14/4/13

Xử án trong tu viện (C7-9)

Chương VII: CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA DỊCH NHÂN TIẾT VÀ ĐẠO SĨ TUYÊN MINH

Có người dẫn đường, Dịch Nhân Tiết trở lại con đường quen thuộc.
Đến phía trên gian giữa của ngôi tu viện, cả hai quay lưng lại nhìn hành lang đưa đến căn phòng chứa vật liệu rồi cả hai lần theo một con đường thẳng được thắp sáng bằng một ngọn đèn có bao ngoài bằng giấy đã rách.
Bước lên cao, vị phán quan cảm thấy chóng mặt.
Đột nhiên, Dịch Nhân Tiết quay lại thì bắt gặp một bóng đen, đó là một người đàn ông mặc áo màu xám. Người này bước mau vào hành lang và biến mất.
Hai người lại bước đi. Vị phán quan hỏi chú tiểu:
- Các tu sĩ thường hay dùng hành lang đó không?
- Bẩm quan lớn. Các tu sĩ không dùng hành lang đó. Vì không muốn quan lớn phải đi dưới mưa nên con phải mượn con đường này. Những người khác khi có việc cần qua tháp ở phía tây thì họ leo lên một cầu thang con ốc ở ngay gần cửa đối diện với nhà ăn.
Lúc hai người đến căn phòng vuông ở cánh phía tây. Dịch Nhân Tiết ra lệnh ngưng lại và từ đây vị phán quan nhắm hướng.
Dịch Nhân Tiết chỉ về phía một cánh cửa và hỏi:
- Vậy cánh cửa này mở ra phòng nào?
- Bẩm quan lớn. Cánh cửa đó dẫn tới “hành lang kinh hoàng”. Hành lang đó chiếm hết cánh trái sân chánh, nhưng tất cả các chú tiểu không được phép vào hành lang đó.
Dịch Nhân Tiết biết rằng tất cả các ngôi thiền viện tương đối lớn đều có một hành lang dành chứa những bức chạm trổ diễn tả theo lối vẽ tả thực về các hình phạt mà những người có tội phải chịu đựng lúc bị đày xuống “mười hoả ngục”.
Vị phán quan nói một mình:
- Ta nghĩ rằng các thanh niên cũng nên cần viếng thăm hành lang đó để biết mà tránh xa tội lỗi.
Hai người bước lên những bậc tam cấp ngăn cách khoang cầu thang, bước tới cánh cửa sơn đỏ của vị nguyên quốc tử giám.
Chú tiểu lên tiếng:
- Bẩm quan lớn. Xin cẩn thận, những chiếc lan can kia đã hư cần phải sửa chữa.
Lúc bước chân lên sân thượng, Dịch Nhân Tiết nhận thấy có nơi lan can bị gãy. Vị phán quan nghiêng mình nhìn rõ lỗ trống thì chú tiểu vội nói:
- Đây là cầu thang mà con đã trình quan lớn biết lúc nãy. Cầu thang này dẫn tới cửa phía tây, đi xuống hai tầng lầu.
Dịch Nhân Tiết trao cho chú tiểu một tấm thiệp màu đỏ, chú tiểu cầm thiệp và bắt đầu gõ cửa.
Một giọng nói lớn vang lên:
- Cứ vào!
Đạo sĩ Tuyên Minh đang ngồi trước một chiếc bàn bày đầy sách và giấy tờ.
Chú tiểu cung kính cúi đầu và trao tấm thiệp. Liếc mắt nhìn thật nhanh, đạo sĩ Tuyên Minh đứng dậy và bước ra:
- Té ra phán quan Dịch Nhân Tiết. Chẳng mấy khi phán quan đến thăm tu viện Chiêu Vân.
Dịch Nhân Tiết vòng tay, kính cẩn cúi đầu:
- Thật quá hân hạnh được gặp đạo sĩ nơi đây.
Đạo sĩ Tuyên Minh vui vẻ:
- Hãy bỏ những lời chúc tụng long trọng đó. Cứ ngồi xuống đi để ta sắp xếp thứ tự đống giấy tờ kia lại một chút.
Chú tiểu vừa dâng trà thì đạo sĩ Tuyên Minh đã lên tiếng:
- Cảm ơn con. Bây giờ thì con có thể bước ra. Để ta lo săn sóc khách quý của ta.
Vừa nhấp từng ngụm trà ướp hoa lài, Dịch Nhân Tiết vừa dò theo từng cử chỉ một của đạo sĩ Tuyên Minh.
Đạo sĩ Tuyên Minh, dáng người cao lớn, cổ to biến hẳn vào đôi vai. Mặc dù đạo sĩ đã quá sáu mươi nhưng nét mặt của ông không thấy một đường nhăn nào, hơn nữa da thịt lại hồng hào, trông dáng rất khoẻ mạnh. Đạo sĩ có bộ râu quai nón, tóc ông ngả màu bạc chải về phía sau để lộ một cái trán cao và rộng.
Đạo sĩ Tuyên Minh không đội mão. Râu hàm én của ông buông thõng xuống đi ngược với đôi lông mày dựng lên… làm cho đạo sĩ có cốt cách khác hẳn với một người thường.
Dịch Nhân Tiết đưa mắt quan sát một vòng quanh căn phòng rồi mới bắt đầu đọc hết các hàng chữ trên những tấm giấy treo ở vách.
Đạo sĩ Tuyên Minh sau khi sắp xếp xong mớ giấy tờ, bỗng nhìn Dịch Nhân Tiết với cặp mắt sắc sảo, rồi hỏi:
- Nghe tin quan lớn vừa gặp nạn. Ta mong mỏi tai nạn đó không mấy hệ trọng.
Dịch Nhân Tiết đáp:
- Dạ, tai nạn không đáng kể. Sau hai tuần lễ ở lại kinh đô, chúng tôi cùng gia đình trở về Hàn Nguyên. Chúng tôi trù tính đến Gia Mân dùng cơm tối, nhưng nửa đường gặp giông bão. Trục bánh xe lại bị gãy. Chúng tôi xin phép hoà thượng tá túc tại tu viện và dự định sáng sớm sẽ lên đường vì ngày mai có lẽ trận giông bão cũng dứt.
Đạo sĩ Tuyên Minh mỉm cười:
- Nhờ việc không may của quan lớn mà ta được hân hạnh đón tiếp ngài. Ta rất thích được bàn chuyện với các vị phán quan trẻ, đầy tương lai. Đáng lý ngài cần đến thăm thiền viện này sớm hơn vì dù sao thiền viện cũng thuộc quyền tài phán dân sự của ngài.
Dịch Nhân Tiết vội vã trả lời:
- Sự chểnh mảng của chúng tôi thật không thể tha thứ được, nhưng thật ra chúng tôi có rất nhiều việc chưa làm xong ở Hàn Nguyên đó ạ!
Đạo sĩ Tuyên Minh gật gật đầu:
- Ta rõ hết. Ngài rất chăm lo công việc. Cũng nhờ sự sốt sắng của ngài mà bao nhiêu rối loạn ở Hàn Nguyên đều được dập tắt. Xin thành thật ngợi khen.
Dịch Nhân Tiết nghiêng mình:
- Hôm nay chúng tôi đến đây để nghe thêm lời chỉ giáo của đạo sĩ.
Nhân thấy đạo sĩ Tuyên Minh vui vẻ và thân mật. Dịch Nhân Tiết tự hỏi là vì sao mình không bày tỏ thắc mắc về người đàn bà cụt tay. Vị phán quan lưỡng lự một hồi, sau cùng đi đến quyết định:
- Thưa đạo sĩ, xin đạo sĩ cho phép thỉnh vấn về một câu chuyện kỳ lạ mà vừa rồi chính chúng tôi được chứng kiến.
- Sao lại không được? Chuyện gì đã xảy ra thế?
Dịch Nhân Tiết có vẻ bối rối nhưng rồi cũng cố gắng trình bày câu chuyện:
- Thưa đạo sĩ, thật sự chúng tôi cũng không biết sự việc có đúng không. Lúc chúng tôi đến căn phòng dành riêng cho chúng tôi thi chính mắt chúng tôi nhìn thấy, nhưng chỉ trong vài giây đồng hồ, một cảnh tượng đã xảy ra cách đây một thế kỷ khi các binh lính đã giết các loạn quân. Một sự việc như thế có thể xảy ra không?
Đạo sĩ Tuyên Minh ngồi phịch xuống ghế rồi với giọng nghiêm nghị:
- Có chứ! Có bao giờ ngài bước vào một căn phòng trống nhưng rồi ngài tự cảm biết là vừa có người ở trong phòng ấy không? Ngài có cảm giác đó chứ! Thật ra thì ngài không rõ lý do về sự việc chắc chắn đó, nhưng phải nói là ngài cảm thấy sự việc đó. Hiện tượng ấy cũng rất dễ giải thích. Một người vừa bước ra ít ra cũng để lại một chút gì hơi hướng của hắn trong căn phòng. Hắn không làm việc gì kỳ lạ. Có thể hắn đọc một trang sách hay viết một bức thư. Bây giờ đặt giả thiết là người đó bị chết một cách đột ngột tại nơi đó. Những luồng sóng điện đau đớn thấm sâu vào không khí cho đến vài năm sau còn để lại dấu vết. Một người cảm xúc quá độ hoặc bị gây nên cảm xúc quá độ do mệt mỏi cũng có… là có thể cảm thấy được cái không khí đó đã có từ cả thế kỷ. Vậy ngài có nhận thấy sự giải thích như vậy là hợp lý không?
Dịch Nhân Tiết gật đầu. Lẽ dĩ nhiên, đạo sĩ Tuyên Minh đã suy nghĩ rất nhiều về những câu hỏi đầy bí ẩn đó.
Dịch Nhân Tiết tuy chưa mấy thoả mãn về lời giải thích nhưng vị phán quan cũng không tuyệt đối bác bỏ, nên đã kính cẩn trả lời:
- Có thể lời giải thích của thầy rất hữu lý. Chúng tôi bị mệt nhiều. Hơn thế nữa, chúng tôi lại bị cảm vì đã bị gặp mưa và lạnh.
- Bị cảm sao? Suốt ba mươi năm nay, ta chưa hề bị cảm một lần nào cả. Ta đã vạch cho ta một cuộc sống riêng, chăm sóc cẩn thận đến nguyên tắc bồi dưỡng sự sống đó.
Dịch Nhân Tiết hỏi lại:
- Vậy đạo sĩ có tin rằng con người có thể trở thành bất tử ở trên quả đất này không?
Đạo sĩ Tuyên Minh phì cười:
- Ta không tin điều đó. Đời người có hạn. Kéo dài cuộc sống bằng phương tiện này hay phương cách nọ rồi cũng chỉ vô ích. Mọi cố gắng của chúng ta là phải giữ cho thân thể được tráng kiện, tinh thần được minh mẫn. Muốn đạt được mục đích đó, cần phải sống một cách tự nhiên hơn, khởi sự là nên điều hoà việc ăn uống, ngài Dịch Nhân Tiết ạ! Ngài cần cẩn thận hơn trong việc ăn uống.
- Vâng, bản chức là đồ đệ của Đức Khổng nhưng bản chức xác nhận rằng trong Lão giáo cũng có nhiều sự khôn ngoan của đạo đó.
- Lão giáo cũng giống như đạo Khổng. Đạo Khổng giải thích cho con người phải cư xử như thế nào trong một xã hội đã thành hình. Lão giáo cho ta biết mối liên hệ giữa con người và vũ trụ… trật tự xã hội chỉ là một hinh thức mà thôi.
Dịch Nhân Tiết có vẻ không mấy hăng hái trong một cuộc thảo luận nặng về triết học. Thâm tâm vị phán quan còn muốn nêu hai câu hỏi nữa nhưng vì phép xã giao, đợi mấy giây sau, ông ta mới lên tiếng:
- Có thể có những phần tử xấu ở bên ngoài thường tìm cách lui tới ngôi thiền viện này không? Vì lúc chú tiểu dẫn bản chức đến gặp đạo sĩ thì bản chức có cảm giác như có kẻ theo dõi…
Đạo sĩ Tuyên Minh im lặng một phút. Sau đó, đột nhiên đạo sĩ Tuyên Minh hỏi:
- Ngài vẫn thích dùng cá đấy chứ?
Dịch Nhân Tiết có vẻ ngạc nhiên:
- Vâng. Bản chức vẫn thích ăn cá.
- Đấy! Thịt cá làm giảm bớt sự hồn nhiên của chúng ta ở chỗ nó làm cho sự tuần hoàn bị trì chậm lại, thần kinh hệ bị ảnh hưởng… cho nên chúng ta nhìn thấy những sự việc không hề xảy ra. Để ta nghiên cứu kỹ những sách thuốc của ta và sáng mai ta sẽ kê khai một bảng đầy đủ chi tiết về các thức ăn mà ngài nên dùng đến.
- Xin đa tạ. Ngoài ra chúng tôi xin đa tạ đạo sĩ hơn nữa, xin nhờ đạo sĩ soi sáng một điểm thắc mắc cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi có nghe nói có một số người mượn cớ tu hành, bên trong tổ chức những lễ tửu thần để rồi ép buộc các thiếu nữ tham dự. Vậy có một chút nào sự thật trong những lời đồn đãi đó không?
- Hoàn toàn xuyên tạc và có ác ý. Làm thế nào con người còn ham mê tửu dục khi họ quyết tâm theo một chế độ ăn uống hết sức đạm bạc như vậy? Toàn là những xuyên tạc có ác ý!
Đạo sĩ Tuyên Minh đứng dậy, nói thêm:
- Bữa tiệc sắp bắt đầu rồi đấy! Hoà thượng trụ trì có lẽ đang đợi chúng ta, ngài phán quan ạ! Hoà thượng trụ trì không phải là nhà trí thức nổi tiếng, nhưng hoà thượng là người khôn ngoan, biết cai quản thiền viện một cách tài tình.
Dịch Nhân Tiết vui vẻ:
- Vâng. Đó không phải là việc dễ dàng đâu! Thiền viện cũng giống như một đô thị nhỏ. Chúng tôi muốn biết thiền viện rõ hơn, nhưng người ta bảo rằng không có hoành đồ nào về ngôi thiền viện này cả. Ngoài ra, lại có tin là tất cả các tín đồ không được lai vãng nhiều khu vực ở ngoài đền thờ.
- Ồ! Thật ra thì người ta chỉ muốn tạo ra một sự bí ẩn nào đó thôi, nhưng ta đã nói đến cả trăm lần với hoà thượng trụ trì là cần phải thiết lập một bức hoành đồ của tu viện. Hơn nữa, đó là một điều bắt buộc đúng theo điều 28 - Sắc lệnh thiết lập xây dựng các nơi thờ phụng. Tuy nhiên ta có thể trình bày qua về ngôi tu viện này để ngài rõ.
Bước lại gần một tờ giấy lớn treo ở vách, đạo sĩ Tuyên Minh bắt đầu giải thích:
- Đây là bức hoành đồ đó, chính ta vẽ lấy. Giản dị lắm! Tu viện này xây cất được hai trăm năm rồi! Người ta muốn biểu tượng vừa cả vũ trụ, vửa cả con người – thu nhỏ lại. Tất cả nằm trong hình bầu dục này tượng trưng cho sự tạo lập nguyên thuỷ. Tu viện quay mặt về hướng Nam, nằm theo sườn núi. Mặt Đông có vực thẳm. Mặt Tây có rừng rậm.
Hãy theo bần đạo kể tiếp. Chúng ta, từ cái sân rộng lớn này bước đi, sân hình tam giác, mỗi bên có nơi dành riêng làm nhà bếp, nơi ở của các chú tiểu và xa xa là chuồng ngựa. Qua tiền sảnh này là sân của đền thờ, nơi đây có những cánh mái nhà cao đến hai tầng lầu. Ở tầng trệt cánh nhà phía Tây là phòng tiếp khách, ở tầng lầu một có thư viện, ở tầng lầu hai có nơi ngụ của vị tăng sĩ giữ tu viện, tăng sĩ lo việc nghi lễ và tăng sĩ lo lưu trữ tài liệu. Tầng trệt cánh phía Đông có phòng hội, nơi đây có sân khấu và có nhiều văn phòng. Ở tầng lầu một và tầng lầu hai có phòng dành riêng cho các tân khách. Ta đoán rằng ngài cùng quý gia đình hiện chiếm ngụ tầng lầu hai thì phải?
- Đúng vậy! Hoà thượng trụ trì đã dành cho chúng tôi hai căn phòng rộng rãi ở góc Đông Bắc của tầng lầu thứ hai.
- À! Đúng vậy sao? Hãy tiếp tục. Ở cuối cái sân này là đền thờ. Nơi đây du khách được thưởng lãm nhiều bức tượng xưa cũ hết sức mỹ thuật. Ở phía sau đền thờ là sân chánh, mỗi góc có dựng lên một ngọn tháp. Chúng ta đang ở phía ngọn tháp Tây Nam. Phía trái sân có “hành lang kinh hoàng” – đó là tiếng nói của người nặng óc dị đoan mà thôi. Phía mặt là nơi trú ngụ của các tu sĩ và ở phía cuối, trên một cái cổng dẫn tới chánh điện, nơi đây còn là chỗ ở của hoà thượng trụ trì.
Chánh điện có hình dáng một vòng tròn. Theo thứ tự trong tu viện có hình tam giác, hai hình vuông, rồi lại một hình vuông và một hình tròn. Thôi hãy gác việc ấy qua một bên đã! Điều chính yếu là chắc hẳn lúc này ngài đã có thể định hướng rồi đấy chứ? Lẽ dĩ nhiên trong tu viện có cả trăm ngõ ngách gồm những hành lang, những bậc thang, những lối đi nối liền toà nhà này với toà nhà nọ, nhưng nếu ngài có sẵn bức hoành đồ trong đầu óc rồi thì chẳng bao giờ ngài có thể lầm lạc được nữa.
Dịch Nhân Tiết niềm nở:
- Xin tạ ơn đạo sĩ.Vậy ngài cho biết điện thờ gồm đến mấy căn phòng?
- Chỉ có một ngôi đền nhỏ. Trong ngôi đền chỉ có một cái bình đựng tro của vị sáng lập.
- Hẳn không có ai ở trong đền cả chứ?
- Chắc chắn là không rồi. Ta cũng đã đến thăm nơi đó. Chỉ có ngôi đền và những bức tượng bao quanh. Nhưng ngôi đền đó được xem là nơi thiêng liêng nhất. Ở đây, trên tờ giấy này, ta thay thế bằng một vòng tròn đen và trắng, làm như vậy để khỏi phật lòng hoà thượng trưởng lão. Theo Lão giáo, vòng tròn biểu hiện cho hoạt động của vũ trụ trong đó có hai sức mạnh căn bản, nhịp độ muôn thuở của thiên nhiên tức âm và dương. Có thể nói đó là ánh sáng và bóng tối, sự hữu hạn và sự vô cùng, người đàn ông và ngưòi đàn bà, mặt trời và mặt trăng… Vòng tròn đó chỉ cho ta thấy rằng khi sức mạnh hữu hạn rơi xuống điểm thấp nhất thì nó lại biến thành sức mạnh vô cùng và khi sức mạnh vô cùng đạt đến cao độ, lẽ dĩ nhiên, nó lại biến đổi ra sức mạnh hữu hạn khi nó xuống điểm thấp nhất của nó.
- Còn vòng tròn nhỏ ở nửa vòng tròn lớn có ý nghĩa gì?
- Sự hiện diện của hai vòng tròn nhỏ đó nhắc chúng ta nhớ rằng sự hữu hạn nảy mầm từ sự vô cùng, và ngược lại. Vòng luân chuyển đó áp dụng cho mọi vật, cả người đàn ông lẫn người đàn bà. Mỗi người đàn ông có một phân tử rất nhỏ của người đàn bà và mỗi người đàn bà lại có một phân tử của người đàn ông.
Dịch Nhân Tiết suy nghĩ một lát lại hỏi:
- Dương như có lần bản chức thấy rằng có đường cắt ngang một trong hai hình tròn đó, như vậy thì con đường ngang đó có ý nghĩa gì đặc biệt không?
- Đường chia cắt phải nằm dọc mới đúng. Nhưng thôi! Đừng để hoà thượng trưởng lão phải chờ đợi lâu chúng ta. Ông ấy thực tế hơn nhiều.
Lúc hai người bước ra ở khoang cầu thang, đạo sĩ Tuyên Minh nói:
- Cẩn thận đấy nha! Một chiếc lan can đã bị gãy. Đáng lý thợ mộc trong tu viện phải thay lan can khác nhưng có lẽ ngày đại hội làm cho họ bận rộn quá chừng.

Chương VIII: DỊCH NHÂN TIẾT ĂN ÍT TRONG LÚC THI SĨ TÙNG LẬP UỐNG NHIỀU RƯỢU

Mặt vị phán quan biến sắc tỏ ra ông ta không phải là người sành ăn uống, “thực bất tri kỳ vị”, kể ra, đó cũng là một sự thiếu sót. Dịch Nhân Tiết nếm thử một miếng cá bằng bột. Ông nhăn mặt và cố nuốt lấy. Bắt gặp vị hòa thượng để ý đến cử chỉ của mình, Dịch Nhân Tiết vội giả vờ khen :
- Quả thật là tuyệt! Trong tu viện có nhiều tay bếp giỏi.
Dịch Nhân Tiết uống cạn một hơi chén rượu của mình. Ít nhất là chén rượu nấu bằng nếp đó còn thú vị đôi chút. Rượu uống được hâm nóng, khá ngon. Con cá bằng bột nằm trên dĩa như đưa mắt nhìn vị phán quan, nhưng thật sự đôi mắt đó chỉ là hai hạt tiêu sọ điểm vào cho đẹp. Quá nhiều tưởng tượng, vị phán quan chợt tưởng nhớ đến vị hòa thượng đã viên tịch.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời :
- Sau bữa tiệc, bản chức muốn được hân hạnh thăm viếng ngôi đền thờ và được chiêm ngưỡng trước hài cốt của vị hòa thượng đã viên tịch.
Vị hòa thượng đặt chén xuống :
- Bần đạo sẽ đích thân dẫn phán quan đi thăm ngôi đền. Chỉ tiếc rằng vào mùa này lại không thể mở nắp bình đựng hài cốt ra được. Vì nếu chúng ta mở nắp thì e rằng không khí ẩm ướt lọt có thể làm hư hỏng hài cốt của vị hòa thượng viên tịch. Trước khi ướp xác, các chuyên viên đã lấy ruột ra, tuy nhiên còn nhiều bộ phận khác trong cơ thể còn được giữ lấy.
Dịch Nhân Tiết nghe những lời trình bày trên tự nhiên mất hết sự thèm ăn. Vị phán quan vội nốc thêm một chén rượu khác.
Miếng vải bọc vỏ cam quấn quanh đầu quả có hiệu nghiệm thật vì đến giờ phút này vị phán quan đã hết nhức đầu, tuy nhiên Dịch Nhân Tiết vẫn còn cảm thấy nhức mỏi châu thân và đau nhói ở tim. Dịch Nhân Tiết nhìn một cách thèm thuồng đạo sĩ Tuyên Minh đang ăn một cách ngon lành con cá bằng bột dành riêng cho đạo sĩ. Ăn hết một chén cơm, đạo sĩ cầm lấy một chiếc khăn nóng do chú tiểu dâng lên, lau miệng, đoạn lên tiếng :
- Vị hòa thượng đã viên tịch vốn là một tu sĩ học rộng tài cao. Ngài nghiên cứu nhiều kinh sách, chữ viết ngài rất đẹp, ngài cũng thích thú chơi hoa và nuôi loài vật.
Dịch Nhân Tiết khiêm tốn :
- Bản chức sẽ lấy làm hân hạnh nếu được xem các tác phẩm của ngài. Chắc hẳn thư viện của thiền viện còn lưu trữ nhiều tác phẩm của ngài?
Hòa thượng trụ trì ngắt lời :
- Rất tiếc, thiền viện không còn lưu trữ một tác phẩm nào của ngài cả vì theo đúng di chúc, thiền viện đã chôn theo các di bút của ngài cùng với di hài của ngài.
Đạo sĩ Tuyên Minh bỗng sực nhớ một điều gì vội giơ một ngón tay ra rồi nói :
- Còn lại một bức họa chắc sẽ làm hài lòng phán quan. Đó là bức tranh vẽ một con mèo mà hòa thượng rất ưa thích. Bức tranh đó hiện được treo ở chánh điện. Sau khi tiệc tàn, ta sẽ thân hành dẫn ngài tới thưởng lãm.
Ngôi đền chắc cũng chẳng có gì ấm cúng mà bức tranh của vị hòa thượng đã viên tịch e cũng chẳng gây hứng thú mấy cho vị phán quan, tuy vậy ông cũng làm ra vẻ hân hoan khi đ ược nhận lời đạo sĩ dẫn đến xem.
Đạo sĩ Tuyên Minh và hòa thượng trụ trì lúc này đang chăm chú ăn một loại cháo đặc. Dịch Nhân Tiết lấy đũa đùa đùa mấy miếng cái không thể định rõ là thứ gì, nổi lên trên một thứ n ước màu nâu mà ông ta nghĩa rằng mình không thể nào nuốt cho xuôi món ăn này. Tìm tòi mãi trong đầu óc vài câu nói xã giao, Dịch Nhân Tiết nghĩ ra một câu hỏi mà ông tin rằng rất khôn khéo, nên ông bạo miệng lên tiếng :
- Chẳng hay hòa thượng có thể dạy cho bản chức biết qua về thứ tự đẳng cấp trong Lão giáo không?
Hòa thượng Chân Hiền tỏ ra khó chịu, do dự một lúc, rồi hòa thượng im lặng hẳn. Cũng may vừa lúc đó, có vị tân khách ngồi bàn bên cạnh đứng dậy mời Dịch Nhân Tiết nâng chén, nên vị phán quan phải đứng dậy theo để đáp lễ. Vị tân khách đó không ai khác là thi sĩ Tùng Lập. Lúc này Dịch Nhân Tiết ngồi đối diện với Tùng Lập. Thi sĩ đã uống khá nhiều rượu nên mặt mày đỏ gay.
Cùng lúc, một chú tiểu ở ngoài bước vào, đi tới trước Dịch Nhân Tiết báo tin là cái trục xe đã được thay bằng trục mới, hai con ngựa đã cho ăn no rồi, đến sáng mai là vị phán quan có thể lên đường nếu ông xét rằng không cần ở lại trong thiền viện thêm một hai ngày nữa.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời cám ơn chú tiểu trong lúc chú còn lẩm bẩm thêm vài câu xin phép được cáo lễ vì còn phải lo buổi tụng kinh ban đêm.
Dịch Nhân Tiết ngồi lại với thi sĩ Tùng Lập. Vị phán quan tỏ ý thắc mắc:
- Dường như bản chức không thấy bà Bảo Mẫu và nàng Mai Quế hiện diện trong bữa tiệc này?
Tùng Lập vẫn giọng khinh đời :
- Ái nữ của bà Bảo Mẫu? Bẩm quan lớn. Thế thì quan lớn có nghĩ rằng con người mảnh mai đó rồi đây cũng chỉ trở thành một đống mỡ không?
Dịch Nhân Tiết trả lời xã giao :
- Ồ! Năm tháng trôi qua thường làm thay đổi vóc dáng con người một cách thấy rõ.
Tùng Lập nấc cụt mấy cái. Hơi thở của chàng nồng nặc mùi rượu.
- Xin ngài xá lỗi cho. Bọn người đó toan đầu độc chúng ta với thức ăn của họ đấy. Lúc này, chính tôi cảm thấy nôn nao khó chịu ở bao tử. Nhưng xin quan lớn được cho tôi nói ra là bà Bảo Mẫu thuộc hạng người nào. Còn Mai Quế không phải là ái nữ của bà ta đâu nha!
Đưa một ngón tay trước mặt như muốn làm dấu hiệu mật, Tùng Lập hạ giọng :
- Vậy quan lớn có nghĩ rằng thiếu nữ đó bị ép buộc vào tu ở thiền viện này không?
Dịch Nhân Tiết chậm rãi :
- Nếu biết điều đó hãy nêu câu hỏi ấy với chính nàng. Mà những thiếu phụ đó đi đâu cả rồi?
- Có lẽ họ đang dùng cơm tối trong phòng riêng của họ. Kể ra đó là một sự khôn ngoan vì để một thiếu nữ trong trắng và đẹp nõn nà dưới cặp mắt đầy dâm ô của bọn người đó thì chính là một cái tội. Ít ra thì đống thịt mỡ kia lúc này có lý.
- Thì chính thi sĩ cũng thèm khát muốn nhìn Mai Quế?
Thi sĩ Tùng Lập bỗng đứng phắt người dậy, long trọng tuyên bố :
- Tôi xin thề ý tưởng của tôi cao thượng hơn.
- Hân hoan biết được điều ấy. Còn về cái bình đựng hài cốt của vị hòa thượng viên tịch như ông kể chuyện với bản chức, thì bản chức có ngỏ ý với hòa thượng trụ trì là muốn được xem nhưng hòa thượng nói rằng về mùa này người ta không thể mở nắp bình ra được.
Tùng Lập lẩm bẩm :
- Rõ ràng đó là mưu chước của họ.
Dịch Nhân Tiết hỏi lại :
- Thế thì thi sĩ có khi nào bước xuống nơi chôn cất hài cốt không?
- Chưa hề … nhưng đợi có ngày. Bọn họ đã đầu độc hòa thượng Ngọc Kính cũng như trong lúc này họ đang muốn đầu độc chúng ta đó. Xin ngài nhớ lấy những lời tôi đã nói ra.
Dịch Nhân Tiết chau mày :
- Nhưng ông say rượu kia mà!
- Thì tôi có chối cãi điều ấy đâu. Vì đó là phương cách giữ cho tâm hồn trong sạch khi ở trong ngôi tu viện này. Nhưng tôi xin cam đoan với ngài là vị hòa thượng viên tịch đã tỏ ra rất sáng suốt khi ông viết bức thư cuối cùng cho thân phụ của tôi.
Phán quan Dịch Nhân Tiết chau mày :
- Hòa thượng có nói rằng cuộc sống của ngài bị đe dọa không?
Tùng Lập gật đầu uống cạn thêm một chén rượu nữa.
- Hòa thượng nghi ngờ ai?
Tùng Lập đập mạnh cái chén rượu xuống mặt bàn :
- Nếu tôi trả lời câu đó thì ngài sẽ kết tội tôi đã tố cáo người ta bằng cách vu khống. Thưa ngài, tôi hiểu luật lắm chứ.
Ghé sát Dịch Nhân Tiết, Tùng Lập nói nhỏ :
- Tôi sẽ nói với ngài khi tôi đã thu thập đủ bằng chứng.
Dịch Nhân Tiết đưa tay vuốt ve Tùng Lập. Hắn như người điên nhưng thân phụ hắn quả là người có tiếng tăm với phong độ cao thượng của ông. Thiên hạ kính cẩn tưởng nhớ đến ông, người dân thương mến mà đến cả giới thượng lưu trí thức, quan quyền cũng tỏ lòng kính phục. Nếu vị hòa thượng đã viên tịch có để lại bức thư tố cáo có người đe dọa cuộc sống của hòa thượng thì cần mở ngay cuộc điều tra về âm mưu đó.
Dịch Nhân Tiết tự hỏi :
- Hòa thượng trụ trì hiện đang suy nghĩ gì?
Tùng Lập mỉm cười đồng ý, đáp :
- Xin phán quan cứ đặt câu hỏi đó với hòa thượng trụ trì. Đối với phán quan chắc chắn ông ấy không thể bày cách này hay cách khác nói dối được.
Dịch Nhân Tiết đứng dậy và bước lại chiếc bàn của ông ngồi lúc nãy. Vừa lúc Dịch Nhân Tiết ngồi xuống thì hòa thượng trụ trì lên tiếng chua cay :
- Ta thấy là Tùng Lập vẫn còn say! Ồ! Vì sao ông ấy không giống thân sinh của ông ấy chút nào cả.
Dịch Nhân Tiết uống một ngụm nước trà xong rồi nói :
- Người ta nói rằng cố tiến sĩ Tùng Thiện là một trong những ân nhân của ngôi thiền viện này, có phải thế không?
Hòa thượng trụ trì đáp :
- Vâng. Ông ấy là một vị ân nhân lớn nhất của chúng tôi. Quả là một giòng họ xuất sắc. Thân sinh của cố tiến sĩ Tùng Thiện là một người nghèo khổ đi làm thuê, ở mướn ở miền Nam. Nhưng ông ta mê say học hành bằng cách ngồi hàng giờ ngoài cửa, lấy tay tập viết trên cát. Cuối cùng, ông ta đậu hương sư. Các tay lái buôn khâm phục ý chí học hỏi của ông ta nên góp tiền, kẻ ít người nhiều giúp ông ta tiếp tục học. Đến kỳ thi tỉnh, ông ta đậu đầu. Triều đình bổ ông làm phán quan. Vợ ông là một cô gái thuộc dòng họ lâu đời. Ông từ trần trong lúc còn tại chức. Tiến sĩ Tùng Thiện là trưởng nam của ông. Ông này nổi tiếng học giỏi, thi đâu đậu đó, cưới vợ con gái một thương gia giàu có. Tiến sĩ Tùng Thiện làm quan tới chức tổng đốc. Ông biết sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan. Gia đình được hưởng sự giàu có sung túc.
Dịch Nhân Tiết có vẻ sảng khoái, ngắt lời :
- Giàu hay nghèo, sinh trưởng trong một gia đình ra sao không đáng kể, những kẻ có tài cuối cùng cũng đạt được những chức vị cao sang, do đó đất nước mới được phồn thịnh. Thôi hãy trở lại với vị hòa thượng đáng kính của chúng ta. Ngài bị bệnh gì mà phải sớm viên tịch?
- Hòa thượng Ngọc Kính không viên tịch vì bệnh. Ngài muốn về chầu trời sớm đó thôi. Khi ngài nhận thấy thời gian ngài ở lại dưới trần đã tạm đủ, ngài sớm muốn về nơi tiên cảnh. Ngài ra đi trong lúc cơ thể còn cường tráng, tinh thần minh mẫn. Thật đó cũng là một điều kì lạ đối với những ai từng được chứng kiến cái chết của ngài.
Đạo sĩ Tuyên Minh quay sang nói :
- Một kỷ niệm khó quên, ngài Dịch Nhân Tiết ạ! Chính ta được dịp chứng kiến. Trước khi thở hơi cuối cùng, hòa thượng kêu gọi mọi tu sĩ đứng quanh ngài và sau hai giờ lầm rầm cầu nguyện, ngài vòng tay lại, từ từ nhắm mắt, rồi thả hồn …
*
* *
Dịch Nhân Tiết bước theo đạo sĩ Tuyên Minh đến cửa, rồi một mình đi tới phòng ăn. Vị phán quan sẽ đi xem các bức tượng đó sau. Những bức tượng đã nằm nơi đó cả hai trăm năm nay, chắc chắn vẫn còn nằm tại đó lâu ngày nữa.
Dịch Nhân Tiết đến gặp Tào Can ở hành lang. Tào Can báo cáo những gì đã nghe thấy.
- Bẩm quan lớn. Vẫn không có một tin tức gì về diễn viên Mặc Đức cả. Theo lời Quan Lai kể thì hắn là một kẻ bất thường tính. Thấy hắn đó rồi đột nhiên hắn lại biến mất, không ai rõ là hắn ta đi đâu cả. Những đồng bạn của hắn đã nói chuyện rất nhiều trong buổi tiệc nhưng không ai nhắc nhở gì đến tên hắn. Bữa tiệc vui vẻ, chỉ có một chuyện nhỏ đáng tiếc xảy ra. Một tu sĩ không có chén ăn, không có đũa. Các chú tiểu bị quở trách nặng nề về sự sơ suất đó.
Dịch Nhân Tiết quắc mắt :
- Thế nào? Nhà ngươi cho đó là bữa tiệc vui vẻ đó sao? Ta chỉ uống vài chén rượu, một ít trà, ngoài ra ta không thể ăn uống gì nữa cả.
- Riêng tôi không có gì phải phàn nàn cả. Thức ăn hậu, ăn lại khỏi tốn một đồng tiền nào.
Dịch Nhân Tiết mỉm cười. Tào Can nói tiếp :
- Quan Lai có nhã ý mời tôi đến phòng hắn uống thêm rượu nhưng tôi từ chối. Tôi muốn được dạo chơi ở hành lang, may ra sẽ gặp được Mặc Đức trong lúc này.
- Ý kiến rất hay! Còn ta sẽ đến thăm bà Bảo Mẫu và ái nữ của bà ta. Để ta hỏi thử bà Bảo Mẫu và nàng Ngẫu Dương có liên hệ giòng họ gì không? Thi sĩ Tùng Lập đoan chắc với ta là Mai Quế không phải là con gái bà Bảo Mẫu. Nàng đi tu cũng là ngoài ý muốn của nàng. Nhưng hắn kể ta nghe những câu chuyện trên trong lúc hắn say. Hắn còn nói hòa thượng Ngọc Kính bị ám sát! Ta có nêu vấn đề đó với hòa thượng trụ trì và cả với đạo sĩ Tuyên Minh. Ta nghĩ rằng Tùng Lập chỉ là một anh chàng ba hoa thôi. Vậy nhà ngươi có biết phòng riêng của bà Bảo Mẫu ở đâu không?
- Bẩm quan lớn. Ở tầng lầu nhứt. Hành lang thứ hai. Ngôi cửa thứ năm.
- Hay lắm! Ta sẽ gặp nhà ngươi ở phòng của Quan Lai. Dường như trời đã tạnh mưa. Bây giờ chúng ta có thể đi ngang qua sân để đi đến cánh phía đông của ngôi thiền viện.
Lúc đó vừa có một chú tiểu xuất hiện. Chú bị ướt từ đầu đến chân và cho biết cơn giông đã hạ, nhưng trái lại, trời vẫn mưa to. Dịch Nhân Tiết và Tào Can lại phải đánh một vòng lớn và lúc hai người đi qua ngôi đền họ thấy rất đông tu sĩ có mặt nơi đó.
Cả hai chia tay trước phòng hội.
Vị phán quan nhận thấy tầng lầu một vắng vẻ. Những ngọn đèn leo lét cháy tỏa ra một ánh sáng mập mờ soi sáng các hành lang. Im lặng hoàn toàn. Người ta chỉ nghe tiếng sột soạt của chiếc áo gấm của vị phán quan theo mỗi bước đi, ngoài ra không có một tiếng động nào.
Đúng vừa lúc vị phán quan đang nhẩm đếm các ngôi cửa ở hành lang thứ hai, bỗng nhiên ông ta nghe thấy như có tiếng thì thầm. Dịch Nhân Tiết lắng tai nghe. Quả có tiếng thì thầm ở phía sau nhưng đồng thời có một mùi hương thoang thoảng lọt qua mũi. Dịch Nhân Tiết muốn quay bước nhưng lúc này ông cảm thấy choáng váng mặt mày và trước mắt vị phán quan, bỗng dưng mọi vật chìm trong bóng tối dày đặc…

Chương IX: DỊCH NHÂN TIẾT MỞ MẤT DẬY THẤY MÌNH NẰM TRÊN MỘT CHIẾC GIƯỜNG LẠ

Đến khi Dịch Nhân Tiết trở về phòng riêng, ông ta cảm thấy mình bị cảm nặng. Đầu ông nhức nhối dữ tợn còn bao tử như trống không, đôi lúc nghe cồn cào khó chịu. (Đoạn này chắc sắp chữ lộn?)
Có một mùi thơm thoang thoảng của đàn bà làm cho vị phán quan bừng mở mắt dậy. Vị phán quan ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn mình nằm dài trên một chiếc giường lạ. Đưa tay lên đầu, Dịch Nhân Tiết mới biết miếng vải bọc vỏ cam quấn quanh đầu đã biến đâu mất. Phía sau đầu lại nổi lên một cục u. Dịch Nhân Tiết cẩn thận đưa một ngón tay rờ thì ông ta cảm thấy nhức nhối đến nhăn mặt.
Một giọng nói dịu dàng vang lên:
- Xin ngài hãy uống chén nước này!
Nàng Đinh đang nghiêng mình về phía Dịch Nhân Tiết, trên tay cầm tách nước. Cô diễn viên đưa tay lên vai vị phán quan giúp ông ngồi dậy. Vị phán quan còn cảm thấy choáng váng mặt mày. Nữ diễn viên Đinh vẫn còn đưa tay đỡ phía sau lưng cho vị phán quan. Uống xong ngụm trà nóng, Dịch Nhân Tiết cảm thấy khỏe hơn một chút và bắt đầu nhớ lại chuyện gì đã xảy ra trước khi ông bị bất tỉnh.
Dịch Nhân Tiết đưa mắt nhìn một cách nghi kỵ nàng Đinh rồi nói:
- Dường như có kẻ nào đã đánh phía sau đầu ta thì phải? Nàng làm gì ở đây?
Nàng Đinh ngồi ở một góc giường bình tĩnh giải thích:
- Tôi nghe có tiếng động mạnh ở cửa. Mở cửa ra tôi thấy ngài nằm bất tỉnh, đầu kê lên bục cửa. Tôi nghĩ rằng ngài có ý định đến thăm tôi. Cũng may là tôi khá khỏe, mặc dù ngài khá nặng, nhưng tôi vẫn bồng nổi ngài lên và đặt trên giường. Tôi đã lấy nước lạnh thoa lên hai bên thái dương cho đến khi ngài tỉnh dậy. Chỉ có thế thôi!
Dịch Nhân Tiết nheo mày:
- Có ai ở trong hành lang?
- Không có ai cả.
- Vậy nàng nghe có tiếng chân đi không?
- Dạ. Không.
- Hãy đưa cái túi nhỏ đựng hương thơm của nàng dùng cho ta xem.
Nàng Đinh móc ở dây lưng ra một cái túi nhỏ may bằng gấm và trao cho Dịch Nhân Tiết. Vị phán quan đưa cái túi nhỏ lên mũi. Hương thơm thật dễ chịu nhưng khác hẳn mùi thơm thoang thoảng mà ông đã ngửi phải trước khi bị bất tỉnh.
- Vậy ta bị bất tỉnh trong bao lâu?
- Cũng khá lâu. Gần đến hai tiếng đồng hồ. Tuy vậy lúc này cũng chưa đến nửa đêm đâu!
Nhìn vị phán quan với một cái bĩu môi tinh nghịch, nàng Đinh hỏi:
- Vậy xin ngài phán là tôi có tội hay vô tội?
Dịch Nhân Tiết không nhịn được cười.
- Xin nàng thứ lỗi. Sự suy diễn của ta hiện chưa được minh bạch. Ta chịu ơn nàng nhiều lắm, nàng Đinh ạ! Vì không có nàng ắt tên thích khách đó đã không chừa mạng sống cho ta.
- Chính miếng vải quấn quanh đầu của ngài đã cứu sống ngài. Những vỏ cam khô đã chặn bớt sức mạnh của sự va chạm, nếu không sọ của ngài dám bị bể lắm đó nghen!
- Vâng. Chính mấy tì thiếp của ta đã nài nỉ ta để họ quấn quanh đầu miếng vải bọc vỏ cam đó. Ta sẽ ngỏ lời cảm tạ họ, nhưng lúc này ta cần tìm cho ra kẻ muốn mưu sát ta đã.
Dịch Nhân Tiết muốn đứng dậy nhưng cảm thấy chóng mặt nên ông ta lại phải ngồi xuống.
- Bẩm quan lớn. Xin hãy khoan đã! Quan lớn chắc hãy còn mệt. Xin để tôi dìu quan lớn đến chiếc ghế bành kia.
Khi Dịch Nhân Tiết ngồi vào chiếc ghế trước một cái bàn lung lay, nàng Đinh lại đem nhúng mấy cái vỏ cam vào một chậu thau đựng đầy nước nóng và nói:
- Quan lớn cho phép quấn cái khăn bọc mấy vỏ cam nầy vào đầu, may ra nơi bị sưng có thể xẹp dần.
Vừa nhấp chén trà nóng, Dịch Nhân Tiết vừa nhìn kỹ khuôn mặt dễ thương và thật thà của nữ diễn viên. Trông nàng trạc hai mươi lăm tuổi. Nàng không đẹp nhưng có cái gì đó rất quyến rũ. Nàng vũ giỏi nên mỗi cử chỉ của nàng mềm mại, nhẹ nhàng, gói ghém một sự duyên dáng đặc biệt. Thân hình mảnh mai của nàng càng làm nổi bật bộ ngực no tròn.
- Nàng hãy ngồi xuống và hãy chuyện vãn với ta vài phút để chờ ta tĩnh trí hơn một chút. Ta muốn biết là tại sao, thông minh và đẹp như nàng mà nàng lại chọn nghề này? Nhưng cần nói là xin hiểu giùm ta, ta hoàn toàn không có ý nghĩ cho là nghề này hèn mọn, nhưng theo ta, với tài vũ trời ban cho nàng, ta nghĩ là nàng sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn bây giờ nhiều.
Nàng Đinh châm thêm trà cho Dịch Nhân Tiết rồi mới chậm rãi trả lời:
- Âu cũng là do số trời định đoạt. Thân phụ tôi bán thuốc ở kinh đô. Không may cho thân phụ của tôi là ông lại chỉ có ông chỉ có năm người con gái. Tôi là con trưởng. Thân phụ của tôi định gả bán tôi làm thiếp cho một người bán cao đơn hoàn tán, lẽ dĩ nhiên, nếu tôi ưng thuận thì gia đình sẽ được hưởng một số tiền khá lớn. Nhưng tôi cảm thấy tôi không thể nào chịu đựng được người đàn ông đó, nên tôi đã bỏ nhà ra đi. Nhờ trời, tôi là một người đàn bà khá khỏe mạnh. Sau cùng với sự ưng thuận của gia đình, tôi gia nhập gánh hát Quan Lai. Ông này giúp gia đình tôi một số tiền. Tôi học đóng tuồng, học tung học hứng, học vũ. Chỉ một năm sau, Quan Lai đã có thể thu lại số tiền mà ông ta đã bỏ ra khi ông ta đem tôi vào gánh hát của ông. Quan Lai là một người đàng hoàng, do đó cho đến nay tôi vẫn còn giúp việc trong gánh hát của ông ta.
Nàng Đinh nhăn nhăn cái lỗ mũi nhỏ và xinh của nàng đoạn tiếp:
- Tôi vẫn biết rằng, dưới mắt đa số thiên hạ thì nghề cầm ca là nghề vô loại nhưng một lần nữa, tôi có thể đảm bảo với tất cả rằng Quan Lai quả là một người lương thiện. Riêng tôi, thật ra tôi cũng chẳng phải là thần thánh gì nhưng tôi chưa bao giờ bán xác tôi cho ai và nhất định tôi không bao giờ bán cho ai cả.
Dịch Nhân Tiết nói :
- Ta tin ở lời nàng nói. Nhưng nàng nói là Quan Lai không bao giờ quấy rầy nàng, nhưng còn Mặc Đức thì sao?
- Ồ! Anh chàng ấy bám theo tôi lúc khởi đầu. Có lẽ đó là thói quen của chàng. Nhưng tôi không thể làm theo ý chàng được. Tôi nghĩ rằng, tự ái của chàng bị thương tổn. Nhưng có một điểm đặc biệt là hắn chơi kiếm thật hay. Tôi thích đóng chung với hắn.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời:
- Nhưng lối đóng tuồng của hắn ta với Ngẫu Dương không làm cho ta bằng lòng chút nào cả. Theo ý kiến của nàng có phải Mặc Đức thuộc loại đàn ông có thú vui khi được hành hạ thân xác người đàn bà không?
- Ồ! Không phải thế! Hắn ta là một người dễ nổi giận nhưng thật sự không hung dữ chút nào. Xin ngài hãy tin lời tôi nói vì tôi hiểu biết tất cả những con người ấy.
- Còn Ngẫu Dương thì sao? Nàng ta có từ chối trước sự tấn công của hắn không?
Nàng Đinh có vẻ ngập ngừng:
- Ngẫu Dương mới gia nhập đoàn… thật ra tôi không…
Chưa dứt câu, nàng Đinh cầm tách nước uống cạn rồi liệng tách lên không, đoạn nàng đưa cây đũa mà nàng lấy trên bàn đón nhận cái tách đó. Chiếc tách xoay tròn…
Dịch Nhân Tiết có vẻ không vừa ý:
- Hãy chấm dứt trò chơi đó. Nàng làm cho ta chóng mặt quá!
Nàng Đinh đẩy cái tách mạnh lên cao rồi lẹ làng đưa tay ra bắt, đặt chiếc tách lên bàn.
Dịch Nhân Tiết tiếp lời:
- Hãy trả lời câu hỏi của ta. Ngẫu Dương có từ chối trước sự tấn công của Mặc Đức không?
- Xin ngài khỏi phải lớn tiếng, xin để tôi trả lời. Ngẫu Dương với tôi chơi với nhau rất thân thiết. Chính tình thân thiết đó làm cho Mặc Đức khó chịu. Hắn ta có ý ghen và ghét Ngẫu Dương.
- Mặc Đức gia nhập đoàn khá lâu rồi phải không?
- Khoảng một năm. Tôi không nghĩ rằng hắn là diễn viên chuyên nghiệp. Đó là một thanh niên thích cuộc sống lang thang đây đó, đặt bước khắp nơi. Mặc Đức không hẳn là tên thật của hắn. Một ngày kia, tôi nhìn thấy trên một chiếc áo của hắn có cái tên là Linh, nhưng hắn quả quyết với tôi là hắn đã mua chiếc áo ấy ở một người bán quần áo cũ. Một điểm khác nữa là trước đây hắn đã từng đến thăm ngôi tu viện này rồi.
Dịch Nhân Tiết hỏi gắt:
- Vì sao nàng biết điều đó?
- Ngày đoàn mới đến đây, Mặc Đức đã quen biết rõ hết các hành lang trong ngôi thiền viện. Những lối đi quanh co, tối tăm trong tòa nhà rộng lớn này làm cho tất cả đoàn đều sợ hãi, không ai dám rời phòng ra đi một mình, trái lại, Mặc Đức rảo bước khắp nơi mà không bao giờ hắn ta sợ bị lầm đường, lạc lối.
- Hắn thận trọng! Có thể hắn là một tên sát nhân nguy hiểm. Còn nàng Ngẫu Dương cũng đang làm cho ta thắc mắc không ít.
- Phán quan nghi ngờ gì ở nàng?
- Không có gì cả. Nhưng ta lấy làm khó chịu là chưa được biết rõ lai lịch của hai người đó.
Dịch Nhân Tiết vừa nói vừa có ý dò xét ý nghĩ của nàng Đinh.
- Tôi đã hứa với Quan Lai là giữ mọi bí mật nhưng vì ngài là vị phán quan, tôi khó làm khác được. Hơn nữa, tôi cũng không muốn ngài có nhiều nghi ngờ về Ngẫu Dương. Sự thật thì y thị không phải là một cô đào hát mà nàng cũng không mang tên là Ngẫu Dương. Tôi không biết tên thật y thị, tôi chỉ biết y thị từ kinh đô đến đây, nàng giàu có. Nàng đã giúp Quan Lai một số tiền lớn để Quan Lai có đủ phương tiện hát giúp thiền viện Chiêu Vân nhân ngày lễ kỷ niệm thành lập tu viện, sau nữa là nàng muốn nhân cơ hội đó gia nhập đoàn hát luôn. Mục đích của nàng đã thề thốt với Quan Lai là muốn cảnh báo một cái gì ở một người nào đấy. Muốn được vậy nàng phải lên sân khấu thủ một vai cùng với con gấu của nàng, và việc hóa trang cũng do nàng chọn lựa. Quan Lai nhận thấy không có gì trở ngại, hơn nữa, hắn lại thấy có lợi nên chấp nhận đề nghị của Ngẫu Dương. Ngẫu Dương không tham dự những buổi tập dượt đóng tuồng. Cũng không có mặt cả Mặc Đức nữa.
- Vậy nàng có tin rằng hai người đã quen biết nhau từ trước không?
- Tôi không rõ điều đó mà chỉ biết rằng lúc họ gặp nhau thì họ sinh sự với nhau liên hồi. Trong buổi đóng tuồng tối hôm nay, Ngẫu Dương đã hóa trang giống như nàng Mai Quế. Quan Lai hỏi lý do thì nàng đáp là nàng biết rõ điều nàng làm. Khi thấy ngài hiện diện trong đêm hát, Quan Lai ngỡ rằng Ngẫu Dương có chuyện gì bất bình nên đã mời ngài đến chứng kiến để mở cuộc điều tra. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng xin ngài không nên nói với ai những điều tôi đã trình bày cùng ngài biết.
Dịch Nhân Tiết gật đầu. Nhưng trong thâm tâm, vị phán quan vẫn chưa thấy hài lòng. Trái lại, những tiết lộ của nàng Đinh lại làm cho Dịch Nhân Tiết thắc mắc thêm hơn nữa. Dịch Nhân Tiết đứng dậy định từ giã nàng Đinh, nhưng vừa đứng lên, ông ta cảm thấy dạ dầy xôn xao khó chịu. Ra dấu hiệu cho nàng Đinh để ông được tự do, Dịch Nhân Tiết bước vài bước đến một cái bàn nhỏ, đến đây vị phán quan bị nôn mửa khá nhiều.
Sau khi rửa mặt, vuốt lại bộ râu. Dịch Nhân Tiết cảm thấy dễ chịu hơn, cơn nhức đầu cũng biến mất, Dịch Nhân Tiết uống thêm một tách trà rồi gọi nàng Đinh tới:
- Xin đa tạ nàng một lần nữa. Một ngày nào đó, nếu có việc gì cần đến ta, xin đừng ngần ngại. Ta không bao giờ quên trả ơn những kẻ đã giúp ta.
Nàng Đinh nhắm mắt lại, lấy tay đưa đưa chiếc dây lưng rồi bỗng nàng ngửng đầu nói:
- Tôi muốn ngài giúp cho một lời khuyên. Đây thuộc một vấn đề khá tế nhị. Nghĩ ra cũng khó giải quyết. Nhưng vì ngài là một vị phán quan, hẳn ngài có lắm ý kiến. Xin nói thật với ngài, không hiểu tại sao tôi lại có rất nhiều cảm tình với nàng Ngẫu Dương. Tôi có cảm tình với nàng hơn tất cả những thanh niên nào tôi đã gặp. Tôi cứ ngĩ rằng mối tình đó thật là phi lý, tôi cứ mong lâu ngày sẽ phai nhạt, nhưng nó mãi vấn vương. Tôi cứ ngĩ rằng nếu tôi lấy chồng chắc rằng tôi sẽ làm cho chồng tôi phải khổ. Vậy phán quan có cao kiến xin dạy bảo giúp cho. Theo lời khuyên của ngài, nay tôi phải làm gì?
Dịch Nhân Tiết đưa tay gãi trán nhưng ông cảm thấy nhức nhối ở vai nên đành vuốt râu suy nghĩ.
- Nàng hãy khoan có quyết đinh vội vàng. Có thể nàng chưa thật sự yêu thưong các thanh niên đó. Và cũng có thể bọn họ chưa thật sự yêu nàng. Nàng cần hiểu là những liên lạc tạm bợ đó chưa có thể so sánh được với hôn nhân. Cần phải sống trong thân mật để tìm hiểu nhau, đó mới là điều căn bản cho một sự tác hợp. Con người Ngẫu Dương còn lắm bí ẩn.

Nguồn: http://tusach.mobi/