Jean Valjean trên chiến lũy
Cuộc nổi dậy tai hại tháng sáu 1832 là cuộc chiến tranh đường phố lớn nhất trong lịch sử.
Đó là một cuộc nổi dậy khác thường. Chiến lũy mọc lên khắp Paris.
Cái thì chắn cửa ô Saint-Antoine, cái khác lại ngăn cản việc tiến đến gần ô Temple. Chiến lũy Saint-Antoine thật là khủng khiếp, nó cao tới bốn tầng và rộng bảy trăm pi-ê.
Mười chín chiến lũy nhỏ trải ra theo chiều dài các đường phố, đằng sau chiến lũy mẹ đó.
Trên chiến lũy này, một lá cờ đỏ to phần phật trước gió.
Cách đó một phần tư dặm, bên kia con kênh, trên đường phố ngược lên mái dốc Belleville, chỗ đỉnh dốc, người ta nhìn thấy một bức thành lạ, cao tới tầng ba các nhà mặt phố. Bức thành đó được dựng bằng những viên đá lát. Nó thẳng thắn, đúng cách sắp theo dây dọi, lạnh lẽo vuông thành sắc cạnh. Người ta nhận thấy, từng quãng một, trên bề mặt màu xám của bức thành có những lỗ châu mai rất khó nhìn thấy, nó giống như những sợi chỉ đen. ánh nắng chói chang tháng sáu tràn ngập cái vật kinh khủng ấy. Đó là chiến lũy của ô Temple.
ở đó, tám mươi người đã chống chọi lại cuộc công kích của mười nghìn vệ binh. Nó giữ được ba ngày, và chỉ một mình thủ lĩnh Barthélimy thoát khỏi cuộc tàn sát.
Chiến lũy phố Chanvrerie thì chỉ là một phác họa, một phôi thai, so với hai tên khổng lồ mà chúng tôi vừa tả qua, nhưng, đương thời, nó thật đáng gờm.
Jean Valjean vẫn ở chỗ cũ, bất động trên cột mốc. Gavroche đã chết như một anh hùng.
Marius đã lượm xác đứa con của Paris và một viên đạn đã sượt qua trán chàng. Courfeyrac, một bạn chiến đấu, lấy khăn tay của mình băng đầu cho chàng. Tuy vậy, Marius chỉ có một ý nghĩ trong đầu: Cosette.
Tình hình nghĩa quân ngày càng trở nên gay cấn. Người ta làm hết sức mình để củng cố chiến lũy. Đá lát được dùng để lấp kín đến tận nửa chiều cao của cửa sổ tầng hai và các cửa con tầng áp mái. Rồi người ta chặn cửa sổ phía dưới và để sẵn những gióng sắt để, đêm đến, ngáng bên trong cánh cửa quán rượu.
Pháo đài thật hoàn chỉnh. Chiến lũy là thành, quán rượu là chòi canh.
Công việc chuẩn bị pháo kích bao giờ cũng hơi chậm chạp, có phương pháp; sau đó là sấm sét.
Sự chậm chạp đó cho phép Enjolras xem xét lại tất cả và hoàn thiện lại tất cả. Anh cảm thấy rằng tất cả những người như thế sẽ chết và cái chết của họ phải là một kiệt tác.
Anh nói với Marius:
- Chúng ta là hai người chỉ huy. Mình sẽ ra những lệnh cuối cùng ở bên trong pháo đài. Cậu ở lại bên ngoài mà quan sát.
Marius lên vị trí quan sát trên đỉnh chiến lũy.
Enjolras cho đóng đinh cánh cửa nhà bếp mà ta nhớ là nó được dùng làm trạm quân y.
- Không được để nước bẩn bắn lên thương binh. Anh nói.
Anh cho những chỉ thị cuối cùng trong căn phòng thấp, bằng một giọng ngắn gọn, nhưng rất mực điềm tĩnh, Feuilly lắng nghe và, thay mặt mọi người, trả lời:
- ở tầng hai, phải có sẵn rìu để chặt cầu thang. Ta có không?
- Có. - Feuilly nói.
- Bao nhiêu cái?
- Hai cái rìu và một cái búa.
- Được đấy. Chúng ta gồm hai mươi sáu chiến sĩ còn vững vàng. Có bao nhiêu súng?
- Ba mươi tư.
- Dôi ra tám. Cứ giữ tám khẩu súng ấy, nạp đạn như những khẩu khác và cầm ở tay. Đai lưng đeo kiếm và súng ngắn. Hai mươi người ở chiến lũy. Sáu mai phục trên tầng áp mái và ở cửa sổ tầng hai để nổ súng vào bọn tấn công qua những lỗ châu mai. Mong rằng nơi đây không còn một người lao động nào là vô ích. Chốc nữa, khi trống đánh khai hỏa, hai mươi người ở dưới xông ngay lên chiến lũy. Những người tới đầu tiên sẽ là những người chiếm được chỗ tốt nhất.
Cắt đặt xong, anh quay về phía Javert, và bảo hắn:
- Ta không quên ngươi đâu.
Rồi đặt một khẩu súng ngắn lên bàn, anh nói thêm:.- Người cuối cùng ra khỏi đây sẽ bắn vỡ đầu tên gián điệp này.
- ở đây ư? - Một giọng hỏi.
- Không, đừng để lẫn xác tên này với bọn ta. Ta có thể bước qua chiến lũy nhỏ trên ngõ Mondétour. Nó chỉ cao có bốn pi-ê. Tên này đã bị trói chặt. Ta sẽ dẫn hắn ra đấy mà xử.
Lúc này, có ai đó thản nhiên hơn cả Enjolras:
chính là Javert.
Đến đây, Jean Valjean hiện ra.
Ông đã đứng lẫn vào nhóm nghĩa quân. ông bước ra, và nói với Enjolras:
- ông là người chỉ huy à?
- Vâng.
- Lúc nãy ông đã cảm ơn tôi.
- Nhân danh nền Cộng hòa. Chiến lũy có hai cứu tinh, Marius Pommercy và ông.
- ông có nghĩ rằng tôi xứng đáng được một phần thưởng không?
- Tất nhiên rồi.
- Thế thì tôi xin một phần thưởng.
- Thưởng gì?
- Tự tay tôi bắn vào đầu con người này.
Javert ngẩng đầu lên, trông thấy Jean Valjean, liền làm một động tác khó nhận thấy, và nói:
- Đúng đấy.
Còn về Enjolras, anh đã bắt đầu nạp đạn khẩu các bin của mình. Anh đảo mắt nhìn xung quanh:
- ông hãy nhận lấy tên mật thám.
Quả vậy, Jean Valjean chiếm lấy Javert bằng cách ngồi lên đầu bàn. ông cầm lấy khẩu súng ngắn, và một tiếng lạch xạch nhỏ cho biết ông vừa nạp đạn.
Gần như cùng lúc đó, người ta nghe thấy tiếng kèn vang lên.
- Báo động! - Từ trên đỉnh chiến lũy, Marius kêu to.
Javert cất tiếng cười, cái cười không thành tiếng rất riêng của hắn, và, vừa chằm chằm nhìn nghĩa quân, hắn vừa nói với họ:
- Các người chẳng khỏe hơn ta là mấy.
- Tất cả ra ngoài! - Enjolras kêu to.
Nghĩa quân ồn ào lao ra, và, họ nghe được sau lưng, lời nói này của Javert:
- Hẹn tý nữa nhé!.
Chương II
Những người anh hùng
Khi Jean Valjean còn lại một mình với Javert, ông bèn cởi sợi thừng trói chặt người tù ở phần giữa thân hắn, mà cái nút ở dưới gầm bàn. Sau đó, ông ra hiệu cho hắn đứng dậy.
Javert vâng theo, với một nụ cười thể hiện cô đọng ưu thế của uy quyền bị trói buộc.
Jean Valjean giữ Javert bằng sợi dây ghì đầu, như thể người ta giữ một con vật thồ bằng chiếc đai ngực, rồi lôi hắn sau mình, ra khỏi quán rượu một cách từ từ vì Javert, bị vướng ở chân, chỉ có thể bước được rất ngắn.
Jean Valjean nắm trong tay khẩu súng ngắn.
Cứ thế, họ vượt qua cái cầu thang bên trong chiến lũy. Nghĩa quân, hoàn toàn chăm chú vào cuộc công kích sắp tới nên quay lưng lại phía họ.
Riêng có Marius, ở đầu bên trái ụ chắn, là thấy họ đi qua. Nhóm hai người, kẻ chịu tội và người đao phủ đó, được soi rọi bằng ánh sáng trong lòng họ.
Jean Valjean cho Javert leo lên cái lũy nhỏ ở ngõ Mondétour. Có phần khó khăn, vì hắn bị trói, nhưng Jean Valjean không buông lơi hắn một lúc nào.
Khi đã bước qua ụ chắn đó, họ chỉ còn có một mình trong ngõ. Không ai thấy họ nữa. Chỗ gấp khúc của dãy nhà đã che khuất họ với nghĩa quân. Cách họ vài bước, là những xác chết được lôi từ chiến lũy ra thành một đống khủng khiếp.
Người ta nhận thấy trong đống người chết, một khuôn mặt nhợt nhạt, một bộ tóc bị xổ tung, một bàn tay bị thủng và một cái vú đàn bà bị hở một nửa. Đó là Eponine.
Javert nghé xem người chết ấy, rồi, rất mực bình tĩnh, nói khẽ:
- Hình như tôi biết cô gái này.
Rồi hắn quay về phía Jean Valjean.
Jean Valjean kẹp khẩu súng ngắn dưới cánh tay, chằm chằm nhìn Javert, như để bảo hắn, mà không cần dùng lời nói:
- Javert, chính ta đây.
Javert trả lời:.- Ngươi cứ trả thù đi.
Jean Valjean rút trong túi ra một con dao, mở nó ra.
- Một con dao găm! - Javert kêu lên. - Thế là phải. Cái đó hợp với ngươi hơn.
Jean Valjean cắt sợi dây ghì đầu ở cổ Javert, cắt những sợi thừng ở cổ tay hắn, rồi cúi xuống, cắt sợi dây ở chân hắn, và đứng thẳng lên, ông nói với hắn:
- Anh được tự do.
Javert chẳng phải là kẻ dễ ngạc nhiên. Song, tuy vẫn hoàn toàn làm chủ được bản thân, hắn không khỏi xúc động. Hắn đứng yên, miệng há hốc.
Jean Valjean nói tiếp:
- Tôi không nghĩ là tôi ra khỏi được đây.
Tuy vậy, nếu ngẫu nhiên mà ra được, thì tôi ở phố Homme-Armé, số bảy, với cái tên là Fauchelevent.
Javert cau mặt, kiểu cau mặt của con hổ, khiến mép hắn nhếch ra, và hắn lầm bầm:
- Ngươi hãy coi chừng.
- Anh đi đi. - Jean Valjean nói.
Javert khẽ nhắc lại:
- Số bảy.
Hắn cài lại khuy áo lễ, tạo lại dáng cứng nhắc của nhà binh giữa đôi vai, quay người lại, vừa khoanh tay vừa đỡ cằm trong một bàn tay, rồi bắt đầu bước về phía chợ.
Jean Valjean chăm chú theo dõi hắn.
Đi được vài bước, Javert lại quay người lại và kêu lên với Jean Valjean:
- ông làm phiền tôi. ông giết tôi đi thì hơn.
Chính Javert cũng không nhận thấy rằng mình đã không xưng hô khiếm nhã với Jean Valjean nữa.
- Anh đi ngay đi. - Jean Valjean nói.
Javert đi xa dần, bước đi chậm chạp. Một lúc sau, hắn rẽ, ở góc phố Prêcheurs.
Thấy Javert đã đi khuất, Jean Valjean bèn nhả đạn lên trời.
Rồi ông trở về chiến lũy và nói:
- Xong rồi.
Trong khi đó, có một chuyện đã xảy ra.
Marius, vì mắc bận ở bên ngoài, nên đến tận lúc đó vẫn chưa nhìn kỹ tên gián điệp bị trói, ở cuối căn phòng thấp tối tăm..Khi trông thấy hắn giữa ban ngày, bước qua chiến lũy để đi đến chỗ chết, chàng mới nhận ra hắn. Một kỷ niệm bỗng ùa vào tâm trí chàng.
Chàng nhớ đến viên thanh tra phố Pontoise và hai khẩu súng ngắn mà hắn đã trao cho chàng mà chính chàng, Marius, đã dùng, ngay trong chiến lũy này; và, không chỉ nhớ mặt, chàng còn nhớ cả tên nữa.
Tuy vậy, kỷ niệm đó mờ mịt và rối mù như tất cả những ý nghĩ của chàng. Chàng không khẳng định, mà tự hỏi mình:
- Liệu có phải đó là viên thanh tra cảnh sát đã bảo mình tên là Javert không?
Có lẽ vẫn còn thì giờ để can thiệp giúp con người ấy? Nhưng trước hết phải biết có thật đó là Javert không đã.
Marius gọi hỏi một người vừa mới đến chỗ đầu kia chiến lũy.
- Người kia tên là gì?
- Javert.
Marius rướn người lên.
Lúc đó, người ta nghe thấy tiếng súng ngắn.
Jean Valjean lại xuất hiện và kêu lên: Xong rồi.
Một cảm giác lạnh lẽo u uẩn xuyên qua trái tim Marius.
Bỗng tiếng trống hiệu nổ súng nổi lên.
Cuộc tấn công diễn ra như bão táp. Đêm hôm trước trong bóng tối, quân đội đã lặng lẽ tiến đến gần chiến lũy, như một con trăn. Giờ đây, giữa ban ngày, trong cái phố toang hoang này, dứt khoát không thể đột kích được, vả lại lực lượng sống động đã tự bộc lộ, đại bác đã bắt đầu gầm lên, quân đội tràn lên chiến lũy. Thịnh nộ bây giờ là khôn khéo. Một đội bộ binh phòng tuyến mạnh, xen vào đó, từng quãng đều nhau, còn có vệ quốc quân và vệ binh thành đi bộ, -và dựa vào những đám đông ngầm mà người ta chỉ nghe thấy chứ không nhìn thấy, chạy ào vào phố, trống rung, kèn thổi, lưỡi lê đan chéo nhau, công binh đi đầu, và điềm nhiên dưới làn đạn pháo, tới thẳng chiến lũy, với sức nặng của một thanh rầm bằng đồng thau thúc vào một bức tường.
Bức tường vẫn vững.
Nghĩa quân bắn xối xả. Chiến lũy bị trèo lên, như có một cái bờm bằng những tia chớp. Cuộc xung kích điên cuồng đến nỗi, có một lúc chiến lũy như tràn ngập kẻ tấn công. Nhưng nó rũ bọn.lính ra như con sư tử rũ lũ chó, và chiến lũy bị quân vây hãm bao trùm cũng chỉ như vách đá bị bọt bao phủ, để rồi một lúc sau, lại hiện ra, hiểm trở, đen ngòm và khủng khiếp.
Đội quân buộc phải rút lui, vẫn tụ tập trong phố, ngang nhiên, ghê gớm, và chống trả lại cái đồn lẻ bằng một loạt súng đáng sợ.
Phố xá rải đầy xác chết.
Marius chiến đấu dũng cảm nhưng lộ liễu.
Chàng biến mình thành điểm ngắm. Chàng nhô khỏi đỉnh công sự đến hơn nửa người.
Đạn dược của nghĩa quân đã cạn nhưng những tiếng cười đùa châm biếm của họ thì không cạn. Trước những nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết, họ vẫn cười hoặc nói về những điều cao cả.
Bên trong chiến lũy, vỏ đạn rách nhiều đến nỗi như thể trời đã có tuyết.
Đội quân tấn công có số lượng lớn nhưng nghĩa quân có vị trí thuận lợi, họ ở trên thành cao, và giáng đòn sấm sét vào chúng. Bọn lính ào lên vấp phải những xác chết, những tên bị thương và bị vướng trong những bờ dốc đứng.
Cái chiến lũy đó, đựng lên như thế, lại có tường chống tuyệt vời, quả là một trong những nguyên nhân khiến một nhúm người làm thất bại cả một quân đoàn. Song, đội quân luôn luôn được bổ sung thêm và đông dần dưới làn mưa đạn. Đội quân tấn công cứ tiến gần chiến lũy một cách khắc nghiệt, và giờ đây, dần dà, từng bước một, nhưng chắc chắn, nó đã siết chặt chiến lũy như cái vít siết chặt bàn ép vậy.
Những đợt xung kích nối tiếp nhau. Nỗi khủng khiếp lớn dần.
Thế là trên đống đá lát đó, trên cái phố Chanvrerie đó, đã nổ ra một cuộc chiến đấu xứng đáng với một thành Troie. Những con người xanh xao, quần áo rách bươm, kiệt sức, chưa được ăn, ngủ đã hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Họ chỉ mới bắn được vài phát, mà sờ đến túi thì thấy rỗng, không có đạn. Hầu hết họ đã bị thương, đầu hoặc cánh tay băng bằng một miếng vải dính gỉ sắt và đen nhẻm, quần áo thì thủng lỗ chỗ và máu từ đó chảy ra, vũ khí thì chỉ có những khẩu súng tối tân và những thanh gươm cũ đã mẻ.
Những con người ấy đã trở thành những người Khổng lồ. Chiến lũy đã mười lần bị áp sát, tấn công, leo lên, mà chẳng hề bị chiếm.
Người ta đánh giáp lá cà, vật nhau, đá nhau, dùng súng ngắn, dùng gươm, dùng cả quả đấm, đánh từ xa, đánh ở gần, từ trên cao, từ dưới thấp, từ khắp nơi; từ những mái nhà, từ những cửa sổ quán rượu, từ cửa hầm thậm chí từ dưới hầm, nơi có vài người lọt xuống. Họ lấy một chọi lại sáu mươi. Mặt ngoài quán rượu, bị phá mất một nửa, nom thật gớm ghiếc. Cửa sổ, bị xăm bởi hàng tràng phát đạn, đã mất kính và khung và chỉ còn là một cái lỗ dị hình, được bịt qua quýt bằng những viên đá lát. Bossuet bị giết, Feuilly bị giết; Joly cũng bị giết, Com-beferre đang vực một tên lính bị thương dậy thì bị ba nhát lê xuyên qua ngực, chỉ kịp nhìn trời và thở hắt ra.
Marius vẫn chiến đấu và bị lỗ chỗ nhiều vết thương, đặc biệt là ở đầu, đến nỗi mặt chàng bị chìm trong máu, như thể trùm trong một chiếc khăn tay đỏ.
Tình hình trở nên vô vọng. Bọn vệ binh xung kích đợt cuối cùng và chiến lũy bị thất thủ.
Bảy, tám người sống sót, chẳng mấy chốc bị bọn lính đuổi theo, phải rút chạy vào quán rượu.
Marius vẫn ở lại bên ngoài. Một phát súng vừa nổ làm cho chàng bị gãy xương đòn gánh.
Chàng cảm thấy mình bị ngất đi và ngã xuống.
Lúc đó, mắt đã nhắm, chàng có cảm tưởng là một bàn tay mạnh mẽ túm lấy mình, và rồi ngất đi và mê man, chàng không còn đủ thời gian dành cho ý nghĩ ấy trộn lẫn với kỷ niệm cuối cùng về Cosette:
- Mình bị bắt làm tù binh. Mình sẽ bị xử bắn.
Thực tế, Marius đã là tù binh. Tù binh của Jean Valjean.
Cái bàn tay đã ghì lấy chàng từ phía sau vào lúc chàng ngã xuống, cái bàn tay mà trong khi bất tỉnh, chàng đã cảm thấy nó túm lấy mình, đó là bàn tay của Jean Valjean.
Trong cuộc chiến đấu, Jean Valjean đã chỉ nhận về mình những khó khăn, đó là hứng chịu, xả thân. Nếu không có ông, thì trong giai đoạn cuối cùng của cơn hấp hối này, sẽ chẳng có ai nghĩ tới những người bị thương. ông có mặt ở khắp nơi trong cuộc chém giết để chăm sóc những người bị thương, những ai ngã xuống đã được vực dậy, chuyển vào căn phòng thấp, và.được băng bó. Những lúc khác, ông sửa sang chiến lũy. Nhưng hai bàn tay ông không hề làm gì có thể giống một đòn đánh, một cuộc công kích, hoặc ngay cả một sự tự vệ cá nhân. ông lẳng lặng cứu giúp. Vả lại, ông chỉ bị sây sát đôi chút. Những viên đạn đã không chạm đến ông.
Trong mây mù dày đặc của cuộc chiến đấu, Jean Valjean có vẻ như không nhìn thấy Marius.
Sự thực là ông chẳng rời mắt khỏi chàng.
Khi một phát đạn làm Marius ngã xuống, Jean Valjean đã nhảy vọt lên, nhanh nhẹn như một con hổ, sà xuống chàng như xuống một con mồi, và xốc chàng đi.
Cơn lốc của cuộc công kích lúc đó tập trung dữ dội vào Enjolras và cửa quán rượu, nên chẳng ai trông thấy Jean Valjean, hai tay đỡ Marius đang bị ngất, băng qua cái nền tróc đá của chiến lũy, rồi biến vào sau góc nhà.
Đến đó, Jean Valjean dừng lại, để Marius trượt xuống đất, rồi tựa lưng vào tường, và đảo mắt quanh mình.
Tình hình thật đáng sợ.
Lúc này, có lẽ được hai hoặc ba phút, vạt tường này có thể là một chỗ trú, nhưng làm sao ra khỏi cuộc chém giết kia?
Trước mặt ông là một ngôi nhà bảy tầng đứng trân trân và câm lặng, hình như chỉ có một người ở, đó là người đàn ông đã chết, vắt qua cửa sổ. Bên phải ông là một chiến lũy hơi thấp, chặn phố Petite-Truanderie. Bước qua vật chướng ngại đó có vẻ cũng dễ thôi, nhưng người ta trông thấy bên trên đỉnh chiến lũy có một hàng lưỡi lê nhọn hoắt. Đó là đội quân phòng tuyến, đóng bên kia chiến lũy, và đang rình.
Hiển nhiên rằng vượt chiến lũy đó là đi hứng lấy hỏa lực của một trung đội, và bất cứ cái đầu nào liều lĩnh vượt lên khỏi đỉnh bức thành đá lát, cũng sẽ làm bia ngắm cho sáu mươi phát súng. Bên trái ông là chiến trường. Cái chết đang ở phía sau góc tường. Làm thế nào đây?
Chỉ một con chim mới có thể rút ra khỏi nơi đó được.
Mà phải quyết định ngay, phải tìm ra một mưu mẹo, rồi quyết định thực hiện. Người ta đang đánh nhau cách ông vài bước. May mà tất cả chỉ bám riết vào một điểm duy nhất, vào cửa quán rượu. Nhưng nếu một tên lính, chỉ một tên thôi, nảy ra ý nghĩ đi quanh ngôi nhà, hoặc công kích vào sườn nhà, thì thật là hết..Jean Valjean nhìn ngôi nhà trước mặt, nhìn chiến lũy bên cạnh, rồi ông nhìn xuống đất, cuống lên, cứ như thể ông muốn đào một cái lỗ bằng đôi mắt của ông vậy.
Ông nhận thấy, cách mình vài bước, bên dưới một ụ chắn nhỏ được ráo riết canh giữ và rình rập từ bên ngoài, dưới một đống đá lát đã bị che khuất một phần, có một tấm song sắt đặt nằm sàn sàn mặt đất. Tấm song đó, được làm bằng những thanh ngang khỏe, rộng khoảng hai pi-ê vuông. Cái khung đá lát giữ nó đã bị người ta lấy đi, nên nó như bị tháo ra. Qua song sắt, người ta thoáng thấy một lỗ cửa tối om, một cái gì đó giống như ống dẫn của một lò sưởi hoặc hình trụ của một bể chứa.
Jean Valjean lao đến. Thủ thuật cũ về những cuộc đào thoát bốc lên đầu ông như một luồng sáng.
Gạt những viên đá lát ra, nâng tấm song sắt lên, vác Marius bất động như một xác chết lên vai mình. Với gánh nặng đó ở ngang lưng, nhờ sự giúp đỡ của khuỷu tay và đầu gối, ông bước xuống một cái gì đó giống như cái giếng, may mà không sâu lắm. Để cánh cửa bằng sắt nặng lại sập xuống phía trên đầu mình và làm cho đá lát long lở lại đổ xuống cửa sập, đặt chân lên một diện tích lát đá ở dưới mặt đất ba mét, những việc đó đã được Jean Valjean thực hiện như trong một cơn mê sảng, bằng sức mạnh của người khổng lồ và sự nhanh nhẹn của chim đại bàng, những việc đó kéo dài không đến vài phút.
Jean Valjean thấy mình, cùng với Marius vẫn ngất lịm, ở trong một thứ hành lang dài dưới lòng đất.
ở đó, cực kỳ yên ổn, tuyệt đối im lặng, tối đen.
ấn tượng mà ngày xưa ông đã cảm thấy khi rơi từ ngoài phố vào tu viện, trở lại với ông. Chỉ có điều là vật ông mang đi hôm nay không phải là Cosette nữa, mà là Marius.
Bây giờ, trên đầu ông, cảnh huyên náo khủng khiếp của quán rượu bị đánh chiếm, ông chỉ thoảng nghe thấy như một tiếng lầm rầm mơ hồ..