Phần 8:
Luân Đôn
Luân Đôn
Tôi tiễn Walter lên taxi, và khi về đến nhà, tôi vội đến ngồi trước máy tính. Sau khi tải hết ảnh lên máy, tôi chăm chú quan sát từ đầu đến cuối rồi quyết định làm phiền một anh bạn cũ đang sống cách Luân Đôn này hàng nghìn kilômét. Tôi gửi cho anh một bức thư điện tử, đính kèm những ảnh Walter chụp, và hỏi xem những hình ảnh đó gợi lên cho anh điều gì. Ngay lập tức tôi nhận được một lời nhắn từ anh, Erwan vui khi đọc thư tôi. Anh hứa sẽ nghiên cứu các hình ảnh tôi vừa gửi rồi trả lời tôi ngay khi có thể. Một chiếc kính thiên văn vô tuyến của Atacama lại bị hỏng và anh đang bận nhiều việc.
Ba ngày sau, tôi nhận được tin anh lúc nửa đêm. Lần này thì không phải qua thư mà là qua điện thoại, Erwan nói bằng một giọng phấn khích tôi chưa bao giờ nghe thấy ở anh.
- Cậu làm thế nào để tạo ra một điều kỳ diệu như thế? Anh kêu lên, thậm chí quên luôn phần chào hỏi mào đầu.
Vì tôi không biết trả lời anh ra sao, Erwan liền đặt ra cho tôi một câu hỏi khác, câu hỏi này khiến tôi kinh ngạc hơn nữa.
- Nếu cậu đang mơ đến giải Nobel thì năm nay cậu hoàn toàn đủ cơ hội rồi đấy! Tôi không hề biết cậu làm thế nào mà dựng nên mô hình này, nhưng đây đúng là một điều kỳ diệu! Nếu cậu gửi những bức ảnh này đến để khiến tôi kinh ngạc thì xin chúc mừng, cậu đã làm được rồi đấy!
- Anh đã nhìn thấy gì hả Erwan, nói cho tôi biết đi!
- Cậu biết quá rõ thứ tôi nhìn thấy còn gì, đừng giở trò nịnh hót, làm thế nực cười lắm. Giờ thì cậu sẽ nói cho tôi biết cậu làm thế nào để đạt đến thành tích bậc thầy đó hay cậu vẫn muốn khiến tôi cáu tiết nào? Cậu cho phép tôi chia sẻ những hình ảnh này với các bạn của chúng ta đang làm việc tại đây chứ?
- Chớ làm thế! Tôi van nài Erwan.
- Tôi hiểu, anh thở dài, tôi đã vinh dự được cậu tin tưởng cho xem kỳ quan đó trước khi ra thông cáo chính thức. Khi nào thì cậu mới công bố tin này? Tôi chắc chắn là với tác phẩm này trong tay, cậu sẽ lấy được thị thực để gặp lại chúng tôi, nhưng tôi cũng ngờ là từ giờ trở đi cậu phải cân nhắc nhiều trong việc lựa chọn; tất cả các nhóm nghiên cứu về thiên văn học đều sẽ muốn cậu gia nhập nhóm của họ.
- Erwan, tôi van anh, hãy tả cho tôi biết anh đã nhìn thấy gì nào!
- Cậu đã chán ngấy việc phải nhắc đi nhắc lại điều đó rồi nên muốn tôi nói cho nghe phải không? Tôi hiểu, anh bạn, nếu ở vào vị trí của cậu tôi cũng phấn khích y như thế. Nhưng có qua có lại, đầu tiên cậu phải giải thích cho tôi biết cậu đã làm như thế nào cái đã.
- Tôi đã làm gì thế nào cơ?
- Đừng chế giễu tôi, cũng đừng nói với tôi rằng cậu tình cờ đạt được kết quả này.
- Erwan, anh nói trước đã, xin anh đấy.
- Tôi đã mất ba ngày để đoán xem cậu định dẫn tôi đi đâu. Đừng bắt tôi nói ra cái điều mà tôi sẽ không nói, tôi đã hết sức nhanh chóng nhận ra các chòm Thiên Nga, Phi Mã và Tiên Vương ngay cả khi độ sáng biểu kiến không khớp, ngay cả khi các góc sai lệch và khoảng cách vô lý. Nếu cậu nghĩ có thể giăng bẫy tôi dễ dàng đến thế thì cậu nhầm rồi đấy. Tôi tự hỏi cậu đang chơi trò gì đây, tại sao lại kéo tất cả những chòm sao này lại gần nhau và theo những phương trình nào. Tôi tìm kiếm phương trình dẫn cậu đến chỗ định tọa độ địa lý của chúng như vậy, và chính nó đã khiến tôi phải suy ngẫm. Tôi hơi gian lận một chút, phải thú thậ tvới cậu như vậy, tôi đã dùng hệ thống máy tính của chúng ta và bắt chúng phải thực hiện những tính toán vô cùng phức tạp suốt hai ngày qua, nhưng khi kết quả được đưa ra, tôi không hề hối tiếc vì đã huy động đến những phương tiện này. Tôi đã nhìn chính xác, trừ có điều dĩ nhiên, tôi không thể đoán trước được thứ hiện ra ở trung tâm những hình ảnh lạ thường này.
- Và anh đã thấy gì hả Erwan?
- Tinh vân Bồ Nông.
- Và tại sao điều đó lại khiến anh phấn khích đến thế?
- Bởi vì nó trông hệt như chúng ta có thể quan sát thấy từ Trái đất cách đây bốn triệu năm!
Tim tôi đập thình thịch, tôi cảm thấy chân mình rời rã; bởi vì trong toàn bộ chuyện này, tất thảy đều vô nghĩa. Điều Erwan vừa tiết lộ với tôi đơn giản là phi lý. Chuyện một vật thể bí hiểm như thế có thể phóng chiếu ra một mảnh từ bầu trời đã là khó hiểu; chuyện bầu trời này lại hệt như ta có thể quan sát từ Trái đất cách đây gần nửa tỷ năm còn là điều bất khả kháng.
- Adrian, giờ cậu làm ơn nói cho tôi biết cậu đã làm thế nào để có được một mô hình hoàn hảo đến thế đi?
Tôi không biết trả lời anh bạn Erwan thế nào.
- Tôi biết, tôi từng là con vẹt nhắc theo anh từng từ một suốt nhiều tuần lễ, và hẳn nhiên phải nhớ tất cả những thứ anh đã dạy cho tôi, nhưng kể từ thất bại của chúng ta tại Luân Đôn, những tuần tiếp theo đủ nhiều biến động để tôi không hề cảm thấy tội lỗi nếu quên bẵng đi vài thứ.
- Đám bụi tinh vân là nơi khởi đầu của các ngôi sao, một đám mây khuếch tán, bao gồm khí và bụi, nằm trong vũ trụ giữa hai thiên hà, tôi đáp ngắn gọn với Walter, những ngôi sao hình thành từ đó.
Tâm trí tôi đã ở tận đâu đâu, những suy nghĩ của tôi đã cách xa Luân Đôn hàng nghìn kilômét, về điểm cực Đông châu Phi, nơi có cô gái đã bỏ quên chiếc mặt dây chuyền kỳ lạ này tại nhà tôi. Câu hỏi đang ám ảnh tôi không ngừng, có thực là cô ấy bỏ quên nó hay không. Khi tôi đặt câu hỏi này với Walter, hắn lắc đầu tỏ ý coi tôi là một kẻ ngây thơ khờ khạo.
Ngày hôm sau, trên đường đến Học viện, tôi có một cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Tôi tìm quán cà phê tại một trong các tòa nhà mới đã tràn ngập đường phố thủ đô trong thời gian tôi lưu lại Chilê. Dù đó có là khu phố nào hay con phố nào, đồ trang trí vẫn luôn đồng nhất, các quầy bánh ngọt vẫn vậy, và phải tự trang bị một chứng chỉ ngôn ngữ lố lăng mới có thể gọi những tổ hợp cà phê và trà hết sức đa dạng và những tên gọi lạ lùng trong quán.
Một người đàn ông lại gần trong khi tôi đang ngồi tại quầy, đợi được phục vụ tách "Skinny Cap with wings" (cứ tạm dịch là Cappuccino để mang đi). Ông ta trả tiền thứ đồ uống tôi vừa gọi và hỏi tôi có thể dành cho ông ta ít phút không; ông ta muốn nói về chủ đề mà theo ông ta, tôi đang hết sức quan tâm. Ông ta dẫn tôi về phía phòng chính và chúng tôi ngồi vào hai chiếc ghế bành da, hai bản sao rẻ tiền nhưng khá tiện dụng. Người đàn ông nhìn tôi chằm chằm hồi lâu trước khi lên tiếng.
- Có phải cậu đang làm việc tại Học viện Khoa học?
- Vâng, đúng là thế, nhưng tôi đang hân hạnh tiếp chuyện ai thế này?
- Tôi thường nhìn thấy cậu ở đây mỗi sáng. Luân Đôn là một thủ đô lớn nhưng mỗi khu phố lại giống như một ngôi làng, đó chính là cái lưu giữ vẻ duyên dáng cho thành phố quá đỗi rộng lớn này.
Tôi không nhớ đã gặp người đang trò chuyện cùng, nhưng vì tính tôi vốn đãng trí nên tôi không thấy có lý gì lại nghi ngờ lời nói này.
- Sẽ là dối trá nếu nói với cậu rằng cuộc gặp gỡ giữa chúng ta hôm nay hoàn toàn tình cờ, ông ta nói tiếp. Tôi đã muốn bắt chuyện với cậu từ ít lâu nay.
- Chuyện này hình như đã được thực hiện rồi, tôi có thể giúp gì cho ông đây?
- Cậu có tin vào số phận không, Adrian?
Nghe một người hoàn toàn xa lạ gọi mình bằng tên thường gây ra một cảm giác lưỡng lự nào đó, cảm giác của tôi lúc này chính xác là như vậy.
- Cứ gọi tôi là Ivory bởi vì tôi đã mạo muội gọi cậu là Adrian. Có lẽ tôi đã lạm dụng cái đặc quyền dành cho tuổi tác của mình chăng.
- Ông muốn gì?
- Chúng ta có hai điểm chung... Cũng như cậu, tôi là một nhà khoa học. Lợi thế của cậu là còn trẻ và đã nhiều năm liền được sống với niềm đam mê. Còn tôi chỉ là một giáo sư già cả đang đọc lại những cuốn sách phủ đầy bụi để giết thời gian.
- Ông dạy môn gì vậy?
- Vật lý thiên văn, cũng khá gần gũi với chuyên môn của cậu, phải không?
Tôi gật đầu xác nhận.
- Công việc của cậu tại Chilê hẳn phải vô cùng thú vị, tôi rất lấy làm tiếc khi thấy cậu phải quay về đây. Tôi hình dung là công việc tại trạm Atacama hẳn phải khiến cậu nhớ quay nhớ quắt.
Tôi thấy người đàn ông này biết hơi quá nhiều về mình, và vẻ bề ngoài bình thản của ông ta cũng không thể khiến tôi bớt e ngại.
- Đừng đa nghi thế. Nếu tôi biết về cậu đôi chút thì đó là vì, bằng cách nào đó, tôi đã có mặt khi cậu thuyết trình dự án riêng trước các thành viên ban giám khảo của Quỹ Walsh.
- Bằng cách nào đó ư?
- Cứ cho là thay vì là thành viên ban giám khảo, tôi lại là thành viên ban tuyển chọn. Tôi đã đọc hồ sơ của cậu rất kỹ. Nếu tôi được quyền quyết định thì cậu đã thắng giải thưởng đó rồi. Theo tôi, công trình của cậu xứng đáng được khích lệ nhất.
Tôi cảm ơn về lời khen và hỏi xem tôi có thể giúp gì được cho ông ta chăng.
- Người giúp được tôi không phải là cậu, Adrian ạ, cậu thấy đấy, mà ngược lại. Người phụ nữ trẻ cùng cậu rời khỏi buổi thi ngày hôm đó, cô gái đã giành giải thưởng... .
Lần này, tôi thực sự cảm thấy khó chịu và hơi mất bình tĩnh.
- Ông có quen Keira?
- Phải rồi, dĩ nhiên, người lạ đang tiếp chuyện tôi vừa đáp vừa nhấp môi tách cà phê. Tại sao hai người không liên lạc với nhau nữa?
- Tôi nghĩ chuyện này hoàn toàn riêng tư, tôi vặc lại, không tìm cách giấu giếm lâu hơn nữa rằng cuộc nói chuyện với ông ta không hề khiến tôi thích thú.
- Tôi không muốn tọc mạch chuyện người khác và mong cậu thứ lỗi, nếu câu hỏi của tôi xét về mặt nào đó đã xúc phạm cậu, người đang trò chuyện với tôi nói tiếp.
- Thưa ông, ông vừa nói chúng ta có hai điểm chung, vậy điểm chung thứ hai là gì?
Người đàn ông lôi từ trong túi ra một tấm ảnh rồi di nó trên mặt bàn. Đó là một tấm ảnh cũ kỹ chụp bằng máy chụp tự động, nước ảnh phai màu chứng tỏ bức hình không phải mới được chụp ngày hôm qua.
- Tôi sẵn sàng đánh cược rằng bức ảnh này không hề xa lạ gì với cậu, người đàn ông nói.
Tôi nhìn kỹ bức ảnh chụp một vật có hình dạng gần giống hình chữ nhật.
- Cậu có biết điều đáng tò mò nhất về đối tượng của bức ảnh là gì không? Đó là chúng ta không thể xác định được niên đại của nó. Những phương pháp tinh vi nhất cũng không thể làm được gì, không thể xác định được tuổi của đồ vật này. Tôi đã tự đặt ra cho mình câu hỏi này suốt ba mươi năm qua và luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải rời xa thế giới này trong khi chưa biết được câu trả lời. Thật ngu ngốc, nhưng chuyện này dù sao cũng khiến tôi xáo trộn. Tôi đã phải tự thuyết phục mình thêm nhiều lần nữa, tự nhủ rằng khi nào chết đi, chuyện này sẽ chẳng còn quan trọng chút nào nữa nhưng vô ích, không tài nào quên đi được, tôi vẫn trăn trở từ sáng đến tối rồi lại từ tối đến sáng.
- Và điều gì đó mách bảo ông rằng tôi có thể giúp được trong chuyện này?
- Cậu nghe không kỹ rồi, Adrian, tôi đã nói với cậu rằng chính tôi mới là người giúp cậu chứ không phải ngược lại. Quan trọng là cậu tập trung vào chuyện tôi đang nói đây. Điều bí ẩn này sớm muộn cũng xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của cậu thôi; khi cậu quyết định sẽ thực sự quan tâm đến nó, suy nghĩ riêng sẽ mở ra trước cậu những cánh cửa dẫn tới một chuyến hành trình khác thường, một cuộc du hành sẽ dẫn cậu đi xa hơn những gì cậu có thể hình dung. Tôi ngờ rằng ngay lúc này cậu đang nhìn tôi không khác gì nhìn một lão già điên loạn, nhưng rồi phán xét của cậu sẽ thay đổi. Hiếm có ai đủ điên để bắt tay vào thực hiện những giấc mơ của bản thân, xã hội thường buộc họ phải trả giá cho một hành vi kỳ quặc đến mức ấy. Xã hội luôn sợ hãi và ganh ghét, Adrian ạ, nhưng liệu lý do này có đủ để ta từ bỏ? Lật đổ những điều đã được thằ nhận, xáo lộn những điều tin chắc không phải là một lẽ sống thực sự hay sao? Đó không phải là tinh hoa tinh thần khoa học hay sao?
- Ông đã gánh chịu những rủi ro như cái giá mà xã hội bắt ông phải trả ư, ông Ivory?
- Xin cậu, đừng gọi tôi là ông. Hãy để tôi được chia sẻ cùng cậu một thông tin sẽ khiến cậu thích thú, tôi chắc chắn như vậy. Đồ vật trong bức ảnh này, nó sở hữu một đặc tính khác, cũng độc đáo không khác gì đặc tính đầu tiên, mặt khác, đó cũng là điều khiến cậu thấy thú vị nhất. Khi người ta đặt nó dưới một nguồn sáng mạnh, nó sẽ hắt ra một xê ri những điểm kỳ lạ. Điều này có nhắc cậu nhớ đến thứ gì đó không?
Nét mặt tôi chắc hẳn đã để lộ cảm xúc thật, người đàn ông nhìn tôi và mỉm cười.
- Cậu thấy đấy, tôi đã không nói dối cậu, rõ ràng chính tôi mới là người giúp được cậu.
- Ông tìm thấy vật này ở đâu?
- Đó là cả một câu chuyện dài. Điều quan trọng là cậu biết đến sự tồn tại của nó, sau này chuyện đó sẽ có ích cho cậu.
- Bằng cách nào?
- Bằng cách tránh cho cậu việc mất quá nhiều thời gian băn khoăn tự hỏi liệu thứ cậu sở hữu phải chăng chỉ là một biến cố của tự nhiên. Chuyện này cũng bảo vệ cậu khỏi sự mù quáng thiếu suy xét con người thường mắc phải khi sợ phải đối diện với sự thực. Einstein từng nói rằng có hai thứ là vô hạn, Vũ trụ và sự ngu dốt của loài người, và khi nói như thế, ông hoàn toàn chắc chắn vế thứ hai.
- Ông đã biết được gì về mẫu vật sẵn có? Tôi hỏi.
- Tôi không sẵn có mẫu vật đó, tôi bằng lòng với việc nghiên cứu nó và tôi biết rất ít về nó, chao ôi. Vả lại, tôi cũng không muốn kể với cậu những kết quả thu được. Không phải vì không tin tưởng cậu, nếu không tin cậu thì tại sao tôi lại có mặt ở đây, đúng không? Nhưng chỉ sự tình cờ thôi thì chưa đủ. Trong trường hợp khả quan nhất, nó chỉ dùng để khơi dậy trí tò mò trong tinh thần khoa học. Chỉ có sự tài tình, phương pháp và liều lĩnh mới dẫn đến khám phá; tôi không muốn định hướng những nghiên cứu tới đây của cậu. Tôi muốn để cậu tự do lựac họn tiên nghiệm.
- Nghiên cứu nào? tôi hỏi, những giả thiết người đàn ông này đưa ra thực sự khiến tôi phát bực.
- Cho phép tôi hỏi cậu câu cuối cùng chứ, Adrian? Tương lai dành cho cậu trong cái Học viện Khoa học lừng danh này? Một ghế giảng viên chăng? Một lớp toàn những học viên xuất sắc, mỗi người đều tin chắc vào trí tuệ thông minh vượt bậc của bản thân chăng? Một mối quan hệ nồng nàn thắm thiết với cô sinh viên xinh nhất giảng đường chăng? Tôi đã trải qua tất cả những thứ đó, và tôi không nhớ nổi gương mặt nào cả. Nhưng tôi cứ nói, nói mãi mà không để cậu trả lời câu hỏi của tôi. Vậy thì là cái tương lai này chăng?
- Giảng dậy chỉ là một chặng trong đời tôi, sớm muộn gì tôi cũng sẽ quay lại Atacama.
Tôi còn nhớ đã nói điều này như một thằng nhóc vừa hãnh diện vì đã thuộc bài như cháo chảy vừa giận điên người vì phải đối chất với cái dốt nát của riêng mình.
- Tôi đã phạm phải sai lầm xuẩn ngốc trong đời mình, Adrian ạ. Tôi chưa thừa nhận sai lầm đó, vậy mà chỉ cần nghĩ đến việc thổ lộ với cậu đã khiến tôi thoải mái vô cùng. Tôi cứ ngỡ có thể làm chuyện đó một mình. Tự phụ vô cùng và cũng phí phạm thời gian vô cùng!
- Chuyện đó thì có liên quan gì đến tôi? Mà ông là ai mới được chứ?
- Tôi là hình ảnh phản chiếu của con người mà cậu có thể trở thành. Và nếu có thể tránh được cho cậu chuyện đó, tôi sẽ có cảm giác là giúp được cậu và tôi sẽ nhớ gương mặt cậu. Cậu chính là tôi cách đây nhiều năm. Điều này thật lạ, cậu biết đấy, khi soi thấy mình trong chiếc gương quá khứ. Trước khi tạm biệt, tôi muốn cho cậu biết một thông tin khác, có lẽ còn thú vị hơn cả bức ảnh mà tôi đã cho cậu xem. Keira hiện đang làm việc trên một di chỉ khảo cổ cách hồ Turkana một trăm hai mươi kilômét về hướng Đông Bắc. Cậu đang thắc mắc tại sao tôi lại cho cậu biết điều này đúng không? Bởi vì tới đây, khi cậu quyết định tới Êtiôpia để tìm cô ấy, cậu sẽ mất nhiều thời gian để có được thông tin này. Thời gian rất quý giá, Adrian ạ, vô cùng quý giá. Hân hạnh được làm quen với cậu.
Tôi ngạc nhiên vì cái bắt tay của ông ta, thẳng thắn và trìu mến, gần như dịu dàng. Ông ta quay về phía cửa ra vào rồi lại đi về phía tôi vài bước.
- Tôi có một việc nhỏ muốn nhờ cậu, ông ta nói, khi nào gặp Keira, cậu chớ nhắc đến cuộc gặp giữa hai chúng ta, chuyện này không có lợi cho cậu đâu. Keira là người tôi rất quý mến, nhưng không phải lúc nào cô ấy cũng dễ tính. Nếu trẻ lại bốn mươi tuổi, tôi đã ngồi lên máy bay thế vào chỗ của cậu rồi.
Cuộc trò chuyện này khiến tôi bối rối và không chỉ có thế. Tôi vẫn còn cảm thấy tiếc vì không biết đặt ra những câu hỏi cần thiết, và lẽ ra tôi nên ghi lại để nhớ chừng nào chúng còn nhiều đến thế.
Walter đi ngang qua trước ô cửa kính của quán cà phê, hắn vẫy tay chào tôi, đẩy cửa quán bước vào và đi tới bàn tôi.
- Mặt anh trông thảm quá! Hắn vừa nói vừa ngồi xuống chiếc ghế bành mà lão già lạ mặt Ivory vừa bỏ lại. Đêm qua tôi đã suy nghĩ nhiều, hắn tiếp, vừa hay gặp anh ở đây, chúng ta nhất định phải nói chuyện.
- Tôi nghe anh đây.
- Anh đang tìm lấy một cái cớ để gặp lại cô bạn gái của anh chứ gì? Có đấy, có đấy, đừng cãi, anh đang tìm cớ để gặp lại cô ấy! Tôi nghĩ sẽ không ngốc chút nào nếu hỏi cô ấy nguyên do thực sự khiến cô ấy bỏ quên chiếc mặt dây chuyền trên bàn đầu giường anh. Đổ hết cho sự tình cờ cũng được, nhưng đến mức này thì quá lắm!
° ° °
Có những ngày được tạo nên từ những cuộc trò chuyện ngắn ngủi rốt cuộc sẽ đẩy bạn tới chỗ đưa ra một vài quyết định.
- Dĩ nhiên, tôi muốn đi cùng anh tới Êtiôpia, Walter nói tiếp, nhưng tôi sẽ không đi đâu!
- Nhưng tôi có nói là mình sẽ đi Êtiôpia hả?
- Không, nhưng dẫu sao anh vẫn sẽ tới đó.
- Tôi sẽ không đi mà không có anh.
- Không thể thế được, Hydra đã ngốn sạch chỗ tiền tiết kiệm còn lại của tôi rồi.
- Nếu chỉ vì điều này, tôi sẽ mua vé tặng anh.
- Vả lại đó cũng không phải vấn đề. Rất cảm ơn về sự hào phóng của anh, nhưng đừng đặt tôi vào tình huống khó xử như thế chứ.
- Đây không phải là hào phóng, tôi phải nhắc anh nhớ chuyện gì sẽ xảy ra với tôi tại Héraklion nếu không có anh chăng?
- Đừng nói anh muốn thuê tôi làm vệ sĩ nhé, tôi sẽ rất buồn đấy. Tôi đâu chỉ là một đống cơ bắp, tôi có bằng chuyên viên kiểm toán và quản lý nhân sự đấy chứ!
- Walter, đừng bắt tôi phải van xin anh nhé!
- Đó là một ý tưởng quá đỗi tệ hại, và có nhiều lý do để tôi từ chối.
- Hãy cho tôi một biết lý do duy nhất và tôi sẽ để anh được yên thân.
- Được, hãy hình dung tấm bưu thiếp sau. Phong cảnh: thung lũng Omo. Giờ: sáng sớm hay giữa trưa, anh thích thế nào cũng được. Căn cứ vào những gì anh đã kể với tôi thì phong cảnh ở đó đẹp huy hoàng. Phối cảnh chỉ có ngần này: một bãi khai quật khảo cổ. Các nhân vật chính: Adrian và nhà khảo cổ phụ trách bãi khai quật. Giờ thì nghe cho rõ màn diễn đây; rồi anh sẽ thấy, sẽ rất thú vị. Adrian của chúng ta tới trên một chiếc xe jeep, hơi nhem nhuốc một chút nhưng vẫn hoạt bát và điển trai. Nhà khảo cổ nghe thấy tiếng ô tô, cô đặt chiếc bay và chiếc búa nhỏ xuống, gỡ kính ra...
- Tôi không nghĩ là cô ấy đeo kính!
- ... Thì không gỡ kính ra, nhưng bù lại, cô ấy đứng dậy để rồi phát hiện ra rằng vị khách bất ngờ không phải ai khác mà chính là người đàn ông cô ấy đã rời bỏ ngày còn ở Luân Đôn, rời bỏ mà không hề hối tiếc. Cảm xúc hiển hiện trên gương mặt cô ấy.
- Tôi đã nhìn ra cái cảnh ấy rồi, anh muốn dẫn tới đâu?
- Anh im đi và để tôi nói nốt! Nhà khảo cổ và người khách thăm tiến về phía nhau, ai nấy đều không biết phải nói gì. Và đúng lúc đó, loảng xoảng, không ai để ý đến chuyện đang diễn ra tại hậu cảnh. Gần chiếc xe jeep, anh chàng Walter tốt bụng, trong trang phục quần soóc vải flanen và mũ lưỡi trai kẻ carô, đã chán ngấy khi phải phơi mình dưới ánh nắng chói chang trong khi hai kẻ ngốc kia đang ôm nhau như quay chậm, thử hỏi ai còn muốn nghe anh chàng là rốt cuộc cần phải làm gì với đống hành lý đây. Anh không thấy là chuyện này sẽ phá hỏng hoàn toàn màn diễn sao? Và bây giờ, anh đã kiên quyết lên đường một mình chưa hay để tôi vẽ ra cho anh một bức tranh khác?
° ° °
Rốt cuộc Walter đã thuyết phục được tôi thực hiện chuyến đi này, ngay cả khi tôi tin rằng mình đã có quyết định từ trước.
Chỉ vừa kịp lấy thị thực và đặt phòng khách sạn, tôi lên máy bay tại sân bay Heathrow để mười tiếng sau hạ cánh xuống sân bay Addis-Abeba.
Cùng ngày hôm đó, một người tên Ivory, người không hoàn toàn xa lạ với chuyến đi này, lên đường tới Paris.
Gửi các thành viên của hội đồng,
Hôm nay đối tượng của chúng ta đã bay tới Addis-Abeba. Không cần phải xác định rõ giả định của chuyện này. Nếu không liên kết với anh bạn người Trung Quốc vẫn đang hết sức quan tâm tới Êtiôpia, chúng ta sẽ khó mà tiếp tục việc giám sát. Tôi đề nghị chúng ta họp lại ngay ngày mai.
Thân ái,
Amsterdam.
Jan Vackeers đẩy bàn phím máy tính ra xa rồi lại cúi xuống nghiên cứu bộ hồ sơ do một trong những cộng tác viên vừa gửi tới. Ông nhìn đến lần thứ không biết bao nhiêu bức ảnh chụp qua cửa kính của một quán cà phê tại Luân Đôn. Bức ảnh chụp Ivory đang dùng bữa sáng cùng với Adrian.
Vackeers bật máy lửa, cho bức ảnh vào trong cái gạt tàn rồi châm lửa. Khi bức ảnh đã cháy hết, ông gấp hồ sơ lại và lẩm nhẩm:
- Tôi không biết phải tiếp tục kín tiếng với các đồng nghiệp của chúng ta bao lâu nữa về các ván cờ mà anh đang chơi một mình. Cầu Chúa che chở cho chúng ta!
Ivory kiên nhẫn xếp hàng chờ taxi để rời khỏi sân bay Orly.
Khi đến lượt, ông ngồi vào đằng sau xe rồi đưa cho tài xế một mẩu giấy. Trên đó ghi địa chỉ của một xưởng in nằm cách đại lộ Sébastopol không xa. Đường thông thoáng, nửa tiếng nữa ông sẽ có mặt tại đó.
Trong văn phòng riêng tại Rome, Lorenzo đã đọc xong bức thư của Vackeers, ông nhấc điện thoại lên và yêu cầu thư ký vào gặp.
- Chúng ta vẫn còn các mối quen có thể liên lạc tại Êtiôpia chứ?
- Vâng, thưa ông, hai người ngay tại chỗ. Đúng lúc tôi vừa cập nhật lại hồ sơ châu Phi để chuẩn bị cho cuộc họp ông sắp tham dự tại văn phòng Ngoại trưởng tuần tới.
Lorenzo chìa cho cô thư ký một bức ảnh và bảng giờ cất cánh hạ cánh của máy bay được ghi thoáy lên một tờ giấy.
- Hãy liên lạc với họ. Bảo họ thông tin cho tôi những lần di chuyển, những cuộc gặp gỡ và chuyện trò của người đàn ông này, sáng nay anh ta sẽ tới Addis-Abeba trên một chuyến bay xuất phát từ Luân Đôn. Đây là một đối tượng người Anh, cần phải tuyệt đối thận trọng. Nói với người của chúng ta thà dừng việc theo dõi còn hơn để bị phát hiện. Đừng báo cáo về cuộc điều tra này trong bất kỳ hồ sơ nào, ngay lúc này, tôi mong nó được giữ kín hết mức.
Cô thư ký thu lại những tài liệu mà Lorenzo vừa đưa cho rồi lui ra.
***
Êtiôpia
Thủ tục quá cảnh tại sân bay Addis-Abeba diễn ra chỉ trong vòng một tiếng. Thời gian đủ để đóng dấu vào hộ chiếu của tôi, lấy lại hành lý rồi lên một chiếc máy bay nhỏ cất cánh thẳng hướng sân bay Jinka.
Cánh của chiếc máy bay cúc cu cũ kỹ này đã han gỉ đến mức tôi tự hỏi làm sao nó vẫn có thể vận hành được. Cửa kính trong buồng lái hoen dầu. Chưa kể chiếc la bàn kim co giật như sắp ngoẻo, toàn bộ các mặt đồng hồ trên bảng điều khiển đều trơ ì ra đó. Viên phi công có vẻ như không quan tâm đến những chi tiết này lắm. Khi động cơ kêu lọc xọc, anh ta bằng lòng với việc kéo nhẹ tay ga hoặc đẩy trở lại, tìm kiếm một chế độ có vẻ htích hợp với nó hơn. Anh ta có vẻ đang bay bằng mắt cũng như bằng tai vậy.
Nhưng phía dưới hai chiếc cánh loang lổ sơn của chiếc máy bay cũ rích này diễu qua trong một tiếng động ồn ĩ ghê gớm là những khung cảnh đẹp nhất của châu Phi.
Những bánh xe nảy trên đường băng bằng đất, trước khi chúng tôi dừng lại bất động giữa một luồng bụi dày đặc. Đám trẻ chạy vội về phía chúng tôi và tôi rất sợ một trong số chúng bị cuốn vào cánh quạt máy bay. Viên phi công nghiêng người để mở cửa cho tôi, quẳng túi xách của tôi ra ngoài và tôi hiểu rằng chúng tôi chia tay nhau tại đây.
Tôi vừa đặt chân xuống mặt đất là máy bay đã vòng trở lại, tôi chỉ kịp quay người để nhìn nó bay xa dần trên những ngọn bạch đàn.
Tôi thấy mình trơ trọi giữa một nơi đồng không mông quạnh, và tôi vô cùng tiếc nuối vì đã không biết cách thuyết phục Walter đi cùng với mình. Ngồi trên một thùng phuy trước kia vốn là thùng đựng dầu, túi xách để dưới chân, tôi ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hoang dã xung quanh, mặt trời đang lặn dần và tôi nhận ra là mình không hề hay biết sẽ ngủ qua đêm nay ở đâu.
Một người đàn ông mặc áo may ô vạt rách đến gặp tôi và đề nghị giúp đỡ, dù thế nào đi nữa đó cũng là điều tôi thu nhận được. Chỉ riêng việc giải thích cho ông ta hiểu là tôi đang tìm một nhà nữ khảo cổ đang làm việc cách đây không xa cũng đòi hỏi ở tôi một kỳ tích ở óc sáng tạo. Tôi nhớ đến trò chơi chúng tôi thường chơi trong gia đình, nhại điệu bộ của một tình huống hoặc đơn giản là một từ để buộc những người khác đoán ra. Tôi chưa bao giờ thắng trò này! Và chính tôi lúc này lại đang giả bộ đào đất, phấn khích trước một mẩu gỗ tầm thường như thể vừa khám phá ra cả một kho báu; người đối thoại vỡi tôi nhăn nhó đau khổ đến mức tôi đành bỏ cuộc. Người đàn ông nhún vai rồi bỏ đi.
Mười phút sau ông ta xuất hiện trở lại, đi cùng một cậu nhóc thoạt tiên nói với tôi bằng tiếng Pháp, rồi tiếng Anh và cuối cùng là pha trộn cả hai thứ ngôn ngữ với nhau. Cậu bé cho tôi biết trong vùng này hiện có ba nhóm khảo cổ đang bám sát hiện trường. Một nhóm đang làm việc cách chỗ tôi đứng bảy mươi kilômét về phía Bắc, nhóm thứ hai hiện trong thung lũng Rift tại Kenya, và nhóm thứ ba, vừa mới đến, đã thuê lại một khu trại cách hồ Turkana gần một trăm kilômét về hướng Đông Bắc. Cuối cùng tôi cũng định vị được nơi Keira đang sống, tôi chỉ còn việc tìm ra phương tiện để đến chỗ cô ấy.
Cậu bé đề nghị tôi đi theo cậu ta. Người đàn ông đã tới bắt chuyện với tôi rất muốn mời tôi ngủ lại qua đêm. Tôi không còn biết phải cảm ơn ông như thế nào và tôi vừa đi theo cậu bé vừa tự thú nhận rằng nếu một người Êtiôpia bị lạc giữa phố phường Luân Đôn giống như tình cảnh của tôi tại đây tối nay, mà có nhờ tôi chỉ đường giúp, tôi hẳn sẽ không đủ hào hiệp để mời họ về nhà mình nghỉ lại qua đêm. Dù có là do sự khác biệt về văn hóa hoặc thành kiến thì trong cả hai trường hợp đó tôi đều cảm thấy mình vô cùng ngớ ngẩn.
Ông chủ nhà mời tôi cùng ăn tối, cậu bé vẫn ngồi cùng chúng tôi. Cậu ta không ngừng nhìn tôi chòng chọc. Tôi cởi áo vest rồi vắt lên một chiếc ghế đẩu, cậu ta liền thích thú với việc lục lọi các túi áo, không hề ngần ngại. Cậu ta thấy trong đó chiếc mặt dây chuyền của Keira và ngay lập tức trả nó về chỗ cũ. Tôi bỗng có cảm giác là sự hiện diện của tôi không còn khiến cậu ta hoan hỉ nữa, rồi không nói một lời, cậu ta rời khỏi căn lều.
Tôi ngủ trên một manh chiếu và tỉnh dậy vào lúc bình minh. Sau khi đã uống một trong những thứ cà phê ngon nhất trong đời mình, tôi đi dạo gần một sân bay nhỏ, tìm cách tiếp tục cuộc hành trình. Nơi này không thiếu vẻ duyên dáng, nhưng tôi sẽ không vì thế mà chôn chân tại đây.
Tôi nghe thấy tiếng động cơ từ xa vọng lại. Một đám bụi bao quanh chiếc xe hai cầu khá to đang chạy thẳng về phía tôi. Chiếc xe địa hình dừng khựng lại trước đường băng, hai người đàn ông từ trên xe bước xuống. Cả hai đều là người Ý, vận may đã mỉm cười với tôi rồi, họ nói tiếng Anh rất ổn và đúng ra là có vẻ dễ mến. Không hề ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi đứng dậy, họ hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi chỉ cho họ thấy một điểm trên tấm bản đồ họ vừa trải ra trên nắp máy xe rồi ngay lập tức họ đề nghị đưa tôi đến gần chỗ đó.
Sự hiện diện của họ dường như còn khiến cậu bé khó chịu hơn là sự hiện diện của tôi. Phải chăng đó là dư âm của thời kỳ Êtiôpia bị Ý chiếm làm thuộc địa? Tôi không rõ, nhưng rõ ràng là hai người dẫn đường kỳ diệu của tôi không hề khiến cậu hài lòng.
Sau khi đã nồng nhiệt cảm ơn ông chủ nhà, tôi ngồi lên chiếc xe hai cầu. Suốt dọc đường đi, hai người Ý đặt ra với tôi hàng nghìn câu hỏi, về nghề nghiệp của tôi, về cuộc sống tại Atacama cũng như tại Luân Đôn và cả về những lý do dẫn tôi đến với Êtiôpia. Tôi không thực sự muốn đề cập đến điểm sau cùng này và đành nói với họ là tôi đến đây gặp một người phụ nữ; hai người dân thành Rome liền cho rằng chỉ riêng lý do ấy thôi cũng đủ để đi tới nơi chân trời góc bể. Đến lượt mình, tôi cũng hỏi họ tại sao lại tới đây. Họ xuất khẩu vải vóc, đang điều hành một công ty tại Addis-Abeba, và vì yêu mến Êtiôpia, họ sẽ thám hiểm đất nước này mỗi khi có dịp.
Thật khó để định vị chính xác nơi tôi muốn đến và không gì đảm bảo được rằng người ta có thể đi xe vào tận trong đó. Người lái xe đề nghị để tôi xuống xe tại một làng chài bên bờ sông Omo, sẽ dễ hơn cho tôi nếu thuê một chiếc thuyền con chở tôi xuôi theo dòng nước. Như thế tôi sẽ có nhiều cơ may tìm ra khu trại khảo cổ mà tôi đang tìm kiếm. Họ có vẻ quá thông thạo vùng này, tôi phó thác cả vào họ và làm theo lời họ khuyên. Người không lái xe thì sẵn sàng làm phiên dịch giúp. Anh ta đã sống ở đây nhiều năm và có được vài kiến thức sơ đẳng trong việc giao tiếp với thổ dân Êtiôpia, anh ta tự cho là mình có thể tìm ra một ngư dân sẵn lòng cho tôi quá giang trên chiếc thuyền độc mộc.
Đến tầm xế chiều, tôi tạm biệt hai người bạn đường, chiếc thuyền con mỏng manh tôi vừa bước lên đã rời khỏi bờ sông và trôi xuôi theo dòng nước.
Tìm được Keira không đơn giản như những người bạn Ý của tôi đã nói. Sông Omo chia làm nhiều bánh, mỗi lần chiếc thuyền độc mộc tiến vào một lối tàu bè qua lại chứ không phải một lối khác, tôi tự hỏi liệu chúng tôi có đi quá khu trại mà không nhìn thấy nó không.
Tôi những muốn thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ xung quanh, ở mỗi khúc quanh tôi sẽ phát hiện ra những khung cảnh khác, nhưng tâm trí tôi bận rộn với việc tìm kiếm những lời có thể nói với Keira nếu tìm ra cô ấy, những lời sẽ giải thích mục đích của chuyến thăm này, điều mà bản thân tôi cũng không rõ.
Dòng sông đổ về phía các vách đất màu nâu nhạt ngăn không cho thuyền bè qua lại quá gần. Người điều khiển thuyền độc mộc trông chừng để giữ cho chúng tôi ở chính giữa dòng nước. Một thung lũng mới mở ra trước mát chúng tôi, và rốt cuộc tôi cũng nhận ra khu trại mình hằng ngóng đợi nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ.
Chúng tôi ghé thuyền vào một bờ sông đầy cát và bùn. Tôi lấy túi xách, chào người đánh cá đã đưa tôi đến đây rồi tiến bước trên một con đường nhỏ nằm giữa hai hàng cỏ cao ngút. Tôi gặp một người Pháp đang ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi hỏi anh ta ở đây có ai tên là Keira đang làm việc không, anh ta chỉ tay về phía Bắc rồi trở lại với công việc dang dở.
Ngược lên chút nữa, tôi đi qua một ngôi làng với những túp lều và đến rìa của hiện trường khai quật khảo cổ.
Đất được đào thành nhiều ô vuông, những cây mọc và những sợi thừng định ranh giới cho mỗi hố. Hai hố đầu tiên không có người, nhưng đến hố thứ ba thì có hai thanh niên đang làm việc. Xa hơn một quãng, vài người khác đang chải nhẹ mặt đất với những cây chổi chuyên dụng. Từ nơi tôi đang đứng, người ta có lẽ sẽ tưởng họ đang vẽ. Không ai để ý đến tôi và tôi tiếp tục tiến lên trên lối đi hình tròn tạo nên từ những sườn đất dốc giữa mỗi hố, ít ra là cho tới lúc một tràng chửi rủa vang lên đằng sau lưng khiến tôi dừng bước. Một đồng hương của tôi, tôi đoán vậy vì tiếng Anh của hắn rất chuẩn, đang gào lên hỏi thằng ngốc đang đi dạo giữa những hố khai quật kia là ai. Tôi chỉ việc nhanh chóng nhìn lướt đường chân trời là đoán được thằng ngốc được nhắc đến kia không thể là ai khác ngoài mình.
Khó có thể hình dung ra lời mào đầu khá khẩm hơn cho cuộc hạnh ngộ chưa chi đã khiến tôi bồn chồn này. Bị gọi là tên ngốc giữa một chốn rộng thênh thang là việc không vừa ầm của bất cứ ai. Khoảng một chục cái đầu ngẩng lên từ hố, như một đàn cầy dũi nhô lên từ hang của chúng khi có báo động nguy hiểm. Một người đàn ông thân hình vạm vỡ ra lệnh cho tôi, lần này là bằng tiếng Đức, phải biến khỏi đây ngay lập tức.
Tôi thực sự không thạo tiếng Đức, nhưng vốn từ vựng hết sức ít ỏi cũng đủ giúp tôi hiểu rằng anh ta không hề đùa cợt. Thế rồi bỗng nhiên, chính giữa tất cả những ánh mắt lên án đó, xuất hiện ánh mắt của Keira, người đến lượt mình vừa đứng dậy...
... Và chẳng chuyện gì diễn ra giống như Walter dự đoán!
- Adrian phải kô? Cô ấy hốt hoảng kêu lên.
Khoảnh khắc thứ hai của nỗi cô đơn mãnh liệt. Khi Keira hỏi tôi đang làm gì ở đây - nỗi ngạc nhiên của cô ấy lớn hơn nhiều so với niềm vui được gặp lại tôi - viễn cảnh trả lời cô ấy giữa cái thế giới nhỏ thù địch này vì thế đã nhấn chìm tôi trong một trạng thái câm lặng kéo dài. Tôi đứng đó, sững sờ như hóa đá, với cảm giác đã bước vào một bãi mìn và các chuyên viên gỡ mìn đang chờ đến lúc tôi tan thành khói bụi mới lôi ra.
- Nhất là không được cử động! Keira ra lệnh trong lúc tới gặp tôi.
Cô ấy lại gần tôi và dẫn tôi đến tận lối ra của khu vực khai quật.
- Anh không biết mình vừa làm gì đâu! Anh đến từ nơi nào chẳng rõ, với đôi ủng to đùng, anh sẽ giẫm lên những bộ xương mang tầm quan trọng vô giá.
- Hãy nói là anh chưa hề làm như vậy đi, tôi ấp úng khẩn nài.
- Chưa, nhưng lẽ ra anh đã làm thế, cũng như nhau cả thôi. Hay là anh thấy em đang nấp trong các đài quan sát của anh và xoáy vặn lung tung tất cả các nút điều khiển kính thiên văn?
- Anh nghĩ mình đã biết rõ là em đang giận.
- Em không giận, anh là người vô trách nhiệm, hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau.
- Chào Keira.
Lẽ ra tôi đã có thể tìm ra một câu gì đó độc đáo hơn, thích đáng hơn là "chào Keira", nhưng đó là câu đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi.
Cô ấy nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi đợi đến lúc cô ấy rốt cuộc sẽ thoải mái hơn, ít ra là trong giây lát.
- Anh làm gì ở đây vậy, Adrian?
- Đó là cả một câu chuyện dài, và anh vừa vượt qua một quãng đường còn hơn là dài; nếu em có chút xíu thời gian dành cho anh, anh sẽ giải thích để em hiểu.
- Vâng, nhưng không phải bây giờ, như anh thấy đấy, em đang giữa ngày làm việc.
- Anh không có số điện thoại của em tại Êtiôpia, cũng không có số điện thoại của thư ký của em để hẹn gặp. Anh sẽ xuống bờ sông và đi nghỉ giữa một cây dừa và một cây chuối. Nếu em rảnh ra lúc nào, ghé qua đó gặp anh nhé.
Không để cô ấy kịp trả lời, tôi quay bước và đi ngược trở lại theo lối ban nãy. Dẫu sao tôi cũng có lòng tự tôn chứ!
- Ở đây không có dừa, cũng làm gì có chuối, đúng là đại ngốc! tôi nghe thấy giọng nói của cô ấy vang lên sau lưng mình.
Tôi quay lại nhìn, Keira đang tiến về phía tôi.
- Em thừa nhận là màn chào đón như thế không được tuyệt vời cho lắm, em xin lỗi, thứ lỗi cho em nhé.
- Em có rảnh để ăn trưa không? Tôi hỏi cô ấy.
Ngày hôm đó, tôi hẳn phải đột xuất có một năng khiếu đặc biệt trong việc đặt ra những câu hỏi ngu ngốc. Chí ít thì điều này cũng khiến Keira phì cười. Cô ấy cầm tay tôi kéo về phía khu trại. Cô ấy mời tôi bước vào trong lều, mở một tủ ướp lạnh, lấy ra hai chai bia và đưa cho tôi một chai.
- Anh uống đi, nó chưa được lạnh lắm đâu, năm phút nữa là nó sẽ nóng ran lên cho mà xem. Anh đến đây lâu chưa?
Ở đây, chỉ có hai người trong căn lều của cô ấy, cảm giác quá lạ lẫm đến mức chúng tôi thấy dường như điều đó hơi bất lịch sự. Vậy là chúng tôi rời khỏi lều để đi dạo dọc bờ sông. Trong lúc đi dạo tôi mới hiểu rõ hơn chuyện Keira đã khó khăn thế nào khi phải rời khỏi một nơi như thế này.
- Adrian ạ, em rất cảm động khi anh tìm đến tận đây. Dịp cuối tuần đó tại Luân Đôn là quãng thời gian tuyệt vời, tuyệt vời nhưng...
Tôi cần phải ngắt lòi cô ấy, nhất là khi tôi không muốn nghe điều cô ấy sắp nói ra, tôi đã hình dung rất rõ điều ấy trước khi đến Luân Đôn. Rốt cuộc, có lẽ là không với ngần ấy sự minh mẫn tỉnh táo, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó.
Tại sao tôi lại trả lời cô ấy quá nhanh chóng rằng cô ấy đang nhầm lẫn về ý định của tôi, trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại? Tôi đã tới tận đây, bị thôi thúc bởi niềm vui khi gặp lại cô ấy, được nghe giọng nói của cô ấy, được nhận ra ánh mắt của cô ấy, thậm chí là ánh mắt thù địch, được chạm vào cô ấy, với khát khao mãnh liệt là được ôm cô ấy vào lòng, lại được nếm trải làn da của cô ấy, nhưng tôi không thú nhận điều gì trong số đó. Hành động ngu ngốc mới của tôi hay lòng tự tôn đàn ông đặt không đúng chỗ, sự thực là tôi không muốn bị từ chối, một lần thứ hai, nếu không muốn nói là lần thứ ba.
- Sự hiện diện của anh tại đây chẳng có gì lãng mạn cả, Keira ạ, tôi nói thêm để đóng sâu chiếc đinh. Anh cần bàn với em chuyện này.
- Chuyện này hẳn là rất quan trọng vì anh đã vượt cả một quãng đường dài thế kia mà.
Đây là dạng bí mật mà nếu đặt cạnh nó, việc ước lượng chiều sâu của Vũ trụ đối với tôi chỉ còn là một phương trình toán đơn giản. Vừa vài phút trước đó, Keira dường như đặc biệt phản đối ý nghĩ tôi đã thực hiện chuyến hành trình này để tới gặp cô ấy thì giờ đây, khi tôi khẳng định với cô ấy điều ngược lại, hình như cô ấy đang nổi giận.
- Em nghe anh nói đây! cô ấy nói với hai bàn tay chống nạnh. Anh nói ngắn gọn xem nào, em phải trở lại với ê kíp
- Nếu em muốn, chuyện này có thể để đến tối nay nói cũng được. Anh thấy không nhất thiết phải nói bây giờ; dù sao anh cũng không thể lại lên đường ngay hôm nay, mỗi tuần chỉ có hai chuyến bay nối liền Luân Đôn và Addis-Abeba và phải ba ngày nữa mới có chuyến tiếp theo.
- Anh cứ ở lai bao lâu tùy thích, ai cũng được chào đón ở đây mà, ngoại trừ khu vực khai quật của em, em mong anh không đi dạo trong đó trừ khi được ai đó dẫn đường.
Tôi hứa sẽ thực hiện đúng nguyện vọng đó. Tôi để cô ấy làm nốt công việc trong ngày. Vài tiếng sau chúng tôi sẽ gặp lại nhau và chúng tôi sẽ có cả buổi tối để trò chuyện.
- Anh trở lại lều của em đi, cô ấy vừa nói vừa đi ngược lên dốc. Anh đừng nhìn em như thế, chúng ta đâu có ở tuổi mười lăm nữa. Nếu qua đêm ngoài trời, anh sẽ bị lũ nhện khổng lồ xé xác. Có lẽ em nên xếp anh ngủ với các đồng nghiệp nam, nhưng tiếng ngáy của họ còn đáng sợ hơn vết nhện cắn đấy.
Chúng tôi dùng bữa tối cùng cả nhóm khảo cổ. Thái độ thù nghịch các nhà khảo cổ nhằm vào tôi đã chấm dứt, ngay khi tôi không còn là chú voi tồ tệch dạo chơi giữa những hố khai quật của họ; đúng ra là họ hết sức thân thiện từ đầu đến cuối bữa ăn, tôi tin là họ vui khi nhìn thấy một gương mặt mới, thêm vào đó, lại cung cấp cho họ những tin tức mới mẻ từ châu Âu. Tôi đã cất tờ báo tìm thấy trên máy bay vào túi xách, quả là nó đã gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ai nấy tranh nhau đọc và người giành được tờ báo phải đọc lên cho những người khác cùng nghe. Khó mà biết được những tin tức hàng ngày tầm thường này lại bỗng trở nên quan trọng nhường ấy đối với những ai đang xa nhà.
Keira tranh thủ lúc nhóm cộng sự ngồi vây quanh đống lửa để kéo tôi ra một góc.
- Chỉ tại anh mà ngày mai họ sẽ mệt lử, cô ấy lại gần tôi và nhìn họ, tất cả đều đang chăm chú đọc chung tờ báo. Ngày nào trôi qua cũng đủ mệt nhọc rồi, mỗi phút làm việc đều được coi trọng. Bốn em sống theo nhịp mặt trời, mọi khi giờ này cả nhóm đã đi ngủ rồi.
- Vậy thì anh hình dung rằng tối nay không phải là một buổi tối bình thường.
Tiếp đó là một khoảnh khắc yên lặng, cả hai chúng tôi đều nhìn đi chỗ khác.
- Anh phải thú nhận với em là đã từ vài tuần nay, không chuyện gì đối với anh là thực sự bình thường cả, tôi nói tiếp. Và những chuỗi bất thường liên tiếp này không phải là không liên quan tới sự có mặt của anh tại đây.
Tôi lấy từ trong túi áo ra chiếc mặt dây chuyền rồi đưa cho cô ấy.
- Em đã bỏ quên thứ này trên bàn đầu giường nhà anh, anh đến để trả lại em.
Keira cầm lấy chiếc dây đeo cổ trong lòng bàn tay và nhìn nó hồi lâu, cô ấy mỉm cười thật xinh.
- Cậu ấy không trở lại, cô ấy nói.
- Ai kia?
- Người đã tặng vật này cho em.
- Em nhớ người ấy đến thế sao?
- Không ngày nào trôi qua mà em không nghĩ đến cậu ấy và cảm thấy tội lỗi vì đã bỏ cậu ấy lại.
Tôi không lường trước được chuyện này, và tôi phải hết sức cố gắng mới tìm ra một câu đối đáp không để lộ tâm trạng mình đang rối bời.
- Nếu yêu cậu ấy đến mức đó, thế nào em cũng sẽ tìm ra cách để bày tỏ điều này với cậu ấy; cậu ấy sẽ tha thứ cho em, dù em đã làm gì đi nữa.
Tôi không muốn biết thêm điều gì về cái người đã chinh phục được trái tim Keira, và càng không muốn là người giảng hòa cho họ, nhưng tôi đọc thấy trong mắt cô ấy thấp thoáng một nỗi buồn.
- Có lẽ em nên viết thư cho người ấy chăng?
- Trong ba năm trời, em đã dạy cho cậu ấy nói thông thạo tiếng Pháp, vài kiến thức sơ đẳng về tiếng Anh, nhưng vẫn chưa dạy được cậu ấy đọc. Vả lại em cũng không biết cậu ấy hiện ở đâu nữa, Keira nhún vai đáp.
- Người ấy không biết đọc ư?
- Anh thực sự tìm đến tận đây chỉ để trả lại cho em sợi dây chuyền này ư?
- Thế còn em, em thực sự bỏ quên nó tại nhà anh ư?
- Chuyện đó thì có để làm gì đâu hả Adrian?
- Keira, đây không phải là chiếc mặt dây bất kỳ nào đó. Ít ra em cũng biết điều này rồi chứ? Nó có một đặc tính hết sức khác thường. Điều gì đó anh nên chia sẻ cùng em, điều gì đó quan trọng hơn rất nhiều so với những gì em có thể hình dung.
- Đến mức đó ư?
- Bạn em kiếm đâu ra thứ này? Ai đó đã bán cho cậu ta chăng?
- Nhưng anh đang sống trong thế giới nào vậy, Adrian? Cậu ấy không kiếm được nó, cậu ấy thấy nó trong một miệng núi lửa đã tắt, cách đây hơn một trăm cây số. Tại sao anh lại hỏi dồn dập như thế, có chuyện gì quan trọng đến vậy?
- Em có biết hiện tượng gì xảy ra khi đưa chiếc mặt dây chuyền của em lại gần một nguồn sáng mạnh không?
- Có, em nghĩ mình biết hiện tượng đó rồi. Được rồi, Adrian, nghe em nói đây. Khi quay trở lại Paris, em muốn biết thêm đôi chút về chiếc vòng cổ này, đơn giản vì tò mò. Được một người bạn giúp đỡ, bọn em đã thử xác định niên đại cuả nó nhưng không thành công. Thế rồi một buổi tối, trong một cơn giông khá dữ dội, ánh chớp đã chiếu xuyên qua nó và em đã nhìn thấy hàng loạt những chấm sáng nhỏ trên tường phòng khách nơi em đang đứng. Một lúc sau, khi nhìn qua cửa sổ, em nhận ra nét nhang nhác cái vừa xuất hiện trên tường với cái em đang nhìn thấy trên trời. Ít lâu sự tình cờ đã xui khiến chúng ta gặp lại. Sáng hôm đó, tại Luân Đôn, khi rời khỏi nhà anh, em đã muốn để lại cho anh một bức thư, nhưng em không biết phải viết như thế nào. Vậy nên em để lại sợi dây chuyền cho anh, tự nhủ rằng nếu có điều gì đó đáng khám phá về vật này, thì nhất định sẽ liên quan tới lĩnh vực của anh chứ không phải của em. Nếu hiện tượng anh đã chứng kiến khiến anh tò mò hay say mê, em cũng thấy vui. Em để lại cho anh chiếc mặt dây này, anh muốn làm gì với nó tùy ý. Ở đây em đang có nhiều việc phải làm. Giành được giải thưởng này, chỉ huy nhóm nghiên cứu này và xứng đáng với sự tin tưởng mọi người đã dành cho là một trách nhiệm nặng nề, em sẽ không thể có đến cơ hội thứ ba, anh hiểu không? Anh thật độ lượng khi đến tận đây để chia sẻ câu chuyện của anh, nhưng theo đuổi cuộc điều tra là việc của anh. Em sẽ vẫn cứ đào đất và em không có thời gian để nghĩ tới những ngôi sao.
Phía trước chúng tôi là một cây minh quyết lớn, tôi đến ngồi dưới gốc cây rồi bảo Keira đến ngồi bên cạnh.
- Tại sao em lại ở đây? tôi hỏi.
- Anh đang đùa hay sao?
Vì tôi lặng thinh không đáp, cô ấy nhìn tôi vẻ thích thú.
- Em mê mẩn trò lội bì bõm trong bùn, cô ấy nói, và vì bùn ở đây nhiều vô kể, em tha hồ lội!
- Đừng có đùa, anh không hỏi em đang làm gì, anh muốn em giải thích cho anh nghe tại sao lại là ở đây, tại Êtiôpia chứ không phải nơi nào khác.
- Chuyện này cũng vậy, là cả một câu chuyện dài.
- Anh còn cả đêm để nghe cơ mà.
Keira ngập ngừng một lát. Cô đứng dậy để đi tìm một mẩu gỗ rồi trở lại ngồi bên cạnh tôi.
- Cách đây rất lâu rồi, cô ấy vừa nói vừa vẽ một vòng tròn lớn trên cát, các lục địa gắn liền với nhau thành một khối.
Cô ấy vẽ một vòng tròn khác bên trong vòng tròn đầu tiên.
- Toàn bộ tạo thành một dạng lục địa duy nhất vô cùng rộng lớn, bao quanh là các đại dương, siêu lục địa Pangée. Cả hành tinh rung chuyển bởi những trận động đất kinh khủng, những mảng kiến tạo địa chất bắt đầu chuyển động. Siêu lục địa chia tách làm hai phần, Luaraise ở phía Bắc và Gondwana ở phía Nam. Rồi châu Phi tách ra, trở thành một hòn đảo hầu như riêng rẽ. Không xa nơi chúng ta đang ngồi, dưới tác dụng của một áp lực không thể cưỡng lại, mọc lên một hàng rào núi. Những ngọn núi mới hình thành này không phải là không ảnh hưởng tới khí hậu trong vùng. Các đỉnh núi cản mây lại. Không có mưa, đất đai phía Đông bắt đầu hoang mạc hóa.
Lũ khỉ đang sống trên cây để tránh những loài săn mồi thấy khu vực cư trú của chúng thu hẹp lại như tấm da lừa. Ít cây cối hơn, ít trái cây hơn, nguồn thức ăn bắt đầu cạn kiệt và loài khỉ bị đe dọa tuyệt chủng. Anh nghe cho kỹ đây, đúng lúc này câu chuyện mới bắt đầu trở nên có nghĩa.
Càng về phía Tây, ngược về bên kia thung lũng nơi từ đó trở đi loại cỏ cao không mọc nữa, cánh rừng vẫn trường tồn. Từ ngọn một vài cây cao vẫn còn sinh trưởng, loài khi có thể đã thấy những vùng đất nơi nguồn thức ăn vẫn còn dồi dào. Anh thấy đấy, quy luật tiến hóa là thích nghi với môi sinh để sống sót, và bản năng sinh tồn mạnh hơn tất thảy. Thế nên, bất chấp nỗi sợ của chúng, lũ khỉ vẫn rời khỏi đám cây. Từ bên kia thảo nguyên là chốn bồng lai tiên cảnh nơi chúng sẽ không phải chịu thiếu thốn thứ gì.
Vậy là bầy khỉ của chúng ta lên đường. Nhưng khi đã di chuyển bằng bốn chân xuyên qua đồng cỏ cao, chúng không thấy gì nhiều. Không biết sẽ phải đi tiếp theo hướng nào, cũng không thấy những nguy hiểm đang rình rập. Anh sẽ làm gì nếu ở vào vị trí của chúng?
- Anh không rõ, tôi đáp, bị giọng kể của cô ấy mê hoặc.
- Giống như chúng, anh hẳn sẽ đứng trên hai chân sau để nhỉn anh xa rồi anh sẽ lại hạ hai chi trước xuống để tiếp tục cuộc hành trình; và, lại thêm lần nữa, anh sẽ lại đứng lên để xác định điểm đến trước khi tiếp tục lên đường, và cứ như thế, cho đến khi anh thấy chán ngắt với bài tập thực hành này, ngán ngẩm với việc hết đứng thẳng trên hai chân rồi lại cúi xuống di chuyển bằng bốn chân. Và cũng trong lúc dọ dẫm tiến về phía trước như thế, anh không ngừng đi chệch hướng đã định. Cần phải vạch ra một đường thẳng, đi từ vùng thảo nguyên thù địch đó, nơi đêm này qua đêm khác, những loài săn mồi tấn công đồng loại của anh, nhanh chóng chiếm lấy khu rừng và các loại trái cây ngon lành nhất. Thế rồi, một ngày đẹp trời, để đi nhanh hơn, một khi đã đứng thẳng trên hai chi sau, có lẽ anh đã thử duy trì tư thế đứng ấy.
Dĩ nhiên, bước đi của anh vụng về hơn, đau đớn, bởi khung xương cũng như cơ bắp của anh đều chưa thích nghi với tư thế này, nhưng anh cố cầm cự, khi hiểu rằng sự sống còn của anh phụ thuộc cả vào khả năng đến đích. Số lượng khỉ chết vì kiệt sức dọc đường hoặc bị tàn sát bởi các loài dã thú sẽ thuyết phục anh tin vào sự khẩn thiết của việc thẳng tiến về phía trước, mỗi lúc một nhanh hơn. Chỉ có một đôi khỉ đến được đích và loài khỉ được bảo toàn. Mà không biết một điều, rằng giữa thảo nguyên này, anh không còn là chú khỉ mới ngày hôm qua vẫn còn chuyền từ cành này sang cành khác, chạy bằng bốn chân trong những cuộc lẩn trốn ngắn ngủi trên mặt đất; mà không biết anh đã trở thành một con người nhỏ bé, Adrian ạ, bởi vì anh đang đi bằng hai chân. Anh đã từ bỏ những thuộc tính của giống loài để tạo ra một loài khác, loài người. Bầy khỉ đã thành công trong một vụ cá cược tưởng như không thể thắng nổi là chiếm được những vùng đất màu mỡ phía bên kia thảo nguyên cũng chính là tổ tiến của chúng ta. Và nếu chuyện em sắp kể với anh vẫn còn khiến một vài nhà khoa học nhảy dựng lên thì cũng không quan trọng, trong lĩnh vực này chân lý hiếm khi đạt được sự nhất trí ngay khi nó xuất hiện.
Cách đây hai mươi năm, các bạn đồng nghiệp lỗi lạc của em đã phát hiện ra hài cốt của Lucy. Bộ xương đó đã trở thành một ngôi sao. Lucy đã có ba triệu năm tuổi, và cả thế giới nhất trí coi Lucy như bà tổ của loài người, nhưng cả thế giới đã nhầm. Một vài thập niên sau đó, những nhà khoa học khác đã tìm ra hài cốt của Ardipithecus Kadabba. Nó đã tồn tại cách đây năm triệu năm và hệ thống dây chằng bên dưới da cũng như cấu trúc khung chậu và cấu trúc cột sống của nó chứng minh cho chúng ta thấy rằng đó cũng là một loài có hai chân. Lucy liền bị hạ bệ.
Rồi gần đây, một nhóm khác đã phát hiện ra những bộ xương hóa thạch của một họ hai chân thứ ba. Còn cổ hơn nữa. Những người Orrorin đã sống cách đây sáu triệu năm. Khám phá này đảo lộn tất cả những gì cho đến giờ người ta vẫn hằng tin. Bởi người Orrorin không chỉ đi lại mà họ còn gần gũi với chúng ta hơn. Đây chính là thứ đã quẳng trả tất cả những gì từng được coi như tổ tiên của loài người xuống mức họ hàng xa và đẩy lùi trở lại thời điểm được cho là đã diễn ra sự chia tách giữa dòng dõi khỉ với dòng dõi người. Nhưng ai còn có thể khẳng định chắc chắn rằng trước người Orrorin không còn ai khác? Các đồng nghiệp của em đang tìm kiếm câu trả lời ở phía Tây còn em lại đến phía Đông, trong thung lũng này, dưới chân dãy núi này, bởi vì em tin chắc như đinh đóng cột rằng tổ tiên của loài người phải có đến bảy hoặc tám triệu năm tuổi và hài cốt của họ đang nằm đâu đó dưới chân chúng ta. Giờ thì anh biết tại sao em lại có mặt ở Êtiôpia rồi đấy.
- Keira này, em ước tính tuổi vị tổ tiên cao nhất của chúng ta là khoảng bao nhiêu?
- Em đâu có quả cầu pha lên, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất cũng vậy. Để trả lời câu hỏi của em, em chỉ có cách là khám phá. Cái mà em biết, đó là toàn bộ loài người trên trái đất này đều mang một bộ gen đồng nhất. Bất kể màu da, chúng ta vẫn là hậu duệ của cùng một sinh vật.
Không khí lạnh rốt cuộc cũng buộc chúng tôi rời khỏi quả đồi. Keira xếp cho tôi nằm trên một chiếc giường dã chiến trong lều của cô, cô đưa cho tôi một tấm chăn và thổi tắt cây nến đang chiếu sáng trong lều. Tôi cố hết sức gạt ý nghĩ này đi mà không được, ý nghĩ được ở gần cô ấy khiến cho tôi hạnh phúc, ngay cả khi chúng tôi không nằm chung giường. Chúng tôi chìm trong bóng tối đen đặc, tôi nghe thấy cô ấy trở mình.
- Có thực là nơi này có nhện khổng lồ không? Tôi hỏi.
- Em chưa bao giờ trông thấy chúng, cô ấy đáp. Chúc anh ngủ ngon, Adrian, em vui vì anh đã đến đây.
***
Francfort
Vừa xuống máy bay, Vassily lần lượt tìm tới cả bốn quầy cho thuê xe hơi nằm trong sân bay quốc tế. Ông đưa cho mỗi nhân viên trực tại quầy một bức ảnh, hỏi họ có nhận ra cặp đôi trong ảnh hay không. Ba người trong số đó đã trả lời không, người thứ tư cho rằng loại thông tin này cần phải được bảo mật. Giờ thì Vassily biết những kẻ ông tìm kiếm đã không vẫy một chiếc taxi để vào thành phố, và điều quan trọng hơn nhiều, họ đã thuê một chiếc xe. Mệt nhoài với kiểu bài thực hành này, ông tiến về phía một buồng điện thoại công cộng và gọi cho người nhân viên ông vừa bỏ rơi; ngay khi người này nhấc máy, ông giải thích với anh ta bằng thứ tiếng Đức gần như hoàn hảo rằng một tai nạn đã xảy ra trên bãi đỗ và anh ta cần có mặt càng sớm càng tốt. Vassily chờ cho người đàn ông giận dữ gác máy rồi vội vã chạy về phía thang máy dẫn xuống tầng hầm. Ngay khi anh nhân viên khuất dạng, Vassily quay lại quầy, cúi xuống bàn phím máy tính và máy in tức thì kêu lạch xạch. Vassily rời khỏi quầy với một bản sao hợp đồng thuê xe của Adrian trong túi áo.
Sau khi đã bấm số điện thoại tìm thấy trong chiếc phong bì tại phòng giữ hành lý của ga Matxcơva, ông biết rằng chiếc Mercedes màu xám mang biển kiểm soát KA PA 521 đã bị camera giám sát ghi hình trên đường quốc lộ B43, rồi đường quốc lộ A5 theo hướng Hannovre; rồi một trăm hai mươi lăm kilômét sau người ta lại thấy chiếc xe xuất hiện trên quốc lộ A7 nơi nó rẽ ra lối 86. Cách đó một trăm mười cây số, chiếc Mercedes phóng đi với tốc độ một trăm ba mươi cây số giờ trên quốc lộ A71, một lúc sau nó xuất hiện trên một đường quốc lộ thẳng hướng Weimar. Vì không có thiết bị giám sát trên các tuyến đường kém quan trọng hơn, chiếc xe dường như đã biến mất giữa thiên nhiên, nhưng nhờ có camera lắp tại một cột đèn giao thông, nó đã lại xuất hiện tại một ngã tư thuộc địa phận Rothenberga.
Vassily thuê một chiếc ô tô hòm to rồi rời khỏi sân bay Freancfort, cẩn thận lần theo hành trình mà ông vừa ghi chép lại.
Ngày hôm đó, vận may đứng về phía ông, chỉ một con đường duy nhất kéo dài từ nơi chiếc Mercedes được quan sát thấy lần cuối cùng. Chỉ mười lăm cây số sau, khi lái xe xuyên qua Saulach ông mới phải băn khoăn với việc lựa chọn hướng đi tiếp theo. Đại lộ Karl Marx dẫn tới Nebra, trong khi con đường phía bên trái lại dẫn tới Bucha. Ông thấy việc đi theo Karl Marx chả có gì là hay ho cả, ông đi theo hướng Bucha; con đường dẫn vào rừng, trước khi xuyên qua những cánh đồng cải dầu rộng mênh mông.
Tới Memleben, khi tới gần một con sông, Vassily đổi ý, ông không thích cho xe chạy về hướng Đông nữa, ông ngoặt lái đột ngột để quay về phố Thomas Muntzer. Quãng đường ông đã đi hẳn đã tạo thành hình tam giác cho đến khi biển chỉ đường lại một lần nữa chỉ đến thành phố Nebra. Khi nhìn sang phải thấy bãi đỗ xe của một viện bảo tàng khảo cổ, Vassily mở cửa kính xe và tự thưởng cho mình điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Tay thợ săn đã đánh hơi thấy những con mồi trong đám ruộng, ông không cần nhiều thời gian nữa để xác định vị trí của chúng.
Viên quản đốc bảo tàng tới tận khách sạn tìm gặp chúng tôi. Nhân dịp này, ông mặc một bộ com lê nhung kẻ, sơ mi ca rô cùng cà vạt hàng dệt kim. Ngay cả với những thứ quần áo thoát nạn từ một chuyến đi tại châu Phi, chúng tôi cũng có dáng vẻ lịch sự hơn ông. Ông dẫn chúng tôi tới một quán ăn và đợi cho Keira và tôi ngồi xuống để vui vẻ hỏi xem chúng tôi đã quen biết nhau trong hoàn cảnh nào.
- Chúng tôi là bạn từ thời phổ thông! Tôi đáp.
Keira đá cho tôi một cú dưới gầm bàn.
- Adrian còn hơn cả một người bạn, anh ấy đối với tôi gần giống như một người dẫn đường; vả lại anh ấy còn thường xuyên dẫn tôi theo trong những chuyến đi để giúp tôi khuây khỏa, cô ấy vừa nói vừa dùng gót giày cào nát những ngón chân tôi.
Viên quản dốc muốn chuyển sang chủ đề khác. Ông gọi phục vụ bàn đến và gọi món.
- Có lẽ hai vị sẽ hứng thú với điều tôi sắp nói, ông nói. Khi thực hiện nghiên cứu riêng về đĩa Nebra, và Chúa mới biết tôi đã nghiên cứu về nó được bao nhiêu, tôi tìm được một tài liệu tại Thư viện Quốc gia. Có thời gian tôi những tưởng nó có thể giúp cho công việc của tôi, thực chất đó là một hướng tìm tòi sai lầm, nhưng có lẽ với quý vị thì không phải vậy. Tôi đã tìm kiếm cả buổi chiều nay trong hồ sơ lưu trữ mà không thể tìm ra, nhưng tôi còn nhớ khá kỹ nội dung của nó. Đó là một bản văn viết bằng tiếng Guèze, một ngôn ngữ rất cổ của châu Phi có những chữ tương đối gần gũi với bảng chữ cái Hy Lạp.
Keira bỗng tỏ ra quan tâm.
- Tiếng Guèze, cô nói tiếp, là một ngôn ngữ thuộc nhóm Sémite phục vụ cho sự phát triển của tiếng Amara tại Êtiôpia và của tiếng Tigrinya tại Érythrée. Những chữ viết tạo nên ngôn ngứ Guèze xuất hiện từ cách đây gần ba nghìn năm. Thực ra, điều gây ngạc nhiên nhất là nét tương đồng không chỉ ở bảng chữ cái mà còn ở một vài cách phát âm giữa tiếng Guèze và tiếng Hy Lạp cổ. Theo tín ngưỡng của Giáo hội chính thống Êtiôpia, tiếng Guèze là một sự thần khải xảy ra với Enosh. Theo Sách của Génèse, Enosh là con trai của Seth, cha của Kenan và cháu của Adam, trong tiếng Do Thái cổ, Enosh ám chỉ khái niệm loài người. Trong Kinh chính thống Êtiôpia, Enosh được sinh ra trong năm thứ ba trăm hai mươi lăm từ thời điểm loài người xuất hiện, ngược lên ba mươi tám thế kỷ trước Công nguyên, thời kỳ tiền Hồng thủy trong huyền thoại Do Thái cổ. Sao, có chuyện gì nào?
Tôi hẳn phải nhìn Keira một cách kỳ dị bởi cô ấy đang kể thì ngừng lời trước khi nói thêm rằng cô ấy thấy nhẹ cả người khi rốt cuộc tôi cũng nhận thấy rằng nghề nghiệp của cô ấy không chỉ gói gọn trong việc giúp tôi viết lại cuốn Cẩm nang bạn đường.
- Ông còn nhớ bản văn viết bằng tiếng Guèze nội dung thế nào không? Keira hỏi viên quản đốc bảo tàng.
- Chúng ta hãy nói rõ đã, nếu bản văn gốc viết bằng tiếng Guèze, thì bản văn tôi có trong tay chỉ xuất hiện vừa mới đây, đó là một bản sao có từ thế kỷ thứ năm hoặc sáu trước Công nguyên. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì bản văn đó nói về một chiếc đĩa phản chiếu bầu trời, một dạng bản đồ mà mỗi mảnh trong đó dùng để hướng dẫn sự định dân trên thế giới. Bản dịch khá mơ hồ, nó mở ra nhiều cách diễn giải khác nhau. Nhưng, ở đoạn giữa xuất hiện từ "hợp nhất", cái này thì tôi nhớ đinh ninh, và khái niệm này lạ thay lại được gắn với khái niệm phân chia. Không thể biết được liệu khái niệm này hay khái niệm kia tiên báo sự lên ngôi hay sự hủy diệt của thế giới. Chắc đó là một bản văn ít nhiều mang tính tôn giáo, hơn nữa là một lời tiên tri, tôi cho là thế. Dẫu sao, bản văn này cũng quá cổ để quy chiếu tới đĩa Nebra. Các vị phải tìm tới DNB 1. Hãy tự tra cứu bản văn và có ý kiến của riêng mình. Tôi không thể mang đến cho quý vị những hy vọng hão huyền, khả năng bản văn này có mối liên hệ nào đó với vật mà cô đang đeo trên cổ là khá nhỏ, nhưng nếu ở vào vị trí của cô, dù sao tôi cũng đến xem sao, chúng ta không bao giờ biết được.
- Và làm thế nào để tìm lại tài liệu này? Thư viện quốc gia thì rộng mênh mông như thế.
- Tôi chắc chắn đã tra cứu nó trong những chi nhánh thư viện tại Francfort, tôi cũng đã nhiều lần tìm đến thư viện Munich và Leipzig, nhưng tôi chắc chắn bản thảo viết tay này được lưu trữ tại Francfort. Mặt khác, bây giờ tôi còn nhớ thêm điều này nữa, nó nằm trong một cuốn dược điển, nhưng cuốn nào nhỉ? Toàn bộ chuyện này xảy ra cách đây đã ngót chục năm rồi. Đúng là tôi cần phải sắp xếp lại công việc. Ngay tối nay tôi sẽ bắt tay vào làm, và nếu phát hiện ra điều gì đó, tôi sẽ gọi cho hai vị ngay.
Sau khi viên quản đốc để chúng tôi lại với nhau, Keira và tôi quyết định đi bộ về khách sạn. Thành phố Nebra cổ kính không thiếu vẻ duyên dáng và một cuộc dạo chơi sẽ giúp chúng tôi tiêu hóa bữa ăn quá đỗi thịnh soạn này.
- Anh lấy làm tiếc, anh nghĩ anh đã lôi em vào một cuộc phiêu lưu chẳng ra đầu ra đũa gì cả.
- Em hy vọng anh đang đùa, Keira đáp lại. Anh sẽ không tự vùi dập bản thân khi chuyện đã bắt đầu trở nên thú vị chứ? Em không biết sáng mai anh định làm gì, nhưng em thì em sẽ đi Francfort.
Chúng tôi đang lặng lẽ băng qua một quảng trường nhỏ ở chính giữa có đài phun nước xinh xắn thì một chiếc xe với ánh đèn pha gây lóa mắt bất thần xuất hiện.
- Khỉ thật, gã ngốc này đang lao thẳng về phía chúng ta! Tôi gào lên với Keira.
Tôi chỉ kịp đẩy cô ấy vào một chiếc cổng cho xe vào đang được gia cố lại, chiếc xe chạy với vận tốc nhanh sượt qua tôi rồi trượt về giữa quảng trường trước khi lao đi mất dạng trên con phố lớn. Nếu gã điên đó muốn dọa cho chúng tôi sợ khiếp vía thì hắn đã thành công. Tôi thậm chí không kịp nhìn biển số xe. Tôi giúp Keira đứng dậy, cô ấy nhìn tôi kinh ngạc; cô ấy vừa mơ hay gã lái xe kia cố tình cán chết chúng tôi? Tôi phải thừa nhận câu hỏi của cô ấy khiến tôi bối rối không biết trả lời sao.
Tôi đề nghị dẫn Keira đi uống một chầu cho phấn chấn tinh thần. Cô ấy đã bị một phen sợ hết hồn nên muốn về thẳng khách sạn. Khi về đến tầng của chúng tôi, tôi ngạc nhiên khi thấy thềm nghỉ chìm trong bóng tối. Nếu một bóng đèn bị cháy thì còn có thể cho qua, nhưng cả dãy hành lang tối om thì... Lần này, chính Keira đã nhanh trí giữ tôi lại.
- Đừng đi vội.
- Phòng của chúng ta ở cuối hàng lang này, chúng ta thực sự không được quyền lựa chọn.
- Đi cùng em xuống lễ tân đã, giờ không phải lúc chơi trò anh hùng, có cái gì đó không ổn, em cảm thấy thế.
- Cầu chì bị nổ, đó là cái không ổn đấy!
Nhưng tôi cảm thấy Keira đang lo lắng nên chúng tôi cùng đi xuống.
Nam nhân viên lễ tân xin lỗi không ngừng, chuyện này chưa bao giờ xảy ra. Chuyện này cũng thật lạ lùng vì tầng một và tầng trệt được đấu chung một dây cầu chì và ở đây rõ ràng là đèn đuốc vẫn sáng trưng. Anh ta vớ lấy một cái đèn pin, yêu cầu chúng tôi đợi trong sảnh và hứa sẽ quay lại ngay khi khắc phục xong sự cố.
Keira kéo tôi về phía quầy bar, cuối cùng thì một ly nhỏ rượu trắng có lẽ sẽ giúp cô ấy dễ ngủ hơn.
Nam nhân viên lễ tân của khách sạn đã đi khỏi được hai mươi phút.
- Em cứ ngồi lại đây nhé, anh đi xem có chuyện gì, mà nếu năm phút nữa không thấy anh quay lại, em nhớ báo cảnh sát.
- Em đi cùng anh.
- Không, em ở lại đây, Keira, lần này hãy nghe lời anh, hoặc một trong những ngày này, anh sẽ thực sự mở được cánh cửa. Và chớ có nói câu gì, anh hiểu bản thân mình rất rõ mà!
Tôi cảm thấy có lỗi vì đã để người lễ tân đi một mình như vậy, trong khi Keira đã dự cảm thấy mối nguy hiểm nhưng tôi không tin. Tôi leo thang gác, nấp kín ngay khi nghe thấy bất kỳ tiếng động nào dù là nhỏ nhất; tôi đã gọi tất cả những cái tên Đức mà tôi biết, dò dẫm tiến lên trong bóng tối hành lang và thoạt tiên, tôi tìm thấy cái đèn pin sau khi giẫm phải nó, và tiếp đó là người nhân viên lễ tân đang nằm sóng soài trên mặt đất. Đầu của anh ta tắm trong một vũng máu đang chảy nhỏ giọt từ một vết thương hở hoác trên sọ. Cửa ra vào phòng chúng tôi mở toang, cả cửa sổ cũng vậy. Hành lý của chúng tôi bị dỡ tung, đồ đạc vương vãi trên sàn.
Nhưng trừ một chút lòng tự ái, người ta không lấy đi của chúng tôi bất cứ thứ gì.
Viên sĩ quan cảnh sát đọc lại lời khai của tôi; tôi không có gì khác cần khai thêm. Tôi ký vào dưới tờ khai, Keira cũng ký vào đó rồi chúng tôi rời khỏi đồn cảnh sát.
Chủ khách sạn đã giúp chúng tôi tìm phòng tại một khách sạn khác trong thành phố. Cả Keira lẫn tôi đều không thể chợp mắt. Sự hung bạo trong quãng thời gian gần đây kéo chúng tôi lại gần nhau. Đêm đó, trên chiếc giường nơi chúng tôi thu mình trong vòng tay nhau, Keira đã phản bội lời hứa, chúng tôi đã hôn nhau.
Nói đúng ra đó không phải là bối cảnh lãng mạn mà tôi hằng mơ, nhưng điều bất ngờ đôi khi cũng tiết lộ những kho báu quá sức mong đợi; khi ngủ thiếp đi, Keira cầm tay tôi và cử chỉ âu yếm này còn quyến rũ hơn cả một nụ hôn.
Sáng hôm sau, chúng tôi dùng bữa sáng tại sân hiên của một quán bia.
- Có chuyện này anh cần phải nói để em biết. Hôm qua không phải lần đầu tiên anh trải qua một chuyện không may. Anh vừa tự hỏi liệu cửa ra vào phòng khách sạn của chúng ta có bị phá khóa bởi một tên trộm thường hay không và anh cũng băn khoăn về cái gã lái xe ẩu thả suýt thì đâm phải chúng ta.
Keira đặt chiếc bánh ngọt đang cầm trên tay xuống, cô chăm chú nhìn tôi và tôi có thể đọc thấy trong mắt cô ấy điều gì đó khác với sự ngạc nhiên.
- Ý anh là có ai đó đang bám theo chúng ta?
- Dù thế nào đi nữa thì cũng là bám theo chiếc mặt dây chuyền của em; trước khi anh quan tâm đến nó, cuộc sống của anh yên ổn hơn nhiều... ngoại trừ một cơn giảm ôxy trong máu khi ở trên cao.
Rồi tôi kể lại cho Keira nghe chuyện đã xảy ra với tôi và Walter tại Héraklion, cái cách vị giáo sư đã muốn chiếm đoạt chiếc dây đeo cổ của cô ấy, Walter đã làm thế nào để ngăn cản ông ta và hành trình truy đuổi diễn ra sau đó.
Keira chế giễu tôi, cô ấy phá lên cười, tuy nhiên, tôi chẳng thấy có gì đáng cười trong câu chuyện tôi vừa kể.
- Các anh đã đấm vỡ mặt một người chỉ vì ông ấy muốn giữ lại chiếc dây đeo cổ của em để nghiên cứu thêm vài tiếng đồng hồ ư, các anh đã hạ gục rồi còng tay một nhân viên an ninh, các anh đã trốn chui trốn lủi như lũ trộm và các anh tưởng mình đang là nạn nhân của một vụ mưu phản ư?
Tôi tin là Keira đang giễu cợt cả Walter nữa, tôi không vì thế mà vững lòng hơn, nhưng cũng nguôi ngoai hơn một chút.
- Và trong khi anh đã nghĩ được đến thế, cái chết của vị tộc trưởng bộ lạc Mursis cũng không phải là một tai nạn sao?
Tôi lặng im không đáp.
- Anh nghĩ vớ vẩn rồi. Làm sao họ có thể biết chúng ta đang ở đâu chứ? Cô ấy tiếp.
- Anh không rõ, anh không muốn phóng đại chuyện gì cả, nhưng anh nghĩ chúng ta nên đề cao cảnh giác.
Viên quản đốc bảo tàng đã nhận ra chúng tôi từ đằng xa, ông bước vội đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi mời ông ngồi cùng bàn.
- Tôi đã được biết về chuyện không may xảy ra cho hai vị hồi đêm qua. Ghê rợn thật, ma túy tàn phá nước Đức mất rồi. Với cái giá đủ mua một liều hê rô in, đám thanh niên sẵn sàng phạm bất cứ tội ác nào. Chúng tôi đã gặp nhiều vụ cướp giật, một vài phòng khách sạn bị trộm viếng thăm, như tất cả những địa phương đón tiếp số lượng lớn khách du lịch, nhưng cho đến nay chưa từng có vụ nào bạo lực đến thế.
- Có lẽ đó là một lão già lên cơn vật thuốc, những người lớn tuổi thường ra tay độc ác hơn, Keira xẵng giọng.
Tôi kín đáo thúc đầu gối cô ấy dưới gầm bàn.
- Tại sao lúc nào cũng đổ vấy mọi tội lỗi lên đầu những người trẻ nhỉ? Cô ấy tiếp.
- Bởi vì người lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi nhảy xuống từ cửa sổ tầng hai khách sạn để chạy trốn, viên quản đốc bảo tàng đáp.
- Ban nãy ông cũng chạy cực kỳ hoạt bát khỏe mạnh mà ông thì đâu có phải là một chú gà gô non tuổi, Keira vặc lại, bướng bỉnh hơn bao giờ hết.
- Anh không nghĩ là ngài quản đốc bảo tàng đây đã ghé thăm phòng khách sạn hồi tối qua, tôi vừa nói vừa cười ngượng nghịu để cứu vãn tình thế.
- Ý em đâu phải thế, Keira đáp.
- Tôi e cuộc trò chuyện của chúng ta chệch hướng mất rồi, viên quản đốc cắt ngang. Bất chấp tất cả những phiền nhiễu này, dẫu sao tôi cũng có hai tin tốt lành đây. Tin đầu tiên là nhân viên lễ tân đã qua cơn nguy kịch. Tin thứ hai là tôi đã tìm lại được mã số của cuốn dược điển tại Thư viện Quốc gia. Chuyện này khiến tôi tốn khá nhiều công sức, tôi đã mất gần hết đêm qua để mở các hộp và thùng các tông, cuối cùng cũng tìm ra cuốn sổ ghi chép nhỏ trong đó tôi có ghi phần tra cứu theo vần tất cả các tài liệu đã từng tra cứu. Khi nào tới thư viện, các bạn chỉ cần hỏi số phiếu này, ông nói rồi đưa cho chúng tôi một mẩu giấy. Dạng sách này đã quá cổ và rõ ràng là quá nhạy cảm để đông đảo công chúng có thể tiếp cận, nhưng tư cách nghề nghiệp sẽ cho phép hai bạn làm điều đó. Tôi đã mạo muội gửi một bức điện đến cô bạn đồng nghiệp hiện là thủ thư của thư viện Francfort, các bạn sẽ được tiếp đón nhiệt tình.
Chúng tôi cảm ơn vị chủ nhà đã cất công giúp đỡ rồi rời khỏi Nebra, để lại đằng sau cả những kỷ niệm đẹp lẫn xấu.
Trong chuyến hành trình lần này Keira có phần hoạt bát hơn. Về phần mình, tôi nhớ tới Walter, thầm hy vọng hắn sẽ trả lời bức thư điện tử tôi vừa gửi cho hắn. Chúng tôi tới Thư viện Quốc gia vào cuối giờ sáng.
Tòa nhà mang nét kiến trúc hiện đại gồm hai tầng. Ở đằng sau, mặt tiền bằng kính chạy dọc theo một khuôn viên rộng rãi. Chúng tôi đến quầy đón tiếp và tự giới thiệu, chỉ một lát sau, một phụ nữ trong bộ quần áo may đo bó sát ra gặp chúng tôi. Bà tự giới thiệu mình là Helena Weisbeck và mời chúng tôi theo vào văn phòng làm việc của bà. Bà mời chúng tôi dùng cà phê và bánh quy không đường. Chúng tôi chưa kịp ăn bữa trưa nên Keira lập tức ngấu nghiến thứ bánh đó.
- Rõ ràng là cuốn dược điển này bắt đầu khiến tôi tò mò rồi đấy, hàng năm trời trôi qua không ai quan tâm đến nó, hôm nay bỗng dưng các vị là những người thứ hai muốn tra cứu nó.
- Ai đó đã ghé thăm bà trước chúng tôi sao? Keira hỏi.
- Không, nhưng sáng nay tôi vừa nhận được một yêu cầu qua thư điện tử. Cuốn sách này hiện không có ở đây, nó đã được chuyển về lưu trữ tại Berlin. Trong tòa nhà này chúng tôi chỉ còn những tài liệu mới hơn. Nhưng những bản văn này, cũng như những tác phẩm khác, đã được số hóa để đảm bảo độ bền của nó. Các vị cũng có thể gửi yêu cầu qua thư điện tử, tôi sẽ gửi lại một bản sao từng trang mà các vị quan tâm.
- Tôi có thể biết ai có cùng yêu cầu tra cứu với chúng tôi được không?
- Yêu cầu đó xuất phát từ ban giám hiệu của một trường đại học nước ngoài, tôi không thể tiết lộ cho hai vị chi tiết hơn, tôi đành ký vào giấy phép. Chính thư ký của tôi đã xử lý đề nghị tra cứu này, nhưng cô ấy lại đi ăn trưa mất rồi.
- Bà không nhớ trường đại học này của nước nào ư?
- Hà Lan, tôi nhớ mang máng thế, đúng rồi, tôi tin chắc đó là Đại học Amsterdam. Dù thế nào đi nữa, yêu cầu đến từ một vị giáo sư, nhưng tôi không nhớ được tên người này, mỗi ngày tôi ký nhiều loại giấy tờ mà, xã hội của chúng ta đã trở thành những chuỗi tai họa hành chính thực sự.
Bà thủ thư đưa cho chúng tôi một phong bì giấy bồi, bên trong có một bản sao màu của tài liệu chúng tôi đang tìm kiếm. Bản thảo rõ ràng được viết bằng tiếng Guèze; Keira đọc chăm chú. Bà thủ thư ho khẽ rồi nói bản sao bà vừa đưa cho chúng tôi hoàn toàn thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có thể tùy ý sử dụng. Chúng tôi cảm ơn bà trước khi rời khỏi thư viện.
Phía bên kia con phố là một nghĩa trang rộng mênh mông, nó nhắc tôi nhớ đến nghĩa trang Old Brompton của Luân Đôn, nơi tôi thường đi dạo. Đó không chỉ là một nghĩa trang mà còn là một công viên cây xanh hết sức xinh xắn, phong cảnh hiếm có và thanh bình giữa một thủ đô rộng lớn.
Chúng tôi đến ngồi trên một băng ghế; một thiên thần trắng muốt đậu chênh vênh trên bệ dường như đang dò xét chúng tôi. Keira dứ dứ nắm đấm về phía thiên thàn rồi cúi xuống đọc bản văn. Cô ấy so sánh các dấu hiệu với câu dịch tiếng Anh khá sơ lược đi kèm. Bản văn cũng đã được dịch sang tiếng Hy Lạp, tiếng Arập, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha, nhưng những câu chú thích tiếng Anh cũng như tiếng Pháp chúng tôi đang đọc đều vô nghĩa:
Dưới các tam giác sao, tôi đã phó thác cho thầy pháp chiếc đĩa của những quyền hạn, đã được tách các phần hợp trại.
Để chúng được giấu dưới các cây cột của sự phồn vinh. Để không ai biết điểm viễn địa nằm ở đâu, đêm của một là người giữ gìn tiên triệu.
Để con người không đánh thức nó, tại nơi hợp giao của các thời đại ảo đang nổi rõ kết quả của khu vực.
- Chúng ta tiến bộ nhanh gớm! Keira vừa nói vừa nhét tài liệu vào phong bì; em hoàn toàn không hiểu những lời này có nghĩa gì và bản thân em cũng không thể luận ra nổi. Ông quản đốc bảo tàng Nebra bảo đã tìm ra dược điẻn này ở đâu nhỉ?
- Ông ấy chưa nói. Chỉ nói là nó có từ thế kỷ thứ năm hay thứ sáu gì đó trước Công nguyên thôi. Và ông ấy đã nói rõ rằng bản thảo này cũng chỉ là một bản sao của một bản văn còn cổ hơn nữa.
- Vậy thì chúng ta rơi vào ngõ cụt thật rồi.
- Em không quen ai đọc được bản văn này à?
- Có chứ, em quen một người có thể giúp chúng ta, nhưng anh ấy đang ở Paris.
Keira nói ra điều này với thái độ không hào hứng cho lắm, như thể viễn cảnh nhờ vả này không khiến cô vừa ý vậy.
- Adrian này, em không thể tiếp tục chuyến đi này nữa, em không còn một xu và chúng ta không biết mình đang ở đâu, thậm chí cũng không biết nguyên do.
- Anh có vài khoản dành dụm và anh còn khá trẻ để không phải lo lắng về kỳ hưu của mình. Chúng ta đang cùng nhau chia sẻ chuyến phiêu lưu này, Paris không còn xa nữa, thậm chí chúng ta có thể đi tàu tới đó nếu em muốn.
- Chính thế, Adrian, anh đã nói là cùng nhau chia sẻ mà em thì không còn tiền để chia sẻ bất cứ thứ gì nữa rồi.
- Nếu em muốn, chúng ta cùng thỏa thuận nhé. Hãy hình dung anh tìm ra một kho báu, anh hứa sẽ khấu trừ phân nửa chi phí cho chuyến đi từ phần của cải em sắp được chia.
- Và nếu chính em tìm ra kho báu của anh, dẫu sao thì chính em mới là nhà khảo cổ cơ mà!
- Vậy thì anh đổi chác có lãi rồi.
Cuối cùng Keira cũng chấp nhận để chúng tôi cùng tới Paris.
--------------------------------
1. Thư viện quốc gia Đức (chú thích của tác giả).
***
Thung lũng Omo
Keira vẫn đang ngủ, tôi ngồi dậy và rời khỏi lều, hạn chế tối đa việc gây tiếng động. Khu trại vẫn chìm trong tĩnh lặng. Tôi leo lên tận đỉnh đồi. Bên dưới, con sông Omo được một làn sương mỏng bao quanh. Một vài ngư phủ đã hối hả bận rộn bên chiếc thuyền độc mộc.
- Cảnh đẹp quá phải không? Keira đang đứng đằng sau tôi lên tiếng.
- Đêm qua em gặp ác mộng, tôi vừa nói vừa quay người lại. Em khua khoắng quẫy đạp tứ tung rồi kêu la nữa.
- Em không nhớ gì cả. Có lẽ em mơ về cuộc trò chuyện tối qua giữa chúng ta chăng?
- Keira, em dẫn anh đến tận nơi đã tìm thấy chiếc mặt dây chuyền của em được không?
- Tại sao, để làm gì ạ?
- Cần xác định vị trí chính xác vì anh có một linh cảm.
- Em còn chưa kịp uống tách trà sáng. Đi theo em nào, em đói rồi, chúng ta sẽ vừa ăn sáng vừa bàn thêm nhé.
Về đến lều, tôi thay một chiếc áo sơ mi sạch rồi lục trong túi xem mình có mang theo những dụng cụ cần thiết không.
Chiếc mặt dây chuyền của Keira đã tiết lộ cho chúng tôi một phần bầu trời không liên quan gì đến thời đại chúng tôi đang sống. Tôi cần phải biết chính xác nơi vật này bị người đã sử dụng nó bỏ lại. Vòm trời đầy sao mà chúng ta có thể quan sát trong những đêm trời quang thay đổi theo từng ngày. Bầu trời tháng Ba không giống bầu trời tháng Mười. Một loạt các phép tính có lẽ sẽ cho phép tôi biết bầu trời có bốn trăm triệu năm tuổi này được mô phỏng vào mùa nào trong năm.
- Theo những gì Harry đã kể với em, cậu ấy đã tìm được vật này trên hòn đảo trung tâm nằm giữa hồ Turkana. Đó là một ngọn núi lửa đã tắt. Lớp bùn của nó rất màu mỡ và nông dân thỉnh thoảng vẫn tới đó để lấy bùn về bón cho đất đai của họ. Harry đã tìm thấy vật này trong một lần theo cha ra đảo.
- Nếu không thể tìm ra người bạn của em thì bố của cậu ấy vẫn ở quanh vùng này chứ?
- Harry là một đứa trẻ, Adrian ạ, mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Tôi hẳn đã để lộ ra vẻ ngạc nhiên, bởi Keira đang vừa nhìn tôi vừa lắc đầu.
- Anh không nghĩ cậu ấy và em...
- Anh chỉ tưởng cậu Harry của em lớn tuổi hơn, thế thôi.
- Em không thể cung cấp cho anh thông tin rõ ràng hơn về nơi tìm thấy vật này được.
- Anh không có thiết bị xác định vị trí chính xác. Em không đi cùng anh tới đó sao?
- Không ạ, chắc chắn là không; việc đi lại sẽ mất ít nhất là hai ngày và em không thể bỏ mặc các cộng sự ở đây. Ở đây em có những nghĩa vụ phải thực hiện.
- Nếu em bị bong gân thì mọi chuyện sẽ dừng lại, phải không?
- Em sẽ tự kiếm cho mình một cái nẹp rồi lại tiếp tục làm việc.
- Không ai là không thể miễn trừ cả.
- Công việc này đối với em là không thể miễn trừ, nếu anh thích nhìn nhận sự việc theo cách đó. Bọn em có một chiếc xe hai cầu, em đã rút ra bài học từ kinh nghiệm mới nhất. Em có thể giao nó cho anh nếu anh muốn, và em nhất định sẽ tìm được một dân làng nào đó để dẫn đường cho anh. Nếu xuất phát ngay bây giờ, anh sẽ đến hồ vào cuối giờ chiều. Hồ không xa đây lắm, nhưng đường tới đó thì hầu như không thể đi liền một mạch được; anh sẽ phải chạy xe thật chậm. Sau đó, anh sẽ phải tìm lấy một chiếc thuyền để ra đảo trung tâm. Em không biết anh sẽ mất bao nhiêu tiếng đồng hồ cho việc ấy nhưng nếu không la cà, hẳn là anh có thể về đến đây vào tối ngày mai. Như thế sẽ là vừa kịp thời gian để anh đi Addi-Abeba để kịp lên máy bay.
- Chúng ta sẽ không gặp nhau nhiều.
- Bởi vì anh nhất định phải tới cái hồ đó, đây không phải là lỗi do ai hết.
Tôi cố hết sức che giấu tâm trạng buồn bã ủ dột và cảm ơn Keira vì đã cho mượn xe. Cô ấy đi cùng tôi vào làng rồi đi gặp vị tộc trưởng. Hai mươi phút sau, chúng tôi lại cùng tộc trưởng lên đường. Đã lâu rồi ông ấy không có dịp đi thăm hồ Turkana; ở vào tuổi của ông, ông không thể đi thuyền được nữa và ông rất vui nếu có thể tranh thủ một chuyến xe. Ông hứa sẽ dẫn tôi đến tận bờ hồ đối diện với núi lửa. Một khi đã tới đó, ông sẽ dễ dàng tìm cho chúng tôi một chiếc thuyền độc mộc. Chỉ chờ tộc trưởng chuẩn bị vài thứ đồ dùng cá nhân rồi đưa Keira về đến khu trại, chúng tôi lập tức lên đường.
Keira xuống khỏi chiếc xe hai cầu rồi đi một vòng quanh xe để tới chống khuỷu tay vào cửa kính ghế lái nơi tôi đang ngồi.
- Anh đừng nấn ná quá lâu đấy nhé, để chúng ta còn một khoảng thời gian ngắn ngủi ngồi cùng nhau trước khi anh đi. Em hy vọng anh sẽ tìm thấy thứ anh đang tìm kiếm.
Thứ tôi tìm kiếm ở đây vừa đúng lúc đang ở ngay trước mắt tôi, nhưng tôi vẫn cần đôi chút thời gian nữa trước khi thú thực điều này.
Đã đến lúc phải lên đường, tôi chuẩn bị ngược lên con đường nhỏ nối đường mòn với khu trại. Hộp tốc độ kêu răng rắc, Keira khuyên tôi nên nhấn sâu bàn đạp ly hợp ở đầu và cuối chặng. Khi xe bắt đầu lùi lại, Keira lại chạy lên chỗ tôi.
- Anh có thể hoãn vài phút rồi mới lên đường không?
- Dĩ nhiên là được, nhưng tại sao?
- Để em báo cho Éric biết hướng khai quật cho đến ngày mai và để em chuẩn bị một cái túi. Anh đúng là luôn thuyết phục được em trong mọi chuyện.
Vị tộc trưởng đã thiu thiu ngủ ở băng ghế sau, ông thậm chí không biết là Keira đã nhập bọn với chúng tôi.
- Dù sao chúng ta cũng đưa ông ấy đi cùng chứ? Tôi hỏi.
- Bỏ ông ấy lại bên đường là việc làm khá khiếm nhã đấy.
- Vả lại, em còn nhờ ông ấy đi kèm nữa chứ, tôi nói thêm.
Keira thụi cho tôi một cú vào vai và ra hiệu cho tôi tiến về phía trước.
Cô ấy không hề quá lời, con đường mòn có vô số ổ gà nối tiếp nhau, tôi ghì chặt lấy vô lăng, cố gắng làm chủ hướng đi và cố gắng không sa vào những vết xe cũ. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua và chúng tôi mới chỉ đi được chưa đầy mười cây số; với tốc độ này, chúng tôi sẽ không thể đến nơi trước khi màn đêm buông xuống.
Một chấn động mạnh hơn những chấn động khác đã đánh thức người đồng hành cùng chúng tôi. Vị tộc trưởng vươn vai và chỉ cho chúng tôi thấy một lối đi hẹp thấp thoáng sau khúc ngoặt, nhìn điệu bộ của ông tôi hiểu là ông muốn đi đường tắt. Con đường mòn đã hoàn toàn biến mất, chúng tôi đang đi ngược lên sườn đồi. Con đường mòn đã hoàn toàn biến mất, chúng tôi đang ngược lên sườn đồi. Bỗng nhiên đằng trước, chúng tôi hiện ra một thảo nguyên rộng mênh mông với những tia phản chiếu vàng rực của mặt trời. Dưới bánh xe, mặt đất đã mềm hơn và tôi rốt cuộc đã có thể tăng tốc đôi chút. Bốn tiếng sau, vị tộc trưởng bảo tôi dừng lại. Ông xuống khỏi xe rồi đi ra xa.
Keira và tôi đi theo ông. Chúng tôi đã bước theo từng dấu chân của người dẫn đường cho đến tận mép một vách đá nhỏ. Ông già chỉ cho chúng tôi thấy vùng đồng bằng châu thổ phía dưới, hồ Turnaka vĩ đại trải rộng hơn hai trăm cây số; trong số ba hòn đảo nhỏ trước kia vốn là núi lửa, chỉ có duy nhất hòn đảo nằm ở phía Bắc là có thể trông thấy bằng mắt thường, chúng tôi sẽ còn phải chạy xe một lúc lâu nữa mới đến được đích.
Bên bờ sông phía Kenya, bầy chim hồng hạc bay vút lên tạo thành những đường cong dài duyên dáng trên bầu trời. Những phá nước mặn bằng thạch cao đem lại cho nước hồ một sắc hổ phách, khi nhìn từ xa sẽ ngả sang màu xanh lục. Bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn tại sao người ta lại đặt cho hồ này biệt danh là Ngọc thạch.
Sau khi ngồi vào chiếc xe hai cầu, chúng tôi đi theo lối hẹp trải đá giăm để sang bờ hồ phía Bắc.
Trừ một đàn linh dương, nơi đây hoàn toàn hoang vắng. Chúng tôi đã vượt qua hàng cây số đường không bắt gặp một bóng người. Đôi chỗ, mặt đất trắng phớ bởi những ruộng muối phản chiếu ánh sáng, đến mức khiến chúng tôi lóa mắt. Những chỗ khác, một chút cây cối gọi là lấn về sa mạc; giữa cánh đồng cỏ cao vút bỗng xuất hiện cái đầu của một con nghé lạc đàn.
Một tấm biển chỉ dẫn dựng giữa nơi đồng không mông quạnh cho chúng tôi biết mình đã vào đến Kenya. Chúng tôi đi xuyên qua một ngôi làng của dân du mục, vài nóc nhà bằng đất khô chứng tỏ cuộc sống định cư của một vài người trong số họ. Để vòng tránh một cao nguyên đá, con đường mòn tách khỏi bờ sông, và thi thoảng hồ lại khuất khỏi tầm nhìn của chúng tôi, con đường mòn cằn cỗi này dường như không có điểm kết thúc.
- Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đến Koobi For a, Keira lên tiếng.
Koobi Fora là một di chỉ khảo cổ được phát hiện bởi Richard Leakey, nhà khảo cổ mà Keira rất ngưỡng mộ về chuyên môn. Ông đã khai quật được hàng trăm mẫu hóa thạch, trong số đó có những bộ xương của vượn Phương Nam cũng như một số lượng lớn các công cụ bằng đá. Nhưng phát hiện quan trọng của ông chính là bộ hài cốt của một người khéo léo Homo habilis đã sinh sống cách đây khoảng hai triệu năm, tổ tiên trực tiếp của loài người. Trong khi chúng tôi lái xe vượt qua các bãi khai quật, Keira quay đầu lại, và tôi đoán rằng cô ấy đang mơ đến lúc các du khách một ngày nào đó đi qua trước một di chỉ sẽ bị ấn tượng bởi một trong những khám phá của chính mình.
Một tiếng sau, chúng tôi hầu như đã đến chặng cuối của hành trình.
Một vài người đánh cá đang đứng bên bờ hồ. Vị tộc trưởng bắt chuyện với họ và như đã hứa, ông thuê hộ chúng tôi một chiếc xuồng máy. Bản thân ông muốn ở lại trên bờ. Ông đã thực hiện cả chuyến đi dài để chiêm ngưỡng cái quang cảnh thần diệu này lần cuối cùng trong đời.
Trong khi chúng tôi đang rời khỏi bờ, tôi nhận thấy một luồng bụi dài bốc tung từ phía đằng xa, chắc chắn là một chiếc ô tô, nhưng ánh mắt của tôi đã quay sang phía đảo trung tâm, bởi vì ba trong số các miệng núi lửa trên đảo tạo thành hình đôi mắt và cái miệng.
Tổng số miệng núi lửa trên hòn đảo nhỏ này lên tới mười hai. Bên trong ba miệng núi lửa chính đều là một cái hồ nhỏ. Xuồng máy vừa cập vào một bờ cát đen, Keira liền bắt tôi leo lên một vách dốc đứng. Thứ đất đỏ bazan bở tơi dưới chân chúng tôi. Chúng tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ mới leo lên tới đỉnh ngọn núi lửa. Ở độ cao ba trăm mét, tầm nhìn chúc xuống phía dưới gây ấn tượng mạnh. Tôi không khỏi hình dung rằng dưới mặt nước yên ả kia là một loài thủy quái với sức mạnh hủy diệt khó lường đang thiu thiu ngủ.
Để trấn an tôi, Keira chỉ cho tôi thấy dấu vết lần phun trào gần đây nhất của núi lửa ngược lên đến những thời xa xưa, nhưng cô cũng nói thêm với vẻ giễu cợt rằng vào năm 1974 miệng núi lửa này đã từng hoạt động dữ dội, không phải là một đợt phun trào theo đúng nghĩa mà là những nỗi day dứt đủ để những đám hơi lưu huỳnh bốc lên và từ các bờ còn lại của chiếc đồng hồ lớn cũng có thể nhìn thấy. Phải chăng những cú giật nảy đã làm nổi lên từ trung tâm Trái đất chiếc mặt dây chuyền cô vẫn đeo trên cổ? Và nếu đó là sự thật thì nó đã lắng đọng ở đó bao lâu rồi?
- Harry tìm ra nó chính tại đây, Keira bảo tôi. Chuyện này có giúp được gì cho anh không?
Tôi lấy từ trong balô ra thiết bị định vị GPS đã mang theo và xác định vị trí đang đứng. Chúng tôi đang ở 32o9' Bắc và 36o04' Đông tính từ điểm xích đạo.
- Anh đã thấy thứ anh đang tìm chưa?
- Vẫn chưa, tôi đáp, anh sẽ phải quay lại Luân Đôn để thực hiện một loạt phép tính.
- Để làm gì ạ?
- Để xác minh sự tương ứng giữa bầu trời mà chúng ta có thể quan sát từ đây và bầu trời mà chiếc mặt dây chuyền của em đã cho chúng ta thấy. Có lẽ bằng cách đó anh cũng sẽ thu thập được những thông tin quý giá.
- Và anh không thể tìm thấy những tọa độ này trên một tấm bản đồ sao?
- Có chứ, nhưng tìm trên bản đồ không giống như đến tận thực địa.
- Khác nhau ở điểm gì nào?
- Hai chuyện đó không giống nhau, chỉ thế thôi.
Và khi nói ra câu này, mặt tôi đỏ lựng lên hệt như một tên ngốc. "Vụng về như anh", Walter sẽ bảo thế nếu hắn có mặt tại đây vào lúc này.
Mặt trời xế bóng, chúng tôi phải leo trở xuống bãi bồi cát đen rồi quay về xuồng. Tối nay, chúng tôi sẽ ngủ lại trong làng du mục đã gặp dọc đường.
Vừa tiến đến gần bờ hồ, Keira và tôi đã nhận ra có điều gì đó không ổn. Các cửa của chiếc xe hai cầu đều mở toang và vị tộc trưởng đã biến mất.
- Hẳn là ông ấy đang nằm nghỉ trong xe, Keira nói để tự trấn an, nhưng cả hai chúng tôi đều lo lắng.
Những người dân chài bỏ chúng tôi lại trên bờ và lập tức khởi hành để trở về nhà trước khi trời tối. Keira vội vã đi về phía xe còn tôi đi theo cô ấy để rồi nhận thấy điều tệ hại nhất đã xảy ra.
Vị tộc trưởng đang nằm sấp sóng soài trên mặt đất. Một vệt máu mảnh đã đen kịt lại đang chảy xuống từ đầu ông và biến mất trong lớp đá cuội. Keira cúi xuống, cô ấy vô cùng cẩn trọng lật tộc trưởng nằm ngửa ra, nhưng đôi mắt không còn thần sắc của ông đã cho biết chính xác số phận của ông. Keira quỳ xuống và lần đầu tiên tôi thấy cô ấy khóc.
- Hẳn là ông ấy thấy khó ở rồi bị ngã, lẽ ra chúng ta không nên bỏ ông ấy lại một mình, cô ấy nói trong tiếng nức nở.
Tôi vòng tay ôm cô ấy rồi chúng tôi ngồi lại đó để trông nom thi hài của ông lão, cái chết của ông khiến tôi xúc động lạ thường.
Màn đêm xanh lơ sâu thẳm chiếu sáng lên chúng tôi và lên giấc ngủ cuối cùng của vị tộc trưởng già. Tôi hy vọng rằng đêm nay, bầu trời sẽ có thêm một vì sao tỏa sáng.
- Sáng mai phải báo tin cho các nhà chức trách.
- Nhất định không thể làm như vậy, Keira nói với tôi, chúng ta đang ở trên lãnh thổ Kenya, nếu cảnh sát can thiệp vào chuyện này, họ sẽ giữ thi hài trong thời gian tiến hành điều tra. Nếu họ phẫu thuật pháp y, đó sẽ là hành động lăng nhục ghê gớm đối với cả bộ tộc; chúng ta phải đưa tộc trưởng về với họ hàng thân thích, ông ấy phải được mai táng trong vòng hai mươi tư giờ tới. Dân làng muốn tỏ lòng tôn kính với ông ấy theo đúng tập tục, đó là một nhân vật quan trọng đối với họ, ông ấy là người dẫn đường của họ, kho tàng kiến thức của họ và đạo lý của họ. Không nên vi phạm các nghi lễ của họ. Chỉ riêng việc ông ấy qua đời trên một vùng đất xa lạ đã đủ tạo nên thảm kịch rồi. Nhiều người xem đó là một dạng tai họa do thần linh giáng xuống.
Chúng tôi bọc tộc trưởng trong một tấm chăn và khi khênh ông lên băng ghế sau của chiếc xe hai cầu, tôi nhận thấy những vết lốp xe ngay cạnh xe của chúng tôi. Tôi lại nhớ đến luồng bụi đã nhìn thấy lúc trước khi chúng tôi lên đường ra đảo trung tâm. Có thể nào cái chết của vị tộc trưởng già không phải là do một cơn khó ở và một cú ngã hiểm hóc? Thực sự đã xảy ra chuyện gì trong lúc chúng tôi vắng mặt? Trong khi Keira đang ngồi tĩnh tâm, tôi tìm thấy trong hộp đựng đồ vặt trên xe một chiếc đèn pin và bắt đầu xem xét kỹ mặt đất. Quanh xe chúng tôi có những vết gót giày và có quá nhiều để có thể là vết giày của riêng hai chúng tôi. Hay là vết giày của những người đánh cá đã đi cùng chúng tôi? Tuy nhiên, tôi nhớ là họ không hề rời khỏi thuyền và tôi sẵn sàng thề rằng chúng tôi đã chủ động ra thuyền gặp họ. Tôi không muốn nói chuyện này với Keira; cô ấy buồn như thế đủ rồi, tôi không muốn làm cô ấy lo lắng với những ngờ vực không có cơ sở nào khác ngoài một vài dấu hiệu vu vơ và mấy vết giày trên nền đất bụi của bờ hồ.
Chúng tôi ngủ vài tiếng ngay trên nền đất.
Đến bình minh, Keira phụ trách cầm lái. Chúng tôi đang trên đường trở về thung lũng thì cô ấy nói nhỏ:
- Bố em cũng đã ra đi theo cách này. Em đi mua sắm, khi về đến nhà đã thấy bố nằm sóng soài trên thềm nhà rồi.
- Anh rất tiếc, tôi ấp úng vụng về.
- Anh biết không, điều kinh khủng nhất không phải là thấy ông nằm đó, nằm dài trên các bậc thềm, đầu ở bậc thấp nhất, chân ngay trước cửa; không hề, điều kinh khủng nhất chỉ đến sau đó. Khi họ tới mang thi thể của ông đi, em đã quay vào phòng ông và nhìn thấy những tấm trải giường nhàu nhĩ. Em đoán mò những cử chỉ của ông khi thức dậy hồi sáng, những bước chân cuối cùng ông rời khỏi giường. Em hình dung ông đang bước về phía tấm rèm, mở hé nó ra để xem thời tiết bên ngoài thế nào. Đối với ông, việc đó đã trở thành một nghi thức và chuyện thời tiết quan trọng hơn mọi tin tức ông sẽ đọc trong nhật báo. Em đã tìm thấy tách cà phê của ông trong bồn rửa trong bếp, tảng bơ vẫn để trên bàn cạnh một miếng bánh mới ăn hết nửa.
Chính là khi nhìn thấy những vật dụng tầm thường ngày, như một chiếc dao phết bơ, ta nhận ra ai đó đã ra đi và sẽ không trở lại nữa; một chiếc dao phết bơ ngớ ngẩn vĩnh viễn khắc những nhát cô đơn vào cuộc sống của bạn.
Nghe Keira nói, tôi biết tại sao tôi đã mang theo chiếc vòng cổ của cô về Hy Lạp, tại sao nó không bao giờ rời khỏi túi áo tôi từ ngày cô ấy để nó lại trên bàn đầu giường ở nhà tôi trước khi bỏ đi.
Trời sẩm tối khi chúng tôi về đến làng. Khi Keira ra khỏi xe, dân bộ lạc Mursis hiểu rằng đã xảy ra chuyện gì đó nghiêm trọng. Những người đang đứng trên quảng trường trung tâm ngay lập tức đứng sững lại. Keira nhìn họ rồi bật khóc, nhưng không ai trong số họ tiến lại gần để an ủi cô ấy. Tôi mở cửa sau xe và ôm xác vị tộc trưởng già trong tay. Tôi đặt cái xác xuống đất rồi cúi đầu tỏ ý mặc niệm. Một tiếng rên rỉ kéo dài lan khắp cử tọa; đám phụ nữ giơ tay lên trời và bắt đầu kêu khóc. Đám đàn ông xúm lại quanh xác của vị tộc trưởng. Con trai ông nhấc tấm chăn lên và chậm rãi vuốt ve vầng trán của người cha. Quai hàm bạnh ra,anh ta đứng thẳng dậy rồi nhìn chúng tôi không chớp mắt. Qua ánh mắt của anh ta, tôi hiểu rằng chúng tôi không còn được chào đón nữa. Đối với họ, chuyện gì đã xảy ra không quan trọng, khi ra đi cùng chúng tôi vị tộc trưởng già của họ vẫn còn sống, vậy mà khi chúng tôi mang ông về cho họ, ông đã chết cứng. Tôi cảm thấy thái độ thù địch dành cho chúng tôi mỗi lúc một lớn dần. Tôi cầm tay Keira chậm rãi dẫn cô ấy ra xe.
- Đừng quay đầu lại, tôi bảo cô ấy.
Trong khi chúng tôi ngồi vào chiếc xe hai cầu, dân làng tụ lại quanh chúng tôi, bao vây chiếc xe. Một ngọn giáo nảy thia lia trên nắp máy, ngọn giáo thứ hai cào nát kính chiếu hậu, và Keira chỉ kịp thét bảo tôi cúi thấp người xuống, khi ngọn giáo thứ ba chẻ nứt kính chắn gió. Tôi cài số lùi, chiếc xe nảy vọt lên, tôi ngồi thẳng dậy, quay đầu xe và phóng ra khỏi làng.
Bộ lạc du mục trong cơn nộ khí đã không truy đuổi chúng tôi. Mười phút sau, chúng tôi về đến khu trại. Khi nhìn thấy tình trạng của chiếc xe và sắc mặt nhợt nhạt của Keira, Éric hết sức lo lắng và tôi kể lại cho anh ta nghe những rủi ro đã gặp phải. Toàn bộ nhóm khảo cổ họp lại quanh đống lửa để quyết định xem nên xử sự thế nào.
Ai nấy đều nhất trí đoán trước rằng tương lai của nhóm đã được định đoạt. Tôi đề nghị ngay ngày mai sẽ quay trở vào làng, tôi sẽ nói chuyện với "giữa đàn ông" với con trai tộc trưởng và sẽ giải thích cho anh ta rằng chúng tôi không liên quan gì đến tai nạn đáng tiếc dẫn đến cái chết của bố anh ta.
Éric nổi giận khi nghe xong lời đề nghị của tôi, những lời lẽ đó cho thấy tôi hoàn toàn mù tịt về độ nghiêm trọng của tình hình. Chúng ta đâu phải đang ở Luân Đôn, anh ta gào lên, cơn giận của dân làng sẽ không nguôi dịu bên một tách trà. Con trai của tộc trưởng muốn tìm ra kẻ có tội và chẳng bao lâu nữa khu trại sẽ trở thành mục tiêu của cuộc tấn công trả đũa.
- Cả hai người nên trốn đi, Éric nói. Các bạn nên rời khỏi đây thì hơn.
Keira đứng dậy và xin lỗi các bạn đồng nghiệp, cô ấy cảm thấy không được khỏe. Khi ngang qua chỗ tôi, cô ấy xin tôi hãy tìm nơi khác ngủ qua đêm, cô ấy muốn được ở một mình. Tôi rời khỏi đám đông đi theo cô ấy.
- Anh có thể hãnh diện về mình rồi đấy, anh vừa khiến cho mọi chuyện hỏng bét, cô ấy nói với tôi mà không hề bước chậm lại.
- Nhưng khỉ thật, Keira, anh đâu có giết ông già đó!
- Chúng ta thậm chí còn không thể giải thích được với họ hàng của tộc trưởng lý do ông ấy qua đời và em phải từ bỏ những hố khai quật tại đây để tránh một cuộc tàn sát trên diện rộng. Anh đã hủy hoại công việc của em, hy vọng của em, em vừa đánh mất toàn bộ quyền chỉ huy và Éric hẳn phải vui mừng lắm khi lên thay em. Nếu em không đi theo anh tới hòn đảo đáng nguyền rủa của anh thì đã chẳng xảy ra chuyện gì hết. Anh nói đúng, chuyện này không phải lỗi của anh mà chính là lỗi do em!
- Nhưng tất cả các người làm sao vậ? Tại sao lại cư xử như những kẻ có tội? Người đàn ông này chết vì già cả, ông ấy muốn ngắm cảnh hồ lần cuối và chúng ta đã tặng cho ông ấy cơ hội thực hiện một trong những ý nguyện cuối cùng. Anh sẽ quay trở lại làng, ngay tối nay, và anh sẽ tới nói chuyện với họ.
- Bằng ngôn ngữ gì đây? Bây giờ anh còn biết nói cả thổ ngữ Mursis sao?
Bị căn vặn về điều mình không biết, tôi nín thinh.
- Sáng mai, em sẽ đưa anh ra sân bay, anh sẽ nán lại Addis-Abeba một tuần, hy vọng mọi chuyện ở đây sẽ lắng xuống; sáng sớm mai chúng ta lên đường.
Keira chui vào lều, không cả lời chúc ngủ ngon.
Tôi không còn bụng dạ nào quay trở lại với nhóm khảo cổ. Họ tiếp tục thảo luận về số phận của cả nhóm quanh đám lửa trại. Những mẩu đối thoại vẳng đến chỗ tôi ngồi chứng minh cho tôi thấy Keira đã đoán đúng về chuyện sắp xảy ra, Éric đang khẳng định uy quyền của bản thân với những người khác. Khi quay trở về cô ấy sẽ tìm được cho mình vị trí nào đây? Tôi trèo lên đỉnh đồi ngồi ngắm dòng sông. Quang cảnh tĩnh mịch vô cùng. Tôi cảm thấy đơn độc và có lỗi trong chuyện vừa xảy đến.
Một giờ trôi qua, tôi nghe thấy tiếng bước chân phía sau lưng. Keira đã tới ngồi bên cạnh tôi.
- Em không thể nào bình tĩnh nổi. Nội trong tối nay, em đã mất tất cả, em không còn công ăn việc làm, mất hết tín nhiệm, chẳng còn tương lai, tất cả đã tiêu tan. Lần đầu là cơn bão Shamal đuổi em khỏi đây, còn anh, Adrian, có lẽ anh chẳng khác nào cơn bão thứ hai.
Tôi nhận ra rằng thông thường, khi một phụ nữ gọi tên ban ngay giữa cuộc trò chuyện, đó là vì cô ấy có điều gì muốn trách cứ bạn.
- Em có tin vào số mệnh ko Keira?
- Ôi, em van anh, không phải lúc này, anh sẽ lôi từ trong túi ra một cỗ bài và rút cho em vài lá hay sao?
- Anh thì chưa bao giờ tin vào số mệnh, thậm chí chỉ riêng ý nghĩ rằng số mệnh có tồn tại đã khiến anh chán ghét, bởi như thế sẽ phủ nhận tự do ý chí của chúng ta, khả năng để chúng ta được lựa chọn và quyết định tương lai của chính mình.
- Em thực sự không còn tâm trạng nào để nghe mớ triết lý ba xu của anh.
- Anh không tin vào số phận nhưng anh luôn tự vấn về sự tình cờ. Giá như em biết được số phát kiến sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tình cờ can dự vào công đoạn hoàn tất.
- Nếu anh cần thì em có sẵn thuốc aspirin đây, Adrian.
- Em có mặt tại đây bởi em đang mơ ước tìm ra dấu vết của con người đầu tiên, đúng thế không? Hôm qua anh đặt câu hỏi này cho em và em đã lẩn tránh câu trả lời. Trong những giấc mơ huyễn hoặc nhất của em, con người độ không này được bao nhiêu tuổi?
Tôi tin rằng Keira trả lời tôi vì bực mình nhiều hơn là vì tin tưởng.
- Và nếu anh giúp em trở về quá khứ một quãng ba trăm tám mươi lăm triệu năm thì em sẽ nói sao?
- Nói là hôm nay anh đã dãi nắng quá nhiều.
- Vậy thì hãy để anh nói chuyện này theo cách khác nhé. Không thể xác định được niên đại của chiếc mặt dây chuyền này vì chúng ta không biết thành phần cấu tạo nên nó,em� vẫn tin rằng nó chỉ là một biến cố của tự nhiên sao?
Tôi đã bắn trúng hồng tâm, Keira nhìn tôi đăm đăm rồi tôi thấy trên gương mặt cô ấy một vẻ khiến tôi sửng sốt.
- Buổi tối hôm có giông đó, khi hàng triệu điểm sáng xuất hiện nhờ có tia chớp, cái mà em nhìn thấy trên tường nhà thực ra chính là tinh vân Bồ Nông, một cái nôi hình thành các ngôi sao nằm giữa hai thiên hà.
- Thật sao? Keira kinh ngạc hỏi.
- Phải, thật thế, và sự việc chưa dừng lại tại đó. Mảnh trời mà chiếc mặt dây chuyền của em phát ra không đồng nhất với bầu trời em đang nhìn thấy trên đầu chúng ta. Mà có từ bốn trăm triệu năm trước. Nó tương ứng với cái gì trong thang địa chất của em? Tôi hỏi cô ấy.
- Tương ứng với sự xuất hiện của sự sống trên trái đất này, cô ấy đáp, nét mặt lộ rõ vẻ bàng hoàng.
- Anh có những lý do xác đáng để tin rằng còn tồn tại những vật khác giống với vật em đang đeo trên cổ. Nếu tất cả chúng hầu như đều cùng kích cỡ, và nếu các tính toán của anh chính xác, thì cần đến bốn mảnh khác nữa để có được hình ảnh phát chiếu của một bầu trời hoàn chỉnh. Trò chơi ghép hình kỳ lạ, phải không?
- Không thể tồn tại một tấm bản đồ về bầu trời được tạo thành cách đây bốn trăm triệu năm được, Adrian ạ.
- Chính em đã nói với anh rằng, mới hai mươi năm trước đây, tất cả mọi người còn tin rằng người già nhất trong số tổ tiên của chúng ta chỉ có ba triệu năm tuổi kia mà. Hãy hình dung trong giây lát rằng chúng ta tập hợp được tất cả các mảnh còn thiếu lại, và anh còn chưa biết phải làm cách nào, nhưng chúng ta chứng minh được rằng cách đây bốn trăm triệu năm từng có một tấm bản đồ bầu trời được tạo nên với độ chính xác ngang tầm những phương tiện quan sát mà chúng ta thâmh chí còn không thể nêu ra giả định, vậy thì em sẽ rút ra những kết luận gì từ đó?
Keira ngồi lặng thinh đối diện với tầm ảnh hưởng của một phát minh tương tự.
Tôi chưa bao giờ nghĩ cái chết của một ông già sẽ buộc cô ấy rời khỏi hiện trường khai quật, nhưng ngay từ khi khởi hành tại Luân Đôn, tôi đã hy vọng sẽ thuyết phục được cô ấy đi theo mình.
Cả hai chúng tôi cùng ngồi lặng thinh, chăm chú ngắm nhìn bầu trời cho đến tận đêm muộn.
Chúng tôi thỏa thuận sẽ chợp mắt vài tiếng rồi tạm biệt khu trại ngay lúc bình minh. Cả nhóm tập hợp quanh chiếc xe hai cầu để từ biệt chúng tôi. Theo kế hoạch đã định, Keira sẽ tiễn tôi ra sân bay Addis-Abeba, còn cô ấy ở lại thành phố đợi cho dân làng nguôi ngoai. Éric sẽ chỉ đạo cuộc tìm kiếm trong thời gian cô ấy vắng mặt. Keira sẽ gọi cho anh ta thường xuyên để biết khi nào là thời điểm thích hợp nên quay trở lại.
Trong suốt hai ngày diễn ra chuyến hành trình, chúng tôi không ngừng tự vấn về chiếc mặt dây chuyền. Ý nghĩa của việc nó xuất hiện trong miệng núi lửa cũ giữa lòng hồ Turkana là gì? Ai đó đã cố ý để nó lại tại nơi đó, để làm gì, và nhất là, từ khi nào?
Ai trong số chúng tôi cũng biết rằng ít nhất còn tồn tại một mẫu vật nữa có những đặc tính tương tự, ngay cả khi chưa ai nhắc đến chuyện đó. Cần tập hợp đủ năm miếng ghép để tạo thành một bầu trời trọn vẹn. Nhưng từ giờ trở đi, câu hỏi ám ảnh chúng tôi là tìm hiểu xem chúng đang ở đâu và làm thế nào chúng tôi có thể tìm ra chúng.
Chỉ mới cách đây vài tháng, khi còn sống trên cao nguyên Atacama, tôi chưa bao giờ hình dung ra cảnh mình phải kết hợp những kiến thức về vật lý thiên văn với kiến thức của một nhà cổ sinh vật học để tìm kiếm một phát minh không chắc đã xảy ra.
Chúng tôi bắt đầu ngày đường thứ hai thì Keira nhớ ra một bài báo đọc được trong tạp chí cách đây vài năm. Chính vì kỷ niệm mơ hồ này mà chúng tôi phải tiến hành chuyến đi đang chờ phía trước. Sau khi chúng tôi đã hành động theo bản năng khoa học, nghe theo một linh cảm? Tôi không thể nói chắc. Nhưng tất cả bắt đầu khi Keira hỏi tôi đã bao giờ nghe nói đến một vật xuất hiện từ thời đồ đồng, giống với một dụng cụ đo thiên thể thời xưa và đã được phát hiện tại Đức. Tất cả những nhà thiên văn xứng đáng với danh xưng này đều biết về sự tồn tại của đĩa Nebra. Nó đã được phát hiện tại Haute-Saxe vào cuối thế kỷ XX trong một cuộc khai quật lén lút. Mẫu vật nặng chừng hai cân, hình dạng của nó trên đó nổi bật những mảng vàng khảm, một mặt trăng hình lưỡi liềm và các chấm mà người ta đoán là tượng trưng cho những thiên thể. Cấu tạo của nó khó tin đến mức các nhà khảo cổ thoạt tiên đã nghĩ đến một tác phẩm giả mạo. Nhưng một thí nghiệm xác định niên đại chặt chẽ đã khẳng định mẫu vật đúng là đã có ba nghìn sáu trăm năm tuổi. Vài thanh gươm và đồ trang sức tìm thấy tại cùng một địa điểm đã công nhận tính xác thực của nó. Không kể niên đại của nó, đĩa Nebra có hai đặc tính hết sức độc đáo. Những điểm xuất hiện trên mặt đĩa giống với chòm Thất tinh, một loạt ngôi sao xuất hiện trên bầu trời châu Âu vào thời đó. Đặc tính độc đáo thứ hai là sự xuất hiện của cung 82 độ trên mặt phải. Tám mươi hai độ hoàn toàn tương ứng với khoảng cách giữa điểm mặt trời mọc tại Nebra vào hạ chí với điểm mặt trời mọc vào đông chí. Về chức năng của chiếc đĩa, nhiều giả thiết được dưa ra: nó có thể được dùng trong nông nghiệp, hạ chí báo thời điểm bắt đầu gieo trồng, sự xuất hiện của chòm Thất tinh trên bầu trời báo mùa thu hoạch. Khả năng khác, đĩa Nebra là dụng cụ giảng dạy và truyền bá kiến thức về thiên văn; trong cả hai trường hợp, nó đều chứng tỏ kiến thức của con người về lĩnh vực này vào thời đó là hết sức tiến bộ, hơn những gì chúng ta có thể hình dung.
Đĩa Nebra là hình ảnh thể hiện bầu trời cổ nhất đã được biết đến vào thời điểm này; ít ra là cho đến khi chiếc mặt dây chuyền mà Keira đang vuốt nhẹ xuất hiện trên hòn đảo trung tâm trên hồ Turkana...
- Giữa đĩa Nebra và chiếc mặt dây chuyền của em liệu có mối liên hệ nào được nhỉ?
- Anh không rõ, nhưng anh nghĩ chuyện này cũng đáng để ghé qua Đức, tôi vui vẻ đáp.
Chúng tôi càng tiến đến gần thủ đô, tôi càng cảm thấy Keira trở nên khép kín. Khả năng có được một phát hiện quan trọng hay chuyện đã thuyết phục được Keira cùng tiến hành những nghiên cứu này đã tránh cho tôi cảm thấy nỗi mệt nhọc của chuyến đi? Nhưng niềm phấn khích đang cổ vũ tôi dường như không được sẻ chia; mỗi lần gặp một biển chỉ dẫn khoảng cách còn lại với Addis-Abeba, Keira lại trở nên tư lự và chìm đắm trong suy tư.
Tôi đã cố kìm để không hỏi chuyện đến cả trăm lần, quay lại với nỗi cô đơn của bản thân cả trăm lần, đành bằng lòng với việc quan sát đường xá.
Chúng tôi đỗ chiếc xe hai cầu tại bãi xe của sân bay, Keira theo tôi vào ga cuối. Một chuyến bay tới Francfort ngày mai sẽ cất cánh. Tôi tiến vào quầy và mua hai vé, nhưng Keira kéo tôi ra một góc.
- Esẽ không đi cùng anh đâu, Adrian ạ.
Cuộc sống của cô ấy là ở đây, cô ấy bảo vậy cô ấy chưa sẵn sàng để từ bỏ như thế này. Vài tuần nữa, nhiều nhất là một tháng nữa, thung lũng sẽ yên ổn trở lại, cô ấy sẽ quay trở lại với công việc đang dang dở.
Tôi đã viện cớ rằng khám phá mà chúng tôi sắp cùng nhau thực hiện sẽ hé lộ một bí ẩn tuyệt vời nhưng vô ích, cô ấy nhắc lại cuộc tìm kiếm này là của tôi chứ không phải của cô ấy. Nghe giọng Keira, tôi hiểu rằng ý cô ấy dã quyết, tôi có nài nỉ cũng chẳng ích gì.
Chúng tôi chỉ còn một buổi tối lưu lại Addi-Abeba trước khi tôi lên đường, tôi xin cô ấy một ân huệ cuối cùng, chúng tôi tìm ra một nhà hàng xứng với danh xưng này; nơi khi đã bước chân vào tôi không phải rời khỏi đó với cái dạ dày trống rỗng.
Tôi vô cùng khổ tâm khi phải vờ như không biết rằng ngày mai chúng tôi sẽ chia tay nhau, nhưng sao phải lãng phí quãng thời gian ngắn ngủi còn lại được ở bên nhau?
Tôi trụ vững suốt bữa tối, và trên quãng đường dạo bộ về khách sạn, tôi không một lần nào cố thử thuyết phục cô ấy đổi ý.
Trong khi tôi đưa cô ấy về phòng khách sạn riêng, Keira ôm tôi rồi gục đầu vào vai tôi. Cô ấy thì thầm vào vai tôi rằng cô ấy sẽ giữ lời mà tôi đã bắt cô ấy hứa khi còn ở Luân Đôn. Cô ấy không hôn tôi.
Tôi ghét ý tưởng nói lời tạm biệt tại sân bay; buổi tối hôm trước đã đủ buồn rồi và không nên tạo thêm buồn phiền làm gì. Tôi rời khách sạn từ sáng sớm, sau khi đã nhét một mẩu giấy nhắn qua khe cửa phòng Keira. Tôi còn nhớ đã viết lên đó rằng tôi rất tiếc vì đã gây cho cô ấy nhiều rắc rối đến thế. Tận đáy lòng tôi mong cô ấy sẽ nhanh chóng trở lại với cuộc sống mà cô ấy đã dũng cảm tạo dựng nên. Tôi cũng thú nhận tính ích kỷ thể hiện trong cách mình tiến hành mọi việc, và sau khi đã chứng kiến đủ tội lỗi mình gây ra, tôi tâm sự với cô ấy rằng nếu như không hề biết những gì đang chờ đợi mình phía trước, thì tôi đã có một khám phá vô cùng quan trọng: sự hiện diện của cô ấy khiến tôi hạnh phúc. Tôi ngờ rằng lời thú nhận này thật vụng về, và ngòi bút trong tay tôi ngập ngừng nhiều lần trên mặt giấy trước khi viết ra những con chữ, nhưng có hề gì vì đó là những lời chân thành tự đáy lòng kia mà.
Sảnh đi chật cứng người, đủ để tin rằng cả châu Phi đã quyết định đi du lịch vào sáng ngày hôm đó. Dòng người xếp hàng làm thủ tục lên chuyến bay của tôi dài như không dứt. Sau hồi lâu chờ đợi, tôi cũng ngồi được vào hàng ghế cuối cùng trên máy bay. Trong khi cánh cửa dẫn vào khoang hành khách khép lại, tôi tự hỏi liệu mình có nên quay trở về Luân Đôn, đặt dấu chấm hết cho câu chuyện có lẽ nói cho cùng chỉ là một ảo tưởng vĩ đại. Cô tiếp viên hàng không thông báo chuyến bay có chút chậm trễ mà không hề giải thích nguyên nhân.
Và rồi bỗng nhiên trên lối đi dọc máy bay, giữa những hành khách đang xếp hành lý cá nhân vào khoang riêng, tôi nhìn thấy Keira đang kéo một chiếc túi hẳn là nặng hơn cả trọng lượng của chính cô ấy. Cô ấy thương lượng với người ngồi cạnh tôi để đổi ghế cho anh ta, anh ta vui vẻ nhận lợi và cô ấy vừa ngồi xuống cạnh tôi vừa thở dài.
- Mười lăm ngày, anh nghe rõ chứ, cô ấy vừa nói vừa cài thắt lưng an toàn, hai tuần nữa, bất kể chúng ta đang ở đâu, anh cũng phải cho em ngồi lên một chuyến bay về Addis-Abeba. Hứa chứ?
Tôi đã hứa.
Mười lăm ngày để khám phá sự thật về chiếc mặt dây chuyền của cô ấy, hai tuần để tập hợp đủ cái tổng thể đã bị chia tách bởi bốn trăm triệu năm, đối với tôi giống như một vụ đánh cược không thể thắng, nhưng có hề gì; máy bay bắt đầu lăn bánh trên đường băng, Keira đang ngồi cạnh tôi; áp mặt vào khung cửa kính, cô ấy nhắm mắt lại, và mười lăm ngày sắp tới là nhiều hơn cả những gì mới ngày hôm qua tôi còn hy vọng. Suốt tám tiếng ngồi trên máy bay, cô ấy không hề nhắc gì tới bức thư mà tôi đã nhét qua khe cửa phòng khách sạn, sau đó cũng không hề nhắc tới nó một lời.
***
Francfort
Chúng tôi còn cách Nebra ba trăm hai mươi cây số. Mặc dù đã mệt lử sau chuyến bay nhưng tôi vẫn thuê một chiếc xe, với hy vọng sẽ tới đích trước khi trời tối.
Cả tôi lẫn Keira đều không hình dung được rằng thành phố nhỏ ở vùng nông thôn này đã trở nên đông đúc đến vậy. Địa điểm nơi chiếc đĩa trứ danh được tìm thấy đã khoác lên mình dáng vẻ của một trung tâm giải trí phục vụ cho du lịch. Một tòa tháp sừng sững bằng bê tông mọc lên giữa thảo nguyên. Từ bệ công trình cũng nghiêng hệt như tháp Pisa, trên mặt đất có hai đường kẻ, mỗi đường được xem như biểu thị những trục hướng của mặt trời vào những điểm chí. Tổ hợp này được hoàn chỉnh bằng những tòa tháp khổng lồ bằng gỗ và thủy tinh được xây dựng trên đỉnh đồi, một dạng bảo tàng khiến khung cảnh bị biến dạng.
Chuyến tham quan địa điểm được sở hữu đĩa Neba không hề cho chúng tôi thấy điều gì hồi hộp. Cách đó vài cây số là trung tâm ngôi làng với những con phố hẹp lát gạch, những tàn tích của tòa lâu đài và những mặt tiền xinh đẹp, có công nối lại với một tính xác thực nào đó, tuy nhiên là với điều kiện không để ý tới những mặt tiền cửa hàng cửa hiệu đang bày bán vô số những áo phông, bát đĩa và những bản sao đủ loại của chiếc đĩa.
- Lẽ ra em nên nghĩ đến chuyện đào bới khai quật tại công viên Astérix, Keira thốt lên.
Tôi tự giới thiệu với chủ khách sạn vừa đưa cho chúng tôi chùm chìa khóa của căn phòng cuối cùng còn trống, và sau khi tôi khoe về trình độ nghề nghiệp của từng người trong chúng tôi, ông đã chấp nhận yêu cầu của tôi và hứa ngày mai sẽ thu xếp một cuộc gặp riêng với người quản đốc khu khảo cổ Nebra.
***
Nguồn: http://vietmessenger.com/