Chương 16: Cuộc đi chơi trên núi sắp bắt đầu-Án sát Địch kéo tri huyện Lã ra khỏi bước khó khăn
Một bầy nữ gia nhân tíu tít xung quanh ba chiếc kiệu công đang trực sẵn trên sân chính khu dinh thự, đứa thì phủ gấm lên đệm, đứa chất các ấm nước trà và các hộp bánh nướng vào trong kiệu. Bực mình vì cái vui phù phiếm của đám gia nhân, quan án sát đi thẳng đến chỗ viên giám quận đang đứng tranh luận với người đội trưởng phu kiệu. Họ tất cả là mười hai người ngồi xổm ở chân tường, mặc đồng phục áo cộc nâu, thắt lưng to màu đỏ, trông cũng bảnh choẹ ra phết. Viên giám quận cho quan án sát biết cuộc họp thơ ở thư viện đã kết thúc. Các khách được mời ai nấy đã trở về buồng của mình thay xống áo, quan tri huyện cũng thế.
Quan án sát trở về phòng riêng. Ông kéo chiếc ghế bành ra sát cửa sổ, mệt mỏi ngồi xuống. Khuỷu tay đặt vào bàn tay trái, cằm tỳ lên nắm tay phải, ông ủ rũ nhìn ra mảnh vườn lổn nhổn đất đá, im lìm trong nắng chiều nhợt nhạt.
Những tiếng kêu ngắn dài trên cao làm ông ngửa mặt nhìn lên. Một đàn ngỗng trời đang lặng lẽ sải cánh giữa không trung xanh biếc bao la. Mùa thu đã thực sự đến rồi!
Cuối cùng ông đứng dậy, vào phòng mặc chiếc áo dài màu tím thẫm hôm trước ông vẫn mặc vừa mặc áo vừa mải miết suy nghĩ. Trong lúc đội chiếc mũ trùm cao bằng vải thẫm hồ bột cứng, ông nghe ngoài sân trước có tiếng giày đinh. Đoàn lính hộ tống đã đến. Như vậy có nghĩa là đã đến lúc phải lên đường. Đi qua sân chính quan án sát gặp Lỗ Huynh. Người Đào Huyệt mặc chiếc áo dài xanh đã phai màu, ngang lưng buộc sợi dây gai, chân đi dép rơm, tay cầm gậy, đầu gậy lủng lẳng một bọc quần áo. Hai người cùng đi với nhau đến bậc thềm đá hoa cương trước ngôi biệt thự chính. Quan tri huyện, ông viện sĩ và thi sĩ triều đình đã tề tựu ở đây, áo gấm xênh xang. Người Đào Huyệt lên tiếng báo cho mọi người biết bằng cái giọng cộc lốc của ông:
- Đừng ai để ý đến cách ăn mặc của tôi! Khi nào đến ngôi đền trên bờ vực tôi sẽ thay bộ khác. Tôi sẽ mặc một chiếc áo đẹp nhất ở trong cái bọc này.
- Dù áo quần của ông thế nào, trông ông vẫn cứ đồ sộ, Lỗ Huynh ạ! – Viện sĩ vui vẻ nhận xét. – Tôi với ông Trương sẽ đi với nhau. Chúng tôi còn phải thanh toán nốt những chỗ bất đồng quan điểm về văn học.
- Các ông cứ việc đi trước, – Người Đào Huyệt nói, – tôi sẽ đi bộ đến sau.
- Không được đâu, Lỗ Huynh ạ! – Quan tri huyện phản đối. – Đường khó đi lắm và…
- Tôi biết. Nhưng tôi leo trèo đã quen rồi. Tôi đã từng đi những con đường còn tồi tệ hơn thế nữa kia, – Người Đào Huyệt bác ý kiến của quan tri huyện. – Tôi thích cảnh núi non, thích sự rèn luyện. Tôi chỉ nói qua thế thôi, ông đừng lo cho tôi ở dọc đường…
Dứt lời, nhà sư cứ thế bước đi, gậy vác trên vai.
- Nào, bây giờ ông sẽ ngồi cùng kiệu với tôi chứ, ông Địch? – Quan tri huyện nói với quan án sát. – Cô Dược Lan sẽ ngồi chiếc kiệu thứ ba cùng với bà hầu phòng của đệ nhất phu nhân của tôi, bà ấy đi theo để chăm sóc cô. Thưa ngài, tôi xin thân chinh rước ngài lên chiếc kiệu đi đầu – quan tri huyện nói với viện sĩ.
Ông bước xuống các bậc đá hoa cương, theo sau là viện sĩ và thi sĩ triều đình. Ba mươi lính hộ tống nhất loạt giơ vũ khí chào khi họ đi qua.
Lúc quan tri huyện và quan án sát sắp bước lên kiệu thì thấy nữ thi sĩ xuất hiện trên bậc thềm trong bộ áo dài bằng lụa trắng mềm mại mỏng tang, vạt áo vờn gót chân sau mỗi bước đi, ngoài khoác áo cánh gấm màu xanh biếc điểm hoa trắng lấp lánh như ánh bạc tạo cho người đàn bà ấy những đường nét lộng lẫy duyên dáng. Mái tóc tết thành búi cao trên đỉnh đầu một cách rất điêu luyện, gài trâm bạc, đỉnh búi tóc lấp lánh những sợi dây kim tuyến bằng vàng dát đính kim cương. Một bà gia nhân có tuổi mặc áo dài thường màu xanh đi theo nữ thi sĩ.
- Ông có trông thấy tà áo dài màu xanh và những chiếc trâm cài đầu kia không, ông Địch? – Quan tri huyện bực bội hỏi quan án sát sau khi đã ngồi yên vị vào chiếc ghế trong kiệu. – Toàn là những thứ bà đệ nhất phu nhân của tôi cho cô ta đấy, ông ạ! Cuộc họp thơ vừa rồi kết thúc mau quá. Ông viện sĩ và ông Trương có vẻ hơi ngập ngừng không muốn nói thẳng quan điểm của họ đối với những bài thơ của tôi. Cả Người Đào Huyệt cũng chả cần che giấu thái độ chán ngán của ông ta. Người đâu đến là khó tính! Phải công nhận Dược Lan đã nêu ra một hoặc hai ý kiến gì đó nhận xét rất xác đáng. Sao mà người đàn bà ấy có cái lưỡi sắc sảo thế! Còn việc tìm hiểu, theo ý kiến của ông, xem các vị ấy ở đâu trong thời gian xảy ra vụ án đại tướng Mạc, tôi đã làm không có gì khó khăn lắm. Khi tôi bóng gió gợi vấn đề ra, xem chừng chỉ có ông viện sĩ là sốt sắng hơn cả. Ông ấy nói thời gian đó quan ngự sử có mời ông ấy đến để hỏi ý kiến về toàn bộ tình hình của địa phương, ông thử hình dung xem. Ông Trương Lan Bài lúc đó cũng về địa phương để điều đình với các nông dân đang bất bình với gia đình ông ấy. Gia đình ông ấy chiếm một nửa đất đai trồng trọt của toàn huyện. Trương có dự các phiên toà xử đại tướng Mạc nhưng chỉ là quan sát tấn trò đời về những dục vọng của con người. Dù sao thì đó cũng là điều do chính ông tự nói ra và khẳng định. Lỗ Huynh thì nói toàn chuyện về đề tài Phật giáo ở một ngôi chùa cổ trong tỉnh. Tôi đã không thành công việc khêu gợi xem họ có mặt ở vùng hồ trong thời gian Dược Lan bị bắt giữ không. Việc cô gái giữ miếu Cáo Đen ông đã giải quyết đến đâu rồi ông Địch?
- Cô gái chết vì bệnh dại rồi. Chắc là bị cáo dại truyền bệnh vì lúc nào cô ta cũng vuốt ve chúng, để chúng liếm cả vào mặt. Nên…
- Thế thì đáng buồn quá, ông Địch ạ!
- Rất đáng buồn, bởi vì hiện giờ chúng ta chẳng còn ai để…
Câu nói của quan án sát bị cắt ngang bởi những tiếng cồng huyên náo.
Đoàn kiệu đi từ khu dinh thự đã đến cổng chính của toà án. Đi đầu là một tốp mười hai cảnh sát trong đó có bốn người cầm dùi gõ vào những cái cồng bằng đồng. Những người khác cầm sáo và biển sơn son viết chữ thếp vàng: “TOÀ ÁN TẦN HOÀI”. “DẸP ĐƯỜNG”. Một vài tấm biển có cắm nến để khi quay về trời tối thắp lên cho sáng. Cánh cổng sắt nặng nề mở ra. Đoàn kiệu tiến ra ngoài phố, cảnh sát đi đầu, theo sau là ba chiếc kiệu thong dong, mỗi bên mười lính hộ tống. Sau cùng là một chục lính cảnh vệ trang bị võ khí đến tận răng. Đám đông dân chúng mặc quần áo ngày hội nhốn nháo dạt ra thành một lối cho đoàn kiệu đi qua. Nhiều lần họ hô to: “Quan tri huyện vạn tuế!” Quan án sát hài lòng ghi nhận một bằng chứng mới về sự được lòng dân của vị quan đồng nghiệp. Ra khỏi dãy phố buôn bán, bầu không khí đã yên tĩnh trở lại, quan án sát mới nói tiếp câu chuyện đang nói dở với quan tri huyện:
- Đệ định dùng Hoàng Liên để nhận dạng người chúng ta định tìm. Nhưng cái chết của cô gái là một đòn trời giáng vào chúng ta, bác Lã ạ, bởi vì trong tay đệ không còn một mảy may chứng cứ nào nữa. Nhưng đệ vẫn tin thủ phạm là một trong ba vị khách quý của quan bác. Một trong ba vị đó phải là bố của Hoàng Liên và chính lão đã giết người anh cùng mẹ khác cha của cô, đúng như đệ đã nói với quan bác sau khi đến nhà bà bác ruột của Hoàng Liên trở về. Bây giờ đệ có thể nói thêm rằng cũng chính ông ta đã giết Tiểu Phượng, cô bé vũ nữ.
- Trời ơi! – Tri huyện Lã kêu lên. – Nói cách khác, tôi…
Quan án sát giơ tay ra hiệu cho quan tri huyện đừng nói nữa.
- Khốn nỗi sự phát hiện của tôi chẳng giúp được gì cho quan bác cả nếu như chúng ta không chứng minh được người đó cụ thể là ai. Quan bác hãy nghe đệ thử tóm lược lại toàn bộ tình hình xem sao. Tất nhiên là bắt đầu từ cái chết của Tiểu Phượng vừa xảy ra ngày hôm qua. Sau đó, đến vụ giết hại phó bảng Tống xảy ra ngày hôm kia, rồi cũng phải tính đến vụ án đại tướng Mạc xảy ra cách đây mười tám năm. Sau hết, cần đề cập đến vụ đứa hầu gái bị giết ở đền Bạch Hạc. Cứ như thế ta lần lượt giải quyết tất cả các bài toán trong bối cảnh và thời gian chính xác của nó.
Được rồi, chúng ta bắt đầu từ vụ án cô vũ nữ. Vấn đề chính là Tiểu Phượng đã chạm trán với bố Hoàng Liên trên đường cô ta đến miếu hoang. Cuộc chạm trán lúc đó không có gì đặc biệt khiến cô vũ nữ phải quan tâm vì cô chưa hề biết ông ta là ai. Cho đến chiều hôm qua, Dược Lan cùng với Tiểu Phượng đến xem phòng tiệc, nơi mình sắp biểu diễn thì tình cờ lại gặp ông ta và lần gặp gỡ này dĩ nhiên làm cô vũ nữ để ý. Trước đó cô đã cho nữ thi sĩ biết cô sẽ múa điệu “Phượng hoàng bay lượn giữa các đám mây đỏ tía”, điệu vũ hay nhất của cô. Nhưng cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với ba vị khách của quan bác trong đó có bố Hoàng Liên đã làm cô vũ nữ đột ngột thay đổi dự kiến. Cô quyết định thay điệu vũ rất nhuần nhuyễn và là một thành đạt nghệ thuật thực sự của cô bằng điệu vũ “Đoản khúc cáo đen”, một điệu vũ cô chưa bao giờ múa ra mắt trước công chúng, vì thế không có cả bản nhạc đệm chính xác, phải mượn quyển sách chép nhạc của Tống mà đệ đang giữ.
- Trời ơi! – Quan tri huyện thốt lên. – Cô vũ nữ lại gặp ở đây cái tên lạ mặt mà cô ta đã gặp lần đầu khi đi đến miếu hoang ư?
- Đúng thế! Cô vũ nữ gặp lại ông ta là nhớ ngay. Còn ông ta thì giả câm giả điếc làm như chưa hề gặp cô bao giờ. Nhưng kìa, cô vũ nữ sắp làm cho ông ta nhớ lại bằng điệu vũ “Đoản khúc cáo đen”. Sau tiết mục múa đầu tiên, lúc các cô vũ nữ uống chung một cốc rượu vang với các vị khách theo tục lễ cổ truyền, Tiểu Phượng đã ghé vào tai ông ta nói nhỏ rằng cô biết ông ta là bố người con gái thân tàn ma dại Hoàng Liên! Và nhân cơ hội này, cô vũ nữ đã đưa ra những yêu sách của cô. Vốn là một cô gái có nhiều tham vọng, lại rất chuyên tâm đến nghệ thuật, đệ giả thiết là cô ta ngỏ ý với Triệu hoặc Trương dìu dắt để dần dà đưa cô ta vào chốn cao sang ở kinh đô, ngoài ra có thể cô ta còn đòi hỏi một khoản tiền trợ cấp hàng tháng kha khá là đằng khác. Nếu thuộc trường hợp Người Đào Huyệt thì cô ta sẽ yêu cầu ông này nhận cô làm bố đỡ đầu để sự nghiệp nghệ thuật của cô ta có được những nhân vật tai to mặt lớn có thế lực nâng đỡ! Đây là một vụ doạ phát giác thuần tuý và đơn giản!
Quan án sát ngừng một lát, vuốt râu, rồi thở dài nói tiếp:
- Cô vũ nữ là một cô gái rất thông minh nhưng vẫn không đánh giá hết được những hậu quả sẽ đến với mình. Ngay sau khi gặp lại Tiểu Phượng, con người ấy đã rắp tâm tìm lối thoát bằng cách giết cô ta vào bất cứ lúc nào điều kiện khách quan cho phép. Lúc bắn pháo hoa là lúc thích hợp nhất để ông ta thực hiện ý định, như đệ đã phân tích với quan bác tối hôm qua. Chính trên cơ sở những lý lẽ đó mà đệ vẫn giữ nguyên ý kiến rằng thủ phạm là một trong ba vị khách của quan bác, bác Lã ạ.
- Tôi yên tâm nhận thấy Dược Lan là người đứng ngoài cuộc, – quan tri huyện thốt lên. – Đúng, chúng ta còn mù tịt chưa biết ai là thủ phạm trong số ba vị khách đó, nhưng như thế ông cũng đã cứu vãn được sự nghiệp của tôi rồi, tiên sinh ạ, vì rằng bây giờ tôi có thể thảo tờ trình với tất cả những nhận xét thực tâm của mình về cái chết của cô vũ nữ như một việc không dính líu gì đến cô nữ thi sĩ! Việc đó dẫn tôi có cảm ơn ông đến bao nhiêu cũng không đủ, tôi…
Câu nói của quan tri huyện đứt đoạn vì tiếng hô hiệu lệnh và những tiếng vũ khí va chạm nhau. Đoàn kiệu đang rời khỏi thành phố qua Cửa Tây.
Quan án sát tranh thủ nói nốt những ý kiến phân tích của ông:
- Thứ hai là vụ phó bảng Tống. Khi xảy ra sự việc của ông bố, anh ta mới lên năm tuổi và ngay sau đó lại được đưa về kinh đô sống với ông cậu. Chúng ta không thể phán đoán chính xác được từ bao giờ và bằng cách nào anh ta lại phong thanh biết bố mình bị xử oan. Đệ giả thiết là anh ta đã biết điều đó thông qua câu chuyện ngoại tình của mẹ mình hoặc cũng có thể khi anh ta lớn lên, người cậu ruột hay một người bà con nào đó đã nói cho anh ta biết. Theo bà bác ruột Tống thì anh ta không về Tần Hoài thăm bà một lần nào. Bằng cách này hay cách khác Tống đã biết Hoàng Liên là kết quả cuộc dan díu giữa mẹ anh và một người nào đó. Chính vì vậy vừa đặt chân đến đây Tống đã tìm cách liên lạc với cô em gái cùng mẹ khác cha. Cũng thời gian ấy, Tống đã tìm trong các hồ sơ lưu trữ những kết luận về vụ án bố anh. Hoàng Liên chưa nói gì với Tống về người bố thỉnh thoảng vẫn đến thăm cô. Ngược lại, cô gái đã nói hết chuyện chàng phó bảng với ông bố, chuyện Ái Viên đến Tần Hoài để tìm cách đưa vụ tố giác bố mình ra ánh sáng công lý, chuyện Ái Viên thuê nhà của ông Minh và… thế là người bố đó đã tìm đến nhà ông Minh giết Tống!
Quan tri huyện lúc này có vẻ tin một cách tuyệt đối. Ông nói:
- Tiếp đó, ông Địch ạ, hắn đã lục lọi chỗ ở của Tống để tìm các giấy tờ tài liệu liên quan đến tội trạng của hắn. Chàng phó bảng có thể đã tìm được những lá thư của đại tướng Mạc hoặc mẹ anh ta viết để lại. Các cơ quan có thẩm quyền đã tịch thu toàn bộ gia sản của đại tướng nhưng biết đâu trong gia đình ông ta chẳng có người còn giữ được những thư từ trong túi áo họ đang mặc, biết đâu đấy!
- Những cái đó, bác Lã ạ, chúng ta chỉ có thể biết chắc khi tên giết người đã lộ rõ tung tích và chúng ta đã thu thập được khá nhiều chứng cớ để thẩm vấn hắn. Hiện giờ đệ chưa biết làm cách nào để đạt tới đó. Trước khi đề cập vấn đề này, đệ muốn trao đổi ý kiến với quan bác một điểm thứ ba: lá thư tố giác nữ thi sĩ tội đánh chết đứa hầu gái. Quan bác có thấy gì ở hai lá thư nặc danh đệ đưa cho quan bác xem không?
- Tôi chẳng thấy có gì quan trọng ở đó cả ông Địch ạ. Xem nội dung của cả hai lá thư đều do người có học vấn uyên thâm thảo ra. Chính ông cũng biết những tiêu chuẩn có thể hình dung được hay mỗi sự kiện có thực trong đời sống tư duy và hành động mà mọi nhà học giả đều coi đó như những mẫu mực cần phải dùng cho đúng chỗ. Nếu cũng nội dung ấy mà một người kém học thức viết thì ý tứ câu cú văn phạm ta sẽ thấy nó khác hẳn, nhất định là như vậy. Ta có thể nhận ra dễ dàng những thiếu sót trong ngôn ngữ. Nhưng trong trường hợp này, tôi chỉ có thể nêu lên chỗ giống nhau giữa hai lá thư là việc sử dụng một vài giới từ. Đó là điều duy nhất tôi cho phép tôi nghĩ rằng hai lá thư do một người viết! Tôi lấy làm tiếc, chỉ có thế thôi, ông Địch ạ!
- Bây giờ làm thế nào có được những lá thư gốc là hay nhất! – Quan án sát thốt lên. – Đệ dần đã được học khoa chiết tự. Phân tích nét chữ của những lá thư chẳng có gì là khó! Có lẽ đệ phải bỏ ra một ngày lên kinh đô. Đệ tin rằng toà án chính quốc sẽ cho chúng ta mượn hai lá thư gốc!
Quan tri huyện bứt rứt đưa tay lên kéo chòm ria:
- Ông cần gì những lá thư ấy hả ông Địch? Sáng suốt như ông thiếu gì cách để kết luận ai là kẻ sát nhân trong ba vị khách của tôi kia chứ? Trời ơi! Tên tội phạm ấy lại có thể sống một cuộc sống thò lò hai mặt như vậy ư? Chắc ông cũng phải nhận ra một vài điểm khác ý gì đó trong lúc nói chuyện với họ hay là trong…
Quan án sát lắc đầu nguây nguẩy:
- Đệ chẳng nhận ra cái gì cả, bác Lã ạ, mà chỉ nhận thấy chúng ta chẳng có chút hy vọng nào! Bài toán cơ bản của chúng ta là thủ phạm trong ba vị thượng khách. Nhưng khốn nỗi các vị ấy đều là những nhân vật xuất chúng, mà chúng ta thì không thể áp dụng những chuẩn tắc xét hỏi thông thường để xem xét hành vi và phản ứng của họ được. Quan bác cần phải thấy điều đó! Ba người đó vượt xa chúng ta cả về kiến thức, tài năng và kinh nghiệm sống, đấy là đệ chưa nói đến cương vị rất cao mà họ đang ngự trị lên đời sống xã hội! Trực tiếp thẩm vấn họ, có nghĩa là cả quan bác và đệ cùng húc đầu vào thảm hoạ! Các phương sách của chúng ta trông chờ vào những thủ đoạn tinh ranh khôn khéo trong nghề nghiệp, đã hoàn toàn trở thành vô dụng! Họ có trí thông minh đặc biệt, bác Lã thân mến ạ, họ rất tự chủ, lại lõi đời. Trong đó phải kể đến ông viện sĩ hàn lâm, một con người dày dạn kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều về phương diện hình sự! Chúng ta sẽ chỉ mất công toi nếu cứ cố tình định loè hay định doạ để hòng làm cho ông ta nhụt chí.
- Nói thật, ông Địch ạ, – quan tri huyện nói với vẻ sầu não, – tôi vẫn không thể nào chịu nổi ý nghĩ rằng lại có một trong ba nhà đại tri thức ấy bị tình nghi là kẻ giết người! Làm sao có thể tưởng tượng được những nhân vật vĩ đại như vậy lại nhúng tay vào một việc hèn hạ và bỉ ổi đến thế!
- Chúng ta cũng chỉ mới giả thiết như vậy thôi, – quan án sát so vai đáp. – Chẳng hạn tôi giả thiết về ngài viện sĩ, một con người đã nếm trải đủ thứ mùi đời và đã chán ngấy tất cả những gì cuộc sống bình thường có thể phơi bày ra trước mắt ông ta. Bởi vậy, ông ta phải đi tìm những cảm giác mới lạ. Đệ lại giả thiết về ông thi sĩ triều đình. Ông này ngược lại, rõ ràng đang hối tiếc vì đã trót sống theo lối buông thả phó thác, cho nên cuối cùng mới nhận ra thơ của mình toàn là rỗng tuếch, chẳng có một chút giá trị nào cả! Một con người mang tâm trạng bị tước đoạt như vậy rất có thể bột phát những hành vi liều lĩnh đến mức làm cho chúng ta kinh ngạc nhất! Còn giả thiết về Lỗ Huynh thì chính quan bác đã nói với đệ rồi đấy. Trước khi ông ta đã từng áp bức dã man các tá điền của nhà chùa thuộc quyền ông ta cai quản. Hiện nay nhìn bề ngoài, ông ta đã thay đổi, đã chọn con đường xa lánh trần tục, tách mình khỏi cái thiện và cái ác. Thái độ đó thực chất là một thái độ rất nguy hiểm! Những điều đệ giả thiết trên đây là một vài suy nghĩ vừa nảy ra trong óc, bác Lã ạ. Trên thực tế, mọi việc sẽ phức tạp hơn nhiều.
Quan tri huyện gật đầu đồng ý. Ông nhón một nhúm mứt trong cái giỏ, bỏ vào miệng nhấm nháp. Quan án sát muốn rót một chén trà nhưng ấm trà để dưới gầm ghế, lại thêm vừa đúng lúc đó kiệu nghiêng hẳn đi một cách nguy hiểm. Ông kéo tấm màn che cửa sổ. Thì ra đoàn kiệu đang đi vào một đoạn đường núi gập ghềnh hiểm trở, hai bên toàn những cây thông thân nhỏ nhưng cao vút, mọc rậm rạp. Quan tri huyện cầm khăn vừa lau tay vừa nói:
- Những phương pháp thẩm tra theo lối cũ không còn hiệu nghiệm nữa, ông Địch ạ. Ít ra là đối với những người bị tình nghi như Triệu và Trương. Cả hai ông ấy đều nói với tôi tối hôm kia tức là đúng tối hôm chàng phó bảng bị giết rằng các ông ấy đi ngủ sớm. Nhưng ông cũng biết là, tửu quán của thành phố rất rộng, khách đông nghìn nghịt. Tất cả các loại quan chức ra vào như mắc cửi, liên tục suốt ngày đêm. Như vậy, thử hỏi làm sao mà kiểm soát được sự đi lại của họ. Huống hồ họ lại chủ động đề phòng người khác theo dõi thì càng khó hơn nữa! Hôm ấy, ông có biết Người Đào Huyệt ở đâu không?
- Chẳng làm trò trống gì được. Ai cũng có thể tự do ra vào một ngôi đền bất cứ giờ nào. Thực tế đệ cũng đã làm như vậy. Hơn nữa, con đường tắt từ đó đến Cửa Đông, nơi ông buôn trà ở, rất kín đáo! Bây giờ Hoàng Liên chết rồi! Đệ sợ chúng ta đang đi vào ngõ cụt, quan bác ạ!
Cả hai vị quan đều im lặng, mặt mày ủ rũ. Quan án sát xoè các ngón tay ra chải chòm râu má. Một lúc lâu ông nói:
- Đệ vừa nghĩ đến không khí bữa ăn tối hôm qua. Theo quan bác thì bốn vị khách, kể cả nữ thi sĩ Dược Lan, họ đối với nhau có thực sự thân ái không? Đệ thấy họ đối với nhau lịch sự nhưng dè dặt, thân mật nhưng khách sáo. Thỉnh thoảng họ đưa ra những câu bông đùa gượng gạo. Một cuộc họp văn chương, thành viên toàn những trình độ đạt đến tuyệt đỉnh của sự vinh quang mà có ý kiến rất rời rạc, gò bó! Đôi khi đệ thấy họ cố ngoái nhìn lại dĩ vãng của họ một chút rồi vội vàng lẩn tránh. Ai mà biết được họ nghĩ về nhau như thế nào? Những ký ức tình yêu hay thù hận nào ràng buộc họ với nhau? Trong ba người đàn ông, không ai để lộ những cảm xúc thật của mình. Riêng nữ thi sĩ thì có hơi khác. Bà ta biểu lộ tính hồn nhiên và hăng say. Sáu tuần lễ chịu đựng thử thách trong nhà tù đã gây xúc động mạnh đối với nữ thi sĩ. Vậy mà suốt buổi tối hôm qua chỉ có hai lần bà ta để lộ tâm trạng. Một lần đệ thấy gương mặt bà ta rất căng thẳng trong một thoáng ngắn ngủi…
- Có phải cái lúc cô ta đọc bài thơ “Vui họp mặt” phải không?
- Phải rồi, đúng đấy! Đệ thấy bà ta có vẻ yêu quan bác lắm, bác Lã ạ, Đệ hoàn toàn tin rằng bà ta sẽ không bao giờ làm bài thơ ấy nếu như không ở trong một trạng thái xúc động và căng thẳng đến quên cả sự có mặt của quan bác lúc đó. Lần thứ hai là lúc chúng ta ra ban công xem pháo hoa. Bà ta đến gần quan bác để xin lỗi và thanh minh về bài thơ rằng bà ta làm bài thơ ấy là để dành cho một người trong số ba vị khách của quan bác.
- Được nghe ông nói điều đó, tôi rất lấy làm sung sướng, – quan tri huyện cay đắng đáp. – Quả thật, những lời lẽ mạnh mẽ trong bài thơ của cô ta đã làm tôi khó chịu và càng khó chịu hơn vì thấy nó rất hay. Nó thuộc dạng thơ ứng khẩu không có chuẩn bị, ông ạ.
- Quan bác bảo sao nhỉ? Xin lỗi bác Lã, đệ đang mải suy nghĩ về hai lá thư nặc danh. Nếu các lá thư ấy là do một người viết thì như thế có nghĩa là một trong ba vị khách của quan bác rất căm ghét Dược Lan, căm ghét đến mức muốn thấy bà ta chết trên giá treo cổ! Một lần nữa, chúng ta hãy quay trở lại vấn đề mấu chốt: ai trong số ba người? Được rồi, đệ hứa với quan bác sẽ trao đổi ý kiến vụ đền Bạch Hạc với nữ thi sĩ. Hy vọng tối nay sẽ có dịp nói chuyện với bà ta. Đệ sẽ dẫn dắt câu chuyện đến những lá thư nặc danh và sẽ kín đáo quan sát phản ứng của các vị khách, đặc biệt là của Dược Lan. Nhưng cũng xin thú nhận với quan bác rằng chính đệ cũng chẳng trông mong gì ở việc làm này!
- Ông nói thế làm tôi vững dạ quá đấy, ông Địch ạ! – Quan tri huyện hờn mát rồi ngả người trên ghế đệm, hai tay vắt chéo để trên bụng.
Một lúc sau, đường đi lại bẳng phẳng và kiệu dừng lại trong những tiếng ồn ào hỗn độn.
Mọi người bước ra khỏi kiệu và thấy mình đứng trước một bãi đất bằng phẳng, xung quanh có những cây thông rất to bao bọc. Màu xanh thẫm của lá đã tạo cho nơi đây cái tên vách đá Lục Bảo Ngọc. Xa hơn một chút, sát bờ vách đá là một mái đình cong cong. Ngôi đình để trống cả bốn phía, cột làm bằng những cây gỗ đồ sộ để mộc không quét sơn. Vách đá đổ thẳng đứng xuống một vực thẳm. Từ đáy vực, hai ngọn núi đã vươn lên sừng sững trước mặt, một cao ngang với mái đình, một cao hơn hẳn nổi bật trên nền trời có những sọc mây đỏ thẫm. Ở một góc khác của bãi đất, có một ngôi đền nhỏ lấp ló sau những cành thông cổ thụ. Trước mặt ngôi đền, những khay bán thực phẩm đều đóng kín trong dịp quan tri huyện đến thăm. Nhưng những người đầu bếp của quan tri huyện đã đặt ở đấy hai bếp lò ngoài trời. Các gia nhân ai nấy đều bận rộn xung quanh những chiếc bàn, chân bằng mẻ kê dưới các góc cây. Tốp lính cảnh sát và các viên chức toà án đang ăn uống lấy lại sức quanh những chiếc bàn đó. Phu kiệu và khu khuân vác sẽ đảm đương phần thức ăn và rượu vang còn lại của họ.
Lúc quan tri huyện đi đến chiếc kiệu thứ nhất đón viện sĩ hàn lâm và thi sĩ triều đình, thì cái bóng lôi thôi lếch thếch của Người Đào Huyệt cũng vừa tới nơi. Nhà sư vén tất cả các vạt áo lên giắt vào sợi dây gai buộc ngang lưng để hở hai cẳng chân cuồn cuộn bắp thịt và lông mọc tua tủa. Bọc quần áo vắt vẻo trên vai theo kiểu nông dân.
- Trông ông có vẻ một nhà ẩn sĩ thực thụ, Lỗ Huynh ạ! – Viện sĩ hàn lâm nói to. – Nhưng thuộc loại ẩn sĩ sống bằng những cái khác chứ không phải bằng quả thông và những giọt sương!
Nhà sư béo phệ cười gượng nhẹ cả những chiếc răng xỉn và khấp khểnh, rồi cứ thế đi về phía ngôi đền. Quan tri huyện dẫn khách theo một lối mòn phủ đầy quả thông đến bậc đá cạnh ngôi chùa.
Quan án sát đi sau cùng. Ông để ý thấy thiếu ba người lính ở chỗ bọn họ đang ăn uống. Thì ra ba người lính đó đang ngồi xổm dưới gốc cây thông lớn giữa mái đình và ngôi đền. Họ đều đội mũ cứng có chóp nhọn, lưng đeo kiếm. Quan án sát nhận ra người trung sĩ mà ông có lần trông thấy ở khu toà án. Họ là những người làm nhiệm vụ áp giải nữ thi sĩ. Uy tín và quyền hạn của quan tri huyện chỉ có tác dụng bảo lãnh cho nữ thi sĩ trong phạm vi nhà ở của ông. Còn hiện giờ bà ta đã ra khỏi nhà ông, thì những người lính áp giải lại phải đảm đương trách nhiệm canh gác tù nhân của họ. Thực tế nếu để xảy ra chuyện gì đối với người nữ tù phạm, chắc chắn đời họ sẽ đi đứt. Nghĩ đến nỗi lo lắng của họ giữa lúc đồng đội đang ăn uống no say, quan án sát lại rùng mình.
Chương 17: Các thi nhân ngắm cảnh mặt trời lặn-Họ làm thơ và nói chuyện về dĩ vãng cuộc đờ
Quan án sát đi theo mọi người vào trong đình. Tàn một tiệc trà, quan tri huyện dẫn các vị khách ra dãy lan can bằng đá hoa cương chạm trổ xây dọc theo mép bờ vực. Mọi người lặng lẽ ngắm vầng dương đỏ rực tròn như cái mâm đang chìm xuống và khuất dần sau rặng núi. Bóng tối lan rất nhanh từ dưới hẻm núi giữa hai bờ vực thẳng đứng. Quan án sát hơi ngả người nhìn xuống vực, ước lượng chỗ này phải sâu đến hàng trăm thước. Một màn sương mỏng toả ra từ dòng thác đang ầm ầm đổ xuống đáy vực, uốn ngoằn ngoèo như rắn bò giữa những tảng đá nham nhở.
- Ôi, phong cảnh đẹp tuyệt trần, không thể nào quên được! – Thi sĩ định quay mặt lại thốt lên đầy vẻ thán phục. – Nếu ít ra tôi có thể nắm bắt được bằng một vài lời thơ cái cảnh huy hoàng, nó gợi ra…
- Miễn sao ông đừng có chép nguyên văn bài thơ của tôi là được! – Viện sĩ thoáng mỉm cười ngắt lời thi sĩ. – Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến thăm phong cảnh nổi tiếng này. Lần ấy có cả ông Chu, cố vấn Hội đồng quốc gia cùng đi. Tôi đã viết vài đoạn thơ mô tả cảnh mặt trời lặn. Ông cố vấn triều đình đã cho khắc những vần thơ ấy và đặt vào trong cái đình này, hình như thế, ta đi thử xem, ông Trương ạ!
Tất cả cùng đến xem độ một tá tấm bảng gỗ lớn nhỏ đủ các cỡ chữ treo trên các thanh rui mái đình. Các tấm bảng trên có ghi những bài thơ và những bài tiểu luận của các vị khách tham quan nổi tiếng. Viện sĩ bảo gia nhân thắp những cây đèn có chân và sai một người cầm một cây đèn giơ cao lên.
- Ông Triệu! Bài thơ của ông đây rồi! – Thi sĩ triều đình nói to sau khi chăm chú nhìn vào một tấm bảng – Nó ở trên cao quá, nhưng tôi vẫn nhận ra được. Một phong cách cổ điển! Đẹp!
- “Tôi bước đi nhờ cái nạng là những câu dẫn cổ xưa…” – Viện sĩ cất tiếng ngâm nga. – Dẫu sao bài thơ vẫn cứ chiếm lĩnh một vị trí tốt nhất. Phải, tôi nhớ ra rồi, cái lần ấy cố vấn Hội đồng quốc gia đã đặt tên cho cuộc họp của chúng tôi là “cuộc họp mặt trên chín tầng mây”. Giờ đây ta có thể lấy tên gì để đặt cho cuộc họp mặt đêm nay nhỉ?
- “Cuộc họp mặt trong sương mù!” – Một giọng nói ồm ồm cất lên. Mọi người nhìn ra thì thấy Lỗ Huynh đã mặc một chiếc áo dài màu đỏ tía gấu viền đen, đang đi tới.
- Tuyệt lắm! – Thi sĩ triều đình lập tức tán thưởng. – Rõ ràng lúc này có rất nhiều sương mù. Kìa! Từng dải sương mù lơ lửng giăng ra qua khắp các lùm cây…
- Không, đây không phải là điều tôi muốn nói! – Người Đào Huyệt cải chính.
- Chúng ta đang trông đợi mặt trăng đêm nay sẽ sáng tỏ, – quan án sát nói. – Cái vui đêm trung thu phụ thuộc vào đó.
Gia nhân đã rót đầy rượu vang vào các cốc bày trên chiếc bàn tròn sơn son kê sát hàng lan can, cùng với các thức nhắm nguội.
Quan tri huyện nâng cốc:
- Xin nhiệt liệt chào mừng cuộc họp trong sương mù! Đây là một bữa tiệc rất đơn sơ, quê kệch. Tôi đề nghị các vị châm chước cho những lễ nghi theo quy ước.
Quan tri huyện săn sóc đến chỗ ngồi của viện sĩ. Ông mời viện sĩ ngồi bên phải mình và bố trí nhà thơ triều đình ngồi ông bên trái. Không khí ngoài trời lạnh, nhưng các ghế đều lót đệm bọc vải bông và mỗi ghế lại có một bệ bằng gỗ cho khách để chân. Quan án sát ngồi đối diện với người bạn đồng sự của mình, giữa Lỗ Huynh và nữ thi sĩ.
Các gia nhân bưng những bát to đựng thịt băm viên nóng sốt đặt lên bàn. Người đầu bếp của quan tri huyện rõ ràng đã tinh ý hiểu rằng ngồi ở ngoài trời đêm lạnh lẽo trên vùng vách đá này, đầu bữa tiệc các thực khách sẽ ăn ít món nguội. Hai nữ gia nhân đứng hầu rượu.
Sau khi uống một hơi, cạn chén. Người Đào Huyệt nói giọng khàn khàn tuyên bố:
- Tôi vừa được thưởng thức một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp. Dọc đường tôi gặp một con công có bộ lông vàng óng, hai con vượn đánh đu trên cây, lại gặp cả một con cáo đen nữa… rất to… nó…
- Thôi, tối nay xin ông miễn cho những chuyện gở về con cáo đen đi, Lỗ Huynh ạ! – Nữ thi sĩ tươi cười ngắt lời nhà sư. – Cứ coi như chúng ta đã nhìn thấy nó lần cuối cùng ở vùng hồ. Nó đã cho chúng ta toàn thịt gà mái!
Quan án sát thấy vẻ mặt của nữ thi sĩ tươi tỉnh hơn lúc buổi trưa, có thể đó là do tài nguỵ trang khéo léo của nữ thi sĩ.
Người Đào Huyệt giương đôi mắt lồi nhìn chòng chọc vào nữ thi sĩ:
- Cũng có lúc nó còn cho tôi cách nhìn hai mặt nữa đấy, – nhà sư thản nhiên đối đáp. – Nếu nói ra với những người khác những điều mà chỉ riêng tôi nhìn thấy thì họ sẽ cho tôi là một tên láu cá định tung hoả mù để làm tiêu tan nỗi khiếp sợ thật sự của chính mình! Bởi vì tôi cũng chẳng ưa gì những điều tôi nhìn thấy. Tôi chỉ thích ngắm nghía những con vật trong thiên nhiên mà thôi!
Vẻ mặt ủ rũ lạnh lùng của Người Đào Huyệt đập vào mắt quan án sát.
- Khi sống tại nhiệm sở của tôi ở Hàn Viễn, – ông nói, – tôi thấy rất nhiều con vượn sống trong khu rừng ngay sau nhà tôi ở, sáng nào tôi cũng ra hành lang uống trà, xem chúng đánh đu trên các cành cây.
- Yêu loài vật là một đức tính tốt. – Người Đào Huyệt chậm rãi nói. – Người ta chẳng bao giờ biết kiếp trước mình là con gì và cũng chẳng biết kiếp sau mình chết sẽ hoá thành con gì?
- Tôi hình dung kiếp trước ông là một con cọp dữ, quan án sát ạ, – nữ thi sĩ hóm hỉnh nói đùa quan án sát.
- Thưa bà, một con chó giữ nhà thì đúng hơn! – Quan án sát đối đáp, rồi quay sang nói với Người Đào Huyệt. – Thế nào, ông đã khẳng định ngay từ đầu là không theo đạo Phật sao lại tin vào thuyết luân hồi?
- Vâng, đúng thế. Tại sao người ta có kẻ sống khổ sở, ti tiện suốt từ mới lọt lòng mẹ cho đến khi xuống mồ? Vì sao một đứa trẻ thơ dại phải chết đau đớn trong sự tàn bạo? Câu trả lời duy nhất là những người đó đã phải chuộc tội lỗi của họ đã gây ra từ kiếp trước. Thật vậy, các đấng tối cao làm sao có thể phán xét ngay tức khắc tất cả các tội lỗi của chúng ta chỉ trong thời hạn quá ngắn của một kiếp người?
- Thôi, thôi, tôi xin các vị! – Viện sĩ hàn lâm thốt lên, cắt ngang câu chuyện giữa ba người, quan án sát, Lỗ Huynh và nữ thi sĩ. – Ông Lã ạ, ông nên đọc cho chúng tôi nghe một bài trong số những bài thơ phóng đãng của ông. Hãy chứng minh tiếng tăm của mình là một kẻ si tình vĩ đại.
- Tôi biết quan tri huyện bao giờ cũng say mê tình yêu, – nữ thi sĩ buông ra một lời nói xằng. – Ông ấy đùa giỡn với tất cả, bởi vì ông ấy không thể yêu nhất thiết một ai!
- Đó là một cảm nghĩ khó chịu đối với vị chủ nhà hào hiệp của chúng ta, – thi sĩ triều đình nhận xét. – Như vậy cần phải phạt bà Dược Lan. Bà Dược Lan, bà phải cho chúng ta thưởng thức một bài thơ của bà về tình yêu!
- Tôi không đọc thơ tình yêu. Không bao giờ nữa! Nhưng tôi sẽ viết cho ông một bài, ngay tại đây.
Quan tri huyện ra hiệu cho viên giám quận bằng cách chỉ tay vào cái án thư để giấy mực đã chuẩn bị sẵn từ trước. Quan án sát thấy người bạn đồng sự của ông mặt mày tái mét. Rõ ràng ý nghĩ vừa rồi của Dược Lan đã đánh trúng vào chỗ nhạy cảm trong tâm hồn ông. Trong lúc viên giám quận còn đang chọn một tờ giấy, viện sĩ hàn lâm nói to:
- Không! Nhà thơ lớn Dược Lan của chúng ta không viết những câu thơ bất tử của mình trên mảnh giấy tầm thường! Bà hãy viết lên cái cột kia! Hãy khắc nó vào gỗ cho những thế hệ mai sau có thể đọc và chiêm ngưỡng!
Nữ thi sĩ nhún vai. Bà đứng lên bước đến cái cột gần nhất. Một nữ gia nhân mang bút mực theo sau. Một nữ gia nhân khác cầm cây đèn nến giơ cao. Dược Lan sờ tay vào thân cột tìm một khoảng nhẵn. Một lần nữa những ngón tay thon nhỏ và khéo léo của nữ thi sĩ lại đập vào mắt quan án sát. Nữ thi sĩ nhúng bút vào nghiên mực, viết lên cột đình những hàng chữ duyên dáng:
Một mình một bóng, ngọn đèn xanh
Thơ phú khôn ghi nỗi hận tình
Tổ ấm sum vầy, người thoả giấc
Phòng loan gối chiếc, khách buồn tênh
Xào xạc vườn thu cây trút lá
Lạnh lùng, gió thốc giữa đêm thanh
Chị Hằng! Chị bị ai ruồng bỏ
Bóng chị bơ vơ hiện trước mành?…
- Chà! – Viện sĩ viện hàn lâm thốt lên. – Bao nhiêu tinh chất não nùng của mùa thu đều thâu tóm trong những câu thơ này! Nữ thi sĩ của chúng ta đã được thể tất! Mọi người hãy nâng cốc chúc mừng sức khoẻ của nữ thi sĩ!
Nhiều chầu rượu chúc mừng kế tiếp không ngớt. Trong khi đó, các gia nhân tiếp tục bưng lên những đĩa thức ăn nóng hổi. Bốn lò than lớn bằng đồng cháy đỏ rực được đặt ở bốn góc đình bởi đêm đã xuống, trời bắt đầu lạnh hơn. Sương mù ẩm ướt từ dưới vực sâu ùn lên khắp vách đá.
Những đám mây đen ở đâu chợt kéo đến che khuất mặt trăng. Quan tri huyện đang mải miết ngắm những chiếc đèn xếp treo trên các cây thông, chợt ngả người ra phía trước hỏi:
- Ba cái anh lính chết tiệt nào mà lại đốt lửa ở dưới gốc cây thông đằng kia thế nhỉ?
- Đó là những người lính áp giải tôi đấy quan tri huyện ạ, – nữ thi sĩ lặng lẽ trả lời.
- Hừ, những tên vô lại mất dạy này! – Quan tri huyện thốt lên. – Tôi phải cho chúng biết tay mới được!
- Phạm vi trách nhiệm của ông là ở bên trong hàng rào dinh quan huyện cơ! – Nữ thi sĩ gay gắt nhắc nhở quan tri huyện.
- À… (Quan tri huyện đằng hắng). Vâng… tôi hiểu. Ông giám quận đâu! Món cá chép nấu dấm sao chưa mang lên hả? – Quan tri huyện hỏi bằng một giọng gắt gỏng.
Quan án sát tự tay rót đầy ly rượu vào cốc của Dược Lan rồi nói với nữ thi sĩ:
- Thưa bà, ông Lã bạn tôi đã cho tôi xem hồ sơ việc của bà. Ông ấy cho rằng tôi có thể giúp bà tự biện hộ. Tôi viết không giỏi nhưng cũng đã đọc kỹ các văn bản trong tập hồ sơ và…
- Xin hoan nghênh sự ân cần đáng yêu của ông, thưa quan án sát, – nữ thi sĩ đặt ly rượu xuống bàn, ngắt lời quan án sát. – Nhưng sáu tuần lễ vừa trải qua trong các nhà tù đã cho tôi tất cả thời gian để cân nhắc. Dĩ nhiên dẫu tôi còn thiếu sự hiểu biết của ông về khoa ngữ pháp hình sự dài dòng thì tôi vẫn cứ muốn chỉ một mình tôi là người có tư cách pháp nhân duy nhất có thể đứng ra bảo vệ cho tôi! Xin được rót rượu mời ông!
- Đừng có ngốc nghếch thế, bà Dược Lan! – Người Đào Huyệt đột nhiên nói xen vào. – Tiếng tăm của ông Địch ở cái xứ này chẳng hoá ra vô tích sự lắm sao!
- Sự việc xảy ra đã làm tôi hết sức quan tâm, – quan án sát cứ điềm nhiên nói. – Tôi nhận thấy người ta không hiểu hết mức độ nghiêm trọng của sự việc ở chỗ nó được tung ra bằng một lá thư nặc danh. Tôi tin chắc rằng chẳng một ai đặt vấn đề xem người viết lá thư đó là người nào? Và tại sao họ lại biết có cái xác người chôn dưới gốc cây anh đào? Bức thư nhất định phải do một người có học vấn cao viết. Điều đó loại trừ đám trộm cướp. Thưa bà, lẽ nào bà không nghĩ một tí gì đến bản sắc lá thư tố giác bà?
- Có chứ, tôi có nghĩ, – nữ thi sĩ chua chát đáp. – Và tôi sẽ thông báo ý nghĩ của tôi cho các ông án sát sao… hoặc cũng có thể là không thông báo gì cả, – nữ thi sĩ nói thêm sau khi uống cạn chén rượu của mình.
Cuộc nói chuyện đến đó bỗng lặng đi. Thi sĩ triều đình buông một câu bâng quơ:
- Phi lý là đặc tính riêng của các bà các cô có nhan sắc và có trí tuệ. Tôi xin nâng cốc chúc sức khoẻ bà Dược Lan!
- Cả tôi nữa! – Viện sĩ nói như sắp gầm lên.
Quan án sát thấy những giọng cười trong bữa tiệc nói chung có vẻ giả tạo. Mọi người đã uống khá nhiều rượu, nhưng ông biết ba vị thượng khách tửu lượng rất cao. Không người nào trong bọn họ biểu lộ chút gì gọi là say. Trái lại, đôi mắt của nữ thi sĩ thì đã sáng long lanh như người đang lên cơn sốt. Trông bà ta hình như đã mấp mé một cơn bộc phát thần kinh. Nhất định phải gợi cho bà ta nói nhiều hơn nữa bởi vì những biểu hiện cuối cùng trên nét mặt chứng tỏ bà ta đang lo sợ cho một người nào đó và người ấy hiện đang ngồi ở bàn tiệc ngay trước mặt bà ta.
- Thưa bà, lá thư nặc danh tố giác bà, – quan án sát cố nài, làm tôi nhớ đến một lá thư khác viết tại Tần Hoài cách đây mười tám năm. Đó là lá thư đã đẩy đại tướng Mạc đến chỗ sụp đổ. Nó cũng là công trình của một người có trình độ học vấn giỏi giang…
Nữ thi sĩ nhìn quan án sát bằng đôi mắt sắc nhọn.
- Ông nói cách đây mười tám năm hả? – Nữ thi sĩ sửng sốt đứng dậy. – Tôi không hiểu điều ông nói sẽ giúp ích gì cho tôi?
- Số là, – quan án sát cứ nói tiếp, – tôi vừa gặp một người liên quan thì đúng hơn. Cuộc tiếp xúc đã đưa tôi đến những kết luận lý thú, đó là cuộc tiếp xúc với cô con gái một nàng hầu của ông đại tướng. Người nàng hầu đó tên là Tống.
Quan án sát quay sang nhìn Người Đào Huyệt, nhưng hình như từ nãy đến giờ ông ta không để ý theo dõi câu chuyện của những người xung quanh, mà đang thực sự bị đĩa măng xào thu hút! Còn viện sĩ Viện hàn lâm và thi sĩ triều đình thì vẫn chăm chú nghe nhưng có vẻ chỉ nghe theo phép lịch sự mà thôi. Thấy cái vẻ sững sờ trong đáy mắt thi sĩ, ông chợt làm một con tính nhẩm: lúc đó bà ta mới mười hai tuổi, vậy thì phải có người nào đó kể lại câu chuyện đại tướng Mạc Đức Linh với bà ta, người đó hẳn phải biết rõ từng chi tiết của sự việc!
- Tống á? – Người Đào Huyệt chợt nhắc lại cái tên, tay đặt đôi đũa của mình xuống bàn. – Cái chàng phó bảng bị giết hôm rồi cũng tên ấy thì phải?
- Đúng thế! Chính vì mối quan tâm đặc biệt đến vụ án mà ông bạn của tôi và tôi đã đi ngược thời gian đến tận câu chuyện làm phản của đại tướng Mạc Đức Linh.
- Tôi hết sức băn khoăn về cái việc ông định tìm hiểu, – viện sĩ hàn lâm nói. – Nếu ông cho rằng việc xử án không công minh thì ông hoàn toàn nhầm đấy ông Lã ạ! Tôi là cố vấn cho quan ngự sử, người thay mặt đức vua, ông hiểu chứ, và tôi đã theo dõi hầu hết quá trình thảo luận cân nhắc vụ án đó. Hãy tin lời tôi nói rằng ông đại tướng đích thị là có tội. Đó là một điều đáng tiếc bởi vì ông ta vốn là một quân nhân ưu tú, nhìn bề ngoài là một con người hoạt bát, khoẻ mạnh và dễ gây thiện cảm, nhưng trong nội tâm có cái gì đó đã mục rỗng. Câu chuyện đen tối về thăng cấp thăng chức đã làm ông ấy bực bội, bất mãn…
Thi sĩ triều đình gật đầu đồng ý, tay nâng cốc tợp một ngụm rượu vang:
- Tôi rất dốt về các việc hình sự ông Lã ạ, – thi sĩ nói bằng giọng trong trẻo, – nhưng tôi lại rất ham những chuyện rắc rối khó hiểu. Ông có thể cho tôi biết giữa những vụ phản nghịch trước kia với vụ giết anh chàng phó bảng hiện nay có liên quan gì với nhau không?
- Chàng phó bảng họ Tống, chúng tôi nghĩ có thể là anh cùng cha khác mẹ của người con gái, con riêng người hầu mà ông Địch, bạn đồng sự của tôi vừa ám chỉ.
- Điều ông vừa nói có vẻ là một giả thuyết kỳ cục đấy! – Thi sĩ triều đình phản đối.
Thấy Dược Lan như định nói, quan án sát vội nói thêm:
- Không hoàn toàn như vậy đâu. Ông thử nghĩ người hầu thiếp của đại tướng Mạc đã bỏ rơi đứa con gái bà ta có mang với người tình. Theo chúng tôi, khi chàng phó bảng biết cô con gái cùng mẹ khác cha và cả người tình của mẹ anh ta vẫn đang sống ở Tần Hoài, anh ta liền đến Tần Hoài để tìm tung tích họ. Thực tế ông bạn đồng sự của tôi và tôi đã phát hiện việc chàng phó bảng nghiên cứu các hồ sơ của toà án là để tìm xem còn những ai là bạn hữu và những người quen biết ông đại tướng.
- Ông Lã, xin chúc mừng ông! – Viện sĩ thốt lên. – Ông chẳng những làm tròn các công vụ mà còn tiếp đãi chúng tôi đến nơi đến chốn! Còn cái sự việc rất kín kẽ kia, chúng ta sẽ chẳng bới ra được cái gì đâu! Thế ông đã có tin gì mới về vụ anh chàng phó bảng chưa?
- Tất cả công lao đều thuộc về ông Địch, bạn đồng sự của tôi. Chính ông ấy vừa cho tôi biết những phát hiện cuối cùng của ông ấy.
- Thưa các vị, cũng là tình cờ thôi, – quan án sát khiêm tốn nói, – cũng là ngẫu nhiên tôi đã tìm ra chỗ ở của người em gái cùng mẹ khác cha của Tống. Đó chính là cô gái giữ miếu Cáo Đen ở gần Cửa Nam. Cô giá hơi loạn trí, nhưng…
- Trong chừng mực tôi biết, – thi sĩ triều đình nói xen vào, – người không có đầy đủ năng lực tinh thần thì làm sao toà án có thể chấp nhận làm nhân chứng!
Người Đào Huyệt xoay người trên ghế, trố mắt nhìn quan án sát.
- Thế hả ông Địch. Ông cũng biết Hoàng Liên à! – Nhà sư thốt lên.
Chương 18: Mối tình cao thượng được giải bày-Ông viện sĩ hàn lâm tiến một bước dài
Cặp môi dày của Lỗ Huynh hếch lên. Bàn tay to đầy lông lá cầm cốc rượu xoay tròn. Vẻ mặt đầy tư lự, nhà sư nói:
- Tôi cũng thế, tôi cũng gặp cô gái ấy một lần. Cô gái đã làm tôi chú ý là vì đời sống của cô ta tương tự đời sống của loài chồn cáo. Vùng ấy có rất nhiều cáo. Ông có rõ câu chuyện về cô gái ấy không? Nó bị người ta đem bán cho một nhà chứa mạt hạng. Ở đấy, ngay lần tiếp khách đầu tiên, nó đã cắn đứt lưỡi một khách làng chơi có tuổi. Chà! Đúng là phản ứng của loài cáo! Hơn nữa, miếng cắn ấy rất có hiệu quả bởi vì sau đó lão kia chết. Còn nó thì nói chung, vì thẹn nên đã nhảy qua cửa sổ trốn biệt vào miếu Cáo Đen, rồi ở lì trong đó.
- Ông gặp cô gái ấy từ bao giờ? – Quan án sát hờ hững hỏi.
- Bao giờ à? Ồ, cũng phải đến một hai năm rồi đấy. Khi đó tôi vừa đến đây được ba ngày và tôi muốn gặp cô gái ấy một tí để hỏi xem cho rõ thực hư về bản chất mối liên hệ giữa một cô gái với loài cáo ra sao? Tôi đến cả thảy hai lần, – nhà sư gật gù xác định, – nhưng lần nào cũng chỉ tới cổng là phải quay về vì ở đó có rất nhiều ma nó kéo đến ám.
Người Đào Huyệt lại rót đầy cốc rượu của mình rồi quay sang nói với quan tri huyện:
- Cô bé vũ nữ đêm qua cũng có một cái mặt cáo, ông Lã ạ. Vết thương của cô ta hiện giờ ra sao rồi?
Quan tri huyện đưa mắt dò hỏi quan án sát. Thấy quan án sát ra hiệu tán thành, ông liền nói với cử toạ:
- Thưa các vị, tối hôm qua vì không muốn làm mọi người phải đau buồn nên tôi đã thông báo với các ngài rằng sự việc xảy ra đối với cô vũ nữ chỉ là một tai nạn rủi ro. Sự thực cô vũ nữ đã bị một kẻ manh tâm giết hại…
- Tôi không tin! – Người Đào Huyệt gắt lên. – Lẽ nào cô ta chết còn nằm đấy mà chúng ta vẫn yên trí uống rượu, nói chuyện…
Thi sĩ triều đình nhìn Dược Lan với vẻ mặt sững sờ.
- Bị giết à? – Ông hỏi lại. – Chính bà chứng kiến việc đó đầu tiên phải không?
Trong lúc nữ thi sĩ gật đầu xác nhận, viện sĩ nói xen vào:
- Đáng lẽ ông phải cho chúng tôi biết ngay, ông Lã ạ! Chúng tôi không dễ dàng để người khác làm mình đau buồn đâu, ông biết không! Và kinh nghiệm phong phú của tôi đối với những công việc hình sự chẳng lẽ không giúp ích gì cho ông sao? Đó, ông thấy chưa, trên vai ông như vậy đã có hai vụ án mạng rồi đấy, ông Lã! Thế ông đã phát hiện được dấu vết gì về vụ cô bé vũ nữ chưa?
Thấy ông bạn đồng nghiệp rụt rè chưa nói, quan án sát trả lời thay:
- Hai vụ giết người có liên quan chặt chẽ với nhau. Về vụ phó bảng Tống, qua việc anh ta tìm hiểu hồ sơ vụ án của bố anh ta, tôi hoàn toàn đồng ý với ông viện sĩ rằng bố anh ta đúng là có tội. Ý nghĩ cho rằng bố mình là vô tội của chàng phó bảng rõ ràng không thực tế. Nhưng ông bạn đồng sự của tôi và tôi đều nghĩ rằng chàng phó bảng cố tìm ra kẻ đã giết hại bố mình không phải động cơ lớn lao, như lòng yêu nước chẳng hạn, mà vì một lý do hết sức thường tình vị kỷ, anh ta muốn biết ai là…
Câu nói của quan án sát bị cắt ngang bởi những tiếng nói như thét của nữ thi sĩ:
- Ô hay, quan án sát! Ông còn chưa chịu chấm dứt những câu chuyện ghê tởm này ư? – Giọng nói của nữ thi sĩ run run. – Kiểu cách này là cái kiểu cách ông định dùng để tiến gần đến con mồi mà không gì có thể ngăn nổi đây!… Ông quên rằng chính tôi đang là bị cáo, và rằng chính tôi cũng là kẻ bị cáo và rằng tôi có thể nhận một cái án tử hình hay sao? Ông nỡ lòng nào…
- Bình tĩnh, Dược Lan! – Viện sĩ ngắt lời nữ thi sĩ. – Không nên lo lắng vô ích! Bà sẽ được xử trắng án. Điều đó không có gì đáng ngờ cả! Các quan toà ở toà án chính quốc là những con những người ưu tú và đều là bạn thân của tôi. Tôi có thể đảm bảo với bà việc xét xử bà sẽ chỉ là một thủ tục mà thôi. Họ sẽ giải quyết rất nhanh chỉ trong chốc lát!
- Nhất định là thế, – thi sĩ triều đình hùa thêm vào.
- Thưa bà, tôi xin cung cấp cho bà nhiều tin hay. – Quan án sát nói tiếp. – Có lúc tôi đã nói với bà về bức thư nặc danh tố giác đại tướng Mạc và lá thư nặc danh tố cáo bà đều do một người có học vấn cao thảo ra. Chúng tôi đã phát hiện và khẳng định đó là do bàn tay của một người và chỉ một người thôi. Sự kiện đó cho phép tôi nhận định về sự việc của bà hoàn toàn khác, thưa bà.
Viện sĩ hàn lâm và thi sĩ triều đình kinh ngạc nhìn quan án sát.
- Ông hãy nói cho chúng tôi nghe rõ về cái chết của cô bé vũ nữ có khuôn mặt giống cáo đi! – Người Đào Huyệt lên tiếng yêu cầu. – Chung quy có phải sự việc đó xảy ra ở gian buồng bên cạnh phòng tiệc…
- Phải. Dĩ nhiên ông cũng đã biết câu chuyện về chiếc “cầu thang bà quận chúa”. Bà quận công, vợ ông hoàng thứ chín đã mượn cái cửa ra vào đằng sau tấm màn che bức tường cuối phòng tiệc để…
Một tiếng động mạnh khiến quan án sát quay người lại: nữ thi sĩ bật dậy làm đổ chiếc ghế.
- Thật là ngu ngốc! – Nữ thi sĩ hét lên, mắt nảy lửa nhìn thẳng vào mặt quan án sát. – Chính ông và cả những lý luận mù mờ của ông nữa! Nhưng ông không thể và cũng không dám nhìn thẳng vào sự thật đâu, dù ông có nổ cả hai con mắt của ông ra! Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều những cuộc cãi vã kiểu này rồi, – nữ thi sĩ nói thêm và đặt mạnh bàn tay lên ngực lấy hơi. – Những cuộc cãi vã kiểu đó đã kéo dài hai tháng này và bây giờ tôi không thể nào chịu được nữa! Tôi kiệt sức rồi! Chính tôi đã giết chết cô vũ nữ! – Nữ thi sĩ nắm tay đấm mạnh xuống bàn thét lên. – Bởi vì cô ta doạ phát giác tôi. Đồ ngu xuẩn! Tôi đã đâm chiếc kéo vào cái cổ dài ngẳng gầy guộc của cô ta và sau đó… tôi đóng kịch với các ông!
Bầu không khí bỗng trở nên im phăng phắc. Nữ thi sĩ nhìn cử toạ bằng đôi mắt bốc lửa. Quan án sát chăm chú nhìn nữ thi sĩ, bối rối.
- Thế là hết… – Quan tri huyện lầm bầm nói một mình.
Nữ thí sĩ nhìn xuống và tiếp tục nói bằng một giọng bình tĩnh hơn:
- Phó bảng Tống là người yêu của tôi. Tôi biết đầu óc anh ta lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ bố anh ta đã bị tố cáo sai sự thật. Cô vũ nữ đã nói cho tôi biết việc Tống đến thăm Hoàng Liên. Hoàng Liên là một con bé dở hơi bị đau khổ vì ảo giác tình ái. Con bé ấy đã khoác mảnh vải liệm vào bộ xương người và bảo đó là người yêu của nó. Vì quá đau khổ trong cảnh không cha không mẹ, nó đã tưởng tượng ra chuyện bố nó đến thăm nó. Chính Tiểu Phượng đã nói cho tôi biết. Tiểu Phượng đã không làm cho cô gái kia tỉnh ngộ, trái lại còn dạy cô gái hát những bài hát kỳ quái. Tôi xin nói với các ông, Tiểu Phượng chỉ là một con điếm ranh con bẩn thỉu. Nó chết là đáng đời. Tiểu Phượng đã bắt gặp mối tình giữa tôi với Tống. Đó là lý do vì sao cô ta muốn phát giác tôi. Tôi đã nhận ra ý đồ của cô ta từ chiều hôm qua. Đáng lẽ cô ta múa điệu “Những đám mây hồng” nhưng khi gặp tôi, cô ta đã cân nhắc vận may rủi, và đổi sang điệu múa “Đoản khúc áo đen”. Mục đích của cô ta là định gián tiếp nói cho tôi biết rằng chính mắt cô ta đã trông thấy Tống từ trong ngôi miếu hoang đi ra.
Nữ thi sĩ tường thuật các sự việc một cách hối hả đến nỗi thỉnh thoảng bà ta phải ngừng nói để lấy hơi. Quan án sát phải cố sắp xếp trong óc câu chuyện lộn xộn bà đang kể. Tất cả các giả thuyết ông vừa dựng lên một cách hết sức cẩn thận đều sụp đổ ngay cả trước khi ông có đủ thì giờ hệ thống nó lại. Có tiếng vũ khí va chạm lách cách. Ba người lính áp giải nghe tiếng ghế đổ và những tiếng thét của nữ thi sĩ, đã tiến lại gần ngôi đình. Người trung sĩ đứng dựa lưng vào một cái cột theo dõi cảnh tượng đang diễn ra với thái độ do dự. Anh ta hầu như không để ý đến các vị khách. Mọi con mắt đều đổ dồn vào nữ thi sĩ. Bà ta đứng thẳng người, hai bàn tay xoè ra úp lên mặt bàn.
- Qua lời nói của Tống, cô vũ nữ biết được những điều bí mật gì? – Cuối cùng quan án sát hỏi bằng một giọng mà chính ông cũng không nhận ra được tiếng nói của mình.
Nữ thi sĩ quay người lại ra hiệu cho người trung sĩ:
- Lại gần đây, ông trung sĩ! Ông đã cư xử đúng mực với tôi. Ông có quyền nghe câu chuyện này!
Người trung sĩ nhìn quan án sát với một vẻ ngượng nghịu và tiến lại gần chiếc bàn, nữ thi sĩ nói tiếp:
- Tống là tình nhân của tôi, nhưng tôi không đợi đến lúc anh ta chán ngấy mình nên quyết định từ giã anh ta trước. Tôi đã từ giã anh ta vào mùa thu năm ngoái. Cách đây sáu tuần lễ, anh ta đến vùng hồ vài ngày để thăm tôi và cầu mong tôi chắp nối lại mối tình xưa. Tôi từ chối. Tôi đã chán ngấy các ông nhân tình, chán đến mức ghét cay ghét đắng đàn ông! Tôi chỉ còn một vài cô bạn gái quây quần bên nhau. Tôi muốn các bạn gái của tôi phải biết giữ gìn phẩm giá. Vì thế khi biết đứa hầu gái của tôi tằng tịu với một anh làm thuê, tôi liền đuổi nó đi. Ít lâu sau nó trở về vào một buổi tối, tưởng tôi đã ra khỏi nhà đi dạo sau bữa cơm chiều. Tôi bắt được quả tang lúc nó đang lục lọi hòm nữ trang của tôi.
Dược Lan ngừng một lát, đưa tay lên vén món tóc xoã xuống mặt.
- Tôi chỉ muốn dạy cho nó một bài học, nhưng thế là… thế là không phải tôi đang đánh nó, mà mỗi làn roi quất xuống như đang quất vào chính con người tôi. Tôi trút tất cả cơn giận dữ vào sự điên rồ lố lăng và hoang tưởng trước kia của tôi! Khi tĩnh trí trở lại và hiểu được những gì mình đang làm thì ôi thôi, con bé đã nằm bất động trên mặt đất! Tôi vội kéo xác nó ra ngoài vườn, nhưng vừa tới cửa thì Tống đến! Anh ta lặng lẽ giúp tôi, không nói nửa lời, mang xác đứa hầu gái ra vùi dưới gốc cây anh đào. Sau đó, anh ta bảo cả hai chúng tôi đều cam kết giữ kín sự việc. Tôi không đồng ý và nói với anh ta rằng anh ta đã hành động đồng loã với một kẻ giết người, vậy thì tốt nhất anh ta nên trốn đi. Thế là anh ta trốn. Tôi nghĩ phải bảo vệ mình nên đã phá khoá cổng vườn và mang hai cây đèn chôn xuống đất, chỗ dưới bàn thờ.
Nữ thi sĩ trút một hơi thở dài. Một lần nữa bà lại quay về phía người trung sĩ, nói với anh ta bằng một giọng hết sức dịu dàng:
- Tôi thành thật xin lỗi ông. Khi từ nhà trọ lên, tôi đã nhìn thấy ông kín đáo canh gác tôi ở bên ngoài. Việc đó xảy ra cách đây ba hôm, khi tôi đến nhà ông thợ kim hoàn. Tôi đã ngã vào lòng Tống. Anh ta thủ thỉ bên tai tôi rằng nếu lá thư nặc danh của anh ta không đủ sức để đưa tôi lên giá treo cổ thì anh ta sẽ tìm cách khác hiệu quả hơn. Nhưng trước đó có thể tôi đã muốn nói chuyện với anh ta một chút về mọi vấn đề giữa hai chúng tôi. Tôi hứa sẽ lại lên đến với anh ta vào lúc nửa đêm. Xin ông đừng khinh tôi, ông trung sĩ ạ. Ông đã cẩn thận bố trí một người canh gác ngay trước cửa buồng ngủ của tôi. Nhưng tôi vẫn ra khỏi tửu quán một cách êm thấm và đi thẳng đến nhà Tống. Anh ta vừa mở cửa, tôi giết anh ta ngay tại chỗ bằng một chiếc lưỡi cưa lượm nhặt ở đống rác gần lối đi. Đấy, tất cả chỉ có thế!
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc, – người trung sĩ vừa nói vừa thản nhiên tháo sợi dây xích quấn quanh bụng anh ta.
- Thì ra tài ứng khẩu vẫn là ngón sở trường của nhà mi! – Câu nói to bật ra từ miệng một người.
Đó là ông viện sĩ Viện hàn lâm! Ông ta vụt đứng dậy, xô chiếc ghế ra phía sau. Ánh sáng của những ngọn đèn lồng treo trên các thanh rui rọi vào hình dáng bệ vệ của ông viện sĩ làm hằn lên gương mặt đanh lại với một vẻ kiêu kỳ, câm lặng như băng giá. Ông ta vuốt tà áo thụng cho phẳng phiu rồi chậm rãi tuyên bố:
- Dù sao ta cũng không muốn mình phải mang ơn một con đĩ tầm thường.
Và rõ ràng cũng không vội vã, ông viện sĩ ghé chân bước qua hàng lan can.
Nữ thi sĩ kêu thét lên, trong khi đó quan án sát hốt hoảng lao về phía hàng rào lan can. Viên trung sĩ và Người Đào Huyệt cũng vội chạy đến. Trong bóng tối dày đặc chỉ còn nghe tiếng thác nước réo yếu ớt dưới đáy vực.
Khi quan án sát trở lại chỗ ngồi của mình thì nữ thi sĩ đã thôi không kêu la nữa. Bà ta đứng bên cạnh thi sĩ triều đình gần lan can, mặt đờ đẫn ngây dại. Quan tri huyện nói mấy câu vắn tắt ra lệnh cho viên giám quận. Viên giám quận nhận lệnh xong hấp tấp ra đi.
Cuối cùng, nữ thi sĩ quay lại ngồi xuống bên chiếc bàn và tuyên bố bằng một giọng uể oải:
- Đó là con người duy nhất mà tôi chưa bao giờ yêu đến thế. Xin mọi người hãy cùng uống chung một chén rượu. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ phải chia tay mỗi người mỗi ngả. Kìa, mặt trăng đã lên rồi!
Mọi người ngồi xuống quanh chiếc bàn. Viên trung sĩ lùi lại vài bước đến chỗ cái cột ở xa nhất. Hai người lính dưới quyền cũng đang đứng ở đấy.
- Viên giám quận vừa cho tôi biết, – quan tri huyện nói trong lúc quan án sát rót rượu đầy vào cốc của Dược Lan, – có một con đường mòn dẫn xuống tận đáy vực. Tôi đã cho vài người xuống đó tìm xác. Nhưng chắc chắn chỉ có thể tìm thấy cách đây một hoặc hai dặm về phía hạ lưu vì dòng thác chảy rất mạnh.
Nữ thi sĩ tỳ khuỷu tay lên mặt bàn:
- Dĩ nhiên năm nay, ông ta cho vẽ các kiểu lăng lộng lẫy, dự định sẽ xây một cái đẹp nhất ở quê hương để khi chết sẽ mãi mãi yên nghỉ tại đây. Thế mà, ông ta chết như vậy!…
Nữ thi sĩ vùi mặt vào hai bàn tay. Quan tri huyện và Người Đào Huyệt lặng lẽ nhìn đôi vai của nữ thi sĩ đang run lên thổn thức. Thi sĩ triều đình quay mặt đi, đăm đăm nhìn dãy núi dưới ánh trăng.
- Vâng, đó là người đàn ông duy nhất mà tôi yêu thực sự, – Dược Lan lại nói. – Tôi đã lấy thi sĩ Văn Đồng Dương vì thi sĩ có tấm lòng hào hiệp, đẹp trai và còn một vài đức tính tốt khác nữa. Nhưng Triệu Phan Viên mới là người nằm trong trái tim tôi, trong cơ thể tôi. Năm mười chín tuổi, tôi yêu ông ta. Ông ta chiếm đoạt tôi vụng trộm ở phòng khách, nơi tôi làm việc, bởi vì ông ta nhất định từ chối không chịu chuộc tôi ra. Khi dùng tôi đã chán chê, ông ta bỏ rơi không một lời từ biệt, không thí cho một đồng xu nhỏ. Tôi buộc phải làm điếm để nuôi thân. Vì bỏ trốn nên tên tuổi bị ghi vào sổ đen, tôi không thể xin vào làm việc ở một nơi tử tế. Tôi bị ốm gần đói lả. Ông ta biết nhưng lờ đi. Về sau, Văn Đồng Dương vực tôi dậy, tôi đã nhiều lần tìm cách nối lại với ông ta. Ông ta vẫn xua đuổi tôi như xua đuổi một con chó mắc bệnh truyền nhiễm! Ôi! Ông ta làm tôi đau khổ biết chừng nào! Vậy mà ngọn lửa tình yêu của tôi đối với ông ta vẫn không hề tắt.
Nữ thi sĩ uống một hơi cạn chén rượu và nhìn quan tri huyện với vẻ thương hại.
- Khi ông yêu cầu tôi đến đây dự tiệc, ông Lã ạ, lúc đầu tôi đã từ chối bởi vì tôi không còn muốn gặp ông ta nữa… không còn muốn nghe giọng nói kiêu kỳ tự phụ của ông ta, không còn muốn nhìn thấy… (Nữ thi sĩ so vai). Khi người ta thực sự yêu một người đàn ông, người ta yêu cả những khuyết điểm của người đó. Và rồi cuối cùng tôi lại đến. Đến đây, gặp ông ta là một cực hình nhưng tôi thấy sung sướng… Tôi chỉ mất bình tĩnh đôi chút lúc ông ta hạ lệnh cho tôi hoạ một bài thơ về cuộc “họp mặt vui vẻ” của chúng ta. Tôi đã xin lỗi ông về bài thơ ấy. Rốt cuộc tôi chỉ là một người, một đối tượng độc nhất để ông ta phô bày đủ thứ tội ác của ông ta. Và ông ta bao giờ cũng tự khẳng định mình là nhân vật vĩ đại nhất và bao giờ cũng cho chỉ riêng mình có quyền sống tự do hoàn toàn theo sở thích cá nhân. Vâng, chính Triệu đã ngoại tình với nàng hầu của đại tướng Mạc. Khi ông đại tướng biết sự việc, Triệu đã nhanh chân tố giác ông ấy. Chính Triệu đã can dự vào âm mưu làm phản nhưng ông ta đã kịp hiểu ra và đã quay lưng lại với những người mà trước đó ông ta đã theo họ. Cũng vì thế, ông ta biết hầu hết những người đồng loã với ông hoàng thứ chín! Quan ngự sử đã ngỏ lời khen ngợi Triệu về những lời khuyến cáo chính xác! Triệu thường nhắc lại chuyện đó với tôi một cách khoái trá. Ông đại tướng không nêu được tên Triệu ra trước vành móng ngựa là vì ông không có chứng cớ về sự tham dự của Triệu vào âm mưu phản loạn. Còn câu chuyện ngoại tình, nếu đại tướng nêu ra cũng chẳng ích gì, trái lại chỉ làm Triệu thêm hãnh diện. Hơn nữa, người hầu thiếp đã treo cổ tự sát thì ông đại tướng làm sao chứng minh được việc đó. Triệu thích nhắc lại với tôi câu chuyện cũ ấy… Mùa xuân năm ngoái, ông ta đến đền Bạch Hạc thăm tôi. Sở dĩ ông ta tìm đến thăm tôi là vì trên đời này chẳng còn gì làm ông ta vui bằng tìm tới những số phận rủi ro do chính ông ta tạo ra. Cũng vì thế, Triệu rất tha thiết với việc đến thăm người con gái không hợp pháp của ông ta ở miếu hoang. Mỗi lần đến thăm con gái là một lần ông ta phải nán lại Tần Hoài ít ngày. Ông ta nói con gái ông ta đang sống trong một cuộc sống kỳ diệu giữa người tình chung thuỷ và đàn cáo của nó!
Ngoài chuyện đó ra, những điều tôi nói về cái chết của đứa hầu gái đều là sự thật nghiêm chỉnh, duy có điều không phải là Tống, mà là Triệu! Triệu đã giúp tôi vùi xác đứa hầu gái dưới gốc cây anh đào. Còn đối với anh chàng phó bảng, tôi chưa hề được nhìn thấy anh chàng khốn khổ ấy bao giờ. Triệu chỉ mới nói chuyện về anh ta với tôi ngày hôm qua. Cô gái Hoàng Liên tội nghiệp đã nói với ông ta tất cả những điều nó biết về Tống. Ông ta liền đến nhà Tống lúc nửa đêm, gõ cổng vườn sau nhà nói là mang những tin tức về đại tướng Mạc đến cho Tống. Chàng thư sinh ra mở cửa mời khách vào nhà và lập tức bị ông ta giết bằng một chiếc cưa lượn ông ta nhặt ở đống rác gần cổng vườn. Triệu nói với tôi đêm hôm ấy trong người có giắt theo một con dao găm, nhưng ông ta bao giờ cũng thích dùng một thứ vũ khí gì đó lấy tại chỗ. Đó cũng là lý do vì sao ông ta giết cô vũ nữ bằng cái kéo. Triệu chỉ sợ Tống tìm ra những chứng cớ về việc ông ta ngoại tình với mẹ anh, những thư từ tài liệu chẳng hạn, nên ông đã bới tung căn nhà Tống ở, nhưng không tìm được gì cả. Ông làm ơn rót dùm tôi một ly rượu nữa, Lỗ Huynh!
Lần này, nữ thi sĩ uống cạn chén rượu rồi kể tiếp:
- Chả cần phải nói với các ông việc Triệu đã giúp tôi chôn đứa hầu gái như thế nào, tôi chỉ nói rằng tôi đã không đề nghị ông ta trốn đi. Ngược lại, tôi quỳ xuống cầu khẩn ông ta. Tôi van xin ông ta ở lại, tôi nài nỉ ông ta nối lại quan hệ! Ông ta thản nhiên trả lời rằng ông ta rất tiếc không được xem tôi đánh đứa hầu gái. Nhưng vẫn thấy có nhiệm vụ phải tố cáo tôi với các nhà chức trách. Nói xong, ông ta cười ha hả, bỏ đi! Tôi biết nhất định Triệu sẽ làm việc đó, vì thế đã tạo ra những dấu vết giả để làm lạc hướng cuộc điều tra. Sau khi tôi được tin có thư nặc danh tố giác mình, tôi biết ngay là Triệu đã viết nó, bởi ông ta chỉ muốn tôi chết! Ông ta đã nhìn thấu tâm trạng quỵ luỵ đê hèn và cung cách lố lăng của tôi đối với ông ta. Ông ta cầm chắc tôi không bao giờ có tâm địa làm hại thanh danh của ông ta và cho rằng tôi đã chán đời, chỉ muốn chết.
Dược Lan lắc đầu mệt mỏi, tay trỏ vào cột đình:
- Các ông thấy đấy, tôi yêu ông Triệu biết chừng nào! Tôi đã làm bài thơ kia để thổ lộ tâm trạng đau khổ thầm kín của riêng mình trong khi tất cả mọi người vẫn đông đủ. Ông án sát! – Nữ thi sĩ nhìn xoáy vào quan án sát nói tiếp. – khi những mắt lưới khắc nghiệt của ông thít dần lại, chính là lúc tôi đang bị ông bóp đến nghẹt thở và đó là lý do buộc tôi phải nói. Tôi đã sắp đặt lại tất cả các tình tiết của sự việc mà tôi biết rõ, cốt làm sao cứu vãn được ông ta. Thế mà… Chắc ông nghe rõ câu cuối cùng của ông ta…
Nữ thi sĩ đặt cốc xuống bàn, đứng lên sửa lại mái tóc bằng mấy động tác nhanh và khéo léo.
- Giờ đây Triệu đã chết, – nữ thi sĩ nói tiếp với một vẻ dửng dưng. – Dĩ nhiên tôi có thể đổ tội cho ông ta, tôi có thể tố cáo ông ta đã đánh chết đứa hầu gái của tôi và nhất định ông ta sẽ gánh thêm tội đó. Thế nhưng ông ta chết, tôi còn tìm lối sống để làm gì! Tôi có thể nhảy xuống vực mà chết theo ông ta. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ liên luỵ đến ông trung sĩ. Ông trung sĩ sẽ phải lấy mạng sống của mình mà thế vào tội sơ suất của ông ấy! Hơn nữa, tôi có cách xử sự riêng và tôi tự hào về cách xử sự của mình. Nếu như bản thân tôi có rất nhiều điều để tự trách mình thì ít ra tôi cũng còn có điều để khoe rằng mình không bao giờ tỏ ra hèn nhát! Tôi đã đánh chết đứa hầu gái và sẽ nhận phạt xứng đáng với tội lỗi của mình. Ông Trương! – Nữ thi sĩ cười yếu ớt nói với thi sĩ triều đình. – Được gặp ông, tôi coi như một đặc ân. Đối với Lỗ Huynh tôi cảm phục ông bởi vì giờ đây tôi đã có thể thấu hiểu những sự khôn ngoan đúng mực của ông… Còn ông Lã, tôi hết sức biết ơn về mối tình bạn thuỷ chung bền vững mà ông dành cho tôi… Quan án sát ạ, tôi rất lấy làm ân hận vì lúc nãy đã nói với ông những lời gay gắt. Mối tình giữa tôi và Triệu sớm muộn sẽ bị lên án và thực tế nó đã kết thúc một cách bi thảm! Về phía ông, ông chỉ làm theo bổn phận. Tất cả đều để cho ngày mai được tốt đẹp hơn. Từ ngày ông Triệu về hưu, hoàn toàn không bị ràng buộc với công việc, ông ta vẫn ấp ủ những dự kiến quỷ quái để tiếp tục lối sống hưởng thụ và tiêu khiển của ông ta. Đời tôi thế là hết. Xin vĩnh biệt!
Dược Lan quay về phía người trung sĩ, đưa tay cho anh ta xích và bước đi cùng với hai người lính áp giải.
Thi sĩ triều đình mặt tái mét, ngồi xếp chân vòng tròn trên ghế, đưa tay xoa trán, miệng thì thầm:
- Chỉ mới nghĩ rằng mình đang thực sự sống trong cơn ác mộng của sự từng trải, tôi đã bị chứng đau nửa đầu kéo đến hành hạ kinh khủng! Chao ôi, ngao ngán quá! Thôi, chúng ta quay về thành phố đi, ông Lã ạ! – Thi sĩ triều đình nói thêm và hấp tấp đứng lên. – Ông Lã, thế là sự nghiệp của ông đã được củng cố! – Thi sĩ nói câu kết luận với một nụ cười yếu ớt. – Vinh dự lớn nhất đang chờ đón ông! Ông sẽ…
- Vâng, tôi biết lắm! Biết rất rõ lúc này cái gì đang chờ tôi. Đó là ngồi vào bàn giấy, thức thâu đêm viết bản tường trình! Bây giờ ông cứ lên kiệu mà về trước đi. Tôi chỉ thoáng một cái là theo kịp ông ngay.
Chờ cho thi sĩ triều đình đi khỏi, quan tri huyện mới quay sang nhìn quan án sát hồi lâu, ấp úng nói:
- Thật… Thật khủng khiếp, ông Địch ạ! Cô… Cô ta…
Giọng quan tri huyện lạc hẳn đi. Quan án sát nhẹ nhàng đặt tay lên vai người bạn đồng liêu:
- Ông có thể viết nốt bản tiểu sử của nữ thi sĩ được rồi đấy, bằng cách nhắc lại nguyên văn tất cả những gì bà ta vừa nói. Còn cái việc ông dự kiến xuất bản những tác phẩm thơ của bà ta hoàn toàn là một việc làm trọn tình trọn nghĩa. Qua những tác phẩm đó, tên tuổi bà ta sẽ sống mãi với thời gian. Bây giờ ông nên về cho kịp ông Trương, tôi còn muốn ngồi lại đây một lát, ông Lã ạ. Tôi cần bình tĩnh suy nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra. Ông bảo các nhân viên toà án của ông hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, tôi sẽ về sớm để giúp ông viết bản tường trình.
Quan án sát nhìn quan tri huyện đi xa dần. Sau đó ông quay lại nói với Người Đào Huyệt:
- Còn ông, ông sẽ làm gì hả Người Đào Huyệt?
- Tôi sẽ ngồi đây với ông, ông Địch ạ. Chúng ta hãy kéo ghế sát lan can mà ngồi ngắm mặt trăng lên. Chính vì cảm phục chị Hằng mà tôi với ông có thể ngồi với nhau ở đây, có phải thế không ông Địch?
Hai người cùng ngồi xuống ghế, lưng tựa vào chiếc bàn đã vơi đi một nửa các thức ăn trong bữa tiệc. Dưới mái đình chỉ còn lại hai người. Sau khi quan tri huyện lên kiệu trở về, đám gia nhân đã tụ tập nhau ở gian nàh bếp mới dựng tạm trong rừng đang sôi nổi bàn tán về những sự việc làm họ kinh ngạc vừa xảy ra hồi chập tối.
Quan án sát trầm ngâm nhìn rặng núi trước mặt. Từng ngọn cây nhô trên đỉnh núi đều lộ rõ dưới ánh trăng vằng vặc.
- Ông thích Hoàng Liên à? – quan án sát chợt hỏi. – Tôi lấy làm tiếc đã nói để ông biết cái tin cô gái chết vì bệnh dại chiều nay.
- Tôi biết, – Người Đào Huyệt lắc lư cái đầu đáp. – Trong lúc lặn lội trên những lối mòn đến đây, tôi trông thấy một con cáo đen lần đầu tiên trong đời. Tôi chỉ kịp nhìn thấy tấm thân dài mềm mại của nó và bộ lông đen nhánh thì nó đã biến mất vào trong bụi rậm. Ông có những bằng cớ xác thực về việc ông viện sĩ chứ, ông Địch? – Nhà sư vừa xoa cặp má phính, râu cạo dối, vừa hỏi bằng một giọng rành rọt.
- Tôi không có một mảy may bằng chứng cụ thể nào cả. Nhưng nữ thi sĩ đã đi ngược lại, vì thế mà vô tình bà ta đã làm sáng tỏ tất cả. Nếu bà ta không nói thì có lẽ tôi vẫn tiếp tục mày mò thêm một chút nữa rồi cuối cùng cũng đến phải ôm mớ lý thuyết tù mù của mình mà rút lui thôi! Ông viện sĩ hàn lâm hẳn đã nghiền ngẫm bản thuyết trình hấp dẫn của tôi và biết tỏng rằng nó cũng chỉ đến thế là cùng, không thể tiến xa hơn được nữa. Ông ta thừa biết tôi không có một bằng chứng cụ thể nào trong tay để có thể chống chọi với ông ta. Đó là điều thâm tâm ông ta đã khẳng định. Ông ta nhảy xuống vực không phải vì sợ tiến trình điều tra tư pháp vẫn tiếp diễn sẽ lôi ông ta ra ánh sáng, mà vì ông ta quá kiêu ngạo. Ông ta đã huỷ hoại thân mình chỉ vì biết có một người đã thương hại mình!
- Đây là một tấn thảm kịch kỳ lạ, ông Địch à, – Người Đào Huyệt lắc đầu nhận xét. – Tấn thảm kịch của con người trong đó những con cáo có tham gia đóng góp vai trò của chúng. Nhưng chúng ta đừng xem xét sự vật một cách đơn giản và phiến diện, đóng khung nó trong cái thế giới loài người nhỏ bé của chúng ta. Nhất định còn có những thế giới khác cao hơn cả thế giới chúng ta đang sống, ông Địch à. Đứng về phương diện thế giới loài cáo mà nói, thì đó là một bi kịch của loài cáo, trong đó những con người bất hạnh chỉ đóng vai thứ yếu?
- Có thể ông có lý. Những câu chuyện ấy hình như đã bắt đầu từ bốn mươi năm nay, khi người mẹ của Hoàng Liên còn là một cô gái trẻ trung đã mang một con cáo đen về nhà mình. Cái đó thì tôi không biết rõ lắm… Chỉ biết rằng, – quan án sát duỗi thẳng hai cẳng chân dài nói thêm, – hiện giờ tôi đang mệt lử, tôi thấy bải hoải cả chân tay!
Người Đào Huyệt đưa mắt nhìn quan án sát:
- Tốt nhất ông nên nghỉ ngơi đôi chút, ông Địch ạ. Trước mắt chúng ta còn một đoạn đường nữa phải vượt qua, mỗi người theo mỗi ngả do mình tự lựa chọn… Một đoạn thôi, nhưng dài và gian nan vất vả.
Người Đào Huyệt ngồi chễm chệ trên chiếc ghế tựa, thản nhiên giương cặp mắt nhìn trăng lên.
HẾT