14/4/13

Thi nhân và sát nhân (C7-9)

Chương 7: Một vụ mánh khoé làm quan án sát say mê-Một bữa tiệc vui chỉ làm ông hào hứng đôi chút

Lúc đi qua cổng chính khu dinh thự, quan án sát chợt dừng lại. Ông kinh ngạc nhìn về phía một người áo quần lôi thôi lếch thếch đứng trước cửa ra vào phòng ông. Đó là một người đàn ông to, béo, lùn, cái đầu tròn cạo nhẵn thín không còn một sợi tóc, gã đàn ông mặc một chiếc áo dài cũ kỹ, kiểu áo nhà sư vá chằng đụp, chân đi dôi dép rơm to tướng. Quan án sát nghĩ thầm trong bụng người nào ăn mặc thế kia mà dám tự tiện vào khu dinh thự! Ông đi về phía người lạ.
- Ông cần gì? – Quan án sát hỏi giật giọng không chút nhã nhặn.
Người kia quay đầu lại nhìn ông bằng đôi mắt to mở trừng trừng.
- Ha! Địch án sát! Tôi định vào thăm ông mà chẳng thấy ma nào ở nhà!
Giọng nói cộc cằn nhưng vẫn tỏ rõ sự tôi luyện dày dạn và đầy uy lực. Quan án sát chợt nghĩ ra.
- Rất vui mừng có dịp được làm quen với Lỗ Huynh. Quan tri huyên đã cho tôi biết về ông…
- Tôi với ông mới gặp nhau lần đầu hãy khoan nói đến sự vui mừng, ông Địch ạ. Để đến sau này hãy hay. – Nhà sư cắt ngang câu nói của quan án sát.
Đôi mắt nhà sư nhìn như thôi miên vào một điểm sau lưng quan án sát khiến ông không thể không quay đầu lại nhìn qua vai mình. Nhưng ngoài sân vẫn vắng vẻ.
- Không, quan án sát ạ, ngài vẫn chưa thể nhìn thấy cái gì đâu! Chưa thể được! Nhưng ngài đừng lo. Cái chết luôn luôn ở quanh ta. Khắp mọi nơi.
Quan án sát để ý quan sát nhà sư. Con người ghê gớm này làm ông có phần lúng túng. Không hiểu sao quan huyện Lã lại…
- Chắc ông định hỏi tôi vì sao cái ông Lã ấy lại mời tôi đến đây chứ gì, ông Địch? Tôi xin trả lời: vì tư cách của tôi là một nhà thơ hay nói cho đúng hơn là một anh chuyên viết những áng văn. Thơ của tôi thực ra không bao giờ dài quá một, hai dòng. Chắc hẳn ông chưa bao giờ đọc nó. Tôi biết ông là người say mê những tờ giấy lộn trịnh trọng mà thôi. – Nhà sư vừa thốt ra câu nói vừa trỏ ngón tay to như quả chuối mắn vào tập hồ sơ quan án sát đang cặp ở nách.
- Xin mời ông quá bộ vào trong này uống chén trà, – quan án sát lịch sự mở cửa mời khách.
- Cảm ơn ông, bây giờ thì tôi xin kiếu vì còn bận một vài việc trước khi mở cuộc hành trình lên tỉnh.
- Ông ở phòng nào thế Lỗ Huynh?
- Tôi ở sát ngay bàn thờ thần cáo, góc bên phải sân chính.
- À vâng, tôi cũng đã được ông Lã cho biết chỗ bàn thờ ấy, – quan án sát bất giác mỉm cười.
- Còn tôi thì không hiểu tại sao quan tri huyện lại không chịu bảo quản cẩn thận cái nơi thờ cúng ấy, – nhà sư nói một cách bất bình. – Những con cáo là một phần của toàn thể đời sống chung trên thế gian này đấy, ông Địch ạ. Đời sống của con cáo cũng tương tự như đời sống của con người. Đời sống chúng ta quan trọng ra sao, đời sống của chúng cũng quan trọng như thế. Nếu giữa con người với nhau có mối liên hệ khăng khít thì trong một con người cũng có sự gắn bó chặt chẽ với một con vật nhất định. Ông nên nhớ những vết hoàng đạo ảnh hưởng đến số mệnh của chúng ta đều tượng trưng bằng các loài vật, ông Địch ạ! (Nhà sư nhìn trừng trừng vào mặt quan án sát, tay đưa lên xoa chòm râu mọc tua tủa hai bên má). Tuổi ông là tuổi Hổ có phải không? – Nhà sư đột nhiên hỏi.
Trước cử chỉ tỏ vẻ xác nhận của quan án sát, nhà sư kỳ quái hếch cặp môi dày lên thành một nụ cười nhếch mép giả tạo, cái nhếch mép làm ông càng giống hệt một con cóc.
- Hừ! Một con hổ với một con cáo, còn gì hơn nữa! – Nét mặt nhà sư bỗng nhiên sa sầm, hai bên cánh mũi núc ních như cục thịt xuất hiện những vết nhăn sâu. – Ông cần phải hết sức cảnh giác, ông Địch ạ! – Giọng nhà sư rầu rĩ. – Theo chỗ tôi biết, đêm qua có một vụ giết người. Một vụ thứ hai sắp tiếp diễn. Tập hồ sơ ông mang ở nách kia mang tên Dược Lan, bà ta cũng có nguy cơ sẽ chết vì một án tử hình. Những người chết, sớm muộn rồi sẽ bám theo ông đấy, ông Địch ạ!
Nhà sư ngẩng cái đầu tròn vo lên và lại nhìn trừng trừng vào một điểm qua cạnh sườn quan án sát, mắt quắc lên những tia kỳ lạ.
Quan án sát không sao tự kiềm chế nổi. Ông rùng mình một cái và khi ông sắp có thể nói được một câu gì đó thì nhà sư đã lại nói tiếp bằng cái giọng sấn sổ quen thuộc của ông ta.
- Quan án sát ạ, ngài đừng có trông mong gì ở sự hỗ trợ của tôi. Tôi coi chuyện công lý của ngài chỉ là một thứ trò hề quá tồi. Vì thế tôi sẽ không bao giờ thò dù chỉ một ngón tay để bắt kẻ phạm tội cho ông đâu! Những kẻ làm điều ác đã tự cầm tù chúng rồi. Chúng loay hoay trong những vòng kiềm toả còn chật hẹp và chặt chẽ hơn nhiều so với tất cả các nhà ngục trên thế gian này, và không bao giờ có thể thoát ra được. Thôi, hẹn gặp lại ông tối nay, ông Địch.
Nhà sư bước đi kéo theo những tiếng đùng đục của đôi dép rơm đập trên mặt sân.
Quan án sát đứng nhìn theo nhà sư một tí rồi vội vã quay vào phòng. Ông tự giận mình vì cảm thấy đã có lúc lúng túng bị động trước mặt ông ta.
Lũ gia nhân đã vén màn dọn giường chiếu và pha sẵn nước trà cho ông. Ông hể hả nhìn ấm trà nóng pha sẵn để trong giỏ lót bông bên cạnh cây đèn nến đồ sộ bằng thiếc, rồi ra đứng trước bàn trang điểm của phụ nữ cầm tấm khăn mặt thơm tho gia nhân đã chuẩn bị cho ông từ trước trong chiếc chậu thau, xoa lên mặt và cổ. Lập tức ông cảm thấy tỉnh táo dễ chịu. Lỗ Huynh chỉ là một con người kỳ quặc như biết bao nhân vật lập dị chỉ ham thích những chuyện lạ đời! Ông đi lại gần cái bàn kê sát cửa sổ có cánh cửa lùa, ngồi xuống ngắm hòn non bộ ngoài vườn một lát rồi chậm rãi mở tập hồ sơ.
Thoạt tiên là bản tóm tắt của Lã về đời tư nữ thi sĩ, gồm khoảng hai chục tờ giấy. Bản tóm tắt viết rất tài tình và cẩn thận đến mức không ngờ. Nội dung chứa đựng hầu hết các tình tiết của vụ án. Bối cảnh vụ án được người viết mô tả bằng những từ ngữ ẩn ý, cố tránh tất cả những từ xúc phạm, tuy nhiên lời và ý vẫn sáng sủa dễ hiểu.
Sau khi đọc kĩ một lượt, quan án sát thả người thoải mái trong chiếc ghế bành, hai tay khoanh trước ngực, trong óc mường tượng lại toàn bộ cuộc đời của nữ thi sĩ.
Dược Lan là con gái duy nhất của một phó dược sĩ ở kinh đô. Ông bố tự học môn văn và đã dạy con gái biết đọc biết viết ngay từ lúc lên năm tuổi. Nhưng ông đã không quản lý tốt được công việc của mình, cho nên khi nuôi con đến năm mười sáu tuổi thì ông đã mắc nợ đến nỗi phải đem con bán cho một nhà chứa nổi tiếng. Thế là chỉ trong vòng bốn năm cô con gái đã hoàn toàn thay đổi. Cô trở thành một con người từng trải, năng đi lại giao thiệp với nhiều người trong giới văn nghệ sĩ già cũng như trẻ. Nhờ có những mối dây liên hệ đó, cô đã tiến bước mau lẹ trong tất cả các môn nghệ thuật giải trí, trong đó nổi lên rõ nét nhất là tài làm thơ của cô.
Mười chín tuổi giữa lúc đang có khả năng trở thành một cô gái lẳng lơ khét tiếng của phòng khách thì cô đã biến mất vào ngày một ngày hai. Phường hội các nhà chứa liền tung ra những tay chuyên làm nghề di dò la lão luyện và khôn khéo nhất của họ. Là một tổ chức tiêu biểu cho sự vây hãm rộng lớn như thiên la địa võng, mà rốt cuộc họ cũng đành chịu bó tay, chẳng tìm thấy dấu vết của cô gái đâu cả.
Hai năm sau, ngẫu nhiên cô gái bị phát hiện trong một khách sạn tồi tàn ở miền Bắc xứ sở, bệnh tật, ốm yếu và không còn nơi nương tựa. Chính trong tình cảnh ấy, thi sĩ Văn Đông Dương đã tìm ra cô. Người đàn ông trẻ tuổi này nổi tiếng là có tinh thần sắt đá, có khuôn mặt đẹp và một gia sản kếch xù thừa kế của ông cha. Hồi trước ở kinh đô, anh ta đã quen biết và cũng đã yêu cô Dược Lan. Lần gặp gỡ ấy, anh ta đã trả hết các món nợ cho cô và biến cô thành người bạn keo sơn của mình. Họ đưa nhau về kinh đô và tổ chức những cuộc vui liên miên ở đó. Văn cho ra mắt công chúng một tập thơ chung của hai người. Từ đó họ được giới văn sĩ trong cả nước biết đến. Đôi bạn văn ấy đã đi du ngoạn khắp nơi, thăm tất cả những vùng cao của vương quốc và được các giới văn sĩ có tên tuổi ở những nơi họ đi qua tiếp đón long trọng. Đôi khi họ dừng chân hàng mấy tháng liền ở một nơi họ cảm thấy thích thú. Sự kết giao của hai người kéo dài được một năm thì đột nhiên Văn bỏ rơi Dược Lan để chạy theo một phụ nữ làm trò nhào lộn lưu động.
Dược Lan từ giã kinh đô trở về vùng núi Tế Xuyên và dùng món quà từ biệt hậu hĩ Văn tặng để tậu một gia sản tuyệt vời! Cô ta sống ở đây cùng với một bầy nữ gia nhân và một số đào hát. Biệt thự của cô trở thành trung tâm của đời sống tinh thần và nghệ thuật của cái tỉnh hẻo lánh ấy. Cô dành đặc ân cho một hội chọn lọc gồm những người hâm mộ mình và tất cả các văn sĩ, các quan chức cao cấp, những người nô nức xúm xít quanh cô. (Họ bao cô bằng sự có mặt của họ với giá đắt). Quan tri huyện Lã đã không thể chế ngự nổi cám dỗ khi ông dùng cho đề tài này cái công thức muôn thuở: “Mỗi câu thơ của nữ thi sĩ đáng giá ngàn vàng”. Trong bản tóm tắt của Lã cũng nói rõ Dược Lan đặc biệt gắn bó với một số bạn gái mà nữ thi sĩ thường làm thơ tặng họ. Hai năm sau Dược Lan phải vội vã rời bỏ vùng Tế Xuyên chỉ vì một câu chuyện rắc rối xảy ra với một trong số học trò của bà ta là con gái quan tuần phủ.
Đi khỏi Tế Xuyên, nữ thi sĩ thay đổi hẳn lối sống. Bà ta mua một ngôi đền gọi là đền Bạch Hạc, một ngôi đền nhỏ của đạo Lão ở vùng hồ, nơi phong cảnh rất đẹp và đã tuyên bố quy theo đạo Lão. Bà ta chỉ giữ lại bên mình một đứa ở gái, tuyệt đối không tiếp một người đàn ông nào nữa và chỉ chuyên chú vào việc làm thơ tôn giáo. Bà vẫn giữ thói quen chi tiêu tiền bạc của mình một cách dễ dãi như khi kiếm ra nó. Ví dụ đã trả tiền bồi thường rất hậu cho những người giúp việc khi bà ta rời khỏi Tế Xuyên. Việc mua khu đền Bạch Hạc đã ngốn hết số tiền còn lại. Nhưng lúc này bà ta cũng chẳng cần đến nó nữa bởi vì đã có các thân hào trong vùng trả tiền rất hậu do việc bà ta dạy dỗ nghệ thuật cho các cô gái của họ. Bài viết của quan tri huyện kết thúc ở đây. Dưới trang cuối ông thêm một câu ghi chú như sau: “Yêu cầu tham khảo các tài liệu tư pháp kèm theo”.
Quan án sát đứng lên mở tập tài liệu chính thức ra. Đôi mắt nghề nghiệp đã giúp ông phân biệt nhanh chóng những sự việc chủ yếu. Hai tháng trước đây, vào khoảng cuối mùa xuân những viên cảnh sát của toà án địa phương được dịp kéo nhau vào đền Bạch Hạc đào bới dưới gốc cây anh đào sau vườn. Họ đã đào được thi thể trần truồng đứa hầu gái của Dược Lan, một cô gái mười bảy tuổi. Sau khi mổ khám tử thi, người ta biết cô gái đã chết được ba ngày, khắp mình toàn những vết bầm tím do bị đánh bằng gậy. Dược Lan bị bắt giữ và bị truy tố về tội cố ý đánh chết người. Lúc đầu bà ta khăng khăng phủ nhận những lời tố giác. Nhưng ba ngày sau đó, bà ta khai rằng đứa ở của bà ta xin phép nghỉ một tuần lễ về thăm bố mẹ già và đã lên đường sau khi phục dịch xong bữa ăn tối cho bà ta. Ăn tối xong, bà ta đi dạo mát một mình ở ven hồ theo lệ thường. Khoảng nửa đêm, khi quay về bà ta thấy cánh cửa nhỏ ngoài vườn bị phá. Đi xem xét các nơi thấy mất hai cây đèn chùm bằng bạc. Bà ta nói với viên quan huyện rằng đã khai báo việc mất trộm ngay sáng hôm sau. Theo bà ta thì đứa ở gái khi đi quên cái gì đó phải quay lại và đã chạm trán với bọn trộm. Cô gái bị chúng tra khảo chỗ để tiền bạc của chủ nhà và đã bị chúng tra khảo đến chết.
Sau khi viên quan huyện nghe thêm lời khai của nhiều nhân chứng khác đã khẳng định giữa bà ta và đứa ở gái thường xảy ra to tiếng. Các nhân chứng còn cho biết nhiều lần họ nghe thấy những tiếng kêu la giữa đêm khuya thanh vắng. Ngôi đền ở biệt lập một nơi, nhưng vài nhân chứng đi qua đó vào đúng cái đêm xảy ra câu chuyện bi thảm ấy nói rằng họ chẳng nhìn thấy bóng một tên ăn trộm hay một tên lưu manh nào lảng vảng ở đó. Quan huyện tuyên bố lời khai của Dược Lan là nguỵ tạo là dối trá và truy tố bà ta thêm về tội tự phá cổng vườn và ném hai cây đèn chùm xuống giếng để đánh lạc hướng cuộc điều tra. Mặt khác, viên quan huyện căn cứ vào những hoạt động đạp trời khuấy nước của bà ta trước đây, còn toan khép bà ta vào tội tử hình thì có tin một trang trại trong vùng bị cướp kéo đến cướp phá, giết vợ chồng chủ trại chặt ra từng khúc. Viên quan huyện nhạy bén lập tức hoãn việc xét xử Dược Lan và cho người đi dò tìm bọn cướp, đồng thời xác minh lại lời khai của Dược Lan. Cái tin nhà thi sĩ nổi tiếng bị bắt lan truyền đi khắp nơi trong nước. Quan tuần phủ bèn ra lệnh chuyển vụ này lên tình xét xử.
Quan tuần phủ cho mở cuộc điều tra tỉ mỉ. Sau đó vị quan lớn vốn dĩ rất hâm mộ nữ thi sĩ này đã nêu bật hai điểm theo ông cần phải xem xét đến. Trước hết ông chỉ ra rằng viên quan huyện cách đây một năm đã xin nữ thi sĩ Dược Lan ban cho ân huệ nhưng bị nàng khước từ (viên quan huyện xác nhận điều đó là có thật nhưng phủ nhận ảnh hưởng của nó đối với việc thi hành công vụ của ông ta. Ông ta đã nhận được một lá thư nặc danh cho biết có một xác chết chôn dưới gốc cây anh đào và ông ta thấy mình có trách nhiệm phải xác minh lời loan báo đó). Quan tuần phủ thì lại cho rằng viên quan huyện đã xét đoán hấp tấp hồ đồ tội trạng của Dược Lan nên tạm thời cách chức ông ta. Lại thêm lực lượng cảnh sát võ trang vừa bắt được một tên trong bọn cướp đã tấn công vào trang trại vài tuần lễ dưới đây. Tên này khẳng định có được nghe tên đầu đảng của hắn nói về những của nả có thể kiếm được ở đền Bạch Hạc. Tên đầu đảng của hắn nói nếu tiện dịp sẽ đáp qua đấy một tí xem sao. Việc này có vẻ xác nhận lời khai của Dược Lan rằng đứa ở gái bị bọn cướp khảo tra đến chết. Trên cơ sở phân tích như vậy, quan tuần phủ mới quyết định chuyển vụ Dược Lan sang toà án tỉnh và khuyên toà án nên xử trắng án cho bị cáo.
Rất nhiều lá thư của các nhân vật cao cấp gửi tới tấp đến toà án xin chiếu cố cho nữ thi sĩ. Vị quan cai trị sắp công bố trắng án thì có một người gánh nước thuê ở vùng hồ xin vào ra mắt. Người này khai sở dĩ bây giờ ông ta mới đến trình diện là vì mấy tuần lễ nay anh ta phải dẫn ông cậu đi tìm mộ gia đình. Anh ta tự nhận mình là bạn của đứa hầu gái và khẳng định đã cô đã nhiều lần nói rằng bà chủ đã nài nỉ cô và cứ mỗi lần cô từ chối lại bị bà chủ đánh. Những mối ngờ vực của vị quan cai trị càng tăng thêm do việc khám nghiệm tử thi cho thấy đứa hầu gái vẫn còn trinh tiết. Nếu bị bọn cướp tra khảo, chắc chắn trước khi đánh chết cô gái chúng phải hãm hiếp. Ông liền cho người đi sục sạo khắp mọi nơi trong tỉnh để tìm kỳ được bọn đã cướp trại vì theo ông, lời khai của chúng hết sức cần thiết. Nhưng những cưộc tìm kiếm đều không mang lại kết quả. Mặc khác, lá thư nặc danh cũng chưa tìm ra người viết. Trước tình hình đó, quan tuần phủ muốn bứt mình ra khỏi sự việc gai góc ấy nên đã chuyển tất cả hồ sơ lên toà án chính quốc.
Quan án sát khép tập hồ sơ, bước ra ngoài hành lang. Gió thu nhè nhẹ thổi làm lay động những khóm trúc trên hòn non bộ, đó là dấu hiệu của một buổi tối êm đềm sắp trôi qua.
Quả thực bạn đồng nghiệp của ông nói không sai. Đây là một việc rất lý thú, nói cho đúng hơn là một việc hết sức hấp dẫn. Ông vuốt chòm ria, tư lự. Quan tri huyện đã nói với ông đây là một việc hóc búa nhưng chỉ đơn thuần về mặt lý thuyết. Ông biết lắm chứ. Sự việc này sẽ đặt ra trước mắt ông như một loại thử thách cá nhân. Đó là chưa kể nếu ông gặp được nữ thi sĩ, tức là để cho bà ta lôi kéo ông vào cuộc, cột ông vào vấn đề ông đang cần tìm hiểu rằng liệu bà ta có đúng là tội phạm hay không?
Quan án sát lững thững bước từng bước dài trên hành lang, hai tay chắp sau lưng. Về cái vụ rắc rối này ông chỉ có trong tay những tài liệu do một người đứng trung gian cung cấp. Đúng lúc ấy trong óc ông lại thoáng hiện ra dáng dấp con cóc của vị nhà sư. Cứ nghĩ đến nhân vật lạ lùng ấy là ông lại nhớ ngay đến lời nói của ông ta về vấn đề sống chết đang đặt ra đối với nữ thi sĩ. Tự nhiên ông cảm thấy một cái gì bất ổn xâm chiếm trong người giống như một linh cảm mơ hồ. Rất có thể ông sẽ loại trừ được cái việc dây nhợ này bằng cách vùi đầu vào tập hồ sơ mà phân tích thật chu đáo tất cả những tình tiết của nó. Bây giờ là năm giờ chiều. Còn độ hai tiếng nữa mới đến bữa ăn tối. Thực ra ông cũng chẳng ham hố gì những việc như thế này. Ông chỉ muốn gác nó lại để trong bữa tiệc tối nay trao đổi ý kiến một cách cởi mở với bà ta xem thế nào. Ông cũng sẽ nghe thêm ý kiến của ông viện sĩ hàn lâm và ông thi sĩ triều đình nói về nữ thi sĩ. Ồng sẽ cố gắng lái câu chuyện để xem họ nghĩ gì về tội trạng của bà ta. Thế là bữa tiệc vui mà vị quan đồng nghiệp của ông hứa hẹn bỗng nhiên được ông ta biến thành nước đi ghê gớm của phiên toà để cân nhắc một cái án tử hình! Lúc này ông có cảm giác như đang đứng trước một tai hoạ ghê gớm sắp xảy ra.
Quan án sát cố xua đuổi những tư tưởng u ám trong đầu và lại nghĩ đến vụ ám hại phó bảng Tống. Đó cũng là một việc đang chọc tức ông. Dù đã đến tận hiện trường, đã trực tiếp đi điều tra, nhưng ông vẫn không làm được gì hơn là trông chờ hoàn toàn vào những yếu tố do người của quan tri huyện cung cấp. Một lần nữa ông lại buộc phải làm việc với những tin tức trung gian.
Quan án sát chợt dừng chân, cau mày. Ông đứng tư lự một lát rồi bước vào phòng và nhặt quyển sổ nhạc của Tống vứt trên mặt bàn. Ngoài những tài liệu ghi chép lịch sử của chàng phó bảng, đây là vật duy nhất liên hệ với người đã chết. Ông lại mở những trang giấy chữ viết chi chít và đột nhiên mỉm cười. Thật là phiêu lưu, nhưng cũng đáng để ông bỏ công gắng sức. Thà chịu ngồi buồn một mình trong xó buồng còn hơn cứ lặp đi lặp lại những điều người ta đã công bố rộng rãi mà mình thì cứ như vừa mới được nghe thấy lần đầu tiên trong đời!
Quan án sát vào phòng đổi y phục, ông mặc một chiếc áo dài giản dị màu xanh biếc. Sau khi đội một chiếc mũ đen nhỏ lên đầu, ông bước ra khỏi phòng, tài liệu kẹp nách.

Chương 8: Án sát Địch quan tâm đến âm nhạc-Ông uống rượu cùng với người nhạc sĩ thổi sáo nghiện rượu

Đêm xuống. Trên mảnh sân trước mặt khu dinh thự có hai đứa gia nhân đang thắp những chiếc đèn xếp rồi treo lên các cột nhà.
Chen chúc giữa đám người đông nghịt trên đại lộ trước cổng chính khu toà án, quan án sát thở phào mãn nguyện. Tâm trạng bị tước đoạt của ông thực chất là do ấn tượng bị giam hãm trong khu biệt thự của ông bạn đồng nghiệp tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài thành phố, cái thành phố mà ông chẳng biết một tí gì về nó! Bây giờ được tự do vùng vẫy, lập tức ông cảm thấy dễ chịu. Ông cứ để mặc cho đám đông lôi cuốn mình đi và tha hồ quan sát những cảnh trang trí vui mắt hai bên đường phố. Cho đến lúc nhìn thấy tấm biển đề “Hiệu bán nhạc cụ”, ông mới rẽ đám đông đi thẳng đến.
Quang cảnh của hiệu thật huyên náo. Cùng lúc khoảng nửa tá khách hàng, người thử nhạc cụ này, người thử nhạc cụ khác, nào trống, nào sáo, nào nhị… Gần đến ngày Tết trung thu, các nhạc sĩ nghiệp dư ai nấy đều nô nức chuẩn bị cho cuộc vui ngày mai của họ. Quan án sát vào chỗ bàn giấy sau quầy hàng. Người chủ hiệu phàm ăn đang nhai ngốn ngấu một bát mì vằn thắn. Ông ta vừa ăn vừa để ý đám nhân viên tiếp khách mua hàng. Rõ ràng người chủ hiệu này có đôi mắt rất nhạy cảm. Thấy phong cách trang nghiêm đúng mực của quan án sát, ông ta vội đứng dậy săn đón hỏi xem ông cần gì. Quan án sát chìa tập nhạc cho người chủ hiệu.
- Những bản nhạc này dành cho sáo trúc. Ông có thể thổi vào sáo giúp tôi được không?
Sau khi xem lướt qua một lượt, chủ hiệu đưa trả quyển nhạc cho quan án sát, cười tỏ ý tiếc.
- Thưa ngài tôi không biết kiểu chép nhạc này. Đây hẳn là một cách chép nhạc theo lối cổ. Ngài cần hỏi ý kiến của một người thông thạo hơn tôi. Thưa ngài, ngài cần gặp lão Lưu. Ông ta là người chơi sáo giỏi nhất thành phố này, đọc được cả các loại nhạc cổ kim, bất luận cách ghi nhạc như thế nào. Nhà ông ấy cũng gần đây thôi. Có điều hơi đáng buồn, – người chủ hiệu nói thêm tay đưa lên gãi cằm dính đầy mỡ bóng loáng, – lão Lưu nghiện rượu. Thường thường ông ấy bắt đầu uống vào buổi trưa sau giờ dạy nhạc. Nói chung lúc nào cũng say. Chỉ tỉnh rượu một lát vào quãng chiều là lúc ông ấy phải trình diễn trong các cuộc chiêu đãi. Tiền kiếm được không ít, nhưng đều biến thành rượu vang và đàn bà hết.
Quan án sát đặt lên bàn một nắm tiền xu:
- Ông cho một nhân viên nào của ông cũng được, đưa tôi đến đấy.
- Thưa ngài, tất nhiên phải có người dẫn ngài đi chứ ạ. Cảm ơn ngài! Cậu Vương đâu! Đưa ông này đến nhà lão Lưu. Rồi về ngay nghe không?
Thế là anh nhân viên văn phòng trẻ tuổi cùng với quan án sát đi xuống phố. Đến một chỗ, anh thanh niên nắm lấy ống tay áo quan án sát giật và trỏ vào một cửa hàng bán rượu vang miệng cười ranh mãnh:
- Thưa ông, nếu quả thật ông muốn đi cùng lão Lưu ý hợp tâm đầu thì việc có lợi cho ông nhất là mang đến cho lão ta một chút quà nhỏ. Dù lão ta có say sưa bí tỉ đến thế nào chăng nữa, ông cũng chỉ cần gí một bình rượu nhỏ vào mũi lão là lão ta tỉnh như sáo ngay!
Quan án sát mua một bình rượu mạnh nhỏ, thứ rượu trắng dùng để uống nguội. Sau đó anh nhân viên tiếp tục dẫn ông đi hết cái ngõ hẻm đến một phố nhỏ tối tăm và bẩn thỉu đến buồn nôn. Hai bên là hai dãy nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ánh sáng chỉ lọt vào nhà qua các cửa sổ dán giấy bẩn nhem nhuốc.
- Thưa ông, ông ta ở cái nhà thứ tư bên tay trái kia!
Quan án sát đãi anh nhân viên trẻ một món tiền nhỏ. Anh ta nhận tiền và liền quay về vừa đi vừa chạy.
Tấm cảnh cửa ọp ẹp trước căn nhà người nhạc sĩ thổi sáo đang rung lên vì những tiếng cồng gõ inh ỏi. Từ trong nhà vang lên những tiếng rủa xen lẫn giọng cười chói tai của phụ nữ. Quan án sát vừa chạm tay vào, cánh cửa đã mở toang. Gian nhà họ không có đồ đạc, được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu toả khói mù mịt. Không khí trong nhà sặc sụa một mùi rượu rẻ tiền. Một người đàn ông lực lưỡng, khuôn mặt to bè, da đỏ tía ngồi trên cái chõng tre ở phía trong cùng. Ông ta mặc một chiếc quần dài rộng lùng thùng và một tấm áo cánh ngắn cũn cỡn không có khuy, để phanh cái bụng bóng nhẫy. Một cô gái đang ngồi trên đùi nhà nhạc sĩ. Đó là cô vũ nữ Tiểu Phượng. Lão Lưu (tên người nhạc sĩ) ngước đôi mắt lờ đờ lên nhìn quan án sát. Trong khi đó cô vũ nữ vội vàng kéo vạt áo che cặp đùi trắng nõn nà và tụt xuống, lẩn vào một xó nhà, mặt đỏ nhừ vì thẹn, nhưng vẫn giữ cái vẻ trơ trơ nhẵn thín của chiếc mặt nạ.
- Chà, thế đấy! Ông là ai? – Nghệ sĩ thổi sáo hỏi bằng một giọng nặng nề. Quan án sát không để ý đến người con gái, ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cái bàn thấp bằng tre, tay đặt bình rượu nhỏ lên bàn.
Cặp mắt đầy những tia máu của lão Lưu sáng lên.
- Trời ơi, một bình rượu chính cống nhãn hiệu “Mai Quế Lộ”! – Nhạc sĩ thốt lên và khó nhọc đứng dậy. – Ông sẽ được hoan nghênh cho dù ông có là Diêm Vương dưới địa ngục hiện lên thành người với bộ râu dài! Nào mở nút ra ông bạn!
Quan án sát đặt tay lên cổ bình rượu.
- Hãy làm sao cho xứng đáng với bình rượu này, lão Lưu ạ! – Vừa nói ông vừa đặt tập nhạc lên bàn. – Tôi muốn biết những bản nhạc này nghe có được không?
Gã to xác đứng trước bàn mở quyển nhạc bằng những ngón tay chuối mắn nhưng khéo léo lạ thường
- Dễ quá! – Gã làu bàu. – Nhưng dù sao cũng phải uống giải nhiệt cái đã. – Rồi gã loạng choạng đến chỗ bàn rửa vớ lấy chiếc khăn mặt cáu bẩn lau vào mặt và cổ.
Quan án sát vẫn không để ý đến cô vũ nữ, ông lặng lẽ ngồi nhìn những cử chỉ của người nghệ sĩ. Tiểu Phượng lưỡng lự một chút rồi đánh bạo lại gần bàn rụt rè nói nhỏ với ông:
- Thưa ông, cháu… cháu đến để nói khó với ông nhạc sĩ đệm nhạc cho cháu biểu diễn trong bữa tiệc tối nay. Ông ta là một gã súc sinh nhưng lại có tài thổi sáo, ông ta từ chối không chịu chơi bài “Đoản khúc cáo đen” nên cháu phải để cho ông ấy vuốt ve đôi chút.
- Nhất định tôi không chơi cái bài chết tiệt ấy đâu dù cô có ở lại đây với tôi đến tận sáng cũng thế thôi! – Gã to lớn càu nhàu. Gã đang bới tìm trong số hàng tá cây sáo móc vào những cái đinh đóng trên bức vách xiêu vẹo.
- Thế mà tôi cứ tưởng cô định nhảy điệu “Phượng hoàng bay lượn giữa đám mây đỏ tía” cơ đấy. – Quan án sát hờ hững nói. Cô vũ nữ đang làm ông thương hại bởi nét mặt trơ lỳ ra với đôi vai xuôi và nhỏ của cô.
- Vâng, thưa ông đúng thế. Nhưng sau khi cháu đến xem gian phòng tiệc lộng lẫy trong nhà quan tri huyện, lại được giới thiệu trước mặt hai ông quan to ở kinh đô, trước mặt cả Lỗ Huynh nổi tiếng, cháu cứ nghĩ sẽ không bao giờ mình có được một dịp may mắn như thế nữa… Cháu tự nhủ nhân cơ hội này thử trình bày một điệu khác xem sao. Điệu ấy có động tác nhanh và xoay tròn hơn…
- Thì cô cứ việc uốn éo cặp mông trẻ con của cô bằng thích theo cái bản nhạc chết tiệt ấy đi. – Lão Lưu buông lời mỉa mai. – Nhưng nói thực cái bản nhạc “Đoản khúc cáo đen” ấy chẳng hay ho gì đâu!
Nhạc sĩ đi lại chỗ chiếc ghế đẩu thấp ngồi xuống, đặt tập nhạc trên đùi, mở ra.
- Tôi cho rằng ông không muốn nghe bản nhạc thứ nhất này, ư hừm… “Những đám mây trắng làm tôi nhớ đến tấm áo dài nàng mặc, những bông hoa là nét mặt của nàng”. Ai ai cũng biết khúc tình ca này. Về bài thứ hai, người ta nói rằng…
Ông ta đưa sáo lên môi và thổi những tiết tấu dạo đầu rất nhịp nhàng của bản nhạc…
- À vâng, đó là bản “Bài ca dưới ánh trăng thu” những năm trước đây được rất nhiều người ưa chuộng.
Cứ thế người đàn ông to lớn lần lượt trình bày hết các bản nhạc trong quyển sổ. Thỉnh thoảng lại thổi lên một vài nhịp đệm để đồng nhất bản nhạc. Quan án sát chẳng để ý đến những lời giải thích của người thổi sáo. Ông đang chán nản vì ngày càng cảm thấy những giả thuyết của mình giảm dần độ chính xác đến con số không! Cuối cùng ông cũng phải thừa nhận đó chỉ là những ý nghĩ gượng gạo mà nguyên nhân chính của nó là những bản nhạc không tên và những lời kia đã được sao chép theo một lối phức tạp, làm cho ông do không biết âm nhạc, lại cứ tưởng đó là những tín hiệu mật mã chàng phó bảng dùng để thay cho chữ viết thông thường! Một câu văng tục của lão Lưu kéo ông ta ra khỏi những ý nghĩ của mình.
- Mình thật là cái đồ chết dẫm! – Nhạc sĩ gào lên, mắt dán chặt vào bản nhạc cuối cùng. – Sao những nhịp dạo đầu lại có vẻ lạ lùng thế này, – ông ta lẩm bẩm nói thêm trước khi lại đưa sáo vào miệng.
Những tiếng sáo trầm trầm cất lên theo một nhịp chậm và thống thiết. Cô vũ nữ sửng sốt đứng dậy. Nhịp sáo nhanh dần. Những tiếng nhạc cất lên cao vút nghe đến chói tai tạo thành một giai điệu man mác lo âu. Người đàn ông to lớn bỏ sáo xuống.
- Hoá ra lại là cái bản nhạc chết tiệt ấy “Đoản khúc cáo đen”. – Ông ta tuyên bố bằng một giọng chán ngấy. Cô vũ nữ thì cúi gằm mặt nhìn xuống bàn rụt rè.
- Thưa ông, ông làm ơn cho cháu xin bản nhạc này. – Dáng điệu cô gái lúc này có vẻ bồn chồn như người đang lên cơn sốt, đôi mắt to hình quả hạnh nhân của cô sáng long lanh. – Có bản nhạc này thì bất kỳ người nhạc sĩ thổi sáo nào cũng có thể đệm cho cháu múa được!
- Chứ không phải chỉ có tao phải không? – Anh chàng thổi sáo to lớn nổi cáu quẳng tập nhạc lên bàn. – Ừ thì tao cũng muốn nghỉ cho khoẻ đây!
- Được, ta hứa sẽ cho cô mượn quyển nhạc này, – quan án sát nói với người vũ nữ. – Nhưng trước hết cô hãy nói cho ta nghe những điều cô biết về bản nhạc “Đoản khúc cáo đen”. Ta vốn thích âm nhạc, cô hiểu chứ?
- Thưa ông, đối với vùng này, đó là một khúc hát cổ ít người biết đến và cũng chẳng có trong một cuốn sách âm nhạc nào dùng cho sáo trúc cả. Người con gái giữ miếu Cáo Đen tên là Hoàng Liên luôn miệng hát bài hát ấy. Cháu đã thử dạy chị ấy viết nhưng dường như chị ấy chẳng còn trí nhớ nữa. Rốt cuộc người con gái khốn khổ ấy không biết đọc cũng chẳng biết viết, ngài thử nghĩ! Đây là một bài hát khó! Một bản nhạc dùng để múa ở…
- Thôi được, cô sẽ trả lại cho ta trong bữa ăn tối nay. – Quan án sát đưa quyển sách nhỏ cho cô vũ nữ.
- Ôi, cảm ơn ngài một ngàn lần. Thưa ngài, bây giờ cháu phải tranh thủ thời gian bởi vì ông nhạc sĩ cũng cần phải tập dượt trước một chút. Xin ngài đừng nói với ai là cháu sẽ múa bài ấy, cháu muốn mọi người phải một phen bất ngờ! – Ra đến cửa cô vũ nữ còn ngoái lại dặn thêm một câu như vậy.
Quan án sát nhìn cô gật đầu rồi quay lại nói với người đàn ông thổi sáo:
- Ông mang hai cái chén tống ra đây.
Người đàn ông thổi sáo lấy hai chén tống bằng đất nung trên giá xuống, trong khi đó quan án sát mở nút bình rượu. Ông rót rượu đầy ắp vào chén của lão Lưu.
- Hàng tốt đây! – Gã thổi sáo vừa nói vừa đưa chén rượu lên mũi ngửi và uống một hơi.
Quan án sát chỉ nhấp từng ngụm nhỏ.
- Cô bé vũ nữ trông thật kỳ cục! – Ông hờ hững nhận xét.
- Nếu đúng nó là một đứa con gái hẳn hoi thì tôi đã chẳng ngạc nhiên, đằng này nó lại là giống đàn bà cáo. Nó có cái đuôi mọc lông nấp ở dưới vạt áo dài ấy. Lúc ông thoạt đến tôi đang tìm cách khám xem đuôi của nó ra sao?
Người thổi sáo nói xong cười gượng, tay cầm bình rượu rót vào đầy chén và lại uống một hơi. Uống xong, gã chép miệng nói tiếp:
- Cáo cái hay không cáo cái thì nó vẫn biết cách vắt kiệt các khách làng chơi, cái đồ nhóc điếm bẩn thỉu! Nó nhận quà tặng của người ta, để cho người ta sờ soạng đôi chút, nhưng hễ cứ đến cái khoản chủ lực kia thì đừng hòng, đừng hòng, ông ạ! Không! Không bao giờ! Cứ thế suốt một năm ròng từ dạo tôi biết nó đến giờ. Con bé múa rất giỏi, phải công nhận là múa giỏi (gã so vai). Nhưng rốt cuộc có khi nó đúng ông ạ. Tôi bắt đầu tin như thế bởi vì tôi đã trông thấy nhiều cô vũ nữ rất giỏi giang nhưng suy sụp rất nhanh chỉ vì họ “nhảy nhót” nhiều quá!
- Vì sao ông biết bài “Đoản khúc cáo đen”?
- Cách đây một năm, lần đầu tiên tôi được nghe bài hát ấy do hai mụ già hát. Các mụ ấy làm bà đỡ kiếm thêm tiền công đỡ đẻ bằng cách hát bài hát ấy để xua đuổi tà ma ra khỏi nhà những người mẹ tương lai. Tôi không biết nhiều về bài hát để có thể nói với ông thật đầy đủ nhưng con bé phù thuỷ ở miếu hoang biết rõ lắm.
- Con bé ấy là ai?
- Là một con mẹ phù thuỷ đáng ghét! Một linh hồn cáo chính cống. Nó là như thế. Nó được một bà già bới giẻ rách nhặt ở ngoài đường khi còn là một đứa bé đỏ hỏn đáng yêu. Ít ra lúc đầu nó cũng có được cái vẻ đáng yêu ấy. Rồi nó lớn lên trong tình trạng ngớ ngẩn. Mười lăm tuổi mới bắt đầu tập nói. Luôn luôn lên cơn rối loạn thần kinh, hai mắt đảo tròn, thích những trò bí ẩn và khủng khiếp. Bà già sợ đem bán nó cho một nhà chứa. Nó có nhan sắc. Cuối cùng mụ chủ nhà chứa đưa nó cho một lão già phá trinh để nhận một món tiền kha khá đút túi. Lão kia về sau chắc thể nào cũng hối hận vì đã trêu phải giống đàn bà cáo. Nào, uống nữa đi ông, hôm nay, bây giờ mới là lần thứ nhất trong ngày tôi uống thật sự đấy ông ạ!
Nốc xong chén rượu, gã đàn ông to lớn lắc đầu buồn bã:
- Con bé lưu manh ấy đã cắn đứt lưỡi ông già khi ông ta ôm nó vào lòng, rồi phóc một cái nó nhảy qua cửa sổ trốn biệt vào khu miếu hoang, ở gần cửa Nam ấy. Bây giờ nó vẫn ở lỳ trong đó không chịu ra. Những tay sừng sỏ nhất của hội chủ nhà chứa cũng chẳng anh nào dám mạo hiểm vào đấy. Ông có biết tại sao không? Chỗ ấy có ma! Ngày xưa hàng trăm người bị giết ở đấy, đàn ông đàn bà trẻ con đủ cả. Ban đêm các hồn ma đi ngao du khắp nơi trong khu đất hoang. Nhiều người mê tín đem thức ăn đến gần đó để cúng. Con bé lang thang và đàn cáo chia nhau sống bằng những thứ ấy. Vùng đó có nhiều cáo lắm. Đứa con gái thường nhảy múa với chúng dưới ánh trăng, vừa nhảy vừa hát bài… cái bài hát đáng ghét (gã thổi sáo bỗng nói lắp). Cái… cái con… con vũ nữ cũng thế, cũng là cáo cái. Chỉ có độc một mình nó dám đến đây. Con cáo cái đáng ghét. Thế đấy…
- Nếu tối nay phải biểu diễn, tôi chắc ông sẽ biểu diễn thành công vì đã có bình rượu nhỏ này, – quan án sát vừa nói vừa đứng lên. – Thôi tạm biệt ông.
Ra khỏi nhà nghệ sĩ thổi sáo, quan án sát cứ nhắm thẳng phía Đại lộ mà đi. Gặp một người khách bộ hành, ông hỏi thăm đường đến Cửa Nam.
- Thưa ông, từ đây đến đó còn xa lắm. Ông phải đi hết phố này, qua Chợ Lớn rồi đi tiếp đến cuối phố Đền Thờ thì sẽ nhìn thấy Cửa Nam thẳng ngay trước mặt.
Quan án sát gọi một chiếc kiệu nhỏ bảo hai người phu kiệu đưa mình đến ngôi đền ở đầu phía Nam phố Đền Thờ. Ông nghĩ bụng chỉ cần đi đến đó, rồi sẽ đi bộ đến miếu hoang thì tốt hơn. Những người phu kiệu chẳng còn ai lạ gì. Họ chúa là tò mò và thóc mách.
- Thưa ông có phải ông định đến đền Đạo Tiên Nghiệm không ạ?
- Đúng rồi. Nếu đi nhanh các anh sẽ được thưởng thêm tiền.
Các phu kiệu vừa nhấc kiệu lên những cái vai thành chai của họ đã đi như chạy, vừa đi vừa cất tiếng hò hét inh tai để dẹp đám người phía trước.

Chương 9: Quan án sát tìm đến miếu hoang-Ông được đàn cáo ra nghênh tiếp

Quan án sát kéo vạt áo bỏ vào người. Ngồi trên chiếc kiệu nhỏ không có mui, ông cảm thấy khí lạnh ngoài trời thấm và da thịt. Lúc này ông đã lấy lại được dũng khí vì bài ca “Đoản khúc cáo đen” rất có thể sẽ làm bộc lộ những dấu hiệu sơ khởi rất quan trọng của vụ án phó bảng Tổng. Phiên chợ hôm nay chật ních người, các quầy hàng bán rất chạy, quang cảnh thật huyên náo nhộn nhịp. Nhưng qua khúc ngoặt đến một đường phố thiếu ánh sáng thì những người đi lại thưa dần. Hai bên đường sừng sững những cổng cao xây bằng đá xen kẽ những tường gạch kéo dài đổ nát xiêu vẹo. Nhìn dòng chữ ghi trên những chiếc đền lồng to treo ở các cổng, quan án sát càng hiểu rõ những giáo phái chính đạo của Phật đều được đề cao trong phố Đền Thờ.
Phu kiệu dừng lại trước một ngôi nhà lầu. Dừng ở ngoài đường đã có thể đọc được ba chữ lớn Đạo Tiên Nghiệm ghi trên chiếc đèn lồng toả sáng xuống khuôn cửa kép sơn đen. Quan án sát bước ra khỏi kiệu. Trong khi đó hai người phu kiệu lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhại ở cổ và gáy.
- Các ông cứ nghỉ ở đây đợi tôi – quan án sát dặn người phu kiệu cao tuổi – tôi chỉ vào độ nửa giờ rồi ra ngay. Từ đây đến Cửa Đông đi bộ mất bao nhiêu nhỉ? – Ông nói thêm và đưa cho ông ta một món tiền thưởng.
- Đi bằng kiệu cũng phải mất khoảng nửa giờ. Nhưng nếu đi tắt thì ông có thể đến sớm hơn.
Quan án sát gật đầu. Như thế có nghĩa là chàng phó bảng có thể đi từ nhà đến miếu hoang một cách rất dễ dàng. Ông vào đền qua một khuôn cửa nhỏ để ngỏ cạnh một khuôn cổng lón. Trước mặt ông là một mảnh sân hoang vắng. Ánh sáng le lói từ sau khuôn cửa sổ của ngôi chính điện tít trong cùng hắt ra. Bên phải ngôi chính điện là một hành lang có hàng rào thưa dọc theo bức tường bao quanh khu đền. Quan án sát đi theo hành lang đó và nghĩ bụng chắc sẽ ra cửa sau của ngôi đền và từ đó cứ việc đi thẳng đến Cửa Nam. Như vậy những người phu kiệu sẽ chẳng biết ông đi đâu.
Hành lang nối vào một lối đi hẹp sau ngôi chính điện giữa hai dãy nhà ngang thấp hơn. Chắc đó phải là chỗ ở của các nhà sư. Lối đi được soi sàng lờ mờ bởi vài cây nến nhỏ gắn trên các cột nhà. Quan án sát đi nhanh đến chỗ cổng để ngỏ. Trong lúc đi ngang qua chỗ cửa sổ cuối cùng của dãy nhà ngang bên phải, ông máy móc nhìn bên trong và chợt đứng sững lại. Đầu óc ông lại mường tượng đến hình ảnh Người Đào Huyệt đang ngồi xếp chân vòng tròn trên chiếc ghế dài kê mãi tít phía trong cùng gian nhà trống và đang nhìn ông không chớp mắt bằng đôi mắt của con cóc. Ông lại gần tì tay lên thành cửa sổ nhìn vào. Nhưng ông lầm. Nhờ ánh sáng chập chờn của những cây nến bên dãy nhà đối diện, ông đã phân biệt được chiếc áo dài của nhà sư vắt lên một cái trống nhỏ trông như đầu người. Quan án sát lại đi tiếp. Ông bực bội về sự nhầm lẫn của mình: rõ ràng hình ảnh Người Đào Huyệt bí ẩn vẫn ám ảnh ông!
Qua một cánh rừng thông thưa thớt phía sau đền, chẳng mấy chốc thì ra tới một con đường cái rộng lát gạch. Cái bóng dáng cao cao của Cửa Nam đã nổi rõ trên nền trời đầy sao.
Thích thú vì thấy mưu mẹo của mình khá đạt, ông rảo bước tiến ra phía con đường cái rộng, vẫn còn đâu đó những ngọn đèn dầu run rẩy trong các hàng quán bên đường. Nhìn về bên trái thấy một vài nóc nhà lẻ tẻ tối om. Nhìn sang phía khác thấy những bãi cây thấp lè tè, có cây to bao bọc cùng với một cổng đá đổ nát. Ông định vượt qua đường cái thì xuất hiện một đoàn người cúi lom khom dưới sức nặng của những bao bì trên lưng. Họ vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Đoàn người này chắc đang rời thành phố về quê ăn Tết trung thu. Chờ cho đoàn người đi qua, quan án sát tiếp tục rảo bước, nghĩ bụng không biết vách đá Lục Bảo Ngọc quan tri huyện chọn làm nơi mở tiếc tối mai ở về phía nào. Chắc là ở đâu đó trong những dãy núi phía Tây thành phố. Nhìn lên trời mảnh trăng thu sáng vằng vặc không một gợn mây che khuất. Trước mặt, phía bên kia con đường là rừng cây trải ra thành một vệt dài đen sẫm, trông có vẻ hơi hấp dẫn. Ông vào cửa hàng tạp hoá mua một chiếc đèn bão nhỏ rồi vượt qua đường cái. Giờ thì trước mặt ông chỉ còn trơ lại hai cái cột đá của khuôn cổng đã cũ kỹ lâu đời. Ông soi đèn vào cột đá bên trái thấy có một đống quả tươi và một bát bằng đất nung đựng đầy gạo trên phủ lá cây sơ sài. Những đồ cúng này chứng tỏ đây là cổng vào khu miếu hoang.
Quan án sát phải dùng cả hai tay để gạt các cành cây mọc chằng chịt phủ kín lối mòn. Qua chỗ rẽ thứ nhất, ông dừng lại giắt các vạt áo dài vào cạp quần, vén cao tay ống áo thụng. Đoạn ông tìm trong các bụi cây lấy một cái gậy thật chắc dùng nó gạt các cây cỏ gai mọc hai bên lối đi và cứ thế lần theo con đường mòn quanh co. Xung quanh, mọi thứ đều im phăng phắc. Thật là một cảnh tượng hoang tàn đến kỳ lạ, không có cả tiếng chim đi ăn đêm! Chỉ có tiếng ve sầu rền rĩ và đôi lúc có tiếng gió lao xao trong các bụi cây làm khuấy động không gian tĩnh mịch. Cô bé vũ nữ ấy dũng cảm thật! Ông lẩm bẩm “chỗ này rõ ràng là đáng sợ”!
Đột nhiên ông đứng phắt lại tay nắm chặt chiếc gậy. Ông vừa nghe thấy một tiếng động ở đâu đó trong các bụi cây trước mặt. Lập tức hai đốm xanh lè xuất hiện như hai con mắt mở thao láo nhìn ông chỉ cách độ hai bước chân. Ông vội cúi xuống nhặt hòn đá ném mạnh vào đấy. Hai chấm sáng vụt tắt. Khắp xung quanh các lùm cây rung động dữ dội. Sau đó tất cả lại trở lại yên tĩnh. Như vậy ở vùng này chắc phải có rất nhiều cáo, nhưng cáo không bao giờ tấn công người. Nghĩ thế quan án sát thấy hơi yên tâm. Có lần ông nghe người ta nói trường hợp loài cáo bị bệnh dại không phải hiếm và khi một con cáo mắc bệnh dại có có thể cắn bất cứ cái gì nó bắt gặp, ông lại rối trí. Ông bỏ mũ ra cầm ở tay và cay đắng nghĩ cuộc mạo hiểm ngắn ngủi tay không tấc sắt của ông bỗng chốc rất có thể hoá thành một hành động nhẹ dạ và liều lĩnh. Giá lúc này có thanh kiếm hay một ngọn giáo ngắn thì tốt biết mấy. Dù sao những mảnh xà cạp bằng dạ rất dày quấn ở cổ chân cũng bảo vệ được cặp giò của ông và ông vẫn có thể cứ tiếp tục cuộc mạo hiểm.
Chẳng mấy chốc lối mòn quang dần. Qua khoảng trống giữa các thân cây, ông nhìn thấy một vùng đất rộng bao la, hoang vắng như một nghĩa địa, ảm đạm nằm bất động dưới ánh trăng bạc. Ông bắt đầu đi ngược lên một đoạn đường dốc thoai thoải cỏ mọc lút đầu người, đây đó rải rác những tảng đá phủ rêu. Đoạn đường dốc này dẫn ông đến ngôi miếu bỏ hoang đổ nát điêu tàn, nhìn xa như một đống đen sì to lù lù. Dãy tường bao bọc khu miếu đã sụp nhiều chỗ, những chỗ còn lại thì xiêu vẹo trông rất nguy hiểm. Đi được độ nửa đoạn dốc chợt có một bóng đen nhảy vụt lên lù lù bám vào tảng đá. Quan án sát phân biệt được khá rõ hai cái tai nhọn và cái đuôi xù lông. Trong bóng tối chập choạng, hình con vật to lên một cách kỳ lạ. Ông dừng lại hồi lâu rồi nhìn quang cảnh đổ nát âm u, không có dấu vết của sự sống con người, rồi lại tiếp tục vừa thở hổn hển vừa leo lên đoạn đường dốc ngoằn ngoèo luồn lỏi qua những tảng đá được thiên nhiên gọt đẽo một cách vụng về. Đến chỗ tảng đá con cáo ngồi, ông vung mạnh chiếc gậy, con vật tụt nhanh xuống đất bằng một cái nhảy duyên dáng và thoắt biến vào trong đêm tối. Khắp nơi, những đám cây thấp, những bụi cỏ rung rinh chứng tỏ không phải chỉ có một con cáo.
Đến cổng miếu, quan án sát dừng lại quan sát mảnh sân con trước mặt bừa bộn những thứ đổ nát, những khúc cột gãy đổ rụi xuống chân tường và một mùi các chất thối rữa phảng phất trong không khí. Tít trong xó, nổi bật lên một pho tượng con cáo to bằng thật ngồi trên bệ bằng đá hoa. Những mảnh quần áo rách bươm xung quanh cổ pho tượng là dấu hiệu duy nhất báo sự có mặt của con người. Ngôi miếu hình vuông xây bằng gạch có một tầng gác. Tất cả đều đen ngòm và phủ kín dây trường xuân. Góc miếu bên phải có một mảng tường bị đổ. Phần mái chỗ đó xệ xuống trông rất nguy hiểm. Rất nhiều ngói tụt thành đống trên mặt đất chỉ còn trơ trụi những thanh xà đen đủi của bộ khung mái. Quan án sát bước lên ba bậc đá hoa. Ông gõ chiếc gậy vào cánh cửa cài then gỗ, lập tức một tấm gỗ lâu ngày đã mục rụng xuống đánh rầm! Tiếng động vang dội trong đêm tối cô tịch. Ông lắng tai nghe ngóng, bên trong vẫn im phăng phắc. Ông đẩy cánh cửa bước vào trong miếu. Từ bên gian trái, một thứ ánh sáng lờ mờ hắt sang. Quan án sát đi lại chỗ có ánh sáng và lập tức đứng sững lại: Trước mặt ông, dưới ánh sáng của cây nến cháy leo lét trong hốc tường hiện ra một hình người cuốn trong mớ giẻ bẩn thỉu nằm đó. Đầu là chiếc sọ người trắng hếu đang giương hai hốc mắt sâu hoắm nhìn ông:
- Thôi đi, đừng làm trò trẻ con nữa! – Ông điềm nhiên nói như hạ lệnh.
- Hừ, sao ông không kêu thét lên rồi vắt chân lên cổ mà chạy nhỉ?
Một giọng nói nhỏ nhẻ cất lên ngay sau lưng quan án sát. Ông từ từ ngoái cổ lại và thấy mình đứng gần một người con gái nhỏ nhắn mặc phong phanh độc một tấm áo cánh rộng lùng thùng bằng vải thô và một cái quần đã cũ rách xơ cả sợi. Cô gái có khuôn mặt đẹp nhưng không một chút cảm xúc nếu như không kể đến nỗi sợ hãi đang hiện rõ trong đôi mắt to của cô. Tuy nhiên một mũi dao nhọn đang ấn vào sườn quan án sát mà người cầm dao không có gì là run tay.
- Bây giờ tôi buộc phải giết ông! – Cô gái nói thêm vẫn bằng cái giọng êm như lúc mở đầu.
- Ôi con dao của cô đẹp quá! – Quan án sát bình tĩnh nói. – Ánh thép của nó xanh biếc kìa!
Cô gái vừa cúi xuống nhìn con dao thì nhanh như cắt quan án sát đã buông gậy nắm chặt lấy tay cô.
- Đừng có làm bậy Hoàng Liên! – Ông nói to – Tiểu Phượng dẫn tôi đến đây và tôi đã gặp Tống.
Cô gái lắc đầu cắn môi.
- Tôi nghe đàn cáo của tôi chạy nhốn nháo cứ ngỡ là Tống đến. – Mắt cô gái nhìn rất lâu vào hình nộm xương người. – Tôi nhìn thấy ông từ lúc ông đang lên dốc và tôi chạy đi thắp cây nến này cho người tình của tôi.
Quan án sát buông tay cô gái.
- Ở đây có chỗ nào ngồi được không, Hoàng Liên? Tôi muốn nói với cô một đôi điều.
- Không nói chuyện, không chơi bời gì hết, – cô gái nghiêm nghị trả lời. – Người tình của tôi hay ghen lắm.
Cô gái nhét con dao vào ống tay áo và đi về phía hình nộm nằm trên chiếc ghế dài.
- Em không cho ông ấy đùa với em đâu. Em hứa như vậy, anh yêu quý ạ. – Cô gái vừa thủ thỉ vừa sửa lại tấm vải liệm rách mướp phủ trên bộ xương người.
Sau khi âu yếm vuốt ve cái sọ trắng hếu, cô gái cầm lấy cây nến trong hốc tường rồi lặng lẽ đi qua cái cửa tò vò trước mặt.
Quan án sát đi theo cô gái đến một gian buồng nhỏ hẹp sặc mùi ẩm mốc. Cô gái gắn cây nến trên mặt bàn làm bằng mấy mảnh ván mộc ghép lại với nhau và ngồi xuống chiếc ghế thấp bằng tre. Trong buồng ngoài chiếc ghế đẩu bằng song, không còn một thứ đồ đạc nào khác nữa. Nhưng trong xó buồng có một đống giẻ rách chắc là chỗ ngủ của cô gái. Bức tường phía trong cùng bị đổ một mảng trần cao. Mái ở chỗ đó sệ xuống. tụt hết ngói lộ ra một khoảng trời. Dây trường xuân mọc lan tràn trên chỗ tường bị đổ rũ xuống như một bức tường dày đặc phủ kín những viên gạch trần. Lá rụng thành từng lớp dày trải khắp nền nhà, trên đó lại một lớp bụi phủ kín.
- Ở đây nóng lắm! – Cô gái cởi phăng tấm áo cánh ra, than phiền.
Cô ném áo vào đống giẻ rách trong xó buồng. Đôi vai tròn lẳn và bộ ngực đẹp nở nang cáu bẩn. Quan án sát lay thử chiếc ghể đẩu trước khi ngồi xuống. Mắt cô gái nhìn thẳng phía trước mặt, tay lúc nào cũng ôm ngực. Gian buồng thì lạnh nhưng trên ngực cô gái và cặp vú mồ hôi vã ra kéo theo lớp bụi ghét thành một thứ nước nhờ nhờ đen chảy ròng ròng xuống bụng. Mái tóc rối bù và lấm bê bết được buộc túm lại bằng một mảnh giẻ đỏ.
- Người tình của tôi trông có vẻ gợi cảm không hả ông? – Cô gái đột nhiên hỏi quan án sát. – Anh ấy rất đẹp trai, không bao giờ để tôi ở đây một mình, lúc nào cũng chịu khó nghe tôi nói. Anh ấy không có đầu, khổ thân anh ấy! Thế là tôi cố tìm cho anh ấy một cái sọ to nhất, tuần lễ nào cũng thay áo dài mới cho anh ấy. Áo dài tôi đào ở sân sau chỗ kia kìa. Có nhiều sọ người và xương người lắm… có cả mảnh vải rất đẹp. Sao tối nay Tống không đến nhỉ?
- Anh ấy bận lắm. Anh ấy nhờ tôi đến nói với cô…
Cô gái chậm rãi lắc đầu:
- Tôi biết rồi. Anh ấy phải làm nhiều việc do anh ấy tự chọn. Việc xảy ra từ lâu lắm. Mười tám năm rồi, anh ấy nói với tôi như thế. Nhưng đứa giết bố anh ấy còn sống. Nó đang ở đây. Nếu tìm được anh ấy sẽ chặt đầu, sẽ đưa nó lên giá treo cổ.
- Tôi cũng đang đi tìm nó đây cô Hoàng Liên ạ. Cô thử nói tên nó cho tôi nghe xem nào. Cô đã biết tên nó chưa?
- Tên nó à? Tống còn chẳng biết nữa là tôi, nhưng anh ấy sẽ tìm ra. Nếu ai giết bố tôi, tôi cũng…
- Tôi cứ tưởng cô mồ côi cha mẹ?
- Không phải thế. Bố tôi vẫn đến đây thăm tôi đấy. Ông ấy đẹp lắm. Nhưng… tại sao ông ấy lại giấu tôi nhỉ? – Cô ngơ ngác hỏi bằng một giọng sợ sệt. Thấy mắt cô gái chợt bừng sáng lên biểu hiện của một cơn sốt rét, quan án sát dịu dàng an ủi:
- Cô nhầm rồi. Tôi tin rằng bố cô không đời nào lại lừa dối cô.
- Có đấy. Ông ấy bảo nhất thiết ông ấy phải che kín mặt vì mặt ông ấy xấu lắm. Nhưng Tiểu Phượng đã nhìn thấy mặt ông ấy lúc buổi tối ông ấy ra khỏi đây. Tiểu Phượng lại nói ông ấy không xấu một tí nào. Tại sao ông ấy lại không muốn tôi nhìn mặt ông ấy nhỉ?
- Mẹ cô đâu, Hoàng Liên?
- Bà ấy chết rồi.
- À phải… Thế thì ai nuôi cô? Bố cô à?
- Không , bác gái tôi. Bà ấy đối xử với tôi không tốt. Bà ấy giao tôi cho những người độc ác. Tôi phải trốn đi. Nhưng họ vẫn đến đây tìm tôi đấy, ban ngày có hai người đến. Tôi trèo lên mái nhà mang thật nhiều xương người, sọ người ném xuống. Họ sợ chạy biến mất. Ban đêm lại có ba người nữa đến. Nhưng mới nhìn thấy người tình của tôi nằm kia họ đã sợ hết hồn, vừa chạy vừa la. Có một người vấp phải đá ngã gãy chân đấy!
Cô gái cười khanh khách. Tiếng cười vang cả gian buồng trống trải. Chợt có cái gì sột soạt trong đám dây trường xuân, quan án sát quay lại. Ông nhìn thấy bốn năm con cáo bám trên chỗ tường vỡ thò đầu nhìn vào. Mắt chúng xanh lè.
Ông quay về phía cô gái lúc này đang gục mặt vào hai bàn tay, toàn thân run bắn, mồ hôi trên vai vã ra như tắm.
- Anh Tống nói với tôi anh ấy đến đây luôn, có ông Minh buôn trà cùng đi. – Quan án sát nói với một giọng vồn vã.
Hai cánh tay Hoàng Liên buông thõng:
- Ông buôn trà à? – Cô hỏi – Tôi chẳng uống trà bao giờ, chỉ uống nước giếng thôi. Bây giờ thì không thích uống… À phải rồi! Anh Tống bảo anh ấy ở nhờ nhà của ông buôn trà. Phải rồi (Cô gái ngừng một lúc, thừ người suy nghĩ rồi từ từ nhếch mép cười). Cách đây ít ngày tối nào Tống cũng đến. Lũ cáo của tôi thích nghe tiếng nhạc. Chúng mến anh ấy lắm. Anh ấy bảo anh ấy sẽ đưa tôi đến chỗ tốt đẹp hơn. Ở đấy có dàn nhạc cho tôi nghe suốt ngày. Nhưng anh ấy dặn tôi đừng nói với ai vì anh ấy bảo anh ấy không thể lấy tôi làm vợ. Tôi chỉ trả lời rằng tôi không bao giờ đi khỏi đây, tôi cũng không lấy chồng, muốn ra sao thì ra. Tôi đã có người tình của tôi. Tôi không bao giờ rời người tình của tôi, không bao giờ!
- Tống chưa bao giờ nói với tôi về bố anh ấy.
- Đúng rồi! Bố bảo tôi đừng nói gì về bố tôi với bất cứ ai. Vậy mà tôi lại nói với ông rồi đấy!
Cô gái ném về phía quan án sát một cái nhìn hoảng hốt, tay rờ lên cổ.
- Sao cổ tôi khó nuốt… Tôi nhức đầu, đau ở cổ họng. Càng ngày càng đau… – Cô gái nói thêm, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
Quan án sát đứng lên, nghĩ bụng cần phải đưa cô gái đi nơi khác càng nhanh càng tốt. Cô đang bị ốm nặng.
- Tôi sẽ báo cho Tiểu Phượng biết cô đang ốm. Ngày mai chúng tôi sẽ đến thăm cô. Thế bố cô không đưa cô về sống với ông ấy à?
- Không! Không hiểu tại sao! Ông ấy bảo tôi ở đây để chăm sóc người tình và lũ cáo thì tốt hơn.
- Dù sao thì cũng phải đề phòng. Chúng có thể cắn cô…
- Sao ông lại nói như vậy! – Cô gái giận dỗi ngắt lời quan án sát. – Đàn cáo của tôi không đời nào cắn tôi. Nó còn đến đây ngủ với tôi ở chỗ kia kìa, góc buồng ấy, nó liếm mặt cho tôi. Thôi ông đi đi, tôi không thích ông nữa!
- Tôi yêu loài thú lắm cô Hoàng Liên ạ. Nhưng nó cũng bị ốm, cũng bị bệnh như ta. Nếu chúng cắn phải cô, cô cũng bị ốm theo. Thôi mai tôi sẽ đến. Chào cô nhé!
Cô gái theo ông ra tận sân trước. Đến chỗ có pho tượng cáo, cô trỏ tay vào pho tượng rụt rè hỏi:
- Tôi muốn lấy chiếc khăn quàng cổ đẹp kia tặng cho người tình của tôi. Làm thế con cáo nó giận không hả ông?
Quan án sát suy nghĩ về câu hỏi. Ông quyết định làm cho cô gái giữ nguyên ảo tưởng coi hình nộm là người giữ gìn sự yên ổn cho cô ở chốn này. Ông trả lời:
- Tôi nghĩ con cáo sẽ điên lên vì tức giận. Tốt hơn hết là cô đừng lấy cái khăn của nó.
- Cảm ơn ông. Tôi sẽ làm cho người tình của tôi một cái kim cài áo măng tô vậy, bằng những trâm bạc cài tóc mà Tống hứa tặng tôi. Mai ông bảo anh ấy mang đến đây cho tôi có được không hả ông?
Quan án sát nhận lời rồi bước qua khuôn cổng đổ nát. Trên cánh đồng hoang lấp lánh dưới ánh trăng, ông không còn trông thấy bóng một con cáo nào nữa.

Nguồn: http://tusach.mobi/