2/4/13

Những quận chúa nổi loạn (PII-C9-11)

Phần II - Chương 9

Trời hửng sáng khi chiếc xe đến một ngôi làng gần đảo nhất, Canolles thò đầu ra ô cửa nhỏ giống như một cái gi-lê. Một ngôi làng xinh đẹp gồm chừng trăm nóc nhà quây quần chung quanh một giáo đường. Một tòa lâu đài ngự trị trên một ngọn đồi, lừng lững và đồ sộ như một thành trì đứng trấn.

Trong lúc ấy, cỗ xe đang leo đồi, người đánh xe bước xuống và đi bên cạnh thùng xe. Chàng bèn hỏi:

- Ông bạn, ông cũng ở vùng này đấy chứ?

- Thưa ông vâng, tôi ở Libourne.

- Vậy là ông biết ngôi làng này. Căn trắng kia là thế nào, và những ngôi nhà tranh xinh xắn ấy nữa?

- Thưa ông, tòa lâu đài ấy thuộc tài sản của dòng họ De Cambes, và làng này cũng nằm trong đất đai của họ.

Canolles khẽ rùng mình và mặt chàng từ đỏ sẫm chợt tái đi.

Đôi mắt cú vọ của Barrabas không bỏ qua thái độ ấy. Hắn hỏi Canolles:

- Cái gi-lê có làm ông bực mình lắm không?

- Không đâu... cảm ơn.

Rồi chàng tiếp tục hỏi người nông dân:

- Cái dinh cơ ấy của ai vậy?

- Của nữ tử tước De Cambes.

- Một quả phụ hãy còn trẻ?

- Rất trẻ và rất đẹp.

- Và hơn nữa rất được mọi người ngưỡng mộ.

- Dĩ nhiên, vừa có của lại vừa xinh đẹp thì thiếu gì kẻ say mê, nhất là mấy ông hoàng.

- Đúng, tôi có nghe thấy người ta nói vậy.

- Một con quỷ, thưa ông, đúng là một con quỷ!

- Một thiên thần! - Canolles nói thầm. Mỗi lần nghĩ tới Claire, chàng đều dành cho nàng rất nhiều thiện cảm - Một thiên thần!

Rồi chàng cao giọng tiếp:

- Thỉnh thoảng bà ấy có về đây không?

- Thưa ông, ít khi lắm, nhưng bà ấy đã từng ở đây trong một thời gian khá lâu, và dân trong vùng đã chịu ơn bà ấy rất nhiều. Bây giờ, bà ấy sống bên cạnh các ông hoàng, người ta nói thế.

Chiếc xe chuẩn bị xuống dốc. Người đánh xe ra hiệu cho Canolles trở lại vị trí cũ. Chàng cũng sợ Barrabas sẽ nghi ngờ mình về những sự hỏi han ấy, bèn thụt đầu vào.

Và xe bắt đầu đi theo nước kiệu của ngựa.

Trong vòng một khắc đồng hồ, Canolles đắm chìm trong suy tư, còn Barrabas vẫn không rời mắt canh chừng chàng.

Nhưng rồi xe dừng lại.

- Chúng ta ngừng ở đây để ăn trưa? - Canolles hỏi.

- Thưa ông, chúng ta đã đến nơi rồi. Đây là đảo Saint - Georges, chỉ còn phải qua sông nữa thôi.

Canolles thầm nghĩ: "Thật thế, rất gần mà lại cũng rất xa".

- Thưa ông, họ đã tới đón chúng ta. - Barrabas nói - Xin ông sửa soạn đi là vừa.

Gã cai tù thứ hai của Canolles, ngồi bên người đánh xe nhảy xuống đất, lấy chìa khóa ra để mở cửa xe. Vì là xe chở tù nên phải khóa rất kỹ.

Canolles hướng về phía tòa lâu đài lúc ấy không còn trông thấy nữa, rồi lại nhìn pháo đài, nơi chàng sẽ bị giam hãm không biết là trong bao lâu. Chàng cũng nhận thấy có bờ sông bên kia một con đò, và cạnh chiếc đò ấy, một cái đò với tám người lính và một thầy đội.

Canolles cất tiếng hỏi Barrabas:

- Đó là những ông cai tù mới của tôi có phải không?

- Thưa ông, tôi muốn trả lời ông ghê lắm, nhưng quả thật tôi chả biết gì hết.

Trong lúc ấy, sau khi ra hiệu cho người lính đứng gác ở cửa pháo đài, viên đội và tám binh sĩ xuống đò để qua sông. Họ đặt chân lên bờ đúng vào lúc Canolles bước xuống xe.

Viên đội tiến lại gần chàng và chào theo kiểu nhà binh.

- Thưa có phải tôi được hân hạnh nói với nam tước Canolles, đại úy thuộc trung đoàn Navailles không? - Viên đội hỏi.

Canolles ngạc nhiên vì sự lễ độ của người ấy. Chàng đáp:

- Thưa phải.

Người lính mời chàng bước xuống thuyền.

Canolles lại được xếp ngồi giữa hai người cai tù. Tám người lính và viên đội bước xuống sau chàng. Con thuyền rời bến. Canolles ném một cái nhìn cuối cùng về nơi De Cambes phu nhân đã từng để lại dấu vết của mình, và lòng không khỏi cảm thấy ngậm ngùi.

Đám người lại lên bờ rồi tiến vào một cửa vòng cung, có lính gác đi lại ở phía trước.

Toán binh sĩ dừng lại. Viên đội tách ra khỏi hàng rồi đi tới chỗ người lính gác nói với hắn một đôi câu.

- Tập họp! - Người lính gác lớn tiếng hô.

Ngay sau hiệu lệnh, nhóm người còn lại trong đồn cùng với toán binh sĩ đi theo viên đội vội vàng xếp thành đội ngũ đứng ở trước cửa.

Viên đội nói với Canolles:

- Thưa ông, xin mời ông lại đây.

Tiếng trống nổi lên như trống trận.

"Thế nghĩa là sao đây?" - Chàng trai trẻ thầm hỏi.

Rồi chàng tiếng lại, lòng bâng khuâng không hiểu chuyện gì đang diễn ra, bởi vì tất cả những sự chuẩn bị nghênh đón long trọng ấy là để dành cho một thượng cấp chứ không phải cho người tù.

Cũng chưa hết: Canolles đã không để ý, vào lúc chàng xuống xe, tại nơi cửa sổ nơi dãy phòng của tổng đốc, đã có một sĩ quan đứng chăm chú theo dõi mọi diễn tiến.

"Ái chà!" - Canolles nói - "Đây là vị chỉ huy pháo đài tới để nhận "khách trọ" đây!"

Trong khi người sĩ quan tiến lại, Canolles đã kịp thời chỉnh đốn lại tư thế để giữ đúng tư cách của mình.

Cách Canolles vài bước, viên sĩ quan ngả mũ ra, cầm ở tay và hỏi:

- Thưa có phải tôi được hân hạnh tiếp chuyện với nam tước Canolles không?

- Thưa ông, quả thật tôi bối rối về sự trọng vọng của ông. Vâng, tôi là nam tước De Canolles. Bây giờ xin ông hãy đối xử với tôi theo cung cách của một sĩ quan đối với một sĩ quan khác, và cho tôi ở một chỗ nào tương đối thôi, tùy theo khả năng của ông.

- Thưa ông, chỗ ở của ông rất đặc biệt, nhưng cũng xin báo trước để ông rõ: Người ta mới chỉ sửa sang lại để thêm chút tiện nghi thôi.

Canolles mỉm cười:

- Tôi phải biết cám ơn ai về những sự chu đáo lạ lùng ấy?

- Nhà vua, thưa ông, chỉ có nhà vua mới làm tốt được tất cả những gì ngài muốn.

- Đương nhiên, thưa ông, nhân tiện ông có thể cho tôi hỏi thăm một vài điều.

- Nếu ông ra lệnh, thưa ông thì tôi xin tuân theo vì toàn bộ đơn vị đang chờ đợi ông để trình diện.

"Trời đất!" - Canolles nghĩ thầm "Cả một đơn vị trình diện một anh tù, hay là luật lệ ở đây như vậy?" - Rồi chàng lớn tiếng:

- Thưa ông, chính tôi mới là người theo lệnh ông, và sẵn sàng đi theo ông tới bất cứ đâu ông muốn.

- Xin phép ông - Viên sĩ quan nói - cho tôi được đi trước để thêm phần long trọng.

Canolles đi theo hắn, bụng bảo dạ không ngờ số hên lại vớ được một anh chàng dễ thương và lịch thiệp đến thế.

Barrabas tiến lại gần Canolles và nói nhỏ:

- May cho ông rồi đó. Với ông sẽ chỉ có một cuộc thẩm vấn bình thường thôi: Có bốn ấm thôi.

- Càng hay, bụng tôi sẽ bớt phình đi được một nửa.

Tới sân tòa thành, Canolles thấy một toán binh sĩ trong đơn vị súng ống nườm nượp, đội ngũ tề chỉnh. Và người sĩ quan dẫn đường tuốt gươm ra, nghiêng mình trước mặt chàng.

Canolles nghĩ thầm: "Lạy Chúa! Cái gì mà ghê gớm thế này!"

Cùng lúc ấy tiếng trống rền vang dưới mái vòm phía bên kia, Canolles quay lại, và một toán thứ hai từ trong mái vòm ấy, tiến ra đứng xếp hàng đằng sau toán thứ nhất.

Viên sĩ quan trình lên Canolles hai cái chìa khóa.

- Thế là sao? - Nam tước hỏi - Ông làm cái gì đây?

- Chúng tôi đã hoàn tất việc tiếp đón theo nghi thức.

- Nhưng ông định cho tôi là ai mới được chứ? - Canolles ngạc nhiên đến tột độ hỏi.

- Tất cả những nghi thức ấy là dành cho nam tước De Canolles.

- Và sau đó?

- Tổng đốc chỉ huy đảo Saint - Georges.

Canolles hoa cả mắt suýt té ngửa.

Viên sĩ quan nói tiếp:

- Lát nữa đây, tôi sẽ có hân hạnh đệ lên ông tổng đốc những giấy tờ về việc bổ nhiệm tôi mới nhận được sáng nay, kèm theo lá thư báo cho tôi biết rằng ông tổng đốc sẽ đến vào hôm nay.

Canolles nhìn Barrabas. Đôi mắt cú vọ của hắn tròn xoe nhìn Canolles với một vẻ kinh ngạc tột độ. Rồi Canolles lắp bắp:

- Vậy tôi là tổng đốc đảo Saint - Georges?

- Vâng, thưa ngài. - Viên sĩ quan đáp - Và chúng tôi rất sunh sướng được đức vua chọn cho một vị chỉ huy như thế.

- Ông chắc là không có sự nhầm lẫn chứ? - Canolles hỏi.

- Thưa ngài, xin mời ngài theo tôi về phòng riêng và ngài sẽ nhìn thấy tước vị của ngài.

Canolles như người sống trong mơ. Thực tại này quả rất xa với những điều chàng đang chờ đợi. Chàng đi theo sự chỉ dẫn của viên sĩ quan, giữa những tiếng trống lại bắt đầu nổi lên, trước hàng quân đang nghiêm chỉnh bồng súng chào. Rồi thì dân chúng trong pháo đài cũng ào ra để hoan nghinh và nhất là để xem mặt vị tổng đốc mới của mình. Chàng hết chào bên phải lại bên trái, mặt hơi tái đi vì xúc động và tim đập rộn ràng.

Sau đó, Canolles bước vào một phòng khách sang trọng. Từ những cửa sổ, trước hết chàng nhận ra rằng, người ta có thể nhìn thấy lâu đài De Cambes ở phía xa xa. Chàng đọc các giấy tờ về việc bổ nhiệm mình vào chức vụ tổng đốc đảo Saint - Georges do hoàng hậu ký và phó thự bởi công tước D Epernon.

Không còn sự sửng sốt nào hơn nữa, Canolles ngả người trên ghế bành.

Sau tất cả những đón tiếp linh đình, sau khi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Canolles thèm muốn được biết một cách chính xác nguyên nhân vì đâu hoàng hậu lại giao phó cho chàng cái chức vụ này. Từ nãy đến giờ chàng chỉ đăm đăm nhìn xuống dưới sàn để suy nghĩ, lúc này chàng mới ngước mắt nhìn lên.

Và chàng thấy trước mắt mình anh chàng giải tù Barrabas. Hắn cũng nhạc nhiên không kém gì chàng, từ địa vị một cai tù, bây giờ hắn trở thành gia nhân của chàng.

- À! Hóa ra là ông, thưa sư phụ Barrabas. - Canolles nói.

- Thưa ngài tổng đốc, chính tôi.

- Hãy giải thích cho tôi tất cả những cái gì đã xảy ra, khiến tôi tưởng như sống trong mơ.

- Tôi xin kể đầu đuôi với ngài, lúc tôi nói về vụ thẩm vấn đặc biệt nghĩa là tám cái ấm, sự thật có thiên hạ chứng giám tôi chỉ muốn làm sao cho ngài đỡ sợ, vì nếu ngài bị liệt vào loại đặc biệt thì còn ghê gớm hơn nhiều.

- Vậy ra ông cũng nghĩ rằng...

- Rằng tôi dẫn ngài đến đây để người ta tẩn cho ngài một trận nhừ tử.

Canolles bất giác rùng mình sởn ráy. Chàng nói:

- Cám ơn. Bây giờ ông nghĩ sao về vụ của tôi?

- Dạ, thưa ngài...

- Hãy làm ơn trình bày rõ hơn một chút.

- Thưa ngài, theo tôi thì nó như thế này: Hoàng hậu đã thông cảm được những nỗi khó khăn trong cái sứ mạng đã giao phó cho ngài. Bởi thế, sau khi cơn giận qua đi, hoàng hậu ân hận, bà đã nghĩ lại và ban thưởng cho ngài để đền bù cho ngài một sự khiển trách quá đáng.

- Nghe không lọt tai. - Canolles đáp.

- Không lọt tai, ngài nghĩ vậy sao?

- Lại hơi vô lý.

- Vô lý?

- Phải.

- Nhưng dẫu sao đó vẫn là sự thật, một sự thật có thể sờ mó được. Và xin ngài nhận lấy lời chào mừng kính cẩn của tôi. Tại Saint - Georges này, ngài có thể sung sướng như một ông vua, rượu vang đệ nhất hạng, chim muông được cung cấp từ đồng bằng, và các thứ hải sản, thủy sản thì vô thiên lủng, rồi lại còn những phụ nữ trên đảo nữa. Thưa ngài, chà, quả là một phép lạ!

- Được lắm. Tôi sẽ gắng theo lời khuyên của ông, cầm lấy cái "bông" này, rồi đưa qua thủ quỹ, họ sẽ giao cho ông mười Pistoles. Lẽ ra tôi có thể lấy túi tiền cho ông, nhưng bao nhiêu tiền của tôi ông đã lột hết mất rồi...

- Thưa ngài, đó là tôi đã làm lợi cho ngài. - Barrabas kêu lên - Bởi vì nếu ngài đút lót cho tôi, hẳn ngài đã trốn đi, và một khi ngài trốn thoát, ngài đâu có được cái địa vị cao quý như hiện tại.

- Lý luận rất sắc bén, thưa "sư phụ" Barrabas. Về phương diện logic, tôi có thể xếp ông vào hạng nhất. Trong khi chờ đợi, hãy cầm lấy cái "bông" này coi như một bằng chứng về tài hùng biện của ông.

- Thưa ngài, tôi thiết tưởng chả cần phải qua viên thủ quỹ làm chi?

- Thế nào, ông từ chối? - Canolles ngạc nhiên thốt lên.

- Không phải vậy. Nhờ trời, tôi không có kiểu sĩ diện giả dối như vậy, có điều tôi nhìn thấy trên lò sưởi của ngài một cái hộp con rất đẹp chuyên để đựng tiền.

- Ông biết là hộp đựng tiền à, hở "sư phụ" Barrabas? - Canolles hết sức ngạc nhiên, bởi vì trên lò sưởi quả có một cái hộp con bằng sứ khảm bạc phủ lớp men của thời phục hưng.

Chàng nói:

- Chúng ta thử xem những dự đoán của ông có đúng không?

Canolles nhấc nắp hộp ra và thấy túi tiền, bên trong có một ngàn Pistoles với một mảnh giấy ghi:

"Quỹ đặc biệt của ngài tổn đốc Saint Georges".

- Hoàng hậu quả là chu đáo! - Canolles đỏ mặt nói.

Bởi vì những kỷ niệm về Burkingham đã thoáng hiện ra trong tâm trí chàng: Có lẽ hoàng hậu hiểu rõ tâm cơ anh chàng đại úy điển trai, có lẽ hoàng hậu đã nâng đỡ chàng vì một lý do nào đấy, có thể... người ta nhớ ra Canolles là một chàng trai xứ Gascon. (Chú thích: Quận công Burkingham từng là tình nhân của hoàng hậu Anne D Auctriche. Trong một thoáng, Canolles cho rằng hoàng hậu biệt đãi mình kiểu như với Burkingham!)

Có điều buồn thay, cái thời của Burkingham đã xưa lắm rồi. Lúc đó hoàng hậu chỉ có mười chín đôi mươi. Hai chục năm qua rồi còn gì?

Sau đó, Canolles lấy ở trong túi ra mười Pistoles và đưa cho Barrabas.

Barrabas đi ra rồi, Canolles gọi viên sĩ quan vào và yêu cầu dẫn chàng đi xem xét các nơi, tiếp xúc với một số nhân vật quan trọng trong chính quyền địa phương.

Rồi chàng đi kiểm tra các hệ thống phòng thủ trên đảo, những lô cốt, chiến hào, thành lũy, hầm ngầm, kho đạn. Tới mười một giờ trưa, mọi người ra về hết, chỉ còn lại mình chàng với viên sĩ quan.

- Bây giờ - Người sĩ quan lại gần chàng, nói một cách lấp lửng như bí hiểm - hiện có một căn phòng duy nhất tổng đốc chưa tới nơi và một người duy nhất ngài chưa gặp.

- Ông nói sao? - Canolles hỏi.

- Căn phòng của người ấy ở phía kia! - Viên sĩ quan chỉ tay về một khung cửa.

Canolles thấy cửa đóng im im. Chàng hỏi:

- Ở đó à?

- Vâng.

- Và cả người ấy nữa?

- Vâng.

- Rất tốt. Nhưng xin lỗi, ông thấy đó, tôi phải đi suốt mấy ngày đêm, mệt mỏi quá sức, lúc này đầu óc tôi rối mù, không thể tiếp ai được nữa, ông làm ơn giải thích cho.

- Viên sĩ quan tủm tỉm cười và nói:

- Sao, thưa tổng đốc, còn căn phòng...

- Của người ấy... - Canolles nói.

- Người ấy đang đợi ngài trong đó. Bây giờ ngài hiểu ra rồi chứ?

Canolles ngẩn người ra.

- Vâng, vâng, được rồi. - Chàng nói - Tôi vào được chứ?

- Dĩ nhiên, vì người ta đang đợi mà.

- Nào thì đi! - Canolles nói.

Chàng không muốn hỏi thẳng viên sĩ quan xem người đó là ai. Chàng linh cảm thấy nội vụ có chứa đựng một điều bí ẩn gì đó mà nhất thời chàng chưa đoán ra được.

Canolles đẩy cửa bước vào.

Sau bức rèm thưa, một dáng dấp quen thuộc ngồi.

Nanon!

Phải, người phụ nữ ấy chính là Nanon.

Nàng reo lên gần như tiếng nạt, toan là cho chàng sợ hãi, rồi dang rộng hai tay bá lấy cổ chàng.

Canolles đứng sau sững sờ, tay buông thõng, mắt trố ra.

- Nanon! - Chàng ríu cả lưỡi lại, không nói thêm được lời nào nữa.

Nanon càng cười và hôn chàng khắp mặt.

- Em, Nanon!

Canolles không tránh khỏi ngượng ngùng khi nghĩ về những lỗi lầm của mình đối với chung thủy của Nanon. Nhìn thấy nàng, chàng hiểu ra ngay: Mọi sự đều do tay nàng thu xếp, biến nguy thành an, để lôi chàng từ đáy vực thẳm lên chỗ ánh sáng chói lòa.

- À! - Chàng nói - Chính em đã cứu anh lúc anh rầu rĩ, lo sợ tưởng đến điên người lên được, em đã che chở cho anh, em là vị thần bảo hộ của anh.

- Đừng có gọi em là vị thần của anh, bởi vì em chỉ là một con quỷ. - Nanon nói - Chỉ có điều em đã xuất hiện đúng lúc, có phải thế không, hãy nhận đi.

- Em có lý, em yêu quý. Thật thế, anh tưởng như sắp phải chui đầu vào thòng lọng thì em tới cứu.

- Em cũng nghĩ thế. À này, một con người sáng suốt như anh, tinh khôn như anh, làm thế nào để đến nỗi bị mấy con quận chúa điêu hạnh nó lừa cho một vố như vậy?

- Đúng thế! - Chàng nói - Anh không biết, chính anh cũng chẳng hiểu nổi. (Trong lúc nói, Canolles ngượng đỏ mặt, nhưng Nanon vờ như không thấy).

- Ồ! Họ xảo quyệt lắm! Vả lại đàn ông các anh gây chiến với phụ nữ sao nổi. Người ta đã kể cho em nghe như thế nào nhỉ? Người ta bảo, tay vì bà quận chúa trẻ, người ta đưa cho anh một cô hầu gái hay một bà bồi phòng nào đó.

Canolles cảm thấy trong người như đang lên cơn sốt, làm run cả chân tay và đầu óc muốn nổ bung.

- Anh tưởng đã gặp bà quận chúa. - Chàng nói - Anh có biết mặt bà ấy đâu.

- Vậy thì là ai?

- Có lẽ cô hầu phòng.

- Ái chà, tội nghiệp thân anh, chung quy tại cái lão Mazarin khốn kiếp. Quỷ tha ma bắt lão đi. Khi giao cho người ta một sứ mạng khó khăn như thế, ít ra cũng phải đưa cho người ta một tấm ảnh để nhận diện chứ. Nếu anh có hình bà quận chúa, anh đâu đến nỗi bị nhầm người nọ với người kia. Nhưng thôi bỏ qua đi. Anh có biết cái lão Mazarin ghê tởm ấy, nại cớ anh đã phản bội nhà vua, nên định tống anh vào hầm tối không?

- Anh cũng nghĩ như thế.

- Nhưng em nói: Hãy tống anh ấy và tay Nanon! Em nói như vậy nghe có được không, anh yêu?

Dẫu hình ảnh của nữ tử tước vẫn còn thổn thức một bên tim, và những kỷ niệm với Claire hãy còn vương vấn, nhưng trước tình yêu nồng nhiệt của Nanon, chàng mềm lòng ngã quỵ.

Nanon đưa tay ra, và chàng úp mặt vào đó.

- Em đã đợi anh ở đây ư?

- Em đi tìm anh khắp Paris để đưa anh về cái chỗ ngon lành này. Em mang theo cả sắc chỉ bổ nhiệm anh, cũng bởi em biết anh đang bị nguy khốn nên đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi để cứu anh. À mà này, chút xíu quên mất không nhắc để anh nhớ: Anh là anh của em đó, anh biết không?

- "Em đi tìm anh khắp Paris". Anh đoán ra lúc đọc lá thư của em.

- Chắc chắn người ta đã phản bội chúng ta. Lá thư em viết cho anh bị rơi vào một tên gian ác nào đó, rồi tới tay công tước. Ông ta nổi giận. Em đã nói tên anh, bảo rằng anh là anh của em, và bây giờ chúng ta có quyền công khai gặp gỡ nhau, anh gần như là có vợ rồi đó, hỡi người yêu khốn khổ của em!

Canolles bị cuốn hút bởi sự nồng nhiệt của người đàn bà ấy. Sau khi đã hôn đôi tay trắng muốt của nàng, chàng hôn lên mắt... Hình bóng của De Cambes phu nhân đã lùi xa rất xa như một kỷ niệm mờ dần.

Nanon nói tiếp:

- Em đã tiên liệu tất cả. Em vận động để cho ông D Epernon trở thành người đỡ đầu cho anh hay hơn nữa, một người bạn anh, em đã làm dịu cơn giận của Mazarin, sau hết em chọn Saint - Georges làm chốn nương thân, bởi vì chắc anh cũng biết, trong thiên hạ đã có những đứa muốn ném đá vào người em. Trong đời, em chỉ còn có anh là yêu em một chút, anh Canolles yêu quý. Nào, hãy nói với em rằng anh yêu em.

Thế rồi nàng quàng hai tay lên cổ Canolles, đánh chìm đôi mắt đắm đuối của mình vào cặp mắt chàng trai như để thăm dò tư tưởng chàng từ phía sâu thẳm nhất của trái tim chàng.

Canolles không phải là không linh cảm được điều ấy. Chàng cũng biết Nanon không phải là một phụ nữ kém thông minh. Và chàng cũng dư hiểu, Nanon đối với chàng có một cái gì hơn cả tình yêu, hơn cả sự độ lượng: Nàng không chỉ yêu chàng mà còn bao dung với chàng nữa.

- Em đã chọn - Nanon tiếp - đảo Saint - Georges làm nơi cất giữ tiền bạc và những đồ châu báu của em, đồng thời cũng là chốn nương thân của em nữa. Em tự nhủ, ai là người yêu em có thể bảo vệ cuộc đời em? Ai là người co thể gìn giữ tài sản cho em? Ngoài anh ra, còn ai nữa? Tất cả đều trong tay anh, cuộc sống và sự giàu sang. Anh hãy canh chừng cẩn thận những cái đó cho em nhé. Hỡi người bạn trung tín và người bảo vệ trung thành của em.

Trong lúc ấy tiếng kèn rộn rã trong sân, nó cũng khiến trái tim Canolles rung lên một nhịp điệu, trước mắt chàng là cuộc tình đối với Nanon và cách chàng hơn một trăm bước, lại có một cuộc chiến ái tình thầm lặng đang đe dọa.

- Ồ phải Nanon, con người em, tài sản của em, nhất định là phải được an toàn bên anh, xin thề với em, anh sẽ chết để bảo vệ em tới phút cuối cùng.

- Cám ơn. - Nàng nói - Chàng hiệp sĩ quý phái của em, em cũng tin vào lòng can đảm và sự rộng lượng của anh. (Nàng mỉm cười tiếp) Nhưng than ôi, em lại cũng muốn tin vào tấm lòng của anh.

- Ồ! - Canolles khẽ nói - Em hãy tin chắc đi...

- Tình yêu không thể chứng tỏ bằng lời thề thốt - Nanon nói - mà chẳng hành động, thưa ông hãy chứng tỏ đi và chúng ta sẽ thề trên tấm lòng của ông.

Với đôi tay đẹp nhất trần đời, nàng quàng lấy cổ Canolles rồi áp đầu vào ngực như để nghe tiếng đập của con tim chàng.

"Bây giờ cần phải cho chàng quên đi" - Nàng nhủ thầm - "và chàng sẽ quên".

Phần II - Chương 10

Sau khi thấy Canolles bị áp dẫn đi, De Cambes phu nhân cùng với Pompéc trở về chỗ công chúa phu nhân.

Ông lão tùy tùng quen thói khoác lác này đã cố chứng tỏ cho cô chủ biết rằng sở dĩ bọn Cauvignac không dám bắt nàng, cũng không yêu sách tiền chuộc, chính là vì lão đã từng đi lính, có nhiều kinh nghiệm trong trận mạc. Nhưng De Cambes phu nhân đã báo thẳng cho lão biết rằng, lúc mình lâm nguy thì lão biến mất, tuyệt nhiên không còn thấy hồn vong bóng vía lão đâu nữa. Lão vẫn gân cổ cãi rằng lúc đó đang ở phía hành lang và đã tìm được một cái thang để chuẩn bị cho cuộc chạy trốn của nữ tử tước, ác một nỗi ở đó lại có hai tên lính, và chúng nó cũng tranh nhau cái cầu thang ấy, đôi bên cãi cọ, thành thử mới lằng nhằng lâu vậy.

Nhưng thực tế lại khác hẳn.

Pompéc chắc đã không ngờ mình thoát khỏi một hiểm nguy ghê gớm. Cauvignac vốn không ưa gì Pompéc, nhất là khi thấy lão vênh váo, ngực phưỡn ra như để ra vẻ ta đây là dân lính chiến. Với Cauvignac, chỉ riêng cái tội đó thôi Pompéc cũng đáng lột hết quần áo quẳng xuống sông, rồi muốn tới đâu thì tới.

Nhưng nhờ có Nanon mới dúi cho hai trăm Pistoles, coi như tiền thuê để canh chừng nam tước Canolles, cho nên Cauvignac không thèm để ý tới lão lính quèn ấy nữa, đồng thời cũng buông tha luôn cả nữ tử tước De Cambes cho trở về Bordeaux. Có điều dưới mắt Nanon, Bordeaux hãy còn quá gần đối với Canolles. Nàng muốn nữ tử tước đi sang tận Perou, Ấn Độ hay ở ngaòi cái đảo Georges gì đó.

Dù sao mặc lòng, Nanon cũng coi như mình đã ở thế thượng phong. Nàng đã dựng lên được một bức tường để ngăn cách Canolles với nữ tử tước, tình địch đáng sợ của mình. Canolles bị cầm chân ở trên đảo để phục vụ quyền lợi của nhà vua, còn Claire thì bị giam cầm vì sự nổi loạn của mình khi đứng về phe các bà quận chúa. Và Nanon vui mừng một cách hồn nhiên như những đứa trẻ, như những người tình chỉ biết có mình trên trái đất.

Tất cả sự việc đó nó đã giải thích cuộc gặp gỡ giữa Canolles và Nanon trên đảo Saint Georges.

Này xin nhắc lại sự về Bordeaux của De Cambes phu nhân.

Mặc dầu Pompéc luôn luôn khoác lác những chiến công này chiến công nọ những kinh nghiệm của một người lính già, nhưng nàng vẫn chẳng thấy an tâm chút nào, nhất là vào một chiều kia khi nàng nhìn thấy trên một con lộ xiên ngang một toán kỵ sĩ đang đi tới.

Cũng vẫn chính là những nhà quý tộc ấy: Họ trở về sau khi dự tang lễ công tước De La Rochefoucauld. Có điều De Cambes phu nhân và nhất là Pompéc không khỏi ngạc nhiên: Trong số các kỵ sĩ ấy, đã có những người bị băng bó ở chân, tay, hoặc trên trán, cần phải để cho họ tiến gần thêm chút nữa mới có thể nhận ra rằng trong số những nhà quý tộc ấy, đã có những người từng tham dự cuộc đi săn ở Chantilly.

- Đám ma hẳn đã có chuyện gì trục trặc rồi. - Pompéc nói - Phu nhân nhìn coi: Một là họ ngã ngựa, hai là bị người ta đánh.

- Tôi cũng nghĩ như vậy.

Pompéc nói một cách hãnh diện:

- Cái đó làm cho tôi nhớ lại lúc trở về sau chiến trận tại Corbie, chỉ có điểm khác là tôi không ở trong số người dũng cảm trở về mà thuộc số người dũng cảm được người ta mang về.

Claire cảm thấy lo âu trước sự việc mang những triệu chứng không mấy tốt lành ấy. Nàng hỏi Pompéc:

- Nhưng họ không có một ai chỉ huy ư? Phải có một người cầm đầu chứ? Hay là người chỉ huy đã tử trận? Pompéc thử nhìn kỹ coi!

- Thưa phu nhân, không có gì dễ hơn để nhận ra người chỉ huy trong số họ. Thông thường, trong một binh đoàn, sĩ quan cầm đầu đi ở giữa cùng với các hạ sĩ quan, lúc lâm trận, ông ta đi ở đằng sau hay ở phía sườn đạo quân. Phu nhân hãy nhìn về những phía tôi chỉ và phu nhân sẽ đoán ra được.

- Tôi không trông thấy gì hết, nhưng hình như họ đang đi theo chúng ta, thử quay lại mà coi...

- Hừm! Hừm! Không, không, thưa phu nhân. - Pompéc ho lên sù sụ và không dám quay cổ lại - Không có ai hết, nhưng kìa, cái đường de thành gươm mạ vàng... người dắt trên mũ một cái lông chim màu đỏ... mà còn ai trông giống như ngài De Turenne?... Không, kỳ cục thiệt. Lúc này có chi nguy hiểm nữa đâu mà không thấy ông xếp ló đầu ra, thật khác xa với cái lần ở Corbie...

- Ngài nhầm rồi, thưa ngài Pompéc! - Một giọng nói đầy vẻ giễu cợt vang lên từ phía sau khiến Pompéc tá hỏa tinh, suýt tí nữa thì té xuống ngựa - Ngài nhầm mất rồi, còn tệ hại hơn trận Corbie nhiều.

Claire quay phắt người lại và nhận thấy cách mình mấy bước, một kỵ sĩ dáng dấp tiều tụy đang nhìn mình đăm đăm bằng đôi mắt ti hí và sáng long lanh giống như mắt của loài cáo.

- Hoàng thân De Marsillac! - Claire xúc động kêu lên - Ngài vẫn được mạnh giỏi.

- Thưa phu nhân, hãy gọi tôi là quận công De La Rochefoucauld, bởi vì bây giờ phụ thân tôi mất rồi, cho nên tôi được thừa kế danh hiệu của ngài, dù tốt hay xấu tôi cũng phải mang nó suốt đời.

Claire ngập ngừng nói:

- Ngài trở về...

- Chúng tôi trở về từ trận địa và đã bị đánh bại, thưa phu nhân.

- Thua trận? Ngài?

- Thưa phu nhân, tôi vốn không hay khoe khoang và tôi đã nói thật về tôi cũng như về những người khác, tôi có thể nói rằng chúng tôi trở về trong vinh quang, nhưng thực tế chúng tôi đã thất trận, bởi vì kế hoạch của chúng tôi ở Saumur đã không thực hiện được. Tôi tới chậm quá do sự đầu hàng cuả Jarzé, chúng tôi dã bi mất cứ điểm quan trọng ấy. Từ nay, giả thử như công chúa phu nhân giữ được Bordeaux như đã tiên liệu, chiến cuộc sẽ tập trung vào Guyenne.

- Nhưng thưa ngài, theo sự hiểu biết của tôi, nếu Saumur đã đầu hàng thì tại sao tất cả những nhà quý tộc ấy lại bị thương như vậy?

Marsillac ngẩng câu đầu, hãnh diện nói:

- Bởi vì chúng tôi đã đụng độ với một vài toán quân của hoàng gia.

- Và ngài bị đánh bại?

- Ồ! Lạy Chúa! Vâng, thưa phu nhân.

Nữ tử tước hạ giọng:

- Như vậy, máu người Pháp đã đổ do chính bởi những người Pháp. Và thưa quận công, ngài là một ví dụ.

- Tôi, thưa phu nhân.

- Ngài rất trầm tĩnh, lạnh lùng và sáng suốt. Nhưng ngài không bị thương đấy chứ?

- Lần này tôi có may mắn hơn lần ở Lignes và Paris. Tôi đã ngỡ mình chán ngán cuộc nội chiến này rồi, và chẳng muốn dấn thân vô đó nữa, nhưng tôi đã sai lầm. Mình tính một đường nhưng cuộc đời lại lôi cuốn đi một lối khác, và nó làm đảo lộn tất cả.

De Cambes phu nhân mỉm cười, nàng nhớ tới một câu nói của De La Rochefoucauld: Vì đôi mắt đẹp của De Longuevilles phu nhân, ta có thể gây chiến với các vị vua chúa, và cả với các thánh thần nữa.

Nụ cười ấy không lọt qua đôi mắt cáo của quận công Marsillac. Ông ta không để cho nữ tử tước có thì giờ suy nghĩ thêm, bèn nói:

- Nhưng thưa phu nhân, trên thực tế, chính phu nhân mới là kiểu mẫu của sự anh dũng. Xin phu nhân nhận lấy lời khen ngợi của tôi.

- Tại sao vậy?

- Phu nhân đi một mình với một người hầu duy nhất, riêng điều đó cũng đủ để nói lên rồi. Ồ! Tôi lại còn được nghe người ta nói về thái độ cao đẹp của phu nhân ở Chantilly. Phu nhân, người ta đoán chắc với tôi đã hạ được cái anh chàng sĩ quan khốn khổ trong quân đội hoàng gia... Chiến thắng dễ dàng, có phải không thưa phu nhân? - Marsillac thêm vào câu nói ấy một nụ cười, một cái nhìn, nó chứa đựng biết bao nhiêu điều không tiện nói ra.

- Thế là sao?

- Tôi nói dễ dàng, bởi vì để đương đầu với ông ta, phu nhân đã sử dụng một thứ vũ khí đặc biệt của mình. Tuy nhiên, điều tôi phục nhất, theo như câu chuyện người ta kể lại...

Cặp mắt ti hí của Marsillac lại như xoáy vào người nữ tử tước.

Đối với De Cambes phu nhân, nàng không thể để cho mình lâm vào thế rút lui trong danh dự. Và nàng chuẩn bị một cuộc phản kháng:

- Nói đi, thưa quận công, hãy nói điều ông phục nhất.

- Thưa phu nhân, đó là cái khôn khéo cực kỳ của phu nhân trong việc diễn xuất một vai trò trào lộng. Vâng, nếu tôi tin vào những lời người ta nói thì viên sĩ quan ấy hình như đã gặp người hầu của phu nhân và cả phu nhân nữa.

Nhưng câu nói ấy cũng chẳng gây được một tác động gì đối với De Cambes phu nhân. Nàng thản nhiên hỏi lại:

- Ngài bảo rằng ông ta đã từng gặp tôi?

- Xin phu nhân hãy lưu ý cho một điểm như thế này: Đó không phải là tôi nói mà do một nhân vật mơ hồ nào đấy thường được gọi là "người ta", và một khi đã sử dụng đến từ ngữ ấy thì ngay đến nhà văn cũng đành chịu thôi.

- Thế ông ta đã gặp tôi ở đâu?

- Người ta nói trên đường đi Libourne đến Chantilly, trong một ngôi làng tên là Jaulnay. Có điều cuộc hội kiến không lâu: Nhà quý tộc ấy đã nhận được lệnh của D Epernon phải đi ngay về Mantes.

- Thưa quận công, nếu nhà quý tộc ấy đã từng gặp tôi, tại sao ông ta lại không nhận ra tôi?

- A! Cũng chính lại là cái người ta như tôi vừa nói với phu nhân đã trả lời hết mọi sự, người ta bảo rằng cuộc hội kiến đã diễn ra trong bóng tối nên hai người không rõ mặt nhau.

- Thưa quận công, lần này chính tôi cũng không hiểu, thực ra ngài muốn nói gì?

Marsillac giả bộ thực thà đáp:

- Có lẽ là những tin đồn sai lạc. Vả lại, cuộc gặp gỡ lần đầu chỉ diễn ra trong chốc lát không nhẽ lại ảnh hưởng tới lần thứ hai?

- Sao lại có thể thế được, một khi chính ngài đã nói ra, đó là một cuộc hội kiến trong bóng tối.

- Thưa phu nhân đúng vậy. Tôi đã lầm, trừ phi trước khi có cuộc hội kiến ấy, viên sĩ quan nọ đã để ý tới phu nhân, và chuyến đi Jaulnay của phu nhân sẽ không còn là một cuộc...

- Và sẽ là cái gì? Thưa quận công, xin ngài hãy thận trọng trong lời nói của ngài.

- Cho nên, phu nhân thấy đó, tôi đã ngừng lại ngay, tiếng Pháp của chúng ta nghèo nàn quá, đến nỗi tôi tìm mãi cũng không ra một từ ngữ nào thích hợp với ý nghĩ của tôi. Nó sẽ là... một "oppuntamento" như người Ý nói, hoặc một "assignation" như người anh nói.

- Nhưng thưa quận công, nếu tôi không lầm, hai từ ngữ ấy dịch ra tiếng Pháp đều có nghĩa là "hò hẹn".

- Hóa ra tôi đã rơi đúng vào người giỏi cả hai sinh ngữ. Thưa phu nhân, xin tha lỗi cho tôi, hình như tiếng Ý và tiếng Anh cũng nghèo như tiếng Pháp vậy.

Claire thấy tưng tức ở phía trái tim. Nàng phải vuốt mạnh vào ngực một cái để cho dễ thở. Nàng vừa chợt nhớ ra một điều nàng vẫn thường nghi ngờ: Marsillac nêu lên chuyện đó chẳng qua chỉ vì ghen tuông, đã có một thời gain, mặc dù vẫn còn đeo đẳng bà De Longuevilles, ông ta cũng cứ bám theo nàng để tán tỉnh. Tuy nhiên, đối với một người có nhiều thế lực như ông ta, nàng không muốn công kích một cách quá đáng.

- Thưa ngài, trong những tình huống như chúng ta hiện tại, nếu ông Mazarin ở vào địa vị ngài, hẳn là ông ấy sẽ không đứng vững.

- Thưa phu nhân, hình như giữa ông tể tướng thân mến ấy và tôi có một vài điểm tương đồng, thành thử tôi cũng chẳng thấy có một lý do nào để gây chiến với ông ta. Cho nên tôi chỉ cố sao không tỏ ngọn ngành được đủ mọi chuyện.

- Ngay cả những bí mật của các đồng minh của ngài, nếu họ có?

- Phu nhân vừa phát biểu một câu để suy diễn một cách sai lạc đi nếu người ta hiểu đó là một bí mật của phụ nữ, chuyến đi ấy và cuộc gặp gỡ ấy không lẽ là một bí mật sao?

- Thưa quận công, những lời phát biểu của ngài mới chỉ đúng có một nửa. Cuộc gặp gỡ là một tình cờ, nhưng chuyến đi là một bí mật và hơn nữa, sự bí mật của chuyến đi lại chỉ có tôi và công chúa phu nhân biết được mà thôi.

Quận công cười tủm tỉm trước sự nhanh trí của nữ tử tước.

- Ngoài phu nhân và công chúa phu nhân, còn cả một số người khác cũng biết nữa chứ: Ông Lenet và ông Richon, bà Tourville và còn ông bá tước De Canolles nào nữa mà như ông ấy là anh của phu nhân, chắc phu nhân sẽ nói rằng bí mật sẽ không từ trong gia đình lọt ra ngoài.

Thấy ông ta hơi cau mày, Claire cười để ông ta khỏi nổi giận.

- Thưa quận công, có một điều thú vị ngài biết không?

- Không, hãy cho tôi biết đi, thưa phu nhân, nếu đó là một bí mật, tôi xin hứa sẽ giữ kín và chỉ nói cho ban tham mưu của tôi biết thôi.

- Trong chuyến đi công cán ấy, ngài có biết công chúa phu nhân đã chỉ định ai cùng đi với tôi không?

- Không.

- Chính ngài đó.

- Phải. Tôi nhớ ra rồi. Công chúa phu nhân có hỏi tôi nếu tôi có thể tháp tùng một nhân vật đi Paris.

- Và ngài đã từ chối.

- Tôi phải ở lại Poitou vì những công việc cần thiết.

- Vâng, ngài đã nhận ở đó.

Ông ta lại gần nàng và hỏi:

- Thưa phu nhân, đó là một sự trách cứ?

- Không phải, thưa công tước, trái tim ngài đã đặt đúng chỗ, và thay vì trách móc, đó là những lời khen ngợi đối với ngài.

- Hừ! Giá tôi được đi cùng với phu nhân trong chuyến đi ấy!

- Thì sao?

- Thì tôi đã không đi Saumur. Dù sao tôi cũng chẳng phàn nàn gì về sự không may của mình một khi nó đem lại cho một cái may chung.

- Ngài muốn nói gì, thưa công tước, tôi không hiểu.

- Tôi muốn nói nếu tôi đi cùng với phu nhân thì phu nhân đâu có gặp viên sĩ quan ấy, và rõ ràng là trời đã phù hộ cho chính nghĩa của chúng ta khiến cho Mazarin lại cử chính anh chàng ấy tới Chantilly.

Claire nói với một giọng nghẹn ngào bởi một niềm đau và những kỷ niệm mới đây:

- Xin ngài đừng đùa cợt trên nỗi đau khổ của người sĩ quan ấy.

- Tại sao? Phải chăng đó là một nhân vật khả kính?

- Vâng, bởi vì những nỗi đau thương lớn thường chỉ đổ xuống đầu những người có tâm hồn cao quý. Có thể trong giờ phút này người sĩ quan ấy đã chết và ông ta đã trả giá cho sự sai lầm hay sự tận tụy của đời mình.

- Chết vì tình? - Marsillac hỏi.

- Chúng ta nên nói một cách nghiêm túc, thưa công tước ngài hẳn biết nếu tôi trao trái tim cho người nào, sẽ không phải là những hạng người gặp gỡ ở giữa đường giữa chợ. Tôi xin nói để ngài biết con người đau khổ ấy đã bị bắt giữ ngay hôm nay do lệnh của Mazarin.

- Bị bắt! Sao phu nhân biết? Lại do một cuộc gặp gỡ...

- Ô! Lạy Chúa! Vâng. Tôi đi qua Jaulnay... ngài biết Jaulnay chứ?

- Biết rõ, tôi đã bị một mũi gươm vào vai tại đó... Jaulnay có phải chính là ngôi làng mà câu chuyện đã nêu ra không?

- Hãy bỏ qua cái gọi là "câu chuyện" thưa công tước. - Claire đỏ bừng mặt đáp - Tôi đi qua Jaulnay và tôi nhìn thấy một toán người vũ trang bắt giữ tôi rồi dẫn đi một người đàn ông, người đàn ông ấy chính là viên sĩ quan đó. Ông ta là một người đáng thương xót.

- Thương xót! Tôi, ô thưa phu nhân, tôi đâu có thì giờ để xót thương, nhất là đối với những người tôi không quen biết.

Claire liếc mắt nhìn bộ mặt xanh xao của De La Rochefoucauld và cặp môi mỏng dính mỗi khi cười lại nhăn nhúm của ông ta, nàng khẽ rùng mình.

- Thưa phu nhân tôi muốn có hân hạnh được tiếp phu nhân xa hơn một chút, nhưng tôi phải đưa một đội binh đến Montrond, hai mươi nhà quý tộc có diễm phúc hơn tôi sẽ bảo vệ phu nhân đến tận chỗ quận chúa phu nhân. Xin phu nhân cho tôi gởi lời chào tôn kính của tôi tới quận chúa phu nhân.

- Thế ra ngài không đi Bordeaux? - Claire hỏi.

- Không, tôi đi Turenne để tiếp xúc với Bouillon.

Nói đoạn, ông ta nghiêng mình từ giã nữ tử tước.

Claire nhìn theo ông ta thầm nói:

"Tình thương của ông ta? Và ông ta đã thốt ra một câu tôi đâu có thì giờ để thương xót".

Nàng nhìn thấy một toán kỵ sĩ tách khỏi để tiến về phía nàng, số còn lại tiến sâu vào khu rừng bên cạnh.

Hai ngày sau, De Cambes phu nhân mới về đến chỗ bà quận chúa phu nhân.

Phần II - Chương 11

De Cambes phu nhân thỉnh thoảng nhớ tới thái độ của La Rochefoucauld và không khỏi thấp thỏm. Nàng nghĩ đến ông ta có thể căm hận mình. Nhưng rồi, tự thấy mình trẻ, đẹp, giàu có, lại có nhiều ân sủng, nàng cho rằng sự căm hận ấy có còn tồn tại đi chăng nữa, cũng chẳng thể ảnh hưởng gì đến đời nàng.

Tuy nhiên, có phòng ngừa cũng vẫn hơn. Cho nên nàng áp dụng phương thức đi bước trước. Nhân lúc quận chúa phu nhân ngợi khen về những công việc nàng đã hoàn tất, nàng bèn nói:

- Thưa phu nhân, do sự mến thương em nên người quá khen, thật ra em chưa xứng đáng, vì một vài kẻ đã cho rằng viên sĩ quan, người bị chúng ta đánh lừa, đã biết rõ ai là quận chúa phu nhân thật, ai là giả.

Tất nhiên quận chúa phu nhân không bao giờ chấp nhận cái giả thuyết ấy, trong khi bà ta đinh ninh rằng việc tráo người của mình rõ ràng là một thắng lợi hoàn toàn.

- Phải, Claire thân mến, ta biết, đó chỉ là những tin đồn. Có thể sau khi biết mình bị lừa, chính nhà quý tộc của chúng ta đã tung ra những tin ấy để cho khỏi bẽ mặt đấy thôi. À mà này, hình như em có nói với ta là đã gặp ông De La Rochefoucauld trên đường đi phải không?

- Vâng, thưa phu nhân.

- Ông ấy kể chuyện gì mới không?

- Ông ta đi Turenne để thương lượng với ông Bouillon hay người ấy ai sẽ nắm quyền tư lệnh của quân đội chúng ta? Nhưng ta đã có cách để hòa giải họ: Một phương án của bà De Tourville.

Claire mỉm cười khi nghe thấy cái tên ấy:

- Ồ, phu nhân đã nối lại tình thân với bà cố vấn của mình.

- Cần phải thế, bà ấy gặp chúng ta - Lenet và ta - ở Montrond, mang theo một chồng giấy dầy cộm làm chúng ta cười muốn chết. Bà ấy bảo đó là thành quả của nhiều đêm làm việc chăm chỉ, và mang tới để cống hiến vào công việc chung.

- Chắc là một bài diễn văn tràng giang... Thế phu nhân trả lời sao?

- Ta nhường lời cho ông Lenet. Ông ta nói "Thưa bà, chúng tôi không bao giờ nghi ngờ thiện chí cũng như nhiệt tâm của bà, việc làm của bà hết sức quý giá, nhưng quận chúa phu nhân và tôi mỗi ngày..." Tóm lại, ông ấy nói cũng dài không kém gì một bài diễn văn, khiến bà bùi tai để rồi cuối cùng giao cho ông ấy cái phương án.

- Nội dung?

- Không phong chức tư lệnh cho ông Bouillon và ông De La Rochefoucauld, mà phong cho ông Turenne.

- Thế nào? - Claire nói - Có vẻ như lần này bà cố vấn đã cố vấn hơi nhiều, ông nghĩ sao, thưa ông Lenet?

- Tôi nghĩ bà tử tước đã có lý và bà đã cho chúng tôi thêm một phiếu trong cuộc bàn cãi. (Lenet vừa đi vào, tay cầm một xấp giấy cũng nặng chẳng kém gì của bà De Tourville) Có điều ông Turenne không thể xa rời đạo quân miền Bắc và phương án của chúng ta lại đòi hỏi ông tiến về Paris khi nào Mazarin và hoàng hậu uy hiếp Bordeaux.

- Cô bạn thân mến thấy không, ông Lenet là một con người hoàn chỉnh. Cho nên chẳng phải ông Bouillon, cũng chẳng phải ông De La Rochefoucauld và ông Turenne là tổng tư lệnh. Vì tổng tư lệnh của chúng ta chính là Lenet.

- Nhưng ông cầm cái gì ở trong tay đó, phải chăng là một bản tuyên cáo?

- Vâng, thưa phu nhân.

- Của bà De Tourville phải không?

- Đúng vậy, thưa phu nhân, trừ một vài điểm về từ vựng, về văn phong, chắc phu nhân cũng rõ...

- Tốt, cũng tốt thôi. - Quận chúa phu nhân cười - Không nên câu nệ từng chữ, cốt nhất là ở tinh thần.

- Thưa phu nhân đã xong xuôi tất cả.

- Thế ông Bouillon ký ở đâu?

- Trên cùng một hàng với ông De La Rochefoucauld.

- Nhưng ông De La Rochefoucauld sẽ ký ở bên dưới chữ ký của quận công D Enghien.

- Quận công D Enghien không nên ký vào một văn bản như vậy. Một đứa bé? Hãy nghĩ đến chuyện đó, Lenet.

- Tôi đã nghĩ rồi, thưa phu nhân. Khi nhà vua băng hà, thái tử lên kế vị, và nếu một ngày nào đó... Tại sao lại sẽ không phải là gia đình De Condé lên trị vì?

- Nhưng ông De La Rochefoucauld sẽ nói sao? Ông Bouillon sẽ nói sao?

- Thưa phu nhân, người thứ hai sẽ theo gương người thứ nhất để làm cái gì người thứ nhất đã làm. Vả chăng họ muốn nói gì thì nói, với chúng ta điều đó không cần thiết.

- Cũng không nên làm họ mếch lòng quá, Lenet. - Quận chúa phu nhân nói - Chúng ta chỉ còn có họ.

- Nhưng họ đã đưa vào cái tên của phu nhân, họ hãy cứ thử đơn phương chiến đấu đi, và phu nhân sẽ thấy họ cầm cự được bao lâu?

Bà De Tourville mới về chưa đầy một phút. Bộ mặt đang rạng rỡ tươi như hoa của bà phút chốc đổi ra âu lo khi thoảng nghe thấy những lời nói sau cùng của viên cố vấn, kẻ đối đầu của bà.

Bà ta tiến lên một bước:

- Phương án tôi trình lên ngài có vẻ như không được sự hoan nghênh của ông Lenet?

- Trái lại, thưa bà! - Lenet nghiêng mình nói - Và tôi đã được thận trọng giữ lại phần lớn những nét quan trọng của văn bản, duy chỉ có, tay vì bản tuyên cáo được ký bởi quận công Bouillon hay công tước Rochefoucauld, tên của các vị ấy đứng sau tên hoàng thân.

- Ông đưa cả ông hoàng trẻ tuổi vô, thưa ông?

- Thưa phu nhân, có vậy mới hợp lý, bởi chính vì hoàng thân mà người ta chiến đấu.

- Nhưng dân chúng Bordeaux yêu cầu quận công Bouillon, tôn thờ quận công De La Rochefoucauld và không biết gì về quận công D Enghien.

Lenet rút trong túi ra một tờ giấy và đáp:

- Phu nhân sai rồi. Đây là bức thư của ông chủ tịch hội đồng Bordeaux, ông ta yêu cầu tôi: Tất cả những tuyên cáo đều phải có chữ ký của hoàng thân D Enghien.

- Ồ! Bỏ cái vụ hội đồng đi, Lenet. - Công chúa phu nhân la lên - Chúng ta đã khó nhọc bao nhiêu mới thoát khỏi tay hoàng hậu và Mazarin, chẳng lẽ bây giờ lại rơi vào các tay hội đồng?

- Phu nhân có muốn vào Bordeaux không? - Lenet hỏi.

- Đương nhiên.

- Thế thì đó là điều kiện "sine qua non" (Tiếng La tinh: Không thể thiếu, điều kiện bắt buộc), họ sẽ không nghênh tiếp một ai khác ngoài quận công D Enghien.

Bà De Tourville cắn môi.

- Ông đã khuyên chúng tôi chạy trốn khỏi Chantilly, ông đã khiến cho chúng tôi phải vượt hơn một trăm năm mươi dặm để tới đây nhận lãnh một sự mạo phạm của dân Bordeaux? - Bà quận chúa nói.

- Điều phu nhân cho là mạo phạm, thưa phu nhân, lại là một vinh dự. Thật thế, còn gì vẻ vang hơn đối với quận chúa phu nhân De Condé khi họ chỉ nhận nghênh đón phu nhân thôi mà không phải là những người khác!...

- Như vậy ngay cả hai ngài công tước dân Bordeaux cũng không tiếp?

- Họ chỉ tiếp có phu nhân.

- Một mình tôi làm sao qua đây?

- Ồ! Lạy Chúa, xin phu nhân cứ vô, rồi vô xong, hãy mở rộng cửa và những người khác sẽ đi theo phu nhân.

- Chúng ta đâu có thể qua mặt họ được?

- Xin thưa: Sẽ có sự can thiệp của hội đồng thành phố. Quân đội của phu nhân rồi cũng sẽ vào để bảo vệ Bordeaux.

- Vậy là Bordeaux đã bị đe dọa? - Bà De Tourville hỏi.

- Rất bị đe dọa! - Lenet đáp - Đó là lý do tại sao cần phải tiến hành gấp rút để nắm lấy tình hình. Khi chúng ta chưa có ở đó, Bordeaux có thể, vì danh dự, không mở cửa cho chúng ta, nhưng một khi chúng ta vào bên trong rồi, Bordeaux sẽ vô phương xua chúng ta ra khỏi thành lũy của họ.

- Xin ông cho biết ai đe dọa Bordeaux?

- Nhà vua, hoàng hậu, Mazarin... Quân đội hoàng gia được tuyển mộ, các kẻ thù của chúng ta đang làm chủ tình hình, đảo Saint-Georges cách thành phố có ba trăm dặm vừa mới nhận một tổng đốc mới. Dân Bordeaux sẽ cố chiếm lại đảo, và dĩ nhiên họ sẽ chiến đấu. Nhưng họ làm sao đối địch lại với những toán quân thiện chiến của nhà vua. Họ sẽ bị đánh tơi bời, họ sẽ lên tiếng kêu cứu công tước Bouillon, và De La Rochefoucauld. Thế là phu nhân đã nắm trong tay hai vị công tước ấy rồi nên có thể ra điều kiện với hội đồng thành phố...

- Nhưng sao không tìm cách mua chuộc ông tân tổng đốc còn hơn là để dân Bordeaux chịu sự thảm hại, nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần của họ sau này.

- Nếu phu nhân đã vào Bordeaux lúc cuộc thất bại ấy diễn ra, phu nhân sẽ chẳng sợ gì hết... Còn việc mua chuộc viên tổng đốc ấy quả không thể được.

- Không thể được! Tại sao?

- Bởi vì viên tổng đốc ấy là kẻ thù của phu nhân.

- Một kẻ thù của cá nhân tôi?

- Vâng...

- Nhưng từ đâu lại có mối oán thù ấy?

- Ông ta sẽ không bao giờ buông tha phu nhân về cái chuyện bí mật ở Chantilly mà ông ta là nạn nhân... Ồ! Mazarin không phải là một lão khùng như các vị phu nhân tưởng đâu, tôi dám chịu mất đầu để không ngừng nói lên một điều trái ngược. Và chứng cớ là ông ta đã đặt ở đảo Saint-Georges, một cứ điểm quan trọng, một người phu nhân đoán thử coi?

- Tôi đã nói với ông rằng tôi hoàn toàn không thể biết người ấy là ai.

- Đó là viên sĩ quan đã làm cho phu nhân cười rất nhiều về sự vụng về của ông ta để phu nhân trốn khỏi Chantilly...

- Ông De Canolles! - Claire kêu lên.

- Vâng.

- Ông De Canolles, tổng trấn Georges!

- Chính ông ấy.

- Sao lại có thể thế! Tôi đã thấy ông ấy bị bắt giữ trước mắt tôi, dưới mắt tôi.

- Đúng thế. Nhưng ông ta có quan thầy bao che mạnh lắm, và sự thất sủng biến thành ân sủng.

Quận chúa phu nhân cười và nói:

- Khốn khổ cô em Claire! Thế mà cô lại ngỡ ông ta chết rồi.

- Ông có chắc không, thưa ông! - Claire hỏi.

Lenet, theo thói quen lại rút ở trong túi ra một tờ giấy:

- Đây là thư của Richon. Ông ta nói cho tôi biết tất cả các chi tiết về việc nhận chức của viên tân tổng đốc, ông ta cũng tỏ ra tiếc nuối vì không được công chúa phu nhân cử tới đảo Saint-Georges.

Bà Tourville nghe xong bèn cười ngất:

- Phu nhân cử ông Richon tới đảo Saint-Georges! Hóa ra chúng ta thay quyền đức vua để bổ nhiệm tổng trấn à?

- Chúng ta có sẵn một chỗ, thưa bà - Lenet đáp - và thế là đủ.

- Chỗ nào?

Bà Tourville rùng mình khi thấy Lenet thò tay vào túi áo.

- Tờ khống chỉ của công tước D Epernon! - Quận chúa phu nhân reo lên - Đúng thế, tôi đã quên mất nó.

- Hùm! Cái đó là cái gì? - Bà Tourville bĩu môi - Một mảnh giấy vô giá và không có gì khác.

- Thưa bà - Lenet nói - tờ giấy ấy, chúng ta rất cần nó để có được một sự bổ nhiệm người của ta. Nó sẽ làm thăng bằng cán cân lực lượng họ có đảo Saint - Georges nằm trên sông Garonness. Nó chính là điểm tựa của chúng ta.

Từ năm phút qua, sau khi thấy Lenet đề cập tới Canolles, Claire như người mất hồn, chẳng còn nghe thấy gì nữa. Lúc này, bình tĩnh trở lại, nàng mới hỏi Lenet:

- Ông có chắc chính ông Canolles, người bị bắt ở Jaulnay, hiện giờ làm tổng đốc đảo Saint - Georges không?

- Chắc lắm, thưa bà.

Quận chúa phu nhân nói:

- Chắc hẳn nội vụ phải có một cái gì đó.

- Dĩ nhiên. - Lenet nói - Có tiểu thư Nanon De Lartigues.

- Nanon De Lartigues! - Nữ tử tước De Cambes kêu lên như một kỷ niệm ghê sợ vừa nhói vào tim.

- Hừm! Đứa con gái ấy! - Quận chúa phu nhân nói một cách khinh rẻ.

- Vâng, thưa phu nhân. - Lenet nói - Cô gái ấy đã bị ngài từ chối không tiếp, và hoàng hậu không câu nệ nghi thức nên tiếp cô ấy, cho nên sau đó cô ta mới bảo rằng quận chúa phu nhân rất có thể làm như to hơn Anne D Autriche, nhưng có điều chắc chắn Anne D Autriche khôn ngoan hơn phu nhân. Bởi vì, xin phu nhân hiểu cho: Đó là một người đàn bà sẽ gây chiến với phu nhân ác liệt nhất. Hoàng hậu chỉ phái quân lính tới đánh phu nhân còn Nanon lại đưa những kẻ thù đến, điều đó mới đáng sợ.

Bà De Tourville nhìn Lenet nói mỉa:

- Đặt địa vị ông vào phu nhân, hẳn ông đã nghênh tiếp cô ả một cách kính cẩn.

- Không, thưa bà, tôi sẽ vui vẻ đón tiếp và tôi sẽ mua chuộc cô ấy.

- Sao! Nếu chỉ là vấn đề mua chuộc, bây giờ thực hiện đâu có muộn.

- Đương nhiên, hãy còn đủ thì giờ, duy chỉ có điều, vào thời điểm này, hình như sẽ quá đắt đối với ngân quỹ của chúng ta.

- Cái giá của cô ta lên tới bao nhiêu? - Quận chúa phu nhân hỏi.

- Năm trăm ngàn Livres trước chiến tranh.

- Nhưng bây giờ?

- Một triệu.

- Nhưng với cái giá đó tôi có thể mua ông Mazarin!

- Rất có thể - Lenet nói - nhưng thứ mua được thì ban lại thường bị giảm giá.

Bà De Tourville vốn hay chủ trương những phương thức bạo động bèn hỏi:

- Nhưng nếu ta không thể mua được thì tại sao ta không giành lấy?

- Ý kiến của bà rất hay nhưng khó thực hiện. Lý do người ta hoàn toàn không biết cô ấy ở đâu, tuy nhiên, chúng ta chả cần bận tâm về chuyện đó, trước hết chúng ta sẽ vô Bordeaux, và sau đó sẽ tiến chiếm đảo Saint-Georges.

- Không, không! - Claire kêu lên - Chúng ta hãy vô đảo Saint-Georges trước đã.

Tiếng reo ấy, thốt ra từ trái tim nữ tử tước, khiến hai vị phu nhân quay đầu về phía nàng, còn Lenet thì nhìn nàng một cách chăm chú.

- Bộ em khùng rồi ư? - Quận chúa phu nhân hỏi - Em không thấy ông Lenet bảo rằng đó là một địa điểm rất khó chiếm?

- Rất có thể - Claire nói - nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta sẽ chiếm được.

- Em có một kế hoạch? - Bà De Tourville hỏi.

- Có lẽ! - Claire nói.

Quận chúa phu nhân cười.

- Nếu đảo Saint-Georges phải mua một cái giá đắt như ông Lenet nói, có lẽ chúng ta không đủ sức mua đâu.

- Chúng ta sẽ không mua nó, nhưng chúng ta vẫn sẽ có nó.

- Vậy là phải dùng sức mạnh. - Bà De Tourville nói - Cô bạn thân thương, cái đó cũng nằm trong kế hoạch của tôi.

- Chính thế! - Quận chúa phu nhân nói - Chúng ta sẽ cử Richon bao vây Saint-Georges, ông ấy là người trong vùng, biết rõ địa hình địa vật, để chiếm lãnh các pháo đài các vị cho là quan trọng ấy, chỉ có ông ấy mới đảm trách nổi.

- Trước khi áp dụng phương thức đó - Claire nói - thưa phu nhân, xin cho phép em dấn thân vào một cuộc phiêu lưu và nếu tôi thất bại, lúc ấy các vị sẽ tùy nghi.

- Thế nào? - Quận chúa phu nhân hỏi - Em sẽ đi tới đảo Saint-Georges ư?

- Vâng, em sẽ đi.

- Một mình?

- Em đem theo Pompéc.

- Và em không sợ gì cả?

- Em sẽ đi với tư cách của một sứ giả đi thương thuyết, và phu nhân sẽ cho em những chỉ thị cần thiết.

- À! Một ý kiến mới mẻ! - Bà De Tourville nói lớn - Nhưng theo tôi, hình như các nhà ngoại giao không tiến hành công việc một cách hấp tấp như vậy, cần phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng như phương thức làm việc của ông De Tourville nhà tôi, một nhà ngoại giao có tiếng của thời đại.

- Thưa bà - Claire đáp - dẫu em có tài hèn trí mọn, nhưng em vẫn làm thế, nếu quận chúa phu nhân cho phép.

Lenet nhìn De Condé phu nhân rồi nói:

- Chắc chắn phu nhân sẽ đồng ý và tôi cũng tin rằng nếu tên đời có một người để có thể thành công trong một cuộc thương thuyết như thế, người đó chính là bà tử tước...

- Bộ không ai làm nổi sao?

- Bà tử tước sẽ thương lượng một cách đơn giản với ông De Canolles, nếu để một người đàn ông đi thay, chắc chắn ông ấy sẽ bị Canolles ném ra ngoài cửa sổ.

- Một người đàn ông thì được - Bà De Tourville nói - nhưng một người đàn bà...

- Tôi thấy để bà tử tước đi là hợp lý nhất - Lenet nói - vì bà ấy là người đầu tiên đưa ra ý kiến đó.

Trong lúc ấy có một liên lạc viên tới. Anh ta cầm bức thư của hội đồng Bordeaux.

Quận chúa phu nhân hớn hở reo lên:

- Ô! Chắc họ phúc đáp! Xích lại gần nhau để cùng xem tờ công văn.

Còn Lenet, ngồi im lặng, mặt phớt tỉnh như thường lệ, vì ông ta đã thừa biết nội dung của bức thư.

Đọc xong, quận chúa phu nhân reo lên:

- Họ yêu cầu tôi, họ kêu gọi tôi, họ chờ đợi tôi!

Bà De Tourville cũng reo mừng rối rít.

- Thưa phu nhân - Lenet nói - nhưng còn các vị công tước, còn quân đội?

- Họ không nói tới vụ đó.

- Vậy chúng ta mất hết rồi sao? - Bà De Tourville hỏi.

- Không - Quận chúa nói - bởi vì, nhờ tờ khống chỉ của quận công D Epernon ta sẽ có Vayres để chỉ huy Dordogne.

- Và tôi - Claire nói - Tôi sẽ có Saint-Georges, nó là cái chìa khóa của Garonne.

- Còn tôi - Lenet nói - tôi sẽ có hai ngài công tước và quân đội, dĩ nhiên, nếu các phu nhân để cho tôi có thời gian thuyết phục họ.


Nguồn: http://vnthuquan.org/