Catherine đã nói ở Saint-Peterbourg không có một mùa đông một mùa hè, mà có hai mùa đông, một mùa đông trắng, một mùa đông xanh.
Sắp tới mùa đông trắng và tôi không khỏi tò mò chờ đợi hiện tượng này. Hoàng thân Constantin đã trở lại Varsovie, vì không phát hiện được gì về âm mưu đã khiến ông phải về Saint-Peterbourg, và Hoàng đế Alexandre cảm thấy chung quanh mình có một âm mưu lớn, nên đã chia tay với những rừng cây đẹp ở Tsarskoï Selo, bây giờ lá rụng phủ đầy mặt đất. Những ngày đầy nắng và những đêm trăng mờ đã biến mất, không còn màu xanh da trời, không còn ngọn lam cuộn trôi cùng những làn sóng trên sông Neva, không còn những điệu nhạc thoang thoảng trong gió, những chiếc thuyền chở đầy phụ nữ và hoa. Tôi những muốn thăm lại một lần nữa những hòn đảo đẹp khi mới đến tôi thấy phủ đầy cây lạ, lá dày, hoa nở rộng, nhưng cây đã được đưa vào nhà kính trong tám tháng. Tôi tới tìm những lâu đài, miếu mạo, những công viên tươi đẹp, chỉ thấy những ngôi nhà sương mù bao bọc, chung quanh là những cây sồi đã rụng hết lá và những cây thông giơ những cánh tay mang viền tang tóc, mà cư dân là những loài chim đã nhảy nhót suốt mùa hè đã bay khỏi Saint-Peterbourg đi ẩn náu.
Tôi đã làm theo lời khuyên của ông bạn Lyon gặp ở bàn ăn khi vừa đến là cuộn đầy quần áo lông thú mua ở chỗ ông này, chỉ còn chạy từ đầu đến cuối phố dạy những bài học đánh kiếm mà cuối cùng hầu như đều chuyển thành trò chuyện thay vì những bài trình diễn hoặc tấn công. Nhất là ông Gorgoli, sau mười ba năm đứng đầu ngành cảnh sát, đã xin từ chức vì một cuộc tranh cãi với tướng Miladorovitch, thị trưởng thành phố, và trở về đời thường, cảm thấy cần nghỉ ngơi sau một thời gian dài hoạt động. Ông Gorgoli đôi lúc yêu cầu tôi để nhiều giờ liền kể cho ông nghe về nước Pháp và những công việc của tôi như với một người bạn. Sau ông, ông De Bobrinski tỏ ra mến tôi nhất và trong những thứ quà cáp cho tôi, ông đã tặng tôi một thanh gươm Thổ Nhĩ Kỳ rất đẹp. Còn Bá tước Alexis, luôn là người bảo trợ nhiệt tình tuy hiếm khi gặp được ông, do ông luôn bận rộn với những cuộc họp mặt bạn bè ở Saint-Peterbourg và cả ở Moscou. Hai thủ đô này cách nhau hai trăm dặm nhưng ông không ngừng di chuyển trên con đường này vì con người Nga này là một tổng hợp lạ lùng về sự mâu thuẫn và tính tình mềm yếu, dễ lao vào hoạt động sốt sắng vì buồn phiền!
Chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp ông ở nhà Louise. Tôi thấy cô đồng hương có một nỗi buồn sâu sắc trông càng ngày càng trở nên rầu rĩ. Khi gặp một mình cô, tôi hỏi cô nguyên nhân về nỗi buồn ấy, cho rằng vì ghen tuông đàn bà. Khi tôi đề cập đến vấn đề ấy, cô lắc đầu và nói rất tin tưởng ở Bá tước Alexis, làm cho tôi bắt đầu nghĩ đây là do ông tham gia tích cực vào một âm mưu bí mật mà người ta đang nói tới, cũng không biết gồm những ai và chống lại ai. Còn ông, có thể đại diện cho một thái độ đáng tôn vinh của những người Nga mưu phản, tôi nhớ không một lần thấy có sự thay đổi nhỏ nào trong nét mặt, tính tình.
Ngày 9 tháng 11 năm 1824, sương mù dày đặc bao phủ thành phố và đã ba ngày làn gió tây nam lạnh và ẩm ướt thổi mạnh từ vịnh Phần Lan, sông Neva cuộn sóng như mặt biển. Nhiều đám đông tập trung trên bến cảng, mặc gió rét thổi rát mặt, lo lắng theo dõi con sông lồng lộn và tính đếm những vòng chỉ mực nước dâng lên, gắn xen kẽ nhau dọc theo bức tường đá granit. Một số người đứng cầu nguyên dưới chân tượng Đức Bà trước đây suýt làm Pierre Đại Đê từ bỏ ý định xây dựng thành phố hoàng gia, đã tính mức sông lên đến tầng hai các ngôi nhà. Trong thành phố ai cũng sợ hãi khi thấy nước giếng chảy mạnh, các giòng nước xuất hiện cuồn cuộn như bị một sức mạnh lạ dồn ép trong những kênh ngầm. Cuối cùng có một cái gì đó u tối tràn khắp thành phố, chỉ rõ một tai họa lớn sắp đến gần.
Chiều đến những trạm báo hiệu được bố trí gấp đôi ở khắp nơi.
Ban đêm một cơn giông tố dữ dội nổi lên. Người ta ra lệnh nâng hẳn những chiếc cầu để tàu bè vào tránh bão ở trung tâm thành phố. Cả đêm tàu ngược dòng Neva vào thả neo trước pháo đài giống như những con ma trắng.
Tôi ở nhà Louise đến nửa đêm. Cô càng lo sợ vì Bá tước Alexis được lệnh tập trung ở trại kỵ binh cận vệ. Việc phòng thủ bố trí y như khi thành phố ở trong tình trạng chiến tranh. Rời nhà cô, tôi đi một lúc trên bến cảng. Sông Neva bị khuấy động mạnh nhưng nước chưa dâng cao rõ rệt, thỉnh thoảng về phía bỉên có những tiếng lạ, như tiếng rên rỉ kéo dài.
Tôi trở về nhà. Trong nhà chưa ai ngủ. Một con lạch chảy trong sân, từ lâu nước đã tràn vào tầng trệt. Người ta bảo ở những chỗ khác nước toé ra, nâng cả những viên gạch. Thực vậy, đi trên đường tôi cảm thấy như nước đang chảy ngầm giữa những tảng đá nhưng không nghĩ đến nạn lụt vì chưa bao giờ tôi biết đến nó. Tôi lên căn hộ ở tầng ba rất yên ổn. Tuy nhiên ít lâu sau tôi nhận thấy những người khác bị náo động hơn bản thân tôi nên không ngủ được. Nhưng rồi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi theo nhịp ầm ì của cơn dông bão.
Đến tám giờ sáng thì tôi thức dậy vì một tiếng súng ca nông. Tôi quàng chiếc áo mặc trong phòng và chạy lại cửa sổ. Đường phố xôn xao khác thường. Tôi vôi mặc quần áo và chạy xuống.
- Tiếng súng ca nông ấy là thế nào? – tôi hỏi một người đang mang chăn đệm lên tầng hai.
- Nước đang lên, thưa ông.
Ông ta trả lời rồi tiếp tục đi lên. Tôi xuống đến tầng trệt, nước lên đến mắt cá tuy sàn nhà vốn cao hơn mặt đường ba bậc thềm. Tôi chạy ra ngưỡng cửa ra vào, phần giữa con đường bị ngập, xe đi lại làm dồn sóng lên mặt hè đường.
Tôi thấy một chiếc xe ngựa liền gọi lại nhưng người đánh xe từ chối chở đi vì muốn nhanh chóng trở về trạm. Tôi đưa một tờ giấy bạc hai mươi rúp làm anh ta quyết định chở tôi đi. Tôi nhảy lên xe, chỉ hướng nhà Louise, đại lộ Nevski. Nước lên đến khoeo chân ngựa và cứ năm phút người ta lại bắn ca nông và bắn từng phát. Những người tôi gặp đều nói "Nước đang lên!"
Tôi đến nhà Louise. Một người lính đi ngựa đang dừng lại trước cửa. Anh được Bá tước Alexis cử phi nước đại đến nói cho cô hãy dọn lên tầng cao nhất của toà nhà để tránh hốt hoảng. Gió vừa trở hướng tây dồn nước vào sông Neva, trông như biển đang tranh chấp với sông. Người lính làm xong nhiệm vụ khi tôi bước vào nhà, anh phi ngựa về trại lính, bụng ép xuống mình ngựa, làm tung toé nước quanh mình. Súng ca nông vẫn bắn.
Tôi đến vừa đúng lúc. Louise đang sợ chết khiếp. Có lẽ sợ cho mình ít hơn cho Bá tước Alexis, vì trại lính trong khu Narva sẽ là nơi bị lụt đầu tiên. Tin tức những lính vừa đưa tới cũng làm cô yên tâm được đôi chút. Chúng tôi cùng nhau lên tầng thượng, nơi cao nhất trong nhà, bao quát được thành phố. Trong những ngày đẹp trời, ở đấy nhìn thấy biển, nhưng lúc này sương mù dày đặc, chân trời rất gần và chỉ thấy một đại dương hơi nước.
Ca nông bỗng bắn gấp gáp, ở quảng trường Amirauté chúng tôi thấy những chiếc xe chở thuê tuôn ra trên các đường phố từ mọi hướng. Những người đánh xe thấy nước ngầm tràn ra khắp nơi thì nghĩ đây là một dịp đầu cơ tốt, tập trung ở những bến đỗ thường ngày. Họ kêu lên "Nước lên! Nước lên!" thúc giục mọi người chạy lụt. Và như thế, phía sau những chiếc xe như để đuổi theo, một đợt sóng cao nhô làn nước xanh lên quá bến cảng, đập vào góc cầu Isaac,tung bọt đến tận chân tượng đài Pierre Đại Đế.
Người ta nghe một tiếng kêu sợ hãi như cả thành phố đều trông thấy làn sóng ấy. Nước sông Neva tràn bờ.
Qua tiếng kêu, tầng thượng cung điện Mùa Đông tràn đầy quân phục. Hoàng đế, Ban tham mưu lên để chỉ huy vì tai nạn mỗi ngày một cấp bách. Người ta thấy nước đã lên quá nửa tượng đài liền nghĩ ngay đến những người tù khổ sở bị giam trong các hầm song sắt trước mặt bờ sông. Chủ một chiếc thuyền được lệnh nhân danh Hoàng đế đến báo với quản trị trưởng đưa họ ra khỏi nhà tù, đến nơi an toàn hơn. Chiếc thuyền đến quá chậm, trong lúc lộn xộn người ta đã bỏ quên họ. Họ bị chết hết.
Trong lúc đó chúng tôi thấy phía trên cung điện Mùa Đông chiếc du thuyền Hoàng gia tiến lại gần để nếu cần có thể chở Hoàng đế và gia đình. Nước lúc ấy phải ngang mức lan can bến cảng. Chúng tôi thấy một người đánh xe vùng vẫy với con ngựa kéo, và hiểu rằng trên đường phố không đi lại được nữa. Người đánh xe nhảy xuống bơi lại phía một cửa sổ và được kéo lên ban công tầng hai.
Mải chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi không nhìn về phía sông Neva. Lúc quay lại, chúng tôi thấy hai chiếc thuyền lớn trên quảng trường Amirauté. Nước lên cao đến mức thuyền đi qua những dãy lan can, Hoàng đế cho thuyền đến cứu những người sắp chết đuối. Ba chiếc khác cùng đi đến tiếp theo. Chúng tôi máy móc nhìn lại chỗ chiếc xe và con ngựa. Mái xe còn nổi nhưng con ngựa đã chìm. Vậy là mực nước trên đường phố phải cao đến sáu bộ. Súng ca nông đã ngừng bắn được một lúc, chứng tỏ lụt đã lên tới tường thành.
Lúc ấy người ta bắt đầu thấy bập bềnh những mảng nhà do sóng đưa từ ngoại ô tới. Đấy là những ngôi nhà gỗ khốn khổ của khu Narva, không trụ vững được trước cơn cuồng phong, bị bốc đi cùng với những người ở trong đó.
Một chiếc thuyền đi qua Đại lộ vớt được một người đàn ông, nhưng đã chết. Khó nói được cảm xúc của chúng tôi trước nạn nhân đầu tiên ấy.
Nước tiếp tục dâng nhanh một cách đáng sợ, ba con kênh bao quanh thành phố đổ ra đường những chiếc thuyền chở đá, cỏ khô và gỗ. Thỉnh thoảng thấy có người cố bám vào những hòn đảo nổi ấy, trèo lên chỏm ra hiệu cho thuyền đến cứu. một việc làm thật khó khăn vì sóng nước trên đường phố hoặc trong kênh đang lồng lộn dữ dội, đến nỗi trước khi thuyền cấp cứu đến nơi thì nạn nhân đã bị một làn nước cuốn đi hoặc trông thấy những người xem là cứu tinh cũng bị nhấn chìm.
Chúng tôi cảm thấy ngôi nhà mình đứng đang rung lên dưới những đợt sóng đã mấp mé tầng hai, tôi nghĩ ngôi nhà sẽ rạn nứt và những tầng trên đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng giữa cảnh ồn ào ấy Louise chỉ có một câu nói đầu miệng "Alexis! Ô! Lạy Chúa! Alexis!"
Hoàng đế tỏ vẻ thất vọng , Bá tước Miladonovitch, thị trưởng Saint-Peterbourg, ở bên cạnh Người, nhận và truyền đạt mệnh lệnh, tuy nguy hiểm đến mấy cũng được thực hiện tận tuỵ đến thần kỳ. Thế nhưng tin tức đưa lại mỗi lúc một thảm hại. Trong một trại lính của thành phố, cả một trung đoàn lên tránh lụt trên mái nhưng ngôi nhà sụp đổ và tất cả những người khốn khổ ấy đều biến mất. Trong lúc người ta báo cáo việc ấy với Hoàng đế, một người lính bị làn sóng kéo ra khỏi trạm gác, thấy Hoàng đế trên tầng thượng, anh đứng ngay dậy, bồng súng chào. Khi ấy một đợt sóng lật nhào, cuốn anh đi. Hoàng đế thét lên, ra lệnh thuyền đến cứu. May mắn, anh lính biết bơi, trụ được một lúc dưới nước, chiếc thuyền đến kịp đưa anh vào lâu đài.
Tất cả cuối cùng là một cảnh hỗn độn. Những chiếc thuyền đụng vào nhau vỡ toác ra, các mảnh vụn trôi giữa những mảng nhà, đồ đạc bồng bềnh, và xác người, xác súc vật. Những chiếc quan tài bị bốc lên từ các phần mộ bung ra cả những bộ xương người, một chiếc thập tự từ nghĩa trang bị cuốn qua một cửa sổ hoàng cung và được tìm thấy như một dự báo tang tóc trong phòng Nhà vua!
Nước biển dâng lên như thế trong mười hai tiếng đồng hồ. Khắp các nhà, tầng hai bị ngập và trong một khu phố nước lên đến tầng ba, nghĩa là phía trên tượng Đức Bà sáu bộ. rồi nước bắt đầu xuống vì nhờ Chúa, gió chuyển từ tây bắc sang hướng bắc và sông Neva có thể tiếp tục chảy ra biển, chỉ thêm mười hai tiếng nữa thôi thì Saint-Peterbourg và cư dân sẽ bị biến khỏi mặt đất như những thành phố cổ xưa trong ngày Đại hồng thuỷ.
Suốt thời gian ấy, Hoàng đế, Đại Quận công Nicolas, Đại Quận công Michel và thị trưởng thành phố, bá tước Milarodovitch, không hề rời khỏi tầng thượng cung điện Mùa Đông, còn Hoàng hậu thì đứng ở cửa sổ phòng mình, ném tiền vàng cho những người chèo thuyền đi cứu người.
Dến chiều, một chiếc thuyền bơi tới tầng ba nhà chúng tôi. Trước đó Louise trao đổi tín hiệu vui với người lính trên thuyền mà cô nhận ra từ bộ quân phục. Thật vậy, anh mang tin của Bá tước Alexis tới và hỏi tin tức chúng tôi. Louise viết mấy hàng bằng bút chì để Bá tước yên tâm, tôi cũng thêm vào đấy một lời nhận xét và hứa sẽ không rời cô.
Nước biển tiếp tục xuống, gió ổn định từ phương bắc. Chúng tôi từ tầng thượng xuống tầng ba và qua đêm ở đây vì không có khả năng vào tầng hai, nước đã rút đi nhưng mọi thứ đều vấy bẩn và mất mát. Những cánh cửa bị gãy, sàn nhà đầy rác rưởi.
Đây là lần thứ ba từ một thế kỷ nay Saint-Peterbourg với những lâu đài bằng gạch và những cột thạch cao bị nước đe doạ, tương xứng lạ lùng với Naples ở đầu bên kia thế giới, khi châu Âu bị hoả hoạn đe doạ.
Sáng hôm sau trên đường phố mức nước chỉ còn hai, ba bộ. Nhìn những mảnh vụn và xác người đầy rẫy, người ta có thể đánh giá được thảm hoạ. Xác những chiếc tàu được tấp lên cao bằng chiều cao nhà thờ Kazan và ở Kronstad, một chiếc thuyền với hàng trăm súng ca nông bị đẩy lên giữa quảng trường, và trước khi đến đó đã làm lật nhào hai ngôi nhà như va vào đá tảng.
Giữa cơn thù hận của Chúa, con người cũng có một sự báo thù ghê gớm.
Vào mười một giờ đêm vị bộ trưởng được Hoàng đế gọi, để cô tình nhân ở nhà, dặn khi có dấu hiệu nguy hiểm thì lên những tầng nhà trên, nước không tới được. Việc dễ dàng thôi vì nhà của bộ trưởng là một trong những ngôi nhà đẹp nhất trên đường Phục Hưng, có bốn tầng lầu.
La Gossudarina vậy là ở nhà một mình với những người nô lệ. Vị bộ trưởng tới cung điện Mùa Đông bên cạnh Hoàng đế cho đến hôm sau, nghĩa là suốt thời gian ngập lụt. Được tự do, ông trở về nhà ngay, thấy các cửa bị phá vỡ, nước lên cao mười bảy bộ, nhà hoàn toàn bỏ vắng.
Lo ngại cho cô tình nhân đẹp, bộ trưởng vào ngay phòng ngủ của cô. Cửa ra vào đóng kín, cánh cửa duy nhất trụ vững được với sóng nước, hầu hết những cửa khác đều bị bật và cuốn đi. Trước hoàn cảnh lạ lùng ấy, ông đập cửa và gọi, tất cả đều vắng lặng, càng lo sợ hơn và sau những cố gắng lạ thường, ông phá được cánh cửa.
Xác La Gossudarina nằm ngay giữa phòng, nhưng cảnh tượng ghê gớm không chỉ do lụt, bằng chứng là thân không còn đầu.
Bộ trưởng suýt điên lên vì đau đớn, chạy ra kêu cứu ngay ở ban công mà trước đây Machnka ngồi xem hành hạ người yêu cũ của mình. Mấy người chạy đến thì thấy ông quỳ gối gần cái thân cụt đầu.
Người ta tìm trong phòng, thấy chiếc đầu bị sóng cuốn lên trên giường, gần đầu là đôi kéo to người ta dùng cắt rào vườn và dĩ nhiên là dụng cụ giết người.
Tất cả nô lệ của bộ trưởng trông thấy cảnh nguy hiểm, đều đã bỏ chạy mỗi người một phía, và đều trở về lại ngay tối hôm ấy hoặc ngày hôm sau.
Chỉ có người làm vườn không quay trở lại.
Chương 10
Gió chuyển từ phía tây bắc về báo hiệu mùa đông đã đến. Người ta vừa tu sửa lại những thiệt hại gây ra do trận lụt vừa rút lui, lại phải đối mặt với kẻ thù đang tiến đến. Phải hối hả gấp rút hơn thời gian ngập lụt ngày 10 tháng mười một. Những chiếc tàu thoát nạn cuồng phong vội vã trở ra biển khơi để tiếp tục những nhiệm vụ của mình. Cầu tàu đã được dỡ đi và người ta chờ đợi giá lạnh đâu mùa một cách bình tĩnh hơn. Ngày 3 tháng chạp sương đông cứng lại, ngày 4 tuyết rơi và tuy mới năm, sáu độ dưới băng giá, người ta đã tổ chức vận chuyển bằng xe trượt tuyết. Một bất hạnh lớn, mọi dự trữ thực phẩm cho mùa đông bị hư hỏng vì lụt, việc vận chuyển này là để đề phòng nạn đói.
Thực thế, vận chuyển bằng xe trượt tuyết có tốc độ gần như bằng xe ngưa. Người ta đem đến thủ đô thú vật săn bắt được khắp nơi trong vương quốc, đôi khi từ một nghìn, nghìn hai dặm cách xa thủ đô. Gà gô đen, đa đa, chim trĩ, vịt trời, xếp từng lớp với tuyết trong các thùng lớn ở chợ bán rẻ như đem cho. Bên cạnh, cá hiếm Biển Đen hoặc cá sông Volga xếp trải dài trên các bàn hoặc chất thành đống. Còn thú được bày bán đứng trên bốn chân như còn sống và người ta cắt xẻ tại chỗ.
Những ngày đầu tiên Saint-Peterbourg phủ lớp áo trắng mùa đông đối với tôi là những ngày cảnh vật trông thật kỳ lạ và tất cả đều mới mẻ. Tôi đi xe trượt không biết mệt vì có một khoái cảm cao độ khi được kéo trên mặt đất nhẵn như gương, do những con ngựa vì trọng lượng chở nhẹ nhàng, hình như bay thay vì chạy. Những ngày đầu này càng thú vị vì thời tiết lạnh mùa đông đến từng tí một và nhờ áo lông thú cho nên tôi đi trong băng giá hai mươi độ mà gần như không thấy lạnh, ở mười hai độ sông Neva bắt đầu đóng băng chặt cứng.
Tôi bắt ngựa chạy nhiều đến nỗi một buổi sáng người đánh xe tuyên bố nếu tôi không để chúng nghỉ ít nhất bốn mươi tám giờ, chúng sẽ hoàn toàn không thể sử dụng được nữa. Thấy đẹp trời, tuy lạnh hơn tôi cảm nhận, tôi quyết định đi dạo, trang bị từ đầu đến chân chống lại cái lạnh giá, bọc người với một chiếc áo dài, nhấn chiếc mũ lông quá tai, quấn khăn quàng cổ, tôi đi trên đường phố, chỉ hở mỗi cái mũi ra ngoài.
Lúc đầu mọi việc suôn sẻ, thậm chí tôi ngạc nhiên vì ít có cảm giác lạnh, cười vì những câu chuyện tôi đã nghe và phấn khởi vì tình cờ đã cho tôi làm quen với thời tiết. Hơn nữa, hai người học trò tôi đến nhà, ông De Bobrinski và ông De Nariskine đều đi vắng, tôi bắt đầu cho là sự tình cờ đã làm được nhiều điều, bỗng nhận thấy những người gặp tôi ngoài đường có vẻ băn khoăn nhưng không nói gì. Rồi một ông đi qua, có vẻ lắm lời hơn, bảo tôi "Noss!" Do chẳng biết một tiếng Nga nào tôi nghĩ không cần dừng lại vì một tiếng nói và tiếp tục đi. Ở góc đường, tôi gặp một người đánh xe trượt tuyết, đi nhanh như chớp nhưng thấy cần phải bảo tôi nên kêu lên "Noss! Noss!" Cuối cùng đến quảng trường Amirauté tôi đối diện với một người nông dân, người này không nói gì nhưng bốc một nắm tuyết và lao vào người tôi, trước khi tôi kịp gỡ ra, anh ta đã bôi tuyết khắp mặt tôi, đặc biệt xát mạnh vào mũi. Tôi thấy trò đùa khá kỳ cục, nhất là vào thời tiết như thế này, nên rút một tay trong túi áo ra và đấm mạnh một cái làm anh ta lăn ra cả mười bước. Không may hay còn gọi là may mắn cho tôi, có hai người nông dân đi qua lúc đó nhìn tôi một lúc rồi lao vào giữ chặt cánh tay tôi còn người điên khùng kia lại nhặt một nắm tuyết khác, lại lao vào. Lần này, nhân lúc tôi không thể tự vệ được, lại xát tuyết vào mặt, mũi tôi. Đôi tay bị giữ chặt nhưng miệng còn hét được, tôi dồn dập kêu cứu. Một viên sĩ quan chạy tới, nói tiếng Pháp hỏi tôi có chuyện gì.
- Thế nào? – tôi nói to và dùng chút sức lực cuối cùng vùng ra khỏi ba người bình tĩnh nhất trần đời đang tiếp tục đi con đường của họ - Thưa ông, ông không thấy những người lạ lùng kia đã làm gì tôi ư?
- Họ làm gì ông vậy?
- Họ lấy tuyết xát vào mặt tôi. Ông có thấy như vậy là một trò đùa hay không, nhất là vào thời tiết như thế này?
- Nhưng, thưa ông, họ giúp ông một việc vô cùng lớn đấy.
- Thế là sao?
- Chắc chắn lỗ mũi của ông đã bị đóng băng.
- Trời ơi! – tôi kêu lên và đưa tay lên sờ chỗ bị đe doạ.
- Thưa ông – một người qua đường nói với viên sĩ quan – lỗ mũi của ông sắp bị đóng băng đấy!
- Cám ơn – viên sĩ quan nói như được báo trước một điều tự nhiên nhất. Anh ta cúi xuống bốc một nắm tuyết và tự làm công việc mà người nông dân đã giúp tôi và bị tôi trả ơn một cách tàn nhẫn.
- Có nghĩa là, thưa ông, nếu không có người ấy…
- Ông sẽ không còn mũi – viên sĩ quan nói tiếp vừa xem xét mũi của mình.
- Thế thì, ông cho phép…
Và tôi chạy theo người nông dân, anh ta nghĩ tôi đuổi đánh nên cũng bắt đầu chạy. Dĩ nhiên sợ hãi nhanh nhẹn hơn biết ơn, tôi chắc sẽ không đuổi kịp anh ta nếu không có mấy người tưởng anh ta là kẻ cắp chặn đường lại. Khi tôi tới nơi, tôi thấy anh đang hăng hái giải thích mình chỉ phạm tội vì quá thương người, tôi tặng anh mười rúp để anh hiểu sự biết ơn của tôi. Người nông dân hôn tay tôi, một trong những người chứng kiến nói được tiếng Pháp bảo tôi từ nay chú ý hơn để bảo vệ mũi. Lời đễ nghị ấy thật ra là thừa vì suốt quãng đường còn lại, tôi không quên nó.
Tôi tới phòng tập của ông Siverbruk, gặp ông Gorgoli như đã hẹn và kể với ông cuộc phiêu lưu vừa qua như một việc rất khác thường. Ông hỏi không có ai bảo gì trước khi người nông dân làm việc ấy sao. Tôi trả lời có hai người đi qua đường nhìn tôi và kêu "Noss! Noss!" Ông liền bảo "Thế là người ta bảo ông giữ gìn mũi. Đấy là cách nói bình thường, lần sau nhớ đề phòng".
Ông De Gorgoli nói đúng và không phải chỉ ở Saint-Peterbourg là đáng sợ nhất cho mũi và đôi tai. Nếu mình không cảm thấy chúng bắt đầu đóng băng thì người qua đường đầu tiên sẽ trông thấy và hầu như bao giờ cũng báo với mình đúng lúc để tránh bị hại. Nhưng khi không may bị lạnh ở phần nào đó trong người dưới lớp quần áo, người ta không báo trước được, mình chỉ cảm thấy tê cóng ở phần bị hại và lúc ấy đã là quá chậm. Mùa đông năm trước, một người Pháp tên là Pierson, thư ký một nhà băng của Paris, là nạn nhân của sự cố này do thiếu đề phòng.
Ông Pierson đi từ Pháp áp tải đến Saint-Peterbourg một khoản tiền lớn cho chính phủ Nga vay theo thoả thuận. Từ Pháp ra đi thời tiết đẹp nên không phòng bị chống lạnh. Đến Riga ông ấy thấy vẫn còn chịu đựng tốt nên không mua áo choàng, khăn quàng lông thú, ủng lót len, vv. Đi quá Revel ba dặm, bông tuyết bắt đầu rơi dày đặc, người đánh xe mất phương hướng, làm lọt xe xuống một hố sũng nước. Hai người không nâng nổi xe lên, phải chạy đi tìm người giúp. Người đánh xe cởi tháo một con ngựa, phóng nhanh vào thành phố gần nhất. Ông Pierson thấy đêm xuống sợ mất trộm, không dám rời khoản tiền mà ông phải áp tải. Tối đến tuyết ngừng rơi, gió chuyển hướng bắc, giá lạnh xuống đến hai mươi độ. Ông biết là nguy hiểm bắt đầu bước đi chung quanh chiếc xe, cố chống lại gió rét. Sau ba giờ chờ đợi, người đánh xe trở lại với người, ngựa, nâng chiếc xe lên, và nhờ có thêm ngựa, ông Pierson đi nhanh đến thành phố đầu tiên và dừng lại. Người trưởng trạm chỗ lấy thêm ngựa lo lắng chờ đợi vì biết trong lúc người đánh xe lấy ngựa đi vào thành phố, ông Pierson ở trong hoàn cảnh như thế nào. Khi ông này xuống xe, câu hỏi đầu tiên là ông có bị băng giá không. Ông Pierson trả lời có lẽ không vì ông đã không ngừng đi lại, hy vọng cử động chống được giá lạnh. Ông cởi khăn trùm mặt, giơ tay ra, không hề hấn gì.
Tuy vậy ông cảm thấy rất mệt mỏi và sợ rằng nếu tiếp tục đi trong đêm có thể xảy ra sự cố như vừa rồi cho nên ông bảo sửa soạn giường nằm, uống một ly vang nóng và ngủ thiếp đi.
Hôm sau tỉnh giấc, ông muốn đứng dậy nhưng hình như bị đóng chặt vào giường. Khó khăn giơ một cánh tay kéo chuông gọi người tới, nói rõ tình trạng của mình như bị bại liệt hoàn toàn. Thầy thuốc đến bỏ chăn ra thấy chân người bệnh tái ngắt và điểm chấm đen: bệnh hoại thư đã bắt đầu. Thầy thuốc thông báo ngay với người bệnh là cần phải cắt cụt chân.
Dù phương pháp ấy thật ghê rợn, ông Pierson cũng phải chấp nhận. Thầy thuốc cho đi lấy dụng cụ cần thiết nhưng trong lúc đang chuẩn bị, người bệnh bỗng nhiên phàn nàn đôi mắt nhìn yếu đi, không còn trông rõ mọi vật chung quanh nữa. Người thầy thuốc lo sợ căn bệnh có thể nặng hơn ông tưởng nên tiến hành một cuộc chẩn đoán mới và nhận thấy thịt ở sống lưng đã bắt đầu bị huỷ hoại. Thay vì thông báo cho ông Pierson sự phát hiện ghê gớm mới, ông trấn an, cho ông này biết tình trạng không đáng ngại như lúc đầu, chứng cứ là ông rất cần được ngủ. Người bệnh trả lời quả thực ông muốn ngủ thiếp đi. Mười phút sau ông ngủ và mười lăm phút sau nữa ông tắt thở.
Nếu người ta nhận biết ngay lúc đó là trong người ông có những chỗ bị băng giá, và ngay lúc đó lấy tuyết chà xát như người nông dân Nga xát tuyết vào mũi tôi, ông Pierson hôm sau đã có thể lên đường được như không có chuyện gì xảy ra.
Đấy là một bài học cho tôi và để tránh cho những người qua đường bất ngờ phải giúp tôi, mỗi khi đi ra ngoài tôi mang theo một chiếc gương nhỏ trong túi, mỗi mười phút tôi lấy ra soi xem mũi mình một lần.
Cuối cùng không đầy tám ngày, Saint-Peterbourg đã khoác chiếc áo mùa đông. Sông Neva đóng băng, người ta đi qua lại các phía, đi bộ hoặc đi xe. Khắp nơi đầy những xe trượt tuyết, Đại lộ trở thành một loại cánh đồng, nhà thờ đốt lò sưởi vào buổi tối, trước các rạp hát, các đống lửa lớn cháy lên trong những vòng tường bao xây làm nơi cho những người hầu ngồi đợi chủ. Còn những người đánh xe thường được các ông lớn thương hại cho họ về nhà, hẹn giờ trở lại đón. Khốn khổ hơn cả là binh lính và những người đứng gác, không có đêm nào người ta không nhặt được vài người chết cóng.
Tuy vậy rét lạnh càng tăng lên và đến một mức nào đó người ta thấy những đàn sói vào quanh vùng Saint-Peterbourg. Một buổi sáng người ta thấy một con đi qua lại như một con chó thường ở khu La Fonderie. Con vật khốn khổ không có vẻ đe doạ lắm và cho tôi cảm giác nó đến xin ăn hơn là có ý định dùng sức mạnh, người ta dùng gậy đánh chết nó.
Buổi tối khi tôi kể chuyện này có mặt Bá tước Alexis, ông nói với tôi hôm sau nữa sẽ có một cuộc săn gấu lớn trong rừng cách Moscou mười hoặc mười hai dặm. Cuộc đi săn do ông Nariskine, một người học trò của tôi, chỉ huy. Bá tước nói sẽ chuyển nguyện vọng muốn tham gia cuộc đi săn của tôi với cả đoàn. Hôm sau tôi nhận được một giấy mời với một tờ chương trình, không phải của một buổi lễ mà của trang phục, một bộ quần áo lông thú phía bên trong và một loại mũ da trùm xuống đến vai, người đi săn tay phải trang bị một bao da, cầm một dao găm. Với con dao này, anh ta dùng tấn công con gấu khi giáp lá cà và hầu như bao giờ anh cũng giết nó bằng nhát đầu tiên.
Chi tiết về cuộc đi săn làm tôi thấy giảm hăng hái đi một phần, nhưng đã tiến rồi, tôi không lùi lại được nữa và phải chuẩn bị đủ thứ đồ: mua quần áo, mũ, dao găm để còn thử ngay tối hôm ấy và đỡ lúng túng trong trang bị rườm rà.
Tối tôi đến chơi nhà Louise khá muộn, quá nửa đêm mới về nhà và bắt tay vào tập dượt với bộ quần áo. Tôi đặt chiếc gối dài lên một chiếc ghế, nhảy tới đâm vào chỗ đã đánh dấu tương ứng với xương sườn thứ sáu của con gấu. Bỗng một tiếng động lớn ở lò sưởi làm tôi ngắt quãng việc đang làm. Tôi chạy lại phía ấy, nhìn qua cửa đã đóng (ở Saint-Peterbourg ban đêm cửa lò sưởi cũng đóng như hầm lò), thấy một vật không trông rõ hình thù, sau khi xuống ngang tấm bản lò sưởi lại lên ngay. Tôi nghi ngờ đấy là tên trộm theo ống khói vào nhà, trông thấy tôi chưa đi ngủ nên rút lui. Sau nhiều lần hỏi "Ai đấy?" không có người trả lời, tôi càng tin như vậy. Kết quả sau khi đứng đề phòng gần nửa giờ không nghe tiếng gì khác nữa, tôi cẩn thận chặn cửa lò sưởi, đi nằm và ngủ thiếp đi.
Mới nằm khoảng mười lăm phút, giữa giấc ngủ, hình như tôi nghe có tiếng bước chân ngoài hành lang. Đang khó hiểu về câu chuyện lò sưởi, tôi giật mình tỉnh dậy và lắng nghe. Không nghi ngờ gì nữa, có ai đi qua đi lại trước cửa phòng tôi gây tiếng động trên sàn tuy hình như đã cố gắng giữ thật êm nhẹ. Chẳng mấy chốc những bước chân ấy dừng lại trước cửa phòng tôi rụt rè, chắc để đoán chừng tôi đã ngủ chưa. Tôi với tay tới chiếc ghế để các đồ trang bị vừa cởi bỏ, lấy mũ đội vào đầu và tay cầm con dao găm chờ.
Một lúc sau nghe có tiếng cho tay vào vặn khóa, cánh cửa mở ra và qua ánh sáng chiếc đèn xách tay để ngoài hành lang, tôi trông thấy một sinh vật kỳ lạ tiến vào trong bóng tối, có lẽ đeo mặt nạ. Tôi nghĩ ngay phải cảnh báo hắn thay vì chờ đợi nên trong lúc hắn táo bạo bước lại lò sưởi chứng tỏ đã quen chỗ, tôi nhảy ngay xuống giường, nắm cổ họng, gí dao vào ngực hỏi hắn là ai và muốn gì. Nhưng rất ngạc nhiên, chính đối thủ của tôi kêu lên và hình như gọi người đến cứu. Muốn biết rõ người này thế nào, tôi chạy ra hành lang cầm chiếc đèn vào soi cho rõ, tuy rất nhanh nhưng cũng đủ để tay trộm của tôi biến mất như có phép lạ, tôi nghe có tiếng sột soạt phía trong lò sưởi, chạy lại đấy thì thấy người kia đi rất nhanh, chứng tỏ đã quen đi lại đường ấy. Tôi đứng ngẩn người.
Trong lúc ấy một người ở bên cạnh nghe tiếng động ghê gớm tôi gây ra đã bước vào phòng tôi vì nghĩ có người ám sát tôi, thấy tôi đang đứng, mặc áo ngủ, một tay cầm đèn, tay kia cầm dao găm, đầu đội mũ lông. Câu đầu tiên hỏi là tôi điên rồi chăng?
Để chứng minh mình rất tỉnh táo và thậm chí gợi lên sự dũng cảm của mình, tôi kể câu chuyện vừa xảy ra. Người hàng xóm phá lên cười, tôi đã chiến thắng một người thợ cạo ống khói! Tôi còn muốn không tin nhưng đôi tay, áo ngủ và cả mặt tôi nữa dính đầy bồ hóng đã chứng minh ông nói thật. Người hàng xóm giải thích làm tôi không còn nghi ngờ gì nữa.
Thật vậy, người nạo ống khói ở Saint-Peterbourg, một nhân vật tối cần thiết, ít nhất cứ mười lăm ngày một lần, anh đi kiểm tra từng nhà. Có điều công việc phải làm vào ban đêm, vì nếu ban ngày người ta mở những đường ống vào hầm lò, hoặc dập tắt lửa ở lò sưởi, rét lạnh sẽ vào trong nhà. Vậy là buổi sáng người ta đóng cửa các hầm lò ngay sau khi đốt lửa và đóng ống khói vào buổi chiều ngay sau khi tắt lửa. Những người nạo ống khói được chủ nhà thuê, trèo lên mái, thậm chí không cần thông báo với chủ nhà, thòng xuống ống khói một bó que gai, giữa là một hòn đá to, nạo vét ống với loại chổi ấy đến hai phần ba chiều cao của ốn. Phần trên xong rồi, họ làm đến phần dưới ống. Những người đã quen hoặc được báo trước không hề bận tâm đến công việc này. Không may người ta quên không cho tôi biết và người thợ nạo ống khói lần đầu tiên vào nhà tôi làm việc suýt nữa trở thành nạn nhân.
Hôm sau có chứng cứ người hàng xóm nói thật. Bà chủ nhà vào bảo tôi có người ở dưới nhà đòi tôi trả lại chiếc đèn.
Ba giờ chiều Bá tước đến đón tôi cùng đi xe trượt tuyết. Đó hoàn toàn là một chiếc thùng với hai chỗ ngồi rất đẹp trên bàn trượt và chúng tôi lướt nhanh đến nơi hẹn. Đó là một ngôi nhà nông thôn của ông Nariskine, cách Saint-Peterbourg mười, mười hai dặm, ở giữa rừng. Chúng tôi đến vào lúc năm giờ, thấy hầu hết những người đi săn đều đã có mặt. Một lúc sau tập họp đầy đủ và người ta thông báo bữa ăn tối đã được chuẩn bị xong. Phải thấy một bữa ăn thịnh sọan ở nhà một ông chủ lớn ở Nga mới có khái niệm sự sang trọng của các bữa ăn có thể lên đến mức nào. Chúng tôi đang ở giữa tháng chạp và điều đầu tiên đập vào mắt tôi giữa những gì phủ đầy bàn là một cây anh đào rất đẹp đầy trái như ở Pháp vào cuối tháng Năm. Chung quanh cây này, cam, dứa, vả, nho chất theo hình chóp, có đầy đủ thức ăn tráng miệng thường tìm được ở Paris trong tháng Chín. Tôi chắc chắn chỉ riêng bữa tráng miệng cũng đã trị giá hơn ba nghìn rúp.
Chúng tôi ngồi vào bàn. Ở thời kỳ ấy ở Saint-Peterbourg có phong tục rất tốt là người hầu bàn cắt, chặt thức ăn và thực khách tự rót nước uống. Kết quả, những người Nga vốn uống nhiều nhất thế giới, giữa những khách ăn khá rộng chỗ có năm chai rượu vang khác nhau, những thổ sản đặc biệt, còn thịt là loại bê Archangel, bò Ukraine, còn thú rừng các loại được đưa từ khắp nơi tới.
Sau đợt phục vụ đầu, người đầu bếp trưởng bước vào, tay bưng chiếc khay bạc trên là hai con cá sống. Tất cả khách đều kêu lên thán phục; đấy là những con cá tầm, loại cá chỉ bắt được ở sông Volga, mà đoạn sông gần Saint-Peterbourg nhất cũng khoảng ba trăm năm mươi dặm. Phải đục thủng băng ở trên sông, câu cá dưới lớp nước sâu, rồi mất năm ngày năm đêm đi đường, rồi phải cho chúng vào một chiếc xe đóng kín, giữ nhiệt độ không cho nước đóng băng.
Vì vậy mỗi con cá trị giá tám trăm franc, hai con là hết một nghìn sáu trăm francs. Potemkine trí óc tuyệt diệu cũng không thể làm hơn được!
Mười phút sau chúng xuất hiện lại trên bàn ăn nhưng lần này được nấu ngon đến mức tất cả những lời khen dành cho người chủ tiệc đặt câu cá và người đầu bếp đã chế biến.
Tiếp đó là rau trồng sớm, đậu Hà Lan, măng tây, đậu đũa, tất cả theo hình thức muốn trình bày nhưng mùi vị tổng hợp và có nước đã chống lại hình thức.
Người ta chỉ rời phòng ăn để sang phòng khách đã sắp đặt các bàn chơi đánh bài. Tôi không đến nỗi nghèo, cũng không quá giàu để ham mê cách giải trí ấy nên chỉ nhìn người khác chơi. Đến nửa đêm, nghĩa là vào giờ tôi đi ngủ, bên này và bên kia đã mất đến ba trăm nghìn rúp.
Hôm sau, vừa mờ sáng, người ta đã đánh thức tôi dậy. Đám thợ săn đã phát hiện được năm con gấu đang loanh quanh trong rừng chu vi khoảng một dặm. Tôi nghe được tin ấy và hơi run, tuy người ta tưởng tôi rất hăm hở. Dù dũng cảm đến mấy, bao giờ cũng hơi lo ngại khi lần đầu tiếp xúc với một địch thủ không quen biết.
Tôi không kém hăng hái mặc bộ quần áo săn vào. Như cùng tham gia vào ngày hội, mặt trời lên đẹp và nhiệt độ dịu đi. Vào giờ buổi sáng này nhiệt độ có thể là mười lăm độ, đến trưa có khi chỉ còn bảy, tám độ.
Tôi xuống nhà và thấy những người đi săn đã sẵn sàng và trong bộ đồng phục, thật khó nhận ra nhau. Xe trượt tuyết đang chờ, chúng tôi lên xe và mười lăm phút sau đã đến điểm hẹn.
Đây là một ngôi nhà của nông dân Nga khá vững chãi, tất cả đều làm bằng gỗ đẽo bằng rìu, và mỗi người chúng tôi cung kính chào ông chủ khi vào nhà theo phong tục. Bữa ăn sáng bổ dưỡng đang chờ, tất cả chúng tôi đều tham gia nhưng ngược lại với thói quen, không ai uống rượu. Người ta không được say trước một trận đấu và buổi săn hôm nay của chúng tôi là một cuộc đấu tay đôi thật sự. Cuối bữa ăn, người thợ săn xuất hiện trước cửa, muốn nói là đã đến lúc lên đường. Ra đến cửa, người ta đưa cho chúng tôi mỗi người một khẩu cạc bin đã lắp đạn phải đeo vào người nhưng chỉ được sử dụng khi gặp nguy hiểm. Ngoài ra mỗi người nhận năm sáu mảnh sắt tây sẽ vứt cho gấu, tiếng vang và màu sáng chói sẽ kích thích con vật.
Đi được một trăm bước chúng tôi đến bờ rào, có đội nhạc của ông De Nariskine bao quanh, cũng như ban nhạc tôi đã nghe trên sông Neva vào mùa hè. Mỗi người cầm trên tay chiếc kèn và sẵn sàng bấm nốt. Cả vùng rào bị bao quanh như thể để những con gấu xuất hiện ở bất kỳ phía nào cũng đều bị đẩy lùi vì tiếng nhạc. Xen giữa mỗi nhạc công có một người thợ săn, người hầu hoặc một người nông dân cầm súng chỉ nạp thuốc súng, phòng hờ bắn trúng vào chúng tôi; tiếng súng bắn tiếp với tiếng nhạc nếu gấu muốn tấn công. Chúng tôi vượt qua hàng người ấy vào trong hàng rào.
Ngay lúc ấy cảnh vật khu rừng hài hoà tác động đến chúng tôi như nhạc quân hành tác động đến quân lính lúc ra trận, làm bản thân tôi cũng tràn đầy hăng hái mặc dù trước đó năm phút tôi không nghĩ mình sẽ được như thế.
Tôi được xếp ở giữa người thợ săn của ông De Nariskine – người sẽ tham gia tấn công – và Bá tước Alexis vì tôi còn thiếu kinh nghiệm. Tôi đã hứa với Louise sẽ trông chừng Bá tước nhưng ngược lại ông đã trông chừng giúp đỡ tôi. Bên trái ông là Hoàng thân Nikita Mouravieff luôn hợp tác chặt chẽ với ông và bên kia Hoàng thân tôi còn nhận ra ông De Nariskine. Xa hơn nữa thì tôi không trông thấy gì.
Chúng tôi đi được chừng mười phút thì những tiếng kêu "medvede, medvede" vang lên, kèm theo vài tiếng súng. Một con gấu nghe tiếng kèn chắc đã xuất hiện ở bìa rừng và bị thợ săn đuôi theo. Hai người bên cạnh giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại và mỗi chúng tôi đều vào thế phòng thủ. Một lúc sau nghe trước mặt có tiếng sột soạt trong bụi cây và một tiếng gầm. Tôi thú nhận tiếng ấy có vẻ như lại gần tôi, cảm thấy mồ hôi toát ra trên trán mặc dù trời rất lạnh. Nhìn quanh thấy hai người bên cạnh tỏ ra vững vàng nên tôi cũng định thần lại được. Trong lúc này con gấu lộ ra, đầu và nửa người vượt quá một bụi cây gai giữa tôi và Bá tước Alexis.
Động tác đầu tiên của tôi là thả con dao găm và nắm lấy khẩu súng. Con gấu ngạc nhiên, lần lượt nhìn chúng tôi và có vẻ chưa biết nên tiến lại phía người nào, nhưng Bá tước không để cho nó có thì giờ chọn lựa. Cho rằng tôi có thể vụng về, ông kéo con thú về phía mình, ông bước lên thêm mấy bước tới một chỗ trống để dễ hoạt động, ném vào mũi con gấu một mảnh sắt tây. Con gấu nhảy ngay đến, rất nhanh, nhưng không ngờ lại vồ phải mảnh sắt, nó bẻ cong lại, miệng gầm gừ. Bá tước bước lên thêm một bước gần nó và ném ra mảnh sắt thứ hai. Con gấu chụp lấy như một chó đớp khúc cây người ta quăng cho nó, và nhai ngấu nghiến. Để làm cho nó thêm tức giận, Bá tước ném mảnh sắt thứ ba. Lần này như cảm thấy điên tiết vì vồ phải vật vô tri, nó để mảnh sắt rơi xuống bên cạnh, ngoảnh lại phía Bá tước và gầm lên một tiếng ghê gớm, nhảy tới phía trước mấy bước. Người và thú cách nhau chỉ chừng một chục bộ. Bá tước rít lên một tiếng còi lanh lảnh; nghe tiếng còi con gấu đứng lên ngay trên đôi chân sau. Đây chính là lúc Bá tước chờ đợi. Ông lao vào con thú đang giơ hai chân trước chồm lên, nhưng ngay trước khi nó có thì giờ ôm chặt vào người, nó kêu lên một tiếng đau đớn, lùi ba bước, lảo đảo như người say và ngả xuống chết. Lưỡi dao đâm thấu tim nó.
Tôi chạy đến chỗ Bá tước hỏi xem ông có bị thương tích gì không, ông bình tĩnh, lạnh lùng như vừa cắt đùi một con sóc. Tôi không hiểu gì về sự can đảm ấy; chỉ chứng kiến cuộc đấu ấy mà đã run cả người.
- Ông hãy xem xét nên làm thế nào để săn một con gấu – Bá tước bảo tôi – Cũng chẳng khó khăn gì lắm. Hãy giúp tôi lật con thú, tôi để lưỡi dao ở chỗ đâm nó để dạy cho ông một bài học.
Con gấu đã chết hẳn. Chúng tôi vần nó thật nặng nề vì nó cũng đến bốn trăm ký lô, và là loại gấu đen to lớn. Lưỡi dao găm đâm vào ngực đến tận cán. Bá tước rút ra, nhúng lưỡi vào tuyết hai ba lần để rửa sạch. Trong lúc ấy chúng tôi lại nghe tiếng kêu, thấy qua cành lá người săn bên trái ông De Nariskine đang quần nhau với một con gấu. Cuộc đấu hơi lâu nhưng cuối cùng con thú cũng ngã xuống như con thứ nhất.
Chiến thắng đồng thời ấy làm tôi phấn khích, máu nóng trong người xua tan mọi sợ hãi. Tôi cảm thấy mạnh như Hercule và mong muốn được thử thách.
Cơ hội không phải chờ lâu. Chúng tôi vừa đi qua chỗ xác hai con gấu vài trăm bước chân, tôi nghi trông thấy phần trên một con gấu chưa ra khỏi hang giữa hai tảng đá. Để xác định chính xác, tôi mạnh dạn ném một mảnh sắt. Bằng chứng đã rõ ràng; con gấu nhe hai hàm răng trắng như tuyết, gầm lên một tiếng. Nghe tiếng gầm, người bên phải bên trái tôi dừng lại, nắm sẵn súng cạc bin phòng giúp tôi khi cần thiết vì họ thấy con gấu này dành cho tôi.
Thấy họ nắm súng, tôi nghĩ nên sử dụng súng của mình, vả lại tôi tin tưởng vào khẩu súng hơn lưỡi dao. Tôi dắt dao vào thắt lưng, cầm súng, lấy hết can đảm nhắm vào con thú. Nó cũng không động đậy và đến khi đầu nòng súng chĩa đúng vào con gấu, tôi bóp cò, viên đạn bay đi.
Cùng lúc ấy vang lên một tiếng gầm lớn, con gấu đứng lên, vung vẩy một chân trước còn chân kia gẫy từ vai, lòng thòng theo thân hình. Đồng thời tôi nghe hai người bên cạnh hô lớn "Cẩn thận!" Con gấu như tỉnh lại sau phút kinh hoàng ban đầu, lao thẳng vào tôi nhanh đến nỗi tôi chỉ kịp rút dao găm ra. Con vật hung dữ chồm vào trước mặt tôi, miệng đầy máu. Tôi dùng hết sức đâm một phát ghê gớm nhưng gặp phải xương sườn, con dao chệch đi, cảm thấy chân nó như một quả núi đặt lên vai, tôi nắm chặt hai tay vào cổ nó theo bản năng và ra sức đẩy mặt nó ra xa khỏi mình. Hai phát súng vang lên. Tôi nghe đạn rít và một tiếng đập mạnh. Con gấu kêu thét lên đau đớn và đổ sập vào người tôi. Tôi dỗn sức đỡ và nhảy sang một bên, thoát nạn. Tôi đứng ngay dậy, tư thế tự vệ nhưng vô ích, con gấu đã chết, bị một viên đạn của Bá tước Alexis sau tai và một viên đạn khác của người thợ săn vào vai. Còn tôi người dính đầy máu nhưng không có một vết thương nào.
Mọi người chạy tới vì biết tôi đối mặt với một con gấu, ai cũng sợ tôi gặp điều chẳng lành. Thấy tôi đứng vững bên cạnh kẻ thù đã chết, ai cũng mừng.
Chiến thắng của tôi tuy có phần chia xẻ nhưng không ít vinh dự vì không đến nỗi quá kém đối với một người mới tham dự lần đầu. Con gấu bị gãy vai vì viên đạn của tôi và ngọn dao tuy có chệch đường nhưng cũng đã đâm lên đến họng của nó; vậy là tay tôi dù ở xa hay gần đều không run.
Hai con gấu khác được nhận thấy trong vùng rào đã vượt qua những người thợ săn và nhạc công đứng chặn, cuộc săn thế là kết thúc. Người ta kéo xác gấu ra tận đường, lột da rồi cắt bốn chân được xem là phần ngon nhất sử dụng trong bữa ăn tối.
Chúng tôi trở về lâu đài trong chiến tích. Mỗi người trở về phòng mình tắm nước thơm và suốt nửa ngày nằm trong chăn đệm ấm không phải làm một việc gì. Rồi chuông báo giờ xuống phòng ăn.
Bữa tối thịnh soạn không kém gì hôm qua, món cá tầm được thay thế bằng chân gấu. Chính những người thợ săn chuẩn bị không có bàn tay của người đầu bếp, nướng trong lò than hồng đào dưới đất và không gia giảm gì. Khi nhìn thấy loại than biến dạng, đen thui ấy, tôi cảm thấy không thích lắm món thức ăn này. Người ta vẫn chuyển một chân gấu cho tôi như những người khác, quyết định theo gương đến cùng, tôi dùng đầu nhọn con dao ăn gỡ lớp vỏ cháy bên ngoài, bên trong là một lớp thịt hoàn toàn chín. Đây là một trong những loại thức ăn ngon ngọt nhất.
Trở lại chiếc xe trượt tuyết của mình, tôi thấy tấm da con gấu của tôi mà ông De Nariskine lịch sự cho mang tới.
Nguồn: http://vnthuquan.org/