19/4/13

Khoảng đời lấp lửng (C1-2)

Chương 1

Bà Lợi xách giỏ vào đến nhà là đã thấy bộ mặt cau có của chồng:

– Em có thấy cuốn sổ tay của tôi đâu không?

Để cái giỏ xuống đất, bà vừa giở nón lá ra phe phẩy quạt, vừa nhíu mày như nghĩ ngợi:

– Tật anh hay để đâu quên đó! Kiếm trên mấy kệ sách, bàn học coi con nó có dẹp không?

Ông Lợi làm thinh, bước đến bên chiếc kệ nhỏ kê giữa hai chiếc bàn học.

Ông khom lưng xốc tới xốc lui chồng sách, rồi miệng lại càu nhàu:

– Có thấy đâu đâu?

Bực bội, ông huơ tay trúng đống sách trên bàn, vài cuốn rơi xuống đất, ông cúi người nhặt lên ...một tờ giấy pơ-luya hồng xếp tư vuông vức rơi theo.

Ông Lợi tò mò cầm lấy mở ra xem ...

“Mi mi!

Ba ngày rồi không gặp. Anh sắp điên vì nhớ. Tối nay, bảy giờ rưỡi tại công viên. Nhớ đến ...Anh sẽ chờ dù mưa ...

Hôn em.

Gấu xám”.

Ông Lợi giận điên người. Cầm tờ giấy, ông hất hàm đưa vợ:

– Ra mà xem con gái cưng của bà nè!

Bà Lợi ngạc nhiên, tò mò đọc tờ giấy, rồi bà ngước mắt nhìn chồng:

– Mi mi là đứa nào? Trời ạ! Nó lấy biệt danh biệt hiệu có thánh mới biết ...con nào.

Bà Lợi xem lại lá thư lần nữa.

– Đồ mắc dịch!

Bà đỏ mặt rồi lo lắng nghe chồng cằn nhằn:

– Hừ! Mới bây lớn mà bày đặt yêu đương. Mà yêu cái giống gì, cặp kè ngoài bờ, ngoài bụi là hỏng rồi. Để cho bà cưng bà chiều chúng nó. Học cao đẳng hay đại học gì cũng là con nhỏ.

Bà Lợi bối rối ngắt lời chồng:

– Đứa nào? Mà đứa nào mới được chứ! Phải chi nó viết tên họ ra.

Ông Lợi gắt gỏng:

– Bà ở đó mà lầm bầm, lẩm bẩm. Xuống lo nấu cơm đi, đợi tối nay hẵng hay!

Ông hầm hầm bước ra sân, rồ ga chiếc Cub chạy mất. Bà Lợi xách giỏ xuống bếp. Lòng bà nặng trĩu nỗi lo lẫn nỗi buồn.

Bà chợt nhớ đến thời con gái của bà. Ngày đó bà nổi tiếng là một cô gái đẹp.

Bà chỉ học đến lớp đệ tứ là gia đình đã ép gả cho ông Lợi để trừ nợ.

Bà thở dài. Lúc ấy bà có thương yêu gì ông đâu. Ông là một gã đàn ông lớn hơn bà gần hai mươi tuổi, với gương mặt lúc nào cũng tai tái, xanh xanh và vóc dáng ròm rõi đến thảm hại.

Mười bảy tuổi, lòng tơ non phơi phới, bà đã khóc và đã định trốn nhà.

Nhưng đêm hẹn ấy bà chờ mãi người con trai trẻ trung khỏe mạnh và bà trót yêu đã không đến để bà lủi thủi về nhà chấp nhận làm vật thế nỡ.

Ông Lợi cưới được người vợ vừa trẻ vừa đẹp nên yêu thương bà hết mực. Bà Lợi sống với ông như hoàng hậu trong cung cấm, ông đã ban phát cho bà biết bao ân sủng nhưng bà vẫn không thấy hạnh phúc. Cái hạnh phúc nói ở mặt nào bà cũng không tìm thấy được. Trái tim bà dần dà cũng không còn hướng về mối tình đầu, nó cũng không hướng về ông chồng khô khan chỉ nghĩ rằng vật chất quyết định hạnh phúc con người. Còn thân xác bà ...Trời ạ! Cái thân thể mới ba mươi mấy tuổi đầu của người đàn bà đẹp, tràn đầy sinh lực lúc nào cũng khao khát mà ông Lợi lại quá hời hợt, suốt ngày đi làm về không biết lấy một lời hỏi han người vợ trẻ, chỉ đưa bà giữ những món tiền mà ông nghĩ là bà rất thích, tối đến lăn đùng ra vừa ngủ vừa lên cơn suyễn khò khè như tiếng đầu máy xe lửa đang cố kéo bao cái toa nặng nề đến khốn khổ.

Những lúc ấy bà đã tủi thân đến khóc thầm. Trái tim chưa bao giờ hướng về chồng bỗng khao khát đi tìm một trái tim cùng nhịp đập. Hơn một năm nay bà cảm thấy như mình trẻ lại, đắm say sống lại thời hẹn hò thuở mười sáu, mười bảy tuổi. Bà đang có một người tình, để đêm đêm nằm thao thức, bà vẫn tự hỏi lòng đó có phải là chút tình yêu dầu muộn màng không? Hay đó là nỗi đam mê của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi.

Bà Lợi thở dài, vung tay quạt mạnh bếp đang cháy âm âm bỗng rực đỏ ...Có ai thấu hiểu lửa lòng bà cũng đang cuồng nhiệt như vậy không?

Hùng ngồi thòng chân trên một nhánh cây chìa ra mặt sông trong khu vườn đầy cây ăn trái của bà ngoại anh. Oanh đang đứng phía dưới. Cầm những trái chôm chôm chín đỏ ném lên, cô vừa ném vừa cười. Hùng một tay đeo chặt cành cây, một tay cố chụp, một số trái cũng vuột khỏi tay anh rơi tõm xuống sông.

Tố Oanh ngừng tay và đột nhiên thách thức:

– Em đố anh dám để nguyên quần áo nhảy xuống sông.

Hùng hơi nhíu mày, rồi anh nói:

– Chuyện đó có gì phải đố. Chỉ ngại không có quần áo khô đưa em về cho kịp thôi.

Tố Oanh tủm tỉm cười. Cô biết mình thách bậy rồi, nhưng chưa kịp nói gì thêm thì Hùng đã phóng mình xuống dòng sông. Dòng nước chảy xiết cuốn anh ra hơi xa. Cố gắng lắm, anh mới bơi sát vào bờ vì quần áo vướng níu.

Bám vào rễ cây gừa, Hùng reo lên. Anh ướt loi ngoi, vừa đi vừa cởi áo ra.

Oanh điềm nhiên nhìn Hùng:

– Cừ thật! Em nói chơi mà anh làm thật.

Hùng không trả lời, anh vắt chiếc áo lên một nhánh cây rồi tỉnh bơ cởi nốt chiếc quần dài đang mặt vắt vào một nhánh cây khác. Anh tủm tỉm nhìn Oanh:

– Anh cũng phải cho em xuống nước mới được.

Vừa nói, Hùng vừa bước về phía cô. Oanh cười khúc khích rồi cô chạy vòng vòng gốc cây trong vườn, miệng không ngớt kêu:

– Em không giỡn à nhe!

Hùng cứ lừ lừ tiến tới. Cuối cùng anh cũng bắt được Oanh.

Lần đầu thấy Oanh, Hùng đã bị đôi môi gợi dục và thân hình con gái mới lớn cùng những đường nét hấp dẫn cứ lồ lộ ra mê hoặc. Anh những tưởng mình phải tốn công sức, tốn thời gian để đeo đuổi Oanh lắm. Nhưng không ngờ ở lần hẹn hò thứ ba, cô đã đáp lại sự ham muốn của anh một cách cuồng nhiệt.

Thế nhưng Hùng chưa bao giờ đạt đến mục đích cuối. Đã có những lúc Oanh hầu như ngây dại trong vòng tay ve vuốt của anh, cô ghịt đầu anh vào ngực mình rồi cũng chính cô đẩy mạnh anh ra và quyết liệt chống đối.

Hôm nay cũng vậy, Oanh như mê đi, nhưng rồi cũng chính cô thở hổn hển xô mạnh anh ra. Hùng bực bội chạy ra bờ sông, nhảy ùm xuống lội một vòng.

Khi anh trở lại thì Oanh đang ăn lôm chôm, cô mở túi xách đưa anh gói thuốc và hộp quẹt.

Hùng nằm gác một tay sau ót, miệng chập chạp nhả những vòng khói. Oanh tựa đầu lên ngực anh:

– Mấy hôm nay em thấy anh có vẻ quạu quọ quá!

Hùng búng tàn thuốc:

– Chuyện gia đình thôi! Bà vợ sau của ba anh rất khó chịu. Từ ngày bà ta về ở chung, anh bỗng chán tất cả. Thỉnh thoảng, anh lại muốn đập phá một cái gì đó xong bỏ đi cho rồi. Bà Thâu tóm mọi thứ trong nhà, xin được tiền không phải là chuyện đơn giản. Anh như cái gai nhọn trước mắt bà ta. Bà ấy soi mói cả giờ giấc anh. Mấy năm trước còn nhỏ, anh chịu được. Bây giờ anh lớn rồi, anh biết sớm muộn gì anh cũng bò đi thôi. Anh không thể nào ở nhà được nữa.

Tố Oanh tròn mắt nhìn anh:

– Không lẽ đó là lý do để thỉnh thoảng anh phải bỏ học. Dầu gì anh cũng đã theo học trường này hai năm rồi. Còn một năm nữa, ráng không nổi sao?

Hùng im lặng rít hơi thuốc cuối cùng rồi búng mạnh chiếc tàn thuốc bay ra xa. Một lát sau, anh nói:

– Trước đây anh nghe lời bà ngoại thi vào cao đẳng chuyên nghiệp này để trốn nghĩa vụ thôi. Chứ tánh anh không thể nào hợp với việc học lấy một nghề rồi ngày hai buổi cặm cụi với nghề đó mà khổ cực đổi lấy đồng tiền. Bây giờ anh bị gò bó tù túng và bực bội trong gia đình, anh luôn có cảm tưởng như mình là con ngựa muốn cất vó mà cứ bị ghìm cương lại. Anh chỉ mơ ngày nào đó phá vỡ mọi thứ, ra đời tìm những việc gì đó thích hợp với anh hơn, chứ ru rú một xó trong thành phố anh không chịu nổi.

Tố Oanh ném một hột chôm chôm rồi đưa tay ra hứng:

– Làm việc gì, làm ở đâu cũng phải học chớ anh. Đàn ông con trai nào cũng có những ước mơ bay bổng. Con gái bọn em tuy thế mà luôn thực tế, ai cũng muốn người chồng của mình cũng là chỗ dựa vững vàng, nghề nghiệp ổn định.

Nói xong, Oanh cười cười, cái cười mỉm như muốn cho anh hiểu rằng còn gì đó cô chưa nói ra hết ý làm Hùng bất chợt hơi tự ái.

Thật ra, càng ngày anh càng thấy Oanh rõ hơn. Cô không ngây thơ như anh tưởng, suy nghĩ của cô có nhiều điều vượt xa tuổi của cô. Đôi lúc Hùng cảm nhận được những tính toán, nhận xét một vấn đề gì đó qua cái nhìn, lối nghĩ, cách nói của Oanh.

Anh bất chợt nhìn thật kỹ Oanh, cặp mắt đẹp rất sắc của cô đang mơ mộng gì đó. Anh biết cô có nhiều tham vọng, rồi bỗng dưng anh nhận ra chưa bao giờ Oanh thú nhận là đã yêu anh cả.

Hùng chua chát:

– Em cũng muốn có một chỗ dựa vững chắc chứ gì?

Oanh tư lự. Cô nhếch môi cười:

– Đôi lúc em nghĩ mình cũng cần có một chỗ dựa để tự mình vươn lên, chớ chỗ dựa đó không phải là mục đích để mình mơ ước.

Hùng nhún vai. Ít ra cô cũng đã nói thật lòng mình. Cô là đứa bé mà Hùng chưa chiếm đoạt điều anh muốn, cô là cô bé có đôi mắt làm Hùng bồn chồn mỗi khi nhìn. Với Oanh, Hùng luôn có chút gì nể nang, e dè, điều đó vì đâu thì anh vẫn chưa biết.

Hùng bước đến gốc cây lấy chiếc quần dài chỉ vừa ráo nước mặc vào. Khoác cái áo trên vai, anh hất hàm nhìn Oanh. Cả hai bước vào nhà. Bà ngoại Hùng đang ngồi trên bộ ván.

– Sao, hai đứa ăn lôm chôm Lái Thiêu đã chưa? Ngoại có nấu cơm nếp để sau bếp. Hùng! Vào lấy cho bạn con ăn với!

Tố Oanh nhanh nhẩu bước đến bên bà:

– Dạ, ngoại để con!

Rồi cô thoăn thoắt xuống bếp rất tự nhiên, bà ngoại chăm chú nhìn theo:

– Con nhỏ này xuống đây mấy lần rồi phải không Hùng. Nó cũng ở Sài Gòn à!

– Dạ!

Bà ngạc nhiên:

– Ủa! Hai đứa bây không còn đi học à?

Hùng ngập ngừng:

– Dạ ....tụi con đang nghỉ ôn thi cuối học phần đừ quá nên mới về Lái Thiêu vừa thăm ngoại vừa cho khuây khỏa.

– Lúc này mày với ba mày thế nào?

Hùng nhìn ra cửa, chỗ đám vạn thọ đang nở vàng nhức mắt.

– Con với ba con cũng bình thường. Có dì Tư thì khó chịu ra mặt. Nhiều lúc con muốn bỏ đi đâu, hay về đây ở với ngoại cho rồi.

– Tiền bạc thì ba mày cất hay con Tư cất?

– Bả cất, ngoại à! Bởi vậy, sau này con cần có tiền tiêu lặt vặt cũng khó mà có. Ba con có bao giờ ngó ngàng gì đến con. Ông lo làm ăn áp phe áp phiết suốt ngày, tối về là đã say khật khưởng. Những lúc đó là lúc để dì Tư kiếm chuyện chửi chó mắng mèo. Con bực bội nhưng nghĩ thương ba nên con ráng nhịn.

Tố Oanh ngồi sau bếp nghe hai bà cháu Hùng nói chuyện. Cô chợt thở dài.

Gia đình Hùng thì rõ là không hạnh phúc. Thế còn gia đình cô thì sao? Oanh nghĩ đến mẹ mình, chuyện gia đình cô cũng lắm điều đáng buồn, thế nhưng cô chưa một lần hé môi nói với ai.

Cô biết mẹ mình còn rất trẻ đẹp, bà sống như dật dờ bên cái xác khô héo của ông chồng già. Bà không hề yêu chồng, điều này bà cũng không hề kể với ai.

Những đứa con của bà cũng chẳng hề quan tâm vì cuộc sống phẳng lặng ngày qua ngày của bà vẫn êm đềm tiếp nối.

Thế nhưng đã mấy lần cô bắt gặp mẹ mình đi với một người đàn ông trẻ hơn ba cô nhiều, những lần đó cô đã hốt hoảng tránh mặt, vì cô cũng đang trốn học để đi chơi với đám bạn. Những lần ấy đã khiến cô có một cái nhìn khác về mẹ mình, nhưng nó chưa tạo cho cô một ấn tượng sâu sắc nào cả. Trừ một lần cô cũng cúp tiết đi chơi, nhưng vòng vòng một hồi không có mục nào hấp dẫn, cô đã chán nản bỏ về.

Đến nhà, cô thấy cổng rào đóng và khóa bên trong. Cô lấy chìa khóa riêng của mình mở ra, nhẹ nhàng dắt xe vào và vòng ngã bếp rút êm lên lầu. Ngang phòng của mẹ, cô hơi ngạc nhiên vì cửa phòng đóng kín lại có tiếng người bên trong.

Một linh cảm mơ hồ làm Oanh nhói ngực, cô cúi xuống nhìn vào ổ khóa ...Lẽ ra cô bỏ đi đâu đó chờ đến tan trường sẽ về, nhưng không hiểu sao cô lủi về phòng của mình nằm như người mất hồn. Những hình ảnh sống động một cách khủng khiếp làm cô bé vốn sớm phát triển như Oanh vừa sợ vừa thích và vừa giận nữa. Hình ảnh người mẹ đến lúc đó coi như hoàn toàn sụp đổ. Cô nằm trong phòng mình, cố tình mở cửa để chờ bà Lợi đi ngang qua. Bà đã hốt hoảng chạy vào nhìn Oanh, ấp úng:

– Con về lâu chưa Oanh?

– Con mới về! Nhức đầu quá mẹ à!

Giọng bà Lợi tự nhiên hơn:

– Con Phượng đâu?

Oanh ngồi dậy:

– Nó còn ở lớp.

Mắt cô nhìn mẹ ngầm thách thức. Bà Lợi bối rối bước ra khép cửa phòng cô lại. Ắt hẳn bà đang đưa người đàn ông đó về. Oanh nằm vật xuống giường ôm lấy chiếc gối, cô run rẩy nhớ lại ...

Rồi từ đó cô có những buổi hẹn hò khác. Trước kia khi cô đậu vào trường X này và quen với Hùng, một anh chàng to con, rất bạo và cũng rất điệu nghệ học trước cô một năm. Từ bao giờ Oanh đã tự cho rằng mình là người lớn với những bí mật của riêng mình. Trong khi đó ba cô và con bé Phượng vẫn không hề hay biết gì cả. Dưới mái nhà có bốn người, có hai người vô tư và thấy mình hạnh phúc, còn hai người còn lại luôn khát khao đi tìm những cái mình không bằng lòng trong cuộc sống, hạnh phúc của họ là những phút giây sống ngoài trách nhiệm, ngoài ràng buộc của gia đình.

Ông Lợi nhìn gương mặt của hai cô con gái rồi ông chợt thở dài. Mặt đứa nào cũng để lộ vẻ ngây thơ, trong sáng, thậm chí biểu lộ nét bất bình vì tờ thư quỷ quái kia.

Đầu tiên là Phượng, cô chối đây đầy:

– Con không biết gì hết. Cuốn sách này của chị Oanh chớ không phải của con.

Bà Lợi có vẻ bênh con bé chị:

– Của con Oanh sao lại nằm trên bàn mày?

Tố Phượng tròn mắt:

– Con đâu biết.

Ông Lợi nhìn Oanh. Con bé lầm lì nhìn mọi người, cái nhìn của nó ngừng ở bà Lợi rồi đáp gọn lỏn:

– Lá thư không phải gởi cho con. Ba mẹ tin hay không thì tùy ba mẹ. Hai đứa con đâu có quen ai tên Gấu tên Beo gì đâu?

Ông hầm hầm quát lên:

– Không lẽ là trò đùa? Phải có người nhận thơ mới có đứa gởi chớ! Lớn rồi, không ai cấm các con có bạn. Nhưng tại sao không đưa bạn về nhà cho ba mẹ biết mà lại hẹn ngoài lùm, ngoài bụi ở công viên hả?

Hai chị em ngồi im re. Cuối cùng, Tố Phượng rụt rè:

– Bữa hổm con cho con Phụng Minh mượn cuốn sách này. Dám thơ này của no lắm. Ở nhà nó tên Mini.

Ông Lợi “hừ” một tiếng khô khốc:

– Bắt đầu từ hôm nay ghi thời khóa biểu lên bảng. Tối học thêm Anh văn ba sẽ đưa đi. Hai chị em phải để ý nhau. Bạn bè phải ra bạn bè, phải đàng hoàng tử tế. Muốn gì cũng phải ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng. Tụi bây đừng cho rằng mình đã lớn để chê cha mẹ lầm cẩm, cổ lỗ trong chuyện yêu đương.

Ông bực bội bỏ lên lầu. Bà Lợi nhìn hai cô con gái rồi vội bước theo chồng.

Tố Phượng nhún vai nhìn chị:

– Cho bà ham vui, lần sau thì ráng chịu nhé! Tự dưng bị nghe rầy oan vì bà.

Tố Oanh le lưỡi:

– Đưa chị mượn tập hồi sáng.

Phượng hỏi:

– Này! Gấu xám là tên nào vậy?

Oanh nhăn mặt:

– Của con Mai Nhi chớ chị đâu biết.

Phượng trề môi:

– Làm như em ngu lắm! Nói cho mà liệu hồn, nghỉ học hoài không đủ điều kiện xét lên lớp đó.

Oanh thở dài:

– Buồn buồn theo tụi nó về Lái Thiêu kiếm trái cây ăn chơi! Bây giờ tụ lại vừa rồi. Cuối năm lỡ ở lại thì đời tàn.

Phượng vẫn còn thắc mắc:

– Dạo này chị đi chơi với nhóm nào vậy?

Oanh tỉnh bơ:

– Nhóm con Cúc Hoa chớ ai. Tụi nó hỏi sao em không đi?

Tố Phượng vuốt tóc:

– Đi hai đứa một lúc cho chết chùm hả? Với lại, em cũng không khoái. Mà em nghe nói chị xé lẻ rồi mà?

Oanh hơi khựng một chút. Cô chối:

– Nhảm nhí! Xé lẻ với ai?

– Với anh chàng mà thỉnh thoảng học Anh văn chị cũng cúp để đi uống cà phê đó.

Oanh cười gượng:

– À! Với anh ta thì lâu lâu vào quán nghe nhạc, chớ chị không xẻ lẻ gì cả.

Tụi nó đồn không hà!

Oanh đứng dậy bước đến trước gương. Cô không muốn tiếp tục nói chuyện với Phượng nữa vì giấu đầu cũng sẽ lòi đuôi. Con bé cũng ranh lắm chớ đâu phải vừa.

Cô nhìn mình rồi liếc sang Phượng. Rõ là hai giọt nước, chị em sinh đôi không khác nhau nét nào cả. Chỉ một bớt nhỏ trên đùi Phượng như một vết làm dấu của bà mụ để lúc sinh ra để ba mẹ hai cô không lẫn lộn thôi.

Nhưng về tính nết thì hai người khác xa nhau. Từ lúc nhỏ, Tố Oanh đã là cô bé ít khi thành thật, ích kỷ và ham chơi hơn ham học, ham làm. Điểm nổi bật của cá tính Tố Oanh là cô sẽ làm bất cứ việc gì để đoạt được điều cô muốn.

Càng lớn, bản chất của cô càng rõ, bây giờ cô lại thêm cái ma mãnh, thủ đoạn nữa.

Tố Phượng thì trái lại, hiền dịu vô tư, thật thà hay giúp đỡ người khác và thường không giấu kín suy nghĩ của mình đối với người thân.

Bao giờ cô cũng hay kể những chuyện riêng, suy nghĩ của mình cho Tố Oanh nghe. Cô sẵn sàng chia sẻ với chị những lo âu phiền toái một cách hăng hái nhiệt tình. Từ bé đến giờ Phượng đã bao lần đỡ đòn chịu tội “cứu” giùm Oanh rồi! Phượng luôn nghĩ mình phải che chở, bênh vực cho chị, dù việc Oanh làm là ràng ràng có lỗi. Cô vẫn biết tính của Oanh có nhiều cái xấu, nhưng cô không khuyên được chị mình, nên rốt cuộc Phượng như là người cùng chịu buồn vui với Oanh. Miết rồi Oanh có cảm tưởng việc một đứa làm hai đứa cùng chịu là chuyện thường tình, đương nhiên.

Đôi lúc ngẫm nghĩ Oanh cười một mình. Rõ là Phượng đã làm rất nhiều điều tốt cho chị mình. Như làm bài trong lớp, thường Phượng hay làm luôn cả cho Oanh rồi cùng nộp. Ở nhà, cô vẫn gánh vác những việc vặt để Oanh rảnh mà đi chơi. Tính Phượng giống cha, còn có lẽ tính Oanh giống mẹ. Ông Lợi bao giờ cũng suy nghĩ giản đơn và bằng lòng với cái mình có. Ông ít khi để ý đến vợ con, cứ lâu lâu gọi to “Oanh! Phương!”, có đứa nào thưa “dạ” là ông yên tâm nằm miết trong phòng với cái tivi, cái cassette hát những tuồng cải lương củ rích của ông.

Ông bao giờ cũng tin vào người vợ và hai cô con gái cưng mà ông quý hơn mọi thứ trên đời.

Hùng ngồi lầm lì bên ly cà phê còn một nửa. Long hỏi:

– Hồi sáng mày đánh đứa nào trong sân trường vậy?

Hùng nhún vai:

– Tao ít muốn gây gổ, đập lộn trong sân trường lắm. Hồi sáng này tao can thằng Hoàng và thằng Đạt đó chớ tao có đấm đá gì.

Uống một chút cà phê, Hùng nói tiếp:

– Cũng tại ông Nguyễn Du mà ra cả! Tự dưng nhắc lại hồi học phổ thông, hai thằng hứng chí đem Từ Hải ra tranh luận. Đứa khen rằng nhân vật này anh hùng, đứa chê Từ Hải là kẻ lụy đàn bà. Có thế thôi mà sanh sự.

Long cười, nháy mắt với Hùng:

– Đàn bà cỡ như nàng Kiều cũng nên lụy mày ạ.

Hùng làm thinh. Long biết mấy ngày nay Hùng “héo” vì không gặp được Tố Oanh nên mới nói khều, nói móc.

Hùng hất hàm:

– Mày mà nhắn được Tố Oanh muốn gì tao cũng đãi.

Long so vai, rụt cổ:

– Tao không phân biệt được hai chị em nhà nó, mày ạ! Lỡ nhắn nhằm con Tố Phượng, nó nói hành, nói tỏi, bể lắm. Mà ...sao hổm rày em Oanh lặn mất vậy?

Hùng không trả lời. Anh châm thuốc hút rồi thay hộp quẹt cho Long.

Từ hôm đi lên nhà ngoại về đến nay, Oanh lẩn mất. Cô chỉ viết mấy câu nhờ bà bán thuốc lá ở ngã tư đưa cho Hùng.

Miếng giấy ghi vỏn vẹn.

“Gấu Xám! Nhớ muốn điên, nhưng bể rồi, phải tạm xa ...không thì Mini bị cạo trọc đầu”.

Rồi tối đến, Hùng thấy ông Lợi kè kè Honda theo hai chiếc xe đạp của hai cô con gái. Chờ chuông vào học ông mới về. Tối, chưa đến giờ tan, ông đã đến chờ ở trung tâm sinh ngữ.

Hùng nẫu cả ruột. Vào trường, anh chỉ thấy thoáng thoáng hai chị em cô ở cửa lớp, chả biết Oanh là ai, Phượng là ai. Xồng xộc vào lớp tìm thì thật là bất tiện vì dù sao nah cũng phải nể mặt bọn con trai lớp này chứ!

Một hôm, thoáng thấy bóng Oanh bước về hướng căn tin trong giờ chơi ồn ào, Hùng vội chạy xô theo.

– Tố Oanh!

Anh thật bất ngờ khi cái giọng đanh đá rất dễ thương vang lên:

– Gấu Xám, Gấu Nâu gì ...là anh á hả? Cho biết nhen! Chị Oanh có tui giám sát kỹ lắm rồi, không ai dụ được đâu!

Trời đất! Con bé không khác Oanh chỗ nào cả. Nét môi trề trề cong cong, ánh mắt đen nhánh lúng liếng, mái tóc mượt dài và vóc dáng thon thả gợi cảm.

Có điều Hùng cũng nhận ra ngay đó không phải là Oanh. Phượng có nét gì rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ là cô còn ngây thơ, trong sáng chứ không lõi đời như Oanh.

Trước khi quen Oanh, Hùng thấy hai chị em cô một lúc, nhưng trong hai đôi mắt đen rất đẹep chạm mắt anh, có một đôi nhìn với vẻ dửng dưng vô tâm và một đôi mắt nhìn đầy tình ý. Sau đó, Hùng tình cờ gặp Oanh ngoài công viên với đám bạn. Qua cái buông lơi của hàng mi dày, anh biết ngay đôi mắt “có tình” với anh chính là đôi mắt của cô bé này. Quen nhau chớp nhoáng và say nhau đến mức Hùng không để ý đến Phượng. Anh chưa bao giờ gặp riêng, nói chuyện với Phượng cả, nên hôm ấy anh thật sự sửng sốt trước những nét gần như giống hệt nhau của hai cô gái.

Tiếng Long lại ồ ề vang lên:

– Ê Hùng! Có bao giờ mày đi với con Phượng mà tưởng là con Oanh không?

Hùng cười tủm tỉm:

– Làm gì tệ dữ vậy!

Long nhịp chân:

– Vậy làm sao mày phân biệt được hai chị em nhà nó?

Hùng ra vẻ sành đời:

– À! Thì tao phải có kinh nghiệm riêng chứ!

Long vứt chiếc tàn thuốc xuống đất, rồi dùng gót dí dí lên:

– Tao thấy nhiều cặp sinh đôi rồi. Nhưng phải công nhận chị em Tố Oanh, Tố Phượng giống nhau quá sức. Mấy đứa bạn học chung với tụi nó từ hồi lớp mười đến giờ vẫn còn lộn đó.

Hùng chắc chắn:

– Tao đảm bảo không bao giờ lộn.

Long nói tiếp:

– Theo tao biết, con Oanh mê chơi hơn ham học, con Phượng trái lại chăm học không thích đi chơi. Trong lớp tụi nó thích con Phượng hơn , vì con Oanh của mày ...

Long bỏ lửng làm Hùng bực. Anh hất hàm:

– Không nói thì thôi. Đã nói thì phải nói cho hết.

Long nhún vai:

– Con Oanh tính toán và giả dối. Nó không vừa gì, dám đi chơi với mấy thằng ở lớp tao và xưng là Tố Phượng.

Hùng hầm hầm nhìn Long:

– Mày nói sao cho đúng nghe!

Hùng cười gượng”.

– Tao thân nên mới nói với mày. Phần mày phải tự xem lại coi đúng hay sai chớ? Nếu mày ghét, tao để bụng cười mày chơi, không đã hơn sao?

Hùng lạnh lùng nhìn Long. Giọng anh rất hằn học:

– Mày nói vậy tao cám ơn. Nhưng nếu mày là bạn tốt thì mày còn nghe thằng nào nói như thế nữa, mày chỉ nó cho tao.

Hùng tức tối xoay xoay chiếc ly trong tay. Anh chợt dằn cái ly xuống bàn:

– Sáng mai vào trường tao nhất định phải gặp mặt con bé Oanh. Giờ mày rảnh không, đi với tao!

Long ngạc nhiên:

– Đi đâu?

Hùng vuốt tóc:

– Đánh bài chơi.

Long hăm hở:

– Có lý! Tao khoái chầu rìa lắm!


Chương 2

Hùng đứng dậy thất thểu bước ra khỏi sòng bài. Trời đã mờ mờ tối. Đầu óc anh căng ra. Hùng cảm thấy choáng váng trước cuộc đỏ đen vừa rồi. Anh đưa tay vào túi quần moi tiền lẻ ra đếm, cũng còn được ly cà phê và điếu thuốc.

– Số mình hôm nay đen quá!

Hùng thở dài bước vô quán cà phê ban chiều. Long cũng vừa vào đến:

– Cháy sạch rồi hả?

Hùng ngồi dựa vào chiếc ghế mây, chán nản:

– Hôm nay xui thật. Hễ tay con thì không sao, mà cứ đến lúc làm cái thì bài tao lật lên hết thùng hai bánh xe, lại đến bốn đôi, có ván lại mậu thuần, mậu dĩ, cù lũ. Mày thấy có tức không chứ?

Long đưa tay gãi đầu nhìn Hùng:

– Bài tao không đến nỗi tệ như vậy, nhưng làm cái thì cứ thua những tụi đặt lớn tiền mới xui. Đổi tay mấy lần, rốt cuộc cũng đi tàu suốt.

Rồi Long rầu rầu:

– Tao đang lo. Một lát phải lựa lời ăn nói làm sao cho ba tao nghe lọt lỗ tai.

Không thì dám ăn đòn lắm!

Hùng ngạc nhiên:

– Mà chuyện gì:

Long xụi lơ:

– Thì thua bài đó!

Hùng phì cười:

– Làm sao ổng biết mà mày lo.

Long hất cặn ly cà phê xuống đất rồi rót trà vào:

– Tao lấy tiền thầu vé số cho ổng bữa nay nướng cháy hết rồi!

– Ôi! Ba mày thầu vé số, bao nhiêu đó ăn thua gì! Lâu lâu kiếm chuyện phịa một lần, không sao đâu!

Long rầu rĩ:

– Chậc! Hai, ba lần rồi ...mới rầu chớ!

Hùng nhìn Long thông cảm:

– Tao hổm rày cũng khô lắm. Nếu không cho mày mượn tạm. Thôi ráng chịu nghe đầy lỗ tai, chớ con cầu tự như mày ổng đâu dám roi vọt gì!

Hùng đứng dậy để mớ tiền lẻ trên bàn:

– Thiếu đủ gì chị cứ tính. Mai em trả thêm nghe chị Tám!

Rồi anh và Long bước qua đường. Hùng chán nản. Anh biết làm gì cho qua hết đêm nay đây khi sách vở không còn là món mà anh thích thú. Dạo này anh vẫn sáng sáng đến trường và muốn tìm Oanh. Hùng biết anh không thể nào học được nữa. Thi vào trường Cao Đẳng chuyên nghiệp X này là để trốn tránh một trách nhiệm khác đối với xã hội chớ anh nào có tha thiết gì việc học. Và dạo này, nếu không vì con bé ấy, Hùng đã bỏ mọi thứ từ lâu rồi.

Hùng bước tới cửa lớp của Oanh. Tiếng bọn con gái chanh chua và đanh đá vang lên:

– Chị em nhà Tố! Có anh chàng nào kiếm kìa.

Hùng đứng khoanh tay dựa cột. Phải công nhận trên đời này khó có chuyện gì giấu được bọn con gái. Anh đã rất thận trọng trong việc quan hệ với Oanh thế mà bọn con gái cũng biết tuốt. Tiếng Oanh nhỏ nhẹ trách:

– Tìm em lộ liễu như vậy ...về nhà bị rầy cho xem.

Hùng vẫn nhìn ra sân giọng tha thiết:

– Chớ nhớ quá ...chịu hết nổi rồi!

Oanh dịu dàng nhưng cương quyết:

– Phải hạn chế gặp nhau tối đa. Dầu gì cũng phải lo nữa chứ! Em chẳng muốn ở lại lớp. Ba mẹ hăm rồi, rớt là chết!

Hùng cười gằn rồi quay lại nhìn Oanh:

– Có thật là em ham học không cưng?

Oanh bướng bỉnh:

– Dĩ nhiên là không ham lắm, nhưng phải học cho xong.

Hùng lầm lì:

– Học là một lẽ, ít ra cũng có lúc gặp nhau chứ!

– Làm sao gặp được?

Hùng nói:

– Mấy tối rồi anh thấy ba em đâu có theo hộ tống nữa.

– Nhưng còn con Phượng. Nó mách cũng đủ no đòn.

Hùng nhìn cô vừa tha thiết vừa hăm dọa:

– Tối nay đi Oanh, ở chỗ cũ, giờ cũ nha. Anh chờ. Em cố thuyết phục Phượng. Nếu không, ngày mai anh sẽ đến tận nhà em.

Oanh ngần ngừ liếc Hùng rồi miễn cưỡng gật đầu. Nhìn Hùng bước đi cô trầm ngâm nghĩ ngợi ...Dạo này cô ít nghĩ đến anh, nếu có thì cũng là nhớ đến những cảm giác Hùng tạo ra cho cô đắm say thôi. Đầu óc anh ta không có gì bên trong cả. Giấc mơ làm người hùng một cõi chỉ là một mặc cảm tự tôn của một anh chàng lười học, ham chơi. Nếu được bên một người con trai lịch lãm khác, biết đâu cô sẽ thích hơn nhiều.

Oanh nhún vai bước vào lớp. Chuông reng rồi. Nhìn quanh đầu bàn bên kia, cô thấy Phượng đang lầm bẩm dò bài. Oanh cũng vội mở tập ra. Tiết này là tiết kiểm tra cuối năm. Giáo viên chép đề bài lên bảng rồi mà Oanh vẫn chưa nhớ được gì cả. Cô nhăn nhăn ngó em cầu cứu. Phượng nheo mắt cười. Oanh thấy nhẹ nhõm. Một chút thôi con bé sẽ thảy cho cô “bùa”.

Phượng chạy lên lầu thở hổn hển. Oanh ngạc nhiên:

– Chuyện gì vậy?

Phượng ngồi xuống ghế, lấy tờ báo làm quạt:

– Thấy ghét! Tự nhiên theo người ta tới tận nhà. Em đóng cồng rồi chui tuốt lên đây.

Oanh lại hỏi:

– Mà ai vậy?

– Em vừa ở cổng trường ra, tên đó theo hỏi tên, hỏi tuổi tùm lum. Nhỏ Hoải tài lanh khai tên em mới tức chớ. Rồi đây cứ tới kêu réo, ba mẹ rầy nữa cho coi!

Oanh phì cười:

– Vậy mà cũng cuống lên!

Vừa nói cô vừa đến cửa sổ nhìn xuống đường. Một anh chàng cao to đang ngồi trên chiếc Cub cánh én nhìn lên lầu. Mặt anh chàng rạng rỡ khi nhìn thấy cô. Oanh mỉm cười thầm nghĩ:

– Cũng khá đấy chứ! Con Phượng khờ đến buồn cười.

Oanh vờ vĩnh kéo màn lại. Đôi môi mỉm cười vô tư, cô ngồi xuống ghế nhìn Phượng.

– Anh chàng vẫn còn ngồi lì ngoài ấy!

Phượng trố mắt:

– Rồi sao?

Oanh thản nhiên:

– Kệ hắn chứ sao!

Tối hôm đó, Oanh xách cà mên vào tiệm mua hủ tiếu cho ông Lợi thì gặp anh chàng to cao ban sáng đang ngồi trong tiệm Anh ta chặn Oanh lại ngay:

– Tôi có thể gặp em được chứ?

Oanh rụt rè, chớp đôi mắt rồi ngó xuống như mắc cỡ. Cô lắc đầu:

– Ba mẹ em khó lắm! Anh đừng làm em sợ như hồi sáng.

Anh chàng nhìn Oanh không chớp:

– Tôi đến nhà Phượng được không?

Oanh lắc đầu, đôi môi cong mòng mọng phụng phịu:

– Tốt nhất là đừng theo. Em sợ ....

Anh chàng hấp tấp:

– Một lần hẹn thôi! Nếu không, đêm nay tôi đứng ngoài cổng nhà em à!

Oanh lắc đầu. Cô nhỏ nhẹ năn nỉ:

– Cho em về! Ba em chờ lâu, rầy em tội nghiệp!

Vừa nói, cô vừa dịu dàng bước đi. Về đến nhà, đóng cổng lại cô đã nghe tiếng thắng gấp. Anh chàng đã ngồi trên xe bên kia đường rồi.

Oanh bưng hủ tiếu vào phòng cho ông Lợi. Ông nhìn Oanh:

– Mẹ con đi đâu?

– Dạ, mẹ đi khui hụi.

Ông Lợi không nói nữa, cắm cúi ăn. Oanh biết ba cô đã có sự nghi ngờ gì đó, nên đã không đi theo đưa đón hai chị em cô những tối học Anh văn nữa.

Ông Lợi và Phượng đâu ngờ rằng khi ba cha con vừa ra khỏi nhà thì bà Lợi cũng đi. Bà biết ông chồng già của bà sẽ tấp vào nhà ông bạn nào đó nhâm nhi ly trà, đánh vài ván cờ đề chờ các con, nên tối đến bà cũng khoác vào người bộ đồ mềm mại, sang trọng trẻ trung nhất để đến với người tình.

Ông Lợi kè kè hai cô con gái cưng hơn nửa tháng rồi cũng chán nên lại ở nhà. Ông như thấy vợ mình có điều gì đó rất lạ.

Nhưng khi ông ở nhà thì bà cũng ở nhà. Tội cho bà Lợi cứ thắt thỏm ra vào không yên. Quen rồi ngồi nhà làm sao chịu nổi, thế là một hai ngày bà lại kiếm chuyện để đi.

Cô bước ra cửa sổ, nhìn xuống đường. Anh chàng lì vẫn còn ngồi trên xe mà trồng cây si. Con bé Phượng ôm quyển sinh vật đọc lầm thầm như tụng kinh.

Oanh vẫn ao ước mình được vô tư như Phượng. Vì trong sáng và hồn nhiên như Phượng quả là sung sướng.

Giá như bây giờ Oanh là Phượng như anh chàng kia cứ tưởng ...Mà đâu phải chỉ mình anh ta. Đã nhiều thằng ngố tưởng lầm là Phượng rồi đó chứ.

Nghĩ cũng buồn cười, Phượng thì nhát nên tên nào rủ ren, tán tỉnh cô đều về nói lại với chị hết, nhờ chị “cứu bồ”. Thế là Oanh nghiễm nghiên đóng vai Phượng, đi chơi vài lần, xong rồi làm tỉnh xù khi gặp lại. Phượng không hề hay biết, cô cứ nghĩ đơn giản:

Oanh đã ra tay trị bọn rộn chuyện này hộ cô. Cái trò này cũng vui nên Oanh sốt sắng, chỉ đến khi gặp Hùng thì mới dứt chuyện thay ngôi đổi vị này.

Oanh vừa bước vào bàn ngồi vừa nói:

– Ê Phượng! Anh chàng hồi sáng bên kia đường kìa.

– Đâu?

Vừa hỏi Phượng vừa đến bên cửa sổ. Gã con trai đưa tay lên chào cô.

Phượng xịu mặt bước vào:

– Ra tay đi Oanh!

Oanh nheo mắt đưa điều kiện:

– Em không mách ba hả?

Phượng gật đầu:

– Ừ! Có gì em nói ...chị đi mua bánh mì cho em.

Oanh chải lại mái tóc dài óng mượt rồi bước ra sân. Cô cảm thấy thích thú.

Với anh chàng lạ hoắc này, cô sẽ tha hồ ba hoa chích chòe.

Tối nay cô muốn mình là Tố Phượng. Một cô bé Phượng hoàn toàn ngây thơ, trong trắng mà rất nhiều khi sự hồn nhiên vô tư của em cô đã vô cùng căm ghét.

Ừ! Hình như từ hồi nào nhỏ xíu, cô từng ganh tức vì tại sao lại có một người giống y như mình cứ kè kè kế bên, ăn chung ngủ chung bệnh cũng một lượt, để cùng được ba mẹ cưng chiều y như cô. Rồi nhiều lúc ba mẹ còn bắt cô phải nhường, phải nhịn em nữa chứ! Mà có bao giờ cô nhường nhịn Phượng đâu?

Trái lại con bé Phượng luôn chịu ép vế chị. Người ta bảo chị em song sinh thì không khác gì nhau cả. Thậm chí khi người này bị đau đớn thì người kia cũng có cảm giác như thế, Rõ là láo! Có thể chuyện này xảy ra ở con bé Phượng, nên nó bao giờ cũng nhiệt tình che chở, làm những điều tốt cho cô. Cũng vì thế mà từ sự ganh ghét tự nhiên của cô đối với em dần dần bớt đi.

Đừng nghĩ có một người giống y như mình kè kè kế bên. Hãy nghĩ mình là hai người thì hay hơn, ví dụ tối nay, Tố Oanh sẽ là Tố Phượng, ngây thơ, khờ khạo.

Oanh bước qua đường tay e ấp vuốt mái tóc dài. Anh chàng lỳ mỉm cười:

– Không sợ ba mẹ mắng sao cô bé?

– Sợ chớ! Anh trồng cây lâu quá, em phải đến năn nỉ anh về đi, kẻo sương xuống thì ấm đầu.

Anh chàng thích thú:

– Chà! Khéo lo vậy ...sao không hỏi thử xem anh tên gì?

Oanh cong môi:

– Muốn làm quen thì phải tự khai chứ?

– À! Anh tên Sơn.

Oanh nũng nịu:

– Anh Sơn về đi!

Sơn “lỳ” rất lỳ:

– Phượng! Cho anh một cái hẹn, anh sẽ về ngay!

Oanh cúi xuống:

– Em chẳng dám, vì đâu bao giờ em được đi chơi.

Sơn tấn công:

– Vậy ngày mai anh vào nhà đàng hoàng.

Oanh lắc đầu:

– Không được!

Sơn thất vọng:

– Thế thì biết làm sao?

Oanh liếc Sơn:

– Ngày mốt, trường em tổ chức văn nghệ ở rạp KD ...Nếu muốn gặp em thì đến gần quầy vé, em chỉ xin được đi xem văn nghệ thôi!

Dứt lời, Oanh chạy vụt qua đường, cô vào nhà chốt cổng lại. Phượng thập thò sau bếp:

– Chị nói gì với hắn vậy?

Oanh nhún vai:

– Mới đầu thì năn nỉ. Sau đó hăm dọa là ba sắp xuỵt chó ra vì có kẻ rình nhà.

Hắn chạy tuốt.

Phượng nghi ngờ:

– Chị nói cái gì sao nghe cũng dễ hết. Sao em nhát ba cái vụ này quá.

Oanh thản nhiên:

– Tập cho quen đi! Ai hơi đâu cứu bồ em hoài.

Phượng thắc mắc.

– Mà hắn ta có biết chị là chị em không?

Oanh cười:

– Không lẽ chị nói chị là Phượng?

Phượng im lặng. Cô bước lên lầu và nói giọng xuống.

– Sao mẹ lâu về quá chị Oanh?

Oanh hơi trề môi. Mãi đến bây giờ con bé Phượng vẫn trông mẹ như trẻ con tuổi mẫu giáo. Sao Tố Oanh muốn biến thành Tố Phượng quá sức.

Tố Oanh giả vờ mắc cỡ ngồi xuống đối diện Sơn, tay cô mân mê chiếc ví bằng nhung đen nhỏ xíu chỉ vừa đủ để chiếc khăn tay. Sơn hỏi:

– Sao ban sáng rước cổng trường, em lại làm lơ với anh vậy?

Chớp mắt, Oanh biết ngay là ban sáng anh ta đã gặp Phượng chứ không phải cô.

– Em sợ bạn bè thấy về nói với mẹ em sẽ bị rầy. Như bây giờ ngồi đây chớ tim em nhảy lô tô. Nể lòng anh em mới đến, chớ thật ra em có biết gì về anh đâu?

Sơn cười:

– Làm sao em biết được. Anh đâu phải dân ở đây. Anh ở Đồng Tháp lên nhà bà cô chơi, lẽ ra về rồi nhưng gặp em anh chưa sao đi được.

Oanh xịu mặt thật dễ yêu:

– Rồi mai mốt anh cũng đi ...biết đâu có người buồn.

Sơn chớp mắt:

– Phượng uống nước đi!

Tố Oanh lắc đầu!

– Em không khát.

Sơn nhìn cô:

– Như vậy là chưa thật lòng với nhau.

Oanh duyên dáng nghiêng nghiêng mái tóc:

– Anh đừng trách em, ở nhà mẹ dặn nhiều điều lắm, em đã quên lời mẹ để đi đến đây là gan lắm rồi đó.

Sơn mỉm cười:

– Thế thì anh không dám ép.

Oanh hỏi:

– Anh thấy con gái thành phố thế nào?

Sơn liếc Oanh rồi tán tỉnh:

– Các cô khác thì anh không rõ, riêng em thì rụt rè, nhút nhát và rất dễ thương.

Tố Oanh cười. Cô chưa kịp nói gì tiếp thì đã thấy Hùng và hai, ba tên bạn khệnh khạng bước vào. Oanh hơi lo cái tính thích gây sự của Hùng, nhưng cô vội trấn tĩnh. Cô đang là Tố Phượng kia mà! Oanh thản nhiên cúi xuống vẽ những nét vô nghĩa trên mặt bàn, đôi hàng mi cong nhè nhẹ chớp, cô biết ngoài Sơn ra, Hùng đang chú ý nhìn cô.

Đúng là Hùng đã thấy Oanh, anh hơi khựng lại. Từ lần hẹn sau cùng cách đây hai tuần, rõ là Oanh muốn tránh anh. Thế mà bây giờ cô lại ngồi đây với ...Hùng hơi bất ngờ khi nhận ra gã con trai đang mê mải nhìn Oanh là Sơn, thằng cháu của bà dì ghẻ anh vừa từ vùng đất phèn chua lên Sài Gòn.

Hùng cắn chặt hàm lại. Oanh hay Phượng? Oanh có bao giờ em ấp rụt rè thế kia? Oanh sao vẫn tỉnh khô khi thấy anh? Hùng ngần ngừ rồi đứng dậy bước đến bên bàn của Oanh. Rất tự nhiên anh kéo ghế ngồi xuống – Cũng là người quen cả! Anh Sơn hay thật! Mới đó mà đã có bạn rồi. Oanh cũng rất tài, làm quen được người thành phố chớp nhoáng.

Vừa nói Hùng vừa nhìn thẳng vào mắt Oanh. Cô dịu dàng trong chiếc áo xoa rộng, rũ mềm, mượt mà màu ngọc thạch. Đôi mắt tròn nai tơ, ngây ngô chớp nhẹ.

– Anh lầm rồi! Tôi đâu phải là Tố Oanh. Chị Oanh xem văn nghệ mà!

Hùng cười:

– Vậy sao? Tiếc thật!

Sơn ngạc nhiên:

– Bộ chị em Phượng giống nhau lắm hả?

Hùng không rời tia mắt của mình khỏi Oanh, cô vẫn e lệ mân mê chiếc ví da nhỏ bằng nhung đen. Có lần anh đã thấy Oanh cầm chiếc ví như thế chỉ khác là màu ví của cô sắc đỏ thôi. Hùng đáp lời Sơn:

– Hai chị em như hai giọt nước. Sanh đôi mà! Thôi, xin lỗi anh Sơn. Có lẽ trong đời tôi chỉ lầm một lần này!

Anh đứng dậy bước về bàn mình, lòng hậm hực không thôi. Ngồi uống cà phê nghe vài bản nhạc rẻ tiền đến mức ngao ngán, Hùng thấy Sơn và con bé đứng dậy, cô ta khép nép bước theo sau Sơn. Anh chàng vỗ vai Hùng rồi chở cô gái áo xanh đi.

Hùng vội lên xe mình chạy theo. Đến rạp hát, Sơn thả Oanh xuống. Cô len lỏi vào đám đông rồi vào trong. Hùng cười gằn. Cảm giác sỉ nhục vì bị qua mặt làm anh ta điên tiết. Quay lại chỗ bán thuốc, Hùng mua nửa gối rồi phóng xe đi mất.

Hùng kiên nhẫn ngồi chờ hai chị em Oanh trước nhà, khuất sau gốc me. Hai chiếc xe đạp mini đã ngừng lại. Anh bước vội qua đường.

– Tố Oanh!

Chiếc áo xanh giật mình quay sang, nhận ra Hùng cố định vọt xe vào nhà luôn, nhưng anh đã kéo ghi đông và lạnh lùng:

– Rõ rồi! Đóng kịch tài lắm!

Hùng vung tay tát vào mặt Oanh hai cái và bước về chiếc xe của mình rú ga phóng đi. Oanh đưa tay xoa mặt, nước mắt không trào ra mà lòng lại giận sôi lên. Phượng ngơ ngác nhìn chị. Cô cũng đau như vừa bị ai đánh vào mặt.

Đã xong hai tiết dạy, Sang bước ra hành lang, anh bâng quơ nhìn xuống sân trường. Nói là nhìn bâng quơ nhưng thật ra anh đang tìm một cô sinh viên mà anh đã để ý.

Hôm nay Sang không có giờ ở lớp đó, vì vậy anh phải tìm cho ra để ngắm nhìn cô bé mới thôi. Sang còn độc thân nên anh tự nghĩ mình có quyền tìm kiếm, chiêm ngưỡng, và thậm chí có quyền yêu những cô gái đẹp. Mà ở trường anh dạy thì các nữ sinh viên đa số khá đẹp. Lạ một điều là cô bé anh đang hết sức để ý lại đến hai chị em, giống nhau như hai viên ngọc trai tròn trĩnh, lấp lánh ánh ngũ sắc. Ở cái trường X này hai chị em cô bé ấy ai mà không biết.

Cũng như Sang, chỉ dạy một vài lớp thôi thế mà sinh viên ba khối đều biết tiếng anh. Sang mỉm cười tự phụ. Anh là con trai duy nhất trong một gia đình buôn bán khá giả, từ nhỏ đến lớn không hề biết làm việc nặng, cha mẹ nuôi ăn học và cưng như vàng. Anh đi dạy để giải khuây chớ tiền lương ấy thì thấm vào đâu.

Lúc nào ở nơi anh cũng có sự vênh váo của con công đang xòe đuôi ra múa, vì bao giờ các cô học trò cũng thích vây quanh làm nũng với ông thầy trẻ, hào hoa, có hơi lả lơi, hảo ngọt mỗi khi uống tí rượư.

Mặc cho các đồng nghiệp có tuổi cau mày khó chịu, Sang không giấu sở thích của mình là thích uống rượu với sinh viên, đi chơi với sinh viên. Đối với nam sinh viên, anh là “anh thầy” chịu chơi, phóng thoáng, cởi mở, gần gũi với giới trẻ chớ không già nua khô chán như những “ông cụ thầy” lớn tuổi. Còn đối với các nữ sinh viên, thì thầy Sang là một ...người lý tưởng về mọi mặt. Đó là một mẫu đàn ông mà nhiều cô bé mơ tưởng:

khá đẹp trai với vóc dáng nghệ sĩ cao, gầy, mềm mại, mái tóc đen tỉa kéo khéo léo vừa phủ ót tạo thêm nét thanh tú cho gương mặt thanh mảnh như con gái, đôi mắt đen to hơi mơ mộng và chiếc miệng mỏng rộng hay mím khiến cặp môi luôn đỏ hồng đa cảm.

Lúc này, chiếc miệng rộng ấy đang mím lại bực bội. Sang đã rảo mắt tìm mà hình như chẳng thấy con bé đâu cả.

– Sao thế nhỉ? Chẳng lẽ hôm cô ấy nghỉ?

Sang tự trách mình đã hoài công vô ích, biết bao nhiêu cô gái quanh anh, họ đang chờ cái gật đầu, lời tỏ tình dễ dãi của anh. Vậy mà anh lại không thích.

Gần ba mươi tuổi rồi, tình yêu đâu phải là chuyện bí mật mà anh chưa một lần nếm qua. Thế sao anh không thể dằn trước nhịp đập rộn rã của trái tim mình mỗi lần bước vào lớp ấy.

– Anh Sang đang mơ mộng gì đó! Sao không xuống phòng nghỉ mệt uống nước?

Sang hơi bất ngờ, nhưng vốn là người lanh trí và bặt thiệp nên anh mau mắn:

– À! Tôi đợi Thoa cùng đi cho vui đấy chứ! Vậy nãy giờ Thoa làm gì mà ra trễ vậy?

Gương mặt mang nặng nét khô cứng rất đàn ông đầy tàn nhang của Thoa hồng lên. Cô sung sướng vì hôm nay Sang tỏ vẻ để ý đến mình. Thoa kéo dài cái giọng cứng ngắc như người cô ra cho có vẻ nũng nịu dễ thương làm Sang rờn rợn:

– Ôi! Cũng ba đứa học trò, chúng làm em phát sốt lên vì bực. Bài đã giới hạn tối đa mà vẫn không chịu học, kiểm tra hết môn cứ toàn dưới trung bình. Em thấy chúng nó xin cũng tội, nên lúc nãy cho làm lại đấy chứ!

Sang cười ra chiều thông cảm. Giọng anh ngọt ngào ve vuốt!

– Sinh viên thích Thoa lắm đó! Bọn chúng hay nói với tôi là Thoa vừa dễ thương vừa biết thông cảm với học trò ...

Mặt Thoa đỏ bừng lên trông cô càng thảm. Lạ thật! Người con gái thường rất đáng yêu khi thẹn thùng mắc cỡ. Riêng Thoa thì lại khác, cô nàng mà mắc cỡ là những đốm tàn nhang càng sẫm màu trên gương mặt nhúm lại.

Sang tủm tỉm quay đi chỗ khác. Cô gái anh đang tìm bỗng xuất hiện cuối hành lang. Tim Sang rộn lên ...Đi ngang chỗ hai người đứng, cô lễ phép cúi đầu chào rồi chạy vụt vào lớp.

Con mắt lá răm hơi nhỏ so với gương mặt của Thoa không bỏ sót một biến chuyển nào trên mặt Sang. Cô nghe nhói ở ngực, mặt cô đang hồng vì sung sướng bỗng xám ngắt đau khổ. Thoa không phải là người ác ý nhưng cô chẳng dằn được lời mỉa mai:

– Hoa hồng có gai đấy, anh Sang ạ!

Sang hóm hỉnh:

– Thế nhưng rất nhiều gã đàn ông chịu bị gai đâm để hái cho được hoa.

Sang liếc Thoa nhẹ nhàng tán tỉnh:

– Tôi lại khác, tôi thích những thứ hoa đơn giản nhưng có hương thơm. Tâm hồn con người rất quan trọng.

Thoa cười chớp chớp mắt, bỗng dưng cô có cảm tưởng Sang thân thiết với mình hơn bao giờ hết. Trong trường, mọi người hay ghép cô với Sang. Ngoài miệng cô cứ õng ẹo chối đây đẩy, thậm chí giận hờn nữa. Cô biết mình xấu để tự kềm những mơ ước của mình. Nhưng tâm hồn con người rõ phức tạp, nếu người ta trêu thì giận, không ai thèm ghẹo thì lại buồn, rồi tự cô lại nói xa nói gần, khen nức khen nở, nhắc nhắc nhở nhờ “anh Sang ...” Cha cô là một người có thế lực, cô được đi du học nước ngoài về, nên dù xấu cô vẫn kênh kiệu với những cô gái khác cùng tuổi như cô. Tính Sang thì phóng đãng, hay đẩy đẩy đưa đưa, có lỗ lã gì đâu, lắm lúc còn được nâng đỡ nữa là khác. Vả lại, Sang nghĩ nếu những lời đưa đẩy của anh có tác dụng ngọt mát như mưa, thì cũng nên đưa mưa tưới xuống cho vùng đất quạnh quẽ buồn rầu ấy bớt khô cằn một chút ...

Sang lại thoáng nhìn Thoa. Phải chi cô ta đạt được trung bình về nhan sắc nhỉ?

Thoa chợt hỏi:

– Anh có đi tham quan Vũng Tàu đợt này không?

Sang lắc đầu:

– Không Thoa à! Tôi không thích đi với trường.

Thoa ngạc nhiên:

– Sao vậy?

Sang nhìn xuống sân trường rồi nhỏ nhẹ:

– Không thoải mái. Đi với sinh viên thích hơn nhiều.

Thoa hơi buồn. Thế là uổng công cô bỏ tiền may đồ tắm mới, cô không tiếc bộ đồ tắm mà tiếc là mình đã vội vàng hy vọng để rồi hụt hẫng khi biết Sang ở nhà.

Thoa chợt nhớ đến gương mặt như vẽ và thân hình tài tử của cô bé lúc nãy.

Thoa đã nghe sinh viên nói với nhau, ngày đầu tiên thầy Sang vào lớp đã bị hớp hồn, nên cô bé bao giờ cũng được điểm cao môn thầy. Thầy đã tuyên bố với tụi con trai khi đã ngà ngà rằng:

“Người đẹp ưu tiên được thêm một điểm là đúng thôi, vì ông thầy lên lớp bằng lý trí, nhưng trái tim ông ta có lý lẽ của nó, thêm một điểm là vẫn còn quá ít”. Rồi còn gì nữa? À ...”Thầy Sang rất chịu chơi. Thầy nói một người đàn ông trẻ, khỏe, độc thân, có quyền yêu bất cứ người phụ nữ nào miễn cô ta còn tự do”.

Thoa bực lắm, nhưng nghĩ lại:

Ai mà đi tin lời học trò. Bọn chúng thì chuyên môn phóng đại, bịa chuyện là tài.

Chuông vào học vang lên. Sang cười rất tươi. Anh phủi phủi chút bụi phấn trên cặp táp của Thoa bằng những ngón tay dài dài nghệ sĩ làm cô cảm động.

– Vào lớp Thoa nhé!

Nói xong, anh vội bước đi, lòng nhẹ nhõm như thoát nợ.

Nguồn: http://vietmessenger.com/