1/4/13

Người thầy dạy đánh kiếm (MĐ+C1-2)

Mở đầu

Grisier ở lại một mình sau cùng trong phòng tập, vừa thấy tôi xuất hiện ở cửa bèn kêu lên:

- A, đúng là một phép lạ!

Thực vậy, tôi đã không tới số 4 ngoại ô Mont-martre từ sau buổi chiều Alfred de Nerval kể với chúng tôi câu chuyện của Pauline.

Với thái độ ân cần như bố con với những người học trò cũ, người thầy đáng kính của tôi tiếp tục:

- Tôi hy vọng không có vụ việc gì xấu đưa anh tới đây chứ?

- Không ạ, thưa thầy kính mến – tôi trả lời ông – việc đến nhờ thầy giúp đỡ hôm nay thì không thuộc loại đôi khi em vẫn nhờ thầy.

- Anh biết dù là việc gì tôi cũng sẽ hết lòng vì anh. Cứ nói đi.

- Thưa thầy, xin thầy kéo em ra khỏi rắc rối này.

- Nếu có thể được tôi sẽ làm ngay.

- Em không nghi ngờ gì điều đó. Thầy hình dung xem, em ký hợp đồng với một hiệu sách mà không có gì giao cho họ cả.

- Lạ nhỉ.

- Em đến nhờ thầy cho em cái gì đó.

- Tôi ư?

- Vâng, thầy đã kể cho chúng em năm mươi lần về cuộc hành trình của thầy ở nước Nga.

- Được rồi, nói xem cụ thể em cần gì?

- Thầy ở bên ấy vào thời kỳ nào?

- Trong những năm 1824, 1825, 1826.

- Đúng những năm quan trọng nhất: kết thúc triều đại Hoàng đế Alexandre và Hoàng đế Nicholas đăng quang.

- Tôi đã thấy chôn người này và đưa người kia lên ngôi người kia. Nhưng này, anh nghĩ xem…

- Em mong được biết rõ…

- Đây là câu chuyện tuyệt vời.

- Đấy là điều em đang cần.

- Anh hình dung…Nhưng mà này, anh có đủ tính kiên nhẫn không?

- Điều này thì thầy khỏi phải bận tâm.

- Thế thì anh chờ đấy.

Ông ta lại một chiếc tủ rút ra tập giấy đồ sộ.

- Anh cầm lấy, việc của anh đây.

- Một bản thảo, lạy Chúa!

- Ghi chép của một ông bạn ở Saint-Peterbourg cùng thời kỳ với tôi, người đã thấy tất cả những gì tôi thấy và anh có thể tin tưởng vào ông ấy như đã tin tôi.

- Thầy cho em tập bản thảo này à?

- Anh được toàn quyền sở hữu.

- Đây là cả một kho báu.

- Trong đó đồng nhiều hơn bạc và bạc nhiều hơn vàng. Nhưng từ đấy anh rút ra phần tốt nhất.

- Thưa thầy, ngay đêm nay em sẽ bắt đầu làm việc và chỉ trong hai tháng…

- Hai tháng?

- Ông bạn của thầy thức dậy buổi sáng sẽ thấy sách vừa in xong.

- Chắc chắn chứ?

- Thầy có thể hoàn toàn yên tâm.

- Điều này sẽ làm ông ấy rất vui, lời nói danh dự đấy.

- À mà bản thảo còn thiếu một thứ, thưa thầy.

- Thiếu gì?

- Tên sách.

- Thế nào, tôi còn phải cho anh một tiêu đề nữa sao?

- Đúng vậy, thầy đừng giúp nửa chừng.

- Anh xem chưa kỹ, có rồi đấy.

- Ở đâu vậy?

- Trên trang này, anh thấy chứ. Người thầy dậy đánh kiếm.

- À vâng, đã có rồi, chúng ta cứ lấy cái tên này nhé.

- Tốt chứ?

- Vâng.




Qua đoạn hội thoại này bạn đọc sẽ hiểu rằng những gì bạn đọc không phải của tôi viết kể cả tên sách.

Chương 1

Tôi đang ở tuổi nhiều ảo tưởng khi có số tiền bốn nghìn francs tôi xem như một kho của không cạn kiệt và khi nghe nói nước Nga như một thiên đường đôi với những nghệ sĩ trình độ khá; mà tôi là người tự tin nên tôi đã quyết định đi Saint-Peterbourg.

Quyết định rồi là tôi bắt tay thực hiện ngay: là chàng trai chưa vướng víu gì, cũng không nợ nần ai, chỉ cần mấy bức thư giới thiệu và tấm hộ chiếu, tôi không phải mất nhiều thời gian cho những thứ này vậy nên chỉ tám ngày sau tôi đã lên đường đi Bruxelles.

Tôi chọn đi đường bộ, trước hết vì tôi dự định ghé thăm các thành phố và tìm cách kiếm thêm đài thọ để cho chuyến đi này; sau nữa vì lòng tự hào với vinh quang của tổ quốc, tôi muốn tham quan một số chiến trường cũ, tôi hình dung chúng cũng đẹp như ở ngôi mộ Virgile, ở đó có những cây nguyệt quế rất đẹp.

Tôi dừng lại hai ngày ở thủ đô nước Bỉ, ngày đầu dạo phố và ngày thứ hai có một cuộc đấu tay đôi. Tôi đã khá may mắn trong trận đấu và người ta mời tôi ở lại với những điều kiện khá hấp dẫn nhưng tôi đã từ chối. Tôi muốn tiếp tục đi.

Tuy vậy tôi có dừng lại một ngày ở Liège ; ở phòng lưu trữ tài liệu của thành phố này có một người học trò cũ của tôi, tôi muốn ghé thăm anh ta. Anh ta sống ở đường Pierreuse, ngồi trên tầng thượng nhà anh có thể vừa nhắm rượu vang sông Rhin, vừa ngắm thành phố trải dài dưới chân, nơi Godefroy lên Đất Thánh. Tôi sẽ không làm việc quan sát ấy nếu không có người học trò kể cho nghe năm, sáu truyền thuyết kỳ lạ về những ngôi nhà cổ ấy, một trong những truyền thuyết bi thảm nhất là Bữa tiệc Varfressés, với đề tài vụ giết hại thị trưởng Sébastien Laruelle, ngày nay còn một đường phố mang tên ông.

Trong lúc lên xe ngựa chờ khách ở Aixla Chapelle, tôi nói với người học trò về dự định xuống thăm những thành phố nổi tiếng và dừng lại ở những chiến trường lớn, nhưng anh ta cười về dự định ấy. Anh ta cho biết ở nước Phổ, người ta không dừng lại ở chỗ mình muốn mà ở chỗ người đánh xe muốn và một khi đã lên ngồi khép kín trong thùng xe thì hoàn toàn phụ thuộc vào người đánh xe. Thật vậy, từ Cologne đến Dresde, nơi tôi có ý đồ ở lại ba ngày, người ta chỉ lôi tôi từ thùng xe ra vào giờ ăn và vừa thời gian để chúng tôi ăn uống đủ sống. Sau ba ngày bị giam hãm trên xe, chẳng ai dám than thở gì vì điều này đã được quy định trong đất nước của Hoàng đế Frédéric-Guilliaume. Cuối cùng chúng tôi đến Dresde.

Dresde là nơi mà trong lúc tiến vào nước Nga Napoléon đã dừng quân, năm 1812, ông cho triệu tập một hoàng đế, ba ông vua và một phó vương, còn những ông hoàng đến chen chúc trước cửa lều nhà vua đông đến mức lẫn lộn với tuỳ tùng và sĩ quan cận vệ, vua Phổ phải chờ ở tiền sảnh mất ba ngày.



Hành hương từ Vilna (ngày nay là Vilnius, thủ đô Lituanie), tôi đi ngựa theo con đường Napoléon đã đi mười hai năm trước, vượt qua Niémen, dừng lại ở Posen, Vilna, Ostrovno và Vitebsk, tiếp nhận mọi thủ tục những người dân Lituanie tốt bụng vẫn giữ lại từ khi nhà vua đi qua. Tôi còn muốn đi thăm Smolensk và Moscou nhưng không thể đi nổi thêm hai trăm dặm nữa. Sau khi ở lại Vitebsk một ngày và đi thăm lâu đài mà Napoléon đã từng nghỉ, tôi thuê một chiếc xe ngựa mà bưu vụ Nga thường sử dụng và gọi là xe trạm, vì người ta thay đổi xe ở mỗi trạm. Tôi bỏ áo khoác lên xe và được ba con ngựa kéo đi, chẳng bao lâu bỏ lại Vitebsk phía sau. Con ngựa giữa ngẩng cao đầu đi nước kiệu còn hai con bên phải, bên trái phóng nước đại, hí lên và đầu cúi xuống như muốn ngốn ngấu mặt đất.



Lần này tôi theo con đường Hoàng hậu Catherine đã đi trong cuộc hành trình sang Tauride.

Chương 2

Ra khỏi Vitebsk, tôi phải qua một trạm thuế quan Nga. Tôi chỉ có một chiếc áo khóac nên tuy ý định rõ rệt của người trưởng đồn là kéo dài cuộc khám xét nhưng ông ta cũng chỉ làm mất hai giờ hai mươi phút, đây gần như là điều khó tin trong lịch sử thuế quan Moscou. Khám xét xong tôi được yên thân cho đến Saint-Peterbourg.

Buổi chiều tôi đến Véliki-Louki, tên gọi có nghĩa "vòng cung lớn", muốn chỉ cảnh đẹp của con sông Lova len lỏi giữa những bức tường. Được xây dựng từ thế kỷ XI, thành phố này bị người Lituanie tàn phá vào thế kỷ XII, vua Ba Lan Ballori chinh phục rồi trả lại cho Ivan Vasilievitch, cuối cùng bị Démétrius giả danh đốt trụi. Bị bỏ hoang vắng chín năm, sau đó thành phố có người Cô dắc của sông Don và Jaik đến sinh sống, dân cư hiện nay hầu hết là hậu duệ của họ. Ở đây có ba nhà thờ, đi qua đó người đánh xe của tôi không quên làm dấu thánh.

Mặc dù tình trạng tồi tệ của chuyến đi do chiếc xe và đường xấu gây ra, tôi kiên quyết không dừng lại thăm thú dọc đường vì người ta bảo tôi có thể vượt bảy mươi hai dặm từ Vitebsk đến Saint-Peterbourg trong bốn mươi tám giờ. Tôi chỉ dừng trước trạm trong thời gian thay ngựa. Trong chuyến đi này suốt đêm tôi không ngủ được một chút nào, bởi người nhảy lên trong xe như một quả bóng. Tôi cố bám vào chiếc ghế gỗ dài có trải đệm da mỏng, sau khoảng mười phút đôi tay rã rời, tôi buộc phải trả mình nhồi lên nhồi xuống, thâm tâm ái ngại cho những người bưu tá Nga, họ thật khốn khổ khi phải ngồi hàng nghìn dặm đường trong những chiếc xe tương tự như thế này.

Nét khác biệt giữa đêm ở Moscou và đêm ở nước Pháp đã khá rõ. Trong những chiếc xe ở nước Pháp, tôi có thể đọc sách, còn ở đây, cũng phải thú nhận mệt mỏi vì mất ngủ, tôi đã thử đọc, nhưng đến dòng thứ tư thì một cú xóc làm bật cuốn sách khỏi tay và khi tôi cúi xuống nhặt, một cú xóc khác hất tôi ra khỏi ghế ngồi. Tôi mất nửa tiếng đồng hồ vật lộn dưới sàn xe trước khi đứng lên và được chữa khỏi ý thích tiếp tục đọc.

Mờ sáng tôi đến Béjanitji, một làng nhỏ, và bốn giờ chiều đến Porkhoff, một thành phố cổ trên bờ sông Chelonia, con sông chuyên chở lanh và lúa mì đến hồ Ilmen. Từ đó đến hồ Ladoga tính ra tôi đã đi được nửa đường. Thú thật, tôi rất muốn dừng lại nghỉ ngơi một đêm nhưng quán hàng ở đây bẩn thỉu đến mức tôi phải quay lên xe ngồi. Cũng phải nói nhờ người đánh xe đã đảm bảo con đường sắp đi tốt hơn con đường đã qua mà tôi có quyết định dũng cảm ấy. Cuối cùng chiếc xe trạm lại ra đi với tốc độ nước đại, tôi tiếp tục chiến đấu bên trong thùng xe, còn người đánh xe ngồi trên chỗ của mình ngân nga một điệu hát buồn, tôi không hiểu ý nghĩa của lời hát nhưng âm điệu có vẻ rất phù hợp với hoàn cảnh đau khổ của tôi. Nếu nói tôi đã ngủ thiếp đi thì không ai tin nổi và bản thân tôi cũng không tin, nếu không bị bừng tỉnh dậy với một vết xước đau đớn ở trán. Một cú xóc mạnh đến nỗi người đánh xe văng khỏi chỗ ngồi và làm tôi thức dậy do trán bị đập vào cạnh xe. Tôi có ngay ý định đổi chỗ cho người đánh xe, nhưng nói mãi anh ta vẫn không đồng ý, hoặc vì anh ta không hiểu lời đề nghị của tôi hoặc vì anh ta cảm thấy thiếu trách nhiệm nếu làm như thế. Rốt cuộc chúng tôi lại lên đường, người đánh xe lại hát và tôi tiếp tục bị hành hạ trong thùng xe. Năm giờ sáng chúng tôi đến Selogorodetz rồi dừng lại ăn điểm tâm. Nhờ trời chúng tôi chỉ còn phải đi hơn năm mươi dặm nữa.

Tôi thở dài trở vào thùng xe, ngồi dựa vào chiếc gậy. Đến lúc ấy tôi mới thử đề nghị bỏ tấm vải trùm xe ra, người đánh xe trả lời đấy là điều dễ nhất trên đời. Tôi bảo anh ta làm ngay và vì vậy chỉ còn phần dưới con người tôi là tiếp tục bị hành hạ.

Ở Louga tôi lại có một ý kiến sáng suốt là bỏ chiếc ghế dài, bỏ rơm rạ lên sàn xe, lót chiếc áo khóac và nằm trên đó. Nhờ những cải tiến này tình trạng của tôi cuối cùng trở nên gần như chịu đựng được.

Người đánh xe dừng lại trước lâu đài Garchina, nơi vua Paul đệ nhất bị đày suốt thời gian Catherine trị vì và trước cung điện Tsarskoï e Selo, nhà nghỉ mùa hè của Hoàng đế Alexandre, nhưng tôi mệt mỏi đến mức chỉ còn đủ sức ngẩng đầu nhìn hai kỳ quan ấy, tự hứa sẽ trở lại thăm trong một chiếc xe tiện nghi hơn.

Ra khỏi Tsarskoï e Selo, trục của một chiếc xe trạm chạy trước bị gãy, xe nghiêng về một bên. Tôi chỉ cách chiếc xe khoảng chừng một trăm bước chân, thấy từ đấy bước ra một quý ông cao gầy, một tay cầm chiếc mũ cao nồi, tay kia cầm chiếc vĩ cầm nhỏ. Ông ta mặc áo màu đen như người ta vẫn thường mặc ở Paris năm 1812, quần ngắn đen, tất lụa đen và đôi giầy có khóa. Bước ra đường lớn, ông vung vẩy ngay chân phải, chân trái, rồi đạp chân vào nhau, sau đó quay mình ba vòng chắc để xác định mình không bị thương tích gì. Sự lo lắng bảo vệ bản thân mình thể hiện rõ đến nỗi tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm dừng lại để hỏi thăm ông ta.

- Không có gì, thưa ông, không có gì – ông ta trả lời – có điều tôi không đến kịp buổi dạy. Một giờ dạy người ta trả tôi một louis (một đồng tiền vàng giá 20 francs). Tôi dạy cho một người đẹp nhất ở Saint-Peterbourg, cô Vlodeck ngày kia sẽ đóng vai Philadelphie, một trong những cô con gái của thượng nghị sĩ Warton trong bức tranh của Antoine Van Dyck, trong lễ hội triều đình tổ chức cho nữ quận công thừa kế De Weiman!

- Thưa ông, tôi không hiểu gì lắm về điều ông trình bày, nhưng không sao, tôi có thể giúp ông được việc gì không?

- Ông có thể giúp tôi được việc gì không ư? Ông có thể cứu sống tôi đấy. Hãy hình dung, thưa ông, tôi vừa dạy khiêu vũ cho công nương Lubermiska, ở trang trại cách đây không xa. Một bài học trị giá hai louis, tôi không dạy kém giá ấy, tôi đang nổi tiếng và phải tận dụng điều này. Rất đơn giản vì chỉ có tôi là thầy dạy khiêu vũ Pháp ở Saint-Peterbourg. Thế mà anh này lại chở tôi với một chiếc xe bị gãy trục suýt làm tôi bị thương tật, may mà đôi chân tôi còn lành lặn. Ta biết rõ số xe của anh rồi, đi đi, đồ ranh mãnh.

- Tôi nghĩ việc tôi có thể giúp ông được là dành cho ông một chỗ trên xe của tôi…

- Vâng, cám ơn, đó là một sự giúp đỡ vô cùng quý giá, nhưng thật tình tôi không dám…

- Sao vậy? Giữa những người đồng hương với nhau…

- Ông là người Pháp?

- Tôi còn là một nghệ sĩ…

- Ông là nghệ sĩ? Thưa ông, thành phố Saint-Peterbourg thật chẳng hay ho gì đối với những nghệ sĩ. Khiêu vũ, nhất là khiêu vũ! Chà! Chỉ còn nhảy một chân. Mà này, ông không phải là thầy dạy khiêu vũ đấy chứ?

- Thế nào? Khiêu vũ chỉ còn nhảy một chân. Nhưng ông nói người ta trả cho mỗi bài học một louis, có phải để học nhảy lò lò không? Một louis, thưa ông, tôi cho rằng đấy là một khoản thù lao rất đẹp đó chứ?

- Vâng vâng, trong lúc này chắc vì hoàn cảnh. Nhưng thưa ông, ở đây không còn là nước Nga cũ nữa. Người Pháp đã làm hỏng tất cả. Nhưng tôi đoán chắc ông không phải là một ông thầy dậy khiêu vũ, đúng không?

- Thế mà người ta bảo tôi Saint-Peterbourg là một thành phố mà tầng lớp ưu việt chắc chắn được hoan nghênh.

- Ồ vâng, vâng, trước kia thì như vậy. Đến mức một anh thợ cắt tóc tồi kiếm được 600 rúp một ngày, trong lúc hiện nay tôi kiếm không đầy 80. Tôi hy vọng ông không là thầy dạy khiêu vũ?

- Không, không, ông bạn đồng hương thân mến – thương hại ông ta cuối cùng tôi trả lời – Ông có thể lên xe mà không ngại phải ngồi gần một kình địch.

- Thưa ông, tôi sung sướng chấp nhận – ông ta kêu lên và ngồi vào cạnh tôi – Nhờ ông mà tôi còn kịp đến Saint-Peterbourg để đi dạy.

Xe phóng nước đại. Ba giờ sau, lúc trời vừa tối, chúng tôi vào Saint-Peterbourg qua cửa Moscou và theo chỉ dẫn của ông bạn đường rất ân cần sau khi biết chắc chắn tôi không phải thầy dạy khiêu vũ, tôi xuống khách sạn Londres ở quảng trường Amirauté, phía góc con đường thẳng rộng thênh thang Nevski.

Chúng tôi chia tay nhau ở đây, ông ta nhảy lên một chiếc xe trạm khác, còn tôi bước vào khách sạn.

Không cần phải nói, dù rất muốn tham viếng thành phố của Pierre đệ nhất, tôi cũng phải gác lại hết hôm sau, tôi thật sự oải cả người không thể đứng vững nổi nữa. Cố lên tới phòng trọ, tôi sung sướng được thấy một chiếc giường êm ấm, là vật dụng tôi hoàn toàn không có từ khi rời Vilna.

Ngày hôm sau, tận trưa tôi mới thức dậy. Việc đầu tiên là tôi chạy đến bên cửa sổ: trước mắt tôi là lâu đài Amirauté với mũi tên vàng, phía trên có một con tàu và vòng cây bao quanh. Bên trái là toà nhà Nghị viện, bên phải là cung điện Mùa Đông và Ermitage, rồi lướt qua những kiến trúc tuyệt đẹp ấy, phóng mắt ra sông Neva, tôi cảm thấy nó rộng như biển cả.

Vừa mặc quần áo vừa ăn sáng, tôi chạy ra bến cảng của Lâu đài, đi ngược lên đến cầu Troiskoï – chiếc cầu người ta bảo dài đến một nghìn tám trăm bước chân. Tại đây tôi đứng chiêm ngưỡng thành phố.

Tôi không biết trên thế giới có cảnh đẹp nào giống như cảnh đang trải rộng trước mặt tôi không. Ngoảnh lưng về khu Viborg, tôi có thể phóng tầm mắt đến tận những hòn đảo Volnoi và vịnh Finlande.

Ngay bên phải tôi, giống một chiếc tàu cắm neo ở đảo Apterkarskoï , sừng sững hiện lên pháo đài đầu tiên của Saint-Peterbourg, mũi tên vàng của nhà thờ Saint Pierre và Saint Paul nơi an táng các hoàng đế Nga, mái nhà màu xanh của lâu đài Monnaies vượt lên trên những bức tường thành vươn cao. Trước mặt pháo đài bên bờ bên kia, bên trái tôi là lâu đài Marbre, mà thiếu sót lớn là hình như kiến trúc sư quên làm mặt tiền, Ermitage là nơi ẩn náu tuyệt đẹp do Catherine II xây dựng, cung điện Mùa Đông có vẻ kỳ lạ về khối lượng hơn là hình thù, về sự lớn lao hơn là kiểu kiến trúc, lâu đài Amirauté với hai góc lầu và những bậc thang bằng đá granit. Amirauté, trung tâm khổng lồ, chỗ ba con đường chính của Saint-Peterbourg đổ vào: con đường thẳng rộng Nevski, đường Des Pois và đường Phục Hưng, cuối cùng xa hơn là bến cảng của người Anh với những khách sạn đẹp, kết thúc là Amirauté mới.

Sau khi nhìn theo dãy dài những công trình uy nghi ấy tôi nhìn lại trước mặt mình: ở mũi đảo Vasilievskoï , người ta dựng lên lâu đài La Bourse, công trình hiện đại mà không hiểu vì sao được dựng lên giữa hai cột sắt nhọn, những bậc thang hình vòng cung chạy xuống tận mặt nước. Phía sau đó bên bờ sông đối diện bến cảng người Anh là một hàng gồm mười hai trường học: Viện Hàn Lâm khoa học, Học viện nghệ thuật và cuối con đường là Trường Mỏ, ở đầu đường cong của con sông.

Phía bên kia hòn đảo mang tên một người trung uý của Pierre Đệ Nhất là Bazil, hoàng đế giao cho người này chỉ huy quân đội còn mình bận việc xây dựng pháo đài, ở trong một ngôi nhà nhỏ của đảo Péterbourg, cánh sông gọi là Tiểu Neva chảy về phía những hòn đảo Volnoi. Ở đây những ngôi nhà nông thôn của những ông chúa giàu có nhất Saint-Peterbourg nằm giữa những khu vườn mát dịu có rào sắt thép vàng trang trí đầy hoa và cây cảnh, dành cho ba tháng hè khí hậu Châu Phi và Ý, còn chín tháng khác họ hưởng thụ khí hậu quê hương trong những nhà kính ấm. Một trong những hòn đảo thuộc hoàn toàn vào hoàng hậu, bà cho xây dựng ở đây một toà lâu đài xinh xắn và cải tạo thành những khu vườn và nơi giải trí.

Nếu quay lưng lại phía pháo đài và đi ngược dòng sông, cảnh vật thay đổi nhưng vẫn lớn lao. Thực thế, ngay ở hai đầu cầu nơi tôi đứng, trên một bờ sông làc nhà thờ Ba Ngôi, bờ bên kia khu vườn Mùa Hè, bên trái tôi là ngôi nhà thờ gỗ Pierre Đệ Nhất ở trong lúc ông cho xây dựng pháo đài Gần ngôi nhà thờ ấy còn có một cây to, trên khoảng cao mười bộ (0.3m) có đóng đinh một tượng Đức Bà. Khi người sáng lập Saint-Peterbourg hỏi người dân vào mùa lụt nước sông dâng lên tới đâu, người ta chỉ tượng Đức Bà và ông suýt bỏ công trình đồ sộ của mình. Cây thánh giá và ngôi nhà bất tử được một kiến trúc hình vòm bao bọc nhằm chống lại thời tiết bất trắc cho ngôi nhà gỗ vốn đơn sơ gồm ba phòng: phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ. Pierre Đệ Nhất lo xây dựng cả một thành phố mà không có dành thì giờ xây cho mình một ngôi nhà.

Xa hơn một ít, vẫn ở về phía bên trái và phía bên kia sông Neva lớn là Peterbourg cổ, bệnh viện quân y, viện hàn lâm Y học và cuối cùng là làng Okla và những vùng bao quanh, trước mặt những toà nhà ấy, bên phải trại sĩ quan cận vệ là lâu đài Tauride, mái màu ngọc bích, những trại pháo binh, nhà Từ thiện và tu viện cũ Smolna.

Không thể nói tôi mê mẩn bao lâu trước khung cảnh ấy. Nhìn lại tất cả những lâu đài ấy có lẽ giống một cảnh trang trí nhạc kịch và những chiếc cột nhìn xa như bằng đá hoa cương có lẽ trông gần là gạch, nhưng lướt qua có cái gì đó tuyệt vời vượt lên trên ý tưởng của người xây dựng.

Đồng hồ điểm bốn giờ. Tôi được báo trước bữa ăn sẽ được dọn vào lúc bốn giờ rưỡi, vậy là tôi rất tiếc phải trở lại khách sạn. Lần này tôi đi qua lâu đài Amirauté để được nhìn sát bức tượng khổng lồ của Pierre Đệ Nhất mà tôi đã trông thấy qua cửa sổ.

Vốn bận tâm về những khối kiến trúc lớn, chỉ khi trở lại tôi mới lưu ý đến người dân ở đây vì tính chất rất đặc thù của họ. Ở Saint-Peterbourg chỉ có những nô lệ có râu dài hoặc những ông lớn có huân chương, không có tầng lớp trung gian.

Phải nói thoạt nhìn, người moujik (nông dân Nga) không kích thích sự tò mò, đàn ông về mùa đông mặc áo da cừu lộn mặt, mùa hè sơ mi sọc, đáng lẽ phải bỏ trong quần thì phất phới trên đầu gối, đi dép buộc dây chéo nhau lên đến cẳng chân, tóc cắt ngắn, một bộ râu dài phát triển rậm tự nhiên. Đàn bà mặc áo vải bông bình thường hoặc áo dài gấp nếp lớn dài xuống đến nửa váy, những đôi bốt đồ sộ, trong đó bàn và cẳng chân mất cả hình thù.

Nói đúng ra người ta không gặp dân chúng có nét mặt thanh thản như thế ở một đất nước nào khác trên thế giới.

Ở Paris, trên mươi khuôn mặt của tầng lớp cuối cùng trong xã hội, ít nhất cũng năm hoặc sáu thể hiện sự đau đớn, khổ sở và sợ hãi. Saint-Peterbourg không bao giờ có những cái đó. Người nô lệ luôn vững tin về tương lai và hầu như luôn hài lòng về hiện tại, không lo lắng gì về chỗ ở, ăn mặc, lương thực, những việc người chủ phải lo cho họ, trong đời họ không có băn khoăn gì khác ngoài việc tiếp nhận một số roi vọt mà đã từ lâu đôi vai của họ đã quen chịu đựng. Vả lại họ quên những đòn roi ấy rất nhanh nhờ vào một loại rượu mạnh được dùng làm nước uống hàng ngày. Thay vì họ nổi nóng như phu người Pháp say rượu vang, lại làm họ kính trọng sâu sắc và khúm núm thêm trước cấp trên, tình cảm thân mật với những người ngang hàng. Cuối cùng tôi thấy họ có tấm lòng độ lượng, khôi hài, đáng cảm động.

Một đặc điểm khác cũng đập vào mắt tôi là giao thông trên đường phố rất thông suốt nhờ có ba con kênh lớn chung quanh thành phố khai thông những rác bẩn, vận chuyển, đưa nguồn thực phẩm và vận chuyển gỗ đi. Không bao giờ có chuyện ùn tắc xe cộ buộc một chiếc xe trên đoạn đường đi bộ chỉ mười phút phải mất ba tiếng như ở Paris. Ngược lại khắp nơi có không gian: đường phố cho các loại xe giao nhau đủ mọi phía với tốc độ cao cho nên không ngớt nghe tiếng "nhanh lên, nhanh lên!" Lề đường cho những người đi bộ không bao giờ bị ùn tắc. Ngoài ra những người đánh xe Nga có sự nhanh nhẹn đặc biệt để dừng ngay chiếc xe đang phóng nước đại.

Tôi còn quên một chi tiết khác của giao thông ở đây đó là người đi bộ phải đi trên hè đường mà hè đường ở đây được lát đá giống như đá dăm ở Lyon. Vì vậy người ta nói Saint-Peterbourg là một người đàn bà đẹp và cao lớn, ăn mặc tuyệt đẹp nhưng lại đi giày dép rất đáng sợ.

Trong số những vật trang trí các hoàng đế Nga để lại, công trình đầu tiên cần nhắc tới chắc chắn là bức tượng Pierre Đệ Nhất. Hoàng đế ngồi trên một con ngựa hung hăng đang chồm lên, hình ảnh tượng trưng của giới quý tộc Nga. Trông ông thật vất vả để chế ngự nó, ông ngồi trên một tấm da gấu tượng trưng cho tình trạng hoang dã khi ông gặp dân chúng. Rồi để hình dung hoàn chỉnh bức hoạ, khi nghệ sĩ làm xong tượng, người ta kéo nó đến Saint-Peterbourg đặt nó lên một tảng đá nguyên vẹn, biểu tượng những khó khăn mà người khai sáng miền Bắc đã phải vượt qua. Hàng tiếng La tinh và cả tiếng Nga được khắc trên tảng đá:

Pierre Đệ Nhất – Catherine Đệ Nhị - 1782

Tôi đi quanh song sắt nhìn ngắm công trình đến lần thứ ba thì đã bốn giờ rưỡi, nên buộc phải từ giã tác phẩm của người đồng hương, Falconet, nếu không sẽ có nguy cơ không có chỗ ở bàn ăn khách sạn.

Saint-Peterbourg là thành phố nhỏ lớn nhất tôi từng biết.

Tin tôi đến đây đã được lan truyền nhờ người bạn đồng hành; do ông ta không thể nói gì ngoài việc tôi đi xe trạm và không phải thầy dạy khiêu vũ, khiến nhóm doanh nghiệp Pháp xưng là kiều dân lo ngại vì ai cũng sợ phải gặp một kẻ cạnh tranh hay một địch thủ.

Vì vậy khi tôi bước vào phòng ăn đã nổi lên những tiếng thì thầm trong các thực khách đáng kính, hầu hết ở trong đoàn kiều dân, và mỗi người nhìn tôi để qua thái độ đoán xem tôi thuộc tầng lớp nào. Điều ấy thật khó trừ phi phải rất tinh mắt vì tôi chỉ chào họ rồi ngồi vào bàn.

Trong lúc ăn súp, việc giấu tên của tôi còn được tôn trọng. Nhưng sau món thịt bò, sự tò mò được kìm nén lâu chợt bung ra từ người ngồi bên tay phải tôi.

- Ông là người nước ngoài đến Saint-Peterbourg phải không? – ông ta hỏi, tay đưa ly cho tôi và nghiêng mình.

- Chắc ông là người đồng hương của tôi? – người ngồi bên trái hỏi, giọng giả vờ thân mật.

- Tôi không rõ, thưa ông, tôi là người Paris.

- Còn tôi ở Tours, khu vườn của nước Pháp, tỉnh ấy, như ông biết, nói tiếng hay nhất. Vì vậy tôi đến Saint-Peterbourg để làm một outchitel.

- Xin lỗi thưa ông – tôi hỏi người bên tay phải – có thể hỏi ông một outchitel là gì không?

- Một người buôn vặt – ông này trả lời với vẻ khinh thường.

- Tôi cho là ông không đến đây với cùng một mục đích như tôi – người ở tỉnh Tours vẫn tiếp tục – hoặc nếu không thế tôi có một lời khuyên bạn bè, nên trở về Pháp thật nhanh.

- Vì sao vậy, thưa ông?

- Hội chợ các thầy giáo lần trước tổ chức tại Moscou thật tệ!

- Sao? Hội chợ các thầy giáo à? – tôi sửng sốt kêu lên.

- Đúng thế, thưa ông. Ông không biết ông Quận công khốn khổ ấy năm nay mất một nửa về món hàng của mình à?

- Thưa ông – tôi hỏi người bên tay phải – ông cho phép hỏi ông Quận công là ai?

- Một chủ cửa hàng đáng kính thường cho các giáo viên trú ngụ, lấy tiền theo trình độ của họ, và đến những ngày lễ Phục sinh và Giáng sinh những ông lớn có thói quen về thủ đô, ông ta mở cửa hàng và ngoài tiền thuê nhà của ông giáo, ông ta còn có một khoản hoa hồng. Thế nhưng năm nay một phần ba những người thông thái rởm của ông ta phải ở lại và người ta trả về một phần sáu những người ông gởi đi các tỉnh, nên ông chủ khổ sở sắp phá sản.

- Đúng thế ư?

- Vậy đấy, thưa ông – người outchitel lại nói – nếu ông tới để làm thầy giáo thì không phải lúc rồi vì những người sinh ra ở tỉnh Tours nghĩa là nơi nói tiếng Pháp tốt nhất cũng khó đứng vững nổi nơi đây.

- Về phần tôi thì ông có thể yên tâm, tôi làm một loại công việc khác.

- Thưa ông – người ngồi trước mặt tôi nói với giọng Bordeaux – cũng tốt là ông được báo trước, nếu ông kinh doanh rượu vang thì thật là tệ hại vì chỉ còn nước lã để uống mà thôi.

- Sao vậy thưa ông? Chẳng lẽ người Nga chỉ uống bia hoặc đã trồng nho ở vùng Kamtchatka?

- Ồ, nếu chỉ có thế thì nói làm gì. Những ông lớn Nga luôn luôn mua mà không bao giờ trả tiền.

- Xin cảm ơn về thông báo ấy nhưng tôi tin chắc người ta không làm tôi phá sản được. Tôi không kinh doanh rượu vang.

- Trong mọi trường hợp, thưa ông – một người mặc áo dài có đuôi, có trang trí ở cổ áo ,quàng lông thú, mặc dù giữa mùa hè, giọng đặc vùng Lyon nói ngay với tôi – trong mọi trường hợp tôi khuyên ông, nếu buôn đệm và lông thú thì trước hết hãy dùng cho mình cái tốt nhất, xem ra ông không có vẻ lực lưỡng và ở đây phổi yếu thì đi nhanh lắm. Chúng tôi đã chôn cất mười lăm người Pháp vào mùa đông trước. Ông được cảnh báo rồi đấy.

- Tôi sẽ đề phòng thưa ông. Tôi dự tính nhờ ông cung cấp và hy vọng ông đối xử tốt với người đồng hương.

- Rất sẵn lòng thưa ông. Tôi ở Lyon, thủ đô thứ hai của nước Pháp, và ông biết những người Lyon như chúng tôi nổi tiếng là có lương tâm. Và nếu ông không phải là người buôn đệm và lông thú, thì…

- Này, các ông không thấy rằng ông bạn đồng hương không muốn nói mình làm nghề gì sao? – giọng rít lên đầu lưỡi của một người có mái tóc uốn bằng sắt toả ra mùi khó chịu của kem hoa nhài, đang cố cắt phần cánh gà đã mười lăm phút mà chưa được – các ông không thấy – ông ta lập lại và nhấn mạnh từng chữ - các ông không thấy là ông ta không muốn nói mình là ai ư ?

- Nếu tôi có diễm phúc có những cung cách như anh – tôi trả lời – thì không cần hỏi mọi người cũng biết tôi là ai, đúng không?

- Nói thế có nghĩa là gì, thưa ông? – chàng trai có mái tóc uốn quăn kêu lên – có nghĩa là gì?

- Có nghĩa là chỉ nhìn cũng biết anh là thợ cắt tóc.

- Ông có ý định chửi rủa tôi chăng?

- Có vẻ như khi người ta nói anh là ai thì có nghĩa là người ta chửi rủa anh sao?

- Thưa ông – chàng trai cao gịong nói và rút trong túi ra một tấm danh thiếp – đây là địa chỉ của tôi.

- Này, anh cắt thịt gà đi.

- Có nghĩa là ông từ chối giải thích cho tôi?

- Ông muốn biết tâm trạng của tôi ư? Thưa ông , tôi không đánh nhau được.

- Vậy ông là một kẻ hèn nhát à?

- Không, thưa ông, tôi là người thầy dạy đánh kiếm.

- A! – chàng trai tóc quăn thốt lên và ngồi xuống.

Một lúc im lặng, trong lúc đó người đối thoại với tôi cố cắt cánh con gà, vẫn không được nên chuyển cho người ngồi bên cạnh.

- A! Ông là thầy dạy đánh kiếm – sau mấy giây ông bạn người Bordeaux lên tiếng – hay đấy thưa ông. Lúc trẻ tôi cũng có chơi nhưng không có năng khiếu gì cho lắm.

- Đấy là một ngành kinh doanh hiện nay đang kém phát triển ở đây. Nhưng nếu ai học chắc sẽ tiến bộ nhanh, nhất là được một người như ông đây dạy.

- Vâng, chắc chắn thế - người thợ dệt ở Lyon nói – nhưng tôi khuyên ông khi dạy nên mặc áo gi lê bằng flanen, và khi thi đấu nên có một chiếc áo choàng lông thú.

- Theo tôi, ông đồng hương kính mến – chàng thanh niên tóc quăn đã lấy lại được tự tin vừa nói vừa ăn miếng thịt gà người bên cạnh cắt cho – Ông nói từ Paris tới?

- Vâng.

- Tôi cũng thế. Tôi nghĩ ông làm một việc đầu cơ tuyệt vời đấy. Vì tôi xem ra ở đây chỉ có loại sĩ quan quân cảnh trong quản hạt, một kẻ bình thường được phong làm thầy dạy đánh kiếm của đội bảo vệ qua những trận đánh nhau như trên sân khấu. Ông xem, trên một con đường rộng, ông ta đang dạy học trò bốn thế đánh. Tôi mời ông ta tới đấu với tôi nhưng qua những đường kiếm đầu tiên tôi nhận ra ngay tôi là thầy còn ông ta là học trò. Tôi bèn đuổi ông ta đi như một kẻ hèn nhát, trả tiền thù lao bằng nửa tiền một lượt cắt tóc thế mà kẻ khốn khổ ấy còn có vẻ rất hài lòng.

- Thưa ông – tôi nói – tôi biết người ông đang nói. Là người nước ngoài và là người Pháp, đáng lẽ ông không được nói những lời ông vừa nói; vì, là người nước ngoài ông phải tôn trọng sự lựa chọn của Hoàng đế, và là người Pháp ông không nên phỉ báng một đồng hương. Đây là một bài học đến lượt tôi tặng ông và không bắt ông trả thậm chí một nửa tiền thù lao, ông thấy tôi độ lượng đấy chứ?

Nói rồi tôi đứng ra khỏi bàn bỏ đi vì đã chán ngấy lũ người Pháp ấy. Một chàng trai, suốt bữa ăn không nói gì, cũng đứng dậy đi ra ngoài cùng lúc với tôi.

- Hình như, thưa ông – anh ta vừa cười vừa nói – ông không phải tụ họp để đánh giá những người đồng hương thân mến của chúng ta.

- Hiển nhiên không, và tôi phải thú nhận việc tôi có những nhận xét không có lợi cho họ.

- Như vậy đấy! – anh nhún vai nói – thế mà ở Saint-Peterbourg người ta đánh giá chúng ta theo sự quảng cáo. Những nước khác đưa ra ngoài những gì tốt nhất, chúng ta đưa đi nhìn chung là những kẻ tệ hại, tuy vậy khắp nơi dù sao một số ít người như ông và tôi cũng giúp làm cân bằng lại ảnh hưởng của họ. Rất vinh dự cho nước Pháp nhưng rất buồn cho người Pháp.

- Ông cũng ở Saint-Peterbourg à? – tôi hỏi.

- Đã một năm nay rồi, nhưng tối nay tôi đi.

- Thế sao?

- Tôi đã gọi xe. Rất vinh dự được biết ông.

- Không dám.

Tôi bước lên cầu thang, chàng trai đi ra cửa. Không may, tình cờ tôi gặp một người đứng đắn nhưng anh ta lại ra đi vào ngày tôi vừa đến.

Trong phòng, người phục vụ đang chuẩn bị giường cho tôi nằm nghỉ. Ở Saint-Peterbourg cũng như ở Madrid, thường người ta ngủ sau bữa ăn, có hai tháng ở Nga nóng hơn ở Tây Ban Nha.

Giấc ngủ rất thích hợp với tôi, còn mệt nhoài vì hai ngày đi xe và muốn nhanh được thưởng thức một trong những đêm đẹp trời trên sông Neva mà người ta ca tụng. Tôi hỏi người hầu phòng làm thế nào kiếm được một chiếc thuyền độc mộc. Anh ta trả lời rằng rất dễ, chỉ cần đặt trước khoảng mười rúp anh ta sẽ lo việc ấy. Tôi đã đổi một số tiền giấy, đưa cho anh ta một tờ bạc đỏ và dặn anh đánh thức tôi dậy lúc chín giờ.

Tờ giấy bạc phát huy tác dụng: chín giờ anh hầu phòng gõ cửa phòng tôi còn người chèo thuyền đang chờ ở dưới.

Ban ngày chìm trong bóng hoàng hôn êm dịu. Cái nóng ngột ngạt ban ngày chuyển thành làn gió nhẹ thổi qua các đảo mang theo mùi vị thoang thoảng, dịu ngọt của hoa hồng. Toàn thành phố dường như bị bỏ rơi và vắng lặng suốt ngày trở nên đông đúc và chen chúc nhau trong cuộc dạo chơi trên mặt nước, cả lớp quý tộc dồn đến từ các nhánh sông Neva. Tất cả thuyền độc mộc đến sắp dãy chung quanh một chiếc thuyền rộng neo trước mặt thành trì và chở hơn sáu chục nhạc công. Một gia điệu tuyệt vời mà tôi chưa từng nghe, từ mặt sông nguy nga vút lên tận bầu trời. Tôi bảo hai người chèo thuyền đưa tôi lại sát chiếc đàn khổng lồ và sống động ấy, mỗi nhạc công ôm một chiếc kèn. Tôi nhận ra bản nhạc đồng người ta đã từng kể với tôi, mỗi thành viên chỉ thổi một nốt, kéo dài trong thời gian que nhạc trưởng quay về phía anh ta. Dàn nhạc này đôi với tôi như một phép lạ, tôi chưa bao giờ hình dung người ta có thể chơi kèn như chơi dương cầm và tôi không biết nên thán phục người nhạc trưởng kiên trì hay người nhạc công hơn. Sau này khi đã làm quen hơn với dân tộc Nga và đã thấy năng khiếu kỳ lạ của họ về mọi nghệ thuật máy móc, tôi không còn ngạc nhiên về những hoà tấu kèn nữa. Nhưng lúc này, tôi thực sự bị ngây ngất trước âm thanh của bản nhạc, phần đầu bản hoà tấu kết thúc mà tôi vẫn đắm chìm trong tiếng nhạc.

Hoà tấu kéo dài trong đêm. Đến hai giờ sáng tôi còn đứng nghe và xem trong khi mọi người đi từ chỗ này đến chỗ khác. Hình như bản hoà tấu chơi riêng cho tôi và những âm thanh tuyệt diệu như thế không thể đêm nào cũng lập lại. Tôi thoải mái quan sát những dụng cụ các nhạc công chơi. Những chiếc kèn giống chiếc ống chỉ cong ở đầu, mở rộng vành chỗ tiếng thoát ra.

Tôi trở về lúc trời vừa sáng, rất thích thú với đêm vừa trải qua dưới bầu trời lồng lộng, giữa âm điệu hoà tấu phương Bắc ấy, trên con sông rộng giống như một cái hồ và trong đến mức phản chiếu như gương tất cả những ngôi sao của bầu trời và mọi ánh sáng của mặt đất. Tôi thú nhận rằng trong lúc này Saint-Peterbourg hình như vượt lên trên tất cả những gì người ta đã nói với tôi về thành phố này và tôi cho rằng nếu không phải thiên đường thì ít nhất đây cũng là cái gì đấy gần như thế.

Tôi không ngủ được khi mà điệu nhạc ấy văng vẳng đuổi theo tôi. Vì vậy, hơn ba giờ sáng mới đi nằm, sáu giờ tôi đã dậy, sắp xếp lại một số thư giới thiệu, dự tính chỉ đưa ra sau khi tiếp xúc, để không phải tự mình làm quảng cáo. Tôi chỉ mang theo thư một người bạn nhờ đưa đến tận tay. Đây là thư mà người tình của anh, một cô gái bình thường ở khu La Tinh gởi cho bà chị buôn bán quần áo nhưng không phải lỗi ở tôi nếu sự kiện này dính líu vào một tầng lớp và làn sóng cách mạng đưa dân chúng đối mặt với Hoàng gia.

Bức thư đề:

Gởi cô Louise Dupuy, ở nhà bà Xavier, buôn bán quần áo thời trang, đại lộ Nevski gần nhà thờ Arménie đối diện chợ.

Toàn bức thư viết theo lối chữ và chính tả kiểu như thế.

Tôi vui vẻ tự mình đưa bức thư. Cách nước Pháp tám trăm dặm sẽ thú vị nếu gặp được một nữ đồng hương trẻ đẹp và tôi biết Louise trẻ và đẹp. Vả lại cô biết rõ Saint-Peterbourg vì đã ở đây bốn năm, cô sẽ hướng dẫn tôi cách cư xử cho phù hợp hoàn cảnh.

Tuy vậy đến nhà cô lúc bảy giờ sáng là không tiện, tôi quyết định đi một vòng trong thành phố và trở lại đại lộ Nevski lúc năm giờ.

Tôi gọi người phục vụ, lần này tôi cần một người hướng dẫn chỗ ở. Những người này vừa là đầy tớ vừa là hướng dẫn viên tham quan, đánh giày và chỉ các lâu đài. Tôi gọi anh ta, chủ yếu về chức năng thứ nhất còn về chức năng thứ hai, tôi đã nghiên cứu kỹ Saint-Peterbourg nên cũng biết về thành phố như anh ta.


Nguồn: http://vnthuquan.org/