2/5/13

Lời hát cho anh (C7-9)

Chương 7

Lam gác điện thoại và ngồi thừ ra trên ghế. Đây là cú điện thoại thường xuyên mỗi tuần một lần của ba mẹ gọi cho cô để thăm hỏi, dặn dò. Lần nào cô cũng trả lời: “Tốt, không có chi”. Hôm nay Lam định buột miệng nhiều chuyện về dượng Lộc nhưng ngẫm lại, Lam chả hiểu nói với mẹ, bà có giải quyết được gì cho hạnh phúc gia đình của dì Thư không, hay bà lại thêm lo lắng vì thương chị mình nên cô lại im lặng. Dù sao không lúp xúp vẫn hay hơn. Lam thở dài bước ra sân, khu vườn bé tẹo của cô hôm nay trông thật mát mắt. Mưa đã làm cây lá mượt mà xanh tốt. Lam ngắt một nụ hoàng cúc rồi xoay xoay đóa hoa trong tay.

Hôm nay cả nhà đều đi vắng, Lam cứ ra vào và mong ngóng mãi.

Chị Trâm Anh sau buổi tối đáng nhớ ấy đã trở lại bình thường với sự trầm lặng cố hữu. Chị tiếp tục ngồi bên cây đàn, đi học cắm hoa và nấu ăn. Dạo này cả nhà vẫn được thưởng thức nhiều món ngon do chị nấu. Quả thật Lam không thể hiểu nhiều hơn nữa con người của Trâm Anh.

Quay người lại, Lam hơi bất ngờ khi thấy Kiên. Anh từ trong nhà đi ra với một nụ cười và hai tay chắp sau lưng khác với thường ngày lúc nào cũng phì phèo thuốc lá.

Lam nói như reo:

- Chú về hồi nào?

Kiên nói:

- Từ trưa và tôi ngủ tận bây giờ

- Vậy mà cháu không hề biết. Chú đi hay về đều xuất quỉ nhập thần hết.

- Nhưng em thích tôi đi hay về?

Bất ngờ vì câu hỏi của anh, Lam trả lời bằng cách hỏi lại:

- Thế chú thích đi hay về?

Kiên trầm giọng:

- Tôi thích ở một chỗ với một người hiểu và yêu mình. Nhưng khó quá, nên cứ phải đi về mãi mà chẳng được gì cho trái tim mình hết.

Lam kêu lên:

- Chẳng phải bồ chú rất yêu và chiều chú sao?

Kiên không trả lời. Anh đưa cô một nhánh thông khô với hai quả thông bé xíu.

- Tặng em, quà Đà Lạt đấy.

Lam nhận lấy với tất cả xúc động, mặt thoáng đỏ lên, cô ấp úng:

- Cám ơn chú!

- Tôi đi hết mấy ngọn đồi mới thấy nó nằm dưới gốc. Cầm nhánh thông trên tay, tôi bỗng nghĩ chắc em sẽ rất thích.

Lam ríu rít:

- Sao chú biết cháu thích?

Kiên gắn điếu thuốc lên môi và bật lửa. Anh ríu một hơi dài rồi nói:

- Vì em là một con bé ngốc nghếch mơ mộng. Những cô gái như vậy, sẽ thích những món quà ngộ nghĩnh như vầy!

Lam xụ mặt, cô đưa nhánh thông ra:

- Cháu không thích nó chút nào. Trả chú nè.

Kiên tủm tỉm:

- Đúng là ngốc nghếch. Nhưng cái ngốc nghếch này đủ làm đau tim một gã bướng bỉnh nào đó. Này, cất hai quả thông ấy đi, chúng đâu có tội tình gì mà em đùn đẩy.

Lam cong môi lên:

- Chú nên tìm cho nó một người chủ khôn ngoan, thực tế hơn cháu.

Kiên cao giọng:

- Để làm chi nhi?

- Để chú đừng tủi thân.

Kiên khoanh tay phán:

- Đúng là mơ mộng. Cái mơ mộng dễ thương đủ làm mềm lòng những ai khô khan nhất. Tôi nghĩ em rất xứng đáng để nhận món quà của tôi. Tuy nó không có giá trị nhưng là tất cả tình cảm của tôi đó.

Ngắm nghía nhánh thông, Lam lém lỉnh:

- Tình cảm của chú quắt queo thế này sao?

- Ôi, trái tim của người già mà

- Chú mà già!

Kiên cười cười:

- Nếu trẻ, tôi đâu bị người dưng nước lã gọi bằng chú?

Lam chớp mắt:

- Nhưng theo vai vế cháu gọi vậy là đúng

Kiên vờ vịt:

- Vai nào? Vế nào vậy?

Lam làm thinh. Cô không hiểu sao hôm nay chú Kiên lại đem vấn đề này ra nói. Có thật chú ấy ghét bị Lam gọi là chú không? Nhưng gọi anh hay chú thì có gì lạ, khi giữa hai người không thể tồn tại mối quan hệ nào khác hơn.

Kiên hơi mơ màng:

- Tôi vẫn thích có em gái hơn là cháu gái. Tiếc rằng mẹ tôi không thể sanh thêm được, dù bà cũng thích như tôi.

Lam gắn cái hoa cúc vào nhánh thông và nâng niu chúng trong taỵ Cô có cảm giác cánh hoa mong manh ấy đang tựa vào nhánh thông khô cứng và trông chúng thật dễ yêu.

Ngước lên nhìn Kiên, cô nói:

- Cháu vẫn chưa biết gì về chú. Thật ra chú là người tốt hay xấu?

Kiên ngồi xuống bậc thềm cao, lưng tựa vào cột, tay kẹp điếu thuốc, mắt hơi lim dim sau làn khói:

- Tôi cũng không biết nữa. Nhân chi sơ tính bổn thiện. Tôi đã hai mươi mấy tuổi đầu, cái thiện ấy chắc rơi rớt gần hết rồi. Trong nhà này trừ ba tôi ra, ai cũng cho rằng tôi xấu. Em cũng có thể nghĩ như vậy được mà.

Lam bĩu môi:

- Cháu không muốn nghĩ bằng ý của người khác.

- Vậy em nghĩ thế nào bằng ý của mình?

Lam khịt mũi:

- Tại sao mọi người cho rằng chú xấu?

Kiên búng tàn thuốc vào góc sân:

- Vì họ nghĩ mẹ tôi là người không đàng hoàng, tôi là một thằng con vô thừa nhận. Trong lý lịch, phần tên họ cha ghi là vô danh dù ngoài đời tôi vẫn có một ông bố rất phong độ

Lam hoài nghi:

- Có đúng vậy không?

- Đúng chứ! Trước đây mẹ tôi là một vũ nữ. Dưới mắt thế gian, vũ nữ không thể là người tốt. Nhưng trong tim tôi và ba, mẹ là người tuyệt vời nhất. Mẹ tôi không phá hạnh phúc của ai hết, trái lại bà đã hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác.

Thấy Lam ngơ ngác không hiểu, Kiên thở dài nói tiếp:

- Ba tôi không hề yêu má lớn, cuộc hôn nhân đó do ông bà nội xếp đặt, lúc ba mới hai hai tuổi. Chính vì không có tình yêu, nên cuộc sống gia đình luôn lục đục, ba tôi lao vào những cuộc ăn chơi vô độ, bỏ mặc má lớn với anh Lộc vừa được hai, ba tuổi. Có thể nói ông dan díu với rất nhiều người, nhung không hề yêu ai. Mãi tới năm 50 tuổi, ông mới gặp mẹ tôi.

Đốt điếu thuốc thứ hai, Kiên trầm tư:

- Má lớn đã quen với tính bay bướm của chồng, bà cứ nghĩ đây cũng là một mối tình qua đường như những mối tình ông đã có, nên bà vẫn dửng dưng. Trái lại anh Lộc lại lồng lộn lên khi biết ba đã mua nhà cho mẹ tôi.

Gấp rút một hơi, Kiên cười nhạt:

- Năm đó anh Lộc vừa cưới vợ. Anh ấy bị sốc mạnh vì mẹ tôi chỉ bằng tuổi vợ anh. Ảnh đã quyết tâm phá cho bằng được tổ chim câu của ba mình.

Lam ngập ngừng:

- Dượng ấy đã làm gì?

Kiên nóng nảy:

- Ảnh mướn người đến đánh mẹ tôi.

Lam trợn mắt:

- Thật vậy à?

Mắt Kiên long lên:

- Lúc ấy bà đã sắp đến ngày sinh nên bị động thai phải mổ. Thế là chưa đủ chín tháng mười ngày tôi đã bị rứt ra khỏi lòng me.

Lam rùng mình vì từ “rứt” được Kiên nhấn mạnh một cách lạnh lùng. Anh lầm lì nói:

- Sau lần mổ đó, mẹ tôi mất khả năng sinh nở. Bà sợ anh Lộc sẽ làm hại đến tôi, nên lặng lẽ bỏ đi.

- Bà bác và chú đã đi đâu?

Kiên trầm giọng:

- Mẹ tôi trở về quê ở Long Khánh. Bà bán số nữ trang ba tôi cho và mở một quán cà phê để nuôi con. Từ nhỏ tôi đã bị bè bạn chọc là con hoang, mãi đến năm mười hai tuổi, tôi mới gặp cha mình.

Môi hơi nhếch đầy chua chát, Kiên kể tiếp:

- Tôi hoảng hồn chạy trốn khi thấy ba mình là một ông già, chớ không trẻ như ba của đám bạn. Mẹ tôi phải dỗ mãi, tôi mới chịu đến gần cho ông ôm.

Lam chớp mi:

- Suốt mười hai năm bà bác đã tránh không gặp ông bác à?

Kiên nhè nhẹ gật đầu:

- Ba tôi tìm khắp nơi, tìm đến độ tóc đã bạc mới gặp lại người đàn bà duy nhất ông yêu. Từ đó cứ mỗi tuần một lần, ông đến thăm mẹ con tôi. Năm tôi học lớp 12 thì bà mất vì bệnh tim.

Lam ra vẻ hiểu biết:

- Thế là chú theo ông bác về đây phải không?

Kiên cười nhạt:

- Cô em đánh giá tôi thấpvậy sao? Dù rất thương ba mình, tôi cũng đâu thể sống với ông trong một gia đình không phải của mình. Mặc cho ông năn nỉ, tôi nhất định tự lập bằng số tiền của ít ỏi mẹ để lại. Xong lớp 12, lên đại học, tôi nuôi mình bằng cái máy ảnh, bằng nhiều việc vặt vãnh khác.

- Vậy chú về ở với ông bác từ hồi nào?

- Từ sau khi má lớn chết được một năm. Ngôi nhà này lúc ấy quạnh quẽ lắm, tôi không nỡ để ba thui thủi một mình, dù trước kia khi còn má lớn, ông cũng vẫn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Tựa cằm lên đầu gối, Lam tư lự. Cô không ngờ cuộc đời của Kiên lại chìm nổi dữ vậy. Mẹ chưa biết gì, chỉ nghe từ dì Thư đã kết luận chú ấy là người xấu. Thật không đúng chút nào. Có lẽ cô phải nói để bà hiểu hơn mới được.

Nhìn Kiên, Lam nói:

- Cháu không biết tại sao dì Thư lại về ở nhà này, trong khi ngôi nhà của dì ấy to và đẹp hơn nhiều, lại bỏ trống.

- Điều này tôi cũng không biết, nhưng chắc nguyên nhân là từ tôi.

Giọng Lam yếu xìu:

- Chú muốn nói dượng Lộc sợ ngôi nhà này thuộc về chú hả?

- Em thông minh lắm. Nói thật, tôi tới đây vì muốn ba mình vui, chớ còn ngôi nhà này chả có nghĩa gì hết. Chính vì vậy tôi chưa bao giờ quan tâm đến nó. Hôm trước thấy em chăm sóc mấy cây kiểng, lòng tôi ray rứt thế nào ấy.

Lam nói:

- Tại chú bận suốt ngày, thời gian đâu nữa chứ! Cháu sẽ làm đẹp khoảng vườn này hộ chú, chắc ông cũng thích lắm.

- Ba tôi chỉ lo bận bịu với các câu lạc bộ thơ Đường, cờ tướng, dưỡng sinh, hình như ông không mê cây cảnh thì phải.

Lam buột miệng:

- Thế chú... mê cái gì?

Kiên mơ màng:

- Tôi mê chụp hình, mê những cái đẹp. Khổ nổi cái đẹp nào cũng chóng phôi pha.

Lam bật cười:

- Thì ra chú còn ngốc nghếch và mơ mộng hơn cả cháu nữa.

Kiên nhíu mày trước tiếng cười giòn Tấn của Lam. Anh chưa kịp nói gì, cô bé đã lách chách:

- Chú toàn mê những cái ảo tưởng, bảo sao không chóng phôi pha.

Kiên xoa cằm:

- Khá lắm nhóc! Coi như tôi thua em 1 - 0.

- A, dường như chú rất mê đá banh?

- Vậy thì sao?

- Thì giống cháu.

- Giống điểm này thì được. Ít ra trong nhà này tôi cũng đã có đồng minh.

Lam cười toe:

- Bao giờ có trực tiếp Cup tứ hùng, chú phải gọi cháu đó.

Kiên búng tay trông rất anh chị:

- Chuyện dễ mà. Chỉ sợ em thức không nổi.

- Cháu sẽ ngủ bù ngay bây giờ.

Kiên phì cười:

- Vậy thì hơi sớm đó nhóc. Tôi vẫn muốn có người nói chuyện với mình.

- Chú không phiền vì cháu quá tò mò sao?

Kiên nhè nhẹ lắc đầu. Anh thấy thích thích cách nói chuyện hồn nhiên của Lam. Lúc nào cô bé cũng ríu rít khiến anh có cảm giác mình trẻ lại hằng mấy tuổi. Ở cái thời bằng Lam bây giờ, anh già giặn hơn cô nhiều.

Tới bây giờ Kiên vẫn chưa có thói quen thành thật khi nói chuyện với người khác. Anh luôn lấp lửng, vòng vo không muốn ai biết mình nghĩ gì, nhưng anh lại muốn đọc được những ý tưởng của họ. Kiên thích ăn miếng trả miếng, anh không thuộc tuýp người cao thượng, nhưng cũng không phải hạng tiểu nhân. Suy cho cùng anh là người tốt hay xấu nhi?

Đây là câu chưa ai hỏi anh ngoài con bé Lam, và anh cũng chưa bao giờ tự hỏi mình vì anh không quan tâm đến vấn đề đó. Từ hồi nào tới giờ Kiên chỉ chú trọng đến công việc, nỗi đam mê săn lùng cái đẹp của mình.

Bạn bè gán cho Kiên cái danh lãng tử vì anh lang bạt khắp nơi. Với cái máy ảnh, anh có thể xa nhà hàng tháng, sống theo kiểu bụi đời, thậm chí anh đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài nhờ cái chân hay đi, cái miệng hay nói và mớ kiến thức không đến nỗi tệ về văn hóa dân tộc, về danh lam thắng cảnh của mình.

Chính vì kiểu sống “tay làm hàm nhai”, không biết đến ngày mai này mà Kiên đã bị ông Lộc ghét sẵn, bây giờ càng ghét thậm tệ hơn nữa.

Ông ta cho rằng anh là một thằng lười biếng vô lo, ham chơi, ăn bám vào ông bố tuổi gần đất xa trời. Là người tính toán ông Lộc vội vàng dọn về ở chung vì sợ bị mất phần. Ngôi nhà ba tầng đầy đủ tiện nghi của ông đem cho người nước ngoài thuê sướng chán. Thế nhưng vợ chồng ông Lộc dường như vẫn chưa vừa lòng. Trong mắt của hai người, Kiên là một cái gai xù xì, xấu xí làm đau tim họ. Nhất là sau chuyện tình cảm một thời ồn ào của Trâm Anh, họ càng ghét Kiên thậm tệ

Giọng Lam kéo dài ra nũng nịu:

- Chú Kiên ơi!

- Gì đó nhóc?

- Chú biết cái bí mật nào đó của chị Trâm Anh phải không?

Kiên hờ hững:

- Chắc là không. Vì bí mật mà để tôi biết sẽ không còn là bí mật nữa.

Lam cong môi lên:

- Chị Anh nói cuối cùng chú Kiên cũng ác như dì dượng. Thế là sao nhi?

- Là con bé nói đúng chứ sao?

Quay lại kéo tay Kiên, Lam hỏi:

- Nhưng thật ra là bí mật gì vậy chú?

- Đừng làm phiền người lớn mà nhóc

Xụ mặt xuống, cô dỗi:

- Vậy thì thôi cháu đi ngủ đây

Lam vừa đứng dậy, Kiên đã nắm tay cô ghị lại. Bàn tay nhỏ xíu của cô lọt thỏm trong bàn tay lớn, mạnh mẽ và cũng rất ấm của Kiên, hốt hoảng cô giật tay mình ra nhưng không được.

Giọng Kiên thật trầm:

- Lại giận rồi. Xấu quá!

Lam phụng phịu:

- Chú vừa bảo không phiền, người ta mới hỏi một câu, đã nói ngược lại. Chả biết ai xấu đây!

Kiên nheo mắt:

- Tôi chỉ không phiền khi em tò mò chuyện của tôi thôi

Lam lẽo lự:

- Chị Trâm Anh là cháu chú, chuyện của chị không ảnh hưởng gì tới chú sao?

- Nếu tôi đã không muốn, khó ai gây ảnh hưởng tới tôi lắm.

Lam dài giọng:

- Ghê thật! Vậy thì cháu xin chào.

Bậm môi lại, Lam giật mạnh tay, nhưng Kiên không buông, anh tủm tỉm nhìn cô bằng đôi mắt nâu quái quỷ.

Lam nóng cả người, cô kêu lên:

- Cháu không giỡn đâu.

- Tôi cũng vậy! Nào ngồi xuống đây!

Lam ra điều kiện:

- Nhưng chú phải nói thật đấy.

Kiên càu nhàu nhưng vẫn nắm tay Lam:

- Con gái là chúa phiền phức. Em muốn tôi nói cái gì?

- Ai da! Chú làm trật tay cháu rồi.

Hốt hoảng, Kiên buông tay cô ra:

- Trật chỗ nào?

Lam che miệng cười, Kiên lắc đầu:

- Hừm! Giỏi lắm nhóc, dám gạt cả chú nghen.

- Cháu đâu có muốn như vậy.

Kiên tằng hắng lảng đi:

- Trâm Anh đã nói gì nhi?

Lam ngần ngừ:

- Chị Anh nói hồi bằng tuổi cháu, chỉ đã có một mối tình mà mọi người bảo đó là mối tình điên. Nhưng không nói rõ tại sao.

- Em muốn biết tại sao à?

Lam lém lỉnh:

- Cháu vốn rất tò mò cơ mà.

Kiên lắc đầu:

- Nhưng tò mò về người thân là không hay.

- Cháu muốn biét để hiểu chị Anh hơn. Chú thấy đó, trong nhà này ai cũng im im như người xa lạ. Dì dượng dửng dưng với nỗi đau của chị Anh làm cháu bất nhẫn quá. Cháu nghĩ nếu được thông cảm, chị Anh đã không lao vào rượu và nghiện cả thuốc lá như hiện giờ.

Kiên ngạc nhiên:

- Trâm Anh hút thuốc à?

Lam tròn mắt rất ngây thơ:

- Cháu nói thật mà. Nhìn cách chỉ hút thuốc cháu thấy sành sỏi không thua gì chú đâu. Nhưng chị Anh hút lén nên chả ai biết.

Kiên chậc lưỡi:

- Con gái hút thuốc có hại lắm.

Lam liếm môi lên lớp:

- Ai hút cũng có hại như nhau, chớ nào chỉ riêng con gái.

Thừa biết Lam muốn ám chỉ mình, Kiên phớt lờ đi bằng một câu than thở:

- Tội gì Trâm Anh phải tự đày đọa như thế chứ.

Lam dò dẫm:

- Chắc hẳn người chị Anh yêu rất đặc biệt đến mức chỉ không thể nào quên.

Kiên nhếch môi:

- Ông ta là một kẻ đa tài lẫn đa tình, đa tật

- Chú quen ông ta, đúng không?

Ngập ngừng một chút, Kiên xác nhận:

- Ông ta là sư phụ của tôi mà

- Sư phụ ha?

Kiên gật đầu:

- Đúng vậy. Hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã theo ông Tấn chụp hình dạo ở các công viên, sở thú để kiếm sống. Nhờ tay nghề khá chẳng bao lâu ông ta đã mở được một tiệm chụp hình. Tiệm này nổi tiếng khắp Sài Gòn nhờ chụp chân dung rất đẹp. Hầu như tất cả giới diễn viên, ca sĩ đều nhờ ông Tấn mới có những tấm ảnh xuất sắc để lên bìa báo.

- Chị Trâm Anh quen ông ta qua chú à?

- Không! Trâm Anh tới chụp hình và đã bị Tấn hớp hồn. Nếu lúc đó tôi biết con bé là cháu mình thì sự việc đã khác đi rồi.

Lam thắc mắc:

- Quanh ông ta biết bao nhiêu là người đẹp, nhưng vẫn tham lam tán tỉnh cả chị Trâm Anh phải không chú?

Kiên nói:

- Những người đẹp ấy là khách hàng đặc biệt như diễn viên, người mẫu nổi tiếng, là những người quá lăn lộn với đời. Tấn dễ gì với tới. Họ chỉ là vầng hào quang chói lọi để ông ta dụ các cô gái trẻ mê làm minh tinh đến chụp hình thôi.

Lam thất vọng:

- Vậy là chị Anh yêu nhầm người xấu rồi. Tiếc thật! Nhưng tại sao chú lại có một sư phụ xấu như thế chứ?

Kiên xua tay:

- Tấn không phải là người xấu. Khổ nổi ông ta không làm chủ được trái tim mình nên đã yêu Trâm Anh. Đó là sai lầm lớn nhất đời của Tấn.

Lam nhíu mày:

- Sao lại sai lầm hả chú?

Kiên hạ giọng:

- Vì con gái đầu của ông ta bằng tuổi Trâm Anh, còn bà vợ ông ta thì đích thực là một sư tử Hà Đông chớ không hiền và giỏi chịu đựng chồng như má lớn của tôi.

Trợn mắt lên, Lam buột miệng:

- Đúng là một mối tình điên.

Kiên có vẻ ray rứt:

- Trước đây tôi và Tấn có thỏa thuận ngoài chuyện làm ăn sẽ không ai can thiệp vào việc riêng của ai. Do dó dù biết ông ta ngoại tình với một cô gái trẻ, tôi vẫn im lặng. Mãi đến khi bà vợ Hà Đông của Tấn làm ầm ĩ lên, tôi mới hoảng hồn tìm đến nhà Trâm Anh để cho cô ta hay, để rồi càng hốt hoảng hơn khi biết Trâm Anh chính là cháu mình.

Im lặng một chút, Kiên nói tiếp:

- Tôi đã khuyên Anh, rồi năn nỉ, thậm chí đe dọa, nhưng con bé cứ như thiêu thân lao vào lửa.

- Còn ông Tấn thì sao?

Kiên thở dài:

- Ông ta cũng điên như Trâm Anh. Tôi thật không ngờ đã ngoài 40, nhưng Tấn lại đam mê dữ dội thế. Ông ta định ly dị vợ để danh chánh ngôn thuận với con bé.

Lam bĩu môi:

- Dễ gì dì Thư chịu.

- Em nói đúng đấy. Dù dì Thư lúc đó chưa biết gì hết. Mối tình ấy chỉ bùng nổ khi vợ Tấn tới nhà Trâm Anh.

- Có chuyện đó nữa sao?

Kiên xoa cằm:

- Có. Và tôi là người lãnh hậu quả từ cả hai bên.

Lam ngơ ngác:

- Cháu không hiểu chú phải lãnh hậu quả gì mà từ cả hai bên.

Kiên mệt mỏi:

- Khi tôi xuất hiện với tư cách chú của Trâm Anh, vợ Tấn đã chửi tôi một trận kinh thiên động địa rồi cho tôi nghỉ việc về tội đem cháu gái ra gạ gẫm ông chủ nhằm mưu lợi. Còn anh Lộc và chị Thư lại nguyền rủa tôi không tiếc lời. Hai người cho rằng tôi vừa độc ác lại vừa hèn hạ khi cố tình gài Trâm Anh vào mối tình này để trả thù việc trước đây anh Lộc đã đối xử tệ với mẹ tôi.

Cười khẩy, Kiên nói tiếp:

- Thế là trong mắt hai người, tôi càng xấu xa, tồi tệ hơn. Chuyện đến tai ba tôi, ông đi tìm và năn nỉ tôi về ở với ông. Thoạt đầu tôi không chịu, nhưng suy đi nghĩ lại, tôi căm hận vì sự hy sinh của mẹ con tôi chẳng được gì ngoài những lời nguyền rủa của anh Lộc. Tôi nên sống với ba để chọc tức ảnh mới phải chứ. Cái xấu cơ bản trong tôi đã trỗi dậy. Thế là tôi về đây để quậy cho đã.

Lam ngắt lời anh:

- Vậy là chú về đây không phải vì ông bác như đã nói với cháu à?

- Đương nhiên là không. Tôi đã nói dối đấy!

- Cháu không tin chú xấu như thế đâu.

Kiên ngạc nhiên vì giọng thảm thiết của Lam. Sao con bé lại xúc động thế nhỉ. Chả lẽ Lam quan tâm đến anh à?

Vờ như không thấy vẻ hoang mang trên gương mặt trẻ con của Lam, Kiên hạ giọng:

- Em cứ nhìn vào gia đình dì mình sẽ rõ tôi thật hay dối mà! Mỗi lần có chuyện bực mình vì con cái. Anh chị Lộc đều nhắc đến tôi. Họ cho rằng tôi làm con họ hư. Tôi y như lọ mực đen vậy.

Lam nghẹn lời:

- Lẽ ra dì Thư không nên tới đây!

Kiên cười nhạt:

- Dì em đã lợi dụng chuyện Trâm Anh làm hổ gia đình để buộc ba tôi cho cả nhà về đây. Còn ngôi nhà ba tầng kia anh Lộc cho người nước ngoài mướn, mỗi tháng bỏ túi cũng cả ngàn đô. Đúng là sướng! Tóm lại trong nhà này chỉ có tôi thuộc thành phần bất hảo thôi. Còn tất cả đểu thánh thiệt hết. Người thánh thiện nhất chắc là anh Lộc. Hà... hà...

Lam khó chịu vì giọng cười chua cay của Kiên. Cô không hiểu những lời vừa rồicủa anh là thật hay giả. Nếu là thật thì đáng sợ quá.

Lòng cô bổng chùng xuống như những sợi tơ đàn bị hạ phím. Dẫu biết Kiên thích nói chuyện theo kiểu hư thật khó lường, sao Lam vẫn buồn khi nhận ra, anh vẫn rất xa lạ với cô.

Kiên hất hàm:

- Sao? Em ghét tôi lắm. Đúng không?

Lam đan hai tay chéo dưới cằm và hỏi:

- Ở chung một nhà, sao không đối xử với nhau tốt hơn hả chú?

Kiên thản nhiên đáp:

- Tại vì từ khi chưa ở chung một nhà, họ đã xấu với tôi rồi.

- Nhưng cháu đâu có... xấu với chú!

Kiên bối rối trước cái nhìn trong veo của Lam. Anh nói đại cho qua chuyện.

- Vì vậy cháu mới là bạn thân của chú.

Lam lém lỉnh:

- Bạn tức là có phúc cùng hưởng, sướng cùng chia ấy ha?

Kiên gật đầu:

- Đương nhiên. Tôi không cho em cả cái áo mưa và cùng ôm nhau vì sợ sét rồi còn gì.

Lam lúng túng khi nghe Kiên nhắc tới chuyện chiều mưa ấy, cô phụng phịu:

- Mới chia nhau họa không hà, cháu đang chờ cùng hưởng phước đây.

Mắt Kiên lóe lên chút tinh quái. Anh định trêu cô bằng một câu bắt bí, nhưng nghĩ lại thấy hơi quá lố, nên thay vì nói, anh cứ tủm tỉm nhìn Lam làm cô bé đỏ mặt vì biết mình đã hố.

Vò những cái lá cúc trong tay, Lam ấm ức ngó lơ chỗ khác. Dù Kiên luôn vỗ ngực nói mình là người xấu nhưng Lam vẫn cố không tin. Không phải vậy, cô nghĩ tới Trâm Anh, tới gã đàn ông có tuổi chị ấy đã từng yêu rồi hỏi:

- Hiện nay ông Tấn ra sao hả chú? Có còn sống với bà vợ cũ không?

Kiên ậm ự:

- Còn chứ! Tấn mà bỏ vợ thì chết ngay.

Lam ngạc nhiên:

- Vậy sao ông ta đòi ly dị vợ để cưới chị Anh?

- Vì đó là lúc anh ta đang điên vì tình. Giờ tỉnh rồi thì mọi việc có khác. Vợ Tấn bỏ vốn mở tiệm chụp hình. Tiệm ấy nổi tiếng là nhờ tài của anh ta. Nhưng nếu vợ anh lấy lại tiệm thì dù tài cỡ nào Tấn cũng không có đất dụng võ. Nghĩ tới chuyện xách máy đi chụp dạo, Tấn thấy sợ nên đành ngậm ngùi quên mối tình si ấy đi mà về với vợ. Chỉ mỗi mình Trâm Anh là đáng thương.

Lam tức giận:

- Đàn ông đúng là tệ bạc. Tội nghiệp chị Trâm Anh. Lẽ ra chú phải nói rõ cho chỉ hiểu chứ!

- Em thấy đó, chuyện rõ như ban ngày có gì đâu khó hiểu. Theo tôi nghĩ Trâm Anh cũng nguôi ngoai rồi. Thỉnh thoảng con bé lên cơn quậy vì không chịu nổi sự quản lý của cha mẹ. Sau chuyện xảy ra ấy, anh chị Lộc coi Trâm Anh như kẻ có tội. Anh Lộc không cho con bé thi đại học, mà cứ nhốt ở nhà. Ba tôi nói dữ lắm, chị Thư mời để Trâm Anh đi học nữ công gia chánh cho khuây khỏa đó chứ!

Kiên xoay xoay cái hộp quẹt trong tay:

- Lúc Trâm Anh cần được thông cảm, được thương yêu để quên mối tình rồ dại của mình thì những người thân của nó lại quay lưng bỏ mặc. Chính vì cách đối xử này mà Trâm Anh đã trở thành một người khác, con bé ngày càng ẩn sâu vào cái vỏ tự tạo. Nó chán cuộc sống đến mức sẵn sàng ưng một kẻ không yêu làm chồng. Tiếc là ba mẹ nó tham lam, ích kỷ quá. Trâm Anh vừa cảm thấy với Thắng, hai người lại bắt nó bỏ chỉ vì gia đình anh ta bị phá sản.

Bật quẹt lên và nhìn ngọt lửa leo lét cháy Kiên nói:

- Sức chịu đựng của Trâm Anh tốt đấy chứ. Gặp đứa khác chắc nó đã điên vì tức.

Lam lo lắng:

- Vậy phải làm sao để giúp chị Anh đây?

Kiên dịu dàng:

- Em chịu khó trò chuyện với con bé nhiều hơn. Có người để tâm sự Trâm Anh sẽ bớt bị ức chế. Tôi hy vọng con bé sẽ không bỏ mặc cuộc đời mình cho ba mẹ nó quyết định nữa.

- Cháu cũng hy vọng thế. Nhưng bằng cách nào đây?

Kiên chưa trả lời thì chuông điện thoại lại reo. Anh nhóng nhóng nhìn vào nhà rồi chép miệng:

- Chắc là của tôi.

Vươn vai hít thở thật mạnh, Kiên đứng dậy đúng lúc Mai chạy ra:

- Bồ cậu nhắn: “Gọi Kiên tới ngay”.

Lừ mắt, Kiên hỏi:

- Sao chị biết đó là bồ tôi?

Mai chủ quan:

- Chỉ có bồ mới có quyền hành như vậy thôi.

Kiên cười tủm tỉm:

- Công nhận đàn bà tinh ý thật.

Nghe nói thế, Mai thêm vào:

- Tôi nói thật, sau này chắc cậu sợ vợ lắm

- Vậy à? Nhưng vợ mình mình sợ, có động chạm đến ai đâu? Thế gian nhất vợ nhì trời mà

Nháy mắt với Lam một cái, Kiên vừa huýt gió vừa vào nhà.

Lam tò mò:

- Sao chị biết chú Kiên sợ vợ? Chị biết coi tướng ha?

Mai phì cười:

- Trời ơi! Tôi chọc cậu ấy chơi thôi chớ có biết coi tướng coi tá gì đâu.

- Vậy cũng chưa chắc người gọi điện là bồ chú Kiên.

- Ê, cái này thì chắc à! Lần đó tôi nghe rõ ràng cậu ta gọi con nhỏ đó là “em yêu” ngọt sớt.

Lam nhìn nhánh thông và nụ cúc vàng nằm trên thềm, lòng trống vắng chưa từng thấy. Món quà ấy có nghĩa gì chứ! Tự nhiên cô chợt thương mình và giận Kiên. Giá mà...

Trong nhà đi ra, Kiên thật đẹp với cái sơ mi kẻ ô xám và chiếc quần jean xanh đậm. Anh tủm tỉm hỏi Mai:

- Như thế này tới gặp người yêu được chưa chị Mai?

Mai gật gù:

- Hào hoa ra phết. Nhưng ở Đà Lạt về mà không có quà cho nàng sao?

Kiên nhảy lên chiếc Spacy, giọng kiêu căng:

- Với nàng, tôi là món quà giá trị nhất rồi còn gì nữa. Thôi tổng chào nghen!

Mai lắc đầu:

- Đúng là phách lối!

Lam bênh:

- Chắc chú ấy đùa mà!

Mai nhún vai đi vào nhà. Lam ngồi lại một mình với nhánh thông khô. Tối nay chắc Kiên không về và cô sẽ không được coi bóng đá. Ôi, sao Lam buồn thế này chứ. Nhưng buồn vì đâu, cô không trả lời được.


Chương 8

Kiên gắng gượng ngồi dậy dù anh đang bị nhức đầu dữ dội. Buổi chiều từ xỉn tới chết hôm qua đã giết anh thật sự. Kiên đã say quắt cần câu, nằm li bì suốt đêm và cả một buổi sáng nhưng vẫn chưa tỉnh. Giờ này đã xế chiều rồi, nếu tiếp tục nằm nữa thế nào điện thoại cũng reo, giọng lảnh lót của Bích Lan sẽ vang lên gọi anh tới tấp. Ôi! Sao anh sợ nghe giọng oanh vàng của Bích Lan thế nhỉ

Uể oải bước đến lavabo, Kiên đánh răng rửa mặt rồi ra sân châm thuốc hút và tưởng tượng đến nét nhăn nhó của Lam, khi con bé thấy anh đốt thuốc.

Nhìn khói lan ra xung quanh, Kiên ngần ngừ một chút mới rít hơi đầu tiên. Sao tự nhiên lại nghĩ tới Lam nhỉ? Chắc tại con bé là cháu bà Thư, người đàn bà anh không chút cảm tình, người luôn khiến Kiên hả hê mỗi khi bà ta bị gặp phiền phức, bất hạnh. Cũng không hẳn thế, vì Lam đâu dính dấp tới chuyện ưa ghét giữa anh và bà Thư. Lam chỉ là một con bé con lách lác, mơ mộng và ngây thơ nhưng cứ tưởng mình khôn ngoan già giặn.

Kiên lim dim mắt. Cái tội của Lam là không chịu nghe lời bà dì ruột tránh xa anh ra. Đã vậy con bé còn cố tin anh là người tốt. Đúng là ngốc nghếch! Lam cũng nhẹ dạ như Trâm Anh. Nếu anh giống như Tấn, con bé sẽ sa vào tròng ngay. Kiên vỗ vỗ trán để cắt đứt dòng tư tưởng đen đúa đang tràn lan trong đầu mình. Anh làm sao giống Tấn được, dù Lam còn có thể khờ khạo hơn cả Trâm Anh. Đùa với những cô gái ngây thơ cũng thích thật, nhưng lương tâm cắn rứt lắm.

Kiên chợt bật cười khi nhớ tới vẻ ho-li-gân của Lam lúc xem bóng đá. Cô bé còn hào hứng hơn cả anh. Ngồi trong phòng đóng kín cửa bên cạnh một cô bé hết sức dễ thương, vô tư như Lam, nhiều lúc tâm hồn Kiên bỗng xôn xao kỳ lạ Chả lẽ anh... để ý cô bé đó à?

Chắc không có chuyện vô lý ấy đâu. Làm sao Kiên lại thích cháu ruột của bà Thư cho được, dù dạo này Lam chính là nguyên nhân khiến anh thích về nhà hơn trước.

Kiên rít một hơi thuốc thật dài rồi cố tìm những lý lẽ khác để biện hộ cho lý do thường xuyên về nhà của mình, nhưng anh tìm mãi vẫn chả ra. Chả lẽ một con bé tỉnh lẻ quê mùa lại làm tim anh rung động? Thật ra Lam đâu có gì đặc sắc. Nếu đem so con bé với những cô gái Kiên từng quen thì Lam khó bằng họ về mọi mặt. Nhưng tại sao anh lại nghĩ tới cô bé ấy cơ chứ? Chả lẽ vì anh muốn đổi “gu” vì các cô gái đẹp anh từng thân mật đã trở nên quá nhàm chán nên muốn có trò tiêu khiển mới hơn? Nhìn những bông cúc vàng hồn nhiên bò lan ra đất, Kiên chợt xấu hổ với những gì vừa nghĩ. Anh điên rồi chắc, nên mới tưởng tới những chuyện lệch lạc đó.

Ném điếu thuốc hút dở vào góc sân, Kiên chống tay đứng dậy. Đúng là trận nhậu hôm qua vẫn còn làm anh choáng.

Chuông điện thoại reo làm Kiên rầu rĩ khi nghĩ tới giọng nheo nhéo của Bích Lan, chắc là cô nàng thôi. Anh uể oải bước vào và thấy Lam đang nghe.

Cô đưa máy cho anh:

- Bồ chú gọi đấy!

Kiên cầm lấy máy rồi cố tình nắm luôn tay Lam. Cô bé vội vàng giật mạnh tay lại và đi một mạch ra sân. Bất giác Kiên cười thầm. Đùa một chút cũng vui đấy chứ! Nhưng sao tim anh lại nhói một nhịp thế này?

Cầm máy lên, anh cao giọng:

- Kiên đây!

Ngoài sân Lam vẫn ngồi trên lan can, cố dỏng tai lên nghe:

- Anh nhức đầu lắm cưng à! Anh không tới được đâu. Chậc! Lâu lâu mới nhậu một lần đừng nhằn nữa, tội nghiệp anh mà cưng yêu dấu.

Lam cắn môi... Đúng là những lời vừa ngọt tình tứ. Cô ta chắc đẹp lắm nên chú Kiên mới yêu và luôn hối hả chạy vội tới mỗi lần nhận được điện. Lẽ nào hôm nay chú lại ở nhà chỉ vì nhức đầu?

Nhảy thốc xuống đất, Lam đi vòng quanh các bồn hoa, nhưng tâm trí không gởi vào những nụ tường vi, những chùm đồng thảo. Cô muốn nghe, muốn biết chú Kiên nói gì với người yêu, và cô cũng sợ phải nghe phải biết những lời âu yếm yêu thương không dành cho mình. Kiên rất mồm mép, mẹ thường dặn: là con gái, phải dè chừng những gã ba hoa, xạo sự. Mồm mép và ba hoa, xạo sự có giống nhau không?

Lam nghiến răng bứt những lá mai chiếu thủy tung lên trời cho chúng rơi lả tả như mưa. Cô không muốn nhớ, nhưng thái độ ân cần lịch sự của Kiên khi mời cô vào coi đá banh vẫn lởn vởn trong đầu. Lúc ấy Lam có cảm giác mình là nhất, chớ đâu có cô đơn, lạc lõng như lúc này. Cô còn nhớ căn phòng hai người thoảng mùi dạ lý hương từ cửa sổ đưa vào. Mưa tí tách, thì thào ngoài vườn. Lam ấm cúng trong chiếc ghế bành êm ái đối diện với Kiên. Còn anh thì tay cầm ly cà phê đen, miệng phì phà thuốc, mắt không ngừng nhìn lên màn hình. Lam thấy hạnh phúc vì có người đồng cảm, đồng sở thích. Lúc đó, cô cảm giác chú Kiên hết sức gần gũi, thân thiết với mình. Còn bây giờ... chú ấy thật xa lạ, khó hiểu. Sao Lam ghét chú Kiên dữ vậy kìa? Nói chuyện với bồ mà còn ráng nắm tay người ta. Sao chú ấy giỡn ác thế chứ!

Mắt Lam cay cay. Nên trách mình chứ đừng trách ai. Chú Kiên vốn thích đùa. Đã có khi nào chú ấy thành thật với mình đâu. Tốt nhất nên tránh chú ấy ra, nếu không muốn làm kẻ thứ ba tội nghiệp lẫn đáng ghét. Tấm gương ảm đạm của chị Trâm Anh vẫn còn mới toanh, Lam không lo tránh mà còn định lao vào sao? Đàn ông trong gia đình này từ ông Trường đến dược Lộc và cả chú Kiên. Ai cũng sợ chứ!

Lam ủ rũ với những điều đang nghĩ. Cô muốn rong rong ngoài phố cho khuây khỏa, chứ cứ hết giờ học về là giam mình trong căn phòng tăm tối, chật hẹp mãi, Lam ngán lắm rồi. Có lẽ cô nên làm một cuộc đột phá, mặc kệ dì Thư rầy và để thoải mái đôi chút mới được.

Nói là làm, Lam chõ đầu vào cửa bếp nói với Mai:

- Em tới nhà bạn mượn vở nghe chị Mai.

- Chừng nào em về?

- Khoảng nửa tiếng nữa.

- Nhớ về đúng giờ, không thôi cô Thư la đó.

Lam cong môi:

- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...

Dắt xe ra khỏi cổng, Lam hăm hở đạp đi. Nhất định chiều nay cô phải... xả hơi tới tối cho... bõ tức. Nhưng ai là người cô tức đến mức đạp xe rong rong ngoài đường thế này?

Những vòng đạp dần dần trở nên nặng nề. Một mình trên phố có khác gì một mình ở nhà. Sợ còn buồn hơn là khắc Lam chả biết đi đâu ngoài tới thăm nhỏ Hương, dầu hồi sáng này hai đứa vừa gặp nhau trong lớp.

Tần ngần ngoài cổng vài giây, Lam bấm chuông. Lam thường tới đây vào những buổi chiều nghỉ học, nhưng tới vào giờ này thì đây là lần đầu. Chắc thế nào Hương củng ngạc nhiên, không biết chuyện gì đã xảy ra với Lam.

Cô đoán quả là không lầm. Vừa thấy Lam, Hương đã tròn mắt:

- Chuyện gì vậy?

- Không! Ở nhà chán quá. Tao rong rong chơi cho đỡ buồn mà!

- Tới đây cũng chẳng khá hơn đâu. Ê! Mình đi ăn đi. Ăn hàng là hấp dẫn nhất đó!

Lam ngần ngừ:

- Ăn cái gì? Ăn ở đâu?

Hương hồ hởi:

- Gần đây thôi! Đủ thứ món, từ gỏi đu đủ, bột chiên tới cháo lòng, hủ tiếu, chè... Tao dám cá mày chưa nếm qua món bột chiên độc chiêu của dân SàiGòn.

- Nhưng mà...

- Chả nhưng nhị gì hết. Tao đang muốn ăn, mày tới thật đúng lúc. Cất xe vào đây và chờ tao một chút.

Rồi không cần biết cô đồng ý hay không, Hương chạy vội vào nhà hơn 5 phút sau mới trở ra giọng hớn hở:

- Mình đi ăn cho đã, hơi đâu mà rầu rĩ.

Lam đành nghe lời Hương. Đi bên cạnh cô, con bé không ngừng chót chét:

- Mày buồn... cái lão chú Kiên phải không?

Mặt đỏ lên, Lam chối:

- Mắc mớ gì tao lại buồn ổng? Mày chỉ giỏi đoán bậy.

Hương tủm tỉm cười:

- Có cần phản ứng mạnh dữ vậy không? Từ cái dạo hai chú cháu bây mém bị trời đánh tới nay, tao thấy mày thay đổi một trăm tám luôn.

Lam càu nhàu:

- Tao chả thay đổi gì hết.

- Vậy chịu làm chị tao đi. Ông Long hỏi rón hỏi ren về mày hoài.

- Xì! Sao gặp tao, ổng im ru vậy!

Hương ra vẻ tài khôn:

- Ổng có tình ý dĩ nhiên phải khớp, làm sao dám mở miệng được.

Lam bĩu môi:

- Tao chỉ thích đàn ông mạnh mẽ, có cá tính.

Hương lên giọng:

- Nếu vậy mày còn đề phòng vì những thằng đểu luôn có cá tính mạnh mẽ. Nhờ vậy mới mê hoặc được đàn bà con gái.

- Điều đó chưa chắc đúng.

Hương tinh quái:

- Tao biết, mày từng khen ông chú Kiên có cá tính mạnh mẽ kia mà!

Lam giận dỗi:

- Mày còn lôi ông Kiên vào đây, tao về à!

- Tới nơi rồi, về uổng lắm.

Hương vừa nói vừa kéo lam vào một con hẻm rộng lố nhố hàng quán, đông đúc khách.

Ấn Lam ngồi xuốgn cái ghế con kê quanh cái bàn gỗ thấp, Hương thì thầm:

- Chỗ này bán được lắm. Tuy trong hẻm nhưng toàn dân xịn tới ăn không thôi.

Đảo mắt một vòng, Lam thấy toàn xe Dream, rồi Citi dựng san sát nhau. Khách toàn trai trẻ ăn mặc thật mode. Họ ăn uống thật tự nhiên thoải mái.

Hương nói:

- Đa số là sinh viên học sinh. Lần đầu anh Long dắt tới đây, tao đã khoái cái không khí này rồi. Nhìn quanh toàn là dân mình, vui lắm!

Lam mỉa mai:

- Lão cận ấy coi đạo mạo thế kia mà cũng ăn hàng ngoài phố nữa à?

- Chớ sao! Anh Long nói ai chưa ăn uống đầu đường xó chợ, chưa phải là sinh viên. Bởi vậy anh em tao tới đây... cháp thoải mái. Phải bữa nay có ổng thì hay biết mấy.

Nhìn Hương đưa tay làm hiệu với người bán, Lam buồn cười. Con bé chắc là khách quen, nên nhìn theo tay nó, bà chủ xe bột chiên gật đầu lia lịa.

Giờ này ngoài phố nhộn nhịp vui thế này. Vậy mà bao lâu nay Lam cứ rúc trong góc phòng như người đi tu. Càng nghĩ, cô càng ấm ức tủi cho phận mình.

Giọng Hương thân mật vang lên:

- Nói thật đi nhỏ. Sao tự nhiên mày đến nhà tao vào giờ này?

- Tao đã bảo tại ở nhà chán quá.

- Đó chỉ là cái cớ, chớ không phải là nguyên nhân. Bà dì mày khó thấy mồ, cái cớ ấy không đủ mạnh để mày dám lang thang khi sắp tới giờ cơm rồi đâu. Nè! Phải mày buồn ông chú cùng họ Hồng Bàng không? Mày yêu ổng à!

Lam ấp úng:

- Tầm bậy! Chú Kiên có bồ rồi. Chú ấy đâu hề nghĩ gì tới tao.

Hương vênh váo:

- Mới có bồ thì ăn thua gì! Nếu mày cao tay ấn, chú ấy có vợ cũng chưa sao. Đời này ly dị dễ ợt.

Lam nhăn mặt:

- Mày nói gì khó nghe quá vậy?

Hương cười cười:

- Tao chỉ thí dụ thôi mà. Nếu không thể với chú ấy được thì với anh Long nha?

- Mày ba trợn vừa vừa thôi. Chuyện tình yêu mà làm như trò đùa.

Hương vỗ tay reo lên:

- A, mày tự thú rồi nha! Hay... ha...

Cuống quýt nhìn quanh, Lam gắt:

- Ôi! Mày to mồm quá!

Hạ giọng xuống thật khẽ Hương nói:

- Ông Kiên mạnh mẽ ra sao? Mày phải để tao coi tướng ổng mới được.

- Mày đừng nhắc tới chuyện này nữa được không?

Thấy mặt Lam có vẻ hình sự, Hương miễn cưởng gật đầu:

- Được! Nhưng tao còn ấm ức lắm!

- Dẹp luôn cái mớ ấm ức ấy cho tao nhờ. Đang chán, gặp mày càng bực hơn.

Người phục vụ bưng ra hai đĩa bột chiên nóng hổi. Hương ân cần:

- Ăn thử đi, hy vọng mày sẽ quên bực và quên cả cái nguyên nhân làm mày chán.

Lam buột miệng:

- Ở thành phố này chỉ có mày là hiểu tao nhất.

Hương nhún vai:

- Nhưng tao sắp hết hiểu nổi mày rồi. Cứ giữ mãi những nổi buồn không thể thố lộ với ai mày sẽ điên mất.

Lam nhếch môi:

- Nói ra cũng chả ai giúp được tao.

Hương hất hàm:

- Ê, bi quan đâu phải là tính cách của mày.

- Đó là sự thật, chớ không phải tao bi quan.

Dứt lời Lam cắm cúi nhìn dĩa bột chiên thơm phức mùi tương, dấm và ớt, lần đầu ăn món này cô tạm hài lòng với đủ vị chua, cay, ngọt, mặn.

Hương nháy mắt:

- Ngon không?

- Cũng được. Nhưng cay quá!

- Lần sau bảo họ cho ít tương ớt là vừa miệng ngay.

Lam xa xôi:

- Phải chi mọi chuyện trên đời đều đơn giản như việc ăn bột chiên này thì tốt quá.

Hương khịt mũi:

- Chung quy vẫn là chuyện yêu thôi chứ gì? Nếu mày là món vừa miệng hơn, lão chú ấy sẽ bỏ cái món cũ nhàm chán ngay. Tình yêu thời bây giờ phải biết thích nghi.

Lam uể oải lên tiếng:

- Thế nào gọi là thích nghi!

Cho một cục bột chiên vào mồm, Hương chợt hỏi:

- Mày còn nhớ con nhỏ đi với lão xồn xồn trong Coop Mart lần đó không?

Tự nhiên Hương lại nhắc đến chuyện này làm Lam dè dặt. Cô trả lời nhát gừng:

- Có. Mà sao chứ?

Hương chép miệng:

- Đó là một mẫu người biết thích nghi đấy. Tao vẫn gặp nó với một gã trẻ tuổi đẹp trai trong cái hẻm này. Anh chàng gọi bò bía, gỏi bò cho con nhỏ nghe ngọt sớt. Hai đứa trông tình lắm! Thế mới biết khi yêu cũng có hai mặt: một mặt để nuôi bao tử, một mặt để dưỡng trái tim. Hổng chừng con nhỏ móc túi lão già để nuôi dưỡng kép trẻ là khác.

Lam liếm môi:

- Nhưng có đúng con nhỏ không?

Hương tự tin:

- Sao lại khkong! Nó đẹp, nhìn một lần là nhớ ngay. Khách ở đây ai cũng khen tụi nó xứng đôi. Nhìn bề ngoài hai người y như các cặp sinh viên đang bồ bịch khác. Chỉ có tao mới hiểu thực chất của họ mà thôi. Bởi vậy trong mắt tao, thời buổi bây giờ không có cái gọi là tình yêu. Tất cả chỉ là trò đùa. Vì vậy nếu muốn, mày nên thử đùa với ông chú ruột dư ấy. Biết đâu cá lại cắn câu.

Lam nhăn nhó:

- Rồi sau đó thì sao? Mày đừng nên xúi bậy mà mang tội.

Hương ra dấu gọi nước, con bé xuýt xoa vì cay, rồi lơ lửng nói:

- Vẫn biết là ớt cay nhưng sao người ta vẫn thích ăn cho khổ thân.

Lam thản nhiên:

- Tao không dại dột như mày đâu.

Hương gật gù:

- Tao cũng hy vọng thế, vì mày là đứa không thích món cay.

Lam lắc đầu cười. Cô thấy lòng bớt nặng nề vì những lời như đùa như thật của Hương. Con bé lúc nào cũng lách chách, độc mồm nhưng thật ra rất nhát. Cô nàng chưa có mảnh tình vắt vai, nhưng khi nói về yêu đương thì luôn tỏ ra vẻ đầy kinh nghiệm. Thời còn học trung học, Hương từng làm quân sư quạt mo cho khối đứa mơ mộng và chúng nó cũng răm rắp nghe lời Hương. Chả hiểu những mối tình ấy rồi sẽ đi tới đâu. Nhưng mỗi lần nhớ tới cái trò cặp đôi, ghép tên nhỏ này với tên gã nọ, Lam vẫn thấy tức cười. Cái thưở hồn nhiên vụng dại ấy mới đây thôi, sao cô thấy như ở hồi nào xa lắc.

Giọng Hương thì thầm:

- Hề! Nhìn kìa.

Lam tò mò nhìn theo ánh mắt của Hương và giật bắn người khi thấy cô gái Lam từng gặp đi với ông Lộc trong Coop Mart.

Hương lại khẽ khàng nói:

- Gã bồ cũng khá bảnh trai phải không?

Lam cúi đầu nép sát vào người Hương, cô không gật cũng chả ừ hử gì nổi khi đã nhận ra gã bồ của cô ta là ai.

Cuộc đời đúng là khéo trêu ngươi. Lam mím môi nuốt tiếng rủa bất bình vào lòng rồi nhìn theo hai người. Họ ngồi khuất phía sau xe bán bò viên và hoàn toàn không thấy cô. Thế mà hay! Lam cố gắng bình tâm trở lại bằng cách bưng ly sữa đậu nành lên uống một hơi.

Thái độ... háo uống của cô làm Hương ngạc nhiên, con bé rất nhạy cảm nên hỏi ngay:

- Chuyện gì?

Lam ậm ự:

- Tao khát!

Vừa lúc ấy gã bồ của cô gái chợt đứng dậy đi tới xe bột chiên. Lam vội vàng thụp đầu xuống nép vào người Hương lần nữa. Hương ngỡ ngàng một chút nhưng vốn thông minh, cô bé ngồi thẳng lên che khuất Lam.

Đợi gã đàn ông ấy trở về bàn của mình, Hương tò mò:

- Mày quen tên này à?

Lam rầu rĩ gật đầu. Hương trợn mắt:

- Đừng nói với tao đó là chú Kiên nhé!

Lam thở dài:

- Nếu là chú Kiên chắc đỡ khổ hơn. Tao không ngờ anh Phi lại vây vào ả hồ ly này.

Hương kêu lên:

- Anh mày hả? Không lẽ nào...

Lam lại uống sữa nữa. Cô dằn cái ly xuống bàn, giọng cau có:

- Sự thật rành rành ra đó, còn chẳng với lẻ gì nữa. Hừm! Lần nào đi với mày cũng đụng con nhỏ đó. Tao sắp gặp xúi quẩy nữa rồi. Không ngờ con ông khờ này lại quen dân chơi. Tao gánh hổng nổi chuyện kinh dị này đâu.

Hương thản nhiên:

- Cứ xem như không thấy không nghe không biết gì ráo. Có sao đâu?

Lam nhấp nhổm trên ghế:

- Không được! Trời ơi! Gia đình dì Thư sắp nổ tung vì con nhỏ này rồi! Tao phải làm sao đây?

Hương bật cười:

- Mày khéo quan trọng hóa vấn đề.

Lam lắc đầu:

- Tao sợ không đơn giản như vậy. Mày đã nói họ là một cặp xứng đôi, ai cũng khen kia mà! Nhưng tại sao anh Phi lại quen cô ta nhỉ. Bộ trên đời này hết con gái rồi à?

Hương làm thinh. một lát sau con bé bắt đầu đoán già, đoán non.

- Cũng có thể con nhỏ là dân đàng hoàng. Lão trong siêu thị là anh, dẫn em gái đi sắm sửa thì sao?

Lam chậc lưỡi:

- Giả thuyết của mày trật lất.

- Sao mày biết trật? Hay là mày quen cả lão đó?

Lam khổ sở:

- Ông ta là dượng tao, là ba của anh Phi đó.

Mặt Hương ngớ ra mất mấy giây. Con bé kêu lên:

- Vậy là to chuyện thật rồi. Mày gánh không nổi đâu. Phải nói với người lớn thôi. Nhưng đã có ai biết dượng mày... chưa?

Khuấy khuấy cái muỗng trong ly, Lam nói:

- Tao có kể với chú Kiên. Chú ấy bảo phải giấu, vì dì Thư bị đau tim. Chậc! Đúng là loạn tới. Tao phải về, không thì phiền phức lắm.

Hương nhún vai đứng dậy trước. Con bé tính tiền rồi khoác vai Lam đi trở ngược ra đường lớn.

Lam thở than:

- Tao sợ về ngôi nhà ấy quá.

Hương cười cười:

- Dù sao trong đó cũng là chú Kiên mà!

- Còn chú ấy thì sao? Tao bỗng thấy lời mẹ dặn phải tránh xa chú Kiên là đúng. Đàn ông dễ sợ lắm!

- Mốc xì! Nếu họ dễ sợ thì hai cha con ông dượng mày đâu rơi vào lưới của con yêu tinh đó. Tại si tình nên mày mới đặt đối tượng vào một vòng ảo tưởng rằng... chàng rất dễ sợ, rằng... chàng rất đa tình, coi đàn bà như trò đùa. Chớ thật ra chàng cũng tầm thường như mọi gã khác.

Lam lầu bầu:

- Nói như mầy thì cuộc đời chả có gì đáng mơ mộng hết.

- Mơ mộng nhiều thì chết sớm con ạ! Nên thực tế đối mặt với những chuyện lộn xộn sẽ tới trong tương lai. Đi đêm có ngày gặp ma. Mày thử nghĩ nếu dượng mày và anh Phi đụng nhau cái rầm tại nhà con bồ hồ li đó, thì sao nào?

Lam rùn vai:

- Họ làm họ chịu, chả ảnh hưởng tới tao.

Hương lách chách:

- Thế còn dì Thư?

Lam gắt:

- Mày đừng hỏi dồn tao vào thế bí nữa. Nếu như lần đói tao không đi siêu thị, lần này không đi ăn hàng thì tao đâu khổ như vầy.

Hương cười hìhì:

- Xem ra mày vẫn còn lương tâm. Tối nay về suy nghĩ cách giải quyết đi. Nếu không xong, tao sẽ nghĩ phụ cho.

Tới nhà, Lam dắt xe đạp ra và phát hiện bánh xe xẹp lép. Cô giậm chân than xui trước sự hí hửng của Hương.

Con bé xoa tay vào nhau:

- Họa vô đơn chí, nhưng phước bất trùng lai. Cứ để xe ở đây, anh Long sẽ chở mày về.

Lam lắc đầu rối rít:

- Thôi, thôi. Tao đang muốn được yên thân đấy.

Khoanh tay đầy khiêu khích, Hương nói:

- Lòng mày trong sáng như sao Khuê, sao lại sợ anh tao nhi?

- Tao đâu có sợ anh mày.

- Vậy thì sợ dì Thư. Nè! Đây là cơ hội cho mày làm một cuộc cách mạng tự giải phóng mình. Cứ để anh Long đưa mày về xem phản ứng ở nhà thế nào. Sau đó từ từ mình xông lên.

Thấy Lam ngần ngừ, Hương đế thêm:

- Học đại học, chả lẽ không được có bạn là con trai?

Lam bị thuyết phục bởi lý lẽ của Hương. Dẫu biết còn nhiều điểm chưa ổn, nhưng sao không “thử một lần rồi xem”?

Cô quanh co:

- Chỉ sợ phiền anh Long, để tao dắt xe đi vá rồi đạp xe về cho xong.

- Chỗ vá xe cách đây cả cây số, mày dắt ra tới đó còn phải chờ đợi. Chà! Coi bộ chăm dữ.

Lam thở dài:

- Thôi thì tùy ý mày, tao oải lắm rồi.

Hương cười, con bé chạy nhanh vào nhà. Chưa đầy một phút đã nắm tay kéo Long ra.

Giọng Hương hí hửng:

- Giao Lam cho anh, phải đi đến nơi về đến chốn nhanh nhanh nha.

Long đẩy chiếc Citi ra:

- Em nói nhiều quá Hương ạ!

Lam dè dặt ngồi cách Long một khoảng. Hương lại lách chách cái mồm:

- Xời ơi! Ngồi như vậy thế nào cũng té, xích vào một chút cho an toàn và thân thiện coi nào.

Lam trợn mắt nhìn Hương, ngày mai con nhỏ sẽ biết tay cô. Còn bây giờ thì lo ngồi thế nào thật an toàn mà không văng ra khi xe chạy nhanh.

Nhưng Long không cho xe chạy nhanh. Anh chàng cứ tà tà như đang chở bồ đi hóng gió nhưng chẳng nói lời nào làm Lam thấy ngại. Đi hơn nửa đường về, cô mới khó khăn lên tiếng trước:

- Chắc lúc nãy anh Long đang đọc sách?

- Ờ...

- Xin lỗi đã làm phiền anh.

- Làm gì có! Sách lúc nào đọc chẳng được. Nhưng đưa Lam về thì phải gặp cơ hội đấy.

Lam cười thầm. Hừ! Anh chàng cũng mồm mép lắm!

Long hơi nghiêng đầu ra sau:

- Dường như Lam ít đi chơi?

- Vâng! Em vào đây để học mà.

- Học không chơi giết mòn tuổi trẻ đấy. Anh nghe Hương nói dì em rất khó, ngoài việc đến trường ra không cho em đi đâu hết, đúng chứ?

Lam ngập ngừng:

- Với em thành phố này còn xa lạ lắm. Dì Thư không cho em đi lung tung cũng có lý do.

Long cười khẽ:

- Anh chở em về nhà có bị rầy không đây?

Lam cắn môi:

- Em chả biết nữa, tốt nhất anh cho em xuống ở đầu đường.

- Ai lại thế! Anh phải đưa em vào tận nhà, gặp cả dì em nghe dì em rầy mới về.

Lam giẫy nẫy:

- Không được đâu.

Long thản nhiên:

- Sao lại không? Đã có gan làm một cuộc đột phá thì phải làm tới nơi tới chốn. Bỏ giữa chừng không đủ can đảm lập lại lần thứ hai đâu.

Lam hoang mang vì những lời của Long. Anh em nhỏ Hương sao có ý giống nhau thế. Họ chỉ xúi người ta nổi loạn. Nghĩ tới bộ mặt hầm hầm của dì Thư, bộ tịch nghiêm nghị đầy giả dối của dượng Lộc cô bỗng thấy lo.

Cô biết nếu để Long đưa cô về tận nhà là mạo hiểm, là đùa với lửa. Lẽ ra không nên bốc vì một lời khiêu khích của nhỏ Hương. Bây giờ lỡ lên lưng cọp rồi, leo xuống không dễ đâu.

Lam nói:

- Gần tới nhà rồi, anh cho em xuống đi.

Long tự tin khoe:

- Từ hồi học phổ thông tới giờ, tụi bạn vẫn thường nhờ anh tới nhà xin cho tụi nó đi chơi, hoặc xin cho nó về trễ mà không bị rầy. Anh chưa lần nào thất bại, anh hy vọng lần này cũng thế. Tin anh đi, rồi sẽ ổn cả thôi.

Lam kêu lên khi thấy Long đã chạy qua khỏi nhà. Cô nhảy xuống khi anh dừng xe lại. Vừa bấm một hồi chuông cô đã nghe mở cửa y như có người chờ sẵn bên trong.

Mai thò đầu ra, mắt trợn tròn khi thấy Long, cô ta thì thầm vào tai Lam:

- Trong nhà đang có chiến tranh lạnh. Em định bổ sung lực lượng à.

Lam lo lắng:

- Dì Thư đâu?

- Đang đợi em ở phòng khách đấy!

- Sao dì biết em về mà đợi?

Mai liếc vội Long rồi nói nhỏ:

- Vừa rồi bạn em có điện cho biết anh nó đang chở em về. Thôi vào đi.

Long điềm đạm bước theo sau Lam. Cô nghe giọng mình lạ hoắc:

- Thưa dì, con mới về.

Ừ một tiếng lạnh tanh, bà Thư nhìn kỹ Long rồi cộc lốc hỏi:

- Ai vậy?

Lam lí nhí:

- Dạ! Anh Long của Ngọc Hương.

- Con nhỏ có tới đây một vài lần đấy phải không?

- Dạ phải.

Sửa lại gọng kính, Long hơi mỉm cười khi gật đầu chào bà Thư. Anh chàng nói một hơi:

- Xe của Lam bị hư, sợ sửa xong thì trời sẽ quá tối về nhà không tiện. Nên ông ngoại bảo cháu đưa Lam về tới tận nhà và thưa rõ với dì, mong dì không rầy cô bé.

Bà Thư có vẻ hài lòng vì thái độ nhã nhặn giọng nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ của Long. Hơi nhếch môi một chút bà bảo Long:

- Dì phải rầy nó chứ. Đi mượn vở mà phiền cháu phải đưa về, sao không đi xích lô cho tiện.

Long nói như thật:

- Lam cũng định thế, nhưng đường xá không rành, em cháu sợ Lam bị chở đi bán nên... nên...

Bà Thư chép miệng:

- Từng tuổi này mà còn khờ ơi là khờ. Đi học về là rúc vào phòng nên có biết đường biết lối gì đâu. Thật mất công cháu quá.

Nhìn Long một lần nữa như để đánh giá, bà Thư ra lệnh:

- Cháu ngồi xuống đi! À! Cháu sống với ông bà ngoại à?

Long tự nhiên ngồi đối diện với bà Thư. Anh chàng lễ phép thưa:

- Dạ cháu sống với ba mẹ nhưng hầu như ngày nào cũng về thăm ngoại, nếu không ông bà không vui.

Bà Thư gật đầu:

- Con trai mà thích gần gũi ông bà đúng là ít thấy. Thế ba má cháu làm việc ở đâu?

Long cười với Lam trước khi trả lời:

- Mẹ cháu làm trong ngân hàng Nam Á, ba cháu làm ở công ty Thiên Hà.

Bà Thư nhíu mày:

- Công ty Thiên Hà hả? Ai vậy kìa?

Long nói:

- Dạ ba cháu tên Thuận

- A! Ông phó giám đốc. Thì ra cũng là người quen.

- Dì biết ba cháu à?

Bà Thư vui hẳn lên:

- Dì có biết, nhưng quen thân thì phải kể tới dượng Lộc của con bé Lam. Hai người có nhiều hợp đồng mua bán chung lắm đó! Thế mẹ cháu làm ở bộ phận nào trong ngân hàng.

Lam mệt mỏi nghe Long trả lời và nghe bà Thư hỏi hàng lô hàng lốc những câu hỏi khác. Cô không ngờ anh chàng cận chịu khó nói chuyện đến thế. Anh ta dẫn dì Thư từ ngân hàng này tới công ty tránh nhiệm hữu hạn nọ bằng những lời hết sức bùi tai, y như anh ta là một chuyên gia kinh tế đang bình luận về thị trường đối nội, đối ngoại đủ thứ.

Cô phải nháy mắt ra dấu đến lần thứ ba, Long mới đan hai tay vào nhau lễ phép đứng dậy xin về kẻo ở nhà ba mẹ trông.

Bà Thư phấn khởi nói:

- Thỉnh thoảng cháu tới đây chơi với Lam. Nếu rảnh đưa nó đi đây đi đó giùm dì cho biết. Nhớ đấy.

Mắt Long lấp lánh sau tròng kính:

- Dạ, cháu nhớ ạ!

Lam đưa Long ra cổng. Anh ngập ngừng khổ sở:

- Lúc nãy anh đành, mượn lệnh ông ngoại để dì Thư không rầy em. Đừng cho là anh nói láo, tội nghiệp anh lắm.

Lam gượng gạo:

- Em cám ơn anh thì có. Cũng tại em nên anh mới nói thế.

Long im lặng nhìn Lam rồi trầm giọng:

- Ngủ ngon, anh về nha.

Lam lập lại như máy:

- Vâng! Anh về và ngủ ngon.

Trở vào nhà Lam chuẩn bị tinh thần nghe dì Thư mắng, nhưng thay vì hầm hừ, bà bổng rất dịu dàng phán:

- Thằng bé dễ thương đấy chứ! Quen với con nhà đàng hoàng, gia đình bề thế như vậy dì không cấm. Nhưng là con gái, phải biết làm cao và phải biết để lý trí làm chủ trái tim. Dù có thích cách mấy cũng luôn tỏ vẻ hờ hững con trai mới chết mê, chết mệt.

Khi Lam còn ngơ ngác vì những lời dạy bảo bất ngờ này, bà Thư lại nói tiếp:

- Như chị Trâm Anh đấy, dì huấn luyện mãi rồi cũng được. Nó biết kiềm chế tình cảm để chọn một người chồng xứng đáng. Con thấy đó Trâm Anh đã quên thằng Thắng và đang quen Sơn giám đốc công ty Kim Hải, chỗ làm ăn với dì dượng. Thời gian qua Trâm Anh có buồn, có quậy đôi chút, nhưng đâu cũng vào đó, sau này nó sẽ không khổ vì nghèo, đời bây giờ có tiền là có tất cả con ạ!

Chớp mắt mấy cái bà Thư hạ giọng:

- Dì đã bàn với mẹ mày rồi. Học hành là một chuyện, nhưng kiếm được tấm chồng giàu có, địa vị vẫn hơn mười cái bằng đại học. Dì sẽ lo tương lai cho con, ở thành phố này dì dượng quen biết nhiều sợ gì kiếm không ra người đúng tiêu chuẩn. Long là một ứng cử viên sáng giá, dì cho phép nó lui tới nhà mình và trò chuyện ở đây với cả dì dượng nữa!

Lam chán chường đính chính:

- Nhưng con và Long đâu có gì.

Bà Thư ngắt lời:

- Rồi sẽ có, nó để ý nên mới chở con về đó ngốc ạ! Thôi vào ăn cơm đi.

Vươn vai đứng dậy, bà nhìn đồng hồ trên tường rồi hậm hực:

- Thằng Phi đâu vậy kìa, dạo này nó lộng hành quá, dì phải siết nó lại mới được.

Lam lặng lẽ rút về phòng. Đĩa bột chiên và ly sữa đậu nành vẫn làm cô no ngang, còn những lời bà Thư thì lại khiến cô khó thở.

Từ trước đến giờ, có khi nào dì thả lỏng anh Phi đâu, nhưng siết chặt con cái kiểu của dì Thư quả không đúng cách. Anh Phi đã đột phá, đúng như từ của Long dùng và dì dượng Thư sẽ không siết anh lại được như đang nghĩ. Trái lại hai người phải đương đầu với một sự thật khủng khiếp. Dượng Lộc và anh Phi sẽ ra sao khi là tình địch của nhau nhi?

Lăn một vòng trên giường, Lam cố nhắm mắt không nhớ tới những điều đáng sợ trên bằng cách nghĩ đến Long.

Dì Thư có cảm tình với anh chàng cũng phải. Thường người ta dễ xiêu lòng trước một gương mặt sáng sủa đeo kính trắng cùng những lời lễ phép ngọt ngào. Long hội đủ cả hai điều kiện để người khác tin mình. Anh đã cứu nguy, đã mở hộ cô một cánh cửa để có thể nhìn ra ngoài, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Lam muốn. Cô không thích bị đặt để, song vừa rồi cả Long lẫn dì Thư đều cố tình đưa cô vào thế bị động.

Với dì Thư thì có mục đích cụ thể. Còn với Long anh chàng muốn gì? Chả lẽ anh Long thích cô thật.

Tim Lam bỗng đập mạnh. Nhìn bên ngoài, Long là một anh chàng bô trai, có dáng vẻ công tử lịch sự, sang trọng. Nếu so sánh Long và chú Kiên thì hai người khác nhau một trời một vực, dù chú ấy cũng đẹp không kém. Nhưng sao lại lôi chú Kiên vào đây chứ. Mình đã bảo sẽ không nghĩ tới chú ấy nữa mà! Thế còn chuyện anh Phi, mình phải nói với ai đây ngoài chú ấy.

Bước xuống giường rồi lại rút chân lên Lam co ro ngồi giữa mền gối và thấy sao mình đơn độc lẻ loi quá. Cô không thể yên lặng, không biết không nghe, cũng không giải quyết được chuyện lăng nhăng của dượng Lộc và anh Phi. Nhưng nếu nói với chú Kiên, liệu chú ấy sẽ làm gì hay sẽ đứng khoanh tay nhìn bằng tất cả sự hả hê.

Ôi! Người đời sao khó hiểu quá! Lam ngã lăn ra giường và tự ru mình bằng ánh mắt ấm áp, giọng nói trầm trầm của Long. Cô có thể ngủ ngon như lời anh chú không nhỉ?

Chương 9

Đang lim dim mắt, Lam nghe gõ cửa. Cô bước ra và đụng phải nụ cười quyến rủ của Kiên. Anh thì thầm:

- 12 giờ có đá vòng loại World Cup. Tôi sẽ gọi em nhé?

Lam ngần ngừ và gật đầu. Cô phải nói với Kiên chuyện của mình chứng kiến hồi chiều rồi sau này sẽ không sang phòng chú ấy nữa. Còn bây giờ có lẽ nên ngủ ngon, và tránh mọi suy nghĩ là tốt nhất.

Kiên im lặng rít thuốc trước ánh mắt chờ đợi của Lam. Thấy anh không nói lời nào, cô vồn vã giục:

- Chú nói đi, mình sẽ làm gì đây để anh Phi và dượng Lộc không phải ngỡ ngàng, đau khổ?

Mắt dán lên màn hình, Kiên có vẻ khó chịu:

- Tôi mời em sang để xem đánh banh chứ đâu phải để nghe rồi giải quyết chuyện tình cảm của người khác.

Thái độ của anh làm Lam hụt hẫng, cô giận dỗi giậm chân:

- Nhưng họ là người thân của chú mà.

Kiên lầm lì:

- Thân cỡ nào tôi cũng không giải quyết được việc này. Họ phải lãnh hậu quả của chính mình thôi!

Lam nhăn mặt:

- Sao chú có thể dửng dưng như vậy chứ? Chú không tội nghiệp anh Phi à?

Kiên quay sang nhìn Lam, môi anh nhếch lên đầy mỉa mai:

- Đàn ông khác phụ nữ ở điểm không xen vào chuyện của người khác, nhất là chuyện tình cảm. Trước đây tôi đã sai lầm một lần, với tôi không có lần thứ hai đâu. Em còn quá bé để hiểu đời. Thử nghỉ đi, Phi và anh Lộc sẽ đối xử với em thế nào khi em nói với họ rằng: “Hai cha con dượng đều yêu một người” em phải hình dung sự việc đã ở mức độ đó để thấy vấn đề không đơn giản. Vì thể diện họ sẵn sàng chối phăng, và người lãnh hậu quả sẽ là em.

Lam bẻ những ngón tay, giọng ray rứt:

- Chẳng lẽ vì vậy mà chúng ta cứ để mặc cha con anh Phi?

Kiên ậm ừ:

- Dĩ nhiên là có cách, nhưng bây giờ không phải lúc để bàn. Xem đi!

Lam lắc đầu đứng dậy:

- Thôi để cháu về.

- Lại giận tôi à!

- Đâu có.

- Vậy thì ngồi xuống đây.

Vừa nói Kiên vừa nắm tay Lam kéo lại khi cô bước ngang cái ghế bạt anh đang ngồi. Vì bất ngờ nên Lam chúi nhủi trước sức kéo mạnh của Kiên, cô té vào anh. Cả hai ngã dài ra cái ghế bạt, Lam bủn rủn tay chân trước sự va chạm này. Cô nhắm mắt lại khi thấy mặt mình úp vào lòng ngực rộng của Kiên. Lam vùng ra nhưng không được vì tay Kiên ôm vòng ngang eo cô và cứ giữ như thế thật chặt.

Khi cô còn đang tìm cách ngồi dậy thì cửa phòng vụt mở, giọng bà Thư the thé vang lên:

- Chúng mày làm trò đốn mạt gì thế?

Lam ớn lạnh cả xương sống, có lẽ Kiên cũng cùng cảm giác như cô. Anh đỡ Lam ngồi dậy rồi bối rối nạt át lại:

- Sao chị vào phòng tôi mà không gõ cửa?

Bà Thư sấn sả bước tới:

- Hừm! Gõ cửa thì làm sao thấy cảnh vừa rồi. Đúng là khốn nạn.

Kéo Lam ra, bà tát cô một bạt tai rồi nghiến răng mắng:

- Tao không ngờ mới ngần ấy tuổi mà mày đã biết mò sang phòng đàn ông. Thật là nhục nhã cho tao và xấu hổ cho cha mẹ mày. Ngày mai mày về Nha Trang ngay, tao không chứa thứ như vầy trong nhà nữa.

Lam ôm mặt khóc òa:

- Cháu không có.

Kiên vội vã nói:

- Chúng tôi không đốn mạt như chị tưởng đâu. Lam sang đây để xem đá banh.

Bà Thư cay cú ngắt lời anh:

- Xem đá banh à? Chúng bay tưởng tao là trẻ con chắc.

Vừa lúc đó ông Trường, ông Lộc, Trâm Anh, và Phi ngơ ngác chạy tới.

Ông Trường gắt:

- Chuyện gì mà ồn ào dữ vậy?

Bà Thư lu loa:

- Ba xử giùm con đi, đêm hôm khuya khoắt mà chú Kiên lại dụ dỗ con Lam vào phòng mình coi đá banh. Hừ! Thật ra chú ấy định... định làm bậy nó. Nếu vừa rồi con không nghe Lam kêu để chạy vào đây thì chắc chú ấy đã... đã phá đời con nhỏ rồi.

Kiên giận tái mặt vì những lời vu khống trắng trợn của bà Thư, anh gầm lên:

- Chị nói thế là sỉ nhục tôi lẫn Lam. Chúng tôi hoàn toàn trong sáng.

Ông Lộc chêm vào:

- Đêm hôm khuya khoắt trai gái chung phòng mà trong sáng. Mày làm thế này vợ chồng tao không biết ăn nói thế nào với ba mẹ con Lam đây. Đúng là đồi bại!

Nước mắt lưng tròng nhưng Lam cũng phẫn nộ không kém vì những lời của bà Thư. Cô không hiểu dì ấy cố ý nói thế để làm gì.

Lam rất hiểu Kiên, lúc nãy anh chỉ đùa thôi dù đùa như thế là quá đáng, nhưng chắc hẳn anh không có ý định xấu như dì Thư gán ghép. Dì Thư muốn mượn cô để hầu hạ nhục chú Kiên sao? Nếu thế khác nào dì cũng làm nhục luôn cả cháu gái của mình.

Dù vì còn choáng váng vì cái tát nảy lửa Lam vẫn lên tiếng:

- Chú Kiên không có ý xấu đó.

Ông Lộc cười nhạt:

- Vậy chả lẽ cả hai đồng cảm?

Bà Thư hằn học:

- Không biết xấu hổ sao mà còn ong óng cái mồm. Tao thật thất vọng về mày, rồi đây tai tiếng tùm lum, ai dám đến với mình nữa.

- Con đã nói không có gì mà. Con và chú Kiên chỉ xem đá banh, ngoài ra...

Bà Thư quắt mắt:

- Im ngay! Í là tao tận mắt chứng kiến chúng mày nằm với nhau, mà còn chối bai bải. Hứ! Từ giờ trở đi tao không thể tin mày được nữa.

Bức bối đứng không yên, Kiên vung tay quát:

- Nếu muốn nhắm vào tôi mà chị lôi Lam vào cuộc thì tồi lắm. Cô bé ngây thơ ấy chả có tội gì để phải nghe những lời bẩn thỉu của chị như vầy. Anh chị muốn tôi đi khỏi nơi đây thì cứ nói thẳng ra, đâu cần phải làm rùm beng để ảnh hưởng xấu đến Lam.

Bà Thư đỏ mặt tía tai:

- Tôi dạy cháu tôi, không liên quan đến việc đi hay ở của chú. Hứ! Lúc nào mở miệng chú cũng làm như mình chín chắn lắm. Nếu chú thật đàng hoàng thì đâu có chuyện bầy hầy này.

Nãy giờ im lặng, ông Trường bỗng lên tiếng:

- Chính con bé Lam cũng thừa nhận chúng nó chỉ coi đá banh, sao mẹ thằng Phi cứ cố buộc chúng vào chuyện trai gái bậy bạ nhi?

Nghe thế, bà Thư nhảy đổng lên:

- Ba nói thế nghĩa là con vu oan cho thằng Kiên à?

Kéo Lam ra, bà hét to:

- Mày phải thành thật, khi tao bước vào chúng bay đang làm gì?

Mặt Lam đỏ lựng rồi tái mét, chưa bao giờ cô nhục nhã như vậy. Nếu im lặng, hoặc chối biến thì được phần mình nhưng dì Thư sẽ mang tiếng với bố chồng, trong khi lỗi này không phải do dì.

Lúc Lam cúi gằm đầu thì Kiên lên tiếng:

- Tất cả là do tôi... tôi...

Kiên chưa biết nói sao để không xúc phạm tới cô, thì Lam ôm mặt tức tưởi:

- Không phải! Tại con không ý tứ, ngồi chung ghế với chú Kiên.

Dứt lời cô cắm đầu chạy ra khỏi phòng. Bà Thư liếc Kiên một cái thật sắc như con dao rồi ra lệnh:

- Trâm Anh vào ngủ với nó.

Rồi bà nhìn ông Trường giọng đắc ý:

- Ba thấy đó! Con đâu có nói láo.

Ông Trường tức tối nạt:

- Hừ! Mày là người lớn nhưng chỉ muốn được phần mình không cần biết em, cháu trân mình chịu nhục sao. Tình cảm là chuyện riêng tư nhưng rất thiêng liêng. Vợ chồng bay cố ý gài thằng Kiên vào để tống nó khỏi đây chứ gì? Hừm! Đây là nhà tao, tụi bay chỉ ở nhờ, mà luôn gây rắc rối, bực bội cho tao. Hừ! Cút khỏi đây hết đi.

Ông Lộc chống nạng nói lớn:

- Ba đừng hòng đuổi con khỏi đây. Ngôi nhà này của ông nội để lại cho con cháu đích tôn, chớ đâu phải cho thứ con ngoài giá thú. Người phải cút khỏi đây không thể là con được.

Kiên nóng nảy:

- Anh không cần nói nữa. Tôi sẽ rời khỏi đây cho vừa lòng anh.

Bà Thư mát mẻ:

- Đừng nói vậy tội nghiệp anh Lộc. Chú cũng là con của ba mà. Người phải đi là con Lam kìa.

Dứt lời bà Thư te te ra khỏi phòng, ông Lộc dằn gót theo sau. Kiên ngồi phịch xuống giường đầu óc rỗng không.

Ông Trường dịu giọng:

- Con thích Lam lắm à?

Bất ngờ vì câu hỏi này, Kiên ấp úng:

- Đâu có...

- Vậy tại sao nó lại sang phòng con?

- Tụi con xem đá banh thật mà.

Ông Trường nhướng mày:

- Lam còn bé nên không nghĩ sâu xa. Lẽ nào con cũng trẻ người non dạ như nó để xảy ra chuyện chả hay ho gì như vậy?

Kiên nhún vai:

- Tụi con coi chung bao nhiêu trận rồi và chả hề có chút suy nghĩ đen tối nào hết. Hừ! Tất cả là do chị Thư hét lên khi thấy tụi con ngồi chung trên cái ghế bạt Liên Xô này.

- Suy cho cùng con đã tự buộc mình. Mẹ thằng Phi rất chua ngoa. Nó chưa bỏ qua chuyện này đâu.

Kiên bực mình đốt thuốc, ba anh nói đúng. Lẽ ra anh phải ý tứ, giữ gìn tư cách hơn để xóa đi ấn tượng xấu mà vợ chồng ông Lộc vẫn ghìm trong lòng lâu nay, thì anh lại dễ dãi đến mức hời hợt, mời Lam vào phòng mình xem đá banh.

Dù đó là sự thật, nhưng khó có ai chịu tin. Nhớ tới thái độ đùa cợt của mình với Lam, Kiên hết sức xấu hổ... Tại sao khi cô bé té vào lòng, anh lại vờ lăn ra ghế bạt, và kéo theo cô rồi ôm chặt cứng không chịu buông chứ? Nếu bà Thư không xuất hiện bất ngờ, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Kiên đứng dậy đi tới đi lui trong phòng. Anh không thể dối lòng bảo không xúc động khi ôm Lam trong tay, khi mặt cô tựa lên ngực anh, cả tấm thân mềm mại non nớt ngã hẳn lên người anh... Lúc ấy Kiên chỉ muốn cắn đôi môi đang bậm lại vì giận của Lam một cái rồi ra sao thì ra.

Thật tình mà nói Kiên cũng chả đàng hoàng gì với cái ý muốn cắn, cái hành động vờ tì để ôm. Chỉ tội nghiệp Lam. Ắt hẳn cô bé bị một cú sốc mạnh cô bé chưa hoàn hồn vì trò đùa đáng trách của anh, đã bị bà Thư bắt mất mấy phần vía còn lại. Đã vậy còn lãnh một cái tát nhoáng lửa. Tất cả cũng tại Kiên mà ra. Nhưng vừa rồi anh không biết đính chính thế nào để đừng tổn thương đến Lam.

Kiên đâu thể nói anh đang đùa, cũng không thể bảo anh yêu nên mới làm thế. Trong tình huống đã qua, Kiên không thể hiện được bản lãnh của một gã đàn ông. Điều này thật nhục nhã khi anh luôn tự cho rằng mình là người từng trải.

Lúc Kiên còn day rứt với những việc vừa qua thì ông Trường chợt lên tiếng:

- Lâu nay con muốn làm gì tùy ý ba không hề có ý kiến, nhưng ba thấy đã tới lúc con ngưng những trò chơi của mình lại, để có một sự nghiệp riêng của người đàn ông rồi đấy. Cái tiệm chụp hình bé tẹo con hùn hạp với thiên hạ không phải là sự nghiệp đâu.

Kiên ngạc nhiên:

- Sao ba biết con có tiệm chụp hình?

Ông Trường nhẹ nhàng bảo:

- Nếu không biết, ba đâu phải là ba con nữa. Dù không ngăn con bỏ thú đam mê của mình, nhưng ba rất muốn con về phụ việc cho công ty.

Kiên lạnh lùng:

- Con không muốn đối đầu với anh Lộc từ nhà ra tới nơi làm việc. Ngay chuyện con ở đây anh đã ghét, huống hồ chi vào làm ở công ty.

Ông Tran trầm ngâm:

- Ba chỉ có hai thằng con trai. Thằng Lộc đã có cơ ngơi, nhưng nói thật ba không tin tưởng nó.

Im lặng một chút để suy nghĩ, ông Trường nói tiếp:

- Lộc là một đứa tham lam, ham làm giầu và bất chấp thủ đoạn. Dĩ nhiên làm giầu không phải xấu nhưng như nó thì thái quá. Nó có nhà, nhưng mượn cớ chuyện rùm beng của Trâm Anh để về đây ở, rồi nhà đó cho mướn. Đó là cách ham tiền của kẻ bần tiện, nhỏ nhen. Vợ chồng nó từ lâu đã muốn nuốt chửng ngôi nhà cũ kỷ này. Bởi vậy tiền của ba đầy trong ngân hàng nhưng tao nhất định không tu sửa gì hết. Ba không đuổi nó được, cũng không cho nó sống tiện nghi.

Thở dài, ông buồn bã:

- Nói ra con sẽ nghĩ sao ba tính toán với cả con cái, nhưng thằng Lộc đâu có xem ba là cha nó, nhưng lại xem những của cải, tiền bạc địa vị ba làm ra là của mỗi mình nó. Đó có phải ngược đời không?

Kiên làm thinh nghe ông thở than:

- Nó sẽ làm tiêu tan cơ nghiệp mấy chục năm của ba mất.

Anh buột miệng:

- Ba nghĩ thế chứ, theo đánh giá của nhiều người thì anh Lộc là người có năng lực đấy!

Ông Trường tươi ngay nét mặt:

- Thì ra con không thờ ơ như lâu nay ba vẫn tưởng.

Kiên gượng cười:

- Con chỉ tình cờ nghe thôi.

- Tình cờ nghe và nhớ cũng là tốt rồi. Ba đã gần đất xa trời, ba muốn thấy con thành công hơn Lộc.

Kiên nhếch môi:

- Con không có tham vọng hơn anh ấy.

Ông Trường nhấn mạnh:

- Nhưng ba lại có tham vọng đó. Cách đây một tuần ba đã thế chấp ngôi nhà này để có thêm tiền đầu tư vào một công ty du lịch đang cần hùn hạp. Mọi việc đã ổn thỏa. Ba bỏ ra ba phần tư vốn nên đương nhiên là giám đốc. Hừ! Chức vụ nghe oai đấy, nhưng già rồi chả biết có làm được gì không, hay phá sản vì không ai cố vấn.

Kiên kinh ngạc:

- Ba nói thật đấy chứ?

- Chuyện làm ăn đâu thể đùa được. Hiện giờ ba có trong tay vài cái xe cá mập, vài xe 50 chỗ ngồi đời mới đủ chở khách du lịch đi toàn quốc. Dường như con từng làm hướng dẫn viên du lịch. Nếu rảnh về phụ ba đi vài tours với khách. Chắc việc này con có hứng thú mà! Vừa đi chơi, vừa chụp hình đúng là nhất cử lưởng tiện.

Kiên xúc động nhìn ông. Thì ra lâu nay ba vẫn theo dõi từng bước đi của anh. Ông đầu tư vào du lịch vì biết đây là lãnh vực phù hợp với sở thích của anh. Ở lãnh vực này Kiên không đối đầu với ông Lộc, cũng không bị ảnh hưởng bởi ông anh hắc ám lúc nào cũng sẵn sàng dìm em xuống tận đáy sông sâu.

Ba anh quả là phiêu lưu khi có ý giao cho anh công việc lớn anh chưa từng làm bao giờ. Qua cách ông nói thì mọi việc như dễ dàng lắm, nhưng điều hành một công ty và muốn nó phát triển đâu phải đơn giản.

Kiên xót xa nhìn mái đầu bạn trắng của ông. Ba anh thật sự già rồi, đủ kinh nghiệm cỡ nào, ông cũng khó lòng quản lý tốt một cơ nghiệp mới gầy dựng, nếu không có người thân phụ giúp. Lần này ba đã cố tình trói chân anh với công ty anh Lộc đang làm giám đốc, nhưng nếu Kiên nhận lời với ba, có nghĩa anh đã khiêu chiến với anh trai mình. Sự thật là như vậy, Kiên chỉ có tiến chớ không lùi được nữa.

Anh trả lời theo thói quen rào đón của mình:

- Con sẽ suy nghĩ rồi trả lời ba sau. Nhưng có lẽ con không ở đây nữa. Điều đó tốt cho Lam.

Ông Trường ngắt lời:

- Nhưng lại đúng ý của vợ chồng thằng Lộc. Ba không muốn con đi.

Kiên thở dài chua chát:

- Ở chung nhà nhưng không thương yêu nhau càng tồi tệ hơn.

Ông Trường lắc đầu:

- Không có con, ba thấy trống vắng lắm.

Kiên chớp mắt. Anh quyết định thật nhanh:

- Rồi ba sẽ gặp con hàng ngày ở công ty mà!

Ông Trường xúc động:

- Thật chứ?

- Vâng! Con vốn thích đi đây đó. Làm ở công ty du lịch là đúng gu của lãng tử rồi.

Ông Trường thở ra khoan khoái:

- Tốt! Ba sẽ cho dọn một căn phòng để con vừa ở vừa làm việc.

Kiên nheo nheo mắt:

- Có cần coi ngày rồi mới đi làm không ba?

Ông Trường bật cười:

- Nếu con thích, ba sẽ bày một buổi chiêu đãi nhỏ nhưng thân mật và trân trọng.

Kiên lắc đầu:

- Tất cả đều là phù phiếm không hợp với con đâu. Với lại chúng ta cần phải thỏa thuận một số vấn đề.

Ông Trường nhíu mày:

- Vấn đề gì nữa?

Kiên cao giọng:

- Con làm việc cho ba và lãnh lương tháng.

Ông Trường xua tay:

- Con muốn sao cũng được, miễn có người phụ tá là ba an tâm rồi. Thôi coi đá banh tiếp đi.

Kiên như sực nhớ ra, anh nhìn lên màn hình vừa lúc trọng tài thổi còi kết thúc. Trận đá banh này ai thắng ai thua, Kiên không biết. Nhưng nó làm anh xốn xang khi nhớ tới Lam. Đêm nay ắt hẳn cô bé sẽ thút thít khóc và khó ngủ, nhất định sáng sớm mai Kiên sẽ gõ cửa phòng cô và nói lời xin lỗi thật chân tình và nghiêm túc.

Nguồn: http://vietmessenger.com/