6/4/13

Những người khốn khổ (P1-Q2-C1-5)

PHẦN 1:


QUYỂN 2: SA NGÃ


Chương 1: SAU MỘT NGÀY ĐƯỜNG


Vào thượng tuần tháng mười năm 1815, một giờ trước lúc mặt trời lặn, có một người khách đi bộ vào thành phố Đinhơ nhỏ bé. Dăm ba người hàng phố khi ấy còn đứng ngoài cửa sổ, hoặc ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn người bộ hành, vẻ nghi ngại. Khó mà thấy một người đi đường tồi tàn hơn thế! Hắn ta khoảng trên bốn mươi lăm tuổi, người tầm thước, to ngang và vạm vỡ trông đương sung sức. Chiếc mũ cát-két có lưỡi trai bằng da sụp xuống trán che khuất một phần khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Chiếc sơ-mi vải thô màu vàng, cổ cài mỏ neo bạc, để lòi ra một cái ngực đầy lông. Chiếc cà-vạt vặn lại như mẩu thừng. Cái quần bằng vải to màu xanh đã cũ nát, một bên gối bạc phếch và một bên bị thủng. Cái áo khoác cũ màu xám, rách mướp một bên khủyu tay và một miếng da xanh khâu bằng dây gai. Trên lưng một chiếc ba lô quân đội còn mới nguyên đầy ắp và buộc kỹ lưỡng. Tay cầm chiếc gậy gộc có đốt, chân không tất đi một đôi giày đinh. Đầu húi trọc, râu để dài.
Con người đã tồi tàn như thế lại cuốc bộ ngoài nắng mồ hôi mồ kê ướt đẫm, bụi bặm đầy mình, nên càng thêm vẻ ghê tởm.
Đầu thì húi trọc, nhưng tóc lổm chổm vì mới mọc mà hình như gần đây không được húi.
Chẳng ai biết rõ hắn ta. Cố nhiên hắn chỉ là một kẻ qua đường. Nhưng hắn ở đâu tới? Từ miền Nam. Có lẽ là từ miền bể. Vì hắn vào thành phố Đinhơ cũng bằng con đường mà bảy tháng trước đây Hoàng đế Napoleon đã đi qua khi từ Can đến Paris. Chắc hắn đã cuốc bộ suốt ngày nên coi vẻ mệt mỏi lắm. Mấy người đàn bà ở phố cũ phía Nam đã thấy hắn nghỉ lại dưới rặng cây ở đường Gátxăngđi và vục nước máy ở đầu đường mà uống. Hẳn là hắn khát lắm, vì lũ trẻ con đi theo thấy hắn dừng lại cách đấy hai trăm bước, ở máy nước sân chợ và uống nữa.
Đến góc phố Poasơve hắn rẽ sang trái và tiến về phía thị sảnh. Hắn vào và mười lăm phút sau lại ra. Một người lính sen đầm ngồi trên tấm ghế để cạnh cửa ra vào, chiếc ghế mà hôm mùng bốn tháng ba tướng Đôruô đã trèo lên và đọc cho quần chúng nhân dân thành Đinhơ đang kinh hoàng tờ tuyên ngôn của Napoleon làm ở vịnh Gioăng. Hắn bỏ mũ khúm núm cúi chào. Người lính không chào lại, chăm chú nhìn hắn, trông theo hắn một lúc rồi bỏ đi vào trong công quán.
Ngày ấy ở Đinhơ có một hàng cơm lịch sự là hiệu Croa đờ Cônba. Chủ quán, Giacanh Laba cũng là một tay được vị nể trong thành phố vì y có họ với một anh Laba khác, anh này là chủ hàng cơm Troa Đôphanh ở Grơnốp và đã từng phục vụ trong đội quân hướng đạo. Dạo hoàng đế đổ bộ lên đất liền, trong xứ người ta đồn nhiều điều về hàng cơm Troa Đôphanh này lắm. Có người kể rằng tướng Béctrăng, (Bertrand: tướng phụ tá của Napoleon, rất trung thành, đã theo Napoleon trong bước suy vong cho đến lúc cuối cùng và đã mang di cốt của vua mình về nước Pháp) cải trang làm phu xe bò, vào tháng giêng năm ấy, thường hay đi lại trong vùng và phân phát nhiều huân chương cho lính tráng và từng vốc bạc cho bọn thị dân. Sự thật là khi Napoleon vào Grơnốp, ngài đã từ chối không đến ngự ở thị sảnh. Ngài cám ơn ông thị trưởng và nói: “Tôi đến nhà một người tốt mà tôi quen biết”, rồi đi đến quán cơm Troa Đôphanh. Cái vinh dự của anh Laba ở hàng cơm Troa Đôphanh chiếu xa ngoài hai mươi dặm đến tận cái anh Laba ở quán cơm Croa đờ Cônba. Hàng phố người ta thường chỉ trỏ: “Ấy, ông này là em họ của ông Laba ở Grơnốp đó”.
Anh chàng đi về phía hàng cơm ấy là nơi chứa trọ tốt nhất miền. Hắn bước thẳng vào bếp ngay cạnh đường. Tất cả các hỏa lò đang đỏ rừng rực; trong lò sưởi củi cháy ngùn ngụt. Chủ quán vừa là đầu bếp, hết thổi lửa lại xem các xoong chảo, đang tíu tít sửa soạn bữa cơm ngon cho bọn phu xe tải hàng đang cười nói ầm ĩ ở buồng bên. Ai đã từng đi nhiều đều biết rằng chẳng có khách hàng nào háu ăn ngon bằng đám phu xe tải. Một chiếc xiên dài có con cu li béo, hai bên kèm một dây gà gô và gà rừng, đang quay trên lò lửa. Trong nồi hai con chép lớn hồ Lôze và một con cá quả hồ Alôzơ đang âm ỉ.
Nghe cửa mở và có khách mới vào, chủ quán mắt không rời bếp, hỏi:
- Ông cần gì?
- Ông cho ăn cơm và ngủ lại.
- Vâng, dễ thôi – Bấy giờ chủ quán mới quay ra, nhìn người khách từ đầu đến chân một lượt rồi thêm:
- Chỉ cần trả tiền.
Khách thò tay vào túi áo khoác lấy ra một chiếc ví da to:
- Tiền đây.
- Thế thì xin có.
Khách bỏ ví da vào túi, bỏ chiếc ba lô ra, đặt xuống đất gần bên cửa rồi xách gậy đến ngồi trên chiếc ghế đẩu gần lò sưởi. Thành phố Đinhơ ở miền núi, đêm tháng mười thường lạnh.
Trong khi ấy, chủ quán vừa đi đi lại lại vừa ngắm kỹ khách.
- Đã sắp có cơm chưa? – Khách hỏi.
- Lát nữa.
Trong khi khách ngồi sưởi, quay lưng lại thì viên chủ quán Laba móc túi lấy cây bút chì, xé một tờ báo cũ trên chiếc bàn con cạnh cửa sổ, viết một vài dòng gì đó vào chỗ mép trắng rồi gấp lại đưa cho một chú bé, chừng vừa là phụ bếp vừa là người đánh xe. Chú quán ghé vào tai thằng bé nói thầm một câu, thằng bé liền cắm đầu chạy về phía thị sảnh.
Khách không hay biết gì cả, lại hỏi:
- Đã gần có cơm chưa?
- Một lát nữa.
Thằng bé cầm mảnh giấy trở về. Chủ quán đang nóng chờ câu trả lời, vội vàng mở ra xem. Hắn ra vẻ chăm chú đọc, rồi lắc đầu suy nghĩ một lúc. Rồi hắn bước lại gần người khách đang trầm ngâm, ra dáng lo lắng, âu sầu:
- Này ông, tôi không tiếp ông được.
Khách giật mình nhổm lên:
- Sao vậy? Anh sợ tôi không có tiền trả à? Hay là tôi đưa trước cho anh nhé? Tôi đã nói tôi có tiền mà.
- Không phải thế.
- Thế thì tại làm sao?
- Ông có tiền…
- Phải.
- Nhưng tôi thì tôi không có phòng.
Khách ôn tồn bảo:
- Cho tôi xuống chuồng ngựa vậy.
- Không được.
- Sao thế?
- Chuồng ngựa đầy ngựa rồi.
- Thôi thì một xó trên gác xép cũng được. Một ổ rơm là đủ mà. Ăn xong rồi ta sẽ hay.
- Tôi không thể dọn cơm cho ông ăn được.
Câu trả lời khoan thai, nhưng cứng cỏi, làm cho khách biết có gì nghiêm trọng đây. Khách đứng dậy:
- Thế à! Nhưng tôi đói lả rồi đây này. Cuốc bộ những mười hai dặm từ sáng sớm đến giờ. Tôi có quịt đâu, tôi cần ăn mà.
- Trong nhà chả còn thức gì cả?
Khách phì cười, quay sang phía lò sưởi và chỗ bếp:
- Không còn gì! Thế những cái kia?
- Đấy là của người ta đặt trước.
- Ai đặt?
- Các ông phu xe tải hàng đây.
- Họ có bao nhiêu người?
- Mười hai.
- Đến hai mươi ăn cũng đủ nữa là.
- Nhưng họ đã giữ hết và trả tiền trước cả rồi.
Khách lại ngồi xuống, ôn tồn:
- Đây là hàng cơm, tôi đói, tôi cứ ở lại.
Chủ quán bèn ghé vào tai khách, nói bằng một giọng làm cho khách phải giật mình:
- Đi ngay đi.
Lúc ấy khách đang cúi xuống, lấy đầu gậy bịt sắt vun mấy cục than hồng trong lò lửa, bỗng quay ngoắt lại. Khách vừa mở miệng định trả lời thì chủ quán nhìn chằm chằm vào mặt, vẫn thấp giọng nói tiếp:
- Này, đừng nhiều lời nữa. Anh có muốn tôi nói tên anh ra không? Anh là Giăng VanGiăng. Anh còn muốn tôi lôi lý lịch anh ra ư? Lúc anh thoạt vào, tôi đã hơi ngờ ngờ, tôi sai người ra hỏi ngoài thị sảnh, thì người ta đã trả lời rồi đấy. Anh có đọc được không?
Chủ quán vừa nói vừa đưa cho khách xem mảnh giấy mở sẵn vừa mới từ hàng cơm đưa ra thị sảnh và từ thị sảnh trở về hàng cơm. Khách đưa mắt nhìn qua. Chủ quán đứng lặng một lát rồi bảo:
- Tôi đây vẫn quen đối xử nhã nhặn với mọi người. Mời anh đi cho.
Khách cúi đầu, nhặt chiếc ba lô để dưới đất rồi bước ra.
Hắn cứ dọc theo đường phố lớn đi thẳng một mạch về phía trước, chẳng biết mình định đi đâu, men sát theo các tường nhà, như người bị sỉ nhục và buồn rầu. Ở cửa hàng cơm, anh chủ quán, có bọn khách trọ và người qua đường vây quanh, đang đứng trông theo và chỉ trỏ, nói năng huyên thuyên. Người kia không hề ngoái cổ. Giá hắn ngoái cổ trông lại thì cứ vẻ mặt nghi ngờ và kinh hãi của cả đám người ấy, có lẽ hắn đoán biết rồi đây chả mấy chốc cả thành phố sẽ nhốn nháo lên vì hắn.
Hắn không nhìn thấy gì về cảnh ấy cả. Người đang đau khổ có quay nhìn lại sau lưng bao giờ! Họ biết thừa vận đen vẫn theo đuổi họ.
Hắn cắm đầu đi như thế trong hồi lâu, lang thang hết phố này sang phố khác, chẳng biết đâu là đâu, quên cả mệt nhọc, như một người đang cơn buồn bực. Bỗng nhiên hắn thấy bụng đói cồn cào. Trời lại sắp tối. Hắn đưa mắt nhìn quanh xem may chăng có nơi nào trọ được.
Hàng quán lịch sự thì đã cấm cửa hắn rồi; hắn định tìm một quán rượu nào thật tồi tàn, thật xơ xác.
Vừa lúc ấy, một ánh lửa lóe lên ở đầu phố; một cành thông treo lủng lẳng trên cái cần sắt (đó là dấu hiệu một quán trọ) in rõ trên nền trời hoàng hôn màu trăng trắng. Hắn nhắm hướng đó đi tới.
Thì ra là một quán rượu, quán rượu phố Sapphô.
Hắn dừng lại một lúc, đưa mắt nhìn vào bên trong qua cửa kính. Căn phòng thấp của ngôi hàng đang có chiếc đèn con trên bàn và lửa cháy rần rật trong lò sưởi chiếu sáng. Vài ba người đang uống rượu. Chủ quán ngồi sưởi. Một chiếc nồi sắt treo trên lò lửa sôi sùng sục.
Quán rượu này đồng thời là quán cơm. Vào ra có hai cửa, một cửa trông ra đường cái, một cửa thông ra cái sân con đầy ắp phân tro.
Hắn không dám vào cửa trước. Hắn lẻn vào trong sân, tần ngần một lúc rồi khe khẽ nâng then lên, đẩy cánh cửa. Chủ quán hỏi:
- Ai đấy?
- Một người muốn ăn cơm và nghỉ trọ.
- Được. Ở đây có chỗ ăn và chỗ ngủ.
Hắn bước vào. Bọn khách đang đánh chén quay cả lại. Hắn đứng giữa, một bên có ánh đèn chiếu sáng, một bên có ánh lửa. Trong khi hắn loay hoay bỏ chiếc ba lô trên vai xuống thì mọi người đều nhìn hắn chăm chú.
Chủ quán bảo:
- Lò sưởi đây, bữa tối trong nồi kia. Anh bạn lại mà sưởi cho ấm.
Hắn đến ngồi sát bên lò sưởi, duỗi thẳng đôi chân đi bộ đau dừ ra trước đống lửa. Trong nồi mùi thức ăn bay ra thơm phức. Trên khuôn mặt khuất sau chiếc mũ lưỡi trai đội thụp xuống, phảng phất một vẻ gì khoan khoái lẫn trong cái dáng đau thương của con người từng quen khổ nhục.
Thực ra, nhìn một bên, nét mặt hắn rắn rỏi, cương quyết và rầu rầu. Kể ra cũng phức tạp: thoạt trông thì hình như khúm núm, nhìn kỹ lại như nghiêm nghị. Hai con mắt sáng quắt dưới bộ lông mày, trông chẳng khác gì ánh lửa dưới bụi rậm.
Trong bọn khách đang ngồi ở quán có một anh hàng cá, trước khi đến quán này đã qua nhà hàng Laba để gửi ngựa. Tình cờ xui khiến y gặp người lạ mặt khả nghi này lúc ban sáng đang thất thểu ở quãng đường từ Bradat đến… (tôi quên mất tên chỗ này, hình như là Etcublông thì phải). Chả là khi gặp y, người bộ hành đã có vẻ mệt nhọc lắm rồi, có xin y cho ngồi nhờ sau yên ngựa: y chẳng nói chẳng rằng cứ ra roi thúc ngựa. Nửa giờ trước đây, y lại có mặt trong đám đông, vây quanh Giacanh Laba và chính miệng y đã thuật lại việc gặp gỡ bực mình ban sáng cho mọi người ở cửa hàng Croa đờ Cônba nghe. Y ngồi yên tại chỗ, ra hiệu ngầm cho chủ quán. Chủ quán ghé lại gần, hai người thì thầm với nhau một vài lời. Người khách lạ đang thừ người ra nghĩ ngợi.
Chủ quán trở lại chỗ lò sưởi, đột ngột đặt bàn tay lên vai hắn, bảo:
- Mày đi ngay ra khỏi nhà này.
Hắn quay lại nhẹ nhàng đáp:
- À! Hóa ra anh cũng biết ư?
- Phải.
- Bên nhà hàng kia không tiếp tôi.
- Và nhà hàng này thì đuổi mày đi.
- Ông bảo tôi đi đâu bây giờ?
- Đi chỗ khác.
Người lạ mặt cúi nhặt chiếc gậy và xách ba lô đi. Mấy đứa trẻ con đi theo hắn từ nhà hàng Croa đờ Cônba vẫn đứng chờ ở ngoài, thấy hắn bước ra thì nhặt đá ném theo. Hắn nổi giận quay trở lại, giơ chiếc gậy ra dọa, lũ trẻ mới chịu chạy tản ra như một bầy chim.
Hắn đi qua nhà lao. Cổng nhà lao có treo một sợi xích buộc vào một cái chuông. Hắn nắm dây giật. Một cửa con mở ra. Hắn bỏ mũ kính cẩn:
- Ông gác ơi! Ông làm ơn mở cửa cho tôi và cho tôi trọ đỡ đêm nay.
Có tiếng trả lời:
- Nhà pha không phải là quán trọ. Anh cứ làm cho người ta bắt giam anh đi. Tôi sẽ mở cửa cho.
Cửa con đóng lại.
Hắn rẽ sang một phố nhỏ có nhiều khu vườn. Có nơi bên ngoài chỉ có hàng rào cây trông cũng vui mắt. Giữa quãng vườn tược, rào giậu ấy, hắn nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ một tầng, gác có ánh sáng chiếu lọt qua cửa sổ. Hắn lại dòm qua cửa kính như lúc đứng trước quán rượu ban nãy. Bên trong là một căn phòng rộng quét vôi trắng, một chiếc giường có trải nệm bọc vải hoa, một chiếc nôi trẻ con ở góc nhà, mấy cái ghế gỗ và khẩu súng săn hai nòng treo trên tường. Giữa phòng, bàn ăn đã bày sẵn. Ánh sáng cây đèn đồng tỏa lên tấm khăn bàn vải thô màu trắng, chiếu lên cái bình thiếc lấp loáng như bạc đựng đầy rượu và liễn xúp màu nâu khói lên nghi ngút. Bên bàn, một người đàn ông trạc độ bốn mươi, nét mặt tươi vui, đang đùa với đứa con nhỏ nhún nhảy trên đùi mình. Bên cạnh người vợ trẻ măng vạch áo cho một đứa trẻ khác bú. Anh chồng cười, đứa con cười, chị vợ mỉm cười.
Người lạ mặt mơ màng ngắm cảnh gia đình đầm ấm ấy một lúc lâu. Hắn đang nghĩ ngợi gì vậy? Riêng chỉ có hắn biết được mà thôi. Có lẽ hắn cho rằng gia đình vui vẻ này hẳn là hiếu khách và ở một nơi tràn đầy hạnh phúc như thế hẳn sẽ tìm được một chút tình thương chăng.
Hắn gõ khẽ vào cửa kính.
Không ai nghe tiếng.
Hắn gõ lần nữa.
Có tiếng người vợ bảo chồng:
- Này mình, hình như có ai gọi cửa.
Chồng đáp:
- Đâu có.
Hắn lại gõ lần thứ ba.
Người chồng đứng dậy, cầm đèn ra mở cửa.
Chủ nhà người cao lớn, nửa ra vẻ nông dân, nửa ra vẻ thợ thủ công. Anh khoác một chiếc tạp dề rộng bằng da, bên trái che lên đến ngang vai. Phần trên tạp dề bỏ đồ đạc cộm lên như một cái túi, có chiếc nịt da ở lưng giữ lại: một cái búa, một chiếc khăn tay đỏ, một bao thuốc súng và đủ thứ linh tinh nằm trong đó. Anh nghiêng đầu ra phía sau, chiếc sơ mi cổ rộng trễ xuống để lộ ra cái cổ trần, lực lưỡng và trắng nõn. Anh có đôi lông mày rậm, bộ râu quai nón đen nhánh, cặp mắt lồi, cái cằm nhọn, vẩu và trên tất cả cái dáng thoải mái của con người đang ở nhà mình, một dáng điệu rất khó tả.
- Thưa ông, xin lỗi ông. Ông có thể cho tôi một đĩa xúp nhỏ và một xó trong nhà xe ở ngoài vườn kia để ngủ qua đêm nay không? Tôi xin gửi tiền hầu ông. Thưa ông, có được không? Tôi xin trả tiền ông.
Chủ nhà hỏi:
- Anh là ai.
- Tôi ở Puy Moaxông đến đây. Tôi đi bộ suốt từ sáng đến giờ, kéo bộ hàng mười hai dặm đường. Thưa ông, có được không? Tôi xin trả tiền mà.
- Người lương thiện xin trọ mà lại trả tiền khá thì việc gì mà từ chối? – người nông dân đáp – Nhưng sao anh lại không vào nhà hàng?
- Nhà hàng không còn chỗ.
- Không còn chỗ? Có lý nào. Hôm nay có phiên chợ chính hay phiên chợ xép gì đâu. Thế anh đã vào Laba chưa?
- Đã.
- Thế sao?
Người lạ mặt lúng túng:
- Không biết tại sao, họ không chịu tiếp tôi.
- Anh đã lại nhà hàng anh gì ở phố Sapphô chưa?
Người lạ mặt lại càng thêm lúng túng. Hắn ngập ngừng:
- Ở đấy họ cũng không tiếp.
Chủ nhà sinh nghi, nhìn người lạ mặt từ đầu đến chân, rồi bất thần kêu lên, giọng như ríu:
- Dễ thường anh là cái người mà…
Anh đưa mắt nhìn người lạ mặt lần nữa, rồi lùi lại ba bước, đặt cây đèn xuống bàn, với tay lấy khẩu súng trên tường.
Nghe tiếng chồng kêu: “Dễ thường anh là cái người mà…” chị vợ vội đứng dậy, ôm lấy hai con chạy đến nấp sau lưng chồng, không kịp kéo áo che ngực, cặp mắt hốt hoảng, nhìn về phía người lạ mặt, miệng lẩm bẩm:
- Quân cướp đạo.
Bấy nhiêu việc hình dung ra thì dài song chỉ xảy ra trong chốc lát. Chủ nhà dò xét người lạ mặt một lúc như người ta quan sát một con rắn lục, rồi trỏ ra phía cửa bảo:
- Cút đi.
- Van ông, xin một cốc nước.
- Có họa một phát súng!
Nói xong, anh đóng sập cửa lại. Người lạ mặt nghe rõ anh ta kéo cả hai cái then lớn cài cửa. Một lát sau, cửa sổ cũng đóng nốt và có tiếng gióng sắt chặn cửa vang ra ngoài.
Trời mỗi lúc một thêm tối. Gió núi thổi về lạnh buốt. Trong ánh sáng lờ mờ của ngày tàn, người lạ mặt thấy trong một khu vườn ở gần đường có cái gì giống một cái lều đắp bằng đất cỏ. Hắn quả quyết trèo qua hàng rào gỗ đi vào trong vườn. Đến gần thì thấy lều chỉ có một lỗ nhỏ ra vào ở sát đất, trông giống túp lều của phu lục lộ thường dựng dọc đường cái. Thôi đích là cái lều của phu lục lộ, có lẽ hắn nghĩ thế. Bấy giờ hắn vừa đói lại vừa rét; đói thì hắn đành ôm bụng chịu vậy, nhưng rét thì ít nhất cũng tạm ẩn vào đây được, vì lều của phu lục lộ thì ban đêm thường bỏ không. Hắn bèn nằm sấp xuống chui vào. Trong lều ấm lắm, lại có cả ổ rơm khá êm. Hắn nằm duỗi dài trên ổ, mệt quá không cựa quậy nổi. Một chốc sau thấy cái ba lô ở sau lưng vướng víu khó chịu, hắn nghĩ nếu đem kê làm gối thì hay quá nên với tay cởi dây đeo. Bỗng có tiếng gầm gừ dữ tợn vang lên. Hắn nhìn ra thì thấy đầu một con chó kếch xù hiện ra trong bóng tối ngay chỗ lỗ ra vào.
Thì ra đó là cái ổ chó.
Hắn vốn lực lưỡng và là một tay không vừa. Hắn vớ lấy cây gậy, giơ ba lô lên làm cái khiên, rồi cố lách ra khỏi chuồng, mặc cho quần áo bị tươm nát thêm. Hắn cũng luồn ra khỏi vườn, nhưng vừa lùi vừa hoa gậy theo thế võ mà bọn nhà nghề mệnh danh là thế che hoa để dọa con chó.
Khi chật vật lắm mới vượt được hàng rào gỗ ra ngoài đến đường cái, hắn lại càng thấy mình trơ vơ không nhà, không cửa, không nơi nương tựa, thậm chí chui vào cái ổ chó khốn nạn nằm lên rơm của chó, mà cũng bị chó đuổi ra. Hắn ngồi phịch xuống một hòn đá. Hình như lúc ấy có người đi qua nghe thấy hắn than thở:
- Thân ta thật không bằng một con chó!
Một lát sau hắn lại đứng dậy bước đi. Hắn đi ra khỏi thành phố, hy vọng tìm được gốc cây hay đống rạ ngoài đồng trú tạm.
Hắn cắm đầu đi một lúc lâu. Khi đã thấy xa nơi nhà cửa có người ở rồi, hắn mới ngước mắt nhìn quanh một lượt. Thì ra hắn đang ở giữa cánh đồng. Trước mắt là một quả đồi thấp gặt xong, còn trơ gốc rạ trông như cái đầu húi trọc.
Chân trời tối mịt. Đêm đã đến. Lại thêm những đám mây rất thấp, trông như tựa trên đỉnh đồi và đang lan ra, tỏa dần khắp trời. Trăng sắp mọc, ngang trời cũng còn mơ hồ chút ánh sáng thừa của hoàng hôn, nên từ các vòm mây, ánh sáng heo hắt ấy lại tỏa xuống cánh đồng.
Mặt đất thành ra trông rõ hơn nền trời và cái đó gây ra một cảnh tượng ghê rợn. Quả đồi trơ trọi mảnh mai in hình mờ nhạt lên chân trời tối sầm trước mặt. Dưới ruộng, trên đồi không còn cái gì khác ngoài một thân cây hình dáng kỳ dị đang quằn quại run rẩy ở ngay gần người rảo bước.
Cố nhiên hắn không phải là một con người thông minh, tế nhị, quen cảm xúc trước những vẻ bí ẩn cuả tạo vật, nhưng trong cảnh trời, cảnh đồi, cảnh đồng ruộng, cả hình dáng gốc cây ấy lúc bấy giờ đều như có cái gì tiêu điều vô hạn, khiến hắn phải lặng người đi, mơ màng một lúc rôi bỗng quay gót trở lại. Lắm khi thiên nhiên cũng có vẻ thù ghét con người là thế. Hắn qauy lùi về đường cũ. Bấy giờ cổng thành đã đóng. Đinhơ trước kia, hồi chiến tranh tôn giáo đến nhiều lần đương đầu với nhiều cuộc bao vây, nên đến năm 1815 hãy còn giữ những tường lũy cũ, với các lô cốt vuông đã bị phá từ dạo ấy. Hắn trèo qua chỗ tường đổ trở vào trong phố.
Lúc ấy vào khoảng tám giờ tối. Đường sá không thuộc nên hắn lại vẫn lang thang như trước. Đi mãi đến dinh tỉnh trưởng rồi đến chủng viện. Khi qua quảng trường nhà thờ lớn, hắn hằn học giơ quả đấm lên nhà thờ.
Ở góc quảng trường có một nhà in. Đây là nơi in đầu tiên các bản tuyên cáo của hoàng đế và của quân ngự lâm gửi cho quân đội. Các bản tuyên cáo này từ đảo Enbơ mang về do đích thân Napoleon đọc cho người ta chép.
Cuối cùng thấy trong người rã rời, lại hết phương mong mỏi, hắn đến nằm lăn trên chiếc ghế đá trước cửa nhà in.
Một bà già từ trong nhà thờ đi ra, thấy hắn nằm trong bóng tối, cất tiếng hỏi:
- Ông bạn kia làm gì ở đây?
Hắn nổi xung gắt:
- Phúc đức chưa! Bà không thấy à? Nằm ngủ chứ còn làm gì nữa!
Bà già là hầu tước phu nhân R, vốn là người phúc đức thật. Bà tiếp:
- Nằm trên ghế đá này à?
- Mười chín năm nằm đệm gỗ, nay nằm nệm đá cũng được chứ sao?
- Trước anh đi lính à?
- Phải, đi lính.
- Sao lại không vào quán trọ?
- Tôi không có tiền.
- Rủi quá – bà R. nói – tôi chỉ còn bốn xu trong ví!
- Không hề gì, cứ cho tôi.
Hắn cầm tiền. Bà R, lại bảo:
- Bấy nhiêu cũng không đủ trả tiền trọ đâu. Nhưng anh đã hỏi thử chỗ nào chưa? Chứ nằm cả đêm trên ghế này thế nào được! Chắc anh đang đói và rét. Người ta cũng có thể làm phúc cho anh ngủ nhờ chứ?
- Tôi đã gõ hết cửa mọi nhà rồi.
- Thế sao?
- Đâu họ cũng đuổi.
Bà già phúc đức, chạm tay người lạ mặt, chỉ cho hắn ngôi nhà thấp nhỏ ở bên kia quảng trường, cạnh dinh giám mục:
- Anh bảo anh gõ cửa khắp các nhà rồi phải không?
- Phải.
- Vậy anh đã gõ cửa nhà kia chưa?
- Chưa.
- Đến gõ đấy xem.



Chương 2: KHUYÊN NGƯỜI HIỀN PHẢI ĐỀ PHÒNG


Tối hôm ấy, ông giám mục thành Đinhơ đi dạo phố về lại ngồi làm việc trong phòng mãi. Ông lo soạn một bộ sách về Những bổn phận. Công việc còn đang dở dang.
Ông nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những gì mà các Cha cố và các Nhà thông thái đã nói về vấn đề trọng đại này. Cuốn sách gồm hai phần: phần thứ nhất nói về bổn phận mọi người, phần thứ hai về bổn phận cá nhân, tùy theo hoàn cảnh từng tầng lớp. Bổn phận mọi người là quan trọng nhất. Có bốn cái mà Thánh Mathiơ đã chỉ rõ: Bổn phận đối với Chúa (Matth, VI), bổn phận đối với bản thân (Matth, V, 29, 30), bổn phận đối với đồng loại (Matth, VII, 12), bổn phận đối với sinh linh (Matth, VI, 20,25). Về các bổn phận khác, ông cũng đã thấy rõ có nơi vạch ra và khuyên làm: các nhà vua và các bề tôi thì trong khuyến thư cho người La Mã; các quan tòa, của kẻ làm vợ, làm mẹ, của thanh niên thì trong lời thánh Pi-e; của người làm chồng, làm cha, làm con, làm gia nhân cho kẻ khác thì trong Khuyến thư cho dân Ephe; của người đi đạo thì trong Khuyến thư cho người Ebơrơ; của trinh nữ, trong Khuyến thư cho dân Côranhtơ. Ông cẩn thận đem tất cả những lời khuyên kia sắp xếp thành một bài luân lý cân đối hài hòa để: trình bày cho mọi người.
Tám giờ rồi ông vẫn còn ngồi lom khom viết vào những mẩu giấy vuông nhỏ, trên đùi đặt một cuốn sách to. Như thường lệ, mụ Magơloa bước vào lấy bộ đồ bạc trong ô tủ gần đầu giường. Một lúc sau, đoán chừng bữa ăn đã dọn xong và cô em có lẽ đang đợi, ông gấp sách đứng lên bước sang phòng ăn.
Phòng ăn là một căn buồng hình bầu dục có lò sưởi, cửa chính quay ra đường (như trên đã tả) và cửa sổ trông ra vườn.
Bữa ăn vừa dọn xong, bà Magơloa vừa bày bàn vừa nói chuyện với cô Baptistin.
Cây đèn để trên bàn; bàn lại kê bên lò sưởi. Trong lò củi cháy khá đượm.
Người ta có thể dễ dàng hình dung được hai bà phụ nữ, bà nào tuổi cũng ngoại sáu mươi. Bà Magơloa thì thấp người, đẫy đà, lanh lẹ; cô Baptistin thì dịu dàng, dáng gầy và lêu khêu, so với ông anh có cao hơn một tí; cái áo lụa bà mặc màu nâu thẫm, bà giữ mãi đến bây giờ là sắm ở Paris từ hồi 1806, lúc ấy màu đó rất được mọi người hâm chuộng. Nếu mượn cách nói thông tục, nó có cái hay là một chữ có thể diễn đạt được một ý mà có khi cả một trang văn chương cũng chưa chắc đã nói đầy đủ bằng, thì bà Magơloa có vẻ là một bà nhà quê, còn cô Baptistin thì ra dáng một phu nhân. Bà Magơloa thì trên đầu đội cái mũ vải trắng, chung quanh cuộn tròn thành ống, cổ đeo một cây thánh giá nhỏ bằng vàng, thứ nữ trang duy nhất trong nhà. Cái khăn quàng của bà thật trắng lòi ra ngoài cái áo dài đen, tay ngắn và rộng, bằng len thô. Cái tạp dề bằng vải kẻ ô xanh đỏ, buộc ngang hông bằng các dải màu lục. Trước bụng thêm miếng vải gấp ngược lên thành túi cài hai kim băng ở hai góc trên. Chân đi giày rộng với bít tất vàng như phụ nữ Macxây. Chiếc áo dài của cô Baptistin cắt theo mẫu 1806, cở ngắn, thân hẹp, tay bồng, có dải buộc và đính cúc. Mớ tóc lốm đốm bạc, bà thu vào trong một bộ tóc giả uốn theo kiểu thiếu niên. Bà Magơloa có vẻ thông minh, lanh lợi, tốt bụng; hai khóe miệng không cân nhau; môi trên dày hơn môi dưới, trông ở bà có cái gì cộc cằn và độc đoán. Ông giám mục mà còn làm thinh thì bà nói năng mạnh dạn với thái độ vừa kính nể và tự do; nhưng hễ Đức Cha lên tiếng, thì, điều này mọi người đã biết, bà phục tòng ngoan ngoãn cũng như cô Baptistin vậy. Cô này thì lại như không nói năng gì. Cô chỉ vâng lời và làm theo cho ông anh vui lòng. Ngay hồi còn trẻ, người cô cũng không xinh, đôi mắt to xanh, hơi lồi, sống mũi dài và gù; có điều khuôn mặt cũng như cả con người, như chúng tôi đã nói ở đầu sách này, đều toát lên một vẻ hiền từ vô hạn. Cô vốn sinh ra để làm con người hiền đức; nhưng đức tin, tình bác ái, lòng hy vọng, ba đức ấy lại nhẹ nhàng sưởi ấm tâm hồn làm cho trái tim hiền đức kia lại dần dần nâng lên thành thánh đức. Tạo vật chỉ đúc cô làm một con cừu, tôn giáo đã biến cô thành một thiên thần. Tội nghiệp người con gái thánh đức! Một hình ảnh êm dịu đã mất!
Không biết bao nhiêu lần cô Baptistin đã kể lại việc xảy ra trong dinh giám mục buổi tối hôm ấy, cho nên nhiều người hiện nay còn sống hãy còn nhớ rõ các chi tiết.
Khi ông giám mục bước vào, bà Magơloa đang chuyện trò có vẻ hăng lắm. Bà nói với cô Baptistin câu chuyện bà đã thuộc lòng và ông giám mục nghe cũng đã quen tai, câu chuyện cái then chỗ cửa ra vào.
Nghe đâu lúc chiều đi mua thức ăn, bà đã nghe thấy chỗ nào cũng xì xào nhiều chuyện lắm. Nào chuyện có một tên trộm hình dạng kỳ dị, một tên du đãng khả nghi vừa xuất hiện, đang còn lẩn lút trong các phố, đêm nay ai mà về khuya chắc sẽ gặp những chuyện chẳng lành. Nào chuyện tuần phòng bị bỏ bê, lơ là vì ông tỉnh trưởng và ông thị trưởng không ưa nhau, cố tìm cách làm xảy ra việc nọ việc kia để hại nhau. Ai khôn hồn thì tự liệu mà giữ lấy thân, giữ lấy của, nhà cửa phải liệu mà rào trước chặn sau, đóng then cài chốt cho thật kỹ.
Bà cố ý nhấn mạnh mấy tiếng sau cùng. Song ông giám mục vừa ở phòng bên sang, đang rét, nên đến thẳng chỗ lò sưởi ngồi sưởi rồi nghĩ vơ vẩn đến chuyện khác. Ông không có hưởng ứng gì về câu nói bóng gió của bà, khiến bà ta phải lặp lại. Cô Baptistin muốn chiều ý bà mà không làm phiền ông anh, nên đánh bạo hỏi khẽ:
- Thưa anh, anh có nghe bà Magơloa vừa nói gì đó không?
Ông giám mục đáp:
- Có, tôi có nghe loáng thoáng.
Ông quay ghế lại, để hai tay lên đầu gối, ngẩng nhìn bà ở già. Ánh lửa từ dưới chiếu lên khuôn mặt dịu dàng và vui vẻ:
- Nào, có chuyện gì thế? Đang có chuyện gì nguy hiểm lắm phải không?
Bà Magơloa lại kể lại đầu đuôi câu chuyện và vô tình thêm thắt ít nhiều. Nào là có một tên cầu bơ cầu bất, một thằng khố dây, một tên ăn xin nguy hiểm, nó đã lọt vào trong tỉnh. Nào nó đến xin trọ ở nhà hàng Laba nhưng người ta không chứa. Nào lúc nhá nhem tối người còn thấy nó ở đại lộ Cátxăngđi đang rình mò trong các phố. Một tên đầu trộm đuôi cướp mặt mày dễ sợ lắm.
Ông giám mục nói:
- Thật ư?
Thấy ông giám mục đã chịu khó hỏi han, bà phấn khởi đoán chừng câu chuyện đã làm ông hơi lo, nên đắc thắng nói tiếp:
- Vâng, thưa Đức Cha, đúng thế. Đêm nay trong tỉnh thế nào cũng có chuyện chẳng lành. Ai cũng bảo thế cả. Đã vậy, việc tuần phòng lại lơ là thế nào ấy (câu nhắc cần thiết)! Ai lại ở xứ rừng núi thế này mà đêm hôm phố xá chẳng có đèn đóm gì cả! Bước ra khỏi nhà thì cứ như là chui vào hũ nút. Thưa Đức Cha, có cô Baptistin đấy, cô cũng đồng ý với con là...
Cô này vội ngắt lòi:
- Không, tôi có nói gì đâu. Anh tôi làm thế nào cũng phải cả.
Bà Magơloa làm như không có lời chối cãi ấy, cứ tiếp:
- Chúng tôi bàn với nhau là cái nhà này cửa ngõ không chắc chắn gì cả. Đức Cha cho phép thì con đến lão thợ khóa Pôlanh Muyzơboa bảo lão ta đến tra ngay bộ then cũ vào cửa; hãy còn đủ cả đấy, chỉ một chốc là xong. Thưa Đức Cha, thế nào cũng phải có then, dù là chỉ một đêm nay thôi. Chứ cửa gì mà lại ở bên ngoài kéo cái cựa gà là mở ngay, ai muốn mở lúc nào cũng được, đến là khiếp. Đã thế Đức Cha lại quen tính hễ nghe gõ cửa là bảo cứ vào, nửa đêm gà gáy cũng chẳng cần xin phép xin tắc gì cả, thực chẳng còn trời đất nào nữa...
Giữa lúc ấy có một tiếng đập cửa khá mạnh. Ông giám mục bảo:
- Cứ vào.


Chương 3: DŨNG CẢM NHẮM MẮT VÂNG LỜI


Cửa mở ra.
Cửa mở toang thật mạnh như có người đẩy thốc vào một cách quả quyết.
Một người bước vào.
Người ấy, chúng ta biết là ai rồi. Chính là người khách bộ hành lang thang tìm chỗ trọ ban nãy.
Hắn bước vào một bước rồi dừng lại, cứ để cửa mở toang ở đàng sau. Hắn đeo ba lô trên vai, tay cầm gậy mắt đầy vẻ thô lỗ, táo tợn, mệt nhọc và phũ phàng. Ánh lửa trong lò sưởi rọi vào hắn. Trông hắn thật gớm chết. Chẳng khác gì ma quỉ hiện hình.
Bà Magơloa giật nẩy mình, sợ hết vía, bủn rủn cả người, chỉ đứng há hốc mồm không kêu nổi tiếng nào.
Cô Baptistin quay ra thấy người lạ mặt vào thì hoảng hốt nhổm người lên, nhưng dần dần ngoảnh mặt về phía lò sưởi, nhìn kỹ ông anh, nét mặt cô trở lại bình tĩnh và trong sáng.
Ông giám mục bình tĩnh nhìn khách.
Ông vừa định cất tiếng hỏi khách muốn gì thì người lạ mặt chống cả hai tay lên đầu gậy, đưa mắt nhìn hết ông già đến hai người đàn bà và không chờ ông hỏi, lớn tiếng nói:
- Thế này này, tôi tên là Giăng VanGiăng, tù khổ sai. Tôi đã ở mười chín năm trong nhà lao. Tôi được thả bốn hôm nay và bây giờ tôi đương đi về Pôngtácliê. Bốn ngày nay tôi đi bộ từ Tulông về đây. Ngày hôm nay đi những mười hai dặm. Lúc chập tối đến đây, tôi vào một hàng cơm, họ đã đuổi tôi vì tấm thông hành màu vàng tôi đưa trình ở thị xã. Không đưa trình sao được! Tôi lại đến một quán khác, chỗ nào họ cũng bảo: “Cút đi”. Chẳng ai muốn chứa tôi cả. Tôi đến đằng chỗ nhà giam người gác không chịu mở cửa. Tôi chui vào một cái ổ chó, chó cũng cắn tôi và đuổi tôi y như người vậy, ý chừng nó cũng biết tôi là người như thế nào. Tôi bỏ ra ngoài đồng định tìm chỗ ngủ dưới ánh sao trời. Trời lại tối đen, không có sao. Tôi sợ mưa. Có Đức Chúa nào tốt để ngăn khỏi mưa đâu, nên tôi lại trở vào tỉnh tìm một xó cửa. Đến quảng trường, tôi đã định ngủ trên ghế đá thì có một bà già phúc đức trỏ nhà ông và bảo: “Cứ gõ cửa mà vào”. Thế là tôi gõ cửa. Đây là đâu? Có phải là một quán trọ không? Tôi có tiền. Tiền lưu công đấy. Một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu tiền công của tôi làm trong mười chín năm ở tù. Tôi sẽ trả tiền. Có hề gì đâu! Tôi có tiền mà. Cuốc bộ những mười hai dặm, bây giờ tôi mệt quá rồi và đói lắm. Ông có cho tôi ở lại đây không?
- Bà Magơloa, dọn thêm một người ăn nữa.
Người lạ mặt bước tới gần cây đèn để trên bàn. Hình như hắn chưa hiểu ra sao cả nên nói tiếp:
- Này, không phải thế. Ông đã nghe rõ chưa? Tôi là một thằng tù khổ sai, một thằng trọng phạm vừa đi đày về.
Hắn rút trong túi một tờ giấy vàng rộng khổ, mở ra:
- Đây, giấy thông hành của tôi đây, ông xem, màu vàng đấy. Cũng vì nó mà ở đâu người ta cũng xua đuổi tôi. Ông có muốn đọc không? Tôi cũng biết đọc đấy. Học ở trong tù mà. Họ có mở lớp cho ai muốn học thì học. Đây này, người ta ghi vào giấy thông hành như thế này: “Giăng VanGiăng, tù khổ sai được mãn hạn, sinh tại... – cái này ông chẳng cần biết làm gì... – đi đày mười chín năm. Năm năm vì tội ăn trộm có trèo tường bẻ khóa. Mười bốn năm vì tội toan vượt ngục bốn lần. Tên này rất nguy hiểm”. Đấy, ai cũng tống cổ tôi ra ngoài. Còn ông, ông có chịu chứa không? Đây có phải là quán trọ không? Ông có cho tôi ăn và ngủ lại không? Có cái chuồng ngựa nào không?
Ông giám mục lại gọi:
- Bà Magơloa, lấy tấm khăn trắng trải lên giường khách.
Bà Magơloa vâng lời bước ra. Cách hai bà già trong nhà này vâng lời ông giám mục như thế nào, chúng tôi đã trình bày rồi. Ông giám mục lại quay sang phía khách:
- Kìa ông, ngồi xuống đây mà sưởi cho ấm. Một lát nữa chúng ta sẽ ăn cơm. Trong khi ăn sẽ có người dọn giường để ông nghỉ.
Đến đây khách mới thật hiểu. Nét mặt hắn từ nãy đến giờ tối sầm và khắc khổ bỗng lộ vẻ kinh ngạc, vui sướng, nghi ngại và trở nên kỳ lạ. Hắn lắp bắp như một người điên:
- Thật thế ư? Ông chứa tôi à? À, ông không duổi tôi, một tên tù khổ sai! Mà ông lại gọi tôi bằng ông! Chứ không gọi thằng nọ thằng kía. Chả bù với thiên hạ, họ chỉ quát: “Đồ chó, xéo ngay!” Ban nãy tôi cũng tưởng rồi ông sẽ đuổi tôi nên tôi phải nói ngay tôi là ai cho ông biết. Chao ôi! May làm sao mà lại gặp cái bà quí hóa, bà chỉ cho tôi vào đây! Tôi có cơm ăn! Lại có giường nắm! Cả chăn đệm nữa! Như tất cả mọi người! Nhưng mười chín năm nay, tôi có hề được nàm giường bao giờ đâu! Hóa ra thật tình ông bằng lòng cho tôi ở lại đây. Các ông bà phúc đức quá. Vả lại, tôi có tiền cơ mà. Tôi xin trả sòng phẳng cả. Ông bỏ lỗi cho, tên ông là gì nhỉ, ông chủ quán? Ông tính bao nhiêu tôi cũng trả. Ông tử tế lắm mà. Ông là chủ quán có phải không?
Ông giám mục nói:
- Tôi là một nhà tu hành, nhà ở đây.
- Một nhà tu hành! Ồ, một nhà tu hành phúc đức! Thế thì ông không bắt tôi trả tiền à? Té ra ông là cha xứ phải không? Cha xứ ở cái nhà thờ to lớn này? Ừ mà thật, ngốc quá, tôi lại không trông thấy cái mũ ni của ông chứ!
Vừa nói hắn vừa xách ba lô và cây gậy để vào một góc nhà, cất giấy thông hành vào túi, rồi lại ghế ngồi. Cô Baptistin hiền từ nhìn hắn. Hắn nói tiếp:
- Cụ xứ ạ, cụ nhân đức thật. Cụ không khinh người. Một nhà tu hành nhân đức kể cũng quí thật. Thế thì cụ không cần tôi trả tiền à?
- Không, ông cứ giữ lấy. Ông có bao nhiêu nhỉ? Lúc này ông bảo có một trăm linh chín phơrăng phải không?
- Với mười lăm xu nữa.
- Một trăm linh chín phơrăng mười lăm xu. Thế ông làm lụng bao lâu mới kiếm được số tiền ấy?
- Mười chín năm.
- Mười chín năm?
Ông giám mục thở dài não nuột. Khách lại nói:
- Số bạc ấy tôi vẫn giữ nguyên chưa đụng tới. Bốn hôm nay tôi mới tiêu hết có hai mươi lăm xu, lại là tiền công tôi dỡ hộ mấy xe hàng ở Gơrat. Cụ là nhà tu hành thì tôi cũng xin nói là ở trong tù chúng tôi cũng có một cha tuyên úy. Một bận tôi còn được trông thấy một ông giám mục nữa. Ai nấy đều gọi là Đức Cha. Ông giám mục ấy ở nhà thờ Majo ở Macxây. Chừng ông ta là cụ xứ ở trên tất cả các cụ xứ thì phải. Cụ bỏ lỗi cho, tôi không biết nói thế nào cho rõ, nhưng đối với tôi, ông ấy xa xôi quá! Bận ấy ông ta đến làm lễ ở giữa trại giam... ông ta đội một cái gì hình nhọn bằng vàng. Ban trưa trời nắng, trông nó nhấp nha nhấp nhánh. Chúng tôi xếp thành hàng đứng ra ba bên. Một lô súng thần công, mồi đốt sẵn, chĩa vào trước mặt. Chúng tôi chẳng nhìn rõ. Ông ta có nói chuyện, nhưng lại đứng tít tận trong cùng, chẳng nghe thấy gì cả. Đấy, ông giám mục như thế đấy.
Trong khi khách nói, ông giám mục ra khép cửa từ nãy vẫn mở toang. Bà Magơloa vào, mang theo một bộ thìa nĩa bày ra bàn.
Ông giám mục dặn:
- Bà xếp cho ông khách ngồi gần lò sưởi nhé, càng gần càng tốt.
Ông quay sang phía khách:
- Ở vùng núi Anpơ này, ban đêm, gió buốt tợn. Ông hẳn là rét lắm nhỉ?
Một lần ông giám mục gọi đến tiếng ông, giọng nói ôn tồn, trang trọng và rõ là thân mật, gương mặt khách lại rạng rỡ hẳn lên. Một thằng tù mà được gọi bằng ông, khác nào người đắm tàu sắp chết khát trên cái bè lênh đênh giữa biển được người ta cho uống nước ngọt? Kẻ bị ô nhục thường khát khao được trân trọng là thế.
Ông giám mục nói:
- Cái đèn này không được sáng lắm.
Bà Magơloa hiểu ý. Bà sang buồng ngủ ông giám mục, lấy đôi cây đèn bằng bạc ở trên lò sưởi thắp lên và đem đặt lên bàn.
Khách nói:
- Thưa cụ xứ, cụ tốt quá. Cụ không khinh tôi. Cụ lại tiếp đón tôi như khách. Cụ lại sai đốt bạch lạp cho tôi được sáng. Mặc dầu tôi đã nói thật với cụ tôi ở đâu đến và tôi là một kẻ khốn cùng như thế nào.
Ông giám mục ngồi bên se sẽ chạm tay khách:
- Ban nãy, ông không cần xưng danh cho tôi biết ông là ai cũng được. Đây không phải nhà của tôi, mà là nhà của Chúa Giêsu. Cửa nhà này không hỏi khách vào nhà có tên không, mà chỉ hỏi có nỗi đau khổ gì không. Ông là người đang đau khổ; ông lại đang đói khát; thì mời ông cứ vào. Xin đừng nói đến ơn với huệ, đừng nói rằng tôi tiếp ông ở nhà tôi. Chẳng ai có quyền coi nơi này là nhà riêng của mình, trừ những người đang cần chỗ trú. Ông khách qua đương, tôi nói rõ như vậy, nhà này là của ông hơn là của tôi. Tất cả cái gì trong nhà này bây giờ là của ông cả. Như thế, có cần gì tôi phải biết họ tên ông? Vả lại, trước khi ông xưng danh, tôi đã biết tên ông sẵn rồi.
Khách giương mắt nhìn, ngạc nhiên:
- Thật à? Cụ biết tên tôi là gì trước rồi ư?
- Vâng, ông tên là người anh em của tôi.
Hắn kêu lên:
- Này, cụ xứ! Lạ quá, lúc mới vào thì tôi đói thế, mà thấy cụ tốt quá, bây giờ tôi không biết tôi ra làm sao nữa, hết cả đói, cụ ạ.
Ông giám mục nhìn khách, hỏi:
- Ông đã từng chịu đau khổ nhiều phải không?
- Chao ôi! Áo tù nhân màu đỏ, đeo tạ ở chân, một tấm ván làm giường, rồi nóng bức, rét mướt, lao công khổ dịch, roi vọt! Hơi một tí là xích cả hai chân. Lỡ một tiếng là ngục tối. Ốm liệt giường cũng xích cùng cùm. Nghĩ kiếp con chó, con chó còn sướng hơn. Mười chín năm trời! Bốn mươi sáu tuổi rồi. Đến giờ lại phải đeo cái giấy thông hành vàng! Cái kiếp của tôi nó thế đấy.
- Vâng. Ông vừa ở một chốn sầu khổ ra. Tôi nói ông nghe. Trên trời sẽ dành cho gương mặt đẫm lệ của một người hối lỗi nhiều hạnh phúc hơn cho chiếc áo trắng tinh của hàng trăm người chính trực đó ông ạ. Nếu ông từ nơi đau khổ ấy bước ra với những tư tưởng hằn thù và căm giận đối với người đời, ông là một người đáng thương; nhưng nếu ông từ đó ra với những tư tưởng độ lượng và hiền hòa, thì chúng tôi không ai bằng ông được.
Lúc ấy, bà Magơloa bưng thức ăn lên. Một món xúp nấu với dầu, bánh mì và muối, mấy lát mỡ, một miếng thịt cừu, mấy quả vả, một miếng pho mát tươi và một cái bánh mì lớn. Bà còn tự ý thêm vào bữa ăn thường nhật ấy một chai rượu vang cũ xứ Môvơ.
Nét mặt ông giám mục bỗng dưng tươi vui hẳn lên, cái tươi vui riêng của những người hiếu khách. Ông nói to:
- Nào, ta ăn đi!
Theo thường lệ, những khi nhà có khách ăn cơm, ông mời khách ngồi ở phía bên phải mình. Cô Baptistin điềm tĩnh và tự nhiên, ngồi sang phía bên trái. Ông đọc kinh, rồi vẫn như mọi ngày, đích thân múc xúp ra. Khách bắt đầu ăn ngốn ngấu.
Bỗng ông giám mục bảo:
- Chừng như trên bàn này còn thiếu một thứ gì.
Thì ra bà Magơloa chỉ bày có ba bộ thìa nĩa bạc vừa đủ cho ba người thôi. Song lệ nhà xưa này hễ có mời khách, thì phải bày cả sáu bộ, kể cũng là một cách phô trương vô tội. Trong cái gia đình êm ả và nghiêm nghị mà mọi người coi sự thanh bạch như là danh giá này, chút phù hoa ấy vẫn có gì ngây thơ, đáng mến thật.
Bà Magơloa hiểu ngay câu trách ấy, lẳng lặng quay ra và mấy phút sau thì ba bộ thìa nĩa còn lại, mà ông giám mục hỏi, đã được bày sáng trưng trên bàn, đối diện với ba người ngồi ăn.


Chương 4: CHI TIẾT VỀ NHỮNG XƯỞNG PHO MÁT Ở PÔNGTÁCLIÊ


Đến đây chúng tôi xin sao lục một đoạn trong bức thư của cô Baptistin gửi cho một bà bạn kể lại tỉ mỉ mà hơi ngây ngô câu chuyện giữa ông giám mục và người tù khổ sai, để hình dung quang cảnh bữa ăn tối hôm ấy:
“...Người ấy không chú ý đến ai cả. Anh ta ăn ngốn ngấu như người sắp chết đói. Tuy thế dùng xong món xúp, anh ta nói:
- Cụ xứ của Đức Chúa lành ạ, các món ăn này đối với tôi đã là quá ngon, nhưng thật tình thì cái bọn phu xe tải ban nãy không muốn cho tôi cùng ăn, bọn ấy họ còn ăn sướng hơn cụ nhiều.
Chỗ chị em tôi nói riêng với bà là câu nói đó, tôi thấy có hơi trái tai. Anh tôi trả lời:
- Họ làm ăn vất vả hơn tôi.
Khách đáp:
- Họ có nhiều tiền hơn. Cụ thì nghèo, tôi thấy rõ. Có lẽ cụ chưa đến chức cha xứ. Cụ đã được đến chức cha xứ chưa? Ồ, sao lại vô lý thế nhỉ! Chúa mà công minh thì cụ phải lên cha xứ rồi mới phải.
Anh tôi đáp:
- Chúa còn hơn là công minh đấy, ông ạ.
Một lúc sau, anh tôi lại thêm:
- Ông Giăng VanGiăng, ông đi Pôngtácliê phải không?
- Vâng, hành trình, họ lại định trước cho nữa đấy.
Tôi nhớ hình như anh ta nói thế. Rồi anh ta lại tiếp:
- Mai, tang tảng sáng tôi lại phải đi ngay. Đi đường lúc này vất vả lắm. Đêm lạnh mà ngày thì nóng bức.
Anh tôi nói:
- Vùng ông đi về là một vùng dễ sống đấy. Hồi Cách mạng, gia đình tôi sa sút, lúc đầu tôi có lánh sang Phơrăng Côngtê và sống bằng lao động chân tay ở đấy ít lâu. Tôi có chí. Tôi tìm được việc làm. Kể ra thì tha hồ mà chọn. Ở đấy, nào là nhà máy giấy, nhà máy thuộc da, nhà máy rượu, nhà máy dầu, xưởng chế tạo đồng hồ hàng loạt, xưởng nấu thép, đúc đồng, ít nhất là hai mươi nhà máy luyện sắt và bốn nhà ở Lốt, Satiông, Ôđanhcua và Bơ thì thật là đồ sộ...
Có lẽ tôi không nhớ sai đâu, anh tôi đã kể đến tên tất cả các xứ đó rồi ngừng lại hỏi tôi:
- Này cô, ta có ai là bà con xứ ấy không nhỉ?
Tôi đáp:
- Trước kia có đấy, như ông Luyxơnê chỉ huy đạo quan phòng thành ở Pôngtácliê hồi chế độ cũ.
Anh tôi nói:
- Phải, nhưng hồi năm 93 thì chẳng còn thân thích nào nữa, mình chỉ còn cậy vào sức mình. Tôi đã ra sức làm việc. Ông Giăng VanGiăng này, ở xứ Pôngtácliê mà ông sắp đến, có một nghề gia truyền thật là dễ ưa, cô nhỉ! Cái nghề làm pho mát ấy mà – Anh tôi vừa tiếp cơm khách, vừa cắt nghĩa cho nghe tỉ mỉ về những xưởng làm pho mát ở Pôngtácliê. Có những hai loại: những hai loại: những xưởng to của nhà giàu, nuôi đến bốn năm mươi bò sữa, sản xuất ra mỗi vụ hè từ bảy đến tám nghìn bánh pho mát; những xưởng hợp tác thì thuộc người nghèo. Nông dân nghèo ở lưng chừng núi đem bò nuôi chung rồi chia nhau sản phẩm. Họ chung nhau thuê một người làm thợ pho mát. Người này thu sữa của các xã viên một ngày ba lần và đánh dấu số lượng trên một miếng gỗ, vào cuối tháng tư thì các xưởng làm pho mát bắt đầu hoạt động, đến giữa tháng sáu thì những người thợ pho mát lại đánh bò lên núi.
Ăn vào, nét mặt khách dần dần tươi tỉnh lại. Anh tôi cứ rót rượu mời khách, thứ rượu vang cũ xứ Môvơ ấy, chứ riêng mình thì không nếm đến, cho là thứ rượu đắt tiền. Anh tôi nói chuyện vui vẻ, lưu loát như bà đã từng biết, đem kể mọi chi tiết cho khách nghe, thỉnh thoảng lại quay nhìn tôi một cách thân mến. Anh tôi nhắc đi nhắc lại chuyện làm pho mát như có ý mong để khách hiểu, chứ không lấy lời trực tiếp và cứng cỏi khuyên anh ta rằng đó là nơi có thể dung thân được. Có một điều làm tôi ngạc nhiên. Người khách ấy là người thế nào thì tôi đã nói với bà rồi. Thế mà trong suốt bữa cơm suốt cả buổi tối, ngoài mấy câu về Chúa Giêsu lúc khách mới vào, anh tôi không hề có một lời nhắc khách nhớ lại khách là người như thế nào và nói rõ cho khách nhớ lại khách biết, anh tôi là ai. Bà tính, rõ ràng đó là cơ hội để giảng một chút về đạo lý và lấy đức độ ông giám mục ấn mạnh lên tâm hồn anh tù để anh ta ghi nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Một người khác gặp được kẻ khốn khổ như thế, tất đã vừa cho thần xác ăn uống no nê lại vừa cho phần hồn được nghe những lời phê bình, có mùi vị khuyên bảo, răn dạy, hoặc những lời thông cảm thương hại kèm theo mấy câu khuyến khích người ta sửa chữa về sau. Anh tôi thì không hề hỏi một câu về quê quán, lai lịch của khách. Vì trong lai lịch ấy tất nhiên có tội lỗi đã qua, cho nên hình như anh tôi có ý tránh không muốn nhắc cho khách nhớ đến. Thậm chí, khi nói chuyện về người miền núi Pôngtácliê họ làm ăn thoải mái ở những vùng cao gần trời và họ rất sung sướng vì tâm hồn họ trong trắng, anh tôi bỗng ngừng bặt, sợ câu nói lỡ lời đó có điều gì làm phật lòng khách chăng. Nghĩ kỹ ra, tôi mới đoán được bụng anh tôi. Ý hẳn anh tôi thấy rằng con người ấy – anh ta tên Giăng VanGiăng – tâm trí lúc nào cũng nghĩ ngợi đến nỗi khốn khổ của mình rồi, tốt hơn hết là làm cho người ta khuây khỏa và làm cho người ta tin tưởng, dù chỉ trong chốc lát, rằng người ta cũng là một con người như mọi người khác vì thấy mình đối xử với người ta cũng tự nhiên như đối với mọi người. Có phải như thế là hiểu đúng nghĩa chữ thương người không nhỉ? Có phải cách anh tôi giữ gìn ý tứ tuyệt nhiên không nói gì đến đạo lý, nhân nghĩa, không nói gì xa xôi bóng gió cả, cách ấy có cái gì thật là tế nhị, thật là từ bi không bà chị? Có phải cách thương người thắm thiết nhất khi đứng trước một người đau khổ là đừng đả động gì đến điều đau khổ ấy phải không? Theo tôi, hình như thâm ý của anh tôi hôm ấy là thế. Dù sao, tôi chỉ thấy một điều rất rõ là dù anh tôi có nghĩ như vậy đi chăng nữa, anh tôi cũng chẳng hề tỏ ra cho ai biết cả, với tôi cũng thế. Suốt buổi tối hôm ấy anh tôi vẫn một thái độ như thường ngày, ngồi ăn với cái anh Giăng VanGiăng ấy vẫn niềm nở, thận trọng như ngồi ăn với ông Lơ Prêvô hay cụ xứ bản hạt vậy.
Lúc gần xong bữa, ăn đến món vả thì có người gõ cửa. Mụ Giécbô ẵm đứa con nhỏ vào. Anh tôi hôn vào trán đứa bé, hỏi vay tôi mười lăm xu đưa cho mụ. Lúc ấy, khách không hề để ý gì hết, chẳng nói chẳng rằng, ra dáng mệt mỏi lắm. Mụ Giécbô ra rồi, anh tôi đọc kinh cầu nguyện rồi quay bảo khách: “Chắc ông cần nghỉ lắm rồi!” Bà Magơloa thu dọn bàn thật nhanh. Tôi biểu là phải cáo lui để khách đi nghỉ nên bà Magơloa và tôi đều lên gác ngay. Sau đó, tôi sai bà Magơloa đem xuống cho khách một tấm chăn da hươu vẫn để trong phòng tôi, vì tháng ấy đêm lạnh lắm. Đắp nó mới đủ ấm. Chỉ hơi phiền một tí là cái chăn đã cũ, sờn hết cả lông. Anh tôi mua từ hồi còn ở Tôtlingien, gần nguồn sông Đanuyp, bên nước Đức ấy, một lần với con dao cán ngà tôi vẫn thường dùng.
Bà Magơloa xuống một chốc rồi trở lên ngay; chúng tôi cùng cầu nguyện ở chỗ căn phòng thường phơi quần áo, rồi ai về phòng nấy không trò chuyện gì với nhau cả”.


Chương 5: TĨNH MỊCH


Ông Mirien chúc cô em ngon giấc xong, cầm một cây đèn bạc trên bàn lên, đưa cây kia cho khách và nói:
- Nào, tôi xin đưa ông về phòng.
Khách bước theo.
Như đã nói ở đoạn trên, ta biết rằng theo cách bố trí trong nhà ấy, hễ muốn đi vào phòng nguyện trong đó có ngăn kê giường khách hay muốn từ đó ra ngoài là phải qua buồng ngủ ông giám mục.
Giữa lúc hai người đi qua chỗ phòng ngủ ấy, bà Magơloa đang xếp cất bộ đồ bạc vào ô ở chỗ đầu giường. Bữa nào, trước khi đi ngủ, bà cũng nhớ làm công việc thu dọn cuối cùng ấy.
Ông giám mục đưa khách vào tận chỗ ngủ. Ở đây giường đã trải khăn trắng tinh. Khách đặt cây đèn xuống chiếc bàn con. Ông giám mục bảo:
- Thôi, chúc ông ngủ cho ngon giấc. Sáng mai, trước khi lên đường, mời ông xơi một cốc sữa thật nóng, bò nhà nuôi.
- Cám ơn cha.
Vừa nói xong câu nói hòa bình ấy, đột nhiên hắn thay đổi một cách lạ lùng, không ngờ được. Giá bây giờ có hai bà già hiền lành ở đấy thì hai bà hẳn đến chết khiếp. Cho đến nay chúng tôi khó mà hiểu cái gì đã khiến hắn như thế. Hắn muốn báo trước hay là muốn đe dọa? Hay là hắn chỉ nghe theo một sức mạnh gì của bản năng mà chính hắn cũng không sao hiểu được? Hắn quay phắt về phía ông già, khoanh tay lại, giương đôi mắt dữ tợn nhìn trừng trừng vào mặt ông ta và cất giọng khàn khàn:
- Ồ, như thế này thật à? Để tôi ngủ trong nhà ở ngay cạnh ông thế này à?
Hắn ngừng lại, cười một cách ghê tợn, rồi tiếp:
- Ông đã nghĩ kỹ chưa? Ai bảo ông rằng tôi không phải là kẻ sát nhân?
Ông giám mục ngước mắt lên trần nhà, đáp:
- Điều ấy đã có Chúa lo.
Nói đoạn, ông nghiêm trang giơ hai ngón tay bên phải lên làm phép ban phúc cho khách, miệng lẩm bẩm như người cầu kinh hay tự nói với mình. Nhưng khách vẫn đứng yên không cúi đầu. Xong, ông trở về phòng mình, không hề quay đầu nhìn lại.
Mỗi khi nhà chái có khách nghỉ, một tấm màn vải rộng ngăn đôi phòng nguyện che kín bàn thờ. Qua trước tấm màn, ông giám mục quì xuống, đọc một đoạn kinh ngắn.
Một lúc sau, ông ra vườn đi đi lại lại, vừa nghĩ vơ vẩn, vừa ngắm cảnh, tâm trí để cả vào bao nhiêu vẻ lớn lao huyền diệu của trời đất bày ra dưới đất, bày ra dưới mắt người thao thức lúc đêm khuya.
Còn khách thì mỏi mệt quá đến nỗi chẳng nghĩ gì đến chăn đệm sạch sẽ, ấm áp nữa. Hắn phồng mũi thổi đèn theo thói quen của tù khổ sai rồi cứ để nguyên quần áo lăn vào giường ngủ như chết.
Ông giám mục ở ngoài vườn bước về phòng mình thì đồng hồ gõ mười hai tiếng. Ít phút sau, trong nhà ngủ im cả.


Nguồn: http://forums.vinagames.org/