Chương 5
Đại vứt quyển sách xuống bàn và bước ra ban công châm thuốc hút. Đây là điếu thứ tư trong ngày của anh. Hôm nay anh đã hút vượt chỉ tiêu ấn định. Nhưng nếu không hút thuốc, anh sẽ chịu đựng không nổi nhịp thời gian chậm chạp trôi qua.
Lúc chiều, Bích Đông đã gọi điện thoại cho anh hay tối nay Bạch Đàn sẽ không đến được vì bận việc nhà. Cô ta còn nhắc đi nhắc lại rằng Đàn sẽ dạy bù vào chủ nhật. Lời nhắn rành rọt trong tai nhưng từ sẩm tối tới giờ Đại vẫn cứ lóng ngóng trông chờ.
Gần chín giờ rồi, chắc chắn Bạch Đàn không tới nữa đâu. Giờ này "tiểu sư phụ yêu dấu" của anh đã ngủ rồi cũng nên...
Tự dưng Đại mỉm cười với cái từ hơi... kiếm hiệp anh đặt cho Bạch Đàn.
Hôm anh buột miệng gọi cô là "Tiểu sư phụ yêu dấu", Đàn đã nghiêm mặt chỉnh ngay. Cô bắt anh phải gọi mình là: "Đại sư phụ kính mến".
Anh đã vui vẻ đồng ý với lý do gọi như vậy tên "Đại" của anh lúc nào cũng đi kèm với "sư phụ". Lý do này khiến "Đại sư phụ" của anh lầm lì cau có suốt buổi học còn lại.
Đại biết anh dở khi để lộ tình cảm của mình với Đàn quá vội. Nhưng suy đi nghĩ lại, anh nhận thấy Bạch Đàn là cô gái anh quan tâm, lo lắng và... nhớ nhung nhiều nhất so với các cô gái anh từng quen.
Mười tám tuổi bước vào tù, anh chưa kịp yêu và chưa hề có mối tình nào ngoài chút nhớ nhơ ngu ngơ đến con bé "Mèo ướt" học lớp kế bên. Khi ra tù, anh chán đời, hận gia đình ở bên trời Tây chả ngó ngàng, oán bà cô ruột đoạn tình máu mủ, Đại đã lao vào con đường tội lỗi. Anh đã phạm pháp thật sự và sống vất vưởng với bọn gái điếm. Đến lúc bị bắt vì tội ăn cắp xe, Đại phải ngồi tù thêm bốn năm nữa, anh vẫn chưa biết yêu là gì. Những cô gái đến với Đại chỉ cho anh thú vui thân xác chớ chưa hề làm anh đau đớn, bồn chồn, khổ sở như khi anh nghĩ tới Bạch Đàn. Cô là bông hoa nhỏ dịu dàng, thanh khiết mà anh khát khao được nâng niu trong tay. Cô là giấc mơ. Cô gần nhưng xa, thật mà hư. Đại phải biết mình là ai khi nghĩ đến Đàn chứ ?
Con gái chỉ chú ý đến những anh chàng cao hơn họ một cái đầu.
Mặt cơ bản này, Đại không có, làm sao Đàn để mắt tới anh được. Dẹp ảo tưởng yêu ấy ngay đi, nhất là yêu "Đại sư phụ" của mình.
Bước xuống lầu, anh ra sân hít đầy ngực mùi nguyệt quế. Đêm nay hoa nở trắng cây. Phải chi có Bạch Đàn nhỉ? Anh bâng khuâng mở cổng bước ra đường. Tự nhiên, Đại muốn lang thang một chút. Giống những gã si tình anh muốn "một mình trên phố âm thầm nhớ nhớ tên em" như bài hát mà còn đi học anh rất thích hát. Anh hát nghêu ngao cho vui khi trong tim chả có tên một em nào để nhớ cả.
Tới đầu ngã tư, Đại quay về. Con phố nhỏ này tương đối vắng xe, những ngôi nhà biệt lập như ngủ hết rồi, không ai thơ thẩn ngoài đường kiểu giống anh.
Gần đến nhà, Đại bỗng chú ý tới một người đang ngồi bệt trên lề, đầu gục xuống. Những cô gái như vầy anh có lạ gì. Đại chợt thở dài khi nhớ đến quá khứ. Anh nhẹ nhàng đi ngang qua và nhận ra cô ta đang khóc tức tưởi, khóc ngon lành.
Anh bước tới gần, giọng nhỏ nhẹ.
- Này cô, có chuyện gì vậy ?
Cô gái giật mình nhìn lên, Đại hốt hoảng ngồi thụp xuống:
- Trời ơi! Bạch Đàn, e... em làm sao vậy ?
Đàn mím môi ngơ ngác nhìn anh rồi lại òa ra khóc. Đại cảm thấy lo lắng vô cùng trước cặp mắt thất thần nhìn mà không thấy gì của cô. Anh lay hai vai cô:
- Chuyện gì vậy ?
Đàn mếu máo lắc đầu, Đại vòng tay ôm ngang người cô, giọng cương quyết:
- Vào nhà cái đã.
Không cần biết cô có đồng ý không, anh kéo Đàn đứng lên. Cô tựa hẳn vào anh, người lạnh ngắt.
Đại vừa ngồi vào ghế, Đại đã hỏi:
- Người ta giật xe của em phải không ?
-...
- Hay là.. ai đã làm gì xúc phạm tới em ?
-...
Đại sốt ruột:
- Sao không nói ? Bạch Đàn, ai ăn hiếp em hả?
Giọng Bạch Đàn nghèn nghẹn:
- Tôi căm thù ông ta, tôi ghê tởm ông ta.
Rồi bỗng nhiên cô vòng tay ôm ngực mình đau đớn.
- Nhưng tại sao lại là ổng ? Tôi không muốn... tôi không muốn gặp ổng.
Đại nóng nảy, hỏi tới:
- Ông nào, ở đâu, lão ta làm gì em rồi ? Nói mau đi, tôi sẽ đập vỡ mặt lão ta.
Đàn thẫn thờ:
- Đập vỡ mặt ông ta rồi thì ích lợi gì ?
Đại sững sờ nhìn cô, Bạch Đàn thật lạ với bộ đồ bộ xanh nhạt điểm những bông hoa trắng nhỏ li ti, với bộ đồ này Đàn trông giống cô bé mười sáu, mười bảy tuổi đang khóc vì giận người yêu. Nhưng nếu Đàn khóc vì giận người yêu, Đại vẫn an tâm hơn. Đằng này, nhìn cô vật vã mà không biết lý do, anh chịu hết nổi rồi. Nhưng dù thế nào cũng từ từ, anh phải đợi Đàn bình tĩnh lại đã. Đi vào trong Đại rót ra một ly nước, ân cần đưa tận tay cô.
- Uống một chút đi.
Đàn ngoan ngoãn uống từng ngụm nhỏ. Cô đã thôi khóc nhưng đôi mắt vẫn còn ướt và giọng nói vẫn run rẩy, đứt đoạn:
- Anh không hiểu đâu. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy khinh ghét bản thân mình bằng lúc này. Tôi không muốn tôi là tôi nữa.
Dù nóng ruột biết chuyện... động trời gì đã xảy ra đến với cô, Đại vẫn cố kiên nhẫn nghe Bạch Đàn vòng vo. Cô bắt đầu bình tĩnh và bắt đầu nói rồi đó, anh phải hết sức tế nhị, khéo léo để giúp Đàn lấy lại bình tĩnh mới được.
Trầm giọng xuống, Đại nói:
- Đừng nghĩ quẩn ! Tôi tin cô là người nhiều nghị lực, cứng rắn, can đảm nên dầu gặp bất cứ khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Cô có làm gì không phải đâu mà lại khinh ghét bản thân mình. Với tôi, Bạch Đàn luôn luôn là "Đại sư phụ kính mến". Cô có thể tin vào tôi nếu thấy cần thổ lộ đôi điều cho vơi nỗi khổ.
Bạch Đàn nhếch môi trông chua chát làm sao. Cô nói:
- Không hiểu sao tôi đi lang thang suốt buổi tối rồi lại dừng trước cổng nhà anh khóc lóc như điên thế này.
- Cô từ đâu tới đây ?
- Từ nhà.
Đại ngập ngừng:
- Dọc đường không ai ức hiếp, chọc ghẹo gì cô chớ ?
Bạch Đàn cười gượng:
- Không! Tướng tôi đâu dễ bị ăn hiếp. Nhưng lúc này nhìn tôi chắc thê thảm lắm. Đúng ra cũng đâu có gì phải xúc động như vậy. Tại sao tôi mít ướt thế nhỉ?
Đại nói:
- Mít ướt đúng lúc cũng đâu có xấu. Nhưng tại sao cô khóc ?
Bạch Đàn im lặng. Cô mãi ngắm nghía cái ly thủy tinh còn phân nửa nước như cô tìm cái gì đó. Mãi một lúc sau, Đàn mới thở dài.
- Tôi đã gặp ông ấy. Đúng là ông ấy.
- Ông ta là ai ?
- Ba tôi.
Đại ngạc nhiên nhìn đôi môi Đàn mím chặt. Cô lại sắp rơi lệ nữa thì phải. Không ngờ Đàn đa cảm dữ vậy.
Anh hơi khách sáo:
- Mừng cho cô! Từ giờ trở đi cô đã hết thắc mắc ba mình là ai rồi.
- Nhưng ai có biết ổng là ai không ? Thật kinh khủng! Cách đây hai năm, tôi có nhận kèm vài ba đứa trẻ con nhà giàu, tôi từng gặp ông ta rồi. Ông ta là bạn của ba chúng và ở chung trong nhà. Có một lần bọn nhóc theo cha mẹ đi chơi, tôi không được báo trước nên vẫn đến dạy. Thấy cửa khóa bên trong nên tôi đứng gọi mãi. Khá lâu nhưng không có ai lên tiếng, tôi quay xe định ra về thì nghe tiếng kêu cứu và tiếng vật lộn. Hoảng quá, tôi cũng la lên rất to.
Bạch Đàn nghẹn lời làm Đại nát cả lòng khi nghe tiếng cô khóc. Anh ngồi xuống xa lồng kế bên cô, rất nhẹ nhàng Đại lau gương mặt đẫm lệ của cô và siết đôi tay nhỏ bé lạnh ngắt của cô trong đôi tay to lớn ấm áp của mình.
Không biết Đàn đã gặp chuyện gì. Tốt nhất đừng nóng nảy. Hãy để cô từ từ kể cho có đầu có đuôi.
- Lúc đó, nhìn vào khe hở của cửa sắt, tôi thấy chị Bé, người giúp việc của gia đình đang cố hết sức kêu la cầu cứu, trên mình không một miếng vải che thân. Chỉ làm tôi sợ chưa từng thấy... Khi hàng xóm chạy tới, ông ta ra mở cửa với bộ mặt giả ngơ thật đáng tởm. Hai năm nay, ông ta như bóng ma vẫn ám ảnh tôi trong những cơn ác mộng. Dù ông ấy không làm gì tôi nhưng tôi luôn van vái đừng bao giờ phải nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của ổng lần nữa. Nào ngờ chiều nay tôi đã phải gặp lại...
Đại hỏi:
- Cô có lầm người không ?
Bạch Đàn lạnh tanh:
- Không! Làm sao mà lầm được. Ông ta ngồi như chết khi nhìn thấy tôi kia mà.
Hít hít mũi, cô tiếp:
- Trưa nay, đi học về tôi nghe mẹ xúc động bảo: "Ba con đã tìm đến đây. Suốt hai mươi năm ổng cố công tìm và đã gặp lại mẹ. Tối đừng đi dạy, ba sẽ ghé thăm con". Lúc ấy tôi thật lạ, vừa mừng vừa tủi khi nghĩ mình đã có cha. Tôi nhờ Bích Đông điện thoại cho anh rồi suốt buổi lóng ngóng trông chờ. Không thể hình dung ra ba mình như thế nào, nhưng tôi vẫn nghĩ ổng chắc cũng tử tế, đạo mạo như ba của những đứa bạn mà tôi thường tò mò quan sát mỗi khi tới nhà chúng. Nào ngờ sự thật quá tàn nhẫn.
Đại thở dài. Đúng là sự thật quá tàn nhẫn. Tội nghiệp Bạch Đàn. Cô đau khổ vì người cha bất ngờ xuất hiện này cũng đúng thôi. Đại là người ngoài cuộc mà còn xốn xang, bất nhẫn trong lòng, nói chi Bạch Đàn, một cô gái luôn mặc cảm vì thân phận của mình.
Bạch Đàn căm hận:
- Tôi không lựa chọn được cha đẻ của mình, nhưng tôi có quyền từ chối nhận mình là con ổng. Vì trong thâm tâm ổng từ hồi nào tới giờ làm gì có tôi.
- Tại sao hồi xưa bác gái và ông ấy bỏ nhau ?
- Mẹ tôi không đời nào hé môi về chuyện này. Lúc trưa tôi lại hỏi tại sao, mẹ chỉ thở dài rồi đổ thừa hoàn cảnh. Hừ! Hoàn cảnh gì ngoài chuyện mẹ đã gặp phải sở khanh. Bản chất của ông ta là thế.
- Không nên kết luận vội như vậy. Có thể hôm đó ông say rượu nên không làm chủ được bản thân.
Bạch Đàn khô khan:
- Việc gì phải bênh ông ta ? Hôm đó tổ trưởng dân phòng và cảnh sát khu vực có tới mời ông ta về trụ sở để làm việc. Bác hàng xóm cho tôi biết trước đây ổng đã từng giở trò với con bé giúp việc mới có mười mấy tuổi, con nhỏ la lên và bác ấy chạy qua đập cửa. Bữa nay, lão lại chứng nào tật nấy, xóm này gọi lão là heo nọc và chắc mọi người phải làm lớn chuyện... Không biết họ đã làm gì ông ta, mà sau đó khi đến dạy học tôi không còn thấy ổng nữa. Nghe đâu ông chủ nhà đã... mời ông bạn hiền của mình đi nơi khác, dù ông ta có trả tiền thuê nhà nhiều hơn gấp mấy lần.
Bạch Đàn bỗng bật cười:
- Từ bé tới giờ mang tiếng là con hoang, bây giờ lại... thật vinh dự thay...
Đại nhìn cô:
- Những chuyện này bác gái có biết không ?
Bạch Đàn chậm chạp lắc đầu:
- Tôi đã không kể gì hết vì sợ mẹ lo. Tối nay cũng thế. Tôi đã vụt chạy khi nghe mẹ bảo bước lại cho ông ta hôn. Lúc đó người tôi nổi gai hết. Tôi cảm thấy ghê tởm tột độ khi nghĩ ông ta sẽ đụng vào người mình. Tôi chạy và nghe mẹ tôi giả lả nói rằng: "Con bé xúc động khi thấy cha ruột của mình... ". Cứ để mẹ nghĩ thế, nhưng sau này thì sao ? Tôi chịu không nổi khi tưởng tượng đến những tháng ngày sắp tới.
- Có lẽ ông ta sẽ tránh gặp mặt cô.
- Như vậy cũng chẳng làm mọi việc trở lại như xưa, tôi đâu thể trở lại là tôi lúc không biết cha mình là ai.
Giấu mặt trong tay, Bạch Đàn kêu lên:
- Tôi ghét tôi lắm. Lúc nãy tôi muốn đâm đầu vào xe cho xong.
Đại hoảng hốt:
- Trời ơi! Đừng điên khùng như vậy. Rồi mọi việc sẽ qua. Mạng người là quý hơn hết.
- Nhưng tôi không quý tôi chút nào cả...
Đại ôm vai Bạch Đàn, giọng dỗ dành:
- Tôi quý cô, tôi cần có cô. Cô không có lỗi gì trong chuyện này. Đừng dằn vặt mình nữa, Bạch Đàn !
- Anh không khinh thường khi biết ba tôi như thế sao ?
- Không đời nào. Với tôi, cô là người tốt nhất.
- Nhưng mọi người, bạn bè, xã hội họ sẽ... sẽ... chẳng đời nào thông cảm...
- Bạch Đàn! Cuộc sống rất nhiều mặt và không có mặt nào toàn vẹn hết. Có những điều vẫn luôn luôn tồn tại mà ta không chấp nhận cũng không được. Người ta vượt qua quá khứ, chấp nhận thực tạid dể vươn tới tương lai. Có lần cô đã bắt tôi dịch câu này ra tiếng Anh. Cô quên rồi sao ?
- Đó chỉ là một câu lý thuyết rỗng tuếch mà không phải là ai cũng thực hành được.
- Nhưng cô sẽ làm được, vì chính cô đã ra... đề này cho tôi mà. Với lại, ai chẳng có số phận riêng, hoàn cảnh riêng. Thoạt đầu chấp nhận số phận của mình không phải dễ, dần dà cô sẽ thấy bình thường. Tin tôi đi, cô đã nói với tôi những khổ sở, khóc ướt hết vai áo tôi, thì lòng cũng vơi bớt buồn bực rồi còn gì.
Câu nói của Đại làm Bạch Đàn sực tỉnh... hồn. Cô vội đẩy anh ra và ngồi co lại một góc ghế.
Đại mỉm cười:
- Uống thêm một ly nước nữa nhé ? Nãy giờ cô khóc khô cả người rồi còn gì.
Bạch Đàn ngượng ngùng:
- Tôi không khát đâu. Xin lỗi đã quấy rầy anh vào lúc này.
Đại lắc đầu:
- Tôi cứ nghĩ nếu không gặp tôi, chả biết bây giờ cô đang thế nào ở ngoài đường lúc ban đêm... Nói thật, dù biết cô sẽ không đến dạy nhưng chẳng hiểu sao suốt tối nay tôi cứ trông cô và nóng ruột đến mức phải bỏ bàn học đi dạo. Tôi mừng vì đã gặp cô đúng lúc.
Bạch Đàn chợt đứng lên:
- Có lẽ tôi phải đi...
Đại nhìn cô và nói nhỏ:
- Tôi sẽ đưa cô về.
- Tôi không về nhà.
- Vậy cô muốn đi đâu ?
Bạch Đàn lắc đầu, mắt cô lại rưng rưng, Đại ái ngại:
- Vậy cứ ở lại đây, tôi sẵn sàng ngồi nghe cô nói chuyện tới sáng. Nói đến bao giờ hết buồn bực thì thôi.
- Tôi đâu còn gì để nói ngoài việc sẽ nhắc đi nhắc lại những câu đã nói. Và tôi cũng không thể ngồi yên một chỗ, tôi muốn làm gì đó để khỏi phải nghĩ ngợi lung tung. Mà còn biết phải làm gì bây giờ ngoài chuyện lang thang ngoài phố.
- Được rồi, tôi sẽ cùng lang thang với cô suốt đêm.
- Anh sợ tôi làm chuyện gì ngu ngốc à ?
Đại xua tay:
- Không phải! Nhưng cô nghĩ xem, chả lẽ tôi ngủ được sao sau khi nghe hết chuyện của cô và biết cô đang lang thang một mình giữa đêm khuya ?
Bạch Đàn bùi ngùi:
- Ngoài anh ra chắc không còn ai nghĩ đến tôi vào lúc này.
- Cô nói thế mới đúng có phân nửa, vì thật ra lúc nào tôi cũng nghĩ tới cô hết chớ đâu phải chỉ có lúc này.
Nhìn nét mặt tỉnh queo của Đại, Bạch Đàn tưởng anh đùa cho mình khuây khỏa nên cô chỉ nhếch môi cười rồi im lặng. Nhớ tới mẹ, Đàn lại thở dài.
Mẹ tỏ ra quá xúc động khi gặp lại ông ta. Suốt hai mươi năm dài bà từ chối hết những lời tỏ tình của bao nhiêu người đàn ông khác. Không phải vì bà chán chuyện yêu đương hay vì bà dồn hết tình thương cho cô như bà vẫn nói với... thiên hạ, mà vì bà còn nghĩ tới ông ta, người đã quất ngựa truy phong khi bà vừa mang cô trong bụng. Thật tội cho mẹ, bà đã để phí tuổi xuân vì một người không ra gì. Bây giờ gặp lại... cố nhân, chắc mẹ sẽ bỏ ngoài tai những lời dì Ngọc, đúng như câu ông bà hay nói: "Tình cũ không rủ cũng đến".
Mẹ tỏ vẻ thương tâm khi nói: "Suốt thời gian dài (nhưng không hiểu là bao nhiêu năm và vì lý do nào) anh Bá sống thui thủi một mình không ai chăm sóc".
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ tình nguyện trở lại để lo lắng, chăm sóc người đàn ông ấy ?
Cung cách lăng xăng bối rối lẫn e ấp thẹn thùng của mẹ là Đàn điên lên vì tức, nhưng cô vẫn cố chịu đựng. Đến lúc bà ra lệnh bắt cô bước đến gần cho ba hôn một cái thì Đàn đã vùng bỏ chạy ra sân. Cô thở hào hển bước tới phòng của Giang với ý định sẽ ngồi tạm ở đó nhưng anh đi vắng.
Thế là Bạch Đàn lang thang ngoài đường với trái tim trống rỗng và tâm hồn tăm tối.
Đến gần cô, Đại đưa chiếc áo khoác và bảo.
- Mặc vào rồi chúng ta cùng lang thang.
Ngần ngừ một chút, Đàn mặc áo vào. Trong cái áo rộng lùng thùng của anh, Bạch Đàn như một đứa bé con. Đại sửa lại bâu áo cho ngay ngắn rồi khẽ nắm tay cô, hát nhỏ.
- "... Lãng du khắp nơi. Anh với em cùng lênh đênh bao tháng ngày... "
Bạch Đàn nhăn nhó rút tay lại:
- Tối nay tôi bỏ mặc cho tôn ti trật tự đảo lộn. Nhưng ngày mai thì cô phải là cô, trò phải ra trò đó.
Đại khép cánh cổng sắt và nghiêng người:
- Xin tuân lệnh sư phụ.
Hai người lại rơi vào im lặng. Đại nhìn bóng anh và Bạch Đàn dài ra rồi ngắn lại dưới ánh đèn đường, lòng thoáng chút suy tư.
Cho tay vào túi quần, anh thong thả bước bên cô. Hai người như một cặp tình nhân đang dạo chơi. Ý tưởng bất ngờ đó làm Đại bâng khuâng.
- Sao anh không nói gì hết vậy ?
- À... tại tôi đang nghĩ đến hai câu thơi của Xuân Diệu.
Bạch Đàn nhíu mày tò mò:
- Thơ gì ? Anh đọc cho tôi nghe với.
Đại cười cười:
- Đoạn thơ nổi tiếng này gồm có bốn câu, nhưng với tôi hai câu sau mới thật hợp tình hợp cảnh. Đố cô đoán được.
Bạch Đàn đang cố lục lọi trí nhớ của mình, thì Đại đã trầm giọng:
- [/i]"Tôi với người yêu qua nhè nhẹ.
Im lìm chẳng dám nói năng chi... "[/i]
Xịu mặt xuống, Đàn lầu bầu
- Đừng lợi dụng cơ hội mà vớ vẩn. Với tôi, không có thứ tình gì là tình yêu hết. Bọn đàn ông các anh thật đáng ghét.
- Ơ hay! Sao lại vơ đũa cả nắm thế kia ? Tôi làm gì đâu nào ?
Bạch Đàn nghiêm nghị:
- Nếu anh còn nói năng nhăng cuội như vừa rồi, tôi sẽ nghỉ dạy đó.
- Oan quá! Tôi chỉ đọc thơ thôi mà. Bài thơ tình đó nổi tiếng cả nửa thế kỷ rồi làm sao mà vớ vẩn, nhăng cuội được ? Với lại chính cô yêu cầu tôi đọc mà.
Đàn nổi cáu lên:
- Để tôi... một mình, anh về đi cho... rảnh nợ!
Đại ngước mặt nhìn trời:
- Chẳng biết ai nợ ai đây nữa.
Bạch Đàn hơi quê vì thái độ của mình. Cô cắm đầu đi một nước, mặc Đại lẽo đẽo theo sau. Tiếng huýt gió buồn buồn của anh làm cô thêm chán đời. Cô có ích kỷ không khi lo sợ mẹ sẽ trở lại với ông Bá ? Dầu thế nào chăng nữa, ổng cũng là ba ruột của cô, Đàn sẽ lấy lý do gì để ngăn việc "đoàn tụ" này chứ ?
Trước đây cô đã giấu kỹ chuyện "lão dê" đó, bây giờ có kể ra mẹ đã không tin, lại còn khổ sở vì nghi ngờ cô nói dối thì kể làm gì ?
Lẽ ra, cô không nên nói gì với Đại mới đúng, vì anh đâu phải người thân của cô.Trong lúc căng thẳng, hoảng loạn Đàn lỡ thổ lộ hết những điều xấu hổ này, bây giờ đã bình tâm, cô chợt ân hận khi thấy mình nhẹ dạ và nông nổi. Thì ra, cô cũng yếu lòng như những cô gái khác thôi.
Đi chậm lại, Đàn chờ Đại bước lên ngang hàng, cô dịu giọng:
- Những gì tôi đã nói với anh đêm nay mong anh quên phứt đi. Cám ơn anh đã rất tốt với tôi. Nhưng bây giờ tôi đang muốn được tự do một mình. Anh về ngủ đi.
- Cô định lang thang tới chừng nào ? Tôi có cảm giác cô muốn mẹ mình khóc toáng lên vì lo lắng cho cô hả lòng, chớ không phải cô "đi cho đừng nghĩ ngợi lung tung". Mười hai giờ khuya rồi. Tôi đưa cô về. Chỉ người đàn ông đó có lỗi, sao cô làm khổ cả bác gái ?
- Xin lỗi, anh đừng chen vào chuyện riêng của tôi.
Đại tần ngần nhìn theo dáng Bạch Đàn dằn dỗi bước đi. Con gái bướng thật dễ ghét. Bạch Đàn không những bướng mà còn ngạo mạn nữa, anh chả có cơ may nào chinh phục trái tim đang hận bọn đàn ông kia đâu.
Ngao ngán lắc đầu, anh ghé vào tủ thuốc bên lề mua gói ba số năm. Đại khum tay bật quẹt, mồi thuốc xong, anh không nhìn thấy Bạch Đàn nữa. Chắc cô đã quẹo sang góc phố kia rồi. Đành phải lẽo đẽo theo sau để làm cận vệ từ xa thôi. Khổ thật, nhưng nỗi khổ này mới đáng yêu làm sao.
Mỉm cười một mình, Đại hăm hở bước tới. Anh nheo mắt rít một hơi thuốc và ngạc nhiên khi phía trước không có Bạch Đàn.
Quái ! Cô giáo đáng ghét của anh đâu rồi ? Quay ra phía sau, con phố cũng vắng ngắt. Đại hoảng hốt nhìn quanh một lần nữa và thấy Bạch Đàn đang thất thểu đi giữa lòng đường. Trời ơi! Sao em lại khổ đến mức này ? Anh rít một hơi thuốc và bước vội theo cô.
Đường khuya vắng vẻ bỗng ầm ầm tiếng mô tô gầm rú. Đại chưa kịp nhìn xem xe chạy từ đâu thì ngay góc ngã tư gần nơi Bạch Đàn đang ngơ ngác đi, một tốp bốn, năm chiếc mô tô phóng ra...
- Bạch Đàn! coi chừng...
Tiếng la của Đại bị tiếng động cơ át mất. Bạch Đàn giật mình, chưa kịp chạy vô lề thì bọn đua xe đã bàn hàng ngang chạy như bay tới...
Bạch Đàn luýnh quýnh đứng chết trân giữa lộ. Một chiếc xe không là chủ tốc độ quẹt phải cô làm Đàn ngã lăn ra đường.
Thấy chiếc xe bỏ chạy luôn, Đại phóng theo ghị yên sau lại. Thằng lái xe co giò đạp anh một cái thật mạnh. Đại té sấp xuống đường, bị xe kéo đi một đoạn, người trầy trụa khắp nơi.
Cố nén đau, anh chạy nhanh tới chỗ Bạch Đàn. Cô vẫn nằm yên trên đường. Đại hốt hoảng kêu tên cô và nghe tiếng mình rơi vào đêm khuya hun hút.
Chương 6
- Dậy uống sữa đi! Trưa lắm rồi!
Nghe giọng nói trống không của dì Ngọc, Đàn biết bà còn đang giận cô ghê lắm
Nghĩ lại, Bạch Đàn còn giận mình, chớ đừng nói ai khác. Đêm qua Đại thấy Đàn bất tỉnh nên đã đưa vào bệnh viện. Mãi đến gần sáng, khi thấy cô không sao, anh mới đưa cô về. Tới nhà, Bạch Đàn lãnh ngay một bạt tai của mẹ.
Tội nghiệp Đại, anh đứng lặng thinh nghe mẹ cô mắng như tát nước vào mặt, vì bà nghĩ Đại là... bồ bịch của cô. Anh dám dẫn cô đi tới gần sáng mới đưa về nhà thì còn ra thể thống gì nữa.
Tội nghiệp Đại, đêm hôm qua, nếu không có anh, chả biết cô đã ra sao rồi. Anh là người cho cô trút hết nỗi niềm. Anh là người chở che cho cô lúc nguy hiểm. những lúc ở gần anh, cô thấy tâm hồn mình hồi hộp, lâng lâng không dứt. Sự hồi hộp càng tăng lên biến thành cảm giác của một niềm hạnh phúc hư hư ảo ảo rất lạ lùng mà đêm qua suốt đoạn đường từ nhà thương anh đưa cô về nhà, Bạch Đàn đã cảm nhận được rất rõ.
Giọng bà Ngọc vang lên cắt dứt dòng suy nghĩ của cô:
- Thằng hồi khuya là ai vậy ?
Bạch Đàn ngần ngừ:
- Bạn con.
- Hừ ! Nó không phải người tốt đâu.
Vùi đầu vào gối, Đàn kêu lên:
- Sao dì biết ?
- Thằng Giang nói. Với lại nếu là người tốt có đã không đi với mày suốt đêm.
Bạch Đàn lắc đầu:
- Ông Giang chỉ giỏi nói sau lưng chớ chả làm nên tích sự.
Bà Ngọc tỏ vẻ bênh vực:
- Thì lúc khuya nó đã không xông ra đuổi thằng đó là gì ? Tội nghiệp, đêm hôm qua nó phóng xe đi tìm mày khắp nơi. Sáng nay Giang nói với tao thằng đó từng ngồi tù, đúng không ?
Đàn im lặng. Cô nhớ tới thái độ của Giang hồi khuya và khó chịu. Anh ta lồng lộn khi thấy Đại dìu cô vào sân, rồi làm như mình có vai trò quan trọng với Đàn, Giang hằn học hỏi Đại.
- Mày đã làm gì Bạch Đàn ?
Chính câu hỏi này khiến bà Ngà bạt tai và lôi xệch cô vào nhà ngay tức khắc, Đàn muốn vùng trở ra xem Đại và Giang ra sao nhưng cô đi không nổi vì mệt. Đến hồi nhìn thấy bà Ngọc cầm chìa khóa cổng vào cô mới òa lên khóc tức tưởi. Lòng cô bỗng dâng lên một xúc cảm mãnh liệt khi nhớ tới gương mặt lúc anh ôm cô trong vòng tay, đỡ cô lên xuống xích lô. Suốt đoạn đường từ bệnh viện về nhà, Bạch Đàn ngồi trong lòng anh. Cô chưa hé môi nói một câu xin lỗi, một lời cám ơn thì anh đã về rồi. Đêm qua chẳng biết những vết trầy trụa có hành anh không nữa.
Bà Ngọc gằn giọng:
- Sao không trả lời ?
Đàn gật đầu:
- Đúng là ảnh từng ở tù. Nhưng nếu hồi tối không nhờ ảnh chắc con chết rồi. Với con, ảnh rất tốt.
- Mày đang dạy nó học à ?
Không trả lời câu hỏi, Bạch Đàn mai mỉa:
- Ông Giang lắm chuyện thật ! Thế ông ta có nói với dì và mẹ tại sao ổng biết rành anh Đại thế không ?
Bà Ngọc chưa kịp nói gì Đàn đã tung một đòn hỏa mù:
- Ở tù cũng có bạn tù, họ hàng nhà tù nữa chứ...
- Ý mày muốn nói là... là... thằng Giang cũng từng ở tù hả? Đứng có xạo! Anh Triết mày nói nó là người đàng hoàng, con nhà gia giáo, lại có ăn học...
Bạch Đàn bước xuống giường, cô cắc cớ hỏi:
- Vậy sao anh ta phải thuê nhà trọ trong khi nhà mẹ ruột ở ngay thành phố ?
- Ồ... thì mỗi người có một hoàn cảnh.
- Anh Đại cũng có hoàn cảnh riêng. Và con, con cũng có hoàn cảnh riêng. Dì có hiểu con không ?
Bà Ngọc chợt dịu giọng:
- Dì không hiểu nổi thái độ của con. Gặp lại ba ruột mà xúc động tới mức lang thang cả đêm vậy hay sao ? Đành rằng trước đây ổng bỏ bê mẹ con, nhưng bây giờ ba con đã hối hận rồi, phải biết tha thứ chứ.
Bạch Đàn lạnh lùng:
- Trước đây dì với mẹ rất cứng rắn khi lên án những kẻ phụ tình, sao bây giờ lại mở lòng khoan dung thế ? Con tưởng chỉ có mẹ có trái tim mềm yếu thôi chớ, ai ngờ cả dì cũng thế. Riêng con thì không, hai mươi mấy năm nay con không có cha, bây giờ cũng vậy.
Bà Ngọc nạt:
- Đừng có điên! Mẹ con định gọi ba con về ở chung đó.
Bạch Đàn tái mặt:
- Dì nói thật hả? Con không chịu đâu.
- Con nhỏ này buồn cười thật. Không khéo mẹ mày thì giận, ba mày thì buồn.
Bạch Đàn bước tới lay vai bà Ngọc :
- Dì khuyên mẹ giùm con. Ổng là người xấu. Đừng tin lời ổng. Mẹ sẽ khổ nếu trở lại với ông Bá.
Bà Ngọc thở dài:
- Tối hôm qua, lúc nhờ con về, dì đã nói với Vân Ngà rất nhiều nhưng nó không nghe. Vân Ngà muốn con có cha. Nó vì con, con hiểu không Bạch Đàn ?
- Nhưng con không cần ông ấy.
- Đừng nói như vậy, tột chết !
Bạch Đàn khổ sở:
- Không lẽ dì chịu cho ổng về ở chung ?
Bà Ngọc buồn bã:
- Nhà vẫn còn phòng trống, dì biết từ chối cách nào ? Nếu dì từ chối, Vân Ngà sẽ đi theo thằng đàn ông đó. Lúc ấy còn khổ cả mẹ lẫn con, tao cũng chả biết đâu mà giúp. Ở đây dù gì cũng có chị có em, có dì có cháu.
Bạch Đàn thất vọng đến choáng váng. Cô trở lại nằm vùi trên giường. Khu nhà này toàn con gái, chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta lại có hành động...
Cô có nên nói thật với mẹ và dì Ngọc không nhỉ?
Bà Ngọc đột ngột kêu lên:
- À quên! Ba con đang ngồi ở dưới bếp. Ổng dặn chừng nào con dậy nói cho ổng biết để ổng vào thăm.
Kéo mền lên che kín mặt, Đàn nói:
- Con không gặp ổng đâu. Dì cứ nói con còn ngủ.
Rồi cô chợt lồm cồm ngồi dậy:
- Con phải đi đây ?
Bà Ngọc ngạc nhiên:
- Mày đi đâu ?
- Tới nhà bạn.
- Nhà thằng quỷ hồi tối phải không ? Mẹ và dì cấm con dạy nó tiếp.
Bạch Đàn bưng ly sữa trên bàn uống một hơi. Cô vờ đánh trống lảng:
- Sữa ngon quá.
Bà Ngọc vẫn không tha:
- Mày đang mệt mà đi đâu ?
- Ở nhà không những mệt mà còn vỡ tim nữa. Con ghét đóng kịch lắm, dì bắt con ở nhà làm gì ? Mẹ và ổng sẽ thoải mái hơn nếu con đi.
Nhìn vẻ mặt ngang bướng của Đàn, bà Ngọc nổi cáu:
- Đồ cố chấp ! Tao nói mãi mà mày vẫn chưa hiểu ra. Con người ta phải biết mình sinh ra nhờ ai. Không cha là điều vô phước lớn, biết chưa ?
Bạch Đàn mím môi bước vào phòng tắm, cô mở rôbinê và đưa mặt vào vòi nước. Hai bên má cô vẫn còn rát vì cái tát tai hồi tối, mắt thì sưng vì khóc. Nhìn trong gương, Bạch Đàn thật thê thảm.
Vỗ nước nhè nhẹ vào mặt cho tỉnh táo, Bạch Đàn thay quần áo và dắt xe ra. Tới giữa sân cô gặp Giang lững thững đi lại.
Anh ta cười tươi rói:
- Không ngờ chú Bá là ba của em. Hay thật!
Dù đang ngạc nhiên vì câu nói của Giang, Đàn vẫn chua ngoa:
- Đời mà, thiếu gì chuyện bất ngờ. Thí dụ như chuyện anh và Đại là anh em chú bác chẳng hạn. Chuyện đó cũng hay ấy chứ !
Mặt Giang sa sầm xuống:
- Nó đã nói với em về tôi ?
Bạch Đàn vênh váo:
- Ai cơ ?
Giang hậm hực:
- Thằng Đại.
- Anh ấy làm sao biết anh ở trọ nhà tôi mà nói. Chẳng qua tình cờ tôi thấy bác Nhung đang nói chuyện với bà Loan ở nhà Đại, tò mò nên tôi hỏi và biết bác Nhung là vợ của bác Hai ảnh nên tôi suy ra quan hệ của hai người thôi mà.
Liếc Giang một cái, Đàn hỏi mỉa:
- Không hiểu sao anh luôn có ác cảm với Đại ?
Nhún vai, Giang bảo:
- Tôi chỉ nói sự thật về nó. Mà sự thật thường rất ác.
- Hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ nắm được sự thật về anh.
Giang nhếch môi làm thinh, Bạch Đàn ngần ngừ:
- Tại sao anh biết ông... à ba tôi ?
- Bác ấy là bạn làm ăn với... bà già. Ổng tới đây tìm tôi và gặp dì Ngà. Không ngờ ổng làm em xúc động tới mức phải tìm ngay cho mình một thằng đàn ông để tâm sự thâu đêm.
Bạch Đàn sững người vì tức. Cô không ngờ Giang có thể nói những lời khó nghe như vậy. Chưa tìm được câu nào để mắng lại anh ta cho xứng thì cô thấy ông Bá đi tới. Tái mặt, Đàn lên xe đạp vội ra cổng.
Đã trưa. Trời khô và nắng gắt, đi loanh quanh rồi Đàn cũng dừng xe trước cổng nhà Đại. Cô vẫn chưa tìm được lý do nào chánh đáng hơn lý do "ghé xem vết thương của anh hồi tối ra sao".
Bà Tám mở cửa cho cô với vẻ ngạc nhiên:
- Ủa! Bữa nay cô dạy buổi sáng à ?
Bạch Đàn gật đầu đại:
- Dạ, tại hôm qua cháu nghỉ.
Bà Tám thở dài:
- Khổ quá! Cô nghỉ làm chi cho cậu ấy ở không đi chơi. Đêm qua gây gổ, đánh lộn ở đâu chả biết mà mặt mày mình mẩy trầy trụa hết trơn. Sáng nay bà Loan mới mắng cậu Đại một trận. Cậu ấy đổ quạu ra, mặt mày hầm hầm thấy sợ. Bà Loan nghĩ cậu Đại lại kết bè kết đảng phá làng phá xóm nên nói hơi nặng lời.
Bạch Đàn vụt hỏi:
- Ảnh đâu rồi ?
- Đang ở trên phòng với cô Ái Linh.
Bỗng dưng Đàn thấy hụt hẫng, cô bối rối:
- Ái Linh là ai vậy dì Tám ?
- Ôi! Bạn bè hay bồ bịch gì chả biết. Cứ tới đây là cô ta chui tuốt lên phòng của cậu Đại. Con gái gì hết biết.
Bạch Đàn mím môi:
- Anh Đại không khỏe, cháu về vậy. Vài hôm nữa ảnh bớt cháu sẽ tới đây.
Thấy Đàn quày quả bước đi, bà Tám kêu lên:
- Cô đừng vội về, lên thăm cậu ấy một chút. Có cô may ra Ái Linh mới buông cho cậu Đại nghỉ ngơi.
Dứt lời bà Tám nắm tay cô lôi xệch lên lầu.
Ái Linh là ai ? Sao từ trước đến giờ Đàn không hề nghe Đại nhắc đến ? Cô ta có phải là người yêu của anh không ? Đại từng than với cô rằng anh là người "tình cũng lơ mà bạn cũng lơ". Điều này có thật không ?
Tới phòng Đại, cô thấy cửa đóng im ỉm, bà Tám kêu to như để báo động:
- Cậu Đại ! Có cô giáo Đàn tới đây này.
Gọi xong, bà mở cửa đẩy Đàn vào. Cô bối rối kinh khủng khi thấy Đại nằm dài trên giường, kề bên anh là một cô gái. Cô ta tròn mắt nhìn hai người, rồi ôm chiếc gối ôm của Đại của lòng với vẻ bà chủ nhỏ đang diễn vai thẹn thùng e ấp.
Bạch Đàn bỗng thấy mình lố bịch trước sự im lặng không chào mời của Đại, cô nói.
- Xin lỗi! Tôi tới thăm bệnh như vậy thật không đúng lúc chút nào. Nghe dì Tám nói anh không sao tôi thấy yên tâm rồi. Bây giờ xin phép, tôi về.
Bước tới cửa, Bạch Đàn chợt nghe giọng Đại khá gay gắt:
- Khoan về đã cô Đàn. TÔi muốn hỏi cô đôi điều về Giang.
Con đang lưỡng lự, Đàn lại nghe giọng Ái Linh vừa nũng nịu vừa quyền hành:
- Anh kỳ thiệt! Mệt không lo nghỉ mà còn ham nói chuyện. Hôm khác hỏi thăm. Hôm nay để cô ấy về cho rồi.
Ném ánh mắt về phía Bạch Đàn, Ái Linh ra lệnh:
- Chị về được rồi! Ảnh còn mệt lắm.
Thấy ghét trước thái độ kẻ cả của cô gái còn trẻ mà ra vẻ lõi đời, Bạch Đàn lững thững đi đến cái ghế mây gần giường và chậm chạp ngồi xuống. Cô lạnh nhạt bảo Đại.
- Tôi sẽ nói về Giang với điều kiện không có người thứ ba ở đây.
- Tôi cũng đâu muốn người khác biết những điều tôi thắc mắc.
Ái Linh giãy nãy:
- Anh làm như em là người lạ không bằng.
Giọng Đại ngọt như đường phèn:
- Em là bạn gái thân nhất của anh, nhưng em đâu phải người tò mò. Anh ghét tò mò lắm bé ạ. Về đi! Suốt buổi sáng ở bên nhau anh thấy vui rồi.
Ái Linh buồn buồn đứng dậy:
- Chiều em sẽ ghé thăm anh. Nhớ không được nói chuyện nhiều đó.
Rồi rất tự nhiên, Linh cúi xuống hôn phớt lên má Đại. Nhìn họ bày tỏ tình cảm với nhau, Bạch Đàn đỏ mặt, cô nghe tim mình buốt nhói.
Loay hoay mở túi xách ra vờ tìm vật gì đó để khỏi mục kích cảnh trái tai gai mắt, Bạch Đàn chợt thấy trong túi còn sót lại một nhánh nguyệt quế khô queo. Tự nhiên máu nóng trong người bốc lên, Đàn bóp nát những cánh hoa úa vàng, những chiếc lá quắt lại vì héo với tâm trạng hụt hẫng.
Anh ta là đồ dối trá, giỏi tán gái. Vậy mà đêm qua cô đã nói với anh những điều bí mật của riêng mình. Cô đã tin tưởng tựa vào ngực anh, nghe anh vỗ về an ủi và bật khóc khi thấy máu tứa ra từ vết thương của anh. Cô đã lo đến mức sáng dậy đã tới thăm anh ngay. Không ngờ cô phải nhìn thấy cảnh oái oăm này.
Đại cố ý... khoe hạnh phúc của mình như nhụ ý cho cô biết trái tim anh có chủ rồi, đừng hiểu lầm những câu bóng gió, đẩy đưa của anh chớ gì ? Nếu thế, anh coi thường Bạch Đàn quá.
Trong lúc tâm trí bất an, cô đã tỏ ra cần anh, bây giờ thì không. Bạch Đàn lúc nào cũng là người có trái tim bằng đá. Cô sẽ chứng tỏ cho Đại thấy điều này chớ không đợi anh phải diễn trò nhiều thế kia.
Ái Linh đi khuất, cô lên tiếng trước:
- Hai người trông thật xứng đôi
- Tôi không nghĩ cô tới đây để khen như vậy.
Bạch Đàn thản nhiên trả đũa:
- Tôi đến xem anh thế nào. Vì dù sao cũng tại tôi nên anh mới bị thương. Cũng may người yêu của anh không mắng tôi một trận về tội làm anh tới nông nỗi này. Và cũng may là anh vẫn khỏe chớ không mất sức suốt đêm qua như tôi đã tưởng tượng, lo sợ.
Đại nhỏm dậy anh bước xuống giường, chấm thuốc hút và hỏi thẳng:
- Cô với Giang là... gì của nhau ?
Bạch Đàn khó chịu:
- Chả là gì hết. Anh hỏi vậy với nghĩa gì ?
Phà một hơi khói, Đại đáp:
- Giang... khoe cô là người yêu của anh ta, tôi nghe lạ nên hỏi cho biết. Anh ta chả là gì của cô, sao lại quyền hành, xách mé, thậm chí xua đuổi tôi dữ thế ?
Đàn cắn môi tức tối:
- Anh ta nói bậy. Tôi... tôi sẽ hỏi tội anh ta mới được.
- Cần gì phải hỏi tội. Hai người cũng xứng đôi đó chứ. Nhưng Giang có bà mẹ độc đáo lắm. Hai người chỉ hạnh phúc nếu sống riêng không lệ thuộc vào bà ấy.
Bạch Đàn ấm ức:
- Anh nghĩ xa quá. Xa đến mức nằm ngoài tưởng tượng của tôi.
- Giang đã nói về tôi cho cô nghe phải không ?
Bạch Đàn gật đầu, Đại hậm hực:
- Vậy mà cô dám bảo rằng một người quen ở gần đây kể về tôi với cô. Cô nói dối nhằm mục đích gì ? Và Giang đã nói như thế nào về gia đình tôi ?
Bạch Đàn nhún vai:
- Chẳng hiểu giữa anh và mẹ con Giang có thù hận gì với nhau, và tại sao hai người lại lôi tôi vào ? Mới hồi sáng Giang hầm hầm hỏi xem tôi đã nói gì với anh về ảnh, và bây giờ tới phiên anh hoạnh hoẹ...
Đại lạnh nhạt ngắt lời cô:
- Nhưng Giang đã nói gì ?
- Anh ta... năn nỉ tôi đừng dạy cho anh nữa, vì anh từng có tiền án về tội cố sát. Tôi dạy ở đây đêm nào Giang cũng phải tới đón về và trong lòng luôn bất an vì lo cho tôi.
Vừa có ý nói dối vừa quan sát Đại, Bạch Đàn thấy anh mím môi lại, vứt điếu thuốc hút dở xuống nhà với vẻ giận dữ trẻ con. Anh hất hàm nhìn cô:
- Vậy sao không nghỉ để vừa lòng Giang. Anh ta lo cho cô thấy mà tội...
Tự nhiên Đại buột miệng:
- Đâu bằng Ái Linh lo cho anh.
Đại nhếch môi:
- May là trên đời này vẫn còn những người tốt như Ái Linh. Nếu không có cô ấy, suốt buổi sáng nay tôi chả biết phải làm gì khi vết thương nhức nhối, trái tim trống vắng, tâm hồn khổ sở vì bị người ta lãng quên.
- Anh không trách tôi đó chứ ?
Đại im lặng. Anh thấy mình dở khi nói câu vừa rồi. Đúng là anh trách Bạch Đàn. Anh giận thái độ cô khi về nhà, dù biết giận như vậy là vô lý. Rõ ràng anh thấy bà mẹ Đàn tát cô một bạt tai rồi lôi xệch cô vào nhà kia mà. Nhưng còn Giang, anh ta làm gì mà một, hai giờ khuya vẫn có mặt ở nhà Đàn với thái độ tự nhiên như ở nhà mình vậy ? Có thật anh ta là người yêu của cô không ?
Suốt đêm Đại không ngủ được, phần vì vết thương hành, phần vì tức khi nhớ tới bộ mặt vênh váo của Giang. Anh ta đã xô Đại ra và chuẩn bị đánh trả nếu bị Đại phản kháng. Nhưng Đại không hề phản kháng dù anh rất giận. Anh lặng lẽ quay đi với cảm giác hụt hẫng khi nghĩ Bạch Đàn đã dối mình. Cô từng biết bà Nhung, từng quen thân với Giang nên anh ta mới chờ cô tới khuya như thế.
Nằm chập chờn được không bao lâu, bà Tám đã gọi anh dậy vì có Giang đến kiếm. Đại hết hồn tưởng Bạch Đàn lại xảy ra chuyện. Anh hấp tấp chạy xuống, va cả cánh tay bị thương vào cánh cửa phòng đến đau điếng.
Thế nhưng Đàn không sao cả. Giang cho biết suốt đêm cô ngủ rất ngon và chả hề giật mình, mộng mị gì hết. Đại ấm ức ngồi nghe Giang nói về Đàn, cách nói đó y như anh ta đã ngồi bên giường trông cô ngủ không bằng.
Giang mời Đại uống cà phê. Vừa nhâm nhi cà phê Giang vừa... khoe với giọng kẻ biết mình trên cơ người khác, thật dễ ghét!
Anh ta khoe rằng Đàn là người yêu của mình. Anh ta được gia đình Đàn... chấp nhận nên ở trong nhà cô như con... rể. Đại không được làm phiền Bạch Đàn nữa. Nếu anh còn rủ rê cô đi tới khuya như vừa rồi, Giang sẽ không tha cho anh. Gia đình Bạch Đàn không muốn cô giao du với thành phần bất hảo nên kể từ hôm nay cô sẽ nghỉ dạy.
Lúc nghe nói thế, Đại muốn đấm vào mặt Giang quá sức, nhưng anh đã cố dằn. Có tiền án như anh đôi khi đánh người vì lẽ phải cũng thành quấy, huống hồ gì những lời Giang nói xem ra đều đúng cả. Có cha mẹ nào muốn con mình giao du với kẻ từng vào tù ra khám đâu ?
Mặc cảm thân phận khiến anh lầm lì ôm hận trở về. Vừa tới phòng khách đã gặp bà Loan ngồi chễm chệ với gương mặt đằng đằng sát khí. Chẳng cần biết phải quấy ra sao, bà mắng anh tới tấp. Đại làm thinh hút thuốc, đến lúc chịu không nổi miệng lưỡi chua ngoa của bà cô ruột, anh với cái gạt tàn thuốc thủy tinh ném mạnh vào tường rồi hầm hầm bỏ đi.
Tin rằng Bạch Đàn sẽ không tới nữa, Đại điện thoại gọi Ái Linh. Cô gái này luôn chứng tỏ cho anh biết rằng cô ta rất yêu anh và lúc nào cũng chiều ý anh. Nhưng với cô, Đại vẫn còn giữ một khoảng cách an toàn, anh thừa biết Ái Linh yêu mình vì tưởng anh là kẻ giàu có, là chủ ngôi biệt thự sang trọng này.
Anh quen Ái Linh khi vừa ra tù lần sau. Cô đang làm tiếp viên trong một quán bia bình dân nên luôn ao ước sẽ giữ chân được anh, một kẻ lãng tử giang hồ giàu có đã dừng bước. Cô muốn lấy một tấm chồng khá giả hầu mong đổi đời.
Sáng nay, Đại đã để Ái Linh muốn làm gì thì làm. Anh nằm yên như bị Ốm nặng. Cô được dịp chăm sóc Đại thật chu đáo. Anh không hiểu sao mình đã ôm Ái Linh vào lòng và hôn cô. Nụ hôn không chút yêu này gợi Đại nhớ lại ngày xưa. Anh từng ôm những cô gái giang hồ và cũng từng hôn họ ý như vậy. Nếu bây giờ là ngày xưa, chắc anh không hiền từ giống Phật khi nằm kế bên mình là một con búp bê xinh xắn đâu. Nói thế quả là tội cho Ái Linh, nhưng biết sao được khi Đại không hề yêu. Anh đã hôn cô trong khoảnh khắc đơn độc cần người chia sẻ, anh đã quá yếu lòng trước sự tự nguyện của Ái Linh, bây giờ nghĩ lại Đại thầm khinh chính mình.
Anh từng ao ước. Giá mà có được một tình yêu, được nghe người yêu thì thầm, nũng nịu, được hôn lên môi cô ấy. Anh không được người yêu ở kế bên nên đã lỡ đùa với tình yêu.
Nếu Bạch Đàn có cảm tình với Đại thì trò đùa của anh đã làm tổn thương cô rồi. Đại xốn xang trong lòng với suy nghĩ này, thay vì trả lời câu hỏi của cô, anh ngập ngừng lảng đi:
- Đêm qua cô ngủ được không ?
Bạch Đàn gật đầu, giọng rụt rè:
- Còn anh thế nào ? Chắc vết thương nhức lắm ?
- Tới sáng tôi mới ngủ được. Vừa chợp mắt thì Giang đến.
Bạch Đàn ngạc nhiên:
- Anh ta đên chi vậy ?
- Cô thử đoán xem.
Gượng cười, Đàn nhỏ nhẹ:
- Chắc tôi lại đoán trật, anh nói đại cho rồi.
Đại giữ giọng thản nhiên:
- Nếu đoán không được thì thôi, chuyện đàn ông với nhau, kể lại với cô đâu hay ho gì ?
Ấm ức nhìn Đại, Bạch Đàn hỏi:
- Anh muốn biết gì về Giang vậy ?
- Tôi đã hỏi rồi, cô trả lời là anh ta nói bậy. Tôi đâu còn thắc mắc gì nữa.
Mặt hơi đỏ lên, Bạch Đàn lầm bầm:
- Thật dễ ghét ! Nếu hết thắc mắc rồi thì tôi về đây.
Đại vòi vĩnh:
- Cô không cần thèm tới gần xem vết thương của tôi ra sao à ? Vẫn còn đau lắm đó.
Bạch Đàn liếc xéo anh một cái:
- Việc đó có Ái Linh của anh làm rồi, tôi có tới xem, anh cũng chả hết đau. Tôi về vậy.
Nghe Đàn đòi về nữa, Đại lật đật chận cửa lại. Mặt anh nhăn nhó trông thật thảm hại:
- Hồi tối tôi đã vì cô suốt đêm chẳng lẽ cô không vì tôi ráng ở lại thêm vài ba phút ?
- Đàn ông gì mà đi kể công với phụ nữ. Nếu anh đã kể, tôi phải trả thôi. Tôi sẽ ở lại đây cho anh hài lòng vì tôi vốn rất sòng phẳng.
Đại thở phào:
- Cô muốn đánh giá tôi thế nào cũng mặc, miễn có cô ở kế bên là tôi hạnh phúc lắm rồi.
Bạch Đàn kêu lên:
- Lại vớ vẩn. Nếu biết anh như vậy, trước kia tôi đã không nhận dạy.
- Bây giờ lỡ dạy rồi cô không nỡ bỏ chớ gì?
Bạch Đàn chua ngoa:
- Chẳng qua vì chén cơm thôi, nói thật nghe, nếu tìm được chỗ dạy khác, tôi bỏ nơi này ngay, mà cũng có thể tôi nghỉ dạy thật đó.
Đại trợn mắt:
- Đành đoạn và tàn nhẫn vậy sao ? Tôi không tin cô bỏ tôi lúc bị thương như vầy.
- Chừng nào phải chạy chỗ nào, chỗ nọ để tìm nơi dạy kèm như tôi hiện giờ, anh sẽ tin công việc này đâu có gì bảo đảm sẽ bền lâu, người thuê mình có thể cho mình nghỉ bất cứ lúc nào mà họ chẳng cần báo trước. Tôi nghe dì Tám kể anh từng cho nghỉ nhiều người. Gặp lúc bực bội, anh... đuổi luôn tôi cũng có sao đâu.
Giọng Đại buồn hiu:
- Thật sự cô nghĩ về tôi như thế à?
Nhớ tới những phút giây bồng bột của mình đêm qua khi tựa vào ngực Đại, rồi nhớ tới hình ảnh anh và Ái Linh vừa tức thời, Bạch Đàn mím môi gật đầu:
- Đó là thực tế. Tôi đâu có thể nghĩ khác được.
- Nhưng tôi luôn luôn tốt với người khác phái, tôi không giống những người cô đã gặp.
Bạch Đàn dài giọng:
- Nhìn cách đối xử ân cần đầy tình cảm của anh và Ái Linh, tôi thừa biết... Anh đâu cần phải quảng cáo.
Đại vò đầu khổ sở:
- Cô hiểu lầm rồi.
Bạch Đàn vờ ngơ ngác:
- Tôi có hiểu gì đâu mà lầm. Tôi chỉ thấy thôi và thấy rất rõ.
Cô gượng cười:
- Trước đây anh vẫn than không tìm được tri kỷ. Nay có tri kỷ rồi. Vui nhé!
Nói dứt lời, tự nhiên Bạch Đàn muốn khóc. Cô cắn môi cố nén, nhưng đôi mắt cứ cay xè... Thì ra Đại vẫn có một chỗ đứng trong tim cô, nhưng Đàn luôn chối bỏ điều này. Mới tức thời, cô vẫn không chịu nhận mình đau nhói ở ngực vì thấy Ái Linh hôn anh, đúng là cô tự dối lòng mình rồi.
Bạch Đàn chịu không nổi khi nghĩ những ngày tháng đầy muộn phiền sắp tới sẽ chẳng có Đại cùng chia sẻ với cô như anh đã cùng chia sẻ hôm qua, anh đã có Ái Linh, cô không thể viện lý do gì để thở than, tâm sự những buồn vui đời mình với anh nữa hết. Cô sẽ tiếp tục lẻ loi đơn độc bên cạnh mẹ mà bây giờ không còn lo cho cô như xưa nữa.
Bất giác Bạch Đàn vội vã bước ra ban công. Nước mắt làm nhạt nhòa tất cả cảnh vật xung quanh.
Lẽ nào cô đã bước vào vòng lẩn quẩn của yêu đương, trong khi chính cô rất ghét ? Cô không muốn khổ như mẹ, hay chết non như Hiền Thục, cô muốn làm chủ lý trí của mình. Nhưng sao lại thế nhỉ? Chắc cô chưa yêu đâu. Làm sao cô yêu một cách dễ dàng như vầy được. Chẳng qua Bạch Đàn tủi thân nên mới khổ đó thôi. Và khi nước mắt tuôn trào rồi, cô không thể nào kềm lại được. Biết là mình khóc Đại sẽ đến hỏi han an ủi, và biết những lời hỏi han an ủi kia chỉ là giả dối ở chót lưỡi đầu môi, sao Đàn vẫn muốn nghe anh nói đến thế ?
Đại đến bên cô nhưng không nói lời nào hết. Anh đưa Bạch Đàn chiếc khăn tay rồi im lặng nhìn xuống sân. Dưới hai gốc nguyệt quế già cỗi, những cánh hoa trắng rụng đầy tơi tả.
Thái độ dửng dưng của Đại làm cô ngượng. Vò chiếc khăn trong tay, Bạch Đàn hít mũi.
- Xin lỗi, tôi không cố ý khóc để phiền tới anh.
Đại trầm giọng:
- Buồn bực thì cứ khóc cho vơi. Tôi áy náy đã không an ủi được cô.
- Tôi hiểu. Đâu phải nỗi buồn nào cũng có người chia sẻ. Tôi bắt đầu thấy quý những phút giây của đêm qua. Anh đã rất tốt với tôi.
Đại dò dẫm:
- Giang đối với cô còn tốt hơn tôi nữa.
- Tôi biết. Nhưng giữa anh và Giang đã từng có xích mích phải không ?
Vẫn nhìn xuống sân, Đại nói:
- Tất cả cũng tại ông nội tôi không chịu bảo lãnh cho Giang. Điều này khiến anh ta có mặc cảm với họ hàng bên nội và dĩ nhiên ảnh đâu ưa gì tôi.
Bạch Đàn hỏi tới:
- Cụ thể mẹ con Giang đã làm gì hại anh ?
- Cô hỏi Giang sẽ biết. Tôi không thích nói sau lưng người cô yêu đâu.
Bạch Đàn đỏ mặt:
- Tầm bậy ! Đã bảo tôi và Giang chả có gì cả, sao anh cứ gán ghép hoài vậy ?
Đại nheo nheo mắt:
- Tôi học ở cô đó chứ. Cô cứ gán ghép Ái Linh là tri kỷ của tôi thì sao ?
- Nhưng mà rõ ràng cô ta... cô ta...
Bạch Đàn bối rối. Đại nhìn cô chăm chú đầy tinh quái:
- Ý cô muốn nói Ái Linh quá thân mật với tôi phải không ? Hôn nhau đâu có nghĩ là yêu nhau. Đằng này chính miệng Giang tuyên bố cô và anh ta thắm thiết yêu nhau. Tuy chưa cưới hỏi nhưng anh ta đã ở rể tại nhà cô rồi. Điều này có thể tin được vì một, hai giờ khuya Giang vẫn có mặt để mở cổng cho cô vào...
Đàn bực bội:
- Anh ta trọ Ở nhà tôi thì lúc nào lại chả có mặt. Không sao anh có thể tin Giang nhỉ?
- Ai bảo là tôi tin Giang ? Chẳng qua tôi muốn chọc giận cho cô đừng ủ ê khóc lóc nữa đó thôi.
Bạch Đàn nói:
- Anh nói về Giang cho tôi nghe đi.
Đại lắc đầu:
- Tôi chỉ nói về mình. Cô nghe không ?
- Anh vẫn còn nợ tôi đoạn hai chuyện ở tù kia mà. Chuyện này chắc dó dính dáng tới bà Nhung và Giang ?
Đại chép miệng:
- Cô thông minh lắm nhưng đoán vẫn chưa đúng. Bà Nhung vô tình hại tôi.
- Nghĩa là sao chứ ? Tôi vẫn không hiểu bà ấy hại anh bằng cách nào ?
Giọng Đại trầm xuống:
- Sau khi nhận một trăm ngàn bố thí của cô Loan, tôi thành đứa vô gia cư, không nghề nghiệp, không bà con họ hàng nên tôi phải tấp vào dám bụi đời đầu đường xó chợ. Một trăm ngàn chả mấy chốc đi mây về gió. Trong đám bần cùng ấy, tôi đã gặp lại thằng to đầu tôi đâm hụt ngày nào. Nó làm chủ một bàn bida và một sòng bạc. Nó đã có vợ và vợ nó không ai khác hơn con bé tiếp viên bị tôi vô tình đâm trúng. Thật bất ngờ phải không ?
Bạch Đàn gật đầu một cách máy móc, chờ nghe Đại nói tiếp:
- Nói làm chủ cho oai vậy thôi, chứ Tỷ là thằng mê cờ bạc và phi xì ke, có đồng nào nó xào đồng ấy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn có tiền. Một lần thua cháy túi nhưng lại tới cữ, Tỷ gạ bán cho tôi một tin tức mà theo hắn tôi nên biết để làm bài học nhớ đời. Hôm đó dù chỉ còn những đồng xu cuối cùng, nhưng tôi cũng dốc túi đưa cho Tỷ. Phi xong một điếu, hắn thấy hồn lâng lâng nên vui vẻ "bật mí" một câu chuyện cũ.
Cười gằn một tiếng, Đại nghiến răng:
- Tỷ cho tôi biết chuyện đụng độ trong quán cách đó hai năm chỉ là một vở kịch mà hai vợ chồng nó đóng vai chính. Bà Nhung đã mướn nó làm chuyện này. Bà ta mướn chúng đánh hai đứa con bác Hai là thằng Tâm và thằng Tiến. Bà ta muốn phá gia đình bác Hai, muốn trì hoãn chuyến đi, thậm chí làm sao cho Tâm và Tiến vào tù càng tốt. Không ngờ tôi lại lãnh hết hậu quả và luôn dằn vặt khi nghĩ mình có tội, cố ý đâm người chớ không biết rằng chính cô ta cố tình nhảy vào lưỡi dao tôi đang cầm.
Bạch Đàn nghi ngờ:
- Chẳng lẽ cô gái đó gan vậy sao ?
Đại nhếch mép:
- Có chút ma túy vào, chuyện gì họ chả dám làm.
Cười khẩy một cái, Đại tiếp:
- Nghe xong chuyện Tỷ kể, tôi liền... chơi mấy điếu bồ đào và đi tìm bà Nhung. Lúc này bà ấy đang... làm bé một tay đầu nậu thuốc tây nổi tiếng ở thành phố, cuộc sống sung túc đầy đủ. Bà chưng diện như bà hoàng và Giang cũng không khác các công tử quý tộc là mấy. Anh ta đang học đại học Kinh tế, rất mực đào hoa, con gái theo nườm nượp vì tài làm thơ, viết nhạc và cả ký họa chân dung.
Bạch Đàn sững sờ:
- Giang có tài làm thơ siêu... siêu thực phải không ?
- Tôi chỉ biết anh ta có làm thơ, còn thơ siêu thực hay siêu phàm gì tôi không biết. Giang chưa tặng cô bài thơ nào sao ?
Bạch Đàn xụ mặt:
- Đừng có đùa nữa, kể tiếp đi mà.
Đại nhếch môi:
- Nghe tới Giang, cô nôn nóng thấy phát ghét. Nên nhớ, trong câu chuyện này tôi là nhân vật chính đó. Cô làm tôi phải ghen lên rồi đấy.
Đàn nửa đùa nửa thật:
- Nhưng với tôi, Giang mới là nhân vật đặc biệt đáng tìm hiểu hơn ai hết.
- Vậy tôi không kể nữa đâu...
- Tôi đâu bảo anh nói đến Giang. Lạ thật! Không kể thì tôi về à nghen!
Miệng nói về nhưng cô vẫn ngồi yên. Bạch Đàn chờ Đại năn nỉ, không ngờ anh lại cao giọng thách thức:
- Nói về sao không về đi ?
Bạch Đàn cong môi:
- Về thì khó ăn cơm vô lắm. Tôi vốn tò mò, chưa nghe hết chuyện, nghĩ cũng tức chứ.
- Nhưng cô tức điều gì ?
- Thì tức cho anh : Tôi muốn biết sau đó thì thế nào ?
Đại kể:
- Tỷ dẫn tôi đến nhà bà Nhung. Thấy tôi đi với hắn, bà ta có hơi sững sốt một tí nhưng chỉ chớp mắt đôi ba cái bà ấy đã lấy lại bình tĩnh. Bà vui vẻ mời chào và tỏ vẻ tiếc cho tôi. Rồi không đợi tôi hỏi, bà nhận ngay chuyện đã làm ngày trước. Bà rất ân hận vì vô tình hại tôi đến nỗi này.
Anh cười buồn:
- Dù từng ở hai năm tù nhưng tôi vẫn là thằng con trai hai mươi tuổi ngờ nghệch. Trước thái độ khổ sở, ăn năn và miệng lưỡi ngọt ngào của bà Nhung, tôi xìu hẳn đi. Sự hung hăng nóng nảy tan đâu mất. Tôi và Tỷ ra về sau khi nốc một bụng bia với đồ nhậu no nê. Lúc đưa tôi tới cổng, bà ta còn nhét vào túi tôi hai trăm ngàn... Hừ! Có lẽ là tiền bồi thường thiệt hại của tôi cũng nên.
Bạch Đàn thắc mắc:
- Anh không gặp Giang sao ?
- Có chứ. Anh ta nhìn tôi như nhìn người lạ. Cũng dễ hiểu thôi vì lúc đó Giang đang chuyện trò thân mật với một cô gái.
Bạch Đàn vội hỏi ngay khi nhớ tới Hiền Thục.
- Trông cô ấy ra sao ?
Hiểu lầm thái độ của cô, Đại hơi mỉa mai:
- Tôi nói thật, đừng buồn nhé ! Trông cô ta đẹp và sang trọng vô cùng.
- Anh biết cổ tên gì không ?
- Không! Nhưng từ giờ trở đi nếu thấy Giang đi với cô gái nào tôi sẽ hỏi tên và cho cô biết. Vừa lòng rồi chứ ?
Bạch Đàn thừ người ra, cô chẳng phản ứng gì trước lời xách mé của Đại. Cô cố nhớ nhưng không đoán được cách đây bốn năm, Hiền Thục đã quen Giang chưa và nếu quen rồi thì Giang của Hiền Thục có phải là Giang này không ?
Phớt lờ trước ánh mắt soi mói của Đại, Bạch Đàn hỏi:
- Vậy là... ân oán giữa anh và bà Nhung được xóa nhờ hai trăm ngàn đó à ?
- Lúc ấy hai trăm ngàn đâu phải nhỏ. Tôi đang túng, tội gì không nhận. Tôi chia cho Tỷ năm chục ngàn. Chính vì quá hào phóng nên sau này tôi mới khổ thân vì thằng đầu trâu đó.
Bạch Đàn trợn mắt:
- Hắn... hắn cướp số tiền còn lại của anh hả?
Đại lắc đầu:
- Đâu có ! Hắn tôn tôi làm đại ca mới chết chứ. Hắn bày cách cho tôi gia nhập vào tầng lớp cặn bã của hắn và tôi trở thành một thằng ăn cắp.
Bạch Đàn gằn giọng hỏi:
- Ăn cắp ?
- Cô ngạc nhiên sao ? Ông bà từng nói: "Bần cùng sinh đạo tặc". Tôi lại vào tù vì tội ăn cắp. Lần này những bốn năm. Vừa đủ để một chú chim sẽ ngờ nghệch hóa thành đại bàng.
Bạch Đàn chớp mắt:
- Nhưng... nhưng anh đã không là đại bàng chứ ?
- Biết nói với cô thế nào khi có những điều không phải không muốn là được. Tôi đã quá chán quá khứ, tôi sợ nhắc lại, nhớ tới tháng ngày đen tối đã qua...
- Xin lỗi, tôi quá tò mò.
Đại nhìn Bạch Đàn âu yếm:
- Tại tôi muốn nói mà. Với cô, tôi luôn có cảm giác thanh thản khi kể về quá khứ. Tôi tin rằng cô hiểu tôi hơn bất kỳ người nào khác. Cô sẽ không nghỉ dạy như lời Giang nói sáng nay chứ ?
Bạch Đàn lắc đầu, rồi không hiểu sao cô lại thành thật:
- Nhưng mẹ và dì Ngọc không bằng lòng cho tôi tới đây nữa.
- Còn ý cô thế nào ?
Tránh đôi mắt chờ đợi của Đại, Bạch Đàn ngần ngừ:
- Bây giờ anh đang bị thương, tâm trí tôi lại đang bất ổn. Có thể chúng ta tạm nghỉ một vài tuần...
Đại ngắt lời cô:
- Vết trầy không ảnh hưởng đến việc học. Tôi biết làm gì cho hết thời gian nếu chỉ có một mình ? Cô đang buồn, cũng cần người an ủi. Tôi không phải chuyên gia tâm lý nhưng dứt khoát sẽ làm cô vui với bất cứ giá nào. Tối mai, chúng ta vẫn học bình thường nhé ?
- Tôi thấy chưa tập trung tinh thần được. Tuần này chúng ta nghỉ.
Đại bồn chồn:
- Cô không hoãn binh rồi rút lui luôn chứ ?
Bạch Đàn lững lờ:
- Anh đừng lo, nếu rời nơi đây, tôi sẽ giới thiệu cho anh một người khác, giỏi hơn tôi gấp mấy mươi lần.
Đại nghiêm mặt:
- Cô thừa biết vấn đề không phải ở chỗ này. Tôi đâu cần người nào khác ngoài cô. Bạch Đàn ! Hứa với tôi là cô sẽ tiếp tục dạy tôi học đi ! Hứa đi !
Đàn còn đang im lặng thì Đại vụt nắm tay cô siết chặt. Cảm giác yên ổn vì được che chở, an ủi chợt trở về với Đàn, cô để mặc tay mình trong tay Đại.
Nhớ tới thái độ thân mật của Ái Linh với anh. Đàn bỗng vùng dậy. Cô hấp tấp mang túi xách vào vai, giọng lạc đi:
- Tôi về!
Đại bước theo:
- Đừng về Bạch Đàn ! Tôi...
Cô cương quyết:
- Tôi không phải là Ái Linh. Anh nên nhớ điều đó.
Bỏ mặc Đại đứng sững với nỗi ngượng ngùng, Đàn chạy xuống cầu thang.
Ngoài nỗi buồn đang mang, trái tim Bạch Đàn bỗng chùng xuống, nặng nề vì một nỗi buồn không tên rất lạ.
Nguồn: http://vietmessenger.com/