1/4/13

Người thầy dạy đánh kiếm (C6-8)

Chương 6

Đại quận công Constantin, em trai Hoàng đế Alexandre và anh trai Đại quận công Nicolas, không có sự lễ độ đáng mến của ông anh cũng như không có phẩm cách lạnh lùng, bình tĩnh của ông em, có vẻ thừa hưởng hoàn toàn những đức tính và những tính chất lạ lùng của bố, còn hai anh em kia tiếp thu của mẹ là nữ hoàng Catherine, Alexandre về tấm lòng, Nicolas về đầu óc, cả hai thể hiện sự lớn lao vương giả mà tổ mẫu của họ lập nên.

Catherine trông nom cả lớp hậu duệ đẹp đẽ và đông đúc ấy. Từ đầu bà đã chú ý đến hai người anh và theo tên thánh của họ, đặt tên một người là Alexandre, người kia là Constantin, hình như bà đã phân chia thế giới cho họ. Ý nghĩ của bà sâu sắc đến mức bà đã cho vẽ cả ảnh của họ lúc còn rất bé. Một người tàn nhẫn chấm dứt cuộc khủng hoảng tình hình, người kia giơ cao cờ lệnh. Thêm vào đó bà tự đặt kế hoạch dậy dỗ họ nhằm thực hiện những ý tưởng lớn ấy. Do đó Constantin được dành cho vương quốc phương Đông chỉ có những vú nuôi và thầy dạy người Hy lạp, Alexandre dành cho vương quốc phía Tây, xung quanh mình là người Anh. Thầy giáo chung của hai anh em là một người Thuỵ sĩ tên là Laharpe, anh em họ của vị tướng dũng cảm Laharpe phục vụ mặt trận Ý theo lệnh của Bonaparte. Nhưng những bài học của ông thầy đáng kính ấy không được hai học trò tiếp thu thoải mái như nhau và tuy việc gieo hạt là một nhưng sản sinh ra hoa quả khác nhau, vì một bên rơi vào mảnh đất chuẩn bị tốt và khoáng đãng, còn bên kia rơi trên mảnh đất hoang dã. Trong khi Alexandre, mười hai tuổi, trả lời Graft, ông thầy dạy môn Lý thực nghiệm rằng ánh sáng là sự tóat ra liên tục của mặt trời "Điều ấy không thể được vì mặt trời như thế sẽ càng ngày càng bé đi", thì Constantin trả lời Saken, khi người giám thị riêng mời tập đọc "Tôi không muốn tập đọc vì tôi thấy bao giờ ông cũng đọc nhưng càng ngày ông càng đần độn hơn".

Tính tình và trí óc của hai cậu bé nằm hoàn toàn trong hai câu trả lời ấy.

Bù lại, Constantin càng ghét những môn khoa học lại càng thích những buổi tập quân sự. Làm vũ khí, cưỡi ngựa, tổ chức những buổi hành quân, đối với cậu là những hiểu biết có ích cho một hoàng tử hơn môn vẽ, thực vật học, khí tượng học. Cậu say mê môn quân sự đến mức trong đêm tân hôn cậu dậy lúc năm giờ sáng để bố trí diễn tập một tiểu đội lính gác cho dinh thự của mình.

Việc nước Nga cắt đứt liên hệ với nước Pháp tạo điều kiện cho sở thích của Constantin. Được gởi sang nước Ý dưới sự chỉ huy của thống chế Sourovov nhằm hoàn chỉnh việc học tập quân sự, cậu tham gia vào những chiến thắng của ông ở Mexio và trận thất bại trong núi Alpes. Một người thầy như vậy, ít nhất cũng nổi tiếng về những kỳ cục cũng như lòng can đảm, đã được chọn sai để cải tạo những đặc tính tự nhiên của Constantin. Kết quả là những đặc tính ấy thay vì mất đi, đã phát triển thêm một cách kỳ lạ và hơn một lần người ta tự hỏi tại sao Đại quận công trẻ giống bố đến nỗi giống như ông, cũng hơi bị điên rồ.

Sau chiến dịch nước Pháp và hiệp ước Vienne, Constantin được phong làm Phó vương Ba Lan. Đứng đầu một dân tộc chinh chiến, sở thích quân sự tăng lên gấp đôi, và không còn những trận đánh thật sự, đẫm máu ông vừa tham gia, thì những cuộc thao diễn quân sự, duyệt binh, những hình thức chiến trận ấy là giải trí duy nhất của ông. Mùa đông cũng như mùa hè, dù ở lâu đài Buhle gần công viên Saxe, hay ở lâu đài Belvedère, ba giờ sáng ông đã dậy, mặc quân phục vào và không một người hầu nào giúp ông tắm rửa bao giờ. Ngồi vào một chiếc bàn đầy những danh mục các trung đoàn và mệnh lệnh quân sự, trong một gian phòng mỗi bức tranh vẽ một bộ quần áo của trung đoàn, ông đọc lại các báo cáo của Đại tá Axamilovski hoặc cảnh sát trưởng Lubovidski đưa tới hôm trước, xác nhận hoặc phản bác, nhưng luôn thêm vào vài lời nhận xét. Công việc ấy kéo dài đến chín giờ sáng. Ông ăn vội bữa sáng nhhư một người lính rồi bước xuống quảng trường Saxe. Ở đây thường có hai trung đoàn bộ binh hoặc một đội kỵ binh chờ ông. Khi ông xuất hiện, quân nhạc tấu chào bằng bài quân hành ca Chúa Trời hãy cúu nhà vua, do Kurpinski sáng tác. Cuộc diễu binh bắt đầu ngay. Các tiểu đội diễu hành khoảng cách đều đặn, chính xác. Họ thường mặc quân phục màu xanh như những người đi săn. Trong khi hoàng tử Nga đội chiếc mũ cắm lông gà, một bên cong xuống cầu vai trái, còn bên kia chĩa lên trời. Dưới vầng trán hẹp có những vết nhăn sâu chứng tỏ ông là người luôn luôn bận bịu, đôi lông mày dài rậm không để lộ cặp mắt xanh. Tầm nhìn đặc biệt nhanh nhẹn với chiếc mũi nhỏ, làn môi dưới nhô ra phác hoạ điều gì đó rất hoang dã, ở đầu trên chiếc cổ rất ngắn, chúi về phía trước như dựa vào đôi cầu vai. Nghe thấy tiếng nhạc, nhìn thấy những người mình đào tạo bước đều đặn, tất cả đều tác động đến ông, như một loại cơn sốt làm ông đỏ bừng mặt. Đôi tay co lại, ép chặt vào người và bàn tay nắm chặt doãng ra trong lúc đôi chân luôn hoạt động đập nhịp và với giọng nói yết hầu nhấn mạnh mệnh lệnh, thỉnh thoảng phát ra những tiếng khàn khàn, đứt quãng, không thuộc về tiếng người những khi tỏ ra thoả mãn nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp như ý muốn, hoặc trong lúc giận dữ nếu có gì trái với kỷ luật. Trường hợp sau bao giờ cũng bị trừng phạt ghê gớm. Lỗi nhỏ nhất cũng đưa người lính vào tù và sĩ quan bị mất chức. Thái độ nghiêm khắc ấy không hạn chế đối với người mà mở rộng cho tất cả, thậm chí cho cả động vật nữa. Một hôm ông cho treo cổ một con khỉ trong chuồng vì làm ồn ào, một con ngựa bước sai vì có lúc ông thả dây cương phải nhận đến hàng nghìn gậy và cuối cùng một con chó sủa to làm ông tỉnh dậy trong đêm và bị bắn chết.

Khi vui vẻ ông cũng không kém phần dã man như trong lúc nổi giận. Ông cúi người vui vẻ phá lên cười, xoa tay và hai chân lần lượt dẫm mạnh xuống đất. Trong lúc đó, gặp đứa trẻ nào, ông cũng xoay đi xoay lại nó về các phía, bảo nó ôm hôn mình, véo tai, véo mũi, cuối cùng bỏ vào tay nó một đồng vàng và đuổi đi. Ông cũng có những giờ không vui, không nổi giận mà hoàn toàn là những giờ mệt mỏi và buồn chán. Lúc ấy, yếu đuối như một người đàn bà, ông rên rỉ, nằm còng queo trên đi văng hoặc trên sàn nhà. Chẳng ai dám lại gần ông. Những khi đó, người ta mở cửa sổ và cửa ra vào phòng ông, một người đàn bà tóc vàng, hơi xanh, người thon thả, thường mặc một chiếc áo dài trắng và thắt lưng xanh đi qua như chợt xuất hiện. Thấy bà, Hoàng thân như gặp một tác động ma thuật, tâm trí hưng phấn, khóc nức nở. Cơn thần kinh qua đi, người đàn bà lại ngồi bên cạnh, ông gối đầu lên đùi bà, thiếp ngủ và tỉnh dậy là khỏi hẳn. Người đàn bà ấy là Jeannette Grudzenska, thần hộ mệnh của Ba Lan.

Một hôm khi còn rất bé, trong lúc cầu nguyện ở nhà thờ chính quốc trước hình ảnh Đức Bà, một vòng hoa những người bất tử đặt dưới bức tranh rơi xuống đầu bà, người Cô dắc Ukraine già được xem như nhà tiên tri qua sự kiện ấy đã nói với bố bà, vòng hoa thánh ấy rơi từ trời xuống, là điềm báo dành cho bà trên mặt đất. Ông bố và con gái đều đã quên lời tiên đoán hay đúng hơn chỉ nhớ đến như một giấc mộng cho đến lúc Jeannette gặp Constantin.

Con người nửa hoang dã, với những niềm say mê cháy bỏng bỗng trở nên dè dặt như một đứa trẻ. Người mà không gì chống lại được mà chỉ một tiếng nói chi phối mạng sống những người bố và danh dự những đứa con gái, đến rụt rè hỏi xin ông già cho cưới Jeannette, khẩn cầu ông đừng từ chối một điều lành mà không có nó mình không còn hạnh phúc trên đời này. Ông già chợt nhớ lại lời tiên đoán của người Cô dắc, thấy yêu cầu của Constantin là việc thực hiện ý Trời và cho rằng mình không có quyền chống đối. Đại quận công vậy là được sự đồng ý của ông và con gái ông, chỉ còn sự thoả thuận của Hoàng đế, được mua bằng nhượng địa.

Con người kỳ lạ ấy, con người không ai đoán nổi, giống như thần Jupiter oai nghiêm làm rung động cả một dân tộc khi chau mày, vì con tim một cô gái trẻ, đã cho ông anh cả phương Đông và phương Tây, nghĩa là một vương quốc bao gồm một phần bảy trái đất với năm mươi ba triệu dân và sáu biển vây quanh.

Đổi lại Jeannette Grudzenska được Alexandre phong cho làm quận chúa Lovicz.

Đây là con người tôi sắp đối mặt. Người ta nói ông vừa ngấm ngầm đến Saint-Peterbourg vì phát hiện ở Varsovie những đường dây một cuộc mưu phản trên toàn nước Nga, nhưng những đường dây ấy tự bẻ gãy trong tay ông vì sự im lặng ngoan cố của hai thành viên ông đã cho bắt giữ. Hoàn cảnh đó rất ít thuận lợi cho việc đi nêu ra một lời cầu xin phù phiếm như của tôi.

Tôi vẫn quyết định chạy theo cơ may được tiếp kiến mặc dù có vẻ không ít kỳ cục. Sáng hôm sau tôi thuê một chiếc xe ngựa đi Strelna, cầm bức thư gởi tướng Rodna, tuỳ tùng của Hoàng thân và đơn thỉnh cầu Hoàng đế. Sau hai giờ đi trên một con đường rất đẹp, bên trái là những ngôi nhà nông thôn, bên phải những cánh đồng trải dài đến vịnh Phần Lan, chúng tôi đến tu viện Saint Serge, đất thánh được tôn kính nhất của Alexandre Nevski và mười phút sau vào tới làng. Đoạn giữa Đường Lớn và gần trạm, chúng tôi quay sang phải, mấy giâu sau thì tôi đứng trước lâu đài. Lính gác ngăn tôi lại, tôi đưa ra bức thư chuyển cho ông De Rodna và người ta để cho tôi đi qua.

Tôi bước lên tam cấp, vào tiền sảnh. Ông De Rodna đang làm việc với Hoàng thân. Người ta bảo tôi chờ ở phòng khách, cửa phòng nhìn ra những khu vườn đẹp có con kênh chạy thẳng ra biển, trong lúc một sĩ quan cầm bức thư của tôi đi, một lát sau viên sĩ quan ấy trở lại và bảo tôi vào.

Hoàng thân đứng tựa vào lò sưởi và tuy mới cuối tháng chín nhưng thời tiết bắt đầu lạnh, ông đang đọc cho xong bức công điện cho ông De Rodna ngồi viết. Tôi không ngờ được đưa vào nhanh thế nên dừng lại ở ngưỡng cửa, ngạc nhiên không ngờ được gặp mặt ông quá nhanh. Cánh cửa vừa khép lại, ông đưa đầu ra phía trước, không một cử động thân hình và đôi mắt xoi mói nhìn vào tôi.

- Người nước nào? – ông hỏi.

- Nước Pháp, thưa điện hạ.

- Anh bao nhiêu tuổi?

- Hai mươi sáu.

- Tên gì?

- G…

- Chính anh muốn nhận được một chứng chỉ thầy dạy đánh kiếm trong một trung đoàn của Hoàng đế anh tôi?

- Đấy là mục đích toàn bộ tham vọng của tôi.

- Anh bảo anh là người có sức mạnh hàng đầu?

- Tôi xin Điện hạ thứ lỗi về điều đó, tôi không nói như thế vì không phải tôi nói điều ấy.

- Không, nhưng anh nghĩ thế.

- Điện hạ biết tính tự phụ là tật xấu nổi trội của loài người khốn khổ; vả lại tôi có tổ chức một cuộc đấu. Xin Điện hạ hãy hỏi xem.

- Tôi biết việc gì đã xảy ra, nhưng anh chỉ đấu với kẻ không chuyên với sức lực loại hai.

- Vì thế tôi đã gượng nhẹ đôi với họ.

- A! Anh đã gượng nhẹ, nếu không gượng nhẹ họ thì sẽ ra sao nhỉ?

- Tôi sẽ đâm trúng họ mười lần trong khi họ chỉ đâm nổi tôi hai lần.

- A! A!...Như vậy, thí dụ với tôi anh sẽ đâm mười lần chống với hai lần?

- Cái đó cũng còn tuỳ.

- Thế nào? Cũng tuỳ?

- Vâng, tuỳ theo Điện hạ muốn tôi đối xử ra sao. Nếu Điện hạ bắt tôi đối xử với tư cách Hoàng thân, chính Ngài đâm trúng tôi mười lần và tôi chỉ đâm trúng ngài có hai lần; nếu Điện hạ cho phép tôi đối xử như mọi người, lúc ấy chắc tôi chỉ bị đâm hai lần và ngài sẽ bị mười lần.

- Lubenski – Hoàng thân xoa tay kêu lên – Lubenski, đưa kiếm cho tôi. A! A! Ông khoác lác, chúng ta xem nào!

- Điện hạ cho phép thế nào?

- Điện hạ tôi không cho phép, Điện hạ tôi muốn anh đâm trúng mười lần, anh không lùi bước chứ?

- Khi tôi đến lâu đài Strlna thì là để phục vụ Điện hạ. Xin ngài ra lệnh.

- Thế thì cầm cây kiếm, đeo mặt nạ này, chúng ta thử xem.

- Đấy là do Điện hạ buộc tôi.

- Đúng! Trăm lần, nghìn lần, triệu lần đúng!

- Tôi sẵn sàng.

- Phải đâm trúng tôi mười lần, anh nghe rõ chứ? – hoàng thân nói và bắt đầu tấn công tôi – mười lần, không thiếu một. Tôi không nhân nhượng anh một lần nào đâu. Ha! Ha!

Mặc dù Hoàng thân nói thế, tôi chỉ đỡ gạt, thậm chí không đánh lại lần nào.

- Thế nào? – ông nóng nảy kêu lên – tôi nghĩ anh gượng nhẹ đôi với tôi. Coi chừng. Coi chừng. Ha! Ha!

Qua tấm mặt nạ tôi thấy mặt ông đỏ lên, đôi mắt vằn tia máu.

- Sao? Những mười cú ấy đâu?

- Thưa Điện hạ, việc tôn kính…

- Vứt cái tôn kính ấy đi và cứ đâm, đâm!

Tôi sử dụng ngay sự cho phép, đâm trúng ông ba lần liền.

- Tốt đấy! Tốt! – ông kêu lên – Đến lượt tôi. Này, Ha! Trúng, trúng…

- Đúng thế, tôi nghĩ Điện hạ không gượng nhẹ tôi và tôi phải thanh toán với ngài.

- Thanh toán đi. Ha! Ha!

Tôi đâm trúng ông bốn lần nữa và trong lúc đánh trả ông cũng đâm trúng tôi.

- Trúng! Trúng! – ông vui mừng kêu lên và nói với ông Rodna – anh thấy tôi đâm trúng anh ta hai lần trên bảy.

- Hai lần trên mười, thưa Điện hạ - tôi nói và tấn công ông – Tám…chín…mười…Thế là chúng ta xong nợ.

- Tốt! Tốt! – Hoàng thân kêu lên – tốt nhưng học đánh kiếm không chưa đủ, anh nghĩ kỵ binh của tôi sử dụng nó làm việc gì? Phải dùng gươm. Anh đánh gươm được chứ?

- Cũng gần như đánh kiếm ạ.

- Thế à? Anh có dùng gươm, đứng dưới đất chống nổi một người cưỡi ngựa sử dụng một ngọn giáo không?

- Tôi nghĩ được, thưa Điện hạ.

- Anh nghĩ, anh không chắc chắn…A! A! Không chắc chắn?

- Vậy thì thưa Điện hạ, tôi chắc chắn.

- A! Anh chắc chắn tự bảo vệ được?

- Vâng, thưa Điện hạ.

- Anh gạt đỡ được một cú đâm bằng giáo?

- Tôi gạt được.

- Chống lại một người cưỡi ngựa?

- Chống lại một người cưỡi ngựa.

- Lubenski! Lubenski! – Hoàng thân lại gọi

Viên sĩ quan lại có mặt.

- Đem lại cho tôi một con ngựa, một ngọn giáo, anh nghe rõ chứ? Nhanh lên! Nhanh lên!

- Nhưng thưa Điện hạ….

- A! Anh lùi bước! A! A!

- Tôi không lùi, thưa Điện hạ, và chống lại bất kỳ người nào khác ngoại trừ Điện hạ, mọi thử thách chỉ là một trò chơi.

- Thế chống lại tôi thì sao?

- Chống lại Điện hạ tôi sợ cả thắng và bại, tôi sợ nếu tôi thắng, ngài có thể quên chính ngài đã ra lệnh….

- Tôi không quên gì cả, vả lại có Rodna đây, tôi ra lệnh cho anh trước mặt ông ta và ra lệnh cho anh xử sự với tôi cũng như xử sự với ông ấy.

- Cũng xin lưu ý với Điện hạ tôi không được thoải mái lắm vì tôi xử sự với Điện hạ vẫn rất tôn kính.

- Nịnh bợ! Kẻ nịnh bợ tồi. Anh tưởng lấy được lòng tôi là tốt, nhưng không ai gây ảnh hưởng với tôi được, tôi tự phán xét, anh nghe rõ chứ? Anh đã thắng lần đầu, chúng ta sẽ xem anh có kết quả tốt ở lần thứ hai không.

Trong lúc ấy viên sĩ quan xuất hiện trước cửa sổ, dắt một con ngựa, tay cầm một ngọn giáo.

- Tốt! – Constantin tiếp tục nói và lao ra ngoài – Ra đây! Còn anh, Lubenski, đưa cho anh ta một thanh gươm tốt, vừa tay, một thanh gươm kỵ sĩ. A! A! Xem nào! Vào tư thế sẵn sàng đi, ông thầy dạy đánh kiếm. Tôi chỉ gọi anh như thế hoặc tống đi như những tay bât tài trong quân đội Rodna đấy, là người cuối cùng, đã sống ba ngày với một vết thương xuyên người.

Nói rồi Constantin nhảy lên lưng ngựa, một đứa con hoang dã của đồng cỏ, bờm và đuôi quét đất. Ông quần ngựa, múa giáo với sự thành thạo nổi bật. Trong lúc đó người ta mang lại cho tôi ba bốn thanh gươm mời chọn. Tôi giơ tay lấy một thanh bất kỳ.

- Được đấy! Anh sẵn sàng chưa? – Hoàng thân kêu lên.

- Rồi, thưa Điện hạ.

Ông bèn phi ngựa nước đại tới đầu kia con đường. Tôi hỏi ông Rodna:

- Chắc là một trò đùa chứ?

- Ngược lại, không có gì nghiêm túc hơn – ông ta trả lời – đây là mạng sống hoặc vị trí của ông. Ông hãy đề phòng như trong một trận đánh, tôi chỉ có điều ấy để nói với ông.

Sự việc trở thành nghiêm túc hơn tôi nghĩ, nếu chỉ để tự vệ và đánh trả, tôi có thể gặp may, nhưng ở đây khác hẳn. Với cuộc đấu gươm và giáo sắc, trò đùa trở thành nghiêm trọng. Dù sao, tôi đã nhúng tay vào, không lùi được nữa! Tôi dựa vào thành thạo, dũng cảm, đối mặt với vị Hoàng thân ngỗ ngược.

Ông đã đến đầu đường và quay ngựa lại. Dù đã nghe lời ông De Rodna nói thế, tôi vẫn hy vọng đây chỉ là một trò chơi thì nghe thấy ông gọi một lần cuối "Anh đã sẵn sàng chưa?" và giơ ngọn giáo ra phía sau, phi ngựa nước đại. Chỉ lúc ấy tôi mới xác định phải bảo vệ mạng sống của mình và thủ thế.

Con ngựa lao vút trên đường, Hoàng thân nằm trên lưng ngựa, khuất sau bờm ngựa đang phất phơ theo gió, tôi chỉ thấy đầu ông giữa hai tai con vật. Đến chỗ tôi, ông cố đâm ngọn giáo vào giữa ngực tôi nhưng tôi gặt băng với ngón đỡ quãng ba và nhảy sang bên cạnh để con ngựa và người kỵ sĩ theo đà chạy, đi qua luôn không làm hại đến tôi. Thấy cú đâm hụt, Hoàng thân dừng ngay ngựa lại một cách khéo léo tuyệt vời.

- Tốt lắm! Tốt lắm! Chúng ta làm lại.

Và không để thì giờ cho tôi nhận xét gì, ông cho quay ngựa lại trên chân sau, vượt tới và vừa hỏi tôi đã sẵn sàng chưa vừa trở lại, quyết liệt hơn lần đầu. Cũng như lần trước, tôi chăm chú nhìn, không bỏ sót một cử động nào của ông. Nắm thời cơ, tôi gạt ngọn giáo theo ngón quãng bốn và nhảy một bước sang phải, người và ngựa lại lướt qua bên cạnh tôi không có hiệu quả như lần trước.

Hoàng thân gầm lên một tiếng. Ông xem cuộc đấu sức này như một trận đánh nhau thật, muốn kết thúc với vinh quang cho mình. Vì vậy lúc tôi tưởng đã xong thì tôi thấy ông chuẩn bị cho cuộc tấn công thứ ba. Lần này thấy chuyện đùa đã kéo quá dài, tôi quyết định sẽ là đòn cuối cùng.

Thật vậy, lúc thấy ông sắp đâm, thay vì gạt đi, tôi chém mạnh vào ngọn giáo gãy đôi làm cho Hoàng thân không còn vũ khí và giật dây cương, lần này đến lượt tôi kìm mạnh đến nỗi con ngựa khuỵu xuống chân sau, đồng thời tôi đưa lưỡi gươm vào ngực Hoàng thân. Tướng Rodna thét lên một tiếng khủng khiếp, nghĩ tôi sẽ giết chết ông ta. Constantin chắc cũng tưởng thế vì tôi thấy ông ta tái mặt. Nhưng tôi nhảy lùi một bước và cúi mình trước mặt Đại Quận công:

- Thế đấy thưa Điện hạ, tôi có thể chứng tỏ với quân lính của ngài như vậy nếu như ngài thấy tôi xứng đáng là thầydạy của họ.

- Đúng! Nghìn lần quái quỷ! Anh xứng đáng và anh sẽ có một trung đoàn làm mất tên tuổi tôi…Lubenski! Lubenski! – ông tiếp tục vừa gọi vừa nhảy xuống ngựa – Dẫn ngựa về chuồng. Còn anh, vào đây tôi sẽ nhận xét vào đơn thỉnh cầu của anh.

Tôi theo Đại Quận công vào phòng khách. Tại đây ông lấy bút ghi vào dưới lá đơn của tôi:

"Tôi xin kính cẩn giới thiệu với Hoàng đế người có tên này, vì nghĩ rằng anh ta hoàn toàn xứng đáng được gia ân như lời khẩn cứu".

- Và bây giờ - ông bảo tôi – cầm lá đơn này đưa trực tiếp cho Hoàng đế. Nếu anh trực tiếp trình bày thì cũng rất có thể vào tù đấy; nhưng theo tôi không mạo hiểm thì chẳng có gì. Vĩnh biệt, nếu có lúc nào đến Varsovie thì ghé thăm tôi.

Tôi nghiêng mình, vui sướng vì đã đạt được kết quả như thế và trở lại trên xe về Saint-Peterbourg mang theo lời nhận xét đầy quyền lực.

Buổi tối tôi đến cám ơn Bá tước Alexis về lời khuyên của ông tuy suýt làm tôi phải trả giá đắt. Tôi kể lại những gì xảy ra làm Louise rất sợ hãi và mười giờ sáng hôm sau tôi đi Tsarskoï Selo, nơi ở của Hoàng đế, định đi dạo chơi trong những khu vườn của ngài cho đến khi gặp Người, và có nguy cơ bị cầm tù, điều mọi người trình bày thỉnh cầu đều có thể trải qua.

Chương 7

Hoàng cung Tsarskoï Selo chỉ cách Saint-Peterbourg ba bốn dặm nhưng đường đi khác hẳn con đường tôi tới Strelna hôm trước. Không còn những biệt thự xinh đẹp và những mảng rộng trông ra vịnh Phần Lan nữa, đây là những cánh đồng màu mỡ và những đồng cỏ xanh tươi tốt mới cách đây mấy năm còn là những đám dương xỉ to rậm phát triển từ khi khai thiên lập địa.

Sau một giờ đi đường, vượt qua khu kiều dân Đức, tôi đi ngang qua một dãy đồi, và trên đỉnh một ngọn đồi, tôi bắt đầu nhận thấy cây cối, những cột tháp và vòm dát vàng của ngôi nhà nguyện báo hiệu đã đến chỗ ở của nhà vua.

Hoàng cung Starskoï Selo được xây dựng ngay chỗ trước đây là mái nhà tranh của một bà già người Hà Lan tên là Sara, nơi trước đây Pierre Đệ Nhất có thói quen đến uống sữa. Bà nông dân khốn khổ chết và Pierre thích ngôi nhà vì từ cửa sổ trông ra chân trời rất đẹp, ông tặng cho Catherine ngôi nhà và vùng đất bao quanh làm trang trại. Catherine gọi một kiến trúc sư làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh, nghĩa là xây ở đó một lâu đài.

Mặc dù chỗ ở đó đã khá xa so với nguồn gốc trước đây thì dưới con mắt của Elisabeth nó vẫn không lớn lao và hài hoà với quyền lực của một Nữ hoàng Nga, bà cho phá huỷ lâu đài của bố và theo hình vẽ của Bá tước Rastreti, xây dựng một lâu đài thật đẹp. Nhà kiến trúc sư quý tộc nghe nói Versailles là một công trình tráng lệ, ông muốn xây dựng một lâu đài vượt trội hơn. Và khi nghe được tin đồn rằng bên trong lâu đài của một nhà vua vĩ đại, mọi thứ phải dát vàng, ông làm quá lên, cho tắm vàng lên nền tảng bên ngoài của Tsarskoï Selo, những đường rãnh, đường viền, tượng, cho đến mái nhà. Công trình hoàn thành, Elisabeth chọn một ngày lành mời triều thần cùng đại sứ những nước lớn đến khánh thành trạm nghỉ chân chóang lộn của bà. Thấy công trình đẹp đẽ, dù bố trí kỳ cục, ai cũng ca ngợi, cho nó là kỳ quan thứ tám của thế giới, trừ Hầu tước La Chetardie, đại sứ nước Pháp, không nói một tiếng, chỉ nhìn ngó xung quanh mình. Hơi tự ái về sự lơ đãng ấy, Nữ hoàng hỏi ông tìm kiếm gì.

- Tôi tìm, thưa Bà – vị đại sứ lạnh lùng trả lời – tôi đang tìm chiếc hộp đựng món đồ chơi đẹp đẽ này.

Thời kỳ ấy người ta vào Viện hàn lâm với một bài thơ bốn câu và bất tử về một lời nói đúng. Vì vậy ông De La Chetardie tồn tại mãi ở Saint-Peterbourg.

Không may, kiến trúc sư xây dựng cho mùa hè mà quên mất mùa đông. Mùa xuân tiếp theo phải sửa chữa những vật tắm vàng ấy và do mùa đông nào cũng hư hỏng, mùa xuân nào cũng phải sửa chữa, Catherine II quyết định thay kim loại bằng một loại vec ni màu vàng bình thường, mái nhà được sơn màu xanh dịu theo phong tục của Saint-Peterbourg. Tiếng đồn về sự thay đổi ấy vừa lan ra thì một tay đầu cơ đến gặp Catherine xin trả giá hai trăm bốn mươi nghìn livres cho tất cả những tấm vàng ấy. Catherine trả lời cám ơn, không bán những vật dụng cũ.

Giữa những chiến thắng, tình yêu, hành trình, Catherine không ngừng chăm sóc dinh cơ ưa thích của mình. Bà xây dựng cho người cháu trưởng lâu đài nhỏ Alexandre cách hoàng cung một trăm bước chân, cho kiến sư Bush vẽ nhiều khu vườn rộng chỉ thiếu nước. Ông Bush cho xây dựng không ít kênh, mương, thác và hồ, và tin chắc khi đã là Catherine vĩ đại, khi muốn có nước là nước sẽ đến. Thật vậy, người kế nhiệm, ông Bauer, phát hiện thấy ông Demindoff gần đấy có một cánh đồng rất đẹp, thừa nước mà nhà vua không đủ dùng. Ông trình bày nạn khô hạn của những khu vườn hoàng cung và ông Demindoff, nhân danh thần dân tận tuỵ, đã chuyển phần nước thừa ngay sang cho Catherine. Ngay lập tức, mặc dù có những trở ngại, người ta thấy nước chảy đến từ các phía, tràn ra khỏi hồ, phun lên thành tia, đổ xuống thành thác. Việc ấy làm cho Nữ Hoàng Elizabeth phải nói:

- Chúng ta làm náo loạn cả châu Âu nhưng đừng gây gỗ với ông Demindoff.

Thật vậy, trong một lúc khó tính, ông có thể làm cho cả triều đình chết khát.

Được nuôi dậy ở Tsarskoï Selo, Alexandre thừa hưởng của bà nội tình cảm đối với tư dinh. Mọi kỷ niệm thời thơ ấu, nghĩa là quá khứ vàng son của cuộc đời ông gắn chặt với tư dinh này. Chính trên những bãi cỏ của lâu đài, ông đã đi những bước đầu tiên, những con đường ông tập lên ngựa, những chiếc hồ ông học làm thuỷ thủ. Vì vậy mới bắt đầu thời tiết tốt, ông chạy ngay đến Tsarskoï Selo, và chỉ rời khỏi nơi này khi tuyết bắt đầu rơi.

Chính tại Tsarskoï Selo tôi tới để đi theo ông, tự hứa phải gặp ông cho kỳ được.

Vì vậy sau một bữa sáng đơn sơ ăn vội ở khách sạn Phục Hưng, tôi vào trong công viên, tuy có lính gác nhưng ai cũng có thể vào đấy đi dạo. Trời bắt đầu lạnh nên công viên vắng người. Cũng có thể người ta hạn chế vào đây vì tôn trọng không muốn quấy rầy nhà vua. Tôi đã biết đôi khi ông đi dạo cả ngày ở đây, trên những con đường âm u nhất. Vì vậy tôi đi may rủi, bước lên phía trước và gần như tin chắc sau khi dò hỏi, sẽ gặp được ông. Vả lại tôi cho rằng dù không may thì tôi cũng không thiếu những thứ để giải trí và thoả trí tò mò.

Thật vậy, chẳng mấy chốc, tôi đụng phải một thị trấn Trung Hoa, một nhóm xinh xắn gồm mười lăm ngôi nhà, mỗi nhà có cửa ra vào, máy ướp lạnh và khu vườn dùng làm chỗ ở cho tuỳ tùng của Hoàng Đế. Ở giữa thị trấn là một ngôi nhà theo hình ngôi sao dùng làm nơi khiêu vũ và hoà nhạc, một căn phòng đầy cây xanh dùng làm văn phòng, bốn góc căn phòng ấy là bốn bức tượng quan lại to bằng người thật đang hút ống điếu. Một hôm vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm mươi tám của mình, Catherine dạo chơi trong vườn cùng triều thần, bước vào gian phòng ấy, ngạc nhiên thấy khói từ ống điếu toả ra, bốn viên quan lại duyên dáng quay đầu, liếc mắt nhìn bà. Catherine lại gần hơn để nhìn rõ hiện tượng ấy. Lúc ấy bốn viên quan lại bước xuống khỏi bệ, lại gần và quỳ xuống theo đúng nghi lễ Trung hoa, đọc những vần thơ ca tụng. Bốn quan lại ấy là Hoàng thân Ligne, ông De Ségur, ông De Conbenzl và ông Potemkine.

Tôi đã liên tiếp thăm đài tưởng niệm Grégoire Orloff, ngọn tháp người chiến thắng Schesma và động Pausilipe. Đã bốn tiếng đồng hồ lang thang trong khu vườn có những ao hồ, đồng bằng và rừng cây, tôi bắt đầu thất vọng vì không gặp được người mình đến tìm, thì lúc đi qua một con đường lớn, thì bỗng thấy một viên sĩ quan mặc áo choàng có đuôi chào tôi rồi tiếp tục đi trên một con đường nhánh. Phía sau tôi có một chàng trai làm vườn đang dãy cỏ; tôi hỏi anh viên sĩ quan nào mà lễ độ như vậy, anh ta trả lời "Hoàng đế đấy".

Tôi vội lao ngay vào một con đường cắt ngang con đường nhà vua đang đi dạo, vừa được tám mươi bước, tôi lại thấy Người và không còn đủ sức để đi thêm nữa.

Nhà vua dừng lại một lúc, thấy tôi vì tôn trọng không đến gần Người, bèn tiếp tục đi về phía tôi. Tôi đứng bên lề đường, tay cầm mũ chờ và trong lúc Người tiến bước, chân hơi khập khiễng vì một vết thương lúc đi du lịch trên sông Đông vừa kịp khép miệng, tôi nhận ra Người đã thay đổi rất nhiều kể từ lần tôi gặp ở Paris cách đây chín năm. Khuôn mặt Người trước kia cởi mở, vui vẻ đến thế, đã u ám vì một nỗi buồn bệnh hoạn, rõ ràng có thể nói một nỗi buồn sâu sắc đang giày vò Nhà vua. Tuy vậy nét mặt vẫn thể hiện sự khoan dung nên gần như tôi vững tâm trở lại và lúc Người đi qua, tôi bước lên một bước và nói:

- Tâu Bệ hạ.

- Ông đội mũ vào – Người bảo – Trời rất lạnh, không nên để đầu trần.

- Xin Bệ hạ cho phép…

- Đội mũ vào, ông đội mũ vào.

Và như thấy lòng tôn trọng ngăn cản tôi chấp hành lệnh ấy, một tay Người cầm chiếc mũ đội lên đầu tôi, tay kia nắm chắc tay tôi buộc tôi cứ giữ nguyên như thế. Sau khi thấy tôi không cưỡng lại, Người nói với tôi:

- Bây giờ ông cần gì ở ta?

- Tâu Bệ hạ, tôi mong Ngài nhận đơn thỉnh cầu này.

Tôi rút lá đơn trong túi ra, ngay lúc đó nét mặt Hoàng đế sa sầm.

- Ông theo đuổi ta ở đây, ông có biết ta rời Saint-Peterbourg là để tránh những đơn thỉnh cầu không?

- Có, thưa Bệ hạ - tôi trả lời – tôi không che giấu nỗi táo tợn trong việc làm này nhưng lá đơn này có lẽ hơn mọi đơn khác sẽ được Bệ hạ bao dung, lá đơn có lời nhận xét đề nghị.

- Do ai? – Hoàng đế ngắt lời ngay.

- Do người em cao cả của Bệ hạ, Đại Quận công Constantin.

- À! – Hoàng đế nói, đưa tay định cầm nhưng liền rụt lại.

- Vì thế - tôi nói – tôi hy vọng Bệ hạ châm chước thói quen, chiếu cố nhận lấy lá đơn này.

- Không, tôi không nhận đâu vì ngày mai người ta sẽ đưa tới hàng nghìn và ta buộc phải tránh khu vườn này vì không còn được ở một mình nữa.

Nhưng thấy nét mặt thất vọng của tôi, Người chỉ tay về phía nhà thờ Saint Sophie:

- Ông bỏ lá đơn của ông và hộp thư kia, ngày hôm nay ta sẽ xem và ba ngày sau ông sẽ được trả lời.

- Tâu Bệ hạ, xin đội ơn Bệ hạ.

- Ông có muốn chứng minh điều đó không?

- Ồ, Bệ hạ lại hỏi tôi điều ấy sao?

- Thế thì đừng nói với ai ông đã trình ta một lá đơn thỉnh cầu mà không bị trừng phạt. Chào ông.

Hoàng đế bước đi, để lại tôi sửng sốt vì lòng nhân hậu hơi buồn của Người. Tôi theo lời khuyên, bỏ lá đơn vào hộp thư. Ba ngày sau, như Người đã hứa, tôi được trả lời.

Đấy là chứng chỉ thầy dạy đánh kiếm của tôi trong đội công binh hoàng gia, với cấp bậc đại uý.

Chương 8

Kể từ thời điểm này, khi đã có vị trí tương đối ổn định, tôi quyết định rời khỏi khách sạn Londres và thuê nhà riêng. Kết quả là tôi chạy khắp thành phố. Trong những chuyến đi thăm dò này, tôi thật sự biết Saint-Peterbourg và dân cư ở đây.

Bá tước Alexis đã giữ lời hứa. Nhờ ông giúp ngay từ đầu tôi đã có được một câu lạc bộ học viên mà nếu không có giới thiệu của ông thì cả một năm quảng cáo tôi cũng không có nổi. Đấy là ông Narinski, người anh em họ của Hoàng Đế, ông Paul de Robrinski, cháu thừa nhận của Grégoire Orloff và Đại Nữ Hoàng, ông hoàng Traubetskoï , Đại tá trung đoàn Prébouvjenskoï , ông De Gorgoli, người đứng đầu ngành cảnh sát, nhiều quý tộc khác của các gia đình bậc nhất ở Saint-Peterbourg và cuối cùng là hai ba sĩ quan Ba Lan phục vụ quân đội Hoàng đế.

Một trong những điều làm tôi chú ý là quý tộc Nga lớn tiếp đãi tôi trong gia đình họ rất lễ độ, đức tính đầu tiên của dân tộc còn hiếm hoi tồn tại trong văn hóa của họ. Đúng là Hoàng đế Alexandre, ngài học theo cách của vua Louis XIV tặng cho sáu thầy dạy đánh kiếm lâu năm nhất ở Paris những giấy chứng nhận có giá trị truyền đời, xem việc đánh kiếm là một nghệ thuật chứ không phải là một nghề. Ngài đã chú ý đề cao nghề nghiệp của chúng tôi thông qua việc bổ nhiệm cho chúng tôi những cấp bậc khá cao trong quân đội. Ngoài ra tôi phải thừa nhận không ở nước nào tôi có thể tìm được như ở Saint-Peterbourg tình thân mật quý phái như vậy.

Việc người Nga tiếp đón thân mật làm tăng thêm niềm vui cho những người nước ngoài. Đặc biệt là những ngày sinh nhật và lễ hội trong năm, thêm vào đó là những buổi tiệc tùng vào mỗi dịp đặc biệt trong gia đình. Vì vậy, dù với một số người quen hạn chế, hiếm ngày mà tôi không dự hai ba bữa tiệc hoặc chừng ấy buổi khiêu vũ.

Ở Nga còn có một thuận lợi khác cho các thầy dạy: họ trở thành những người đồng bàn và như một thành viên trong gia đình. Một người thày sẽ có một vị trí giữa người bạn và người bà con, vị trí này chỉ mất đi nếu phạm phải lỗi lầm.

Đấy cũng là tình cảm mà một số học trò muốn đem đến cho tôi, trong số đó có người đứng đầu ngành cảnh sát, ông De Gorgoli. Ông là một trong số người quý phái nhất và có tấm lòng tốt nhất mà tôi được biết. Ông có nguồn gốc Hy lạp, đẹp, cao lớn, cân đối, thành thạo về mọi thao tác. Chắc chắn cùng với Bá tước Alexis Orloff và ông De Bobrinski, họ là những mẫu người quý tộc thực sự. Trong một thành phố như Saint-Peterbourg, nghĩa là trong Venise của chế độ quân chủ này không một tiếng đồn nào có thể vang xa. Những con kênh của la Moika và Catherine làm cho những cái chết không gây tai tiếng. Lính canh ở mỗi góc đường đôi khi gây kinh hoàng cho người qua lại nhiều hơn là dẹp đi nỗi lo sợ cho họ. Sĩ quan cao cấp Gorgoli là người thực sự bảo vệ an ninh cho cả thành phố. Thấy ông không ngừng đi lại trên một chiếc xe nhẹ bốn ngựa chạy nhanh như hươu nai và mỗi ngày thay thế bốn lần, qua mười hai khu trong thành phố, các chợ và cửa hàng, người dân nào cũng bình tĩnh đóng cửa về đêm, tin chắc vị cứu tinh ấy của mình vẫn mở mắt trong bóng tối. Tôi chỉ đưa ra một minh chứng cho sự cảnh giác liên tục ấy, đã mười hai năm là người đứng đầu ngành cảnh sát, ông De Gorgoli không rời xa Saint-Peterbourg một ngày nào.

Sau mấy ngày tìm kiếm, tôi tìm được trên bờ kênh Catherine, nghĩa là ở trung tâm thành phố, một căn nhà khá tốt, nội thất đầy đủ, chỉ còn cần bổ sung chăn đệm, một giường nằm cho những ông chủ lớn.

Phấn khởi về chỗ ở mới tìm được, tôi đi từ kênh Catherine trở lại Amirauté và bỗng muốn vào tắm hơi, không nghĩ ra đó là ngày chủ nhật. Ở Pháp đã nghe nói nhiều về loại tắm kiểu này nên đi qua một nhà tắm hơi tôi liền ghé vào. Tôi đứng chen chúc trước cửa, phải trả hai rúp rưỡi, tương đương với năm mươi xu của Pháp. Người ta đưa cho tôi một vé vào cửa và dẫn lại phòng đầu tiên để thay quần áo. Phòng này giữ ở nhiệt độ bình thường.

Trong lúc tôi cởi quần áo với khoảng một chục người khác, một cậu con trai đến hỏi tôi có mang theo người hầu không và khi nghe trả lời là không, cậu hỏi tôi muốn người kỳ cọ vào độ tuổi nào, trả giá bao nhiêu, và giới tính nào. Tôi không hiểu những luật lệ ở đây nên yêu cầu cho biết rõ hơn. Chàng trai giải thích đàn ông, trẻ em thuộc cơ sở này lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, còn đàn bà thì phải gọi ở một nhà gần đấy.

Dù người được chọn lựa là ai, cũng phải cởi trần truồng như người tắm, cùng vào trong phòng thứ hai để được đốt nóng. Tôi ngẩn người ngạc nhiên một lúc rồi tò mò e thẹn, tôi chọn luôn cậu con trai đã hỏi tôi. Vừa nói xong, cậu ta đi lấy một nắm que treo trên chiếc đinh và chỉ trong chốc lát cũng trần truồng như tôi.

Cậu mở ngay một cánh cửa và đẩy tôi vào căn phòng thứ hai.

Hãy tưởng tượng ba trăm con người hoàn toàn trần truồng, đủ mọi lứa tuổi, giới tính, đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già. Một nửa quất roi vào người kia, với những tiếng kêu, tiếng cười, những vặn vẹo kỳ lạ, không một ý nghĩ thẹn thùng. Ở nước Nga thời ấy dân chúng bị khinh rẻ đến mức người ta xem thói quen của họ như của loài vật và cảnh sát xem quan hệ tình dục có lợi cho dân số và cho đó là của cải của tầng lớp quý tộc.

Sau mười phút, chịu nóng không nổi, tôi trở lại phòng đầu, mặc lại quần áo và đưa cho cậu bé hai rúp, ra khỏi nhà tắm. Phản ứng như vậy có vẻ rất bình thường nên không ai chú ý đến tôi.

Tôi đi theo con đường Phục Hưng, tâm trí đang băn khoăn về điều vừa chứng kiến thì đụng phải một đám đông chen chúc đi vào sân một ngôi nhà rất đẹp. Tò mò, tôi xếp hàng đi vào theo thì thấy người ta đang chuẩn bị trừng phạt một nô lệ bằng roi da. Tôi chuẩn bị rút lui vì cảm thấy không đủ sức nhìn một cảnh như thế thì một cửa sổ mở ra, hai cô gái đem đặt ở ban công một chiếc ghế phô tơi và một tấm đệm gấm. Phía sau hai cô gái xuất hiện một người đàn bà mà chân tay có vẻ yếu ớt như sợ đụng chạm với đá nhưng đôi mắt thì không sợ trông thấy máu. Tiếng thì thầm lan khắp đám đông "La Gossudarina! La Gossudarina!" khẽ được nhắc đi nhắc lại.

Thật thế, tôi nhận ra giữa đám lông thú đầy mình, người đẹp Machinka của vị bộ trưởng. Một trong những bạn cũ của cô vô lễ và người ta nói cô đòi hỏi một hình phạt để làm gương cho những người khác để họ không mắc lỗi tương tự. Người ta tưởng sự trả thù chỉ có thế, nhưng đã lầm. Cô còn muốn xem kẻ phạm tội bị trừng phạt. Tuy Louise đã nói về tính tình độc ác của cô, tôi hy vọng cô chứng kiến để làm duyên hoặc ít nhất làm dịu đi sự hành hạ nên tôi bèn ở lại xem.

La Gossudarina đã nghe tiếng thì thầm khi bước ra nhưng thay vì sợ hãi hay hổ thẹn, cô đưa mắt nhìn đám đông, thái độ kiêu kỳ và láo xược đến mức một bà hoàng cũng không dám làm hơn thế. Ngồi dựa trên chiếc phô tơi, tì cùi chỏ vào tay ghế, cô để đầu lên một bàn tay còn tay kia vuốt ve một con chó săn thỏ con nằm dài trên đùi cô.

Hình như người ta chỉ chờ cô có mặt để bắt đầu cuộc trừng phạt vì người đẹp vừa ra ban công thì một cánh cửa dưới thấp mở, người phạm tội bước giữa hai nông dân mỗi người nắm một dây trói quanh cổ tay. Tiếp theo là hai người thừa hành khác mỗi người cầm một chiếc roi da. Nạn nhân là chàng trai có bộ râu vàng, khuôn mặt vô cảm với những nét kiên nghị. Trong đám đông nổi lên một tiếng xì xào lạ; một số người nói chàng là trưởng nhóm công nhân làm vườn của vị bộ trưởng. Khi còn là nô lệ, Machinka đã yêu anh, sắp cưới nhau thì vị bộ trưởng để mắt tới cô, chọn cô làm nhân tình. Từ lúc ấy với một sự quay ngoắt lạnh lùng, La Gossudarina căm thù chàng trai và đã hơn một lần anh phải chịu hậu quả của sự thay đổi ấy. Hình như cô sợ ông chủ nghi ngờ cô còn giữ một số tình cảm với người tình cũ. Hôm trước cô gặp anh trên đường đi trong khu vườn, nghe anh nói vài tiếng gì đó rồi cô hét lên, và anh đã chửi rủa cô. Khi ông bộ trưởng về đến nhà, cô đòi ông phải trừng phạt kẻ phạm tội.

Những chuẩn bị cho việc hành hạ đã được sắp đặt trước. Một tấm ván đặt thoai thoải với một vòng xích bó cổ nạn nhân, hai cọc dựng hai bên để trói tay, còn chiếc roi da có cán dài khoảng hai bộ, nối với một sợi dây da dài gấp hai lần tay cầm, phần cuối là một vòng sắt gắn một sợi dây da khác dài bằng nửa sợi dây đầu, rộng bằng hai ngón tay ở phần đầu, nhỏ dần và kết thúc nhọn đầu. Người ta nhúng phần này vào trong sữa, phơi khô cho cứng lại, nhọn như mũi dao nhíp. Thường cứ đánh được sáu lần thì người ta thay phần dây da vì da đã bị mềm đi, nhưng trong trường hợp này thì không cần thay. Người bị kết tội phải chịu mười hai roi mà đã có hai người đánh. Những người thực này không ai khác là những người đánh xe của vị bộ trưởng, họ đã thành thạo quất roi, không phải vì không có tình cảm với bạn mà đơn giản chỉ vì họ phải nghe lời chủ, thế thôi. Vả lại thường thường những người đánh còn trở thành người bị đánh. Thời gian ở Nga, tôi đã hơn một lần chứng kiến những ông chủ lớn trong lúc giận dữ người hầu và trong tay không có gì để đánh họ, đã ra lệnh người này năm tóc đấm vào mũi người kia. Lúc đầu họ có dè dặt, ngần ngại làm theo lệnh, nhưng rồi bị đánh đau quá người nào cũng hăng lên, đấm nhau thật lực, còn ông chủ không ngớt kêu lên "Đánh mạnh vào! Đồ vô lại! Đánh mạnh nữa vào!" Cuối cùng khi thấy đã trừng phạt đủ, ông ta chỉ nói "Thôi!" Cuộc đánh đấm chấm dứt như có phù phép, các đối thủ đi rửa mặt đầy máu ở cùng một giếng nước và trở về khoác tay nhau thân mật như không có gì xảy ra giữa họ.

Lần này người bị kết tội không được nương tay, nhưng cung cách hành hạ cũng đủ làm cho tôi xúc động sâu sắc, tự cảm thấy mình bị chôn chân tại chỗ trước sự mê muội của con người; vả lại tôi muốn xem người đàn bà này tàn ác tới đâu.

Hai người hành tội lại gần chàng trai, lột áo đến tận thắt lưng, bắt nằm dài trên tấm ván, khoá cổ vào vòng sắt, trói tay vào hai cột hai bên. Một người làm một vòng tròn tách đám đông ra, dành cho người xem cảnh rùng rợn này một khoảng hình vòng cung để không vướng mắc gì. Người kia lấy đà, nhón chân, quất mạnh xuống, làm sợi dây da quấn hai vòng quanh thân nạn nhân, để lại một vệt xanh sẫm. Dù đau đớn mức nào, con người khốn khổ ấy vẫn không kêu một tiếng.

Đến cú đánh thứ hai, làn da ứa máu.

Cú đánh thứ ba, máu tóe ra.

Từ lúc này ngọn roi quất hẳn vào thịt, người đánh phải bóp vào roi da để máu chảy bớt ra.

Sau sáu roi đầu, người đánh khác thay chỗ với một ngọn roi mới. Từ ngọn roi thứ năm cho đến thứ mười hai, người bị đánh chỉ thể hiện cảm nhận qua bàn tay nắm chặt, không một cử động thân thể, người ta có thể nghĩ anh đã chết.

Hành hạ xong, người ta mở trói cho nạn nhân, anh gần ngất đi, hầu như không đứng vững, thế nhưng anh không kêu rên. Tôi không hiểu vì sao anh vô cảm và can đảm đến như thế được.

Hai người nông dân dìu anh, đưa anh trở lại cánh cửa nơi từ đó anh đã đi ra. Lúc vào, anh quay lại nhìn Machinka lẩm bẩm mấy câu tiếng Nga tôi không hiểu được. Chắc đây là lời chửi rủa hoặc đe doạ vì mấy anh bạn đẩy anh vào trong rất nhanh. Đáp lại, La Gossidarina chỉ cười nhạt khinh miệt và rút một chiếc hộp từ trong túi, mở ra lấy mấy chiếc kẹo cho con chó yêu. Gọi các nô lệ đến dựa vào vai họ rời khỏi chỗ ngồi.

Cánh cửa sổ khép lại và đám đông thấy mọi việc đã xong cũng lặng lẽ giải tán. Một số người lắc đầu như muốn nói một hành vi vô nhân đạo như thế ở một người trẻ đẹp sớm muộn sẽ bị Chúa phạt.


Nguồn: http://vnthuquan.org/