14/4/13

Thi nhân và sát nhân (C4-6)

Chương 4: Vị tiểu quan thổi sáo và kén chọn vũ nữ

Quan án sát nhìn bạn đồng nghiệp bằng cái nhìn sắc sảo rồi ngả người thoải mái trên chiếc ghế bành, tay ung dung vuốt chùm râu dài.
- Vâng, – cuối cùng ông nói. – Tôi hoàn toàn đồng ý với quan bác, bác Lã ạ. Vụ án mạng này chẳng phải do một tên trộm ngẫu nhiên bị hoàn cảnh khách quan lôi kéo vào hành vi tội ác. Cứ cho rằng Tống đã vô tâm không cài then cổng vườn, không khoá cửa buồng ngủ. Nhưng một thằng ăn trộm nửa đêm thấy cổng vườn nhà người ta không cài then ít ra nó cũng phải dò la xem thế nào rồi mới dám vào nhà chứ. Chẳng hạn nó phải chọc thủng một lỗ nhỏ trên tờ giấy nền dán ở cửa sổ nhòm vào trong nhà. Nếu chủ nhà chưa đi ngủ nó phải rình cho đến khi chắc chắn chủ nhà đã ngủ say mới dám lẻn vào. (Quan tri huyện gật đầu tán thành, quan án sát sôi nổi nói tiếp). Đệ thiên về ý nghĩ cho rằng đúng lúc Tống bỏ mũ trùm, cởi áo thụng và mặc áo dài ban đêm đi ngủ thì nghe ngoài vườn có tiếng gõ cổng. Anh ta lại đội mũ vào ra vườn xem ai gọi.
- Đúng quá! – Quan tri huyện Lã thốt lên. – Thế ra ông cũng để ý đến những vết bùn dính ở đôi giày vải của nạn nhân.
- Thật vậy. Người khách đến thăm lúc nửa đêm ấy có thể đã quen biết Tống. Vì thế chàng thư sinh đã mở cổng mời hắn vào và hẳn là để khách đợi mình ở phòng đọc sách rồi sang buồng ngủ để thay áo ra tiếp khách. Nhưng Tống vừa quay đi thì tên sát nhân đã tấn công anh ta từ phía sau lưng. Đệ nói từ phía sau lưng là căn cứ vào hình dạng vết thương dưới mang tai phải của nạn nhân. Dù sao tên sát nhân cũng đã phạm một sai lầm không thể sửa chữa, đó là việc hắn đã để nguyên cái mũ trùm ở chỗ nó rơi xuống. Lẽ ra hắn phải chùi các vết máu ở chiếc mũ đi và đặt vào đúng chỗ cần phải đặt: trên chiếc tủ đầu giường kia chẳng hạn.
- Tất nhiên rồi! – Quan tri huyện lại thốt lên. – Nhưng bây giờ ông thử phân tích động cơ của thủ phạm xem đây có phải là một vụ giết người lấy của hay không? Về cái gọi là động cơ của hành vi phạm pháp, ông Địch ạ, tôi thấy vụ này hoàn toàn có vẻ một vụ giết người vì sợ bị phát giác lấy trộm.
- Sợ bị phát giác lấy trộm? – Quan án sát sửng sốt nhổm người lên. – Điều gì làm quan bác nghĩ đơn giản như vậy?
Quan tri huyện lấy một quyển sách trên giá và mở đến một chỗ được đánh dấu bằng một mẩu giấy nhỏ chữ viết nguệch ngoạc.
- Đây tiên sinh xem! Bà mẹ ông Minh là một bà có tuổi, tính rất cẩn thận, đã xếp đặt tủ sách của bà ấy rất ngăn nắp, nhưng ngăn nắp nhiều chỗ bị đảo lộn. Ngoài ra mỗi lần đọc một bài thơ tâm đắc bà ấy thường ghi những lời chú thích của mình vào một mẩu giấy như thế này và đặt vào chỗ có bài thơ. Trong lúc nói chuyện với ông Minh tôi có mở một vài quyển ra xem thì thấy nhiều mẩu giấy đặt cẩu thả hoặc đặt không đúng chỗ, một vài mẩu giấy bị gập lại. Chắc là… tôi muốn nói, có thể chính chàng thư sinh đã làm việc đó! Nhưng tôi lại thấy có nhiều vết tay in trên lớp bụi phủ trên các ngăn đằng sau những quyển sách. Theo tôi tên sát nhân bới tung gian thư viện chẳng qua để cố ý làm cho người ta tưởng nó sục sạo tiền bạc của cải. Nhưng thực ra cái nó định tìm không phải tiền bạc mà là một tài liệu quan trọng gì đó, bởi vì một tủ sách đồ sộ thế này dùng làm chỗ giấu tài liệu thì không đâu tốt bằng, chỉ cần bỏ tài liệu vào một quyển sách đã được xác định! Khi có kẻ cần tìm tài liệu đến phải dùng thủ đoạn giết người thì ta hoàn toàn có thể nghĩ đó là tài liệu nguy hiểm! Tôi nói một vụ sợ bị phát giác lấy trộm là như vậy.
- Bác Lã ạ, thế là quan bác vừa làm nổi lên một vấn đề mới rồi đó. Những nhận xét của quan bác đã khẳng định cái lý của quan bác rằng tên sát nhân đang tìm một tài liệu quan trọng. – Quan án sát vừa nói vừa vỗ vào tập giấy để trên bàn. – Đây là kết quả việc nghiên cứu lịch sử của phó bảng Tống. Nó gồm có sáu trang đầu viết chi chít những dòng chữ nhỏ, lối chữ của người có ý thức học hỏi chuyên cần. Mười lăm trang cuối chưa viết đến còn để giấy trắng. Ta có thể thấy Tống là một thanh niên làm việc có phương pháp. Anh ta đã đánh số từng trang giấy. Vậy mà thứ tự các trang giấy đã bị đảo lộn và trên một vài trang giấy trắng đệ còn thấy cả những vết ngón tay. Việc này khiến đệ nghĩ đến có người nào đó đã mở tập giấy ghi chép của Tống ra xem. Nếu là kẻ trộm, không đời nào nó chịu làm cái việc mất thì giờ ấy!
Quan tri huyện đứng dậy trút một hơi thở dài.
- Tên vô lại hẳn đã tìm được tài liệu. Nó có thì giờ suốt đêm để làm việc đó. Ông Địch ạ, tôi cho rằng chúng ta phải xem kỹ lại hiện trường một lần nữa.
Hai người cùng đứng lên đi kiểm tra lại gian thư viện. Sau khi phân loại và xếp vào ngăn kéo những giấy tờ vương vãi trên mặt đất, quan án sát nhận xét:
- Đây chỉ là những biên lai hoá đơn và các giấy tờ khác của gia đình ông Minh. Vật duy nhất thuộc về Tống chỉ có quyển sổ nhỏ này ngoài bìa đề “Những điệu nhạc dùng cho sáo trúc” do anh ta viết và đóng dấu ấn riêng. Đó là một loại nhạc dàn bè phức tạp viết bằng ký hiệu, đệ phỏng đoán thế bởi vì đệ mù tịt chẳng hiểu thứ ký hiệu này. Có đến khoảng một tá bản nhạc như vậy không đầu đề cũng chẳng có lời.
Quan tri huyện vừa quan sát xong chỗ nền nhà dưới tấm thảm, ngẩng lên nhận xét:
- Đúng rồi. Tống chơi sáo. Anh ta có một cây sáo trúc dài treo trong buồng ngủ. Sở dĩ tôi để ý là vì tôi cũng chơi sáo.
- Thế quan bác đã thấy cách ghi nhạc như thế bao giờ chưa?
- Chưa bao giờ. Tôi chơi theo lối truyền miệng. Tôi nghe người ta hát rồi thổi vào sáo. – Quan tri huyện kiêu hãnh trả lời. – Thôi bây giờ ta sang buồng ngủ ông Địch ạ, ở đây không còn gì nữa.
Quan án sát nhét quyển nhạc vào ống tay áo và đi theo quan tri huyện sang buồng bên. Người nhân viên khám nghiệm tử thi đang lúi húi viết bản tường trình. Quan tri huyện giơ tay với lấy cây sáo trúc buộc bằng sợi dây lụa treo ở cái đinh đóng trên vách. Ông vén tay áo và bằng cử chỉ dứt khoát đưa cây sáo lên môi. Nhưng chỉ thổi được mấy tiếng the thé lạ tai, quan tri huyện vội bỏ sáo xuống vẻ bối rối:
- Tôi thổi sáo cũng không đến nỗi tồi. Tuy nhiên đã lâu không sờ đến… ờ… ờ… chỗ này mà giấu tài liệu thì tốt lắm đây… Cứ việc cuộn lại…
Quan tri huyện hí hửng giơ cây sáo lên nhòm kỹ vào trong ống sáo rồi lắc đầu bực bội. Sau đó hai vị quan huyện đến xem chiếc rương đựng quần áo của nạn nhân. Trong rương chỉ có những giấy căn cước của Tống và một vài tài liệu liên quan đến khoá thi văn của anh. Tuyệt nhiên không có một lá thư riêng hay một mảnh giấy nào có bút tích của Tống.
- Cứ như tình trạng tư trang của Tống. – Địch án sát vừa rũ áo vừa nhận xét, – thì có lẽ anh ta không quen biết một ai trong thị trấn này. Ngay ông Minh chủ nhà cũng rất ít khi được tiếp xúc với người khách thuê nhà của mình. Phải thẩm vấn lũ đầy tớ phục dịch Tống mới được, bác Lã ạ.
- Việc ấy xin để ông làm giúp. Bây giờ tôi phải về ngay để tỏ lòng kính trọng đối với các vị thượng khách, có phải thế không tiên sinh Địch? Ngoài ra các bà vợ thứ nhất, thứ bảy và thứ tám của tôi cũng đòi về sớm, các bà ấy muốn hỏi ý kiến về việc mua sắm cho ngày Tết trung thu.
- Đệ hoàn toàn nhất trí với quan bác. Đệ xin đảm đương việc quan bác giao phó.
Trong lúc tiễn ông bạn đồng sự ra cổng, quan án sát nói thêm:
- Tết trung thu là ngày hội lớn của bọn trẻ. Quan bác có mấy đứa rồi bác Lã?
Khuôn mặt quan tri huyện hửng lên một nụ cười cởi mở:
- Mười một con trai, sáu con gái! – Ông hãnh diện trả lời nhưng ngay sau đó mặt ông lại trở nên bi đát. – Tôi có tám bà vợ tất cả. Ông có biết không, đó là cả một gánh nặng ông Địch ạ! Thoạt bước vào con đường công danh tôi chỉ có ba bà. Sau thì… cái nghề đời ông còn lạ gì, mới đầu gặp người ta ở đâu đó, rồi phải lòng, rồi dẫn người ta về nhà mình, cho đó là chuyện thường tình. Thế rồi vào một ngày đẹp trời bỗng dưng thấy mình có thêm một vợ! Kể ra cũng ngao ngán lắm ông Địch ạ, nếu như cứ khư khư tưởng rằng một sự thay đổi như thế sẽ có thể ảnh hưởng tốt đến cá tính của các bà vợ! Tôi nghĩ cô vợ thứ tám của tôi trước là một cô gái trẻ đẹp, dễ gần, cô ấy làm vũ nữ ở phòng khách Bích Ngọc… (Quan tri huyện chợt gõ ngón tay lên trán). Chết rồi, tí nữa thì quên! Tôi còn phải đến phòng khách Bích Ngọc chọn mấy cô vũ nữ giúp vui cho bữa cơm tối nay. Tôi cần phải giữ thể diện với các vị quan khác, cho nên phải đích thân đi chọn các vũ nữ ông Địch ạ. Các vị khách của tôi toàn là những bậc cao sang, họ có quyền đòi hỏi những gì hay ho nhất. Vâng, vâng, phòng khách cũng gần đây thôi.
- Đấy là chỗ để người ta hẹn hò với nhau à?
Tri huyện Lã ném về phía án sát Địch một cái nhìn chê bai.
- Ôi dào, ông bạn thân mến, ông thắc mắc cái đó làm gì! Cứ coi đấy là một cái ổ của đám người tài hoa ở địa phương này hay là một trung tâm khởi xướng các hình thức nghệ thuật giải trí cũng được.
- Trung tâm khởi xướng, ồ… quan bác muốn gọi là gì mặc quan bác. Tuy nhiên nếu biết được chàng phó bảng cũng có lần nào đến đấy để làm khuây khoả cảnh sống cô đơn theo đúng phong cách hiệp sĩ, thì cũng hay đấy nhỉ. Việc ấy bác thử tìm hiểu xem, bác Lã ạ.
- Vâng, tôi sẽ tìm hiểu. Tôi cũng còn phải chăm lo đến một việc bất ngờ nho nhỏ nữa, – quan tri huyện lén mỉm cười, – đặc biệt dành riêng cho ông trong bữa tiệc tối nay đây tiên sinh ạ.
- Ôi dào, chuyện ngoài đề! – Quan án sát gạt đi. – Có lẽ đệ phải thú thật với quan bác rằng đệ đã phải khó khăn vất vả và lắm mới hiểu được tại sao trong lúc công việc cấp bách như thế này mà quan bác vẫn còn đùa được?
- Ông không hiểu tôi rồi tiên sinh ơi. – Quan tri huyện giơ hai tay lên trời. – Câu chuyện bất ngờ nho nhỏ của tôi liên quan đến một vấn đề hóc búa về tư pháp cơ đấy!
- À nếu vậy thì hay. Đệ… đệ… hiểu quan bác rồi, – quan án sát tỏ vẻ ngượng nghịu. – Theo đệ, dù sao đi nữa, – ông mạnh mẽ nói thêm – chúng ta rất có thể phải chuyển sang một loại việc hình sự bổ sung bác Lã ạ. Vụ giết phó bảng Tống là một vụ hình sự rất rắc rối, quan bác hẳn cũng đã thấy. Giả sử anh chàng thư sinh xấu số là người gốc ở địa phương này, ít ra chúng ta còn có chỗ để mà tìm tòi. Đằng này anh ta như trên trời rơi xuống… Đệ sợ…
- Ông Địch ạ, ông biết đấy, tôi không bao giờ để lộn công việc vào với trò vui giải trí, – quan tri huyện ngắt lời quan án sát. – Vụ giết phó bảng Tống bao giờ cũng là một trong những công việc trọng tâm của tôi. Còn về cái việc bất ngờ tôi định dành cho ông hoàn toàn chỉ là một dự kiến có tính chất lý thuyết. Những hậu quả pháp lý của nó sẽ chẳng mảy may động chạm đến chúng ta. Ông sẽ có dịp gặp gỡ một nhân vật chủ chốt trong bữa ăn tối nay. Đó là một điều bí hiểm. Nó sắp diễn ra và làm ông say mê cho mà xem!
Án sát Địch nhìn bạn đồng nghiệp bằng cái nhìn ngờ vực. Rồi đột nhiên ông nói:
- Bác Lã, đệ đề nghị quan bác cho người quản gia dẫn hai con bé gia nhân vẫn phục vụ cơm nước cho Tống đến đây. Và xin quan bác bảo mang đến cho đệ một chiếc cáng. Như vậy có được không quan bác?
Lúc tri huyện Lã bước vào lối đi xuyên quan vườn cây thì đã có hai người lính mang một cái cáng tre đến. Họ tránh sang hai bên nhường lối cho quan tri huyện. Quan án sát bảo họ vào trong buồng. Xác nạn nhân được quấn vào một cái chiếu đặt lên cáng. Quan án sát xem qua bản báo cáo khám nghiệm do người nhân viên đưa cho. Đọc xong ông luồn vào ống tay áo và bảo:
- Trong bản báo cáo, ông viết: “Chỉ có một vết thương do một vật có lưỡi sắc gây ra”. Tôi thấy vết thương của nạn nhân không được rõ rệt. Ông có nghĩ đến một cái đục, một cái giũa gỗ hay một thứ dụng cụ nào khác của thợ mộc hay không?
- Bẩm ngài, điều ấy hoàn toàn có thể, – người nhân viên trả lời bằng giọng miễn cưỡng. – Nhưng tôi không muốn phỏng đoán sâu hơn khi chưa có một tí dấu hiệu nào về vũ khí gây án.
- Được, ông có thể về. Tôi sẽ chuyển báo cáo này cho quan tri huyện.
Một ông già lưng còng dẫn hai người con gái vào cho quan án sát. Cả hai cô đều mặc áo dài màu xanh da trời bó sát vào người, thắt dải lưng đen khổ rộng. Cô gái trẻ nhất có thân hình nhỏ nhắn và đặc biệt khuôn mặt không được đẹp. Ngược lại cô thứ hai khuôn mặt tròn trĩnh và gợi cảm, cử chỉ tỏ ra có ý tứ. Quan án sát ra hiệu cho các cô gái đi theo ông vào gian thư viện. Sau khi ông ngồi vào chiếc ghế bành, ông già quản gia lấy tay ẩy vào lưng cô gái nhỏ nhắn đẩy cô ta lên phía trước và cúi rạp người xuống thưa:
- Bẩm quan con bé này tên là Mẫu Đơn. Nó phục vụ bữa ăn trưa cho ông Tống và đảm đương việc nội trợ dọn giường chiếu. Con bé kia tên là Cúc, chuyên phục vụ bữa ăn tối.
Quan án sát mở đầu bằng một giọng nghe rất dễ thương:
- Này Mẫu Đơn, ông Tống chắc rất cần đến nhà ngươi giúp việc, nhất là những khi ông ấy có khách đến chơi có phải không?
- Ồ, bẩm quan không phải thế. Ông Tống chẳng bao giờ có khách đến chơi. Còn công việc ở đây không có gì chúng cháu phải ngại. Từ khi cụ bà mất đi, gia đình này sống rất thoải mái dễ chịu. Cả nhà chỉ có ông chủ, bà chủ thứ nhất, bà chủ thứ nhì, và các cô các cậu con của ông bà. Bẩm quan mọi người đều đối xử với chúng cháu rất tử tế, ông Tống cũng thế, cũng là người tử tế. Mỗi lần cháu giặt quần áo cho ông ấy, ông ấy đều thưởng cho một ít tiền.
- Nhà ngươi có lần nào nói chuyện với ông ấy không?
- Không ạ. Toàn là “chào ông ạ” thế thôi. Ông ấy là một nhà thông thái vĩ đại. Cháu nghĩ giờ đây…
- Thôi được. Ta cảm ơn nhà ngươi. Cho Cúc vào đây. – Quan án sát bảo ông già quản gia nô.
Khi trước mặt quan án sát chỉ còn cô bé nữ tì, ông bắt đầu nói:
- Mẫu Đơn trông hơi quê kệch có phải thế không, Cúc? Nhưng nhà ngươi thì ta thấy có vẻ tinh nhanh và sáng dạ hơn đấy.
Quan án sát cứ tưởng Cúc sẽ nhoẻn miệng cười với ông. Nào ngờ nó lại giương mắt nhìn thẳng vào mặt ông, trong đáy mắt thoáng vẻ sợ sệt. Nó chợt hỏi:
- Bẩm quan lớn có phải cụ quản gia vừa nói với quan lớn rằng ông Tống bị cắn vào cổ không ạ?
- Nhà ngươi nói gì? Ông Tống bị cắn vào cổ à? – Quan án sát dựng đứng lông mày kinh ngạc. – Cái gì cắn? Sao lại kỳ cục thế?
Ông ngừng lại giữa câu nói và liên tưởng đến vết thương ghê tởm ở cổ họng nạn nhân.
- Nhà ngươi nói đi, – ông bực bội giục đứa hầu gái, – sao nhà ngươi lại bảo là ông ấy bị cắn vào cổ?
- Dạ, ông Tống chẳng có một người bạn gái đó thôi. – Con bé vừa nói vừa so vai rụt cổ, hai cánh tay của nó ép sát vào nhau buông thõng trước ngực, mắt gườm gườm nhìn quan án sát. – Chiều hôm nọ cháu với cụ quản gia đi đến quán trà lớn cách đây một phố. Cháu đứng trong ngõ hẻm sau quán trà nói chuyện với người bạn trai của cháu thì thấy ông Tống mặc quần áo đen lẻn đi như kẻ trộm…
- Nhà ngươi có nhìn rõ mặt cô bạn gái của ông Tống không?
- Bẩm quan không ạ. Nhưng cách đây độ nửa tháng ông Tống hỏi cháu cửa hiệu bán kim hoàn sau đền thờ Đức Khổng Tử có bán loại trâm cài tóc đầu tròn không? Chắc ông ấy muốn mua tặng người bạn gái. Cô ta… chính cô ta đã giết ông ấy…
Trong đáy mắt quan án sát thoáng hiện những tia bối rối. Lát sau ông chậm rãi hỏi người nữ tì:
- Thật sự nhà ngươi định nói gì?
- Bẩm quan, cô ta… Cô ta đúng là con cáo cái. Cáo cái biến thành gái đẹp để mê hoặc đàn ông. Khi ông Tống đã hoàn toàn say mê, nó mới cắn cổ…
Thấy quan án sát cười tỏ vẻ xem thường câu chuyện mình kể, con bé vội nói thêm:
- Bẩm quan, đúng ông Tống đã bị mê hoặc, cháu xin thề! Chính ông Tống đã xác nhận vì có một lần ông ấy hỏi cháu vùng này có nhiều cáo không? Cáo thường sống tụ tập ở đâu?…
Quan án sát ngắt lời cô gái:
- Nhà ngươi còn ít tuổi, có trí hiểu biết, sao lại tin vào những chuyện phù thuỷ ấy. Cáo là loài vật nhỏ bé, thông minh, ngộ nghĩnh và không làm hại ai cả!
- Bẩm quan lớn dân chúng ở đây không nghĩ thế, – người nữ tì bướng bỉnh trả lời. – Đúng là ông Tống bị mụ đàn bà cáo ấy mê hoặc. Nếu ngài được nghe những bài sáo ông Tống thổi lúc chập choạng tối thì ngài sẽ rõ. Tiếng sáo bí ẩn vọng đến tận cuối vườn. Một lần đang chải tóc cho cô chủ, cháu nghe thấy tiếng sáo của ông ấy…
- Khi ta đi ngang qua dãy nhà ở của ông Minh thấy một cô gái rất đẹp. Có phải đấy là con gái ông ấy không?
- Bẩm vâng, chắc thế. Cô ấy chẳng những đẹp mà còn cư xử rộng lượng và tử tế đối với tất cả mọi người. Mới mười sáu tuổi đã có nhiều năng khiếu thơ, người ta bảo thế.
- Thôi bây giờ trở lại câu chuyện về người bạn trai của ngươi đi. Ngươi vừa nói ông Tống đến phòng trà phải không? Ống ấy đến đấy làm gì? Để làm việc à? Nhà ngươi nói phòng trà cách đây rất gần phải không?
- Bẩm quan không phải thế. Người bạn trai của cháu bảo anh ta chưa trông thấy ông Tống đến phòng trà lần nào. Bạn cháu thông tỏ tất cả các quán trà và các quán ăn rẻ tiền ở vùng này. Nhưng xin ngài đừng nói gì về anh ta với ông chủ cháu. Anh ta là người rất lạc hậu và…
- Nhà ngươi không lo. Ta sẽ không nói gì với chủ ngươi cả. – Quan án sát hứa và đứng dậy. – Ta rất cảm ơn nhà ngươi.
Ra khỏi gian thư viện, quan án sát yêu cầu lão quản gia đưa ông đến cổng chính, nơi có chiếc kiệu nhỏ đang chờ ông.
Trên đường trở về toà án, quan án sát tiếp tục suy nghĩ về các sự việc xung quanh vụ án mạng. Ông tin rằng vụ án sẽ không thể đưa ra ánh sáng trước ngày ông trở về huyện Phố Dương vì nó khá rắc rối. Tuy nhiên ông vẫn tin rằng quan tri huyện nhất định sẽ biết cách gỡ rối. Chắc chắn ông sẽ tìm được đáp số đúng cho bài toán. Người bạn đồng nghiệp của ông đã đưa cuộc điều tra vào những nơi tiệc tùng vui vẻ chiêng khua trống gõ. Ống ấy tìm thủ phạm ngay từ trong nhà ông ấy tìm ra. Tay nhà buôn Minh tú tài đã quá hấp tấp khi cố tìm cách làm cho quan tri huyện tin rằng vụ giết người do một tên trộm gây ra. Vấn đề xem ra chứa đựng đủ mọi khả năng rất lý thú.
Quan án sát lấy trong tay áo sáu trang giấy ghi chép của phó bảng Tống. Ông mở ra và chăm chú đọc, hai chân duỗi thẳng thoải mái trên chiếc ghế ngựa lót đệm, tay mân mê chòm râu dài. Các trang giấy được ghi chép khá công phu. Nội dung mô tả tỉ mỉ các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa mà lịch sử chính thống không nhắc đến và những điều dẫn giải về tình hình kinh tế địa phương trong thời kỳ nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân cách đây hai thế kỷ. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu còn hết sức hạn chế so với mười lăm buổi chiều chàng phó bảng đã bỏ công sức ra nghiên cứu. Quan án sát định bụng sẽ tìm cách hướng sự chú ý của quan tri huyện vào những vấn đề thực tế hơn. Ví dụ như việc nghiên cứu lịch sử của Tống chẳng hạn. Theo ông, đó chỉ là cái cớ, chỉ là khúc nhạc dạo đầu. Thực ra chàng phó bảng đến Tần Hoài vì một mục đích hoàn toàn khác. Điều thú vị là những câu chuyện dị đoan về con cáo. Những câu chuyện đã ăn sâu bám rễ vào đầu óc dân chúng vùng này. Khắp nơi, con cáo trở thành một biểu tượng tín ngưỡng trong dân gian. Người ta gán cho con cáo những quyền lực siêu tự nhiên. Những người viết sách ở kẻ chợ tìm được cái thú là thả sức bịa đặt ra đủ mọi thứ chuyện về con cáo: nào là cáo biến thành gái đẹp để mê hoặc các chàng trai si tình, nào là biến thành cụ già để đánh lừa những người nhẹ dạ. Còn những cây bút cổ truyền thì biến con cáo thành những phép màu chống lại điều ác. Trong các lâu đài cổ kính, đền đài các dinh thự và các công trình công cộng, người ta thấy không ít những bàn thờ nhỏ thờ thần cáo, coi đó như một sức mạnh tối linh giúp con người tránh xa được điều ác, che chở con người trước mọi hiểm hoạ, đặc biệt che chở loại người tiêu biểu cho quyền lực, loại người tự cho mình có trách nhiệm lớn đối với xã hội. Quan án sát nhớ đã có lần trông thấy một bàn thờ như thế trong dinh thự của ông bạn đồng nghiệp.
Ông băn khoăn tự hỏi không biết câu chuyện bất ngờ quan tri huyện định dành cho mình trong bữa tiệc tối nay là cái gì? Xưa nay ông vẫn phải dè chừng với người bạn thích hài hước và hay trêu chọc này. Ai mà biết được tối nay ông ấy sẽ giở những trò nghịch ngợm tai hại gì? Quan tri huyện đã tiết lộ với ông có một người trong số các quan khách được ông ấy mời đến dự tiệc dính líu vào một vụ án mạng. Vị khách có vấn đề dính líu ấy cố nhiên không phải là ngài viện sĩ Viện hàn lâm, cũng không thể là ngài thi sĩ triều đình. Hai vị này chẳng những thuộc hàng quan chức cao cấp của triều đình mà còn là những nhà đại văn hào có tên tuổi vang lừng khắp bốn phương. Họ có thừa năng lực và quyền hành để tự giải quyết ổn thoả mọi việc công hoặc tư của họ cho dù những việc ấy thuộc dân sự, hình sự hay bất cứ lĩnh vực nào khác! Vậy thì chỉ có Người Đào Huyệt bí ẩn! Dù sao cuối cùng sự việc rồi cũng phải phơi bày ra ánh sáng…
Nghĩ đến đây, quan án sát cảm thấy hai mi mắt của mình cứ nhíu lại.

Chương 5: Quan án sát thèm một chén trà-Ông cảm thấy ép buộc phải đọc thơ trong lúc đang khát khô cổ

Khu toà án đối diện với tư dinh của tri huyện Lã. Trong lúc bước lên những bậc thềm rộng của khu toà án, quan án sát máy móc nhìn vào quang cảnh làm việc bận rộn của một tá viên chức toà án. Họ đang ngồi cặm cụi sau những cái bàn chất đống các hồ sơ và công văn giấy tờ các loại. Toà án là trung tâm bộ máy cai trị của toàn huyện. Nó không chỉ là nơi xét xử công lý mà còn là nơi giải quyết mọi công việc trong dân như làm giá thú, khai sinh, khai tử, mua bán bất động sản… Ngoài ra, toà án cũng chính là cơ quan thu thuế, kể cả loại thuế điền địa.
Đến chỗ đầu thềm có dãy rào thưa chắn ngang trước cửa, quan án sát nhìn qua lớp song thưa thấy viên cố vấn của quan tri huyện đang lúi húi sau chiếc bàn làm việc. Ông chưa tiếp xúc với Cao bao giờ, chỉ nhận ra ông ta qua hình dáng bề ngoài. Nhưng điều đó không làm cho ông ta đắn đo và cứ thế đi thẳng vào một văn phòng bài trí hết sức chu đáo. Cố vấn Cao ngẩng đầu lên trông thấy quan án sát, vội vàng rời khỏi ghế.
- Kìa, chào quan án sát. Xin mời ngài ngồi. Ngài xơi một chén trà chứ ạ?
- Thôi, thôi, xin ông đừng bận tâm, ông Cao. Tôi chỉ qua đây gặp ông một chút. Bên cư xá mọi người đang chờ. Thế quan tri huyện đã nói gì với ông về việc chúng tôi đến nơi xảy ra vụ án mạng chưa?
- Dạ quan tri huyện vội về tiếp khách nên chỉ ghé qua đây nhắc tôi viết tờ trình gửi lên quan thượng thư Bộ Giáo dục nhờ báo tin cho gia đình nạn nhân. Trong tờ trình tôi cũng xin quan thượng thư quan tâm đến nguyện vọng của gia đình người ta xung quanh việc tổ chức tang lễ. – Cao vừa nói vừa đưa bản nháp cho quan án sát xem.
- Tốt lắm, ông Cao. Ông viết thêm một bản báo cáo nữa nói rõ lai lịch của nạn nhân thì hồ sơ của ta sẽ đầy đủ hơn.
Sau khi trao trả bản nháp cho viên cố vấn, quan án sát nói tiếp:
- Ông Minh có cho tôi biết ông là người đã giới thiệu ông ta với phó bảng Tống. Chắc ông biết rõ ông nhà buôn đấy lắm nhỉ?
- Thưa quan án sát, tôi biết ông ấy rất rõ. Chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau ngay tại đây trong một ván cờ tướng cái hôm tôi vừa thuyên chuyển về huyện Tần Hoài. Đến nay thấm thoắt đã được năm rồi đấy. Thường cứ tuần lễ một lần chúng tôi gặp nhau chơi cờ tướng. Ông ta là người có tâm hồn cao thượng. Chỉ phải cái tính hơi bảo thủ nhưng cũng chưa đến nỗi lạc hậu với thời cuộc. Và là một tay chơi cờ tướng đáng gờm.
- Nếu vậy chúng ta có thể nói ông Minh từ trước đến nay vẫn giữ được nề nếp gia đình, không có điều tiếng hay một sự liên lạc mờ ám nào, phải không ông Cao?
- Vâng, tuyệt đối không. Tôi xin cam đoan gia đình ông ta là một gia đình mẫu mực. Tôi đã có dịp được giới thiệu với bà mẹ ông ấy. Ở vùng này có rất nhiều người biết tài làm thơ của bà cụ. Đứa con trai của ông Minh cũng là một đứa trẻ thông minh. Mới mười lăm tuổi nó đã học hết chương trình ở tỉnh.
- Quả thật ông Minh đã gây cho tôi ấn tượng tốt ngay từ lúc mới gặp. Thôi nhé, cảm ơn ông Cao về những điều ông vừa cho biết.
Viên cố vấn tiễn chân quan án sát tới tận cổng dinh thự của quan tri huyện. Khi quan án sát sắp bước vào khu dinh thự, có một người lính cao lớn to ngang, đôi vai chắc nịch từ trong bước ra. Anh ta mặc áo chẽn thâm gấu viền đỏ, lưng đeo kiếm, chiếc lông vũ đỏ dài cắm trên mũ sắt cho thấy anh ta là đội trưởng đội bảo vệ của tỉnh. Quan án sát toan hỏi người lính xem có thư của quan tuần phủ gửi cho ông không nhưng thấy ở cổ anh ta đeo một tấm thẻ đồng hình tròn chứng tỏ anh ta đang thi hành công vụ đặc biệt giải tù lên kinh đô, ông lại thôi, không hỏi nữa.
Người sĩ quan cao lớn vội vã vượt qua sân để đuổi kịp ông cố vấn. Kẻ tội phạm nào quan trọng mà phải dẫn giải lên kinh đô? Câu hỏi thắc mắc thoáng qua đầu quan án sát. Ông bước tiếp sang bên phải sân và đẩy một cánh cửa sơn son tiếp giáp với mảnh sân con và dãy nhà quan tri huyện dùng làm tư thất. Mảnh sân con nhỏ bé nhưng hài hoà cân đối nằm gọn giữa những bức tường cao vây bọc xung quanh tạo cho nó một không gian hiền hoà ấm cúng và dễ chịu. Có hai bậc thềm rộng nối vào một hành lang dài men theo dãy buồng ngủ rộng rãi khang trang. Đó là dãy buồng ngủ dành cho các quan khách. Mảnh sân con lát gạch vuông màu có một bể cá vàng xinh xinh với hòn non bộ đặt chính giữa. Quan án sát dừng lại một lúc trên đường hành lang có mài gỗ son màu đỏ tươi, say sưa ngắm phong cảnh kỳ thú trước mắt. Đây là những khóm trúc nhỏ và thưa, kia là một lùm cây con quả chín đỏ từ trong hốc đá của hòn non bộ phủ xanh rêu mọc vươn ra. Chỗ góc tượng nổi bật hẳn lên những ngọn cây thích cao to mọc ngoài bãi cỏ xung quanh dinh thự. Ngọn gió mùa hiu hiu thổi. Các tán lá lao xao như đùa giỡn trong gió, phô ra đủ các màu sắc đỏ nâu vàng, những sắc điệu dịu ngọt của mùa thu.
Lúc này ước độ bốn giờ chiều. Quan án sát quay lại đẩy tấm rào chắn trước cửa phòng mình và đi thẳng đến chỗ có ấm trà để trong giỏ. Nhưng ông hoàn toàn thất vọng. Trong ấm không có một giọt nước. Ông tặc lưỡi: “Cũng chẳng quan trọng”. Ngay bây giờ ông sẽ đến tiếp kiến hai vị khách quan trọng và nhất định sẽ được họ mời uống trà. Nhưng liệu có cần thay bộ quần áo khác cho chỉnh tề hơn một chút không? Đây là bài toán số một ông phải giải đáp. Đối với ông, ngài viện sĩ và ông thi sĩ triều đình đều là những bậc đàn anh. Họ hơn ông cả về trình độ hiểu biết và địa vị xã hội. Vì vậy trước mặt họ nhất thiết ông phải ăn mặc cho thật đàng hoàng: phải mặc lễ phục. Thế nhưng hai người ấy hiện nay đều đã chính thức rời khỏi chức vụ của họ. Ông viện sĩ mới về hưu năm ngoái. Thi sĩ Trương thì đã xin triều đình từ chức về nhà để có điều kiện cống hiến trọn vẹn tài năng cho sự nghiệp thi ca của ông. Nếu mặc lễ phục ra mắt lỡ ra họ lại cho là ông định sỉ nhục họ. Họ có thể nghĩ ông định gián tiếp nói rằng ông bây giờ hoàn toàn khác họ ở chỗ ông vẫn là một ông quan! Chà! Khó thật! Nghĩ đến câu ngạn ngữ cổ xưa: “Thà thách thức một con hổ trong hang còn hơn đứng gần một ông quan lớn”. Quan án sát bất giác thở dài.
Cuối cùng ông chọn một chiếc áo thụng màu tím, một chiếc thắt lưng thâm rộng bản với một cái mũ trùm vuông có chóp cao bằng vải chéo thâm và hy vọng cách ăn mặc như thế sẽ giản dị khiêm tốn mà vẫn nghiêm túc đúng mực, chắc sẽ được các vị ấy vừa ý hoan nghênh. Rồi yên trí, ông bước ra khỏi phòng.
Quan án sát để ý thấy các ngôi nhà bên mảnh sân trước đều không có tầng gác nhưng ở một sân khác bên cạnh có một toà nhà lầu có mái hiên rộng. Trên hàng hiên của toà nhà ở chỗ cuối sân chính, bọn đầy tớ nam nữ đang lăng xăng chạy qua chạy lại. Rõ ràng chúng đang bận rộn chuẩn bị bữa tiệc lớn hôm nay. Ông nhẩm tính và ước lượng người bạn đồng sự của ông có lẽ đã sử dụng hàng trăm đầy tớ phục vụ cho bữa tiệc. Đây là cái giá phải trả cho lối sống trưởng giả trong một khu dinh thự nguy nga như thế này. Nghĩ mà rùng mình. Ông hỏi một đứa bé đầy tớ và được nó cho biết quan tri huyện đã bố trí cho ông viện sĩ sử dụng toàn bộ gian thư viện trông ra mảnh sân thứ nhất và bố trí ông thi sĩ triều đình nghỉ ở gian nhà mé sân phải. Ông tặc lưỡi kêu trời và bảo đứa bé trước hết phải dẫn ông đến gian thư viện. Quan án sát gõ ngón tay vào cánh cửa chạm trổ và trong nhà có tiếng nói trịnh trọng mời ông vào.
Thoạt nhìn gian phòng, quan án sát thấy ngay quan tri huyện đã đặt thư viện của ông ấy vào một nơi thật thuận tiện và dễ chịu. Đó là một gian phòng rộng có trần cao ráo. Các cửa sổ lớn đều trang trí hoa văn với những hoạ tiết hình học cầu kỳ nổi bật đằng sau những tấm giấy nền. Các giá sách đều rất đẹp và được bài trí rất cẩn thận dọc theo hai bên vách, thỉnh thoảng lại có một ngăn xen kẽ bày đủ các thứ bát cổ hoặc bình cổ chọn lọc. Các đồ đạc bằng gỗ đều chạm trổ công phu. Mặt bàn ghép bằng đá hoa cương màu, các ghế tựa đều có gỗ đệm bọc lụa điều. Nhiều chậu hoa cúc trắng, hoa cúc vàng đặt trên đế bằng gỗ cẩm lai bày xung quanh một chiếc ghế tràng kỷ đồ sộ kê trước các giá sách.
Trên ghế tràng kỷ một người đàn ông thân hình vạm vỡ nặng nề đang ngồi chăm chú đọc sách. Người đàn ông nhướng một bên lông mày rậm lên nhìn quan án sát như muốn hỏi: Ông là ai? Ông ta mặc một chiếc áo dài màu xanh ngọc bích rộng thùng thình để hở cổ, đầu đội mũ trùm bằng lụa thâm, phía trước mũ đính một viên ngọc thạch tròn màu xanh đục, thắt lưng dài, hai dải thắt lưng rộng buông loà xoà xuống sát đất. Hai bên má có hai chòm râu cắt ngắn cùng với vành râu quai nón như đóng khung lấy khuôn mặt to bè và đôi má nặng nề theo đúng kiểu cách chải chuốt còn thịnh hành trong giới quan lại cao cấp của triều đình thời ấy. Quan án sát biết ngài viện sĩ năm nay đã suýt soát sáu mươi tuổi nhưng chòm râu cằm và chòm râu má vẫn còn đen nhánh như hạt huyền. Ông bước lên cúi đầu chào, hai tay cầm tấm danh thiếp màu đỏ lễ phép chìa ra trước mặt ngài viện sĩ. Ông này để mắt qua loa vào tấm danh thiếp rồi cất tiếng nói sang sảng:
- À! Ông là Địch ở huyện Phố Dương hả? – Rồi cầm lấy tấm danh thiếp nhét vào ống tay áo thụng. – Nói thực với ông cái ông Lã trẻ tuổi cũng đã cho tôi biết rồi. Ông là người cùng cánh với ông ấy chứ gì? Thế nào, không khí ở đây ông thấy có dễ chịu không ông Địch. Chẳng bù với những căn buồng chật chội ở tửu quán dành cho các quan chức. Đêm qua tôi vừa ở đấy ra. Nào, chúng ta làm quen với nhau. Tôi rất vui. Tôi biết huyện Phố Dương của ông vừa làm được một việc hay ông Địch ạ, đã tẩy uế cái đền ấy. Hiện nay ở triều đình ông có những kẻ thù nhưng cũng có những người bạn. Vị quan thanh liêm nào chả thế. Vừa có bạn lại vừa có những kẻ thù!
Viện sĩ đứng lên đi lại chỗ bàn giấy. Ông ngồi xuống chiếc ghế bành và trỏ tay vào một chiếc ghế đẩu thấp gần đấy.
- Nào, ngồi xuống đi ông Địch. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu trước mặt tôi đây này.
Quan án sát ngồi xuống và bắt đầu tuôn ra những lời lẽ rập theo khuôn sáo:
- Thưa ngài viện sĩ, kẻ đang ngồi trước mặt ngài đã từ lâu mong mỏi được dịp bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và vô cùng kính trọng đối với ngài… Rằng nay…
Viện sĩ giơ bàn tay hộ pháp lên phẩy một cái.
- Thôi hãy vứt bỏ tất cả những thứ ấy đi, ông Địch. Tôi với ông đâu phải đang ngồi với nhau ở chốn triều đình phải không? Chỗ này chỉ là nơi họp mặt của những nhà thơ tài tử, thế thôi. Ông cũng biết làm thơ đấy chứ ông Địch?
Viện sĩ chăm chú nhìn quan án sát bằng cặp mắt to. Lòng trắng tương phản rõ rệt với lòng đen.
- Rất ít ạ, – quan án sát giữ thế chủ động đáp. – Tất nhiên hồi còn ít tuổi, đi học tôi có được học cách làm thơ, và cũng đã được đọc những hợp tuyển thơ nổi tiếng trong sách giáo khoa, được xuất bản dưới sự coi sóc rất mực của ngài. Về phần tôi chỉ làm có một bài thơ.
- Ồ, không sao! Sự thành công của các nhân vật nổi tiếng đặt để vào chỉ một bài thơ thôi ông Địch ạ… Dĩ nhiên ông đã dùng nước trà của ông ở phòng khách rồi, tôi thiết nghĩ như vậy nên cũng không dám mời – Viện sĩ vừa nói vừa kéo chiếc ấm to bằng sứ trắng men xanh về phía mình.
Khi ông viện sĩ rót nước vào chén, một mùi trà ướp hoa cúc toả ra thơm ngào ngạt phả vào các lỗ mũi quan án sát. Viện sĩ bưng tách nước lên nhấp từng ngụm nhỏ rồi nói tiếp:
- Nào, bây giờ ông thử nói xem thơ của ông mô tả cái gì? Ông Địch?
- Đó chỉ là một thể thơ giáo huấn. – Quan án sát trả lời sau khi đã nuốt nước miếng cho cổ đỡ rát. – Chả là hồi đó tôi thử tóm tắt tất cả những điều cần hướng dẫn công việc đồng áng theo từng mùa vào khoảng độ một trăm khẩu thơ.
Viện sĩ ném về phía quan án sát một cái nhìn sững sờ.
- Không! Nhưng mà thật à? Ông nghĩ thế nào mà lại chọn cái đề tài… ờ… đề tài lạ lùng ấy?
- Tôi thiết nghĩ một khi những điều cần hướng dẫn ấy được đặt thành thơ có vần có điệu hẳn hoi thì những người nông dân bình thường cũng có thể tiếp thu một cách dễ dàng hơn.
Viện sĩ cả cười:
- Nghe câu trả lời của ông chắc mọi người sẽ cho là ngớ ngẩn. Riêng tôi thì không. Thực tế thơ bao giờ cũng dễ nhớ. Không chỉ vì nó vần mà nhất là vì nó rung động cùng một nhịp với trái tim và hơi thở của chúng ta. Nhịp điệu là xương sống của thơ cả và cả văn xuôi nữa. Ông thử đọc bài thơ của ông tôi nghe xem nào.
Quan án sát cựa mình trên chiếc ghế đẩu như đang bị vướng vào một cái gì:
- Thật ra bài thơ tôi viết cách đây cũng hơn mười năm. E rằng nay không còn nhớ chính xác được nữa. Nhưng nếu ngài cho phép, tôi sẽ chép hầu ngài một bản bởi vì…
- Thôi, không phải làm cái việc nhọc lòng ấy làm gì ông Địch. Tôi xin nói với ông một cách hết sức thành thực rằng nếu vậy thì bài thơ của ông là một bài thơ tồi. Nếu là bài thơ hay thì ông không thể nào quên được đâu. Thế ông đã đọc bài thơ “Tấm giấy da cừu hảo hạng gửi cho các sĩ quan và binh lính quân đoàn bảy” chưa?
- Dạ bài thơ ấy thì tôi thuộc lòng từng chữ, – quan án sát thốt lên – Đó là một bài hịch đầy sức cổ vũ gửi cho một binh đoàn đang tháo chạy đã làm đảo ngược cả thế trận. Ôi! Những câu mở đầu của bài thơ lịch sử ấy…
- Thế đấy ông Địch ạ. Ông sẽ không bao giờ quên được bài thơ ấy bởi vì đó là một áng văn chương tuyệt vời. Nó làm rung động trái tim và thấm vào máu của tất cả binh lính và sĩ quan trong quân đội. Vì sao trong khắp vương quốc đến bây giờ thiên hạ vẫn còn đọc nó. Chính tôi là người đã làm ra bài thơ ấy cho nhà vua, nhân tiện tôi nói điều đó cho ông rõ. Này, ông Địch, ông thử phát biểu những suy nghĩ của ông về nền cai trị ở địa phương xem nào. Tôi thích nghe quan điểm của những ông quan ít tuổi, ông hiểu không? Bình sinh tôi là người nắm giữ những trọng trách to lớn ở triều đình, thành thử chúng tôi rất xa cách đối với hàng quan chức tỉnh huyện. Tôi vẫn thường coi đó như một trong rất nhiều cái khó chịu mà bất cứ ai ở địa vị như tôi cũng không thể nào tránh khỏi. Mặt khác, những vấn đề cai trị cấp huyện là những vấn đề tôi hết sức quan tâm ông Địch ạ. Dĩ nhiên đó là cơ quan cai trị thấp nhất nhưng lại là cái gốc quan trọng.
Ông viện sĩ chậm rãi uống cạn tách trà trước con mắt thèm thuồng của quan án sát. Uống xong ông cẩn thận chùi ria mép rồi chuyển câu chuyện sang những kỉ niệm dĩ vãng của ông:
- Tôi cũng bắt đầu sự nghiệp của tôi từ một huyện quan. Nhưng tôi không chỉ giữ có một chức vụ ấy. Sau khi viết xong bản luận án về sự cải cách nền tư pháp, người ta đã bổ nhiệm tôi làm tuần phủ ở phía Nam rồi cũng có lúc thuyên chuyển cả về đây. Cái chính là cách đây vài chục năm, vào dịp ông hoàng thứ chín nổi dậy làm phản. Tôi nói hiện giờ là chúng ta đang ngồi ngay tư dinh của ông ta đấy. Phải, ông Địch ạ, thời gian trôi và bất cứ cái gì cũng đều phải trôi theo. Thế là tôi cho công bố những bài xã luận có tính chất quyết định của tôi về nền văn học cổ điển và được nhà vua bổ nhiệm làm người duyệt bản thảo tại Viện hàn lâm hoàng gia. Có một lần tôi lĩnh trọng trách đi tháp tùng đức vua trong cuộc kinh lý rất uy nghi thanh tra những vùng ở miền Tây. Trong cuộc du hành đó tôi đã sáng tác chùm thơ “Ca ngợi những ngọn núi vùng Tứ Xuyên”. Đó là những bài thơ tôi nghĩ rằng tôi không thể làm hay hơn thế, ông Địch ạ!
Viện sĩ mở banh cúc áo để hở cái cổ to bạnh gân guốc nổi cuồn cuộn. Hình ảnh ấy gợi cho quan án sát nghĩ rằng ông viện sĩ hồi còn trẻ chắc phải là một tay đô vật hay võ sĩ đấu kiếm nổi tiếng. Ông viện sĩ giơ tay với quyển sách mở sẵn trên mặt bàn nói tiếp:
- Tôi tìm thấy cái này trong tủ sách của ông Lã. Đó là tập thơ chọn lọc của ông cố vấn Hoàng viết về Tế Xuyên. Ông ta cũng đi thăm những vùng tôi đã đi qua. Nhưng cảm xúc của chúng tôi đem ra so sánh thì thật là lý thú. Đoạn thơ này rất hay nhưng… (Ông viện sĩ cúi xuống trang sách lắc đầu). Không! Chỗ này ông ta dùng phép ẩn dụ không được đúng lắm (rồi như sực nhớ đến vị khách đang ngồi trước mặt, viện sĩ ngẩng lên cười và nói). Tôi không có quyền làm ông mất vui về những chuyện văn thơ, ông Địch ạ. Chắc ông cũng còn nhiều việc phải làm trước khi đến dự bữa tiệc tối nay nhỉ?
Quan án sát biết ý liền đứng dậy. Viện sĩ cũng đứng lên và mặc dầu khách đã ra sức từ chối, viện sĩ vẫn tiễn chân khách đến tận cửa.
- Tôi hài lòng về buổi nói chuyện của chúng ta ông Địch ạ. Tìm hiểu quan điểm của những ông quan ít tuổi bao giờ cũng là một việc hấp dẫn. Có thể nói họ đã cho tôi cách nhìn mới mẻ đối với các sự vật quanh mình. Thôi nhé, hẹn gặp tối nay!
Quan án sát vội vàng đi về bên cánh trái bởi lẽ cái cổ họng khô khốc của ông vẫn không ngơi đòi hỏi một chén nước trà. Có rất nhiều cửa trông ra hành lang. Ông để ý mãi mà không thấy tên gia nhân nào để hỏi thăm chỗ ở của ông thi sĩ triều đình. Giữa lúc ấy ông thoáng trông thấy một người đàn ông mảnh khảnh mặc áo dài xám đã bạc màu đang chăm chú thả thức ăn cho cá trong một bể nước bằng đá hoa ở cuối hành lang. Người đó đội một chiếc mũ trùm dẹt màu đen có gấu nhỏ viền đỏ. Phải chăng đó là một trong số những viên quản gia của quan tri huyện. Quan án sát đi lại phía người đàn ông.
- Ông làm ơn chỉ dùm ông Trương Lan Bài đáng tôn kính ở phòng nào?
Người đàn ông đứng thẳng người nhìn quan án sát từ đầu đến chân. Rồi ông ta nhếch mép hé một nụ cười nhạt, môi trên mỏng dính nấp dưới vệt ria mép rậm như một nét vạch ngang, hếch lên.
- Ông ấy đây. – Người đàn ông đáp bằng một giọng chán chường. – Chẳng giấu gì ông, tôi, Trương Lan Bài đây.
- Ồ, xin thứ lỗi, – quan án sát vừa nói vừa hấp tấp trao tấm danh thiếp của mình cho nhà thơ. – Tôi đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với ông.
Thi sĩ liếc nhìn tấm danh thiếp với một thái độ dửng dưng:
- Rất lấy làm ưu ái, ông Địch ạ! (Thi sĩ nói như một cái máy, tay trỏ vào bể nước, nói tiếp bằng một giọng sôi nổi hơn). Quan án sát này ông thử nhìn vào đây mà xem, con cá nhỏ trong đám cỏ trong góc bể kia kìa. Ông có thấy ánh mắt bối rối của nó trong đôi mắt to lồi kia không? Nó làm tôi không sao kìm nổi những ý nghĩ về chúng ta, về những con người đang trở thành những quan sát viên ngơ ngác… Mong ông thứ lỗi. – Thi sĩ ngẩng đầu nói thêm – Nuôi cá cảnh là một trong những cách giết thì giờ tôi ưa thích nhất. Nhờ nó mà tôi quên đi được tất cả những thứ hào nhoáng bề ngoài gọi là sự lịch thiệp xã giao. Ông đến đây từ bao giờ thế ông Địch?
- Tôi đến đây từ hôm kia.
- À vâng. Tôi có nghe nói ông tuần phủ về đây để triệu tập các quan tri huyện họp. Những ngày sống ở Tần Hoài chắc ông vừa ý. Tôi là người gốc ở tỉnh này đấy, ông Địch ạ!
- Vâng. Một tỉnh đẹp. Tôi rất vinh dự được tiếp xúc với những nhân vật ưu tú và nổi bật hàng đầu của họ.
- Không, chẳng có gì nổi bật cả, – thi sĩ lắc đầu ngắt lời quan án sát – Khốn nỗi bây giờ có còn gì nữa đâu. (Thi sĩ bỏ chiếc hộp bằng ngà voi đựng thức ăn cho cá vào trong ống tay áo.) Xin lỗi ông Địch, lúc này tôi cảm thấy trong người không được khoẻ. Cuộc viếng thăm nơi thờ cúng tổ tiên một lần nữa lại ném tôi vào dĩ vãng… (Thi sĩ ngừng lại đưa mặt dè dặt nhìn về phía quan án sát). À mà tối nay cũng có thể là tôi sẽ được nổi bật lên một tí trong bữa tiệc đấy ông Địch ạ, bởi vì ông bạn của tôi, cái ông viện sĩ cứ hay lôi kéo tôi vào những cuộc luận chiến văn học với đủ các thứ danh từ hào nhoáng và lập dị. Ông ta có trình độ hiểu biết văn học khá uyên bác. Tài sử dụng ngôn ngữ của ông ấy cũng ít ai sánh kịp. Nhưng phải cái tính hơi kiêu kì… Hẳn là ông đã đến thăm ông viện sĩ trước khi đến đây, – thi sĩ triều đình chợt hỏi với một vẻ e ngại.
- Vâng, đúng thế.
- Thế thì càng hay. Tôi cần nói để ông biết thêm một chút về ông viện sĩ. Nhìn bề ngoài, ông ta có vẻ là một con người phóng đãng. Nhưng vì luôn luôn đánh giá địa vị của mình quá cao nên thật ra trong thâm tâm lúc nào cũng dằn vặt vì một cái chẳng ra gì. Cuộc họp mặt nho nhỏ tối hôm nay chắc sẽ đem cái vui đến cho mọi người. Tôi tin chắc như vậy bởi vì có Lỗ Huynh thì chẳng ai có lý do gì mà buồn. Hơn nữa chúng ta còn có cả một ông bạn đồng nghiệp khá nổi tiếng đó là quan tri huyện Lã. Tôi cho đó là những đặc ân hiếm có đấy ông Địch ạ. Chúng ta cần… (Thi sĩ chợt để ngón tay lên môi). Chết nỗi tôi nói hơi nhiều. Ông Lã là người bạn rất gần gũi của chúng ta, ông ấy yêu cầu tôi giữ kín tiếng! Ông ấy là người rất thích những câu chuyện bất ngờ nho nhỏ. Chắc ông cũng biết tính ông ấy. À quên rất tiếc từ nãy đến giờ tôi không mời ông vào phòng dùng chén trà. Nhưng hẳn ông cũng thấy hôm nay quả thực trong người tôi hơi mệt mỏi. Tôi cảm thấy như người đang thiếu ngủ. Mà có lẽ tôi cũng phải tranh thủ ngủ một tí mới được trước khi tới dự bữa tiệc vui tối nay. Đêm hôm qua ở tửu quán ồn ào quá tôi không sao ngủ yên giấc.
- Vâng vâng, tôi hoàn toàn hiểu. Dĩ nhiên phải như vậy.
Quan án sát kính cẩn vái chào nhà thơ, hai cánh tay khuỳnh ra luồn trong áo thụng. Thế là nhiệm vụ thăm hỏi xã giao coi như đã xong! Ra khỏi hành lang, quan án sát quyết định đi thẳng đến chỗ quan tri huyện để thông báo cho ông ấy những tin tức về việc ông đến gặp hai đứa hầu gái nhà ông Minh như thế nào và nhất là để kiếm vài chén nước trà cho cái cổ họng đang khô cháy của ông nó dịu đi đôi chút.

Chương 6: Hai quan huyện tranh luận về sự tồn tại của giống đàn bà cáo-Một sự việc đầy bất ngờ nho nhỏ đang chờ đợi quan án sát

Quan án sát vào nơi làm việc của Cao. Ông muốn hỏi viên cố vấn xem quan tri huyện có thể tiếp ông được không.
Viên cố vấn rời khỏi chỗ làm việc vài phút rồi quay lại:
- Thưa quan án sát, quan tri huyện cho biết ông rất vui lòng. Quan tri huyện đang làm việc tại văn phòng riêng ở phía trong cùng… Mong rằng sự có mặt của quan án sát sẽ làm cho quan tri huyện phấn chấn. – Viên cố vấn rụt rè nói.
Tri huyện Lã ngồi trên chiếc ghế bành lót đệm sau cái bàn làm việc rất to bằng gỗ mun nhẵn bóng. Ông đang ủ rũ nhìn đống tài liệu trước mặt. Thấy quan án sát bước vào, ông đứng bật dậy nói to:
- Phải tống cổ tất cả cái bọn dương dương tự đắc cho mình là thành thạo nhất chuyên soạn lịch cho bộ Lễ này đi, ông Địch ạ! Phải đuổi hết, đuổi ngay tức khắc! Bọn ấy chẳng hiểu biết gì công việc chuyên môn. Cái lũ ngu xuẩn ấy khẳng định ngày hôm nay là ngày tốt. Thế mà suốt từ sáng đến giờ cái gì hầu như cũng ngược lại!
Ông giận dữ phồng má trợn mắt buông phịch người xuống ghế.
Quan án sát đi lại ngồi xuống chiếc ghế bành ọp ẹp ngay cạnh bàn giấy của quan tri huyện. Ông tự rót cho mình một chén nước trà nóng. Sau khi uống một hơi cạn chén nước, ông rót thêm chén thứ hai rồi ngả người thoải mái trên ghế, miệng thở phào khoan khoái, lặng lẽ nghe ông bạn đồng nghiệp tuôn ra hàng tràng những lời ca thán.
- Trước hết tôi và ông đã vớ phải cái vụ án mạng chết tiệt này mà lại đúng vào lúc vừa mới ăn xong một bữa tiệc no nê kia chứ. Nó làm mình rối loạn cả tiêu hoá. Rồi mụ chủ phòng trà đến báo con bé vũ nữ giỏi nhất của mụ vừa lăn ra ốm. Thế là buộc lòng tôi phải nhận hai con bé vũ nữ loại hai và riêng cho tiết mục nổi nhất của cuộc vui tối nay, một con ranh con tên là Tiểu Phượng. Cái mặt của con bé ấy sao mà tôi chả ưa tí nào. Trông nó khờ khạo, dài ngoằng như là cái đinh ấy, nếu có thể nói được như vậy! Ông đưa giúp tôi ấm trà với. (Lã rót nước vào chén của Địch rồi rót cho mình một chén, đoạn cầm chén đưa lên miệng nhấp một ngụm nhỏ và nói tiếp). Cuối cùng thế là câu chuyện bất ngờ hay hay tôi định dành cho ông cũng trôi tuột xuống sông xuống biển mất rồi. Thế nào ông viện sĩ và ông thi sĩ triều đình cũng thất vọng cho mà xem. Hơn nữa thiếu một người, bàn tiệc hôm nay chỉ còn không quá năm người: ông và tôi, ông Triệu, ông Trương và Lỗ Huynh! Một con số lẻ ngồi cùng bàn là điềm xúi quẩy! Vậy mà trong lịch họ cứ leo lẻo ngày tốt, ngày tốt! Nhưng thôi mặc kệ họ… Bây giờ ông có tin tức gì mới về vụ án mạng không? – Nét mặt quan tri huyện trở nên tư lự, tay đặt mạnh chén nước xuống mặt bàn: – Ông cảnh sát trưởng vừa cho tôi biết người của ông ấy không tìm được dấu vết của cái bọn sẽ vung tiền ra tiêu như rác ấy. Kể ra thì việc ấy cũng chả có gì là lạ phải không?
Quan án sát đã uống xong chén nước thứ ba. Ông nói:
- Theo lời con bé phục vụ nhà ông Minh thì trước kia Tống cũng đã có lần đến Tần Hoài, vì thế anh ta mới có một cô bạn gái trẻ tuổi ở đây.
- Ma quỷ! – Quan tri huyện thốt lên. – Nhưng người bạn gái của anh ta chắc chắn không phải người của phòng khách Bích Ngọc. Tôi đã mô tả anh ta cho bọn con gái nghe rồi. Đứa nào cũng bảo nó chưa trông thấy một anh chàng như thế bao giờ.
Quan án sát nói:
- Mặt khác đệ cũng có ý ngờ Tống đến đây là vì một lý do anh ta giấu kín. Tìm hiểu lịch sử chỉ là cái cớ. (Ông rút trong ống tay áo ra những tài liệu ghi chép của Tống và đưa cho quan tri huyện). Sáu trang giấy nhỏ này là tất cả công trình nghiên cứu của Tống trong nửa tháng trời ròng rã!
Quan tri huyện lật các trang giấy, gật gù ra vẻ đồng tình.
- Tống đã dành tất cả những buổi chiều để đọc tài liệu ở cơ quan lưu trữ chẳng qua chỉ là tạo ra cái vỏ bề ngoài để che đậy công việc của anh ta. – Quan án sát nói tiếp. – Ban đêm mới là lúc anh ta thực sự làm việc. Chính đứa ở gái nhà ông Minh đã trông thấy anh ta mặc toàn đồ đen lén lút ra khỏi nhà vào lúc trời tối.
- Sao tuyệt nhiên tôi chẳng thấy ông nói gì đến cái nơi anh ta đi lại lén lút và công việc bí mật anh ta làm?
- Đúng thế, đứa ở gái nhà ông Minh có quen biết với một anh con trai ở cửa hàng bán trà bên cạnh. Theo nó thì thằng ấy có vẻ vô tư và vui tính. Thằng ấy bảo nó chưa gặp Tống ở vùng này bao giờ. Con bé thì rất tin những chuyện về con cáo…
Sau khi đằng hắng lấy giọng, quan án sát nói thêm:
- … Con bé quả quyết người bạn gái của Tống là một con cáo cái và nó đã cắn chết anh ta!
- Ờ phải! Đúng rồi! Ở vùng nay con cáo đóng một vai trò to lớn trong truyền thuyết dân gian. Khu dinh thự của tôi cũng có một bàn thờ thần cáo. Nó được coi như một lực lượng bảo vệ khu dinh thự. Ở đây có rất nhiều cáo sống tập trung trong một khu đất bỏ hoang cách cửa Nam không xa. Người ta nhất định cho rằng ở đó có ma. Ông Địch ạ, xin ông đừng để vụ án bị rối thêm vì những chuyện phù thuỷ ấy. Bản thân nó cũng đã rắc rối lắm rồi!
- Đệ hoàn toàn đồng ý với quan bác, bác Lã ạ. Nhưng quan bác không gạt bỏ một khả năng thực tế cho dù khả năng đó là do một tên đầy tớ cung cấp chứ?
- Không. Ông Minh xưa nay là người tốt có tiếng ở địa phương. Nhưng điều đó không nói lên cái gì cả. Dĩ nhiên ông ta đã có thể làm quen với Tống ngay từ lúc anh ta mới đặt chân đến đây. Hơn nữa ông ta lại tự tiến hành việc điều tra khi biết Tống bị ám hại. Ông ta cố thuyết phục chúng ta và muốn đến chết được chúng ta chia sẻ những lý lẽ của ông ta. Đối với ông ta không gì dễ bằng đi vòng quanh khắp khu nhà ở và gõ vào cổng vườn của chính nhà ông ta! Còn câu chuyện về cô bạn gái của Tống, tôi cũng cho là không có giá trị. Tôi không ưa tất cả những chuyện đó. Kẻ nào nói đến đàn bà là nói đến buồn phiền… – Ông thở dài nhấn mạnh vào câu nói đó. – Dù sao ngày mai ở toà án không có phiên xử nào là vì ngày Tết trung thu. Ít ra chúng ta cũng có thêm được một chút thời gian.
Quan tri huyện rót cho mình một chén nước khác. Nét mặt ông chìm đắm vào sự im lặng buồn thiu.
Quan án sát nhìn quan tri huyện tỏ ý chờ đợi. Ông đang mong quan tri huyện nói cho ông biết ông sẽ phải làm gì để tiếp tục cuộc điều tra. Nếu sự việc xảy ra ở Phố Dương thì ông đã lập tức ra lệnh cho ba viên thẩm phán quan của ông là Mã Dũng, Tiểu Đãi và Tào Ngân đi nhặt nhạnh tin tức cho ông ở những vùng xung quanh khu vực sở hữu của ông Minh, những tin tức về bản thân ông nhà buôn, gia đình ông ta và người thuê nhà. Những nhân viên dày dạn kinh nghiệm sẽ có thể được ông phái đi thu thập một lượng tin tức đáng kể ở những người bán rau, cá, thịt bò… Đó là chưa nói đến những dư luận có thể nghe ngóng trong những người bán hàng rong, những người bán chợ trời và bên cạnh họ còn có cả một đội ngũ phu kiệu và người làm mướn rất thóc mách. Thấy ông bạn đồng nghiệp của mình cứ ngồi im không nói gì, ông liền tuyên bố:
- Tối nay thì chúng ta không còn làm gì được nữa rồi vì vướng bữa ăn tối. Quan bác có định cho người tiếp tục đi sâu vào cuộc điều tra nữa không?
- Không, ông Địch ạ, tôi chỉ dùng người của toà án vào những việc thông thường hàng ngày. Còn việc điều tra bí mật tôi đều giao cho viên cựu giám quận của tôi điều hành. (Trước con mắt ngạc nhiên của quan án sát, quan tri huyện vội vàng giải thích). Cái gã giám quận lõi đời ấy sinh ra và lớn lên ở địa phương này. Ông biết không, ở thành phố này không cái gì là bí mật đối với ông ta. Ông ta có ba người bà con xa thuộc loại rất láu cá, người thì làm việc cho một tay chuyên cầm đồ, người làm thuê cho một anh thợ kim hoàn, còn một người làm công cho một quán ăn ở ngoài chợ. Tôi trả công cho họ rất hậu bằng tiền túi của tôi để dùng họ làm mật thám và chỉ điểm. Công việc khá chạy, giúp tôi kiểm soát chặt chẽ được viên cố vấn của tôi và đám nhân viên của toà án.
Quan án sát chậm rãi lắc đầu. Chính ông thì lại đặt tất cả sự tin cậy của mình vào viên cố vấn Hùng và ba viên thẩm phán quan của ông. Tuy nhiên ông quan nào cũng có quyền điều hành theo sở thích riêng. Vả lại ông thấy phương pháp của quan tri huyện hình như cũng không đến nỗi tồi. Càng ở đây chắc ông sẽ càng có dịp đánh giá sâu hơn những khả năng khôn khéo của viên cựu giám quận rất tin cẩn của quan tri huyện.
- Thế quan bác có yêu cầu viên cựu giám quận của quan bác… – Quan án sát nói đến đây thì có tiếng gõ cửa.
Viên cảnh sát trưởng vừa ló vào đã nói bô bô:
- Thưa các ngài có một tiểu thư tên gọi Dược Lan muốn vào yết kiến.
Quan tri huyện hớn hở thốt lên
- Chắc cô nàng đã thay đổi ý kiến rồi đây! – Ông khoái trá nắm tay đấm xuống bàn. – Ừ, té ra hôm nay cũng không đến nỗi! Này, chàng trai! Ra mời tiểu thư vào đây! Mời vào ngay! (Quay sang quan án sát, quan tri huyện xoa hai bàn tay vào nhau). Tôi biết ngay mà! Câu chuyện bất ngờ nho nhỏ mà tôi định dành cho ông lại sắp diễn ra rồi đấy, tiên sinh ạ.
Quan án sát nhướng cặp lông mày hỏi quan tri huyện:
- Dược Lan là ai thế?
- Ông bạn thân mến ơi, làm sao tôi tin được một chuyên gia lớn về khoa học hình sự như ông lại không biết tí gì về vụ án đền Bạch Hạc?
Quan án sát giật thót người trên ghế, miệng há hốc:
- Trời ơi, bác Lã! Quan bác định nói với đệ về cái mụ tu sĩ ghê tởm theo đạo Lão đã can tội đập chết đứa đầy tớ gái của mụ ta có phải không?
- Chính bà ta đấy ông Địch ạ. – Quan tri huyện vui vẻ đáp. – Chính là Dược Lan, một tiểu thư khuê các, nữ triều thần, nữ thi sĩ, nữ tu sĩ kiêm nữ danh…
Quan án sát tái mặt cắt ngang lời quan tri huyện:
- Kiêm nữ tội phạm ghê tởm chứ gì! Đúng rồi! – Ông kêu lên giận dữ.
- Bình tĩnh đã nào ông Địch, tôi mong ông bình tĩnh, – quan tri huyện giơ bàn tay bé nhỏ mũm mĩm của ông lên, ôn tồn nói. – Để mở đầu câu chuyện, tôi phải nhắc để ông lưu ý cho một điều là hiện nay quan điểm của giới văn học đều nhất loạt đánh giá cô ta bị tố cáo sai sự thật. Trường hợp của cô ta đã được xét xử qua ba toà án: toà án huyện, toà án thành phố, toà án tỉnh. Nhưng không một toà án nào kết tội được cô ta. Đây là cái cớ khiến người ta phải áp giải cô ta lên kinh đô để đưa ra xét xử tại toà án chính quốc. Hiển nhiên cô ta sẽ trở thành người đàn bà cừ nhất vương quốc! Ông viện sĩ và ông thi sĩ triều đình đều biết cô ta rất rõ. Họ rất vui mừng khi biết tôi đã điều đình với tốp lính áp giải để cho cô ta được nán lại huyện này độ một hoặc hai ngày. (Quan tri huyện ngừng một lát, tay mân mê chùm ria mép). Ngoài ra, lúc quá ngọ tôi có đến gặp cô ta nơi quán trọ sau phòng khách Bích Ngọc. Cô ta cùng với tốp lính áp giải đang nghỉ ở đấy. Nhưng cô ta đã dứt khoát từ chối lời mời của tôi, viện cớ không muốn gặp lại các bạn hữu khi chưa rũ sạch được mọi mối nghi ngờ. Ông thử hình dung một chút xem sự nhục nhã của tôi lúc ấy như thế nào ông Địch? Tôi đã ôm mối hy vọng có thể tạo ra và đem tặng ông một cơ hội hiếm có để ông tìm hiểu sâu hơn về một vụ hình sự giật gân nhất trong năm nay và để ông trực tiếp trao đổi ý kiến với bị cáo là người đã đích thân tự bào chữa cho mình trước vành móng ngựa. Tôi muốn đem trình bày với ông một nữ cao thủ đã từng làm thất bại một lúc ba cuộc điều tra tư pháp, tôi định bày lên mâm và trao tặng ông cả mâm, nếu tôi được phép nói như vậy! Tôi thấy thơ phú không phải là mặt mạnh của ông, ông Địch ạ, nên tôi muốn cung cấp cho ông một cái gì đó hợp với sở thích của ông hơn…
Quan án sát vuốt chòm râu dài, vắt óc cố nhớ lại những tình tiết của vụ án.
- Đệ rất hoan nghênh thiện chí của quan bác, bác Lã ạ. Nhưng đệ vẫn cứ ước gì bà ta sẽ không đến. Bởi vì về phương diện những thủ đoạn, đệ và quan bác…
Cánh cửa ra vào chợt mở. Người cảnh sát trưởng dẫn vào một phụ nữ dong dỏng cao mặc áo dài đen, áo ngắn khoác ngoài cũng màu đen. Người đàn bà không để ý đến quan án sát, cứ thế đi thẳng vào bàn giấy của quan tri huyện và nói với ông bằng một giọng trầm và du dương:
- Tôi cần phải đến gặp ông để nói rằng tôi đã thay đổi ý kiến. Tôi xin nhận lời mời thân ái của ông, quan tri huyện ạ.
- Tuyệt quá! Thưa bà, nếu thế thì hay lắm! Hai ông Triệu và Trương cũng đang nóng lòng muốn được tiếp kiến bà. Bà biết không, Lỗ Huynh cũng có mặt ở đây! Ngoài ra xin cho phép tôi giới thiệu với bà một nhân vật nữa từng hâm mộ tiếng tăm của bà: đó là ông Địch, bạn của tôi, tri huyện Phố Dương. Ông Địch, xin giới thiệu với ông tiểu thư Dược Lan!
Người đàn bà ném về phía quan án sát một cái nhìn lãnh đạm rồi hờ hững buông lời chào. Quan án sát còn đang đáp lại lời chào ấy bằng một cử chỉ khẽ gật đầu thì bà ta đã hướng sự chú ý của mình vào quan tri huyện lúc này đang say sưa giới thiệu tỉ mỉ căn phòng ông cho sửa sang để đón tiếp vị nữ khách sát ngay bên buồng các bà vợ ông.
Quan án sát nghĩ tuổi bà ta chỉ độ ba mươi trở lại. Chắc trước kia bà ta rất đẹp. Vẫn còn những nét cân đối và gợi cảm, nhưng đôi mắt đã trũng và giữa cặp lông mày cong duyên dáng đã xuất hiện một rãnh sâu cùng với nhiều nếp nhăn nhỏ xung quanh miệng. Cặp môi đỏ mọng làm tôn thêm khuôn mặt có nước da xanh xao. Mớ tóc huyền tết thành ba bím, gài hai cái trâm giản dị bằng ngà voi cho nó khỏi xổ ra. Tấm áo dài may chặt bó khít vào người làm hằn lên những đường cong của cặp đùi tròn lẳn, những nét thanh tú của thân mình và một bộ ngực hơi quá đồ sộ. Khi nữ thi sĩ chìa tay ra đỡ chén nước trà, quan án sát nhìn thấy các ngón tay của bà tay trắng muốt nổi gân xanh được tô điểm bằng những chiếc nhẫn đẹp.
- Xin đa tạ quan tri huyện. Xin cảm ơn một ngàn lần về tất cả những gì ông đã làm vì tôi. – Bà ta cắt ngang những lời thuyết trình thao thao bất tuyệt của quan tri huyện rồi dịu dàng mỉm cười nói tiếp: – Và nhất là cảm ơn quan tri huyện đã chứng minh tôi vẫn còn những người bạn! Thú thật những tuần lễ gần đây tôi bắt đầu tin là tôi đang bị cô lập, mọi người đang bỏ rơi tôi… À tối nay hình như quan tri huyện mời cơm khách thì phải?
- Phải rồi. Ở gia đình tôi việc ấy là việc bình thường. Tối mai lại xin mời tất cả chúng ta ra ngoài vách đá Lục Bảo Ngọc, sát bên bờ vực để cùng nhau thưởng ngoạn một đêm trung thu.
- Thưa quan tri huyện, thế thì hấp dẫn quá! Đặc biệt đối với tôi vừa trải qua sáu tuần lễ từ nhà tù này đến nhà tù khác. Phải thừa nhận rằng trong suốt thời gian ấy họ đã đối xử với tôi một cách thẳng tay… nhưng không sao!… Nào bây giờ xin quan tri huyện cho ông cảnh sát trưởng đưa tôi về tư dinh của ông và luôn tiện giới thiệu tôi với bà quản lý phòng riêng của các quý phu nhân. Tôi cần phải nghỉ ngơi và cũng cần phải thay đổi xiêm áo đôi chút trước khi đến dự bữa tiệc tối nay. Phụ nữ chúng tôi đều thế cả, thích làm cho mình toả hết ánh hào quang trong bất cứ dịp nào có thể làm được, không cần biết mình có còn trẻ trung nữa hay không!
- Bà bạn thân mến, xin bà cứ tự nhiên cho! – Quan tri huyện sốt sắng nói. – Xin bà cứ tuỳ ý sử dụng hết mọi thời gian của bà. Tối nay chúng ta sẽ ăn cơm muộn và sẽ tiệc tùng kéo dài đến tận một giờ sáng theo đúng phong cách của các cụ thời xưa.
- À, có cô Tiểu Phượng cùng đi với tôi, – nữ thi sĩ nói trong lúc quan tri huyện đang vỗ tay ra hiệu gọi viên cảnh sát trưởng. – Cô ấy muốn xem qua chỗ phòng tiệc nơi cô ấy sẽ biểu diễn tối nay. Ông cho cô ấy vào đi! – Nữ thi sĩ nói như hạ lệnh cho người cảnh sát trưởng.
Một cô gái thân hình mảnh dẻ, tuổi độ mười tám, bước vào khép nép cúi chào. Cô gái mặc chiếc áo dài màu xanh thẫm rất giản dị. Dải khăn màu đỏ rộng bản bó khít vào tấm thân thắt đáy lưng ong. Quan tri huyện nhìn người vũ nữ bằng đôi mắt xét nét. Ông nhìn cặp lông mày.
- À vâng! Hà hà… chà… – Ông lúng túng – Này, này cô bé thân mến kia, nếu ở phòng tiệc có mặt đông đủ các quan khách mà cái gì cô cũng chê bai không vừa ý thì nhất định cô sẽ làm tôi kinh ngạc lắm đấy!
- Thôi quan tri huyện ạ, xin ông đừng làm to chuyện. – Nữ thi sĩ lập tức can thiệp bằng một giọng khô khốc. – Chẳng qua cô ấy rất quan tâm đến nghệ thuật nên muốn vũ khúc sắp trình diễn của cô ấy phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể. Tối nay cô ấy sẽ biểu diễn một vũ khúc nhan đề “Phượng hoàng bay lượn giữa những đám mây đỏ”. Đó là vật cống nộp mang tính dân gian nhất của cô. Cái tên vũ khúc mới thích hợp với cô ấy làm sao! Tiểu Phượng lại đây, em yêu quý! Đừng tỏ ra nhút nhát quá như thế. Em nên nhớ một cô gái đẹp hoàn toàn không có lý do để sợ sệt các ông lớn dù các ông ấy có là quan đầu triều hay là cái gì khác!
Cô vũ nữ ngẩng đầu lên, quan án sát nhìn kỹ khuôn mặt kỳ cục của cô và lấy làm sửng sốt. Sống mũi dài, đôi mắt to thắt lại rất nhanh và xếch ngược lên ở đuôi mắt làm cho khuôn mặt cô gái giống như cái mặt nạ. Mớ tóc trên đầu chải hất ngược ra đằng sau tách biệt hẳn với vầng trán rộng và nhẵn bóng, buông thả xuống một cách giản dị đằng sau cái cổ mảnh khảnh. Co gái có đôi vai xuôi, hai cánh tay dài nhỏ nhắn. Toàn bộ con người cô toát ra một vẻ đẹp lập lờ vô tính. Và thế là lập tức quan án sát hiểu ngay không lấy gì làm khó khăn lắm thái độ bực dọc vừa rồi của quan tri huyện: về cái khoản đàn bà, xưa nay ông ấy chỉ thích những người có thân hình phốp pháp.
- Tiện nữ xin vào ra mắt các quý vị và rất lấy làm tiếc vì mình tài hèn đức mọn, – giọng cô gái thỏ thẻ. – Thật là đại hồng phúc cho tiện nữ được trổ chút tài mọn trước một cử toạ lỗi lạc như thế này.
- Thế chứ! Hay lắm em yêu quý! – Nữ thi sĩ thân ái vỗ vào vai cô gái và kết luận. – Thôi ta đi đi em. Xin hẹn gặp lại các ngài tối nay!
Nữ thi sĩ nhanh nhảu chào mọi người rồi thoăn thoắt bước ra khỏi văn phòng, theo sau là cô vũ nữ nhút nhát.
Quan tri huyện giơ hai cánh tay lên trời:
- Ôi! Người đàn bà này có cho mình đủ mọi thứ! Một sắc đẹp lỗng lẫy, một tài năng tuyệt vời và một nhân cách kỳ lạ! Chẳng qua chỉ tại cái số kiếp mình nó chẳng ra gì cho nên mới không gặp được cô ta sớm hơn!
Quan tri huyện lắc đầu ngao ngán, thò tay vào ngăn kéo lấy ra một tập hồ sơ to tướng:
- Đây là bản sao của tất cả các tài liệu có liên quan đến vụ án mạng ở đền Bạch Hạc, nghĩ rằng ông cũng biết tỉ mỉ về vụ đó nên tôi đã tập hợp các tài liệu theo đúng ý thích của ông, ông Địch ạ. Để ông nắm được cho có hệ thống mạch lạc, tôi đã đính vào đấy một bản tóm tắt ngắn gọn về cuộc đời cô ta. Ông có thể đọc hết bản tóm tắt đó trước bữa ăn được đấy…
Quan án sát rất xúc động. Rõ ràng người bạn đồng nghiệp của ông đã làm mọi cách để ông khỏi buồn chán.
- Đệ xin hết lòng cảm ơn quan bác về những sự ân cần mà quan bác đã dành cho đệ, bác Lã ạ! – Quan án sát nồng nhiệt bày tỏ tình cảm của mình. – Quan bác thật là một vị chủ nhân tuyệt vời!
- Có gì đâu mà ơn với huệ, hả tiên sinh.
Đưa mắt cho quan án sát một cái thật nhanh, quan tri huyện nói tiếp, giọng đượm vẻ hối tiếc:
- Chà… Phải thú nhận với ông rằng tôi đã từng có một ý nghĩ trong đầu, ông Địch ạ. Tôi định cho xuất bản rộng rãi một tác phẩm dẫn giải thơ của nữ thi sĩ Dược Lan. Ông có biết không, tôi đã hoàn thành bản thảo, cả lời tựa cho tác phẩm tôi cũng đã viết xong. Thế mà đùng một cái chỉ vì cái chuyện xét xử quy kết tội lỗi này mà công cuộc kinh doanh của tôi bị phá sản. Sự việc ấy liên quan đến cô ta đấy. Tôi cho rằng ông có thể giúp cô ta chứng minh dứt khoát cô ta vô tội, tiên sinh ạ. Ông có biệt tài soạn thảo được tất cả những văn bản tư pháp thuộc loại đó… Ông có nghe tôi nói không đấy?
- Hoàn toàn nghe. – Giọng quan án sát khô khốc. Sau khi ném cho người bạn đồng nghiệp một cái nhìn lạnh như tiền, ông đứng dậy nhét tập hồ sơ vào nách. – Thế thì đệ phải bắt ngay vào việc mới được!

Nguồn: http://tusach.mobi/