Hoà thượng Chân Hiền cảm thấy nhẹ nhõm khi đã nhận ra các vị khách. Những nét căng thẳng trên mặt bớt lần, tuy giọng nói của vị hoà thượng hãy còn run run:
- Hân hanh…
Dịch Nhân Tiết ngắt ngang câu nói:
- Xin hoà thượng cùng vào. Bản chức có điều muốn thưa với hoà thượng.
Chân Hiền dẫn Dịch Nhân Tiết và Tùng Lập qua phòng riêng đi tới thư viện. Một mùi thơm quen thuộc phảng phất trong căn phòng mà vị phán quan biết đó là mùi từ một cây hương lớn toả ra.
Đến đây Chân Hền chỉ tay xuống một chiếc ghế mời Dịch Nhân Tiết ngồi, còn vị hoà thượng ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của mình, vừa ra hiệu cho Tùng Lập ngồi vào một chiếc ghế đặt gần cửa sổ. Chân Hiền chưa nói gì. Có lẽ vị hoà thượng vẫn còn bị xúc động mạnh mẽ về sự viếng thăm quá đột ngột của vị phán quan.
Dịch Nhân Tiết ngồi xuống ghế. Sau khi dò biết nét mặt của Chân Hiền, vị phán quan lên tiếng:
- Một ngàn lần bản chức có lời xin lỗi hoà thượng vì đã đến khuấy rầy hoà thượng trong giờ giấc khuya khoắt này. Nhưng thật ra trời cũng sắp hửng đông rồi. Cớ sao hoà thượng thức dậy sớm như vậy? Ngài định đi đâu khi đã mặc quần áo chỉnh tề như thế? Chẳng hay ngài đang chờ đợi ai?
- Không đợi ai cả. Chẳng qua là tiện hạ ngồi nghỉ trên ghế, rồi thiu thiu ngủ. Vì nhận thầy trời sắp sáng, có nằm ngủ lại cũng vô ích. Ồ! Nhưng tại sao quan lớn lại gõ cửa phía sau.
Dịch Nhân Tiết buông một câu nói ngoài đề nhưng có cả ngụ ý ở bên trong:
- Hoà thượng Ngọc Kinh sống lại!
Nhận thấy nét sợ hãi thật sự trên khuôn mặt Chân Hiền, Dịch Nhân Tiết nói tiếp:
- Nói vậy thôi nhưng sự việc đó không thể nào xảy ra được! Bản chức xin bảo đảm việc đó với ngài vì bản chức mới đến thăm nơi cất dấu di hài của cố hoà thượng.
Hoà thượng Chân Hiền lúc này đã tự chủ được nên đứng dậy, với giọng lạnh lùng không còn che giấu.
- Quan lớn đã đi xuống nơi cất dấu di hài? Tiện hạ từng nói với ngài là mùa này trong năm...
- Vâng. Bản chức nhớ điều dặn đó nhưng bản chức nhận thấy rất cần phải tới duyệt xét những tài liệu do cố hoà thượng Ngọc Kính đã để lại. Bản chức muốn cứu xét vài chi tiết khi nhận thấy những chi tiết đó xét ra còn mới mẻ ở trong trí nhớ của bản chức. Do đó mà bản chức đã phải khuấy rầy hoà thượng ở vào giờ giấc này. Hẳn hoà thượng còn nhớ những gì đã xảy ra trong ngày cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính chớ? Chính hoà thượng đã dùng cơm trưa với hoà thượng Ngọc Kính ở phòng ăn. Rồi sau đó đã xảy ra những việc gì?
Hoà thượng Chân Hiền tiếp lời ngay:
- Rồi hoà thượng Ngọc Kính rút về thư viện, nghĩa là ngay trong căn phòng mà chúng ta đang ngồi ở đây. Phòng này thường là nơi lui tới của các vị hoà thượng trong ngôi thiền viện này.
- Bản chức biết điều đó.
Nói xong Dịch Nhân Tiết nhìn lên ba cánh cửa sổ cao.
- Những cánh cửa này nhìn xuống một cái sân chánh. Có phải thế không?
- Chính phải! Ban ngày, căn phòng này rất sáng sủa. Cũng vi vậy mà hoà thượng Ngọc Kính thích ở lại đây để vẽ tranh. Hội họa là thú giải trí duy nhất của hoà thượng Ngọc Kính đó!
- Một thú giải trí đáng nêu gương!
Suy nghĩ một lát, Dịch Nhân Tiết nói tiếp:
- Bản chức muốn nhắc đến một việc. Trong khi bản chức đang đàm đạo với ngài ở phòng tiếp khách, có một kẻ đã vô lễ tông cửa bước vào, hoà thượng có lên tiếng phàn nàn về thái độ của kẻ đó, vậy xin hoà thượng cho bản chức biết là hoà thượng còn nhớ mặt tên vô loại đó không?
Hoà thượng Chân Hiền ngập ngừng:
- Không... Đó... Đó là Mặc Đức - Diễn viên múa kiếm.
- Xin cảm ơn hoà thượng.
Dịch Nhân Tiết vuốt râu, vừa nhìn chằm chằm Chân Hiền.
Im lặng kéo dài trong lúc đó hoà thượng Chân Hiền lại tỏ ra lo lắng hơn. Tùng Lập ngồi không yên trên chiếc ghế đặt gần cửa sổ. Dịch Nhân Tiết bất động, lắng tai nghe tiếng mưa rơi lộp độp bên ngoài tấm liếp. Mưa bớt nặng hột hơn lúc nãy.
Có tiếng gõ cửa. Tào Can bước vào cầm một cuộn giấy trong tay trao cho Dịch Nhân Tiết, đoạn vị quan hầu cận lùi lại ngồi vào chiếc ghế đặt gần cửa lớn.
Dịch Nhân Tiết mở cuộn giấy ra đặt trước mặt hoà thượng Chân Hiền.
- Đây có phải là tác phẩm cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính?
- Đúng vậy! Sau bữa cơm trưa, hoà thượng cùng tiện hạ dùng trà cũng ở trong phòng này, đoạn hoà thượng từ giã tiện hạ và nói là ngài sẽ dùng cả buổi chiều vẽ bức tranh con mèo của ngài. Con vật ngồi trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun chạm trổ, như ngài nhìn thấy ở đây. Tiện hạ cũng không ở gần ngài nữa vì từng biết tính ngài thích làm việc trong sự lặng. Khi từ giã ngài, tiện hạ nhìn thấy ngài đã để sẵn một tấm giấy trên chiếc bàn này...
Dịch Nhân Tiết đứng dậy, đập tay mạnh xuống bàn la lớn:
- Ngài nói dối!
Chân Hiền vẫn ngồi yên trên chiếc ghế. Vị hoà thượng định lên tiếng, nhưng Dịch Nhân Tiết đã át giọng:
- Xin ngài hãy nhìn kỹ bức tranh vẽ này. Đây là tác phẩm cuối cùng của vị hoà thượng đáng kính, đáng mến đó mà chính ngài đã ám sát hoà thượng bằng cách bỏ chất độc vào nước trà ngay sau bữa ăn trưa. Thưa ngài. Sao ngài lại có thể tin rằng người ta có thể vẽ một bức tranh như thế này trong một tiếng đồng hồ không? Hãy xem kỹ lại. Ít nhất bức tranh này cũng đòi hỏi đến hai tiếng đồng hồ làm việc. Ngài đã nói dối khi ngài nói là hoà thượng Ngọc Kính đã bắt tay làm việc ngay sau khi từ giã ngài. Bức tranh phải được vẽ vào buổi sáng, trước bữa ăn trưa mới đúng.
Chân Hiền tức giận, cũng la lớn:
- Xin quan lớn đừng đưa ra những luận điệu đó với tiện hạ. Quan lớn nên biết rằng Ngọc Kính là một hoạ sĩ có chân tài. Ngài vẽ rất nhanh.
Dịch Nhân Tiết đáp lại:
- Xin đừng kể những chuyện phiếm ở đây. Con mèo, con vật ưa thích nhất của hoà thượng Ngọc Kính. Ít ra trong lúc này cũng đã giúp chủ nó một việc khá quan trọng. Xin hoà thượng hãy xem kỹ đôi mắt của nó. Đôi ngươi con vật mở tròn. Nếu như bức tranh được vẽ vào buổi trưa của một mùa hè, lại ở trong một căn phòng sáng sủa như thế này, đôi mắt con vật phải là hai đường hở nhỏ hẹp.
Nghe đến đây, Chân Hiền bỗng giật mình đánh thót một cái. Vị hoà thượng trụ trì đưa tay lên trán nói ngay:
- Tiện hạ muốn tuyên bố một điều quan trọng nhưng cần có sự hiện diện của đạo sĩ Tuyên Minh.
Dịch Nhân Tiết cuốn bức tranh và nói:
- Không dám sai ý muốn của ngài!
Hoà thượng Chân Hiền dẫn đoàn người bước xuống một cái cầu thang lớn. Đến bậc cuối của cầu thang, Chân Hiền, với giọng yếu ớt:
- Cơn giông đã dứt. Chúng ta có thể đi ngang qua cái sân rộng kia.
Mặt sân còn đọng nước và những miếng ngói bể nằm rải rác đây đó. Dịch Nhân Tiết cũng bước ngang hàng với Chân Hiền, Tào Can và Tùng Lập bước theo sau.
Khi đoàn người đến góc tây nam của sân, Chân Hiền mở cánh cửa lớn và một hành lang nhỏ hẹp cuối cùng dẫn đoàn người đến một cầu thang hình trôn ốc.
Lúc họ toan bước lên cầu thang, bỗng một giọng nói vang lên:
- Kìa! Ai làm gì đó giữa đêm khuya vậy?
Đạo sĩ Tuyên Minh cầm chiếc đèn ở tay nhìn đoàn người.
Dịch Nhân Tiết đỡ lời:
- Hoà thượng trụ trì muốn tuyên bố một điều quan trong trước sự hiện diện của đạo sĩ!
Đạo sĩ Tuyên Minh cầm chiếc đèn trên tay, đôi mắt nhìn đầy vẻ kinh ngạc vào hoà thượng Chân Hiền.
- Hãy bước lại thư viện của ta. Ở đó yên tịnh hơn. Ở đây gió nhiều quá!
Nhìn Tào Can và Tùng Lập, đạo sĩ Tuyên Minh lại nói:
- Sự hiện diện của hai người này có cần thiết không?
- Bẩm ngài. Cần thiết lắm đó. Vì họ là chứng nhân quan trọng.
- À nếu vậy, các ngươi hãy cầm lấy đèn, còn ta đã quen thuộc đường rồi.
Chiếc cầu thang quá dài. Đôi chân của vị phán quan bắt đầu run run. Lúc đoàn người leo lên đến đỉnh cầu thang, đạo sĩ Tuyên Minh đặt chân trước nhất xuống sân thượng… Đi theo sau là hoà thượng Chân Hiền. Giữa lúc Dịch Nhân Tiết sắp bước theo thì tiếng đạo sĩ Tuyên Minh la lớn:
- Coi chừng cái lan can.
Cũng vừa lúc, Chân Hiền la thét lên một tiếng ngắn ngủi thì tiếp đó là tiếng rơi của một vật nặng nề khi chạm mặt đất…
Chương XIV: DIỄN VIÊN MẶC ĐỨC VẪN BIỆT TĂM
Dịch Nhân Tiết đưa cao chiếc đèn lên khỏi đầu. Đạo sĩ Tuyên Minh, nét mặt biến sắc nắm lấy tay vị phán quan giải thích:
- Hoà thượng Chân Hiền quên rằng chiếc lan can đã bị hư từ lâu rồi sao?
Vị đạo sĩ buông bàn tay khỏi cánh tay Dịch Nhân Tiết rồi đưa tay lau mồ hôi ướt đầm trên trán.
Dịch Nhân Tiết ra lệnh cho Tào Can:
- Nhà ngươi hãy tìm cách xuống dưới đó, xem thử sự tình ra sao?
Rồi quay qua đạo sĩ Tuyên Minh, vị phán quan nói:
- Bản chức nghĩ rằng Chân Hiền khó sống nổi. Thôi chúng ta cứ đến thư viện, nếu được ngài cho phép.
Hai người bước đến thư viện.
Còn Tùng Lập đã đi theo Tào Can.
Đạo sĩ Tuyên Minh ngồi vào chiếc ghế của mình, lẩm bẩm:
- Bẩm phán quan. Hoà thượng Chân Hiền định nói với ta điều gì đó?
Đôi chân của vị phán quan run lên vì quá mệt mỏi, Dịch Nhân Tiết ngồi phịch xuống ghế đặt cuộn giấy trước mặt vị đạo sĩ.
- Bản chức mới đến thăm nơi cất dấu di hài. Bản chức muốn được xem những bức vẽ khác về con mèo. Hoà thượng Ngọc Kính là một hoạ sĩ có chân tài. Ở trên một bức tranh, chúng ta thấy rằng đôi mắt của con vật được vẽ lên bằng hai kẽ hở hẹp. Chúng ta biết là hoà thượng Ngọc Kính đã vẽ bức tranh đó vào giữa trưa, nghĩa là vào lúc ánh sáng còn chói chang. Điều đó làm cho bản chức nghĩ rằng, tác phẩm cuối cùng của hoà thượng, tức bức tranh mà ngài đã cho bản chức xem ở trong ngôi đền, ở bức tranh đó, đôi ngươi của con vật, trái lại được vẽ tròn trịa, điều đó chứng tỏ tác phẩm được vẽ vào buổi sáng, không phải buổi trưa, như hoà thượng Chân Hiền đã nói.
Mở tờ giấy ra, Dịch Nhân Tiết chỉ cặp mắt con mèo cho đạo sĩ Tuyên Minh nhìn kỹ. Nhưng đạo sĩ Tuyên Minh nhíu mày, hỏi:
- Ta không hiểu những chi tiết đó sẽ dẫn đến kết luận nào. Chúng có liên hệ gì đến cái chết của hoà thượng Ngọc Kính không? Chính ta có mặt bên cạnh ngài và xác nhận rằng ngài đã nghỉ hơi thở cuối cùng một cách êm ả.
Dịch Nhân Tiết lễ phép:
- Xin ngài cho phép bản chức được đưa ra vài lời giải thích.
Dịch Nhân Tiết kể lại lá thư của hoà thượng Ngọc Kính gửi cho tiến sĩ Tùng Thiện, trong thư ngài có nhắc đến loại cây có hạt độc, rồi vị phán quan nói tiếp:
- Tất cả những dấu hiệu ngộ độc vì hạt loại cây này được nhận thấy rõ ràng ở những giờ phút cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính.
Dịch Nhân Tiết ngập ngừng trong giây lát, nói tiếp:
- Xin đạo sĩ cho phép được nói, theo như ý nghĩ của bản chức, những lời di chúc của hoà thượng Ngọc Kính, thật ra rất khó hiểu vì trong cơn mê sảng, dường như ngài nhớ đến đâu là ngài chỉ biết nói ra như vậy. Hoà thượng trưởng lão đã mất nhiều thì giờ ghi lại chú thích hầu tạo cho những lời đó có một ý nghĩa đó thôi…
Dịch Nhân Tiết ngưng lại một lát để dò xét ý nghĩ của kẻ đối thoại với mình, nhưng thật ra đạo sĩ Tuyên Minh vẫn giữ được bình tĩnh thường lệ của ngài.
Vị phán quan lại tiếp:
- Hoà thượng Chân Hiền đã bỏ một liều thuốc độc khá mạnh vào chén trà của hoà thượng Ngọc Kinh ngay sau khi hai vị vừa dùng cơm trưa xong. Lúc đó bức tranh đã gần hoàn thành. Suốt cả buổi sáng hoà thượng Ngọc Kính đã vẽ xong con mèo và tất cả các chi tiết khác. Ngài còn dở tô thêm những nét đậm lạt trên những lá tre thì đến giờ dùng cơm trưa. Sau khi đã để hoà thượng Ngọc Kính uống chén nước trà có bỏ chất độc, Chân Hiền bước ra khỏi phòng và loan tin cho hai vị tu sĩ phục dịch biết là hoà thượng Ngọc Kính bắt đầu vẽ con mèo của ngài và ngài không muốn ai khuấy rầy ngài cả.
Chất thuốc độc đã kích thích hoà thượng Ngọc Kính. Do đó, ngài bắt đầu ngâm nga luôn miệng kinh kệ, nói lên chỉ để một mình ngài nghe. Người ngoài tưởng rằng ngài đang ở trong tình trạng cảm hứng lên cao, nhưng nào ai biết là chính ngài đã bị đầu độc. Ngài không hề tuyên bố là ngài sắp đọc di chúc mà ngài chỉ muốn báo cho tín đồ biết vài phát giác của ngài. Rồi ngài đã ngã xuống ghế sau khi đã thật đuối sức. Và cho đến khi ngài thở hơi cuối cùng.
Đạo sĩ Tuyên Minh thở dài:
- Phán quan có lý. Nhưng tại sao Chân Hiền lại muốn giết hoà thượng Ngọc Kinh và tại sao Chân Hiền lại tìm ta để mà thú tội?
- Bản chức nghĩ rằng Chân Hiền e ngại bị đưa ra hạch hỏi trước bá tánh vì chính hoà thượng Ngọc Kinh đã viết thư riêng cho tiến sĩ Tùng Thiện kể qua những hành động vô luân của Chân Hiền đối với các nữ tu sĩ. Lẽ dĩ nhiên, nếu những việc đó đến tai bá tánh thì con đường tu của Chân Hiền coi như chấm dứt.
Đạo sĩ Tuyên Minh đưa hai tay che lên mắt.
- Những hành động vô luân! Con người ấy luôn luôn nghĩ đến những buổi lễ bí ẩn có tính cách tửu sắc với các tu sĩ phái yếu. Trời đất! Chính ta cũng có phần trách nhiệm trong vụ dơ bẩn này. Ta biết ta đã lầm lẫn vì tối ngày không ra khỏi cái thư viện này. Từ nay ta sẽ dành thì giờ chia sẻ cuộc sống chung trong tu viện mới được. Nhưng… chính hoà thượng Ngọc Kính cũng có lỗi nữa. Vì sao ngài không nói ta hay về tất cả mọi dị nghị của ngài? Cũng vì vậy mà ta đã không có dịp góp ý với ai cả.
Trong khi đạo sĩ Tuyên Minh chưa dứt lời thì Dịch Nhân Tiết đã lên tiếng:
- Bản chức tin rằng Chân Hiền và tên vô loại với cái tên là Mặc Đức phải chịu trách nhiệm về cái chết trong năm rồi của ba thiếu nữ ở ngôi thiền viện này. Có lẽ họ đã ép buộc các nạn nhân tham dự vào những trò chơi có tính cách tửu sắc của họ. Mặc Đức từng quen biết ngôi thiền viện này từ lâu. Lần này hắn cải trang thành diễn viên, để rồi lại đến đây gieo rắc sợ hãi cho mọi người. Hơn nữa, khi Tùng Lập đọc những bài thơ có ý ám chỉ đến cái chết bí ẩn của hoà thượng Ngọc Kính, thì người lo sợ nhất chính lại là Chân Hiền. Do đó khi Chân Hiền nhận thấy Tùng Lập thân mật chuyện trò với bản chức trong bữa tiệc, và sau câu chuyện, bản chức ngỏ ý muốn đi thăm nơi cất dấu di hài, thì Chân Hiền biết ngay là bản chức muốn mở cuộc điều tra. Với ý nghĩ đó, Chân Hiền như kẻ mất trí liền để ý giám sát bản chức. Chân Hiền đã đánh mạnh vào đầu bản chức, bản chức chỉ mới bất tỉnh mà chưa chết. Trước khi bị đánh, bản chức đã cảm ngửi một mùi hương kỳ lạ. Mùi thơm đó chính là mùi thơm của cây nhang mà Chân Hiền đốt lên trong phòng của ông ta. Mùi thơm ấy quyện vào nếp áo và khi Chân Hiền có cử chỉ mạnh thì mùi thơm từ nếp áo bay ra. Sau đó, Chân Hiền cũng đã đứng nghe lén ngoài cửa khi bản chức bàn chuyện với Tào Can. Thấy động, Chân Hiền bỏ đi và cũng đã để lại mùi thơm đó. Quả thật, Chân Hiền đã trở thành người mất trí.
Đao sĩ Tuyên Minh uể oải gật đầu. Sau một phút im lặng, đạo sĩ lên tiếng hỏi:
- Nhưng tại sao Chân Hiền lại tìm ta để thú tội. Ông tưởng rằng ta sẽ bênh vực cho ông chăng? Ý nghĩ đó thật quá sức tưởng tượng của ta.
- Thưa đạo sĩ, trước khi trả lời câu hỏi của đạo sĩ, bản chức muốn biết là Chân Hiền biết rõ chiếc lan can đã bị hỏng rồi chứ?
- Lẽ dĩ nhiên! Chính ta đã nói với ông ta nên gấp rút cho người sửa chữa. Thường lệ thì ông ta đâu có chểnh mảng đến như vậy. Chiếc lan can bị hỏng, ông ta phải biết trước hơn ai hết chứ!
- Trong trường hợp ấy, rõ ràng Chân Hiền muốn tự tử!
- Không phải thế đâu! Chính ta nhìn thấy bàn tay của ông ta tìm chiếc lan can mà!
- Ông ta đã tìm cách đánh lừa cả hai chúng ta. Xin đạo sĩ nhớ rõ là ông ta không tìm đợi đạo sĩ ở dưới cầu thang. Ý định của ông ta là không tuyên bố một lời nào cả. Ông ta muốn đến nơi đây vì thật sự ông ta cảm thấy quá lạc lõng và chiếc lan can hư này là cái cớ hay nhất để giúp cho ông ta thực hiện ý định trước khi chúng ta ngăn cản. Chân Hiền tự ý muốn tạo tai nạn để khỏi làm ô danh dòng họ của ông ta. Bây giờ, thật ra chúng ta chưa được biết rõ ràng về vai trò của Chân Hiền trong các câu chuyện khác.
Tào Can và Tùng Lập lại xuất hiện:
- Bẩm phán quan, hoà thượng Chân Hiền bị gãy xương sống. Cái chết đã đến ngay lúc ấy. Xác của hoà thượng hiện được đưa lên đặt ở gian phòng lớn của đền thờ. Tiện hạ đã giải thích cho vị tu sĩ trông coi thiền viện biết đây chỉ là một tai nạn xảy ra trong khi hoà thượng trên đường đến yết kiến đạo sĩ Tuyên Minh.
Dịch Nhân Tiết đứng dậy và ngỏ lời với đạo sĩ:
- Thưa đạo sĩ. Tốt hơn hết là nên giữ đúng nguồn tin là hoà thượng Chân Hiền đã chết vì tai nạn. Hoà thượng trưởng lão chắc sẽ được loan báo kịp lúc?
- Chúng tôi sẽ lo việc ấy. Tinh sương hôm nay, chúng tôi sẽ loan báo cho hoà thượng trưởng lão biết. Trong khi chờ đợi quyết định của ngài, vị tu sĩ trông coi tu viện sẽ lo những chuyện lặt vặt khác.
- Bản chức xin để lại bức tranh vẽ con mèo ở lại đây. Đâylà một bằng chứng quan trọng. Kính mong đạo sĩ giúp ý kiến trong việc thảo bản tường trình của bản chức.
Đạo sĩ Tuyên Minh gật đầu và sau khi nhìn kỹ nét mặt vị phán quan, đạo sĩ nói:
- Phán quan cần ngủ một hay hai tiếng đồng hồ. Xem chừng phán quan mệt sức lắm thì phải?
- Thưa đạo sĩ. Bản chức còn phải tìm cho ra tông tích Mặc Đức. Bản chức nghĩ rằng tội của hắn ta còn nặng gấp mấy lần tội của Chân Hiền. Theo tôn ý, về cái chết của Chân Hiên, bản chức nên đề là tự tử hay là tai nạn? Mặc Đức có lẽ là người duy nhất có thể cho chúng ta biết rõ về cái chết của ba thiếu nữ.
- Hắn làm nghề gì? Dường như người nói với ta hắn là diễn viên phải không? Ta có xem vở tuồng nhưng không xem màn cuối.
- Mặc Đức có mặt từ đầu đến cuối vở tuồng. Hắn đóng vai thần chết, nhưng đạo sĩ khó mà nhận được mặt thật của hắn vì khi lên sân khấu hắn đeo mặt nạ bằng gỗ. Đóng tuồng xong, hắn vẫn thoa son trét phấn lên mặt. Có thể lúc này, hắn cải trang thành một tu sĩ. Đó là một thanh niên to lớn, có đôi vai rộng, nhưng có nét mặt u buồn.
- Ồ! Phần nhiều các tu sĩ đều có nét mặt u buồn như vậy. Có thể vì họ thiếu ăn? Vậy phán quan đã gặp hắn lần nào chưa?
- Bẩm chưa. Nhưng thưa đạo sĩ bản chức không thể hoàn thành được cuộc điều tra nếu chưa gặp hắn.
Dịch Nhân Tiết cúi đầu chào đạo sĩ Tuyên Minh, rồi bước ra cửa. Tào Can và Tùng Lập bước theo. Lúc vừa bước ra, họ bắt gặp một chú tiểu, vẻ mặt lo lắng trông thấy rõ.
Chương XV: DỊCH NHÂN TIẾT TRỞ LẠI “HÀNH LANG KINH HOÀNG”
Khi ba người bước tới gian phòng lớn của đền thờ thì họ thấy vị tăng sĩ lo việc nghi lễ đang bàn chuyện với một nhóm tu sĩ. Vị này đến gặp Dịch Nhân Tiết rồi dẫn vị phán quan đến một căn phòng bên cạnh. Thi hài của hoà thượng Chân Hiền được đặt trên ba cái niềng cao. Dịch Nhân Tiết đưa tay kéo tấm gấm đỏ trên có thêu những dấu hiệu Lão giáo, vị phán quan ngắm một chốc nét mặt của Chân Hiền. Vị tăng sĩ lo việc nghi lễ bước lại gần nói nhỏ:
- Suốt đêm nay sẽ có bốn tu sĩ cắt phiên nhau đọc kinh cầu hồn cạnh thi hài. Sáng tinh sương là lo việc thông báo cái chết của hoà thượng Chân Hiền cho hoà thượng trưởng lão tường.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời chia buồn rồi bước ra. Tào Can và Tùng Lập đứng đợi vị phán quan ở ngoài hành lang.
Tùng Lập ngỏ lời:
- Phán quan cho phép tiện hạ được mời phán quan đến phòng riêng dùng trà.
- Ta không thể nào bước lên một bậc tam cấp nào nữa. Nhà ngươi hãy bảo một tu sĩ nào đó đem đến đây ngay một bình nước trà thật đậm là quá tốt rồi.
Dịch Nhân Tiết bước thẳng đến một căn phòng trước mặt và ngồi vào một chiếc ghế đặt trước một cái bàn có chạm trổ mỹ thuật. Sau khi ra dấu hiệu cho Tào Can ngồi đối diện với mình, Dịch Nhân Tiết bắt đầu nhìn kỹ những bức chân dung của các đấng tử vì đạo được treo ngay ngắn ở vách. Nhìn qua một bức chắn ngang Dịch Nhân Tiết nhìn thấy một cách mù mờ bóng những bức tượng cao lớn sơn son thếp vàng được dựng lên ở phòng bên cạnh. Giữa lúc đó, Tùng Lập đã mang tới một bình trà lớn. Thi sĩ rót trà ra liền. Dịch Nhân Tiết ra hiệu cho thi sĩ ngồi xuống. Có tiếng đọc kinh vang lên đâu đó. Đó là những bản kinh cầu hồn.
Vị phán quan đã cảm thấy thấm mệt nên ngồi bất động. Ngài cảm thấy nhức mỏi ở đôi chân, ở lưng, còn đầu óc như trống rỗng. Vị phán quan đang liên tưởng đến cái chết của hoà thượng Ngọc Kính và việc Chân Hiền tự tử. Vài chi tiết vẫn còn mù mờ. Hình ảnh Mặc Đức có phần lôi cuốn vị phán quan, nhưng lúc này ông ta đã quá mệt mỏi nên không thể làm thêm được việc gì nữa.
Cái mũ mà Mặc Đức đội trên đầu trong khi diễn tuồng luôn luôn hiện ra trước mắt vị phán quan.
Ở cái mũ ấy có rất nhiều điều bí ẩn mà vị phán quan chưa thể nào giải thích được. Đầu óc vị phán quan rối rắm nhiều chuyện vì quá mệt. Dịch Nhân Tiết thiu thiu ngủ lú nào không hay. Nhưng rồi vị phán quan bỗng ngồi dậy, đặt mạnh cùi chỏ xuống bàn rồi đưa mắt nhìn mọi người. Tào Can nhìn thấy Tùng Lập cũng tỏ ra đã thấm mệt. Sự mệt mỏi cũng làm cho Tùng Lập mất đi sự ương ngạnh thường lệ. Sau khi uống cạn một tách trà. Dịch Nhân Tiết nói với Tùng Lập:
- Bây giờ nhiệm vụ của nhà ngươi đã xong, tại sao nhà ngươi không trở lại công việc đèn sách. Nhà ngươi còn có thể ứng thi vài khoá nữa, cố làm rạng danh ông thân sinh nhà ngươi chứ!
Đưa tay đẩy cái mão đội trên đầu ra phía sau một chút, Dịch Nhân Tiết tiếp lời:
- Bây giờ, hãy bàn chuyện về Mặc Đức. Ta đang muốn cứu sống nạn nhân cuối cùng của hắn. Muốn vậy ta phải thộp cho được cổ hắn, buộc hắn phải cho ta rõ là hắn đã dấu thiếu phụ cụt tay ở nơi nào.
- Thiếu phụ cụt tay?
Tùng Lập lặp lại câu nói đầy vẻ kinh ngạc.
- Đúng vậy! Nhà ngươi có lần nào gặp thiếu phụ đó không?
Dịch Nhân Tiết có ý dò xét nét mặt của Tùng Lập.
Thi sĩ lắc đầu:
- Bẩm phán quan. Không gặp. Tôi có mặt ở thiền viện này chỉ mới hai tuần lễ nay, nhưng chưa hề nghe nói đến người đàn bà cụt tay đó.
Mỉm cười. Tùng Lập tiếp lời:
- Hay phán quan muốn nói đến bức tượng ở “hành lang kinh hoàng”?
Dịch Nhân Tiết có vẻ sửng sốt:
- Bức tượng nào?
- Bức tượng được chằng dây rất kỹ. Gỗ ở cánh tay trái bị mối ăn nên cánh tay không còn dính với thân tượng nữa. Các tu sĩ cũng không buồn sửa chữa.
Nhận thấy vị phán quan nhìn chằm chằm mình, Tùng Lập nói rõ hơn:
- Người đàn bà trần truồng này lại bị một con quỷ mặt xanh đâm mũi lao vào ngực, chính phán quan có nói với Tào Can là…
Dịch Nhân Tiết bỗng đập mạnh tay xuống bàn, lớn giọng cướp lời:
- Tại sao nhà ngươi không nói sớm cho ta hay điều đó?
- Lúc chúng ta bước vào “hành lang kinh hoàng”, tiện hạ đã có nói là một bức tượng đang được sửa chữa và…
Dịch Nhân Tiết như quên mệt nhọc, cầm đèn lên và ra lệnh:
- Hãy đi theo ta!
Vị phán quan lẹ chân bước qua căn phòng lớn, trèo lên cầu thang ở tầng lầu thứ nhất. Tào Can và Tùng Lập phải mệt nhọc lắm khi phải bước theo chân vị phán quan.
Dịch Nhân Tiết vẫn thoăn thoắt bước khi đi qua hành lang của ngọn tháp phía Tây Nam để bước xuống bậc tam cấp dẫn tới “hành lang kinh hoàng”. Đưa chân đẩy cánh cửa, Dịch Nhân Tiết dừng lại trước con quỷ mặt xanh và người đàn bà nằm duỗi thẳng dưới nền nhà.
Dịch Nhân Tiết lẩm bẩm:
- Có máu chảy…
- Tào Can và Tùng Lập nhìn tia máu rỉ ra ở phía đầu mũi lao.
Dịch Nhân Tiết cúi mình xuống, đưa tay rẽ mớ tóc trùm lên mặt nạn nhân.
Bỗng Tùng Lập la lớn:
- Mai Quế! Bọn chúng đã giết chết Mai Quế!
Dịch Nhân Tiết nói:
- Không. Nàng chưa chết. Kìa! Trông bàn tay nàng còn cử động đó!
Một lớp phấn dày được trét lên thân hình thiếu nữ và người ta đã tô đen chân và tay nàng để làm cho khó nhận thấy hơn khi ở trong bóng tối.
Thiếu nữ mở mắt nhìn vị phán quan, cặp mắt hiện lên sự sợ hãi lẫn sự đau đớn. Một miếng da che phía dưới mặt có công hiệu làm cho cái đầu trở thành bất động.
Tùng Lập hăm hở muốn giải thoát thiếu nữ nhưng vị phán quan đẩy chàng thi sĩ lui ra.
- Không được đụng chạm tới vì nếu vô ý, chỉ làm cho nạn nhân đau đớn thêm. Hãy để ta tính.
Tào Can bắt đầu mở từng sợi dây.
- Tất cả những thứ này cốt để che dấu những cái móc sắt đóng chặt vào đá.
Tào Can vừa nói vừa đưa tay chỉ vào những miếng kẽm bao lấy mắt cá, đùi, cánh tay, cổ tay của nạn nhân.
Tào Can định mở nắp hộp đựng dụng cụ ra thì Dịch Nhân Tiết đã đưa tay cản lại. Vị phán quan nhận thấy mũi lao vừa chỉ đụng nhẹ vào da thịt. Có máu rỉ ở vết thương, máu nhuộm cả lớp phấn trên ngực. Vết thương không sâu lắm. Dịch Nhân Tiết xoay xoay ngọn lao, tránh việc đưa mũi lao cắm sâu vào ngực thiếu nữ. Tìm được chiều thuận tay, vị phán quan nắm cả cây lao giật mạnh, đôi tay bằng gỗ của quỷ sứ cũng rớt theo luôn.
Dịch Nhân Tiết ra lệnh cho Tào Can:
- Bây giờ hãy cho ta mượn cái kềm của nhà ngươi và nhà ngươi lo mở trói ở chân nàng ra.
Tào Can lo tháo gỡ những miếng thiếc bao lấy mắt cá, đùi và chân, còn Dịch Nhân Tiết hì hục tháo gỡ miếng da trùm lên nửa mặt. Khi miếng da được tháo gỡ, Dịch Nhân Tiết rút ở miệng thiếu nữ ra một nùi bông gòn. Vị phán quan từ từ tháo gỡ những bao sắt bọc lấy cánh tay của nạn nhân.
- Thật là tài tình!
Tào Can vừa nói vừa lấy ra một vòng sắt vừa được tháo gỡ khỏi đùi của thiếu nữ.
Tùng Lập, hai tay ôm đầu, khóc nức nở. Vị phán quan nói:
- Nhà ngươi hãy giúp ta một tay. Hãy đỡ nàng dậy.
Trong lúc Tùng Lập đưa tay đỡ lấy lưng Mai Quế, thì Dịch Nhân Tiết giúp Tào Can tháo gỡ một cái khoen cuối cùng, đoạn ba người ẵm Mai Quế lên, đặt nàng xuống nền nhà. Vị phán quan tháo chiếc khăn quàng ở cổ đắp lên bụng cho thiếu nữ.
Tùng Lập ngồi bên Mai Quế đưa tay vuốt má nàng, lẩm bẩm những lời nói dịu dàng. Mai Quế không nghe biết gì vì thật ra nàng vẫn còn bất tỉnh.
Dịch Nhân Tiết và Tào Can lại loay hoay tháo gỡ hai cây lao do một cặp quỷ sứ mặt xanh đang cầm trong tay. Tào Can lấy ra một tấm vải, dùng hai cây lao làm ra một cái cáng cứu thương. Mai Quế được đặt lên cáng.
Dịch Nhân Tiết ra lệnh:
- Hãy mang nàng đến phòng của nàng Đinh cho ta!