4/4/13

Hiệp sĩ Sainte Hermine (C91-93)

Chương 91: Con chim nhỏ

Hai tháng trước lúc chúng ta đang nhắc đến, Nelson những tưởng đã dứt bỏ hoàn toàn và mãi mãi con đường binh nghiệp. Ông ta lui về ở trong khu làng Merton tuyệt đẹp cùng phu nhân Hamilton. Quý ông Hamilton cha đã qua đời và chỉ còn trở ngại duy nhất ngăn đôi kẻ yêu đương thách vợ chồng: đó là sự tồn tại của bà Nisbeu người mà Nelson đã kết hôn vài năm trước.

Nelson định không đi biển nữa. Mệt mỏi trước các chiến thắng, chán chường vinh quang, danh dự nặng nề, cơ thể què cụt, ông ta khát khao sống trong hạnh phúc và bình yên. Trong cơn hy vọng ấy, ông ta cho chuyển toàn bộ đồ đạc quý giá từ London về Melton.

Cô nàng Emma Lyonna xinh đẹp đang chắc mẩm mười mươi về tương lai ổn định thì một cú sét đã giáng xuống đánh thức ả giữa những cơn mơ màng êm dịu.

Ngày 2 tháng Chín, tức là chỉ 12 ngày sau khi Nelson trở về, năm giờ sáng người ta gõ cửa ngôi nhà ở Merton. Dự đoán có thông điệp từ Bộ tư lệnh hải quan, Nelson nhảy xuống giường đi gặp vị khách sớm mai.

Đó là thuyền trưởng Blackwood. Quả nhiên anh ta đến từ Bộ tư lệnh hải quân mang tin các chiến hạm liên quân Pháp-Tây Ban Nha, sau nhiều lần bị Nelson đuổi đang đậu trong cảng Cadix.

Vừa nhận ra Blackwood, Nelson kêu lên:

- Blackwood này, tôi cá là anh mang tin về chiến hạm liên quân và tôi phải chịu trách nhiệm huỷ diệt chúng.

Đó đúng là điều Blackwood đến thông báo. Người ta đang chờ Nelson sự huỷ diệt đó.

Vậy là mọi dự định êm đềm của Nelson đều tan thành mây khói, ông ta chỉ còn thấy cái góc đất liền hay đúng hơn là góc biển nơi chiến hạm liên quân đang neo đậu. Ông ta nhắc đi nhắc lại với Blackwood bằng vẻ chắc chắn từ nhiều chiến công trong quá khứ rằng:

- Blackwood, hãy tin chắc là tôi sẽ dạy cho Villeneuve một bài học mà hắn phải nhớ mãi.

Ban đầu, ông ta định đi London và chuẩn bị mọi việc cho chiến dịch mà không nói gì về nhiệm vụ mới. Chỉ đến giờ phút cuối ông ta mới thú thật toàn bộ. Nhưng vì Emma thức dậy cùng ông ta nên ả nhận ra vẻ tư lự của ông sau khi gặp Blackwood. Cô nàng đưa chồng ra góc vườn nơi ông ta thích hơn những chỗ khác và gọi là bàn tiêu khiển của mình.

- Ngài có chuyện gì vậy, bạn của em? - Cô ta hỏi - Có gì khiến ngài bận tâm mà không muốn nói cho em biết?

Nelson gượng cười đáp:

- Tôi là người hạnh phúc nhất trần gian. Ở giữa tình yêu dạt dào của em tôi còn mong gì hơn là ở nhà? Thật ra, tôi sẽ không bỏ tiền mua trăng đâu.

Emma ngắt lời:

- Em hiểu ngài, Nelson, và ngài không cần dối em làm gì. Ngài biết chiến hạm địch ở đâu, ngài coi chúng như con mồi và ngài sẽ là người đau khổ nhất nếu có ai khác ngài đi huỷ diệt chúng.

Nelson nhìn Emma dò xét.

- Được rồi người bạn đời của em, hãy đi đập tan các chiến hạm ấy, hãy kết thúc công việc mà ngài bắt đầu rất hoàn hảo. Lần huỷ diệt này sẽ là phần thưởng cho hai năm nhọc lòng mà ngài vừa phải chịu đựng.

Nelson vẫn nhìn tình nương của mình, dù im lặng, khuôn mặt của ông ta vẫn toát lên vẻ biết ơn khó tả.

Emma nói tiếp:

- Dù vắng ngài lòng em đau khôn xiết nhưng hãy cống hiến cho tổ quốc như ngài vẫn làm và hãy đi ngay đến Cadix. Những cống hiến ấy sẽ được ghi ơn và lòng ngài cũng thanh thản. Ngài sẽ ca khúc khải hoàn cuối cùng và vinh quang rồi sẽ trở lại hạnh phúc khi thấy ở nơi đây sự nghỉ ngơi và phẩm tước.

Nelson nhìn ả vài phút giây vẫn trong im lặng rồi nước mắt ứa ra ông ta thốt lên:

- Emma can đảm! Emma tốt bụng! Đúng vậy, em đã đọc thấu tim tôi, đúng, em đã vào từng suy nghĩ của tôi. Nếu không có Emma sẽ không còn Nelson nữa. Chính em là người đã làm nên tôi bây giờ, ngay hôm nay tôi sẽ đi London con tàu Victory tối hôm ấy vẫn đang ở Tamise đã được gọi về bằng điện tín và hôm sau người ta chuẩn bị xong xuôi cho chuyến ra khơi.

Tuy nhiên hai kẻ nói trên còn ở bên nhau mười ngày nữa, nhưng Nelson mất trọn năm ngày cuối ở Bộ tư lệnh hải quân. Đến ngày 11, họ đi dạo lần cuối cùng nhau và quay lại Merton yêu dấu, bên nhau suốt ngày 12 và ngủ tại đó.

Một tiếng trước khi trời sáng, Nelson thức dậy đi sang phòng con gái, cúi xuống giường, lặng lẽ cầu nguyện thành tâm và rơi nhiều nước mắt.

Nelson là một kẻ rất mê tín.

Bảy giờ sáng, ông ta từ biệt Emma. Ả đưa ông ta đến tận xe. Ông ôm ả vào lòng thật lâu, ả khóc sướt mướt nhưng vẫn gượng cười giữa những giọt nước mắt và nói:

- Đừng giao chiến khi chưa thấy con chim nhỏ nhé.

Để đánh giá chính xác một con người, không phải đánh giá anh ta từ đỉnh thế lực danh vọng mà phải đánh giá anh ta từ tận đáy của lòng yếu đuối.

Câu chuyện về con chim nhỏ của Nelson là thế này:

Lần đầu tiên Emma Lyonna thấy "Người hùng sông Nil", như cách người ta gọi Nelson thời bấy giờ, là khi ông ta từ trận Aboukir trở về. Cô ả thấy khó ở khi ôm hôn ông ta. Nelson đã đưa cô nàng đến ca bin của mình. Trong khi tỉnh táo đầu óc trở lại một con chim nhỏ bay qua cửa sổ đến đậu trên vai Horatio.

Khi mở mắt, Emma, người có lẽ không nhắm mắt hoàn toàn, đã hỏi ông.

- Con chim nhỏ này là thế nào?

Nelson bật cười và vừa cười vừa trả lời:

- Đây là thần may mắn của tôi thưa phu nhân. Khi người ta chặt cái cây để làm cột buồm cho chiến thuyền, người ta phát hiện trên cành có một tổ chim. Mỗi chiến thắng của tôi đều được con vật nhỏ nhắn dễ thương này đến báo, dù tôi ở biển nước Anh, Ấn Độ hay Mỹ quốc. Chắc chắn tôi còn nhiều chiến thắng đang đợi nên chú chim này lại đến thăm. Nhưng hôm tôi giao chiến mà không thấy nó hôm trước hoặc hôm giao chiến, tôi chắc sẽ bất hạnh xảy ra với mình.

Và quả thật lần ấy con chim đến báo chiến thắng tuyệt vời của ông ta, đó là chiến tích với Emma Lyonna.

Lần đánh Copenhagen, ông ta đã thức dậy với tiếng hót của con chim ấy dù hoàn toàn không biết làm sao nó vào trong phòng được.

- Đó là lý do tại sao Emma lại nói:

- Đừng giao chiến khi chưa thấy con chim nhỏ nhé.

Nelson đến Portsmouth vào sớm hôm sau. Ngày 15 tháng Chín ông ta lên đường ra khơi.

Nhưng thời tiết quá xấu đến nỗi con tàu Victory buộc phải ở lại hai ngày bên bờ biển Anh. Sự chậm trễ này cho phép Nelson gửi đến tình nương của mình, trước lúc đi xa, hai lá thư tràn đầy tình cảm cho con gái và cho Emma nhưng từ đây cũng bắt đầu có vài dự cảm chẳng lành.

Cuối cùng cũng đến lúc trời quang mây tạnh và Nelson có thể ra khỏi eo biển Manche. Sáu giờ chiều ngày 20 tháng Chín, đang cháy hết tốc lực ông ta gặp chiến hạm Cadix bao gồm hai mươi ba tàu chiến dự phòng dưới sự chỉ huy của phó đô đốc Collingwood.

Hôm ấy cũng là ngày ông ta 46 tuổi.

Ngày 1 tháng Mười, qua lá thư dưới đây, Nelson báo tin gặp phó đô đốc Collingwood cho Emma đồng thời cả một cơn đau đầu từ hồi bị con rắn độc cắn.

Lá thư như sau:

"Ngày 1 tháng Mười năm 1805

Emma vô cùng yêu dấu của tôi, thật là niềm an ủi lớn khi lại được cầm bút viết đôi dòng cho em. Vì sáng nay, khoảng bốn giờ tôi bị một cơn đau dữ dội. Tôi nghĩ một ngày nào đó, một trong những cơn đau ấy sẽ giết tôi mất. Tuy nhiên, mọi chuyện đã hoàn toàn lui vào quá khứ và chỉ còn thấy hơi khó ở. Hôm qua tôi đã viết liền bảy giờ, có lẽ mệt mỏi đã gây ra cơn đau này.

Tôi gặp lại hạm đội vào lúc khá muộn tối 20 tháng Chín và chỉ có thể hoà vào đó sáng ngày hôm sau. Tôi nghĩ sự xuất hiện của tôi vốn rất được mong đợi không chỉ từ phía chỉ huy hạm đội mà còn từ tất cả các thành viên khác. Khi tôi đưa ra cho các sĩ quan kế hoạch tác chiến của mình, nó như một phát hiện với họ khiến họ nhảy lên vô cùng hào hứng. Thậm chí vài người còn rớm nước mắt. Kế hoạch ấy vừa mới, đặc biệt lại đơn giản và nếu áp dụng được vào cuộc chiến chống lại hạm đội Pháp, chiến thắng là điều chắc chắn: "Ngài có những người bạn vô cùng tin tưởng vào ngài bên cạnh!". Tất cả các sĩ quan ấy đều hô vang có thể trong số họ vẫn có Judas nhưng phần lớn chắc chằn đều vui mừng khi tôi chỉ huy họ.

Tôi mới nhận được những bức thư của hoàng hậu và vua Naples khi đáp lại những lá thư của tôi từ 18 tháng Sáu và 12 tháng Bảy vừa rồi. Không có lời nào dành cho nàng. Kỳ thực ông vua và bà hoàng này làm Thần Bạc Bẽo cũng phải đỏ mặt. Tôi gửi kèm theo bản chép cùng với lá thư của tôi và chúng sẽ đến nước Anh ngay cơ hội đầu tiên, để nói rằng tôi yêu em biết bao.

Vẫn chưa có con chim nhỏ nhưng không thể để lỡ thời gian.

Thể xác tôi đang ở đây, nhưng con tim tôi thì đang trọn vẹn bên em

H. N."

Đúng một tháng sau ngày Nelson nhập vào chiến hạm của Collingwood, đô đốc Villeneuve cũng nhận được, như chúng ta đã nói đến ở trên, lệnh của chính phủ Pháp ra khơi, vượt eo biển và tấn công lên bờ biển Naples và sau khi đã quét sạch các chiến hạm Anh khỏi Địa Trung Hải thì quay về cảng Toulon.

Hạm đội liên quân, bao gồm 33 tàu chiến hạng nặng, 18 tàu Pháp. 15 tàu Tây Ban Nha, bắt đầu xuất hiện ngày chủ nhật 20 tháng Mười vào lúc 7 giờ sáng dưới một cơn gió nhẹ.

Ngay sáng hôm ấy, trận đấu có vẻ sắp xảy ra, Nelson đã viết hai lá thư, một cho tình nương và một cho con gái Horalia.

"Emma yêu dấu, người yêu thương nhất của tôi, tôi nghĩ chiến hạm của kẻ thù đã rời cảng. Chúng tôi có rất ít gió đến độ tôi không hy vọng chạm trán chúng trước ngày mai. Cầu Thần Chiến tranh ban thưởng cho những nỗ lực của chúng ta bây giờ một chiến thắng vang dội. Dù thế nào, chiến thắng hay hy sinh tôi chắc rằng tên tôi sẽ càng thân thương với em và với Horalia vì tôi yêu hai người hơn cả mạng sống của chính mình.

Hãy cầu nguyện cho người bạn của em.

NELSON"

Ngày hôm sau, ông ta viết thêm tái bút vào lá thư gửi Emma:

"Sáng 20 tháng Mười Anh đã đến cửa eo biển. Có người báo đã thấy 40 cánh buồm từ xa. Anh nghĩ đó là 33 tàu chiến hạng nặng và bảy tàu ba cột buồm nhưng vì gió lạnh và biển động mạnh, anh nghĩ chúng sẽ trở lại cảng trước đêm nay".

Cuối cùng, khi nhận ra chiến hạm liên quân, Nelson viết vào nhật ký đặc biệt của mình.

"Cầu đức Chúa vĩ đại, trước người con quỳ lạy bằng tất cả lòng yêu kính, phù hộ cho nước Anh, vì lợi ích của cả châu Âu, một chiến thắng vĩ đại và vinh quang và cầu xin người, cho chiến thắng ấy không có sai lầm nào từ phía những người tham chiến và chiến thắng. Về phần cá nhân con, con xin trao mạng sống của mình vào tay người đã tặng nó cho con. Cầu Đấng tối cao ban phước cho những nỗ lực mà con sắp làm để tận trung với tổ quốc.

Con tin tưởng và trao cho chỉ mình người lý tưởng thần thánh mà hôm nay người đã hạ cố chỉ định con là người bảo vệ. Amen! Amen! Amen!".

Sau lời cầu nguyện có hoà lẫn chút thần bí và nhiệt thành ấy, thứ mà đôi khi vẫn toát ra ngoài lớp vỏ khô khan của người đàn ông đi biển, ông ta viết di chúc:

Ngày 21 tháng Mười năm 1805

Trước chiến hạm liên quân Pháp-Tây Ban Nha, cách chúng tôi khoảng 10 dặm.

"Xét thấy những phục vụ hết mức của Emma Lyonna, goá phụ của Ngài William Hamilton, đến Đức vua và quốc gia đã không nhận được khoản đãi nào từ nhà vua cũng như quốc gia.

Tôi xin đặc biệt lưu ý những điều sau:

1) Năm 1799, phu nhân Hamilton đã được biết một thông điệp của vua Tây Ban Nha gửi đến em trai mình là vua Naples, trong thư ông ta thông báo ý định tuyên chiến với nước Anh và rằng, được báo trước nội dung bức thư, ngài bộ trưởng ra lệnh cho Sir John Jervis, nếu điều kiện cho phép, tiến công chiến hạm Tây Ban Nha và nếu những chuyện này đã không được thực hiện thì lỗi không phải từ phu nhân Hamilton.

2) Chiến hạm Anh, dưới sự chỉ huy của tôi, chỉ có thể quay lại từ Ai Cập lần thứ hai nhờ tác động của phu nhân Hamilton đối với hoàng hậu Naples, nhờ vậy tôi đã nhận được tất cả những gì mình cần và đã phá huỷ chiến phạm Pháp.

Do đó, tôi xin giao lại cho nhà vua và tổ quốc tôi trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho phu nhân Hamilton.

Tôi cũng tin tưởng trao lại cô con gái nuôi của mình là Horalia Nelson Thomson cho nhà nước và tôi mong từ nay cô bé sang tên Nelson.

Đó là những cái duy nhất tôi mong đức vua và nước Anh để tâm khi tôi sắp mạo hiểm mạng sống của mình vì họ. Cầu Chúa phù hộ cho nhà vua và đất nước của tôi cũng như tất cả những người thân thiết.

Nelson"

Tất cả dự phòng nhằm bảo đảm tương lai cho người tình của mình là chẳng bằng chứng cho thấy Nelson đang bước theo lối linh cảm chết chóc dẫn dắt. Để đảm bảo tính xác thực hơn nữa cho các chứng thư nói trên trong nhật ký của mình, ông gọi hai thuyền trưởng Hardy và Blackwood đến làm chứng. Ông cho họ ký vào bản di chúc ấy. Tên họ quả nhiên đã nằm cạnh chữ ký của Nelson trong cuốn nhật ký hạm đội.

Chương 92: Trận đánh Trafalgar

Vào thời điểm ấy, tức là ngày 21 tháng Mười năm 1805, ở Pháp chỉ có một cách đánh nổi tiếng trên biển: xông vào kẻ thù, nếu có thể thì nhờ thế gió thượng phong, theo một hàng ngang duy nhất, tấn công tàu trước mặt, hạ nó hoặc bị nó hạ và nhường cho con tạo sắp đặt lực lượng mạnh yếu mỗi bên.

Ngoài ra, còn có các nguyên tắc khác, chủ yếu là mệnh lệnh giúp cho cuộc giao chiến bớt nguy hiểm cho địch hơn là cho ta các chỉ thị chính thức được hải quân đưa ra là không được quên rằng mục tiêu đầu tiên và chủ yếu của một cuộc thủy chiến là bắn bỏ buồm chão và hạ cột buồm đối phương.

- Chúng ta thường thấy rằng - Tướng Sir Edward Douglas của Anh nói - trong các lần đụng độ với người Pháp, tàu của chúng ta luôn gặp vấn đề về buồm chão hơn là vấn đề về vỏ tàu.

Điều mấu chốt là hoả lực Anh mạnh hơn Pháp. Đại bác của họ bắn đạn một phút một quả trong khi Pháp chỉ bắn được ba phút một quả.

Chính do sự chênh lệch về hoả tiễn như vậy mà người Anh khiến các boong tàu của Pháp phơi đầy xác thủy thủ trong khi đạn đại bác của Pháp chỉ chạy theo các cột buồm và dây buộc, bắn năm sáu quả cao vống lên chẳng có tác dụng gì. Ngược lại, một tàu Anh cỡ 74 lại phóng vào mạn tàu ta ba nghìn livre sắt với vận tốc 500 mét/ giây.

Khi ba nghìn livre sắt va phải mạn tàu, tức là va phải chướng ngại bị xuyên thủng được khiến nó tan thành những mảnh vỏ nguy hiểm chết người hơn là chính quả đạn. Thay vì lãng phí sức mạnh bất khả kháng, như Pháp vẫn làm, họ bắn vào các mạn tàu rồi hướng cao nòng giết nốt những gì còn lại trước mặt.

"Chính nhờ những loạt đạn ấy mà nước Anh trở thành đế chế tuyệt đối trên biển - Nelson đã viết cho Bộ tư lệnh hải quân Anh - và năm năm trước, nó đã tạo cho ta chiến thắng Aboukir".

Về cách đánh dàn hàng ngang, Nelson đã từ bỏ từ lâu và thay vào đó một cách mà chúng ta còn chưa quen. Ông ta cho dàn hàng thành hai cánh chữ V ngược, tức là sẽ rẽ quân Pháp ra làm hai. Tàu của ông ta sẽ đi đầu, nó rẽ tất cả những gì nó đụng phía trước khai hoả từ hai bên mạn, vượt qua hàng rào địch rồi quay lại với đội hình ngược lại tiếp tục như thế.

Trong cuộc họp hội đồng hai ngày trước, đô đốc Villeneuve đã nói:

"Tất cả cố gắng của các tàu chiến của chúng ta là trợ cứu các tàu bị tấn công và áp vào tàu đô đốc tiên phong. Người can đảm và yêu vinh quang là một chỉ huy phải biết tham khảo tín hiệu của đô đốc, người cũng tham gia cuộc chiến và chìm trong vòng khói lửa cùng các bạn, như thế công việc sẽ dễ dàng hơn. Mọi chỉ huy không xông vào lửa đạn tức là không ở đúng vị trí của mình và một tín hiệu phải gọi anh ta vào vị trí của mình sẽ là một vết nhơ hổ thẹn với anh ta".

Nelson đã nói:

"Sau khi chia hạm đội của tôi thành hai cánh quân, tôi cũng chia ra làm hai loại trận chiến khác nhau: một loại tấn công, tôi dành cho Collingwood, và một loại phòng thủ do chính tôi chỉ huy. Villeneuve có thể sẽ trải ra một không gian rộng 5 đến 6 dặm. Tôi sẽ lao vào ông ta, chia ra làm hai phần. Do đó, tôi sẽ để Collingwood được lợi thế số quân và là người duy nhất chống lực lượng mạnh hơn.

Chiến hạm Anh bao gồm 40 tàu chiến, chiến hạm liên quân Pháp-Tây Ban Nha có 46. Collingwood, cùng với 16 tàu chiến sẽ tấn công mười hai tàu địch, còn tôi với 24 tàu còn lại tôi sẽ giữ chân 34 tàu khác và không chỉ giữ chân, tôi sẽ lao vào trung tâm có các tàu chiến bao quanh tổng tư lệnh, bằng cách này tôi sẽ cô lập đô đốc Villeneuve khỏi đội quân của ông ta và ngăn ông ta truyền lệnh cho đội tiên phong.

Ngay khi tôi ra hiệu cho chỉ huy cánh quân thứ hai, toàn bộ hướng đi và quyền chỉ huy tuyệt đối của cánh quân này thuộc về Collingwood. Chính ông ta là người điều khiển việc tấn công của mình như ông ta muốn và lựa theo lợi thế của mình cho đến khi bắt được hay phá huỷ các tàu xung quanh. Tôi chịu trách nhiệm để các tàu địch khác không can thiệp vào đó. Còn về các thuyền trưởng trong chiến hạm, nếu trong trận chiến họ không nhận ra hay không hiểu hoàn toàn tín hiệu do đô đốc của mình đưa ra, họ cứ yên tâm rằng họ chỉ có nước trả giá ngay khi chạm trán với tàu địch".

Với lối trình bày đơn giản về những nguyên tác xúc tích nhất trong chiến thuật hải quân, phòng họp hội đồng trên tàu Victory nơi triệu tập các sĩ quan cấp trưởng, các thuyền trưởng trong chiến hạm vang dậy tiếng hô la nhiệt thành rất lâu.

"Có thể nói - Nelson viết cho Bộ tư lệnh hải quân - đây là một cú sốc điện. Vài sĩ quan còn cảm động đến rơi nước mắt. Tất cả mọi người đều nhất trí với kế hoạch tấn công ấy. Họ thấy mới lạ bất ngờ, dễ hiểu và dễ triển khai. Từ các đô đốc đầu tiên đến các thuyền trưởng cuối cùng đều kêu lên "Kẻ địch sẽ thua nếu chúng ta có thể bắt kịp chúng".

Hoàn toàn ngược lại với Nelson, kẻ đang cầm chắc phần thắng mười mươi, Villeneuve đang chạy theo cuộc chiến nhưng lại chạy trong trạng thái mất niềm tin. Trong chiến hạm của người anh dũng, vô cùng tận tụy này cũng có bao người có học thức và vui vẻ song ông ta lại cảm thấy một mầm mống huỷ diệt mà không thể cắt nghĩa nó là gì. Ký ức về trận Aboukir còn nằm ở tận cùng mối sợ hãi của ông ta, việc thiếu kinh nghiệm trên biển của các sĩ quan, thiếu kinh nghiệm trận mạc của các thuyền trưởng chỉ huy, sự thiếu lòng tin của các binh sĩ, thiếu sự gắn kết tổng thể là nguyên do buộc ông phải liên tục liên lạc với họ.

Gió đưa chiến hạm của Villeneuve và Gravina ra khỏi cảng đột ngột yếu đi. Dù chạy chậm lại do vài tàu chiến Tây Ban Nha thiếu kinh nghiệm khi gặp gió, chiến hạm liên quân vẫn chầm chậm rời bờ biển.

Nelson được tàu ba cột buồm của mình báo quân ta đã xuất phát, ông ta căng hết buồm để chặn đánh. Nhưng chẳng mấy chốc gió dịu lại và đêm xuống trước khi hai chiến hạm có thể nhận ra nhau.

Ngày hôm sau, khoảng bảy giờ sáng, đô đốc quân Pháp ra hiệu dàn hàng ngang nghênh chiến. Nhận ra động thái đó, Nelson hiểu rằng cuộc chiến mong đợi bấy lâu sẽ diễn ra ngay hôm đó.

Chiến hạm liên quân tiến lên theo mệnh lệnh và siết chặt vòng vây rất quyết liệt và nhanh chóng khiến khoảng cách đôi bên giảm dần sau mỗi đợt sóng.

Một cơn gió Tây - Tây nam yếu khẽ làm cho các cánh buồm trên chiến thuyền phồng lên qua mỗi xà buồm rồi lại chuyển xuống những đợt sóng dài, triệu chứng một cơn bão không hề bị suy yếu.

Chiến hạm Anh tiến lên với vận tốc một dặm một giờ và theo kế hoạch của Nelson nó đã chia ra làm hai cánh.

Tàu Victory có Nelson ở trên, dẫn đầu chiến hạm. San nó có hai tàu loại 98 là tàu Téméraire và Neptune bọc đồng dùng để khoét lỗ thủng đầu tiên trong hàng ngũ tàu địch. Tàu Conquéraut và Léviathan cỡ bảy mươi tư đi sau Neptune và đi trước Britannia, tàu có một trăm khẩu đại bác mang cỡ hiệu của chuẩn đô đốc như Northerk.

Cách tốp đầu một đoạn khá xa là tàu Agamemnon, một trong những tàu chiến đầu tiên Nelson từng chỉ huy trước đây, nó dẫn theo tàu Britannia và bốn tàu bảy mươi tư đại bác khác là Ajax, Orion Monitor và Spartiate.

Các chiến thuyền đã vào tầm đại bác. Villeneuve theo chiến thuật quen thuộc trên biển là chờ tàu thật sự vào gần mới bắn, nhưng lần này ông ta đã không may. Hai cánh quân Anh đang tập hợp lượng tàu lớn nên nếu có bắn từ xa thế nào cũng trúng vì tàu địch không có khoảng trống là bao nhiêu.

Đến giữa trưa, cánh quân phía nam do đô đốc Collingwood chỉ huy xuất phát, trước mười lăm phút so với cánh quân phía bắc do Nelson chỉ huy, đã tiến đến giữa hàng quân của ta đường đầu với tàu Santa Anna. Tàu Belle-Isle và Mars theo sau nó, tàu Tonnant và Bellérophon đứng hai bên Mars. Tàu Colossus, Achille và Polyphème gần Bellérophon, chếch sang bên phải là Revenge dẫn theo nó có Swiftsure, Thunder và Réfence. Hai tàu Dreadnought và Prince, cả hai đều có buồm không tốt và thuộc phạm vi của cánh quân Collingwood.

Chiến hạm Anh có 2.148 đại bác, chiến hạm Pháp có 1.356, chiến hạm Tây Ban Nha có 1.270 khẩu.

Cờ hiệu đô đốc Villeneuve ở trên tàu Bucenlaure còn cờ hiệu đô đốc Gravina phấp phới trên tàu Prince des Astuties, một tàu chiến có 112 đại bác. Chuẩn đô đốc Dumanoir ở trên tàu Formidable, (chuẩn đô đốc Magon trên tàu Algésiras: hai chiếc ba boong tuyệt vời của Tây Ban Nha. Tàu Santissima Trinidad, 130 đại bác, và Santa Anna, 112 đại bác, mang cờ lần lượt của chuẩn đô đốc Cisneros và chuẩn đô đốc Alava.

Mười tàu khác do gió lặng và sóng nhẹ vẫn chưa vào vị trí chiến đấu, tạo thành hàng thứ hai sau chiến tuyến thứ nhất. Đó là các tàu Neptune, Seipion, Intrépide, Ray, Fomlidable, Duguay-Trouin, Mont-Blanc, San Francesco di Assisi.

Ba tàu chiến hàng đầu của hạm đội tập trung quanh tàu Bucenlaure. Trước đô đốc là tàu Santissima Trinidad, tàu Redoutable ở đường chạy riêng và cuối cùng Neptune ở giữa Bucenlaure và Redoutable.

Thuyền trưởng Lucas trong lúc nhận ra điểm hai cánh quân Anh phải tụ lại, một do tàu Victory dẫn đầu và cánh quân kia do tàu Royal Souverain đã điều khiển tiến lên khi có ngăn cách giữa Bucentallre và Santa Anna. Ông cho gọi một số sĩ quan trẻ còn xa lạ với mọi người đến bên cạnh mình trên boong thượng. Người đó không ai khác chính là René.

René mang theo thanh kiếm và một khẩu cạc bin.

Người ta có thể thấy Nelson đứng trên boong thượng của ông ta cùng Blackwood, thuyền trưởng tàu Euryale, người cùng với Hardy là thuyền trưởng cờ hiệu luôn chiếm được lòng tin và tình cảm của Nelson. Khi ấy ông ta gọi một trong những sĩ quan tuỳ viên bộ tham mưu của mình lại bảo:

- Ngài Pasco, hãy truyền khẩu hiệu sau đến toàn quân:

"England expects every man will do his duty!" (Nước Anh trông mong mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình).

Hôm ấy, Nelson mặc một bộ quần áo màu thiên thanh. Ông ta đeo trên ngực đủ loại huân chương. Thuyền trưởng Hardy lại gần ông ta nói:

- Thưa chỉ huy, vì Chúa, ngài hãy thay đồ đi, những trang sức loè loẹt trên ngực của ngài sẽ là điểm ngắm cho mọi tay súng.

- Muộn quá rồi - Nelson nói - mọi người đã thấy tôi trong trang phục này, tôi không thể mặc khác được.

Thế là người ta xin ông ta nghĩ đến vị trí tổng chỉ huy chứ đừng xông ra như một tàu tiên phong trước vòng vây sát sao của chiến hạm liên quân.

- Hãy để mặc. - Hardy nói - Hãy để mặc tàu Léviathan đang theo sau ngài vượt qua và để quân Pháp khai hoả.

- Tôi muốn - Nelson nói và cười - tàu Léviathan vượt qua trước tôi lắm, nếu nó có thể - Rồi ông quay lại phía Hardy: Trong khi chờ đợi hãy tăng tốc lên.

Bấy giờ các thuyền trưởng mới rời boong tàu Victory để ai nấy quay về tàu của mình. Khi chia tay từ đầu cầu thang trên mạn tàu Nelson thân ái bắt tay thuyền trưởng Blackwood, người này nồng nhiệt chúc ông chiến thắng.

- Bao nhiêu tàu chiến địch đầu hàng hay chìm mới đủ cho một cuộc đại thắng? - Ông ta cười hỏi Blackwood.

- Thì mười hai hoặc mười lăm,- Blackwood đáp.

- Thế vẫn chưa đủ. - Nelson nói - Tôi sẽ không hài lòng dưới hai mươi tàu, rồi trán ông sầm lại - Tạm biệt Blackwood. Cầu chúc ban phước cho anh, tôi sẽ không gặp lại anh nữa.

Tuy nhiên, Nelson không dành cho mình cái vinh dự là người khai hoả đầu tiên. Dẫn đầu cánh quân, đô đốc Collingwood đã sáp mạn theo hướng chếch với đường đi của cánh quân do Nelson chỉ huy. Chính Collingwood là người xé toạc chiến thuyền quân Tây Ban Nha và Pháp. Con tàu Royal Souverain có Collingwood bên trong đã lao vào con tàu ba boong Tây Ban Nha Sanh Anna quay mạn trái vào nhau rồi trùm lên nó bằng trận mưa đạn và khói.

- Collingwood thật can đảm! - Nelson kêu lên và chỉ vào lỗ hổng giữa quân địch vừa được tạo ra - Hãy nhìn kìa Hardy, hãy xem ông ấy như đang lao tàu của mình vào lửa mà không cần nhìn đằng trước; đằng sau và bên cạnh. Đường thông rồi, hãy lấy hết gió nào.

Trong lúc Nelson kêu lên như vậy trên đuôi khoang thượng thì Collingwood cũng kêu lên với thuyền trưởng cờ liệu giữa lòng sấm sét ấy.

- Ha ha! Nelson cũng sẽ sung sướng nếu ông ấy ở đây!

Nelson sẽ đến đó không chậm trễ. Bắt đầu những đạn pháo từ bảy tàu chiến của hạm đội liên quân bay ràn rạt qua đầu xé toạc các cánh buồm và cày lên bong tàu của ông ta.

Người đầu tiên rơi từ tàu Victory là một thanh niên tên là Scott thư ký của Nelson. Trong lúc đang nói chuyện với đô đốc và Hardy, anh ta bị một quả đạn cắt làm đôi.

Vì Nelson rất yêu mến chàng trai trẻ này nên Hardy nhanh chóng cho mang cái xác đi để đô đốc khỏi đau lòng khi nhìn thấy.

Vừa khi ấy hai quả đạn khác khiến tám người nữa bị cắt giữa thân mình đổ vật xuống boong.

- Ồ! Nelson nói - Đây là một hoả lực mạnh nên sẽ kéo dài đấy.

Đúng lúc đó, sức gió từ một quả đạn bay ngay trước mặt Nelson khiến ông ta tức thở và suýt bị ngạt. Nelson vịn tay vào một sĩ quan lảo đảo và thấy tức ngực, khi tỉnh lại ông ta nói:

- Không sao, không sao.

Những phát đạn đại bác ấy đến từ tàu Redoutable.

Như chúng ta đã biết vào thời điểm ấy người Pháp có thói quen bắn vào cột buồm và dây néo nhưng với tàu của Lucas lại không thế.

- Hỡi anh em - ông nói với những pháo thủ trước khi họ bắt đầu khai hoả - Hãy bắn thấp xuống! Bọn Anh không thích bị giết đâu.

Và thế là họ bắn thấp.

Tàu Victory vẫn chưa bắn trả.

- Chúng ta có ba tàu trước mặt, ta sẽ tấn công cái nào trước? - Hardy hỏi Nelson.

- Cái gần nhất- Nelson trả lời - Mà tuỳ ông chọn.

Đó chính là tàu Redoutable cho đến lúc ấy khiến Victory tổn hại nhiều nhất. Hardy ra lệnh cho các thủy thủ đài chỉ huy tiến về phía tàu Redoutable và sáp lại.

- Tôi nghĩ - René bảo Lucas - đã đến lúc tôi về vị trí của mình trên cánh buồm rồi.

Và anh lao lên xà cột buồm lái.

Trong khi René đang trèo lên, hai chiến thuyền cho hai mạn húc vào nhau. Cú đâm mạnh tạo thành cơn chấn động dữ dội đến mức người ta tưởng một trong hai tàu đã đâm thủng tàu kia. Lẽ ra đã như vậy nếu sức gió không giảm trên khối cánh buồm làm tàu Redoutable lui lại, trong động tác lùi ấy đã kéo theo tàu Victory với nó.

Những tàu chiến đi theo Nelson vượt qua lỗ hổng trong chiến tuyến tàu liên quân rồi chia ra hai bên tả hữu lao vào đoạn bị chặn của liên quân.

Đến mười hai giờ trưa thì cuộc chiến thật sự bắt đầu. Quân Anh giương lá cờ thánh Geoges lên, bên dưới có chiếc thuyền Yacht đuôi trắng. Quân Tây Ban Nha cũng giương cờ Castille, treo bên dưới một cây thập tự bằng gỗ dài đồng thời bảy lần tung hô "Hoàng đế vạn tuế". Còn người Pháp, trên các mũi tàu đều giương lá cờ ba màu.

Xong xuôi, sáu bảy tàu chiến quanh đô đốc Villeneuve đồng loạt khạc đạn vào tàu Victory. Tàu Redoutable chắn ngay lối đi của nó, có hai trăm cái miệng lửa nhằm vào nó mà không thể chặn nó được. Nó tiến đến phía sau tàu Bucenlaure chỉ cách một tầm súng lục. Một khẩu đại bác cỡ 68 đặt dưới boong mũi trước của nó nhả đạn tròn qua cửa sổ đuôi tàu Pháp kèm theo năm trăm phát súng trường.

Tàu Victory chầm chậm đi qua chiến tuyến mà đám cháy lớn trên tàu Redoutable vừa tắt. Bị níu sát vào nhau, hai con tàu ấy tiếp tục chuyển hướng khỏi chiến tuyến. Từ trên xà buồm và giàn súng của Le Redoutable, người ta đáp lại hoả lực của Victory và trong trận đấu bằng loạt súng hơn là loạt pháo, các thủy thủ của Pháp là người chiếm ưu thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên cầu tàu và khoang thượng tàu Victory, các xác chết nằm la liệt.

Hơn một trăm mười tên của tàu này trước khi kịp ra tay đã chỉ còn hai mươi tên có thể chiến đấu tiếp. Gian boong đầy ắp thương binh, những người chết bị đưa đi liên tục. Nhìn thấy những thân thể bị thương, những cái chân dập nát, những cánh tay lìa khỏi thân, các bác sĩ cũng phải nhìn nhau sững sờ. Cha xứ trên tàu Victory cũng phải kinh hãi mụ mị người và muốn chạy khỏi cái lò mổ khủng khiếp ấy, như cách ông ta gọi nó mười năm sau.

Ông ta lao lên boong. Giữa đám lộn xộn, qua làn khói, ông ta nhận ra Nelson và thuyền trưởng Hardy đang đứng ở khoang sau.

Đột nhiên Nelson đổ vật xuống boong như bị sét đánh.

Lúc đó là đúng một giờ mười lăm phút.

Một viên đạn từ xa cột buồm lái trên tàu Redoutable đã bắn trúng ông ta theo hướng từ trên xuống, dọc theo vai trái nhưng không bị cầu vai cản lại tiếp tục xuyên vào cột sống.

Nelson đang đứng ở chỗ thư ký của mình bị trúng đạn, ngã xuống gục mặt vào vết máu của anh ta. Ông ta định quỳ một gối đứng dậy với sự giúp đỡ của cánh tay duy nhất còn lại. Hardy đứng cách đó hai bước nghe tiếng ngã quay lại, vội vã chạy đến cùng hai thủy thủ và Secker giúp ông ta đứng lên:

- Mong là đức ông không bị thương nặng. - Hardy nói.

Nhưng Nelson trả lời:

- Hardy ạ, lần này chúng đã kết thúc với Nelson rồi.

- Ô! Tôi mong không phải thế? - Viên thuyền trưởng hét lên.

- Thật đấy! - Nelson nói - tôi thấy toàn thân rung động như bị dập cột sống.

Hardy lập tức ra lệnh mang đô đốc đến trạm cứu thương.

Trong lúc các thủy thủ khiêng đi, Nelson nhận ra các dây chão dùng để giữ bánh lái đã bị đạn bắn đứt. Ông ta chỉ cho Hardy và ra lệnh cho một chuẩn uý thay dây mới.

Sau đó, ông ta rút khăn mùi xoa trong túi đậy lên mặt và huân chương để các thủy thủ không nhận ra và không biết ông ta bị thương. Khi xuống đến gian boong, ông bác sĩ Beatty chạy lại sơ cứu.

- Ồ, Beatty thân mến của tôi. - Nelson nói - Dù anh có giỏi đến đâu cũng không thể làm gì cho tôi. Tôi bị vỡ cột sống rồi.

- Tôi hy vọng vết thương không nặng như đức ông nghĩ - Bác sĩ nói.

Khi ấy, vị mục sư trên tàu Victory lại gần Nelson. Nelson nhận ra ông liền kêu lên bằng giọng tắc nghẹn do đau nhưng còn âm vang:

- Thưa cha, hãy nhắc con đến phu nhân Hamilton, đến Horalia, đến tất cả các bạn của con. Hãy nói với họ là con đã viết di chúc và giao phu nhân Hamilton và con gái Horalia của mình cho đất nước… Hãy nhớ rõ điều con nói vào lúc này và đừng bao giờ quên!

Nelson được khiêng lên giường. Khó khăn lắm người ta mới cởi được quần áo của ông ta và quấn lên người tấm vải ga.

Trong lúc người ta làm nhưng công việc trên, ông ta bảo bác sĩ.

- Bác sĩ, tôi thua rồi! Bác sĩ, tôi chết mất!

Ông Beatty xem xét cẩn thận vết thương. Ông ta trấn an Nelson rằng mình có thể thông vết thương mà không gây đau đớn lắm. Quả thật khi thăm xong, bác sĩ nhận ra viên đạn đã xuyên vào ngực và dừng lại ở sống lưng.

- Tôi chắc chắn ráng - Nelson nói trong lúc người ta xem vết thương tôi bị xuyên từ bên này sang bên kia.

Ông bác sĩ xem lưng nhưng nó không bị làm sao.

- Ngài lầm rồi thưa đức ông. Những hãy cố nói xem ngài cảm thấy thế nào.

- Tôi cảm thấy như có những đợt máu trào lên mỗi lần tôi thở. Nửa thân dưới như đã chết… Tôi thấy khó thở và dù ông có nói ngược lại tôi vẫn chắc chắn sống lưng đã bị vỡ.

Những triệu chứng nói trên cho bác sĩ thấy mười mươi không còn hy vọng nào nữa. Chỉ có điều không ai trên tàu được biết Nelson bị thương nặng trừ bác sĩ, thuyền trưởng Hardy, vị mục sư và hai phụ mổ.

Nhưng, mặc mọi dự phòng của Nelson để mọi người không nhận ra thảm hoạ vừa xảy ra, thảm hoạ ấy vẫn được cả tàu Redoutable biết đến.

Khi Nelson ngã xuống boong, một giọng mạnh mẽ vang lên từ xà của cột buồm lái và toàn bộ thủy thủ đoàn đều nghe thấy:

- Thuyền trưởng Lucas ơi, tấn công bên mạn thôi! Nelson bị giết rồi.

Chương 93: Thảm cảnh.

Thuyền trưởng Lucas lao về phía dây néo và khi trèo cao hơn hai chục bộ, quả nhiên ông nhìn thấy boong tàu Victory vắng ngắt.

Ngay lúc đó ông cho gọi bộ phận tấn công áp mạn. Chưa đầy một phút sau, các khoang trên tàu Redoutable đã đầy những chiến sĩ trang bị vũ khí vội vã tràn lên khoang thượng đuôi tàu, bờ thành tàu và trên các dây neo.

Các tay pháo thủ trên tàu Victory bỏ pháo của mình để xông ra chặn đợt tấn công mới. Bị dồn dưới cơn mưa đạn và lửa từ súng trường, họ nhanh chóng lùi lại hỗn độn trong giàn pháo đầu tiên.

Vận tốc của tàu Victory đã bảo vệ nó và các thủy thủ tàu Redoutable gắng sức vẫn không leo lên thành của nó. Thuyền trưởng Lucas ra lệnh cắt các dây treo sào căng buồm và dùng sào bắc giữa hai tàu làm cầu leo sang.

Mặt khác, chuẩn uý Yon và bốn thủy thủ nữa, nhờ mỏ neo treo trong giá đỡ dây néo, đã lên được boong tàu Anh. Cánh quân tấn công áp mạn nhìn thấy con đường ấy, thuyền phó tàu Redoutable, đại uý Dupotet, vội dẫn đầu họ đi theo.

Một người dùng dây chão đu từ cột buồm lái tàu Victory rồi xả vào giữa họ như một tảng thiên thạch. Tàu Victory sắp bị thua vào tay một tàu kém nó 26 khẩu đại bác thì một chặp đạn đại bác và đạn tầm trung dội lên boong tàu Redoutable.

Đó là tàu Téméraire, sau khi vượt qua chiến tuyến đã đến xông vào cột buồm mũi tàu Redoutable để trợ chiến cho Victory.

Hai trăm người đã bị ngã nhào chỉ vì lượt đạn duy nhất ấy.

Tàu Téméraire chạy ngang qua tàu Pháp và lại nổ loạt súng thứ hai. Lần này lá cờ bị gãy gục, nhưng một thanh niên hầu như còn lạ với thủy thủ đoàn của thuyền trưởng Lucas, đã chạy về hòm đựng cờ, lấy một lá cờ ba màu khác cắm trên cột buồm mũi.

Nhưng như thể hai tàu chiến ba boong đánh một tàu hai boong là chưa đủ, một tàu Anh mới lại xông đến như muốn nghiền nát Redoutable.

Tàu Neptune của Anh quay mũi và nã pháo vào tàu Le Redoutable hòng hạ cột buồm mũi và cột buồm lái. Lại một lần nữa, lá cờ bị tung lên sau loạt sắt ấy song cột buồm lớn vẫn còn nguyên. Vẫn con người vừa cắm cờ lên một buồm mũi lại lao lên cột buồm lớn và cắm lá cờ nữa lên xà buồm. Sau đó anh đáp trả tàu Téméraire một loạt đạn khiến nó gãy cột buồm buộc năm mươi tên phải đền mạng.

Một loạt đạn mới từ tàu Neptune trúng vào vỏ tàu Redoutable làm bánh lái bị tê liệt, đâm thủng đường mớm nước khiến nước ùa vào khoang.

Toàn bộ bộ tham mưu bị thương, mười chuẩn uý trên mười một bị chết. Với 643 người trong thủy thủ đoàn thì 522 người không còn khả năng chiến đấu trong đó 300 người chết và 222 người bị thương. Cuối cùng, một quả đại bác hạ nốt cột buồm lớn cùng lá cờ thứ ba của tàu Redoutable.

Chàng trai ban nãy đi tìm một chỗ định cắm cờ tiếp nhưng con tàu đã trơ trọi như tàu trại lính, Lucas ngăn anh lại bình thản nói:

- Vô ích, René, chúng ta đang chìm rồi.

Tàu Bucenlaure cũng đang ở tình trạng không kém phần tệ hại. Nó đã đưa cột buồm mũi của mình vào tầm của tàu Santissima Trinidad và gắng sức một cách vô ích để dứt khỏi nó.

Hai con tàu này gồm 210 khẩu đại bác và gần 2000 chiến binh đang đè bẹp nhau bằng tiếng nổ kinh thiên từ hai tầng pháo bên mạn tàu.

Đô đốc Villeneuve đứng trên khoang thượng nhận ra tình huống vô vọng mà không tên ra giải pháp gì. Ông ta thấy các sĩ quan của mình lần lượt ngã xuống quanh mình. Đứng chôn chân một chỗ, ông ta buộc phải chịu hoả lực lấn lướt đằng sau và bên phải mà không sử dụng được giàn pháo bên trái của mình.

Sau một tiếng giao tranh, ông ta thấy thuyền trưởng cờ hiệu Magendi bị thương. Đại uý Dandignon lên thế chỗ cũng đến lượt mình ngã xuống và lại được đại uý Fournir chạy lại thay.

Cột buồm lớn và cột buồm lái lần lượt gãy gục gây ra cảnh hỗn độn kinh hoàng trên boong. Họ cắm cờ lên cột buồm mũi. Bị chìm trong lớp khói mù mịt mà trời lại ít gió khiến khói càng đặc quánh lại bao trùm lên các tàu chiến hạng nặng này, đô đốc không nhìn thấy được chuyện gì xảy ra ở phần còn lại của chiến hạm. Qua một ánh chớp, ông ta nhận ra tốp tàu chiến đi đầu - tất cả có mười hai chiếc vẫn bất động - ông ta ra lệnh cho họ, qua các tín hiệu từ cột buồm duy nhất còn lại, ngắm vào các tàu địch và khai hoả.

Khói càng dày đặc ông càng không nhìn thấy gì. Vào lúc ba giờ, cột buồm cuối cùng của ông ta cũng đổ nốt xuống boong và khiến nơi đây đầy những mảnh vỡ ngổn ngang.

Thế là ông ta cố thả một trong những chiếc ca nô của mình.

Những ca nô trên boong đã bị cột buồm đổ vào làm vỡ tan, những chiếc bên mạn bị đạn, pháo xuyên thủng, hai hay ba chiếc vừa xuống nước đã chìm nghỉm.

Trong suốt trận đấu, đô đốc Villeneuve đều xuất hiện ở những vị trí nguy hiểm nhất, không mong gì hơn ở số mệnh ngoài việc nó ban cho ông một quả đạn pháo hay một viên đạn.

Nhưng số mệnh muốn dành cho ông ta một hành động tuẫn tiết.

Tàu của đô đốc Tây Ban Nha bị bảy tàu nước mình bỏ rơi đã đầu hàng sau bốn tiếng giao tranh và phần còn lại trong chiến hạm Tây Ban Nha tuỳ nghi để gió đưa đi về phía bờ biển Cadix.

Còn thủy thủ đoàn trên tàu Victory thì reo hò sung sướng mỗi khi một tàu Pháp mất cờ và mỗi lần ồn ào ấy Nelson lại quên cả vết thương của mình.

- Có chuyện gì thế?

Thế là người ta nói lý do của những tiếng hò hét cho ông ta nghe và kẻ thương binh biểu hiện sự mãn nguyện tột độ. Ông ta thấy khát khủng khiếp nên thường xuyên đòi uống và cầu xin mọi người quạt cho ông ta bằng chiếc quạt giấy.

Có lẽ Nelson rất yêu quý thuyền trưởng Hardy cho nên không lúc nào không lo cho mạng sống của viên sĩ quan này.

Mục sư và bác sĩ ra sức trấn an ông ta về điều ấy. Người ta chuyển từng yêu cầu được gặp Hardy của Nelson và mỗi lần không thấy Hardy đến, Nelson sốt ruột gào lên:

- Ngài không muốn cho gọi Hardy đến, tôi chắc là ông ấy chết rồi.

Cuối cùng, một tiếng mười phút sau khi Nelson bị thương, thuyền trưởng Hardy cũng xuống khoang boong. Vừa nhận ra ông ta, Nelson đã kêu lên sung sướng, siết thật chặt tay người này mà nói:

- Thế nào Hardy, chiến trận thế nào rồi? Ngày hôm nay ra sao với chúng ta?

- Tốt, rất tốt thưa ngài - Viên thuyền trưởng trả lời - Chúng ta đã chiếm được 12 tàu.

- Tôi hy vọng không tàu nào của chúng ta hạ cờ chứ?

- Không thưa ngài, không một tàu nào cả.

Thế là yên tâm về mặt đó, Nelson trở lại với chính mình, buông tiếng thở dài.

- Tôi là người tử trận Hardy ạ và sẽ nhanh chóng đến điểm đó. Tất cả sẽ sớm kết thúc với tôi. Hãy lại gần đây bạn của tôi - Rồi ông ta nói thầm - Tôi cầu xin anh một điều nhé Hardy: sau khi tôi chết, hãy cắt tóc của tôi cho phu nhân Hamilton yêu dấu của tôi và trao cho cô ấy tất cả những gì thuộc về tôi.

- Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ. - Hardy nói - ông ấy rất khả quan sẽ giữ mạng sống cho ngài.

- Không phải đâu Hardy, không phải. - Nelson trả lời - Đừng cố lừa tôi nữa. Tôi bị dập cột sống rồi.

Nhiệm vụ lại gọi Hardy lên boong. Ông ta nhảy lên đó sau khi bắt tay kẻ bị thương.

Nelson hỏi bác sĩ. Ông này đang chăm sóc cho đại uý William Ruvers, người bị mất một cẳng chân. Tuy nhiên bác sĩ vẫn chạy lại chỗ Nelson vì cho rằng những phụ tá của mình cũng đủ để băng bó cho đại uý.

- Tôi chỉ muốn biết tin của những người bạn cũ của tôi. - Nelson nói - Về phần mình, bác sĩ ạ, tôi không cần ông nữa. Tôi chẳng nói mình mất hết cảm giác phần thân dưới và một phần cơ thể đã lạnh như băng rồi là gì.

Bác sĩ nói với Nelson:

- Thưa ngài, hãy để tôi sờ xem.

Quả nhiên ông bác sĩ chạm vào phần thân dưới, nó không có phản ứng gì như đã bị liệt.

- Ồ, Nelson nói - tôi biết mình nói gì mà: Scoll và Burke cũng đã động vào tôi như ông vừa làm và tôi cũng không cảm thấy họ như với ông vậy. Tôi chết đây Beatty, tôi đang chết.

- Thưa ngài, - ông bác sĩ đáp lại - thật bất hạnh thay khi tôi không thể làm gì được cho ngài.

- Tôi biết - Nelson nói - tôi cảm thấy có cái gì đang trào lên trong ngực tôi.

Nói rồi ông ta đặt tay lên chỗ có cảm giác ấy.

- Ơn Chúa - ông ta thì thầm - mình đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ông bác sĩ không thể an ủi gì được nữa cho đô đốc. Ông ta đi lo cho những thương binh khác. Nhưng khi thuyền trưởng Hardy trở lại, trước lúc lên boong lần thứ hai, ông ta đã lệnh cho đại uý Hill đưa tin khủng khiếp ấy cho đô đốc Collingwood biết.

Dù Nelson đang trong bàn tay tử thần, Hardy vẫn chúc mừng ông ta đã có một chiến thắng hoàn toàn và quyết định nhường ấy.

Hardy cũng thông báo mười lăm tàu chiến hạng nặng của Pháp đã bị hạ.

- Tôi đã cá là có hai mươi tàu, - Nelson thì thào rồi đột nhiên nhớ ra hướng gió và những triệu chứng của cơn bão ông ta quan sát được trên biển ông kêu lên: Hãy thả neo, Handy! Hãy thả neo mau!

- Tôi e là đô đốc Collingwood sẽ chỉ huy chiến hạm. - Thuyền trưởng hải kỳ nói.

- Không đâu, chừng nào tôi còn sống. - Kẻ tử thương nói và nhấc cánh tay lên - Hardy, tôi bảo anh hạ neo xuống, tôi muốn như vậy.

- Tôi sẽ ra lệnh thưa ngài.

- Vì mạng sống của ông, hãy làm nhanh lên, trước năm phút nữa - Rồi ông ta hạ giọng và như thể phải đỏ mặt trước một sự yếu đuối sau đó, ông ta nói tiếp - Hardy, đừng ném tôi xuống biển, tôi xin anh.

- Ồ không, chắc chắn là không. Ngài có thể yên tâm về điểm này - Hardy vừa nói vừa khóc nấc lên.

- Hãy chăm sóc cho bà Hamilton đáng thương. - Nelson nói giọng đã yếu đi - Hamilton yêu dấu của tôi. Hãy hôn tôi đi, Hardy!

Viên thuyền trưởng vừa khóc vừa hôn lên má Nelson.

- Tôi yên lòng nhắm mắt. - Nelson nói - Nước Anh đã qua cơn hoạn nạn.

Thuyền trưởng Hardy ở lại một lát bên kẻ tử thương mẫu mực trong niềm ngưỡng mộ câm lặng rồi quỳ xuống hôn lên trán ông ta.

- Ai hôn tôi đấy? - Nelson hỏi, mắt đã lờ dở trong vương quốc bóng tối của thần chết.

Thuyền trưởng đáp:

- Là tôi, Hardy.

- Cầu Chúa phù hộ ông, bạn của tôi! - Kẻ sắp chết nói.

Hardy trở lại boong.

Nelson nhận ra vị mục sư ở bên cạnh liền nói:

- Ồ bác sĩ, tôi chưa bao giờ là một tội đồ ngoan cố. - Rồi dừng lại sau một cơn nghỉ ông ta nói tiếp - Bác sĩ, xin hãy nhớ, tôi trao gửi phu nhân Hamilton, con gái Horalia Nelson cho đất nước và đức vua của tôi. Đừng bao giờ quên Horalia.

Cơn khát dồn đến, ông kêu to:

- Uống… uống… quạt… cho tôi không khí… vuốt cho tôi.

Ông ta vừa dành lời yêu cầu cuối cùng cho vị mục sư, ngài Scott người này an ủi ông bằng cách dùng tay xoa ngực, vừa thốt ra vài lời ngắt quãng chứng tỏ cơn đau đã tăng mạnh đến nỗi phải dốc toàn bộ sức mới nói được lần cuối:

- Ơn Chúa, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nelson đã nói lời trăng trối cuối cùng.

Ông bác sĩ trở lại, ông mục sư vừa chạy đến báo chỉ huy của ông ta đang sắp tắt thở. Ông Beatty nắm tay kẻ chết: nó lạnh băng. Ông ta bắt mạch: nó không đập nữa. Cuối cùng ông ta sờ lên trán, Nelson mở con mắt duy nhất và lại nhanh chóng khép lại.

Nelson vừa trút hơi thở cuối cùng, khi đó là bốn giờ hai mươi phút. Ông ta đã sống thêm ba giờ ba mươi hai phút sau khi bị thương.

Có lẽ mọi người sẽ ngạc nhiên trước sự chính xác của những chi tiết tôi nói về cái chết của Nelson. Nhưng tôi thiết nghĩ một trong những chiến binh vĩ đại nhất không còn nữa nếu không được đưa đến cửa nấm mồ của mình bởi các nhà lịch sử thì ít ra cũng để một tiểu thuyết gia làm điều ấy. Tôi đã không tìm được cuốn sách nào nhắc đến những chi tiết này nên đã tìm đến biên bản ghi chép về cái chết của ông ta có chữ ký của bác sĩ Beatty trên tàu và mục sư Scott.


Nguồn: http://vnthuquan.org/