Để trừng phạt kẻ thắng trận Aboukir và Trafalgar, công lý của đức Chúa đã muốn cái tên Emma Lyonna phải gắn với cái tên Nelson mãi mãi.
Như tôi vừa nhấc ở trên, Nelson đã cho con thuyền hoả tốc về báo tin chiến thắng trận Aboukir đến Naples và London.
Ngay khi nhận được thư của Nelson, Emma Lyonna chạy ngay đến chỗ hoàng hậu Caroline và chìa lá thư ra trước mắt hoàng hậu. Bà hoàng liếc mắt xem qua rồi kêu lên và đúng hơn là rú lên vì sung sướng.
Sau đó, không cần biết đến đại sứ Pháp Garat, người đã đọc bản án tử hình vua Louis XVI và người được chính quyền Đốc chinh cử đến Naples như một lời cảnh báo cho nền quân chủ Bourbon, hoàng hậu ra lệnh chuẩn bị chu đáo để thết đãi Nelson đến Naples như người ta nghênh đón một người chiến thắng trở về.
Và để không đứng sau các quốc vương khác, bà ta muốn tỏ lòng biết ơn trội hơn hẳn người nước khác mà không nghĩ đến nguy cơ cao gấp hai lần khi có sự hiện diện quân đội Pháp ở Rome cộng với sự tuyên bố chế độ Cộng hoà La Mã. Hoàng hậu thúc người tình của mình, ngài bộ trưởng Acton thuyết phục vua phong cho Nelson tước Quận công Bronte với ba nghìn livre tiền tô tức mỗi năm. Mặt khác, bên cạnh việc trao sắc phong nhà vua còn đích thân tặng cho Nelson thanh kiếm được vua Louis XIV trao cho con trai ngài là vua Philippe Đệ ngũ khi ông ta đi trị vì Tây Ban Nha rồi vua Philippe Đệ ngũ lại trao lại cho con trai Carlos của ngài khi người con này đi chinh phục Naples.
Ngoài giá trị lịch sử, tức là giá trị không định giá được thanh gươm này (theo lời di huấn của vua Charles Đệ tam chỉ có thể trao cho người bảo vệ và cứu tinh nền quân chủ của Hai đảo Sicile) còn có thể xác định giá trị vật chất, dựa vào các viên kim cương khảm nạm trên đó, là năm nghìn livre tức 125 nghìn phăng.
Riêng hoàng hậu, bà ta dành cho Nelson một món quà mà không một tước hiệu hay đặc ân vua chúa nào trên đời có thể sánh nổi đó là trao cho ông ta Emma Lyonna, mục đích năm năm mơ mộng mãnh liệt nhất của Nelson.
Kết quả là vào buổi sáng hôm Nelson đến Naples, khi Emma Lyonna vén mái tóc hạt dẻ để hôn lên cái trán dối trá nhưng bề ngoài lại thánh thiện như một thiên thần của hoàng hậu thì hoàng hậu nói:
- Emma yêu dấu của ta, để ta còn là vua và em là hoàng hậu, con người ấy phải thuộc về chúng ta và để con người ấy thuộc về chúng ta thì em phải thuộc về ông ấy.
Emma cụp mắt xuống không nói gì, cô ta nắm lấy hai tay hoàng hậu mà ra sức hôn lên đó.
Hãy xem tại sao hoàng hậu Marie-Caroline lại có thể cầu xin hay nói đúng hơn là ra lệnh như vậy với phu nhân Hamilton, bà đại sứ phu nhân Anh quốc.
Emma là con gái của một nông dân nghèo xứ Galles. Cô ta không biết mình bao nhiêu tuổi và được sinh ra ở đâu. Những gì cô ta còn nhớ là hình ảnh một đứa trẻ ba, bốn tuổi mặc chiếc váy xoàng xĩnh đi chân trần trên con đường miền sơn cước giữa sương mù và mưa bay tháng Chín, níu đôi bàn tay lạnh cóng vào bộ quần áo của mẹ, một phụ nữ đáng thương bế cô bé trong tay mỗi khi cô mệt hay phải lội qua một con suối chặn qua đường.
Emma nhớ đến cái đói và lạnh trong chuyến đi ấy. Cô ta còn nhớ khi họ đi qua một thành phố, mẹ cô đã phải dừng lại trước ngôi nhà giàu có hay trước cửa hàng bánh mì để van xin vài đồng tiền lẻ hay một cái bánh mỳ nhưng luôn bị từ chối.
Cuối cùng, hai mẹ con cũng đến thành phố nhỏ Flint, nơi họ cần đến. Đó là nơi đã sinh ra mẹ của Emma và John Lyon, cha của cô. Cha cô khi đi tìm việc đã rời mảnh đất Flint để đến Chester. Công việc chẳng đem lại kết quả gì, John Lyon đã qua đời khi còn trẻ và trong nghèo khổ, bà vợ goá đành mang con về quê xem mảnh đất này còn đón nhận họ không.
Thế là như trong giấc mơ, Emma thấy mình trên một sườn đồi chăn vài con cừu. Chúng đến uống nước bên dòng suối nhỏ nơi cô bé hay soi xuống xem khuôn mặt mình ra sao khi đội lên đầu một vành hoa dại.
Sau đó, gia đình cô được nhận một khoản tiền từ bá tước Halifax, một phần dành cho mẹ và một phần dành cho cô ăn học.
Thế là người ta đưa cô vào trường nội trú dành cho các bé gái, tại đó cô bé được mặc đồng phục là một chiếc mũ rơm, chiếc váy màu thiên thanh và một tạp dề đen.
Cô bé ở đó hai năm. Sau hai năm, bà mẹ đến đón cô về vì không còn tiền trả tiền học. Bá tước Halifax đã chết và bỏ quên hai người phụ nữ ấy trong di chúc của mình.
Cô buộc phải làm hầu gái trong gia đình của một ông Thomas Hawarden nào đó có cô con gái goá qua đời để lại ba đứa cháu côi cút.
Một buổi đưa lũ trẻ đi dạo đã xui khiến nên một cuộc gặp định mệnh quyết định số phận cuộc đời cô ta. Một ả gái lầu xanh nổi tiếng tên là Miss Arabell và một hoạ sĩ tài danh, người tình qua đường của ả có tên là Romney, đã dừng chân để cho hoạ sĩ ký hoạ khung cảnh làng quê xứ Galles. Miss Arabell đi theo xem hoạ sĩ vẽ.
Đám trẻ do Emma dẫn đi chơi nhón chân lại gần xem hoạ sĩ làm gì. Emma đi theo chúng. Khi quay lại, hoạ sĩ nhìn thấy cô ta và kêu lên kinh ngạc. Emma mới mười ba tuổi và chưa bao giờ người hoạ sĩ thấy ai đẹp như thế.
Ông ta hỏi cô ta là ai và làm gì. Vốn có chút học hành nên cô bé trả lời câu hỏi ấy khá lịch sự. Cô nói mình kiếm được bao nhiêu khi chăm sóc lũ trẻ nhà ông Hawarden: Cô nói mình được nuôi ăn, mặc, ở và kèm theo mười schelling mỗi tháng.
- Hãy đến London - Hoạ sĩ bảo cô - Tôi sẽ trả cô năm đồng guinée cho mỗi bức ký hoạ nếu cô đồng ý làm người mẫu.
Rồi ông ta chìa tấm thiệp có ghi: "Edward Romney, số 8 Quảng trường Cawendish", đồng thời Miss Arabell cũng rút vài đồng vàng đưa cho cô.
Cô bé cầm tấm các, cần thận cất vào ngực nhưng không nhận khoản tiền. Khi Miss Arabell nài ai nói rằng khoản tiền ấy để cô tới London, Emma nói:
- Cảm ơn bà. Nếu tôi đến London, tôi sẽ đi bằng khoản tiết kiệm nhỏ tôi vẫn dành dụm và sẽ tiếp tục để dành.
- Với mười schelling một tháng ư? - Miss Arabell cười hỏi.
- Vâng thưa bà. - Cô bé đáp gọn.
Và mọi chuyện kết thúc ở đó.
Không, mọi chuyện chưa kết thúc ở đó vì ngày hôm ấy còn có chuỗi hệ quả khác. Sáu tháng sau, Emma đến London, nhưng hoạ sĩ Romney đi vắng. Không gặp được ông cô bé đến gặp Miss Arabell, người này coi cô như kẻ cùng hội cùng thuyền.
Miss Arabell là người tình của ông hoàng nhiếp chính nên ả đạt đến tột đỉnh giàu sang của một kỹ nữ. Trong hai tháng Emma ở nhà ả, cô bé đọc đủ loại tiểu thuyết đến tay, lui tới tất cả các nhà hát kịch, trở về phòng mình bắt chước mọi vai kịch nghe được, tập tành đủ các loại vở ba lê được xem. Những gì người khác chỉ xem là trò giải trí, cô lại coi là mối bận tâm duy nhất. Vừa đến độ mươi lăm, cô bé bước vào tuổi thanh xuân rực rỡ nhất vẻ đẹp lộng lẫy nhất. Thân hình mềm mại cân đối cho phép cô bé thực hiện được mọi tư thế, mọi uốn éo và đã đạt đến độ khéo léo nhất của một vũ nữ. Về khuôn mặt, dù những vất vả cực nhọc khuôn mặt ấy vẫn giữ được vẻ trong sáng thơ ngây trinh trắng. Được trời phú cho khả năng biểu hiện cảm xúc vô cùng tinh tế, khuôn mặt ấy có thể biểu lộ, nỗi đau đớn qua vẻ đượm buồn hay một cơn bột phát sung sướng. Người ta bảo rằng vẻ thanh khiết của tâm hồn toát ra dưới những đường nét ngây thơ tuy nhiên một đại thi hào thời đại chúng ta ngần ngại làm lu mờ tấm gương tuyệt mỹ ấy khi nói đến các tật nhỏ của cô rằng: "Sa ngã của nàng không nằm ở thói hư mà vì bất cẩn và lòng tốt".
Cuộc chiến nước Anh phát động chống lại thuộc địa Mỹ đang ở đỉnh điểm. Anh trai một cô bạn của Emma tên là Richard bị ép phải xung vào hải quân. Cô em gái chàng trai tên là Fanny đã chạy đến chỗ Emma nhờ giúp. Fanny thấy Emma quá đẹp nên nghĩ nếu cô cầu xin hộ thì chắc không ai nỡ từ chối.
Emma vui vẻ mặc chiếc váy đẹp nhất cùng bạn đi tìm ngài đô đốc. Emma đã nhận được điều cô muốn song John Payne cũng có điều kiện của ông ta đó là Emma sẽ đổi tự do cho Richard nếu không bằng tình yêu thì cũng bằng lòng biết ơn của cô.
Emma Lyonna trở thành người tình của đô đốc Payne, có một ngôi nhà riêng, có xe ngựa, đầy tớ riêng cho mình. Tuy nhiên đống của cải phù du ấy đến và đi nhanh hơn thời tiết. Hạm đội ra đi. Emma Lyonna lại thấy chiến thuyền của người tình trong lúc khuất dần chốn chân trời cũng đồng thời cuốn đi mọi giấc mộng vàng son của cô.
Tuy thế Emma đâu phải là người phụ nữ dễ gục ngã như Didon sau lần cất cánh của Enée. Một trong những người bạn của đô đốc Payne, Sir Harry Fatherson, giàu có và lịch lãm, muốn cô tiếp tục làm cái việc đã làm, tức là trở thành người tình cho ông ta.
Emma đã bước những bước đầu tiên trên con đường sa ngã. Cô ta chấp nhận và trong suốt một mùa trở thành nữ hoàng trong các buổi săn bắn, hội hè và vũ tiệc. Nhưng than ôi, khi mùa qua đi, bị người tình thứ hai lãng quên, bị coi rẻ trong mối tình thứ hai, cô ta dần rơi vào thế cùng quẫn đến độ không còn nguồn nào khác ngoài vỉa hè Heymarket, vỉa hè nhơ nhớp nhất cho những sinh linh bất hạnh đi ăn mày tình ái của những kẻ qua đường.
May thay, người mối lái mà cô ta nhờ dẫn dắt vào ngành bán phấn buôn hương ấy bị ấn tượng trước vẻ tao nhã và chỗ ở mới thanh đạm của ả nên thay vì đưa cô ta làm gái điếm như những người khác, lại dẫn đến chỗ một bác sĩ nổi tiếng quen lui tới chỗ bà ta.
Đó là bác sĩ nổi danh Graham, một tay lang băm ưa thần bí và thích nhục dục, người hành nghề thứ tôn giáo vật chất sắc đẹp trước các cô gái trẻ London.
Khi Emma xuất hiện trước mắt hắn tức là thần vệ nữ Astarté của hắn đã được tìm thấy dưới những đường nét của Vệ nữ trinh bạch. Hắn ta trả giá cao cho kho báu ấy. Nhưng với hắn, kho báu này thật vô giá. Hắn đặt cô ta ngủ trên giường thần Apollon, đắp lên cô ta tấm voan trong suốt hơn cả của thần Vulcain đã đắp lên nữ thần Vệ nữ khiến mọi con mắt của đỉnh Olympia phải hút vào, rồi hắn phô trương ầm ĩ trong báo giới rằng cuối cùng mình cũng sở hữu một nguyên bản duy nhất và tột đỉnh về sắc đẹp còn thiếu cho đến giờ để hoàn tất học thuyết của mình.
Trước lời kêu gọi vừa nhắm vào sa hoa và khoa học ấy, mọi tông đồ trong cái tôn giáo tình ái, thứ tôn giáo khoả rộng trên toàn cầu đều đổ dồn đến phòng của bác sĩ Graham.
Thành công thật trọn vẹn: không hoạ sĩ hay nhà điêu khắc nào từng tạo được một kiệt tác tương tự, đến Apelle và Phidias cũng phải chịu thua cuộc.
Các nhà hoạ sĩ và điêu khắc kéo đến rất đông. Romney khi trở về London cũng đến như không người khác và nhận ra cô bé ở Flint dạo nào. Ông ta thể hiện cô dưới nhiều hình dạng, thành Ariane, cô đồng, Léda, hay nữ thần Armide và chúng ta có ở Thư viện hoàng gia một bộ sưu tập điêu khắc thể hiện sự quyến rũ trong mọi thái độ khoái cảm từ thời cổ đại dâm đãng nghĩ ra.
Thế là vì tò mò, chàng trai Charles Grenville xuất thân trong gia đình danh giá Warwich mà người ta gọi là Người lập vua và là cháu họ của Sir William Hamilton cũng tìm đến. Thấy Emma hoàn hảo nên đã đem lòng yêu dấu. Những lời hứa hẹn bay bướm nhất đã được chàng trai quý tộc này chuyển đến Emma. Nhưng cô ta còn vướng bận với bác sĩ Graham một mối liên hệ ơn nghĩa nên đã cự lại mọi lời quyến rũ, tuyên bố lần này chỉ chia tay nhân tình để theo chồng.
Sir Charles hứa lời hứa danh dự của một quý ông sẽ lấy Emma Lyonna ngay khi cô đủ tuổi trưởng thành. Trong khi chờ đợi Emma đồng ý để anh ta làm một cuộc bắt cóc.
Thực ra hai kẻ yêu đương ấy đã sống với nhau như vợ chồng và theo lời ông bố, ba đứa trẻ sinh ra phải được hôn thú chứng nhận hợp pháp.
Tuy nhiên trong quãng thời gian sống chung ấy, một thay đổi bộ ngành đã khiến Grenville mất công việc mang lại thu nhập chính cho anh ta. Thật may là sự việc này xảy ra khi họ ở với nhau đã được ba năm do đó Emma Lyonna đã kịp nhờ các ông thầy giỏi nhất London, học và tiến bộ vượt bậc trong âm nhạc và hội hoạ, ngoài ra cô ta còn hoàn thiện học vấn, học thêm tiếng Pháp và tiếng Ý, làm thơ như phu nhân Siddons.
Dù mất việc, Grenville vẫn không thể giảm bớt chi tiêu, vậy là anh chàng viết thư cho chú mình để xin tiền. Ban đầu, lần nào yêu cầu của anh ta cũng được đáp ứng nhưng lần cuối, ngài William Hamilton trả lời rằng ông định đến London ít ngày và nhân cơ hội ấy để xem xét công việc của cháu.
Cái từ xem xét này làm đôi trẻ lo sốt vó. Họ vừa muốn lại vừa sợ sự xuất hiện của ngài William. Rồi ông đột ngột xuất hiện tại nhà họ mà không báo trước. Ông đã ở London từ tám ngày rồi.
Trong tám ngày ấy, Sir William đã tìm hiểu tin tức về cháu mình. Những người cung cấp tin cho ông không quên nói đến nguyên nhân sự đảo lộn và khốn khó của cháu ông là do một con điếm cháu ông đã ăn ở và đẻ được ba đứa con gây ra.
Emma lui vào phòng để người tình của mình ở lại với ông chú. Ông chú không đưa ra điều kiện nào ngoài việc lựa chọn hoặc ngay lập tức bỏ Emma hoặc từ bỏ quyền kế nghiệp thứ mà từ nay là nguồn tài sản duy nhất của anh ta.
Nói xong ông chỉ ra đi để cho cháu mình ba ngày suy nghĩ.
Mọi hy vọng của hai người từ giờ chỉ còn trông đợi ở Emma. Cô ta phải là người đi xin Sir William Hamilton tha thứ cho tình nhân của mình và chứng tỏ anh ta đáng được tha thứ bao nhiêu.
Thế là thay vì mặc bộ đồ sang trọng trong hoàn cảnh mới, Emma mặc lại bộ quần áo thời thiếu nữ: chiếc mũ rơm và chiếc váy cà tàng. Những giọt nước mắt, nụ cười, trò điệu bộ trên khuôn mặt, những cái ve vuốt và giọng nói sẽ làm nốt phần còn lại.
Khi được đưa đến chỗ Sir William, Emma phủ phục dưới chân ông; và hoặc khéo léo buộc hờ hoặc do tình cờ dải quai mũ tung ra khiến mái tóc hạt dẻ xổ tung trên vai.
Kẻ quyến rũ đang trong sự đau đớn vô bờ.
Ông già cổ hủ, kẻ từng yêu say đắm bức tượng cẩm thạch ở thành Athènes và những tượng Hy Lạp cổ đại, lần đầu liên thấy sắc đẹp sống động át cả vẻ đẹp lạnh lùng và tái nhợt của những nữ thần do Praxitèle và Phidias tạc nên. Tình yêu, cái thứ ông không muốn hiểu ở đứa cháu, đã xộc thẳng vào tim ông rồi chiếm vị trí trọn vẹn mà ông không kịp phản ứng.
Khoản nợ của cháu, xuất thân thấp hèn của Emma, những tai tiếng, tiền quảng cáo cho mỗi tiếng, tất cả, thậm chí những đứa con của cô, Sir William chấp nhận hết chỉ với một điều kiện duy nhất là Emma phải dứt bỏ hoàn toàn cách sống cũ.
Thế cũng là thành công lớn thoả ước ao bấy lâu của Emma, nhưng lần này cô ta ra điều kiện cụ thể không như lời hứa suông làm đám cưới với cháu ông lần trước. Cô ta tuyên bố chỉ đến Naples với tư cách là vợ chính thức của ngài William Hamilton.
Sir William chấp nhận hết.
Sắc đẹp của Emma mang đến thành Naples tác động chưa từng có, cô ả không chỉ khiến mọi người ngạc nhiên mà còn khiến họ loá mắt.
Vốn là nhà khảo cổ học và khoáng vật học có uy tín, ngôi nhà của đại sứ Anh quốc, là anh em cùng vú nuôi và bạn thân của vua Georges Đệ tam, Sir William hội tụ tại nhà mình giới thị thành hàng đầu của Hai đảo Sicile gồm những nhà khoa học, chính khách và giới văn nghệ sĩ. Chỉ ít ngày cũng đủ cho Emma dù rất nghệ sĩ, muốn hiểu về chính trị và khoa học, biết mình còn biết gì và rất nhanh sau đó những lời đánh giá của Emma đã thành luật đối với những ai hay lui tới phòng tiếp của Sir William.
Thành công của ả chưa dừng lại ở đó. Vừa mới được giới thiệu đến triều đình, hoàng hậu Marie-Caroline đã tuyên bố ả là bạn thân thiết và từ đó trở thành người yêu mến không những xuất hiện trước công chúng với ả gái điếm phố Haymarket mà còn đi suốt phố Tolède, đi dạo ở Chiaia trong cùng cỗ xe và trang điểm cùng kiểu với ả. Hơn thế, sau những buổi tối bắt chước những tư thế gợi cảm và bốc lửa nhất thời cổ đại, bà hoàng sai người nói với Sir William, kẻ sung sướng lặng người trước ân huệ ấy, rằng bà chỉ trả lại ông ta cô bạn gái của mình vào ngày hôm sau.
Người ta đã thấy, bên cạnh những chuyện gây xôn xao triều đình Naples ấy, xuất hiện và lớn mạnh một Nelson, nhà quán quân trong các thế lực triều đình cũ. Chiến thắng Aboukir mang lại hy vọng cho tất cả các ông vua từng đặt tay lên vương miện chao đảo của họ. Bằng mọi giá, Marie-Caroline người đàn bà hám của, quyền lực và đầy tham vọng, cũng phải bảo vệ vị thế của mình; cho nên không có gì lạ khi bà ta lại nhờ đến sức cuốn hút của cô bạn gái khi vào buổi sáng hôm dẫn Emma đến trước.
Nelson người đã trở thành chìa khoá cho nền chuyên chế, bà đã nói với ả: "Người đàn ông này phải thuộc về chúng ta và để con người ấy thuộc về chúng ta, em phải thuộc về ông ấy".
Liệu việc giúp người bạn gái Marie-Caroline về chuyện đô đốc hải quân Horace Nelson có khó như việc Emma Lyonna từng làm giúp cô bạn Fanny trong về chuyện đô đốc Payen không?
Vả lại phải có phần thưởng vẻ vang cho những què cụt của Nelson, cho đứa con người linh mục nghèo làng Burnham-Thorpe, cho con người gây dựng vĩ đại cho mình bằng chính dũng khí bản thân, gây dựng tiếng tăm bằng tài năng của mình, phải có phần thưởng xứng đáng cho những vết thương để thấy ông vua, bà hoàng, cái triều đình này và phần thưởng cho chiến thắng của ông, cái con người ông đam mê tiến đến trước mặt chứ.
Chương 89: Do đâu Napoléon thấy đôi khi buộc con người tuân lệnh còn khó hơn số mệnh
Ai cũng biết hậu quả sau buổi lễ đón chào Nelson.
Đại sứ Pháp đùng đùng nổi giận trước động thái ngang ngược ấy đã lấy lại hộ chiếu và về nước. Nhà vua không muốn cho nước Pháp cái mãn nguyện là người tấn công trước. Ông ta cầm 65 nghìn quân đối đầu với Championnet chỉ có 12 nghìn và ngày lần gặp đầu tiên đức vua đã thất bại thảm hại, chạy trốn và chỉ dừng lại ở Naples.
Championnet đuổi theo với lòng nhiệt tình mà các tướng lĩnh Cộng hoà vẫn hay phô ra. Chỉ năm, sáu nghìn người cùng khổ, thành Naples cũng làm được điều mà 65 nghìn quân của vua Naples không thể. Họ đối đầu với quân Pháp, bảo vệ thành suốt ba ngày thậm chí còn bảo đảm an toàn cho nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia Naples, ông bà đại sứ anh xuống thuyền an toàn.
Những người này trốn sang đảo Sicile.
Một ngày, giáo chủ Ruffo được lệnh của nhà vua trở về từ Messine để chiếm lại Naples.
Trong khi ấy Bonaparte vẫn đang ở Ai Cập, bị chôn chân một chỗ do chiến hạm Aboukir bị phá huỷ.
Quân đội Pháp ở nhà thất thủ tại Italie cũng mất luôn uy danh bất khả chiến bại của mình.
Giáo chủ Ruffo lấy lại Calabres rồi Naples và chỉ dừng lại khi đã đến biên giới Rome.
Vua Ferdinand trở lại Naples với danh sách một trăm người bị ông ta tuyên phạt tử hình trước khi đưa ra toà án.
Caracciolo, người từng từ chức đô đốc hải quân như một công dân Naples đã bị buộc đứng vào hàng ngũ ấy. Không một toà án nào dám kết án ông ta nhưng Nelson đã chấp nhận làm đao phủ để đổi lấy nụ hôn của người đẹp Emma và một nụ cười của hoàng hậu.
Nelson cho bắt Caracciolo tại nhà ông này ẩn náu, đưa ông ta lên tàu Foudroyant và chống lại luật nhân quyền, một đô đốc Naples bị một đô đốc Anh kết án và treo cổ như một tên cướp biển hèn hạ trên đầu xà buồm.
Người ta cứ nghĩ rằng khi trở lại London, sau những trò hổ thẹn ông ta làm cho triều đình Naples, Nelson ít nhất cũng sẽ nhận sự quở trách công khai. Thế nhưng ông ta chẳng làm sao cả.
Ngược lại, trở về Anh cùng Lady Hamilton ông ta còn được tôn vinh về chiến thắng Aboukir và chiến công tại Naples: mọi tàu chiến ở Tamise đều trưng cờ hoa, chính phủ và tổng bộ London ca tụng ông ta như một vị cứu tinh cho tổ quốc: dân chúng cuồng nhiệt sau mỗi bước chân và đi sau thành đoàn người vào thành.
Ông ta mua một toà nhà ưng ý tên là Merton gần London, cất giữ tình yêu, vinh quang và những hối hận của mình trong đó. Ông ta có với Emma Lyonna một cô con gái đặt tên thánh là Horatia.
Cuộc chiến trên biển Baltique gọi con người này trở lại Đại dương. Nelson chỉ huy hạm đội buộc cảng Copenhague, khuất phục và thiêu cháy hạm đội Đan Mạch. Lần ấy khi nhận được tín hiệu của đô đốc đối phương, Nelson đưa ống ngắm lên cái mắt bị chột và khi người ta bảo ông ta ngừng bắn ông lại cứng đầu nói "Tôi chẳng thấy gì cả".
Câu trả lời ấy từng là câu nói của Alanc hay Allila và sẽ bị xử phạt tại tất cả các dân tộc văn minh, lại vinh danh ông ta tại London cũng đồng thời là nỗi ghê sợ cho phần còn lại của châu Âu.
Nelson trở về Anh quốc như một người chiến thắng và được nhà vua phong tước quý tộc.
Nước Anh chỉ có ông ta làm đối trọng có thể chống lại Napoléon.
Tuy thế Napoléon vẫn đeo đuổi cuộc đọ gươm với nước Anh.
Từ mười tám tháng qua, trên khắp các cảng nước Pháp hay Hà Lan, ông cho tập trung mối đe doạ tấn công sang Anh. Năm sáu trăm xà lan cỡ lớn chở đại bác được tập hợp từ Dunkerque đến Abbeville sẵn sàng chở quân từ Boulogne cắm trại bên bờ biển và có thể một ngày nào đó sẽ đưa sang bờ biển Anh đội quân bất khả khuất phục như đội quân của hoàng đế Guillaume Người chinh phục.
Nước Anh trong lúc chế nhạo những vỏ dừa của ngài Bonaparte, như cách gọi của họ, không hề bỏ sót hành động tập hợp quân đội đáng sợ trước mặt. Các hạm đội của họ cũng toả khắp eo biển Manche và tức thời có thể chặn các xà lan chuyên chở của Pháp sang London.
Ngài Napoléon chỉ muốn tấn công sau khi tập hợp đủ một hạm đội với 60 hoặc 80 tàu chiến toả ra eo biển Manche để đương đầu với hạm đội Anh. Với ông, bất kể thắng hay bại, miễn là ông cầm chân địch trong một ngày để đưa 50 hay 60 nghìn quân đổ bộ lên bờ biển Anh. Nhưng các tàu chiến Pháp nằm rải rác ở Escaut, Brest, Toulon hay Cadix nên chỉ có thể tập hợp nhanh khi có sức mạnh huyền bí, có sự phối hợp và có cả sự táo bạo nữa. Tuy nhiên, không đô đốc nào ở Pháp, Hà Lan hay ở Tây Ban Nha có đủ khả năng thực hiện công cuộc anh hùng và vô vọng ấy. Dù có lòng dũng cảm nhưng trì tuệ hạn chế, tất cả bọn họ đều suy nghĩ và làm theo áp lực trách nhiệm. Họ không hiểu điều gì nằm ở sau mệnh lệnh: "Hãy biết phòng ngự nếu các ông không thể tấn công, những dù thế nào vẫn cứ tiếp tục chiến đấu".
Họ cũng không hiểu rằng bằng mọi giá phải ngăn các chiến hạm Anh cách Manche 500 dặm tức là đã giúp Napoléon trong kế hoạch xâm chiếm nước Anh.
Vấn đề là chiến đấu trên bộ chỉ cần dũng khí nhưng khi chiến đấu trên biển thì nhất thiết phải có khí chất anh hùng và khoa học. Một đội quân trên cạn bị thua, chỉ huy mất hay chạy trốn thì vẫn có thể tập hợp lại, chỉnh đốn và hồi phục. Nhưng một hạm đội bị thất bại hay bị bốc cháy sẽ nuốt chửng theo những ai trên nó và chỉ để lại trên sóng những mảnh vỡ cháy đỏ.
Điều này người Anh cũng rõ chẳng khác gì Napoléon.
Trong cơn tuyệt vọng khi tập hợp các chiến hạm tản mác, ngài Bonaparte mang hai chiến hạm ở Toulon và ở Brest đồng thời xuất phát mang theo 40 - 50 nghìn quân chia ra làm hai cánh đi vào Ấn Độ Dương. Hai chiến hạm này chắc chắn sẽ buộc các chiến hạm Anh đuổi theo và trong khi lực lượng hải quân Anh còn mải chạy đến cứu Ấn Độ thì có thể ông còn thời gian đưa các boong di động qua eo biển Manche và làm điều mà hai người, César và hoàng đế Guillaume Người chinh phục, đã từng làm trước mình.
Nhưng phạm vi đồ sộ của kế hoạch này nhanh chóng khiến ông nản lòng. Ông nghĩ đến phương án khác có vẻ đơn giản và chắc chắn hơn. Ông sẽ kéo đám chiến hạm Anh dày đặc ra xa eo biển Manche. Theo lệnh của ông, đô đốc Villeneuve, chỉ huy tối cao chiến hạm Tây Ban Nha và Pháp hợp lại, đã rời Toulon cùng mười ba tàu chiến và vài chiến thuyền ba cột buồm.
Ông tập hợp hạm đội Tây Ban Nha tại Cadix dưới sự chủ huy của đô đốc Gravina. Từ đây Gravina vượt Đại Tây Dương đến gặp chiến hạm của đô đốc Missiessey với sáu tàu chiến tại Antilles; còn đô đốc Ganteaume, chỉ huy hạm đội Brest, nhận lệnh nhân cơn bão đầu tiên đẩy đội tuần dương của đô đốc Comwallis của Anh ra xa Brest, đến gặp Villeneuve, Gravina và Missiessey ở đảo Martinique.
Toàn bộ hạm đội này sẽ tức tốc về Pháp sau khi khiến người Anh lo ngại mất quần đảo Antilles mà chia ra đuổi theo. Họ tiếp tục giao chiến với lực lượng hải quân Anh ở lại bên bờ châu Âu tạo điều kiện cho các xà lan cỡ lớn đưa quân đổ bộ sang Anh.
Nhưng thật không may, trời yên biển lặng và không có cơn bão nào nên hạm đội của đô đốc Ganteaume không rời được Brest. Thế là Đô đốc Villeneuve trở lại biển châu Âu nhận lệnh giao chiến với Comwallis để giúp hạm đội của đô đốc Ganteaume rồi tập hợp toàn bộ lực lượng hải quân quốc gia với 60 tàu chiến hợp lại chiến đấu với lực lượng hải quân Anh ngay lối vào eo biển Manche bất kể lực lượng Anh nhiều ít ra sao.
Ngài Napoléon giương nắm đấm như Ajax và kêu to:
- Người Anh không biết cái gì đang treo lơ lửng trên đầu họ: nếu tôi làm chủ trên eo biển Manche 12 tiếng, nước Anh chỉ còn là quá khứ!
Lúc Napoléon kêu lên vui sướng như vậy, ông đang ở Boulogne, đứng trước đội quân 80 nghìn người từng thắng trận trên các lục địa và ánh mắt đang khao khát cuộc chinh phạt cuối cùng.
Napoléon có cảm giác rất tốt về giá trị của thời gian. Ông biết mình chỉ cần vài ngày sẽ chuẩn bị tiếp việc tuyên chiến với áo và thôn tính toàn bộ nước Đức. Nhưng ông đâu có hay Villeneuve không ở trước Brest trong khi tệ hơn thế, sau một cuộc chiến ban đêm giữa bóng tối và sương mù, ông ta còn vừa để mất hai tàu chiến Tây Ban Nha vào tay quân Anh và mặc dù đã nhận lệnh phá phong toả Brest, liên kết với Ganteaume rồi giương buồm ra phía cổng vào Manche, ông ta lại tiến vào cảng Ferrol để tiếp tế cho tàu một cách không cần thiết.
Napoléon nổi giận đùng đùng. Ông cảm thấy cơ hội đang tuột khỏi tầm tay. "Hãy xuất phát - ông viết cho Ganteaume đang bị kẹt trong cảng Brest - Hãy xuất phát và chỉ trong một ngày chúng ta sẽ báo thù được sáu thế kỷ yếu thế và hổ thẹn. Hãy xuất phát đi. Vì một kết cục quan trọng nhất, không bao giờ bộ binh và hải quân của tôi tiếc mạng sống của họ".
"Hãy xuất phát đi - ông viết cho Villeneuve - Hãy xuất phát ngay và đừng để lỡ một phút nào, hãy xuất phát và cùng các chiến hạm khác của tôi vào eo biển Manche. Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng, tất cả đã lên tàu để đổ bộ, chỉ trong vòng 24 giờ thôi mọi chuyện sẽ chấm đứt".
Qua những lá thư này người ta có thể cảm nhận Napoléon sốt ruột như thế nào. Khi ông sững sờ được biết Villeneuve vẫn im ắng ở cảng Cadix và điều này bắt buộc Ganteaume bị kẹt lại trong cảng Brest thì ông coi Villeneuve là kẻ ngu si và hèn nhát. Ông tuyên bố người này không thể chỉ huy nổi một thuyền ba cột buồm.
- Đó là người bị nỗi sợ làm cho mù quáng - ông nói.
Ngài bộ trưởng Hải Quân Decrès vốn là bạn của Villeneuve. Không thể giáng một đòn cho Villeneuve thế là ngài Napoléon giận cá chém thớt quay sang Decrès.
"Ông bạn Villeneuve của ông chắc quá hèn nhát nên không dám rời cảng Cadix - Napoléon viết gởi Decrès - Hãy cử đô đốc Rosily đi chỉ huy hạm đội nếu nó chưa xuất phát. Ngài ra lệnh cho đô đốc Villeneuve đến Paris giải trình cho tôi động thái của ông ta".
Bộ trưởng Decrès không đủ sức thông báo cho Villeneuve cái bất hạnh sẽ tước đi của con người này mọi cách khôi phục ấy, ông ta chỉ báo cho bạn mình rằng Rosily đã khởi hành mà không nói rõ lý do. Ông ta cũng không khuyên Villeneuve ra khơi trước khi Rosily đến Cadix dù ông hy vọng sẽ là như vậy, và, trong cơn bối rối của người bạn mà ông biết lỗi của bạn cũng như cơn giận chính đáng của hoàng đế, thật sai lầm khi không tham gia và để mác mọi chuyện cho số phận.
Nhưng khi nhận được thư từ ngài Bộ trưởng, Villeneuve đã đoán ra tất cả những gì ông bạn không dám nói. Điều tổn thương ông ta nhất đó là tiếng xấu về sự hèn nhát mà ông không đáng phải chịu. Nhưng vào thời điểm ấy, hải quân Pháp trong tình trạng suy sút ghê gớm và ai cũng biết yếu thế của nó. Mặt khác, Nelson lại tiếng nổi như cồn đặc biệt là dũng khí kỳ cục, cho nên chiến hạm nào đối diện với Nelson cũng coi như đã thất bại.
Villeneuve quyết định tìm một lối thoát. Ông ta đưa quân lên bờ để cho họ nghỉ ngơi và chữa bệnh cho người ốm yếu. Đô đốc Gravina bỏ lại một nửa số tàu không thể ra khơi đổi lấy những chiếc tốt hơn trong xưởng tàu Cadix.
Toàn bộ tháng chín dành cho những công việc ấy. Chiến hạm củng cố nhiều về vật lực nhưng nhân lực vẫn y như cũ.
Từ tám tháng hoạt động, các thủy thủ đoàn cũng thu được ít nhiều kinh nghiệm. Một vài thuyền trưởng rất giỏi nhưng trong số các sĩ quan phần lớn đều chuyển từ ngành thương mại sang nên thiếu hiểu biết cũng như óc quân sự trên biển. Các thủy thủ đặc biệt thiếu hệ thống chiến thuật hải quân tương thích với cách đánh mới của người Anh: Thay vì hình thành hai chiến tuyến, như người ta vẫn làm trước kia, và tiến lên có phương pháp họ lại xếp hàng đối đầu với từng tàu chiến, Nelson đã bỏ thói quen tấn công ồ ạt, không cần biết gì khác ngoài vận tốc. Ông ta tấn công vào chiến hạm địch, tách nó làm hai, chia nhỏ mà không sợ bị rối loạn và có nguy cơ tự bắn vào mình, sau đó khai hoả cho đến khi địch thủ đầu hàng hoặc chìm nghỉm.
Khi đó, dù chưa chắc chắn nhưng cũng bắt đầu e rằng chuyến chuyển quân sang Anh thất bại, Napoléon viết cho ngài Talleyrand một lá thư chỉ cho ông này biết những kế hoạch mới của mình, kế hoạch còn mơ hồ trong lớp sương mù chưa có gì sáng tỏ.
"Thực tế là các chiến hạm của tôi đã mất hút trên Đại dương - ông viết - Nếu chúng trở lại Manche thì thời gian vẫn còn, tôi sẽ lên thuyền và đổ bộ sang Anh, sẽ cắt đứt phe liên minh ở London. Tôi chiếm Vienne, săn bọn Bourbon khỏi Naples và khi lục địa đã bình yên, tôi sẽ trở lại Đại dương và chinh phục hoà bình trên biển".
Cuối cùng, ngày 18 tháng Chín, Napoléon thông báo cho La Malmaison biểu hiện chống đối của hoàng đế Áo với nước Pháp.
Nước Pháp đáp trả Áo tương đương với những khiêu khích của Áo.
Với hành động khẩn trương, thứ chủ đạo làm nên con người ông, Napoléon chuyển phần quân đội Boulogne đã bị bại thay vì thành công và quay sang kế hoạch chiến đấu trên bộ mà ông mới chỉ ấp ủ có hơn chục ngày qua.
Chưa bao giờ ông có nguồn lực mạnh thế. Chưa bao giờ ông lại thấy phạm vi hành động rộng mở đến vậy. Đây là lần đầu tiên ông tự do như Alexandre và César. Những kẻ đồng hành ghen ghét đố kỵ một cách lỗi thời với ông như Moreau, Pichegru, Bernadotte vv… đều đã tự loại mình khỏi trường đấu bằng cách cư xử phạm pháp hay bất cẩn. Ông chỉ còn trong tay những sĩ quan phục tùng và tập hợp những phẩm chất ở cấp độ nào thích hợp nhất cho việc thực hiện mục đích của ông.
Sáu bốn năm mệt mỏi vì nằm yên, quân đội của ông chỉ khao khát chiến thắng, chỉ muốn được chiến đấu, qua mười năm chinh chiến và ba năm hạ trại, nó đã sẵn sàng cho những bước đi đầy khó khăn như đối với lần xông pha quan trọng nhất.
Chỉ có điều quân đội này được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, có thể nói chưa thời kỳ nào nước Pháp có được một đội quân như thế lại phải đột ngột chuyển về đánh ở lục địa đó là vấn đề.
Chương 90: Cảng Cadix
Ngày 17 tháng Mười năm 1805, sau khi chuyển về thành Paris hai khẩu đại bác và tám lá cờ chiếm được trong trận Gunzbourg, hoàng đế đã đến Munich, vây hãm Ulm, vào trận Elchingen cuộc chiến khiến thống soái Ney đáng với tước hiệu công tước của mình. Cùng ngày diễn ra trận chiến ấy tức là trước hôm hoàng đế gửi tiếp 40 cờ đến Nghị viện, một chiếc tàu Slúp một cột buồm mang cờ Mỹ đã vào cảng Cadix nơi neo đậu toàn bộ chiến hạm của đô đốc Villeneuve.
Khi đã vào trong cảng, nó xác định hướng và tên xem tàu Redoutable đậu ở đâu. Được biết nó ở chân pháo đài và vì không để đến tận nơi, nó thả thuyền danh dự xuống biển rồi thuyền trưởng ra lệnh các tay chèo bơi về phía tàu Redoutable.
Cách con tàu chiến hạng nặng Redoutable một đoạn, bị sĩ quan canh gác hỏi, viên thuyền trưởng đáp con thuyền đó tên là Tay đua New York và rằng thuyền trưởng mang tin từ Ấn Độ và thư của đảo trưởng đảo Pháp đến ngài chỉ huy Lucas.
Ngay khi thuyền trưởng Lucas được báo, ông chạy đến boong và ra hiệu cho người sĩ quan dưới thuyền con trèo lên tàu lớn.
Người sĩ quan ấy không phải ai khác chính là René. Và chỉ trong nháy mắt, anh leo lên cầu thang và đến boong.
Thuyền trưởng Lucas nhã nhặn tiếp anh. Ông ta hỏi người khách xem có phải anh ta muốn nói chuyện riêng với mình hay không, khi người này đáp đúng thì ông ta mời anh vào phòng riêng.
Hai người đàn ông vừa vào trong và cánh cửa cũng vừa khép lại phía sau họ, René trao cho Lucas lá thư của ngài đảo trưởng.
Lucas chỉ liếc qua lá thư ấy rồi hỏi:
- Ông bạn tướng quân Decaen của tôi giới thiệu anh với tôi bằng những lời lẽ mà tôi chỉ có thể hỏi xem tôi làm gì giúp anh vui lòng đây?
- Thưa ngài chỉ huy, trong ba bốn ngày tới ngài sẽ có một trận đại chiến trên biển. Từ trước đến giờ tôi chỉ từng thấy cuộc chiến nhỏ lẻ và xin thú thật với ngài tôi muốn tham gia vào một đại sự châu Âu nào đó nơi mà tôi có thể góp phần tên tuổi của mình, thứ mà chỉ được biết đến trong Ấn Độ Dương.
- Phải, phải - Lucas đáp - Đúng là chúng tôi sắp tham gia một cuộc đại thủy chiến nơi chắc chắn bằng cách này hay cách khác người ta sẽ góp tên của mình vào cuộc chiến một mất một còn đó. Tôi có thể hỏi, không phải kiểu thẩm vấn đâu mà như một cuộc nói chuyện bạn bè, anh phục vụ trong ngành hải quân thế nào?
- Thưa ngài chỉ huy, tôi mới thật sự tham gia gần hai năm vào ngành này. Tôi đã phục vụ bên ngài Surcouf, cùng con người nổi tiếng ấy trên chiếc tàu 16 đại bác và 100 thủy thủ đoàn đánh chiếm con tàu Standard có 48 đại bác và 450 người trên boong. Sau đó, tôi chỉ huy chiếc Slúp nhỏ này để sang Miến Điện thám hiểm. Cuối cùng, khi trở về đảo Pháp tôi may mắn cùng phối hợp với ngài Surcouf chiến đấu với hai tàu Anh và tôi chiếm được một tàu có 16 đại bác và 60 thủy thủ dù tôi chỉ có 18 người.
- Tôi biết rõ ông Surcouf. - Lucas nói - Đó là một trong số những tay chiếm tàu táo bạo nhất của chúng ta.
- Đây là thư của ông ấy phòng khi tôi có gặp ngài.
Rồi René đưa cho chỉ huy tàu Redoutable lá thư Surcouf đã viết cho Lucas. Ông này chăm chú đọc từ đầu đến cuối.
- Anh bạn ạ - ông ta nói với René - để ngài Surcouf ca ngợi anh như vậy thì anh quả là một người kỳ lạ. Ông ta nói với tôi rằng với số tiền 500 nghìn phăng đầu của anh chiếm được, anh đã để 400 nghìn cho các thủy thủ của mình còn 100 nghìn cho người nghèo trên đảo Pháp. Điều này cho thấy anh là người rất giàu có nhưng do khuynh hướng lớn về hải quân nên mới đầu quân vào đó - ông ấy nói với tôi - như một kẻ cướp biển bình thường với tham vọng nhanh chóng xây dựng con đường của mình đến lực lượng hải quân đế chế. Tiếc thay tôi chỉ dành được một vị trí làm đại uý thứ ba trên tàu Redoutable thôi.
- Thưa chỉ huy, như vậy cũng vượt quá điều tôi mong đợi rồi và tôi chấp nhận với lòng biết ơn ngài lắm. Khi nào tôi có thể bắt tay vào việc?
- Bất cứ lúc nào anh muốn!
- Nhanh nhất có thể thưa chỉ huy. Mùi khói đạn đã sực lên rồi và tôi chắc chỉ ba bốn hôm nữa tôi sẽ thấy trận đại chiến mà mình tìm kiếm từ tận bán cầu bên kia. Con tàu của tôi có trọng tải quá nhỏ để giúp ích được gì cho ngài, tôi xin trở lại boong và gửi nó về Pháp rồi sẽ quay trở lại.
Lucas đứng dậy nở nụ cười duyên dáng nói:
- Tôi chờ anh, đại uý.
René đưa cả hai tay bắt tay ông ta trong dạt dào tình cảm, lao xuống cầu thang trở lại chiếc thuyền Slúp của mình.
Đến nơi, anh gọi François vào phòng.
- François này, - Anh nói với anh ta - tôi sẽ ở lại đây, tôi tin tưởng giao chiếc Slúp của tôi cho cậu để cậu đưa nó về Saint-Malo. Đây là chiếc ví có di chúc của tôi. Nếu tôi chết, cậu sẽ thấy phần của mình trong di chúc ấy. Ngoài chiếc ví ra, đây là một chiếc túi đá quý. Nếu tôi chết chính cậu sẽ mang chiếc túi này đến tiểu thư Claire de Sourdis. Cô ấy sống cùng mẹ cô là nữ bá tước Sourdis tại lâu đài nhà Sourdis một hướng quay ra bến một hướng quay ra phố Beaune.
Trong chiếc túi này có lá thư nói rõ chỗ đá quý ấy từ đâu ra nhưng cậu chỉ mở di chúc và trao đá quý này khi chắc chắn tôi đã chết. Dưới giấy sở hữu tôi có ghi tên cậu làm chủ tạm thời con tàu. Hãy là người giữ tàu trong vòng một năm. Trong ngăn kéo bàn làm việc cậu sẽ thấy mười hai xâu tiền vàng mỗi xâu một nghìn phăng. Số tiền này dành cho cậu chi tiêu trong năm ấy.
- Nếu cậu bị quân Anh bắt, cậu chứng minh xuất xứ con tàu của cậu và nếu chúng hỏi tôi đâu cậu đáp là khi gặp chiến hạm của Nelson tôi bị bắt lên tàu chiến của ông ta. Tạm biệt François yêu quý hãy ôm hôn tôi, mang giùm vũ khí của tôi và đến Saint-Malo đừng hà tiện. Ngay khi đến nơi hãy đến báo tin về Robert cho bà Surcouf và gia đình.
- Thế có nghĩa là - François đưa mu bàn tay to tướng lên lau mắt - thế có nghĩa là ngài không yêu tôi đến mức có thể cho tôi đi cùng ngài, tôi sẽ theo ngài đến cùng trời cuối đất thậm chí còn đi xa hơn nữa. Tim tôi tan nát khi phải xa ngài!
Rồi anh chàng ấy khóc rống lên.
- Không phải thế mà là khi xa cậu, tôi coi cậu là người bạn duy nhất, vì cậu là người duy nhất tôi có thể tin tưởng vì cái ví này đựng nửa triệu, vì túi đá quý này đựng hơn 300 nghìn phăng và cuối cùng là vì khi tất cả những đồ vật này nằm trong tay cậu tôi cũng cảm thấy yên tâm như chúng ở trong tay tôi. Nào, chúng ta hãy bắt tay nhau như hai người đàn ông rắn rỏi. Chúng ta hãy yêu thương nhau như hai con tim trung hậu. Hãy ôm nhau như hai người bạn tốt! Cậu sẽ đưa tôi lên tàu Redoutable, cậu sẽ là người cuối cùng tôi chào từ biệt.
François nhận thấy René đã cương quyết và thậm chí rất cương quyết. René đi gom vũ khí gồm một khẩu cạc bin, một khẩu súng trường hai viên và chiếc rìu chiến. Xong xuôi, anh thông báo tình hình mới cho thủy thủ đoàn mong mọi người công nhận người bạn François của họ là chỉ huy mới.
Nghe xong ai nấy đều buồn thiu nhưng René cho phép họ giữ nguyên các điều kiện hiện tại một năm trên cảng Saint-Malo với khoản lương bình thường trên tàu Tay đua New York. Giữa những lời hứa tuyệt đối trung thành của họ, anh xuống chiếc thuyền nhỏ cùng François và sáu tay chèo.
Mười phút sau anh đã ở trước mặt thuyền trưởng Lucas.
Họ từ biệt nhau trước mặt ông này.
Sự tiến cử tốt nhất đối với một con người chính là tình cảm quyến luyến cấp dưới dành cho anh ta. Trong mối quan hệ ấy, vì René rất được yêu mến, những giọt nước mắt của François và vẻ nuối tiếc trên khuôn mặt các thủy thủ khác cũng đủ để ông thuyền trưởng thấy cảm mến viên đại uý của mình. Lúc ra về, thuyền trưởng Lucas còn tặng cho François một chiếc tẩu đá bọt tuyệt đẹp.
- Thế là không biết bày tỏ lòng biết ơn ra sao!
François càng khóc nấc lên gấp hai lần rồi ra đi mà không thể cất lên dù chỉ một lời.
- Tôi thích cách bày tỏ ý kiến ấy với mọi người - Lucas nói - và chắc anh phải là một người nhân nghĩa vì anh được quý trọng nhường ấy. Nào, hãy ngồi xuống và chúng ta nói chuyện.
Và như để làm gương, ông ta ngồi xuống trước trong khi xem xét vũ khí của René, lúc này chỉ có một khẩu súng trường hai viên nòng trơn, khẩu cạc bin nòng rãnh và chiếc rìu tấn công.
- Tôi tiếc là đã chia vũ khí của mình cho các bạn trên đảo Pháp. - René nói - Lẽ ra tôi phải tặng ngài cái gì xứng với ngài nhưng hiện giờ tôi chỉ còn ba thứ…
- Người ta bảo tôi anh bắn xuất sắc lắm - Lucas nói - nên hãy giữ súng lại, tôi lấy cái rìu, tôi hy vọng sẽ khiến nó vẻ vang trong trận đánh tới.
- Trận đánh tới, nếu không có gì bí mật, sẽ diễn ra khi nào? - René hỏi.
- Thực lòng mà nói nó không thể chậm trễ hơn nữa - Lucas nói - Hoàng đế đã cử đô đốc Villeneuve chuẩn bị cho chiến hạm Pháp-Tây Ban Nha ra khơi, tiến về Carthagène để liên kết với chuẩn đô đốc Salceco và từ Carthagène đến Naples để tiếp quân thêm cho hạm đội ở đó rồi kết hợp với tướng Saint-Cyr. "Ý định của chúng ta - Hoàng đế chỉ rõ - là dù bất cứ chỗ nào hễ thấy quân địch dù có lực lượng mạnh hơn cũng tấn công không chần chừ. Hãy giáng đòn quyết định. Thành hay bại phụ thuộc chủ yếu vào sự xuất phát ngay lập tức của ông khỏi Cadix. Chúng tôi mong và tin ông sẽ không trễ hạn định và yêu cầu dốc toàn lực trong lần xuất quân táo bạo quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất này". Với đô đốc Villeneuve, Hoàng đế không sợ phải nói quá ý nghĩ của mình. Dưới con mắt của ngài, vị đô đốc này là một trong những người cần khăn khố hơn là dây cương. Đồng thời ngài cũng phái phó đô đốc Rosily rời Paris và sẽ chỉ huy hạm đội liên quân Pháp-Tây Ban Nha nếu hạm đội còn ở Cadix, giương cờ thách đấu trên cột buồm lớn của tàu Bucenlaure và yêu cầu đô đốc Villeneuve về Pháp để báo cáo chiến dịch vừa rồi của ông ta.
- Chúa ơi! - René kêu lên - Tình hình nghiêm trọng thật.
- Chính vì vậy - Lucas nói tiếp - hội đồng trực chiến đã được triệu tập ở chỗ đô đốc Villeneuve. Các đô đốc và các sư trưởng, các chuẩn đô đốc Dlamanoir và Magon, các thuyền trưởng Cosmao, Maistral, Devillegris và Piglly đại diện cho hạm đội Pháp. Họ sẽ được tham khảo ý kiến về tình mỗi chiến thuyền với mong muốn và lo ngại của họ.
Lucas đi đi lại lại khi đang nói đột ngột dừng lại hỏi René.
- Anh có biết Hoàng đế nói như thế nào không?
- Không thưa chỉ huy, tôi chẳng biết gì cả. Tôi rời nước Pháp đã hai năm rồi.
- Quân Anh - Hoàng đế nói - sẽ trở nên bé xíu khi ở Pháp có hai hay ba đô đốc muốn hy sinh". Tuy nhiên - Lucas nói tiếp - dù chúng ta không phải là những đô đốc, chúng ta vẫn chứng tỏ cho Hoàng đế thấy trong vài ba ngày tới, thay vì các đô đốc muốn hy sinh, sẽ có những thuyền trưởng biết hy sinh.
Lucas đang nói chuyện đến đó với René thì một sĩ quan bước vào.
- Thưa thuyền trưởng - Anh ta nói với Lucas - có tín hiệu thông báo tất cả các thuyền trưởng tập trung về tàu ngài đô đốc.
- Tốt lắm, hãy cho thả xuồng xuống - Lucas đáp.
Chiếc xuồng đã sẵn sàng, ông ta bước xuống và giống như năm sáu con tàu có các thuyền trưởng được triệu tập khác, nó hướng mũi về phía tàu Bucenlaure.
Trong lúc đó, René đi xem phòng cho mình. Đó là một phòng rất đẹp, lớn hơn và tiện nghi hơn phòng thuyền trưởng trên tàu Tay đua New York.
Vừa đặt xong mấy chiếc rương mang theo thì chỉ huy Lucas cũng trở lại. René không dám xuất hiện trước mặt ông ta khi không được gọi nhưng sau buổi nói chuyện vừa rồi anh chắc thế nào người này cũng cho mình cái vinh hạnh được tiếp kiến lần nữa.
René đã không nhầm: năm phút sau, viên thuyền trưởng đã cho gọi anh. René kính cẩn lắng nghe vị chỉ huy nói:
- Thế này, sẽ là ngày mai hoặc ngày kia. Đô đốc đã trả lời: "Nếu gió thuận, tôi sẽ nhổ neo ngay ngày mai". Lúc nãy cũng có tin báo Nelson vừa cho sáu tàu rời đi Gibraltar; vậy là đô đốc Villeneuve cho gọi đô đốc Gravina lên tàu và sau khi bàn bạc, ông lại cho triệu tập các thuyền trưởng không nằm trong hội đồng để ra lệnh chuẩn bị căng buồm. Đó là tín hiệu tôi vừa biết.
- Vậy tôi có thích hợp cho công việc gì chăng? - René hỏi.
- Hãy nghe đây - Lucas nói - Anh chưa biết gì về tàu cũng như mọi người của tôi. Hãy bắt đầu bằng việc làm quen với họ và chờ đợi. Được biết anh bắn giỏi, hãy chọn một chỗ cao để có thể nhìn rõ boong tàu địch. Hãy hạ càng nhiều quân có cầu vai màu vàng càng tốt. Còn khi đã áp sát hãy chỉ hành động theo cảm húng của anh. Tôi giữ cái rìu của anh, nó làm tôi thích lắm. Tôi đã bảo người mang thanh kiếm của tôi sang phòng anh rồi. Nó quá to so với tôi! - Lucas nói thêm và cười rung cả thân hình bé nhỏ của ông ta - Đúng ra nó phải là của anh.
Hai người chào nhau và René lui về phòng.
Anh thấy trong phòng có một thanh kiếm thép Đa-mát kiểu Tunis bản rộng và hơi cong. Đó là một thứ binh khí lưỡi rất bén chỉ cần huơ tay cũng cắt đứt tấm khăn Ấn Độ bay trong gió làm 2 phần.
Tuy nhiên lúc xuất phát, người ta phát hiện ra một điều, đó là từ hai tháng rưỡi lưu lại cảng Cadix và những vùng lân cận, hàng ngũ lính sĩ đã vơi đi khá nhiều, nhất là thủy thủ đoàn Tây Ban Nha vắng đến một phần mười.
Người ta dành cả ngày để thu lượm nhiều người đảo ngũ nhất có thể trên các phố ở Cadix nhưng phần đông đã chạy về nông thôn này thế, bảy giờ sáng ngày 19, liên quân vẫn bắt đầu xuất phát.
Nelson cũng biết chuyện này. Thế là hắn tập trung phần lớn hạm đội Anh chặn phía Tây Bắc cách Cadix chừng 16 dặm. Biết rằng nếu ra eo biển trước, Villeneuve có thể sẽ thoát được nên ông ta cho tiến về đoạn hẹp để chặn đường.
Tuy nhiên việc phối hợp ra khỏi cảng Cadix không dễ. Sáu năm trước đô đốc Villeneuve, đô đốc Bruix đã mất ba ngày mới ra khỏi đây. Biển động và luồng ngược nhanh chóng cản trở đường đi của đội quân. Suốt ngày 19, chỉ có tám đến mười tàu chiến ra khỏi lối vào.
Hôm sau, ngày 20, một làn gió đông nam nhẹ giúp chiến hạm ra khỏi cảng dễ dàng hơn. Hôm trước thời tiết đẹp nhưng đêm đó lại đầy mây và dự báo có gió tây nam. Nhưng vài giờ sau có gió thuận đưa chiến hạm liên quân về phía mũi Trafalgar và cơn bão thổi từ đông đến tây nam chỉ càng thuận lợi cho kế hoạch của đô đốc Villeneuve.
Mười giờ sáng, những chiến tàu Pháp và Tây Ban Nha cuối cùng đã ra khỏi cảng Cadix. Hạm đội Anh đã cách mũi Spartel vài dặm và trực gác ở eo biển.
- Thế là đô đốc Villeneuve, quyết định không lùi nữa, viết thư cho đô đốc Decrès bức điện nhanh cuối cùng sau:
"Tất cả chiến hạm đã giong buồm… Gió nam - Tây nam, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là gió buổi sáng. Người ta thông báo cho tôi có mười tám buồm. Như vậy rất có thể dân Cadix sẽ là người báo tin tiếp cho ngài… Thưa đức ông, trong chuyến đi này tôi chỉ có ước muốn mãnh liệt là làm theo ý của Hoàng đế và cố gắng hết sức phá đi sự bất bình mà Bệ hạ thấy qua chiến dịch vừa rồi. Nếu nó thành công - tôi thấy khó tin mọi việc sẽ tiến triển như vậy thì tất cả đều vì điều tốt đẹp nhất cho Đấng chí tôn của chúng ta".
Nguồn: http://vnthuquan.org/