Các ngày trôi đi và cái khát trở lại. Trong các thôn làng chúng tôi đi qua, mọi người cố hết sức giúp đỡ chúng tôi. Bosca, một tù nhân trong số bao tù nhân khác, ném qua cửa sổ một bức thư mà một phụ nữ tìm thấy gần đường tàu và chuyển đến cho người nhận. Trên mẩu giấy, người tù gắng làm yên lòng vợ mình. Anh báo tin cho vợ là mình ở trên một đoàn tàu đi qua Agen ngày 10 tháng Tám và mình vẫn khỏe, nhưng chị Bosca sẽ không bao giờ gặp lại chồng.
Trong lúc dừng ở gần Nîmes, bọn chúng cho chúng tôi một ít nước, bánh khô và mứt đã hỏng. Thực phẩm không thể nào ăn được. Trong các toa, một số người bị thác loạn tâm thần. Rớt dãi ứa ra ở khóe môi họ. Họ đứng dậy, xoay tròn người và gào rú trước khi ngã lăn ra, lên những cơn co giật trước khi chết. Cứ như thể những con chó dại. Bọn quốc xã sẽ làm tất cả chúng tôi chết đi như vậy. Những người vẫn còn tỉnh táo không dám nhìn họ nữa. Thế là các tù nhân nhắm mắt, co rúm người lại và bịt lấy tai. Claude hỏi:
- Cậu cho là chứng thác loạn tinh thần có lây thâậ không?
- Mình chẳng biết gì hết, nhưng xin hãy làm cho họ im đi, François van nài.
- Xa xa, bom rơi xuống Nimes. Tàu dừng ở Remoulins.
° ° °
Ngày 15 tháng Tám
Đã nhiều ngày đoàn tàu không động đậy. Họ mang khỏi toa thi thể một tù nhân chết vì đói. Những người ốm yếu hơn cả được phép xuống đi đại tiện dọc đường sắt. Họ rứt những cọng cỏ và phân phát khi trở lại tàu. Những người tù đói khát tranh nhau thứ thức ăn này.
Người Mỹ và người Pháp đổ bộ ở Saint-Maxime, Schuster tìm cách đi qua những phòng tuyến đồng minh đang bao vây y. Nhưng làm thế nào để ngược lên thung lũng sông Rhône, và trước đó, qua được con sông mà mọi cây cầu đều đã bị ném bom?
° ° °
Ngày 18 tháng Tám
Có lẽ tên trung úy Đức đã tìm được một giải pháp cho vấn đề của y. Tàu lại lên đường. Khi qua một chỗ bẻ ghi, một nhân viên hỏa xa đã mở chốt một toa. Ba tù nhân trốn thoát nhờ một đường hầm. Một số khác sẽ làm như vậy, sau đó một chút, trên quãng đường vài cây số ngăn cách chúng tôi với Roquemaure. Schuster cho đoàn tàu đứng im, trú trong một lối trổ vào núi đá; tại đó, tàu sẽ tránh được các trận ném bom; những ngày gần đây, các máy bay lượn bên trên chúng tôi. Nhưng, trong lối trổ vào núi này, lực lượng Kháng chiến cũng sẽ không tìm thấy chúng tôi. Không một đoàn tàu nào có thể gặp chúng tôi, hoạt động của đường sắt bị gián đoạn trên toàn đất nước. Cuộc chiến dữ dội và lực lượng Giải phóng đang tiến lên, giống như một làn sóng ba phủ xứ sở mỗi ngày thêm một ít. Vì không thể qua sông Rhône bằng tàu hỏa, cần gì đâu, Schuster sẽ cho chúng tôi đi bộ vượt sông. Xét cho cùng, y chẳng có trong tay bảy trăm năm mươi nô lệ đó sao, để vận chuyển số hàng hóa đi kèm các gia đình Gestapo và bọn lính mà y đã thề sẽ đưa về nhà?Ngày 18 tháng Tám ấy, dưới ánh nắng nóng bỏng thiêu cháy chỗ da ít ỏi mà lũ bọ chét và lũ rận còn để lại trên người, chúng tôi đi bộ thành hàng. Những cánh tay gầy guộc của chúng tôi mang vác các va li Đức, các hòm rượu vang mà bọn quốc xã ăn cướp ở Bordeaux. Thêm một sự tàn ác nữa, đối với chúng tôi những người đang chết khát. Những ai ngã xuống bất tính không đứng dậy nữa. Một viên đạn vào gáy kết liễu họ như người ta giết một con ngựa đã thành vô dụng. Những ai còn có thể đứng được, giúp đỡ người khác làm như vậy. Khi một người lảo đạo, bạn bè quây lại anh ta để che giấu việc anh ngã và nâng anh dậy thật nhanh, trước khi một tên lính canh nhận thấy. Xung quanh chúng tôi, nhưng cánh đồng nho trải ra ngút tầm mắt. Cành nho trĩu những chùm quả mà mùa hè nóng như thiêu đã làm chín sớm. Chúng tôi những muốn hái và để những trái nho vỡ ra trong cái miệng khô rang của mình, nhưng chỉ có bọn lính, đang hò hét chúng tôi giữ nguyên hàng lối, là được lấy nho đầy mũ và nhấm nháp, trước mặt chúng tôi.
Và chúng tôi đi qua, như những bóng ma, cách các gốc nho vài mét.
Lúc ấy tôi nhớ đến lời bài hát Cồn đất Đỏ. Em còn nhớ chứ? Ai sẽ uống rượu vang kia, là uống máu bạn bè.
Đã mười cây số rồi, bao nhiêu người nằm sóng sượt trong các đường hào đằng sau chúng tôi? Khi chúng tôi đi ngang qua các thôn làng, dân chúng hoảng sợ nhìn đoàn người lạ lùng đang tiến bước. Một số người muốn giúp đỡ chúng tôi, họ chạy đến với chúng tôi mang theo nước, nhưng bọn quốc xã hung tợn đẩy họ ra. Khi các cánh cửa sổ một ngôi nhà mở ra, binh lính bắn vào ô cửa.
Một tù nhân rảo bước. Anh biết rằng vợ anh đi ở phía đầu đoàn người, cô xuống tàu từ một trong những toa đầu tiên. Chân rướm máu, anh đuổi kịp cô và, chẳng nói gì, cầm lấy chiếc va li trong tay cô và xách thay cho cô.
Họ cùng sóng bước bên nhau, cuối cùng cũng được sum họp, nhưng chẳng có quyền nói rằng mình yêu nhau. Họ chỉ dám trao lén cho nhau một nụ cười, e rằng vì thế mà mất đi cuộc sống. Còn lại gì đây, từ cuộc sống của họ?
Một thôn làng khác, ở một khúc ngoặt, cánh cửa một ngôi nhà mở ra. Bọn lính, bản thân chúng cũng bải hoải vì cái nóng, bớt theo dõi chặt chẽ. Người tù cầm lấy tay vợ và ra hiệu cho cô lẻn vào khuôn cửa, anh sẽ che chắn cho cô trốn. Anh run giọng thì thào:
- Đi đi em.
- Em sẽ ở lại với anh, cô đáp. Em không đi cả con đường vừa qua để giờ đây rời bỏ anh. Chúng ta sẽ trở về cùng nhau, hoặc không hề
Cả hai người cùng chết ở Dachau.
Cuối buổi chiều, chúng tôi đến Sorgues. Lần này, hàng trăm người dân nhìn chúng tôi đi qua thị trấn của họ và đến nhà ga. Bọn Đức lúng túng, Schuster đã không dự đoán được dân chúng sẽ đổ ra đông đến thế. Mọi người sáng tạo ra những cách trợ giúp. Binh lính không thể ngăn giữ họ, chúng bị quá tải. Trên sân ga, dân làng mang đến thức ăn, rượu vang mà bọn quốc xã liền chiếm lấy. Lợi dụng sự đông đúc hỗn độn, một số người giúp vài tù nhân trốn thoát. Họ trùm lên người các anh một chiếc áo khoác ngắn của nhân viên hỏa xa, của nông dân, luồn dưới nách các anh một sợi nhỏ trái cây, cố làm cho các anh giống như một trong những người đến trợ giúp, và kéo các anh ra xa nhà gã trước khi đưa về giấu ở nhà mình.
Lực lượng Kháng chiến, được báo trước, đã dự tính một hành động vũ trang để giải thoát đoàn tàu, nhưng binh lính quá đông, nếu vậy sẽ xảy ra một vụ tàn sát. Thất vọng, họ nhìn chúng tôi bị đưa lên một con tàu mới đang đợi trên sân ga. Nếu như khi bước chân lên những toa này, chúng tôi biết được rằng chưa đầy tám ngày nữa, Sorgues sẽ được quân đội Mỹ giải.
° ° °
Đoàn tàu lại lên đường nhân lúc đêm tối. Một cơn giông tố nổ ra, đem lại chút mát mẻ và vài giọt nước mưa; những giọt nước tuôn ròng ròng qua các khe hở trên nóc tàu, và chúng tôi uống lấy.
37
Ngày 19 tháng Tám
Tàu đang phóng nhanh. Đột nhiên, phanh nghiến ken két và đoàn tàu trượt trên các thanh ray, từng chùm tia lửa tóe ra dưới bánh xe. Bọn Đức nhảy khỏi tàu và lao xuống lề đường. Đạn xối ào ào xuống các toa, một đoàn phi cơ Mỹ bay lượn trên bầu trời. Chuyến lướt qua đầu tiên của các máy bay đã gây nên một vụ thảm sát thực sự. Mọi người lao ra cửa sổ, vẫy vẫy những mảnh vải, nhưng phi công ở quá cao nên không nhìn thấy và tiếng động cơ đã vang to hơn khi các máy bay lao xuống chúng tôi.
Thời khắc đông sững lại và tôi không còn nghe thấy gì nữa. Mọi sự diễn ra như thể đột nhiên, thời gian làm mỗi cử động của chúng tôi chậm lại. Claude đang nhìn tôi, Charles cũng vậy. Đối diện chúng tôi, Jacques mỉm cười, rạng rỡ, và miệng anh thổ ra một bụm máu; từ từ, anh quỵ xuống. François lao đến giữ lấy anh lúc anh ngã. Cậu đón trong vòng tay. Jacques có một lỗ thủng toang hoác ở lưng; có lẽ anh muốn nói với chúng tôi điều gì đó, nhưng không một âm thanh nào thoát khỏi cổ họng anh. Mắt anh mờ đi, François cố đỡ lấy đầu anh song vô hiệu, nó ngoẹo sang bên, giờ đây khi Jacques đã chết.
Má nhuốm máu người bạn tốt nhất của mình, người chưa bao giờ rời cậu trong cuộc hành trình dài này, François gào lên một tiếng "KHÔNG" tràn ngập không gian. Và chúng tôi không sao giữ nổi cậu, cậu lao mình đến cửa sổ, dùng hai bàn tay trần dứt bỏ dây thép gai. Một viên đạn Đức rít lên và cướp đi tai cậu. Lần này, chính máu cậu chảy xuống gáy, nhưng chẳng làm gì được, cậu cứ bám lấy thành toa và lách người ra bên ngoài. Vừa rơi mình xuống đất, cậu đứng ngay dậy, lao đến cửa toa và nhấc chốt lên để chúng tôi ra.
Tôi hãy còn nhìn thấy hình dáng François nổi rõ trong làn ánh sáng ban ngày. Phía sau cậu, trên bầu trời, những chiếc máy bay xoay lượn và lại bay về phía chúng tôi, và sau lưng cậu, tên lính Đức đang nhằm và bắn. Thân hình François bị hất về phía trước và một nửa gương mặt cậu ập xuống áo sơ mi của tôi. Người cậu giật nảy lên, một cái rung cuối cùng và François gặp Jacques trong cõi chết.
N gày 19 tháng Tám, ở Pierrelatte, trong bao người khác, chúng tôi đã mất đi hai người bạn.
° ° °
Đầu máy bốc khói khắp chỗ. Hơi nước phì ra từ các thành máy bị thủng. Đoàn tàu sẽ không đi tiếp. Có rất nhiều người bị thương. Một tên quân cảnh Đức vào làng tìm một thầy thuốc. Người đàn ông ấy có thể làm gì được, ông hoang mang trước các tù nhân nằm duỗi dài, ruột gan phơi ra, một số người chân tay đầy những vết thương toang hoác. Máyrở lại. Lợi dụng nỗi kinh hoàng trong những tên lính, Titonel chạy trốn . Bọn quốc xã bắn theo, một viên đạn xuyên trúng anh, nhưng anh tiếp tục băng qua các cánh đồng. Một nông dân cho anh nương náu và đưa anh đến bệnh viện Montélimer.
Bầu trời trở lại yên tĩnh. Dọc đường sắt, người thầy thuốc nông thôn van nài Schuster giao cho ông những người bị thương mà ông còn có thể cứu được, nhưng tên trung úy không muốn biết gì hết. Buổi tối, chúng đưa họ lên các toa tàu, đúng lúc một đầu máy mới từ Montélimar tới.
° ° °
Gần một tuần lễ nay các Lực lượng Pháp tự do và ở nội địa chuyển sang tấn công. Bọn quốc xã tán loạn, việc rút lui bắt đầu. Các đường sắt, cũng như quốc lộ 7, là mục tiêu của những trận chiến dữ dội. Các đạo quân Mỹ, đoàn xe bọc thép của tướng de Lattre de Tassigny, đổ bộ ở Provence, đang tiến lên phía Bắc. Thung lũng sông Rhône là một ngõ cụt đ̔ Schuster. Nhưng các Lực lượng Pháp thoái lui để hỗ trợ cho quân Mỹ đang nhằm vào Grenoble; họ đã tới Sisteron. Mới hôm qua thôi, chúng tôi chẳng có cơ hội nào băng qua thung lũng, nhưng quân Pháp đã nhất thời nới lỏng gọng kìm. Tên trung úy lợi dụng điều đó, đây chính là lúc qua, hoặc không bao giờ hết. Ở Montélimar, đoàn tàu dừng tại ga, trên con đường mà các tàu xuống phía Nam thường đi qua.
Schuster muổn ũ đi thật nhanh những người chết và bỏ họ lại cho hội Chữ thập Đỏ.
Richter, chỉ huy Gestapo tại Montélimar, có mặt ở hiện trường. Khi bà phụ trách hội Chữ thập Đỏ yêu cầu y giao cho bà cả những người bị thương, y dứt khoát từ chối.
Thế là bà quay lưng lại với hắn và bỏ đi. Y hỏi bà đi đâu vậy.
- Nếu các người không để tôi mang những người bị thương đi cùng tôi, thì các người hãy tự xoay xở với các tử thi của các người.
Richter và Schuster hội ý với nhau, cuối cùng chúng nhượng bộ và thề rằng chúng sẽ quay lại tìm các tù nhân này ngay khi họ khỏi.
Từ cửa sổ các toa, chúng tôi nhìn bạn bè ra đi trên những chiếc cáng, có những người rên rỉ, có những người không nói gì nữa hết. Các thi hài được xếp trên nền đất của phòng đợi. Một nhóm nhân viên hỏa xa buồn rầu nhìn họ, ngả mũ và tôn vinh họ lần cuối. Hội Chữ thập Đỏ đưa những người bị thương về bệnh viện, và để gạt mọi thèm muốn của bọn quốc xã vẫn đang chiếm đóng thành phố, bà phụ trách hội Chữ thập Đỏ bịa ra là tất cả bọn họ đều bị sốt phát ban, một bệnh dễ lây kinh khủng.
Trong khi những xe tải nhỏ của hội Chữ thập Đỏ đi xa dần, người ta đưa những người chết ra nghĩa trang.
Trong số những thi hài nằm trong huyệt, đất khép lại trên gương mặt của Jacques và Francois.
° ° °
Ngày 20 tháng Tám
Tàu lăn bánh về hướng Valence. Nó dừng lại trong một đường hầm để ẩn nấp tránh một phi đội. Dưỡng khí thiếu đến nỗi tất cả chúng tôi đều bất tỉnh. Khi đoàn tàu vào ga, một phụ nữ lợi dụng sự sơ ý của một tên quân cảnh Đức và vung vẩy một tấm biển từ cửa sổ nhà mình. Chúng tôi đọc thấy: "Paris đang bị bao vây, can đảm lên."
Ngày 21 tháng Tám
Chúng tôi đi ngang qua Lyon. Vài giờ sau khi chúng tôi qua, Lực lượng nội địa Pháp đốt các kho nhiên liệu của sân bay Bron. Bộ tham mưu Đức rời bỏ thành phố. Mặt trận tiến lại gần chúng tôi, nhưng đoàn tàu tiếp tục đi. Ở Chalon, lại dừng, nhà ga tan hoang. Chúng tôi gặp các đơn vị của Luftwaffe 1 đang đi về phía Đông. Một viên đại tá Đức suýt nữa cứu được mạng sống của vài tù nhân. Y đòi lấy của Schuster hai toa tàu. Binh lính và vũ khí của y quan trọng hơn nhiều so với những kẻ vật vờ xơ xác mà viên trung úy đang giữ trên tàu. Hai tên gần như xô xát, nhưng Schuster có miệng lưỡi cay chua gay gắt. Y sẽ chở tất cả những tên Do Thái, ngoại kiều và khủng bố này tới tận Dauchau. Không một ai trong chúng tôi sẽ được thả và đoàn tàu lại lên đường.
Trên toa của tôi, cửa mở ra. Ba lính Đức trẻ có gương mặt lạ chìa cho chúng tôi những miếng phô mai và cánh cửa đóng lại ngay tức khắc. Từ ba mươi sáu giờ nay,, chúng tôi chưa nhận được nước uống cũng như thực phẩm. Bạn bè lập tức tổ chức phân phối một cách công bằng.
Tại Beaune, dân chúng và hội Chữ thập Đỏ đến giúp đỡ chúng tôi. Họ mang cho chúng tôi đồ tiếp tế. Bọn lính chiếm lấy các hòm rượu vang. Chúng uống say, và khi tàu lại khởi hành, chúng chơi trò bắn súng tiểu liên vào mặt tiền các ngôi nhà ven đường sắt.
Đi chưa được ba mươi cây số, giờ đây chúng tôi đang ở Dijon. Một sự lộn xộn kinh khủng ngự trị tại nhà ga. Không một con tàu nào còn lên được phía Bắc. Trận chiến đường sắt rất dữ dội. Các nhân viên hỏa xa muốn ngăn không cho tàu ra đi. Các trận bom liên miên. Nhưng Schuster sẽ không bỏ cuộc và, bất kể sự phản đối của các công nhân Pháp, đầu máy rít còi, các thanh chuyền lại chuyển động, và đầu máy lại kéo đi đoàn người kinh khủng của nó.
Nó sẽ chẳng đi xa được mấy, phía trước, các thanh ray bị chuyển dịch. Bọn lính lùa chúng tôi xuống và bắt chúng tôi làm việc. Thế là từ người đi đày, giờ đây chúng tôi trở thành tù khổ sai. Dưới ánh nắng thiêu đốt, trước bọn quân cảnh Đức lăm lăm chĩa súng vào mình, chúng tôi đặt lại những thanh ray mà lực lượng Kháng chiến đã tháo dỡ. Chúng tôi sẽ không được uống nước cho đến khi việc sửa chữa hoàn tất, đứng trên mặt sàn của đầu máy, Schuster.
° ° °
Dijon ở phía sau chúng tôi. Vào lúc sẩm tối, chúng tôi vẫn còn muốn tin rằng mình sẽ thoát. Du kích tấn công đoàn tàu, không khỏi thận trọng để tránh làm chúng tôi bị thương, và bọn lính lập tức đánh trả từ sàn toa móc ở đầu đoàn tàu, đẩy lui địch thủ. Nhưng trận đánh lại tiếp tục, du kích đi theo chúng tôi trong hành trình địa ngục dẫn chúng tôi đến gần biên giới Đức một cách tàn khốc không gì lay chuyển nổi; một khi đã vượt qua biên giới ấy, chúng tôi biết, mình sẽ không trở lại. Và cứ mỗi cây số trôi nhanh dưới các bánh xe, chúng tôi lại tự hỏi còn bao nhiêu cây số nữa ngăn cách mình với nước Đức.
Thỉnh thoảng, bọn lính lại bắn súng liên thanh vào miền quê, chúng thấy một bóng dáng khiến chúng lo ngại chăng?
Ngày 23 tháng Tám
Chưa bao giờ cuộc hành trình lại không sao chịu nổi như thế này. Những ngày cuối cùng nóng như thiêu đốt. Chúng tôi không còn đồ ăn, nước uống. Các quang cảnh chúng tôi đi qua tiêu điều hoang phế. Đã hai tháng kể từ khi rời sân nhà ngục Saint-Michel, hai tháng từ khi cuộc hành trình khởi đầu, và trên gương mặt hốc hác của chúng tôi, những con mắt trũng sâu trong hố mắt nhìn thấy xương cốt mình in rõ từng chi tiết dọc các thân hình đã róc hết thịt. Những người đã chống lại được sự rồ dại thác loạn đắm mình trong niềm câm lặng sâu thẳm. Thằng em tôi, với đôi má hóp, giống như một ông lão ấy thế mà, mỗi lần tôi nhìn nó, là nó lại mỉm cười với tôi.
Ngày 25
Hôm qua, có những tù nhân bỏ trốn, Nitti và một vài người bạn của anh tháo được các tấm ván, lợi dụng bóng đêm họ nhảy xuống đường ray. Tàu vừa qua ga Lécourt. Người ta tìm thấy thi thể một người, bị tiện làm đôi, một người khác bị đứt rời chân, cả thảy sáu người chết. Nhưng Nitti và mấy người khác đã trốn thoát. Chúng tôi xúm quanh Charles. Với tốc độ của đoàn tàu, vấn đề chỉ còn tính bằng giờ trước khi chúng tôi vượt qua biên giới. Các phi cơ bay lượn nhiều lần bên trên chúng tôi song vô hiệu, họ sẽ không giải thoát được chúng tôi.
- Chúng ta chỉ có thể tự trông cậy vào mình mà thôi, Charles càu nhàu.
- Ta thử làm chứ? Claude hỏi.
Charles nhìn tôi, tôi gật đầu đồng ý. Chúng tôi có gì để mất nào?
Charles nói tỉ mỉ với chúng tôi kế hoạch của anh. Nếu chúng tôi mở được vài tấm ván ở sàn toa, chúng tôi sẽ để mình trườn qua lỗ hổng. Lần lượt, bạn bè sẽ giữ lấy người chui xuống đó. Khi có tín hiệu, họ sẽ thả anh ta ra. Lúc đó anh ta sẽ phải để mình rơi xuống, hai tay buông dọc theo người để khỏi bị bánh xe cán đứt. Nhất là không được ngẩng đầu lên, kẻo có nguy cơ bị chiếc trục sẽ lướt tới hết tốc lực tiện mất đầu. Phải đếm những toa sẽ đi qua bên trên mình, mười hai, mười ba có lẽ? Rồ đợi, bất động, cho làn ánh sáng đỏ của con tàu đi xa xa trước khi nhỏm dậy. Để tránh kêu lên một tiếng sẽ báo động cho bọn lính trên sàn, người nào nhảy xuống sẽ nhét một miếng giẻ vào miệng mình. Và trong khi Charles cho chúng tôi nhắc lại cách làm, thì một người đứng dậy và bắt tay vào việc. Dùng hết sức lực, anh nhổ một chiếc đanh. Những ngón tay anh trườn dưới mẩu kim loại và cố làm nó xoay không ngừng nghỉ. Thời gian hối thúc, liệu chúng tôi có còn đang ở trên đất Pháp hay không?
Chiếc đanh long ra. Hai bàn tay đầy máu, người đó cầm lấy nó và hì hục với lớp gỗ cứng; anh lôi kéo những tấm ván chỉ hơi động đậy và lại đào khoét nữa. Lòng bàn tay bị xuyênhưng thủng khắp chỗ, anh không biết đến cái đau và tiếp tục công việc. Chúng tôi muốn giúp anh nhưng anh đẩy ra. Chính cái cánh cửa tự do đang được anh vẽ nên trên sàn toa tàu ma này, và anh nài nỉ mọi người để anh làm. Con người này sẵn sàng chết nhưng không phải chết mà chẳng được việc gì, nếu ít ra anh có thể cứu được những mạng sống xứng đáng, thế thì mạng sống của anh cũng giúp được điều gì đó. Anh không bị bắt vì hoạt động kháng chiến, mà chỉ vì vài trò trộm vặt, do ngẫu nhiên mà anh thấy mình ở trong toa của đội 35. Thế là anh van nài chúng tôi để anh làm, anh nợ chúng tôi điều đó, anh vừa nói vừa đào khoét thêm nữa thêm nữa.
Giờ đây, hai bàn tay anh chỉ còn là những mảnh thịt da tơi tả, nhưng cuối cùng sàn toa xê dịch. Armand lao đến và tất cả chúng tôi giúp anh lật lên một tấm ván đầu tiên, rồi một tấm nữa. Lỗ hổng đã đủ rộng để trườn người qua. Tiếng bánh xe ầm ầm tràn ngập trong toa, các thanh ray lướt qua dưới mắt chúng tôi nhanh vùn vụt. Charles quyết định thứ tự theo đó chúng tôi sẽ nhảy.
- Jeannot, cậu ra đầu tiên, rồi đến Claude, sau đó là Marc, Samuel...
- Tại sao chúng tôi ra trước tiên?
- Vì các cậu là những người ít tuổi nhất.
Marc, kiệt sức, ra hiệu cho chúng tôi phục tùng. Claude không tranh cãi.
Chúng tôi phải mặc lại y phục. Lồng áo quần vào lớp da đầy mụn nhọt là một cực hình. Armand, người thứ chín sẽ nhảy, rủ anh bạn đã khoét lỗ hổng cùng vượt ngục với chúng tôi.
- Không, anh nói, tôi sẽ là kẻ giữ chân người cuối cùng nhảy xuống trong các anh. Cũng phải có một kẻ chứ, phải không nào?
- Các anh không thể đi bây giờ được, một người khác ngồi dựa vào thành toa nói. Tôi biết khoảng cách ngăn mỗi trụ đường, tôi đã đếm số giây đồng hồ giữa chúng. Tàu đang chạy ít ra là sáu mươi cây số một giờ, tất cả các anh sẽ gãy cổ với tốc độ đó. Phải đợi cho đoàn tàu giảm tốc độ, bốn mươi cây số một giờ, là tối đa.
Người ấy hiểu mình đang nói gì: trước chiến tranh, anh lắp đặt các đường ray xe hỏa.
- Thế nếu đầu máy lại ở đuôi đoàn tàu chứ không phải ở đầu thì sao? Claude hỏi.
- Thì các anh sẽ toi hết, người đàn ông trả lời. Còn có nguy cơ nữa là nhỡ bọn Đức đóng một thanh ngang ở cuối toa sau cùng, nhưng đó là một nguy cơ phải liều.
- Tại sao chúng lại làm thế?
- Thì chính là để người ta không thể nhảy xuống đường ray chứ sao!
Và đột nhiên, trong lúc chúng tôi đang cân nhắc lợi hại, thì đoàn tàu giảm tốc độ.
- Đây chính là thời điểm hoặc không bao giờ, người lắp đặt các đường tàu khi đất nước còn yên bình nói.
- Đi đi anh! Claude nói. Dù sao anh cũng biết điều gì đang chờ chúng ta khi tới nơi.
Charles và Claude đỡ lấy nách tôi. Tôi nhét miếng giẻ vào miệng và hai cẳng chân thò xuống lỗ hổng toang hoác. Phải giữ không cho chân mình chạm đất trước khi các bạn phát tín hiệu, nếu không thân thể tôi sẽ lộn ngược lại, bị đớp lấy và xé nát trong một giây đồng hồ. Bụng tôi đau, ở đó chẳng còn một cơ bắp nào sẽ giúp tôi giữ tư thế này.
- Bây giờ! Claude kêu lên với tôi.
Tôi rơi xuống, mặt đất va vào lưng tôi. Không động cựa, tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc. Cách vài centimet mỗi bên, các bánh xe lướt qua, kêu rin rít trên đường ray. Mỗi trục bánh xe lướt qua mình, tôi lại cảm thấy luồng không khí do trục làm chuyển động và mùi kim loại. Đếm các toa, tim tôi đập thật mạnh trong lồng ngực. Còn ba toa nữa, có lẽ là bốn? Claude đã nhảy chưa? Tôi muốn được ôm nó một lần nữa trong vòng tay, bảo nó rằng nó là em tôi, rằng nếu không có nó, chẳng bao giờ tôi còn sống sót, chẳng bao giờ tôi có thể thực hiện cuộc chiến đấu này.
Tiếng ầm ầm lịm tắt và tôi nghe con tàu đi xa dần trong lúc bóng đêm bao quanh tôi. Có phải cuối cùng tôi đang hít thở không khí của tự do?
Xa xa, ánh đèn đỏ của đoàn tàu mờ dần rồi biến mất ở khúc quanh đường sắt. Tôi vẫn sống; trên bầu trời, mặt trăng tròn đầy.
- Đến lượt cậu, Charles ra lệnh.
Claude nhét khăn tay vào miệng và trườn hai ống chân giữa các tấm ván. Nhưng các chiến hữu lại kéo nó lên ngay lập tức. Con tàu lắc lư, nó đang dừng sao? Báo động giả. Nó đang qua một cây cầu xập xệ. Mọi người làm lại và lần này, gương mặt của Claude khuất dạng.
Armand ngoảnh lại. Marc quá kiệt sức không nhảy được.
- Hãy lấy lại sức, mình cho các bạn khác qua rồi chúng ta sẽ qua sau.
Marc gật đầu đồng ý. Samuel nhảy, Armand là người cuối cùng chui xuống lỗ hổng. Marc không muốn xuống. Người đàn ông đã khoét sàn toa xốc lấy Marc.
- Đi thôi, cậu có gì để mất nào?
Thế là cuối cùng Marc quyết định. Đến lượt anh thả mình và trườn xuống. Đoàn tàu bỗng hãm phanh đột ngột. Bọn quân cảnh Đức lập tức xuống tàu. Nằm nép giữa hai thanh ray, anh thấy chúng đi về phía mình, chân anh không còn sức giúp anh chạy trốn và bọn lính bắt anh. Chúng dẫn anh trở lại một toa. Dọc đường, chúng đ đập anh dữ dằn đến mức anh bất tỉnh.
Armand vẫn nằm bám lấy các trục bánh xe để thoát khỏi ánh đèn của bọn lính đi tuần tìm kiếm những người vượt ngục khác. Thì giờ trôi qua. Anh cảm thấy các cánh tay mình sắp rời ra. Gần kề mục tiêu đến thế, không thể nào, thế là anh cưỡng lại; tôi đã bảo em rồi, chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Và đột nhiên, đoàn tàu chuyển mình. Anh bạn chờ cho tàu lấy lại chút tốc độ và để mình rơi xuống đường. Và anh là người cuối cùng nhìn thấy ánh đèn đỏ tắt đi ở đằng xa.
Con tàu khuất dạng có lẽ đã nửa giờ đồng hồ. Như đã thỏa thuận với nhau, tôi đi ngược lên con đường săt, để gặp các bạn. Claude có sống sót hay không? Chúng tôi có đang ở nước Đức hay không?
Trước mặt tôi thấp thoáng một cây cầu do một tên lính Đức canh gác. Đó là cây cầu mà em tôi suýt nữa nhảy xuống, đúng lúc Charles giữ nó lại. Tên lính gác đang ngâm nga bài hát Lili Marlene. Điều đó dường như trả lời một trong hai câu hỏi ám ảnh tôi, câu kia liên quan đến em tôi. Cách duy nhất để vượt chướng ngại vật này là trườn trên một trong những thanh xà đỡ lấy bản cầu. Cheo leo trên khoảng không, tôi tiến lên giữa đêm khuya trong sáng, mỗi lúc lại sợ người ta chộp đ mình.
° ° °
Tôi đã đi lâu đến mức không còn đếm nổi các bước chân của mình, cũng như các thanh ray mà mình đi dọc theo. Mà phía trước tôi, vẫn là sự thinh lặng ấy và không một bóng người. Tôi là người duy nhất còn sống sót hay sao? Tất cả các chiến hữu đều chết hay sao? "Cơ hội thoát được của các anh là một phần năm", cựu công nhân đặt đường ray đã bảo thế. Còn thằng em tôi, mẹ kiếp? Không thể thế được! Giết tôi tắp lự đi nhưng nó thì không. Sẽ không xảy ra điều gì với nó, tôi sẽ dẫn nó trở về, tôi đã thề với mẹ như vậy, trong giấc mơ tệ hại nhất của mình. Tôi tưởng mình không còn nước mắt nữa, không bao giờ còn lý do để khóc nữa, ấy thế mà, quỳ giữa những thanh ray, một mình trong miền quê vắng vẻ này, thú thật với em, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Không có thằng em tôi, thì tự do để làm gì? Con đường trải dài ra phía xa và chẳng thấy Claude đâu.
Một bụi cây rung rinh khiến tôi ngoái đầu lại.
- Nào, anh có định thôi khóc nhè và đến giúp em một tay không? Những cái gai này đau thấy mồ.
Claude, đầu chúc xuống dưới, bị vướng vít trong một bụi gai. Nó làm thế nào để lâm vào tình thế như vậy chứ?
- Hãy gỡ em ra đã rồi em giải thích cho anh sau! nó cảu nhảu.
Và trong khi đang lôi nó ra khỏi những cành cây giữ chặt lấy nó, tôi nhìn thấy hình bóng của Charles lảo đảo đi về phía chúng tôi.
Con tàu đã mất tăm mãi mãi. Charles ôm lấy chúng tôi, khóc lóc đôi chút. Claude cố hết sức nhổ những chiếc gai cắm vào đùi nó. Samuel giữ lấy gáy, che một vết thương tai ác bị khi nhảy xuống. Chúng tôi vẫn không biết mình đang ở Pháp hay đã ở trên đất Đức.
Charles lưu ý chúng tôi rằng chúng tôi đang ở chỗ trống và đã đến lúc ra khỏi đây. Chúng tôi đi vào một khu rừng nhỏ, khiêng Samuel không còn sức, và nấp sau cây cối chờ trời sáng.
--------------------------------
1. Không lực của nhà nước quốc xã Đức.
38
Ngày 26 tháng Tám
Bình minh lênã mất rất nhiều máu trong đêm.
Trong lúc những người khác còn ngủ, tôi nghe tiếng anh rên rỉ. Anh gọi tôi, tôi lại gần anh. Mặt anh trắng bệch. Anh thì thầm:
- Ngu thế chứ, gần kề đích đến vậy!
- Anh đang nói về chuyện gì?
- Đừng làm thằng ngốc, Jeannot, mình sắp đi, mình không còn cảm nhận được chân mình nữa và mình thấy lạnh ghê gớm.
Môi anh tím ngắt, anh run lập cập, thế là tôi ôm chặt lấy anh để sưởi cho anh hết mức mình có thể.
- Dù sao cũng là một cuộc vượt ngục ra trò, phải không?
- Đúng, Samuel ạ, đó là một cuộc vượt ngục ra trò.
- Cậu có ngửi thấy không khí thơm biết mấy- Hãy giữ sức, anh bạn ạ.
- Để làm gì chứ? Với mình chỉ còn tính giờ thôi. Jeannot này, một ngày nào đó cậu sẽ phải kể lại câu chuyện của chúng ta. Không được để nó tan biến đi như mình.
- Im đi, Samuel, anh đang nói những điều vớ vẩn và tôi không biết kể chuyện.
- Nghe này, Jeannot, nếu cậu không làm được việc ấy, thì các con cậu sẽ làm thay cậu, cậu cần phải yêu cầu chúng làm. Thề với mình đi.
- Con cái nào cơ?
- Cậu sẽ thấy, Samuel tiếp tục nói trong cơn mê sảng đầy ảo giác. Sau này cậu sẽ có con, một đứa, hai đứa, hay hơn nữa mình không biết, quả thực mình không còn thì giờ đếm nữa. Lúc đó cậu cần phải yêu cầu chúng một điều gì đó do mình nhờ, cần bảo chúng là điều ấy rất quan trọng với mình. Cũng tựa tựa như chúng thực hiện một điều mà cha chúng đã hứa trong một quá khứ sẽ không tồn tại nữa. Bởi vì cái quá khứ chiến tranh này sẽ không tồn tại nữa, rồi cậu sẽ thấy. Cậu sẽ bảo chúng kể lại câu chuyện của chúng ta trong thế giới tự do của chúng. Rằng chúng ta đã chiến đấu vì chúng. Cậu sẽ dạy cho chúng biết rằng trên trái đất này không gì quan trọng hơn cái tự do chết tiệt có thể phục tùng kẻ nào trả giá cho nó nhiều hơn. Cậu cũng bảo chúng rằng cái ả tệ mạt ấy tình yêu của con người, rằng nó sẽ luôn tuột khỏi tay những kẻ muốn giam cầm nó, rằng nó sẽ luôn đem chiến thắng đến cho người nào tôn trọng nó mà chẳng bao giờ hy vọng giữ nó trong giường mình. Hãy bảo chúng, Jeannot, bảo chúng kể lại tất cả những điều ấy hộ mình, với những từ ngữ của chúng, những từ ngữ của thời đại chúng. Từ ngữ của mình chỉ được tạo ra bằng âm sắc của xứ sở mình, bằng máu mình đang có trong miệng và trên tay.
- Đừng nói nữa, Samuel, anh làm mình kiệt sức vô ích.
- Jeannot, hãy hứa với mình điều này: hãy thề với mình là một ngày kia cậu sẽ yêu. Mình muốn làm điều đó biết mấy, muốn có thể yêu biết mấy. Hứa với mình là cậu sẽ bồng một đứa trẻ trên tay và trong ánh nhìn đầu tiên của cuộc sống mà cậu sẽ tặng cho nó, trong ánh nhìn của người cha, cậu sẽ để vào đó một chút tự do của mình. Thế thì, nếu cậu làm điều ấy, sẽ còn lại cái gì đó của mình trên trái đất chết tiệt này.
Tôi đã hứa và Samuel chết lúc trời sáng. Anh hít vào thật mạnh, máu chảy ra từ miệng anh, rồi tôi thấy hàm anh co rút lại bởi cái đau dữ dội quá. Vết thương nơi cổ anh đã ngả sang tím nhạt. Nó vẫn giữ màu như vậy. Tôi tin rằng dưới lớp đất phủ lên anh, trong cánh đồng miền Marne-Thượng này, một chút sắc tím đó vẫn chống lại với thời gian, và với sự phi lý của con.
° ° °
Vào giữa ngày, chúng tôi thấy ở phía xa một nông dân đang tiến bước trên cánh đồng. Trong tình trạng của chúng tôi, đói khát và bị thương, chúng tôi sẽ không trụ được lâu nữa. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định là tôi sẽ gặp người ấy. Nếu người ấy là dân Đức, tôi sẽ giơ hai tay lên trời, các bạn sẽ vẫn ẩn nấp trong khu rừng nhỏ.
Trong lúc đi về phía người ấy, tôi không biết ai trong hai người sẽ làm người kia hoảng sợ hơn. Tôi, tả tơi rách rưới, trong áo quần của hồn ma, hay người mà tôi còn chưa biết là sẽ nói với tôi bằng ngôn ngữ nào. Tôi vừa kêu lên vừa chìa tay với người ấy:
- Tôi là một tù nhân trốn khỏi một đoàn tàu đưa người đi đày và tôiđược giúp đỡ.
- Anh chỉ có một mình ư? người ấy hỏi tôi.
- Vậy bác là người Pháp ư?
- Chắc chắn tôi là người Pháp chứ sao, rõ thật! Hỏi gì lạ! Nào, lại đây, tôi đưa anh về trại, người chủ trại kinh hãi nói, anh ở trong tình trạng tệ hại quá!
Tôi ra hiệu cho các bạn, họ lập tức chạy đến.
° ° °
Hôm ấy là ngày 26 tháng Tám năm 1944, và chúng tôi được cứu thoát.
39
Marc tỉnh lại sau khi chúng tôi đào thoát ba hôm, đoàn tàu do Schuster dẫn dắt đi vào trại tử thần Dachau, đích cuối cùng mà nó đạt tới vào ngày 28 tháng Tám năm 1944.
Trong số bảy trăm tù nhân tuy thế vẫn còn sống sót sau cuộc hành trình khủng khiếp, chỉ một nhúm người thoát chết.
Trong khi quân đội đồng minh đang giành lại quyền kiểm soát đất nước, Claude và tôi lấy được một chiếc xe hơi do bọn Đức bỏ lại. Chúng tôi đã đi ngược các trận tuyến và đến Montélimar tìm thi hài của Jacques và Francçois để đem về cho gia đình các bạn.
Mười tháng sau, một sáng mùa xuân năm 1945, sau hàng rào sắt của trại Ranvensbruck, Osna, Damira, Marianne và Sophie nhìn thấy các đạo quân Mỹ đến và giải thoát họ. Trước đó ít lâu, ở Dachau, Marc còn sống sót cũng đã được giải thoát.
Claude và tôi không bao giờ gặp lại cha.
° ° °
Chúng tôi đã nhảy khỏi con tàu ma vào ngày 25 tháng Tám năm 1944, đúng ngày Paris được giải phóng.
Những ngày sau, người chủ trại và gia đình chăm sóc chúng tôi tận tình. Tôi còn nhớ cái buổi tối họ làm cho chúng tôi món trứng tráng. Charles lặng lẽ nhìn chúng tôi; gương mặt các chiến hữu ngồi quanh bàn ăn tại nhà ga nhỏ Loubers trở lại trong ký ức chúng tôi.
° ° °
Một buổi sáng, thằng em đánh thức tôi.
- Lại đây anh, nó vừa nói vừa lôi tôi ra khỏi giường.
Tôi theo nó ra bên ngoài nhà kho nơi Charles và những người khác vẫn đang ngủ.
Chúng tôi bước đi như vậy, bên nhau, không nói một lời, cho đến khi thấy mình ở giữa một cánh đồng rạ rộng lớn. Claude cầm tay tôi mà bảo:
- Nhìn đi anh.
Những hàng chiến xa Mỹ và những hàng chiến xa của binh đoàn Leclerc đang quy tụ phía xa xa về hướng Đông. Nước Pháp được giải phóng.
Jacques nói đúng, mùa xuân đã trở lại... và tôi cảm thấy bàn tay của thằng em siết chặt lấy tay tôi.
Trên cánh đồng rạ ấy, thằng em tôi và tôi đã là và mãi mãi sẽ là hai đứa con của tự do, lạc giữa sáu mươi triệu người chết.
Đoạn kết:
Một buổi sáng tháng Chín năm 1974, tôi sắp mười tám tuổi, mẹ bước vào phòng tôi. Mặt trời chỉ mới mọc và mẹ thông báo rằng tôi sẽ không đến trường.
Tôi nhỏm dậy trên giường. Năm nay, tôi chuẩn bị thi tú tài và tôi ngạc nhiên vì mẹ đề nghị tôi bỏ buổi học. Mẹ đi với cha cả ngày và muốn em gái tôi và tôi cùng đi. Tôi hỏi đi đâu, mẹ nhìn tôi với nụ cười chẳng bao giờ rời mẹ- Nếu con hỏi cha, có lẽ dọc đường cha sẽ nói với con về một câu chuyện mà cha chưa bao giờ kể cho các con.
Chúng tôi tới Toulouse vào giữa ngày. Một xe hơi đợi chúng tôi ở nhà ga và đưa chúng tôi đến quảng trường lớn của thành phố.
Trong lúc em gái tôi và tôi ngồi vào bậc khán đài gần như vắng vẻ không người, thì cha tôi và chú em cha, cùng đi có một số nam giới và phụ nữ, bước xuống các bậc, tiến về một lễ đài dựng giữa sân cỏ. Mọi người xếp thành hàng, một bộ trưởng tiến về phía họ và đọc một bài diễn văn:
"Vào tháng Mười một năm 1942, những người Lao động nhập cư ở miền Tây Nam đã tự tổ chức thành phong trào kháng chiến vũ trang để lập ra đội 35 FTP-MOI 1.
Là người Do Thái, công nhân, nông dân, đa số là người nhập cư Hungari, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumani, Italia, Nam Tư, hàng trăm hàng trăm người trong số họ đã tham gia giải phóng Toulouse, Montauban, Agen; họ đã có mặt ở mọi trận chiến để đuổi quân thù ra khỏi Garonne-Thượng, khỏi Tarn, khỏi Tarn-et-Garonne, khỏi Ariège, khỏi Gers, khỏi các miền Pyrénées-Thượng và Hạ.
Nhiều người trong số họ đã bị đi đày hoặc đã hy sinh, theo gương người chỉ huy Marcel Langer...
Bị truy đuổi, chịu khốn khổ, thoát khỏi lãng quên, họ là biểu tượng của tình anh em được đào luyện trong cảnh đau khổ sinh ra từ sự chia rẽ, và cũng là biểu tượng cho sự dấn thân của những người phụ nữ, những trẻ em và những người đàn ông đã góp phần khiến đất nước chúng ta, đất nước đã bị nộp cho bọn quốc xã làm con tin, từ từ ra khỏi sự thinh lặng để cuối cùng phục sinh...
Cuộc chiến đấu, bị pháp luật thời ấy kết tội, là một cuộc chiến đấu vinh quan. Nó là thời kỳ mà cá nhân vượt lên thân phận của chính mình khi khinh thường thương tích, sự tra tấn, cảnh tù đày và cái chết.
Chúng ta có bổn phận dạy cho con cái chúng ta biết cuộc chiến đấu ấy mang những giị xiết bao thiết yếu, biết cuộc chiến đấu ấy, do phải trả giá hết sức nặng nề cho tự do, nên xiết bao xứng đáng được khắc ghi trong ký ức của nước Cộng hòa Pháp 2."
Bộ trưởng cài một huân chương lên ve áo của họ. Khi một người trong số họ, nổi bật bởi màu tóc đỏ hoe, đến lượt nhận huân chương, thì một người đàn ông bước lên lễ đài. Ông mặc trang phục màu xanh nước biển của Không lực Hoàng gia Anh và đội mũ lưỡi trai trắng. Ông lại gần con người, thời xưa, mang tên Jeannot và thong thả chào người đó như người ta chào một quân nhân. Thế là, cặp mắt của một cựu phi công và cặp mắt của một cựu tù nhân đi đày lại gặp nhau.
° ° °
Vừa bước xuống khỏi lễ đài, cha tôi tháo huân chương cất vào túi áo vét. Ông đến bên tôi, khoác vai tôi và nói khẽ "Lại đây, cha cần phải giới thiệu con với bạn bè, rồi ta về nhà."
° ° °
Buổi tối, trong chuyến tàu đưa chúng tôi trở lại Paris, tôi chợt thấy cha náu mình trong thinh lặng, nhìn đồng quê lướt qua. Bàn tay cha đặt lơ đãng trên chiếc bàn nhỏ ngăn giữa chúng tôi. Tôi đã ấp bàn tay mình lên bàn tay ấy, điều này không phải là vô nghĩa, cha con tôi chẳng mấy khi chạm vào nhau. Cha không ngoảnh đầu lại, nhưng tôi có thể nhìn thấy, trong kính cửa sổ, bóng nụ cười của cha. Tôi hỏi cha tại sao cha đã không kể cho tôi tất cả những điều ấy sớm hơn, tại sao lại chờ đợi suốt thời gian ấ
Cha nhún vai.
- Con muốn cha nói gì với con nào?
Tôi thì tôi nghĩ rằng tôi những muốn được biết cha là Jeannot, tôi những muốn được mang theo câu chuyện của cha dưới bộ đồng phục học sinh của mình.
- Rất nhiều chiến hữu đã ngã xuống dưới những thanh ray này, chúng ta đã giết người. Về sau, cha chỉ muốn con nhớ rằng cha là cha của con.
Và, rất lâu về sau, tôi hiểu rằng cha đã muốn làm đầy tuổi thơ tôi bằng một tuổi thơ khác với tuổi thơ cha.
Mẹ không rời mắt khỏi cha. Mẹ đặt một nụ hôn lên môi cha. Qua ánh nhìn hai người trao cho nhau, em gái tôi và tôi đoán hiểu được họ đã yêu nhau biết mấy từ ngày đầu tiên.
Tôi nhớ lại những lời cuối cùng của Samuel
Jeannot đã giữ lời hứa.
Như thế đó, em yêu. Người đàn ông đứng tựa khuỷu tay bên quầy giải khát phố Tourneurs và mỉm cười trong vẻ thanh nhã của mình, đó là cha tôi.
Dưới mảnh đất Pháp này, bạn bè của cha yên nghỉ.
Mỗi lần ở nơi này hay nơi nọ tôi nghe thấy người nào đó phát biểu những ý tưởng của anh ta giữa một thế giới tự do, tôi lại nghĩ đến họ.
Lúc đó tôi nhớ rằng cái từ "Người nước ngoài" là một trong những lời hứa hẹn đẹp đẽ nhất của thế gian, một lời hứa hẹn đầy màu sắc, đẹp như Tự do.
Tôi sẽ không bao giờ có thể viết được cuốn sách này nếu không có những lời kể và các câu chuyện thu thập từ Une histoire vraie (Claude và Raymond Levy, NXB Français Réunis), La Vie des Francais sous l'Occcupation (Henri Amoroux, NXB Fayard), Les Parias de la Résistance (Claude Levy, NXB Calmann-Lévy), Ni travail, ni famille, ni patrie - Journal d'une brigade FTP-MOI, Toulouse, 1942-1944 (Gérard de Verbizier, NXB Calmann-Lévy), L'Odyssée du train fantôme. 3 juillet 1944: une page de notre histoire(Jürg Altwegg, NXB Robert Laffont), Schwartzenmurtz ou l'Esprit de parti (Raymond Levy, NXB Albin Michel) và Le Train Fantôme - Toulouse-Bordeaux, Sorgues-Dachau (Études Sorguaises).
Lời cảm ơn:
Emmanuelle Hardouin
Raymond và Danièle Levy, Claude Levy
Claude và Paulette Ur
Pauline Lévêque
Nicole Lattès, Leonello Brandolini, Brigitte Lannaud, Antoine Caro, Lydie Leroy, Anne-Marie Lefant, Elisabeth Villeneuve, Brigitte và Sarah Forissier, Tine Gerber, Marie Dubois, Brigitte Strauss, Serge Bovet, Céline Ducournau, Aude de Margerie, Arié Sberro, Sylvie Bardeau và tất cả các thành viên của Nhà xuất bản Robert Laffont.
Laurent Zahut và Marc Mehenni
Léonard Anthony
Éric Brame, Kamel Berkane, Phillippe Guez
Katrin Hodapp, Mark Kessler, Marie Garnero, Marion Millet, Johanna Krawczyk
Pauline Normand, Marie-Ève Provost
và
Susanna Lea và Antoine Audouard
--------------------------------
1. FPT (Francs-tireurs et partisans): Nghĩa quân và du kích.
MOI (Main-d'oeuvre immigrée): Lao động nhập cư.
2. Diễn văn của Charles Hemu, bộ trưởng bộ Quốc phòng (chú thích của tác giả).
Nguồn: http://vietmessenger.com/