19/4/13

Hoa vàng mấy độ (C1-2)

Chương 1

- Á! Đồ quỷ! Mày biết tay tao nghe My My!

Lam Uyên vừa la vừa bước nhanh về chiếc bàn mica . Con mèo mướp giật mình giương đôi mắt xanh lá cây nhìn Uyên, rồi phóng mình chui tuốt xuống gầm giường mang theo gói khô bò cô vừa mua lúc sáng.

Dậm chân tức tôi, Uyên với tay lấy cây chổi lông gà quơ nhanh dưới gầm giường:

- Có chui ra không nào ?

Con mèo tinh quái vẫn im hơi lặng tiếng. Lam Uyên khom lưng nhìn vào gầm, lòng tức anh ách. Tìm quanh quất không ra vật gì dài hơn cây chổi để có thể quơ trúng… bà cô của cọp, Uyên hầm hừ đi tới đi lui, mồm lẩm bẩm…. Cô tiếc gói khô bò thì ít, nhưng ghét con mèo không bao giờ biết bắt chuột này lại nhiều . Hừ, xem ra dì Kiều Mai quý nó hơn cô gấp mười lần.

Nghĩ như vậy tự dưng chút tủi hờn trong lòng Uyên chợt bùng lên, cô phóng đại cây chổi vào trong, con mèo vọt ra cửa vừa lúc Hưng bước vô.

Lam Uyên vội hét :

- Bắt nó cho em mau lên.

Hưng nhào tới chụp con My My y như thủ môn chụp banh, nhưng với trái banh có tới bốn chân này anh không chụp trúng, đã vậy còn bị té xuống gạch. Hưng lồm cồm ngồi dậy trong tiếng chắt lưỡi của Uyên : - Cái con quỷ này nhanh thật! Em mà bắt được, dứt khoát bỏ nó vào giỏ đệm đem vứt vào đống rác.

Hưng nhún vai :

- Nó làm gì mà em hăm dọa nghe ghê vậy ?

- Khô bò mua về chưa kịp ăn, nó đã phổng chân trên. Đúng là thứ mất dạy.

- Ấy, coi chừng động chạm. Chửi mèo mắng chó cũng phải nể mặt người nuôi chớ! Dì Mai mà nghe thì em liệu hồn

Lam Uyên bĩu môi:

- Nhịn người rồi phải nhịn cả … mèo . Em chán ngấy rồi đó.

Hưng an ủi :

- Thôi đừng chán nữa . Anh đền cho hai gói khô bò Tuyền Kỳ đàng hoàng.

Lam Uyên hếch mũi :

- Chắc không đời nào anh tốt bụng ngang xương như vầy . Muốn gì? Nói đi !

Giọng Hưng ngập ngừng, anh hơi quê trước cách nói của Uyên, nhưng vẫn phải hỏi :

- Đưa … thơ giùm anh chưa ?

Uyên nheo nheo mắt :

- Thơ gì nhỉ ?

- Đừng có giỡn. Em đưa Vi Lan rồi phải không?

Lam Uyên lơ lửng :

- Thời đại bây giờ còn thư với từ. Có điện thoại sao anh không nhấc máy lên rồi ân cần, âu yếm, ngọt ngào, nhỏ nhẹ nói: “Anh i…ê….u …em” khỏi phải nhờ giao liên!

Hưng ngắt ngang:

- Con nhỏ này rắc rối, em đưa thơ rồi phải không?

Lam Uyên nghiêm mặt :

- Em không biết chuyện thơ từ gì hết nghen. Anh kêu em đưa Vi Lan cuốn thơ “Em muốn giang tay giữa trời mà hét”, em đã làm xong bổn phận.

Hưng thở phào :

- Vậy thì tốt, chiều nay sẽ có hai gói khô bò.

- Em thấy hai gói chưa đủ sai-nhê đâu.

Hưng trợn mắt :

- Định bóc lột hả ? Vậy thì ra sân bóc lột con My My đi. Dầu sao thơ cũng vào tay Vi Lan rồi, con nhóc ạ . Anh cho em nhịn luôn đó.

- Cuốn thơ thì chắc nhỏ Lan đọc rồi, nhưng lá thơ thì chưa đâu.

Mặt Hưng xụ xuống :

- Em định …. chơi anh hả Uyên ?

Lam Uyên thản nhiên đáp:

- Anh… chơi em thì có. Nhét thơ vào trong quyển sách mà không chịu khai thiệt, làm con người ta cong đuôi đạp xe đến đưa cho Vi Lan tới hồi về nhặt thấy lá thơ rớt lại trong giỏ xe, phải đạp trở lại đưa nó lần nữa mệt hụt hơi, mà nó còn không thèm nhận…

Hưng rên lên nghe thảm hết biết :

- Trời ơi, sao em vô ý quá vậy. Chết anh rồi. Quan trọng là lá thơ, chớ cái cuốn giang tay, giang chân gì đó thì nhằm nhò gì.

Lam Uyên mai mỉa :

- Tại giang tay, giang chân nên mới rớt thư ra đó chứ. Nếu đứng bình thường chắc yên chuyện rồi.

Hưng nóng nảy :

- Vậy lá thơ đâu?

Thấy bộ dạng Hưng, Lam Uyên phá ra cười :

- Tội quá ông ơi, tui năn nỉ một hồi con nhỏ nhận tuốt. Bởi vậy người ta nói hai gói khô bò là còn quá ít. Mà em hỏi thật, bộ anh “kết” nhỏ Lan hả ?

Lừ mắt, Hưng nạt:

- Tò mò tọc mạch chuyện người lớn.

- Không có con nhỏ tò mò này lấy ai cho anh sai vặt. Đúng là làm ơn còn bị mắng.

Hưng vuốt :

- Nói chơi một chút đã lẫy. Em lúc nào cũng là quân sư của anh mà.

Lam Uyên chớp mắt :

- Hông dám đâu! Bộ anh có hẹn với Vi Lan sao lên đồ kẻng quá vậy?

- Anh tới chỗ thằng bạn hỏi nó chuyện xin việc làm cho em.

- Nhưng làm ở đâu? Và làm việc gì?

- Công ty may đồ xuất khẩu của ba nó cần một người thành thạo vi tính và có học qua nghiệp vụ xuất khẩu. Em chịu đi làm chỗ này không?

Giọng Lam Uyên có vẻ cam phận :

- Anh xin được việc ở đâu, em làm ở đó. Em đã nói vậy rồi mà. Dầu sao có một việc làm vẫn tốt hơn ở không vô tích sự trong ngôi nhà ai cũng có công việc hết. Ngày nào ngồi vào mâm cơm, dì Mai cũng nói xa nói gần, em chịu hết nổi rồi

Hưng lặng thinh nhìn em gái. Lam Uyên đang hất cái cằm chẻ bướng bỉnh lên và đôi môi hơi trề ra. Bao giờ nhắc đến dì Mai, con bé cũng có thái độ như vậy.

Anh không trách em gái mình dù Lam Uyên hơi ích kỷ, độc đoán và ngang, nhưng ngược lại anh thầm trách Kiều Mai, người đàn bà có nét đẹp sắc sảo đang sống chung với ba anh, người đã chi phối toàn bộ gia đình anh. Bà ta lợi dụng tính hiếu thắng của Lam Uyên để khích bác chia rẻ tình cha con của anh em anh. Điều đáng buồn là ba Hưng luôn nghe lời ba Kiều Mai mới khổ. Tuy ông không mở miệng la rầy, nhưng lúc nào ông cũng lý giải vấn đề nghiêng theo ý bà vợ kế trẻ hơn ông cả mười hai tuổi.

Lam Uyên chợt hỏi :

- Anh nghĩ xem em có cần hỏi ý ba không :

Hưng mệt mỏi :

- Ý dì Mai cũng là ý bạ Hỏi làm gì nữa.

Cô ngập ngừng :

- Nhưng em muốn chính ba, chớ không phải bà ta buộc em đi làm.

- Dĩ nhiên không đời nào ba nói thẳng ra ý nghĩ đó vì ông dư sức nuôi em. Anh thấy em cứ đi làm rồi hãy nói với ba và dì Mai thì hay hơn.

- Như vậy chẳng khác nào mình coi không có ba.

Giọng Hưng khô khan :

- Đôi khi phải làm ra kiểu bất hiếu để ba nghĩ lại xem tại sao con cái hành động như thế.

Lam Uyên buồn bã :

- Anh tính sao thì tính. Quyền huynh thế phụ mà. Nhưng trong trường hợp này em thấy đau làm sao ấy, đúng là con mồ côi mẹ, cũng may em còn có anh hai…

Hưng bật cười :

- Cha, bây giờ mới biết có anh hai là sướng. Để mỗi lần nhờ tí việc thì em làm eo làm sách. Thôi anh đi nghe.

Lam Uyên ra mở cửa cho Hưng rồi thơ thẩn trở vào.

Đi làm! Điều này qủa là hoàn toàn mới. Uyên chưa cần đi làm để kiếm tiền nuôi thân, nhưng hiện tại cô cần đi làm để thoải mái, để tự do và để thấy mình đã lớn

Bước lên hàng hiên, Lam Uyên chợt thấy con My Mỵ Cô nhào tới, con meo quái quỷ chạy vào phòng làm việc của ba cô, Uyên hầm hừ … phóng theo và hơi hẫng khi thấy bà Kiều Mai đang đưa tay ôm nó vào lòng, miệng ngọt ngào như đang hát ru :

- Làm gì mà chạy cong đuôi vậy con? Lại đây với mẹ nào My My.

Người Lam Uyên nổi ốc khi nghe từ mẹ con được thốt lên từ đôi môi hơi dày đầy gợi tình của Kiều Mai, cô quay ngoắt người lại, chưa bước được bước nào đã nghe tiếng ông Trí hỏi :

- Anh hai con đi đâu vậy Uyên ?

Cô chưa kịp trã lời, bà Kiều Mai đã nói :

- Anh hỏi lạ thật, con nó ăn mặc đẹp thế kia thì đi tới các cô chớ đi đâu nữa. Còn trẻ cần có thời gian chơi đùa, vui thú, phận già như chúng ta thì phải ráng cày cho tới hết cuộc đời. Hy sinh một chút vì con cái cũng là hạnh phúc, đúng không anh? (trời cái bà này nói chuyện gai góc quá đi)

Ông Trí cười xòa :

- Em đâu đã già, trông em như chị tụi nhỏ.

- Nhưng vì bọn trẻ, em già cũng được mà. Phải không My Mỷ Suốt ngày mày chỉ ăn rồi chơi, đã vậy còn chọc người khác giận nữa chớ. Mèo không biết bắt chuột, nuôi mày vô tích sự quá.

Lam Uyên nén sự căm ghét xuống, cô nửa đùa nửa thật :

- Đúng là con My My này vừa vô tích sự vừa hay ăn vụng. Lúc nãy mà bắt được nó là con bỏ vào bao thảy xuống sông rồi.

Ông Trí nhăn mặt :

- Con gái con đứa ăn nói nghe ác quá. Phải dịu dàng, nhỏ nhẹ cho quen đi.

Kiều Mai ngọt ngào :

- Đừng rầy con. Nó mất mẹ từ lúc chưa biết nói. Anh với thằng Hưng là đàn ông, hai người có dịu dàng, nhỏ nhẹ đâu mà con nhỏ bắt chước. Cái gì cũng từ từ, xem ra ở gần em, Lam Uyên có nhiều thay đổi đó chớ.

Ông Trí nghiêm mặt :

- Lúc nào em cũng bênh tụi nó. Lớn cả rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa. Ở tuổi này, con người ta đã lăn xả vào đời kiếm sống, đâu phải ai cũng sung sướng như chúng, từ cái ăn đến cái mặc nhất nhất đều có người lo.

Quay sang Lam Uyên, ông cao giọng :

- Thằng Hưng đi đâu Uyên.

Lam Uyên xẵng giọng :

- Anh đi xin việc làm cho con.

- Cái gì? Nó đi xin việc cho con? Ai biểu vậy?

- Con nhờ anh.

- Hừ. Con vẫn còn có ba mà Uyên. Ba có để con thiếu thốn bao giờ đâu mà phải đi xin việc làm.

Lam Uyên nhếch môi :

- Tại đầy đủ quá nên con đâm chán. Con đâu muốn mình là người vô công rỗi nghề hay muốn ba và dì phải hy sinh quá nhiều vì con. Con muốn đi làm , con muốn thành người lớn.

Kiều Mai gật gù :

- Biết tự lập là tốt, nhưng sao con không nhờ ba hay dì tìm chỗ làm. Ba và dì quen biết thiếu gì.

- Con muốn anh hai tìm việc làm cho con, vì dầu sao anh cũng hiểu ý và biết khả năng con hơn.

Ông Trí khó chịu :

- Con muốn trách ba không quan tâm tới con phải không?

Lam Uyên ngập ngừng :

- Con chỉ muốn làm theo ý mình.

- Hừ, còn ý của ba thì sao?

- Ba không bao giờ cò ý kiến riêng, ý của ba phải là ý kiến độc lập kia con mới chấp nhận (yeaahhhh Lam Uyên trả lời hay ghê)

Kiều Mai đứng bật dậy :

- Xin lỗi, tôi đi khỏi nơi này thì tốt hơn. Nếu không Lam Uyên sẽ nghĩ anh nghe lời tôi trong mọi chuyện (chứ còn gì nữa, thấy ghét)

Ông Trí kêu lên :

- Em làm gì vậy? Đi chấp nhất lời trẻ con à? Chính vừa rồi em bảo con Uyên vụng ăn vụng nói, bây giờ lại trách nó?

- Trẻ con sao biết tự ý đi xin việc làm rồi còn trách khéo lại cha mẹ ? Chúng nó không trẻ con đâu.

Lam Uyên thản nhiên nhìn Kiều Mai làm bộ làm tịch, bà ta hất con mèo một cái làm nó hết hồn phóng qua cửa sổ chạy mất. Cô muốn rút lui khỏi đây vô cùng nhưng chưa biết làm sao

Tiếng chuông cửa vang lên inh ỏi làm Uyên mừng trong bụng, cô lẹ làng nói

- Để con ra xem ai

Ông Trí ngăn lại

- Khoan đã, ba chưa dứt khoát việc xin đi làm của con mà

Ngần ngừ một tích tắc, Lam Uyên vụt nói

- Nhưng con dứt khoát rồi. Con sẽ đi làm đó

Dứt lời cô chạy vội ra sân. Uyên hơi ngạc nhiên khi thấy Vi Lan đang đứng cạnh chiếc Chaly màu lá cây.

Vứt qua một bên những phút căng thẳng vừa rồi, Lam Uyên hất hàm :

- Tìm tao hay ông Hưng?

Vi Lan chau mày :

- Hỏi câu… dễ xa nhau ghê! Mày nghĩ tao tìm ông Hưng để tao về vậy.

Kéo tay Lan thật mạnh, Uyên cười gượng :

- Đùa chút mà, tao đang bực bội quá. Tốt nhất là tụi mình lang thang ngoài phố hết chiều nay.

Vi Lan nhún vai :

- Được thôi, vào thay đồ đi.

Nheo mắt với Lan một cái, Uyên chạy ào vào nhà. Cô chọn cho mình chiếc quần jean bạc phếch, chiếc áo vải gai màu xám thật nhạt . Xỏ chân vào đôi giày đôi giày mọi, Lam Uyên thầm nghĩ có lẽ bộ đồ bụi đời này hợp với tâm trạng đang muốn quậy phá hiện giờ của cộ Cho tay vào tủ lấy tiền, Uyên đút vội mọi thứ vào túi quần rồi vọt trở ra.

Nếu được, cô sẽ về thật khuya, thử xem ba cô la toáng lên không cho biết.

Vi Lan rồ ga :

- Đi đâu đây … em?

Vòng tay ôm eo Lan, Uyên cười :

- Chị Hai cho đi đâu cũng được.

Lan gắt lên :

- Nói bậy, tao cho mày xuống đường bây giờ.

Uyên làm tới :

- Đố mày dám, ông Hưng khai thật với tao hết rồi. Mày liệu hồn, tao là bà ở nỏ mồm thứ thiệt đó.

- Vừa thôi quỷ à, mày như thằng con trai chẳng tế nhị, thông cảm gì cho những người như tao với anh Hưng.

Uyên cắc cớ :

- Người như mày với anh Hưng là người… làm sao ?

Lan cười trừ :

- Mày phải có một người già tay trị mới được Uyên ạ.

- Nhưng hắn ta bây giờ ở đâu? Tao cũng đang nôn gặp để xem ai trị ai cho biết.

- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ mà. Mày lo chi cho mệt chớ.

Đang phóng xe ngon lành, Lan bỗng tấp vào lề :

- Vào đây ăn kem mày, đi hoài hít khói xe ngộp quá.

Hai người gọi xe rồi bước vào một quán kem khá sáng. Đang đưa mắt tìm chỗ ngồi, Lan bỗng nghe có tiếng gọi :

- Hê Lan, Uyên, tới đây tới đây.

Nhận ra Hồng Linh ngồi với hai người lạ, cả Lan va Uyên đều thấy khó xử. Cuối cùng Lam Uyên lên tiếng từ chối :

- Ling tự nhiên đi, hai đứa mình ngồi đây được rồi.

Nói thì nói vậy, nhưng khổ nỗi quán kem đông nghẹt chẳng còn bàn nào trống. Vi Lan và Lam Uyên loay hoay mãi chẳng tìm được chỗ ngồi.

Đang nhăn nhó vì … xui, Uyên bỗng bị đập vào vai :

- Lại ngồi chung cho vui, mày đứng chờ thờ hơi lâu đó.

Vi Lan khách sáo :

- Có phiền không?

- Xời ơi, anh tao chớ ai mà phiền.

Lam Uyên nhún vai :

- Vậy thì tốt, tao đang khoái làm phiền người khác đây.

Hồng Linh lườm cô :

- Mày lúc nào cũng giỏi nói, anh tao không phải cục bột đâu mà ham.

Hồng Linh ấn hai người ngồi xuống kế mình rồi tíu tít giới thiệu :

- Lam Uyên, Vi Lan bạn học chung hồi phổ thông với em. Còn đây là anh Duy, anh hai tao, chị Tố Nga “người tình trăm năm” của ảnh.

Lam Uyên thoáng thấy Duy hơi cau mày một chút, cô có cảm tưởng anh ta không bằng lòng cách giới thiệu thiếu vẻ nghiêm túc của Hồng Linh, trong khi “người tình trăm năm” của Duy thì cười thật tươi, cô ta hãnh diện ra mặt khi nghe Hồng Linh giới thiệu như vậy.

Tự nhiên Uyên lại hướng mắt về Duy và ngầm so sánh anh hai mình với anh hai của Hồng Linh.

Nhìn bề ngoài, có lẽ hai người trạc tuổi nhau, nhưng trông Duy nghiêm nghị, già dặn, lạnh lùng chớ không vui nhộn, trẻ trung và dễ gần như anh Hưng của cô . Duy có vẻ giống ông cụ non quá! Lam Uyên chớp mắt, cô tự hào về anh mình rồi không thể ngăn được cảm xúc rất trẻ con, Uyên ném cái nhìn ác cảm về phía Duỵ Cái nhìn của cô bộ dữ dội lắm hay sao mà anh ta đang lơ đang ngó chòm đèn pha lê trên trần bỗng sững lại rồi bất ngờ nhìn trả lại Uyên với vẻ ngạc nhiên.

Cô ương ngạnh ngó lại, một giây, hai giây rồi ba bốn năm giây.

Mặt anh ta đẹp và lì gớm ấy chớ. Nhưng lẽ nào Lam Uyên chịu thua đôi mắt lì ấy? Duy là anh hai nhỏ Hồng Linh chớ có phải anh hai mình đâu mà chưa chào hỏi nhau, anh ta đã trừng mắt thị uy thế này.

Hồng Linh đập vào tay Uyên làm cô giật mình, tủm tỉm cười cô quay sang và nghe Lan nói lòng vòng :

- Hôm nay là sinh nhật của anh Duỵ Chị Tố Nga sẽ chiêu đãi mọi người một chầu vui hết ý. Phải vậy không…. thưa hai anh chị?

Vi Lan thắc mắc :

- Sao kỳ vậy? Sao lại là chị Nga đãi?

- Có gì đâu mà kỳ, anh Duy không nhớ ngày sinh của mình, chị Nga lại nhớ, thế là tổ chức giùm. Lẽ ra tao là khách mời duy nhất, nhưng tao vốn thích đông vui, dầu hơi hao một chút nên nhìn thấy tui bay, tao phải kéo vô cho được mới thôi.

Nhìn quanh một vòng, Hồng Linh hí hửng :

- Bây giờ phải vui hơn lúc nãy không anh hai?

Lam Uyên cố tình chọc Duy với ánh mắt khiêu khích và cô thấy anh cười. Cái miệng rộng rất có duyên của đàn ông xua vội những nét lạnh lùng khó khăn nãy giờ, khiến Duy bỗng linh hoạt hơn.

Anh nói một câu không ăn nhập vào đâu cả :

- Bạn em đúng là đặc biệt. Mới nhìn thôi đã thấy khác thường.

Lam Uyên đan hai tay vào nhau. Duy tự nhiên nhìn cô, nụ cười trên môi anh vẫn không tắt. Thái độ ấy làm “người tình trăm năm” của Duy khó chịu. Cô ta tằng hắng nhắc khéo :

- Sinh nhật anh, anh nói gì đi chớ. Linh hỏi anh có vui không kìa?

- Đương nhiên là vui vì được nhiều người nghĩ tới mình.

Tố Nga phụng phịu :

- Không dám nhiều đâu. Chỉ có mình em nghĩ tới anh thôi. Bữa tiệc này em làm vì anh và duy nhất cho riêng anh với Linh.

Lam Uyên khẽ đá chân Vi Lan, cô bé rất nhạy nên hiểu ý Uyên ngaỵ Lan kéo Uyên đứng dậy rồi nói.

- Tình cờ được biết hôm nay là sinh nhật anh Duy, tụi em xin chúc anh sinh nhật vui vẻ.

- Và hạnh phúc nữa. - Lam Uyên nhếch môi góp thêm.

Rồi cô nghiêm chỉnh nói tiếp :

- Rất tiếc tụi em phải đi ngay.

Hồng Linh kêu lên :

- Kỳ vậy, làm tao quê độ rồi đó.

Duy cũng lên tiếng :

- Không lẽ anh vô duyên đến mức “chưa quen đã lạ , chưa gần đã xa” sao?

Thấy Tố Nga vờ ngó lơ sang những bàn khác, Uyên cương quyết từ chối :

- Sẽ còn những dịp khác vui hơn và tự nhiên hơn hôm nay.

Duy đứng dậy tiễn hai người tới cửa. Giọng anh trầm xuống nhưng Uyên vẫn nghe rõ giữa muôn vàn âm thanh lao xao xung quanh :

- Chắc chắn sẽ gặp lại em…. Sẽ gặp lại…

Trong lúc đợi Vi Lan đi lấy xe, Lam Uyên băng qua đường vào quầy bán đồ lưu niệm mua một thiệp nhạc mừng sinh nhật rồi quay trở lại quán.

Trên bàn lúc nãy, Uyên thấy có một chiếc bánh kem và ba ly rượu có chân. Duy đang đứng dậy nói gì đó, anh quay lưng lại nên không thấy cô.

Đợi anh ngồi xuống và mọi người nâng ly lên, Lam Uyên mở thiệp dựng đứng trên bàn kế cái bánh. Bài “Happy Birthday to You” rộn rả vang lên thật vui. Uyên nghiêng đầu tủm tỉm cười và nhanh nhẹn bước trở ra.

Cô nghe Duy gọi tên mình và tiếng kéo ghế. Nhưng Uyên biết anh sẽ không tiễn cô tới cửa lần nữa, vì Tố Nga đời nào để anh làm như vậy.

Chiều xuống nhanh quá. Cô leo lên xe ngồi và tựa cằm lên vai Vi Lan. Một ngày đã trôi qua chán ngắt. Cô chép miệng :

- Ở nhà chán, ra đường càng chán hơn.

Đang nghĩ gì không biết nhưng bỗng dưng Lan lại nói :

- Tao không hiểu nổi anh Duy mê bà Tố Nga ở điểm nào.

Lam Uyên tò mò :

- Bộ mày từng biết họ à?

- Ờ tao gặp vài lần, và lần nào bà ta cũng kè kè sát ông Duy như cô nuôi giữ trẻ . - Biết bà ta có máu Hoạn Thư, lúc nãy con...

Biết bà ta có máu Hoạn Thư mà còn lôi tao vô ngồi. Nếu cương quyết từ chối lúc đầu, phải khỏi quê vì mồm mép của bà ta không? Bả làm như mình ham ăn theo lắm vậy.

- Ai mà biết bà Nga bất lịch sự đến thế, nhưng anh Duy với Hồng Linh cũng dở.

- Dở nhất là con nhỏ Linh tài lanh. Nó lơ mình thì hay nhất vì dù sao tụi mình cũng không thân với nó đến mức nó phải làm thế. Đằng này, Linh nhiệt tình quá đâm ra hại bạn bè và hại cả anh nó nữa. Ông ta cũng ở thế bị động mà thôi.

Vi Lan im lặng, mãi lâu sau nó mới hỏi :

- Bây giờ đi đâu?

Lam Uyên thở dài :

- Cho tao về nhà, dầu sao ở nhà cũng tốt hơn lang thang mãi ngoài phố..


Chương 2

Thấy Quang bước về phía mình, Lam Uyên bắt đầu ở vào thế thủ. Gã đàn ông có gương mặt đẹp trai này tỏ vẻ quan tâm chăm sóc cô ngay ngày đầu trình diện dầu không thích, cô cũng phải gặp anh ta hàng ngày. Vì Quang là người phụ trách cơ sở này mà.

Anh ta cười cười hỏi trỏng :

- Sao trong phòng có một mình vậy ?

Lam Uyên khẽ khàng đáp :

- Em muốn yên tịnh.

Quang gật gù ra vẻ đồng cảm :

- Anh cũng vậy. Nhưng ít khi nào được như ý. Chưa hết việc này đã bày ra việc khác. Việc nào giám đốc cũng muốn anh phải làm mới khổ.

Uuyên đẩy đưa :

- Tại anh có tài, người bá nghệ, đa tài cực lắm.

Quang vờ khiêm tốn :

- Anh mà tài cán gì em ơi.

- Có đấy chớ, lần đầu gặp anh, em đã thấy anh tài hoa rồi. Nhất là tài ăn nói. Giám đốc giao anh nhiệm vụ đối ngoại thật đúng. Nhưng theo em, anh phải làm nghề ngoại giao mới đúng hơn.

Gãi gãi đầu, Quang hỏi :

- Căn cứ vào đâu mà em nói vậy.

Cặp mắt rất lém của Lam Uyên nheo nheo lại như nghĩ ngợi :

- Thứ nhất là hình thức. Anh có bề ngoài có thể làm diễn viên được, còn nội dung thì… chậc hơi khó nói ...

- Em cứ nói đại đi. Ở đây chỉ có….. chúng mình thôi mà.

Tủm tỉm cười, cô đáp :

- Anh học cao hiểu rộng, nói tiếng Anh như gió, hát karaoke như ca sĩ, tính tình rộng rãi, nhiều người thích lắm đó.

- Cơ bản là em có thích không?

- Em đâu dám… Mai Phương dữ lắm.

Quang nghiêng nghiêng đầu ngắm cô, anh ta ngạc nhiên :

- Ủa, sao lại có Mai Phương chen vào sở thích của em là vậy ?

Lam Uyên nhún vai :

- Phương vào tới rồi kìa, anh hỏi chỉ xem.

Quang quay lại cười cười. Anh biết Lam Uyên là cô gái thông minh, ranh mãnh và rất bướng. Anh muốn chinh phục những cô gái như thế, và nhất định anh sẽ làm được, chứ như Mai Phương thì chán quá! Anh chưa ngỏ lời thì đã bị cô ta tán tỉnh trước mới buồn cười chớ.

Thảy chiếc ví cầm tay xuống bàn, Phương đảo mắt một vòng rồi cao giọng :

- Hôm nay hai người cũng đi làm sớm, lạ thật! Nãy giờ nói chuyện vui không ?

Lam Uyên đưa đẩy :

- Không có chị Phương, làm sao anh Quang vui được. Anh sốt ruột chờ chị đi ăn điểm tâm đó. Hai người tự nhiên đi, em coi phòng cho.

Quang nhìn Uuyên với vẻ trách móc. Anh đành nói xuôi theo :

- Anh mời cả em lẫn Phương đi ăn sáng. Không được từ chối nghe.

- Em ăn rồi. Một tô phở gà đặc biệt và thêm một chén bánh. No lắm! Không ăn nổi nữa đâu.

- Vậy chắc Mai Phương cũng no.

Mai Phương càu nhàu :

- Em đã ăn gì đâu mà no.

Quang nhìn đồng hồ rồi nhìn Phương :

- Chậc! Anh kẹt công chuyện rồi! Em chịu khó đi một mình vậy. Ngày mai anh hứa sẽ đãi cả hai một chầu.

Lam Uyên tủm tỉm cười, làm Quang hơi sượng. Anh vội vã bỏ đi như sợ phải nghe Mai Phương nói thêm nữa.

Bước tới chỗ Lam Uyên ngồi, Mai Phương chống tay lên bàn giọng sắc lại :

- Anh Quang không còn tự do đâu đừng có ảo tưởng nghen cưng.

Lam Uyên chống tay dưới cằm tư lự :

- Chị nói vậy nhỡ tới tai…. bồ em chắc chết. Anh ghen khiếp lắm đó.

Mai Phương khựng lại, cô ta vả lả :

- Ủa có bồ rồi hả ? Giỏi thật ta !

Uyên vờ mắc cỡ :

- Em lớn rồi chớ bộ….

- Giấu kỹ quá, chị đâu có biết.

- Hổng lẽ tự dưng em khoe chuyện đó.

Mai Phương thân mật :

- Nên khoe đi em, anh chàng làm gì.

Lam Uyên nói dối ngon ơ :

- Anh là kỷ sư điện toán. Bạn của anh Hai em.

- Cha, thời buổi này kỷ sư điện toán có ăn lắm đó. Xin chúc mừng. Bây giờ ngồi coi phòng, chị đi điểm tâm cái nha.

Lam Uyên cười thầm khi thấy Mai Phương nhún nha nhún nhẩy bước ra khỏi cửa. Nếu không nói như vậy, cô khó nhịn được khi nghe kiểu móc ngoéo, ghen tương của chị ta hàng ngày.

Khe khẽ huýt gió một bài nhạc vui, Lam Uyên bật máy, cô thong thả nhập một đoạn quảng cáo vào máy vi tính.

Đang mê mải với công việc chợt Uyên có cảm giác ai đang thở nhẹ sau gáy mình. Cô vụt quay lại và giật mình khi thấy Quang :

Cô hoảng hồn :

- Ủa…. Anh…. anh không đi công chuyện à ?

Ánh mắt Quang vờn lấy Uyên, anh nhún vai :

- Công chuyện chỉ là cái cớ. Em thừa thông minh để hiểu vậy mà.

Lam Uyên kiêu ngạo :

- Trí thông minh của em không dành để hiểu những chuyện như thế.

Quang chống tay lên bàn đặt máy vi tính, giọng ngọt ngào :

- Em hơi tự cao, những người đẹp và có tài đều tự cao. Anh quý em hơn mọi người vì lẽ đó. Nói vậy nghe hơi ngược đời. Nhưng anh vốn là kẽ ngược đời mà.

Lam Uyên im lặng, bọn con gái làm ở đây đồn Quang rất mực hào hoa. Anh từng làm khổ biết bao nhiêu người nhẹ da.... Miệng lưỡi anh ta mới dẻo làm sao. Gió chiều nào Quang cũng xuôi theo được hết. Bây giờ anh đang xuôi theo chiều ngược đời mà anh ta nghĩ rất hợp với cô.

Nghênh mặt lên, Uyên bắt bí :

- Anh ngược đời như vậy có đáng không ?

- Đáng chớ, vì em là vốn quý mà.

Uyên mai mỉa:

- Anh từng ngược đời bao nhiêu lần rồi vì những cái gọi là vốn quý ?

Quang ra vẻ khổ sở :

- Đừng hiểu lầm ý của anh.

Uyên thẳng thắn :

- Em hiểu đúng chớ không hề lầm. Chính vì vậy em có đề nghị nhỏ.

- Em nói đi.

- Các anh chị Ở đây đều rất tốt với em và coi em như em út. Ngược lại, em cũng xem mọi người như anh chị của mình. Trong đó anh là người anh cả của em. Em mong tình cảm của anh em mình luôn luôn trong sáng.

Quang thở dài, anh thầm trách mình quá vội vàng khi đã biết Lam Uyên không dễ đeo đuổi như những cô gái anh từng quen.

Mặt xụ xuống thật thiểu não, Quang nói :

- Có ngày nào đó Uyên sẽ hiểu lòng anh hơn. Anh tin như vậy.

Lam Uyên ngồi thừ ra trước máy. Lòng cô thích thích khi nhớ tới điệu bộ đau khổ, si tình của Quang lúc anh lầm lũi bước ra.

Có thể anh ta đang đóng kịch, nhưng có người phải đóng vai sầu tình vì mình cũng vui ấy chớ. Nhất định chiều nay cô sẽ ghé Vi Lan để kể cho con bé ấy nghe chuyện này. Rồi sau đó biết đâu chừng cô cũng sắm cho mình vai đào để thả mồi bắt bóng, để đùa vui với tay nổi tiếng đào hoa, coi phụ nữ như trò chơi này.

Lam Uyên khoái chí với ý nghĩ quỷ quái vừa thoáng qua. Cô lại huýt gió rồi cười một mình, cười thành tiếng hẳn hòi.

Mai Phương bước vào hỏi :

- Làm gì vui dữ vậy nhỏ ?

- À, anh chàng… của em mới điện thoại hẹn chiều nay đi chơi.

Giọng Phương nhão nhoẹt :

- Sướng nhé, chiều nay chị phải xem mắt mới được. Hẹn nhau ngoài cổng phải không ?

Lam Uyên dãy nãy :

- Xấu trai lắm chị Ơi. Em giấu, không để ai thấy anh đâu. Lùn tẹt hà.

- Ối dào, đàn ông chỉ cần có tài. Lùn một chút đã sao. Người ta hơn nhau cái đầu chớ đâu ở chiều cao.

Lam Uyên vờ buồn rầu :

- Chị an ủi em đấy hả. Dẫu biết đàn ông chỉ cần tài, nhưng nếu đẹp trai như anh Quang của chị vẫn thích hơn.

Nghe nhắc tới Quang, mắt Mai Phương sáng lên :

- Anh có nói gì về chị không ?

Lam Uyên lắc đầu, cô nghe Phương thở dài :

- Đàn ông đẹp thường không phải của mình đâu nhỏ ơi.

Uyên ngây thơ :

- Sao kỳ vậy chị ?

- Vì anh ta đẹp thì ai cũng si anh ta hết chớ có riêng gì mình. Món hàng nào nhiều người ngắm nghía quá tất có giá, muốn mua được nó không phải dễ.

Uyên phì cười trước lối ví von trần trụi của Mai Phương. Cô nói :

- Chị thực tế thật.

- Nói là nói vậy thôi, chớ trái tim người ta …. mất dạy lắm. Có đời nào nó nghe lời mình. Nên dẫu biết yêu khó, vẫn chịu khó yêu. Anh Quang xem thế nhưng nhiều tham vọng lắm. Vợ anh phải là người giúp anh tiến thân. Lóc chóc loi choi, đi làm như mình chỉ là để anh giải sầu thôi.

Nghe Phương nói, Uyên bỗng khó chịu. Cô như vầy mà là để Quang giải sầu à ? Thật quá quắt. Dẫu anh ta chưa đạt được mục đích nhưng cô vẫn có cảm giác bị sỉ nhục.

Lam Uyên hỏi tới :

- Anh đã tìm được bà vợ làm chỗ dựa để tiến thân chưa?

- Chắc là có rồi, nhưng cũng có thể anh ấy chưa vừa ý cũng không chừng ?

Lam Uyên thắc mắc :

- Em nghe chị Sáu Hương nói gia đình anh Quang có phần hùn trong công ty này. Vậy anh nào phải hạng trắng tay đâu mà cần nhờ đàn bà để tiến thân?

- Đúng là vậy. Nhưng đó là gia đình bác ảnh. Ảnh là cháu ruột cũng là con nuôi của ông bác, thì dĩ nhiên quyền hành phải có giới hạn chớ. Đâu thể nào như con ruột được.

Rồi như sợ những lời mình vừa nói, Mai Phương ngập ngừng :

- Thật ra những điều này chỉ là phỏng đoán thôi. Cũng có thể anh Quang không tham vọng như chị nghĩ.

Lam Uyên hỏi thật thà :

- Chị yêu ảnh lắm hả ?

Mai Phương cười buồn, cô gạt ngang :

- Kể chuyện tình của em cho chị nghe thì vui hơn.

Lam Uyên bối rối, cô ấp úng :

- Có gì đâu mà kể. Hay là chị kể về ông giám đốc cho em biết đi. Em chưa gặp ông lần nào hết.

- Ờ, đây chỉ là một chi nhánh của công ty, ông ít ghé lắm. Vì công ty may mặc này có nhiều cơ sở vệ tinh, mỗi cơ sở có người trông coi, ông ghé làm gì cho mệt. Cơ sở này anh Quang toàn quyền đó.

- Còn những cơ sở kia chắc con cái ông điều hành?

Mai Phương lắc đầu :

- Con trai ông là kỷ sư điện toán.

Lam Uyên buột miệng :

- Em biết.

- Sao em biết ?

- Ờ, à anh cũng là bạn của anh hai em. Anh đưa em vào đây làm đó chớ. Có điều em chỉ biết… tiếng chớ không biết người. Vậy anh ta điều hành cơ sở nào?

- Anh ta không điều hành cơ sở nào hết mới lạ. Con giám đốc có hai người, nhưng chẳng ai mặn mòi với việc ông đang làm hết. Bởi vậy giám đốc mới tín dụng người ngoài, như anh Quang chẳng hạn.

Lam Uyên ngạc nhiên, cô không hình dung được người bạn mà anh hai mình khen rằng có nhiều khát vọng và sáng tạo trong công việc như thế nào. Sao anh ta lại thờ ơ với cái xí nghiệp đồ sộ này. Cô tò mò :

- Vậy hai người con của giám đốc làm gì ?

Mai Phương tỏ vẻ không quan tâm :

- Chị chẳng để ý, nhưng cô con gái thì lâu lâu lại đi du lịch qua Canada thăm ông bà, chắc họ chỉ ăn chơi thôi. Giàu như thế làm gì cho mệt.

Lam Uyên thấy Phương với tay lấy xấp hồ sơ trên bàn, biết chị ấy không muốn nói chuyện nữa, nên cô cũng trở lại việc mình đang làm dở.

Qua những lời của Mai Phương, Uyên lại có cái nhìn khác về Quang. Anh ta không đơn giản như cô nghĩ. Tất cả mọi việc đều không đơn giản như cô nghĩ thì đúng hơn. Dầu sao Lam Uyên cũng còn quá ngờ nghệch với cuộc đời muôn màu này

Anh Hưng từng bảo cô chỉ có tài khôn vặt, khôn ranh, chớ ra đời chẳng hơn được ai đâu. Có lẽ anh hai nói đúng. Lam Uyên cần phải để ý tìm hiểu và học hỏi rất nhiều thứ.

o 0 o

Quang hốt hoảng khi thấy mặt Lam Uyên tái xanh, cô ngồi phịch xuống ghế và làm rơi cả điện thoại.

Mặc cái ống nghe tòn ten đưa qua đưa lại giữa khoảng không, anh chạy bổ về phía cô và hỏi to :

- Chuyện gì vậy ?

- Ba em… ba em chết mất.

Lắc lắc vai Uyên, Quang trầm giọng :

- Bình tĩnh lại. Bác ấy đang ở đâu và bị cái gì ?

Lam Uyên mếu máo :

- Ba em trong nhà thương Chợ Rẫy. Em phải vào đó với ba.

Quang sốt sắng :

- Để anh đưa em đi ngay.

Không cần khách sáo, cô gật đầu và riu ríu bước theo Quang.

Anh chờ cô lên ngồi phía sau đàng hoàng rồi mới rồ ga. Không ngờ con bé bướng bỉnh, ngông nghênh này lại yếu lòng như vậy. Thì ra cái bướng, cái lỳ chỉ là lớp vỏ bọc trái tim dễ xúc cảm mà Uyên luôn giấu kỹ trong lồng ngực.

Lam Uyên như đã trấn tĩnh lại, cô nói :

- Ba em bị tai biến mạch máu não, không biết…

Uuyên mím môi không nói tiếp. Quang gợi chuyện cho cô bớt căng thẳng :

- Ai gọi điện vậy? Mẹ em hả ?

Lam Uyên lắc đầu :

- Dì em.

- Vậy dì ấy có cho mẹ em hay chưa? Phải có mẹ mới săn sóc ba được chớ.

Lam Uyên khô khăn nói :

- Mẹ em mất lâu rồi. Dì ấy là vợ sau của ba.

Quang kêu lên đầy xúc động :

- Vậy mà anh không biết. Tệ thật.

- Mẹ chết lúc em mới hai tuổi. Lỡ như ba có gì, không biết em sống sao đây nữa.

Nói dứt lời Uyên bậm môi thút thít. Cô nhớ tới thái độ chống đối của mình vào khoảng thời gian gần đây mà không ngăn được nước mắt. Cô ích kỷ khi chỉ nghĩ tới mình. Lúc nào cô cũng gây hấn với dì Mai để ba phải buồn, phải suy nghĩ. Hồi sáng này Uyên đã buông lời mỉa mai khi thấy dì ấy mua hủ tiếu về cho con My My ăn. Ba mắng cô hỗn. Uyên đùng đùng dẫn xe ra cỗng không thèm chào ông. Biết đâu chính cô đã làm ông giận để tăng huyết áp dẫn tới tình trạng hiện giờ.

Càng nghĩ Lam Uyên càng ân hận. Cô gục đầu khóc rấm rức :

- Em làm ba giận nên mới ra nông nỗi.

Quang vòng tay ra sau tìm tay Uyên. Anh vỗ về :

- Đừng nghĩ như vậy rồi khổ. Chắc ba em không sao đâu.

Giọng Lam Uyên lo lắng lẫn hy vọng :

- Sao anh biết?

- Anh nghĩ nếu bác có gì, dì em đã nói rồi. Chắc ba em bị ngất đi thôi.

Lam Uyên thở dài, lời lý giải của Quang vẫn không làm cô an tâm, nhưng dẫu sao có anh kề bên vào lúc này Uyên thấy mình vẫn bình tĩnh hơn, vì được chia sẻ, an ủi.

Mặc cho Quang lo gởi xe, Lam Uyên chạy ào ào về phía phòng cấp cứu. Cô gặp Kiều Mai ngồi như mất hồn trên băng ghế đôi.

- Ba con sao rồi ?

Kiều Mai mệt mỏi :

- Vẫn còn chưa tỉnh, nhưng bác sĩ nói…

Thấy bà ngập ngừng, Lam Uyên sốt ruột, cô gắt lên :

- Nói thế nào hả dì ?

- Ba con có thể bị á khẩu và liệt nửa người.

Lam Uyên thấy miệng khô đắng. Với ba cô, sống như vậy thà chết còn sướng hơn. Là người năng nổ hoạt động, bây giờ phải nằm vô hồn như xác chết thì sao ông chịu nổi.

Cơn nghẹn bùng lên làm Uyên nặng ở ngực, cô thèm hét to, khóc lớn cho vơi. Nhưng Uyên biết mình không thể khóc với bà Kiều Mai được, vì giữa cô và bà ta hầu như chưa bao giờ có sự đồng cảm. Ngay cả lúc khổ như vậy, Uyên cũng không muốn nhận được sự chia sẻ, vỗ về nào từ bà dì ghẻ này. Cô rất ghét bà ta

lặng lẽ quay ra, Lam Uyên đụng phải Quang. Mắt cô nhòa đi, chẳng cần suy nghĩ, Uyên gục đầu vào ngực anh và khóc như con nít.

Dìu cô lại chiếc ghế dài gần đó, Quang ân cần lau mặt cho Uyên. Anh thấy mình có quyền hy vọng – Trái tim cô ta bằng bột, và anh sẽ nắn được nó theo ý mình.

Chắc chắn là như vậy.

Đang say sưa với gương mặt đẹp tựa vào ngực mình và đang say sưa với những suy nghĩ bất ngờ, Quang chợt bừng tỉnh vì một giọng đàn ông nóng nảy :

- Ba ra sao rồi ?

Lam Uyên cũng giật mình nín khóc. Cô nghe dì Mai trả lời, rồi tiếng Hưng quát lên :

- Nếu ba tôi có mệnh hệ gì, tôi không tha cho bà đâu. Đồ tham lam độc ác.

Uyên ngạc nhiên đến ngẩn ra khi nghe Hưng lớn tiếng như thế. Đây là lần đầu tiên anh xưng tôi và gọi dì Mai bằng bà, và cũng lần đầu cô thấy anh giận đến mức độ tái tím mặt.

Tại sao Hưng lại… hỗn hào với bà ta như vậy? Và tại sao dì Mai im re ngồi gục mặt thế kia. Nếu bà ta không có lỗi chắc chắn Lam Uyên đã được nghe cái giọng chua ngoa kia lên tiếng rồi.

Mãi nhìn cái dáng ủ rũ của Kiều Mai, Lam Uyên không để ý người đàn ông đứng kế Quang, khi nghe giọng quen quen vang lên cô mới quay lại, vừa lúc Quang đang lịch sự, bắt tay người ấy.

Anh ta nhìn cô nhưng nói chuyện với Quang :

- Ít có thủ trưởng nào quan tâm tới nơi, tới chốn nhân viên của mình như anh. Bởi vậy, những lời khen của ba tôi về anh thật đáng giá.

Môi Lam Uyên mấp máy :

- A…n….h … Duy. Anh đi đâu vậy ?

Đúng là Duy – Anh mỉm cười với cô :

- Anh theo Hưng vào xem bệnh tình của bác trai thế nào. Em vẫn khỏe chứ Lam Uyên ?

Lam Uyên khẽ gật đầu. Tự dưng cô ngồi xích ra một chút và ngượng ngùng khi thấy ánh mắt chăm chú của Duy trông ấm áp thân tình hơn lần gặp đầu tiên rất nhiều. Không ngờ anh lại là bạn anh Hưng và là người đưa Uyên vào làm ở xí nghiệp này.

Quang chợt lên tiếng :

- Anh đối với bạn bè cũng thâm tình vô cùng. Tôi chưa được biết anh Lam Uyên.

Duy giới thiệu ngay khi Hưng bước tới :

- Đây là anh Quang, người phụ trách cơ sở Lam Uyên đang làm việc, cánh tay đắc lực nhất của ba tao hiện nay đấy Hưng.

Gượng cười bắt tay Quang, Hưng nói :

- Chắc Lam Uyên đã phiền anh đưa nó đến đây. Thật mất công.

- Đừng nghĩ như vậy. Đây là chuyện đáng phải làm mà. Điều cần thiết nhất là sức khỏe của bác trai.

Duy chợt nhớ ra :

- À, bệnh viện này tao có quen. Mày theo tao.

Lam Uyên đứng dậy, nhưng Hưng đã bảo :

- Em ở lại đây hay hơn.

Khẽ gật đầu chào Quang, anh hấp tấp bước theo Duy. Uyên rầu rĩ nhìn hai người khuất ở cuối hành lang rồi quay lại nói :

- Để em ở đây với ba. Anh về được rồi, không thì mọi người tìm anh đó.

Quang thân mật vén sợi tóc xõa trên trán Uyên, giọng trầm xuống :

- Không bên cạnh em lúc này, anh thấy bất an, nhưng công việc thiếu anh cũng khổ vì chả ai giải quyết. Tạm thời em cứ nghỉ để lo cho bác. Chiều anh sẽ vào thăm xem tình hình bác ra sao.

Lam Uyên chớp mắt :

- Không cần phải mất công anh như vậy đâu. Anh làm em ngại.

- Để em hiểu lòng anh, anh sẽ làm tất cả vì em, cho em, cô bé ạ.

Quang nắm tay cô bóp nhẹ, Uyên khó chịu vì thấy anh…thừa thắng xông lên lộ liễu quá, nhưng cô vẫn để mặc làm anh ta cụt hứng lúc này chả lợi lộc gì cho cô hết. Nhưng rồi cô cũng sẽ cho anh ta biết Lam Uyên không phải là con búp bê cho anh ta nựng đâu.Tạm thời cứ giả đò như thế.

Không tiễn Quang, Lam Uyên đợi anh đi.

Lam Uyên đợi anh đi xa mới lại hỏi :

- Dì đã làm gì để ba ra nông nỗi này ?

Kiều Mai cười khẩy:

- Đúng là ngậm máu phun người. Sáng nay con đã làm gì ba, sao bây giờ lại hỏi dì.

Lam Uyên ứ nghẹn cổ cố kiềm chế :

- Nếu nguyên nhân là con thì khi anh Hưng nói những lời vừa rồi, dì đâu im lặng như thế.

- Hừ, tôi giữ thể diện cho cô trước hai thằng đàn ông ấy để bây giờ cô hỏi ngược lại tôi hả đúng là phường mất dạy.

Lam Uyên tức muốn nổ đom đóm mắt. Nhất định cô sẽ hỏi Hưng cho ra tại sao anh mắng bà ta như vậy. Uyên biết có nhiều điều anh hai giấu mình, Hưng sợ tính cô sốc nổi, nếu có điều gì phật ý cô sẵn sàng làm xào xáo , hơn nữa ngôi nhà từ lâu đã có sự rạn nứt giữa tình cha con vì một người đàn bà. Nhưng hôm nay ba cô đã ra thế này, anh không giấu được Uyên nữa đâu.

Hất cái cằm bướng lên, Uyên trả miếng :

- Đợi anh hai ra, chúng ta sẽ ba mặt một lời xem ba đổ bệnh vì ai.

Kiều Mai đanh đá :

- Đúng là có hiếu, ba cô vừa nằm xuống chả biết sống chết, nặng nhẹ ra sao anh em cô đã tìm cách gieo tiếng xấu để tống tôi đi. Ông ấy mà thiếu tôi thì sống không nỗi đâu. Ông từng nói con cái với ông không nghĩa lý gì hết mà.

Dù chưa hiểu Kiều Mai khích mình, Lam Uyên vẫn không ngăn được sự buồn bực và ganh tỵ đang dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Từ trước đến giờ Kiều Mai chưa khi nào dám vỗ ngực như vậy với anh em Lam Uyên. Vào thời điểm này bà ta huênh hoang như vậy chắc chắn phải có lý do, trong lý do đó lợi thế hẳn nghiêng về phía bà ta.

- Ai là Kiều Mai? Mời vào thăm bệnh.

Lam Uyên chạy vội về phía phòng cấp cứu. Vừa định chen vô, cô y tá đã chận lại :

- Ông Trí đòi gặp vợ Ông thôi.

- Nhưng tôi là con gái ông.

Nhìn Uyên bằng cái nhìn dửng dưng, cô ta dứt khoát :

- Chỉ một người vào thăm, và ông Trí yêu cầu được gặp vợ. Rõ chưa?

- Ba tôi…. nói chuyện được hả ?

- Dĩ nhiên! Ông còn sống mà.

Không giận câu trã lời khó nghe của người y tá, Lam Uyên thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng liền tức thời, cô khổ sở khi nghĩ ba giận nên chẳng muốn thấy mặt mình…. điều này chứng tỏ ông cần dì Mai hơn cô.

Nước mắt Lam Uyên lại rơm rớm. Cô ngồi gục đầu xuống thảm bại :

- Lại khóc nữa rồi à ? Trông em đâu giống mít ướt.

Lam Uyên gượng cười hỏi Duy :

- Anh hai em đâu ?

- Anh Hưng vừa chạy đi mua thứ thuốc hơi hiếm mà bác sĩ yêu cầu.

- Ba em tỉnh rồi và đã nói chuyện được chắc không sao đâu hở anh ?

Duy ngập ngừng :

- Lúc nãy anh có mượn bệnh án, bác trai bị liệt nửa người.

Uyên hốt hoảng :

- Anh nói sao? Liệt nửa người à ? Thật em không bao giờ nghĩ tới.

Duy an ủi :

- Nhưng bệnh tình của bác chưa phải nặng. Người ta có thể dùng vật lý trị liệu để chữa chạy. Còn sống là còn hy vọng phục hồi mà.

Phòng cấp cứu mở rộng cửa. Lam Uyên và Duy hấp tấp chạy tới khi thấy y tá đẩy băng ca ra.

Nhìn thấy Uyên, mặt ông Trí tươi lên, cô chạy theo kế bên mà mủi lòng khi thấy ông khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi đó cho biết ông không hề giận Lam Uyên, nhưng tại sao lúc nãy ông đòi gặp một mình bà Mai, lúc này Lam Uyên không còn tâm trí để thắc mắc nữa.

Lúc Duy phụ với hai người y tá khiêng ông Trí qua giường bệnh, bà Mai kéo cô ra và nói bằng giọng ngọt như đường :

- Con ở đây lo cho ba, dì phải đi công việc gấp, ba con ra lệnh cho dì tức thời đó.

Lam Uyên nói khẽ nhưng rất sắc :

- Vậy thì dì cứ làm theo lệnh ấy đi.

Bà Kiều Mai cười nhạt như thách thức rồi bước về phía ông Trí nằm :

- Anh an tâm ở đây với các con. Em sẽ về ngay khi xong việc.

Quay sang Duy, bà nói :

- Cháu chịu khó giúp con bé Uyên một tí, nó còn khờ nhiều thứ lắm.

Anh sốt sắng :

- Dì đừng lo! Cháu rảnh suốt ngày mà.

- Vậy thì tôi yên tâm, thằng Hưng có được người bạn tận tình như cháu thật là quý hóa quá.

Ngồi xuống nắm tay ba, Uyên thấy cay xè đôi mắt, mới từ sáng đến giờ thôi mà trông ông già đi hàng chục tuổi.

Ông mấp máy đôi môi khô :

- Ba thành người phế nhân rồi! Trời ơi!

Lam Uyên đau lòng đến mức không biết phải nói sao, Duy vội vàng lên tiếng:

- Bác đừng vội bi quan. Bệnh của bác không nặng tới mức nằm bất động đâu. Cần kiên nhẫn và cố gắng tập luyện bác sẽ đi đứng trở lại bình thường như xưa.

Hưng bước vào với hộp thuốc trên tay. Anh thở phào khi thấy ông Trí đã tỉnh. Khác với thái độ nóng nãy lúc gặp bà Kiều Mai, Hưng bình tĩnh nói :

- Ba cứ an tâm nghĩ ngơi. Công việc của ba, con sẽ gánh vác, con sẽ giúp dì Mai một tay, chớ không tiếp tục việc đang làm ở trung tâm điện tử của Đại Học Tổng Hợp nữa.

Ông Trí mở mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà không ừ hử gì cả. Hưng nhíu mày rồi nhanh chóng quay sang hỏi nhỏ :

- Dì Mai đâu ?

Lam Uyên đáp :

- Đi công việc gì đó cho ba rồi.

Hưng bảo :

- Em về nhà soạn cho ba vài bộ quần áo, bình thủy nước, vật dụng cá nhân và đem vào đây ngay.

Duy vội lên tiếng :

- Để tao đưa Lam Uyên đi cho nhanh.

Hưng gật đầu, anh vỗ vỗ vào vai Duy với vẻ biết ơn. Lam Uyên lẽo đẽo theo sau anh, lòng trống rỗng. Ba cô nằm một chỗ, gánh nặng sẽ đè lên vai anh hai cô, còn Kiều Mai, chắc gì bà ta còn tử tế để dịu dàng chăm sóc, lo lắng từng ly từng tí như khi ba cô còn mạnh khỏe.

Linh cảm cho Lam Uyên biết việc ba cô ngã bệnh chắc chắn vì ông lo điều gì đó từ phía Kiều Mai. Người đàn bà ấy có đời nào yêu thương ông thật tình như lâu nay ông vẫn tưởng đâu.

Duy vòng chiếc Win tới chỗ Lam Uyên đứng đợi. Anh mỉm cười với cô. Nụ cười này làm Uyên nhớ lại lần đầu gặp Duy trong quán. So với hôm đó, bữa nay trông Duy năng động hoạt bát và dễ gần gũi hơn nhiều. Hôm ấy anh nghiêm nghị lạnh lùng, vì có lẽ kế bên anh là bà vợ tương lai vốn dòng họ Hoạn.

Lam Uyên lên ngồi sau lưng anh và nói :

- Thật là phiền, nếu như chị Nga thấy anh làm việc thiện không công như vậy.

Duy nhún vai :

- Anh chỉ thấy phiền khi Uyên đưa ra giả thuyết này thôi. Một giả thuyết thật sự làm anh khó chịu.

- Em hiểu sự khó chịu đó của anh. Vì nói thật dễ mích lòng lắm. Em thà làm mích lòng anh còn hơn nơm nớp trong bụng. Em thích thật tình, thẳng thắn.

- Vậy là giống anh rồi.

- Thế em hỏi anh một câu được không ?

- Được chớ.

Lam Uyên cong môi :

- Sao anh không phụ giúp cho ba mình ?

Duy cười to :

- Rất dễ hiểu. Anh không phải giải thích. Mà chỉ hỏi lại em một câu.

- Xin cứ tự nhiên.

- Sao Hưng, và có thể cả em nữa không phụ giúp cho bác trai ?

Lam Uyên buột miệng :

- Vì tụi em không thích công việc đó.

- Anh cũng vậy.

Lam Uyên vẫn bướng :

- Nhưng việc của ba anh đâu có giống việc của ba em. Bác ấy là Tổng giám đốc của bao nhiêu cơ sở may xuất khẩu có tiếng.

- Điều đó có nghĩa gì khi người ta đã không thích nó.

Lam Uyên chắc lưỡi :

- Tiếc cho cái sở thích khác thường của anh và mừng cho những người khác.

Duy ngạc nhiên trước cách nói khó hiểu của Lam Uyên, anh nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi :

- Anh không hiểu ý em.

Cô cười nhẹ :

- Nhờ anh ghét công việc của ba mình nên những người khác mới có cơ hội tiến thân. Anh chê chức giám đốc và chán điều hành xưởng may ấy, nhưng thiếu gì kẻ ham muốn nó.

Thấy Duy làm thinh, cô bồi thêm :

- Như Quang chẳng hạn, người ta bảo với em, anh ta có nhiều tham vọng lắm đó.

Duy cộc lốc :

- Vậy sao ?

Rồi anh lạnh lùng nói tiếp :

- Vào làm việc chưa đầy tháng mà em biết nhiều thứ quá. Đã vậy còn được Quang quan tâm đặc biệt. Quả không uổng công anh giới thiệu em vào làm cho anh ta.

Lam Uyên chợt thấy tự ái khi nghe Duy ngọt nhạt với mình. Cô gay gắt hỏi :

- Sao anh lại nói vậy ?

- Vì anh ghét ai tò mò, lắm chuyện.

- Em cũng chẳng ưa gì người vội vàng đánh giá kẻ khác qua vài ba câu trao đổi.

Rồi Lam Uyên dằn dỗi :

- Cho em xuống đây. Em đi xích lô về nhà được rồi, em không làm phiền ai ghét em đâu.

Duy không thèm trả lời. Anh chợt rồ ga vọt thật nhanh. Đợi khi Lam Uyên hoàn hồn không la oai oải nữa. Duy mới nói :

- Anh lại thích làm người mình ghét phải sợ, sợ như em vừa rồi.

Lam Uyên bĩu môi :

- Nếu nghĩ thế anh đã lầm. Em chưa biết sợ đâu, ngay cả sợ chết.

Chờ Duy giảm tốc độ khi chạy sau một cái xe hàng, Uyên đẩy vội vào eo anh rồi nhảy đại xuống đường. Chiếc Win của Duy chao mạnh, anh hoảng hốt kềm xe lại.

Quay người ra sau Duy điếng hồn khi thấy Lam Uyên ngã sóng soài trước đầu một xe tải. Tiếng xe thắng gấp tạo cho anh cảm giác ớn lạnh ở cột sống.

Tấp xe vô lề, Duy chạy trở ra. Lam Uyên đã ngồi dậy, mặt cô tái mét nhưng vẫn hất lên kênh kênh nghe gã tài xế tải chửi rân trời đất.

- Mẹ…. vợ chồng bay giận nhau, muốn chết thì nhảy cầu, nhảy sông chết mẹ cho rồi. Tại sao nhảy vào đầu xe người ta như vậy.

Liếc thấy Duy chạy tới, gã hầm hừ thêm một câu :

- Ráng về dạy con nhỏ này đi. Vợ tao mà như vậy, tao đập chết lâu rồi.

Kéo Lam Uyên vào lề, nhìn sát vào mặt cô, Duy nén giận mắng :

- Đồ ngu! Nếu em là Hồng Linh thì đã ăn bạt tai rồi. Không nghĩ tới bản thân, ít ra cũng phải nghĩ đến bác trai đang nằm bất động trong nhà thương chớ. Thật, tôi chưa thấy ai vừa ngu vừa đáng ghét như em. Hừ! Nếu không vì thằng Hưng, tôi nhất định sẽ bỏ mặc, em muốn ngốc cỡ nào, cứ tự nhiên. Bây giờ làm ơn để tôi đưa về nhà an toàn đi.

Lam Uyên không nói một câu. Ngồi sau lưng Duy, cô mới thấy run khi nhớ lại hành động xốc nổi vừa rồi.

Tại sao cô liều mạng xuẩn ngốc như vậy? Chẳng lẽ đoạn đường này có… cô hồn giục… Lam Uyên rùng mình liên tục, mồ hôi cô ướt đẫm cả lưng và trán, nhưng Uyên lại thấy lạnh.

Thật ra con quỷ tự cao tự đại giục cô làm chuyện điên rồ vừa rồi chớ không phải ai khác. Còn làm được thế để được gì, Lam Uyên chưa hề nghĩ tới.

Định nói lời xin lỗi và năn nỉ đừng mách Hưng, nhưng Uyên không sao mở miệng được. Lòng kiêu hãnh không cho phép cô làm điều đó.

Lam Uyên chỉ mong sao đoạn đường về nhà ngắn lại, để cô mau thoát khỏi trạng thái nặng nề khó xử như bây giờ.

Nguồn: http://vietmessenger.com/