19/4/13

Khoảng đời lấp lửng (C5-6)

Chương 5

Sang về rồi Oanh đang hát líu lo sau bếp, sáng nay cô đã diễn xuất sắc vai đào thương. Phượng hơi bĩu môi khi nhớ đến tiếng khóc nỉ non của chị mình ban sáng. Cô tự hỏi:

“Nếu mình cũng yêu anh Sang thì chuyện gì sẽ xảy ra, chị Oanh có nhúng tay vào không? Chắc chắn là Oanh sẽ chẳng chịu nhường một khi cô để ý đến Sang”.

Tố Phượng cà nhắc chân ra ngoài sân. Chiều đang xuống. Cây mận xào xạc lá, khoảng sân xi măng vẫn còn nóng, bàn chân trần của cô thích thú đón hơi ấm của đất. Tự dưng Phượng cảm thấy mình cô đơn quá, lũ bạn đến thăm chật nhà cũng đã về hết rồi. Cô bâng khuâng nhớ đôi mắt Nhân, anh ta để ý Phượng từ lâu nhưng không bao giờ dám tỏ tình. Lúc nãy Nhân cứ nhìn Phượng da diết làm cô bối rối, anh ta rụt rè đề nghị mỗi ngày sẽ đưa đón Phượng đến trường và cô đã từ chối, dù cô cũng đang rầu rĩ vấn đề đi đứng vô cùng. Đường đi đến trường khá xa, mỗi ngày bắt Oanh chở đi chở về bằng chiếc mini nhỏ xíu thì thật là tội cho chị ....Phượng nhớ lại bài hát “Phượng hồng” anh ta hay hát:

“Mối tình đầu của tôi, nhờ cây đàn xa xôi Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu ...”.

Phượng vẫn hiểu điều đó chứ nhưng rất tiếc cô không thích mẫu đàn ông rụt rè như Nhân.

Tiếng Honda ngừng ngoài cổng làm Phượng hồi hộp. Đúng là Trường. Anh ra dấu cho cô ngồi yên trên ghế đá rồi loay hoay mở cổng bước vào. Một tay anh cầm một cây gậy, một tay anh cầm bó cúc vàng. Chiều nay trông Trường rất lịch sự, áo chemise màu vàng nhạt bỏ trong chiếc quần tây đen may rất khéo và rất đúng mốt. Trông anh như một chàng công tử.

Trường ân cần đưa Phượng bó hoa:

– Bó cúc này xin thay lời tạ lỗi. Nói thật, đêm qua tôi khó ngủ quá, cứ nghĩ rằng tại mình mà Phượng đau chân. Lòng tôi áy náy vô cùng. Chẳng hiểu vì đâu mình lại lơ đãng đến mức té đè lên người khác.

Phượng nhìn Trường bối rối. Cô nâng niu những nụ cúc vàng bé nhỏ trong tay:

– Phượng tưởng anh Trường sẽ không bao giờ đến nữa.

Trường tự nhiên ngồi xuống kế Phượng, giọng anh ấm áp:

– Tưởng thì tưởng như vậy, nhưng nghĩ lại thì khác ...Và Phượng đã rất trông tôi?

Phượng đỏ mặt. Cô ấp úng chối:

– Đâu có!

Trường nhìn Phượng, anh cười tự tin:

– Trên đường đi đến đây tôi luôn nghĩ sẽ gặp Phượng ngồi đợi ở sân. Đến nơi, quả là đúng như tôi tưởng tượng. Cô bé ngồi một mình có vẻ gì cô đơn và buồn bã quá.

Phượng chưa biết nói sao thì Trường đã tiếp:

– Tôi tìm không ra cây nạng, đem cây gậy này đến, Phượng chống đi đỡ ...À!

Chị của Phượng có ở nhà chứ?

Phượng gật đầu:

– Chị Oanh đang bận sau bếp. Để Phượng gọi ...

Trường nhíu mày:

– Chưa vội đâu cô bé.

Phượng ngồi im hờ hẫng. Cô thầm trách Trường sao mau thay đổi ý kiến.

Giọng Trường vang lên:

– Sáng nay Phượng nghỉ học?

– Dạ.

Trường có vẻ lo lắng:

– Mất bài rồi sao chép lại kịp?

Phượng chớp mắt:

– Bạn Phượng chép giùm. Với lại, cuối học phần ôn tập là chủ yếu.

Giọng Trường nhè nhẹ:

– Không đi học rồi biết đâu mà ôn tập?

Phượng rụt rè:

– Chắc mai Phượng đi ...

– Ai chở?

– Chị Oanh chở.

Trường lại hỏi tiếp:

– Bằng gì?

– Xe đạp.

Trường lắc đầu:

– Hơi nguy hiểm, nếu yếu tay lái té nữa thì không biết sao.

Phượng cắn môi. Biết nói tiếp gì bây giờ. Cô đã trông anh suốt ngày, tha thiết được gặp lại anh, thế mà cô chỉ biết trả lời những câu khô khốc như đang bị hỏi cung. Bình thường cô nhút nhát thật, nhưng cũng đâu đến nỗi tệ vậy.

Phượng chồm người ra sau gọi to:

– Chị Oanh ơi!

Trường nghe tiếng “ơi” trong trẻo rồi chừng vài giây sau anh thấy một Phượng nữa dang từ trong bước ra. Trường nhìn sững sờ quên cả chào hỏi.

Oanh mỉm cười, cô hướng mắt nhìn của mình vào Trường:

– Anh Trường phải không? Hôm qua anh có nghe Phượng nói.

Cô nhanh nhẹn ngồi lên chiếc đôn sứ gần đó, vừa vén mái tóc dài đen nhánh sang một bên, Oanh vừa nói tiếp:

– Oanh tưởng tượng anh Trường khác lắm!

Trường vẫn chưa rời mắt mình khỏi Oanh, anh bắt bẻ:

– Khác như thế nào, Oanh nói thử tôi nghe xem mình xấu xí giống ai?

Oanh nghiêng đầu nghịch ngợm:

– À! Oanh nghĩ anh phải to, nặng ký như mấy ông xì thẩu nên em Phượng mới ra nông nỗi như vầy.

Trường cũng trả đũa:

– Tôi cũng tưởng chị Oanh rất khác kìa.

Oanh liếc nhanh cặp mắt ướt long lanh của mình về phía Trường rồi nũng nịu:

– Chắc anh Trường nghĩ chị Oanh của Phượng là một bà gái già quá độ, mặt lạnh như băng, khó đăm đăm chứ gì?

Trường cười đáp:

– Ngờ đâu cô ta cũng chỉ là một cô bé con. Chắc chị em song sanh?

Oanh lại liếc Trường một cái nữa. Cô yểu điệu đứng dậy:

– Xin lỗi! Nãy giờ Phượng chưa mời anh Trường uống nước. Chờ Oanh một chút nhé!

Phượng chợt thấy nhoi nhói ở ngực, một linh cảm mơ hồ làm cô bất an. Cúi xuống Phượng vuốt những nhánh cúc mềm.

– Phượng có thích hoa cúc không?

Phượng cười gượng:

– Có chứ! Hoa cúc bao giờ cũng dịu dàng và dễ thương.

Trường nói theo:

– Và hoa cúc cũng có vẻ trầm lặng, sâu lắng của mùa thu.

Phượng bạo dạn hơn:

– Anh Trường thích hoa cúc?

– Không!

Phượng ngỡ ngàng. Trái tim yếu đuối rụt rè của cô như bị ai bóp đau buốt.

Tiếng “không” lạnh lùng, vô tình của Trường như một lời chối bỏ chút tình cảm mới mẻ vừa chớm nở trong lòng Phượng. Cô ngồi lặng lẽ nhìn Oanh bưng ra ba ly nước chanh và một dĩa bánh, quà của lũ bạn đến thăm Phượng lúc sáng.

Oanh duyên dáng:

– Mời anh Trường ăn bánh, uống nước chanh không đá.

Trường cười rất tươi, anh lịch sự cầm một cái bánh đưa cho Phượng rồi hóm hỉnh nói:

– Trước khi đi, tôi có bấm độn biết là sẽ có lộc ăn.

Oanh bắt bẻ:

– Chỉ có lộc ăn thôi sao?

– À! Cũng có thể còn lộc khác nữa, nhưng nếu nói ngay người ta sẽ chê mình hấp tấp.

Phượng cười. Rõ là Trường cũng chẳng vừa trong khoa ăn nói có thể xứng làm đối thủ với chị Oanh.

Giọng Oanh vẫn ríu rít:

– Con bé Phượng xui mà vẫn còn may. Nếu không phải là anh, gặp người khác chắc con bé chỉ có nước ngồi bên lề đường mà khóc.

Trường đặt ly nước chanh xuống khay:

– Người nào cũng động lòng trước một đôi mắt đẫm lệ. Tôi cũng chưa xuất sắc trong vai người hùng đâu.

Phượng nhỏ nhẹ ăn bánh. Cô cứ ẩn mình trong chiếc vỏ mà nghe Oanh và Trường nói chuyện. Bình thường cô cũng “đanh đá” lắm cơ mà, sao hôm nay cô hiền thế!

Qua câu chuyện, cô mới biết trước đây Trường từng học dở dang ở Tổng hợp Hóa, anh bỏ học không phải vì cuộc sống khó khăn mà vì buồn bực cha mình. Cậu con trai út trong gia đình trung lưu thích cuộc sống phiêu lưu rong ruổi kiểu “Bô-hê-miêng” đã chọn ngay nghề lái xe để tha hồ bay nhảy.

Càng nói chuyện, Trường càng bị Tố Oanh mê hoặc. Trời mỗi lúc một tối, ngồi bên hai cô gái giống nhau đến mức có lúc Trường có cảm tưởng đó là một người, nhưng cô chị đang biến hóa lúc lặng lẽ âm thầm kín đáo nhìn anh, rồi có lúc hoạt bát, liến thoắng đa tình ở cặp mắt liếc, đôi môi trề nũng nịu.

Ở cô chị, Trường bị cuốn hút khi nói chuyện, cô ta trẻ con trong người lớn.

Còn ở cô em, Trường phải để trống thời gian khi nói chuyện, đó là điều anh rất kỵ, cô ta có vẻ rụt rè kín đáo quá, một người lớn trong trẻ con. Nhưng cả hai chị em, người nào cũng dễ làm bọn đàn ông say đắm. Trường khoan khoái nhìn Tố Oanh và Tố Phượng, anh hí hửng với ý nghĩ “bỗng dưng trời đã cho anh một lúc đến hai đóa hoa hương sắc”.

Tố Oanh ngồi trước bàn học nhưng đầu óc cô không có lấy một chữ, những tính toán quỷ quyệt hơi phiêu lưu cứ đầy rẫy trong hồn cô.

Kể từ khi biết mình lầm, Sang đã chấm dứt luôn những buổi hẹn hò với Oanh. Hẳn là do cô tính sai nước cờ. Oanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, nên cô tưởng đồng ý cho Trường hằng ngày chở Phượng đi về hai buổi học là một sáng kiến. Oanh không ngờ việc đón đưa diễn ra hằng ngày trước mắt mọi người từ sinh viên đến giáo viên trong trường đã làm Sang bực bội, tự ái. Anh đã lạnh lùng hướng nhìn của mình về phía Tố Phượng mỗi khi vào lớp. Sang càng thấy Phượng hồn nhiên vui đùa với bạn anh càng nổi giận. Dầu sao bọn sinh viên cũng biết anh và Phượng (chớ không nghĩ là Oanh) có những lần ngồi riêng trong quán nước thế mà bây giờ cô để người khác đón đưa.

Oanh tìm nhiều cách gặp riêng Sang nhưng cũng hiếm hoi khi nào cô được gần anh. Những lần hẹn hò thưa dần đi làm Oanh sầu héo. Rồi nữa, sự xuất hiện của một nữ giáo viên trẻ đẹp mới về trường mấy tháng nay làm Oanh lo. Cô lạ gì tính Sang, trước đó cô đã phụng phịu ghen tương với Sang khi nghe bạn bè đồn ầm là Sang có tình ý với cô Hồng Trang. Nay chuyện đã khá rõ, Sang đã có nơi để trổ tài tán tỉnh. Anh lại sẽ thì thầm đọc thư tình cho cô ấy nghe, hào hoa trong cách cư xử săn đón, chăm sóc trong những buổi dạy chung giờ, Oanh đã bén mùi ghen tuông.

Giữa lúc Oanh buồn bã thì cuộc chiến tranh lạnh giữa cô Thoa và cô Hồng Trang đã bắt đầu gay cấn đến nỗi bọn sinh viên cũng biết. Dạo này Sang ra sức chiều chuộng Hồng Trang hơn trước, đôi lúc anh chờ cô về, rồi đưa cô vào trường ngoài những buổi dạy của mình. Oanh khốn khổ vô cùng, mơ ước và mục đích cô theo đuổi phải phút chốc mà hư hao. Cô đã suy nghĩ rất nhiều cách làm thế nào để Sang phải là của cô.

Buổi chiều vào trường, Oanh nghe bọn con trai rủ nhau đi nhậu, chúng mời cả Sang cùng đi cho vui. Oanh bồn chồn trong lòng nhưng không biết làm sao để gặp Sang. Cô cứ đứng bên gốc Phượng mà thắc thỏm.

Khi bước theo học trò, Sang thấy Oanh. Anh nhìn cô hơi lâu rồi nhỏ nhẹ:

– Em đứng đây làm gì thế Tố Oanh?

Cô nhìn chân mình nói nhỏ:

– Em đợi thầy ...có chút chuyện.

Sang nhìn học trò chờ ngoài cổng:

– Thầy phải đi với sinh viên.

Oanh ngập ngừng:

– Em biết! Nhưng lâu rồi ...

Sang liếc vội cô:

– Ngày mai, bốn giờ, cũng chỗ cũ.

Oanh nhẹ nhõm. Cô biết Sang vì giận đã xa lánh cô, chứ thật ra anh vẫn còn nghĩ đến cô. Nhưng phải làm sao Sang phải là của cô, thuộc về cô kìa.

Về đến nhà, Oanh thấy Phượng đang ngồi ngoài sân với Hồng Loan. Cô bé đến hỏi xem tối nay Tố Phượng có vào trực trường không.

Oanh cười:

– Chân với cẳng như vậy làm sao mà trực.

Hồng Loan nói:

– Không đi được nhưng lại được, nói được là được rồi đó. Đông vui mà Oanh. Tụi này muốn nó vào chơi mà!

Oanh thắc mắc:

– Vậy tối nay giáo viên ai trực hở Loan?

Hồng Loan ranh ma:

– Cô Thoa, cô Trang và thầy Sang ...không biết ai sắp lịch trực cũng độc tài.

Hai cô giáo sẽ phải thức canh cho ông thầy ngủ. Người này sợ người kia là ăn trộm. Hì ...hì ...Cái gì chứ ăn trộm tình yêu thì khó xử lắm.

Hồng Loan cười khúc khích phán tiếp:

– Dạo này phải công nhận cô Thoa diện ác. Áo dài thôi ...đủ kiểu, đủ màu. Cổ sợ Hồng Trang lọt vào trái tim thầy Sang hay sao ấy! Còn ông Sang, từ hồi thấy nhỏ Phượng có người đưa đón ổng buồn tình đâm ra ga lăng với cô Trang hết cỡ. Mấy đứa học trò cô Trang, tụi nó nói cổ coi vậy chớ không dễ thương và tận tâm bằng cô Thoa, đẹp thành ra kêu kiệu lắm. Mỗi lần nói chuyện với thầy Sang, cổ nhõng nhẽo một cách cố ý thầy mà “rùng rợn” rởn da gà.

Phượng cười trước nét mặt diễn tả quá cỡ của Loan, cô liếc gương mặt bình thản của Oanh mà thắc mắc, không biết trong cái đầu xinh xắn giống y như đầu của cô đang diễn ra những mưu ma, kế quỷ gì. Phượng bất ngờ khi nghe Oanh sốt sắng nói với Hồng Loan:

– Tối nay Oanh sẽ vào trực thay Phượng. Đông vui mà!

Phượng phản đối ngay:

– Thôi, không cần đâu chị Oanh! Em có nhờ con Trúc Đào trực thế rồi.

Oanh nhìn Loan rồi rầy Phượng:

– Nhờ làm chi cho mất công mang ơn. Để tối nay Oanh vào trực với nhóm Hòng Loan nha.

Loan cười, cô vô tình nói vào:

– Khỏe thôi! Có nhiều người ít sợ ....Vậy tối nay Oanh nhớ vào trực với nhóm Hồng Loan nhe. Giờ Loan về à!

Phượng ấm ức nhìn Oanh tiễn Loan ra cửa. Oanh trở vào đứng trước mặt Phượng, thẳng thừng nói:

– Chị muốn gặp riêng thầy Sang.

– Nhưng đây là ca trực của em. Em biết chị định có ý đồ gì đó, chớ không phải chỉ là muốn gặp thầy Sang không?

Oanh lạnh lùng liếc em:

– Hứ! Hổm nay em vui vẻ hạnh phúc bên Trường nên đâu thèm biết đến nỗi khổ của ai khác. Chị chỉ muốn gặp anh Sang, em có nghe lúc nãy con Loan nói gì không? Lẽ nào em nỡ để chị bị anh Sang bỏ rơi hở Phượng?

Tố Phượng nhìn lơ ra cửa:

– Nhưng nếu ông Sang bỏ rơi chị thật thì chị gặp thầy cũng vô ích.

Tố Oanh tự tin:

– Sao lại vô ích chứ? Chị có cách của chị.

Phượng vẫn không chịu:

– Nhưng cách đó đụng đến em. Vào trực trường chứ đâu phải hò hẹn.

Oanh nhún vai:

– Có gì mà đụng. Chị vào trực thay em, danh chánh ngôn thuận đàng hoàng mà.

– Nhưng mà sao em biết chị sẽ làm gì?

Oanh nhếch mép:

– Em khờ lắm Phượng à! Dù thế nào chị cũng phải là vợ anh Sang.

Phượng trố mắt nhìn chị. Cô nghe Oanh nói rồi bất chợt cô phá ra cười. Cô cười đến nỗi Oanh tái cả mặt vì tức:

– Im! Làm gì em cười?

Phượng bĩu môi:

– Nghe trái lỗ tai quá nên em phải cười chứ sao nữa. May mà chị nói với em, chớ chị mà nói với mẹ thì chắc bị dũa.

Oanh sa sầm nét mặt:

– Em đừng nói đến mẹ, chị không thích đâu?

Phượng khó chịu:

– Đến mẹ mà chị còn nói thích với chẳng thích, huống hồ chi em. Em biết, chị sẽ bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích của chị. Em nói rồi, tối nay chị không có đi trực gì hết á!

Oanh sấn tới trước mặt Phượng:

– Quyền hành ghê thật! Lý do gì em buộc chị ở nhà?

Rồi Oanh cười nhạt:

– Chị biết em yêu thầy Sang mà làm bộ làm tịch. Em muốn chị phải khổ em mới hả dạ phải không?

Phượng tựa người vào lưng ghế, khoanh tréo hai tay trước ngực, cô cao giọng:

– Chị nói thế cũng chẳng ăn thua gì đến em đâu. Đừng vu khống, nhàm lắm rồi Oanh ơi! Còn ai yêu thầy Sang? Chị chỉ thích thầy để ý tới thôi. Nếu thầy Sang chỉ là một người tầm thường chị đâu để ý đến, chẳng qua chị muốn được vuốt ve chiều chuộng bởi một người đặc biệt hơn những tên con trai xung quanh chị, đó là một ông thầy uy quyền trên bục giảng, thần tượng của biết bao trái tim. Chị đã nắm được trái tim của thầy Sang, chị đâu muốn nó vuột khỏi tay chị.

Oanh trợn mặt lên, cô cứng họng vì những lời lạnh lùng độc đáo của Phượng. Oanh ngồi im lặng rất lâu, rồi xuống nước năn nỉ:

– Phượng! Để chị vào trường tối nay!

– Sao lại phải vào tối nay? Thiếu gì lúc chị có thể gặp thầy?

– Nhưng đây là cơ hội của chị.

Phượng lạ lùng:

– Chị định làm gì chứ?

Oanh dịu dàng:

– Chị sẽ năn nỉ anh ấy đừng vì chút tự ái mà làm khổ nhau.

Phượng bĩu môi:

– Em không tin trái tim tự cao của chị sẽ năn nỉ người nào cả. Em biết chị định âm mưu gì đó nhằm mục đích trở thành vợ thầy Sang. Em không dại dột như hồi nhỏ đâu Oanh. Em chán những lời dối như cuội của chị quá rồi.

Oanh đứng dậy không thèm nói gì với Phượng cả. Phượng nghẹn ở cổ. Cô ấp úng vì biết mình đã thua:

– Nếu tối nay chị đi, tuần này mẹ lên, em sẽ mách mẹ.

Oanh thản nhiên cười:

– Chị có làm gì đâu mà mách mẹ? Mà em có mách, mẹ cũng ủng hộ chị thôi!

Phượng tức giận:

– Chị quá lắm rồi đó!

Oanh bước xuống bếp dọn cơm. Cô gọi:

– Phượng! Xuống ăn cơm đi! Thế nào một chút nữa Trường cũng đến chơi.

Phượng chợt nhói tim khi nghe Oanh nhắc đến Trường. Cô có một linh cảm mơ hồ là Trường rất thích Oanh, anh đưa đón cô mỗi ngày cũng là để gần gũi với Oanh thôi. Cô thở dài buồn bã, lo âu. Oanh đâu vừa gì, cô cũng rất đẩy đưa với Trường dù cô biết em mình đã đặt tình cảm vào anh ta khá sâu đậm. Hai chị em chẳng ai nói với ai một lời. Phượng tức gì đâu, nhưng đầu cô chợt lóe lên ý nghĩ ...cứ để Oanh đi tối nay. Cô sợ mất Trường? Phượng thấy hổ thẹn vì bỗng dưng cô lại đồng lõa với Oanh chỉ vì nghĩ tới chút tình cảm của mình. Oanh chợt hỏi:

– Cô Hồng Trang có dạy em không?

Phượng nuốt vội miếng cơm:

– Không! Mà sao?

Oanh ngập ngừng một thoáng:

– Thế ...em thấy chị với bà ta, ai hơn ai?

Phượng nhăn mặt:

– Hỏi gì kỳ cục, không biết mắc cỡ.

Oanh tỉnh bơ:

– Chị em với nhau có gì giấu giếm mà mắc cỡ. Đương nhiên với thiên hạ, chị chẳng bao giờ hỏi như vậy.

Phượng mỉa mai:

– Thật là chị không có gì phải giấu em không.

Oanh lẻo lự:

– Giấu và không nói ra là hai chuyện khác nhau. Mà sao? Trả lời đi chớ?

Phượng nghĩ ngợi rồi cười cười:

– Đương nhiên chị hơn cô Hồng Trang về tuổi trẻ và sắc đẹp, nhưng địa vị và tiền tài thì phải còn xét lại. Lúc nãy chị nghe Hồng Loan nói đó. Đúng là lúc này bà Trang đeo ông Sang dữ lắm, đến nỗi cô Thoa phát bệnh vì tức.

Oanh nhếch môi:

– Ức một cách lảng nhách. Sang có là gì của cả hai đâu mà đeo mà bệnh. Chị sẽ cho hai bà già đó ế luôn.

Phượng bất bình:

– Lúc nào chị cũng nói những lời nghe ác khẩu.

Oanh long đôi mắt đẹp lên:

– Ác khẩu à! Trong tình yêu không có chuyện ác hay hiền mà chỉ có chuyện được hay thua thôi. Với chị thì không có chuyện nhường nhịn.

Phượng chua chát:

– Đối với em cũng vậy?

Oanh cười giả lả:

– Em thì khác, em đâu có yêu thầy Sang.

Phượng buông đũa đứng dậy, cô vừa nghĩ đến Trường. Oanh săn đón:

– Để đó chị dẹp cho!

Phượng lẳng lặng chống cây gậy ra sân. Cô luôn luôn bất lực và yếu đuối trước Oanh. Chị Oanh khi đã muốn điều gì rồi thì sẽ làm bằng được mới thôi.

Bao giờ Phượng cũng chịu thua Oanh hết.


Chương 6

Thoa cầm sổ trực đến điểm danh sinh viên. Cô liếc Oanh rồi lấy giọng thật dịu dàng:

– Chân hết đau rồi sao Tố Phượng?

Oanh hơi ngạc nhiên. Hóa ra cô Thoa cũng quan tâm đến Phượng nhiều đó chứ. Oanh nhỏ nhẹ:

– Thưa cô, chân Tố Phượng vẫn còn đau. Em là Tố Oanh, em trực thay Phượng.

Giọng Thoa thương hại:

– Ôi, thật khổ! Sao lớp không phân công em khác thay mà lại trực thế kỳ vậy?

Oanh mỉm cười:

– Em xung phong vào trực cho đông vui mà cô.

Hồng Loan láu táu:

– Cô ngồi xuống chơi với tụi em đi cô.

Yến Thu cũng lách chách:

– Cô ngồi đây chơi một chút đi cô. Tụi em có nhiều món đặc biệt lắm cô ơi.

Đi cô!

Thoa mỉm cười ngồi xuống. Mai Nhi nói:

– Tiếc ghê! Tụi em không được cô dạy. Mấy đứa bạn em học cô, nói thích dữ lắm.

Hồng Loan vờ vĩnh:

– Cô trực với ai vậy cô?

Thoa vô tình:

– À! Cô trực với cô Hồng Trang và thầy Sang.

Mai Nhi vừa lấy trong giỏ xách ra hai trái bưởi và hỏi:

– Cô Trang và thầy Sang chưa vào hả cô?

Thoa ậm ự?

– Cô chưa thấy! Với lại, cô là trưởng nhóm trực nên phải vào sớm hơn thầy Sang và cô Trang.

Bọn sinh viên vừa cười khúc khích vừa nháy mắt nhìn nhau làm Thoa bực bội. Chắc hẳn chúng đang nghĩ rằng Sang và Hồng Trang đang đi chơi với nhau.

Thoa bình thản nhìn Tố Oanh, nãy giờ cô bé có vẻ hơi lạc lõng trầm tư và cũng có vẻ như đang ngóng trông.

– Em là chị hay em Tố Phượng?

– Dạ ....Em là chị ạ!

Thoa nhìn Oanh chăm chú. Đúng là hai đứa bé y như nhau. Đẹp thật. Thoa nuốt tiếng thở dài vào trong, làm thân con gái trời bắt xấu quả là còn hơn mang tội tù chung thân. Đừng trách chi bọn đàn ông, ngay cô khi vào lớp dạy, Thoa cũng thích ngừng ánh mắt của mình trên những gương mặt sáng sủa dễ coi hơn là phải nhìn những người xấu xí, thế thì quả là bất công, nhưng biết làm sao khi ai cũng thích quanh ta toàn là cái đẹp.

Thoa hỏi Oanh:

– Rồi dạo này Tố Phượng nghỉ học à?

Oanh chưa kịp trả lời thì Hồng Loan đã xen vài như muốn nói rằng chuyện Phượng nghỉ học hay đi học bằng gì thì Thoa đã biết rồi ...

– Nó vẫn đi học mà cô! Có một anh chàng đẹp trai xung phong làm bác tài, đưa rước ngày hai buổi, làm bao nhiêu cây si già, non đều tàn tạ xác xơ.

Thoa phì cười trước câu nói dài dòng, ca kệ của Hồng Loan. Cô nhìn con bé rồi hỏi:

– Cây si ở đâu mà lắm vậy? Cây già rồi lại cây non nữa?

Mai Nhi ân cần mời Thoa miếng bưởi:

– Cô ăn đi cô. Bưởi nhà em đó.

Yến Thu hồn nhiên:

– Cô biết hôn, trong lớp em, tụi con trai thích Tố Phượng lắm. Nhân trưởng ban văn thể nè, Vũ chôm chôm nè, rồi Tâm kháo nè ...cả thầy Sang nữa. Bởi vậy, tụi con gái hay chọc mấy cây si Tố Phượng là “một đời người một rừng cây” đó cô.

Thoa nghe nghẹn ngang ngực. Oanh vội gạt ngang:

– Các bạn nói vậy chứ thầy Sang không có để ý gì Phượng đâu. Tánh Phượng không thích bồ bịch nó như bà vãi tu trong chùa vậy đó.

Mai Nhi nhìn Oanh cười cười:

– Oanh nói đúng. Nhi học chung với hai chị em nhà mi từ hồi phổ thông thì làm sao không biết tính Phượng cho được. Phượng thì như bà vãi trong chùa, nhưng bà vãi đâu cấm được người ta yêu mình. Thầy Sang cũng vậy, Nhi biết Phượng nó sợ thầy Sang lắm vì thầy có để ý nó ...Có điều từ lúc anh Trường đưa đón Phượng thì thầy Sang chuyển “tông” rồi.

Hồng Loan nháy mắt với Nhi rồi nói:

– Yến Thu! Mi có đem bộ bài theo không? Xủ vài quẻ xem cuối năm đậu hay rớt tốt nghiệp.

Mai Nhi và Tố Oanh cũng sốt sắng hưởng ứng. Yến Thu đến bên giỏ xách lấy ra bộ bài.

– Cô coi chơi cô. Em coi cô quẻ đầu tiên cho ứng.

Thoa phân vân. Đúng là học trò. Bao giờ chúng cũng có những trò bói toán, cầu cơ, rù rì chuyện bồ bịch, trêu ghẹo, cáp đôi người này với người khác. Thoa lắc đầu:

– Cô có biết gì đâu mà coi.

Hồng Loan đốc vào:

– Coi cho biết cô! Nó bói hay lắm đó.

Mai Nhi quảng cáo:

– Tuần rồi nó dám bói thầy Sang sẽ lấy vợ trong năm nay. Thầy cười quá trời cô. Rồi bữa hổm nó coi cô Mai, nó bảo cổ coi chừng mất của. Đúng là hôm sau cổ đi chợ bị chúng rạch bóp, lấy không còn một đồng.

Cả bọn nhao nhao lên:

– Coi một quẻ đi cô!

Thoa cười cười, cô với tay cầm bộ bài. Bọn “tiểu yêu” là một cái rần, rồi vỗ tay thích thú.

Yến Thu nghiêm trang:

– Cô xóc chín cái bằng tay phải rồi kinh. Vừa xóc bài, cô vừa vái tên tuổi, điều mong muốn của mình.

Thoa ngượng ngập làm theo lời hướng dẫn của Yến Thu. Bọn con gái ngồi yên, chúng tựa lưng vào nhau nhìn cô. Ngoài khoảng tối sân trường, gió thổi những chiếc lá gòn xào xạc. Đầu Thoa bỗng trống không. Cô nghĩ đến một người đàn ông mà chợt chạnh lòng quá đỗi. Gần ba mươi tuổi rồi, lẽ nào trái tim ta không có một bóng hình nào khác hơn để nghĩ tới? Thoa lưỡng lự rồi ý nghĩ cũng lại tập trung về một người.

Yến Thu nói:

– Bên tay phải cô rút một lá, bên tay trái cô rút một lá, lá nào cũng được.

Thoa làm theo. Bọn con gái rì rầm khi thấy cô giơ lên lá già chuồn và đầm bích. Thoa hồi hộp nhìn những lá bài được xếp thành từng hàng theo bàn tay nhanh lẹ của Yến Thu.

Cô bé ngồi nghiệm hồi lâu rồi nói một hơi:

– Cô đang buồn bực. Nghĩa là bản thân cô lúc nào cũng buồn buồn không vui.

Cô vừa có một món tiền khá lớn. Tiền hay là lộc, của ai cho chớ không phải do cô làm ra. Thời gian tới, cô sẽ gặp rắc rối vì mắc lời ăn tiếng nói. Có thể cô phải làm một việc gì đó đụng chạm tới người cô rất yêu. Người này rất đào hoa, quanh ông đang có hai ba bà. Cô đang bị một người nữ để ý ganh ghét và có ý hại cô.

Hồng Loan châm vào:

– Yến Thu! Mày tả những người đó cho cô biết đi để cô đề phòng.

Yến Thu nói như thật:

– Người đàn ông này cao ráo, nho nhã, đẹp trai, trắng, môi đỏ, đôi mắt đen luôn mơ mộng.

Thoa cười gượng. Cô thấy mình ngốc nghếch đã để học trò xem bói ...mắc vào bẫy của chúng, rồi chúng sẽ đồn rùm beng cho coi. Cô định bảo “thôi” thì con bé Yến Thu lại tiếp:

– Hiện tại cô đang buồn, nhưng sắp tới cô còn buồn gấp mấy nữa.

Mai Nhi xuýt xoa:

– Sao mày biết?

Yến Thu chỉ lá ách bích nằm chúi mũi xuống kế bên lá bồi rô.

– Rõ ràng bài hiện ra như vậy. Cô buồn vì anh chàng bồi rô đào hoa này nè.

Thoa mỉm cười:

– Cô có nghĩ tới ai đâu mà mấy đứa nói chàng rô với chàng lóc.

Yến Thu tủm tỉm:

– Coi chơi cho vui mà cô. Đen tình đỏ bạc, cô còn có tiền nữa. Tóm lại về tình cảm thì cô sẽ gặp chuyện buồn, cô cần chú ý những chuyện rắc rối mà cô phải đôi chối hay làm chứng, chú ý bạn xấu và một người đàn ông nào đó. Còn tiền thì cô chẳng bao giờ thiếu.

Thoa nhìn Yến Thu:

– Em nên xem cho em một quẻ coi ngày mai có được cặp hột vịt nào không?

Cả bọn cười ầm lên. Hồng Loan nịnh:

– Tụi em mà học cô thì chắc không bao giờ phải ăn trứng.

Tố Oanh nãy giờ ngồi bó gối nhìn dãy hành lang có hai phòng trực dành cho giáo viên. Phòng dành cho các thầy vẫn tắt đèn. Cô hỏi:

– Cô ơi! Sao trường không mướn bảo vệ để thầy cô phải trực thế này.

– Có chứ! Nhưng mấy tháng nay bác ấy bệnh nghỉ, chưa kiếm được người thay đó thôi.

Mai Nhi hất hàm nhìn Thu:

– Mày xủ tao một quẻ xem tuần này tao có tiền không?

Hồng Loan trề môi:

– Không cần bói cũng biết. Phòng tài vụ vừa thông báo lớp phó đời sống ngày mai lên lãnh học bổng hồi chiều này đó chị .....Hai.

– Vậy thôi, tao khỏi coi mày đi!

Hồng Loan lắc đầu:

– Bụt nhà không thiêng mày ạ! Nó thân tao quá nên nhắm mắt bói cũng trúng.

Tố Oanh nhìn Yến Thu vừa đùa vừa thật:

– Oanh định làm việc không biết thành công hay không. Nhờ bà thầy xem hộ.

Yến Thu nhún vai:

– Bồ xóc bài chín cái rồi cứ vái. Thu coi thử cho!

Tố Oanh cầm bài lên, cô buồn cười. Cô chưa hề tin vào một thứ gì trên đời này hết trừ việc tin vào bản thân cô. Vậy mà hôm nay cô cũng bói toán. Ôi! Hãy coi như một cách ghết thời gian vậy mà. Tố Oanh vừa xào bài vừa nghĩ ngợi mông lung, cô không tập trung được ý nghĩ của mình vào một nơi nào, người nào cả, dù người đàn ông đang trông ngóng hiện giờ là Sang.

Yến Thu chia đều bài ra. Tất cả những lá bài đều úp xuống. Cả nhóm ngồi chăm chú nhìn Yến Thu tráo những lá bài một cách nhanh nhẹn. Cuối cùng khi đã thảy lá bài cuối cùng còn trên tay xuống đúng vị trí của nó, Yến Thu gật gù.

– Điều bồ đang định làm chắc chắn sẽ thành công.

Cũng con bé Mai Nhi thắc mắc:

– Sao mày dám chắc?

Yến Thu cười:

– Thì mày nhìn bài tao gỡ được hết trơn những lá bài nằm đúng hàng, đúng loại, đúng vị trí từ nhỏ đến lớn. Nếu không thành công sức mấy mày gỡ được như vậy.

Quay sang Tố Oanh, Yến Thu đắc ý:

– Yên trí, cuối năm nay chắc chắn sẽ thi đậu.

Tiếng động cơ xe chạy vào trường rồi tiếng xe thắng cái két trước chỗ ngồi của năm thầy trò nghe thật chát chua. Hồng Trang ngồi trên xe đảo mắt một vòng. Làm như không thấy Thoa, cô cất tiếng:

– Thầy Sang chưa vào hở mấy đứa?

Nhóm con gái im lặng, Thoa cũng thế. Hồng Loan lễ phép một cách miễn cưỡng:

– Thưa cô chưa ạ! Nhưng cô Thoa vô rồi.

Hồng Loan xích sang một bên như để Hồng Trang nhìn cho rõ. Mỉm cười, Hồng Trang bước xuống xe, thướt tha bước đến. Tố Oanh đứng dậy nói:

– Thưa, cô ngồi với tụi em.

Đôi mắt một mí nhưng khá to, rất sắc của Hồng Loan nhìn xoáy vào Tố Oanh, miệng cô như trề ra như khinh thường rồi ngồi xuống kế Thoa:

– Chị Thoa biết hôn? Em chuẩn bị sớm lắm chứ mà chờ mãi chẳng thấy ảnh đâu hết trơn, em giận ghê nơi. Tính ở nhà luôn rồi, nhớ lại sợ chị trông nên xách xe vô đây.

Thoa còn hoang mang nhìn những nụ cười tinh nghịch, thông minh của bọn học trò thì Hồng Trang đã nói tiếp như để giúp Thoa đoán ra xem 'ảnh” là ai?

– Em chợt nhớ ban sáng bọn sinh viên có nói với em là “xin phép cô chiều cho bọn em mời thầy Sang một chầu bia”, nghĩ lại mình đã đồng ý với bọn chúng rồi mà lại đi giận anh ấy quả là bậy.

Tố Oanh không hiểu rõ cô Thoa đang nghĩ gì trong lòng, riêng Tố Oanh vẫn thản nhiên cười đáp lại cái nheo mắt ranh ma của Hồng Loan. Cô dằn cái giận xuống để thấy tội cô Thoa ghê, khi nghe giọng cô run run:

– Chắc một tí nữa anh Sang sẽ vào tới thôi. Tôi đã sắp xếp phân công các em trực rồi.

Hồng Trang chẳng màng quan tâm đến việc trực, cô vẫn vô tình một cách ác ý:

– Nhậu nhẹt gì cũng phải nhớ đường về chứ! Thật, nữa rồi chẳng biết ra sao.

Thấy ghét!

Dầu sao giữa Hồng Trang và Sang vẫn chưa là của nhau, nghe giọng trách móc của Trang có vẻ quá lố, Thoa sợ học trò nghe thì kỳ nên cô dịu dàng:

– Mình vào phòng trực đi Trang. Bao giờ Sang vào, chúng ta qua gặp anh ấy.

Hồng Trang nhìn đám học trò rồi đổi giọng:

– Nãy giờ các em làm gì vậy?

Yến Thu nhanh miệng:

– Tụi em ngồi thi kể chuyện vui, cô ơi!

– Kể tới đâu rồi. Kể tiếp cho cô nghe với!

Mai Nhi gãi đầu:

– Dạ, kể xong rồi. Bây giờ qua tới mục đố. Con Hồng Loan đố tụi em chớ ...xe của vui đi gọi là long xa, áo vui mặc gọi là long bào. Vậy vua đánh bài gọi là long gì? Rồi con gái vui chưa chồng thì gọi là long gì?

Hồng Trang ngẫm nghĩ một hồi, cô tò mò:

– Cô nghĩ không ra thật ...

Hồng Loan cười tít mắt:

– Cô chịu thua há cô?

– Ừ, cô chịu thua.

Hồng Loan nháy mắt với Yến Thu rồi nói:

– Vua đánh bài gọi là long sền, con gái ế của vua gọi là long chầu.

Hồng Trang vẫn chưa hiểu ra:

– Mà sao kỳ vậy?

Hồng Loan giải nghĩa:

– Dạ ....Muốn đánh bài thì phải lên sòng, lên sòng là long sền. Gái ế là gái lâu chồng. Lâu chồng là long chầu ạ! Đúng hôn cô?

Hồng Trang phá ra cười to. Còn Thoa thì cười gượng.

– Đúng là chỉ có bọn đứng sau ma quỷ như tụi em mới nghĩ ra lắm thứ trên đời.

Hồng Trang gật gù rồi nói:

– Cô lại nghĩ con gái vua chưa chồng thì gọi là long đanh mới phải chứ.

Hồng Loan ngạc nhiên:

– Sao lại là long đanh hả cô?

Hồng Trang tủm tỉm:

– Ông bà mình nói “Gái không chồng như phản gỗ long đanh” đó.

Lần này thì bọn học trò ra vẻ thích thú khi được cung cấp thêm một ý mới trong bộ “sưu tập” của chúng. Hồng Loan xách né:

– Như vậy long chầu hay long đanh gì cũng đồng nghĩa như nhau ...Này! Coi chừng đụng chạm vào mấy cái long chầu ở trường mình nhe em. Đụng vào đó nguy hiểm lắm. Vì đồ cổ thường dễ bể.

Thoa choáng váng người vì tức. Học trò thì vô tình, còn Hồng Loan thì cố ý.

Cô bặm môi im lặng “Hồng Trang cứ y như con nít, vênh váo, háo thắng, tự hạ mình cho học trò xem lưng mà không hay”.

Thoa đứng dậy:

– Cô vào trước, các em trực theo bản phân công nhé!

Rồi Thoa lẳng lặng bước dọc theo hành lang. Hồng Trang mỉm cười đắc thắng, cô vui vẻ:

– Thế nào, chúng ta nói chuyện tiếp nhé! Lớp em học thầy Sang phải không?

Cả bọn lãnh đạm gật đầu. Mai Nhi vờ té vào vai Hồng Loan nói nhỏ:

– Bà ta bắt đầu “khai thác” học trò để biết về thấy đó. Cảnh giác nhe bọn bây!

Hồng Trang nhìn Tố Oanh:

– Cô bé là học trò cưng của thầy Sang?

Oanh nhìn các bạn như cầu cứu. Mai Nhi lắc đầu:

– Không phải đâu cô. Thầy Sang thương đồng yêu đều lắm. Có cái con gái được thầy ưu tiên nhiều mặt so với con trai.

Hồng Trang nhìn Mai Nhi:

– Ưu tiên hơn về vấn đề gì?

Yến Thu lơ lửng:

– Tụi em cũng không biết. Chỉ nghe thầy nói vậy thôi.

Hồng Loan chêm vào:

– Chắc thầy ưu tiên thăm hỏi, chăm sóc. Ví dụ Tố Phượng bị gãy chân, thầy vội đến nhà hỏi han chăm sóc dù thầy không phải là giáo viên chủ nhiệm.

Hồng Trang sa sầm mặt xuống:

– Có thế nữa à!

Yến Thu ...thật thà:

– Dạ! Thầy Sang thương con gái lớp em lắm. Thế nào một lát thầy cũng mua bánh đem vào cho tụi em.

Hồng Trang nhìn Oanh hỏi đánh “độp” một câu:

– Từ hồi em có người đưa đón đến giờ, thầy Sang còn thăm viếng không?

Oanh gượng gạo:

– Các bạn nói đùa cho vui chớ thầy đâu có thăm hỏi gì đâu cô ơi!

Hồng Trang nhìn Oanh như muốn nói thêm gì đó nhưng không hiểu sao cô im lặng và cáo lui:

– Mấy đứa ở trực nhé! Cô vào với cô Thoa.

Hồng Trang vừa đi đến hành lang là cả bọn đã cười bò ra. Yến Thu coi tướng:

– Nhìn cô Trang tao thấy:

Thứ nhất, tao thấy bà này chúa ghen; thứ hai cái miệng múm múm nói thì cái môi méo méo qua một bên cho thấy bà Trang vừa hay ganh tỵ vừa hay thóc mách. Bà ta đẹp nhưng tính tình không bằng một góc cô Thoa.

Mai Nhi hỏi:

– Sao mày không coi bả một quẻ. Rồi dựa vào bài toán tương lai cho bả thất kinh chơi.

Yến Thu rút vai:

– Không dám đâu! Ủy viên ban chấp hành Đoàn trường là cô Trang tao không dám giỡn mặt thật à. Cổ cho làm kiểm điểm thì tao tiêu. Hì ...hì ...trong mấy cách bói, không có cách nào báo trước là có làm tự kiểm hay tự phê đâu, con quỷ nhỏ.

Tố Oanh để bọn con gái vừa ăn bưởi vừa đùa ngồi đó, cô đứng dậy bước ra giữa sân về hướng cột cờ. Gió thổi những chiếc lá bàng to xào xạc dưới chân Oanh và thổi mái tóc óng mượt của cô lòa xòa. Cô chậm rãi bước từng bước trên từng phiến lá khô giòn rụm. Oanh chợt nghĩ đến Sang. Nếu có anh đi kế bên, hẳn là cô đã nghe anh đọc khe khẽ:

“Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô ...”.

Oanh đâu phải là con nai vàng ngơ ngác. Có chăng con nai ấy là Tố Phượng.

Oanh lại nghĩ đến Phượng. Nếu cô bé ở đây thì thế nào Phượng cũng là “Đừng giẫm lên! Nó đau!”.

Oanh mỉm cười. Con bé cũng lạ, đôi khi lẩn thẩn như bà cụ, thảo nào anh chàng Trường vẫn thích nói chuyện với Oanh hơn. Đã vài lần Oanh nhận lời đi uống với anh ta. Có sao đâu, cô chẳng làm điều gì để thấy mình như có lỗi với em hết. Cô đã tránh ánh mắt ấm áp, lời nói ỡm ờ đầy tình ý của Trường, dù thật lòng cô cũng thích thú. Oanh đã so sánh thầy Sang và Trường, có thể bề ngoài Trường xem được hơn Sang nhưng địa vị thì không có. Một tài xế trong xí nghiệp làm sao bằng một ông thầy đầy hào quang trên bục giảng, ông thầy đó lại là con trai cưng duy nhất trong một gia đình giàu có.

Rồi thầy Sang cũng vào tới, lũ học trò gái ồn ào vây quanh ông thầy đã hơi chếnh choáng. Anh đưa bịch kẹo cho Hồng Loan:

– Có ba em trực thôi sao?

Yến Thu cười:

– Dạ, còn Tố Phượng nữa, nó đang tập đi ngoài kia kìa thầy.

Sang nhìn theo hướng tay của Yến Thu nên không thấy bọn con gái bấm theo cười khúc khích. Anh bước về phía cột cờ đến bên Tố Oanh, cô vờ như không hay có người đến gần mình, vẫn chậm rãi bước tới và chậm rãi đạp lên những chiếc lá bàng khô. Sang thì thầm:

– Oanh phải không?

Cô im lặng ngước đôi mắt to đen say đắm nhìn Sang. Đôi môi mọng lại phụng phịu như khóc.

– Bao giờ con gái cũng thiệt thòi khi chờ đợi.

Sang dịu dàng:

– Làm sao anh biết là em vào trường để chờ anh chứ?

Oanh hờn mát:

– Em đâu dám chờ thầy. Có cô Hồng Trang và cô Thoa chờ rồi, còn chỗ nào nữa cho em ...Người ta đang giận thầy đó, vì thầy mải mê với học trò bên ly rượu mà quên đến tận nhà rước người ta vào trực chung.

Sang mỉm cười trước những lời trách móc như trẻ con đó, anh nhìn mái tóc dài của Oanh một cách mê mải và anh muốn được úp mặt vào vùng tóc mềm thơm dìu dìu ấy vô cùng.

Sang nói nhỏ:

– Lại nghi ngờ vớ vẩn! Một lát đến với anh đi cưng.

Oanh lắc đầu nũng nịu:

– Làm sao em dám! Mà để làm gì cơ chứ?

Sang thở gấp:

– Dạo này anh nhớ em lắm.

Oanh vân vê đuôi tóc:

– Nhớ ...mà lẩn tránh em.

Giọng Sang hơi xẵng:

– Hừ! Em và Tố Phượng cố tình bêu xấu anh. Không cần đến anh, mỗi ngày có người đưa rước ...Dù không rước em nhưng đó là điều sỉ nhục đối với anh.

Oanh vuốt giận:

– Sao anh lại nghĩ như vậy? Em là con gái, một thân một mình không ai giúp đỡ, chị em em biết làm sao. Lẽ ra anh phải đến với em, những lúc như vậy em cần anh biết bao.

Nhìn Oanh ngập ngừng rồi nghẹn ngào như muốn khóa, Sang vội nói:

– Đừng khóc, người ta thấy kỳ lắm. Anh vào một lát đến với anh nhé. Anh muốn có em kế bên hơn bao giờ hết.

Tố Oanh cắn môi:

– Anh gọi thì em mới dám, không làm sao bỏ các bạn đi một mình được.

Sang gật đầu. Anh khoan khoái bước vào, những chai bia ban nãy chẳng hề làm anh mệt. Cái chếnh choáng nhè nhẹ, lâng lâng chỉ làm óc tưởng tượng của anh phong phú hơn, trái tim đa tình của anh dễ xúc động hơn, lý trí của anh dễ buông xuôi cho bản ngã hơn và thân thể thanh xuân sung sức của anh rạo rực hơn thôi.

Nguồn: http://vietmessenger.com/