Trong vòng buổi sáng Nhành đã gặp ba người bạn cùng quê. Họ cũng chẳng khá hơn cô là mấy. Hai người là công nhân Xí nghiệp sản xuất giày đang nghỉ xã hơi chờ việc, người kia thất nghiệp nằm co cả tháng chưa kiếm được công ăn chuyện làm, đang tính đường về quê. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, mà mặt mày đứa nào đứa nấy cũng nhăn nhó như cái bị rách! Cả buổi chỉ nghe toàn tiếng than vắn thở dài, kêu trời gọi đất bắt sẩu mình! Nản quá! Nhành đành phải về sớm không kịp ăn bữa cơm trưa mọi người đã chuẩn bị:
- Sao vìa sớm vậy? Ở lại ăn cơm cái đã! Bộ chê cơm nhà nghèo hả?
Nhành đành nói dối:
- Mình trực nhớ một chuyện quan trọng cần phải giải quyết, thôi để khi khác.
Nói xong, Nhành đạp xe một mạch không dám quay đầu lại. Ra khỏi con hẻm nhớp nhúa, đọng nước, cô phân vân không biết đi đâu, làm gì, trong khi đó bụng cứ réo lên đòi ăn. Cô nghĩ thầm, hay là về nhà, kiếm mấy hột cơm nguội dằn bụng, đánh một giấc cho sảng khoái rồi tính tiếp, cái bao tử “ tra tấn “ dữ quá! Nhưng rồi cô nhanh chóng gạt ý nghĩ “ hưởng thụ “ đó ra khỏi đầu. Nước đang ngập đến chưn mà còn nghĩ đến chuyện ăn ngủ thì quả là lẩn thẩn! Thôi thì cứ đi cái đã. Thỉnh thoảng trong lúc đi đường, tình cờ Nhành bắt gặp những tấm bảng cần tuyển người ở các hàng quán, tiệm buôn...Vừa đạp vừa ngó dáo dác. Cầu may. Nhưng đạp đến muốn rụng cặp giò mà chẳng có gì. Khi Nhành ngửng mặt lên thì mới phát hiện đang ở một nơi hoàn toàn lạ hoắc mà cô chưa từng đặt chưn đến. Lúc này là giữa trưa nắng chang chang. Con đường bố́c khói. Lớp nhựa đường nóng chảy dính vô vỏ xe đạp. Cái đói , cái khát buộc cô phải dừng lại trước quán cơm bình dân tồi tàn, nằm nép mình khiêm tốn bên cạnh tòa cao ốc mấy chục từng.
Quán đông nghẹt, không còn một chỗ trống. Thấy đông nên ngại, cô co chưn trả pê đan, lấy đà định đạp tiếp thì bà chủ quán từ trong xăng xái bước ra, nắm đuôi xe kéo lại:
- Nắng nôi như vầy đi đâu cho cực! Vô ăn cơm, nghỉ chưn một chút rồi hẳn đi. – Đoạn chị ta dẫn Nhành tới chỗ trống bên gốc cây dầu rồi nói:- Em cứ đứng đây để chị biểu tụi nhỏ kê thêm cái bàn.
Một thằng bé đen nhẻm như củ tam thất, ốm cà tong cà teo tóc cháy nắng lẹ làng lấy cái bàn xếp dựng dưới gốc cây, xách tiếp chiếc ghế mủ dơ hầy đặt bên cạnh đó rồi giương cặp mắt một mí dòm cô:
- Ăn gì? – Thằng nhỏ nói cộc lốc cứ như của bố thí không bằng.
- Cơm cá kèo kho. Có nước đá hôn cho một ly, khát quá!
Nó đứng tại chỗ, day mặt vô bên trong, đưa tay bắc loa kêu lớn:
- Một cơm cá kèo kho! Mang ca nước đá!
Lanh lẹn chẳng kém gì thằng “ củ tam thất “ một cô bé dáng vẻ nhà quê bưng ra dĩa cơm đặt cộp lên bàn. Rồi xây qua bàn kế bên lấy ca nước trà đá đóng bợn vàng khè. Nhành uống liền hai ca. Nước lạnh ê chưn răng. Đã quá! Trên dĩa cơm cá kèo còn có thêm vài lát dưa chuột cắt mỏng và trái ớt hiểm đỏ chót. Nhành lấy muỗng gạt trái ớt ra ngoài rồi bắt đầu ăn. Nóng nực gặp món khô khó nuốt, Nhành kêu thêm chén canh cải bẹ xanh nấu với tôm khô. Lúc này khách khứa trong quán đã vãn bớt, bà chủ quán tranh thủ lấy chiếc khăn choàng ngang cổ lau mồ hôi dầm dề trên gương mặt đỏ phừng. Vạt khăn thò vô thau canh. Đang cắm cúi ăn Nhành bỗng thấy một đôi chưn mang guốc cao gót có quay hậu màu xanh da trời đứng cách mình chừng mấy thước. Lúc đầu Nhành không để ý nhưng cái chưn mặt bỗng co lên vít nhẹ, một hòn sỏi nhỏ văng về phía cô. Ngửng mặt lên và bắt gặp một gương mặt quen quen đang nhìn mình cười mủm mỉm. Sau một hồi ngờ ngợ Nhành nói như reo:
- Con Hường phải không? Đồ quỷ! Vậy mà nãy giờ không chịu lên tiếng!
Hường bật cười khanh khách, sà xuống ngồi bên cạnh:
- Mày còn nhận ra tao à? Vậy mà tao cứ tưởng mày lo làm giàu mà quên hết bạn bè rồi chớ.
Nhành và Hường cùng huyện nhưng khác xã. Cả hai cùng lên thành phố lập nghiệp và đã từng ở chung chỗ trọ trong một thời gian. Thật tình Nhành không thích Hường vì Hường tính tình đành hanh làm biếng, lại có tật táy máy tay chưn, hễ thấy thứ gì ưng ý là thó làm của riêng. Thời gian đầu hai người làm chung tổ hợp sản xuất thú nhồi bông. Nhành chăm chỉ, khéo tay, kiếm tiền cũng bộn bộn. Còn Hường vốn ham chơi hơn ham làm nên chẳng bao giờ đủ ăn. Nghĩ tình chị em cùng cảnh nên Nhành ra tay bảo bọc và hết lời khuyên Hường nên chí thú với công việc. Con nhà nghèo đừng học đòi tiểu thơ!
Nhưng Hường chẳng chịu thay đổi mà cứ lợi dụng vào lòng tốt của người khác. Giận quá, Nhành thẳng thừng:
- Ai cũng đã lớn chồng ngồng hết rồi nên tự lo liệu bản thân mình, đừng dựa dẫm
vô người khác như ký sinh!
Đang nhai cơm lập tức Hường phun ra và đứng dậy:
- Mới cho được vài bữa cơm bố thí mà đã lên giọng! Hãy đợi coi mèo nào cắn đuôi mèo nào!
Nói xong, Hường cuốn đồ đạc, te tét bước đi mà không một lời từ biệt. Thời gian thấm thoắt đã gần ba năm, đôi lúc nghĩ lại Nhành cảm thấy ân hận về cách cư xử thiếu nhã nhặn của mình. Cô cứ tưởng Hường đã về quê, bởi một người như Hường khó mà thích hợp với cuộc sống xô bồ xô bộn ở thành phố. Vậy mà..
- Làm gì mà cứ trầm ngâm như con thầy bói?
Hường liến thoắng cắt ngang suy nghĩ của cô. Lúc này, Nhành mới ngó kỹ cố nhân. Giọng nói. Trang phục hiển hiện sự thành đạt.
- Lúc nãy chạy xe ngang qua, tao mày mạy in như là mày. Chạy một đoạn liền quay đầu trở lại, ngó kỹ hơn, thì đúng là mày thiệt. Quả đất tròn có khác! – Nói xong Hường bỗng cười ré lên.
- Nè, mày không đánh cướp nhà băng hay buôn hêrôin đó chớ? – Cuối cùng
Nhành cũng thốt lên một câu nói giỡn để che dấu sự lúng túng của mình.
- Eo ơi, mày nói nghe ghê quá! Cuộc sống này vô cùng tươi đẹp, tao đâu có ngu làm chuyện tày trời đó để có ngày phải “ dựa cột! “.
Nhành lấy muỗng vét những hột cơm cuối cùng, uống thêm nửa ca trà đá rồi xây mặt về phía Hường. Nói bằng giọng nửa thiệt nửa giỡn:
- Mày đừng nói với tao là mày làm cave hay gái bao nhá. Bạn bè tao thiệt lòng, tao nhổ nước miếng vào loại người đó, cho dù có dát vàng lên người tao cũng cứ coi khinh!
Hường quẳng cái nhìn chọc ghẹo về phía Nhành , đôi môi cong lên khinh dễ:
- Mấy năm không gặp, tật nói xóc óc của mày vẫn chưa chịu chừa! Mày coi thường bạn bè quá!
Hai người ngồi nói chuyện một lúc, Hường đề nghị:
- Nhà tao cũng ở gần đây thôi mày tới chơi cho biết. Bạn bè mấy năm không gặp thiếu gì chuyện để nói.
Nhành gật đầu cái rụp. Hường ấn nút đề chiếc Majesty. Êm ru. Rồi một tay điểu khiển xe, tay kia đẩy chiếc xe đạp chạy bon bon. Đi chừng vài trăm mét, hai chiếc xe quẹo vô con hẻm cụt và dừng lại trước sân một ngôi nhà đẹp đẽ có hàng rào bao quanh. Hường tắt máy, mở cửa rồi nhường lối cho Nhành bước vô. Hường nói cầu cao:
- Mày thấy cái “ ổ chó “ này có được không?
Cái “ ổ chó “ của Hường rộng chừng sáu chục mét vuông, được xây cất theo lối hiện đại, nội thất trang trí toàn là những thứ sang trọng, mắc tiền. Tất cả được sắp đặt một cách ngăn nắp có thẩm mỹ.
Nhành trầm trồ:
- Nhà đẹp quá! Tiền mướn chắc mắc lắm hả?
Hường cười:
- Thuê mướn gì, nhà này tao mua và đứng chủ quyền hẳn hòi.
- Vậy sao? – Nhành thốt lên ngạc nhiên, đôi mắt trợn tròn nhìn Hường khâm phục. Cả đời cô cho dù có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện sở hữu một ngôi nhà đẹp mã như vầy. Hường vô bên trong thay bộ đồ ngủ tơ tằm trơn bóng màu mỡ gà trông rất thanh lịch, rồi lại tủ lạnh lấy mấy lon “ Sài Gòn ” mời khách:
- Mày xài tạm thứ này, tao không quen dùng nước ngọt!
Nhành cầm lon bia nhấp một ngụm. Hường lại lấy ra dĩa nho Mỹ chín mọng đặt lên bàn rồi cầm lon bia tu một hơi hết sạch. Thấy Nhành tỏ vẻ sửng sốt, Hường cười, nói:
- Ăn nhằm gì, sức tao có thể nốc cả thùng hai mươi bốn lon!
Đoạn Hường cầm chiếc remote bật giàn hifi. Bản hòa tấu “ love story “ phát ra từ cặp loa Pioneer đặt trên tủ buýt phê. Hường chỉnh âm điệu du dương vừa đủ nghe, rồi ngoảnh mặt về phía Nhành, hỏi bằng giọng kẻ cả:
- Lúc này làm ăn sao rồi? Chắt chiu, hà tiện, lại “ cày hùng hục “ như trâu dễ chừng mày đã có tiền tỉ trong nhà băng!
Nhành vừa nói vừa cười:
- Chà, có tiền nói năng mạnh miệng quá ha! – Nhành im lặng một lúc rồi nói thấp giọng:- Tao thất nghiệp rồi, đang tính xin mày một chưn lau nhà, rửa chén đây!
Hường khui thêm lon nữa, tu ừng ực rồi đặt lên bàn:
- Công chuyện thì không thiếu, nhưng mày có gan không?
Nhành thấp tha thấp thỏm trên bộ xa lông:
- Việc gì tao cũng làm miễn là không trái với đạo đức là được.
Hường nhăn mặt, đánh xì một cái đến đỗi bia bắn ra bàn:
- Mày lúc nào cũng rào trước đón sau. Dòm kỹ đi, mặt tao đâu giống tội phạm mà mày cứ...
Nhành im lặng, cử chỉ bồn chồn. Hường bật cười bí hiểm, chờ cho Nhành gần như mất hết kiên nhẫn mới bắt đầu lên tiếng:
- Nói ra chắc mày không tin, tao được như ngày hôm nay là có công của mày!
Nhành ngồi thừ người nhìn bạn tỏ vẻ áy náy :
- Thôi mà, đừng nói móc họng nữa. Chuyện cũ qua rồi nhắc lại làm gì!
Hường đưa tay đập nhẹ lên vai Nhành, trợn mắt nói lớn:
- Tao nói thiệt mà mày cứ nghĩ tùm lum. Chuyện là như vầy..
Hường lấy thêm mấy lon bia, khui “ bốp “ một cái rồi đưa cho Nhành:
- Lâu ngày không gặp phải uống cho thiệt say. Ngày nào tao cũng uống với bao người xa kẻ lạ chẳng hứng thú gì cả, có bạn có bè đối ẩm uống mới vui.
- Nào cụng lon!
Hường dốc ngược cái lon , liệng xuống gầm bàn rồi tiếp tục câu chuyện bằng chất giọng kim cộng hưởng với hơi men.
...Bữa đó giận Nhành quá Hường bỏ đi. Thiệt tình lúc đầu cô chỉ tính quanh quẩn đâu đó tới chừng nào tan hết cục giận thì về nhà. Ở cái thành phố xa lạ này ngoài Nhành ra Hường chẳng quen ai khác. Lúc đầu cô ra công viên ngồi hóng mát. Nhìn người ta sum vầy, hạnh phúc mà tủi thân mình. Cũng là con người với nhau cả sao ông trời ưu ái người này, bỏ rơi người kia? Hường giận bạn bè rồi giận luôn cả ông Trời! Nếu có ổng trước mặt nhứt định cô sẽ túm lấy cổ áo lão Trời già mà hỏi cho ra lẽ! Nhưng Trời thì ở tuốt trên cao đang còn mê mết với Hằng Nga, tiên nữ, đâu có thời giờ để ngó ngàng chuyện dưới trần gian! Cứ thế, Hường ngồi lì ở đó đến chập tối thì thấy đói và khát. Thế là cô đi lang thang định kiếm một quán ăn bình dân nào đó để giải quyết cái bao tử trống không. Nhưng ngặt nỗi, chỗ này là khu giải trí cao cấp với những nhà hàng, khách sạn, khu giải trí thượng lưu dành cho những kẻ thừa tiền lắm của. Cô đứng tần ngần trước nhà hàng “ Đồng Quê” , mắt dòm trân trối vô phía bên trong. Bãi giữ xe nằm bên hông nhà hàng đông nghịt các loại ô tô đời mới mà cô chỉ có dịp nhìn qua catalo, trên tivi hay các trang quảng cáo mà thôi. Hường nép người vô xó tối, lén lút như con trộm nhìn thiên hạ chén chú chén anh, cụng ly chan chát , rượu chảy như suối, thịt chất từng mâm cao như núi mà thèm chảy nước miếng! Lúc ấy trong túi còn được vài trăm, đây là số tiền dành để phòng thân khi chẳng may gặp chuyện bất trắc cho dù túng thiếu đến mấy cô cũng không dám đụng đến. Bài học con Hoa còn rành rành trước mắt, chỉ vì không tiền mổ ruột thừa mà sớm làm bạn với trùn đất. Hường đứng ở đó một lúc lâu. Cái đói cộng thêm nỗi hận đời đã lấn át cả lý trí. Sẵn tiền cô liều mạng. Cũng đàng hoàng ngồi gác chưn chữ ngũ như ai, cô kêu liền ba món: thịt nai nướng, heo rừng xào lăn, nhím rô ti và mấy lon “ bản lãnh đàn ông”. Gã bồi bàn vừa bày các thứ ra bàn vừa nhìn Hường bằng đôi mắt của sinh vật đến từ hành tinh khác. Cô liệng cho gã mấy tờ bạc lẻ, gã lập tức thay đổi bộ mặt kính cẩn khúm núm trong rất tức cười. Đã chơi thì chơi cho đáng không để thiên hạ cười. Hường gắp từng miếng thịt cho vô miệng, nhấm nháp từng ngụm bia, cứ thế bữa ăn kéo dài từ lúc chập tối đến gần mười giờ đêm! Lúc này trong nhà hàng đã bắt đầu thưa khách. Mấy thằng đàn ông đầu hói, bụng bự say be bét kéo khóa quần, tè bậy vô mấy bồn hoa vừa ư ử hát mấy câu vọng cổ! Trong lúc cô cố thanh toán nốt mấy miếng thịt rừng và lon bia cuối cùng thì bất ngờ một chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi màu cà phê sữa từ bên ngoài cua nửa vòng rồi đậu ngay cạnh Hường đang ngồi, thậm chí suýt nữa húc đổ cái bàn. Từ trên xe một người đàn ông có gương mặt nhăn nhó, thảm não rất khó đoán tuổi bước xuống, ông ta gieo người nặng nề xuống chiếc bàn kế bên và kêu hẳn một thùng bia, cùng vô số mồi nhắm đủ cho sáu người no nê! Mồi màng thì nhiều nhưng ông ta không hề động đến, mà uống hết lon này đến lon khác, thỉnh thoảng giương đôi mắt sầu thảm hướng về phía Hường, không hiểu sao lúc ấy cô không hề có cảm giác sợ hãi mà ngược lại còn lấy đó làm thích thú nữa là đàng khác, có lẽ là do chất xúc tác của bia, Hường cũng nhìn ông ta bằng ánh mắt vừa khêu khích vừa mơn trớn. Bỗng ông khách lảo đảo đứng dậy, tiến về phía cô và đưa ra một lời đề nghị:
- Cô có thể ngồi uống với tôi được không?
Tuy đầu óc đã hơi xà quần nhưng Hường vẫn còn đủ tỉnh táo để phán đoán, đánh giá vấn đề một cách nghiêm túc. Trong thâm tâm cô nghĩ, có lẽ ông ta tưởng cô là gái bia ôm, cave hay tương tợ như vậy nên mới có một yêu cầu khiếm nhã như thế. Cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, Hường ngó thẳng vô mắt Khách, nói khít qua kẽ răng:
- Nhìn ông cũng ra dáng là dân có học, sao đánh giá người khác thấp kém như vậy? Tui cảnh cáo ông!
Khách thoáng lúng túng rồi rất nhanh ông ta lên tiếng xin lỗi và giải thích vì sự hiểu lầm trên:
- Tôi hoàn toàn không xấu như cô nghĩ, xin cô hiểu cho. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc tôi có thể đoán ra cô là người như thế nào. Nói thật, tôi bị cú sốc trong công việc định tìm rượu để giải sầu, nhưng uống một mình thì càng buồn thêm. Rượu phải có người đối ẩm, vì vậy..
Hường đang buồn, khách cũng gặp phiền muộn, hai nỗi buồn cộng hưởng có thể tái tạo niềm vui? Hoặc ít ra cũng san sẻ phần nào nỗi cô đơn. Thế là cô thay đổi thái độ gật đầu đồng ý.
Vừa nhâm nhi vừa tâm sự, Hường mới biết Khách có học vị thạc sĩ, là giám đốc một công ty có tầm cỡ trong thành phố. Kiếm tiền như nước.
- Hãy kêu tôi bằng anh cho thân mật. Tôi hứa sẽ không xúc phạm đến em và không đụng tới người em cho dù là cọng lông chưn.
Thế là uống và uống! Câu chuyện bắt đầu từ đời cộng sản nguyên thủy cho đến khám phá sao Hoả, sao Kim! Đi từ thơ ca lãng mạn cho đến thứ ngôn ngữ chợ trời! Cứ thế bay vèo cả thùng bia lúc nào không hay. Lúc này đã gần hai giờ sáng. Khách dòm Hường, gật đầu thán phục:
- Em có tửu lượng rất tuyệt! Hôm nay, uống như vậy là đủ. Ngày mai tôi mời em uống tiếp có được không?
Hường gật đầu cốt để cho ông ta vui lòng chớ kỳ thực còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đàn đúm nhậu nhẹt. Khách kêu thanh toán và hào phóng trả luôn phần của cô. Nhìn cái hóa đơn dài như sớ Táo quân mà phát nóng lạnh! Với số tiền này ông bà già ở dưới quê cày cật lực trong một năm cũng không thể nào có được. Xong xuôi, Hường xách đồ đạc bước xiểng niểng ra cửa thì Khách kêu lại và chìa ra mấy tờ giấy bạc loại lớn:
- Đây là tiền công của em!
- Cái gì? – Hường tròn mắt ngạc nhiên pha lẫn giận dữ :- Đã nói là tui không phải là loại người như ông nghĩ!
Đợi cô trút hết cơn thịnh nộ, khách từ tốn nói:
- Anh hoàn toàn không có ý đó. Đây là tiền trả công lao động của em. Làm giám đốc, mỗi giờ anh kiếm được có khi lên đến tiền triệu. Em đã ngồi với anh bốn giờ, anh trả cho em bốn trăm ngàn không biết có được không?
Hường lắc đầu từ chối. Ông khách nhăn nhó một cách khổ sở, nói:
- Em phải lấy vì đó là thành quả lao động của em! Anh là nhà doanh nghiệp luôn muốn mọi thứ phải rạch ròi sòng phẳng! Em giúp anh khuây khỏa, anh trả công là điều hợp lý không ai nợ nần ai. Nếu em không nhận, có nghĩa là em đã khi dễ anh!
Cực chẳng đã Hường phải cầm. Ông khách hớn hở ra mặt, chìa tay cho cô bắt và nói:
- Năm giờ ngày mai em đợi anh ở đây , chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác nhé!
Khách về, Hường mới thấm say thiếu điều lết đi không nổi. Đêm đó, cô ngủ ở khách sạn bình dân cách “ Đồng Quê “ chỉ vài chục bước chưn. Cho đến giữa trưa ngày hôm sau mới tỉnh dậy, mình mẩy ê ẩm như ai dần. Trong đời cô chưa bao giờ uống nhiều như vậy. Sau khi tắm rửa, ăn uống qua quýt, Hường định về nhà nhưng trong bụng vẫn còn giận nên cứ dùng dằng không quyết, rồi nhớ đến lời hẹn với ông khách trong lòng cảm thấy ngần ngại không yên. Dù sao ông ta đã cư xử quá tốt với mình lẽ nào mình lại thất hứa. Và thế là Hường quyết định gặp ông ta thêm một lần nữa.
Nhành đột ngột chen ngang câu chuyện:
- Mày liều mạng quá! Rủi ổng rắp tâm thủ đoạn thì biết tínhsao?
Hường im lặng gật đầu tán đồng rồi nói:
- Tao cũng có ý nghĩ như mày nhưng bằng trực giác , tao thấy khách không phải là người xấu. Người ta có thể lừa dối bằng cử chỉ, lời nói nhưng ánh mắt thì không thể. Vả lại giàu có, hào hoa như ổng lấy người mẫu còn được nữa là, thèm khát gì đứa đầu đường xó chợ như tao. Nói thiệt, nếu ổng mà ngỏ lời thì lập tức tao gật đầu mừng húm!
Nhành im lặng ra chiều suy nghĩ. Hường kể tiếp: Đúng năm giờ cô có mặt thì thấy khách đã ngồi đợi sẵn. Hôm nay trông thần sắc ông ta tươi tỉnh hơn rất nhiều. Lại kêu bia và thịt rừng. Ông ta chỉ hỏi cô tên gì, bao nhiêu tuổi ngoài ra không hỏi thêm gì nữa. Cả buổi chỉ toàn tán chuyện bao đồng vô thưởng vô phạt. Đến tận mười hai giờ đêm cả hai mới ba chùm ba chán ra về. Khách đưa cho Hường bảy trăm ngàn tiền công. Cô cầm tiền mà không còn cảm thấy ngượng ngùng như hôm qua, điều này làm cho khách càng thêm vui. Cô quyết định thối lại cho ông khách hai trăm.
Khách ngạc nhiên:
- Sao vậy em?
- Em khuyến mãi! Mỗi giờ một trăm nhưng đến giờ thứ tư trở đi em chỉ tính bằng năm mươi phần trăm!
Khách ngẩn người một lúc rồi bật cười sang sảng và liên tục gục gặc cái
đầu bờm xơm:
- Sáng kiến! Sáng kiến! Công ty của anh cũng có hình thức tương tự mua hai tặng một...hà..hà..- Khách ngưng cười đột ngột và nói nghiêm chỉnh:
- Em đã trở nên chuyên nghiệp rồi đó nghen! Có bao giờ em nghĩ đây là đây là một công việc thật sự và gắn bó lâu dài với nó không?
- Ô hay, đây cũng gọi là nghề nghiệp hả anh? – Hường vừa nói vừa cười :- Ngoài anh ra , chẳng lẽ còn có người khờ khạo đến nỗi quăng tiền qua cửa sổ?
Khách nói:
- Có đó! Nhiều nữa là đàng khác! Với kinh nghiệm của một người từng trải trong thương trường và các mối quan hệ anh hiểu rằng công việc này rất cần cho nhiều người – Khách nhịp giò, nói thêm:- Trước tiên em cần sắm cho mình chiếc di động, bộ trang phục công sở, vài thứ linh tinh khác và trang bị một số kiến thức nhứt định. Anh sẽ giới thiệu em vài địa chỉ. Bảo đảm em sẽ không bao giờ lo thất nghiệp!
Thế là từ hôm đó Hường bắt đầu kiếm sống bằng cái nghề nghe có vẻ kỳ cục, nghề “ nhậu mướn ! “ Và cũng nhờ nó mà cô mới “ gặt hái “ như vầy đây.
Hường kết thúc câu chuyện, đưa tay huơ huơ trước mặt, nhìn Nhành cười tít mắt:
- Có thể nói tao là người “ khai sáng “ nghề này. Và tao đã truyền nghề cho nhiều người khác nhưng bấy nhiêu chẳng thấm tháp gì. Dân nghèo thì cứ nghèo, còn cán bộ nhậu thì cứ việc nhậu. Chẳng vậy mà nhà dưỡng lão, trại mồ côi cùng các tụ điểm ăn nhậu đồng loạt mọc lên quá chừng! Tao chạy “ xì khói “ mà vẫn không thể nào thỏa mãn nổi “ đơn đặt hàng “ cứ tới tấp nên phải liên tục từ chối khéo. Nếu mày gật đầu, tao sẽ giúp một tay!
Nhành nói:
- Nghe mày kể mà tao không tin vô tai của mình nữa. Nghề gì nghe kỳ cục! Mà người ta mướn mình nhậu để làm gì ta?
- Để giao dịch, làm ăn hay là toan tính những điều ám muội! Nhưng không phải ai cũng có thể nhậu được nên phải mướn! Mày ở thành phố đã năm bảy năm rồi mà cứ bơ ngơ báo ngáo ! Còn nhiều chuyện mà cho dù có nằm mơ mày cũng chẳng bao giờ tin nổi. Chẳng hạn như, tao có đứa bạn thất nghiệp lên thất nghiệp xuống, đói thiếu điều rã họng phải liên tục kiếm tao để xin “ cứu trợ”. Vậy mà gần đây nó làm ăn tấn tới. Gặng hỏi, nó mới chịu tiết lộ làm nghề...chậc, tao cũng không biết kêu là nghề gì cho đúng nữa, khó nói quá! Ừ, tạm chấp nhận là nghề “ làm thân nhân “ đi.
Nhành trố mắt hỏi lại:
- Nghề “ làm thân nhân “ là sao?
- Là là..ví dụ như có một gia đình không có con cháu muốn mướn người làm con, làm cháu, thậm chí làm vợ cho vui cửa vui nhà, xua đi cảm giác cô đơn nhứt thời hoặc có thể vì một lý do tế nhị nào đó như để giao dịch hoặc đối phó với một tình huống khó xử ...trong một thời gian nhứt định và với một số tiền được thỏa thuận. Chuyện đại loại là như vậy.
- Ồ, có chuyện đó nữa à? – Nhành thốt lên thất thanh.
Hường định nói tiếp thì chiếc điện thoại cầm tay trên bàn reo lên một hồi dài. Hường nhấc lên, bấm tách tách mấy cái rồi áp vô lỗ tai:
- A lô, phải tui đây. Tới ngay hả? Ừ, ừ chỗ nào? Tui biết rồi, hai mươi phút nữa tui sẽ có mặt.
Hường cúp máy, lật đật đứng dậy, vô trong lấy bộ quần áo mới. Rất tự nhiên, Hường thay đồ trước mặt Nhành:
- Mày thấy tao có đẹp hôn?
- Đẹp, đẹp lắm!- Nhành đáp mắt không rời khỏi thân hình trắng phau, nõn nà không miếng vải che thân của cô bạn cũ.
Giọng Hường chua chát:
- Vậy mà chưa có thằng nào chạm tới! Có lẽ bọn đàn ông sợ quơ nhằm con ma men!
Nói xong Hường thở hắt một cái thiệt mạnh. Nhành cựa mình sột soạt trên ghế. Hường gập người xuống xỏ guốc.
Nhành hỏi:
- Đi đâu vậy?
- Gặp thân chủ để trao đổi, trước khi bắt đầu công việc cần phải biết mình đang tiếp xúc với ai, mục đích gì, để biết đường mà tính, rõ chưa con ngốc!
Nhành đứng dậy. Hường bươn bả dắt xe ra khỏi nhà và nói:
- Mày suy nghĩ kỹ đi rồi trả lời cho tao biết để tao còn liệu. Tánh của mày cố chấp cứ khư khư cái triết lý sống cũ rích, tao còn lạ gì. Mình chẳng phải dân đầu trộm, đuôi cướp, cũng không đĩ điếm , cave thì sợ cái đách gì. Thôi tao đi đây. Bữa nào rảnh rang nói chuyện nhiều hơn.
Hường đề máy. Chiếc Majesty lao vút ra hẻm . Nhành đứng ngẩn người một lúc
rồi nhảy thót lên yên xe, đạp một hơi về nhà.