Tôi không phải băn khoăn lo lắng về xe cộ. Vừa ra đến đường phố đã thấy mỗi ngã tư có những trạm xe các loại. Đi qua quảng trường Amirauté để tới hàng cộg Alexandre, vừa ký hiệu gọi đầu tiên, nhiều người đánh xe đã chạy tới vây quanh đề nghị, giá rất vừa phải. Không có giá cước cụ thể, tôi muốn xem họ giảm giá đến mức nào, cuối cùng một người hạ giá xuống đến năm rúp. Đồng ý năm rúp, tôi thoả thuận với người đánh xe là đi suốt ngày và tôi chỉ cho anh ta đến ngay lâu đài Tauride.
Những người đánh xe ở thành phố này nói chung là những nông nô, vừa một khoản tiền nộp, họ được phép chủ cho đến Saint-Peterburg làm giàu. Dụng cụ kiếm tiền là một loại xe kéo bốn bánh, bên trong xe chiếc ghế dài thay vì để ngang lại để dọc nên hành khách ngồi như trẻ con đi xe đạp trên đường phố Champ-Elysées. Chiếc xe do một con ngựa kéo, cũng không kém hoang dã như chủ, vừa rời bỏ những đồng cỏ nơi sinh ra và chạy ngược xuôi trên đường phố Saint-Peterbourg. Người đánh xe thể hiện đôi với con ngựa một tình cảm rất bố con và thay vì đánh đập như những người đánh xe Pháp, anh nói với ngựa còn thân mến hơn người chăn la Tây Ban Nha nói với con la quý của mình. Đấy là ông bố, ông bác, con bồ câu nhỏ, sáng tạo ra những bài hát và lời hứa hẹn với ngựa một cuộc sống khác đổi lấy những nặng nhọc hiện nay, với những niềm hạnh phúc mà người khó tính nhất cũng sẽ hài lòng. Vì thế con vật khốn khổ, cảm nhận được sự vuốt ve hoặc tin tưởng vào lời hứa, không ngừng đi nước kiệu và hầu như không bao giờ được cởi yên cương, chỉ dừng lại ăn trong những máng cỏ đặt khắp các đường. Đấy là về chiếc xe và con ngựa.
Còn người đánh xe, anh có một nét giống những người hài hước xứ Naples, anh ta không cần biết ngôn ngữ của khách, chỉ nhờ vào sự thông minh tinh tế, anh có thể nắm bắt được ý nghĩ của người đối thoại. Anh ta ngồi trên một chiếc ghế giữa chiếc xe và con ngựa, biển số treo ở cổ thòng xuống hai vai để hành khác không bằng lòng về người đánh xe có thể nắm lấy đưa đến cảnh sát khiếu nại và trong trường hợp này người đánh xe hầu như luôn luôn bị phạt, nhưng hiếm khi xảy ra việc ấy.
Dân tộc Nga có bản chất tốt và không có thủ đô nào tôi biết lại giống như ở Saint-Peterbourg, hiếm có những vụ giết người vì dại dột hoặc thù hằn. Còn hơn thế, tuy rất muốn trộm cắp nhưng người nông dân Nga ghê tởm hành vi phá rào và người ta có thể giao cho một người gác cửa hoặc đánh xe chuyển một bức thư niêm phong đầy tiền giấy mà không sợ thất thoát dù anh ta biết trong đó có cái gì, còn nếu để trong tầm tay người ấy vài đồng tiền nhỏ nhất cũng sẽ là sự thiếu khôn ngoan.
Tôi không rõ người đánh xe c tôi có hay ăn cắp không nhưng chắc chắn anh rất sợ bị đánh cắp. Khi đến cửa lâu đài Tauride, anh cho tôi biết lâu đài có hai lối ra vào và rất mong tôi đưa cho anh một phần trả dần trong số năm rúp tương đương giá tiền đoạn đường vừa đi. Nếu là ở Paris, tôi đã nghiêm khắc trả lời với kẻ đòi tiền hỗn láo, còn ở Saint-Peterbourg tôi chỉ cười vì chuyện quỵt xe thường xảy ra. Thật vậy, hai tháng trước đây Hoàng đế Alexandre đi bộ dạo chơi theo thói quen, gặp trời sắp mưa gọi một chiếc xe ngựa đưa về hoàng cung. Đến đây ông tìm trong túi không có tiền, bèn xuống xe và nói với người đánh xe:
- Anh chờ đây, ta sẽ cho người đem tiền ra trả.
- À! Vâng, không biết tôi có nên đợi không.
- Sao vậy? – Hoàng đế ngạc nhiên hỏi.
- Ồ, tôi biết rõ điều mình nói, biết bao nhiêu người tôi chở đến trước một ngôi nhà hai lối ra vào xuống xe không trả tiền, bao nhiêu người chịu tiền tôi rồi không trả.
- Thế nào, ngay cả trước cung điện Nhà vua ư?
- Ở đây thường như thế hơn những chỗ khác. Những ông lớn thường ít nhớ.
- Anh phải thưa kiện để người ta bắt kẻ quỵt tiền chứ - Alexandre nói vì câu chuyện làm ông thích thú.
- Bắt một nhà quý tộc! Ngài rất biết là không thể được. Nếu ai đó trong chúng tôi – người đánh xe trả lời – có thưa kiện thì rất dễ bị người ta bỏ tù. Vì vậy xin Ngài tìm kỹ trong túi, tôi chắc Ngài sẽ tìm được tiền trả cho tôi.
- Này – Nhà vua nói – ta có chiếc áo khoác đáng giá với chuyến đi, đúng không? Anh giữ lấy rồi đưa lại cho người đem tiền ra cho anh.
- Thế thì được! – người đánh xe nói – Ông rất biết điều.
Một lúc sau anh ta nhận tờ giấy một trăm rúp đổi lại chiếc áo. Hoàng đế trả tiền xe vừa cho mình vừa cho những người đến hoàng cung.
Do không thể tuỳ hứng thoải mái như thế, tôi chỉ đưa cho người đánh xe năm rúp giá đưa đón khách trong ngày, để chứng tỏ cho anh thấy tôi tin tưởng ở anh ta. Đúng là tôi đã biết số xe của anh và anh không biết tên tôi.
Lâu đài Tauride, vừa những đồ gỗ tuyệt đẹp, những bức tượng hoa cương và hồ cá vàng, là món quà của cận thần Potemkine tặng nữ hoàng hùng mạnh Catherine II của ông để kỷ niệm việc chinh phục đất nước. Điều đáng ngạc nhiên không phải ở vẻ huy hoàng của quà tặng mà là ở sự sùng bái ẩn sau nó. Một kỳ quan được xây dựng ở thủ đô mình mà Catherine không hề biết, cho đến một buổi tối, vị bộ trưởng mời nữ hoàng dự bữa tiệc đêm do ông tổ chức. Khi đến bà mới phát hiện thấy một toà lâu đài lộng lẫy trang trí hoa tươi đẹp như trong cõi tiên.
Chính vì vậy Potemkine là mẫu người của những ông hoàng hãnh tiến cũng như Catherine II là mẫu người của các bà hoàng ngẫu hứng, một là hạ sĩ quan bình thường, người kia là công chúa nước Đức, tuy vậy trong số tất cả những ông hoàng và nhà vua kế vị thời kỳ ấy, người ta thấy hai người này là những người được hơn cả.
Một sự tình cờ lạ lùng hơn là một tính tóan Trời định đã tập hợp họ lại với nhau.
Catherine mới ba mươi ba tuổi, đẹp, được yêu thương vì lòng từ thiện và được kính trọng vì sùng đạo, bỗng được tin Pierre III muốn đuổi bà đi để cưới nữ bá tước De Vorontsoff và để có lý do ruồng bỏ bà, Pierre dự tính tuyên bố việc bà sinh ra Paul Petrovich là bất hợp pháp. Bà hiểu ngay mình không được chậm trễ. Mười một giờ đêm hôm đó rời lâu đài Peterhoff, lên chiếc xe hai bánh của một người nông dân, người này không biết mình đang chở vợ của Hoàng đế Nga tương lai. Bà đến Saint-Peterbourg khi trời vừa sáng, tập hợp những người bạn tin cậy dẫn đầu họ đến trước các trung đoàn đồn trú ở đây. Đứng trước hàng quân, Catherine kêu gọi họ, gợi lên sự kính trọng của những người đàn ông, lòng trung thành của những người lính, rồi tranh thủ cảm xúc do bài diễn văn gây nên, bà rút ra một thanh kiếm ném bao đi, hỏi xin một giây đeo để buộc kiếm vào cánh tay. Một hạ sĩ trẻ mười tám tuổi bước ra khỏi hàng, lại gần đưa dây đeo của mình cho bà. Catherine với nụ cười dịu dàng đón nhận lấy. Chàng sĩ quan định trở về hàng ngũ nhưng con ngựa chàng cưỡi vốn quen đi trong hàng kỵ binh, nhảy chồm lên, ngang bướng ở lại bên cạnh con ngựa của Hoàng hậu. Bà nhìn người kỵ sĩ đẹp trai sát cạnh bà, bà cố gắng tách ra xa chàng trai nhưng không có hiệu quả. Một điều gì đó mơ hồ chỉ rõ cho bà đây sẽ là người bảo vệ bà. Bà phong ngay chàng trai là sĩ quan và tám ngày sau, khi Pierre III bị lật đổ đành nhường vương miện lại cho bà. Khi đã thực thụ là nữ hoàng, bà gọi Potemkine tới, phong cho làm nhà quý tộc trong cung điện.
Từ ngày đó vận mệnh của người cận thần đã sang trang mới. Những kẻ muốn cạnh tranh với chàng đều thất bại. Một kẻ tên là Zoritch được Potemkine bảo trợ, đưa vào bên cạnh Catherine, lợi dụng khi chàng đi vắng, đã vu khống để làm hại chàng. Potemkine nghe tin báo, vội quay về căn nhà cũ của mình trong hoàng cung. Khi được biết mình đã hoàn toàn bị thất sủng và sẽ bị đi đày, chàng mặc nguyên quần áo đi đường, vào gặp ngay Nữ hoàng. Ở cửa phòng một trung uý trẻ đứng gác ngăn chàng lại. Potemkine ôm sườn anh ta, nâng lên quăng sang một bên, rồi vào phòng Nữ hoàng và chỉ mười lăm phút sau đi ra, trên tay cầm một tờ giấy.
- Cầm lấy – chàng nói với viên trung uý trẻ - đây là một chứng chỉ thăng đại uý tôi vừa xin được ở Nhà vua cho anh.
Ngày hôm sau, Zoritch bị đày đến thành phố Chklov theo chỉ thị của Nữ hoàng.
Về phần mình, chàng Potemkine lần lượt mơ về lãnh thổ của công tước Courlande và ngôi vua Ba Lan, rồi lại chẳng thiết gì những cái đó, chàng tự hài lòng với việc tổ chức các lễ hội cho các ông vua và tặng những lâu đài cho các nữ hoàng. Chàng nghĩ vương miện liệu có làm cho chàng mạnh và xa hoa hơn những gì chàng đang có không? Triều thần chẳng đã tôn sùng chàng như một hoàng đế rồi sao? Tay trái chàng chẳng đã đầy kim cương, còn tay phải để trần nắm chắc thanh gươm đó sao? Phải chăng chàng đã có những chuyến xe đi thu thập cá ở sông Volga, dưa hấu ở Astrakhan, nho Crimée, hoa ở những nơi có hoa đẹp và trong những ngày đầu năm, ngoài quà tặng, chàng đã biếu nữ hoàng của mình một đĩa anh đào đáng giá mười nghìn rúp?
Khi là thiên thần, khi ma quỷ, chàng liên tục xây dựng hoặc phá huỷ tất cả, làm đảo lộn tất cả nhưng làm tất cả dồi dào sinh lực. Ông hoàng Ligne nói đúng khi bảo rằng ở chàng có một tính lớn lao lãng mạn và sự hoang dã.
Cái chết của chàng cũng kết thúc kỳ lạ như sự đổi đời của chàng. Chàng vừa trải qua một năm ở Saint-Peterbourg giữa những tiệc tùng và hoan lạc, nghĩ đã làm đủ cho vinh quang của mình và của Catherine khi đẩy lùi biên giới nước Nga vượt quá Caucase thì bỗng được tin ông già Reptnine trong lúc chàng vắng mặt đi đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ buộc chúng phải đề nghị hoà bình, chỉ trong hai tháng ông đã làm được hơn chàng trong ba năm.
Thế là không còn nghỉ ngơi được nữa, dù đang bị bệnh nhưng mặc kệ chàng phải đi. Còn bệnh tật, chàng sẽ đấu tranh và tiêu diệt nó. Chàng đến Jassy đi Otchakov, vùng chàng đã chinh phục được. Đi được vài nghìn mét, chàng cảm thấy không khí trong xe ngột ngạt, chàng sai người trải áo khóac trên mặt đất, chàng xuống xe nằm lên trên đó và rồi tắt thở ngay bên vệ đường.
Catherine tưởng chết đi vì cái chết của chàng. Bà ngất đến ba lần, khóc rất nhiều và luôn luôn nhắc tên chàng.
Lâu đài Tauride vào lúc tôi đến thăm, là chỗ ở của Đại Quận công Michel, trước kia là nơi tạm trú của Hoàng hậu Louise, người đàn bà cưỡi ngựa hiện đại có hy vọng có lúc thắng được đối thủ của mình; vì Napoléon khi gặp bà lần đầu tiên có nói "Thưa bà, tôi biết rõ là là người đẹp nhất trong các hoàng hậu nhưng không biết bà là người đẹp nhất trong những người đàn bà". Những lời tán tỉnh của người anh hùng xứ Corse không kéo dài bao lâu. Một hôm Hoàng hậu Louise cầm chơi một bông hồng.
- Đưa cho tôi bông hồng ấy – Napoléon bảo.
- Ngài cho tôi thành phố Magdebourg – Hoàng hậu trả lời.
- Ồ! Không! – Hoàng đế kêu lên – Như vậy thì quá đắt!
Hoàng hậu bực bội vứt bông hồng đi nhưng bà không có được Magdebourg.
Rời lâu đài Tauride, tôi tiếp tục cuộc du ngọan. Đi qua cầu Troiskoï để tham quan căn lều của Pierre Đệ Nhất, một thứ đồ trang sức thô thiển của hoàng gia hôm trước tôi chỉ mới thấy cái vỏ bên ngoài.
Lòng tín ngưỡng của quốc gia này đã khiến người ta cho giữ công trình nguyên như cũ: phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ như đang chờ nhà vua trở về. Trong sân là chiếc thuyền nhỏ do người thợ mộc Saardam làm. Hoàng đế đã dùng chiếc thuyền ấy đi trên sông Neva đến những điểm cần có mặt ở thành phố đã sinh ra ông.
Gần chỗ ấy là nơi an nghỉ của ông. Thi hài ông cũng như những người kế vị, yên nghỉ trong nhà thờ Saint-Pierre và Saint-Paul giữa trung tâm pháo đài. Ngôi nhà thờ này có mũi tên vàng gợi lên cảm giác không tương xứng và kém thẩm mỹ. Giá trị duy nhất của nó là chỗ kho tàng mồ mả trong đó. Mộ Hoàng đế Nga ở gần cửa ra vào cánh phải, trên vòm trần nhà treo hơn bảy trăm lá cờ lấy của người Thổ, Thuỵ Điển và Persans.
Tôi đi qua cầu Tioutchkoff trên đảo Vasileivskoi. Những cảnh vật gây sự chú ý trong khu này là sở Giao dịch (chứng khóan) và các Viện hàn lâm. Tôi chỉ lướt qua những công trình này. Tôi vượt cầu Isaac và đường Phục hưng, thấy kênh Fontalka, đi dọc theo bến cảng đến tận nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi dừng lại ở đây để thăm viếng ngôi mộ của Moreau. Mộ chỉ là một tấm đá đơn giản đặt trước mặt bàn thờ ở giữa chánh điện.
Trong các nhà thờ tôi đi thăm thì nhà thờ Kazan là Nhà thờ Đức Bà ở Saint-Peterbourg, bước vào nhà thờ phải qua hàng cột kép xây dựng theo mẫu nhà thờ Saint-Pierre ở Rome. Ở đây ngược lại với thói quen của người Nga, việc quảng cáo không thể hiện bằng hiện vật. Bên ngoài nhà thờ bằng thạch cao và gạch, bên trong trang trí bằng đồng thau, hoa cương, đá granit, những cánh cửa rắn chắc tạc bằng bạc khối, nền bằng đá thạch anh, tường dát đá hoa cương.
Trong một ngày tôi đã xem khá nhiều công trình. Tôi cho xe đưa đến nhà bà Xavier nổi tiếng để chuyển bức thư cho người đẹp đồng hương. Cô không ở nhà này đã sáu tháng nay và bà chủ cũ của cô cho biết với giọng rất thờ ơ là cô ta ở riêng khoảng giữa con kênh Moika và cửa hàng Orgelot. Địa chỉ này cũng dễ tìm vì Orgelot là cửa hàng có tiếng ở đây.
Mười phút sau tôi đứng trước ngôi nhà được chỉ dẫn. Xác định đây đúng là nhà người đồng hương, tôi để người đánh xe ra về và vào hỏi cô Louise Dupuy.
Một cô gái hỏi tôi đến hỏi hàng hay hỏi việc riêng, tôi trả lời vì việc riêng.
Cô đứng dậy ngay và dẫn tôi về nhà bà chủ.
Chương 4
Tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ giăng đầy vải Á đông và tôi thấy người đồng hương của tôi nửa nằm nửa ngồi đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Thấy tôi cô đứng dậy và nghe tiếng nói đầu tiên của tôi, cô thốt lên:
- A! Ông là người Pháp!
Tôi xin lỗi vì đã đến vào giờ nghỉ ngơi nhưng tôi giải thích vì tôi vừa đến vào hôm qua và chưa biết một vài thói quen ở đây rồi tôi đưa bức thư ra.
- Của em gái tôi đây! – cô kêu lên – Chà Rose tốt bụng! Rất vui được nhận tin của em. Ông biết cô ấy chứ? Cô ấy vẫn luôn luôn vui vẻ trẻ đẹp chứ ạ?
- Đẹp, tôi chỉ có thể trả lời. Vui vẻ; tôi hy vọng thế. Tôi chỉ gặp cô ấy có một lần, bức do một người bạn giao cho.
- Ông Auguste, đúng không?
- Ông Auguste.
- Cô em gái khốn khổ, vào giờ này chắc hài lòng lắm đây. Tôi vừa gởi cho cô ấy những món vải rất đẹp và vài thứ đồ khác. Tôi viết thư bảo cô ấy đến đây với tôi, nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng phải từ bỏ ông Auguste nên cô ấy từ chối. Xin mời ông ngồi.
Tôi định kéo một chiếc ghế nhưng cô ra hiệu cho tôi lại ngồi gần bên cô. Tôi nghe theo không chút ngại ngần. Cô bắt đầu đọc bức thư tôi đưa tới và tôi có thì giờ nhìn ngắm cô.
Phụ nữ có khả năng biến đổi mình tuyệt vời, nếu có thể nói thế. Dưới mắt tôi trước đây là một cô gái tầm thường trên đường phố Harpe; cách đây bốn năm cô gái chắc còn đi nhảy tất cả các ngày Chủ nhật ở Prado và La Chaumìere. Thế mà chỉ cần chuyển người đàn bà ấy đến vùng đất khác và thế là cô trở nên sang trọng, lịch sự. Tôi không còn thấy ở cô điều gì gợi lại sự thô thiển lúc sinh thành và sự giáo dục không đầy đủ. Việc thay đổi lớn đến nỗi khi nhìn người đẹp với mái tóc dài, chiếc áo khóac vải mút xơ lin trắng đơn giản, đôi giày vải Thổ, tư thế nửa ngồi nửa nằm như người thợ đã sắp xếp để chụp ảnh, tôi đã nghĩ mình đang ở một phòng khách riêng của một qúy bà lịch sự ở ngoại ô Saint Germain, tuy chỉ là căn nhà sau của một cửa hàng.
- Này, ông làm gì vậy? – Louise đã đọc xong bức thư và bắt đầu lúng túng dưới cái nhìn của tôi bèn hỏi.
- Tôi ngắm cô và nghĩ đến Rose nếu cô ấy đến đây thay vì ở lại trung thành với ông Auguste. Nếu có một quyền lực ma thuật nào đó đột nhiên mang cô tới giữa căn phòng êm dịu này, nếu cô ấy đối mặt với cô như tôi lúc này, cô ấy sẽ quỳ xuống, nghĩ rằng mình đã trông thấy một hoàng hậu.
- Lời ca ngợi hơi quá – Louise mỉm cười nói với tôi nhưng cũng có cái gì đó thật, cô thở dài nói tiếp – Vâng, ông nói đúng, tôi đã thay đổi nhiều quá.
- Thưa bà – một cô gái bước vào nói – bà Gossudarina muốn có một chiếc mũ giống chiếc hôm qua bà bán cho Nữ Hoàng Dolgorouki.
- Có phải chính bà ấy đến không? – Louise hỏi.
- Vâng, chính bà ấy.
- Đưa bà ấy vào phòng khách, tôi sẽ ra ngay.
Cô gái đi ra.
- Đây là điều nhắc nhở với Rose – Louise tiếp tục – tôi chỉ là một người buôn bán thời trang khốn khổ. Nhưng nếu ông muốn thấy một sự thay đổi lớn hơn của tôi, ông hãy nâng tấm vải ngăn và nhìn qua cửa kính.
Nói rồi cô sang phòng khách, để tôi lại một mình. Tôi lợi dụng sự cho phép ấy, nâng tấm vải lên và dán mắt vào một góc cửa kính.
Người phụ nữ tên là Gossudarina là một người đàn bà trẻ khoảng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, có những nét châu Á cổ kính, tay và tai đeo đầy trang sức kim cương. Nàng tựa người vào một nữ nô lệ trẻ để đi vào, trông như quá mệt mỏi khi bước, dù đi trên tấm thảm mềm của phòng khách. Họ dừng lại trước chiếc ghế đi văng gần cửa ra vào nhất , cô nô lệ dùng chiếc quạt lông phe phẩy cho chủ. Vừa trông thấy Louise, nàng uể oải ra hiệu cho cô lại gần và nói bằng tiếng Pháp khá tồi. Nàng đề nghị cô cho xem những chiếc mũ lịch sự nhất và đắt nhất. Louise vội vã mang lại ngay những gì tốt nhất. Gossudarina thử hết chiếc mũ này đến chiếc kia, soi vào chiếc gương do cô nô lệ quỳ trước mặt nâng lên, nhưng không chiếc nào vừa ý vì không có chiếc nào chính xác giống chiếc mũ của Nữ hoàng Dolgorouki. Vì vậy nàng đề nghị phải làm cho nàng một chiếc theo mẫu ấy. Không may là người đàn bà trẻ đẹp muốn có chiếc mũ ngay trong ngày và băn khoăn về hy vọng ấy. Vì vậy dù người bán hàng nói thế nào, nàng vẫn đòi hỏi muộn nhất sáng hôm sau phải đưa mũ tới. Sau khi tin chắc về lời bảo đảm của Louise, Gossudarina đứng dậy, chậm chạp bước ra, vẫn dựa vào cô lệ và dặn Louise phải giữ lời nếu không muốn làm nàng chết vì buồn. Louise tiễn nàng ra cửa và trở lại ngay để tìm tôi.
- Thế nào? – cô vừa nói vừa cười – Ông thấy người đàn bà ấy ra sao?
- Tôi cho rằng bà ta rất đẹp.
- Tôi không hỏi ông điều ấy, tôi hỏi ông nghĩ gì về tầng lớp và tính chất của bà ta.
- Nếu tôi gặp ở Paris, với những thái độ cường điệu , cách giả làm ra vẻ bà lớn, tôi sẽ cho đấy là một vũ nữ nào đấy được một đức ông đưa ra từ nhà hát và bảo trợ cho.
- Như vậy, đối với một người khởi sự thì không tồi, ông đã tiến tới gần sự thật. Người đàn bà ấy mới đây còn là một nữ nô lệ giòng giống xư Georgie, được vị bộ trưởng thân tín của Hoàng đế, ông Naravitchev bao làm tình nhân. Việc thay đổi vị trí ấy đã được bốn năm và cô Machinka nghèo khổ đã quên mất mình từ đâu ra, hay đúng hơn chỉ nhớ đến một phần vào những giờ bận bịu trang điểm ăn mặc, thời gian còn lại cô dùng để hành hạ những người bạn cũ và cô trở thành kẻ khủng bố của họ. Những người nô lệ khác không dám gọi tên cũ của cô ta là Machinka nữa mà gọi là Gossudarina, có nghĩa gần như là "quý bà". Ông đã nghe người ta báo với tôi tên ấy đấy, đến mức – Louise tiếp tục – đây là một ví dụ về sự tàn bạo của con người hãnh tiến ấy. Có lần cô ta thay quần áo, không thấy cuộn chỉ để cắm đinh ghim đã cắm ngay kim vào vú của cô nô lệ hầu phòng. Việc làm ấy gây ồn ào đến mức Hoàng đế biết được.
- Nhà vua đã làm gì? – tôi sốt sắng hỏi.
- Người ta trả tự do cho cô nô lệ, gả cô cho một người nông dân và cảnh cáo vị bộ trưởng nếu để kẻ thân tín của ông làm một việc gì đại loại như thế. Nếu không sẽ bị đày đi Sibérie.
- Cô ta dè chừng về lời cảnh cáo ấy chứ?
- Vâng. Lâu nay không nghe nói gì về cô ta nữa. Nhưng nào, nói chuyện về tôi và những người khác đủ rồi. Trở về việc của ông một chút. Ông cho phép, nhân danh đồng hương, hỏi ông đến Saint-Peterbourg có ý định gì. Có lẽ biết rõ thành phố trong ba năm ở đây ít nhất tôi cũng giúp cho ông được những lời khuyên.
- Tôi hơi nghi ngại đấy, nhưng không sao. Vì cô quan tâm đến tôi, xin nói với cô tôi đến đây với tư cách là thầy dạy đánh kiếm. Người ta có hay gây gỗ với nhau ở Saint-Peterbourg không?
- Có, những cuộc đấu tay đôi hầu như luôn có người chết. Khi tan cuộc các đấu thủ và người làm chứng có nguy cơ bị đi đày ở Sibérie. Mặc dù vậy ông sẽ không thiếu học trò. Tuy nhiên tôi có một lời khuyên.
- Thế nào?
- Cố gắng để Hoàng đế chỉ định ông làm thầy dạy đánh kiếm ở một trung tâm nào đấy, để ông có một cấp bậc trong quân đội. Như ông biết, ở đây bộ quân phục rất có giá.
- Lời khuyên rất tốt, đưa ra thì dễ nhưng thực hiện thì khó lắm.
- Vì sao vậy?
- Làm sao tiếp xúc được với Hoàng đế? Tôi không có một sự bảo trợ nào ở đây cả.
- Tôi sẽ nghĩ về điều đó.
- Thế nào? Cô ư?
- Việc ấy làm ông ngạc nhiên à? – Louise cười nói với tôi.
- Không, tôi không ngạc nhiên gì về cô. Cô khá đẹp để có thể đạt được những gì mình muốn. Nhưng tôi chưa làm điều gì xứng đáng với lòng tốt của cô.
- Ông chưa làm gì ư? Chẳng phải ông là đồng hương? Mang đến cho tôi bức thư của Rose tốt bụng? Nhắc lại với tôi Paris hoa lệ, đưa lại cho tôi một trong những giờ êm dịu nhất tôi chưa từng trải qua ở Saint-Peterbourg? Hy vọng tôi sẽ gặp lại ông chứ?
- Cô đề nghị thế sao?
- Vào khi nào đây?
- Nếu cô cho phép, xin gặp cô ngày mai.
- Vào giờ này, lúc tôi rảnh nhất để có thể nói chuyện lâu.
- Vậy thì vào giờ này.
Tôi chia tay với Louise, vui vẻ vì đã không còn cảm thấy đơn độc ở Saint-Peterbourg nữa. Đây là một chỗ dựa tạm thời, đúng thế, dựa vào một cô gái đơn độc. Tuy nhiên ở cô có cái gì đó rất êm dịu gợi lên niềm hy vọng.
Tôi ăn tối ở nhà hàng, đối diện với cửa hiệu của Louise, chủ nhà hàng là người Pháp tên Talon. Lúc này tôi không muốn nói chuyện với bất cứ một người đồng hương nào, dễ dàng nhận ra họ ở đây cũng như nơi khác qua giọng nói to và những câu chuyện kinh doanh của họ. Vả lại lúc này đây tôi đang có nhiều những suy nghĩ riêng tư và tôi không thích bị quấy rầy.
Như hôm trước, tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ có hai người chèo, suốt đêm nằm trên áo khoác, say sưa nghe âm điệu dịu dàng của những chiếc kèn và đếm những ngôi sao trên bầu trời.
Tôi trở về cũng vào lúc hai giờ sáng và thức dậy lúc bảy giờ. Vì muốn đi thăm những cảnh lạ ở Saint-Peterbourg một lượt sau đó mới bắt tay vào công việc, tôi bảo người phục vụ thuê một chiếc xe ngựa với giá cả như hôm trước và tôi đi thăm những nơi tôi chưa đi xem. Từ tu viện Saint – Alexandre Nevski với ngôi mộ bằng bạc trên đó có những người đang cầu nguyện, đến Viện hàn lâm khoa học với bộ sưu tập về khoáng sản, quả địa cầu Gottorp vua Đan Mạch Frédéric IV tặng cho Pierre Đệ Nhất, con voi ma mút trong nạn hồng thuỷ do nhà du hành Michel Adam tìm được trên băng tuyết biển Trắng.
Cuối cùng vào lúc bốn giờ, không chờ hơn được nữa, tôi tôi cho xe đưa lại đại lộ Nevski, dự tính sẽ dạo chơi cho đến năm giờ. Nhưng khi đến con kênh Catherine, người đông quá không đi xe được nữa. Việc tụ tập này rất hiếm xảy ra ở Saint-Peterbourg và ở đây cũng gần đến nơi, tôi bèn trả tiền xe và xuống đi bộ và lẫn vào dòng người. Người ta đang dẫn đến nhà tù một tên ăn cắp vừa bị ông Gorgoli, người đứng đầu trong ngành cảnh sát, bắt được. Vụ trộm cắp gây ra sự tò mò của dân chúng.
Cho dù ông Gorgoli, một trong những người đàn ông đẹp nhất kinh thành và một trong những tướng dũng cảm nhất của quân đội, ông có vẻ uy nghi hiếm có, tình cờ lại có một tên vô lại sành sỏi ở Saint-Peterbourg rất giống ông. Tên trộm quyết định khai thác sự giống nhau ấy. Để tăng thêm uy tín, hắn quyết định mặc bộ quân phục thiếu tướng, khoác một chiếc áo khoác màu xám có cổ, thuê một chiếc xe giống xe ông Gorgoli thường dùng, thuê những con ngựa cùng màu lông và một anh lái xe ăn mặc như người đánh xe của ông tướng, dừng lại trước cửa tiệm một nhà buôn lớn trên đường Grande-Millione, vào và bảo chủ tiệm:
- Ông này, ông biết rõ tôi chứ, tôi là tướng Gorgoli, người đứng đầu ngành cảnh sát.
- Vâng, thưa ngài.
- Thế này, lúc này tôi cần một số tiền hai mươi lăm ngàn rúp vì một việc rất quan trọng. Tôi ở quá xa nên không thể lấy tiền tới kịp và chậm trễ sẽ làm hỏng công việc. Ông cho tôi mượn hai mươi lăm ngàn rúp ấy và sáng mai đến nhà tôi lấy lại.
- Thưa ngài – chủ tiệm hân hoan kêu lên – rất vui sướng được phục vụ ngài, ngài có muốn hơn thế không?
- Nếu thế, ông cho vay ba mươi ngàn rúp vậy.
- Thưa quý ngài, có ngay đây.
- Cám ơn. Chín giờ ngày mai đến nhà tôi.
Kẻ mượn tiền lên xe, phóng nước đại về phía công viên Mùa Hè.
Ngày hôm sau, theo giờ hẹn, chủ tiệm đến nhà ông Gorgoli, ông tiếp với lối nhã nhặn thường ngày và vì chậm nghe nói lý do, hỏi nhà buôn đến có việc gì.
Câu hỏi ấy làm chủ hiệu buôn lúng túng, vả lại nhìn gần vị tướng, ông thấy có vài nét khác biệt giữa vị tướng và người đến hỏi vay tiền. Ông ta bỗng kêu lên "Thưa ngài, tôi đã bị trấn lột!" và kể lại mưu mẹo không thể tưởng tượng được và ông là nạn nhân. Ông Gorgoli lắng nghe không ngắt lời, sau đó ông cho mang áo khóac lại, bảo thắng ngựa vào xe. Sau đó ông bảo kể lại sự việc lần thứ hai thật chi tiết rồi mời người chủ hiệu buôn chờ ở nhà ông còn ông chạy đi tìm tên cướp.
Ong Gorgoli cho xe đưa tới đường Grande-Millione, đi từ hiệu buôn, theo đường tên cướp đã đi và hỏi người lính gác đường:
- Hôm qua tôi đã đi ngang qua đây lúc ba giờ, anh có thấy không?
- Có, thưa ngài.
- Rồi tôi đi đâu?
- Đi về phía cầu Troiskoï .
- Đúng thế.
Vị tướng đi về phía cầu, đầu cầu ông thấy một người gác khác.
- Tôi đi qua trước mặt anh hôm qua, lúc ba giờ mười phút, anh có trông thấy tôi không?
- Có, thưa ngài.
- Tôi đi theo đường nào?
- Ngài đi qua cầu ạ.
- Tốt.
Vị tướng phóng xe qua cầu, dừng lại trước căn nhà gỗ của Pierre Đệ Nhất, người lính trong chòi canh chạy ra.
- Hôm qua tôi đi ngang qua anh lúc ba giờ rưỡi – vị tướng nói .
- Thưa ngài đúng.
- Nhưng anh thấy tôi đi đâu?
- Vào khu Viborg
- Được.
Ông Gorgoli tiếp tục đi, quyết định sẽ đi đến tận cùng. Ông góc bệnh viện bộ binh, ông lại thấy một người lính gác và lại hỏi. Lần này ông đi về phía những cửa hàng rượu. Từ đó ông qua cầu Voskresenskoï , đi thẳng đến cuối đại lộ, tiếp đến đầu những quán hàng bên nhà băng. Ông Gorgoli hỏi một lần cuối cùng người lính gác:
- Hôm qua tôi đi ngang qua trước mặt anh vào lúc bốn giờ rưỡi?
- Vâng, thưa ngài.
- Tôi đi đâu vậy?
- Đến số nhà 19 ở góc kênh Catherine.
- Tôi có vào đấy không?
- Dạ có.
- Anh có thấy tôi đi ra không?
- Không.
- Tốt lắm. Bảo bạn anh thay thế cho anh và đến trại lính đầu tiên điều cho tôi hai người.
- Vâng thưa ngài.
Người lính gác chạy đi và mười phút sau quay trở lại với hai người nữa.
Vị tướng cùng họ đến số nhà 19, đóng cửa ra vào rồi hỏi người gác cổng. Ông này cho biết tên kia ở tầng thứ ba. Họ lên tầng thứ ba đạp cửa ra vào và đối diện với tên mạo danh. Tên này kinh hoàng vì cuộc viếng thăm đột ngột này mà hắn cũng đóan ra mục đích nên vội vã nhận tất cả rồi hoàn trả lại ba mươi ngàn rúp.
Nền văn minh của Saint-Peterbourg, như người ta thấy, không hề lạc hậu so với Paris.
Tôi được chứng kiến cuộc phiêu lưu ở đoạn kết thúc và tôi tranh thủ được hai mươi phút trước khi đến giờ hẹn với Louise. Tôi tới đấy, càng tới gần tim tôi càng đập mạnh, và khi hỏi có gặp được cô không thì tôi run đến nỗi phải hỏi đến hai lần người ta mới hiểu.
Louise đang chờ tôi ở phòng khách riêng.
Chương 5
Thấy tôi vào cô gật đầu chào theo cách thân mật duyên dáng chỉ có ở những người phụ nữ Pháp rồi giơ tay cho tôi, cô để tôi ngồi xuống bên cạnh cô như ngày hôm qua.
- Thế đấy – cô nói – tôi đang lo liệu công việc của ông.
- Ồ - tôi trả lời với một thái độ làm cô bật cười – đừng nói về tôi mà hãy nói về cô.
- Sao? Về tôi à? Phải chăng việc này là của tôi? Phải chăng tôi mong có một chức danh thầy dạy đánh kiếm trong một trung đoàn của Hoàng đế? Về tôi ư? Vậy ông có gì nói về tôi?
- Tôi muốn nói với cô là từ hôm qua cô đã làm tôi trở thành người hạnh phúc nhất trong những người đàn ông, rằng từ hôm qua tôi chỉ nghĩ về cô và chỉ thấy có cô, tôi không ngủ được và tưởng chừng như giờ chúng ta gặp lại nhau không bao giờ đến.
- Những lời ông nói với tôi là lời thổ lộ trong khuôn khổ đấy.
- Theo tôi, cô cho là thế nào cũng được – tôi nói – không chỉ điều tôi nghĩ mà còn là điều tôi cảm nhận.
- Một lời nói đùa.
- Không, trên danh dự đấy.
- Ông nói nghiêm túc à?
- Vâng, rất nghiêm túc.
- Thế đấy! Như việc gì cũng có thể và sự thú nhận quá sớm có lẽ không kém thành thực, nhiệm vụ của tôi là không để cho ông đi xa hơn.
- Sao lại thế?
- Ông đồng hương thân mến, giữa chúng ta chỉ có tuyệt đối có thể là tình bạn rất tốt, thẳng thắn và trong sáng.
- Tại sao?
- Vì tôi đã có người yêu và ông đã biết qua em gái tôi, sự trung thành là một lề thói gia đình.
- Phải chăng tôi thật bất hạnh!
- Không, ông không bất hạnh. Nếu tôi để cảm tình đối với tôi như ông nói cắm rễ sâu hơn, thay vì dứt ra khỏi đầu ông trước khi nó đủ thì giờ đi vào con tim thì ông có thể trở thành bất hạnh. Nhưng ơn Trời…- Louise mỉm cười nói thêm – thật kịp thời và tôi hy vọng đã kịp ngăn chặn trước khi tiến triển nhiều.
- Được rồi, chúng ta đừng nói đến nữa.
- Ngược lại, chúng ta cứ nói vì ông sẽ gặp ở đây người mà tôi yêu, việc ông biết tôi đã yêu đến mức nào rất quan trọng.
- Xin cám ơn cô đã tin tưởng đến thế.
- Ông tự ái như thế là sai lầm đấy. Nào đưa tay cho tôi như đối với cô bạn tốt.
Tôi nắm lấy tay Louise và về các mặt tôi không có quyền gì oán hận cô. Tôi nói:
- Cô thật trung thực.
- Phải vậy thôi.
- Chắc là ông hoàng nào đấy chứ?
- Không, tôi không đòi hỏi đến thế, chỉ là một bá tước.
- Chà! Rose! Rose! – tôi kêu lên – nếu cô đến Saint-Peterbourg cô sẽ quên ngay ông Auguste.
- Ông kết tội tôi trước khi nghe tôi nói và thế là ông sai. – Louise trả lời tôi – Vì vậy tôi sẽ nói với ông tất cả. Nhưng nếu không phán xét như thế thì ông không phải là người Pháp.
- May mà việc cô ưa chuộng người Nga làm cho tôi nghĩ cô ít nhiều có bất công với người đồng hương của cô.
- Tôi không bất công với bất cứ ai, thưa ông, tôi chỉ so sánh. Mỗi dân tộc có những khiếm khuyết, bản thân họ không nhận thấy nhưng lộ rõ trước mắt những dân tộc khác. Sai sót chính của chúng ta là sự nhẹ dạ. Một người Nga vừa tiếp một người Pháp đến thăm không bao giờ nói với một người Nga khác "Một người Pháp vừa ra khỏi đây". Anh ta sẽ nói "Có một kẻ điên đến chơi". Và kẻ điên ấy không cần nói là từ đâu đến, người ta biết ngay đó là một người Pháp.
- Thế người Nga không có sai sót gì sao?
- Tất nhiên không phải thế. Nhưng không phải người kẻ đến xin trú ngụ nhìn vào đấy.
- Cám ơn về bài học.
- Lạy Chúa! Không phải bài học mà là một lời khuyên. Ông đến đây có ý định ở lại, đúng không? Vậy thì nên kết bạn chứ không nên có kẻ thù.
- Cô bao giờ cũng có lý.
- Cũng đã như ông ,tôi thề không bao giờ để một trong hững ông lớn ấy, rất phục tùng Hoàng đế Nga và rất thô bạo với những người dưới mình, sẽ là người yêu của tôi. Thế nhưng tôi đã sai lời thề, vậy ông đừng làm gì giống như thế nếu không sẽ trái lời thề như tôi.
- Theo tính cách của cô, tuy tôi mới gặp cô hôm qua, tôi nghĩ cuộc đấu tranh đã rất lâu dài.
- Vâng, lâu dài, thậm chí đã suýt nữa thành bi kịch.
- Cô hy vọng ở tôi sự tò mò sẽ lấn át tính ghen tuông?
- Không hy vọng gì cả, tôi chỉ muốn ông biết sự thật, thế thôi.
- Vậy cô nói đi, tôi xin nghe.
- Như địa chỉ bức thư của Rose đã cho ông biết , tôi ở nhà bà Xavier, cửa hiệu mốt thời trang nổi tiếng nhất Saint-Peterbourg. Lúc ấy cả giới quý tộc đều mua sắm ở đấy. Nhờ cái người ta gọi là sắc đẹp và tính chất của phụ nữ Pháp, tôi không thiếu những lời khen ngợi và ngỏ lời. Tuy thế, xin thề với ông, tuy những lời ngỏ và ca tụng ấy nhiều lần kèm theo những lời hứa hẹn tốt đẹp nhất, không có trường hợp nào tác động được đến tôi. Mười tám tháng đã trôi qua như vậy.
Gần hai năm trước, một chiếc xe kéo bốn ngựa đã dừng lại trước cửa hiệu, hai cô gái, một sĩ quan trẻ và một người đàn bà khoảng bốn mươi lăm, năm mươi tuổi bước xuống. Chàng trai là trung uý cận vệ, do đó ở lại Saint-Peterbourg nhưng mẹ và hai cô em gái thì ở Moscou. Họ vừa đến nghỉ hè cùng người anh và con trai, việc đầu tiên là đến cửa hiệu bà Xavier, trung tâm lớn về thẩm mỹ, thời trang, một người phụ nữ lịch sự chỉ ra mắt công chúng dưới sự hướng dẫn của cửa hiệu này. Hai cô gái thật đẹp còn chàng trai tôi ít chú ý đến mặc dù trong thời gian ngắn ngủi ấy anh có vẻ quan tâm nhiều đến tôi. Mua bán xong thì bà mẹ cho địa chỉ: bà Bá tước Vaninkoff, trên kênh Fontalka.
Hôm sau chàng trai đến một mình, anh ta muốn biết chúng tôi đã làm đơn đặt hàng của mẹ và em gái anh ta chưa và đề nghị tôi cho thay đổi màu của một chiếc nơ ruy băng.
Buổi tối tôi nhận được một bức thư ký tên là Alexis Vaninkoff, một loại thư tỏ tình. Tuy thế một điều tôi lưu ý như một sự tế nhị, không một sự hứa hẹn gì, người ta mong muốn nhận được trái tim tôi chứ không mua nó.
Có những trường hợp không thể tỏ ra quá cứng rắn mà không kỳ cục. Nếu tôi là một cô gái thời thượng, tôi đã gởi trả lại bá tước Alexis Vaninkoff mà không mở ra đọc, tôi chỉ là một cô gái tầm thường khốn khổ, tôi mở ra đọc rồi đốt đi.
Hôm sau bá tước trở lại. Các cô em và bà mẹ muốn để anh chọn những chiếc mũ không vành cho họ. Khi anh bước vào, tôi tìm cớ lui vào trong phòng bà Xavier và chỉ bước ra cửa hiệu khi anh đã đi.
Buổi tối tôi nhận được bức thư thứ hai. Người viết nói còn chút hy vọng là tôi không nhận được bức thư đầu. Như lần trước, bức thư này tôi cũng không trả lời.
Ngày hôm sau tôi nhận được bức thư thứ ba. Lời lẽ của bức thư này khác hẳn hai bức thư đầu khiến cho tôi chú ý. Từ dòng đầu đến dòng cuối thấm đượm nỗi buồn của người đã mất hết hy vọng. Anh quyết định nếu tôi không trả lời bức thư này, anh sẽ xin Hoàng đế nghỉ phép bốn tháng, lên Moscou sống với mẹ và các cô em. Tôi im lặng để anh làm như anh đã dự tính. Sáu tuần lễ sau tôi nhận được một bức thư từ Moscou, chỉ có mấy hàng như sau:
"Tôi chuẩn bị một đợt đăng ký điên rồ nguy hiểm đến tính mạng, không chỉ hứa hẹn tương lai mà còn qua những ngày gian truân. Hãy viết cho tôi sau này có lẽ em sẽ yêu tôi để có một luồng hy vọng gắn bó tôi vào với cuộc sống mà tôi đã không gắn bó với ai".
Tôi nghĩ mảnh giấy viết để đe doạ tôi và như những lần trước, tôi vẫn không trả lời.
Sau bốn tháng, tôi nhận được bức thư này:
"Tôi đến ngay. Ý nghĩ trở về đầu tiên là về với em. Tôi yêu em như và có lẽ hơn lúc tôi ra đi. Bây giờ em không chỉ có cứu sống cuộc đời tôi nữa mà còn có thể làm cho tôi yêu cuộc sống".
Sự quyết tâm lâu dài, bí mật ẩn chứa trong hai bức thư sau, nỗi buồn trong đó xác định tôi phải trả lời thư anh, chắc không phải một bức thư như bá tước mong đợi nhưng ít nhất cũng là mấy lời an ủi, tuy vậy kết thúc tôi đã nói là tôi không yêu anh và sẽ không bao giờ yêu.
- Điều ấy ông thấy có vẻ lạ lùng – Louise ngắt lời – và tôi thấy ông mỉm cười. Đức tính như vậy hơi kỳ cục ở một cô gái khốn khổ. Ông yên tâm, không chỉ là đức tính mà còn là sự giáo dục. Bà mẹ tôi, vợ goá của một sĩ quan, không có một chút tài sản nào, đã nuôi dạy tôi và Rose như thế. Lên mười sáu tuổi chúng tôi mất mẹ, và mất cả khoản trợ cấp nhỏ nuôi sống chúng tôi. Em gái tôi trồng và bán hoa, tôi buôn bán thời trang. Em tôi yêu người bạn của ông, chiều theo người yêu, tôi không thấy là một tội lỗi. Tôi thấy người ta đơn giản cho bản thân mình khi đã cho đi con tim mình. Riêng tôi chưa gặp được người tôi phải yêu và như ông thấy đấy, tôi đã ở như vậy, khôn ngoan tuy không xứng đáng được như vậy lắm.
Trong lúc ấy năm mới đến. Với những người Nga, ông chưa biết nhưng rồi sẽ thấy, ngày đầu năm là một ngày hội lớn. Hôm ấy lãnh chúa và nông dân, bà hoàng và người bán thời trang, vị tướng và quân lính đều trở thành anh em. Hoàng đế Nga tiếp dân chúng: hai mươi lăm nghìn giấy mời có thể nói được tung ra bất kỳ trên đường phố Saint-Peterbourg. Chín giờ tối cung điện Mùa Đông mở cửa và hai mươi lăm nghìn người khách mời ken đầy các phòng khách của hoàng gia suốt năm chỉ mở cho gíới quý tộc. Đàn ông hoá trang mặc áo thụng có nón trùm đầu hoặc theo lối quần áo Venise, đàn bà ăn mặc như thường ngày.
Bà Xavier cho chúng tôi giấy mời nên chúng tôi quyết định cùng nhau đi đến cung điện. Cuộc tập hợp người rất đông nhưng đặc biệt không mất trật tự, không thô bạo cướp giật gì tuy không có một người lính nào canh phòng. Lòng tôn trọng Hoàng đế lan khắp mọi người và người thiếu nữ trong trắng nhất cũng an toàn ở đây như trong phòng ngủ với mẹ.
Chúng tôi đã đến gần nửa tiếng đồng hồ, trong phòng khách chen chúc đến nỗi chúng tôi nghĩ không thể thêm một người nào nữa thì bỗng ban nhạc của các phòng ra hiệu tấu vũ điệu Ba Lan. Cùng lúc đó tiếng hô "Hoàng đế! Hoàng đế!" vang lên. Nhà vua xuất hiện ở cửa ra vào, khởi sự vũ điệu với bà Đại sứ Anh, cả triều thần đi theo, ai nấy dồn lại, đám đông tách ra một khoảng trống khoảng mười bộ, những người khiêu vũ nhảy vào đấy, đi qua như một dòng thác kim cương, lông vũ, gấm vóc, hương thơm. Phía sau đoàn người ai cũng xô đẩy nhau, dồn nén nhau. Bị tách khỏi hai cô bạn, tôi muốn đến với họ nhưng không được, một lúc thấy họ như bị cuồng phong cuốn đi rồi không trông thấy họ đâu nữa. Tôi không xuyên qua được bức tường người ngăn cách họ và rồi một mình tôi lọt giữa hai mươi lăm nghìn người.
Trong lúc hốt hoảng tôi đã sẵn sàng cầu cứu người đàn ông đầu tiên sẽ gặp thì một người đội mũ mặc áo choàng dài rộng đến bên cạnh. Tôi nhận ra Alexis.
- Thế nào, cô có một mình ở đây ư? – anh hỏi.
- Ồ, ông đấy à, bá tước? – tôi kêu lên và bám vào tay anh, rất sợ đơn độc giữa đám người này – Đề nghị ông giúp đưa tôi ra khỏi nơi này và đến gần một chiếc xe để tôi có thể ra về.
- Cô cho phép tôi đưa về, và tôi rất cám ơn sự tình cờ đã cho tôi nhiều may mắn hơn mọi khẩn khoản của tôi.
- Không, xin cám ơn ông, một chiếc xe thuê…
- Không thể tìm được một chiếc xe thuê vào giờ này, mọi người đang đến và không có ai ra đi. Cô ở lại đây độ một giờ nữa.
- Không, tôi muốn ra về.
- Vậy cô chấp nhận đi chiếc xe ngựa của tôi. Tôi sẽ bảo người đưa cô về vì cô không muốn trông thấy tôi. Thế đấy! Cô sẽ không trông thấy tôi.
- Lạy Chúa! Tôi những muốn…
- Nào, chỉ có một trong hai cách, hoặc ở lại, hoặc đi xe ngựa của tôi. Ti cho rằng cô không nghĩ đến việc đi bộ một mình và giữa cơn rét lạnh này.
- Nếu thế, thưa ông Bá tước, ông đưa tôi lại xe của ông.
Alexis làm theo ngay, tuy vậy vì quá đông người chúng tôi mất gần cả tiếng đồng hồ để ra đến cửa ở quảng trường Amirauté. Bá tước gọi người của mình và lát sau một chiếc xe lịch sự hai chồ ngồi khép kín dừng lại trước cửa. Tôi bước lên và cho địa chỉ của bà Xavier. Bá tước cầm tay tôi hôn, đóng cửa xe, nói mấy câu tiếng Nga căn dặn thêm và xe đi như bay.
Sau một lúc ngựa hình như chạy tăng tốc độ gấp đôi và tôi cảm thấy người đánh xe cố sức cũng không kìm giữ được. Tôi muốn kêu lên nhưng tiếng kêu bị tiếng người đánh xe lấn át mất. Muốn mở cửa xe nhưng sau tấm gương có một tấm ngăn. Cố gắng vô ích. Tôi mệt mỏi ngã người về phía cuối xe, cho rằng những con ngựa có lẽ đã nổi khùng và chúng tôi sẽ tan tành ở một góc phố nào đó.
Thế nhưng sau mười lăm phút, xe dừng lại, cửa mở, tôi hốt hoảng lao ra khỏi xe, nhưng đôi chân tê dại. Trong lúc ấy người ta trùm một tấm màn mỏng vào đầu tôi và sau đó tôi cảm thấy mình được đặt xuống một chiếc đi văng. Tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng xa lạ và bá tước Alexis đang ngồi sát đầu gối tôi.
- Ồ - tôi kêu lên – ông đã lừa tôi, thật ghê tởm, thưa Bá tước.
- Rất tiếc, xin cô tha lỗi cho – ông nói – dịp này mất đi thì có bao giờ tôi tìm lại được? ít nhất một lần trong đời tôi có thể trình bày với cô…
- Ông sẽ không được nói một lời, thưa Bá tước, - tôi to tiếng và đứng dậy – ngay lúc này ông ra lệnh cho người ta đưa tôi về hoặc tôi coi ông là một kẻ bất lương.
- Nhưng chỉ một giờ thôi! Nhân danh Trời Đất! Hãy để tôi nói, để tôi nhìn em! Đã từ lâu tôi không gặp em, không nói được với em!
- Không một lúc, một phút nào, ngay lúc này, ông nghe rõ không, ngay lúc này hãy để tôi ra đi.
- Như vậy cả lòng kính trọng, tình yêu, những lời khẩn cầu của tôi cũng không…
- Không gì hết, thưa Bá tước, không gì hết.
- Nếu vậy, em lắng nghe đây – ông nói – Tôi thấy em không yêu tôi, sẽ không bao giờ yêu. Thư của em đưa lại cho tôi chút hy vọng, bức thư đã lừa dối tôi. Được rồi em kết tội tôi. Tôi chấp nhận. Tôi chỉ xin em năm phút: trong năm phút nếu em buộc tôi phải để em tự do, em sẽ được như ý.
- Ông thề với tôi sau năm phút tôi được tự do?
- Tôi thề.
- Ông nói đi.
- Tôi giàu có, Louise, tôi quý phái, có một bà mẹ nuông chiều, hai cô em gái thương yêu tôi! Ngay từ thời còn bé, tôi được nhiều người hầu hạ vây quanh, hối hả nghe lời tôi. Tuy thế tôi mắc căn bệnh của phần lớn những người đồng hương, cảm thấy già lúc hai mươi tuổi. Tôi chán tất cả, mệt mỏi vì tất cả. Tôi u buồn.
Không vũ hội, mơ ước, ngày lễ, thú vui nào tách ra được tấm màn xám, tẻ nhạt trải rộng giữa mọi người và tôi. Có lẽ chiến tranh với những mê say, nguy hiểm, mệt nhọc của nó có thể tác động gì đó đến tâm trí tôi, nhưng toàn bộ châu Âu ngủ trong một nền hoà bình vững chắc và không còn Napoléon để làm đảo lộn mọi thứ lên.
Tôi đã mệt mỏi với tất cả và đã thử đi du lịch thì gặp em. Lúc đầu tôi thể hiện với em, phải thú nhận là trong một lúc thất thường. Tôi viết thư cho em, nghĩ rằng em sẽ xiêu lòng. Trái với chờ đợi, em không trả lời, tôi khẩn khoản vì tự ái. Tôi nghĩ chỉ là một lúc ngông cuồng thoáng qua nhưng rồi bỗng nhận ra ý ngông cuồng ấy trở thành một tình yêu thật sự và sâu sắc. Tôi không cố giành cho được vì mọi đấu tranh với bản thân làm cho tôi mệt mỏi và ngã quỵ. Tôi viết cho em tôi sẽ đi và tôi đi ngay.
Đến Moscou tôi gặp những người bạn cũ. Họ thấy tôi u ám, lo lắng, buồn rầu. Họ đáng giá cao tâm hồn. Tôi nghĩ những mơ mộng của tôi là những suy ngẫm về lòng nhân ái. Họ nghiên cứu lâu những lời nói, sự im lặng của tôi, cho rằng thấy được điều gì đó giấu kín trong nỗi buồn, họ ngộ nhận đó là tình yêu tự do và mời tôi vào một âm mưu chống lại Hoàng đế.
- Lạy Chúa! – tôi kêu lên – Tôi hy vọng là ông từ chối!
- Tôi đã viết cho em, quyết định của tôi phụ thuộc vào thử thách cuối cùng này, nếu em yêu tôi, cuộc đời tôi đã thuộc vào em, tôi không có quyền chi phối nó. Nếu em không trả lời thì có nghĩa là em không yêu thì việc gì có thể đến với tôi không đáng kể. Cuộc âm mưu là một cuộc giải trí. Dĩ nhiên sẽ lên máy chém nếu chúng tôi bị lộ, nhưng ý nghĩ tự sát đã hơn một lần đến với tôi, tôi nghĩ máy chém giúp tôi không phải tự giêt mình.
- Lạy Chúa! Lạy Chúa! Có thể nào đấy là những điều ông đã nghĩ?
- Tôi nói sự thật với em, Louise, và đây là một bằng chứng. Em cầm lấy – anh ấy đứng lại gần một chiếc bàn nhỏ lấy một chiếc hộp niêm phong đưa cho tôi – tôi không đoán được hôm nay sẽ gặp lại em, không hy vọng thấy em nữa. Em hãy đọc đi.
- Bản di chúc của ông ư?
- Làm ở Moscou ngay sau ngày tôi vào hội kín.
- Chúa ơi, ông lại để cho tôi ba mươi nghìn rúp lợi tức!
- Nếu em không yêu tôi trong khi sống, tôi muốn ít nhất em có được một số kỷ niệm tốt về tôi sau khi tôi chết.
- Nhưng những kế hoạch về âm mưu, cái chết ấy, việc tự sát, ông từ bỏ tất cả rồi chứ?
- Louise, em tự do ra đi, năm phút đã trôi qua. Nhưng em là hy vọng cuối cùng của tôi, điều duy nhất gắn tôi vào cuộc sống. Vì một khi đã ra khỏi đây, em sẽ bao giờ quay trở lại nữa, tôi lấy danh dự báo với em khi cánh cửa khép lại, là lúc tôi bắn vào đầu mình.
- Ồ! Ông điên rồi!
- Không, tôi đau buồn.
- Ông sẽ không bao giờ làm một việc như thế!
- Em cứ thử xem.
- Ông Bá tước, nhân danh Trời đất!
- Louise, em nghe đây, tôi đã đấu tranh đến cùng, hôm qua tôi đã quyết định kết thúc đi, hôm nay gặp lại em, tôi muốn mạo hiểm lần cuối cùng hy vọng thắng. Tôi đưa mạng sống ra giành lấy hạnh phúc, thất bại thì tôi sẽ trả giá.
Nếu Alexis nói những điều ấy trong cơn mê sảng thì tôi đã không tin, nhưng anh ấy nói với giọng bình thường, với thái độ bình tĩnh thường có, với giọng điệu vui vẻ hơn là u buồn. Tóm lại người ta cảm thấy trong những gì anh nói với tôi có tính chất chân thật cho nên đến lượt tôi không thể ra đi được nữa. Tôi nhìn chàng trai đẹp đẽ sống đầy đủ và chỉ cần có tôi là sẽ có đầy đủ hạnh phúc. Tôi nhớ lại bà mẹ có vẻ yêu thương anh đến thế, hai cô em gái khuôn mặt tươi vui. Tôi nhìn thấy anh đẫm máu và biến dạng, họ thì rũ rượi than khóc và tự hỏi mình có quyền gì làm tan vỡ cuộc sống vàng son ấy, những niềm hy vọng cao cả ấy. Rồi, có cần nói ra với ông không, một sự đeo đuổi lâu dài như vậy đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Tôi cũng thế, trong những đêm tĩnh lặng và tấm lòng trống trải, đôi khi tôi cũng nghĩ đến người đàn ông vốn bao giờ cũng nghĩ đến tôi. Trong lúc sắp chia tay vĩnh viễn với anh, tôi nhìn vào trong tâm hồn tôi rõ hơn. Tôi nhận thấy mình đã yêu anh…và tôi ở lại.
Alexis nói với tôi rất thật. Điều thiếu vắng trong cuộc sống của anh là tình yêu. Đã hai năm yêu tôi, anh rất hạnh phúc hoặc tỏ ra thế, từ bỏ âm mưu điên rồ mà anh tham gia vì chán đời. Phiền phức về những cuộc gặp gỡ trong lúc tôi ở nhà bà Xavier, anh lặng lẽ thuê cho tôi cửa hiệu này. Mười tám tháng nay tôi sống một cuộc đời khác, giữa những hiểu biết tôi thiếu hụt thời niên thiếu và anh, người có tiếng tăm, cần có người đàn bà mình yêu. Do đó ông thấy có sự thay đổi trong bản thân tôi so với vị trí của tôi. Như vậy ông hẳn thấy tôi làm đúng khi ngăn ông lại, tôi không thể yêu ông vì tôi đã yêu anh ấy.
- Đúng và tôi cũng hiểu cô dựa vào sự giúp đỡ nào để hy vọng yêu cầu của tôi có thể đạt được.
- Tôi đã nói chuyện với anh ấy về điều dó.
- Rất tốt nhưng tôi xin từ chối.
- Có thể, nhưng tôi là thế.
- Cô có muốn chúng ta rối ren vì nhau và chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa?
- Ồ, như vậy sẽ rất độc ác vì tôi chỉ biết có ông ở đây. Hãy coi tôi như một cô em gái và để tôi làm.
- Cô muốn như thế à?
- Tôi đòi hỏi như thế.
Lúc ấy cửa phòng khách mở ra và Bá tước Alexis xuất hiện ở ngưỡng cửa.
Bá tước Alexis Vaninkoff là một người trẻ đẹp, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, tóc vàng, dong dỏng cao, nửa Tacta, nửa Thổ, đã là trung uý cận vệ. Đội quân được ưu đãi này từ lâu chịu sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng thân Constatin, em của Nga hoàng và thời ký ấy là Phó vương Ba Lan. Theo thói quen, người Nga không bao giờ rời bộ quân phục, Alexis mặc quần áo sĩ quan, trước ngực gắn huân chương Saint Vladimir và Alexandre Nevski, ở cổ đeo huy chương Stanislas-Auguste hạng ba. Thấy ông, Louise tươi cười đứng dậy.
- Thưa ngài, - cô nói – xin hoan nghênh, chúng tôi đã nói về ngài, tôi xin giới thiệu ông bạn đồng hương mà tôi đã nói chuyện với ngài và nhờ ngài bảo trợ.
Tôi nghiêng mình. Bá tước đáp lại với một lối chào duyên dáng, giọng nói trong trẻo hơi kiểu cách.
- Ồ Louise thân yêu – anh vừa nói vừa hôn tay cô – việc bảo trợ của tôi chẳng to tát gì nhưng tôi có thể chỉ dẫn với những lời khuyên: tôi đi du lịch, hoc được cách nhận biết mặt tốt mặt xâu của những người đồng hương với tôi và tôi có thể trao đổi với em bảo trợ. Vả lại tôi có thể bắt đầu làm khách hàng của ông bằng cách trao cho ông hai người học trò, một người anh em với tôi và tôi.
- Đã đáng kể rồi, nhưng chưa đủ. Ngài có nói đến chức vụ thầy dạy đánh kiếm trong một trung đoàn nào đó không?
- Có, nhưng hôm qua tôi mới được tin, đã có hai thầy dạy đánh kiếm ở Saint-Peterbourg, một người Pháp và một người Nga. Người đồng hương của ông, thưa ông, - Vanintoff quay lại phía tôi nói thêm – tên là Valville, biết làm hài lòng Hoàng đế, được phong tiểu đoàn trưởng với nhiều huân và huy chương, là thầy dạy toàn đội bảo vệ hoàng gia. Người đồng hương của tôi, một người tốt bụng và xuất sắc, theo chúng tôi chỉ có khiếm khuyết là người Nga, trước người này đã dạy cho Hoàng đế, được phong là đại tá và huân chương Saint-Vladimir hạng ba. Ông không muốn bắt đầu bằng cách trở thành địch thủ của người này hoặc người kia, đúng thế chứ?
- Chắc chắn là không – tôi đáp.
- Vậy thì đừng tỏ ra là cạnh tranh với ai cả. Tổ chức một cuộc đấu, chứng tỏ ông biết làm gì, khi thanh danh của ông nổi lên, tôi sẽ giới thiệu rất khiêm tốn với hoàng thân Constatin, ông vừa trở về Strelua hôm kia và tôi hy vọng ngài sẽ chiếu cố kiến nghị ông với Hoàng đế.
- Vậy là công việc tiến triển tốt đẹp – Louise phấn khởi vì lòng tốt của Bá tước đối với tôi, bảo tôi – Ông thấy tôi không nói dối ông chứ?
- Không. Bá tước là người ân cần nhất trong những người bảo trợ cũng như cô là người tuyệt vời nhât trong giới phụ nữ. Tôi sẽ làm theo ý kiến của bá tước, ngay tối nay tôi sẽ dự thảo chương trình.
- Nên như thế - Bá tước nói.
- Bây giờ thưa Bá tước, tôi xin lỗi nhưng tôi cần biết rõ. Tôi không tổ chức cuộc đấu này để kiếm tiền mà để ra mắt. Tôi nên gởi giấy mời như một cuộc dạ hội hay thu tiền như xem một vở diễn?
- Ỗ! Cứ thu tiền, ông thân mến, nếu không ông chẳng có ai tới dự. Ông làm vé mười rúp, một trăm vé, tôi sẽ phân phối cho.
Khó có thể có ai nhiệt tình hơn nên không còn hận thù gì nữa. Tôi chào và ra về.
Ngày hôm sau tôi đặt thông báo và tám ngày sau tôi tổ chức cuộc đấu, Valville, Siverbruck đều không tham gia mà chỉ có những người không chuyên nghiệp Ba Lan, Nga, Pháp tranh tài.
Tôi không có ý định kể lên đây những ngón tài năng và những đòn đánh hoặc tiếp nhận. Nhưng tôi phải nói rằng ngay trong buổi đầu, Bá tước De la Ferronnays, đại sứ của nước Pháp, đã mời tôi dạy cho Tử tước Charles, con trai ông. Hôm sau, tôi nhận được những bức thư khích lệ nhất của nhiều người trong đó có quận công Wurtemberg mời tôi làm giáo viên cho các con trai và Bá tước Bobrunski mời làm thầy cho chính mình.
Vì thế, lúc tôi gặp lại Bá tước Vaninkoff, ông bảo:
- Thế đấy! Tất cả đều tuyệt vời! Ông đã có danh tiếng, phải có một chứng chỉ của nhà vua củng cố nó. Đây là một bức thư của người tuỳ tùng của Hoàng thân. Ngài đã nghe nói về ông. Hãy táo bạo xin gặp ngài đề nghị có kiến nghị lên Hoàng đế. Tán dương lòng tự hào quân sự của ngài và xin ngài nhận xét giới thiệu cho.
- Nhưng thưa Bá tước – tôi dè dặt hỏi – ngài có nghĩ rằng ông ấy sẽ tiếp đón tôi tử tế không?
- Ông gọi thế nào là đón tiếp tử tế?
- Rốt cuộc có đúng mức không?
- Ông thân mến – bá tước Vaninkoff vừa cười vừa nói – ông quá tôn vinh chúng tôi. Ông xem chúng tôi là những người văn minh trong lúc chúng tôi chỉ là những kẻ hoang dã . Đây là bức thư, tôi mở cửa cho ông nhưng không dám chắc ra sao, mọi việc tuỳ thuộc vào tính cách vui buồn của hoàng thân. Tuỳ ông chọn lúc thích hợp. Ông là người Pháp và cũng là người dũng cảm. Đây là một cuộc đấu để đứng vững, một chiến thắng để giành giật.
- Vâng, nhưng là một cuộc đấu ở tiền sảnh, chiến thắng triều thần. xin thú nhận với ngài, tôi thích một cuộc đấu tay đôi thật sự hơn.
- Jean-Bart không quen thuộc những sàn nhà đánh bóng và quần áo triều thần hơn ông. Ông ta làm thế nào mà tranh thủ được khi đến Versailles?
- Bằng những nắm đấm, thưa ngài.
- Thế thì ông cứ làm như ông ta. Nhân tiện tôi được uỷ nhiệm nói với ông thay mặt Nariskine, anh em họ của Hoàng đế và Bá tước Zernitcheff. Đại tá Mouravieff, họ muốn ông dạy cho họ
- Vậy là ngài định chồng chất ân huệ cho tôi?
- Không, ông chẳng nợ gì tôi cả. Tôi làm đầy đủ việc nhờ cậy, thế thôi.
- Nhưng hình như việc ấy tiến hành không tồi – Louise nói với tôi.
- Nhờ có cô, tôi xin cám ơn cô. Được rồi, tôi sẽ làm theo ý kiến của Bá tước, từ ngày mai tôi sẽ mạo hiểm.
- Ông làm đi và chúc may mắn.
Cuối cùng không có gì hơn sự khuyến khích ấy, tôi đến gặp Hoàng thân vì công việc và phải thú nhận tôi những muốn vào tấn công con gấu Ukraine trong hang ổ còn hơn đến xin ân huệ của Hoàng thân Nga, con người tổng hợp những đức tính, những say mê dữ dội, và những phong cách điên rồ.
Nguồn: http://vnthuquan.org/