2/5/13

Lời hát cho anh (C4-6)

Chương 4

Ngần ngừ mãi rồi Lam cũng phải ngồi vào bàn ăn. Bụng phập phồng, cô thấy ngại khi sắp đối mặt ông Lộc. Chả biết ông ấy sẽ nhìn cô bằng ánh mắt nào đây nữa.

Khác hẳn với thường ngày, hôm nay ông Lộc trông rất vui. Ông ban cho vợ và đám con cháu một nụ cười cởi mở rồi tự tay bới cơm cho ông Trường, chớ không để dì Thư làm việc đó như mọi khi.

Kiên tủm tỉm:

- Chà! Hôm nay anh hai có hiếu ghê. Coi chừng trời mưa đó!

Giọng ông Lộc đều đều:

- Anh lúc nào cũng hiếu thảo với cha, thủy chung với vợ, gương mẫu với con, hết lòng với em út. Bới cơm cho ba chỉ là việc nhỏ, nhưng anh muốn làm cho mày thấy và suy nghĩ.

Kiên gật gù:

- Một hành động cực kỳ nhỏ nhưng thâm ý cao siêu quá. Tôi hiểu không nổi rồi. Có lẽ anh nên để Phi và Trâm Anh suy nghĩ thì phù hợp hơn tôi.

Ông Trường lên tiếng:

- Ăn đi! Bới có chén cơm cũng ồn ào.

Ông Lộc nói:

- Đây là sự ồn ào cần thiết mà ba.

Ông Trường gắt:

- Ngày nào vào bàn ăn cũng có chuyện, con bé Lam làm sao ăn vô chứ?

Nghe nhắc tới mình, Lam hiền từ nói:

- Con vẫn ăn tự nhiên đây mà!

Gắp cho cô một miếng sườn nướng, Kiên bảo:

- Trong chén chả có miếng thịt nào mà tự nhiên cái gì.

Lam thoáng bối rối, cô nhìn vội ông Lộc rồi rùng mình khi nhận ra cặp mắt của ông có vẻ gian xảo và độc ác làm sao.

Ông ta làm như vô tình, nhưng Lam vẫn cảm nhận được sự cố ý khi nghe hỏi:

- Sao! Hồi chiều đi siêu thị, cháu đã mua được những món gì?

Lam như mắc nghẹn trước cái nhìn ngạc nhiên đến mức trợn trừng của bà Thư. Nuốt vội miếng cơm trong miệng, cô chối biến.

- Chiều nay cháu đi học, chớ đâu có đi siêu thi.

Ông Lộc nhếch môi:

- Vậy sao! Hồi chiều dượng thấy một con bé đội nón kết, đeo ba lô giống y như cháu ở trong Coop Mark. Dượng vừa định gọi thì con nhóc ấy đã quay lưng chạy mất.

Nhìn thẳng vào ông dượng với vẻ thách thức, Lam bình tĩnh chối lần nữa:

- Chắc chắn là không phải cháu rồi.

Bà Thư vội nói vào:

- Đúng vậy! Chiều nay nó đi học, vả lại mới vào Sài Gòn, nó có biết Coop Mark ở đâu mà đi chớ!

Lừ mắt đầy sát khí, bà Thư hỏi chồng:

- Ủa! Anh đi siêu thị chi vậy?

Ông Lộc nói:

- Có người rủ anh hùn hạp mở siêu thị, hôm nay anh rảo hết các siêu thị ở Sài Gòn xem thế nào.

Giọng bà Thư nghi ngờ:

- Sao không nghe anh nói nhỉ?

- Chậc! Chưa có gì cả, nói làm chi.

Bà Thư soi mói:

- Hay ông không tin tưởng vợ mình nên không cần bàn bạn chuyện làm ăn?

- Sao em lại nói vậy? Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn. Đó là kim chỉ nam của vợ chồng mình. Em quên rồi sao?

Lam ớn lạnh vì miệng lưỡi của ông Lộc. Ngọt như thế, Lam có kể lại những điều mình chứng kiến chưa chắc dì Thư đã tin. Tốt nhất phải biết giữ mồm và giữ thân phận. Nhưng nếu im lặng thì tức lắm. Nhất định cô sẽ tìm cách nào đó.

Anh Phi bỗng lên tiếng:

- Con nghe nói công ty của nhà Thắng sắp bị thanh tra toàn diện, không biết có không.

Ông Lộc cười nhạt:

- Sao lại không. Phen này lão Thịnh có mà húp cháo.

Trâm Anh lo lắng:

- Chả lẽ công ty của bác ấy có vấn đề?

- Hừ! Đúng vậy! Con tự lo liệu lấy!

Trâm Anh ấp úng:

- Con đâu biết lo thế nào.

Cắn một miếng sườn, ông Lộc nhai thật ngon lành. Lam thấy mặt chị Anh tái hẳn đi khi ông phán:

- Chim khôn chọn nhành mà đậu. Tốt nhất nên quên thằng Thắng và các công ty của gia đình nó đi, việc này con thừa sức làm được mà.

Phi tỏ vẻ bất bình:

- Việc chưa ngã ngũ ra đâu. Sao ba lại...

Ông Lộc quắc mắt lên:

- Im ngay! Đợi chuyện ngã ngũ ra rồi thì còn thể thống gì nữa.

Ông Trường buông đũa đứng dậy:

- Cứ tưởng mày thấy bạn bè hoạn nạn sẽ giúp đỡ. Ai ngờ mày xúi con gái phụ bạc chỉ vì gia đình người yêu nó sa sút.

Giọng ông Lộc lạnh Tấnh:

- Thời buổi này hồn ai nấy giữ. Đừng nói bạn bè, anh em ruột cũng chưa chắc giúp nhau khi hoạn nạn. Vì vậy tại sao nỡ để con mình tiến tới với một thằng sa cơ thất thế chứ?

Trâm Anh vụt bỏ chạy vào phòng, Lam dợm chân định chạy theo an ủi nhưng bà Thư đã cản:

- Kệ nó! Từ từ rồi sẽ quen và quên thôi.

Lam sững sờ, cô không ngờ dì Thư cũng đồng quan niệm với ông. Đúng là đồng vợ đồng chồng, nhưng mỉa mai sao dì Thư lại là người bị tác động. Dì ấy hùa theo dượng Lộc và hình như chả mảy may quan tâm đến tình cảm của chị Trâm Anh.

Ông Lộc bỗng nhẫn mạnh từng chữ:

- Ở trong thành phố sôi động này phải khôn ngoan, phải biết sống. Im lặng, không xía vào chuyện người khác cũng là biết sống đấy.

Kiên riễu cợt:

- Anh đang lên lớp hay đang hăm dọa người khác vậy?

- Toàn người trong nhà, sao anh lại hăm dọa chứ? Bày cho em cháu, con cái cách sống với đời cũng là trách nhiệm mà.

Kiên bật cười thành tiếng, anh ngang nhiên gõ chén rồi ê a hát:

- ”Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người còn cuộc đời ta cứ vui... ”

Bà Thư nhíu mày khó chịu:

- Hừ! Gõ chén nữa không có cơm mà ăn đó!

Kiên lơ lửng:

- Chậc! Chả biết câu này là lên lớp hay hăm dọa nữa đây?

Lúc bà Thư còn tức tối liếc Kiên thì anh đã lên tới phòng khách. Lam nghe tiếng nhạc từ đàn AKai cũ kỹ đặt trong góc vang lên inh ỏi.

Trong gia đình này, tính Kiên khác hẳn ông Lộc và anh Phi, bởi vậy anh bị lạc lõng là phải.

Bà Thư ra lệnh cho Phi:

- Ăn xong chở mẹ đi công chuyện.

Phi nhăn nhó:

- Mẹ tự đi được không? Con lỡ hẹn với bạn rồi.

Bà Thư cương quyết:

- Không được! Nhất định tối nay con phải tới nhà bác Thuần với mẹ.

Phi kêu lên:

- Chuyện gì đây? Mẹ bắt con coi mắt ai nữa?

Giọng bà Thư tỉnh queo:

- Cứ đi rồi sẽ biết.

Ông Lộc nói:

- Mày là con trai duy nhất, lấy vợ phải lựa chọn kỹ càng. Đến coi mắt, không thích thì thôi có chết đâu nào?

Phi bỗng phản ứng:

- Con không muốn bị đặt để như Trâm Anh. Mẹ đừng bắt con coi mắt coi mũi ai hết.

Nói xong Phi xô ghế đứng dậy đi một nước ra sân. Bà Thư giận đến mức lắp bắp:

- Đồ... đồ mất dạy. Rõ ràng nó học thói cãi lời từ thằng khốn con hoang kia. Anh tính sao thì tính đi. Tôi chướng mắt lắm rồi.

Bà vật vã rên rĩ nghe thật dễ sợ:

- Ôi trời ơi là con với cái. Muốn chúng sung sướng tấm thân, nó lại đi trách móc người làm cha mẹ. Ôi con ơi là con...

Đáp lại tiếng la, ăn vạ của bà Thư là tiếng xe rồ hết ga của Phị Anh đã vọt xe khỏi nhà để khỏi phải nghe mẹ mình tru tréo.

Hành động bộc phát của anh làm bà Thư bị xốc. Không biết làm sao, bà quay sang cự chồng:

- Nó chả coi cha mẹ ra gì hết? Anh thấy chưa?

Ông Lộc cau mặt:

- Cũng tại em. Nó lớn rồi, đâu thể nói theo kiểu ra lệnh được.

Bà Thư cãi lại:

- Từ bé đến giờ nó vẫn nghe lời tôi. Chính thằng em trời đánh của ông đã khiến nó có thái độ vừa rồi. Tôi còn tư cách gì để dạy bảo Lam chứ?

Ông Lộc ngọt ngào:

- Em cứ để thằng Phi cho anh. Cha con vẫn dễ nói chuyện hơn. Phần em cứ lo cho Trâm Anh. Con gái nhẹ dạ lắm! Phải theo sát nó đấy!

Bà Thư thở dài sườn sượt:

- Biết thế rồi. Nhưng tối nay em phải tới nhà bà Thuần.

- Anh sẽ đưa em đi. Bao giờ về, anh lại tới đón.

Đang xụ mặt, bà Thư bỗng tươi rói:

- Được đó! Mình đi ngay đi!

Ông Lộc có vẻ âu yếm:

- Coi kìa! Em chả khác nào con nít. Thật buồn cười!

Ra vẻ rất hài lòng khi được chồng ví mình giống con nít. Bà Thư vui vẻ đứng dậy theo ông Lộc, như trước đó chưa xảy ra chuyện gì. Nhìn bàn ăn lạnh ngắt, Lam ngao ngán buông đũa đứng lên. Cô có cảm giác vừa xem một màn bi hài kịch mà kết thúc còn bỏ lửng.

Thay vì về phòng, Lam lang thang ngoài vườn. Có lẽ dì Thư và dượng Lộc đã đi rồi. Nhớ lại toàn bộ những chuyện vừa xảy ra, Lam thấy chán nản.

Ngồi xuống ghế đá, cô buồn tay ngắt những bông cỏ nhỏ li ti dưới chân rồi tự nhiên buột miệng hát những lời lúc nãy Kiên vừa hát:

- ”Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui. Dù vắng bóng ai... ”

Cô nghe tiếng Kiên cười nhẹ, ngước lên Lam đã thấy anh đứng trước mặt mình với điếu thuốc trên tay. Anh có vẻ châm biếm:

- Mới vào đây ở vài tháng mà đã “quá mệt kiếp người” rồi sao?

Không trả lời, Lam tư lự:

- Bây giờ cháu đã hiểu vì sao chú Kiên thích đi hơn ở trong nhà này.

Kiên nói:

- Những gì em thấy chỉ là bề nổi của tảng băng thôi.

- Vậy phần chìm của nó là gì?

- Từ từ em sẽ khám phá ra. Tôi không nói đâu.

Tự nhiên ngồi xuống kế bên Lam, Kiên hỏi:

- Em không ngại trò chuyện với tôi chứ?

Lam lắc đầu, Kiên nói tiếp:

- Trong nhà này, tôi được mệnh danh là “Thằng mất dạy”, dì em không thích cháu mình trò chuyện với tôi đâu.

- Tại sao chú lại có cái hỗn danh đó?

Kiên rít một hơi thuốc:

- Vì tôi là kẻ cứng đầu, không thích làm theo những chỉ đạo của người khác. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, lẽ nào em chưa nghe dì Thư kể tội tôi?

Lam cười cười:

- Dì Thư chỉ bảo phải tránh xa chú ra nhưng không nói tại sao, làm cháu cứ nghĩ chắc chú phải có thành tích gì ghê gớm lắm với phụ nữ.

Kiên lừ lừ mắt:

- Muốn ám chỉ gì đây bé con?

Lam nghiêm nghị:

- Đâu có! Cháu đâu dám hỗn với người lớn, tại chú hỏi mà...

Nghiêng đầu nhìn Lam, Kiên hỏi:

- Mồm mép lắm! Nhưng em hãy nói thật đỉ Hồi chiều em có vào Coop Mark phải không?

Ngần ngừ một nửa giây, Lam chối:

- Không. Cháu chả biết Coop Mark là cái gì hết.

Giọng Kiên lờ lững:

- Phải không? Không ai hiểu bản chất anh Lộc bằng tôi. Nếu con bé đội kết, đeo ba lô kia không phải là em, anh ấy đâu lớn lối rao giảng: “Im lặng, không xía vào chuyện người là biết cách sống”. Em đã nhìn thấy gì đó mà anh Lộc muốn giấu nên ảnh đã lựa lời để hăm dọa đấy!

Lam ngỡ ngàng:

- Sao chú biết?

Kiên nhếch môi chua chát:

- Vì tôi từng nghe câu răn đe ấy rồi.

Kiên xoa cằm:

- Một người đàn bà. Chính xác hơn là một cô gái trạc tuổi Trâm Anh, rất đẹp.

Lam buột miệng:

- Đúng rồi!

Trân trối nhìn Kiên, cô hỏi:

- Chú có nói với dì Thư không?

- Nói làm chi. Chị Thư tin chồng chớ không tin những lời mà chị ấy gọi là đơm đặt đâu. Với lại tôi cũng chả thích xen vào chuyện người khác, dù với tôi im lặng không phải là cách sống hay ho gì.

Lam bồn chồn vò những bông cỏ trong tay. Cô nói:

- Dì Thư có thể không tin vì dì ấy chẳng ưa chú. Nhưng với cháu thì khác. Cháu đơm đặt để làm gì cơ chứ? Nhất định phải cho dì Thư biết chuyện, không thôi lòng cháu nặng nề lắm!

Kiên búng tàn thuốc vào cô:

- Không nên! Vì chắc chắn anh Lộc sẽ chối. Lúc ấy vợ chồng ảnh sẽ nhìn em bằng đôi mắt khác. Nói thật ông anh tôi không phải là bậc chánh nhân quân tử. Ông ta sẽ làm em khốn đốn.

Lam chủ quan:

- Cháu không cho là dượng Lộc lại tệ đến mức đối phó với cháu.

Kiên thách thức:

- Vậy thì em cứ thử. Nhưng trước khi thử, hãy suy nghĩ tới hậu quả.

Lam chống tay dưới cằm:

- Cháu chả biết phải làm sao đây?

Kiên trầm giọng:

- Chuyện không đến đỗi quan trọng như em tưởng tượng. Bằng chứng là anh Lộc vẫn còn rất lo cho vợ con. Đây chỉ là chơi qua đường thôi mà!

Lam gằn từng tiếng:

- Chơi qua đường! Hình như chú im lặng vì đồng cảm với dượng Lộc nhiều hơn là ngại dì Thư không tin mình?

Rồi cô mỉa mai:

- Dù sao dượng Lộc cũng là anh chú, ít nhiều vẫn có chung ghen di truyền, đúng không?

Kiên tỉnh queo:

- Em muốn nghĩ sao tùy ý, tôi chả ngại gì khi mang thêm một chút tai tiếng. Nhưng tại sao chúng ta không nói những chuyện khác vui hơn nhi?

Lam thở dài:

- Trong nhà này làm gì có chuyện vui hở chú? Nếu cháu biết ở đây rắc rối như vầy, cháu đã xin ở ký túc xá rồi.

Kiên phì cười:

- Sao lại bi quan dữ vậy. Thiếu gì chuyện để làm vui lòng nhau chứ!

Lấy trong túi áo ra một phong bì, Kiên nói:

- Ví dụ những tấm ảnh chưa khô nước nữa này, có thể làm em cười. Thế là vui rồi.

Lam ngạc nhiên nhìn anh rồi vội vàng giở xấp ảnh ra coi. Cô thích thú ngắm hình mình trong khi Kiên tiếp tục nói:

- Bạn tôi rất mê những tấm ảnh này. Nó bảo em và chị Thư là sự đối lập toàn diện.

Lam tủm tỉm cười khi thấy tấm hình dì Thư đang chống nạnh, trợn mắt, mồm đang quát to. Cô nói:

- Dì Thư mà thấy hình này thì chú mệt đó!

Kiên hóm hỉnh:

- Đây mới là trạng thái giận mà trông như vậy. Chả biết lúc ghen, chị Thư sẽ thế nào nhỉ Chắc là không đơn giản đâu.

Lam tiếp tục ngắm hình mình. Cô hài lòng vì tấm nào trông cũng đẹp, tự nhiên sống động, khác hẳn những kiểu cô từng chụp hồi ở nhà. Cô ríu rít:

- Không ngờ chú rửa nhanh dữ vậy.

- Đẹp không?

Lam khiêm tốn:

- Đẹp! Nhưng nhờ kỹ thuật chụp của chú chớ bản thân cháu chỉ là lọ lem.

Kiên khoanh tay:

- Lọ lem cũng là công chúa mà. Lam nè, tôi có đề nghị này.

Đợi Lam nôn nóng lắng nghe, Kiên mới từ tốn vào đề:

- Tôi muốn nhờ em chụp mẫu một số kiểu để chưng bày trong Studio của mình. Em thấy sao?

Lam lắc đầu thật nhanh:

- Không được đâu!

Kiên hơi nheo mắt:

- Sợ chị Thư mắng à?

Lam mím môi:

- Cháu sợ chú thì có.

Kiên xoa cằm.

- Em thật thà đến mức làm tôi đau tim. Nè! Tôi có gì đáng sợ chứ?

Lam nói đại:

- Cái đáng sợ nhiều lắm, cháu không kể đâu!

- Muốn đánh giá một người, không nên chỉ nghe một phía. Thật ra tôi rất đáng yêu chớ chả có gì đáng sợ đâu.

Lam lơ lửng:

- Đôi khi cái đáng yêu mới đáng sợ đấy!

Kiên búng tay đánh tróc:

- Tôi thích tính cách của em. Thẳng thắn và cũng rất chì. Sợ, chỉ là cái cớ mà tôi không thể mở mồm năn nỉ được. Tiếc thật!

Lam tò mò:

- Chú có tiệm chụp hình à?

Đốt điếu thuốc thứ hai, Kiên nói:

- Không hẳn như vậy. Tôi thiếu vốn, nên phải hùn hạp với bạn bè.

Nhìn lại tấm ảnh của dì Thư lần nữa, Lam hỏi nhỏ:

- Ông bác và dì dượng không giúp cho chú sao?

Rít một hơi dài, Kiên trầm giọng:

- Tôi thích tự lập hơn, em là người duy nhất trong nhà biết tôi mở tiệm chụp hình đó!

Lam chớp mắt xúc động:

- Thật hả?

Kiên gật đầu:

- Tự nhiên tôi có cảm giác em hiểu tôi hơn những người thân, dù chúng ta mới trò chuyện đây thôi.

Lam nhận xét:

- Chú và ông bác là hai người cởi mở nhất nhà. Cháu những tưởng mình sẽ mau chóng thân thiết với anh Phi, chị Anh, nào ngờ anh chị ấy khó gần quá.

Kiên nói:

- Đó là cách sống mà anh chị tôi đã dạy cho con mình. Hồi mới về ở chung, tôi hay rủ Phi đi chơi, nhưng cậu ta luôn từ chối. Lúc đó tôi cứ tưởng Phi là đứa cao ngạo, khinh người. Dần dà mới hiểu ra không phải thế. Muốn đi đâu Phi phải xin phép, mà xin phép đi với ông chú như tôi, chắc chắn là không được rồi.

Lam nhíu mày:

- Tại sao dì dượng lại có ấn tượng về chú dữ vậy?

- Một câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời chút nào. Có lẽ vì tôi là con ngoại hôn chăng? Hay tại cách sống của tôi tự do phóng khoáng quá?

Lam ngập ngừng:

- Có lẽ cả hai. Lúc nãy anh Phi bỏ đi, dì Thư cho rằng anh ấy bị ảnh hưởng tính chống đối của chú nên mới dám cãi lời.

Kiên cao giọng:

- Thật buồn cười! Dù sống chung, nhưng trong nhà này tôi vẫn là người lạ, làm sao tôi đủ sức gây ảnh hưởng đến Phi chứ? Lúc nãy Phi phản ứng như thế là tự nhiên thôi. Đàn ông thời buổi này mà để cha mẹ định đoạt chuyện vợ con thì...

Thấy Kiên bỏ lửng câu đang nói, Lam hỏi:

- Thì sao hả chú?

- Thì thiếu bản lãnh chớ sao!

Hơi riễu cợt một chút, Lam hỏi:

- Bản lãnh trong tình trường hả chú?

Làm như không hiểu ý muốn trêu chọc của Lam, Kiên đáp:

- Bản lãnh trong mọi mặt của cuộc đời.

Che miệng bằng xấp hình, Lam cười:

- Chắc chú là người rất bản lãnh?

Kiên thản nhiên:

- Đôi khi phải thế, nếu muốn tồn tại. Im lặng và nhịn nhục không phải cách sống của tôi có lẽ em cũng vậy. Đúng không?

Lam so vai. Cô chưa kịp trả lời thì điện thoại lại reo. Kiên đứng lên:

- Chắc là của tôi.

Nhìn anh vội vã vào nhà, Lam cảm thấy buồn, thế là hết ai để đấu láo. Có điện thoại, chắc chắn chú ấy sẽ đi nữa. Lam định trở về phòng thì Mai bước ra.

Cô ngồi xuống kế Lam, giọng chán chường:

- Giờ lại thêm nghề gác cổng, chán chết được.

Lam ngạc nhiên:

- Gác cổng để làm gì?

Mai bĩu môi:

- Để chờ nếu Thắng có tới tìm Trâm Anh thì mời anh ta về. Cô Thư bảo nếu hai người đó gặp được nhau sẽ đuổi tôi. Nghĩ có phi lý không?

Nhìn Lam, Mai thẳng thừng hỏi:

- Em có bồ chưa?

- Chưa. Chị hỏi chi vậy?

Mai cười:

- Thế nào cô Thư cũng kiếm cho em một người. Xinh đẹp như vầy không trưởng phòng, cũng phó giám đốc một công ty nào đó đang phát.

Lam phản ứng:

- Em vào đây học chớ đâu phải để kiếm chồng. Chị nói bậy không hà!

Giọng Mai như bà cụ non:

- Con gái học chi cho nhiều rồi cũng làm vợ người ta.

Lam nhíu mày:

- Chị lôi ở đâu ra cái ý xưa như trái đất vậy?

- Cậu Lộc vẫn nói thế mà. Bởi vậy Trâm Anh đâu được học Đại học. Con bé ở nhà học đàn, học nấu ăn, cắm hoa, làm bánh như cô tiểu thơ thời xưa để dễ kiếm chồng.

- Ủa! Không phải tại chị Anh thi rớt sao?

Mai nhún vai:

- Có thi đâu mà rớt. Nói thật, cậu Lộc nhà này trọng nam khinh nữ lắm! Em vào đây đi học, cậu ấy không ưa đâu. Bởi vậy đừng bao giờ nói về chuyện học hành trước mặt cậu ấy.

Lam sững sờ. Cô hoàn toàn bất ngờ vì những lời của chị Mai. Nếu biết vậy chắc ba mẹ đã không gởi cô ở đây. Nhưng tại sao dượng Lộc lại hẹp hòi thế nhỉ? Con gái có ăn học ra đời, hoặc về nhà chồng vẫn tốt hơn mà! Là người đi làm việc, lẽ nào dì Thư cũng đồng ý với chồng?

Lam chợt nhận ra dì Thư chỉ có cái miệng hay nói, hay la khiến người khác tưởng dì ấy khó khăn nghiêm khắc, nắm mọi quyền hành trong nhà. Thật ra ông Lộc mới thật sự đáng sợ, có phải dượng ấy là phần chìm của tảng băng mà chú Kiên muốn ám chỉ không?

Lam còn ngớ ra vì phát hiện của mình thì Mai lại nói:

- Trước khi em vào đây, cô cậu đã gây nhau một trận với đầy đủ người trong nhà. Cuối cùng ông chủ phải lên tiếng mới yên đó.

Lam thấy nóng mặt. Thì ra cô không phải là khách quí như cô vẫn tưởng. Nhớ tới thái độ thân mật vồn vả của ông Lộc hôm cô và mẹ từ Nha Trang vào, Lam thấy ớn.

Hôm ấy ông nói nhiều câu tình nghĩa cảm động đến mức mẹ rưng rưng nước mắt. Nào ngờ chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, khác với những điều ông nghĩ trong lòng.

Cô ấp úng hỏi:

- Lần đó ông bác đã nói gì vậy?

- Ông cụ bảo đây là nhà ông, ông đồng ý cho em ở vì mẹ em đã xin phép ông rồi. Ai không chịu thì biến khỏi nơi này.

Lam thở dài:

- Thật không ngờ việc em ở đây lại phiền dữ vậy.

- Chỉ mỗi mình cậu Lộc phiền thôi. Chứ hình như ai cũng vui. Lẽ ra chị không nói chuyện này đâu. Tại thấy em dễ thương nên mới xì ra cho em hiểu mà ứng xử với mọi người cho đúng mực.

Lam rầu rĩ:

- Cám ơn chị. Nhưng thú thật em buồn lắm!

- Chị hiểu, buồn cũng chả giải quyết được gì. Quan trọng là em phải làm sao để cậu Lộc cảm thấy hài lòng khi em ở đây.

Kiên dắt xe ra, giọng hí hửng:

- Tối nay chị chịu khó chờ cửa, tôi sẽ về đó. Một giờ rưỡi khuya có trực tiếp Cup C3. Bỏ qua đâu được.

Khác với thường ngày, Lam không thấy nôn nóng khi nghe tới đá banh. Lòng cô đang nặng nề, bực nóng vô cùng nên chả hứng thú gì với trận đấu khuya nay.

Đóng cửa xong, Mai trở vào và tiếp tục nói:

- Nghe điện thoại là chạy tới nhà bồ ngay. Giọng con nhỏ đó chảnh chọe nghe dễ ghét thấy mồ, sao cậu ấy lại chết mê chết mệt mới tội chứ.

Đang rầu trong bụng, nghe Mai nói thế, Lam cũng phải xía vào:

- Khi yêu trái ấu cũng tròn, huống hồ chi giọng nói. Người ta yêu mà chị lại tội nghiệp. Buồn cười thật!

Mai gân cổ lên:

- Nhưng hai người không có xứng, dù con nhỏ đó rất đẹp.

Lam nói:

- Người ta yêu nhau và không bị ngăn trở là tốt rồi. Mình ngoài cuộc biết thế nào là xứng hay không chứ!

Ngoài cổng có tiếng xe ngừng, Mai vội đứng dậy:

- Chắc anh chàng Thắng! Tôi phải ra ngay mới được.

Lam thở dài. Cô lặng lẽ về phòng mình. Đêm nay trong ngôi nhà xưa cũ này ai là người buồn nhất, và ai là người hạnh phúc nhất? Lam chợt liên tưởng tới Trâm Anh rồi tới Kiên. Nếu chọn cách sống cho mình cô sẽ chọn cách của chú Kiên. Cô sẽ không gục đầu khóc mà chấp nhận số phận người khác mà đã vạch sẵn cho mình như chị Trâm Anh. Muốn thế Lam phải là người bản lãnh trong mọi mặt của cuộc đời. Điều đó không dễ. Lam chưa biết mình sẽ bắt đầu từ đâu nhưng chắc chắn dù khó khăn cỡ nào cô cũng phải bắt đầu.


Chương 5

Vừa dắt xe ra khỏi cổng trường, Lam vừa lo lắng nhìn mây đen kéo về đầy đặc. Phen này có đạp xe cong đuôi cũng chạy trời không khỏi mưa. Mà mắc mưa ắt hẳn sẽ bị nghe dì Thư mắng tội lười mang áo theo. Dù tội ấy chả lớn lao gì, Lam cũng không muốn bị nêu lên trên bàn ăn. Hừ, mọi chuyện tranh cãi huyên thuyên ở nhà dì Thư đều xảy ra ở bàn ăn mới khổ chứ!

Từ khi biết ông Lộc chả ưa việc mình ở trọ để đi học, Lam cố gắng không gây chuyện phiền cho bất cứ ai. Đi học về cô rút vào phòng chẳng khác nào con ốc rúc vào vỏ, và chui xuống tận đáy đại dương. Chả biết đáy đại dương lạnh ấm ra sao chớ ở ngôi nhà ấy, Lam luôn luôn cảm thấy sự lạnh lẽo tỏa ra khắp nơi. Ngoài Mai là người thích trò chuyện ra, Lam chả còn ai để chơi.

Trâm Anh đã lặng lẽ, giờ càng lặng lẽ hơn bên cây đàn của mình. Lâu rồi, Thắng không tới chơi nữa, dường như Trâm Anh cũng không buồn như Lam đã tưởng, chị ấy cam chịu và đã quên như dì Thư từng nói rồi. Còn anh Phi thì thay đổi khá nhiều. Anh ấy đã có những buổi bỏ cơm đi tới khuya mới về. Khác với Trâm Anh, Phi trông yêu đời hơn. Anh mua cho Lam những băng nhạc mới, những hộp kẹo chocolate và cho cả những nụ cười trước khi anh đi làm. Mai thì thầm với Lam rằng Phi đang có bồ và điều này làm bà Thư khó chịu. Khi chưa biết bồ của anh ấy là con gái nhà ai, có môn đăng hộ đối với gia đình mình không?

Riêng chú Kiên vẫn thường vắng nhà. Chắc chú ấy bận rộn với tiệm chụp hình và cô người yêu sắc nước hương trời của chú, nên dù Lam rất mong gặp để thấu đáo, cô vẫn không có nhiều cơ hội... nghĩ cũng buồn buồn.

Mưa bắt đầu rơi. Những hạt to nặng làm rát cả mặt Lam, cô vội tấp vào lề và trú dưới hàng hiên của một cửa hàng bán băng nhạc. Dù đã nép sát vào cửa, bụi mưa vẫn làm cô lạnh run. Có lẽ đây là trận mưa lớn nhất từ khi cô vào Sài Gòn.

Nhìn màn nước trắng xóa trước mặt, Lam lo lắng. Chả biết chừng nào mới tạnh đây. Một mình trong mưa, Lam chợt nhận ra thành phố này vẫn còn rất xa lạ với cô.

Ngoài Hương là bạn nối khố từ nhỏ, vào đây cô chưa tìm được đứa bạn thân nào khác vì không khí đại học không giống thời trung học. Vậy mà lần nào điện thoại vào, mẹ cũng rào đón, hỏi ron hỏi ren xem Lam có... thằng bạn trai nào chưa?

Ôi! Sao mẹ lo xa chi cho khổ thân mẹ và tủi thân con thế này.

Vừa lúc đang... nhăn nhó với chính mình, Lam bỗng hết hồn nép vào sát tường khi từ ngoài đường một chiếc xe vọt lên lề, thắng cái két trước mặt cô. Người ngồi trên xe mặc áo mưa trùm kín đầu nhảy xuống, rồi bước tới đứng sát Lam.

Khi cô chưa biết đó là ai, thì anh ta đã lên tiếng gọi đích danh cô. Lam ngỡ ngàng khi nhận ra đó là Kiên. Anh chàng lịch sự cởi áo mưa ra đưa cho cô, giọng nhiệt tình:

- Mặc vào đi, không thôi lạnh lắm!

Lam ngập ngừng:

- Vậy còn chú thì sao?

- Tôi không lạnh!

Lam gào lên cho át tiếng mưa:

- Cháu cũng vậy.

Trợn mắt lên, Kiên bảo:

- Không lạnh mà mặt mũi xanh lè, tím ngắt, trông thật là... là... xấu xí.

Anh chưa nói hết lời, Lam đã đưa hai tay ôm hai bên mặt. Thái độ của cô làm Kiên cười. Phụng phịu, Lam vòng tay ôm ngực, cô bối rối nhận ra cái áo đang mặc trở nên quá mỏng vì ướt sũng nước. Không có mẹ kế bên, Lam vẫn còn là con bé bê bối. Cô ngượng nghịu để mặc Kiên trùm áo mưa vào cho mình và hỏi bằng giọng đầy ngạc nhiên:

- Sao chú thấy cháu đứng đây hay vậy?

Không trả lời, Kiên quay mặt vào tường khum tay mồi thuốc. Ánh lửa chập chờn thoáng qua gương mặt đàn ông nhìn nghiêng của Kiên thật lạ thường.

Đây là lần đầu Lam đứng gần và nhìn anh kỹ như vầy. Tim cô đập mạnh khi nhận ra Kiên là người đàn ông đẹp, nhưng lâu nay dường như Lam cố ý không thấy điều đó vì sợ...

Cúi xuống nhìn Lam, Kiên nheo nheo mắt sau làn khói, giọng anh nhỏ nhưng át cả tiếng mưa:

- Bộ tôi lạ lắm sao?

Lam nóng mặt:

- Không...

Kiên lại cười. Đóm lửa đỏ trên môi anh lại lóe sáng lên. Cô se sắt nhìn bụi mưa bám đầy lên tóc anh:

- Chú ướt hết rồi nè!

- Vẩn hơn để... cháu ướt. Nè! Bắt đầu từ ngày mai đi học phải mang theo áo mưa. Nhớ chưa? Con gái con lứa gì...

Lam gật đầu, cô le lưỡi nói:

- Chú giống mẹ cháu ghê. Lúc nào rầy xong bà cũng kèm theo... điệp khúc “con gái con lứa gì... ” gì sao? Chú nói tiếp chứ!

- Câu nói tiếp của tôi và mẹ em là... hư quá! Đúng! Con gái con lứa gì hư quá. Nhưng cái... sự hư theo ý mỗi người mỗi khác nhau đấy. Với mẹ em, hư chỉ có nghĩa là cố ý quên vì muốn làm động lòng trắc ẩn của người khác.

Khi Lam chưa kịp hiểu Kiên muốn nói gì, thì anh đã cao giọng:

- Lúc nãy em hỏi sao tôi thấy em hay vậy à? Thật ra tôi chỉ thấy một cô gái trong chiếc áo trắng mong manh ướt đẫm đang nép mình vào hàng hiên để trú mưa. Hình ảnh gợi cảm ấy đã làm tim tôi bồi hồi. Thế là... a lê hấp tấp xe vào. Nếu là cô gái khác, tôi vẫn ga lăng khoác áo mưa hộ mà.

Lam cứng người vì tức. Cô không ngờ chú Kiên lại mắng mỏ mình bằng những lời ngọt ngào đến thế. Cô ấp úng:

- Chú... chú thật quá đáng.

Phớt tỉnh như không nghe Lam nói, Kiên tiếp tục chì chiết:

- Chị Thư chỉ biết buộc em tránh xa tôi ra, nhưng trong đời thiếu gì những gã thanh niên đáng sợ hơn tôi. Lẽ ra chị ấy nên dạy cháu mình cách đối xử với cuộc đời kìa. Tôi đang nghĩ nếu người lạ đưa áo cho em, em có mặc không?

Lam cứng cỏi đáp:

- Dĩ nhiên là không rồi.

Kiên cười toe:

- Vậy là em thích hắn ngắm mình trong chiếc áo mong manh dán sát vào người à?

Lam nổi cáu lên:

- Chú đừng nhiều chuyện nữa. Đâu phải ai cũng có ý nghĩ xấu như chú chứ!

Kiên rít thuốc:

- Lời nói thật bao giờ cũng khó nghe. Nói dối vẫn dễ lọt tai hơn. Hay là chúng ta chơi trò nói dối vậy?

Lam mím môi làm thinh, cô tức lắm nhưng không biết phải trả đũa Kiên bằng cách nào. Mưa mỗi lúc một lớn, trời mỗi lúc một tối. Đường phố vắng không một bóng người. Dù đã mặc áo mưa Lam vẫn thấy lạnh, cô co ro nép sát vào tường trong khi Kiên rít thuốc liên tục. Chắc chú ấy lạnh lắm. Cô lấy trong ba lô ra chai dầu đưa cho Kiên.

- Chú bôi vào cổ cho ấm.

Kiên lắc đầu:

- Tôi sợ nhất là mùi dầu này.

Lam khịt mũi:

- Cháu lại rất thích.

Vừa nói cô vừa xoa vào mũi, cổ, hai bên mang tai rồi nghênh mặt nhìn Kiên ngay lúc anh đang châm lửa cho điếu thuốc thứ hai.

Đốm lửa đỏ rực lên trên môi Kiên. Tự dưng Lam muốn chụm tay che đốm lửa bé xíu ấy. Khi những hạt mưa cứ hắt ướt cả mặt và tóc Kiên. Một lần nữa tim Lam xao động vì gương mặt anh. Cô rụt rè đề nghị:

- Hay là chú và cháu cùng che chung áo mưa cho đỡ ướt.

Kiên gõ nhẹ lên đầu Lam:

- Em đúng là ngốc. Những gã đàn ông lịch sự như tôi chỉ chờ cơ hội này mà thôi. Nếu được chung áo mưa, hắn ta sẽ có dịp được ôm, khi ông trời thương nổi lên vài tiếng sấm, tia chớp.

Lam giậm chân hét:

- Sao chú toàn nói bậy không vậy? Người ta sợ chú lạnh nên mới... mới...

Giọng Kiên nửa đùa nửa thật:

- Thiên hạ chết vì lòng thương hại đấy cháu ạ!

Giận dỗi Lam quay mặt đi, Kiên vẫn đứng sát Lam. Khói thuốc như sương không Tấn vờn quanh hai người.

Cô lầu bầu:

- Hút thuốc liền tay kiểu này ảnh hưởng đến sức khỏe người khác.

Giọng Kiên khề khà:

- Người nào đâu?

- Chú nè! Khói hôi rình, thấy ghét!

Phất tay, Kiên nói:

- Ôi, nhằm gì! Tập cho quen, lỡ sau này yêu phải anh chàng nghiện thuốc, cháu sẽ thấy khói thơm và lãng mạn vô cùng.

- Chắc không có chuyện đó rồi. Gặp tên nào vàng tay vì khói thuốc là cháu đã né, làm sao yêu với đương được chứ!

Kiên tiếp tục phì phà:

- Đời còn dài, đừng nên nói chắc như đinh đóng cột chuyện gì đó, nhất là chuyện tình yêu.

Lam tò mò:

- Bồ chú không bắt chú bỏ thuốc à?

Kiên nheo mắt nhìn cô, giọng kiêu căng:

- Không! Trái lại cô ấy còn mua cho tôi nữa là khác.

Lam buột miệng:

- Đúng là ngốc.

Kiên trợn mắt:

- Em nói gì nhóc?

Lam gào to:

- Cháu nói... Ông trời đang khóc.

Kiên phì cười:

- Em cũng biết sợ đấy!

Lam bĩu môi:

- Đầu đội trời chân đạp đất. Sợ gì cơ chứ!

Cô vừa dứt lời thì cây me bên kia đường bỗng lóe sáng đến chói mắt, tiếp theo là tiếng sấm nổ to buốt óc. Lam hoảng kinh hồn vía ôm đại Kiên. Anh đẩy cô vào tường rồi dang lưng che khi cây me bùng cháy lên và dây điện bị đứt nổ tung tóe trên đường. Đèn cả dãy phố tắt ngấm, Lam sợ điếng người khi một nhánh me to còn đỏ lửa rớt ầm xuống đất ngập nước. Dường như Kiên cũng hết hồn, anh ôm siết Lam và sững sờ trước mọi việc vừa xảy ra.

Cô líu lưỡi:

- Trời... gầm ghê quá!

Kiên thì thào đùa để trấn tĩnh lại:

- Trời đánh chớ gầm gì. Chắc trên cây me này có quỷ một giò.

Nghe anh nói thế, Lam rùng mình. Cô vốn sợ ma và tin những chuyện hoang đường, nên thay vì đứng xích ra, cô lại nép sát vào Kiên hơn. Được dịp, anh càng chọc tới:

- Trời đánh kiểu này chắc nó chưa chết mà đang lảng vảng tìm chỗ núp đâu đây.

Giọng Lam nghẹn lại:

- Chú đừng nhát người ta nữa.

Đáp lại lời cô, ông trời lại gầm lên như giận dữ chớp lóe sáng cả một vùng trời. Lam úp đại mặt vào ngực Kiên, tim đập hỗn loạn, tay chân quíu lại. Từ bé cô đã sợ sấm chớp, nhưng phải nói cô chưa khi nào sợ như hôm naỵ Nếu không có Kiên, chắc Lam đã hét và nhảy tưng tưng như điên lên rồi.

Anh dịu dàng vỗ về cô:

- Bình tĩnh đi nhóc. Đầu đội trời chân đạp đất, sao lại sợ nhỉ?

Lam dựa lưng vào tường. Thấy quê vì hành động vừa qua, cô tự bào chữa:

- Ma quỷ ở lửng lơ giữa trời và đất. Sợ nó là phải rồi.

Kiên im lặng. Anh nhìn cây me bị cụt ngọn và rùng mình. Lát sau Lam mới nghe anh nói:

- Thật kinh khủng. Đời người không phải ai cũng được chứng kiến sự nổi giận của thiên nhiên như vầy. Nghĩ lại ghê thật!

- Chú cũng sợ nữa à?

- Sợ chứ! Nếu không, tôi đâu ôm em.

Làm vờ như không nghe những lời Kiên vừa nói. Cô lo lắng nhìn con phố tối đen đắm mình dưới mưa và hỏi:

- Chú nghĩ có quỷ trên cây thật sao?

Kiên nghiêm giọng:

- Mẹ tôi nói vậy và dặn tôi không được trú mưa dưới cây.

Lam liếc trộm anh, trong bóng tối nhập nhòe, cô chỉ bắt gặp ánh mắt sáng rất lém của Kiên. Ánh mắt đó cho biết anh nói dối, nhưng chả hiểu sao Lam vẫn thích tin chuyện ma quỉ ấy là thật, để rồi sợ hãi co người lại.

Kiên lại tiếp tục ba hoa:

- Mẹ còn nói trời mưa ma quỷ thích núp dưới nón lá của người đi mưa để trốn trời.

Nghiêng nghiêng đầu nhìn Lam, anh nói:

- Chà! Cái nón kết mỏ vịt này dài đến mức một cặp vợ chồng quỷ có thể đeo tòn ten bên dưới.

Lam giật phắt cái nón xuống. Gió lùa vào tóc làm cô lạnh run, Lam hắt hơi liên tục khiến Kiên chắc lưỡi:

- Coi chừng bệnh đó, đội nón vào và xoa dầu đi.

Lam hít hít mũi:

- Nhưng mà...

Kiên quyền hành:

- Không nhưng gì hết. Có tôi, chả ma quỷ nào dám đeo vào em đâu.

Lam tiếp tục hắt hơi. Cô vừa lạnh vừa đói mới khổ. Mím môi chịu đựng, cô lặng lẽ nhìn Kiên hút thuốc mà lòng chợt bâng khuâng khi nghĩ, ở bên cạnh anh, cô không còn sợ mưa giông, bão tố gì cả.

Cuối cùng mưa cũng tạnh, hai người cũng về tới nhà. Ra mở cửa là bà Thư.

Ném ánh mắt soi mói vào Lam, bà hỏi trỏng:

- Về một lúc à? Có chung đường không vậy?

Kiên nhấn mạnh:

- Không những về chung đường, chúng tôi còn trú mưa chung cả tiếng đồng hồ nữa. Chị còn thắc mắc gì hỏi luôn đi rồi sau này không nhắc chuyện này nữa.

Bà Thư nhăn mặt:

- Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Sau chú ồn ào vậy?

Nhìn Lam bà hạ giọng;

- Con biết Trâm Anh đi đâu không?

Lam lắc đầu:

- Dạ không.

Bà Thư khổ sở:

- Mưa gió thế này mà đi đâu cơ chứ!

Kiên nhếch môi bước lên lầu. Bà Thư gọi giật lại:

- Chú Kiên!

Không hề ngoái đầu lại, anh phất tay:

- Tôi không biết gì hết.

- Tôi đã hỏi đâu, sao chú vội vàng thế?

Giọng Kiên khô khan:

- Vì tôi đoán được điều chị muốn hỏi.

Mặc bà Thư tức tối, Kiên vào phòng đóng mạnh cửa lại. Đây là lần đầu Lam thấy anh có vẻ giận nhưng tại sao anh giận chứ!

Không dám đứng ngơ ra để thắc mắc, Lam cũng vội về phòng thay bộ quần áo ướt nhẹp bẩn thỉu ra. Lau sơ mái tóc dài rồi quấn đầu bằng cái khăn lông to, cô leo lên giường rúc vào mền tận hưởng cảm giác ấm áp mà suốt thời gian trú mưa cô đã mong muốn.

Dù bụng đang đói meo, Lam vẫn không dám xuống bếp lúc này. Chị Trâm Anh đi khỏi nhà mà không xin phép là chuyện lạ. Xớ rớ gần dì như thế nào chả bị văng miểng. Khôn hồn nên rúc vào cái vỏ ốc của mình là xong.

Kéo khăn lông xuống, Lam trải mái tóc dài ra gối, cô nghe trong tóc mình toàn mùi thuốc lá. Người Lam chợt nóng bừng khi nhớ lúc ôm Kiên và úp hẳn mặt mình vào ngực anh.

Lẽ ra lúc đấy không nên làm thế. Vì đó là cơ hội... những gã đàn ông lịch sự chờ đợi.

Đã nghe Kiên nói nhưng Lam vẫn không tránh được. Chắc hẳn trong bụng, chú ấy rất khinh thường cô. Chú Kiên là tay lọc lõi, lại đã có người yêu, sao chú không hiểu con nhóc như Lam nghĩ gì chứ!

Lam hốt hoảng cho rằng Kiên đã biết cô cảm thấy thích thích khi được chú ấy ôm trong tay... Trời ơi... Nếu thế thì... thì...

- Lam ơi!

Lam giật thót người thì nghe tiếng Kiên gọi. Cô trùm cái khăn lên đầu bước tới mở cửa.

Anh tròn mắt ngạc nhiên:

- Vẫn còn lạnh à?

Lam gật đầu. Kiên tự nhiên đưa tay sờ trán cô:

- Coi chừng bệnh đó.

Lam ấp úng:

- Cháu không sao.

- Vậy mình xuống ăn cơm. Tôi đói muốn chết rồi.

- Nhưng chị Anh chưa về.

Kiên nhún vai:

- Chờ con bé về chắc tới khuya.

Lam buột miệng:

- Chú biết chị đi đâu sao?

Kiên lơ lửng:

- Có lẽ thế.

- Sao chú không nói để dì Thư yên tâm.

- Không biết Trâm Anh ở đâu, chị ấy sẽ yên tâm hơn.

Lam ngơ ngác:

- Cháu không hiểu gì hết.

- Tốt nhất là đừng nên hiểu, phiền lắm!

Hai người xuống nhà dưới và nghe Mai nói:

- Cô Thư bảo cậu và Lam cứ ăn cơm trước.

Kiên nhướng mày lên:

- Còn ba tôi thì sao?

- Ông cụ ăn rồi.

Kéo ghế ra, Kiên nói:

- Vậy thì... không khách sáo. Vừa đói vừa thoải mái thế này, chắc ăn rất ngon miệng.

Lam hỏi Mai:

- Anh Phi cũng chưa về à?

Gật đầu, Mai hạ giọng:

- Vậy mới có chuyện ồn ào từ chiều đến giờ.

Gắp cho Lam con tôm kho tàu đỏ au, Kiên nháy mắt:

- Ăn đi và đừng tò mò nữa, xấu lắm!

Lam tự ái làm thinh suốt buổi, Kiên cũng thế dù thỉnh thoảng anh vẫn gắp thức ăn cho cô kèm theo một nụ cười tủm tỉm rất dễ ghét làm Lam thắc thỏm trong lòng. Với một con nhóc tỉnh lẻ như Lam mà chú Kiên còn thế, với người yêu chắc là hết ý.

Chương 6

Từ trong phòng đi ra, ông Lộc đảo mắt nhìn rồi cau có:

- Hừ! Vẫn chưa về! Thật là con với cái.

Chắp tay sau lưng ông bước tới đá vào cái thau hứng nước mưa bị dột ở góc nhà mồm rít lên:

- Đập ngôi nhà này để xây lại là vừa rồi.

Đang nhóp nhép nhai miếng cơm sau cùng, Lam bỗng nghe tiếng ông Trường vang lên:

- Nếu xây lại thì đây không còn là nhà của cha con tao nữa. Ai không ở được thì cút.

Ông Lộc nhíu mày:

- Ba nói vậy là sao?

Ông Trường cao giọng:

- Cha con bây cứ có chuyện mãi, tao bực lắm nhưng vẫn ráng chịu đựng vì đó là nợ, tao phải gánh tới hết kiếp. Tao chỉ yêu cầu mày đừng nói động đến cái nhà tao đang ở, vì nó không thuộc về mày.

Ông Lộc chợt ngọt ngào:

- Con nói thế vì muốn ba ở ngôi nhà khang trang sáng sủa hơn, nhà này cũ kỹ, ẩm thấp đâu có tốt cho sức khỏe.

Ông Trường khoát tay:

- Cám ơn! Nếu nghĩ đến sức khỏe lão già này, vợ chồng bây mau mau dọn về nhà mình mà ở. Ồn ào quá tao chịu hết nổi rồi.

Lam rụt rè đứng dậy rồi len lén rút vô phòng lòng buồn bã khi nghĩ đến phận ở... ké của mình. Cô đang phân vân không biết nên cho ba mẹ biết tình trạng của gia đình dì Thư không thì lại nghe Kiên gọi cửa:

- Lam ơi!

Cô làm thinh đợi Kiên gọi đến lần thứ ba mới bước ra. Mắt Kiên nheo nheo:

- Đã ngủ rồi sao?

Cô lắc đầu. Anh nói:

- Đang suy nghĩ vẩn vơ và buồn. Đúng không?

Lam im lặng. Cô nghe giọng Kiên bứt rứt:

- Em đừng để tâm những lời của ba tôi. Ông không ám chỉ em đâu.

Lam lí nhí:

- Cháu biết.

- Vậy thì tốt rồi, chúc ngủ ngon.

- Cám ơn chú.

Đóng cửa lại, Lam bỗng thấy mình khách sáo một cách ngớ ngẩn. Cô mở cassette và vùi mặt vào gối. Mùi thuốc lá từ trong tóc tỏa ra làm Lam xốn xang đến nghẹn thở.

Mẹ và dì Thư luôn dặn đi dặn lại phải tránh xa chú Kiên, có phải vì chú ấy có đôi mắt rất đa tình không? Nếu phải thì mẹ đừng lo lắng làm gì. Chú ấy đã có người yêu và xem con của mẹ như một con nhóc, vừa cù lần vừa quê mùa nhất thành phố.

Trong đôi mắt nâu có đuôi ấy, con chả là cái đinh gì đâu. Ngược lại con gái mẹ cũng chả ưa gì người đốt thuốc liền tay, khi nói chuyện không biết lúc nào thật, lúc nào đùa ấy. Tóm lại mẹ hoàn toàn yên tâm về chú Kiên, và chuyển sự lo lắng sang dì Thư là hợp lý nhất.

Lam chợt nghe dưới nhà có nhiều tiếng ồn ào, cô vội tắt cassette và lắng tai nghe.

Giọng ông Lộc và dì Thư quát to nhất:

- Khốn nạn! Mày đi đâu từ chiều đến giờ.

- Có nói không? Tao giết chết đấy đồ hư thân mất nết.

Lam thót ruột vì những tiếng xô đẩy, đổ, ngã của bàn ghế rồi tiếng Trâm Anh gào lên:

- Con muốn chết. Ba mẹ thích giết thì giết đi. Sống trong ngôi nhà này chết còn sướng hơn.

Ông Lộc gầm lên:

- Mất dạy, mày uống rượu với thằng nào rồi về đây chống đối tao hở?

Lam vội chạy xuống nhà. Cô thấy ông Lộc đang nắm ghì đầu Trâm Anh, Kiên lao vào đẩy ông ra, giọng anh gay gắt:

- Không được đánh nữa.

- Tao đang dạy con, mày đừng xía vào.

- Đây là cách trút giận, cách thể hiện quyền hành, chớ không phải cách dạy con.

Bà Thư nóng nảy:

- Chú chả có tư cách gì đển xen vào chuyện gia đình tôi hết.

Mặt Kiên lạnh Tấnh:

- Thật vậy sao?

Dứt lời anh hung hăng khoanh tay đứng chen ở giữa với vẻ thánh thức. Thái độ này làm ông Lộc chùn chân. Thay vì đánh Trâm Anh, ông ta mắng xối xả như đàn bà rồi hầm hầm về phòng đóng rầm cửa lại.

Bà Thư quát:

- Mày đến nhà thằng đàn ông đó phải không?

Đứng dựa vào tường, Trâm Anh cười nhạt:

- Mẹ muốn hỏi thằng nào, cứ nói đại tên đi.

Bà Thư nghiếng răng:

- Đồ con gái mất nết.

Lam chới với vì những từ nặng nề dì Thư vừa ném ra. Trong khi Trâm Anh tỉnh bơ trả lời:

- Cũng do cha mẹ dạy cả mà.

Bà Thư nhào tới định cho Trâm Anh một bạt tay thì bị Kiên ngăn lại. Anh lớn tiếng bảo:

- Lam đưa chị Anh về phòng.

Gật đầu một cách máy móc, cô ráng sức lôi Trâm Anh đi và phát hiện người chị ấy đầy mùi rượu. Thật đáng kinh ngạc và khâm phục vì hôm nay chị Anh dám nổi loạn.

Để chị Anh nằm lăn ra giường, Lam nhỏ nhẹ:

- Em làm nước chanh cho chị uống nhé!

Cô bước xuống bếp nghe Mai thì thầm vào tai:

- Trâm Anh... gan thật. Nhưng rồi đâu lại vào đó thôi.

Lam tròn mắt:

- Bộ chị Anh đã từng như vậy à?

- Ờ. Ít nhất là hơn một lần.

- Nhưng vì lý do gì?

Mai khịt mũi:

- Thì cũng vì tình yêu.

- Anh Thắng hả?

- Không phải. Mà thôi, chị không nhiều chuyện nữa đâu.

Lam ấm ức bưng ly nước chanh vào phòng Trâm Anh. Cô thấy Kiên ngồi phì phà thuốc, kế bên chị Anh đang ủ rủ gục đầu. Chả biết chú Kiên đã nói gì mà chị Anh khóc.

Lam ngập ngừng:

- Chị uống nước đi.

Quẹt nước mắt, Anh lắc đầu:

- Chị có say đâu.

Rồi cô lại khóc.

- Nếu say được thì đâu phải khổ như vầy.

Kiên dịu dàng khuyên:

- Anh không nên dằn vặt bản thân. Uống rượu chỉ là cách trốn tránh thực hiện. Đến khi tỉnh rồi buồn sẽ nhân lên gấp đôi, gấp ba đấy.

Trâm Anh lầm lì:

- Cháu sẽ uống nữa, nếu chú không cho cháu biết.

Kiên nghiêm giọng:

- Chú không có quyền đó. Anh muốn hiểu sao về chú thì tùy. Muốn say muốn tỉnh thì mặc.

Dứt lời, anh đứng dậy. Ngoắt Lam. Anh ra cửa, Kiên nói nhỏ:

- Tối nay em chịu khó ngủ với Trâm Anh.

Lam gật đầu:

- Dạ được. Chỉ sợ chị ấy không thích.

Kiên lại hơi nheo con mắt có đuôi:

- Em mồm mép lắm. Chả lẽ không có cách để Trâm Anh đồng ý?

Lam cắn môi ngó lơ chỗ khác. Cô có mồm mép cách mấy cũng thua miệng lưỡi của Kiên lúc này.

Trở về với Trâm Anh, Lam hỏi:

- Chị đói không em mua phở cho chị ăn?

Trâm Anh lắc đầu:

- Không. Em về phòng mình đi.

Lam phụng phịu:

- Ơ, chị đuổi em hở Trời mưa phòng em bị dột lạnh lắn, em thích ở đây với chị hà.

Trâm Anh cười gượng:

- Trò này chú Kiên bày ra phải không? Chị chả sao đâu, em về phòng mình đi.

Lam bước đến giường rồi ngồi xuống:

- Em đang muốn nói chuyện, chị cứ đuổi về hoài. Phải đối diện với mình mãi, em gần điên rồi.

Mặt cô xụ xuống buồn hiu:

- Dường như trong nhà này không ai thích em hết thì phải.

Trâm Anh kêu lên:

- Sao Lam lại nói vậy? Chị và anh Phi đều rất thương em.

Lam hếch mũi:

- Vậy tối nay em ngủ với chị nha!

Trâm Anh hất hàm:

- Em thích vì người khác lắm sao?

- Đâu có. Em thích người khác vì em hà. Chị có vì em không?

Không trả lời, Trâm Anh với tay lấy cái ví. Cô lôi từ trong ví ra một gói thuốc rồi châm lửa hút một cách điệu nghệ trước cái mồm há hốc vì ngạc nhiên của Lam

Cô cầm gói Thuốc lên:

- A, cho em hút với.

Giật gói thuốc lại, nhét vào gối, Trâm Anh hỏi:

- Em có bồ chưa?

Lam lắc đầu. Anh nói:

- Chừng nào có bồ, đau khổ vì hắn thì hãy hút. Còn bây giờ cứ ăn yaourt rồi lúng liếng mắt cho chết hết đàn ông con trai đa tình.

Thấy Anh có vẻ nguôi ngoai và chịu nói chuyện, Lam mơ màng hỏi:

- Làm cách nào để nhận ra một người đa tình hả chị Anh? Có phải từ đôi mắt của hắn không?

Trâm Anh lim dim mắt sau làn khói mỏng như sương:

- Chị không biết. Nhưng có lẽ do cái nhìn của hắn.

- Cái nhìn đó như thế nào?

- Bộ em định yêu một gã đa tình sao hỏi kỹ thế?

Lam xua tay:

- Oh, No! Chính vì sợ nên em mới tìm hiểu để tránh đó chứ.

Gạt tàn vào một hộp kem dưỡng da đã hết, Trâm Anh chép miệng:

- Một khi đã yêu, khó tránh lắm nhỏ à!

Lam cãi:

- Nhưng nếu mình đã ở thế thủ, em tin sẽ tránh được.

Trâm Anh bật cườ:

- Thế thủ là thế bị động khi bị tấn công bộ em quên sao?

Lam ngơ ngác:

- Nghĩa là sao chứ?

- Nghĩ là khi đã yêu, gã đó đa tình hay vô tình em cũng yêu tuốt.

Thấy Lam thừ người ra, Trâm Anh hỏi:

- Đang nghĩ tới gã nào phải không?

Lam vội nói:

- Làm gì có. Em đang tìm xem anh Thắng có điểm gì đặc sắc đến mức làm chị khổ như vậy?

Anh nhếch môi:

- Thắng chả là cái gì trong tim chị hết. Chẳng qua ảnh chỉ là lớp vỏ, chị cố giữ lấy để bọc những điều không có và cố mong nó thành sự thật.

Lam hoang mang:

- Vậy chị buồn ai mà hút thuốc, uống rượu?

Trâm Anh cao giọng:

- Buồn ai à? Chị không trả lời, được chứ?

Lam ấp úng:

- Xin lỗi! Em đã quá tò mò.

- Tò mò là bản chất của phe ta. Chị sẽ buồn nếu em không hỏi câu vừa rồi.

Lam chăm chú nhìn Trâm Anh, xem chị ấy tỉnh hay say mà nói những lời khó hiểu quá. Thật ra chị Anh rất tỉnh và đang trầm giọng:

- Trong nhà này, người hiểu được chị họa may có mình chú Kiên, nhưng lúc nãy chú ấy cũng đã bỏ mặc chị say tỉnh gì cũng được. Cuối cùng chú Kiên ác như ba mẹ thôi.

Lam dè dặt:

- Nhưng chú Kiên là người tốt không chị Anh?

- Sao em lại hỏi thế? Chú ấy đã làm gì em buồn à?

- Không có. Tại mẹ và dì Thư dặn em phải tránh xa chú ấy. Ở chung nhà mà cứ tránh né nhau thì kỳ quá!

Trâm Anh nhỏ nhẹ:

- Em thấy chú Kiên thế nào thì đối xử theo đấy. Quan niệm tốt xấu của người lớn không giống mình đâu.

Lam ôm gối nhìn Trâm Anh. Rõ ràng tồn tại trong chị ấy là hai con người. Bình thường thì hời hợt, nhút nhát, lúc có tí rượu vào thì sâu lắng, trầm tự Thật ra tính cách nào mới thật là của chị Trâm Anh? Chị ấy đau khổ vì ai? Những lời chị Anh nói với chú Kiên có nghĩa gì chứ?

Trâm Anh dụi đầu điếu thuốc, rồi cẩn thận đậy nắp hộp mỹ phẩm lại. Chắc chị ấy rất thường hút thuốc trong phòng, nhưng ở nhà không ai biết. Dì Thư gắt gao kiểm soát giờ giấc việc đi đứng của chị Anh hẳn phải có lý do, chứ không đơn giản vì muốn nhốt con gái vào lồng son như Lam tưởng.

Thái độ việc làm của chị Anh bữa nay là sự cố ý nổi loạn vì dì dượng ngăn không cho chị ấy tiếp tục quen với anh Thắng hay vì lý do nào khác nhỉ? Lam không hiểu nổi bà chị của mình. Cả chú Kiên, anh Phi và dì dượng, cô cũng không hiểu nốt.

Giọng Trâm Anh chợt vang lên:

- Nè nhỏ! Em chưa có bồ thật hả?

- Thật mà!

- Hồi bằng em, chị đã có mối tình đầu rồi đó!

Lam hỏi tới:

- Vậy người đó bây giờ đâu rồi?

Trâm Anh buồn bã:

- Chị đang muốn biết, nhưng ai cũng giấy hết. Thật ra yêu một người đâu có tội phải không?

Lam ngập ngừng:

- Em không biết

Trâm Anh nửa thật nửa đùa:

- Yêu đi để biết sướng biết khổ với người ta chứ

- Chị xúi bậy không hà. Mẹ dặn có quen ai phải lôi cổ về cho dì Thư xem giò xem cẳng. Nghe vậy em rét quá hết dám quen.

- Tại chưa tới lúc đó thôi. Nhưng nếu đã quen ai, tốt nhất đừng cho mẹ chị biết vội. Sẽ không có gì tốt đâu, vì thế nào bà cũng tìm bằng được khuyết điểm của hắn để chê.

Lam cười tươi:

- Nhân vô thập toàn. Chê thì chê, em đâu có ngại.

Trâm Anh nhìn cô:

- Chà, qua cách nói này chắc em đã chấm ai rồi. Có cần chị giúp đỡ gì không?

Lam lắc đầu thật nhanh:

- Em không có.

- Làm gì chối dữ vậy, chị đùa mà. Hừ, chị tự giúp mình còn chưa xong, nói chi đến giúp ai.

Lam nhìn lên trần nhà, cô trầm giọng:

- Chắc mối tình đầu của chị đẹp lắm?

- Đối với chị là thế, nhưng mọi người lại cho đó là mối tình điên. Khi đam mê, mấy ai dám vỗ ngực khoe mình tỉnh chứ.

- Nhưng tại sao hai người lại chia tay?

Trâm Anh nhún vai:

- Đã bảo đó là mối tình điên mà! Tỉnh rồi thì đường ai nấy đi. Nhưng em quan tâm đến làm gì. Hãy kể về anh chàng của mình đi.

- Em có ai đâu mà kể

- Thì tưởng tượng ra

Lam chợt đỏ mặt khi chợt nhớ tới chú Kiên và đôi mắt nheo nheo dễ ghét. Cô buột miệng:

- Anh chàng của em nhất định không được ghiền thuốc lá

- Còn gì nữa?

- Ít nói. Ít cười.

- Em thích những tên máu lạnh à?

- Không phải. Em ghét dân ba hoa lắm!

Trâm Anh kêu lên:

- Nhưng suốt buổi chỉ ngồi như cục đất thì chán chết. Nhất định em phải chọn cho mình một người hoạt bát, năng nổ, tháo vát giỏi giang trong mọi việc.

Lam xụ mặt:

- Người như thế đâu thèm ngó tới em.

Vuốt tóc Lam, Trâm Anh nói:

- Đẹp như em mà lo gì. Nhan sắc là cái vốn trời ban cho phụ nữ, bởi vậy chị không thèm học cao, đợi ba mẹ kiếm cho một tấm chồng giàu thế là quá tốt rồi.

Lam liếm môi:

- Tốt sao chị lại mượn rượu giải sầu, hút thuốc tìm quên?

Trâm Anh nằm xoải tay trên giường, giọng nghèn nghẹn:

- Tại chị không cam tâm khi cuộc đời toàn đưa tới cho chị những điều chị không mong đợi. Yêu một người, kết cuộc chả tới đâu. Phó mặc duyên số cho cha mẹ rồi cũng chẳng được gì. Sau Thắng sẽ là ai? Chị mệt mỏi rồi nên cảm thấy sợ khi tưởng tượng sẽ phải bắt đầu một mối tình giả dối với một người nào đó để được anh ta cưới làm vợ.

Lam ngỡ ngàng trước những lời của Trâm Anh. Chỉ vì một mối tình không trọn, chị ấy đã sống như thế nào? Thật khó tin được dì dượng lại đồng ý kiểu tìm hạnh phúc của chị Trâm Anh.

- Em ngạc nhiên vì sự hèn yếu bi quan của chị trước cuộc sống phải không? Chị là như thế đó. Em không hiểu được chị đâu.

Trâm Anh xoay mặt vào vách, Lam hiểu chị không muốn nói chuyện nữa. Cô cũng nằm im nghe tiếng côn trùng nỉ non, và nghe trong tóc mình mùi khói thuốc như gần như xa.

Nguồn: http://vietmessenger.com/