Chương 1
Dô..! Dô...!
Thanh Lam hét to rồi nhảy cỡn lên khi CanTấno sút tung lưới đối phương bằng một cú sút điệu nghệ. Cô còn đang ngất ngây vì chiến thắng của thần tượng thì đã nghe tiếng bà Thư gắt:
- Ồn ào quá!
Giật mình nhìn ra cửa phòng khách, Lam đỏ mặt ấp úng:
- Xin lỗi... cháu quên!
Bà Thư nhỏ nhẹ nhưng đầy quyền uy:
- Tắt tivi đi. Nhà này không ai xem bóng đá ngoài cái thằng mất dạy ấy ra. Dì sợ phải nghe người ta bảo con giống nó lắm!
Lam sững người một chút rồi lặng lẽ đến gần tivi. Cô tiếc nuối nhìn lại cảnh chiếu chậm bàn thắng của CanTấno trước khi bấm nút tắt.
Bà Thư ngọt ngào:
- Con gái ai lại mê đá banh. Ra đây nghe chị Trâm Anh đàn phải hay hơn không.
Suýt nữa Lam đã buột miệng bảo: "Con không thích", nhưng may sao cô kiềm lại được khi nhớ đây là nhà của dì Thư, chị ruột mẹ mình. Ở đây cô phải nghe lời như mẹ đã dặn và không được tùy tiện làm theo sở thích, như ở nhà.
Chán chường bước đến phòng khách, ngồi phịch xuống salon. Lam vờ như đang say sưa theo tiếng đàn của Trâm Anh. Cô nghiêng nghiêng đầu nhìn chị bà con của mình lắc lư theo tiếng piano, và không hiểu gì về bài nhạc Trâm Anh đàn hết.
Dì Thư có hai người con là anh Phi và chị Trâm Anh. Trong mắt dì ấy con mình là tất cả, là trên hết. Do đó, dì Thư luôn miệng khen và bảo Lam phải noi theo gương của anh chị. Lam phải học cái dịu dàng, đằm thắm của chị Anh. Cái trầm tĩnh, khôn ngoan trong giao tiếp của anh Phi, phải tập bỏ dần cái gốc tỉnh lẻ của mình để mau chóng hòa nhập với phong cách văn minh của dân thành phố, mà tiêu biểu là hai người con cưng của dì.
Nếu thật sự đại diện cho dân thành phố là ông anh, bà chị này thì đúng là chán chết. Lam chưa tìm được điểm nào ở hai người để noi theo hay học hỏi. Cô không thích tuýp người như anh Phi và chị Anh, dù với Lam họ đều tỏ vẻ thương mến, lo lắng. Cả hai chỉ là người thân của Lam chớ không thể nào là thần tượng hoặc là một mẫu mực để cô phải sống theo như họ. Lam đâu thể dịu dàng, ngọt ngào như Trâm Anh, càng không thể đạo mạo như anh Phi. Cô là một con bé vừa rời trường cấp ba để vào đại học, cô làm sao người lớn như ông anh, bà chị họ được.
Thế nhưng vào học ở thành phố, ở trong nhà dì Thư, Lam phải ép xác theo mọi nề nếp của dì đưa ra. Mới một tuần tại đây, mà cô tưởng như "thiên thu tại ngoại". Sao cô dễ bị mắng thế chứ. Dù biết dì Thư thương mình thật lòng, dì mắng vì muốn cô tốt như con gái dì, nhưng Lam vẫn thấy tủi thân khi nhớ tới mẹ. Tại bà khi đưa Lam vào đây đã tuyên bố dì Thư được toàn quyền thay mặt bà dạy dỗ Lam, và cô không được cãi. Lời tuyên bố này đã hại Lam nhiều thứ, trong đó điều làm cô đau lòng nhất là không được coi đá banh.
Thanh Lam thở dài. Tất cả tại cái mồm có độ nhạy cao của mình. Nếu lúc nãy cô đừng la làng lên, thì đâu đến nỗi phải ngồi nghe nhạc cổ điển như bây giờ.
- Sao? Chị đàn được không Lam?
Giật mình vì giọng hỏi trong veo của Trâm Anh, Lam đáp bừa:
- Dạ... Rất tuyệt!
- Vậy chị sẽ đàn cho em nghe bản Xô-nát dưới ánh trăng. Anh Thắng cũng thích nghe bản này lắm đó!
Lam cười méo xẹo:
- Vâng! Chị đàn đi! Nhưng rất tiếc em không phải là anh Thắng để hiểu hết những gì chị muốn gởi qua từng nốt nhạc.
Trâm Anh cười thật tươi:
- Có sao đâu!
Dứt lời tay Trâm Anh đã thoăn thoắt lướt trên những phím đàn. Với mái tóc dài hờ hững buông lơi và cái váy trắng mềm mại, trông Trâm Anh thập đẹp. Cái đẹp ẻo lả đầy nữ tính mà Lam không có được. Từ bé đến lớn, mọi người quen xem cô là con trai với những trò nghịch ngợm, phá phách. Lam biết mình khó lòng trở nên thùy mị đoan trang như chị Trâm Anh. Nhưng biết làm sao hơn khi trời đã sinh ra cô như thế.
Kín đáo đưa tay che miệng ngáp, Lam vái trời cho cái bản Xô-nát, thau nát gì gì đó mau hết. Nếu không chắc cô sẽ gục tại chỗ mất. Nhưng dường như Trâm Anh đang phấn khởi nhớ tới người yêu nên cứ đàn mãi, đàn mãi mà vẫn chưa hết. Mắt Lam díu lại, cô vừa gục xuống thì giọng bà Thư vang lên làm cô bừng tỉnh:
- Đi ăn cơm các con ơi...
Lam đứng dậy nhắc lại lời bà Thư:
- Ăn cơm chị Anh ơi!
Rồi cô hí hửng bước xuống bếp với tâm trạng của một kẻ thoát mạn.
Con gái phải biết giữ ý tứ. Đó là một trong những lời mẹ khuyên. Lam đang đi tới bếp bỗng khựng lại. Cô vội vàng rời phòng khách vì chịu không nổi thứ âm nhạc sang trọng của chị Anh, nhưng coi chừng bị đánh giá là ham ăn đấy! Tới cửa dẫn ra hàng hiên, Lam rẽ ra sân rồi ngồi phịch xuống ghế đá. Ngôi nhà rộng lớn này có khu vườn rất to, nhưng đáng tiếc là chả ai chăm sóc nên cỏ mọc um tùm trông hiu quạnh làm sao.
Lam đảo mắt một vòng rồi nghĩ mãi vẫn chưa hiểu vì lý do gì, dì Thư bỏ không ngôi nhà ba tầng sang trọng của mình để về ở chung với gia đình chồng trong ngôi biệt thự đã trơ màu rêu phong cũ kỹ này. Mẹ vẫn bảo dì Thư là người khôn ngoan, tính toán, việc làm nào của dì cũng có mục đích, chắc chắn việc này cũng không ngoại lệ.
Hôm đưa Lam vào Sài Gòn, mẹ và dì Thư đã thức trắng đêm để tâm sự. Chuyện gì hai chị em mẹ cũng không giấu nhau, nhưng vì mẹ cho cô là con nít ranh nên đâu kể lại cho cô nghe.
Bứt cái lá bông giấy đặt lên tay, Lam dập một cái và thích thú vì tiếng lá vỡ ra khá to. Lam vẫn bị mắng về tội không bao giờ ngồi yên một chỗ, may là lúc này khu vườn không có ai. Nếu có mẹ hay dì Thư, chắc cô đã bị dũa vì đã làm một người yếu tim ấy giật mình rồi.
Tự dưng Lam tủm tỉm cười. Cô thanh thản đi trên lối cỏ mọc đầy, lòng thầm mong mau tới ngày khai giảng để được tự do, bay nhảy. Bị nhốt trong cái lồng rong rêu này suốt tuần qua, Lam đã oải lắm rồi. Cô đang mong được vỗ cánh bay tìm bạn mới, hoặc gặp lại những đứa bạn Nha Trang của mình ghê gớm. Chỉ với bạn, Lam mới chuyện trò thoải mái. Còn với ông anh, bà chị, ông dượng, bà dì, rồi ông bác bố chồng của dì Thư, Lam toàn phải vâng, dạ, chán muốn chết. Cô đang thèm nhảy loi choi trên biển, nằm dài trên cát hát vu vơ với trời nước mênh mông ghê đi.
Tiếng chị Mai giúp việc ơi ới vang ra tận vườn làm Lam phải quay lại. Cô bước vào bàn ăn khi mọi người đã đầy đủ.
Ông Trường, ba chồng dì Thư mỉm cười hỏi cô:
- Cháu đã đi hết thành phố chưa?
Lam lắc đầu:
- Dạ chưa ạ! Sài Gòn rộng quá, cháu sợ lạc.
Ông Trường lại cười:
- Đường nào chả về La Mã. Phải mạnh dạn lên, đi cho biết đó biết đây chớ, sợ gì mà sợ.
Lam chưa kịp lên tiếng, dì Thư đã nói:
- Con không cho nó đi lung tung, con gái tỉnh ra dễ bị gạt lắm.
Ông Trường nói:
- Thật ra ba không đồng ý cách dạy con theo kiểu cấm cung của vợ chồng bây. Tối ngày cứ ấp con trong lòng chưa phải là hay đâu.
Đang cắm cúi ăn, ông Lộc chợt góp vào:
- Thời buổi bây giờ người tốt thì ít, kẻ xấu lại... lềnh khềnh ngoài đường. Con làm sao an tâm khi để các cháu tự do trong quan hệ giao tiếp chứ.
Ông Trường nhấn mạnh:
- Nhưng con phải nhớ mình không sống đời để theo canh giữ chúng nó mãi.
Ông Lộc thản nhiên đáp:
- Nhưng ít ra khi còn sống, mình cũng an tâm nhìn con cháu thành công đi theo con đường mình đã vạch sẵn, chớ không phải khổ sở nhìn hậu quả của việc đã thả lỏng chúng.
Ông Trường chưa kịp nói gì, ông Lộc đã nhếch môi cười đầy mỉa mai:
- Ba thấy đấy, thằng quý tử của ba đã đi cả tháng trời, nhưng không hề một lời cho biết đã đi đâu, làm gì. Nó mặc cho ba đứng ngồi không yên, ăn ngủ không được vì phương pháp thả nổi con của ba.
Ông Trường xụ mặt xuống rồi sau đó nói ngay:
- Nó lớn rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì tao phải đứng ngồi không yên chứ!
Lam tròn mắt nhìn hai người. Dầu mới ở đây chưa lâu, nhưng cô vẫn dễ dàng nhận ra dượng Lộc và ông nội của Trâm Anh không hợp nhau. Từ chuyện lớn đến chuyện bé, hai người luôn có tư tưởng đối chọi. Thường anh Phi sẽ đứng ra giải hoà, nhưng chiều nay anh ấy vẫn thản nhiên ăn cơm, như không nghe không thấy gì hết. Lam sợ hai người đàn ông có tuổi này sẽ găng hơn nữa, may thay họ đã kềm chế được mình bằng cách cắm cúi với chén cơm.
Không khí trong phòng bỗng nặng nề vô cùng. Người đầu tiên đứng dậy là anh Phi, kế tiếp là chị Anh. Lam đang ngần ngừ với cái chén đã vơi hơn phân nửa, thì bà Thư đã dằng lấy và bới thêm cơm vào. Vừa bới bà vừa nói:
- Ăn nhiều để có sức mà học.
Lam lí nhí:
- Vâng.
Cuối cùng trong bàn ăn chỉ còn Lam và bà Thư. Thấy cô uể oải nhai cơm, bà nói:
- Rồi con sẽ quen, cha con họ đã như vậy từ mấy chục năm nay.
Lam nhỏ nhẹ:
- Như vậy chắc dì khổ tâm lắm?
Bà Thư nhún vai:
- Quen rồi, dì coi như không.
Lam thắc mắc:
- Sao dì về đây chi vậy? Ở nhà riêng, không phải làm dâu vẫn sướng hơn mà.
Bà Thư chép miệng:
- Có nhiều chuyện dì nói chưa chắc con đã hiểu. Là đàn bà trách nhiệm với chồng con rất nặng. Dì cũng như mẹ con, luôn luôn sống vì gia đình mình.
Lam gật đầu như đồng ý với của bà Thư, trong khi đầu óc cô lại lan man nghĩ tới những chuyện khác. Lam rất tò mò về ông chú cùng cha khác mẹ của chị Trâm Anh và anh Phi, nhưng tiếc là cô chưa được diện kiến dung nhan xem chú ấy thế nào, mà luôn là đề tài tranh cãi của những người trong nhà.
Hôm trước khi về, mẹ có dặn cô (Ôi chao là những lời dặn dò của mẹ ). Bà nói:
- Không nên trò chuyện nhiều với chú Kiên, chú ấy là người xấu, phải tránh xa ra.
Lam đã buột miệng hỏi:
- Sao mẹ biết?
Mẹ đã cau mặt phán một câu sấm sét:
- Hừm! Con của người làm bé thiên hạ thì làm sao tốt được. Mày là em của thằng Phi, con Anh, chả lẽ lại nghĩ kẻ từng phá hạnh phúc của ba mẹ dượng Lộc là tốt?
Lam chả hiểu sao mẹ lại nghĩ kỳ vậy. Suy cho cùng chuyện gia đình của ông bà nội anh Phi đâu liên quan đến mẹ và cô. Sao bà lại lo xa thế nhỉ?
Buông đũa xuống. Lam định dọn chén bát phụ chị Mai, nhưng bà Thư đã ra lệnh:
- Đây không phải việc của con. Ra ngoài trước ngồi chơi với Trâm Anh thì hay hơn.
Lam lại dạ một cách máy móc. Cô rề rề rửa mặt, đánh răng rồi định rút về phòng thì bà Thư đã gọi. Rầu rĩ trong lòng, Lam chậm chạp bước ra phòng khách.
Trên bộ salon màu đen sang trọng, Lam thấy chị Trâm Anh ngồi đối diện với Thắng, kế bên Trâm Anh, dì Thư đang huyên Thuyên nói. Dù chưa biết dì ấy nói gì, Lam cũng thừa hiểu Trâm Anh và Thắng đang rầu thúi ruột vì bị lệnh mẫu cản địa. Tự nhiên cô buồn cười và thấy tội nghiệp đôi trẻ. Rõ ràng dì Thư và dượng Lộc quá mức quan tâm đến con, nhất là chị Trâm Anh. Lam có cảm giác chị Anh luôn tuân thủ mọi mệnh lệnh của dì Thư. Rất nhiều lúc, Lam thấy Trâm Anh ríu rít nghe lời mẹ mà đôi mắt buồn thiu muốn khóc vì một chuyện nhỏ nhặt như không được ra phố khi trời sắp mưa, hay sắp tới giờ cơm rồi không được ăn chè.
Năm nay Trâm Anh đã hai hai tuổi, chị ấy đâu còn bé bỏng gì nhưng dường như chị Anh không có chút độc lập với bản thân. Chị luôn làm theo lệnh của ba mẹ. Đúng là khốn khổ. Lam chợt giật mình khi nhận ra mình, sắp rơi vào cái vòng bánh xe đang đưa Trâm Anh đi. Nếu cô tiếp tục nói, dạ với dì Thư thì chẳng bao lâu cô sẽ thành một người thụ động, mất hết mọi tự do cá nhân. Mà với cô không được hành động theo ý mình, thì chết sướng hơn.
Thấy Lam cứ đứng tần ngần, bà Thư bảo:
- Ngồi xuống đi con.
Lam cười rất vô tư:
- Xin phép dì cho con về phòng viết thơ cho mẹ.
Cau đôi mày đã nhổ sạch, chỉ còn lại một đười vẽ bằng chì nâu, bà Thư có vẻ không hài lòng:
- Mẹ con mới điện thoại hồi sáng mà. Thơ từ làm chi cho mất công.
Lam vẫn cười:
- Dạ, nhưng có những chuyện con chỉ viết chớ không nói được. Rồi con còn viết cho bạn bè nữa.
Bà Thư giận dỗi phẩy tay:
- Làm gì thì làm đi.
Lam khoái chí vì biết mình đã thắng một bước. Cô nhe răng với Trâm Anh và Thắng rồi nhảy tót lên lầu. Ngang căn phòng đóng im ỉm của chú Kiên, người Lam chưa biết mập lùn, cao thấp ra sao, cô vui tay động vào cửa cái rầm, rồi chui vào phòng mình khoá trái lại. Cẩn tắc vô áy náy. Mẹ đã dặn thế. Trường hợp đề phòng dì Thư bất ngờ đột nhập, Lam khóa cửa là đúng.
Cô hí hửng mở cái Cassette cũ kỹ đem từ Nha Trang vào ra nghe nhạc. Thật ra Lam đâu phải ghét nhạc, nhưng sao cô nghe không được những bài nhạc chị Trâm Anh đánh dương cầm. Chả biết tại chị ấy chơi dở, hay tại lỗ tai Lam có vấn đề. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được nghe loại nhạc mình ưa, dầu có phải nghe bằng cái máy đã mòn đầu từ, giãn dây cô-roa như thế này.
Đang lắc lư nhịp theo. Oh. Carol! I am but a phool, Lam bỗng nghe ngoài hành lang có nhiều tiếng ồn ào như đang gây lộn. Cô vội tắt máy và mở cửa ló đầu ra nhìn. Lam hết sức ngạc nhiên khi thấy, ông Lộc, bà Thư, ông Trường đều có mặt. Riêng anh Phi thì đang ì ạch kè một người vào phòng chú Kiên. Mùi rượu nồng nặc bốc lên làm Lam muốn ọe, cô muốn nghía xem chú Kiên mặt vuông, mày rậm, miệng rộng ra sao, nhưng không được vì đầu ông ta nghẻo hẳn vào vai anh Phi làm ảnh nhăn nhó trông phát tội.
Ông Lộc chì chiết như đàn bà:
- Nhà này có thêm một bợm nhậu. Thật chả ra thể thống gì hết.
Giọng ông Trường tỉnh bơ:
- Nam vô tửu như kỳ vô phong. Là đàn ông phải biết một chút phong lưu.
Ông Lộc nghiến răng:
- Phải! Nhờ phong lưu nên ba mới có nó, để hưởng phước lúc về già.
Từ phòng Kiên bước ra, Phi nhìn mọi người rồi càu nhàu:
- Thế nào ổng cũng cho chó ăn chè.
Ông Trường nói:
- Tụi con cứ đi nghĩ đi, để Kiên cho ba.
Ông Lộc có vẻ bực bội:
- Con không muốn ba phải cực khổ vì nó.
- Cha mẹ nào không cực khổ vì con cái.
- Nhưng mà...
Ông Trường khoát tay:
- Khỏi phải nói gì hết. Ai về phòng nấy.
Dứt lời ông bước vào phòng Kiên. Bà Thư hơi bĩu môi và hất hàm hỏi Phi:
- Đưa thằng giời đánh ấy vào nhà làm chi? Cứ để nó chết bờ chết bụi cho rồi.
Phi hất mái tóc bảy ba lên:
- Mẹ nói thế chứ, dầu sao ổng cũng là chú con mà.
Bà Thư đay nghiến:
- Chú gì cái ngữ ấy!
Quay lại nhìn Lam, bà dặn:
- Tối ngủ nhớ khóa trái cửa đấy!
Lam rụt rè:
- Vâng ạ!
Mọi người đã rút về cõi riêng của mình rồi nhưng Lam vẫn còn tần ngần ở cửa. Cô bỗng thấy tội nghiệp ông Trường khi ngần ấy tuổi đời còn phải nhọc lòng vì thằng con hẳn cũng đã già của mình.
Bước tới phòng Kiên, Lam gõ cửa nhè nhẹ. Ông Trường thò đầu ra, giọng đầy ngạc nhiên:
- Chuyện gì hả Lam?
Lam ấp úng:
- Cháu giúp ông chăm sóc chú Kiên...
Ông Trường bật cười:
- Không cần đâu cháu, chú ấy ngủ rồi và chẳng làm phiền ai đâu.
- Vậy sao ông chưa về phòng nghỉ?
- Ông về ngay đây. Cám ơn lòng tốt của cháu.
Lam chớp mắt:
- Có chuyện gì ông cứ gọi, ba cháu cũng hay uống rượu, nên cháu không ngại đâu.
Cô trở về phòng mình, lòng nhẹ nhõm khi nhớ lại những lời đã nói với ông Trường.
Ở nhà người khác phải cùng ăn, cùng ở cùng làm. Mẹ đã dặn thế. Mình sẽ tránh xa chú Kiên cho vừa lòng mẹ, nhưng nếu không giúp ông bác, mình thấy áy náy thế nào ấy. Với tay mở cassette, Lam lim dim mắt. Lại một đêm nữa sắp trôi qua trên thành phố lạ này. Ước gì sáng mai dì Thư cho mình được đi dạo khắp nơi suốt một ngày nhỉ?
Chương 2
Thanh Lam vừa lau mặt vừa bối rối hỏi Mai:
- Mọi người đi hết rồi sao?
Mai gật đầu:
- Đi lâu rồi!
Lam nhăn nhó:
- Sao chị không gọi em dậy?
Mai nói:
- Cô Thư bảo cứ để cho em ngủ thoải mái, phần ăn sáng đã có sẵn trên bàn.
Lam xụ mặt buồn xo:
- Em chả thấy đói. Chị Mai nè, em muốn ra ngoài cho biết, chị đừng nói lại với dì Thư nghen?
Mai vội vã lắc đầu:
- Ý không được đâu. Lỡ có gì tôi gánh hổng nổi. Lúc nãy cô Thư có dặn không để em đi khỏi nhà.
Lam bướng bỉnh:
- Em đi vòng vòng gần đây thôi mà. Nhà này kín cổng cao tường, cách biệt với bên ngoài. Bị nhốt cả tuần nay, em có cảm giác như đang ở tù. Chị không chịu, em cũng đi đại.
Mai xuống nước:
- Tội nghiệp chị mà Lam. Cô Thư khó lắm, trước chị đã có mấy người bị thôi việc rồi. Lẽ nào em nỡ để chị mất chỗ làm vì mình?
- Nhưng ở nhà buồn quá hà!
Mai dụ dỗ:
- Buồn thì mở tivi coi. Giờ này phát lại cải lương hay lắm!
Lam chấp tay:
- Cho em nghiêng mình trước cái tuồng cải lương của chị đi. Có ca nhạc họa may em còn giải sầu chút chút.
Mai gãi đầu:
- Ca nhạc hả! Cậu Kiên có nhiều lắm! Toàn là nhạc giật hông hà. Mượn vài băng coi đỡ buồn liền chớ gì.
Lam sáng mắt lên:
- Chị mượn giùm em đi.
Mai lắc đầu nguầy nguậy:
- Hổng dám đâu! Em ngon thì tới gõ cửa phòng. Cậu ấy còn ngủ ở trỏng đấy.
Lam chặc lưỡi:
- Em không quen với chú Kiên làm sao dám gõ cửa.
Rồi cô hạ giọng tò mò:
- Ổng là người như thế nào nhỉ?
Nhún vai như Tây, Mai nói lảng đi:
- Lam ăn sáng nha. Có bánh ướt nhân tôm thịt đó.
Lam phụng phịu:
- Chị vẫn chưa trả lời em mà...
Mai chép miệng:
- Chậc! Cậu ấy cũng bình thường như mọi người.
Lam nói gọn lỏn:
- Em không tin.
- Sao vậy?
Định nói tại dì Thư và mẹ luôn có những lời không hay về Kiên, nhưng Lam đã kịp thời stop. Ngập ngừng một chút, cô trớ đi:
- Tại em thấy ai cũng quan tâm tới chú Kiên, nên em nghĩ chú phải có điểm khác những người trong nhà.
Mai nhếch môi:
- Thấy vậy nhưng không phải vậy đâu. Trong nhà này ngoài ông cụ Trường ra, chả ai là người thật lòng quan tâm lo lắng tới cậu Kiên hết.
Rồi như cảm thấy mình nói nhiều, Mai kêu lên:
- Í quên nữa, chị phải đi giặt quần áo đây.
Còn lại một mình, Lam ngao ngán nhìn phần điểm tâm buổi sáng, ước gì cô được ra phố, tấp vào một quán cóc nào đó ăn cơm bụi nhỉ?
Uể oải bưng dĩa bánh ướt lên, Lam nuốt từng miếng bánh lạnh ngắt vào bụng và không thấy chút nào ngon lành. Ước gì cô được xơi một tô phở tái nóng hổi nhỉ? Chỉ là những điều đơn giản mà cô làm không được, thì sau này dì Thư còn bắt cô tuân thủ những điều phiền toái nào nữa đây?
Lam mon men đến bên máy giặt, giọng nhỏ nhẹ:
- Để em phụ chị.
Mai xua tay:
- Không cần, em lên nhà chơi đi.
Lam càu nhàu:
- Có gì đâu để chơi. À! Chị đi chợ chưa cho em theo với.
Mai nói:
- Chị đi lúc em còn ngủ. Nói chung dưới bếp không có việc của em.
Lam chống tay dưới cằm, giọng tư lự:
- Dì Thư khó tánh lắm phải không?
Mai ậm ự:
- Với chị, bà chủ nào cũng khó, nhưng mỗi người khó mỗi cách. Muốn làm việc lâu dài phải biết nhẫn nhục.
Lam hỏi gặn:
- Theo chị, dì Thư khó cách nào?
Mai lắc đầu:
- Chị không nói được đâu.
Lam hiểu Mai không muốn góp chuyện, nên cô bỏ ra vườn. Cô đi vòng vòng và nhận ra trong những bồn hoa bỏ phế lâu ngày bị cỏ dại lấn át, vẫn còn những cây đồng thảo, cúc tứ quí, tường vi, trâm ổi. Nhưng chúng trông còi cọc, xơ xác thật tội.
Vốn là người yêu hoa lá, cỏ cây, Lam thấy xót xa trước cánh hoang phế này. Bước vào bếp, cô hỏi:
- Chị Mai ơi, nhà mình có cái gì để làm cỏ không?
Tròn mắt lên, Mai nhắc lại:
- Làm cỏ hả? Có cái cuốc nhỏ, nhưng em làm cỏ ở đâu?
- Ngoài mấy bồn hoa, để chúng xác xơ trông tội quá!
Mai lẳng lặng lôi từ hốc cầu thang ra cuốc, xẻng, kềm, bay rồi đưa cho Lam kèm theo một bịch phân u rê trắng tinh:
- Cô Thư bảo chị vứt những thứ này đi. Nhưng chị nghĩ thế nào cũng có người cần đến, nên mới cất vào xó này. Trước đây trong vườn có nhiều cây kiểng lắm. Lần hồi nó chết đâu hết, chị chả biết nữa.
Lam buột miệng:
- Dì Thư và chị Trâm Anh không thích trồng hoa sao?
Mai trả lời:
- Chắc vậy, vì chị thấy hai người chưa bao giờ để ý đến hoa lá, khu vườn này hai người cũng chưa dạo hết. Dường như nơi đây chỉ là chỗ ở tạm bợ.
- Sao chị lại nói vậy?
Giọng Mai rành rọt:
- Vì từ hồi về đây ở tới nay, cô Thư chưa bao giờ sắm sửa gì cho ngôi nhà này hết. Trái lại cổ còn muốn nó sập cho rồi, để bán hắt đi.
Lam còn đang ngạc nhiên vì những lời của Mai, thì chị ta đã trầm giọng:
- Chị không muốn nhiều chuyện, nhưng tại em hỏi ở lâu ngày sẽ hiểu chớ đừng bắt chị nói nữa.
Lam ì ạch mang những thứ Mai đưa ra sân. Cô cột nhỏng tóc lên rồi bắt tay vào việc. Trong vườn ngoài hoa kiểng còn có cây ăn trái, chúng rậm rạp vươn mình che mát cho Lam. Cô vừa nhổ cỏ vừa thầm thì hát. Dần dà những cây hoa cũng ló ra với những các bông đèo đẹt nhỏ xíu. Lam chợt thấy vui dù đôi tay ít lao động của cô bắt đầu rát.
Cô nghiêng đầu nâng niu những nụ đồng thảo tim tím, cắt bớt những nhánh trâm ổi già, vun lại gốc cúc tứ quí và tìm cây chống, cho giàn tường vi èo uột gần như nằm rạp dưới đất. Ngồi lên bệ bồn hoa đã được dọn sạch, Lam phóng tầm mắt về cuối vườn. Sát chân tường, hướng dương dại vàng rực. Những hoa giả rụng hết cánh còn trơ cái nhụy nâu sậm đong đưa theo gió, trông buồn buồn.
Đang bâng khuâng vì hoa lá, Lam bỗng có cảm giác bị nhìn trộm, cô quay phắt lại và giật mình khi thấy trên ghế đá gần đó có một người đàn ông đang ngồi phì phà thuốc lá. Nói cho đúng thì đó là một thanh niên. Anh ta ngồi gác chân chữ ngũ, người tựa hẳn vào ghế, một tay chống cằm, một tay cầm thuốc lá, mắt thản nhiên nhìn như đang đánh giá Thanh Lam.
Tư thế ngồi và cách nhìn như muốn bóc trần người khác của anh ta cho Lam biết, anh ta đã có mặt ngoài khu vườn này lâu rồi. Thế mà nảy giờ cô không hề hay mới quê chứ! Nhưng anh ta là ai vậy kìa? Cái vóc dáng to khỏe này làm Lam nhớ tới người anh Phi kè vào phòng đêm hôm qua, chả lẽ đây là chú Kiên? Sao chú ấy còn trẻ đến thế?
Khi Lam còn giương mắt tò mò quan sát thì gã thanh niên lên tiếng:
- Ê! Ai bảo cô em làm việc này vậy?
Lam khó chịu. Hừ! Vừa mở mồm đã thấy ghét. Cô hếch mũi trả lời:
- Chả ai bảo hết. Tại... thấy hoa cỏ xác xơ nên tội nghiệp.
Gã thanh niên rít một hơi thuốc rồi gật gù phán:
- Trông cô em không có vẻ gì giống mẹ con chị Thư.
Lam hỏi thẳng thừng:
- Chú là chú Kiên, đúng không?
Gã thanh niên nheo nheo mắt:
- Đúng thì sao?
Lam khịt mũi:
- Trông chú cũng chả có nét nào giống dượng Lộc và ông bác.
Lam nghe chú Kiên cười:
- Đối đáp khá lắm! Cô bé tên gì nhỉ?
- Thanh Lam.
Kiên khen với cái giọng kéo dài đầy hài hước:
- Cái tên hay đấy.
Lam trả đũa:
- Cám ơn lời khen có vẻ trịch thượng đó của chú. Nhưng cũng xin kèm theo một chút thật tình. Cháu đây ghét ai khen tên mình lắm.
Không chút nao núng trước câu móc nghéo của Lam. Kiên hỏi ngược lại:
- Tại sao vậy?
Lam cong môi lên:
- Vì tự tên Thanh Lam đã đẹp rồi.
Kiên buột miệng:
- Đúng là hợm hĩnh.
Nhớ tới những lời mẹ dặn khi nói đến chú Kiên. Lam nhún vai:
- Đôi khi cần phải như vậy với một vài người.
Kiên lừ đôi mắt rất sáng:
- Thái độ và cách nói này thì giống chị Thư y như đúc. Này cháu còn bé xíu thế kia không nên chua ngoa, đanh đá như những bà đã bước vào tuổi đá buồn. Xấu lắm!
Lam hơi đỏ mặt. Cô thấy mình lố bịch khi vừa gặp mặt lần đầu đã gây sự với chú Kiên. Dì Thư và chú ấy đã có mâu thuẫn chị dâu, em chồng. Lam chỉ là cháu dì Thư, cô chả có bà con thân thuộc gì với Kiên hết, cô không nên tham gia vào cuộc chiến này, dù cô thương dì Thư tới mức nào đi chăng nữa. Dĩ hòa vi quý. Ở thế trung lập vẫn là tốt nhất. Mình không thân, nhưng cũng chả nên gây thù chuốc oán với gã bợm nhậu này làm gì cho phiền phức.
Tròn mắt rất ngây thơ, Lam vờ sợ sệt:
- Cháu xin lỗi, nếu câu nói vừa rồi làm chú giận.
Kiên lắc đầu không hài lòng:
- Thái độ và cách nói này lại giống Trâm Anh mỗi khi bị mẹ mắng. Nè! Em không cần phải gọi tôi là chú, cũng chả cần vờ vĩnh ngọt ngoài mặt nhưng trong bụng cứ vái “Xe tông hắn chết cho rồi”.
Lam thấy buồn cười, nhưng vẫn hỏi:
- Vậy phải đối xử thế nào cho vừa ý một người khó chịu như chú?
Kiên gõ gõ tay lên lưng ghế đá:
- Cứ vô tư như bạn bè là được rồi.
Săm soi một bó đồng thảo vừa mới cắt trong tay, Lam nói:
- Vô tư như bạn thì được thôi, nhưng vô tình không gọi chú, chắc cháu bị dì Thư dũa te. Cháu hổng dám đâu!
Kiên xua tay:
- Tôi thật sự sợ có những đứa cháu như Phi, Trâm Anh hay cô em đây.
- Nhưng dầu sao anh Phi và chị Anh cũng là cháu chú mà!
Kiên nhếch môi:
- Trong mắt họ, tôi chả là gì hết.
- Sao chú lại nói vậy?
Kiên lắc đầu:
- Đừng nên hỏi tôi, mà nên về sao lại mắt mình, bản thân em sẽ trả lời được đó.
Lam chưa kịp nói tiếp đã nghe tiếng Mai gọi:
- Cậu Kiên có điện thoại.
Ném về phía Lam một nụ cười hơi khinh mạn, Kiên vứt điếu thuốc rồi đi vội vào nhà.
Thanh Lam nhìn theo cái dáng nghênh ngang ấy, rồi ngồi xuống vun đất vào gốc mai chiếu thủy còi cọc, bị rụng gần hết lá, nhưng tâm trí lại nghĩ ngợi lung tung.
Không ngờ chú Kiên lại là một gã oắt con trạc bằng tuổi anh Phi. Thảo nào dì Thư không ngứa mắt khó chịu sao được. Rồi dượng Lộc nữa, ổng chì chiết ông bác Trường cũng đúng thôi. Dù chưa nắm được thực chất con người chú Kiên ra sao, nhưng chừng bản chất chú ta khá gai góc, Kiên không dễ đùa đâu, dầu có vẻ thích trò chuyện hơn anh Phi. Có lẽ Lam nên tránh xa Kiên như mẹ dặn, sẽ an toàn hơn... “cứ vô tư như bạn bè với chú ấy.
Lam vươn vai đứng dậy đúng lúc Kiên dắt chiếc spacy hỏa tiễn ra sân. Mai lon ton chạy theo hỏi:
- Chừng nào cậu về để tôi thưa lại với ông?
Kiên đội nón bả hộ vào và nói:
- Chừng nào tôi còn chưa biết, làm sao nói với chị được. Điều chắc chắn là bữa nay tôi không ăn cơm nhà.
Mai dặn dò:
- Cậu nhớ điện thoại về cho ông khỏi lo.
Kiên hơi nghiêng người, giọng riễu cợt:
- Thưa công nương, tôi sẽ cố nhớ. Chậc! Đàn bà đúng là rắc rối! Tôi sợ tất cả phụ nữ trong ngôi nhà này. Tổng chào nhé!
Vừa đóng cổng, Mai vừa lầm bầm:
- Đúng là chịu đời hổng thấu với ông tướng này.
Lam tò mò:
- Chú ấy đi đâu vậy?
Mai lắc đầu:
- Có trời biết. Mới về lại biến nữa, chỉ tội ông lão dài cổ trông cậu út quý tử.
- Chú Kiên không đi học à?
- Cậu ta đã tốt nghiệp đại học nhưng chả chịu đi làm mà cứ rong ruổi hết chỗ này, tới chỗ khác với cái máy chụp hình trên tay. Tiền bạc đổ vào máy ảnh ấy biết bao nhiêu mà kể. Chính vì điều này mà cô Thư và cậu Lộc không ưa cậu Kiên.
Lam góp vào:
- Ai ưa nổi người chỉ chơi mà không làm. Nhưng chú Kiên lớn hơn anh Phi nhiều không?
Mai nói:
- Hai chú cháu bằng tuổi nhau mới trớ trêu chứ.
Lam đoán già đoán non:
- Đồng trang lứa chắc hai chú cháu thân nhau lắm!
Mai lắc đầu:
- Trái lại hai người như mặt trời với mặt trăng. Tính Phi lạnh lẽo ít nói, còn cậu Kiên thì thích quậy. Họ chưa khi nào đi chung với nhau hay có cùng bất cứ một sở thích nào.
Lam trầm tư:
- Vậy thì buồn quá! Toàn là người trong nhà cả mà.
Mai chép miệng:
- Nhưng họ mới ở chung với nhau chưa tới một năm. Người lớn khó làm quen nhau hơn con nít.
Lam tròn mắt:
- Nhưng trước đó? Không lẽ họ không biết nhau?
- Đương nhiên là không.
Nhìn Lam ngơ ngác, Mai hỏi:
- Dường như em cũng không biết gì mấy về gia đình của dì mình?
Lam gượng gạo:
- Tại em ở xa, năm xưa em có gặp dì dượng và anh chị một lần, nhưng lúc đó em là con nít. Đã là con nít thì làm sao nắm được chuyện người lớn chứ.
Mai cười cười:
- Em ráng tìm hiểu để biết thêm về người lớn, chị không lắm điều nữa đâu.
Dứt lời Mai nhỏng nhảnh bỏ vô trong, Thanh Lam lại tiếp tục công việc của mình. Cô mong sao mau đến ngay đi học để có thêm bạn bè, để được giải phóng khỏi ngôi nhà tù hãm này.
Chương 3
Tiếng ông Lộc gắt vang lên phá tan bầu không khí yên lặng ở bàn cơm:
- Bữa nay em phải trả lời dứt khoát việc đi làm của mình. Công ty không thể chờ lâu hơn nữa.
Mặc bao nhiêu ánh mắt hướng về mình, Kiên thản nhiên nhai nhóp nhép. Ông Trường nhăn mặt:
- Trời đánh tránh bữa ăn. Chuyện đó để lúc khác hãy nói.
Ông Lộc cương quyết:
- Con không chờ được nữa.
Kiên buông đũa xuống:
- Vậy thì em trả lời. Anh cứ thử người khác đi, em không làm việc đó đâu.
Ông Lộc cười nhạt:
- Ba nghe rõ rồi đấy. Sau này đừng trách con không nhận em mình vào làm.
Giọng bà Thư ngọt ngào:
- Chú ấy còn trẻ, cứ để chú ấy chơi cho thoải mái một thời gian, rồi làm việc cũng đâu có muộn.
Ông Lộc cau có:
- Hèm! Nó chơi đã mấy năm chưa đã sao?
Lúc này Kiên mới có phản ứng:
- Ai bảo với anh chị là tôi chơi? Hừ! Dưới mắt của các người, phải ngồi vào một cái ghế ở công ty hay cơ quan nào đó mới là làm việc. Còn trái lại là thất nghiệp là vô công rỗi nghề.
Bà Thư nhỏ nhẹ:
- Vậy lâu nay em đã làm những việc gì? Em không nói gia đình làm sao hiểu.
Kiên nhún vai:
- Có nói rành rẽ gia đình cũng không hiểu. Miễn sao em tự nuôi bản thân, không vòi tiền ba, không làm phiền anh chị là được rồi.
Dứt lời Kiên bỏ lên phòng trên mở tivi coi đá banh. Tiếng người tường thuật hào hứng vang lên làm Lam nôn nao. Nhưng nếu bây giờ buông chén, chạy lên coi tivi thì dì Thư sẽ bực, nên cô ráng nén cơn ghiền bóng đá xuống bằng cách uống cạn một chén canh y như trong phim Hồng Kông cho giải nhiệt.
Dù không muốn nghe, giọng ông Lộc cũng vọng vào tai Lam:
- Đàn ông con trai gì mà không có chí lập thân, tối ngày cứ theo đuôi đàn bà. Con chả hiểu sao ba cứ dung túng cho nó.
Ông Trường bênh vực cậu quý tử:
- Con nói thế chưa hẳn đúng. Kiên có con đường đi riêng khác con. Ba tin tưởng nó.
Ông Lộc cười nhạt:
- Dựa trên cơ sở nào ba tin nó chớ?
Ông Trường nghiêm mặt:
- Vậy dựa trên cơ sở nào con giao chức trưởng phòng kế hoạch cho một đứa nít ranh mới tốt nghiệp đại học như thằng Phi?
Ông Lộc liếc vội cậu quý tử đang đưa mặt ra vì bị ông nội nhắc tới tên, rồi thong thả đáp:
- Vì thằng Phi có năng lực.
Ông Trường gật gù:
- Câu trả lời của ba cũng vậy. Thằng Kiên không những có năng lực mà còn có bản lãnh nữa. Nó không muốn dựa vào cha, vào anh để đi lên đâu.
Bà Thư có vẻ không hài lòng:
- Ba nói vậy chả lẽ có cha làm giám đốc là một cái tội cho thằng Phi?
Ông Trường lắc đầu:
- Ý ba không phải thế, mà chỉ muốn nhắc chồng bây nghĩ cho kỹ khi đánh giá em trai mình.
Nói dứt lời ông dằn cái chén còn lưng cơm xuống bàn rồi giận dữ bước lên nhà trên.
Ông Lộc hất hàm nhìn Trâm Anh:
- Rót trà cho ổng đi.
Nãy giờ vẫn ngồi im im, Trâm Anh vội lên tiếng:
- Lại là con. Nội có ưa gì con đâu mà cứ trà với lá.
Lam mau mắn đứng dậy:
- Để cho con.
Rồi không cần biết bà Thư đồng ý không, cô đến bàn rót trà vào tách và bưng lên nhà trên nơi tivi đang tường thuật lại trận M.United thua đau trên thánh địa Old Traphphord của mình.
Để tách trà xuống bàn salon, Lam mỉm cười:
- Mời ông uống trà.
Ông Trường cau mày ái ngại:
- Chà! Mất công cháu quá! Trâm Anh đâu? Mai mốt cháu đừng làm việc này nữa.
Xoa hai tay vào nhau, mắt không rời tivi, Lam vui vẻ nói:
- Ở ngoài nhà, cháu vẫn pha trà, pha cà phê cho nội cháu mỗi ngày mà. Vào đây không được làm, cháu thấy buồn vì hết uống ké cà phê của nội.
Ông Trường mỉm cười:
- Nội cháu ghiền cà phê à!
- Dạ! Thế ông bác không thích cà phê sao?
- Có chứ! Nhưng ông lười pha lắm!
- Bắt đầu ngày mai trước khi đi học, cháu sẽ pha cà phê cho ông.
Đang ngồi khoanh tay xem đá banh, Kiên bỗng chen vào.
- Coi chừng bà dì của em trách ba tôi đó.
Lam đáp lại ngay:
- Chú làm như dì Thư nhỏ mọn lắm không bằng.
Kiên thản nhiên:
- Đánh tiếng trước vẫn tốt hơn mà.
Dứt lời Kiên châm thuốc hút, mắt vẫn dán chặt trên tivi. Lam cũng tự nhiên ngồi xuống theo dõi trận bóng đang hồi gay cấn. Tiếc rằng đã tới phút chót, nên cô xem chẳng được lâu đành tiếc nuối đứng dậy.
Thay vì trở về phòng, Lam bước ra vườn. Cô muốn thăm đám hoa mà cô chăm sóc lâu nay. Dạo này trời mưa nhiều nên những cây hoa như sung sức hẳn lên. Cạnh dàn tường vi trĩu nụ, cây trâm ổi đơm dầy đặc hoa trông thật sặc sỡ làm bồn bông đẹp hẳn lên. Lam chợt thấy vui, cô nhìn vạt đồng thảo tím nhạt, rồi thích thú hái một bó. Lam sẽ có một lọ hoa đồng thảo và dã quỳ trên bàn học. Nhìn chúng cô sẽ bớt lẻ loi hơn.
Bước về cuối vườn, Lam nhón chân hái những hoa hướng dương rừng vút trên cao. Mùa mưa hướng dương ít hoa, cô tìm mãi mới được vài cái. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Lam ngắm nghía chúng trong tay với vẻ hài lòng. Ngay lúc ấy cô thấy Kiên ngồi trên lan can. Vẫn với điếu thuốc trên tay, anh duỗi chân, dựa cột, phì phà khói và mắt mơ màng như đang chìm vào cõi riêng.
Sau lần đầu gặp Kiên cũng ở ngoài vườn này, Lam chưa bao giờ trò chuyện với anh vì Kiên rất ít ở nhà. Nếu có, anh cũng nằm lì trong phòng riêng và mở nhạc suốt. Dù chưa khi nào ghé mắt nhìn vào giang sơn của Kiên, Lam cũng mơ hồ đoán được trong đó có gì, qua cái mép luôn bảo mình không nhiều chuyện của Mai.
Theo chị ấy, ông Trường rất cưng Kiên nên không tiếc tiền mua cho anh đủ mọi thứ. Tivi đầu máy, dàn compac, máy vi tính hiện đại nhất để có thể nối mạng đi khắp nơi. Nhưng những thứ ấy hình như không trói được cái chân đi của cậu lãng tử.
Ở nhà vài ba hôm, Kiên lại biến tới vài ba tuần mới về, Lam đôi lúc quên rằng trong nhà này còn có ông chú Kiên ấy.
Phớt lờ như không thấy ai, Lam vờ săm soi bó hoa trong tay và đi phớt ngang chỗ Kiên ngồi với điệu bộ hết sức lý lắc. Tưởng Kiên không thèm để ý tới mình, ai ngờ cô nghe anh gọi:
- Nè cô bé.
Lam quay lại cười thật tươi:
- Chú Kiên gọi cháu à?
Không trả lời cô, Kiên nghiêng đầu gật gù:
- Chờ ở đây một chút nhé
Nói xong Kiên nhảy khỏi lan can đi như chạy vào nhà.
Lam ngồi xuống bật thềm đá, nơi có những bông cỏ li ti vươn cao đang lắt lay theo gió với một dấu hỏi to tướng trong đầu. Chả biết chú ấy bảo mình chờ làm chi đâu nữa. Nhưng vốn là con nhỏ tò mò, Lam đâu dễ bỏ qua dịp, tiếp cận người cô đang muốn tìm hiểu.
Lam không phải thắc mắc lâu vì Kiên đã trở ra với một cái máy ảnh.
Giọng anh hồ hởi:
- Lần đầu thấy Lam, tôi đã nghĩ tới việc chụp hình. Nhưng mãi tới hôm nay mới có dịp đề nghị. Cô bé sẽ là người mẫu cho tôi, chịu không?
Lam tròn mắt chỉ vào mình:
- Người mẫu hả? Hổng dám đâu!
Kiên bật cười:
- Sao lại không dám? Chỉ làm mẫu để chụp hình thôi mà!
- Nhưng... nhưng cháu xấu hoắc hà.
Kiên tủm tỉm:
- Xấu hay đẹp nên để người khác nhận xét.
Chỉ vào máy ảnh, Kiên nháy mắt:
- Mà người nhận xét khách quan nhất là nói đó. Lam để chú chụp thử vài pô xem. Biết đâu sau này em sẽ trở thành người mẫu thật.
Lam ngờ vực nhìn máy ảnh trên tay Kiên. Là con gái đứa nào không khoái chụp hình. Năm rồi, Lam đã nhịn ăn mấy tháng trời để có tiền vào các Studio chụp hình chân dung. Mấy ông thợ vẫn khen cô ăn ảnh, nên lần nào Lam đến chụp họ cũng kỷ niệm thêm cho cô một pô để làm mẫu trưng bày ở tiệm mình. Điều này khiến Lam hỉnh mũi với bạn bè, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ mình là người mẫu hết. Bây giờ nghe Kiên gợi ý, Lam bỗng dè dặt khi nhớ tới những lời mẹ đã dặn hơn là phấn khởi với ảo tượng người mẫu.
Vừa lúc đó, Lam nghe tiếng lách cách rất nhỏ của máy ảnh. Cô ngước lên nhìn và thấy Kiên đang chĩa máy về phía mình. Có lẽ anh đã bấm ít nhất ba pô.
Với điếu thuốc xề xệ dính trên môi, Kiên vừa bập bập vừa nói:
- Xin lỗi! Chưa được em đồng ý mà tôi đã chụp. Nhưng vừa rồi trông em rất xuất thần không chụp uổng lắm!
Lam chớp mắt. Cô hoàn toàn bị cái từ “Xuất thần” của Kiên chinh phục. Ngập ngừng mãi, Lam mới hạ giọng:
- Chỉ sợ hình chụp ra làm chú thất vọng.
Rít một hơi thuốc nữa, Kiên đẩy đưa:
- Nói vậy là Lam không tin tưởng vào tay nghề của chú Kiên này rồi. Là bà con trong nhà cả, chả lẽ tôi nói dối em sao.
Lam yết ớt:
- Mặc quần áo này được à?
Kiên cười toe:
- Được quá nữa là khác. Màu áo đỏ rất tươi rồi thiên hạ sẽ nổ đom đóm mắt khi nhìn thấy ảnh của em. Nào ra đây bé con.
Lam ngượng ngùng đứng dậy. Kiên ra lệnh:
- Em tới bụi hướng dương rồi đi ngược về phía tôi với điệu bộ như lúc nãy em đã đi. Bí quyết để có được ảnh đẹp là tự nhiên. Cứ vừa đi vừa nâng niu những bông hoa trong tay. Nào ta bắt đầu nhé!
Lam làm theo yêu cầu của Kiên. Cô vẫn đi như cũ, nhưng lần này Lam có cảm giác bước chân mình nhẹ tênh như bay. Chắc tại hồn cô đang hưng phấn ấy mà!
Bỗng dưng Lam cười. Cô nhẹ nhàng từ tốn tung đóa hoa lên rồi ngồi xuống nhặt từng cành rơi tung tóe trên mặt đất.
Cô nghe Kiên bảo:
- Ngước lên từ từ và nhìn vào ống kính.
Khi Lam nhặt hết những đóa hoa trên sân thì Kiên đã đến bên cô, giọng hài lòng:
- Khá lắm! Cái ngẫu hứng tung hoa của em sẽ cho những ảnh lạ. Tôi hy vọng là như vậy.
Lam xót xa:
- Chỉ tội nghiệp mấy bông dã quỳ. Nó dập hết rồi.
Kiên an ủi:
- Nhưng bù lại nó sẽ sống mãi trong những tấm ảnh. Còn những bông ở trên cây rồi sẽ héo tàn và không ai biết đến nó.
Anh đưa tay gỡ một cánh đồng thảo vương trên tóc Lam và nghe giọng bà Thư gầm lên the thé:
- Lam! Con làm gì ở đó vậy?
Lam giật bắn cả người vì hết hồn. Nhìn gương mặt đỏ ửng của dì Thư, cô có cảm giác mình vừa làm điều gì đó hết sức tội lỗi. Cô ấp úng giơ cao bó đồng thảo lên:
- Con... con hái bông.
Liếc Kiên một cái bằng đôi mắt rất hình sự, bà Thư cau có:
- Hừ! Bông với hoa gì lúc giữa trưa như vầy? Nói ngay, hai chú cháu làm trò khỉ gì thế?
Bà chưa dứt lời, Kiên đã giơ máy lên bấm liên tục mấy pô rồi cười hì hì:
- Thấy Lam có nét, em chụp con bé vài kiểu chơi cho vui mà. Sẵn đây em chụp cho chị thêm vài pô nữa nghe.
Đưa tay lên che mặt, bà Thư gắt:
- Thôi! Thôi! Tôi không đùa đâu.
Quay sang phía Lam đứng xớ rớ, bà nói như hét:
- Về phòng chưa đồ nhãi ranh nhí nhảnh?
Mặt Lam đỏ ửng lên rồi chuyển sang tái mét, cô ấm ức chạy vù về phòng riêng của mình và đóng sầm cửa lại với cảm giác hụt hẫng. Lam không ngờ dì Thư lại tỏ thái độ quá khích đến thế trước chuyện rất bình thường. Dì ấy không xem cô ra gì hết. Mà cô có làm chi sai đâu?
Nằm úp mặt vào gối, Lam nghe mũi cay cay, cô khóc vì tức hơn vì sợ. Dù mẹ đã bảo dì Thư sẽ thay mẹ quản lý Lam về mọi mặt, nhưng Lam không phải là con gái dì, cũng chả phải là cháu của chú Kiên. Dì Thư quát mắng cô trước mặt Kiên như thế đúng là quá đáng. Đã vậy dì ấy còn bảo Lam làm: “Đồ nhãi ranh nhí nhảnh” mới ê mặt chứ!
Nằm sụt sùi, trăn trở một hồi, Lam nhìn đồng hồ rồi nhổm dậy. Chiều nay cô được nghỉ học, nhưng tội vạ gì phải giam mình trong căn phòng luôn u ám này, khi ngoài phố có muôn ngàn điều cô muốn khám phá. Mím môi thay quần áo, cô đeo ba lô, đội nón kết mỏ vịt vào rồi bước xuống nhà bằng những bước chân hăm hở, mạnh dạn.
Tới phòng khách, cô đụng phải bà Thư đang chuẩn bị đi làm. Vừa đeo găng tay vào, bà vừa soi mói:
- Ủa! Đi đâu vậy?
Lam thản nhiên:
- Con đi học.
Bà Thư nhíu mày:
- Mấy tuần trước, con nghỉ vào chiều thứ ba và thứ bảy mà?
Giọng Lam nghiêm nghị:
- Nhưng kể từ tuần này, con hết được nghỉ rồi.
Bà Thư có vẻ nghi ngờ:
- Sao hổm rày dì không nghe con nói?
Lam xốc cái ba lô sau lưng:
- Chuyện không quan trọng, con sợ phiền dì.
Bà Thư làm thinh, Lam mỉm cười:
- Thưa dì con đi học.
- Khoan đã!
Lam hơi khựng lại khi nghĩ chắc bể mánh rồi. Cô đang rầu rĩ kéo kéo cái nón thì bà Thư đã nói:
- Dì không thích con thân mật với chú Kiên. Con vào đây để học chớ không phải để đua đòi. Ở thành phố này khối đứa hư hỏng vì mê chụp hình, mê làm người mẫu đấy.
Lam thấy tự ái, cô hơi xẵng giọng:
- Con không mê chụp hình, cũng không thích làm người mẫu. Lúc nãy vì xã giao con phải chụp vài ba tấm, dù sao chú Kiên cũng là chú của anh Phi và chị Trâm Anh. Con muốn giữ mối quan hệ tốt với chú Kiên, cũng như với ông bác Trường.
Mặt bà Thư sầm xuống:
- Điều này không quan trọng. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, đừng làm dì phải bận tâm lo lắng là tốt rồi. Trong nhà này ngoài dì dượng, anh chị ra, không ai thật lòng tốt với con đâu.
Định buột miệng hỏi: “Kể cả ông bác sao? “ Nhưng Lam đã ngưng được. Cô gật đầu cho qua chuyện.
- Vâng! Con hiểu.
Dứt lời ra sân dắt chiếc xe đạp đi. Buổi trưa nắng chang chang, Lam chẳng biết sẽ đạp xe tới đâu, nhưng với cô lúc này thoát khỏi nhà là đã hạnh phúc lắm rồi.
Chạy vòng vòng dưới cái nắng trưa Sài Gòn, Lam bắt đầu thấy oải. Cô tấp xe vào lề lục trong ba lô tìm địa chỉ của Ngọc Hương, con nhỏ nói nhà nó ở gần trường, nhưng Lam chả nhớ số mấy, đường gì.
Lẩm nhẩm số nhà, tên đường, Lam bắt đầu cuộc truy tìm.
“Đường đi ở trong miệng mình.” Mẹ đã dặn thế để phòng khi Lam lạc đường. Bữa nay Lam không lạc, nhưng nếu mở miệng hỏi đường thì chua lắm! Cô đâu muốn lòi đuôi dân quê ra tỉnh, nên dù phải đi loanh quanh, Lam cũng cố tận dụng đầu óc sinh viên của mình để tìm cho được nhà Ngọc Hương.
Cuối cùng cô cũng thành công, Lam hí hửng bấm chuông căn nhà có rào cao bao quanh, và nôn nóng chờ nhỏ Hương ló đầu ra cười. Nhưng cô chờ hơn một phút cũng chả thấy động tịch gì. Lam mím môi bấm một hồi chuông nữa.
Lần này tín hiệu đã được đáp trả. Cánh cửa chưa mở hết, Lam đã lên giọng chị:
- Ê! Sao lâu dữ vậy nhóc?
Để rồi hết hồn khi thấy một cặp kính cận khác dầy xuất hiện.
Lão cận sửa lại mục kỉnh rồi nhìn Lam từ đầu tới đuôi. Lúc cô còn quê độ chưa từng có, thì lão đã ồm ồm hỏi:
- Vừa nói quái gì vậy hả?
Lam thầm rủa tật bộp chộp của mình, cô khổ sở phân bua:
- Dạ, cho em hỏi thăm Ngọc Hương, sinh viên đại học Kinh Tế...
Lão cận nhếch mép cười ví cái chức vụ sinh viên Lam vừa lỡ buột miệng khoe.
- Hương người Nha Trang phải không?
Lam gật đầu:
- Dạ phải!
Mở rộng cánh cổng sắt ra, lão cận dịu dàng hơn một chút:
- Mời vào!
Nhìn khoảng sân rộng im ắng, Lam ớn ớn, cô lắc đầu thật nhanh:
- Dạ được rồi! Nhờ anh gọi Hương giùm em.
Lão cận nhún vai buông một câu chỉ một tiếng:
- Tùy!
Rồi bước vào trong với thái độ kẻ cả. Lão ta là ai vậy kìa? Sao nhỏ Hương nói chỉ có nó ở với ông bà ngoại thôi? Hừm! Con nhỏ này làm cô lỡ bộ, tội nó đáng xử trảm lắm!
Hương bước ra với nụ cười toe toét:
- Ủa! Sao không vào nhà?
Lam ngọt nhạt:
- Tao sợ ông 4 mắt đó quá, nên đâu dám vô... biệt thự của mày.
Hương tròn mắt:
- Xời! Ổng hiền khô hà, sợ quái gì!
Lam bĩu môi:
- Không dám hiền đâu! Nhưng ai vậy?
Hương nói:
- À! Anh Long, con dì Hai tao. Mấy bữa nay dì đi ra Hà Nội chơi, nên gởi ảnh qua đây ké cơm nước.
Lam dựng xe đạp, giọng chì chiết:
- Anh hèn chi oai ghê!
Hương gật đầu tán đồng:
- Ờ! Anh Long oai thật đó. Dầu gì cũng là sư huynh của mình mà!
Lam tò mò:
- Ổng cũng là dân Kinh tế à?
- Đúng vậy! Hôm qua ổng mới chuyển giao công nghệ cho tao bài vở, tài liệu ổng đã học. Từ giờ trở đi vào giảng đường có thể nghe lơ mơ lời thầy mà không sợ mất bài, vì trong vở anh Long ghi chép đầy đủ lắm!
- Vậy thì mày ngon rồi!
Hương lại cười toe:
- Mầy là bạn tao nên cũng ngon lây. Ờ! Sao bữa nay mày được xổng chuồng vậy?
Lam không thấy tự ái trước cái từ khá phô Hương dành hỏi mình. Cô thản nhiên đáp:
- Tao nói dối là bây giờ ngày nào cũng phải học hai buổi, nên mới ra khỏi nhà được.
Hương kêu lên:
- Mày mà cũng dám nói láo, thật là động trời!
Lam ray rứt:
- Tao đâu muốn vậy. Nhưng để được xổng chuồng như mày nói, láo một tý cũng chả sao. Tao không ngờ dì Thư khó quá. Dì muốn kiểm soát từ hành động đến suy nghĩ của con cái. Tao là cháu chớ nào phải con, mà dì ấy muốn tao phải răm rắp làm theo ý mình. Tao hoàn toàn thất vọng vì dì Thư khác xa mẹ. Khổ nỗi chị em xa cách lâu ngày, mẹ tao đâu biết dì Thư đã thay đổi. Bà vẫn nghĩ đơn giản là chị mình có hơi khó tính một tý. Thật ra dì Thư rất cố chấp và độc đoán.
Thở dài ngao ngán, Lam nói tiếp:
- Tao sợ ngày nào đó tao sẽ giống ông anh bà chị họ, chỉ biết riu ríu nghe lời mà không làm chủ được bản thân, được cuộc đời của mình.
Hương ái ngại:
- Làm gì bi quan dữ vậy. Không thích ở đó thì tới đây ở với tao, nhà này rộng thênh thang.
Lam le lưỡi:
- Bỏ đó tới đây chắc cả ba mẹ tao cũng dì Thư mắng. Mà ông bà thì vô tội mày ạ!
Hương nhún vai:
- Vậy coi như huề.
Lam chép miệng:
- Thua chớ hề gì. Nhưng thây kệ! Sinh viên mà! Ráng chịu khổ vì tương lai rực rỡ vậy!
Hương cười khúc khích:
- Nói nghe cảm động thật. Vào nhà tao bồi dưỡng cho chai sữa đậu nành.
Hai đứa nằm lăn ra nệm. Hương lên tiếng:
- Mày thấy chỗ này thế nào?
Lam khen:
- Bá chấy thật!
Hương hỉnh mũi khoe:
- Ở đây tao là nhân vật số một, muốn gì được nấy, ngay cả anh Long còn phải nể nang mà.
Lam im lặng khi nghĩ tới mình. So với Hương, cô thua xa về mọi mặt. Gia đình nó giàu có, dòng họ toàn những người tiếng tăm. Vào Sài Gòn con bé sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là đương nhiên, Lam không hề ganh tị với những vật chất nhỏ Hương có được, cô chỉ thấy tủi vì tinh thần mình bị o ép, tù túng. Thật không ngờ dì Thư là người Sài Gòn nhưng còn cổ lỗ hơn dân tỉnh lẻ như mẹ. Cô mong muốn mình được sống thoải mái như nhỏ Hương, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi, bạn bè giao thiệp rộng rãi, chớ không phải khổ như Lam mỗi lần nghe điện thoại cũng bị dì Thư dò hỏi: “Ai? đứa nào? Bạn trai hay gái? Tên gì? Nhà ở đâu?”
Hương rủ rê:
- Ê! Lâu lâu xổng chuồng một lần, đi chơi chớ tội gì nằm nhà nhỏ?
Lam do dự:
- Nhưng đi đâu đây khi đường xá mình mù tịt.
Hương nháy mắt:
- Có anh Long hướng dẫn, đi đâu không được. Hê! Vào siêu thị cho biết. Mẹ tao mới gởi tiền, mình đi sắm sửa cho đã tay.
Lam nhăn mặt:
- Tao tha đồ về khác nào khoe với dì Thư là không có học.
Hương vỗ vào trán:
- Ờ há! Vậy mày đừng mua mà chỉ nhìn thôi.
Rồi chẳng đợi Lam ừ hử gì, Hương nhổm dậy:
- Để tao thay quần áo đã.
Lam đảo mắt nhìn căn phòng của Hương. Đúng là xinh xắn, gọn gàng và thơm nức mùi dầu xịt phòng, chả bù với căn phòng của cô. Nhưng thôi, so sánh làm gì. Đời vẫn có câu. “Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình “. An phận cũng là cách giúp người ta bớt sân si đấy Thanh Lam ạ!
Cô bước tới bàn và choáng ngợp với một chồng băng nhạc. Nhỏ Hương này giỏi thật, mới vào Sài Gòn chưa bao lâu mà đã có khối băng hay như vầy.
Cô hỏi ngay:
- Băng nhạc ở đâu mà chiến đấu vậy?
Hương vừa săm soi trước gương mặt vừa trả lời:
- Của anh Long. Dạo này ảnh chơi đĩa không hà, nên đã tống hết những thứ này cho tao. Mày thích thì đem về nghe đi.
Lam chọn ra một số băng ưng ý rồi nói:
- Lão 4 mắt này cũng biết nghe nhạc lắm!
Hương gật đầu:
- Nói chung mặt nào ổng cũng trội hết. Thôi! Ta đi nhé!
Lam bật cười vì câu nói như trong quảng cáo Strepsils của Hương. Con bé bước ra khỏi phòng mồm réo ầm ĩ:
- Anh Long! Anh Long ơi!
Đang cầm quyển sách ngồi trên salon, Long lật đật đứng dậy:
- Có chuyện gì thế?
Hương nhõng nhẽo hết biết:
- Dắt em đi siêu thị.
Long sửa lại giọng kính:
- Ngay bây giờ hả?
- Đúng vậy. Vì em chỉ rảnh chiều nay thôi.
- Nhưng anh lại không rảnh.
Hương cong môi lên:
- Vậy em đi một mình, lỡ lạc đường hay có chuyện gì xảy ra, anh ráng chịu tội với ngoại.
Long ném về phía Lam cái nhìn khó chịu rồi lầu bầu:
- Chắc không tự nhiên em đòi đi siêu thị đâu.
Hương đỏng đảnh nói:
- Tại em muốn đưa nhỏ Lam đi chơi cho biết. Anh không galăng thì thôi!
Vừa kéo tay Lam ra sân, Hương vừa giậm chân như con nít:
- Làm người ta mất mặt với bạn bè. Anh gì thấy ghét.
Long nhăn nhó:
- Đi thì đi! Khổ quá!
Hương reo lên:
- Vậy mới đúng là đại ca chứ!
Rồi con nhỏ vui vẻ phán:
- Xe đạp cứ bỏ ở đây, tao sẽ chở mày, còn anh Long sẽ là hướng dẫn viên. Nếu lỡ cảnh sát giao thông có thổi, ảnh sẽ đóng tiền phạt.
Lam bỗng thấy ngại, cô rỉ tai Hương:
- Coi bộ anh mầy đang hầm tao.
Hương phớt tỉnh:
- Điều đó đâu quan trọng, miễn sao mình đạt mục đích là được rồi.
Ngồi sau lưng Hương, Lam thấy lo nhiều hơn thích. Cô vừa lo nhỏ Hương chạy xe bị công an thổi, lại vừa lo bị dì Thư trông thấy.
Dẫu biết Sài Gòn dân số bốn, năm triệu người nhưng biết đâu chừng. Bất chợt Lam kéo vành nón kết thấp xuống che khuất nửa mặt. Nón kiểu “Ace oph Base” này vậy mà tiện cho những người cần giấu mặt như Lam.
Xe ngưng ở Coop Mark, Long quay sang nhìn Hương và Lam, giọng thật ngọt:
- Anh không vào đâu, cứ dựng xe đây, anh trông cho. Nhưng đừng lâu quá đó!
Đẩy cửa kính bước vào trong siêu thị, Lam cười cười:
- Dường như ông cận này có cơn thì phải.
Hương nháy mắt:
- Ê! Ổng còn sôlô, mầy nghĩ sao?
Lam hét lên:
- Oh! N..o... N..o...
Hương cười ngặt nghẽo:
- Hơi mày dài hơn cả thằng cha trong quảng cáo. Nhưng chưa tìm hiểu kỹ ổng mà! Đâu cần phải “No” sớm vậy!
Quay lưng lại nhưng vẫn đi thụt lùi như các cầu thủ bóng đá, Lam chấp tay:
- Cho tao xin hai chữ bình yên đi mày.
- Được thôi! Tao không ép.
Hai người lơ ngơ dán mắt vào những gian hàng đèn sáng trưng nằm san sát nhau. Ở đây đúng là sang trọng, đẹp mắt và có lẽ giá cả cũng đặc biệt.
Lam chép miệng:
- Mua hàng trong siêu thị thì ngon thật, nhưng tao sợ bị chém quá!
Hương có vẻ tự phụ:
- Sợ thì nhìn tao mua mày đừng ầm ĩ nữa, lòi đuôi nhà quê ra bây giờ.
Hương kéo Lam vào một gian hàng bán quần áo. Nhìn những dãy quần áo treo dài dài kèm theo bảng giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Lam lè lưỡi khi nghĩ tới tiền lương giáo viên của mẹ.
Trái lại Hương có vẻ thích thú với rừng quần áo model dăng từ trên cao xuống dưới đất như thiên la địa võng.
Đang len lỏi giữa những giá treo quần Jean, Lam bỗng nghe giọng một phụ nữ nhão nhoẹt:
- A! Em mua cái Jupe này.
Rồi giọng một người đàn ông phụ họa:
- Em mua hết tiệm cũng được mà!
Cái giọng lạnh lạnh đều đều rất quen của ông ta làm Lam chú ý. Cô nhìn sang phía đối diện và thấy ông dượng Lộc. Đúng là dượng Lộc rồi. Ông ta đang đứng sát một cô gái trạc tuổi chị Trâm Anh với điệu bộ hết sức tình tứ.
Tự nhiên Lam quay ngoắt đi, cả người lạnh ngắt như trúng gió, mồ hôi rịn ra ướt trán dù gian hàng có máy điều hòa mát rượi.
Trời ơi! Dượng Lộc là người rất mẫu mực nghiêm khắc. Có lẽ nào...
Trái tim Lam thắt lại vì thương dì Thư. Cô len lén nhìn nữa và cố hy vọng lúc nãy mình đã lầm. Nhưng cô không lầm chút nào khi nhỏ bồ nhí của ông dượng ỏn ẻn:
- Lộc ơi! Em mua cái Jupe Jean này, cái váy đỏ kia và cái sắc tay bằng da cá sấu nha!
Giọng ông Lộc ngọt như kẹo mạch nha:
- Anh đã bảo cưng mua gì cũng được mà!
Hương bĩu môi:
- Trông bẩn mắt thiệt! Ê! Mình qua bên đó phá họ chơi.
Lam lắc đầu:
- Thôi thôi! Đây không phải Nha Trang đâu mà quậy.
Thấy Hương xăm xăm đi về phía ông Lộc, Lam hoảng hồn, cô vội thụt lùi lại và tót ra cửa bên phải, bỏ mặc Hương làm gì thì làm.
Người vẫn còn lâng lâng như vừa trên tàu hỏa bước xuống, Lam thẩn thờ rảo sang gian hàng nữ trang cao cấp kế bên. Ở đây tất cả mọi thứ đều hào nhoáng, kể cả những người đang say sưa mua sắm. Nhưng phía sau cái hào nhoáng ấy là gì?
Lam chợt nhớ đến gương mặt nghiêm nghị, đạo đức của ông Lộc khi cao giọng phê phán chú Kiên. Ông từng bảo chú ấy không có chí lập thân, tối ngày cứ theo đuổi đàn bà. Còn bản thân ông thì sao? Thật là giả dối, đáng khinh đến mức xấu hổ. Chỉ tội dì Thư, người luôn đề cao, tin tưởng chồng mình.
Tính ngang ngược, bướng bỉnh bỗng trỗi dậy trong Lam, cô trở lại gian hàng bán quần áo để đối mặt với ông Lộc. Người phải lo sợ, phải xấu hổ là ông ấy chớ đâu phải là cô. Hừ! Cứ ngây thơ cụ bước tới thưa dượng, thử xem thái độ ông ra sao.
Chân Lam chợt chùng lại. Mẹ từng dặn lớn rồi, trước khi làm việc gì phải suy nghĩ chín chắn. Làm bỉ mặt dượng Lộc thì quá dễ nhưng sao đó? Liệu trong nhà còn được yên không? Dì Thư sẽ chịu nổi cú sốc này không, khi dì ấy bị yếu tim?
Lam xìu xuống như bóng xì hơi. Cô chả còn hứng thú dán mắt vào những cái vòng cẩm thạch xanh biếc, những cái nhẫn, cái lắc đủ kiểu bày đầy trong tủ kiếng. Lòng cô bỗng nặng nề, khổ sở, vì một trách nhiệm vô hình. Nếu đừng so sánh với dì Thư, mà so với chị Trâm Anh, cô gái đó vẫn trẻ đẹp hơn nhiều. Dáng vóc y như người mẫu, bảo sao dượng Lộc không mê chứ! Lam phải làm sao cho dì Thư biết mà giữ vững hạnh phúc gia đình đây? Có lẽ phải điện thoại hỏi ý kiến mẹ trước quá.
Hương bước tới, giọng cằn nhằn:
- Sao tự nhiên bò ra đây?
- Không mua, ở trỏng làm gì cho bẩn mắt.
Hương lên giọng:
- Cuộc đời mà! Hơi đâu bất bình chứ! Cái lão già ấy đúng là tham lam, lúc mày bỏ đi ra, lão nhìn theo đến mức muốn tét mí mắt. Con bồ nhí không níu lại chắc lão đã chạy theo mày rồi.
Lam sững sờ:
- Th... ật hả?
- Tao láo làm gì.
- Thôi chết rồi! Mình về ngay đi!
Hương cười chế riễu:
- Sao lại cuống lên vậy? Cứ ở đây xem lão làm gì được mày.
Lam lắc đầu:
- Mày không hiểu đâu. Mình biến ngay thôi.
Vừa nói Lam vừa lôi Hương ra cổng. Cô thoáng thấy bóng ông Lộc và cô bồ nhí ở phía sau. Ông ta không phải là bậc chánh nhân quân tử kiểu như trong các phim võ hiệp hay đề cao. Từ giờ trở đi chắc chắn Lam khó sống yên ổn dưới mái nhà của ông ta rồi.
Nguồn: http://vietmessenger.com/