Chương 13: Án sát Địch uống trà với một bà bệ vệ-Ông ngờ những nhân vật lỗi lạc của triều đình nhúng tay vào vụ giết người
Sáng hôm sau, án sát Địch dậy thật sớm. Ông mở các cửa sổ và cứ mặc nguyên quần áo ngủ bước ra ngoài biên hít thở không khí buổi sáng mát rượi. Ngoài kia, mảnh vườn với hòn non bộ, bóng tối còn phảng phất sương sớm phủ một lớp nhẹ trên các khóm trúc. Sau lưng ông, cả khu dinh thự vẫn im lìm không một tiếng động. Mọi người hình như còn đang yên giấc ngủ. Đám gia nhân sáng nay chắc sẽ dậy muộn vì đêm qua phải thu dọn phòng tiệc mãi đến tận khuya. Tuy nhiên những tiếng hô mệnh lệnh và những tiếng vũ khí va chạm lách cách từ trong khu toà án dội đến: lính gác đang thực hành những động tác thao diễn buổi sáng của họ.
Quan án sát lặng lẽ đi rửa mặt. Sau đó ông mặc một chiếc áo rộng bằng lụa xanh, đội mũ trùm vuông bằng sa đen hồ bột. Ông vỗ tay gọi, rồi bảo cậu tiểu đồng còn đang ngái ngủ mang ấm nước trà và một bát cơm gạo lứt với dưa món đến cho ông. Một lát sau, tiểu đồng bưng đến một mâm thức ăn gồm có cơm gạo trắng, rau trộn dấm, gà giò luộc, một đĩa trứng đúc cua, một món canh nấu bằng đậu hạt, một rổ tre đan đựng đầy bánh tẩm bột rán và một đĩa hoa quả tươi cắt thành lát. Rõ ràng bữa ăn lót dạ xa hoa thế này đã thành lệ ở đây. Quan án sát bảo tiểu đồng đặt những thức ấy lên chiếc bàn ở ngoài hiên.
Ông vừa ngồi xuống ăn được một ít thì nhân viên toà án mang đến một chiếc phong bì đóng dấu gắn xi niêm phong hẳn hoi. Đó là thư của quan tri huyện:
“Tiên sinh,
Ông giám quận sẽ đưa xác cô vũ nữ đến phòng khách Bích Ngọc. Ông ấy có nhiệm vụ giải thích cho mọi người ở đấy hiểu rằng họ sẽ có lợi nếu biết giữ kín cái chết của cô vũ nữ cho đến ngày mai. Ngày mai tôi sẽ cho chuyển cái xác sang phòng xử án. Xin gửi ông lá thư viết cho bà chủ phòng khách kèm theo đây.
Người em hậu sinh ngu muội của tiên sinh.
Lã Quan Tùng.”
Quan án sát nhét thư vào ống tay áo và bảo người viên chức toà án dẫn ông ra cổng chính khu toà án, nói rằng ông muốn đi dạo phố một lúc. Ra góc phố, quan án sát thuê kiệu đến phòng khách Bích Ngọc. Ngồi trên kiệu qua các phố người đi chợ tấp nập, ông tự hỏi không biết quan tri huyện định giữ kín cái chết của cô vũ nữ để làm gì. Viên giám quận của quan tri huyện chắc đã nhận được những chủ trương cần thiết. Phu kiệu dừng lại trước một khuôn cửa giản dị sơn đen trong một phố nhỏ yên tĩnh. Quan án sát đã toan nói với phu kiệu rằng họ đưa ông đến sai địa chỉ, thì trông thấy bốn chữ: “Phòng khách Bích Ngọc” khắc trên tấm biển đồng treo rất kín đáo bên cạnh khuôn cửa.
Người gác cửa có bộ mặt quàu quạu, dẫn ông vào mảnh sân gạch xinh xắn, xung quanh có các chậu hoa bằng đá cẩm thạch trắng chạm trổ. Cuối sân là cổng lớn sơn son trên treo tấm biển trắng viết hàng chữ màu xanh: “Giữa những bông hoa là một mùa xuân vĩnh cửu”. Dưới hàng chữ không có chữ ký của người viết nhưng nét chữ giống một cách kỳ lạ với nét chữ của Lã tri huyện.
Một người đàn ông vai rộng, mặt rỗ, chìa tay nhận lá thư quan án sát đưa, thái độ nghi hoặc. Nhưng vừa thấy nét triện lớn đỏ chót của toà án đóng ở mặt sau phong bì, thái độ của ông ta liền chuyển sang vồn vã, khúm núm cúi đầu chào. Người đàn ông dẫn quan án sát đi qua gian tiền sảnh nhỏ đến một lối đi có lan can sơn đỏ bên cạnh một vườn hoa lộng lẫy. Quan án sát ngồi xuống cạnh chiếc bàn pha trà bằng gỗ đàn hương lên nước bóng loáng. Nền nhà trải thảm len mềm xốp màu xanh biếc, tường phủ gấm cùng màu. Một chiếc án thư bằng gỗ cẩm lai đánh xi kê sát tường trên đặt một bát hương bằng sứ trắng nổi bật các hình vẽ trang trí uốn khúc màu hổ phách và màu xám. Qua những cánh cửa sổ cánh lùa để ngỏ, quan án sát chỉ nhìn thấy một góc của ngôi nhà lầu quay mặt ra vườn hoa. Tiếng đàn xi-ta lanh lảnh lọt qua những tấm mành sơn kim nhũ che kín dãy hàng hiên. Các nhạc công ăn lương của phòng khách đang tập dượt.
Một bà bệ vệ mặc áo dài dệt hoa nổi màu nâu bước vào, theo sau là đứa hầu gái, bộ mặt trịnh trọng, hai tay bưng khay trà. Bà chủ phòng khách chắp tay trong ống áo rộng loà xoà, miệng tuôn ra hàng tràng diễn văn chào mừng. Quan án sát thấy bà ta với con mắt xét nét, cái mặt xám ngoẹt, cặp má chảy, đôi mắt ti hí gian xảo và ông kết luận bà ta đang rất khó chịu về việc ông đến đây.
- Ông giám quận ở dinh tri huyện đã đến đây chưa hả bà? – Quan án sát hỏi một câu cắt ngang bài diễn văn thao thao bất tuyệt của bà chủ phòng khách.
Bà chủ phòng khách bảo đứa hầu gái đặt khay trà xuống bàn và ra ngoài để bà tiếp khách. Sau đó bà ta đưa bàn tay trắng nõn sửa lại xống áo cho ngay ngắn rồi mới chậm rãi trả lời:
- Thưa ngài, tôi thành thật bày tỏ tấm lòng thương xót của tôi đối với người con gái hèn mọn vừa gặp phải tai ương khủng khiếp. Tôi hết lòng mong mỏi sự việc xảy ra không làm phiền lòng các ngài kính mến.
- Ông bạn đồng sự của tôi buộc lòng phải tuyên bố với các vị quan khách của ông rằng cô vũ nữ chỉ bị thương ở chân. Bà có thể cho tôi xem các giấy tờ của cô ấy không?
- Tôi biết thế nào ngài cũng muốn xem mà, – bà chủ phòng khách trả lời với một nụ cười giả tạo.
Bà ta rút trong ống tay áo của mình một tập giấy đưa cho quan án sát. Mới xem qua ông đã thấy những tài liệu này chẳng có gì đặc biệt. Tiểu Phượng là con gái út một người bán rau. Ông bố mới bán cô được ba năm chỉ vì lý do đơn giản là cô có đến bốn cô chị mà ông bố thì không đủ khả năng lo của hồi môn cho ngần ấy cô con gái. Phòng khách đã dạy cô múa, dạy cô võ vẽ đọc và viết dưới sự chăm lo của một ông thầy nổi tiếng.
- Cô ấy có kết bạn tâm đắc với một khách làng chơi hay một khách trọ nào không? – Quan án sát dò hỏi.
Bà chủ phòng khách trịnh trọng rót nước trà vào chén của quan án sát rồi thản nhiên đáp:
- Dạ, về cái khoản đó các ông lớn thường hay đến đây hầu hết đều biết rõ Tiểu Phượng. Con bé có tài nhảy múa đến nỗi các quan lớn cũng phải tranh nhau mời mọc. Về nhan sắc thì đúng là nó không được đẹp. Chỉ có một số các ngài lớn tuổi rõ ràng đã say mê cái cách cư xử nước đôi của con bé nên mới xin xỏ nó ban cho ân huệ mà thôi. Nhưng con bé từ chối hết thảy mà tôi thì không muốn ép uổng nó bởi chỉ vì riêng việc nhảy múa nó cũng đã làm lợi cho phòng khách khối ra rồi. – Bà chủ phòng khách khẽ nhíu cặp lông mày nói tiếp: – Con bé thích sống lặng lẽ. Nó không bao giờ thấy cần phải sửa đổi một cái gì và coi việc nhảy múa của nó là quan trọng bậc nhất. Nhưng nó bị bọn con gái ghét, chê người nó có mùi hôi và bảo nó là giống đàn bà cáo. Việc ấy thật rắc rối. Thưa ngài, cái việc duy trì trật tự đối với bọn con gái ở đây phải kiên nhẫn lắm mới được, phải tôn trọng…
- Cô gái ấy có định tố giác ai bao giờ không?
Người đàn bà ghép hai bàn tay giơ lên trời như sắp vái lạy:
- Xin ngài tha lỗi, – bà ta vừa nói vừa nhìn quan án sát bằng cái nhìn chê bai. – Lũ con gái của tôi đứa nào cũng rành biết phân biệt món gì là món đầu bảng để câu khách, làm cho khách thèm thuồng dù có phải hành nghề trái phép hoặc phải đánh đòn ngay tức khắc đi nữa. Bẩm ngài, dĩ nhiên Tiểu Phượng có nhận những món tiền thưởng của khách và… tóm lại con bé rất khôn khéo, biết khêu gợi… lòng hào hiệp bằng… ờ… những cách khác nhau, nhưng đều hoàn toàn là lương thiện cả. Con bé cũng thật dễ bảo. Tôi cho phép nó thỉnh thoảng được đến thăm đứa con gái kỳ lạ giữ miếu Cáo Đen. Nhưng rốt cuộc nó chỉ đi được có một lần thì bị tôi cấm chỉ vì nó đã dạy cho con bé kia hát những bài hát rất hay, rất được khách. Thưa ngài, các loại du côn du đãng thường hay lảng vảng quanh vùng Cửa Nam. – Bà chủ phòng khách cắn môi nói thêm. – Con bé ấy có thể đã làm quen với một thằng nào đó trong cái bọn không đáng tin cậy và thằng đó đã gây ra vụ án mạng bỉ ổi này chăng? Bởi thế cho nên không bao giờ nên thả lỏng bọn con gái! Đó là bài học cần rút ra! Tôi nghĩ bao nhiêu công lao tiền của tôi phải bỏ ra để dạy dỗ nó, thế mà…
- Nhân bà nói đến cô gái giữ miếu, tôi hỏi bà có phải trước kia cô ấy ở đây trốn đi không?
- Thưa ngài, không phải ạ! Con bé ấy bị bán cho một phòng khách nhỏ ở gần Cửa Đông, một phòng khách mạt hạng, khách phần đông là anh em cu ly và bọn vô công rồi nghề. Thưa ngài, một… một cái nhà thổ, nếu tôi được phép nói như vậy.
- Tôi hiểu. Do đâu mà Tiểu Phượng biết cô gái giữ miếu không phải mồ côi cả cha lẫn mẹ? Và bố cô ta vẫn còn sống ở vùng này?
- Không bao giờ, thưa ngài. Một lần tôi hỏi Tiểu Phượng xem thỉnh thoảng cô gái ấy có tiếp các quý ông… các khách chơi, nhưng Tiểu Phượng bảo chỉ có nó mới dám đến ngôi miếu ấy mà thôi!
- Tôi thấy nữ thi sĩ Dược Lan rất đau đớn trước cái chết của cô vũ nữ. Vậy giữa hai người có tình cảm gì đặc biệt với nhau không?
Mí mắt của người đàn bà sụp xuống:
- Hiển nhiên nữ thi sĩ Dược Lan đáng tôn kính rất xúc động về cách cư xử ý tứ và những nét trẻ trung của con bé, – bà ta mở đầu như vậy và ân cần nói tiếp, – cả về tài năng nổi bật của con bé nữa. Cái đó cũng là dĩ nhiên thôi. Tôi là người rất độ lượng trong những cái thuộc phạm vi gọi là quan hệ tình bạn giữa cánh đàn bà với nhau, thưa ngài, hình như tôi đã vinh hạnh được gặp nữ thi sĩ một lần ở kinh đô thì phải. Hồi trước…
Bà chủ phòng khách bỏ dở câu nói, nhún vai. Quan án sát đứng lên và trong lúc chủ nhà tiễn chân ông ra cửa, ông hờ hững đưa ra một nhận xét:
- Ngài viện sĩ Viện hàn lâm Triệu, ông thi sĩ Trương đáng tôn kính và nhà sư Lỗ Huynh đều rất thất vọng vì không được thưởng thức tài nghệ của Tiểu Phượng. Tôi chắc các ông ấy cũng đã có lần được xem cô ấy nhảy múa…
- Đâu có, thưa ngài! Các quý ngài nổi tiếng ấy cũng một đôi lần đến thăm, làm rạng rỡ phòng khách của chúng tôi, nhưng không bao giờ các ngài ấy trà trộn vào các cuộc chiêu đãi phòng khách dù rộng rãi hay trong phạm vi hẹp. Chỉ có lần này các ngài ấy chấp nhận lời mời của Lã tri huyện mà cũng đã bắt đầu gây tiếng vang trong cả tỉnh! Lã tri huyện thật là một con người tuyệt vời. Bao giờ ông ấy cũng tốt bụng, bao giờ cũng thấu tình đạt lý! Ngài vừa nhắc đến Lỗ Huynh làm tôi nhớ lại cái tên của nhà tôn giáo, thưa ngài…
- Điều đó không quan trọng. Thôi, chào bà!
Về đến toà án, quan án sát nhờ một viên chức vào báo tin cho quan tri huyện. Ông thấy người bạn đồng nghiệp của mình ở văn phòng đang đứng trước cửa sổ, hai tay chắp sau lưng.
- Chắc là tối hôm qua, ông ngủ ngon ông Địch nhỉ? – Quan tri huyện quay lại nói với giọng mệt mỏi. – Còn tôi thì đã trải qua một đêm thật tồi tệ. Một giờ đêm tôi lẩn vào đại sảnh, tưởng như thế sẽ được một tối yên thân, bởi vì bà vợ cả của tôi bao giờ cũng đi ngủ sớm. Nào ngờ bà ấy lại thức dậy, chẳng hiểu vì sao, cãi lộn om sòm với bà thứ ba và bà thứ tư ngay bên chân giường bà ấy. Rồi bà ấy lồng lộn chạy đi tìm tôi yêu cầu giải quyết. Cuối cùng tôi đành đi theo bà vợ thứ tư và lại phải thức trắng thêm một tiếng đồng hồ nữa để nghe bà ấy kể lể dài dòng vì sao các bà ấy lại cãi cọ nhau như vậy (quan tri huyện trỏ tay vào chiếc phong bì to tướng để trên bàn nói thêm bằng một giọng thống thiết). Có phải viên quan tuần phủ mang thư đến cho ông. Nếu là giấy triệu hồi của quan tuần phủ thì tôi phải nhảy xuống nước mà tự tử mất thôi!
Án sát Địch mở phong bì ra. Đó là một bức thông điệp ngắn báo cho ông phải trở về nhiệm sở trong thời hạn ngắn nhất vì việc ông túc trực ở đây không cần thiết nữa.
- Không phải giấy triệu hồi. Người ta báo cho đệ trở về Phố Dương. Chậm nhất sáng mai phải lên đường.
- Thề có trời, tôi chẳng dám ngăn giữ! Chúng ta còn ngày hôm nay nữa. Ông có tin tức gì thêm ở chỗ bà chủ phòng khách không?
- Có nhiều điều làm trầm trọng thêm trường hợp của nữ thi sĩ Dược Lan, bác Lã ạ. Trước hết, đúng là bà nữ thi sĩ đã say mê cô vũ nữ. Sau nữa, không một ai trong số ba vị khách của quan bác từng đến phòng khách Bích Ngọc, và theo bà chủ phòng khách thì vị tất trước đó họ đã gặp Tiểu Phượng. Quan bác có biết gì về những dự định của các vị khách trong buổi chiều hôm ấy không?
Quan tri huyện rầu rĩ lắc đầu:
- Bốn giờ chiều chúng ta phải có mặt ở thư viện để nghe đọc và bình luận về một sáng tác thơ gần đây nhất của tôi. Tôi đã nóng lòng chờ đợi cái dịp này từ lâu!
- Quan bác cứ tin rằng người của viên giám quận của quan bác có khả năng theo dõi sát từng vị khách xem họ có ai vắng mặt sau bữa cơm trưa không?
- Trời ơi, ông Địch! Ông vẫn muốn tôi phải theo dõi họ ư? – Quan tri huyện trố mắt hỏi.
Nhưng rồi cuối cùng ông cũng đành lắc đầu nhẫn nhục.
- Thôi thì đành vậy. Đằng nào thì sự nghiệp của tôi cũng sẽ tiêu ma. Vậy cứ liều một cái xem sao!
- Hay lắm, bác Lã! Tôi cũng muốn quan bác ra lệnh cho viên đội trưởng cảnh vệ ở Cửa Nam cử thêm hai đội viên có trang bị vũ khí và bố trí họ ở một trong số những cửa hàng ngoảnh mặt sang khu đất hoang để kiểm soát lối vào khu đó. Họ có nhiệm vụ bắt giữ bất cứ ai ra vào miếu Cáo Đen. Đệ không muốn để xảy ra điều gì đáng tiếc đối với đứa con gái khốn khổ ấy. Có thể chiều nay khi đến ngôi miếu, đệ sẽ cần đến họ. Hiện giờ các vị khách đang ở đâu?
- Họ đang ăn sáng. Dược Lan ăn với bà vợ cả của tôi. Như vậy chúng ta có thì giờ đến xem hồ sơ của toà án đấy ông Địch ạ!
Quan tri huyện vỗ hai bàn tay. Người đội trưởng cảnh sát bước vào. Ông ra lệnh cho người đội trưởng cảnh sát đến Cửa Nam báo cho viên đội trưởng cảnh vệ bố trí người canh gác. Trong lúc ở văn phòng đi ra, ông dặn viên cố vấn đến phòng lưu trữ. Quan tri huyện dẫn quan án sát đi theo một hành lang quanh co đến gian phòng rộng rãi, mát rượi. Các bức tường xung quanh đều có lớp bọc. Từ mặt đất lên sát trần nhà chia thành các ô lõm. Đó là ô chứa các ngăn kéo hồ sơ. Mùi xi đánh bóng, mùi băng phiến chống sâu mọt cho các tài liệu toả ra sực nức. Một viên chức có tuổi đang xếp các giấy tờ sổ sách ở đầu chiếc bàn rộng kê giữa phòng. Đầu bàn đằng kia, Lỗ Huynh cũng đang ngồi cắm cúi xem tài liệu!
Chương 14: Cuộc kỳ ngộ ở cơ quan lưu trữ-Năm con khuyển hé mở tấm màn bí mật
Người Đào Huyệt thân hình to lớn cũng đang có mặt ở phòng lưu trữ. Ông ta mặc một chiếc áo dài màu nâu bằng len thô, vạt áo vắt chéo sang vai trái cài bằng một chiếc ghim han gỉ. Ông tiếp nhận lời chào của hai vị quan cấp huyện bằng với một vẻ trang nghiêm và lặng lẽ nghe quan tri huyện nồng nhiệt ngỏ lời cảm ơn về bức trướng ông vừa viết tặng tối hôm qua. Nhà sư vỗ tay vào tập hồ sơ trên bàn trước mặt ông, cất tiếng khàn khàn:
- Tôi đến đây để xem tài liệu về cuộc nổi dậy của nông dân cách đây hai trăm năm. Thời kỳ đó diễn ra một cuộc tàn sát ở Cửa Nam. Nếu tất cả những người bị giết bằng vũ khí nay vẫn còn trong khu vực thì ông không thể vạch được một con đường đi qua đấy! Ông cũng cần xem tập hồ sơ ấy à, ông Lã?
- Không, tôi đến để chỉ tìm một tài liệu thường.
Người Đào Huyệt nhìn quan tri huyện bằng cái nhìn của con cóc.
- Được rồi. Này, nếu ông không tìm thấy tài liệu thì chỉ việc đóng cửa gian phòng này lại, về thắp một nén nhang trên bàn thờ thần cáo. Khi trở lại, ông sẽ tìm thấy hồ sơ mình định tìm ở chỗ xa hơn một chút chỗ vừa tìm lúc trước. (Nhà sư khép tập hồ sơ đứng dậy). Đã đến giờ xem bàn cỗ trung thu chưa nhỉ?
- Tôi sẽ hướng dẫn ông đến đó ngay bây giờ! Ông đến với chúng tôi sau ông Địch nhé. A, ông cố vấn đây rồi! Ông giúp ông bạn đồng nghiệp của tôi tìm hồ sơ, ông Cao nhé!
Quan tri huyện kính cẩn mở cửa cho Người Đào Huyệt ra trước, còn mình bước ra sau.
- Thưa quan án sát, tôi có thể giúp gì cho ngài? – Tiếng nói của viên cố vấn rõ ràng rành mạch.
- Tôi nghe nói vào năm con khuyển, tại đây có xảy ra một vụ giết người chưa tìm ra manh mối, ông Cao ạ. Tôi muốn xem qua tập hồ sơ nói về việc đó.
- Vâng, chính thế, năm con khuyển còn lưu lại như một năm nổi tiếng là bởi có cuộc mưu phản của ông hoàng thứ chín. Thưa ngài, còn về vụ giết người chưa tìm ra manh mối thì… không, tôi không nhớ mình có được đọc tài liệu nói về việc ấy bao giờ chưa. Có thể ông nhân viên lưu trữ biết được phần nào chăng? Ông Liễu ơi! Ông có nghe nói về một vụ giết người nào chưa tìm ra thủ phạm trong năm con khuyển không?
Người viên chức già vuốt chòm râu lưa thưa suy nghĩ.
- Không, ông Cao ạ. Năm con khuyển ở Tần Hoài là một năm dữ với chúng ta vì có cuộc mưu phản của đại tướng Mạc Đức Linh. Nhưng không có vụ giết người nào chưa được làm sáng tỏ cả, không, tôi không thấy.
- Tôi có biết về vụ đại tướng Mạc, – quan án sát nói. – Ông ta là người đã tham gia vào âm mưu làm phản của ông hoàng thứ chín phải không?
- Vâng, đúng thế thưa ngài. Tất cả những tài liệu về vụ ấy đều để trong cái hộp to màu đỏ kia, trên tầng giá thứ năm bên phải. Các tập kế bên là tài liệu về những vụ xử kiện trong năm đó.
- Ông cứ lấy xuống hết để trên bàn cho tôi, ông Cao ạ.
Ông già lưu trữ dựng cái thang nhỏ vào giá hồ sơ và lần lượt chuyển các tập hồ sơ cho viên cố vấn đặt lên bàn theo thứ tự niên đại. Nhìn khối lượng tài liệu, quan giám sát nhận rõ tầm rộng lớn của công việc ông làm. Tất nhiên không chỉ là vụ giết người đơn thuần mà là một vấn đề đã được giải quyết với kết quả một cái án sai lầm với một người vô tội! Trong trường hợp này, kẻ bị cáo thực tế trở thành nạn nhân và kẻ giết người chính là những người đã tố cáo và xét xử anh ta.
- Các hồ sơ của ông được giữ gìn cẩn thận lắm, ông Cao ạ, – quan án sát nhận xét. – Không có một hạt bụi nào bám vào được!
- Thưa ngài, tháng nào tôi cũng cho các hồ sơ xuống một lần, – viên cố vấn giải thích với một nụ cười hể hả. – Các ngăn hồ sơ được đánh xi lại, tài liệu thông gió, như vậy chống được cả mối mọt.
Quan án sát nghĩ bụng, trong trường hợp này các hồ sơ sạch sẽ lại là điều đáng tiếc. Nếu những tập hồ sơ để tít trên những giá cao kia lại phủ một lớp bụi thì rõ ràng người ta có thể thấy ngay vết tay của kẻ đi dò la tung tích của phó bảng Tống.
- Chàng phó bảng bị ám sát thường ngồi làm việc ở chiếc bàn này phải không?
- Thưa ngài vâng. Các hồ sơ để dưới thấp là hồ sơ về cuộc nổi loạn của nông dân mà phó bảng Tống thích nghiên cứu. Anh ta còn trẻ và rất thông minh, lại tỏ ra ham thích một cách quá đáng những vấn đề cai trị. Lúc nào tôi cũng thấy anh ta cắm cúi vào các tập hồ sơ mới đây nhất. Thật là một nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc ít ai bì. Chẳng bao giờ tôi thấy anh ta mời tôi lại nói dăm ba câu chuyện. Những tài liệu đó đã để đầy đủ trước mặt ngài.
- Cảm ơn ông. Tôi không giữ ông ở đây nữa, ông Cao. Nếu cần thêm tài liệu tôi sẽ nhờ ông nhân viên lưu trữ tìm hộ.
Sau khi viên cố vấn đi khỏi, quan án sát ngồi xuống mở tập hồ sơ thứ nhất. Người nhân viên già thì trở lại với công việc xếp giấy tờ tài liệu ở đầu bàn đằng kia. Quan án sát nhanh chóng bị chìm ngập vào vô số các sự việc khác nhau. Một hoặc hai sự việc làm nổi lên những vấn đề hay hay, nhưng không có sự kiện nào cho thấy có sai lầm về xét xử, và cái tên Tống, chỉ thấy xuất hiện có một lần là bị cáo trong một vụ gian lận nhỏ. Khi anh nhân viên trẻ tuổi mang nước trà đến cho ông, ông kinh ngạc nhận thấy lúc này đã là một giờ chiều. Anh nhân viên còn cho ông biết thêm rằng quan tri huyện cùng với các vị khách lúc này đang ở sân thứ tư và bữa cơm trưa nay được phục vụ ngay tại sân.
Quan án sát trút một hơi thở và quyết định xem tập hồ sơ nói về tội phản quốc của đại tướng Mạc, một phần tử bị kết trọng tội âm mưu chống lại nhà vua, đã bị hành quyết cùng với tất cả những người đồng loã với ông ta. Quan án sát nghĩ bụng trong số những người bị kết tội rất có thể có người bị oan.
Vừa mở tập hồ sơ ra, ông đã mỉm cười hài lòng. Các tài liệu trong hồ sơ xếp rất cẩu thả, đảo lộn thứ tự. Đối với một phòng lưu trữ tuyệt vời như thế này hiển nhiên đây là dấu hiệu không bình thường, chứng tỏ ông đang đi đúng hướng. Rõ ràng chàng phó bảng đã bí mật xem các hồ sơ này và trong lúc xếp trả vào chỗ cũ đã quá vội vàng khi nghe thấy tiếng người đi vào. Quan án sát thận trọng đặt các tập hồ sơ lên mặt bàn theo thứ tự.
Tập thứ nhất là những tài liệu tóm tắt lời buộc tội ông hoàng thứ chín. Bằng những câu ẩn ý, tài liệu gợi cho người đọc thấy hoàng tử là người có tư tưởng bấp bênh, tâm địa nghi kỵ và bệnh hoạn. Đó là nguồn gốc dẫn đến những hành động bột phát của ông trong tâm trạng trầm uất, ghen ghét và đố kỵ.
Trong một cơn tức giận bột phát, hoàng tử đã giết chết quan cận thần của nhà vua nên bị vua cha bắt đi đày ở lâu đài Tần Hoài. Nhà vua làm thế với hy vọng thời gian và cuộc sống lao động lành mạnh sẽ cải tạo được con mình. Nào ngờ hoàng tử đã không chịu sửa mình lại rắp tâm hoạt động ngấm ngầm chống lại vua cha. Bọn nịnh thần thì hàng ngày ra rả bên tai hoàng tử những lời xúi giục tâng bốc rằng chỉ có hoàng tử mới là người xứng đáng được cả nước tin yêu! Mặt khác, bị người vợ chuyên quyền và có nhiều tham vọng thúc đẩy, cuối cùng hoàng tử đã sa vào cái ý định ngông cuồng là xúi giục nổi loạn để chiếm đoạt ngôi rồng. Nhưng còn đang đi mua chuộc, thâu nạp các quan chức dân sự và quân sự bất mãn, thì cái âm mưu vụng về kia đã bị bại lộ.
Nhà vua phái quan ngự sử đến Tần Hoài. Vị quan đại thần này được nhà vua giao cho toàn quyền hành pháp và một trung đoàn ngự lâm quân đi theo hộ tống. Quân lính nhà vua bao vây toà lâu đài. Quan ngự sử cho gọi hoàng tử và vợ đến hỏi tội. Ông nói với hoàng tử rằng nhà vua đã biết rõ mọi sự. Nhưng nếu hoàng tử ra lệnh cho các quân sĩ của mình nộp vũ khí rồi ngay lập tức đưa vợ về kinh đô thì nhà vua sẵn sàng tha thứ. Hoàng tử liền rút gươm đâm chết vợ rồi cứa cổ tự sát. Quân ngự lâm tràn vào lâu đài bắt không trừ một ai. Quan ngự sử thu tất cả các tài liệu. Việc ấy xảy ra ngày mùng bốn tháng hai, tính đến nay đã được mười tám năm. Ngày hôm ấy, quan ngự sử cho mở cuộc điều tra. Tất cả những người dính líu vào âm mưu và các loại tòng phạm trong lâu đài đều bị ông hành hình, không cần xét xử. Nhà vua cho rằng hoàng tử có tính điên khùng nên tha cho trọng tội. Còn những kẻ mưu phản khác hết thảy đều không được hưởng một chút ân xá nào. Việc hành hình diễn ra trong nhiều ngày. Một số lớn người bị xử oan. Sở dĩ như vậy là vì có những người đã lợi dụng cơ hội ấy vu khống nhau để trả thù cá nhân. Hiện tượng này diễn ra rất phổ biến ở khắp nơi trong nước. Quan ngự sử xem xét cẩn thận những đơn tố cáo, nhất là những lá thư nặc danh.
Trong số thư nặc danh có một lá tố giác tội đồng loã làm phản của đại tướng Mạc Đức Linh. Trong thư nói rõ ràng là có thư từ liên lạc giữa ông hoàng với đại tướng giấu trong nhà các bà vợ của tướng Mạc. Quan ngự sử liền cho khám nhà và tìm thấy thư liên lạc đúng như thư đã tố giác. Ông đại tướng lập tức bị bắt và bị khép vào tội phản quốc. Đại tướng kiên quyết bác bỏ tất cả những lời tố cáo ông và khẳng định những lá thư tìm thấy ở nhà ông đều là giả mạo do chính kẻ thù ông lén bỏ vào. Nhưng quan ngự sử cho rằng tướng Mạc là người đã từng bất mãn với thiên triều vì không được thăng cấp. Ông ta đã xin rút khỏi quân đội trở về quê quán ở Tần Hoài để nghiền ngẫm cái sự việc mà ông ta cho là bất công đó. Ngoài ra, những người cộng sự cũ của đại tướng cũng có kẻ cho biết ông thường nói với họ về những đổi thay sẽ diễn ra và mọi người đều có thể trả được món nợ! Quan ngự sử phân tích tỉ mỉ lá thư tìm thấy trong nhà vợ đại tướng và tuyên bố thư đó hoàn toàn xác thực. Đại tướng Mạc bị hành hình cùng với ba con trai lớn của ông đúng như đạo luật tàn nhẫn trừng trị tội phản quốc đòi hỏi. Tất cả tài sản của ông đều bị tịch thu.
Quan án sát ngả người trên ghế suy nghĩ. Câu chuyện rất hấp dẫn. Nó càng trở nên rất thực như đang phô bày ra trước mắt quan án sát, bởi vì vụ án vang dội ấy đã được xử ngay tại toà án, nơi ông đang ngồi đọc tài liệu. Quan án sát xem bảng danh sách những người thuộc dòng họ đại tướng và bản thống kê các tài sản của ông ta bị tịch thu. Đột nhiên ông nín thở. Đại tướng Mạc có ba vợ và hai nàng hầu. Người nàng hầu thứ hai thuộc dòng họ Tống. Không có tài liệu gì thêm về người nàng hầu thứ hai bởi vì bà ta đã chết trước đó nên không có tên ghi trong danh sách những người bị toà thẩm vấn. Bà ta đã thắt cổ tự tử ngày mùng ba tháng hai, trước khi quan ngự sử về Tần Hoài một ngày. Bà ta có một đứa con trai với ông đại tướng đặt tên là Ái Viên. Khi gia đình đại tướng lâm nạn, thằng bé mới lên năm tuổi. Tất cả đều khớp! Thế là ông đã lần ra dấu vết! Quan án sát mỉm cười hả hê. Mặt ông bừng sáng!
Tuy nhiên ngay sau đó, quan án sát lại sững sờ! Chàng phó bảng đến đây để rửa mối thù cha. Như vậy có nghĩa là anh ta đã có trong tay những bằng chứng bố mình vô tội và đã có ý ngờ kẻ viết thư tố giác bố mình chính là kẻ đã ngầm đưa lá thư giả mạo vào nhà anh. Thế nhưng con cáo già bí hiểm kia biết Tống nhận ra mình nên hắn vội thủ tiêu anh. Đó là nguyên nhân không thể chối cãi về vụ án mạng phó bảng Tống! Thì ra cách đây mười tám năm đã có một câu chuyện sai lầm kinh khủng về tư pháp. Quan án sát xem tập hồ sơ nói về các phiên xử đại tướng Mạc. Ông xem lướt, vừa xem vừa chậm rãi vuốt chòm râu má. Cuối cùng, ông chỉ thấy có một điểm có thể bào chữa cho đại tướng. Đó là: những người dính líu vào âm mưu làm phản không một ai biết đại tướng là người của ông hoàng thứ chín! Nhưng quan ngự sử đã bỏ qua yếu tố đó với cái lý rằng ông hoàng thứ chín là người có tính đa nghi nên có những điều ông ta giữ kín cả với những người đã thực sự theo ông ta. Việc kết án căn cứ chủ yếu vào lá thư tìm thấy ở nhà vợ ông đại tướng. Lá thư do chính tay ông hoàng viết, bằng giấy viết thư của ông, có con dấu riêng của ông.
Quan án sát tìm lá thư nặc danh. Nhưng chỉ là bản sao do đám nhân viên cạo giấy chép lại, nét bút tầm thường, còn bản gốc đều đã nộp lên kinh đô. Nhưng xét theo lối hành văn thì đây là lối hành văn hoàn hảo nhất, lá thư hẳn phải do một người có học vấn cao viết. Bên lề lá thư cũng sao nguyên văn cả câu ghi chú của quan ngự sử: “Lá thư này chắc chắn phát ra từ sự bực tức, cần xác minh gấp nội dung cùng nét chữ”. Xem xong lá thư, quan án sát biết thêm, mặc dù những người của quan ngự sử rất cố gắng nhưng vẫn không sao tìm ra người viết. Vị quan triều đình liền cho công bố một giải thưởng quan trọng cho người viết lá thư nhưng cũng chẳng có ai đến nhận giải thưởng.
Quan án sát chậm rãi vuốt chòm râu dài, hình dung lại các sự việc trong óc. Một là lá thư ông hoàng gởi cho đại tướng không thể là thư giả mạo bởi lẽ có cả con dấu riêng mà ông ta không rời nó ra bao giờ. Hai là quan ngự sử có tiếng là một ông quan công minh, sáng suốt và thanh liêm. Trong các công việc hình sự, ông ta đã từng giải quyết nghiêm minh một số vụ án gai góc, trong đó bị cáo là những nhân vật cao cấp của triều đình. Quan án sát cha ông hồi đó là cố vấn của triều đình, thỉnh thoảng có nêu vụ xử đại tướng Mạc trong các bài văn của mình như một tấm gương ca ngợi sự anh minh của quan ngự sử. Vậy thì một khi quan ngự sử đã phán xét đại tướng có tội, lẽ tất nhiên ông ấy đã nắm rất vững mọi chi tiết của sự việc. Quan án sát đứng lên, đi đi lại lại trong gian phòng rộng.
Chẳng biết cái anh chàng phó bảng Tống trẻ tuổi ấy đã thu thập được những chứng cứ gì? Khi biến cố xảy ra, anh ta chỉ mới lên năm tuổi! Có thể những chứng cứ của anh ta chỉ là những mẩu chuyện nghe lỏm hoặc là những thư từ tài liệu do một người nào đó viết cho anh ta. Làm sao mà biết được? Anh ta đã bị giết và kẻ giết anh ta đã thủ tiêu hết các tài liệu chứng cứ mà anh ta có trong tay. Trước tình hình này, quan án sát cho rằng việc trước mắt cần phải làm là liên lạc với những người bà con họ hàng phó bảng Tống. Ông ra hiệu cho người viên chức già.
- Ở Tần Hoài có nhiều người họ Tống không hả ông?
Người viên chức già khó nhọc lắc đầu:
- Thưa ngài nhiều lắm. Giàu, nghèo, đông bà con họ hàng hoặc sống độc thân, đủ cả. Ngày xưa vùng này gọi là Tống, ngài thấy đấy!
- Ông cho tôi xem sổ thuế của năm con khuyển, nhưng chỉ riêng các gia đình họ Tống thôi.
Người nhân viên già lấy xuống một quyển sổ, mở ra đặt lên mặt bàn. Quan án sát tra đoạn ghi những người họ Tống có thu nhập thấp nhất. Mẹ Tống chỉ là hầu thiếp thứ hai thì bố bà tất phải là tá điền, chủ quán nhỏ, hay thợ thủ công gì đó. Có một nửa tá họ Tống thuộc diện ấy. Người đứng thứ ba trong danh sách là Tống Văn Đạt, bán rau, có một vợ và hai con gái. Cô chị lấy một anh bán ngũ kim tên là Hoàng còn cô em thì bị bán làm hầu thiếp cho ông đại tướng Mạc Đức Linh.
- Ông kiểm tra trong sổ thống kê dân số năm nay xem ông Tống còn sống không, – quan án sát vừa nói vừa trỏ ngón tay vào cái tên trong sổ thuế.
Ông nhân viên già đi đến các ngăn hồ sơ rồi trở lại với một ôm các cuộn giấy to tướng. Ông mở một vài cuốn ra vừa xem những cái tên ghi trên đầu bản danh sách vừa lẩm bẩm giữa chòm râu: Tống Văn Đạt… Tống Văn Đạt… Cuối cùng, ông ngước mắt lên lắc đầu.
- Thưa ngài, cả hai vợ chồng đều chết cả, không có con trai nối dõi, bởi vì trong danh sách của tôi không còn tên ai thuộc gia đình họ Tống nữa. Ngài có muốn biết họ chết ngày tháng nào không ạ?
- Thôi, cái đó không cần. Ông cho tôi danh sách các thành viên hội ngũ kim.
Quan án sát đứng dậy nghĩ bụng đây là cơ may cuối cùng!
Ông già mở một hộp to ngoài nắp ghi chữ: “Hội nhỏ”. Ông lấy ra một quyển sổ mỏng đưa cho quan án sát. Trong lúc ông già lưu trữ xếp lại các cuộn giấy thống kê dân số, quan án sát mở quyển sổ hội ngũ kim ra xem. Đúng có một người bán ngũ kim tên Hoàng, vợ là Tống. Tên ông ta được đánh dấu bằng một khoanh mực bên lề trang giấy chỉ rõ rằng ông Hoàng đã chậm nạp tiền cổ phần cho hội. Ông ta ở gần Cửa Đông. Quan án sát nhớ địa chỉ trong óc rồi buông quyển sổ trên mặt bàn, mỉm cười hài lòng.
Khi xem tập hồ sơ nói về sự việc đại tướng Mạc, quan án sát xác nhận toàn bộ gia đình của đại tướng đã bị tan tác sau khi ông bị hành quyết. Đứa con trai tên là Tống Ái Viên, con người tì thiếp đã quá cố được một người bác họ xa ở kinh đô đem về làm con nuôi. Quan án sát giữ lại bản sao lá thư nặc danh và bỏ vào trong ống tay áo. Ông cảm ơn người nhân viên già, nhờ ông ta xếp dùm các hồ sơ vào chỗ cũ rồi trở về khu dinh thự.
Chưa vào đến sân thứ tư, quan án sát đã nghe thấy những tiếng reo cười của lũ trẻ. Trước mặt ông là cả một quang cảnh tưng bừng, náo nhiệt. Một tá trẻ con mặc những bộ quần áo màu sắc rực rỡ đang vui đùa chung quanh bàn cỗ trung thu bày chính giữa những mảnh sân gạch. Trên cao chừng một đầu người, nổi bật hình chú thỏ ngọc màu trắng với đôi tai dài nặn bằng bột gạo, ngồi chễm chệ trên đống bánh nướng hình mặt trăng tròn vành vạnh, nhân nhồi bằng đậu hạt trộn đường. Dưới chân bàn cỗ, la liệt những bát đĩa đầy ắp hoa quả tươi và mứt quả. Rất nhiều cây nến màu đỏ, to và những đỉnh hương trầm bằng đồng thau đặt ở bốn góc sân sẽ được thắp lên vào lúc chập tối.
Quan án sát đi ngang qua sân đến một bậc thềm rộng lát đá hoa. Trên thềm có một nhóm ít người đang tụ tập xem biểu diễn. Thi sĩ triều đình và Lỗ Huynh đứng chống khuỷu tay lên thành lan can bằng đá hoa. Quan tri huyện, ông viện sĩ hàn lâm và sau lưng họ là nữ thi sĩ, ba người cùng đứng cạnh chiếc ghế bành to bằng gỗ mun chạm trổ kê trên một bục gỗ hơi cao. Ngồi trên ghế bành là một bà có tuổi, trông người yếu ớt, mặc áo dài đen, tóc bạc trắng hất ra sau gáy, tay nhăn nheo nắm vào một cái gậy bằng gỗ mun, đầu gậy nạm ngọc thạch màu xanh. Một bà to lớn đứng sau chiếc ghế bành. Bà ta đẹp, độ tuổi trung niên, nét mặt trang nghiêm cứng ngắc trong bộ xiêm áo bằng lụa may chặt bó khít lấy người lại được các hình thêu màu xanh tôn thêm. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là đệ nhất phu nhân của quan tri huyện. Còn độ hai chục người đàn bà nữa đang đi đi lại lại trong phòng tối phía sau lưng bà ta. Hẳn đó là các bà vợ lẽ và các cô nàng hầu của quan tri huyện.
Không để ý tới mọi người xung quanh, quan án sát đi thẳng đến chỗ bà cụ, kính cẩn vái chào. Bà cụ nhìn ông bằng đôi mắt sắc sảo. Quan tri huyện ghé vào tai bà cụ nói nhỏ:
- Thưa mẹ, con xin giới thiệu với mẹ đây là ông Địch, ở Phố Dương, bạn đồng liêu của con.
Bà cụ gật đầu, chúc quan án sát gặp nhiều may mắn. Giọng nói của cụ nhẹ nhàng nhưng rành mạch một cách kỳ lạ. Ông lẽ phép hỏi năm nay cụ thọ bao nhiêu tuổi và được biết cụ đã sáu mươi hai.
- Tôi có mười bảy đứa cháu gọi bằng bà, quan huyện ạ! – Bà cụ nói một cách tự hào.
- Thưa cụ, con cháu đầy đàn là hồng phúc của những gia đình có đức độ! – Viện sĩ Viện hàn lâm oang oang nói xen vào.
Bà cụ vui vẻ gật đầu. Lúc bấy giờ, quan án sát mới chào viện sĩ và tỏ lời kính trọng với thi sĩ triều đình và Lỗ Huynh. Sau đó, ông chúc sức khoẻ nữ thi sĩ Dược Lan. Nữ thi sĩ đáp trả rằng bà rất khoẻ mạnh nhờ sự chăm sóc tận tình của đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, quan án sát thấy mặt bà ta xanh xao và có những nét mệt mỏi. Ông quay sang nói nhỏ với quan tri huyện:
- Phó bảng Tống là con đẻ của đại tướng Mạc Đức Linh và của một nàng hầu họ là Tống. Anh ta đến đây để tìm bằng chứng về việc bố mình bị xử oan. Anh ta cũng đã nói với Hoàng Liên như vậy. Tống đã giấu tung tích bởi lẽ anh ta đi khỏi Tần Hoài từ lúc lên năm tuổi và họ hàng chỉ còn một người bác gái sống ở đây. Hãy can đảm lên, bác Lã ạ! Cho dù sự thực bà nữ thi sĩ có giết cô vũ nữ trong nhà quan bác đi nữa mà nếu quan bác có thể đồng thời tường trình cả việc xử oan ông đại tướng Mạc thì quan bác có cơ may thoát khỏi bước hiểm nghèo này!
- Trời ơi, ông Địch. Tin tức ông lấy được ở đâu mà hay thế! Lát nữa cùng ngồi ở bàn ăn, ông nói kỹ hơn nhé. Bữa cơm trưa nay tổ chức ở ngoài trời đằng kia kìa!
Quan tri huyện trỏ ngón tay vào một lối đi có rào thưa chỗ cuối thềm. Trên các hàng cọc người ta đã kê thành những chiếc bàn và bày lên đó những đĩa thức ăn nguội xen kẽ những chồng bánh trung thu rất to xếp khéo léo thành hình tháp.
- Đệ cần phải đi bác Lã ạ. Đệ phải tìm gặp một người ở trên tỉnh rồi sau đó lại đến miếu Cáo Đen. Đệ sẽ cố gắng quay về lúc bốn giờ để dự một cuộc họp thơ của quan bác.
Sau khi tiếp chuyện các vị khách, bà mẹ quan tri huyện tỏ ý muốn vào nhà. Ông viện sĩ chào bà, các vị khách cũng lần lượt làm theo. Sau đó quan tri huyện và đệ nhất phu nhân đưa bà cụ vào trong nhà. Lúc đó, quan án sát phân trần với viện sĩ rằng ông vừa nhận được một thông điệp quan trọng của Phố Dương và ngỏ lời xin lỗi vì ông không thể ở lại cùng dự bữa cơm trưa. Viện sĩ buông một câu:
- Công việc trước, thú vui sau…! Ông tự hành hạ mình quá đấy, ông Địch ạ!
Chương 15: Án sát Địch đến thăm vợ chồng người bán ngũ kim-Ông cùng họ ăn món thịt vịt ám khói
Quan án sát trở về phòng mình. Chuyến đi này ông cần phải chuẩn bị cẩn thận. Những người bà con của một kẻ can tội đại nghịch, dù là họ hàng xa hay gần, thường e dè sợ sệt quá đáng đối với các quan chức Nhà nước. Sự việc qua nhiều năm, tuy đã cũ nhưng lỡ ra người ta mới phát hiện thêm cái gì đó và họ vẫn có thể bị lôi kéo vào chỗ rắc rối tai hoạ! Quan án sát lấy ở chỗ nghiên bút một mảnh giấy đỏ, viết tên hai chữ to “Tống Lương”. Ông viết thêm ở bên phải hai chữ nhỏ “Đại biểu” và ở bên trái viết một địa chỉ do ông tưởng tượng ra thuộc tỉnh Quảng Đông. Sau khi thay một bộ quần áo bằng vải bông giản dị màu xanh biếc, đội chiếc mũ trùm nhỏ màu đen, ông ra khỏi khu toà án bằng cửa ngách.
Ra phố, thấy một chiếc kiệu nhỏ đậu ở góc đường, ông đi lại bảo phu kiệu đưa ông đến nhà ông Hoàng bán ngũ kim. Nghe nói đến cái tên Hoàng, mới đầu phu kiệu từ chối, viện cớ đường xa khó đi. Sau thấy ông không mặc cả lại hứa thưởng thêm tiền thì họ nhận lời và nhanh nhảu lên đường. Hai bên đường phố các hàng quán san sát. Nhìn cảnh làm ăn buôn bán thịnh vượng dọc Đại Lộ, quan án sát liên tưởng tới hoàn cảnh của người bán ngũ kim không có tiền nộp cổ phần cho hội. Chắc hẳn gia tài ông ta đã bị khánh kiệt. Ông bảo phu kiệu dừng lại, vào hiệu mua một tấm vải bông màu xanh nhạt loại tốt. Lại sang cửa hàng bên cạnh mua thêm hai con vịt ám khói và một hộp bánh trung thu. Sau đó lên kiệu đi tiếp.
Đi khỏi cái chợ, qua một vùng dân cư khá giả giống như khu dân cư nhà ông Minh, đến một khu nghèo khổ chằng chịt những ngõ ngách lát gạch cẩu thả, chật hẹp và hôi thối. Một tốp trẻ con mắt mũi nhem nhuốc, quần áo lôi thôi lếch thếch, rách rưới, đang nô đùa bên cạnh những đống rác. Thấy chiếc kiệu đi đến, một thứ lạ mắt ít khi chúng được nhìn thấy. Bọn trẻ ngừng chơi, trố mắt, há mồm, ngây ra đứng nhìn. Quan án sát quay mặt đi. Ông không muốn nhìn cảnh bọn trẻ! Ông bảo phu kiệu hạ xuống trước một quán trà rồi sai một người ở lại trông kiệu còn một người mang tấm vải cùng với cái làn tre đựng hai con vịt và bánh đi theo ông. Ông mừng thầm vì phu kiệu đã không phải đi loanh quanh mất thì giờ trong cái khu chằng chịt, toàn những ngõ ngách ngang dọc như mạng nhện này. Tuy nhiên, họ cũng phải hỏi thăm đường một đôi lần bằng tiếng địa phương.
Cái gọi là cửa hàng của Hoàng chỉ là một cái lán con đơn giản dựng giữa trời, mái lợp bằng những mảnh vải bạt rách bươm, buộc đùm buộc túm vào với khung lán tồi tàn, vách trát bằng đất. Trước lán có một dãy bát đĩa rẻ tiền bằng kim loại treo lủng lẳng trên một cây sào buộc nằm ngang, dưới là cái bàn kê trên hai chiếc mễ, mặt bàn bày một số đĩa và bát bằng đất nung. Đứng sau cái “cơ nghiệp kếch xù” ấy là ông chủ hiệu, áo quần vá chằng vá đụp, đang hì hụi xâu mấy đồng xu vào một sợi dây.
Khi quan án sát đặt tờ danh thiếp đỏ lên quầy hàng, người đàn ông lắc đầu nói:
- Tôi chỉ đọc được chữ Tống, – ông ta nói bằng giọng yếu ớt. – Ông muốn hỏi ai ạ?
- Tôi là Tống Lương, dân biểu tỉnh Quảng Đông, – quan án sát giải thích. – Tôi là anh em họ xa của bà nhà, muốn vào thăm anh chị một lúc rồi trở về kinh đô.
Bộ mặt khó đăm đăm của Hoàng chợt tươi tỉnh. Ông ta quay về phía bà vợ đang ngồi khâu trên chiếc ghế dài kê sát tường, nói to:
- Bà ơi, ông ấy bảo là người bà con của bà ở Quảng Đông! Thế là cuối cùng họ hàng cũng có người nhớ đến bà rồi. Tên ông ấy là Tống Lương, em họ của bà đấy! Thưa ông, xin mời ông quá bộ vào nhà. Ông vừa đi đường xa đến chắc là mệt lắm!
Người vợ vội vàng đứng lên. Trong khi đó quan án sát bảo phu kiệu để các thứ lại cho ông và ra đợi ông ở cửa hiệu trước mặt.
Ông hàng ngũ kim đưa quan án sát vào một gian nhà chật chội vừa làm chỗ ngủ, vừa làm chỗ đun nấu. Ông ta vội vàng lấy giẻ lau mặt bàn dính đầy mỡ. Quan án sát ngồi xuống chiếc ghế đẩu bằng tre và nói với người vợ ông ngũ kim:
- Tôi mới nhận được thư của ông cậu tôi từ kinh đô gửi đến báo tin các cụ thân sinh ra chị đã mất, chị ạ và cho biết địa chỉ của chị. Hôm nay tôi có việc đi qua huyện Tần Hoài nên tìm đến nhà biếu chị một vài món quà nhỏ nhân ngày Tết Trung thu.
Bà vợ ông ngũ kim cầm cái gói mở ra, trố mắt nhìn tấm vải. Tuổi bà có thể chỉ độ bốn mươi, mặt cân đối nhưng hốc hác và có rất nhiều nếp nhăn.
- Chú rộng rãi quá, chú em họ ạ! – Ông chồng sững sờ thốt lên. – Trời ơi, thứ vải này đẹp quá! Biết lấy gì đền đáp lại tấm lòng tốt của chú…
- Đơn giản thôi! Cứ cho người khách bộ hành đơn độc này chén một bữa mừng Tết Trung Thu với anh chị là được! Tôi cũng mang theo phần đóng góp nhỏ mọn của mình đây!
Quan án sát mở một bên nắp làn đưa cho Hoàng hộp bánh trung thu. Người bán ngũ kim vẫn không rời mắt khỏi chiếc làn.
- Hai con vịt nguyên! Chặt cẩn thận vào, bà nó ạ, rồi lấy hộ tôi mấy cái bát với cả chén uống rượu nữa! Hũ rượu vang ở góc nhà định để uống Tết, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ lại được uống với các thức nhắm như thế này.
Ông ta rót nước trà vào chén cho quan án sát rồi lễ phép hỏi thăm vài câu về gia đình của ông ở Quảng Đông hiện còn những ai, về công việc và chuyến đi lần này của ông. Quan án sát kể cho ông ta nghe những câu chuyện do ông nghĩ ra nhưng có sức thuyết phục để khẳng định rằng ăn xong là ông phải đi ngay.
- Bây giờ chúng ta ăn một con vịt, – quan án sát nói. – Còn một con để đến tối anh chị dùng.
Người bán ngũ kim trịnh trọng nói.
- Cứ ăn hết đi cậu ạ, không để cái gì đến bữa sau cả! Từ giờ đến tối ai mà biết được ông trời và con người sẽ đem đến cho chúng ta những tai hoạ mới gì nữa.
Ông ta quay về phía bà vợ đang chăm chú lắng nghe câu chuyện giữa hai người, cất tiếng cười thanh thản khiến cho bộ mặt mòn mỏi vì sợ thiếu thốn của ông ta rạng rỡ hẳn lên.
- Bà ơi, từ nay tôi hứa với bà, sẽ không bao giờ nói xấu gia đình nhà bà một nửa câu!
Người vợ nhìn quan án sát và nói bằng một giọng hối tiếc:
- Từ dạo xảy ra cái việc ghê gớm ấy, cậu ạ, không còn ai dám đến hỏi thăm vợ chồng chúng tôi nữa.
- Ở tận miền Nam người ta cũng nói thế. – Quan án sát nhận xét. – Thật là ngao ngán, cô em gái của chị cũng chết trước ngày xảy ra tấn thảm kịch gia đình, nhưng nếu đứng trên quan điểm lợi ích chung của cả gia đình thì như thế lại hơn, chị ạ. Như thế chúng ta khỏi bị lôi kéo vào sự việc ấy.
Hai vợ chồng ông ngũ kim gật đầu cho là phải.
- Thế còn cháu Ái Viên thế nào rồi hả chị? – Quan án sát hỏi.
- Ái Viên à? – Hoàng hỏi lại. – Nghe nói cách đây hai năm nó thi đỗ và đã trở thành nhà học giả rồi! Thế thì làm sao nó còn nhớ đến bác của nó nữa cơ chứ!
- Vì sao em gái chị lại tự tử? Cô ấy bị ông đại tướng ngược đãi à?
- Không, không phải thế, – người đàn bà chậm rãi trả lời, – Ông đại tướng đối xử với cô ấy tốt lắm, nhất là sau khi cô ấy sinh thằng Ái Viên, thằng con trai rất kháu khỉnh. Nhưng em gái tôi đã…
- Cô ấy là một người độc ác… – Hoàng vửa bắt đầu mở miệng lại im bặt vì câu nói xen vào của vợ.
- Ông ơi! Ông hãy giữ mồm giữ miệng một tí!
Rồi bà quay sang nói với quan án sát:
- Ở địa vị cô ấy không thể làm khác được, cậu ạ. Có thể đấy là lỗi của bố tôi. Chung quy…
Người đàn bà rót nước vào các chén và thở dài:
- Cho đến năm mười lăm tuổi, cô ấy vẫn còn là một cô gái dịu dàng và biết vâng lời. Tính rất yêu thích loài vật. Một hôm cô ấy mang về nhà một con cáo nhỏ. Bố tôi trông thấy rất sợ vì bộ lông của nó đen ngòm. Thế là ông đem giết nó đi. Việc ấy làm em gái tôi bị một cơn xúc động bột phát và từ đó trở đi, tính tình cô ấy thay đổi hẳn.
Hoàng nhìn quan án sát vẻ lúng túng:
- Hồn của con cáo cái nhập vào cô ấy đấy mà!
Vợ Hoàng nói tiếp:
- Bố tôi đã đi mời một giáo sĩ đạo Lão về nhà. Nhưng những lời nguyền rủa của ông thầy tu cũng chẳng xua đuổi được hồn con cáo cái đi. Năm mười sáu tuổi, em gái tôi trở thành một cô gái rất lẳng lơ, khêu gợi bất cứ anh thanh niên nào đến gặp. Cô ấy có nhan sắc, mẹ tôi buộc phải theo dõi suốt từ sáng đến tối. Thế rồi một hôm đẹp trời có một bà già bán lược và các đồ mỹ phẩm đến mách mối với bố tôi rằng bà vợ cả của tướng Mạc đang tìm nàng hầu cho ông chồng già của bà ấy. Biết tin đó, bố tôi rất mừng. Sau khi em tôi được dẫn vào ra mắt bà đệ nhất phu nhân và được bà ưng thuận thì mọi việc coi như xong xuôi êm thấm. Về nơi nhà cao cửa rộng, em gái tôi phải làm lụng vất vả nhưng được cái cứ mỗi lần tết đến, bà đệ nhất phu nhân lại cho cô ấy một tấm áo dài mới và sau khi sinh thằng Ái Viên, người ta chỉ còn đánh đập cô ấy đâu có một lần.
- Chính cô ấy đã lừa dối mọi người, cái đồ đĩ – Hoàng không nhịn được nữa, miệng lầu bầu rồi bưng chén rượu lên uống một hơi.
- Một hôm – bà vợ ông ngũ kim vén mớ tóc xám xoã xuống trán nói tiếp, – tôi ra chợ gặp đứa ở gái của bà đệ nhất phu nhân. Nó bảo tôi may mắn có một cô em gái lấy chồng giàu sang mà không quên gia đình, tuần lễ nào cũng về thăm bố mẹ. Tôi chợt hiểu ngay câu nói đó bao hàm một sự khinh bỉ ghê gớm bởi vì thực ra có đến sáu tháng nay cô ấy không bén mảng về nhà. Nhưng sau đó thì cô ấy về: về để chờ ngày ở cữ. Cái thai trong bụng không phải là con ông đại tướng. Tôi đưa cô ấy đến nhà bà đỡ. Bà đỡ cho uống đủ các thứ thuốc nhưng không ăn thua gì. Cuối cùng cô ấy đẻ ra một đứa con gái rồi về thú thật với ông đại tướng là mình trót dại, chửa hoang và đã vứt bỏ đứa con gái vừa mới đẻ ở ngoài đường.
- Đấy, cô ấy như thế đấy! – Hoàng bực tức kêu lên. – Cô ấy là giống đàn bà cáo, là người không có trái tim!
- Có lẽ cô ấy hối hận vì đã làm một việc thất đức, vứt bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra! – Bà vợ ông ngũ kim nói. – Cô ấy bọc đứa trẻ đỏ hỏn vào một mảnh vải Ấn Độ để nó khỏi bị chết rét. Cậu có biết cái thứ vải vàng gọi là vải hoàng bào không? Rất đắt tiền, nhà sư dùng để… (thấy vẻ mặt quan án sát có vẻ sững sờ, bà vội nói). Tôi lấy làm tiếc đã kể cho cậu nghe câu chuyện không vui! Chuyện cũ rồi, nhưng tôi vẫn còn…
Và bà sụt sịt khóc.
- Thôi bà ơi, – ông bán ngũ kim vỗ vai vợ an ủi, – bây giờ không khóc nữa. Tôi với bà không có con cái… Cậu thông cảm, – ông nói với quan án sát, – vợ chồng tôi không có con nên hễ cứ nhắc đến chuyện ấy là bà nhà tôi lại tủi thân. Nói tóm lại là cái ông đại tướng già đã điều tra và biết tất cả cậu ạ. Theo lời một phu kiệu của ông đại tướng, thì ông ấy doạ sẽ tự tay chặt đầu kẻ ngoại tình với vợ ông ấy và chặt cả đầu cô ấy luôn thể. Cô ấy vội thắt cổ tử tự. Ông đại tướng già thì cũng chẳng kịp hạ thủ người tình địch, bởi vì ngay hôm sau ông đã bị lính nhà vua kéo đến bắt và chính ông ấy bị người ta chặt đầu! Câu chuyện thật là oái oăm cậu ạ! Nào, cậu uống nữa đi! Cả bà nữa, uống đi!
- Tình nhân của cô ấy là ai thế?
- Cái đó thì tôi chịu, chẳng biết, cậu ạ, – bà vợ lau nước mắt trả lời. – Thật quả cô ấy chỉ nói với tôi rằng ông ta là một người có học vấn rất cao, muốn vào ra triều đình lúc nào cũng được.
- Tôi rất mừng là cậu đã tìm được chị của cậu, – Hoàng thốt lên mặt đã đỏ ửng. – Chị cậu phải làm việc vất vả nên già trước tuổi. Bà ấy định khâu vá thuê để nuôi tôi sống lần hồi ngày hai bữa, nhưng đúng bà ấy chẳng hiểu gì về công việc của đàn ông chúng tôi. Cậu cứ nghĩ mà xem! Bà ấy muốn tôi thôi không góp cổ phần với hội nữa! Tôi không nghe. Tôi bảo nếu như thế thì rồi sẽ phải bán cả cái quần mặc mùa rét của bà đi mà ăn đấy! Trong gia đình, người đàn ông không có trách nhiệm gì cả thì anh ta chỉ là một con chó hoang! Và bây giờ là tôi có lý cậu ạ, bởi vì nhờ tấm vải đẹp này, tôi sẽ có một bộ cánh tươm tất mặc vào để bán hàng được vài năm ấy chứ! Nó còn thuận lợi cho việc buôn bán của tôi nữa chứ! Một ông chủ áo quần bảnh bao đứng sau quầy hàng ai mà chả tín nhiệm hả cậu!
Ăn cơm xong, quan án sát nói với vợ chồng ông ngũ kim:
- Ngày mai anh chị đến chỗ làm việc của quan tri huyện mang theo tấm danh thiếp của tôi. Tôi đã nói chuyện với ông giám quận xem từ nay trở đi có việc gì khác và giao cho chị làm không?
Nói xong quan án sát đứng dậy. Hoàng cùng với bà vợ cố giữ, nhưng ông giải thích với họ rằng ông cần phải đi ngay cho kịp chuyến đò ngang.
Người phu kiệu dẫn ông đến quán trà, nơi chiếc kiệu đang chờ. Ông ngồi trên kiệu, tâm trạng rối bời. Kiệu đưa ông vào Đại Lộ và dừng lại ở góc phố. Ông trả tiền rồi đi thẳng đến toà án. Người lính gác ra mở cổng và báo cho quan tri huyện đang ở tiền sảnh tầng dưới ngôi dinh thự chính. Trông chừng cuộc họp thơ chưa bắt đầu, quan án sát đi nhanh về phía phòng mình.
Ông mở ngăn kéo lấy tập hồ sơ vụ án nữ thi sĩ, rồi cứ đứng như thế mà giở tập hồ sơ đọc cho đến khi tìm được lá thư nặc danh tố giác cái xác người vùi dưới gốc cây anh đào sau đền Bạch Hạc. Ông lại rút lá thư nặc danh tố giác đại tướng Mạc trong ống tay áo ra, đặt hai lá thư bên cạnh nhau, vừa so sánh vừa vuốt chùm râu dài đen nhánh. Cả hai bức thư đều là bản sao do những viên thư lại viết, nét chữ không có gì đặc biệt, nhưng cách hành văn cho thấy hai lá thư có thể do một người viết. Quan án sát gật gù tỏ vẻ nghi hoặc rồi nhét cả hai lá thư vào ống tay áo, bước ra khỏi phòng đi về phía sân chính.
Quan tri huyện tay cầm chiếc bút lông, môi mím chặt, đang ngồi sau chiếc bàn pha trà của ông, mặt bàn bề bộn giấy. Ngước mắt lên thấy quan án sát, quan tri huyện sôi nổi nói với bạn đồng nghiệp:
- Tôi đang đọc và sửa lại những tác phẩm mới của tôi, ông Địch ạ. Ông thử nghe xem liệu ông viện sĩ có hoan nghênh cái nhịp điệu lặp đi lặp lại của bài ca ngợi này không nhỉ?
Quan tri huyện sắp đọc cho quan án sát nghe bài thơ ông đang sửa thì quan án sát đã gạt đi:
- Thôi thôi, để lần khác bác Lã ạ! Đệ phải truyền đạt cho quan bác một phát hiện rất kỳ lạ. – ông vừa nói vừa ngồi xuống trước mặt người bạn đồng sự. – Đệ chỉ nói ngắn gọn bởi vì đệ biết quan bác sắp phải đến thư viện, bây giờ gần bốn giờ rồi.
- Ô không, chúng ta còn nhiều thời gian lắm, tiên sinh ạ! Bữa ăn trưa nay trên sân thứ tư quá dài. Thi sĩ triều đình và cô Dược Lan ra một vài câu thơ và chúng tôi vừa tranh luận vừa uống rượu mạnh! Bốn vị khách đều về phòng ngủ của mình ngủ trưa. Hiện giờ chắc chưa có ai thức dậy.
- Tốt lắm! Như vậy là cả bốn người không ai đi đâu. Viên giám quận của quan bác cũng đỡ theo dõi họ. Thế này nhé, chàng phó bảng bị ám sát có người mẹ là hầu thiếp của đại tướng Mạc Đức Linh. Bà ta ngoại tình với một người, chưa biết là ai, có chửa và đã bỏ rơi đứa con gái mình đẻ ra. Đứa con gái bị bỏ rơi ấy không phải ai khác chính là Hoàng Liên, cô gái giữ miếu Cáo Đen!
Trước con mắt sửng sốt của quan tri huyện, quan án sát giơ tay nói tiếp:
- Đứa trẻ bị bỏ rơi được bọc vào một mảnh vải vàng và người nhặt được đứa bé đã lấy để đặt tên cho nó. Như vậy Hoàng Liên với phó bảng Tống là hai anh em cùng mẹ khác cha và đó là lý do tại sao Tống lại nói với Hoàng Liên là anh ta không thể lấy cô gái làm vợ. Như vậy cũng có nghĩ là bố Hoàng Liên và kẻ giết Tống chỉ là một. Trước khi bị bắt, vị đại tướng tuổi tác ấy đã nói với mẹ Tống rằng ông biết rõ ai là người tình của bà, hắn là một người bạn cũ của ông và ông sẽ giết cả hai. Mẹ Tống thắt cổ tự tử hôm trước thì hôm sau đại tướng Mạc bị bắt. Ông ta không còn kịp rửa hận với kẻ tình địch của mình.
- Trời đất ơi! Làm sao mà ông biết được ngần ấy thứ?
- Chủ yếu là ở trong các hồ sơ của ông đấy! Phó bảng Tống chắc đã biết rõ người tình của mẹ anh ta là ai. Chính hắn đã dùng thủ đoạn nham hiểm để ghép bố anh ta vào tội phản nghịch và để khỏi bị ông tố giác hắn về tội ngoại tình. Theo đệ, về điểm này Tống đã lầm bởi vì sau khi đọc các báo cáo chính thức, đệ tin rằng ông đại tướng có tội. Nhưng kẻ ngoại tình với vợ ông ta nhất định cũng phải là một kẻ thuộc nhóm âm mưu làm phản. Vì có thế hắn mới biết đích xác ông đại tướng phải bị bắt ngay từ những ngày đầu của cuộc điều tra, để ông không còn kịp chống lại hắn nữa!
- Đừng vội ông Địch! – Quan tri huyện giơ tay nói. – Nếu ông đại tướng đích thực là có tội thì tại sao người tố giác ông ấy lại phải giết phó bảng Tống? Một người có hành động đáng khen ngợi tố giác một ông tướng can tội phản nghịch lẽ nào làm một việc tồi tệ như vậy?
- Người đó, chắc phải giữ địa vị khá cao ở cung đình, bác Lã ạ. Và thuộc lớp người nói chung chỉ có tội ngoại tình là có thể đe doạ mạnh đến uy tín của họ mà thôi! Mặt khác, chắc ông ta phải liên hệ vào âm mưu làm phản của ông hoàng thứ chín thì mới biết rõ các lá thư giấu ở đâu cụ thể đến thế. Cũng chính vì lẽ đó mà mặc dầu triều đình đã hứa trọng thưởng, ông ta vẫn không dám xuất đầu lộ diện!
- Đúng quá, trời ơi! Nhưng ông ta là ai, hả ông Địch?
- Đệ sợ là một người nào đó trong ba vị thượng khách của quan bác, là ông Triệu, ông Trương hoặc Lỗ Huynh, quan bác ạ! Không, quan bác đừng phản đối vô ích. Đệ có bằng chứng không thể chối cãi được. Rồi đây, Hoàng Liên sẽ nói rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Cho dù người bố ấy có bịt kín mặt đến thăm con gái thì cô gái kia vẫn có thể nhận ra giọng nói và dáng điệu, cử chỉ của ông ta, đệ cam đoan như thế!
- Ông suy nghĩ về Lỗ Huynh chưa nghiêm túc đâu, ông Địch ạ. Đàn bà ai lại thích làm nhân tình của ông ta kia chứ!
- Dứt khoát đệ không nghĩ như quan bác, bác Lã ạ. Người mẹ phó bảng Tống là một phụ nữ đồi bại. Theo lời của một người họ hàng với bà ta thì bà ta đã bị hồn của con cáo cái đen nhập vào. Nhưng dù sao bà ta vẫn cứ là một người đàn bà hư hỏng. Mười bảy tuổi làm vợ lẽ một ông già sáu mươi. Còn Người Đào Huyệt, về hình thức đệ đồng ý với quan bác là xấu xí, có thể không mua chuộc nổi bà ta, nhưng ông ta lại có cá tính rất mạnh mẽ, độc đoán và phụ nữ có nhiều người lại nhạy cảm với loại đàn ông này. Khi nào họp bình thơ quan bác có thể để ý tìm hiểu xem ông Trương và Người Đào Huyệt có ở Tần Hoài trong thời gian xảy ra vụ án đại tướng Mạc hay không? Về ông viện sĩ, chúng ta đều đã biết thời gian đó ông ấy có mặt ở Tần Hoài với tư cách tuần phủ của vùng này. Bây giờ, quan bác có thể cho gọi ông giám quận của quan bác đến đây được không?
Quan tri huyện vỗ hai bàn tay vào nhau và khi đứa đầy tớ chạy vào, ông sai nó đi gọi viên giám quận.
- Bác Lã ạ, – quan án sát nói, – đệ cũng muốn quan bác làm thế nào tìm hiểu xem trong ba vị khách ta nghi vấn, có vị nào có mặt ở vùng hồ vào mùa xuân năm ngoái, tức là vào thời gian nữ thi sĩ Dược Lan bị bắt ở đền Bạch Hạc?
- Sao ông lại muốn biết việc ấy? – Quan tri huyện ngạc nhiên hỏi.
- Bởi vì trong vụ Dược Lan, các quan chức có thẩm quyền trong việc điều tra và xét xử cũng dựa vào thư nặc danh do một người học vấn cao viết. Mỗi tên tội phạm thường có những mánh khoé độc đáo riêng của nó. Trong vụ đại tướng Mạc, bức thư đã tố giác đúng, nhưng đằng sau tố giác âm mưu làm phản, người viết thư nặc danh còn muốn thực hiện một mục tiêu khác nữa tức là muốn ngăn ngừa ông đại tướng làm một cái gì đó chống lại hắn ta. Mười tám năm sau, rất có thể cũng con người học thức giỏi giang đó lại dùng lối viết thư nặc danh để tố giác nữ thi sĩ Dược Lan. Nhưng một lần nữa, nội dung tố giác việc cái xác vùi dưới gốc cây anh đào vị tất đã là mục đích thực sự của hắn ta. Bởi vậy…
Quan án sát không nói nữa khi thấy viên giám quận bước vào. Ông cầm lấy cây bút lông trên tay quan tri huyện viết lên mảnh giấy lên và địa chỉ của người bán ngũ kim, và viết cả cái tên Tống Lương vào đấy.
- Sáng mai bà Hoàng sẽ đến đây, trước cửa công đường với một danh thiếp mang tên Tống Lương. – quan án sát nói với viên giám quận và đưa cho ông ta mảnh giấy ông vừa viết. – Quan tri huyện muốn ông giao những việc khâu vá cho bà ấy. Khi nào bà ấy đến, ông báo bà ấy chờ một lát vì có thể chúng tôi có việc cần gặp. Bây giờ ông tìm hộ ông cố vấn Cao vào đây.
Viên giám quận vừa đi khỏi, quan tri huyện bứt rứt hỏi:
- Tống Lương là ai thế?
- Là đệ, quan bác ạ. – quan án sát đáp.
Sau đó, ông thuật lại cho người bạn đồng sự của ông nghe câu chuyện ông đến nhà người bán ngũ kim như thế nào.
- Họ là những người rất chất phác, – ông kết luận, – và không có con cái. Đệ định bàn với quan bác khi nào Hoàng Liên hoàn toàn hồi phục thì giao cho họ nuôi. Bây giờ, đệ cùng với viên cố vấn của quan bác phải đến ngay đấy tìm cô gái. Còn đây là bản sao hai lá thư nặc danh, – quan án sát lấy hai lá thư đưa cho quan tri huyện. – Quan bác là người giỏi nhất môn nhận xét những sắc thái tinh tế về phương tiện văn chương chữ nghĩa, đệ yêu cầu quan bác để mắt vào đấy một tý và thử cố gắng tìm hiểu xem có phải đó là lối hành văn của một người hay không? Quan bác bỏ ngay vào ống tay áo đi, ông cố vấn đã đến kia rồi!
Quan tri huyện nói với viên cố vấn:
- Ông Cao, tôi muốn ông đi cùng với ông bạn đồng nghiệp của tôi đến miếu Cáo Đen. Tôi quyết định quét sạch vùng đó. Trước hết, phải tìm được cô gái dở người, tự xưng là người giữ miếu.
- Tôi với ông cùng đi chung một chiếc kiệu đến đấy, ông Cao ạ, – quan án sát nói cụ thể. – Ông thầy thuốc và ông giám quận sẽ ngồi chiếc kiệu thứ hai. Chiếc kiệu này phải đóng chặt các cửa bởi vì tôi nghe nói cô gái hiện đang bị ốm nặng.
Viên cố vấn cúi rạp người:
- Thưa ngài, tôi sẽ chuẩn bị ngay (và quay sang nói với quan tri huyện). Thưa ngài, người hầu của ông viện sĩ đang đợi ngoài kia. Hắn được ông viện sĩ cử đến đây để báo với ngài rằng ông viện sĩ đã sẵn sàng.
- Trời ơi là trời! Những bài thơ của tôi bay tứ tung cả rồi! – Quan tri huyện thốt lên.
Quan án sát giúp ông nhặt nhạnh những tờ giấy vứt bừa bãi trên mặt bàn. Sau đó hai người cùng đi với nhau đến sân thứ hai thì quan án sát đi một mình về phía cổng toà án.
Viên cố vấn và chiếc kiệu đang chờ ông ở cổng chính.
- Thưa ngài, ông thầy thuốc và ông giám quận đều đã ngồi cả trong chiếc cáng bịt kín kia.
Kiệu bắt đầu đi. Viên cố vấn nói:
- Thưa ngài, cái vùng đất hoang ấy rồi đây có thể biến thành một vườn hoa công cộng. Trong thành phố mà để một khu rậm rạp cho các loại du côn trú ngụ thì chẳng hay ho gì. Ngài có tán thành ý kiến đó không ạ?
- Hoàn toàn tán thành.
- Chắc ngài đã tìm được những tài liệu cần thiết ở phòng lưu trữ?
- Vâng, vâng.
Thấy quan án sát có vẻ không muốn nói chuyện, viên cố vấn thôi không nói nữa. Nhưng khi kiệu đến phố Đền Thờ, ông ta lại gợi chuyện:
- Sáng hôm qua tôi đến gặp Lỗ Huynh ở ngôi đền cuối phố. Thưa ngài, tôi đã phải chật vật lắm ông ta mới nhận lời mời của quan tri huyện. Lúc đầu Người Đào Huyệt khăng khăng từ chối. Nhưng khi tôi nói, cả ngài cũng được quan tri huyện mời đến dự tiệc, lập tức ông ta đổi ý, nhận lời.
Quan án sát nhổm người trên ghế:
- Thế ông ta có giải thích tại sao lại như vậy không?
- Ông ta nói ám chỉ ngài là người nổi tiếng khám phá các vụ hình sự và hình như còn nói đến một kinh nghiệm về loài cáo gì đấy.
- Tôi hiểu. Ông Cao này, ông nghĩ gì về lời ám chỉ đó?
- Thưa ngài không ạ. Người Đào Huyệt vốn là một nhân vật rất kỳ lạ. Hình như ông ta đặc biệt nhấn mạnh với tôi việc ông ta đến Tần Hoài chiều hôm kia… Trời, sao kiệu đang đi lại dừng thế này?
Viên cố vấn thò đầu ra ngoài vừa đúng lúc người đội trưởng phu kiệu xuất hiện trước khuôn cửa sổ:
- Phía trước có một đám đông người tụ tập, kiệu không thể đi qua được. Ông chờ một lát để tôi bảo họ dọn đường cho kiệu đi.
Quan án sát thoáng nghe những tiếng kêu gào la hét hỗn độn từ đằng xa vẳng đến. Kiệu tiếp tục đi được một quãng dài rồi lại dừng. Lần này xuất hiện một trung sĩ cảnh vệ trước khuôn cửa sổ. Anh ta lạnh lùng chào ông cố vấn.
- Chán quá. Tốt nhất là ông đừng nên đi nữa. Con bé mồ côi cha mẹ sống lang thang ở miếu hoang đang lên cơn dại. Nó…
Quan án sát vội vàng mở cửa bước ra khỏi kiệu. Ông thấy sáu người cảnh vệ đứng thành hàng ngang, mũi kích nhọn hoắt chĩa ra phía trước ngăn tốp dân chúng tò mò, không cho họ vượt xa. Xa hơn một chút, Hoàng Liên nằm sõng sượt trên mặt đất, mặt ngửa lên trời, chiếc áo dài rách tả tơi và lấm bê bết trông rất thảm thương. Hai người lính đang dồn hết sức ghì chặt cô gái xuống đất bằng một chiếc bồ cào cán dài đến chục thước. Cách đó vài bước giữa đường phố không một bóng người qua lại, những người lính khác đang đốt một đống lửa lớn.
- Thưa ngài, xin chớ lại gần, – người trung sĩ khuyên quan án sát. – Chúng tôi sẽ hoả thiêu nó để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chả biết cái bệnh chết tiệt ấy ở đâu ra?
- Cái gì thế, ông trung sĩ? – Viên cố vấn cũng đi lại hỏi người trung sĩ. – Cô gái chết rồi à?
- Thưa ông, vâng. Cách đây nửa giờ lính của tôi nghe thấy những tiếng hú man rợ trong bụi cây đằng kia và một thứ tiếng như chó sủa nghe rất lạ tai. Nghĩ là có chó dại đang đuổi cắn người, họ liền chạy về trụ sở lấy cái bồ cào. Tôi vừa bước chân ra khỏi cửa thì thấy con bé lang thang trong bụi cây nhảy xổ ra, miệng hú the thé nghe chói tai. Miệng nó méo xệch đi trông không còn ra hình thù gì nữa, mép sùi bọt. Nó đi về phía chúng tôi và bị một người của chúng tôi dùng bồ cào đâm vào cổ quật ngã, ghì nó xuống đất. Nó bám chặt hai tay vào cán bồ cào giãy giụa, vật lộn mạnh đến nỗi một người nữa phải vào tiếp sức. Rồi tự nhiên tay nó rời ra, nó chết. (Người trung sĩ hất chiếc mũ cứng ra sau gáy, lau mồ hôi trán). Quan tri huyện của chúng tôi kỳ lạ thật! Ông ấy đoán trước được sự việc xảy ra nên đã hạ lệnh cho chúng tôi canh gác lối vào khu miếu hoang. Vì thế chúng tôi kịp thời ngăn ngừa không để con bé ấy cắn phải ai.
- Quan tri huyện chúng tôi tinh lắm! – Một người lính khác hớn hở nhận xét.
Quan án sát ra hiệu gọi người thầy thuốc lại:
- Cô gái này chết vì bệnh dại, – quan án sát nói. – Ông có đồng ý cho họ đốt xác không?
- Thưa ngài nhất định phải đốt. Phải đốt cả cái bồ cào và cả những bụi cây con bé ấy đi qua nữa. Thưa ngài, đó là thứ bệnh khủng khiếp!
- Ông ở đây giám sát mọi việc cho xong, – quan án sát dặn dò viên cố vấn. – Tôi quay về toà án.
Nguồn: http://tusach.mobi/