Vào khoảng nửa đêm, Giăng VanGiăng thức giấc dậy.
Giăng VanGiăng sinh ra ở một gia đình nông dân nghèo xứ Bri. Lúc nhỏ, anh ta chẳng được học hành gì. Lớn lên anh làm nghề xén cây ở Phavơrôn. Mẹ anh là bà Gian Machiơ, cha là ông Giăng VanGiăng hoặc là Vola Giăng, có lẽ do chung quanh gọi đùa là Vola Giăng mà thành tên ấy. (Voila Joan có nghĩa là Giăng đấy)
Giăng VanGiăng tính hay tư lự mà không buồn: chỉ những người giàu tình cảm mới như thế. Nói đúng ra, nhìn bề ngoài thì thấy anh ta cũng lừ đừ và chẳng có gì xuất sắc. Cha mẹ anh mất từ hồi anh còn nhỏ dại. Mẹ anh chết vì một cơn sốt xuống sữa mà không biết cách thuốc thang. Cha anh trước cũng làm nghề xén cây, sẩy chân nên thiệt mạng. Vangiăng chỉ còn một người chị góa chồng, trên tay bảy đứa con dại, vừa trai vừa gái.
Bà chị ấy đã nuôi Giăng và lúc sinh thời ông anh rể, Giăng vẫn ăn ở trong nhà chị. Lúc anh rể chết. Lũ con, đứa lớn nhất mới lên tám, đứa út mới đầy năm. Giăng năm ấy vừa đúng hai mươi lăm tuổi. Thế là Giăng thay anh rể đi làm giúp chị nuôi các cháu. Rất là giản dị: anh coi đó là một bổn phận phải làm, nhưng vẫn càu nhàu vì bản tính. Cả thời trai trẻ, anh làm quần quật suốt ngày mới tìm nổi cái ăn nên chẳng nghe nói anh ta có nhân tình nhân ngãi gì, vì thời giờ đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương.
Tối đến đi làm về mệt nhoài, anh lẳng lặng ngồi ăn xúp. Bà chị thỉnh thoảng lại chọn những miếng ngon trong đĩa anh, miếng thịt, lát mỡ, cái nõn cải, lấy đút cho con. Còn anh, anh để tóc xõa cả ra quanh đĩa, che kín cả mặt, cứ cắm đầu ngồi ăn, mặc kệ, làm như không thấy gì. Ở Phavơrôn, gần nhà Vangiăng, phía bên kia đường đi, có nhà chị tá điền Mari Cơlốt. Lũ trẻ nhà Vangiăng ngày nào cũng ăn đói. Đôi khi chúng chạy sang nhà chị ta, nói dối là mẹ sai sang vay ít sữa rồi đem nhau lại chỗ sau hàng rào hoặc ở đầu ngõ, tranh giằng nhau húp vội húp vàng làm sữa đổ cả ra quần áo. Bà Gian mà biết được thói vụng trộm ấy thì mỗi đứa cũng được trân đòn. Giăng có nóng nảy, cau có, nhưng lại giấu chị, đến trả chỗ tiền sữa cho chị Mari Cơlốt và như thế là các cháu khỏi phải đòn.
Về mùa xén cây, anh kiếm được mỗi ngày hai mươi bốn xu. Hết mùa anh quay ra đi giặt thuê làm mướn, chăn bò, khuân vác, gặp việc gì làm được thì làm. Phần bà chị cũng cố gắng làm lụng, nhưng một nách bảy đứa con dại thì là được mấy nỗi? Cảnh nhà thật thiểu não, quanh năm túng thiếu và mỗi ngày một nghèo ngặt thêm. Một năm, trời làm rét quá, Giăng không có việc làm. Trong nhà không có lấy một mẩu bánh. Đúng y như thế. Không một mẩu bánh mà những bảy đứa trẻ thơ.
Một buổi tối chủ nhật, trong nhà lão Môbe Ydabô chủ hàng bánh mì trước nhà thờ Phavơrôn đã dọn dẹp sắp đi ngủ. Chợt thấy có tiếng đập mạnh ở chỗ mặt ngoài cửa hàng có chăng lưới thép và lắp kính. Lão chạy ra và kịp thấy một cánh tay thò qua chỗ kính vỡ và dây thép đứt, đang vơ lấy một chiếc bánh và lôi ra ngoài. Lão vội chạy ra: tên ăn trộm sải chân chạy trốn; lão đuổi theo và tóm được. Tên trộm đã vứt bánh đi nhưng cánh tay có máu me đầm đìa. Thì ra chính là Giăng VanGiăng.
Việc ấy xảy ra năm 1795. Giăng bị đưa ra tòa truy tố về tội “ăn trộm ban đêm có phá cửa trong một nhà có người ở”. Anh lại có một khẩu súng săn và bắn rất giỏi, thỉnh thoảng vẫn đi bắn trộm chim chóc trong rừng. Điều ấy làm hại anh thêm. Đối với kẻ đi săn trộm chim muông, người ta vẫn có thành kiến là đúng, vì kẻ đi săn trộm cũng như người buôn lậu thì không xa bọn kẻ cướp là mấy. Có điều nhân tiện cũng nên nói rằng giữa hạng người này và bọn giết người cướp của đáng ghê tởm ở thành thị vẫn khác nhau một trời một vực. Kẻ săn trộm chim sống trong rừng, tay buôn hàng lậu sống ở trên núi hoặc dưới biển. Thành thị làm cho con người thối tha, do đó trở nên độc ác. Còn núi rừng, biển cả thì có tạo ra những con người man rợ, có phát triển phần hung dữ, nhưng không thủ tiêu phần nhân tính họ. Tòa án tuyên bố Giăng VanGiăng có tôi. Luật lệ đã rành rành ra đấy, không có cách gì khác. Trong xã hội văn minh của chúng ta có những giờ phút đáng sợ, là những lúc luật pháp tuyên án đẩy người ta vào một cuộc trầm luân. Còn gì thê thảm bằng cái phút giây mà xã hội lánh xa và dứt khoát vứt bỏ một con người biết suy nghĩ! Giăng VanGiăng bị kết án năm năm khổ sai.
Ngày 22 tháng 4 năm 1796 người ta loan báo khắp Paris tin chiến thắng Môngtơnốt của đạo quân đánh ở Ý. Thông điệp của Hội đồng đốc chính gửi cho viện Ngũ bách ngày 2 tháng hoa nở năm Cộng hòa thứ tư, gọi người tổng chỉ huy đạo quân ấy là Buyônapác (Bấy giờ viện Ngũ bách- 500 đại biểu là viện lập pháp Hội đồng đốc chính – 5 đốc chính, là cơ quan hành pháp tối cao; Tức tháng 5, theo lịch mới của chế độ Cộng hòa). Cùng ngày ấy, ở nhà ngục Bixết người ta đã xích trong một dây xích tù thật lớn, Giăng VanGiăng bị khóa vào dây xích đó. Một người lính canh ngục cũ, năm nay đã gần chín mươi tuổi, còn nhớ như in con người đáng thương ấy bị cùm vào cuối dây người thứ tư ở góc phía bắc sân nhà ngục. Anh ta ngồi bệt xuống đất như mọi người khác. Chừng như anh ta cũng không hiểu tình cảnh mình ra làm sao nữa, chỉ biết là kinh khủng quá. Trong ý nghĩ lờ mờ của con người ù ù cạc cạc với tất cả mọi việc như anh, có lẽ anh cũng mang máng thấy rằng trong việc đó có cái gì quá đáng.
Trong khi người ta quai mạnh búa để tán chiếc đinh trên cái gông cổ phía sau gáy, anh khóc lên, nghẹn ngào không nói nên lời, chốc chốc mới thốt được một câu: “Tôi làm nghề xén cây ở Phavơrôn”. Rồi anh vừa nức nở và giơ tay lên, hạ xuống bảy lần, mỗi lần mỗi hạ thấp hơn, trông như anh đang lần lượt sờ đầu bảy đứa trẻ lớn nhỏ khác nhau. Trông cử chỉ ấy người ta đoán biết anh đã làm điều phi pháp gì đó cũng là vì miếng cơm manh áo của bảy đứa bé con.
Anh bị giải đi Tulông. Hai mươi bảy ngày ròng rã trên một chiếc xe bò, xiềng xích luôn mang trên cổ. Đến Tulông, anh thay áo tù khổ sai. Cả quãng đời của anh trước đây đều bị xóa mờ, xóa mờ cả tên tuổi; anh không còn là Giăng VanGiăng nữa, anh là con số 24.601. Còn bà chị anh rồi ra sao? Bảy đứa bé rồi ra sao? Ai là người chăm lo cho cái gia đình ấy? Cái cây non đã cưa mất gốc, nắm lá sẽ thế nào?
Thì ra chuyện đời vẫn cứ thế. Những con người đáng thương ấy, những sinh linh của Chúa ấy, từ đây không nơi nương tựa, không kẻ dìu dắt, không chỗ trú chân lang thang trôi giạt, rồi biết đâu sẽ không mỗi người mỗi ngả, dần dần vào cái đám sương mù lạnh lẽo đã chìm đắm bao nhiêu kiếp người cô đơn, cái cõi tối tăm thê lương đã làm mất bóng bao nhiêu cuộc đời bất hạnh trong bước đường âm u của nhân loại! Họ bỏ làng ra đi. Cái gác chuông ở nơi gọi là làng quê cũ quên họ đi. Cái bờ ruộng ở nơi gọi là cánh đồng làng quên họ đi. Sau vài ba năm trong tù, ngay cả Giăng VanGiăng cũng quên nốt họ đi. Vết thương trong lòng anh đã thành sẹo. Thế là hết. Trong cả thời gian ở Tulông, chỉ có mỗi một lần anh được nghe tin tức bà chị. Hình như là vào khỏang cuối năm thứ tư sau khi anh vào tù. Cũng không rõ tin tức ấy đã đưa đến bằng cách nào. Chỉ biết có người trước kia có quen anh ở quê nhà một lần có gặp bà chị. Bà ở Paris, trong một xóm nghèo gần nhà thờ Xanh Xuynpit, phố Gianhđơrơ. Bà chỉ còn đem theo có mỗi một đứa con, thằng con trai út. Còn sáu đứa kia hình như chính bà cũng không biết chúng ở đâu nữa. Sáng sáng bà đến một xưởng in ở phố Xabô, nhà số 3, làm việc gấp giấy và đóng sách. Mùa đông trời chưa sáng, sáu giờ đã phải có mặt. Trong xưởng có một trường học. Đứa bé lên bảy, bà đem theo gửi học ở đấy. Có điều, sáu giờ bà đã vào xưởng mà đến bảy giờ trường mới mở cửa, nên thằng bé phải chờ ngoài sân ngót giờ đồng hồ, phải, ngót giờ đồng hồ ngoài trời mùa đông trong lúc còn tối mịt. Người ta không muốn cho nó vào xưởng, bảo là làm vướng bận công việc. Thợ thuyền sáng sớm qua đó, thấy thằng bé ngồi xổm ngoài hè, ngủ gà ngủ gật, có khi thiếp đi trong xó tối, gập người trên chiếc giỏ mây. Gặp hôm trời mưa, bà cụ gác cổng thương hại, nhặt nó vào trong túp lều của bà. Trong lều độc có một cái phản, cái guồng quay sợi và hai cái ghế gỗ. Thằng bé ngủ lăn ra ở một xó nhà, tay ôm con mèo cho đỡ rét. Đến bảy giờ trường mở cửa, nó mới vào học.
Người ta nói với anh có bấy nhiêu. Nhưng lúc anh nghe mấy lời ấy, thì dường như trong phút giây, trong chớp mắt, có cánh cửa sổ nào bỗng dưng đã mở toang cho anh nhìn thoáng thấy cuộc đời của mấy người thân yêu, rồi sau đó lại khép lại, tối tăm mù mịt. Từ đó anh chẳng còn nghe tin tức gì về những người thân yêu ấy nữa. Mà cũng chẳng bao giờ anh thấy lại họ, chẳng bao giờ anh còn gặp họ. Ở những đoạn tiếp theo của câu chuyện thương tâm này ta cũng không còn tìm thấy họ nữa.
Vào khoảng cuối cái năm thứ tư ấy thì đến lượt Giăng VanGiăng vượt ngục. Ở chốn lao tù sầu thảm này, bọn đồng cảnh vẫn thường giúp đỡ nhau việc đó. Anh trốn ra được và lang thang hai ngày ngoài cánh đồng. Nếu tự do nghĩa là: sau lưng có người truy nã, lúc nào cũng phải ngoái cổ nhìn lại, hơi có tiếng động là giật mình thon thót, thấy cái gì cũng sợ, từ mái nhà tỏa khói, người đi qua đường, tiếng chó sủa, tiếng ngựa phi, tiếng chuông đồng hồ, đến ban ngày vì ban ngày người ta nom rõ, ban đêm vì ban đêm không trông thấy gì, đến con đường lớn, cái lối mòn, đến bụi cây, giấc ngủ, cũng đều sợ tuốt thì hai ngày ấy anh ta được tự do. Đến tối ngày thứ hai thì anh ta bị bắt lại, sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ chẳng ăn chẳng ngủ gì. Sau đó, tòa án thủy quân phạt thêm ba năm khổ sai. Năm thứ sáu lại đến lượt anh được vượt ngục; anh nắm ngay cơ hội nhưng trốn không trót lọt. Điểm danh thấy thiếu, người ta bắn phát súng đại bác báo hiệu và đến đêm thì lính tuần tìm được anh trốn dưới chiếc vỏ tàu đang đóng dở. Lúc bị bắt anh chống cự lại với lính coi ngục. Thế là cái tội vừa vượt ngục vừa kháng cự kẻ thừa hành ấy, theo hình luật đặc biệt, phải xử giam thêm năm năm nữa trong đó có hai năm phải đeo xiềng đôi. Cộng là mười ba năm. Đến năm thứ mười lại đến lượt anh trốn nữa và anh cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng lần này cũng không may gì hơn. Lại ba năm nữa, thành mười sáu năm. Sau cùng hình như đến năm thứ mười ba, anh lại thử một lần chót nữa nhưng chỉ ra ngoài được bốn tiếng đồng hồ thì bị bắt lại. Ba năm nữa với bốn tiếng đồng hồ ấy. Cả thảy mười chín năm. Anh vào tù từ năm 1796 mà mãi đến tháng mười năm 1815, anh mới được thả ra. Như thế chỉ vì anh đập một miếng kính và lấy một cái bánh mì.
Đến đây cần mở một dấu ngoặc. Trông khi xét về hình luật và việc luật pháp đày đọa con người, lần thứ hai tác giả lại gặp một vụ trộm bánh mì xuất phát điểm của một kiếp trầm luân. Cơlốt Gơ đã lấy trộm một chiếc bánh. Giăng VanGiăng cũng lấy trộm một chiếc bánh. Một thống kê tại Anh cho biết trong năm vụ trộm, có bốn vụ trực tiếp do đói mà ra.
Lúc vào tù Giăng VanGiăng run sợ, khóc lóc, đến khi ra, anh thành người thản nhiên, trơ như đá. Lúc vào lòng anh tuyệt vọng, nay ra, lòng anh đen tối. Cái gì đã xảy ra trong tâm hồn anh?
Chương 7: BÊN TRONG TUYỆT VỌNG TA THỬ PHÂN TÍCH XEM
Xã hội có nhiệm vụ phải thấy rõ những điều đó vì chính xã hội đã gây ra. Như chúng ta đã biết, Giăng VanGiăng là một kẻ vô học, nhưng không phải là người ngu ngốc. Trong con người anh vẫn có thứ ánh sáng của thiên bẩm. Đau khổ cũng có cái ánh sáng của nó, làm cho tâm trí còn mơ hồ của anh được sáng sủa thêm lên. Trong cuộc đời đày ải, khi roi vọt, xiềng xích, lúc nằm ngục, lao dịch, khi ở ngoài nắng thiêu đốt, lúc nằm trên tấm phản của nhà tù khổ sai, anh thường tự hỏi lương tâm và suy nghĩ.
Anh tự coi mình như quan tòa.
Và anh bắt đầu tự xét xử.
Anh công nhận rằng anh không phải là một kẻ vô tội bị xử oan. Anh tự thú nhận đã trót làm một việc cùng quẫn đáng chê trách. Anh mà ngửa tay xin chiếc bánh kia thì chưa hẳn người ta không cho. Dù sao đi nữa, tốt hơn là phải dằn lòng mà chờ cho bánh, hoặc do lao động mà có, hoặc con người ta thương hại mà cho, còn nói: “đói ăn vụng túng làm càn” thì không phải là một lý sự cứng đến không bẻ lại được. Bởi vì trước hết thực sự vì đói làm chết thì cũng hiếm có; sau nữa, về bản chất con người ta lại có thể chịu đựng rất lâu và rất nhiều mọi thứ đau khổ về tinh thần và thể chất mà không chết, cái ấy không biết là một cái may hay là một cái rủi. Cho nên phải biết nhẫn nại. Nhẫn nại thì tốt hơn, tốt cho cả lũ trẻ thơ kia nữa. Chứ dám đem sức vóc yếu ớt của mình mà hùng hổ tóm lấy cổ cả một xã hội và tưởng rằng có thể thoát khỏi cảnh đói rét bằng trộm cắp, thì thật là một hành động điên cuồng. Nói gì thì nói chứ cái cửa để ra khỏi đói rét mà cũng dẫn vào ô nhục thì rõ là cái cửa tồi. Tóm lại, anh có sai lầm thật.
Rồi anh tự hỏi: phải chăng chỉ có mình gây ra cho mình kiếp sống oan nghiệt này?
Trước hết, một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một người siêng năng như anh mà phải đói khát thì phải đó là một hiện tượng nghiêm trọng không? Sau nữa, đã mắc lỗi lầm mà biết thú nhận, thì trừng trị như thế có độc ác và quá đáng không? Có phải như thế là trong việc trừng phạt, luật pháp có đi quá trớn hơn là kẻ phạm tội quá trớn khi lầm lỗi không? Có phải cán cân công lý đã quá nghiêng về phía bắt đền tội không? Xử phạt nặng như thế có phải là để kẻ phạm tội chuộc tội không? Hay là lại đưa đến kết quả đảo ngược vai trò, biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của con người trấn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ và cuối cùng đem công lý đặt về bên kẻ đã xâm phạm vào công lý? Phải chăng hình phạt ấy, cái hình phạt liên tiếp gia nặng thêm vì các lần toan vượt ngục, cuối cùng chỉ là một thứ ức hiếp của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, một tội ác của xã hội đối với cá nhân, một tội ác hàng ngày tái diễn và kéo dài đến mười chín năm trời?
Anh tự hỏi xã hội sao lại có quyền bắt con người phải chịu đựng, một mặt là cái thói không phòng xa phi lý, một mặt là cái lối đề phòng quá tàn nhẫn của nó? Sao lại có quyền ép một người xấu số vào cái thế hiểm, giữa một cái thiếu và một cái thừa, thiếu việc làm và thừa hình phạt? Đối với những phần tử vì rủi ro mà chịu thiệt thòi nhất trong sự phân phối của cải, đáng lẽ họ phải được chiếu cố nhất, lại đối xử với họ như thế có phải là quá đáng không?
Các câu hỏi ấy đặt ra và giải quyết xong, anh xét xử và lên án xã hội.
Xã hội trở thành mối căm thù của anh.
Anh cho xã hội phải chịu trách nhiệm về số phận anh đang chịu và định bụng một ngày kia sẽ hỏi tội nó. Anh nhận định việc anh làm thiệt hại cho người ta chẳng bắc đồng cân được với cái việc người ta làm thiệt hại cho anh. Và anh kết luận rằng, cái án của anh, thật ra không phải là oan uổng nhưng rõ ràng là bất công.
Giận dữ thì có thể mất trí và vô lý. Người ta có thể nổi nóng sai. Nhưng khi người ta căm phẫn thì xét cho cùng người ta đã nắm lẽ phải ở chỗ nào đấy. Giăng VanGiăng cảm thấy căm phẫn.
Vả lại, xã hội chỉ làm hại. Luôn luôn anh thấy xã hội chỉ có một bộ mặt giận dữ là hình án. Bộ mặt ấy nó luôn luôn giương ra cho những kẻ nó đem ra trừng trị! Còn mọi người chung quanh thì họ động đến anh là chỉ để giày vò. Mỗi lần tiếp xúc với họ là một vố đau đớn. Từ nhỏ đến giờ, anh chưa từng biết một lời nói thân mật, một cái nhìn thương mến, kể cả đến của mẹ và chị trong nhà cũng thế. Hết đau khổ này đến đau khổ khác, dần dần anh tin quyết rằng đời là một cuộc chiến tranh và trong cuộc chiến tranh ấy, anh là kẻ chiến bại. Anh chỉ còn một thứ vũ khí là lòng căm thù. Anh quyết chí mài giũa nó thật sắc trong tù để khi ra thì đem theo.
Ở nhà tù Tulông có một lớp học do một số tu sĩ mở để dạy những điều thường thức cho trong tù ai có chí thì học. Anh cũng ở trong số người có chí ấy. Bốn mươi tuổi anh mới vỡ lòng đi học, học đọc, học viết, học tính. Anh nghiệm rằng học để mở mang trí não tức là rèn luyện thêm cho lòng căm hờn của mình. Có những trường hợp, học thức và ánh sáng lại nối giáo cho cái ác.
Nói ra thật là buồn! Sau khi lên án cái xã hội đã làm anh đau khổ, anh xét xử đến trời vì trời đã sinh ra cái xã hội kia.
Và anh cũng lên án trời nốt.
Ấy, mười chín năm giam cầm và đày đọa, linh hồn anh vừa cao lên vừa rơi xuống thấp là như thế! Ánh sáng lọt vào được bên này thì bóng tối cũng lấn đến.
Như ta đã thấy bản chất Giăng VanGiăng không phải xấu. Khi mới vào tù, anh vẫn còn là con người tốt. Lên án xong xã hội, anh thấy mình trở thành độc ác và lên án đến cả trời thì anh thấy mình trở thành vô đạo.
Đến đây khó mà không suy nghĩ một lát.
Bản chất con người có thể thay đổi tất và hẳn như vậy chăng? Con người Chúa sinh ra lương thiện thì xã hội lại có thể làm cho độc ác chăng? Có thể nào tâm hồn lại bị số phận uốn nắn lại từ đầu chí cuối và trở nên xấu xa, khi gặp số phận xấu xa? Có thể nào trái tim lại biến dạng xấu xí và mắc phải những tật nan y do sức ép của một tai họa quá to, như cột sống bị gò dưới một vòm nhà quá thấp? Có chăng trong tâm hồn của con người, nói chung, trong tâm hồn của Giăng VanGiăng nói riêng, một tia lửa đầu tiên, một yếu tố thiêng liêng, ở thế giới này thì không sao hủy hoại được, còn ở thế giới bên kia thì bất tử. Tia lửa ấy, yếu tố ấy, điều thiện có thể nuôi lớn lên, thổi đượm, thắp sáng, đốt cháy bùng lên và làm tỏa ánh sáng rực rỡ ra chung quanh và điều dữ không đời nào có thể hoàn toàn dập tắt được?
Thật là những vấn đề nghiêm trọng và bí hiểm. Riêng vấn đề cuối cùng, thì bất kỳ nhà sinh lý học nào chắc cũng phải trả lời không mà chẳng cần ngập ngừng gì cả, nếu đã nhìn thấy ở Tulông, vào giờ nghỉ, đồng thời cũng là giờ mơ màng của anh, chính Giăng VanGiăng ngồi trên tay quay của một tời đứng nào đó, tay vòng trước ngực, một đầu dây xích nhét vào trong túi để nó khỏi kéo lê. Những lúc ấy, anh tù khổ sai mặt mày ảm đạm, nghiêm nghị, tính yên lặng và tư lự ấy, con người bị pháp luật hất ra ngoài xã hội ấy, nhìn con người với cặp mắt giận dữ, con người bị đày đọa của xã hội văn minh ấy nhìn trời một cách nghiêm khắc.
Nói cho đúng và chúng tôi cũng không muốn giấu làm gì, nhà sinh lý học biết quan sát chắc cũng thấy ở đó một nỗi khốn khổ không còn cứu vãn được, ông ta cũng có thể thương xót cho con bệnh mà pháp luật đã làm nên nông nỗi, những chắc hẳn là không hề thử nghĩ đến việc cứu chữa. Trong tâm hồn này có những thương tích gì thì ông ta có hé thấy cũng làm lơ; và giống như Đăngtơ đứng trước cửa địa ngục, ông ta chắc cũng xóa khỏi cuộc đời ấy cái chữ mà ngón tay Chúa đã ghi trên trán mọi người: Hy vọng!
Trạng thái ấy của tâm hồn Giăng VanGiăng, chúng tôi đã thử đem ra phân tích. Không biết nó đã rõ với anh chưa, như chúng tôi đã cố làm cho nó rõ với độc giả sách này? Tất cả những nhân tố làm nên nỗi khổ tinh thần của anh, không biết anh có thấy rõ khi nó đã hình thành và trước đó đã thấy rõ nó khi nó đang hình thành không? Con người cục cằn và vô học ấy có nhận ra được rành rọt các ý nghĩ nối tiếp nhau trong tâm trí mình và từng bước đưa mình đến những cảnh tượng thảm sâu, nó đã trở thành, từ bao nhiêu năm nay, chân trời bên trong của trí óc? Anh có biết chăng tất cả những gì xảy ra trong người anh và tất cả những gì đang xảy ra cựa quậy trong đó? Những điều ấy, quả là chúng tôi không dám nói: và chính là chúng tôi cũng không tin. Trong Giăng VanGiăng, ngu tối còn nhiều quá, đến nỗi, trải qua nhiều tai ương là thế, mà không phải không thật hiểu anh đang cảm thấy điều gì. Anh sống trong tối tăm, anh đau khổ trong tối tăm, anh thù ghét trong tối tăm, có thể nói là anh thù ghét cái gì ở đằng trước anh. Anh quen sống trong bóng đêm ấy, dò dẫm như một người mù và như một kẻ đang mơ. Tuy nhiên, từng lúc, do từ ngoài đến hay tự bản thân gây ra, anh rùng mình giận dữ, đau nhói lên bội phần. Một ánh chớp mờ nhạt thoáng qua thắp sáng cả tâm hồn anh, làm cho những vực sâu kỳ quái và hình dáng tối đen của số phận, hiện ra đột ngột khắp nơi chung quanh anh, đàng trước cũng như đàng sau, trong một ánh sáng vô cùng thê thảm.
Ánh chớp biến đi, bóng tối lại ập xuống, anh đang ở đâu đây? Anh không biết nữa.
Cái lối trừng phạt, trong đó nổi bật sự tàn nhẫn, nghĩa là điều làm cho người ta đần độn đi, chỉ đưa đến kết quả tệ hại là biến dần dần con người thành thú rừng có khi thành thú dữ. Bao nhiêu lần Giăng VanGiăng cố vượt ngục đi vượt ngục lại, đủ chứng tỏ cái tác hại lạ lùng của pháp luật đối với tâm hồn con người. Mà có dịp anh sẽ còn thực hiện nữa việc vượt ngục vô ích và điên cuồng ấy, chứ cũng không cần nghĩ đến có thành công hay không, cũng không cần nhớ đến có những kinh nghiệm đau đớn của lần trước. Như con chó sói thấy chuồng mở, anh lồng lộn chạy đi. Bản năng bảo: “trốn đi!”. Nếu suy tính thì lương tri đã ngăn: “ở lại!”. Nhưng, trước sự cám dỗ quá mạnh, lý trí đã bay mất và chỉ còn có bản năng. Chỉ có con thú dữ trong người anh hành động. Và đến khi bị bắt lại, các hình phạt nghiêm khắc mới chỉ làm cho nó thêm hung tợn.
Có một chi tiết không bỏ sót là sức anh rất khỏe, trong tù không ai bì kịp. Lúc làm việc nặng, như dòng dây cáp, quay tời, anh làm khỏe bằng bốn người. Có lúc anh kê vai nhấc bổng hay lấy lưng đỡ những vật nặng hàng mấy tạ và khi cần thì thay thế cả cái dụng cụ gọi là cái kích, ngày xưa gọi là cái oóc gơi, nhân đó có phố tên Môngoócgơi gần chợ lớn Paris. Bạn bè gọi đùa anh là thằng Giăng Kích. Có lần người ta đang chữa cái bao lơn nhà thị sảnh Tulông thì cái cột trụ đá chạm kiểu Puygiê rời ra và xuýt đổ. Giăng VanGiăng có mặt ở đấy vội lấy vai đỡ chiếc cột, nhờ thế mà thợ kịp đến chống lại.
Anh khỏe đã như thế, anh nhanh nhẹn mềm dẻo lại còn hơn. Có những người tù thường xuyên nghĩ đến vượt ngục, đã phối hợp sức mạnh với sự nhanh nhẹn đến mức một khoa học thực sự, khoa học về gân cốt. Những con người muôn đời ước muốn có cái cánh như con ruồi, con chim ấy, ngày ngày họ vẫn đem ra tập dượt cả một nghệ thuật huyền bí về leo trèo. Leo theo chiều thẳng đứng, chân bám vào những nơi chỉ thấy hơi gợn một tí, thường chỉ là trò chơi đối với Giăng VanGiăng. Chỉ có một góc tường mà lấy gâm lưng và bắp chân, dùng khuỷu tay, gót chân bíu vào những chỗ vôi đá ráp rỗ, là anh trèo lên đến gác ba như một trò quỉ thuật. Có khi anh cứ leo như thế lên đến tận nóc ngục.
Anh ít nói, không cười. Cả năm họa chăng chỉ một hai lần có cảm xúc gì thật mãnh liệt mới làm anh bật lên tiếng cười, cái ghê rợn phảng phất như của ma quỉ. Trông anh lúc nào cũng có vẻ đang nhìn một cái gì ghê rợn.
Đúng là tâm trí anh đang bận.
Qua những nhận xét không lành mạnh của một bản chất dở dang không phát triển và của một đầu óc lẩn quẩn, anh cảm thấy mơ hồ như có một vật gì cổ quái đang đè lên người mình. Anh đang bò giữa vùng tranh tối tranh sáng ấy và mỗi bận ngoái cổ lại, thử vươn tầm mắt lên cao, anh lại vừa hoảng sợ vừa căm giận mà thấy tầng tầng lớp lớp đáng sợ nào là sự vật, nào là luật pháp, thành kiến, nào là người và việc, tất cả đều dựng sững, chồng chất đến tận mây xanh, chỗ lồi chỗ lõm một cách ghê rợn, tất cả đều mơ hồ không rõ đường nét, những khối to như núi làm anh hốt hoảng. Thật ra đó chỉ là cái tháp kỳ diệu mà chúng ta gọi là văn minh. Đây đó trong cái mớ lúc nhúc, dị hình ấy, lúc thì sát ngay bên cạnh, lúc thì ở tận nơi xa không với tới, anh lại nhìn thấy một nhóm, một chi tiết nào đó sáng bật lên. Đó là tên lính gác ngục với chiếc dùi cui, hoặc tên sen đầm với chiếc kiếm dài, rồi lại là ông giám mục mũ cao và tận chót vót, như trong ánh hào quang chói lọi, hoàng đế mũ áo chỉnh tề, rực rỡ. Anh có cảm tưởng là mọi thứ huy hoàng xa xôi kia, không những không xua tan đêm tối mà còn làm cho nó thê lương và mù mịt thêm. Pháp luật, thành kiến, sự việc, con người, đồ vật, tất cả những thứ đó, đi đi lại lại trên đầu anh, theo sự vận động phức tạp và bí ẩn của văn minh mà Chúa điều khiển lấy; tất cả bước đi và chà đạp lên người anh, độc ác mà bình thản, lạnh lùng mà ác liệt, không sao tả nổi. Như bị rơi xuống cảnh cùng cực nhất trên đời, như bị đày xuống tầng sâu nhất của địa ngục để không còn mắt mà nhìn nữa, những kẻ bị pháp luật đày đọa đều cảm thấy đè nặng lên đầu mình tất cả sức nặng của cái xã hội loài người, nó quả thật vô cùng to lớn đối với ai đứng ngoài mà nhìn và đối với người bị nó đè lên thì lại vô cùng kinh khủng.
Giăng VanGiăng suy tưởng trong tình trạng như thế. Sự suy tưởng của anh có thể có tính chất như thế nào?
Giá như hạt gạo trong cối xay mà biết suy nghĩ thì chắc nó sẽ nghĩ như anh đang nghĩ.
Tất cả những cái đó, những hiện thực đầy bóng ma, những bóng mà đầy hiện thực ấy, dần dần đã tạo nên trong anh một tâm trạng khó tả.
Đôi khi, đang làm lao dịch, anh dừng tay suy nghĩ. Tâm trí anh vừa già dặn vừa rối loạn hơn xưa, bỗng vùng lên tức tối. Tất cả cái gì đã xảy ra đến cho anh đều vô nghĩa, tất cả sự vật chung quanh anh đều phi lý. Anh tự nhủ: Thật chẳng khác gì chiêm bao. Anh nhìn tên gác ngục cách anh mấy bước, trông nó như một bóng ma; đột nhiên bóng ma nện anh một dùi cui.
Đối với anh, thiên nhiên trước mắt hình như không có nữa. Không có mặt trời, không có ngày hè đẹp, không có bầu trời rực rỡ, không có buổi sớm mai tháng tư mát dịu, nói như thế tưởng cũng đúng với anh thôi! Ở trong anh chỉ nhờ nhờ, một thứ ánh sáng xó buồng.
Cuối cùng để tóm tắt những gì có thể tóm tắt được trong tất cả những điều đã kể ra trên kia và nêu thành kết luận cụ thể, chúng ta chỉ cần nhận định rằng, sau mười chín năm “hun đúc” trong tù, Giăng VanGiăng, cái anh thợ xén cây hiền lành ở Phavơrôn, sau là tên trọng phạm đáng sợ ở Tulông, đã trở thành kẻ có gan làm hai thứ việc xấu xa: một là những manh động đột nhiên, mù quáng, không suy nghĩ, hoàn toàn do bản năng sai khiến, như là để trả thù cho những đau khổ đã đày đọa mình; hai là có những hành động xấu xa nghiêm trọng, có đắn đo cân nhắc, có trù tính, dựa vào những ý nghĩ sai lầm mà đau khổ vừa qua đã gieo vào đầu óc mình. Những việc trù tính của anh thường qua ba giai đoạn liên tiếp: lý luận, quyết tâm và kiên trì, ba việc mà chỉ những tay can trường mới làm nổi. Sự bất bình thường xuyên, nỗi chua xót trong lòng, niềm uất ức sâu xa vì các thứ bất công phải cam chịu và sự phản ứng đối với cả những người tốt, người vô tội hay người công minh, đều là động cơ của anh. Mỗi lần anh suy nghĩ, anh đều xuất phát từ lòng căm thù luật pháp của loài người và cuối cùng rồi cũng lại quay về đích đó. Nếu không có cái gì may mắn ngăn lại thì rồi có lúc, lòng căm thù ấy sẽ biến ra lòng căm thù xã hội, căm thù loài người, căm thù cả tạo hóa và thể hiện ra thành cái ý muốn mơ hồ, dai dẳng và tàn bạo là làm hại, bất luận ai, quí hồ đó là một sinh vật. Xem đó thì biết, không phải là không căn cứ mà giấy thông hành của Giăng VanGiăng lại cho anh là người rất nguy hiểm.
Năm này qua năm khác, tâm hồn ấy khô héo dần, chậm chậm nhưng không gì ngăn nổi. Tim khô nên mắt cũng khô. Lúc ra khỏi nhà tù, tính ra suốt mười chín năm trời, anh chưa hề rỏ một giọt nước mắt.
Chương 8: BIỂN CẢ VÀ ĐÊM TỐI
Có người rơi xuống biển!
Mặc! Tàu không dừng lại. Đang có gió, chiếc tàu vô tình phải tiếp tục hành trình định sẵn. Nó cứ lướt tới.
Người kia mất hút rồi hiện ra, chìm xuống lại ngoi lên, kêu cứu, rồi giơ tay vẫy, nhưng chẳng một ai nghe cả. Chiếc tàu rùng mình trước cơn bão, mọi người đang ra tay kéo lái. Thủy thủ và hành khách không ai còn thấy người đang bị sóng vùi nữa: cái đầu anh ta chỉ là một chấm nhỏ trên mặt biển sóng to.
Anh ta kêu lên mấy tiếng tuyệt vọng giữa khoảng biển trời thăm thẳm. Ôi! Cánh buồm đang bỏ đi, sao mà như một bóng ma! Anh nhìn nó, nhìn nó điên say. Nó lùi ra, mờ đi, nhỏ dần. Mới ban nãy anh còn ở trên ấy, anh còn đứng trong hàng thủy thủ, anh đi đi lại lại trên boong với mọi người, anh có phần không khí và ánh sáng của mình, anh đang sống. Bây giờ, thì việc gì đã xảy ra? Anh đã trượt chân, ngã xuống và thế là hết.
Chung quanh anh bây giờ chỉ có làn nước dữ tợn. Dưới chân anh chỉ thấy cái gì chảy trôi và sụp đổ. Những ngọn gió xé rách bươm, ghê tởm bao vây lấy anh, những cuộn nước xoáy lôi anh đi, mặt biển tả tơi vùng vẫy quanh đầu anh, sóng nước như một đám người thô bỉ đang nhổ vào mặt anh, nhiều ngõ ngách mập mờ như đang nuốt anh mất nửa người; mỗi lần anh dấn xuống sâu, anh lại hé thấy những vực thẳm tối om; bao nhiêu rong rêu xa lạ tóm lấy anh, quấn chân anh và lôi anh về với nó; anh có cảm giác như mình cũng hóa thành vực sâu, cũng là bèo bọt; sóng biển chuyền nhau dồi dập anh, anh hớp lấy đắng cay, đại dương hèn nhát ra sức dìm anh, mênh mông đang đùa với cơn hấp hối của anh. Hình như tất thảy sóng nước là hằn thù!
Tuy vậy, anh vẫn vùng vẫy, cố thử tự vệ, cố thử đứng vững, cố hết sức để bơi. Nhưng anh, anh chỉ là một sức lực đáng thương trong chốc lát đã kiệt quệ, mà lại dám đương đầu với cái bất tận.
Chiếc tàu ở đâu rồi? Đằng kia, mờ mờ trong bóng tối nhàn nhạt ở chân trời.
Từng cơn gió to nổi lên; tất cả các thứ bọt bèo đập xuống người anh. Anh ngước mắt lên và chỉ thấy mây mù ảm đạm. Đang hấp hối, anh lại chứng kiến biển cả lên cơn điên dại. Anh như bị cơn điên kia xử nhục hình. Văng vẳng bên tai anh những tiếng động xa lạ đối với con người, những tiếng động như đến từ bên kia trái đất, từ một cõi ngoài nào đó kinh khủng làm sao.
Trên mây cao có nhiều chim cũng như thường có thiên thần trên những khốn khó của con người, nhưng chim và thần có thể giúp gì được cho anh? Những thứ đó bay, lượn và ca hát, còn anh, anh rên rỉ sắp lìa đời.
Anh cảm thấy mình như bị liệm trong cả hai thứ vô biên: biển cả và trời cao; biển là mồ, trời là vải liệm.
Đêm đến dần. Anh bơi không biết bao nhiêu giờ rồi, sức anh đã cạn. Con tàu, cái vật xa xôi trên đó có người, đã khuất bóng. Chỉ còn một mình anh trong hố sâu thăm thẳm của hoàng hôn. Anh chìm xuống, anh lấy gân, anh quằn quại, anh nghe dưới chân những đợt sóng cổ quái của vô hình; anh cất tiếng kêu.
Chẳng còn người. Vậy Chúa ở đâu?
Anh kêu. Ai cứu tôi! Ai cứu tôi với! Anh kêu mãi.
Chân trời vẳng lặng. Trời cao vẳng lặng.
Anh van vỉ quãng rộng, sóng nước, rong rêu, ghềnh đá: tất cả đều câm điếc. Anh van xin bão tố, nhưng bảo tố vô tình chỉ tuân lệnh vô biên.
Chung quanh anh chỉ còn bóng tối, sương mù, cô quạnh; chỉ còn tiếng sóng vô tình gào thét và mặt nước hung tàn không ngớt nhăn nheo mãi mãi. Trong người anh chỉ còn ghê rợn và mệt mỏi. Dưới chân anh chỉ còn chìm đắm. Không còn chỗ bám víu nữa. Anh nghĩ đến bước phiêu lưu tăm tối của thây ma trong bóng đêm vô hạn. Cái lạnh không bờ làm anh tê dại. Hai bàn tay anh co quắp nắm lại và chỉ vơ được hư không. Gió, mây, bão tố, trăng sao vô dụng! Biết làm thế nào? Người tuyệt vọng đành buông xuôi, kẻ chán chường đành tìm cái chết, anh mặc cho số phận lôi đi, anh buông tay và thế là mãi mãi đắm chìm trong những hố sâu thảm đạm.
Ôi! Bước đi không gì cản được của xã hội loài người! Giữa đường có bao nhiêu người, bao nhiêu linh hồn bị bỏ rơi! Một đại dương, để đón mọi cái mà luật pháp gạt ra! Không còn một sự cứu vớt nào, đáng sợ làm sao! Chao ôi! Cái chết tinh thần!
Biển cả ở đây là đêm tối cay nghiệt của xã hội, nơi pháp luật vứt bỏ những nạn nhân của mình. Biển cả, đó là sự khốn khổ mênh mông.
Linh hồn, trôi dạt trong vực sâu ấy, có thể trở nên một thây ma. Ai là kẻ làm cho nó sống lại?
Chương 9: LẠI GẶP BẤT CÔNG
Mãn hạn tù, khi nghe bên tai mấy tiếng lạ lùng: Mày được tự do! Thật là những phút không ngờ, khó tả đối với Giăng VanGiăng. Một tia sáng chói lòa, thứ ánh sáng thật sự của người sống đột nhiên chiếu vào tâm hồn anh. Khón nỗi, chẳng bao lâu tia sáng ấy lại mờ đi. Ban đầu Giăng VanGiăng quả thực đã quáng mắt khi nghĩ mình được tự do. Anh tin tưởng một cuộc đời mới. Nhưng anh lại thấy ngay giá trị của kẻ mang tờ giấy thông hành vàng.
Ngay từ phút đầu ấy đã có bao nỗi chua cay! Anh đã nhẩm tính số tiền để dành suốt thời gian ở tù thế nào cũng phải đến một trăm bảy mươi mốt phơrăng. Phải nói cho đúng là tính như thế anh không khấu trừ những ngày chủ nhật và ngày lễ bắt buộc phải nghỉ, mười chín năm tức phải trừ mất đi ngót hai mươi bốn quan. Dù sao, số tiền ấy đã bị khấu đi nhiều khoản thu linh tinh, chỉ cò một trăm linh chín phơrăng mời lăm xu, lúc anh ra tù người ta đem tính trả cho anh.
Anh chẳng hiểu tại sao lại chỉ còn có thế và đinh ninh là mình bị ngắt ngọn, hay nói toạc ra, bị đánh cắp.
Hôm sau ngày được tha, đến Gơrat, anh thấy trước cửa xưởng cất nước hoa cam người ta đang dỡ những bao hàng to, anh lại xin làm giúp. Việc đang cần, người ta đồng ý ngay. Anh bắt tay vào việc. Anh thông minh, người khỏe và lanh lợi, lại làm hết sức nên người chủ ra dáng bằng lòng. Một người lính sen đầm đi ngang qua, thấy anh đang làm, để ý, dừng lại hỏi giấy. Xong lại tiếp tục làm việc. Trước đó, anh có hỏi thử đám phu làm như thế tiền công mỗi ngày được bao nhiêu, họ cho anh biết là ba mươi xu. Tối đến, anh đến tìm người chủ xưởng để xin lĩnh tiền công vì hôm sau phải lên đường sớm. Hắn chẳng nói năng gì, xỉa cho anh hai mươi lăm xu. Anh đòi thêm, hắn bảo: Mày mà được bấy nhiêu là tốt quá rồi! Anh nài nữa. Hắn lườm và bảo: Liệu không lại vào nhà đá!
Một lần nữa, anh cho mình đã bị đánh cắp.
Xã hội, Nhà nước, bớt tiền của anh là ăn cắp mẻ to. Bây giờ đến lượt cá nhân ăn cắp của anh từng mẻ nhỏ.
Phóng thích chưa phải là giải thoát và ra tù chứ không ra khỏi hình phạt.
Đó, ở Gơrat, anh đã gặp câu chuyện như thế. Còn đến Đinhơ người ta đối xử với anh như thế nào, chúng ta đã biết.
Chương 10: THỨC DẬY
Chuông đồng hồ nhà thờ đánh hai giờ, Giăng VanGiăng thức giấc dậy.
Cái giường êm quá đã làm anh tỉnh dậy. Đã gần hai mươi năm anh không hề được nằm giường, nên, tuy không thay quần áo, cái cảm giác quá lạ làm anh không ngủ yên được.
Anh đã ngủ quên được hơn bốn tiếng đồng hồ. Bao nhiêu mệt mỏi như đã trút sạch. Vả, anh cũng quen chẳng nghỉ ngơi nhiều.
Anh mở mắt, nhìn một lúc lâu trong bóng tối quanh mình rồi nhắm mắt ngủ lại.
Ban ngày cảm xúc miên man, tâm trí nhiều điều lo nghĩ, đến đêm ngủ thiếp đi thì dễ dàng, chứ đã thức giấc thì khó mà ngủ lại được. Giăng VanGiăng đêm ấy có thế thật.
Anh không sao nhắm mắt trở lại được, đâm ra nghĩ vơ vẩn.
Đầu óc như mờ mịt, rối bời, ý nghĩ qua lại chằng chịt. Chuyện xa, chuyện gần đều như lềnh bềnh lộn xộn, giao nhau, lẫn lộn với nhau, khi thì mờ nhạt khi thì hiện to, rồi bỗng nhiên vụt biến đi như chìm suống dưới làn nước bùn đang xáo động. Nhiều ý nghĩ hiện ra, nhưng chỉ có một ý thường xuyên quấn quít trong óc anh, lấn át tất cả: anh nghĩ về bộ đồ ăn bằng bạc và chiếc môi to tướng của bà Magơloa bày trên bàn ăn, nó đã làm cho anh để ý lúc đầu hôm.
Bộ đồ bạc ấy như ám ảnh anh. Nó ở ngay kia thôi, cách có mấy bước. Lúc từ buồng bên sang đây, anh thấy bà ở già cất nó vào chỗ ô ở đầu giường. Anh đã chú ý đến chỗ ô tường đó. Ngay phía bên phải chỗ cửa từ buồng ăn sang. Bộ đồ bạc, rõ là bằng bạc ròng. Mà lại là bạc cũ. Kể cả chiếc môi, có thể bán ít ra là vài trăm phơrăng. Gấp đôi món tiền anh làm trong mười chín năm trời. Thật ra thì anh có thể kiếm được nhiều hơn thế nếu nhà nước không ăn cắp của anh.
Anh nghĩ tới nghĩ lui, giằng co suốt giờ. Cũng có chút ít do dự và tranh đấu bản thân. Bỗng đồng hồ đổ ba tiếng. Anh mở choàng mắt, ngồi nhổm dậy, với tay sờ cái ba lô quẳng trong xó, rồi thả hai chân xuống đất, ngồi nhổm lên giường lúc nào không biết. Anh ngồi yên như thế một lúc lâu, trong trí suy nghĩ vẩn vơ. Ai thấy anh bấy giờ một mình ngồi thức trong đêm tối khi cả nhà ngủ yên, chắc phải lấy làm ghê rợn. Bỗng anh cúi xuống, tháo giầy đặt nhẹ lên giường, rồi lại ngồi thừ ra nghĩ ngợi.
Việc xấu xa ấy lại bắt anh suy nghĩ miên man. Bao nhiêu ý nghĩ đã nói trên kia lại xáo trộn cả tâm trí, khi ẩn khi hiện, như đắn đo, cân nhắc. Và rồi chẳng biết vì sao, hình ảnh thằng Brêvơ, một bạn tù anh đã biết ở nhà lao với cái quần có độc một dây treo đan bằng sợi, lại đến với anh, lần khân một cách vô cớ như lệ thường khi người ta mơ màng. Hình ảnh các ô vuông trên cái dây treo quần ấy cứ lởn vởn mãi trong óc.
Không có đồng hồ gõ một tiếng báo khắc hay báo nửa giờ gì đó, có lẽ anh sẽ ngồi mãi như thế cho đến sáng. Hình như tiếng chuông ấy thúc giục: cương quyết đi!
Anh đứng dậy, ngần ngại một lát và nghe ngóng: trong nhà im phăng phắc. Anh rón rén bước lại chỗ cửa sổ anh thoáng thấy hé mở. Trời không tối lắm. Từng đám mây lớn bay theo gió trên không, lúc che, lúc để lộ vừng trăng rằm. Cảnh vật bên ngoài lúc sáng lúc tối; còn trong nhà thì như một thứ hoàng hôn. Ánh sáng hoàng hôn. Ánh sáng hoàng hôn ấy không đều do mây lúc ẩn lúc hiện, nhưng cũng đủ để nhận được lối đi. Nó giống như thứ ánh sáng lờ mờ ở trong một cái hầm mà trước cửa thông hơi có người qua lại. Ra đến cửa sổ, Giăng VanGiăng chú ý nhận xét. Cửa không chấn song, quay ra vườn và theo thói quen ở địa phương, chỉ cài cái then nhỏ. Anh mở ra, nhưng vì một luồng khí lạnh ùa vào trong phòng, anh vội đóng lại ngay. Anh nhìn ra vườn bằng cặp mắt xem xét hơn là nhìn ngó. Quanh vườn, một bức tường thấp quét vôi trắng trèo qua rất dễ. Bên kia tường, trông rõ những ngọn cây cách khoảng đều nhau. Rõ ràng bên này là vườn, còn bên kia là đường phố hoặc một ngõ con có trồng cây.
Nhìn xong, anh quả quyết bước lại chỗ giường nằm, xách ba lô lên, mở ra, móc lấy ra một vật gì để lên giường, nhét đôi giày vào túi, buộc ba lô lại đeo lên vai, chụp cái mũ lưỡi trai lên đầu và kéo sụp xuống tận mắt. Anh lần mò tìm cây gậy đem dựng ở cạnh cửa sổ rồi trở lại chỗ giường nằm nhặt lấy cái vật kia: một cái gì giống như một thanh sắt ngắn, một đầu vạt nhọn như cái cọc.
Trong tối không làm sao nhận được thanh sắt ấy rèn ra để làm gì. Một cái đòn bẩy chăng? Hay là một cái dùi cui?
Ra ngoài sáng thì có thể nhận rõ đó chỉ là cái chân đèn của phu mỏ. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta sai tù phạm đi lấy đá trên các quả đồi cao quanh Tulông, nên họ cũng thường có trong tay những dụng cụ phu mỏ. Cái chân đèn đúc bằng sắt đặc, đầu dưới nhọn để có thể đóng vào đá được.
Tay phải cầm thanh sắt, anh nín thở, rón rén đi ra phía cửa phòng ngủ ông giám mục bên cạnh. Cửa mở hé, ông giám mục lúc đi ngủ đã không khóa cửa.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/