Mấy trăm năm trước đây có một cặp vợ chồng rất nghèo. Anh chồng làm không đủ ăn nên đâm ra buồn bã và tìm giải sầu trong men rượu. Khi nhậu say thì về nhà đánh đập vợ. Người đàn bà bất hạnh không chiụ đựng nổi, đành bỏ nhà ra đi.
Một hôm đi lạc trong rừng suốt mấy ngày, đói lả và mệt mã. Sau cùng bà tìm thấy nhà của một anh thợ săn. Người thợ săn này rất tử tế, cho bà ăn uống đầy đủ lại còn bảo bà ta ở lại nhà ông ta nghỉ ngơi. Bà ta ở đó và dọn dẹp nhà cửa cho anh. Sau một thời gian, họ nên vợ chồng và sống thật hạnh phúc. Người đàn bà đã quên người chồng cũ rồi.
Một ngày kia, trong khi người chồng thợ săn đang đi săn trong rừng, thì một người đàn ông trông có vẻ đau yếu, quần áo tả tơi bẩn thỉu đến nhà xin ăn. Người đàn bà động lòng thương mời vào nhà cho ăn. Trong khi anh ta ăn uống bà ta mới quan sát kỹ hơn và nhận ra đó là người chồng trước của bà. Bà cảm thấy thương hại anh ta, nên cho đồ ăn và một ít tiền bạc. Vừa lúc đó người chồng thợ săn trở về trông thấy vợ mình đưa cho người đàn ông lạ mặt vật gì liền sinh ra nghi ngờ. Anh ta cho là vợ mình lăng nhăng và không còn tin cậy nữa.
Bà vợ cố gắng giải thích cho chồng nghe nhưng ông chồng không tin, không nghe. Bà vợ buồn rầu lắm. Một hôm trong khi nấu ăn bà ta nhảy vào lửa tự tử.
Khi người chồng thứ nhất nghe tin vợ chết thì cảm thấy hối hận vì cho rằng đó là lỗi mình gây ra. Thế rồi anh ta cũng tự thiêu chết theo vợ.
Người chồng thứ hai lúc bấy giờ mới tin vợ là người ngay lành. Anh ta cảm thấy hổ thẹn về thái độ của mình và buồn phiền về cái chết của vợ mình. Anh ta thấy không thể tiếp tục sống cô đơn nữa bèn tự thiêu chết theo vợ.
Ngọc Hoàng trên trời biết được chuyện yêu đương tam giác và những lỗi lầm của họ nên cho họ biến thành "táo quân"* (3 người thành 3 đầu chụm lại đỡ nồi nấu ở trên) có nhiệm vụ theo dõi việc nội bộ của các gia đình dưới trần gian. Vào cuối năm âm lịch, ngày 23 tháng chạp, táo quân lên chầu Ngọc Hoàng tâu lại mọi điều đã xảy ra trong nhà mình ở. Ngày đó, dân chúng dọn bữa cơm ngon để cúng, đưa ông táo về trời. Họ cũng đốt giấy bằng bạc, áo quần bằng giấy, vì cho rằng chuyện đó sẽ giúp ông táo trong cuộc hành trình về chầu Ngọc Hoàng.
(Nguồn Đoàn Xuân Hà )
* Trung Hoa có 4 truyền thuyết chính về nguồn gốc Táo quân: sách của Lã thị Xuân Thu cho Táo quân là Chúc Dung được Viêm Đế [Vua Thần Nông] phong làm thần Lửa; Ngũ Kinh Dị Nghĩa thì cho rằng Táo quân là Tô Cát Lợi; còn theo Du Dương Tạp Trở thì Táo quân là một cô gái đẹp tên Tử Quách thường hay lên trời vào những đêm không trăng để tâu trình Ngọc Hoàng những người có lỗi và cuối cùng theo truyện của Hoài Nam Tử nói Táo quân chính là Viêm Đế [vua Thần Nông] mang lửa đến cho dân. Tất cả các truyền thuyết trên đều nhắc đến một cá nhân, lo việc bếp núc gọi là thần bếp, mang tính cách phong tục, tín ngưỡng thuần túy mà không có tình nhân văn và triết lý sâu sắc, tình tiết éo le, cảm động như chuyện Táo quân VN. Nội dung truyền thuyết của VN liên hệ chặt chẻ, hợp lý với nội dung quẻ Ly trong kinh Dịch [mà nhiều học giả nghiên cứu cho rằng cũng xuất phát từ nền văn minh phía Nam sông Dương Tử của người Việt cổ]. Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nhưng được dân gian hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà," gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết “Tam vị nhất thể” (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo.
(Nguồn svqy.org)