và nhất là trước các cử toạ chuyên gia như thế này. Do vậy hãy miễn cho tôi.

- Thưa các ngài, - Surcouf nói - là một người bạn thân của René, tôi mới chỉ thấy anh ấy đấu một lần và lần ấy cũng chống chế như hôm nay. Vậy thì ta nên tuỳ anh ấy và không nên ép buộc anh ta. Vả lại, tôi nghĩ chuông báo bữa tối đang gọi chúng ta rồi.

Một nụ cười đắc thắng hiện ra trên khuôn mặt béo phị của ông Rondeau, nó sáng lên như một bông mẫu đơn nở:

- Vì ngài đây không muốn cho tôi cái vinh dự đấu kiếm với mình, chúng ta sẽ tính lại chuyện này sau đã.

René cúi chào còn Surcouf đi treo lại mặt nạ và gươm về chỗ cũ. Tiếng chuông báo bữa tối đã vang lên và người ta nhận ra phu nhân Decaen đã bước xuống bậc thềm đầu tiên đi lại phía các quý ông.

Mọi người vào nhà, chàng trai trẻ chạy như một cậu bé học trò sau một ngày không gặp mẹ, đến quàng tay qua cổ và ôm hôn bà.

Người ta chào nhau, nói vài câu khen tặng rồi chờ đợi xem ai sẽ là hiệp sĩ của bà Decaen.

- Anh René, hãy chìa tay cho phu nhân Decaen đi! - Viên tướng nói.

René cúi chào, chìa khuỷu tay và đưa phu nhân Decaen vào tận phòng ăn.

Giống như mọi khi bữa ăn diễn ra trong những tiếng dao nĩa, thìa va vào bát đĩa lách cách. Sau đó, ông Rondeau thở phào khoan khoái rồi quay sang René.

- Ngài René này - ông ta nói - Hôm qua, khi nghỉ trưa, tôi có đi uống một ly ở quán cà phê La Comédie, ở đó có một nhóm người quây quanh một thanh niên. Tôi nghe anh thanh niên nói chuyện, hình như anh ta là một thủy thủ vừa ở Miến Điện về. Anh ta kể hàng lô chuyện về thuyền trưởng của mình tôi nghe mà không thể nhịn cười.

- Anh ta kể những gì thế ngài Rondeau? - René hỏi.

- Anh ta bảo chỉ một nhát gươm mà thuyền trưởng của anh ta chặt đôi con trăn đang siết nghẹn thở hai con voi.

- Chuyện ấy làm ngài buồn cười sao, ngài Rondeau?

- Dĩ nhiên rồi!

- Tôi xin quả quyết rằng nếu ngài có mặt ở đó ngài sẽ không cười nổi.

- Vậy ngài cho tôi là kẻ nhát gan sao, ngài René.

- Tôi không nói như vậy, nhưng vẫn có những cảnh làm người dũng cảm nhất cũng phải chột dạ. Con người kể chuyện đó hôm qua cũng từng giết một con hổ cái và túm cổ hai con hổ con thế mà đứng trước loài bò sát khủng khiếp ấy cũng phải run lên như một đứa trẻ, mà tôi khẳng định anh ta không phải nhát đâu.

- Nhưng ít ra anh ta cũng là tay ba hoa - ông Rondeau nói - Anh ta bảo con trăn dài 57 bộ.

- Thì chính anh ta đo nó chứ có phải tôi đâu. - René thản nhiên đáp.

- Thì ra chính ngài là thuyền trưởng ấy à?

- Phải, nếu đúng anh ta tên là François.

- Đúng rồi. Thế con trăn siết chặt hai con voi làm chúng nghẹt thở à?

- Tôi không biết chúng có nghẹt thở hay không thưa ngài, tôi chỉ biết xương chúng kêu răng rắc. Tuy nhiên chỉ khi con trăn hấp hối tôi mới bắn bể đầu nó bằng hai phát đạn.

Phu nhân Decaen nhìn vị khách của mình vô cùng sửng sốt còn Alfred thì hết sức tò mò.

- Nhưng nếu ngài đã tin chuyện anh bạn René của tôi, - Surcouf nói - chính ở bến Chien-De-Plomb, anh ấy đã lao vào cuộc chiến với con cá mập ngay trước mắt mọi người, chuyện cũng khó tin bằng giao chiến với con trăn ấy chứ.

- Sao cơ, chính ngài đã đâm thủng bụng con cá mập đuổi theo một thủy thủ đó sao?

- Vâng, nhưng ngài biết dấy chuyện đó dễ nhất trên đời. Chỉ là sự khéo léo cộng với một con dao sắc thôi.

- Anh ta còn kể một chuyện khác nữa - ông Rondeau tiếp tục - Anh ta kể rằng cách họ gần hai chục bước, một con hổ vừa ra khỏi rừng rậm, vị thuyền trưởng ngắm và trước khi bắn còn nói: "Nhằm trúng mắt phải của Philippe?". Tôi không nhớ rõ là mắt phải hay mắt trái nhưng chuyện đó không hề gì song anh chàng kể chuyện không hiểu gì và tôi cũng không hiểu nốt.

Tướng Decaen bật cười.

- Thưa tướng quân - René nói với ông - Xin ngài vui lòng kể lại giai thoại về Aster cho ngài Rondeau đây nghe. Nếu tôi kể e là ông ấy vẫn không muốn tin tôi.

- Ngài Rondeau thân mến của tôi - Vị tướng quân nói - Aster là một cung thủ rất giỏi của thành Amphipolis, bị Philippe ngược đãi anh ta rời triều đình và lui về Méthone. Chẳng mấy chốc Philippe lên trị vì nơi đây. Thế là Aster muốn trả thù và để cho Philippe biết sự trả thù này đến từ ai, anh ta viết lên mũi tên: "Aster nhằm vào mắt phải của Philippe". Quả nhiên, Philippe không chỉ bị hỏng mắt phải mà còn tưởng chết vì vết thương ấy. Thế là anh ta gửi tiếp mũi tên thứ hai trên đó có ghi: "Thành Méthone bị hạ, Aster sẽ bị treo cổ”. Vua Macédome chiếm được Méthone và giữ lời với Astea. Giai thoại là thế và tôi xin báo nếu chuyện ấy không có thật ít ra nó cũng là lịch sử.

- Quỷ quái! Quỷ quái! Nhưng đó cũng là mục tiêu lẽ ra có thể xứng với điểm bắn của ngài, ngài René ạ.

- Được rồi! - René nói - Tôi thấy rõ là ngài muốn dồn tôi đến cùng thưa ngài Rondeau và ngài không thể tha thứ cho tôi cái việc từ chối giao đâu. Vậy thì sau bữa tối tôi xin được chiều theo ý ngài và nếu ngài chấp nhận lời đề nghị của tôi, tôi cam đoan ngài bỏ cuộc trước mặt tôi.

Kể từ lúc đó câu chuyện trở nên đại khái. Phu nhân Decaen và Alfred nhanh chóng thấy cuộc đấu khẩu nghiêng về ông Rondeau nên ngay khi bữa tối chấm dứt. Đềnghị mọi người sang uống cà phê và rượu mùi bên phòng tập vũ khí.

Mọi người làm theo và thật ra ông Rondeau, với cái bụng bắt đầu nở to hơn mức vẻ điệu đà của ông ta muốn, bị thúc đẩy bởi lòng tự tin quá độ nên không phải là người cuối cùng sang đến nơi.

- Xem lời đề nghị của anh thế nào, anh René. - ông tướng nói.

- Có phải ngài từng nói với tôi phu nhân nhà ta là chủ hội quyên góp vì người nghèo không? - René hỏi.

Rồi anh nghiêng mình trước phu nhân Decaen.

- Vậy được với năm lần xuất chiêu, hoặc ngài Rondeau, hoặc tôi người nào bị nhận năm vết mà không đáp lại sẽ phải trả một ngàn quan.

- Ồ! - Ông Rondeau cười thô lỗ - Tôi nghĩ có thể chấp nhận lời thách cược này, thưa ngài.

Nói rồi ông ta nhặt thanh kiếm chấm mũi xuống đế giày sau đó khua khua trong không trung, uốn nó cong lại rồi vào thủ thế.

Đến lượt René với ngay thanh kiếm đầu tiên anh gặp, cúi chào và cũng vào thế.

- Hân hạnh tiếp chiêu ngài trước. - Anh nói.

Ông Rondeau xuất liền ba chiêu liên tiếp và nhanh chứng tỏ ông ta rất tinh mắt và dẻo tay, nhưng ba đường gươm ấy đều lần lượt bị gạt ra bằng những cử động đơn giản.

- Đến lượt tôi! - René nói.

Mọi người quan sát đường gươm hoa lên.

- Một, hai, ba… - René đếm.

Mỗi người đều đã xuất ba chiêu và ông Rondeau là người bị chạm. René quay lại phía khán giả nói bằng giọng điềm nhiên:

- Ba vết.

- Đến lượt ngài, thưa ngài. - René nói - Nhưng tôi xin báo trước với hai đường gươm đầu ngài sắp tấn công, tôi sẽ đỡ được, dĩ nhiên, nhưng tôi sẽ phản lại hai chiêu luôn. Tôi báo trước vì ngài có thể cho rằng tôi tinh quái hơn bản chất thật và ngài sẽ lúng túng trong đường gươm của mình.

Ông Rondeau mím môi.

- Được rồi, tôi đồng ý.

Quả thật ông ta xuất hai chiêu và René vừa đỡ vừa tấn công luôn bằng hai lần đỡ ấy. Chiêu thứ hai không cãi vào đâu được vì lưỡi gươm dừng ngay trước ngực ông chủ nhà băng.

- Thưa phu nhân - René nói và nghiêng người trước bà Decaen - Ngài đây nợ phu nhân 1000 phăng cho người nghèo.

- Tôi đợi được phục thù - ông Rondeau nói.

- Rất sẵn lòng, mời ông vào thế!

- Không đấu kiếm nữa. Tôi thừa nhận ngài là thầy tôi nhưng về bắn súng thì phải xem đã.

Alfred nhanh nhảu đi mở hai hộp đựng súng ngắn.

- Chỉ bắn một viên thôi đúng không? - René hỏi ông Rondeau - Không cần phải khiến cảng Port-Louis tin rằng đảo bị chiếm.

- Đồng ý, chỉ một viên, thưa ngài. - ông Rondeau đáp - Nhưng chúng ta bắn vào đâu.

- Ngài cứ chờ đã, chuyện này dễ thôi.

Alfred vừa nạp bốn khẩu súng.

- Như thế đủ rồi? - René nói.

- Và không cần ngắm anh nhặt một khẩu bắn một phát đạn trúng giữa thân cây to cách đó hai mươi lăm bước hoặc gần như vậy.

- Ngài có nhìn thấy lỗ viên đạn găm không? - Anh hỏi.

- Rất rõ. - ông Rondeau đáp.

Ông ta cầm vũ khí lên.

- Thoả thuận là viên đạn nào gần lỗ hơn sẽ thắng. - René nói.

- Đồng ý. - ông Rondeau đáp.

Rồi ông ta vô cùng chăm chú chứng tỏ việc trả thù này vô cùng hệ trọng. Cuối cùng phát đạn của ông găm vào thân cây cách viên đạn đầu tiên một pút.

- Chà chà! - ông ta khoái chí nói - Thế cũng không tồi với một viên đạn của ông chủ nhà băng.

Đến lượt René cấm súng lên ngắm và bắn.

- Nào, các ngài hãy đến xem và xác định hai xạ thủ.

Ông tướng, Surcouf, Alfred và nhất là ông Rondeau mạnh ai nấy chạy nhanh nhất có thể đến chỗ thân cây dùng làm bia đạn.

- Ái chà chà! - ông Rondeau nói - Tôi hoa mắt hay là ngài thậm chí còn bắn không trúng thân cây.

- Ngài hoa mắt thưa ngài - René nói.

- Sao tôi hoa mắt được?

- Đúng thế đấy! Ngài không tìm chỗ phải tìm. Hãy moi ở lỗ thứ nhất.

- Sau đó thì sao?

- Ngài sẽ thấy viên đạn đầu tiên.

- Tôi thấy rồi.

- Lôi nó ra.

- Nó đây.

- Được lắm! Hãy lôi tiếp đi.

- Lôi tiếp gì?

- Phải, lôi tiếp, lôi tiếp.

- Ông Rondeau sững người vì kinh ngạc.

- Ngài không thấy viên đạn nữa à? - René hỏi.

- Có thấy, thưa ngài.

- Tôi đã bắn viên đạn thứ hai chồng lên viên thứ nhất. Tôi nghĩ mình không thể bắn gần nó hơn ngoài việc cho chúng vào cùng một lỗ.

Tất cả im bặt trong giây lát. Ngay cả Surcouf cũng ngạc nhiên về tài năng thần kỳ ấy.

- Ngài có muốn trả thù một lần thứ ba không ngài Rondeau? - René hỏi.

- Ồ thật tình là không.

- Tôi sẽ đề nghị ngài một việc dễ thôi.

- Việc gì?

- Bắn chết một trong những con dơi dang bay trên đầu chúng ta.

- Ngài dùng súng để giết dơi à? - ông Rondeau hỏi.

- Tại sao không? - René nói - Tôi giết chúng bằng súng lục giỏi lắm.

Và anh cầm nốt khẩu súng thứ tư hạ ngay một con dơi xấu số đang chập choạng bay trong phòng tập vũ khí.

Tối hôm ấy René vẫn chưa kịp nói với ngài đảo trưởng đảo Pháp việc anh muốn nhờ ông ta.

Chương 86: Ra đi

Ngày hôm sau, vào lúc 11 giờ sáng, René xuất hiện lần thứ ba tại dinh ngài chúa đảo. Lần này anh không được đón tiếp như một vị khách mà như một người bạn. Phong cách thẳng thắn, cởi mở và hào hiệp đã khiến ngài đảo trưởng đảo Pháp vui lòng. Ông đến giang tay đón anh không cần lục sự phải dẫn vào như thường lệ dù bất kỳ là người nào.

- Anh bạn René thân mến, lần này chúng ta không bị quấy rầy nữa. Tòi quên là mình phải giúp anh một việc và cả khoản nợ phải trả cho anh nữa. Anh muốn gì tôi nào?

- Tôi đã thưa ngài rồi, thưa tướng quân: Tôi muốn có cơ hội được chết.

- Anh vẫn còn nhắc lại câu đùa ấy à, anh René thân mến - Viên tướng nhún vai nói.

- Tôi không hề đùa một chút nào - René nói tiếp - Tôi đang buồn đến chết. Nếu cứ sống chán chường thế này, có ngày tôi cong tự bắn vào đầu mất. Nhưng mà như thế tôi sẽ khiến cái chết ấy trở nên vô ích và kỳ cục, tôi sẽ là một kẻ điên. Khi chết cho nước Pháp, tôi sẽ có một cái chết có ích, và vinh quang và người ta sẽ gọi tôi là một anh hùng. Hãy cho tôi làm một anh hùng thưa tướng quân, chuyện ấy không khó khăn gì.

- Phải làm sao cho chuyện này?

- Trước hết ngài hãy cho tôi hay tin tức về nước Pháp. Người ta đang nói về một liên quân chống lại Pháp. Ở Calcutta, đó là tin tức nóng hổi. Ngài có biết chúng ta đang ở tình thế nào và có thể nói cho tôi nghe không?

- Tôi nghĩ chúng ta vẫn đang ở Boulogne, đang đóng tàu chiến và nhìn London qua sương mù trên eo biển Manche.

- Nhưng ngài nghĩ đến chiến tranh đúng không tướng quân?

- Tôi còn hơn cả nghĩ đến điều đó, tôi chắc như vậy.

- Vậy thì tốt! Thưa tướng quân, không phải tôi tự khoe nhưng ngài có tin một người như tôi, người không hề sợ chết, người có thể nói được bốn thứ tiếng, người sẵn sàng chỉ cần hiệu lệnh là lao vào nước sôi lửa bỏng, liệu tôi có thể có ích cho đất nước không?

- Nếu tôi tin! Lạy Chúa, có, tôi tin và nếu vì thế mà anh muốn tôi giúp anh được chết thì hãy ở bên tôi.

- Nếu tôi ở lại đây, thưa tướng quân với chiếc thuyền buồm mười hai pháo đại bác chẳng là gì cả. Tôi sẽ chết trong vô danh và như tôi nói ban nãy là vô ích. Nếu tôi sở dụng điều mà Chúa trao cho tôi, tôi có thể cho mình một cái tên, đi đến một vị thế và đạt đến mục tiêu vốn là mục đích tham vọng của tôi.

- Vậy tôi có thể làm gì cho điều đó? - Đảo trưởng hỏi.

- Ngài có thể viết những điều tốt đẹp nghe nói về tôi về lòng can đảm của tôi trong chuyến đi Ấn Độ, gửi tôi về Pháp bằng cách tiến cử tôi…

- Đến một bộ nào đó? - Viên tướng ngắt lời.

- Ồ không! Xin ngài lưu ý, ngược lại đến vị thuyền trưởng cao cấp đầu tiên tôi gặp. Với lời tiến cử của ngài, chắc sẽ không có thuyền trưởng nào lại không nhận tôi như một chuẩn uý hàng đầu. Tôi có quyền được cấp hàm này vì đã từng là trợ lý cho ngài Surcouf và từng tự mình đến Ấn Độ trên thuyền chiến Slúp với tư cách là chỉ huy.

- Điều anh yêu cầu tôi quá đơn giản, René thân mến ạ - Vị tướng nói - Tôi muốn làm nhiều hơn thế cho anh. Trước hết, tôi ra lệnh, dựa trên những gì anh có thể làm cho nước Pháp, để anh quay về châu Âu. Sau đó là những lá thư đặc biệt gửi tới ba chỉ huy tàu chiến hạng nặng, những người bạn thân thiết của tôi đó là Lucas chỉ huy tàu Redoutable, Cosmao chỉ huy tàu Le Pluton và Internet chỉ huy L Intrépide. Bất kể gặp họ ở đâu anh cũng có thể lên tàu và mười phút sau, anh sẽ có vị trí ở hàng sĩ quan. Tôi có thể làm gì khác giúp anh nữa không?

- Xin đa tạ ngài, những gì ngài làm đó cũng quá đủ rồi.

- Anh định về Pháp thế nào?

- Tôi không cần ai giúp việc này. Chiếc Slúp nhỏ có thể chấp mọi tàu tuần tiễu của Anh là tài sản riêng của tôi. Nó là tàu Mỹ nên thuộc phe trung gian. Tôi nói được tiếng Anh như một người Mỹ. Tôi sẽ đi trong vài ngày để lại chiến lợi phẩm của tôi cho mười tám người từng theo tôi đến Miến Điện. Ngài cũng sẽ có khoản đó. Khi thủy thủ đoàn trở lại đảo Pháp, họ sẽ lĩnh khoản của mình. Chỉ riêng một người được ưu đãi đó là François người đã theo tôi đến Pégou. Anh ta sẽ được lĩnh hai phần.

- Anh sẽ đến chào từ biệt chúng tôi đúng không anh René?

- Tôi sẽ hân hạnh khi tự tay mang bản tính toán phần của mọi người đến cho ngài. Tôi cũng sẽ rất tiếc nếu phải ra đi mà không thăm hỏi phu nhân Decaen và gửi lời ái hữu đến công tử Alfred.

- Anh có muốn gặp họ ngay không? - Tướng quân Decaen hỏi.

- Tôi không muốn quấy rầy họ. - René đáp.

Rồi anh chào ngài đảo trưởng ra về.

Khi trở về, René gặp ông chủ nhà băng Rondeau đang đợi anh. Bên cạnh những tỵ hiềm hôm trước, ông ta cũng không quên nhiệm vụ của mình là kiếm tiền. Ông ta đến thương lượng với René mua lại phần chiến lợi phẩm của anh, điều này giúp anh trước khi đi đến cảng Louis có thể phân phát tiền cho anh em thủy thủ sớm.

René suy nghĩ quả như vậy sẽ dễ dàng đưa người đi khỏi phải trở lại cảng Louis để lấy khoản tiền bán chiến lợi phẩm.

Trước hết, anh thoả thuận với ông Rondeau thủy thủ đoàn của anh sẽ được một nửa phần chiến lợi phẩm tức 500 nghìn phăng. Khoản này sẽ trích 100 nghìn cho người nghèo, bốn trăm nghìn còn lại sẽ chia đều cho mười tám người của anh, trong đó François được gấp đôi.

Ông Rondeau đòi một khoản triết khấu 20 nghìn và sẽ trả một triệu ngay lập tức.

René chấp nhận, sau khi cho ông chủ nhà băng nhận 20 nghìn từ khoản 300 nghìn riêng của anh, cho gửi ngay đến phu nhân Decaen 100 nghìn phăng cho người nghèo khó, để ông Rondeau hoàn tất khoản nợ phu nhân như ông đã hứa rồi mới hẹn người của mình đến gặp anh ngày hôm sau.

Trưa hôm sau, mười tám thủy thủ của anh đã đến. Trước hết anh thông báo họ sẽ được chia trước khoản tiền bán chiến lợi phẩm. Phần của họ được 500 nghìn phăng. Anh nói thêm đã dành cho ngài đảo trưởng 100 nghìn giúp các thủy thủ tàn phế, các goá phụ và trẻ mồ côi của các thủy thủ. Còn lại, anh dành tất cho họ 400 nghìn còn lại để cảm ơn lòng tận tụy và trung thành của họ. Riêng François được phần gấp đôi vì đã theo anh đến tận Đất Trầu và đã ở lại đó cùng anh.

Sau đó, anh thông báo họ sẽ đi cùng anh về Pháp vào ngày kia.

Do đó mọi người nên mang hết tiền về cho vợ con. Nếu tính các chiến lợi phẩm lần trước, mỗi người phải được hơn 60 nghìn phăng.

Mọi người được nhận tiền hoặc bằng vàng, bằng tiền Pháp hay ngân phiếu Anh. Họ đi ra mà hai tay vẫn để trong túi quần như thể sợ vì một lý do nào đó, vàng hay ngân phiếu không theo cùng họ được.

Khi đi vào yên lặng nhưng lúc đi ra họ lại vô cùng ầm ĩ. Có 60 nghìn phăng trong tay lại trở về dưới lá cờ của một nước trung lập cho phép họ hy vọng về nhà bình an vô sự. Đó là điều khiến niềm vui sướng nổ tung và nó trở thành ồn ào nhất trên đời.

Cơn lốc chạy từ quảng trường nhà hát kịch đến biển tạo thành một trong những kỷ niệm náo nhiệt trong nhiều năm sau của thành phố cảng Louis, và còn nhiều sự việc nữa xảy ra hôm thủy thủ đoàn của tàu Tay đua New York nhận được tiền chia.

Như đã hứa, ngày hôm sau nữa, René đến tổng dinh đảo Pháp từ biệt trong nỗi niềm bịn rịn chân thành của gia đình của ngài tướng quân. Họ đón tiếp anh như người con trong nhà và cũng đoán ra ẩn dưới sự hào hiệp hoàn hảo, dưới cái tên đơn giản của René thế nào cũng có những bí mật mà René không thể nói ra.

Họ mang tặng chàng trai trẻ, trong ý mong anh nhớ đến họ, hai khẩu súng ngắn hai viên đạn, độ chính xác của chúng khiến anh nghĩ ngợi nếu có cách hai chục bước anh cũng có thể bắn trúng một lưỡi dao.

Thư giới thiệu của ngài đảo trưởng đã sẵn sàng. Đó là lời ca tụng hàm chứa điều René hy vọng. Đó cũng là thứ anh có quyền được hưởng theo lệnh của tướng Decaen, người có vị thế lãnh đạo khu hải phận quan trọng, thuyền trưởng trẻ tuổi tàu Tay đua New York được lên tàu nào anh muốn.

Đảo trưởng hỏi thời gian nhổ neo và hứa sẽ đến tạm biệt thủy thủ đoàn Tay đua New York và chỉ huy của nó. Họ nhổ neo vào đúng ba giờ chiều. Từ trưa, bãi neo đậu Chien-De-Plomb đã có đông người tò mò đến xem. René không ra lệnh cho thủy thủ của mình mà xin họ có mặt trên tàu đúng hai giờ và tỉnh táo thực hiện chính xác mọi thao tác. Anh muốn có một cảnh tượng chưa từng thấy trong cảng biển, đó là một thủy thủ đoàn mà mỗi người có sáu mươi nghìn phăng trong túi nhưng không ai say rượu. Điều này khó thực hiện được bằng mệnh lệnh dù khắt khe nhất nhưng một lời xin thân ái của anh lại thành công.

René báo trước cho họ vinh dự ngài đảo trưởng dành cho khi ông đến tham dự buổi ra đi của họ. Về phía các thủy thủ, không báo cho René biết, họ đã thuê sáu thuyền kéo, trên mỗi thuyền ngoài các tay chèo còn có các tay trống và nhạc công.

Ngài đảo trưởng cũng cho neo ca nô của mình vào tàu của René. Khi xuất phát, một loạt súng vang lên và giàn nhạc cất vang bài Khởi hành khúc. Ngài đảo trưởng ra hiệu, mười sáu phát đại bác từ phía đài trắng cũng vang lên đáp lại loạt súng và con tàu nhẹ nhàng chuyển động. Đi được một phần tư dặm, gặp gió bấy giờ chiếc ca nô của ngài đảo trưởng mới đưa gia đình của vị tướng quân quả cảm Decaen trở lại bến Chien-De-Plomb cùng sáu thuyền nhạc công.

Còn tàu Tay đua New York tiếp tục cuộc hành trình của mình về phía nam và nhanh chóng biến mất sau màn sương chiều đầu tiên.

Chương 87: Chuyện xảy ra ở châu Âu

Bây giờ, có lẽ đã đến lúc độc giả hướng về những chuyện xảy ra ở Châu Âu, điều mà ngài đảo trưởng không thể kể cho René có lẽ cũng do khoảng cách xa xôi mà chính ông cũng không được hay biết.

Chúng ta nhớ lại thời điểm chúng ta chia tay Napoléon. Sau chiến thắng Pyramides khiến Ai Cập choáng ngợp, chiến thắng Marengo buộc nước Ý khuất phục, nước Đức kinh ngạc Tây Ban Nha may một bộ hoàng bào và lồng Hà Lan vào đế chế Pháp, ngài Napoléon mang giấc mơ đế chế toàn cầu các mỏm đá thành Douvres mà không nghĩ đến người từng giáng sấm sét xuống chiến hạm Aboukir của ông, sẽ còn gây bối rối nữa trên eo Manche như đã từng gây khó khăn trên bờ biển Syrie. Người đàn ông ấy là Nelson!

Tôi xin chuyển tới độc giả, theo quan điểm đích thực, số mệnh được ưu ái đặc biệt đến kỳ lạ của nhân vật mà những chiến thắng của con người này đã nâng ông ta trong một chốc lát lên ngang tầm với con người thiên tài đối đầu với ông ta.

Quả thật con người này phải sống đúng thời điểm lịch sử mới hoàn thành sứ mệnh cứu nước Anh khỏi một trong những cơn nguy khốn nhất từng có kể từ thời hoàng đế Guillaume Người chinh phục.

Tôi sẽ nói Nelson là ai và qua những sự kiện định mệnh ở thời điểm hiện tại, trong một lúc nào đó, ông ta được coi có thể thay chỗ của Pompée chống lại César thời trước.

Nelson sinh ngày 20 tháng Chín năm 1758. Do đó, vào thời điểm đang nói đến, ông ta 47 tuổi.

Con người này được sinh ra tại Burnham-Thorpe, một làng nhỏ thuộc quận Norfolk. Cha ông ta là một mục sư ở đó, mẹ chết trẻ để lại mười một người con. Một người bác làm trong ngành hàng hải, người bà con với Walpole, đã đưa ông ta làm chuẩn uý trên chiến hạm sáu mươi tư khẩu đại bác, tàu Redoutable. Có một điều kỳ lạ trong số vô vàn điều kỳ lạ của cuộc đời con người này đó là ông ta bị một viên đạn bắn vào từ tàu chiến Pháp mang cùng tên với con tàu đầu tiên ông ta đi biển và cũng có sáu tư khẩu đại bác.

Ông ta khởi nghiệp bằng chuyến lên cực bắc và tàu bị mắc băng trong suốt sáu tháng. Trong một lần thăm dò khu vực xung quanh tàu, ông ta đụng độ với một con gấu trắng và đã đánh giáp lá cà với nó. Con quái vật đang siết ông nghẹt thở trong các chi của nó thì một người bạn thấy cuộc chiến bất cân bằng liền với khẩu súng gí vào tai con vật siết cò bắn vỡ đầu nó.

Ông ta từng xuống xích đạo, bị lạc trong một cánh rừng ở Pérou, ngủ dưới gốc cây to, bị một con rắn độc cắn suýt chết và phải mang những vết thương giống như vết trên người con rắn suốt đời.

Ở Canada, ông ta có mối tình đầu và định làm trò dại dột nhất đời. Vì không thể xa người vợ yêu, ông ta muốn từ chức thuyền trưởng tàu chiến. Thế là các sĩ quan của ông ta lừa thời cơ trói ông ta lại như một kẻ bất lương hay như một tên khùng, chất lên ngựa cho lên tàu và chỉ cởi trói cho ông khi đã ở giữa dại dương:

Giả dụ Nelson đã từ chức và lời từ chức được chấp thuận, Bonaparte đã chiếm được Saint-Jean - d Acre, đã không có Aboukir, Trafalgar nữa, hải quân của Pháp sẽ bị hải quân Anh ức hiếp. Nước Pháp đã vững bước chinh phục thế giới nếu không có bàn tay của người đàn ông này.

Khi trở về London, ông ta cưới một goá phụ trẻ tuổi là phu nhân Nisbelt. Ông yêu bà ta bằng thứ đam mê bốc cháy dễ dàng và cũng nhanh chóng ăn vào tâm hồn. Khi trở lại hải quân ông ta mang theo cậu con trai riêng của vợ tên là Josuah.

Lúc Toulon bị trao cho quân Anh, Horatio Nelson đang làm thuyền trưởng trên tàu Agmemnon. Ông ta được cử đến Naples để báo cho đức vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline việc chiếm cảng quân sự đầu tiên của Pháp.

Ngài William Hamilton, đại sứ tại Ý, gặp ông ta ở chỗ nhà vua, dẫn về nhà mời ông ta ở phòng khách rồi qua phòng ngủ của vợ nói:

- Tôi dẫn về cho phu nhân một con người bé nhỏ, tuy không đẹp nhưng một ngày ông ta sẽ là vinh quang của nước Anh và là nỗi kinh hoàng của kẻ thù.

- Sao ngài dự đoán như thế? - Phu nhân Hamilton hỏi.

- Qua vài lần ít ỏi chúng tôi nói với nhau ông ta đang ở phòng khách, hãy đến chào mừng ông ta đi em yêu. Tôi chưa từng đón một sĩ quan Anh nào đến nhà song tôi không muốn người này ở trọ chỗ nào khác ngoài lâu đài của ta.

Thế là Nelson ở lại đại sứ quán Anh nằm giữa góc sông và phố Chiaia.

Đó là vào năm 1793. Khi đó Nelson là một anh chàng ba mươi nhăm tuổi, vóc dáng khiêm tốn như ngài William nói, khuôn mặt mai mái với cặp mắt xanh, cái mũi khoằm phân biệt con người tham chiến với người biến César và Condé thành những con chim mồi, cái cằm nhô ra mạnh cho thấy tính quả quyết đến cứng đầu. Râu tóc của ông có màu vàng nhạt, thưa và mọc lung tung.

Qua cái nhìn đầu tiên, Emma Lyonna đánh giá về diện mạo của ông ta không khác gì chồng mình. Nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của bà đại sứ này đã để lại ấn tượng mạnh cho ông. Nelson rời Naples mang theo sự trợ giúp mà ông ta đến xin triều đình Hai đảo Sicile(1) và tình yêu điên cuồng với phu nhân Hamilton. Tình yêu này đã khiến Nelson phải chịu xấu hổ.

Còn về Emma Lyonna, thời điểm ấy, bà ta đã hết sạch cả hổ thẹn rồi.

Không biết có phải để chữa tình yêu ấy hay vì tham vọng, vì đeo đuổi khát khao vinh quang mà Nelson muốn hy sinh trong cuộc chiến Calvi nơi ông ta mất một mắt và cuộc chinh phạt Ténériffe nơi ông ta mất một cánh tay chăng? Chẳng ai biết rõ, nhưng trong hai cơ hội ấy, ông ta đã mạo hiểm mạng sống của mình mà vẫn tỏ ra dửng dưng không bận tâm.

Ngày 16 tháng Sáu năm 1798, ông ta trở lại Naples lần thứ hai và lần này lại có sự xuất hiện của phu nhân Hamilton.

Lần ấy Nelson lẽ ra đã bị chỉ trích. Chịu trách nhiệm chặn chiến hạm Pháp ở cảng Toulon và hạ nó nếu nó ra khỏi cảng, ông ta lại để chiến hạm ấy tuột khỏi tay và nó đã chiếm Malte khi đi ngang qua đó rồi có thể đổ bộ 30 nghìn quân lên Alexandrie.

Thế vẫn chưa hết: bị một cơn bão quần tơi tả, thiếu nước và thực phẩm do chuẩn bị ít, không thể tiếp tục truy đuổi, Nelson buộc phải quay lại sửa sang ở Gibraltar.

Ông ta đã thất bại: Người ta có thể buộc tội phản bội cho ông.

Suốt một tháng ròng mà không tìm ra chiến hạm mười ba tàu chiến hạng nặng và tám mươi bảy tàu chuyên chở, không những không đuổi kịp mà còn không phát hiện ra dấu vết nào của nó ở Địa Trung Hải. Mặt khác, lẽ ra ông ta nhận được sự trợ giúp từ triều đình Hai đảo Sicile vào lấy lương thực trong cảng Messine và Syracuse, vào Calabre để lấy gỗ sửa cột buồm, xà buồm bị gãy.

Nhưng triều đình Hai đảo Sicile đã ký hoà ước với nước Pháp. Hiệp ước này yêu cầu triều đình giữ thế trung lập tuyệt đối, nếu cho Nelson những thứ ông ta cần tức là vi phạm thoả ước.

Tuy nhiên, vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline rất ghét người Pháp nên những thứ Nelson cần đều được ngang nhiên đáp ứng. Còn Nelson, ông ta hiểu chỉ chiến thắng vang dội mới có thể tự cứu mình nên rời Naples với tâm trạng điên cuồng, yêu mãnh liệt và kỳ cục hơn bao giờ hết, thề phải chiến thắng hoặc mất mạng ngay từ cơ hội đầu tiên.

Ông ta đã thắng và suýt mất mạng.

Chưa bao giờ kể từ khi phát minh ra thuốc súng và cách sử dụng đạn đại bác lại có trận thủy chiến kinh thiên động hải đến thế. Trong số mười ba chiến thuyền của hạm đội nói trên chỉ hai chiếc thoát khỏi tầm đạn và không rơi vào tay kẻ thù.

Một tàu bị nát là L Orient, một tàu chiến và một tàu ba cột buồm khác bị chìm, chín tàu bị chiếm. Nelson đã tỏ ra như một vị anh hùng. Trong suốt thời gian diễn ra trận chiến, ông ta sẵn sàng xả thân nhưng tử thần không muốn ông ta. Tuy thế, ông ta vẫn bị một vết thương nặng: một quả đạn của tàu Guillaume Tell đã bắn nát xà buồm tàu Vanguard có ông ta trên boong. Nó rơi vào trán khi ông ta ngẩng lên xem vết gãy răng rắc làm toạc một mảng da đầu với con mắt duy nhất còn lại. Giống như cả một con bò mộng đè vào người, ông ta đổ vật ra boong đầm đìa máu. Nelson tưởng vết thương ấy sẽ khiến ông ta mất mạng nên cho gọi linh mục lên rửa tội và nhận lời trăng trối của ông chuyển về gia đình. Nhưng đi cùng cha xứ còn có một bác sĩ. Người này xem xét hộp sọ, nó không sao cả, lớp da được níu lại vào trán bằng lớp băng đen.

Nelson lại vớ lấy chiếc loa vừa rời khỏi tay và tiếp tục công cuộc phá huỷ bằng cách thét lên: "Bắn!".

Chắc phải có hơi thở của một thần tiên trong lòng hận thù chống lại nước Pháp của con người này.

Ngày 2 tháng Tám, khoảng tám giờ tối, chiến hạm Pháp chỉ còn hai tàu chiến thoát được chạy trốn sang đảo Malte.

Một chiếc tàu hạng nhẹ mang tin chiến thắng của Nelson và chiến hạm của ta bị huỷ diệt về bộ tư lệnh hải quân Anh và triều đình Hai đảo Sicile.

Lập tức toàn châu Âu reo hò sung sướng tột độ lan sang cả châu Á, người Pháp lo ngại bao nhiêu thì cách mạng Pháp ghê tởm sự kiện này bấy nhiêu.

Còn triều đình Naples, sau cơn sung sướng tột độ, trở nên hạnh phúc điên cuồng. Hiển nhiên phu nhân Hamilton là người đầu nhận được lá thư báo tiệp của Nelson. Chiến thắng ấy khép lại vĩnh viễn chuyện 30 nghìn lính Pháp sang Ai Cập gặp Bonaparte.

Bonaparte, con người làm nên trận Toulon, cuộc đảo chính 13 Vendénnaire, trận Montenotte, Dego, Arcole và Rivoli, người chiến thắng Beaulieu, Wurmser, Alvinzi và hoàng tử Charles, người trong vòng hai năm đã thắng lớn, bắt được 150 nghìn tù binh, chinh phục 170 quốc kỳ, chiếm 150 pháo đại bác hạng nặng, 600 làng, năm đội cầu, con người tham vọng đã tuyên bố châu Âu chỉ là cái hang chuột và chỉ Đông Phương mới có các đại đế chế cũng như các đại cách mạng mà thôi, một đại uý ưa phiêu lưu ở tuổi hai mươi chín đã vượt cả Annibal và còn muốn chinh phục Ai Cập để cũng vĩ đại như Alexandre và César, con người đã tịch biên, loại khỏi danh sách nhiều chiến binh; với trò chơi chiến tranh vĩ đại này, cuối cùng con người ấy cũng tìm được đấu thủ may mắn và khéo léo hơn mình. Trên bàn cờ khổng lồ của dòng sông Nil ấy nơi mà quân tốt là những cột tháp, quân mã là các nhân sư, quân pháo là những kim tự tháp, quân sĩ có tên là Cambyse, vua Sésostris, hoàng hậu Cléopâtre, ông đã từng bị thất bại và xa xẩm mặt mày.

Thật ngạc nhiên khi đong đo nỗi sợ hãi của các vị quốc vương ở châu Âu khi nghe hai cái tên nước Pháp và Bonaparte cộng lại qua những món quà họ tặng cho Nelson, họ trở nên mừng vui khôn xiết khi thấy nước Pháp bị hạ gục và tin là Bonaparte sẽ thất bại.

Phần liệt kê những quà mừng ấy không khó, chúng tôi xin chép lại từ chính bản viết tay của Nelson.

Vua Geoges Đệ tam, trao tặng phẩm hàm danh dự Anh Quốc và một mề đay vàng.

Công viện dành cho người thừa kế gần nhất và cho ông ta tước hiệu Nam tước Nil và Burnham-Thorpe cùng một khoản tô tức hai nghìn livre sterling bắt đầu lĩnh từ mồng 1 tháng Tám năm 1798, tức ngày diễn ra trận đánh.

Viện công khanh cũng dành một khoản tương tự, trong điều kiện tương tự.

Nghị viện Ai xơ len tặng một khoản trợ cấp một nghìn livre sterling.

Liên đoàn người Án Đông phương tặng mười nghìn livre trả một lần.

Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ(2) tặng một vòng kim cương đính cây bút chiến thắng trị giá 2000 livre sterling, một chiếc áo lông sang trọng trị giá một nghìn livre sterling. Thái hậu Thổ Nhĩ Kỳ cũng tặng một hộp kim cương trị giá 1200 livre.

Vua Sardaigne(3) tặng một gạt tàn nạm kim cương trị giá 1200 livre.

Đảo Zante tặng một thanh gươm có nắm tay bằng vàng, một trái táo vàng.

Thành Palerme tặng một gạt tàu và một dây chuyền vàng trên một đĩa bạc.

Cuối cùng là người bạn Benjamin Hallowell, thuyền trưởng tàu Swiftsure, tặng một món quà đặc Anh mà sẽ là rất thiếu nếu không liệt kê. Như tôi đã nói, con tàu L Orient của Pháp đã bị nát tan tành, Hallowell vớt được cột buồm lớn của nó. Ông ta cho thợ trên tàu đóng một cỗ quan tài có trang trí một tấm biển ghi lời chứng thực sau:

"Tôi chứng nhận cỗ quan tài này đóng hoàn toàn bằng gỗ và sắt từ chiến thuyền L Orient mà tàu của nhà vua, theo lệnh tôi, đã vớt được trong vịnh Aboukir.

BEN HALLOWELL"

Kèm theo cỗ quan tài có xác nhận như thế là một lá thư.

"Gửi tới ngài Nelson C. B đáng kính, đức ông của tôi,

Tôi gửi cho ngài cỗ quan tài đóng tứ chính cây cội buồm của tàu chiến L Orient của Pháp để ngài dùng khi từ bỏ cõi đời này đi an nghỉ chốn của riêng mình. Hy vọng ngày ấy là ý muốn chân thành của kẻ phục tùng và thân ái này.

BEN HALLOWELL"

Trong số tất cả những món quà nhận được, đây là thứ khiến Nelson cảm động nhất. Ông ta nhận nó bằng vẻ mãn nguyện ra mặt. Ông ta cho đặt nó vào ca bin của mình sát tường ngay sau chiếc ghế nơi ông ta ngồi ăn. Một nô bộc già thấy đồ vật này buồn quá nên theo lệnh của đô đốc đã chuyển nó lên boong phụ.

Khi Nelson rời tàu Vanguard sang Fulminan, cỗ quan tài ấy chưa tìm được vị trí thích hợp nên ở khoang trước trong vài tháng. Một hôm, các sĩ quan tàu Fulminan khen ngợi món quà của thuyền trưởng Hallowell, Nelson hét lên với họ từ ca bin:

- Cứ ngắm thoả thích chừng nào các quý ông muốn, nhưng nó không phải làm để cho các vị đâu.

Cuối cùng, ngay khi có dịp, Nelson cho bọc nó trong một tấm thảm và quấn vải nhung để, với nghề của mình, ông ta muốn có nó sẵn sàng khi cần.

Khỏi phải nói, bảy năm sau, khi bị chết ở Trafalgar, Nelson đã được khâm liệm trong cỗ quan tài ấy.

Chú thích:

(1) Triều đình cũ của nước Italie gồm Triều đình Sicile (đảo) và Triều đình Naples (bán đảo Sicile)

(2) Tức Sélim Đệ Tam

(3) Charles-Emmanuel Đệ Tứ


Nguồn: http://vnthuquan.org/