14/4/13

Thi nhân và sát nhân (C10-12)

Chương 10: Các quan lớn nói chuyện triết lý-Thêm một vụ án mạng làm đảo lộn buổi tiệc vui

Trước khi ra khỏi khu rừng thông đằng sau ngôi đền Đạo Tiên Nghiệm, quan án sát bỏ lại chiếc đèn bão dưới gốc cây. Ông vội phủi qua loa lớp bụi bám trên người và đi vào ngôi đền bằng lối sau cửa sổ. Gian nhà ngang bên trái mà trước đó ông tưởng tượng có Người Đào Huyệt ngồi ở trong, lúc này đã khép kín.
Trên bậc thềm của ngôi chính điện có hai nhà sư đang đứng nói chuyện. Ông đi lại chỗ hai nhà sư.
- Tôi đến thăm Lỗ Huynh, nhưng hình như ông ấy không có ở đây?
- Thưa ông, Lỗ tôn huynh về đây từ hôm kia nhưng sáng nay có việc đến tư dinh của quan tri huyện Lã rồi ạ.
Quan án sát cảm ơn hai nhà sư rồi ra cửa đền theo cửa chính. Hai người phu kiệu đang ngồi xổm trên mặt đường đánh chẵn lẻ bằng hai viên sỏi đen trắng, thấy ông đến vội vàng đứng dậy. Ông bảo họ đưa ông về khu toà án.
Vừa về đến nơi, quan án sát đi ngay vào sân chính. Ông muốn tranh thủ nói chuyện với quan tri huyện trước khi khách khứa kéo đến đây, sau đó mới về phòng thay quần áo đến dự tiệc.
Trong khu vườn tao nhã ngay trước mặt dinh thự chính, nửa tá nữ gia nhân đang hối hả làm việc. Họ đang treo những chiếc đèn lồng đủ màu sắc vào các bụi hoa trong vườn. Trong khi đó hai nam gia nhân dùng tre dựng một giàn pháo hoa trên mặt hồ sen. Quan án sát nhìn lên bao lơn thấy quan tri huyện mặc áo gấm dài màu xanh biếc rất lịch sự, đội mũ cánh chuồn bằng vải chéo thâm. Thấy bữa tối còn chưa bắt đầu, quan án sát cả mừng. Ông leo vội lên các bậc thềm rộng bằng gỗ đánh xi bóng lộn.
Vừa trông thấy quan án sát trên bao lơn, quan tri huyện đã kinh ngạc thốt lên:
- Thế nào ông bạn thân mến, giờ này mà ông còn chưa chịu thay đổi y phục ư? Khách khứa sắp lần lượt đến cả rồi!
- Đệ có một việc quan trọng cần nói với quan bác, bác Lã ạ. Chỉ nói riêng với quan bác thôi.
- Này ông Cao, ông thử đến chỗ ông giám quận xem ông ấy có cần phụ giúp cái gì ở phòng tiệc không.
Sau khi viên cố vấn đi khỏi, quan huyện hỏi quan án sát bằng một giọng khô khốc:
- Nào có chuyện gì thế ông Địch?
Quan án sát dựa lưng vào lan can thuật lại cho quan tri huyện nghe những việc ông vừa làm bắt đầu từ bài hát “Đoản khúc cáo đen” cho đến ngôi miếu hoang, cùng những nét chủ yếu về cuộc tiếp xúc giữa ông với Hoàng Liên.
Nghe xong câu chuyện, quan tri huyện thốt lên:
- Tuyệt quá tiên sinh ạ, tuyệt quá! – Ông cười ha hả. – Nói một cách khác là chúng ta đã khám phá được một nửa bí mật của vụ án rồi đấy. Hiện giờ coi như chúng ta đã biết rõ nguyên nhân: Tống về đây là để tìm ra kẻ đã ngầm hãm hại bố anh ta. Tên này đánh hơi thấy nên đã giết anh chàng bất hạnh ấy. Và những tài liệu ghi chép của phó bảng Tống về cái chết của một ông già cách đây mười mấy năm chính là cái mà tên vô lại đã cố sục sạo tìm bằng được trong căn nhà anh ta ở thuê. Và tôi chắc nó đã tìm thấy.
Trước cử chỉ tán thành của quan án sát, quan tri huyện nói tiếp:
- Tống đã xem các hồ sơ của chúng ra để tìm hiểu những chi tiết về vụ ám hại bố anh ta. Kể từ bây giờ chúng ta phải tìm ra một vụ giết người, một vụ mất tích, bắt cóc, hay một vụ gì đó đại loại như thế chưa được làm sáng tỏ xảy ra trong gia đình Tống.
- Bất cứ việc gì thuộc loại đó, – quan án sát sửa lại câu nói của quan tri huyện. – Trong trường hợp chàng phó bảng cần giữ kín việc tìm kiếm bí mật của anh ta thì tên Tống có thể là một cái tên giả. Anh ta có ý định tìm tung tích của kẻ thủ phạm và sẽ chính thức tố cáo khi đã có đầy đủ các chứng cớ về tội lỗi của hắn.
“Bác Lã ạ, chính tên đó đã thủ tiêu Tống và hiện giờ chúng ta đang lần theo dấu vết của hắn. Còn một người đàn ông nữa mà đệ rất muốn gặp, đó là bố của Hoàng Liên – Quan án sát nói tiếp, tay vuốt chòm ria. – Cái lão bố vô lại, bỉ ổi ấy lại chấp nhận việc đứa con hoang của nó sống ở cái nơi nhơ nhớp bẩn thỉu kia chứ! Thật là đáng hổ thẹn đối với một người bố! Hơn nữa cô gái đang bị ốm. Ta phải làm thế nào cho cô vũ nữ nói ra được bác Lã ạ! Cô ta có thể biết về người bố của Hoàng Liên. Nếu không, ít ra cô ta cũng cung cấp cho chúng ta một vài dấu hiệu nhận dạng, bởi vì đã có một lần cô ta bắt gặp lão bỏ khăn mặt từ ngôi miếu hoang đi ra. Một khi tìm được nhân vật đó, chúng ta sẽ buộc hắn phải cung khai người đàn bà mà hắn đã rắp tâm quyến rũ, và chúng ta sẽ xem xét đến những việc có thể làm được để giúp đỡ cô gái khốn khổ ấy. Tiểu Phượng chưa đến nhỉ?
- Ồ đến rồi. Cô ta đang trong buồng dành riêng cho các vũ nữ, sau phòng tiệc. Dược Lan giúp cô ta trang điểm và chuẩn bị ra trình diễn. Chúng ra đến gặp cô ta ngay bây giờ chứ? Ở đây có hai vũ nữ nữa, vì thế phải gọi cô ta ra một chỗ nói riêng. Trời ơi! – Quan tri huyện cúi đầu nhìn xuống, – Ông Trương và viện sĩ đang đến kia rồi! Tôi phải xuống đón tiếp các ông ấy mới được! Ông cứ đi theo hành lang đến tít đầu đằng kia kìa, mãi trong cùng ấy, và tranh thủ thay áo xống cho kịp, ông Địch ạ!
Quan án sát đi theo hành lang hẹp đến đầu bao lơn thì xuống nhà dưới và vội vã trở về phòng mình. Trong lúc mặc chiếc áo dài màu xanh biếc có hoa chìm, quan án sát nghĩ mình sẽ rất thiệt thòi nếu phải về sớm, không được tham dự vào tiến trình điều tra vụ án mạng kỳ lạ này. Một khi đã nắm giữ được căn cước của bố Tống, chắc chắn quan tri huyện sẽ phải để tâm đến những tình tiết về cái chết của ông ta bằng cách hỏi tất cả những người hiện còn sống ở Tần Hoài được trực tiếp chứng kiến hoặc có được nghe nói về câu chuyện xảy ra. Việc ấy phải mất đến hàng tuần lễ nếu không phải hàng tháng. Về phía ông, chỉ quan tâm có một việc: đó là đưa Hoàng Liên đến một nơi thích hợp. Một khi cô gái được chăm sóc, trạng thái tinh thần sẽ được khôi phục và trở lại bình thường, quan tri huyện có thể khuyến khích cô nói ra tất cả những điều mà cô đã nói với Tống. Nhưng Tống đến với Hoàng Liên để làm gì? Quan án sát thầm nghĩ. Có phải chỉ vì một lý do là anh ta thích cái bài hát lạ lùng kia không? Hẳn là chàng phó bảng đã phải lòng cô gái. Con bé gia nhân nhà ông Minh đã chẳng nói ám chỉ rằng việc Tống ham thích những bản tình ca và việc anh ta hỏi mua những trâm cài tóc bằng bạc để tặng cho Hoàng Liên là gì? Quan án sát thấy trước mắt mình đang mở ra nhiều triển vọng rất hấp dẫn.
Ông đứng trước gương sửa lại chiếc mũ cánh chuồn to bằng nhung và đội trên đầu cho thật ngay ngắn rồi nhanh nhẹn bước ra ngoài sân chính. Trên bao lơn sáng rực ánh đèn, tiếng sột soạt của những tà áo gấm vang đến tận tai ông. Các vị khách đang mải mê ngắm cảnh chăng đèn kết hoa ngoài vườn. Chưa có ai ngồi vào bàn tiệc. Điều đó tránh cho ông khỏi việc bị lúng túng nếu phải bước vào phòng tiệc giữa lúc mọi người ai nấy đã ngồi vào chỗ của mình.
Lên bao lơn, quan án sát chào trước tiên là viện sĩ Viện hàn lâm, xúng xính trong bộ quần áo rộng thùng thình bằng gấm, đầu đội mũ trùm vuông của viện hàn lâm, có hai dải băng đen thả xuống sau lưng. Lỗ Huynh thì mặc áo dài màu đỏ tía, gấu viền đen trông cũng có một vẻ trang nghiêm nhất định. Còn thi sĩ triều đình, ông ta đã chọn một chiếc áo dài lụa màu nâu được những hoạ tiết dệt hoa tôn thêm lên và một mũ trùm chỏm cao nạm vàng. Tâm trạng của Trương lúc này rõ ràng đang vui, ông đang ngồi nói chuyện rôm rả với quan tri huyện.
Vừa trông thấy quan án sát, quan tri huyện đã hỏi ngay:
- Ông Địch, ông có công nhận sức mạnh diễn cảm chính là đặc điểm thơ của ông bạn đáng kính của chúng ta đây không?
Thi sĩ Trương Lan Bài lắc đầu nguầy nguậy:
- Xin ông đừng phung phí những thì giờ quý báu của chúng ta vào những lời ca ngợi như thế nữa, ông Lã ạ. Từ dạo rút khỏi công việc triều đình, tôi đã dùng thời gian chủ yếu vào việc xuất bản những bài thơ tôi làm trong vòng ba mươi năm trở lại đây và tôi bắt đầu nhận ra chính cái sức mạnh diễn cảm ông vừa nói đã làm cho chúng trở thành thiếu sót.( Lã định phản đối nhưng thi sĩ đã xua tay). Tôi xin nói để ông rõ cái lý của tôi. Từ trước đến nay lúc nào tôi cũng chỉ muốn được sống yên thân. Vợ tôi, có thể ông cũng đã biết. Bà ấy cũng làm thơ. Chúng tôi không có con. Hai vợ chồng sống trong một toà nhà lộng lẫy ở thôn quê rất gần kinh đô. Tôi lấy việc chăm sóc đàn cá vàng, gọt tỉa những phong cảnh thu nhỏ của tôi làm vui. Vợ tôi thì thích trồng tỉa những luống hoa. Bạn bè nhiều người thỉnh thoảng đến cùng chúng tôi dùng bữa cơm trưa, nói chuyện tâm tình và làm thơ đến tận đêm khuya. Tôi cứ đinh ninh như thế là sung sướng và mãn nguyện lắm rồi. Nhưng cho đến thời gian gần đây tôi bỗng nhận ra rằng thơ của tôi chỉ phản ánh một thế giới do tôi tưởng tượng một cách hết sức chủ quan. Trong chừng mực nào đó những bài thơ ấy đã tước bỏ hết những mối dây liên hệ giữa tôi với cuộc sống thực và chính vì thế bao giờ nó cũng nhạt nhẽo, vô vị, trở thành những bài thơ chết! Hôm nay đứng trước bàn thờ ông bà ông vải, sau khi tĩnh tâm trở lại, tôi cứ luôn tự hỏi liệu một vài tập thơ rập theo khuôn sáo đã đủ để khẳng định năm mươi năm sống trong trời đất của mình hay chưa?
- Ối dào, cái mà ông gọi là thế giới ảo tưởng tôi thấy vẫn còn thực tế hơn nhiều so với cuộc sống mạo xưng! Thế giới hàng ngày của chúng ta chẳng qua chỉ là cái vỏ bề ngoài, chỉ là quá độ thôi ông ạ! Cho nên cái mà ông có thể giữ lại được, đó là những giá trị bất di bất dịch của thế giới nội tâm.
- Xin đa tạ ông về những lời an ủi, ông Lã ạ. Tuy nhiên tôi vẫn cứ tiếp tục suy nghĩ theo cách của tôi rằng nếu tôi có thể được sống những giây phút rung cảm mãnh liệt, cho dù đó là một bi kịch, hay một biến cố khủng khiếp làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống phẳng lặng của tôi thì lúc đó tôi sẽ có thể…
- Ông lầm hoàn toàn rồi ông Trương ơi! – Viện sĩ hàn lâm ngắt lời thi sĩ bằng giọng nói vang như sấm. – Ông ngồi gần lại đây, cả Người Đào Huyệt nữa, tôi cũng muốn nghe quan điểm của ông! Ông Trương, ông hãy nghe tôi nói. Tôi không còn ở cái tuổi dưới sáu mươi nữa và tôi hơn ông khoảng chục tuổi, đáng tuổi anh ông. Trong vòng bốn mươi năm đã chiếm lĩnh hầu hết các chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị. Tôi có một gia đình lớn và đã được thử thách qua tất cả các loại cảm xúc mãnh liệt nhất mà một con người có thể cảm nhận được trong đời sống chung cũng như riêng. Và bây giờ tôi có thể nói với ông rằng chỉ từ khi về hưu, từ năm ngoái đến nay, tôi mới có dịp được thơ thẩn một mình, đi đây đi đó, muốn kề cà ở đâu tuỳ thích, rằng tôi đã có thể bắt đầu xé toang những tấm màn che đậy, những cái vỏ bề ngoài, đồng thời cũng đã có thể nhận ra những giá trị vĩnh cửu nằm ở đâu đó tận bên kia cuộc sống trên trái đất chúng ta. Còn ông, ông Trương, ngược lại ông đang mơ tưởng mình sẽ bỏ qua được cái đoạn đường tiên quyết ấy. Cả ông nữa, ông bạn Người Đào Huyệt của tôi ạ, ông cho rằng ông đã tìm ra con đường đi đến cõi niết bàn mà không cần thò mặt ra khỏi cửa sổ nhà mình ư.
- À ra thế! Ông viện sĩ vừa cho chúng ta nghe nguyên văn những học thuyết của đạo Lão đấy mà! – Người Đào Huyệt nhận xét. – Nhưng thưa ông viện sĩ, người sáng lập ra đạo Lão chỉ là một anh chàng ba hoa. Anh ta khẳng định sự im lặng có giá trị hơn tất cả các bài diễn văn cộng lại rồi đọc liền một mạch năm ngàn chữ trước tác kinh điển của đạo Lão.
- Dứt khoát tôi không tán thành ý kiến của ông, – thi sĩ triều đình phản đối. – Đức Phật…
Người Đào Huyệt cướp lời thi sĩ và tiếp tục nói quan điểm của mình:
- Đức Thích Ca là một kẻ ăn mày ăn xin khốn khổ, còn Đức Khổng Tử là một lão thầy đồ mánh khoé!
Bực mình vì những lời lẽ cuối cùng của Lỗ Huynh, quan án sát nhìn viện sĩ Viện hàn lâm, chờ đợi một sự phản ứng mạnh mẽ. Nhưng ngược lại chỉ thấy ông viện sĩ cười.
- Lỗ Huynh ạ, ông đã ném cả ba thứ tôn giáo vào một giỏ rồi. Vậy tôi xin hỏi ông theo tôn giáo nào?
- Tôi chẳng theo tôn giáo nào cả, – nhà sư béo phệ đáp.
- Ồ, thế thì tôi không tin. Ông thuộc môn nghệ thuật viết chữ! – Viện sĩ thốt lên. – Bây giờ thế này ông Lã ạ, sau bữa ăn chúng ta sẽ hạ tấm màn lụa ở phòng tiệc xuống để Già Lỗ viết vào đấy cho chúng ta một câu trong số những câu thơ đối của ông ấy bằng một cái chổi hay bằng bất cứ cái gì tuỳ ông ấy!
- Ý kiến rất hay! – Lã hưởng ứng. – Chúng ta sẽ giữ tấm màn lụa như một báu vật cho các thế hệ mai sau.
Cho đến lúc đó quan án sát mới vỡ lẽ. Một đôi lần ông đã trông thấy cái tên Già Lỗ ở mặt ngoài các đền thờ miếu mạo hay các công trình tôn giáo khác ký bên dưới những câu viết bằng đại tự tít trên cao sáu thước. Quan án sát bắt đầu nhìn nhà sư xấu xí với một thái độ kính trọng mới.
- Ông làm thế nào mà viết được những chữ lớn như thế? – Quan án sát hỏi nhà sư.
- Tôi leo lên một cái giá rất cao với một cây bút lông có cán dài năm thước ở tay, vừa viết vừa di chuyển trên một cái thang bắc ngang. Ông Lã, ông hãy sai người nhà chuẩn bị cho tôi một chậu mực thật đầy.
- Ai mà cần đến cả một chậu mực đầy thế?
Tiếng nói êm ái của nữ thi sĩ chợt cất lên. Nữ thi sĩ trang điểm rất công phu nên trông bà ta đẹp một cách kỳ lạ và kiểu áo màu xanh lá mạ cắt khéo đã làm mờ nhạt đi một cách hết sức tế nhị những nét hơi đậm của thân hình bà. Quan án sát lấy làm thán phục những cử chỉ tự nhiên mà nhở đó bà ta đã hoà nhập dễ dàng vào cuộc đối thoại chung, đã tìm được giọng nói thích hợp với cả ông viện sĩ và thi sĩ triều đình. Sự thân mật giữa hai nhà thơ gặp nhau ở một điểm: kính trọng nhau. Cuộc sống giao du rộng rãi kéo dài đã phú cho người đàn bà này cái phong cách xử sự ngang hàng với đàn ông mà trong khuôn khổ gia đình chắc chắn không thể có được.
Viên giám quận tháo các tấm cửa lùa ở các cửa ra vào. Quan tri huyện mời khách vào phòng dự tiệc. Trên bốn cái cột to sơn son chống lên xà nhà màu tươi tắn, nổi bật những đại tự nói lên điều tốt lành. Mọi người có thể đọc được ngay câu đầu tiên: “Quanh năm thiên hạ vui tươi, hưởng thái bình” và câu thứ hai: “Người người đều được cai trị khôn khéo và độ lượng”. Các cửa nách đều có nẹp trau chuốt rất mỹ thuật. Cửa nách bên trái mở thông sang một gian buồng có sáu nhạc công của dàn nhạc: hai người thổi sáo, hai người kéo nhị, một người chơi kèn ácmônica và một cô gái trẻ ngồi trước cây đàn xi-ta.
Trong lúc dàn nhạc hoà tấu bản nhạc vui mào đầu nhan đề “Chào mừng các vị thượng khách” quan tri huyện trịnh trọng dẫn Trương và viện sĩ Viện hàn lâm vào chỗ ngồi danh dự ở chiếc bàn kê sát bức tường phía trong cùng. Trước những biểu hiện có phần kính trọng đối với thượng khách, cả hai người như mở cờ trong bụng. Họ cứ để mặc cho quan tri huyện sắp đặt. Quan tri huyện mời quan án sát ngồi bàn bên trái để ông nhìn thấy thi sĩ Trương và bố trí Người Đào Huyệt ngồi ở bàn bên phải. Sau khi đề nghị nữ thi sĩ ngồi bên phải quan án sát, ông ngồi xuống chiếc ghế bên trái Lỗ Huynh. Cả ba bàn tiệc đều được phủ gấm điều nạm vàng. Bát đĩa đều là loại sứ mịn vẽ hoa, các cốc uống rượu dát bằng vàng nguyên chất, đũa bằng bạc. Đĩa bát đầy ắp thịt cá ướp gia vị, thịt muối thái lát, trứng vịt và những món ăn nguội rất ngon. Ngoài những cây đèn có chân cao soi sáng gian phòng tiệc, mỗi bàn còn có thêm hai cây đèn nến to bằng bạc. Sau khi gia nhân rót rượu vang vào các cốc, quan tri huyện nâng cốc chúc các vị khách sức khoẻ và hạnh phúc. Mọi người bắt đầu cầm đũa.
Viện sĩ Viện hàn lâm và thi sĩ Trương đi ngay vào câu chuyện, ôn lại những mối dây liên hệ chung của họ hồi ở kinh đô. Quan án sát thì thấy mình được nói chuyện thoải mái với nữ thi sĩ. Thoạt tiên, bằng những lời lẽ nhã nhặn, ông hỏi thăm nữ thi sĩ đến Tần Hoài từ bao giờ? Nữ thi sĩ trả lời bà đến đây đã được hai ngày do một viên trung sĩ và hai lính cảnh sát áp giải. Bà và những người cảnh sát đã thuê trọ ở một tửu quán nhỏ ngay sau phòng khách Bích Ngọc. Không chút gò bó, nữ thi sĩ giảng giải cho quan án sát nghe về bà quản gia có tuổi, trước kia đã từng làm việc với nữ thi sĩ trong một nhà khách nổi tiếng ở kinh đô, và hai người khi gặp nhau đã cùng ôn lại những chuyện cũ ngày xưa.
- Tôi gặp Tiểu Phượng ở phòng khách Bích Ngọc, – nữ thi sĩ nói thêm. – Cô ấy là một vũ nữ giỏi, một cô gái xuất sắc.
- Theo cách nhìn của tôi, – quan án sát nhận xét, – cô gái ấy có vẻ hơi kiêu kỳ.
- Đàn ông các anh có bao giờ hiểu được đàn bà chúng tôi đâu! – Nữ thi sĩ xẵng giọng đối đáp. Nói xong, bà ta ném về phía ông viện sĩ một cái nhìn phật ý.
Viện sĩ lúc này đang thao thao bất tuyệt một bài diễn văn với những lời lẽ cầu kỳ.
- … Bởi vậy cho nên, nhân danh tôi và nhân danh tất cả mọi người, tôi xin khẳng định một lời cảm ơn chân thành đối với quan tri huyện, nhà thơ tài ba lỗi lạc, vị quan cai trị tuyệt vời, vị chủ nhân hiếu khách có một không hai! Chúng tôi cảm ơn quan tri huyện đã tụ hội về đây đúng vào thời điểm thật tưng bừng và hân hoan cái nhóm người nho nhỏ bao gồm những nhân vật ưu tú gắn bó keo sơn trong tình huynh đệ, cùng nhau quây quần thân ái giữa một khung cảnh hoàn toàn đồng điệu, đồng cảm, hài hoà của bữa tiệc long trọng này! – Viện sĩ hướng đôi mắt sáng quắc về phía nữ thi sĩ. – Bà Dược Lan! Bà hãy hoạ cho chúng tôi một bài thơ chào mừng cuộc vui này. Đây là đầu đề bài thơ: “Vui họp mặt”!
Nữ thi sĩ xoay tròn cốc rượu giữa các ngón tay. Một lát sau bà bắt đầu ngâm, giọng lanh lảnh nóng hổi:
Chén quỳnh ắp rượu bồ đào
Mâm vàng đĩa bạc ngạt ngào hương bay
Sơn hào hải vị chất đầy
Lung linh ngời cháy nghìn cây nến hồng
Quan tri huyện gật đầu cười thích thú, nhưng quan án sát để ý thấy Người Đào Huyệt phật ý ra mặt. Đôi mắt ông ta long lên như đang bám chặt vào nữ thi sĩ. Dược Lan đọc tiếp đoạn thơ đối:
Máu dân ấy rượu bồ đào
Thịt dân, hải vị sơn hào, ai ơi!
Mồ hôi xương máu bao người
Nến hồng uất hận tuôn rơi lệ sầu
Cả phòng tiệc bỗng lịm hẳn đi và như rời rã. Thi sĩ triều đình tái mét mặt ném về phía nữ thi sĩ một cái nhìn phẫn nộ.
- Bà đã ám chỉ về những khó khăn nhất thời bà Dược Lan ạ. Rõ ràng những điều bà vừa nói người ta chỉ có thể thấy trong những vùng bị nạn lụt hay hạn hán mà thôi. – Thi sĩ triều đình vừa nói vừa cố nén xúc động một cách khó nhọc.
Nữ thi sĩ xẵng giọng đáp:
- Không! Điều đó người ta có thể thấy ở khắp nơi và bất cứ lúc nào. Chính ông cũng biết đấy!
Quan tri huyện vỗ mạnh hai bàn tay. Các nhạc công tấu lên một bản nhạc vui và nhịp nhàng. Tiếp theo một cặp vũ nữ ra biểu diễn. Cả hai vũ nữ đều rất trẻ. Một người mặc áo dài tha thướt bằng vải sa mỏng dính và một người mặc áo dài màu xanh biếc. Sau khi biểu diễn một động tác chào cung kính trước mặt các vị khách danh dự, các vũ nữ giơ cao hai cánh tay và bắt đầu từ từ xoay tròn, các ống tay áo rộng bay phấp phới. Trong lúc cô xoay tít trên đầu các ngón chân nhỏ nhắn thì cô kia quỳ một bên đầu gối và cứ thế luân phiên xen kẽ các động tác rất mau lẹ của điệu múa. Đó là điệu múa nổi tiếng mang tên: “Mùa xuân đôi chim én liệng”. Dù đã cố sức trổ hết tài năng nhưng các cô vũ nữ trẻ vẫn hoàn toàn ý thức được cái vẻ trần truồng của các cô sau những bộ quần áo mỏng dính không thể đạt tới mức độ phóng túng của những vũ nữ dày dạn kinh nghiệm. Các vị khách ít để ý đến điệu múa và khi gia nhân bưng lên các đĩa thức ăn bốc khói nghi ngút thì cả phòng tiệc bắt đầu cười rôm rả.
Quan án sát kín đáo quan sát nét mặt căng thẳng của nữ thi sĩ ngồi bên cạnh mình đang chểnh mảng gắp thức ăn. Bà ta đã học được trong trường đời những nổi khổ cực cay đắng to lớn nhất và do đó tha thiết yêu tự do. Bài thơ của bà ta dù sao đã chẳng mấy được các vị khách thượng cấp ưa chuộng; nói cho đúng hơn, nó đã làm cho các vị ấy khó chịu.
- Có khi nào bà nghĩ bài thơ vừa rồi của bà có đôi chút vô căn cứ? – Quan án sát ngả người về phía nữ thi sĩ hỏi. – Tôi biết quan tri huyện bề ngoài trông có vẻ nhu nhược nhưng thực chất ông ấy là một quan chức rất cương nghị. Ông ấy tiêu tiền của chính mình một cách rất hào phóng, chẳng những để tiếp đãi bạn bè chu đáo mà còn làm những việc từ thiện.
- Những ai đòi hỏi lòng từ thiện? –Nữ thi sĩ hỏi với một vẻ khinh mạn.
- Dù đòi hỏi hay không, việc ông ấy làm bao giờ cũng giúp ích cho khá nhiều người, – quan án sát khô khan trả lời. Ông nghĩ bụng vì cớ gì mà người đàn bà lạ lùng này lại đưa ra một câu hỏi thực sự ẩn ý như vậy.
Âm nhạc ngừng. Hai vũ nữ chào cử toạ và được đáp lại bằng sự hoan nghênh rời rạc. Các thức ăn tiếp tục được bưng lên cùng với rượu vang. Sau đó quan tri huyện tươi cười đứng lên tuyên bố:
- Điệu múa mà các vị vừa thưởng thức chỉ là tiết mục mở đầu khiêm tốn. Sau món cá chép nấu dấm, sẽ có một khoảng thời gian ngắt quãng để chúng ta ra ngoài hiên xem pháo hoa. Sau đó xin mời các vị thưởng thức tiếp một vũ khúc cổ xưa rất hiếm thấy, một điệu múa chính cống của vùng này do vũ nữ Tiểu Phượng trình diễn, có hai sáo và một trống cơm đệm theo. Điệu vũ mang tên: “Đoản khúc cáo đen”.
Quan tri huyện nói xong ngồi xuống chỗ của mình trong tiếng thì thầm bàn tán và thái độ sửng sốt của các quan khách.
- Ý kiến tuyệt vời đấy ông Lã ạ! – Viện sĩ hàn lâm nói to. – Nhưng mà tôi không biết gì về điệu múa ấy!
- Thế thì càng hấp dẫn chứ sao! – Thi sĩ triều đình bình luận. – Là người địa phương, biết rất nhiều truyền thuyết về con cáo, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghe nói đến vũ khúc đấy!
- Theo tôi ông nên xem lại ông Lã ạ. Liệu đưa một vũ khúc địa phương vào cuộc… có thích hợp hay không? – Người Đào Huyệt ngỏ lời chê bai.
Câu nói của nhà sư bị trùm lấp trong tiếng nhạc. Quan án sát muốn mở đầu một cuộc đối thoại mới với nữ thi sĩ nhưng bà ta trả lời ông bằng một giọng thô bạo:
- Chuyện đó để lát nữa! Bây giờ tôi thích nghe bản nhạc này. Trước kia tôi đã múa theo điệu ấy.
Quan án sát đành để tâm trí mình vào món cá chép nấu dấm ngon tuyệt. Đột nhiên mọi người nghe tiếng rít từ khu vườn phát ra. Chiếc pháo thăng thiên rạch ngang bầu trời, để lại đằng sau một vệt sáng màu.
- Xin mời các vị ra ngoài hiên. – Quan tri huyện hô to. – Tắt hết đèn đi! – Ông ra lệnh cho viên giám quận đang đứng bên tấm màn che.
Mọi người đứng dậy ngoài hiên. Quan án sát đứng bên cạnh nữ thi sĩ, khuỷu tay chống lên thành lan can sơn son. Quan tri huyện cũng đứng bên nữ thi sĩ. Xa hơn một chút là viên cố vấn đứng cùng ông giám quận già. Quan án sát quay lại nhìn thấy cái thân hình to lớn không rõ ràng của viện sĩ Viện hàn lâm. Ông nghĩ bụng Trương và Người Đào Huyệt có lẽ cũng đứng ở đấy nhưng không dám chắc vì phòng tiệc lúc đó chìm trong bóng tối.
Một vòng lửa lớn đủ các màu từ trên cái giàn trong vườn vừa quay tít vừa phun ra những tia lửa rực rỡ. Chiếc vòng lửa quay mỗi lúc một nhanh và bỗng nổ tung thành một trận mưa các vì sao rực rỡ.
- Đẹp lắm! – Tiếng viện sĩ Viện hàn lâm đứng phía sau quan án sát thốt lên khen ngợi.
Lại một chùm hoa lửa nổ vang rền vung ra hằng hà sa số những con bướm và cuối cùng là một dãy dài nối tiếp nhau những hình tượng trưng có màu sắc rất lạ mắt.
Quan án sát định nối lại câu chuyện với nữ thi sĩ nhưng thấy bà ta mặt tái mét, nhăn nhó, ông lại thôi. Đột nhiên nữ thi sĩ quay sang nói với quan tri huyện:
- Ông đã tiếp chúng tôi một cách hết sức xa hoa quan huyện ạ. Đúng là một cảnh tượng xa hoa.
Những lời biện giải của quan tri huyện bị át đi trong một loạt tiếng nổ inh tai.
Quan án sát ngửi thấy mùi thuốc pháo hăng hắc từ trong vườn bốc lên và lấy làm thích thú. Mùi thuốc pháo làm ông tỉnh ra đôi chút vì ông đã uống rất nhiều rượu, hết chén này đến chén khác với một nhịp điệu không hề giảm sút. Đúng lúc đó trên không trung xuất hiện một tấm biển rộng trình bày ba chữ theo quy ước: Phúc, Lộc, Thọ. Kết thúc đêm pháo hoa là một tràng pháo nổ giòn tan. Sau đó, cả khu vườn lại chìm trong bóng tối.
- Cảm ơn ông Lã một ngàn lần. – Thi sĩ triều đình cảm ơn quan tri huyện rồi đi đến chỗ viện sĩ và Lỗ Huynh cùng đứng với nhau ở gần lan can. Trong lúc mọi người tỏ lời khen ngợi quan tri huyện, nữ thi sĩ Dược Lan nói nhỏ với quan án sát:
- Cái bộ ba chữ theo ước lệ ấy hoàn toàn ngớ ngẩn. Nếu ông là kẻ sung sướng thì tiền tài sẽ làm ông đau khổ và kiếp sống dai dẳng dài lê thê sẽ ngốn hết hạnh phúc của ông. Thôi chúng ta đi vào đi. Ở ngoài này bắt đầu lạnh và phòng tiệc cũng đã thắp nến đèn trở lại.
Các vị khách ai nấy đều ngồi vào chỗ của mình. Sáu gia nhân bưng vào những đĩa thức ăn tẩm bột rán. Riêng nữ thi sĩ vẫn chưa ngồi xuống.
- Để tôi vào xem Tiểu Phượng đã chuẩn bị xong điệu múa của cô ấy chưa, – nữ thi sĩ nói với quan án sát, – Phải trình diễn trước cử toạ chọn lọc như thế này, cô ấy muốn giữ tiếng, ông ạ. Tôi tin là cô ấy còn muốn được người ta vời về kinh đô nữa kia! – Nữ thi sĩ nói thêm trước khi đi khuất vào khuôn cửa tò vò sau bàn tiệc.
- Tôi đề nghị nâng cốc chúc mừng vị chủ nhân hào phóng của chúng ta! – Ông viện sĩ Viện hàn lâm tuyên bố.
Mọi người cùng nâng cốc. Quan án sát cầm một chiếc bánh tẩm bột rán, có nhân nhồi bằng thịt lợn, hành băm và gừng làm gia vị. Ông để ý thấy Người Đào Huyệt được tiếp một đĩa thức ăn chay nấu bằng đậu hạt nhưng chẳng thấy ông ta đả động đến. Ông ta đang bóp vỡ một loại quả nằm giữa những ngón tay to như quả chuối mắn, mắt chăm chú không rời khuôn cửa tò vò nơi thi sĩ vừa vào. Ông lại thấy quan tri huyện đột nhiên buông đũa của mình rơi xuống mặt bàn, bàn tay trỏ ra trước mặt, miệng kêu lên một tiếng kinh ngạc! Quan án sát vội quay lại. Nữ thi sĩ đứng ở khuôn cửa tò vò mặt cắt không còn hạt máu, đang nhớn nhác nhìn vào hai bàn tay của mình.
Hai bàn tay nữ thi sĩ bê bết những máu.

Chương 11: Quan án sát chủ toạ một buổi dạ tiệc đầy chất thơ-Người Đào Huyệt cũng làm thơ

Đúng lúc nữ thi sĩ Dược Lan lảo đảo sắp ngã thì quan án sát, người ngồi gần nhất, đã kịp chạy tới đỡ lấy cánh tay bà ta.
- Bà bị thương à? – Ông hỏi giật giọng.
Nữ thi sĩ ngước cặp mắt mất hết thần sắc của mình nhìn quan án sát.
- Cô… cô ấy chết rồi. Cổ… cổ họng đứt. Tôi có… trên tay.
- Mẹ kiếp! Bà ta ấp úng cái gì thế? Bị chém à? – Viện sĩ thét lên.
- Không. Hình như cô vũ nữ gặp chuyện không may. – Quan án sát bình tĩnh nói với cử toạ. – Để chúng tôi xem có thể làm gì giúp cô ấy!
Quan ám sát ra hiệu cho quan tri huyện rồi đưa nữ thi sĩ ra khỏi phòng tiệc. Bà ta ngả người dồn hết sức nặng của mình vào cánh tay quan ám sát. Trong gian phòng nhỏ kế bên, viên cố vấn và viên quan giám quận đang dặn dò một nữ gia nhân. Thấy nữ thi sĩ đi qua, họ đứng ngây ra nhìn. Người nữ gia nhân thì rụng rời chân tay, cái khay đang cầm trên tay rơi xuống đất. Quan tri huyện hối hả chạy vào gặp quan án sát. Quan án sát nói thì thầm trong hơi thở:
- Cô vũ nữ bị ám sát!
Quan tri huyện bảo viên cố vấn:
- Ông Cao, ông chạy ra chỗ cổng chính hạ lệnh cấm không cho ai ra vào! Rồi đi gọi người nhân viên khám nghiệm đến đây cho tôi. – Quay sang rỉ tai viên giám quận. – Ông đóng chặt ngay tất cả các ngõ ngách vào khu dinh thự và gọi bà quản lý các bà vợ tôi đến đây!
Nói xong quan tri huyện đi vòng quanh người nữ gia nhân vẫn còn đứng sững sờ, ông quát:
- Đưa cô Dược Lan vào tiền sảnh ở đầu hành lang, cho ngồi tử tế vào ghế bành rồi ở đấy mà trông nom cô ấy cho đến khi ông giám quận tới nghe chưa!
Quan án sát lấy chiếc khăn mặt đứa nữ tỳ giắt ở thắt lưng, vội vã lau máu dính đầy hai bàn tay nữ thi sĩ. Ông không thấy vết thương nào.
- Buồng này còn lối vào nào nữa không? Giao nữ thi sĩ cho đứa nữ tì trông nom à? – Quan án sát hỏi quan tri huyện.
- Ông đi theo tôi!
Quan án sát vội đi theo quan tri huyện vào một hành lang hẹp sát vách bên trái phòng tiện. Đến đầu hành lang, ông đẩy cánh cửa và đứng sững ở ngưỡng cửa, mồm há hốc. Ông đưa mắt nhanh vào chỗ bậc thang tối om trước khuôn cửa, rồi bước theo quan tri huyện vào một gian buồng thuôn thuôn, hẹp, sặc mùi mồ hôi và hương liệu. Không có ai ở đây cả. chiếc đèn lồng bọc lụa trắng có chân đã soi rõ thi thể gần như trần truồng của Tiểu Phượng nằm ngửa vắt ngang qua tấm ghế dài bằng gỗ mun. Cô gái chỉ mặc có một chiếc áo lót trong suốt, hai cẳng chân trắng nõn và tròn lẳn thõng xuống đất. Hai cánh tay mảnh dẻ giang rộng và đôi mắt đã mất hết thần sắc, trân trân nhìn lên trần nhà. Bên trái cổ chỉ còn là một vết thương ghê tởm, máu từ đó vẫn ứa ra nhỏ giọt. Đôi vai gầy của cô gái có những vết bàn tay máu in lên. Dưới lớp son phấn, bộ mặt như mặt nạ của vũ nữ với cái sống mũi dài, cái miệng xấu xí hé ra một hàng răng nhỏ và nhọn, gợi lên trong óc quan án sát hình ảnh của cái mõm cáo.
Quan tri huyện để tay lên ngực trái, chỗ dưới bầu vú nhỏ và rắn của cô gái.
- Việc này chỉ mới xảy ra cách đây độ vài phút là cùng! – Ông vươn thẳng người lên lẩm bẩm, rồi trỏ tay vào một chiếc kéo dính đầy máu vứt trên mặt đất nói thêm. – Còn đây là vũ khí của tên sát nhân!
Trong lúc quan tri huyện cúi xuống nhìn cho rõ chiếc kéo, quan án sát để ý đến những bộ quần áo của phụ nữ gấp cẩn thận xếp trên chiếc ghế tựa kê trước cái bàn trang điểm đơn giản. Một tấm áo dài to tướng màu xanh lục, ống tay rộng, một thắt lưng điều và hai dải khăn choàng bằng lụa trong suốt, tất cả đều treo trên mắc áo ở góc buồng.
- Cô vũ nữ bị giết trong lúc sắp mặc bộ quần áo khiêu vũ này. – Ông quay về phía ông bạn đồng nghiệp, nhận xét.
Quan án sát nhặt quyển sổ chép nhạc của phó bảng Tống ở trên bàn đút vào trong ống tay ái. Mặt ông không rời khuôn cửa nhỏ vuông góc với cái khuôn cửa mà ông và quan tri huyện vừa vào.
- Cửa kia ăn thông ra đâu nhỉ?
- Thông sang phòng tiệc, – quan tri huyện giải thích. – Nó nằm đúng phía sau tấm màn che tường.
Quan án sát xoay núm cửa. Cánh cửa vừa hé mở, ông đã nghe tiếng nói của thi sĩ triều đình lọt sang.
- …rằng quan tri huyện có hẳn một thầy thuốc riêng. Bởi vì…
Quan án sát khép cánh cửa lại rất nhẹ nhàng.
- Nhất định quan bác phải thân chinh xem xét lại một lượt tất cả chỗ này, bác Lã ạ. – quan án sát nói. – Đệ có nên trở lại phòng tiệc thay mặt quan bác tiếp khách không nhỉ?
- Ồ có chứ, tôi đề nghị như vậy, ông Địch ạ! Cũng rất mừng ông đã nói với mọi người đây chỉ là tai nạn rủi ro. Chúng ta hãy cứ giữ cách giải thích ấy. Chẳng cần làm cho các vị khách xôn xao lo lắng một cách không cần thiết. Cứ nói là cô vũ nữ dùng kéo vô ý nên bị thương. Tôi sẽ hỏi suốt lượt những người có mặt ở đây. Lát nữa tôi trở lại.
Quan án sát gật đầu đi ra. Ông ra lệnh cho đám gia nhân hoảng sợ đang tụ tập ở gian bếp, ai vào việc nấy. Rồi ông đi sang phòng tiệc.
- Vừa rồi, cô vũ nữ dùng kéo vô ý bị thương ở chân phải, – quan án sát vừa ngồi xuống vừa tuyên bố, – cô ấy bị đứt mạch máu chân. Bà Dược Lan đã cố tìm cách cầm máu nhưng cảm thấy mình sắp bị ngất nên vội chạy vào đây nhờ chúng ta hỗ trợ. Hiện giờ quan tri huyện đang bận giải quyết sự việc xảy ra. Tôi xin mạo muội thay mặt quan tri huyện tiếp các vị.
- Các ông cứ việc tin vào đàn bà để rồi phải chạy theo họ mà giải quyết những việc không đâu! – Viện sĩ hàn lâm nói. – Tôi rất mừng vì người bị thương không phải là bà Dược Lan. Nhưng dù sao tôi cũng lấy làm đau buồn cho cái cô vũ nữ bé nhỏ ấy. Tuy nhiên không vì thế mà tôi tiếc vì không được xem cô ta múa điệu con cáo đâu! Chúng ta họp với nhau đây vì mục đích cao cả hơn nhiều chứ không phải chỉ để xem một vài con nhãi ranh làm trò nhảy đập chân.
- Làm vũ nữ mà bị thương ở chân thì thật đáng buồn, – thi sĩ triều đình ái ngại. – Nào bây giờ còn bốn người, chúng ta có thể bỏ qua tất cả các nghi thức khuôn sáo được rồi đấy. Tại sao chúng ta không nhập ba cái bàn tiệc này vào làm một nhỉ… Nếu Dược Lan trở lại, ta vẫn có thể thu xếp cho bà ấy một chỗ cơ mà!
- Ý kiến rất hay! – Quan án sát hưởng ứng. Ông vỗ hai bàn tay vào nhau và ra lệnh cho đám gia nhân đẩy hai cái bàn hai bên sát vào với bàn tiệc danh dự.
Ông di chuyển ghế của mình. Người Đào Huyệt cũng làm theo. Hai người ngồi đối diện với Triệu và Trương ở một bên kia bàn tiệc hình vuông vừa được tuỳ cơ ứng biến. Rồi quan án sát lại hạ lệnh cho gia nhân rót rượu. Sau khi mọi người cạn chén chúc mừng cho sức khoẻ cô vũ nữ mau hồi phục, có hai gia nhân bưng vào một mâm vịt quay đồng thời dàn nhạc nổi lên một bản nhạc mới. Lập tức viện sĩ hàn lâm xua tay kêu lên:
- Hãy bảo gia nhân mang mâm vịt quay đi, ông Địch! Và đuổi luôn cả những người kéo nhị nữa. Chúng ta đã ăn và nghe nhạc quá đủ rồi! Bây giờ chỉ cần uống thôi! Tất cả chúng ta đều uống, uống thực sự!
Thi sĩ triều đình liền đề nghị một đợt nâng cốc chúc mừng, rồi đến Lỗ Huynh, và cuối cùng đến lượt quan án sát nhân danh chủ tiệc đề nghị nâng cốc chúc ba vị thượng khách. Viện sĩ hàn lâm lôi kéo thi sĩ triều đình vào một cuộc tranh luận rắc rối xung quanh vấn đề so sánh những giá trị văn học cổ điển với văn học hiện đại. Thế là có dịp để quan án sát nói chuyện với Lỗ Huynh. Từ đầu bữa tiệc, Người Đào Huyệt đã uống rất nhiều. Những lời tuyên thệ kiêng kị của ông ta rõ ràng là không bao gồm cái khoản rượu vang! Trên bộ mặt thô ráp của nhà sư đã xuất hiện một lớp mồ hôi mỏng, khiến cho bộ mặt ấy càng giống cóc hơn bao giờ hết. Quan án sát mở đầu câu chuyện:
- Đầu bữa tiệc tôi nghe ông nói ông không thuộc giới Phật giáo. Thế mà ông lại lấy biệt hiệu Người Đào Huyệt là thế nào?
- Tôi nhận cái danh hiệu ấy từ lúc còn ít tuổi và nó cứ thế tồn tại cho đến giờ, – nhà sư giải thích bằng một giọng nói thô. – Sai bét cả. Tôi đã nhận ra điều đó. Bởi vì tôi muốn, không phải tôi, mà cái chết tự chôn vùi sự đau khổ của nó! – Nhà sư nói rõ thêm ý đó và uống một hơi cạn chén rượu.
- Ở huyện này hình như có rất nhiều đạo Phật. Tôi đã thấy ở một phố có đến nửa tá đền thờ Phật giáo khác nhau, nhưng tôi chỉ có thì giờ vào thăm một ngôi đền: đền Đạo Tiên Nghiệm. Ngôi đền ấy thuộc giáo phái nào hả ông?
Đôi mắt to của Người Đào Huyệt đang bốc lên ngùn ngụt những tia đỏ mờ ảo kỳ dị khi xoáy nhìn vào quan án sát.
- Nó không thuộc giáo phái nào cả. Những ngôi đền ấy đã phát hiện ra rằng con đường ngắn nhất đi đến chân lý tuyệt đối nằm ngay trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta không cần Đức Phật Thích Ca chỉ bảo đâu là chân lý và tìm nó bằng cách nào. Chúng ta không cần đền thờ tráng lệ nguy nga, không cần sách thánh. Không cần cúng bái long trọng ầm ĩ. Nơi đây là chốn hiền hoà và là nơi tôi nương náu mỗi lần đến Tần Hoài.
- Này, – ông viện sĩ cất tiếng sang sảng. – Ông Trương vừa cho tôi biết thơ của ông ấy ngày một cùn đi nếu thi sĩ vẫn tiếp tục con đường cũ ông ấy đang đi, và chẳng bao lâu nó sẽ ngắn ngủn chỉ còn độ hai, ba dòng cũng như thơ của ông ấy, Người Đào Huyệt ạ!
- Nếu ít ra tôi có quyền được làm như thế! – Mặt nhà thơ đỏ bừng, giọng nói đượm vẻ hối tiếc.
- Lỗ Huynh ạ, thơ của ông mới đọc tưởng như hết sức tầm thường, – thi sĩ lắc đầu nói tiếp. – Đôi khi người ta có cảm giác nó chẳng nói lên cái gì cả! Nhưng rồi nó cứ lẩn quẩn trong đầu và đến một lúc nào đó người ta bỗng hiểu ra. Xin quý vị nâng cốc chúc mừng nhà thơ lớn của chúng ta!
Mọi người cùng cạn chén. Thi sĩ lại nói:
- Bây giờ chỉ còn bốn người trong cái phòng tiệc này, nếu có thể được, tôi xin đưa ra một ý kiến là chúng ta sẽ viết lên tấm màn che kia một vài câu châm ngôn để ghi nhớ cuộc họp mặt thú vị đêm nay! Nên chăng Người Đào Huyệt? Nghệ thuật viết chữ có một không hai của ông sẽ có tác dụng an ủi quan tri huyện về tất cả những lần chúc rượu ông ấy không có mặt!
Vị nhà sư có bộ mặt xấu xí đặt cốc rượu xuống bàn lạnh lùng đáp:
- Tôi ấy à, tôi chỉ quen làm những việc thiết thực thôi. Ông quá rộng rãi với tôi về những chuyện tầm phào của ông đấy, ông Trương ạ!
- Ồ, Người Đào Huyệt! – Tiếng nói của viện sĩ hàn lâm oang oang. – Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ lý do thoái thác nào của ông đâu. Ông không dám viết là bởi ông đang còn làm cao. Nhưng tôi tin chắc rằng ông sẽ không thể khăng khăng từ chối mãi được. Nào lại đây, hoặc là hôm nay, hoặc là sẽ không bao giờ nữa!
Thi sĩ triều đình phá lên cười.
Người Đào Huyệt không chú ý đến thi sĩ, thản nhiên phân trần với quan án sát:
- Bây giờ hạ tấm màn này xuống thì phiền phức lắm. Không biết các gia nhân sẽ xoay xở ra sao. Nếu ông tìm được cho tôi một tờ giấy, tôi sẽ viết vào đấy một bài thơ tặng vị chủ nhân của chúng ta ngay tại cái bàn này.
- Thế thì hay lắm! – Viện sĩ Viện hàn lâm thốt lên. – Chúng tôi là những người hào hiệp. Nếu ông vì quá say mà không viết nổi chữ to thì chúng tôi để ông viết chữ nhỏ vậy. Bảo những cậu con trai kia đem mực và giấy lại đây, ông Địch!
Hai gia nhân dọn mặt bàn, còn một người mang giấy trắng với một khay nghiên bút đến. Quan án sát chọn một tờ giấy trắng và dày khổ rộng một chiều bốn thước một chiều gần hai thước trải ra mặt bàn. Trong khi đó Người Đào Huyệt khuấy mực trong chiếc nghiên bằng đá, cặp môi dày lập bập thốt ra những tiếng gắt gỏng. Vị nhà sư thân hình to lớn vừa cầm cây bút lông chuẩn bị viết thì quan án sát đã nhanh nhảu xoè bàn tay chặn lên đầu tờ giấy. Người Đào Huyệt ngắm nghía tờ giấy một tí rồi hạ bút viết lên hai câu thơ, hầu như chỉ bằng hai nhát bút lông, nhanh và chính xác như một làn roi quất.
- Trời! – Viện sĩ thốt lên: – Đích thực cái mà các cụ thường gọi là nét chữ có linh hồn đây. Chưa nói đến nội dung làm tôi xúc động nhường nào, chỉ nói riêng về nghệ thuật viết chữ đã xứng đáng khắc vào bia đá cho hậu thế!
Thi sĩ triều đình cất cao giọng ngâm:
“Tất cả đều trở về nơi chúng ta xuất phát!
Nơi ngọn lửa hồng cây đèn tắt ra đi!”
- Ông có thể giải thích câu thơ của ông cho chúng tôi nghe được không. Người Đào Huyệt?
- Không, – nhà sư đáp.
Rồi nhà sư chọn một cây bút long nhỏ nhất đề mấy chữ tặng bài thơ cho quan tri huyện, dưới ký tắt một cái tên rắc rối: “Già Lỗ”.
Quan án sát bảo đám gia nhân đem dán tờ giấy lên chính giữa tấm màn che tường và cho đến lúc đó ông mới kinh ngạc nhận ra rằng hai câu thơ hoàn toàn có thể dùng làm văn bia cho cô vũ nữ trẻ tuổi, thi thể còn nằm trong gian buồng ngay cạnh phòng tiệc!
Viên cố vấn vào phòng tiệc, đến gần quan án sát, cúi xuống ghé vào tai ông nói nhỏ mấy câu. Quan án sát quay về phía các quan khách tuyên bố:
- Thưa các quý vị, ông bạn đồng nghiệp của tôi yêu cầu tôi thông báo với các quý vị rằng ông rất lấy làm tiếc không thể tiếp tục dự tiệc cùng chúng ta. Nữ thi sĩ Dược Lan, nạn nhân của chứng đau đầu cấp tính, cũng gửi lời xin lỗi quý vị. Tôi hy vọng các vị thượng khách vẫn vui lòng trao cho tôi cái đặc ân được thay mặt chủ nhân tiếp tục chủ toạ bữa tiệc vui tối nay.
Viện sĩ uống cạn chén rượu nói:
- Ông xoay chuyển tình thế tài lắm, ông Địch ạ. Thôi, chúng ta nên kết thúc ở đây. Có phải thế không các ngài?
Viện sĩ đưa tay chùi bằng ria mép rồi đứng dậy nói thêm:
- Sáng mau khi đến xem bày cỗ Tết trung thu, chúng ta sẽ cảm ơn quan tri huyện một thể.
Quan án sát và viên cố vấn tiễn chân viện sĩ đến tận bậc thềm lớn, đi sau ông là thi sĩ triều đình và Người Đào Huyệt. Trong lúc mọi người đi trên các bậc thềm, viện sĩ Triệu tươi cười nói với quan án sát:
- Lần sau ông Địch nhé. Lần sau nhất định tôi với ông phải nói chuyện với nhau thật lâu! Tôi rất muốn biết suy nghĩ của ông về một vài vấn đề cai trị. Đối với tôi bao giờ nó cũng là vấn đề hấp dẫn. Tôi muốn biết những ông quan trẻ tuổi nói gì về…
Nói đến đấy viện sĩ chợt ngừng lại nhìn quan án sát bằng con mắt ngờ ngợ, hình như đã có lần ông nói và cũng đã nghe ý kiến trả lời của ông án sát về vấn đề này thì phải. Viện sĩ bèn giả tảng nói một câu kết thúc vui vẻ:
- Dù sao ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nhau! Thôi, chúc ông ngủ ngon!
Sau khi chào ba vị thượng khách và nhìn họ đi khuất vào các gian phòng, quan án sát hỏi viên cố vấn:
- Quan tri huyện hiện giờ đang ở đâu, ông Cao?
- Thưa ngài, ở tiền sảnh, tầng dưới ngôi dinh thự chính. Tôi sẽ đưa ngài đến đấy.
Quan tri huyện đang ngồi bên bàn trà thu người trong chiếc ghế bành, khuỷu tay chống lên mặt bàn đầu cúi gục. Nghe tiếng bước chân của quan án sát, ông ngẩng đầu lên, vẻ mặt ngơ ngác. Khuôn mặt tròn trĩnh của ông lúc này trở nên bơ phờ, bộ ria mép rủ xuống trông thật thảm hại.
- Hỏng mất, ông Địch ơi! Đến hỏng mất! – Ông thốt lên giọng trầm trầm. – Sụp đổ hoàn toàn… Sụp đổ thật sự rồi ông Địch ạ!

Chương 12: Tri huyện Lã lâm vào cảnh bị di luỵ nghiêm trọng-Nơi cầu thang tăm tối làm sáng tỏ tình thế bi đát

Quan án sát đến ngồi xuống chiếc ghế trước mặt người bạn đồng nghiệp, lặng lẽ nói;
- Tình thế khó mà có trường hợp nào tồi tệ hơn. Không dễ chịu gì cái việc người ta giết nhau ngay trong nhà mình. Đành rằng thế nhưng đôi khi cũng khó tránh. Về những nguyên nhân dẫn đến vụ giết người tàn bạo này, đệ xin có một đề nghị là quan bác nên lưu tâm tìm hiểu thêm người nhạc sĩ thổi sáo mà đệ vừa đến gặp ông ta. Ông ta có nói với đệ một câu rằng Tiểu Phượng đã vượt lên đến trình độ bậc thầy về nghệ thuật điều khiển khách hàng của cô ta. Một cô gái chuyên dùng những thủ đoạn lẳng lơ để khêu gợi đàn ông rồi đến phút quyết định thì cho người ta ra rìa, cô gái ấy rất có thể tạo ra những kẻ thù bám theo mình một cách dai dẳng. Giả sử có một kẻ trong số những kẻ thù ghét cô gái, đã trà trộn vào đám người tiếp tế thực phẩm mà không bị phát hiện. Hắn đã lần theo cái cầu thang tối om trước cửa ra vào kia để đột nhập vào buồng của Tiểu Phượng.
Quan tri huyện hầu như không nghe quan án sát nói gì. Tuy nhiên khi quan án sát nói hết câu, ông ngẩng đầu lên và nói bằng một giọng mệt mỏi:
- Cái cửa ra vào dưới chân cầu thang ấy vẫn đóng kín từ khi tôi về đây ở. Các bà vợ tôi không phải bà nào cũng đều ngoan ngoãn dễ bảo cả đâu ông ạ. Nhưng còn lâu tôi mới để cho các bà ấy sử dụng cái cầu thang bà quận chúa!
- Cầu thang bà quận chúa? Trời ơi, thế là thế nào?
- À, thì đúng như vậy chứ sao! Chỉ tại ông không chịu đọc các bài thơ hiện đại đấy thôi! Này nhé! Cách đây hai mươi năm, ông hoàng thứ chín tham lam đã từng ở đây. Ông ta không chỉ là một kẻ phản nghịch mà hơn thế nữa, còn là một anh chàng hoàn toàn phụ thuộc vào vợ. Người ta nói rằng ông ta bị bà vợ cằn nhằn thôi thúc dữ quá nên cuối cùng mới liều mạng bằng cuộc nổi dậy tệ hại ấy! Chính bà vợ ông ta đã nấp sau tấm màn che của phòng tiệc để điều khiển mọi việc của chồng. Bà ta cho xây gian buồng hẹp sau phòng tiệc và cả cái cầu thang nối vào hành lang, thẳng đến dãy nhà của các phu nhân. Thời ấy cũng có một tấm màn rộng căng ở cuối phòng tiệc như bây giờ. Trong các buổi chầu, khi ông hoàng bước lên chiếc ngai kê sát tấm màn, thì bà vợ của ông ta cũng vào gian buồng hẹp ngồi sau tấm màn để xem ông ta nói gì. Nếu bà ta đập vào tấm màn một cái, ông hoàng biết mình phải trả lời không, đập hai cái trả lời có. Câu chuyện ấy trở thành giai thoại nổi tiếng. Cho đến ngày nay người ta vẫn còn dùng rất phổ biến trong văn học với câu thành ngữ: “Cầu thang bà quận chúa” để chỉ những anh chàng cù lần sợ vợ.
Quan án sát gật gù:
- Nếu tên giết người không thể vào buồng bằng cái cầu thang thì nó vào bằng lối nào để…
Quan tri huyện lắc đầu thở dài buồn bã:
- Ông có mắt mà chẳng nhìn rõ, ông Địch ạ! Thủ phạm là cái cô thi sĩ làm cho người ta chưng hửng ấy chứ còn ai vào đây nữa. Thật quá rõ ràng!
- Không thể như thế được, bác Lã ạ! – Quan án sát rướn người trên ghế, bác ý kiến của quan tri huyện. – Quan bác muốn nói bà Dược Lan đã vào buồng trong lúc cô vũ nữ…
- Trời ơi! – Quan tri huyện khẽ kêu lên. – Thực ra cô ta rất có thể làm như vậy. Chắc chắn… Nhưng cô ta làm thế để làm gì? Hả trời!… Ông đã đọc bản tóm tắt tiểu sử của Dược Lan rồi chứ gì? Tôi nghĩ những sự việc tôi viết ra đã khá rõ. Vì cô ta không còn chịu đựng nổi cánh đàn ông nữa cho nên chỉ mới thoạt nhìn thấy Tiểu Phượng là mê ngay. Tôi thấy hơi kỳ cục là cô ta đã khởi xướng ra cái việc đưa cô vũ nữ vào văn phòng của tôi và cái giọng cô ta lúc nào cũng “em yêu quý”! Tối hôm ấy cô ta đến phòng tiệc rất sớm để giúp cô vũ nữ sửa soạn. Giúp sửa soạn chỉ là cách nói, chứ thực ra cô ta líp ở trong buồng đến hơn nửa tiếng đồng hồ chắc chắn là để quyến rũ cô gái và đã bị cô này cự tuyệt và doạ đưa ra tố giác. Vì thế ngay trong thời gian đầu của bữa tiệc cô ta đã sắp đặt kế hoạch để khử cô vũ nữ một cách êm thấm nhất.
- Chỉ vì lý do đơn giản sợ cô vũ nữ tố giác thôi à? – Quan án sát sửng sốt hỏi quan tri huyện. – Dược Lan không còn đam mê gì nữa. Trước kia bà ta đã say mê thoả thích… (quan án sát chợt gõ tay lên trán). Xin lỗi bác Lã, tối nay đầu óc đệ hoàn toàn mụ mẫm, chẳng hiểu tại sao! Trời cao đất dày ơi! Một vụ phát giác đang có nguy cơ đẩy Dược Lan lên giá treo cổ. Bà ta đã bác bỏ được những lời làm chứng của cậu nhân tình đứa ở gái bị giết, và làm nghiêng cán cân về phía…
- Phải! Câu chuyện buộc cô ta phải rời bỏ Tế Xuyên đã được ỉm đi một cách có hiệu quả. Sở dĩ như vậy là vì cô con gái ít tuổi, con ông quan tri phủ nọ đã không thể đưa ra những bằng chứng về việc mình tố giác. Nhưng ông thử hình dung một chút xem, một đứa con gái mới lớn ra trước toà, lấy mình làm bằng chứng trực tiếp với tất cả những chi tiết bỉ ổi, chỉ tổ làm hại đến thanh danh của chính mình mà thôi. Lần này lại một chuyện như thế xảy ra ngay bên bàn tiệc! Câu chuyện Dược Lan chỉ một lần này là chấm dứt! Nữ thi sĩ đang trong tình thế tuyệt vọng. Nhưng cũng không bi đát bằng tôi hiện giờ, ông ạ. – Quan tri huyện đưa bàn tay mũm mĩm lên xoa mồ hôi xâm xấp trên mặt nói thêm. – Chừng nào tôi còn làm quan tri huyện tôi còn quyền giữ tại nhà tôi một bị cáo đi qua địa hạt mình. Dĩ nhiên tôi phải bảo lãnh bị cáo bằng giấy tờ với chữ ký của tôi hẳn hoi. Bây giờ cô ta gây thêm một vụ án mạng cùng loại với vụ cô ta đang bị truy tố! Đàn bà mới táo tợn làm sao! Cô ta định chờ đợi tôi che chở cô ta bằng cách tố cáo một người trong những vị khách nổi tiếng của tôi sao! Như thế sẽ cứu vớt được tính mệnh cô ta và cả tôi nữa hay sao? Cô ta lầm rồi!
Quan tri huyện trút một tiếng thở dài và nói tiếp bằng giọng bi đát:
- Rủi quá ông Địch ạ! Sau khi tôi đệ trình cái sự kiện làm mất thể diện này, triều đình sẽ cách chức tôi và sẽ truy hình sự về tội thiếu trách nhiệm, chểnh mảng với công việc. Tôi sẽ bị kết án và phải lên vùng biên giới làm khổ sai. Tôi nghĩ tôi mời người đàn bà ấy đến đây là mong được những người tai to mặt lớn ở kinh đô hoan nghênh và để bày tỏ một cử chỉ thân tình của cá nhân tôi đối với nhà nữ thi sĩ nổi tiếng đang lâm cảnh nguy khốn!
Quan tri huyện rút trong ống tay áo ra một chiếc khăn tay lớn lau mồ hôi trên mặt.
Quan án sát ngồi chiễm chệ trên ghế tựa, tay mân mê cặp lông mày rậm. Bạn ông đúng là đang lâm vào hoàn cảnh hết sức tồi tệ. Về phương diện nào đó nhất định ngài viện sĩ có thể giúp ông ấy, chẳng hạn, viện sĩ có thể dùng uy tín của ngài để xin với triều đình cho xử kín ở kinh đô và xử nhanh không để kéo dài…
- Nữ thi sĩ có nói gì về sự việc xảy ra không? – Ông lấy lại bình tĩnh và hỏi quan tri huyện.
- Cô ta ấy à? Cô ta bảo khi vào buồng, thấy trên người cô vũ nữ có máu, vội chạy lại nắm vào vai cô nàng để xem bị thương thế nào. Nhưng khi biết là cô vũ nữ đã chết thì cô ta cuống cuồng chạy ra chỗ chúng ta kêu cứu. Hiện giờ cô ta đang nằm trong phòng bà vợ cả tôi và đang được bà ấy hồi sức bằng khăn mặt tẩm nước lạnh hoặc bằng bất cứ cái gì bà ấy có thể làm được.
- Cô ta không nhận xét gì về thủ phạm ư?
- Ồ, có chứ! Dược Lan thoáng gợi ý tôi về điều mà người nhạc sĩ thổi sáo cũng đã nói với ông. Cô ta đã quả quyết rằng Tiểu Phượng là một đứa con gái trong sạch. Chính vì vậy mà những người độc ác và rất độc ác để ý căm ghét con bé. Nữ thi sĩ khẳng định một người đàn ông nào đó hâm mộ Tiểu Phượng bị cô gái cự tuyệt. Hắn mất thể diện nên rắp tâm giết chết để trả thù. Nữ thi sĩ cho như vậy âu cũng là một cách giúp cho cô gái không bị rơi vào tay thằng cha nhỏ nhen kia! Khi từ giã Dược Lan, tôi không bình luận một lời nào, chỉ yêu cầu cô ta lúc này nên giữ kín sự việc.
- Nhân viên khám nghiệm báo cáo thế nào?
- Chẳng có gì khác hơn những điều ta đã biết hoặc đã phán đoán, ông Địch ạ. Ông ta khẳng định cô gái mới bị giết mười lăm phút là cùng và ông ta cho biết thêm cô gái vẫn còn trinh tiết. Nhưng cái đó chẳng làm tôi xúc động. Cái mặt thì gãy, cái ngực thì lép. Có hai người nhìn thấy Tiểu Phượng trước lúc xảy ra sự việc. Đó là hai cô vũ nữ mang nước trà và bánh ngọt vào cho Tiểu Phượng khi hai cô này thu dọn tư trang để trở về phòng khách Bích Ngọc. Các cô ấy bảo Tiểu Phượng lúc ấy trông rất tươi tỉnh.
- Các gia nhân có ai nói gì không? Và các nhạc công?
- Ông vẫn nghĩ đến cái tên lạ mặt chúng ta giả thiết ấy à? Không hy vọng gì đâu! Tôi cùng với ông cố vấn của tôi đã hỏi suốt lượt không chừa một ai. Các nhạc công ngồi ở trong phòng của họ xem pháo hoa, không ai ra ngoài trong suốt thời gian đốt pháo hoa. Đám gia nhân nhan nhản khắp nơi trong cầu thang chính và ở mỗi đầu ban công. Cái tên lạ mặt của ông không thể leo lên cầu thang mà không bị phát hiện. Tôi đã hỏi tất cả mọi người xem có ai quen biết cô vũ nữ không. Tóm lại không còn ai là tôi không hỏi. Cô gái ấy vẫn còn trinh, ông nên nhớ điều đó. Hơn nữa cái kéo là thứ vũ khí sở trường của phái yếu. Đó là việc khó phải không? Khó không chê vào đâu được! – Quan tri huyện nắm tay đấm xuống mặt bàn kết luận. – Trời ơi, việc này rồi sẽ ra sao đây. Một sự kiện có tính chất quốc gia đại sự! Thật khốn khổ thân tôi. Đây là sự kết thúc nhục nhã của một cuộc đời đầy hứa hẹn!
Quan án sát ngồi lặng lẽ vuốt chòm râu mà tư lự. Lát sau ông lắc đầu hoài nghi.
- Còn một khả năng nữa bác Lã ạ. Nhưng sợ nói ra quan bác phật ý.
- Này, ông mà nói thế thì thiên hạ sẽ chẳng còn ai coi ông là người đặc biệt làm tôi vững tâm đâu, tiên sinh ạ. Người ta nói tôi là kẻ sắp chết đuối lại vớ được cái cọng rơm!
Quan án sát chống khuỷu tay lên bàn nói:
- Chỉ còn ba đối tượng cần xem xét. Đó là ba vị khách đáng kính của quan bác!
Quan tri huyện giãy nảy:
-Tối nay có lẽ ông uống quá chén rồi đấy, ông Địch ạ!
- Cũng có thể. Nhưng đệ vẫn nghĩ đến khả năng đó. Quan bác thử nhớ lại lúc chúng ta đứng xem pháo hoa ở ngoài hiên. Quan bác có nhìn thấy đệ đứng ở chỗ gần lan can không? Nữ thi sĩ đứng bên trái đệ, còn quan bác thì đứng bên bà ta. Xa hơn một chút là viên cố vấn và viên giám quận của quan bác. Ngoài ra mặc dầu cảnh đốt pháo hoa rất hấp dẫn nhưng thỉnh thoảng đệ vẫn để ý quan sát chung quanh và đệ biết trong ba người chúng ta không ai rời khỏi bao lơn. Nhưng đệ không để ý nhiều đến ông Triệu, ông Trương và Người Đào Huyệt. Ba người này có đứng sau lưng chúng ta thì phải. Đệ nhìn thấy ông viện sĩ một lần lúc bắt đầu đốt pháo hoa và một lần khi kết thúc pháo hoa đúng lúc ông ấy đang từ đâu đi lại chỗ ông Trương và Người Đào Huyệt. Quan bác có nhìn thấy các ông ấy lúc đang đốt pháo hoa không?
Quan tri huyện đang bước những bước dài trong phòng nghe quan án sát hỏi, ông đứng sững lại quay về ghế của mình ngồi xuống:
- Lúc bắt đầu pháo hoa ông thi sĩ triều đình đứng sau tôi. Tôi định nhường chỗ cho ông ấy nhưng ông ấy bảo đứng thế vẫn nhìn rõ. Tôi cũng nhìn thấy Lỗ Huynh đứng gần ông Trương. Giữa lúc bắn pháo hoa, tôi định gặp Lỗ Huynh để xin lỗi về việc đã không có những hoạ tiết Phật giáo trong các hình tượng trưng của pháo hoa nhưng không thấy ông ấy đâu, phòng tiệc lúc đó tối om vì đã tắt hết đèn đóm, mắt tôi thì đang loá đi vì ánh sáng của pháo hoa.
- Đấy đúng là chỗ đệ đang e ngại! Này, đệ vừa nhớ đến lời quan bác nói rằng tất cả các nhà thơ đều biết câu chuyện “cầu thang bà quận chúa” và đệ đặc biệt chú ý chỗ khuôn cửa ra vào khuất sau tấm màn che. Như vậy nghĩa là có một người trong số ba vị khách của chúng ta đã giết cô vũ nữ trong gian buồng sau tấm màn che! Theo sự ước lượng thời gian của quan bác thì sự việc ắt phải xảy ra đúng vào lúc kết thúc pháo hoa. Lúc đó hẳn có nhiều thời gian để thực hiện một kế hoạch giết người đơn giản và có hiệu quả. Sau khi gia nhân tắt hết đèn và mọi người đều hướng sự chú ý của mình về phía khu vườn, tên sát nhân đã trở lại phòng tiệc lẻn vào sau tấm màn che để vào buồng. Nó giả vờ nói với cô vũ nữ một vài lời âu yếm rồi thình lình đâm kéo vào cổ cô. Sau đó nó lặng lẽ rút ra ngoài hiên bằng lối nó vừa vào. Tất cả chỉ cần độ ba phút là xong.
- Nếu cửa vào buồng cài then thì sao?
- Trường hợp đó nó phải gõ cửa, bác Lã ạ. Tiếng nổ của pháo hoa sẽ át tiếng gõ cửa. Và nếu lúc đó có một gia nhân nào ở đấy thì nó sẽ chống chế rằng nó không thích xem pháo hoa và muốn nói chuyện trong chốc lát, tạm gác ý định giết người đến một dịp thuận lợi khác! Đệ cho rằng những điều kiện lý tưởng cho một tên giết người đã hội đủ, bác Lã ạ.
- Hẳn là thế, nếu người ta chịu suy nghĩ một tí, – nét mặt quan tri huyện trầm ngâm. Ông đưa tay lên vuốt chòm ria mép. – Nhưng ông Địch ạ, thật nực cười nếu nghĩ rằng một trong những con người vĩ đại ấy đã…
- Quan bác có hiểu kỹ về họ không?
- Cái đó thì… ông cũng biết việc giao du với những nhân vật nổi tiếng nó như thế nào. Tôi chỉ tiếp xúc với họ tất cả có đâu hai hoặc ba lần gì đó, nhưng không lần nào gặp riêng từng người. Gặp nhau chúng tôi chỉ nói chuyện văn chương nghệ thuật… Không, sự thực tôi không hiểu biết gì nhiều về tư cách của họ. Nhưng xin ông hãy tìm thủ phạm ở những nơi khác, tiên sinh ạ! Con đường công danh của họ đã đưa họ lên thành những nhân vật chung của tất cả xã hội! Nếu như trong đời tư của họ có cái gì đó không bình thường thì đó là… Duy chỉ có Người Đào Huyệt, dĩ nhiên là có thể… Đối với Người Đào Huyệt thì không có gì trở ngại cả, hoàn toàn không. Ông cũng biết ông ta chẳng lúc nào cũng tách mình ra khỏi những việc trần tục. Ông ta bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc quản trị một khu tôn giáo rộng lớn ở vùng hồ, nơi ông ta đã hút cạn máu của những tá điền lĩnh canh ruộng đất. Sau đó thì ông ta ăn năn, sám hối, chắc thế, nhưng… (quan tri huyện mỉm cười), nói thật với ông, ông Địch ạ, tôi vẫn chưa quen được cái lối lập luận của ông đâu!
- Bác Lã ạ, đệ hoàn toàn hiểu quan bác. Thật ra nếu chúng ta liệt ba nhân vật nổi tiếng ấy vào tội giết người kể cũng hơi quá trớn đấy! Về phía Người Đào Huyệt, ông ta vừa viết tặng quan bác một bức trướng rất đẹp. Ông ta đã đem treo nó vào tấm màn che. Nhưng chúng ta hãy tạm gác những tài năng vĩ đại và những địa vị cao siêu của họ sang một bên và cứ coi như họ là những đối tượng nghi vấn trong một vụ án mạng xem sao. Hãy cứ biết rằng cả ba người đều có thể dính líu vào vụ án mạng. Rồi ta sẽ xét đến vấn đề nguyên nhân. Việc trước tiên là xét về cái chết của cô vũ nữ phòng khách Bích Ngọc. Hình như trong các vị khách của quan bác có người đã đến Tần Hoài trước đó một hai ngày, nghĩa là họ có đủ thời gian để làm quen với Tiểu Phượng trước khi cô vũ nữ ấy đến đây ra mắt. Về phía cô vũ nữ, không biết đã làm quen với họ bao giờ chưa?
- Ồ! Lúc tôi dẫn ông Triệu và ông Trương lên gác để giới thiệu phòng tiệc thì gặp Dược Lan và cô bé vũ nữ ở trên đó đi xuống. Tôi có giới thiệu cô ta với họ. Sau đó tôi bắt gặp Tiểu Phượng nằm gọn trong lòng Lỗ Huynh ngay trước bàn thờ thần cáo, ông biết không?
- Đệ biết. Này, khi quan bác ở phòng khách Bích Ngọc về chắc có tạt qua phòng lưu trữ tìm các hồ sơ mà trước đó Tống đã nghiên cứu, bởi vì…
- Trời ơi! Lại còn vụ án mạng phó bảng Tống nữa kia chứ! Một lúc hai vụ án mạng! Ông đợi một tí để tôi nhớ lại xem ông giám quận của tôi ông ấy nói gì về người chủ cho Tống thuê nhà? À phải rồi, ông ta đã cho người điều tra trong khu phố và được biết dân chúng ở đây đều biết tiếng ông buôn trà. Ông nhà buôn này không có điều tiếng gì xấu và cũng không làm việc gì mờ ám. Theo ý tôi việc ông ta định thuyết phục tôi và ông nghe theo những nhận xét của ông ta chỉ là để tỏ ra mình cũng là người sáng suốt, có thế thôi. Khối người chẳng thích chơi cái trò cảnh sát điều tra tài tử như thế là gì, điều đó ông biết quá đi chứ.
- Vâng. Chúng ta có thể loại trừ ông Minh. Đệ đã cân nhắc những giả thiết về mối liên hệ giữa Tống với cô con gái ông Minh. Cô ta đẹp và đứa ở gái của nhà ấy nói với đệ rằng buổi tối cô thường ngồi trong buồng riêng nghe Tống thổi sáo những bài tình ca. Nếu việc đó lộ ra thì ông Minh… Nhưng giờ đây chúng ta đã biết Hoàng Liên mới là người tình của Tống và cô gái ấy được Tống hứa tặng các đồ nữ trang bằng bạc. Chàng phó bảng đã nói chuyện ông Minh với Hoàng Liên nhưng không nói câu gì tỏ ra anh nghi ngờ ông này giết bố anh ta! Nói tóm lại chúng ta không có lý do gì để nghi vấn ông buôn trà. Trở lại vụ Tiểu Phượng, – quan án sát vừa vuốt bộ râu dài đen nhánh vừa nói. – Chúng ta định dò hỏi cô vũ nữ về tung tích người bố của Hoàng Liên. Giờ đây cô gái đã chết. Quan bác vẫn có thể hỏi những người đã của phòng khách Bích Ngọc may ra họ biết được điều gì do cô vũ nữ nói lại với họ về cô gái giữ miếu Cáo Đen và về người cha không hợp pháp của cô ta, hiện đang sống ở Tần Hoài. Bác Lã ạ, chúng ta nên ấn định một chương trình làm việc cho ngày mai. Thứ nhất, quan bác đến phòng khách Bích Ngọc. Thứ nhì, chúng ta cùng đến xem các hồ sơ lưu trữ để tìm một vụ chết người bất bình thường cách đây mười tám năm, liên can đến chàng phó bảng bị ám sát, thứ ba…
- Ông phải đến phòng khách Bích Ngọc thay tôi, ông Địch ạ! Tôi sẽ đưa vợ con cùng các vị khách đến xem bày cỗ Tết trung thu ở sân thứ tư sáng sớm ngày mai. Nếu bà cụ thân mẫu tôi thấy trong người khoẻ cũng sẽ ra dự với chúng tôi.
- Được thôi. Đệ sẽ đến phòng khách Bích Ngọc sau bữa ăn lót dạ. Bác Lã ạ, quan bác sẽ rất đáng yêu nếu quan bác viết cho đệ một lá thư có tính chất mào đầu để giới thiệu đệ với bà chủ phòng khách rồi cho người mang ngay đến cho đệ. Xong việc, đệ sẽ trở về để cùng mọi người thưởng thức bàn cỗ trung thu. Và đến lúc nào thuận tiện đệ và quan bác sẽ cùng đến toà án xem hồ sơ. Việc thứ ba đệ sẽ đảm nhiệm là sẽ đến miếu Cáo Đen để thuyết phục cô gái Hoang Liên rời bỏ cái nơi khủng khiếp ấy. Quan bác có thu xếp được chỗ nào kín đáo cho cô gái ấy tạm trú không?
Sau khi ông bạn đồng nghiệp nhận lời, quan án sát nói thêm:
- Tách cô gái ấy ra khỏi đàn cáo và người tình rùng rợn của cô ta kể cũng khó. Nhưng đệ tin có thể thuyết phục được cô gái. Nói đến Hoàng Liên, bác Lã ạ, đệ cần nói thêm để quan bác rõ rằng Lỗ Huynh thường nương náu trong một ngôi đền rất gần khu đất hoang. Ông ta đã tung ra luận điệu lờ mờ rằng có một số người tương hợp đặc biệt với loài cáo. Rủi quá lúc ấy đệ lại quên không hỏi Hoàng Liên xem bố cô gái người to béo hay gầy gò.
- Ông tối dạ quá ông Địch ạ, – quan tri huyện sốt ruột nói. – Hoàng Liên chẳng nói với ông là theo lời cô vũ nữ thì ông ta đẹp lắm đó sao!
Quan án sát gật gù tỏ ý hài lòng. Dưới cái vẻ bề ngoài vô tâm, người bạn đồng sự của ông đã chứng tỏ là một thính giả rất chăm chú.
- Đúng đấy, bác Lã ạ! Nhưng nếu Tiểu Phượng nói như thế chỉ là để an ủi cô gái khốn khổ ấy thì sao? Sau bữa ăn điểm tâm đệ sẽ lại đến khu miếu hoang gặp cô gái và sẽ hy sinh cả buổi chiều cho công việc tế nhị này, dĩ nhiên là nếu không có vấn đề quan tuần phủ có lệnh triệu hồi.
- Thề có trời! – Nghe quan án sát nói, quan tri huyện rụng rời tay chân kêu lên. – Ông không thể biết được tôi đội ơn ông biết chừng nào đâu ông Địch ạ! Ông đã đem lại cho tôi một chút hy vọng.
- Khốn nỗi cũng chỉ là một chút hy vọng mà thôi. Còn bữa tiệc ở vách đá Lục Bảo Ngọc quan bác định đến bao giờ thì bắt đầu. Ở ngoài thành phải không?
- Đúng rồi. Đó là một nơi phong cảnh đẹp nhất vùng này, tiên sinh ạ. Nó nằm mãi tít trên đỉnh dãy núi gần đây nhất. Kiệu đi từ Cửa Tây đến chỉ mất độ nửa giờ. Nhân dịp này ông sẽ được thưởng thức, coi như chúng ta sẽ trèo lên cao chót vót một vùng rất hiểm trở. Trên có một cái đình ở ven rừng thông cổ thụ. Phong cảnh ở đây sẽ làm ông thích thú, ông Địch ạ. Rồi ông xem! Các gia nhân của tôi đang chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành trình của chúng ta. Sáu giờ chiều sẽ lên đường để lúc mặt trời lặn là vừa đến nơi. Bây giờ đã quá nửa đêm, – quan tri huyện vừa nói vừa đứng lên, – tôi mệt bã cả người ông Địch ạ. Tốt nhất chúng ta nên đi ngủ. Nhưng tôi cũng còn phải đảo qua bên phòng tiệc để xem bức trướng Lỗ Huynh viết thế nào đã rồi mới đi ngủ được.
Đến lượt quan án sát đứng dậy:
- Quan bác sẽ được thấy nét bút tuyệt trần của ông ta. Nhưng nội dung mấy câu thơ làm đệ nghĩ ngay đến hình như ông ta đã biết cô vũ nữ đã chết quan bác ạ!

Nguồn: http://tusach.mobi/