19/4/13

Khoảng đời lấp lửng (C3-4)

Chương 3

Tố Oanh vừa ngồi gọt vỏ trái xoài tượng vừa nghe tiếng Phượng học bài rù rì:

– Ăn xoài rồi học Phượng! Có mắm ruốc nữa nè!

Tố Phượng vứt cuốn vở lên giường, bước đến ngồi kế chị, miệng xuýt xoa vì nước bọt đã ứa ra đầy kẽ chân răng:

– Nhìn thấy thèm thật, nhưng phải thanh toán nhanh nhanh mới được. Bài dài quá!

Oanh tò mò:

– Em học bài của thầy Sang hả?

Phượng gật đầu. Cô nhăn mặt vì miếng xoài đầu tiên hơi chua. Oanh cười:

– Môn ông Sang em không học cũng có điểm.

Phượng ngừng nhai:

– Ai nói với chị vậy?

– Bọn con trai lớp chị chớ ai.

Phượng khó chịu:

– Em rất ghét cái trò nói sau lưng ...Cái gì mà rơi vào với rơi ra. Con trai cũng nhiều chuyện ...

Oanh bỏ con dao xuống bàn, nhẹ nhàng hỏi:

– Mà nó nói đúng không?

Phượng đáp gọn lỏn:

– Em không ưa ông Sang.

Oanh trêu em:

– Không ưa thầy Sang sao cứ ôm bài của ổng học hoài vậy?

Phượng ngập ngừng:

– Thầy Sang thiếu gì đứa si. Phải công nhận giờ của thầy vui, giảng bài lôi cuốn, nói chuyện có duyên, thầy Sang đẹp trai thật chứ, nhưng tự nhiên em thấy ...nét đẹp ấy thiếu thiếu cái gì đó trông không có hậu.

Oanh tủm tỉm:

– Lại chê! Rõ là em rất khó tính. Chưa bao giờ nghe em khen tên đàn ông nào.

Phượng nhỏ nhẹ:

– Không phải em khó tánh. Em chỉ nghĩ mình còn nhỏ, lo học đã yêu sớm chỉ khổ thôi.

– Học xong thì thành cô gái già, yêu trễ cũng chẳng sướng gì.

Phượng ngừng nhai:

– Nhưng em chưa thấy thích ai rồi biết sao? Vô lớp tụi nó cứ chọc chọc rồi gay gay với em, bực ghê đi.

Rồi cô trầm ngâm:

– Kể ra thầy Sang cũng đáng để con gái lưu tâm, mà có điều ...

Oanh trố mắt:

– Điều gì? Nói tiếp chị nghe với!

Phượng phụng phịu:

– Có điều tụi nó nói ông Sang kỳ lắm.

Oanh tò mò:

– Kỳ như thế nào?

Phượng đỏ mặt:

– Ổng hay nựng tầm bậy tầm bạ.

Oanh phá lên cười:

– Em có bị nựng chưa?

Phượng ngượng nghịu thú nhận:

– Có! Ở trong lớp, lần đó là giờ kiểm tra. Thầy vô đổi chỗ lung tung, em thuộc bài nên đâu có lo khi thấy ông cho em xuống tuốt bàn chót ngồi một mình.

Giọng Phượng nhỏ lại rồi cố ngăn ức:

– Chị biết không? Thầy đi tới đi lui, cứ đến chỗ em ngồi là dừng lại, cúi xuống xem bài em làm, đứng dựa sát vào em. Người ông nóng hổi, thấy ghê!

Em liền ngồi thụt vào trong. Ổng bèn rảo một vòng, tằng hắng ra oai rồi quay lại chỗ em, ổng ngồi xuống vuốt má em. Tức muốn khóc, em làm bài được một chút. Em lùi sát vào tận vách tường, ổng mới cười cười đi lên bàn giáo viên ngồi mà nhìn em hoài hoài.

Oanh nhìn gương mặt hồng hồng vì mắc cỡ của Phượng thầm khen:

“Quả là con bé đẹp thật!” Rồi cô hài lòng:

“Mình cũng thế!”.

Oanh thích thú thả trôi trí tưởng tượng ...

Từ lúc Hùng giận cô và bỏ học đi biệt, Oanh như đã chôn vùi những cái đam mê đầu đời. Lúc ấy Oanh cố gắng học như bù lại khoảng thời gian mê chơi trước đó. Mà học thì rất nhiều cách. Con bé Phượng có cách học chăm chỉ, thật thà, trung thực. Oanh có cách học của cô, tuy hơi phiêu một chút, nhưng rồi đau cũng vào đấy. Đã vậy ở lớp đôi khi bài kiểm tra của Oanh điểm còn cao hơn của Phượng và một số đứa học chăm khác.

Thế đó! Học như Phượng hay học như Oanh thì cũng sắp xong thời cắp sách.

Năm nay hai chị em đã học năm cuối. Sắc đẹp của Tố Oanh Tố Phượng cũng làm điêu đứng nhiều tên con trai. Phượng thì quá nghiêm khắc để chọn cho mình một đối tượng. Oanh trái lại vẫn tự nhiên đi chơi với nhiều người khác, cô chẳng nhớ thương luyến tiếc gì Hùng cũng như chẳng mấy ưng ý những người quen mới với cô, họ vẫn quá tầm thường, Oanh chớp mắt nghe tiếng Phượng thầm thì như có điều gì bí mật lắm:

– Chị biết hôn! Hôm kia thầy Sang kêu em đem vở lên cho thầy xem. Lúc về chỗ, em mới hay thầy kẹp trong quyển vở em tờ giấy này nè.

Phượng đến bên giường lấy trong vở ra mảnh giấy gấp tư đưa cho chị. Oanh tò mò đọc:

“Tố Phượng!

Bốn giờ chiều thứ tư, thầy chờ em trước rạp H.B, em đến nhé! Thầy sẽ đợi mãi ...”.

Oanh nhìn Phượng, rồi bất chợt lạnh lùng tung một đòn:

– Nếu em không có tình ý gì với thầy Sang, chị đố ổng dám bẹo má em rồi lại dám viết những dòng này ...rủi em khoe tùm lum thì còn gì là uy tín ổng nữa.

Phượng bối rối:

– Em có đi uống nước với thầy một lần. Nhìn mắt thầy em sợ quá nên lần hẹn sau em không tới.

Oanh tra hỏi:

– Thế ...lần đó thầy Sang nói gì với em?

Phượng thành thật:

– Thì cũng nói chuyện trên trời dưới đất. Thầy đọc thơ tình cho em nghe ...nhiều bài hay lắm. Rồi ...thầy đòi coi chỉ tay mà em không chịu.

Oanh lại cười:

– Sao vậy?

Phượng trề đôi môi mòng mọng:

– Ngu sao đưa ổng coi!

– Ừ, khôn đó! Rồi em tính sao với cái hẹn này?

Phượng phụng phịu:

– Xù! Thành ra mới sợ, mới lo học bài trù chết.

Oanh lắc đầu:

– Ngốc! Ổng mà muốn trù rồi thì ổng sẽ hỏi một câu ngoài phần giảng, em nhắm trả lời được không?

Phượng im lặng nhớ lại:

Hồi trung học, cô cũng hay bị bọn con trai tán tỉnh, bám đuôi, viết thư tỏ tình, lời lẽ mướt sượt như cải lương, lúc đó cô thích thú nhưng không cảm động, cũng không lo sợ. Bây giờ trước đôi mắt đen đầy mơ mộng và những câu thơ chải chuốt thầy đọc, cô bỗng lo lắng làm sao.

Buổi chiều hôm đó, Phượng vào thư viện để tra sách. Cô vừa đạp xe khỏi trường một đoạn đã thấy xe thầy trờ tới. Phượng hoảng cả hồn vía. Thầy Sang mời mà như ra lệnh cho cô vào quán nước. Phượng đã riu ríu vâng lời thầy vì bao giờ cô cũng là cô bé nhút nhát, thật thà.

Ngồi đối diện với thầy, Phượng mắc cỡ quá. Tia nhìn của thầy không hẳn chỉ chứa sự lãng mạn mơ mộng mà nó có cả sự nóng bỏng, đắm đuối, mơn man, ve vuốt làm Phượng bồn chồn không yên. Cô cứ ngồi chết trân chịu trận nghe từ môi thầy những câu thơ vần điệu như ru mà vì sợ hãi cô hầu như không nhớ, không hiểu gì cả.

Đến lúc thầy đưa tay nắm lấy tay cô, Phượng mới có thái độ. Thái độ chống đối của đứa trẻ con làm Sang thích thú, khát khao hơn nữa. Biết mình không dừng lại được, ông thầy lại hẹn với học trò. Bằng quyền lực của mình, Sang tin tưởng Tố Phượng sẽ tới.

Phượng bặm môi:

– Dù gì em cũng không đến đâu!

Oanh dẹp vỏ xoài và chén mắm ruốc xuống bếp. Ngôi nhà yên lặng lạ lùng.

Gần một năm nay hai chị em cô sống một mình không có ba mẹ kè kè kế bên.

Với Phượng đây là một mất mát lớn đầy bất ngờ. Với Oanh đó là điều đương nhiên, cô biết sẽ đến không sớm thì muộn ...

Sau khi gia đình bác Hai cô xuất cảnh, ba cô nhất quyết trở về ngôi nhà ông bà nội ngày xưa mà gia đình cô từng ở. Ông Lợi không muốn bán miếng đất hương hỏa với mồ mả ông bà là một lẽ, còn một lý do nữa khiến Oanh ngầm hiểu là ba cô hình như đã biết những điều bí mật của mẹ cô, ông chỉ biết giữ chút hạnh phúc mỏng manh bằng cách đưa vợ về quê ...ở ẩn. Kể ra Mỹ Tho chẳng xa Sài Gòn bao nhiêu, nhưng khoảng cách đó là một bề dài an toàn đối với ông, và gần hai năm nay ông tỏ ra rất bằng lòng dầu phải xa hai cô con gái cưng quý. Mỗi tuần, ông bà lên thăm con. Phượng thì rất mong cha mẹ, còn Oanh thì dửng dưng. Cô chỉ cần có tiền để sắm sửa, ăn học. Hầu như cô không bộc lộ chút tình cảm nào của mình đối với mẹ. Cái suy nghĩ của cô về mẹ nếu có cũng chỉ bàng bạc trong những giấc chiêm bao. Trong mơ cô thấy mình vật vã, mệt nhoài, chuồi đi trong tăm tối với hình bóng không rõ của những người đàn ông, lúc tỉnh dậy cô thấy mình nằm ôm ghì chiếc gối.

Tố Oanh thở dài. Ý nghĩ về Sang cứ đến với cô. Oanh biết mình khó bỏ qua chuyện Phượng vừa kể. Cô nằm xoài ra giường ...Đôi mắt thầy Sang rõ là đa tình, có một lần ông ta đã nhìn cô thật lâu và thật say ...Lại lầm lẫn? Đôi môi mỏng và đỏ trên gương mặt trắng mịn hơi xanh ...Tố Oanh chợt nhận ra, không phải mặt thầy Sang vô hậu như con bé Phượng nói đâu, mà những nét trên mặt thầy là những nét của một người thích những thú vui như Oanh đã từng một thời gian mê đắm.

Oanh vùng ngồi dậy:

– Ba giờ!

Oanh tìm chiếc áo thun hồng nhạt mong manh sát nách và chiếc váy sọc carô xanh đậm của Phượng mặc vào, cô lấy cả đôi giày xăng-đan thấp gót màu trắng của Phượng nữa. Oanh hài lòng với mình khi ngồi chải mái tóc dài đen mượt.

Tố Oanh đã thành Tố Phượng rồi còn gì?

Oanh bước đến phòng học:

– Phượng ở nhà nấu cơm chị đi thăm con Nhung. Nó bệnh mấy hôm rồi!

Phượng xoay người lại nhìn chị, trong mắt cô có tí gì không hài lòng, khi cô bỗng có một linh cảm.

Tố Phượng thở dài. Lẽ ra cô chẳng nên kể chuyện thầy Sang cho Oanh nghe, nhưng cái tính hay bộc bạch của cô không ngăn cô lại được. Cô vẫn biết từ lâu rồi, dạo Oanh bị anh chàng Gấu Xám vố cho hai tát tai ...Chị Oanh là như vậy đấy ...Biết như thế nhưng sao Phượng vẫn im lặng. Có phải vậy là cô đồng lõa không? Khi thâm tâm cô cũng thích cái trò thay ngôi đổi vị này. Vì những tên đàn ông sao mà ngốc! Phượng lại tưởng là Oanh, rồi Oanh lại nhìn ra Phượng.

Cô mơ màng, chàng trai mà cô yêu phải người có đôi mắt tinh tế nhất, tâm hồn nhạy cảm nhất và tình yêu chân thật nhất. Anh ta không được quyền nhìn lầm dù chỉ một lần thôi. Nhưng anh chàng đó hiện giờ ở đâu nhỉ?

Tố Oanh ngừng chiếc mini trước rạp hát. Thầy Sang đã đứng chờ trên hành lang, thầy nhanh nhẹn nhảy hai ba bậc tam cấp để mau đến bên cô. Hôm nay trông thầy thật lạ. Chiếc áo xanh với những họa tiết lập thể làm thầy trẻ hẳn ra.

Cái kính râm đen che mất đôi mắt có cái nhìn thường làm các cô gái phải cúi đầu khiến thầy như lạnh lùng hơn bình thường. Chỉ có đôi môi đỏ, mỏng, ươn ướt đang cười thật tươi là để lộ cho người khác biết thầy đã rất hài lòng.

Sang dịu dàng:

– Tưởng là em lại không đến.

Oanh nhìn Sang rối cúi đầu rất nhanh. Cô e ấp:

– Có chuyện gì hở thầy? Mấy đêm rồi em lo ...ngủ chẳng được.

Sang cười:

– Phượng xuống xe vào trong hàng hiên đứng kẻo nắng. Để ...đi gởi xe đã.

Tố Oanh ngoan ngoãn bước vào đứng chờ Sang. Anh đã trở lại. Cô im lặng mân mê chiếc ví nhỏ trong tay.

– Ta vào xem phim nhé cô bé?

Oanh lắc đầu, đôi mắt to có vẻ lo sợ, ngần ngại:

– Thầy ơi! Nếu có chuyện gì cần nói mình vào quán nào đi thầy. Em không xem phim đâu!

Sang nghiêm mặt:

– Vào quán lỡ gặp bạn bè, thầy lo cho Phượng. Xem phim với thầy mà ngại gì?

Oanh bặm môi như muốn khóc vì sợ:

– Thôi, em về. Em không xem phim đâu!

Sang giận dỗi:

– Sao vậy? Phượng có biết là thầy chờ em bao lâu rồi không? Em có bao giờ nghĩ để hiểu nỗi khổ của một người đàn ông là thầy giáo mà lại ...

Tố Oanh ấp úng:

– Thầy ơi! Em hiểu!

Cô rụt rè bước theo Sang vào phòng chiếu vi deo. Đã vô phim lâu rồi! Oanh bối rối nắm lấy tay áo chemise của Sang. Cô thấy bàn tay đàn ông rất mềm của thầy nắm tay cô dẫn đi trong bóng tối mờ mờ.

Cuối cùng, Sang cũng chọn được hai chiếc ghế gần dưới góc rạp. Giờ này những người đi xem phim thường là những cặp tình nhân, họ im lặng tựa sát vào nhau, vừa xem phim vừa âu yếm.

Oanh rụt rè ngồi xuống kế bên Sang, cô cũng hồi hộp như ngày xưa nào đó, lần đầu tiên cô ngồi kế bên Hùng trong bóng tối.

Giọng Sang vang lên ấm áp:

– Em nghĩ thế nào về thầy?

Oanh thầm thì:

– Dạ, em không bao giờ dám nghĩ tới thầy.

– Vì sao?

Oanh phụng phịu:

– Quanh thầy biết bao nhiêu là người đẹp. Em vừa xấu lại vừa nhà quê. Em nghĩ thầy xem em như trò đùa.

Sang bất bình:

– Đừng nghĩ vậy nữa nhé Tố Phượng.

Tố Oanh nói tiếp:

– Nếu không nghĩ vậy thì em nghĩ thầy là một cái gì rất cao, em đứng dưới ngước mắt mải mê nhìn rồi cũng trở về với ...giấc mộng cô đơn.

Có tiếng Sang cười khẽ trong bóng tối:

– Cứ thần tượng hóa như thế thì khổ cho thầy. Hãy xem thầy cũng bình thường, thậm chí còn tầm thường như những người đàn ông khác ...Mà Phượng đáng tội lắm đó.

– Ư! Em thấy mình có tội gì đâu?

Sang nói nhỏ vào tai Oanh:

– Lần rồi dám cho thầy leo cây.

Oanh cười khúc khích:

– Tại hôm đó ba mẹ em ở quê lên, em đâu dám đi. Với lại ...

– Với lại sao?

Oanh nũng nịu:

– Em sợ cô Thoa lắm?

Sang cười:

– Bọn sinh viên đồn nhảm. Thế ...hôm nay Phượng không sợ cô Thoa nữa sao?

Tố Oanh ranh mãnh:

– Dạ không! Hôm nay em sợ thầy!

Sang vui vui trong lòng vì Phượng có vẻ dạn dĩ, nói nhiều và tự nhiên hơn lần đầu ngồi với anh trong quán ...Cô bé học trò nào lại không thích như thế này chớ. Anh hỏi:

– Sợ cái gì thầy? Nói đi bé!

– Em sợ cho thầy leo cây, thầy sẽ kêu trả bài, tặng cặp trứng ngỗng thật to nên em mới đến đây.

Sang thích thú nhìn chót mũi thanh thanh của cô trong bóng mờ mờ tối.

– Lém lắm! Phượng này!

– Dạ!

Sang định nói một câu thật ngọt ngào nhưng anh chợt dằn lòng:

– Xem phim đi!

Oanh dựa người ra sau, lưng cô chạm nhẹ vào cánh tay Sang đang choàng ngang trên ghế của cô. Ở màn ảnh nhỏ, đôi tình nhân đang hôn nhau say đắm.

Oanh liếc vội thầy Sang, cô thấy ông ta đang chăm chú theo dõi, đôi môi mỏng hơi mím lại.

Tố Oanh mỉm cười, cô co người, hai tay vòng qua ngực. Sang nghiêng người về phía cô, giọng ngạc nhiên:

– Sao vậy Tố Phượng?

Giọng Tố Oanh ngây thơ như giọng trẻ con:

– Tại thầy chọn chỗ ngồi ngay quạt ...

– Em lạnh hả?

Oanh im lặng. Sang lại hỏi:

– Phượng lạnh lắm không?

Oanh lắc đầu. Bàn tay Sang lần xuống cánh tay trần của Oanh.

– Không mà tay lạnh ngắt ...Thầy chọn chỗ dở thật! Phượng ngồi đây để thầy tìm xem còn chỗ nào khác không.

Oanh nhìn Sang, ánh mắt cô thật tôi:

– Thầy bỏ em một mình, em sợ.

Hai người lại im lặng. Oanh chợt nghe tiếng thầy Sang thở dài. Tay Sang choàng hẳn qua vai cô kéo cô sát vào người. Anh thì thầm.

– Ấm chưa?

Oanh ngồi co lại run rẩy. Sang nâng mặt cô lên:

– Sao không trả lời ...sợ ....anh hay sao mà nín vậy?

Sang mỉm cười hài lòng. Anh siết cô bé chặt hơn.

– Tội nghiệp! Đừng sợ anh Phượng ạ! Lần hẹn rồi em không đến, anh đã khổ biết bao. Anh lang thang như một kẻ si tình thật sự. Về nhà, anh làm thơ. Anh đọc cho Phượng nghe nhé!

Oanh xúc động. Hầu như cô chưa bao giờ được nghe lời tỏ tình nào êm ái, sâu lắng như thế cả. Những người con trai đến với cô đều trống rỗng, họ chỉ biết vồ vập, ham hố mà thôi.

Oanh sung sướng, cô nép mình vào vai Sang nghe lời anh như ru:

“Anh sẽ cất trong tim một chút máu hồng Để nhớ vô cùng những ngày mai nào em không tới Anh sẽ giấu trên môi một chút khói nồng Để nghe đớn đau này chẻ sợi nỗi buồn tênh”.

– Em khổ lắm thầy ơi ...Học trò mà dám mơ tưởng đến thầy giáo, các bạn mà biết được chắc em bỏ học.

Sang nắm bàn tay nhỏ nhắn của Oanh:

– Sao Phượng lại nghĩ vậy? Yêu nhau có gì là tội. Anh chưa hề hò hẹn, đi chơi với học trò bao giờ. Lần đầu vào lớp nhìn em, anh đã yêu em ngay.

Oanh vội vàng lắc đầu, cô van lơn thật khéo:

– Mẹ em dặn:

tất cả những người đàn ông đều nói dối giống nhau. Thầy ơi!

Cho em về đi thầy. Em lạnh quá!

Sang thở dài. Những cô bé mới lớn và những cô gái già ế đôi khi đều õng ẹo, làm màu như nhau. Các cô bé thì sợ bị lừa nên thật tình lo lắng, còn các cô gái già thì làm mình, làm mẩy như chứng tỏ mình vừa còn ngây thơ trong trắng, vừa không phải là người dễ dãi buông thả tình yêu dù trong lòng thì vui hơn mở hội.

Sang kiên nhẫn vỗ về:

– Thầy xin lỗi vì đã quá vội khi nói với em như thế. Phượng xem phim tiếp đi!

Giọng Oanh rụt rè, hối lỗi lẫn sợ sệt:

– Thầy đừng buồn Phượng nhe thầy.

Sang tính toán đánh đòn cuối. Anh ngồi im lặng như đang rất phiền muộn.

Cô bé lo lắng quay sang nhìn thầy bằng đôi mắt long lanh. Anh biết, cô học trò nào mà chẳng sợ thầy buồn, nhất là buồn vì tình yêu. Sang thong thả kép Oanh sát vào người sau khi tin rằng mình sẽ thắng:

– Nếu em trả lời là không yêu anh thì anh sẽ buồn đến chết mất. Anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa ...

Oanh vội vàng:

– Không! Em sẽ không trả lời gì cả.

Sang âu yếm siết tay cô.

– Và anh cũng sẽ không nói gì cả. Khi yêu người ta có rất nhiều cách để nói, và cách hay nhất là không phải bằng lời đâu.

Sang điệu nghệ nâng cằm Oanh lên, cô gỡ tay anh ra, gục đầu vào chỗ tựa tay của ghế. Sang vuốt nhẹ tóc Oanh qua một bên và cúi xuống hôn lướt lên ót cô. Anh vuốt tấm lưng thon thả mềm mại của Oanh, lòng háo hức khi cảm nhận cái rùng mình rất nhẹ của cô.

Sang nâng mặt cô lên lần nữa. Anh chăm chú nhìn mắt cô ngơ ngác mở rộng rồi khép hờ như chờ đợi. Đôi môi rất mọng, rất ngon của Oanh hơi trề ra. Trong bóng tối mờ mờ và trong sự im lặng như đồng lõa của những cặp tình nhân đang quấn quít khác, Sang mê đi. Anh hôn nhẹ lên môi Oanh rồi siết cô vào người bằng những ngón tay dài thanh mảnh. Anh say sưa với đôi môi còn rất trẻ thơ và rạo rực với ý nghĩ “Mình sẽ dạy cho con bé cách hôn môi như thế nào cho thật tuyệt, cho không nhớ cà đường về”.


Chương 4

Sau lần đi chơi đầu tiên, Oanh đã cảm thấy mình mê ngay vẻ điệu đàng, sành sỏi và từng trải, lịch lãm của ông thầy đẹp trai, nghệ sĩ. Cô cứ tơ tưởng đến nụ hôn nhẹ nhưng rất khéo làm cô ngây ngất và những lời thơ ru hồn cô bay bay.

Phượng thì bực ra mặt. Cô đã chờ suốt buổi ấy. Khi Oanh về, Phượng đã nghiêm nghị nói ngay:

– Em không bằng lòng trò chơi này đâu. Một lần với hai cái tát tai của người ta mà chị vẫn chưa sợ. Với em đó đã quá đủ ê chề.

Tố Oanh liếc Phượng trâng tráo:

– Em yêu thầy Sang à?

Tố Phượng khó chịu:

– Không! Nhưng em chẳng muốn mang tiếng vì chị.

Oanh ngồi xuống:

– Chị yêu thầy! Điều đó không ảnh hưởng gì đến em để phải mang tiếng cả.

Phượng ngạc nhiên tròn đôi mắt:

– Yêu lúc nào mà nhanh vậy? Còn ông Huy chị để cho ai?

Oanh nhăn mặt:

– Đừng nhắc đến Huy, hắn chỉ là bạn cùng lớp. Còn thầy Sang quả là dễ thương, mới nói chuyện một lần chị đã yêu.

Phượng làm thinh. Cô ngao ngán ngó lơ ra cửa sổ:

– Chị yêu mà chị có nói chị là ai không?

– Có chứ! Thầy rất ngạc nhiên, sau đó thầy cho biết là thầy hợp với chị hơn em.

Phượng đứng dậy. Ngực cô đau buốt, tự nhiên cô cảm thấy tự ái vô cùng. Cô hoang mang không hiểu là Oanh nói thật hay nói dối. Dù thật hay dối cô cũng thấy mình bị xúc phạm. Nếu Oanh nói thật thì thầy Sang chẳng ra làm sao hết.

Còn nếu Oanh nói dối thì chị cô quả thật tệ. Cả hai rốt cuộc chỉ nghĩ đến bản thân mình, chẳng ai nghĩ đến cô cả. Phượng nói như khóc:

– Dù chị nói thật hay nói dóc thì chị với ông Sang cũng là một cặp xứng đôi vừa lứa.

Oanh làm như ngơ ngác nhìn Phượng, rồi cô nhún vai bước vào phòng tắm.

Có một lần cô nghe Huy người cô đang bồ bịch nói:

Thầy Sang hỏi cậu ta về Tố Oanh. Sang không dạy lớp cô nhưng anh là phó bí thư đoàn trường nên Sang biết mặt hết các cán bộ đoàn của lớp. Huy là bí thư chi đoàn của lớp Oanh nên cũng khá thân thiết với thầy. Cậu ta vui miệng đã tâm sự với ông thầy có tiếng trẻ trung, chịu chơi này về mối tình của mình. Còn mức độ tâm sự tới đâu thì Oanh không biết được.

Oanh tư lự. Trò chơi này quả cũng thú vị, cô thích cái lấp lửng hư hư thật thật này. Làm sao dám nói với Sang, và cũng không làm sao không đến với Sang được. Chàng quá tuyệt vời, dù thân thể có hơi mảnh dẻ, bù lại lời nói và đôi môi quyến rũ làm sao. Cô chợt chán ngán vóc dáng vai u, thịt bắp như Huy, vừa nhà quê, vừa cù lần. Rồi cô chợt nghĩ đến Hùng, anh ta từng là người một thời cô đắm đuối, giờ Hùng ở đâu. Lâu lắm rồi Oanh không nhớ đến Hùng.

Kể từ hôm đó trở đi, Phượng và Oanh như có một khoảng cách. Oanh biết Phượng bây giờ đã khác cô bé Phượng cách đây ba năm, cô vẫn còn hồn nhiên trong sáng và thành thật, nhân hậu nhưng cô không ngu ngơ, khờ dại để bị người khác qua mặt, cô rất ghét trò lừa đảo. Bằng chứng là cô không ủng hộ Oanh trong chuyện yêu đương này. Tố Phượng không khuyên răn, ngăn cản được việc làm của chị, cô chống đối bằng cách tránh không nhắc đến thầy Sang.

Vào lớp, cô tỏ vẻ chống đối thầy ra mặt, nhưng cô càng tỏ ra ghét bao nhiêu Sang càng lộ vẻ yêu chiều bấy nhiêu. Phượng đâu biết rằng Oanh rất ranh ma, cô bảo với Sang rằng:

Vào lớp cô sẽ làm mặt lạ, Sang không nhắn nhen, hỏi han gì cô trong lớp cả. Lần hẹn trước sẽ định ngày giờ và địa điểm cho lần hẹn sau.

Sang vô tình không nghi ngờ gì. Lũ sinh viên rủi có gặp Sang với Oanh ngồi quán nước, chúng cũng nghĩ đó là Phượng. Phượng cũng không ngờ điều ấy.

Nhưng Phượng buồn lắm. Càng lúc cô càng thấy mình cô đơn và xa lạ với Oanh. Cô biết Oanh và Sang có những buổi hẹn hò bí mật, nhưng cô đâu nỡ nói ra chuyện của hai người với bè bạn. Cô vẫn là em song sanh với Oanh, cô vẫn là người đỡ đạn cho chị kia mà. Rồi cô an ủi mình:

Dù sao lần này Oanh đi chơi với thầy Sang cũng dưới cái tên Tố Oanh của chính chị ấy.

Tố Phượng lơ đãng dắt chiếc xe mini ra khỏi cổng trường. Tâm trí cô lang thang theo những mảng phượng đỏ rực trên cao, nhưng lòng cô vẫn không sao thanh thản được. Chuyện cô bực là chiều nay, trong giờ ôn tập cuối học phần của thầy Sang, Nhân là trưởng ban văn thể của lớp đã đòi hát để giải lao. Cả lớp vỗ tay rần rần, thầy cũng ủng hộ.

Thế là Nhân dõng dạc đứng lên bục xin hát tặng thầy và người thầy yêu một bài tình ca. Anh chàng đã hát rất tuyệt bài “Phượng yêu”. Vừa hát, anh ta vừa nhìn Phượng làm cô vừa tức vừa ngượng, vừa như nổi gai, nổi óc khắp cả người.

Các bạn đem đến tặng thầy nhánh phượng mới hái dưới sân, kèm theo tràng cười rộn rã. Thầy Sang đứng dậy nhận hoa rồi nhìn Phượng, cái nhìn của thầy có vẻ hài lòng khiến Phượng hoang mang. Cô còn đang nghĩ ngợi thì thầy Sang đã đi đến bàn cô và đường hoàng đặt nhánh phượng vĩ trước mặt cô.

Phượng đỏ mặt rồi gục đầu lên bàn giữa tiếng vỗ tay, vỗ bàn ầm ầm của cả lớp và giữa tiếng hát của Nhân ...

“Yêu Phượng xong chết được ngày mai Xin yêu dù gian dối, xin yêu tôi dẫu nghi ngờ ...

Trong bơ vơ còn nhiều ...thì đâu chối được tình yêu ...”.

– Sao thế nhỉ! Lẽ nào thầy muốn cả hai chị em nhà Tố.

Phượng ấm ức nhớ lại nụ cười và đôi mắt rất tình của thầy Sang. Vừa lúc một chiếc xe hàng chạy cùng chiều bỗng dưng ép sát vào lề làm Phượng hoảng hốt chao tay lái. Bánh trước tưng trên một cục đá xanh to làm Phượng té xuống đất. Cô chưa nghe rõ tiếng ai la gì đó phía sau thì đã bị đè lên người tối tăm mày mặt. Đến hồi hoàn hồn cô mới biết là mình đang bị chiếc xe mini của mình đè lên trên, rồi trên chiếc xe mini lại là một chiếc xe Honda và một anh chàng mặt mày sáng sủa cũng đang hớt hải. Anh ta gượng ngồi dậy trước đỡ chiếc Honda lên rồi đỡ chiếc xe đạp của Phượng. Cô chống tay định đứng dậy, nhưng sao mà đau đến thế. Phượng nhắm mắt, bặm môi nén tiếng kêu nhưng cô vẫn không sao đứng được.

– Chắc trặc chân rồi!

Anh thanh niên ái ngại nói xong, dìu cô vào ngồi đỡ ở lề đường. Chân cô nhanh chóng sưng lên ở mắc cá, hai cùi chỏ tay rướm máu bắt đầu rát. Tự dưng nước mắt ứa ra, cô bật khóc ngon lành làm người thanh niên hốt hoảng. Anh bóp chân cho cô và luôn miệng nói:

– Không sao đâu! Không sao đâu! Đừng khóc!

Tố Phượng vẫn tức tưởi:

– Tại ông chứ ai! Tự nhiên té đè lên người ta.

Chàng trai cự nự:

– Sao lại tại tôi? Đang đi bỗng dưng nhào xuống đường ăn vạ rồi đổ thừa.

Cũng may là sau tôi chẳng có chiếc xe hàng nào nữa, không thì hai đứa ...chết chung đấy!

Phượng đỏ mặt hất tay anh chàng xa lạ ra, cô định đứng dậy nhưng không được.

– Ôi! Đau quá!

Cũng cái miệng rộng lách chách:

– Xem nào! Bong gân hay gãy gì rồi ...Coi chừng cưa luôn thì chết.

Phượng ức lắm. Người gì vô duyên! Cô đang đau mà hắn còn hù nữa. Nước mắt cô lại tràn ra. Phượng vừa thút thít vừa dáo dác nhìn quanh. Rồi tự dưng ánh mắt cô lại ngừng trên mặt của người thanh niên. Anh ta cũng đang chăm chú nhìn cô bằng tia nhìn thật ấm và thật dịu dàng. Phượng bối rối chẳng biết làm gì, cô cúi nhìn chỗ mắt cá chân giờ đã sưng to.

– Tôi đỡ cô bé đứng lên, rồi đưa vào bệnh viện, chân sưng to như vầy là không ổn đâu.

Phượng lo lắng nhìn anh ta. Anh ta lại hỏi:

– Đau lắm không?

Phượng trấn an mình:

– Không đau!

– Không đau mà khóc! Bây giờ gọi xích lô đưa vào viện.

Tố Phượng sợ hãi:

– Tôi sợ vào trong đó lắm.

Rồi cô lại khóc ngon lành. Hai cô gái chở nhau trên một chiếc xe đạp trờ tới ngạc nhiên. Phượng mừng quýnh:

– Hồng Loan! Mai Nhi!

Cô gái tóc ngắn tên Hồng Loan tròn mắt:

– Sao vậy? Xe tông hả?

Phượng nhăn nhăn gật đầu:

– Trặc chân rồi! Chở Phượng về đi Loan.

Mai Nhi liếc xéo anh chàng xa lạ:

– Đụng người ta phải đền chớ!

Tố Phượng ấp úng:

– Tại Phượng vấp cục đá rồi té chớ đâu có ai đụng. Người ta đỡ Phượng lên giùm đó.

Hồng Loan lém lỉnh:

– Vậy sao! Cám ơn quới nhân đi, rồi Loan chở giùm cho.

Anh thanh niên nói:

– Không chở về nhà được đâu. Chân bị như vầy cũng phải vào viện hà!

Nhìn nét mặt của ba cô gái, chàng trai nói:

– Vào viện, người ta sẽ bó bột băng chân cô lại. Tôi biết mấy ông thầy chuyên môn trị trặc khớp, bong gân. Tôi có thể chở cô đi ...nếu cô thấy tin tôi.

Mai Nhi cười:

– Biết anh là ai, tên gì, ở đâu mà tin?

Anh chàng tỉnh bơ:

– À! Tôi tên Trường, nhân viên xí nghiệp Y.

Tố Phượng nhìn bạn cầu cứu:

– Đi với tao nhe!

Loan gật đầu:

– Ừ. Nhưng ai chở?

Trường nhanh nhẹn:

– Tôi. Đề các cô chở lỡ té lần nữa thì khổ.

Tố Phượng về đến nhà là đã hơn sáu giờ chiều. Oanh vẫn chưa về. Trường ân cần mở khóa cửa đỡ cô vào nhà.

Chân Phượng không phải bị bong gân mà bị nứt xương. Trường phải đưa cô vào bệnh viện để bó bột từ gót lên đến quá mắt cá. Trên đường về nhà, Phượng cứ khóc mãi làm Trường phải dỗ dành như dỗ con nít.

Ngôi nhà vắng vẻ làm Phượng sợ ....Cô luôn luôn run trước người lạ cơ mà.

Mai Nhi đã đạp xe cô về rồi, Phượng không hiểu Oanh đi đâu mãi giờ này vẫn chưa thấy có mặt ở nhà.

Giọng đàn ông trầm ấm vang lên nghe thật lạ tai:

– Bây giờ tôi bật đèn, rót nước cho Phượng nha!

Phượng ngồi một chỗ nhìn Trường tự nhiên làm mọi việc trong nhà mình.

Anh đưa cô ly nước rồi hỏi:

– Bớt đau chưa?

Tố Phượng gật đầu khổ sở:

– Anh Trường! Bao lâu mới đi được?

Trường nói rất nghiêm túc:

– Bốn tháng.

Tố Phượng tròn mắt:

– Dữ vậy?

Giọng Trường rất ư thật tình:

– Đó là với những người dễ thương. Còn dễ ghét cả năm không biết đi được chưa.

Phượng im lặng ...Người gì đâu lúc nào cũng đùa được hết. Cô sốt ruột sao mà Oanh lâu về dữ vậy?

Trường nhìn quanh phòng khách:

– Phượng ở với ai?

Phượng trả lời ngắn ngủn:

– Với chị!

Trường tươi cười:

– Chắc bà chị của Phượng khó tính lắm?

Tố Phượng gật đầu:

– Khó lắm! Phượng sợ chị.

Trường đứng dậy đột ngột:

– Tôi phải về.

Tố Phượng ngập ngừng:

– Phượng cám ơn anh Trường nhiều lắm.

– Sao lại cám ơn! Lỗi tại tôi đã té đè lên người ta cơ mà.

Rồi Trường ngần ngừ:

– Tìm một cây gậy để chống khi đi. Nhớ cẩn thận kẻo té!

Anh bước ra sau khi đã cười rất dễ thương với Phượng. Cô cà nhắc bước vào trong. Dầu gì cũng phải thay bộ quần áo lấm lem này ra đã.

Phượng vất vả kéo cái ống quần bó sát ra khỏi bàn chân bị bó bột cứng ngắc.

Vừa tròng chiếc áo ngủ vào, cô lại nghe có tiếng kêu:

– Phượng ơi!

Giọng đàn ông làm cô hết hồn. Vội vàng Phượng lại cà nhắc bước trở ra.

Trường đã đứng ngoài cửa. Anh đưa Phượng gói giấy:

– Bánh mì! Ăn đỡ đi. Chắc chắn là Phượng đã đói rồi.

Anh chàng chăm chú nhìn cô làm cô đỏ mặt. Cô lí nhí cám ơn và lặng lẽ trông theo anh ta bước vội lên xe phóng mất.

Cuối cùng thì Oanh cũng về đến. Cô có vẻ lo lắng khi thấy chân Phượng băng lại như vậy.

Tố Oanh hỏi trống không:

– Rồi mai em nghỉ học à?

Phượng nhẹ nhàng:

– Chớ biết làm sao. Chị chở em nhé!

Oanh gõ gõ tay trên bàn như đang nghĩ ngợi điều gì dữ lắm. Phượng âm thầm theo dõi những biến chuyển trên mặt chị. Cô mỉa mai:

– Em vô tình gây khó khăn cho chị rồi phải không? Hồi chiều đến giờ chị có đi với thầy Sang chứ?

Oanh lắc đầu. Phượng không tin:

– Thật hôn!

Oanh bực bội:

– Chiều nay thầy Sang dạy ở lớp em mà! Quyền gì em tra hỏi chị dữ vậy?

Phượng chanh chua:

– Em phải hỏi, vì em biết chị đi chơi với thầy bằng tên em. Chị kỳ cục lắm.

Hồi chiều không lẽ em nói thẳng với thầy chứ ...

Oanh quắc mắt lên:

– Em định nói gì. Chị biết em yêu thầy Sang mà vờ làm bộ làm tịch.

Phượng ức muốn khóc. Cô nghẹn lời:

– Tại sao chị nghĩ như thế? Em không dễ yêu như chị đâu.

Rồi quên cái chân bị bó bột, Phượng bước vội vào phòng ngủ, cái chân đau không chịu nổi bước đi giận dỗi của cô đã khuỵu xuống. Phượng ngồi bệt xuống sàn nhà khóc nức nở. Oanh lúng túng đến đỡ em lên:

– Chị xin lỗi! Đúng là chị chưa dám nói thật với thầy chị là Tố Oanh, vì chị đã yêu thầy mà thầy lại biết chị đang quen với cả Huy nữa. Lúc này chị đã dứt Huy rồi, nhưng ...

Phượng ngắt lời Oanh:

– Thật là vô lý. Chị bảo rằng hai người yêu nhau. Lẽ nào thầy không nhận ra được em và chị khác nhau như thế nào. Vậy thầy có yêu chị thật sự không? Có tìm hiểu gì về gia đình, vể bản thân chị không? Thế lúc ở bên nhau hai người làm gì? Nói gì với nhau?

Oanh thở dài. Rõ là cô chưa nghĩ đến lúc kết thúc trò chơi do cô bày ra. Giờ thì cô đã sa vào cái vòng lẩn quẩn rồi. Sang có thật sự yêu cô không? Với Sang, cô đã nghe rất nhiều những lời âu yếm, yêu thương, nhưng cô chưa nghe anh nói một câu nào hứa hẹn chuyện trăm năm. Qua những lời tò mò, lắm chuyện của bọn nữ sinh viên thì anh biết, năm nào thầy Sang cũng có một cô bé học trò xinh xinh. Cô biết khi cô ra trường, Sang sẽ quên cô ngay.

Oanh tựa đầu ra ghế salon. Bộ óc ma mãnh, tính toán của cô bắt đầu làm việc. Phải thật thà nói khi vào học trường học, Oanh rất sợ lúc ra trường phải nhận nhiệm sở nơi xa. Cô luôn bị lối sống phù hoa, hào nhoáng ở Sài Gòn lôi cuốn, cô bị mê hoặc bởi nhiều thứ. Tố Oanh không thể sống thiếu thốn tiện nghi. Chỉ có cách lấy chồng thành phố thì mới ở lại đây được. Với Sang, cô có thể có điều kiện thực hiện mơ ước của mình. Anh có học, có nghề nghiệp, có gia đình cơ bản, đang rất yêu cô, dĩ nhiên cô sẽ không để anh bỏ rơi mình một cách dễ dàng như đã bỏ rơi nhiều cô gái khác.

Oanh nhìn Phượng, cô giả vờ buồn rầu:

– Em đừng ca cẩm nữa Phượng. Ngày mai chị sẽ nói chuyện với anh Sang.

Sau đó chuyện gì xảy ra với chị, chị cũng chịu hết.

Phượng bối rối. Cô đâu bao giờ muốn Oanh buồn, từ nhỏ đến lớn cô vẫn nhường nhịn và chịu phần thua thiệt đối với Oanh cơ mà. Nhưng lần này cô bỗng thấy bực bội trong lòng vô cùng. Rồi bạn bè sẽ nghĩ thế nào khi chuyện đó bể ra, hẳn chúng hả hê cho rằng:

thầy Sang đã gom một lúc hai chị em nhà Tố ...

Bỗng dưng Phượng nhớ đến gương mặt không đẹp nhưng rất đàn ông, vui tính với nụ cười ấm áp của Trường, cô nhớ dáng cao to khỏe mạnh của anh ra khi ân cần đỡ cô. Phượng chớp mắt. Có bao giờ anh ấy đến với cô nữa không?

Có bao giờ anh ấy lộn cô với Oanh không?

Giọng Oanh ngọt ngào làm lành:

– Chị mua hủ tiếu về hai đứa ăn nhé!

Phượng lơ đãng gật đầu. Cô đang bực với mình:

“Sao lúc nãy không nhớ mời người ta lấy một tiếng ...Chắc anh ấy sẽ không trở lại đâu”. Phượng buồn buồn ngả người lên salon. Lần đầu tiên trong đời, trái tim cô bồi hồi vì một người con trai.

Sáng hôm sau, Sang tìm đến tận nhà. Anh vội vàng bước vào khi thấy Phượng ngồi gác cái chân bó bột trên ghế ngoài phòng khách. Cô sợ tái cả mặt khi Sang hối hả ôm choàng lấy cô hỏi gấp rút:

– Đau lắm hả cưng! Anh nghe Hồng Loan nói, dạy xong hai tiết là anh đến thăm em liền. Sao vô ý quá vậy bé! Rồi tên nào chở em đi bó chân vậy?

Phượng co rúm người lại, bàn tay nhỏ nhắn của cô cứ đẩy Sang ra. Anh ngạc nhiên:

– Sao vậy Phượng? Bộ giận anh hả?

Phượng lắc đầu rồi cô lắp bắp:

– Không phải em đâu thầy ơi!

– Em nói gì vậy Phượng? Nghĩ là anh không biết em bị tai nạn à?

Phượng bối rối nhìn anh rồi nhìn xuống đôi tay mình. Giọng ông thầy vẫn hết sức ngọt ngào, âu yếm:

– Để yên anh xem chân em.

Vừa nói Sang vừa chồm người về phía trước anh nhẹ nhàng nâng chân Phượng lên để trên đùi mình. Phượng lấy lại bình tĩnh, cô rút chân về:

– Thưa thầy!

Sang cười, anh vuốt má Phượng:

– Hôm nay học trò anh ngoan quá. Sắp vòi vĩnh người thầy yêu thương, hẹn hò không?

Sang ngạc nhiên, anh chẳng hiểu con bé này hôm nay muốn giở trò gì. Sang đâu có lạ những kiểu nghịch ngợm, phá phách của cô bé người yêu rất thông minh và nhiều sáng kiến trong các buổi hẹn hò của mình. Nhiều lúc ấy cô ta khác hẳn lúc này và lúc nghiêm túc trong lớp học.

Sang cười và nói đùa:

– Chắc không phải em. Vậy người yêu của thầy đâu rồi?

Phượng nghiêm nghị:

– Chị Oanh đang học trong lớp ...Hôm nay lớp chị ấy học có ba tiết. Chắc cũng sắp về rồi đó thầy!

Sang trố mắt nhìn Phượng. Anh hoang mang trước vẻ nghiêm trọng khác thường của cô.

– Nghĩa là sao Tố Phượng? Em lại tính đùa trò gì đây?

Nhìn vẻ hậm hựa của ông thầy. Phượng bỗng thấy khớp như mình đang bị thầy khảo bài không thuộc. Cô luống cuống:

– Em muốn nói hồi nào đến giờ thầy đi chơi và yêu thương chị Oanh chớ không phải em. Em chưa hề đến với thầy lần nào cả.

Sang ngồi thừ người ra, anh cứ nhìn Phượng mãi như xem cô là ai. Anh không nghĩ là mình bị lừa trong chuyện yêu đương và lừa một cách kỳ cục lẫn trớ trêu như vầy. Sang nhìn Phượng và anh chợt nhận ra sự khác nhau giữa hai cô gái. Cách biểu lộ tình cảm, thể hiện suy nghĩ của Oanh khác hẳn Phượng.

Oanh không bao giờ rụt rè trước khi nói, ánh mắt nhìn của Oanh luôn chứa đựng một hoài vọng, một khát khao nào đó về tình yêu, về một điều gì đó bí ẩn nhưng lúc nào cũng đầy ắp trong cô. Phượng thì ngược lại, cô dịu dàng và luôn nhút nhát thiếu tự tin trước đàn ông, những lần vào lớp đều thấy Tố Phượng như vậy. Cái nhìn đầu tiên cũng thế, cái nhìn hiện giờ cũng thế. Anh đã say mê vẻ nai tơ của cô vô cùng nên mới tìm đến cô.

Thế nhưng ở những lần hẹ hò mà hầu như chì diễn ra trong rạp cinê, Sang đã bỏ quên óc phán đoán của mình, phải chăng vì anh quá đam mê? Sang cắn môi mỏng nhìn Phượng đang thắc thỏm không yên. Anh giận lắm, anh thấy tự ái của một người đàn ông, một ông thầy lúc nào cũng cho rằng mình có uy quyền tối cao đối với học trò làm anh phẫn nộ.

Sang gằn giọng:

– Vậy là lâu nay hai chị em em đem tôi ra làm trò đùa phải không? Thật không ngờ, tình cảm chân thật của tôi bị sỉ nhục một cách oái oăm như vậy.

Phượng vội nói:

– Xin thầy đừng nghĩ thế! Chị Oanh rất yêu thầy, chỉ khổ vì thầy vô cùng.

Sang lắc đầu khốn khổ:

– Nhưng ...anh yêu em chớ đâu có yêu Oanh.

Phượng lở khóc lở cười nhìn ra cửa. Oanh đã đứng đó tự lúc nào, một tay ôm cặp, một tay cô đặt lên ngực như cố ngăn xúc động. Đến lượt Sang bối rối, anh đến bên Oanh dịu dàng đưa cô ngồi xuống ghế kế bên Phượng. Hai chị em giống nhau quá sức tưởng tượng. Sang lặng thinh vì xúc động, vì những giọt nước mắt chảy dài trên má Tố Oanh. Cô thồn thức rồi gục trên salon khóc nức nở. Sang chợt thấy Phượng thoáng mỉm cười, một nụ cười lạnh lùng như giễu cợt. Cô đứng dậy gượng đau lần theo vách vào trong. Sang bỗng bất nhẫn trước đôi vai nhỏ, quen thuộc đang run theo tiếng khóc. Anh đợi Phượng khuất bóng là ôm Oanh vào lòng:

– Đừng khóc! Chuyện đã lỡ rồi. Tại sao em lại dối thầy?

Oanh ngước đôi mắt ướt lệ lên thầm thì:

– Vì em quá yêu anh. Em làm sao dám nói thật khi em đến với anh qua tên người khác. Bây giờ anh nói đi, anh sẽ xa lánh, hắt hủi, khinh ghét em phải không?

Sang thở dài ôm cái thân thể mềm mại không thôi thổn thức trong vòng tay anh. Sang vốn sợ nhất là nước mắt và tiếng khóc. Anh vỗ về:

– Nín đi em, anh chẳng giận em đâu?

Giọng Oanh yếu đuối:

– Nhưng anh có yêu Tố Oanh không?

– Có chứ! Vì Tố Phượng đâu có đến với anh. Tố Phượng chẳng hề yêu anh.

Nguồn: http://vietmessenger.com/