28/4/12

Những tấm lòng nhân ái (C13-16)

Chương 13

Mịt mù trong gió mạnh và sóng lớn, chiếc ghe của chúng tôi tiếp tục lệch sang hướng Đông Bắc thay vì phải đi theo hướng Đông. Lắng nghe những lời trao đổi của những người đàn ông về chuyện thay nhau chèo để bẻ mũi ghe đi đúng hướng, tôi đã kỳ vọng rất nhiều về sự hợp sức và tinh thần “còn nước còn tát” của họ. Tôi nghe anh Thảo nói là chiếc ghe sẽ không làm sao kham nổi với sức gió mạnh để bẻ ngược mũi chèo, cho nên cần phải làm một chiếc đuốc để đánh tín hiệu SOS cầu cứu với các tàu thuyền gần đó. Sau lời đề nghị của anh là tiếng i ới của ông chủ ghe gọi các người phụ tìm cây, giẻ, dầu, và quẹt. Chẳng mấy chốc, một ngọn đuốc sáng rực hiện ra. Lúc đó, tôi tưởng ánh sáng của ngọn đuốc xé khoảnh đen của đêm được lâu lắm, ai dè nó chỉ huơ qua lại được vài phút bị gió thổi tắt ngay. Thời gian ngọn đuốc cháy sáng chỉ đủ cho tôi thấy được vài cái đầu lố nhố trên buồng lái chứ không thể thấy được gì thêm. Dù là vậy, tôi không hề nghĩ là có chiếc tàu nào gần chiếc ghe của chúng tôi. Hình ảnh trơ trọi của chiếc ghe trên mặt nước tím thẫm mênh mông lúc ban chiều vẫn còn khảm trong tâm trí tôi và đủ để cho tôi khẳng định là không có chiếc tàu lớn đi ngang vùng biển này vì họ đã biết trước nơi có giông tố. Những người đàn ông cố gắng tìm mọi cách giữ ánh sáng của ngọn đuốc để đánh tín hiệu cầu cứu, nhưng ngọn đuốc chỉ sáng được vài giây là tắt ngay nên họ phải tháo ra để sửa hay quấn thêm giẻ mới để đốt lại rất nhiều lần. Tắt rồi lại sáng, sáng rồi tắt, ngọn đuốc luân phiên bật lên niềm hy vọng và nỗi thất vọng liên hồi trong lòng chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng khi nghe những người đàn ông than thở là không còn giẻ và dầu để làm đuốc nữa và anh Thảo cho biết là ghe đã lệch hướng rất xa. Tôi cảm thấy như tim mình như bị bóp nghẹt vì hiểu rằng đây chính là lúc tôi phải nhận lấy hậu quả cho sự quyết định của mình. Những người nằm gần chúng tôi, cũng im lặng chẳng khác nào vì có lẽ tất cả đều hiểu rằng đi vượt biển có nghĩa là mang theo cái chết theo mình. Quanh chúng tôi lúc này chỉ còn tiếng gió, tiếng sóng và tiếng khóc thút thít. Rất buồn bã và thê lương.

Bất chợt, tiếng nói của ông chủ ghe và anh Thảo vang lên từ buồng lái. Thì ra họ đã không từ bỏ vai trò tài công và hoa tiêu trong lúc đối phó với tình trạng nguy khốn của chiếc ghe. Mặc dù không thể đổi mũi ghe đi đúng hướng, họ đã hết lòng hợp lực cùng nhau trong lúc thay phiên cầm lái, chèo và tát để đưa chiếc ghe vượt qua các cơn sóng dữ. Tôi căng mắt nhìn về phía họ trong khi tiếp tục lắng nghe những lời đối thoại. Niềm hy vọng hồi sinh trong lòng tôi khi tôi nghe lời báo của người hoa tiêu:
“Mấy anh em có thấy chỗ sáng đèn kia không? Chỗ đàng kia kìa.”

Không những chỉ có những người được gọi báo, vài cái đầu của những người đàn bà chúng tôi ngẩng lên từ dưới sàn ghe, đưa mắt tìm kiếm. Lòng tôi rộn ràng vui sướng khi thấy một vùng sáng rực trên mặt biển đàng xa.
“Đúng rồi! Hình như là một chiếc tàu rất lớn.” Ông chủ ghe đáp lại.
“Không phải đèn tàu! Đâu có tàu nào có nhiều đèn như vậy! Tôi nghĩ đó là chỗ khoan dầu và đèn tự động sáng về đêm. Nhưng mà anh cứ cho mấy anh em chèo đến đó đi! Biết đâu có người ở đó giúp mình.

Anh Thảo nói với giọng thuyết phục trong khi ông chủ ghe đáp lại lời anh bằng lời hối thúc rất hào hứng: “Mấy đứa nghe không? Cố gắng lèo mũi lái về phía dàn đèn chỗ đó mau đi! Đến được đó rồi nghỉ.”

Dù lời kêu gọi của ông chủ ghe phấn khởi thế nào, người cầm lái và người phụ chèo không hề đổi được hướng tiến của mũi ghe. Vẫn lệch so với chỗ đến dàn đèn khoảng chín mươi độ, chiếc ghe vẫn tiếp tục lao về phía trước. Đồng thời với sự lạc hướng, tốc độ của chiếc ghe tự dưng tăng lên một cách bất ngờ, nhanh hơn cả thời gian ghe chạy bằng máy kèm với buồm. Hốt hoảng, ông chủ gào những người đang cầm lái chèo theo cách chỉ dẫn của ông. Nhưng ông càng gào thét bao nhiêu thì chiếc ghe càng phóng xa chỗ có đèn sáng bấy nhiêu. Đang thất vọng trong lúc ngoái cổ nhìn về phía dàn đèn sáng, tôi bỗng giật mình vì tiếng rột roạt cọ sát bên ngoài mạn ghe nơi mình tựa lưng. Càng lúc tôi càng thấy nơi mình đang co ro nằm như được nâng cao hơn và hơi nghiêng ngược về phía sau một chút. Chỗ mạn thuyền nơi tôi tựa đầu và vai vào hình như bị chúc xuống trong lúc chỗ tôi đang cố gắng duỗi chân ra thì ngược lên cao hơn. Ngạc nhiên với sự lạ, tôi có cảm giác là ngay dưới đáy ghe chỗ mình nằm có một vật gì đó đang tạo sức đẩy cho sự di chuyển của chiếc ghe. Vật đẩy này đích thực là nguyên nhân của sự tăng tốc và là vật xúc tác đối với sự ù lì và chậm chạp của chiếc ghe giữa những đợt sóng lớn. Tôi chẳng hiểu lý do nào mà cái vật đẩy kỳ lạ ấy thực hiện điều này nhưng rõ ràng là nó đã kích thích chiếc ghe chúng tôi chạy nhanh hơn mà không cần biết đàng trước mũi ghe có bị cản trở gì hay không. Ghe chúng tôi vùn vụt lao trên mặt biển chẳng khác nào như chiếc xe máy đứt thắng đang vô định trên đường với một tốc lực kinh hồn. Cũng may là con đường mà tôi giả dụ chỉ là mặt biển mênh mông và trống vắng nên cái vật đẩy gì đó muốn đẩy chiếc ghe chúng tôi băng băng đến hướng nào thì đẩy mà không hề bị tai nạn giao thông vì sự va chạm trước mặt. Màn tối mù mịt của đêm và nước bắn tung tóe khiến tôi không thể nhìn thấy gì bên ngoài cái sườn ghe mặc dù nỗi tò mò trong lòng tôi càng lúc càng tăng theo tiếng rột roạt dị kỳ đang hòa lẫn vào trong tiếng ròng ròng đều đặn của nước chảy. Tốc độ cao tột cùng của chiếc ghe đã khiến cho tôi cảm tưởng sẽ bị rớt xuống biển một cách dễ dàng nên tôi đã phải bám chặt vào người cạnh bên và nhắm chặt mắt để đỡ bớt chóng mặt. Trong khi ói thốc tháo vì say sóng, tôi đã phải thụt chân về vì cái đạp của một người đang chập choạng bước qua. Lờ mờ qua đóm đèn pin hay đèn bão gì đó, tôi thấy khuôn mặt dáo dác của ông chủ ghe. Tưởng rằng ông muốn bước qua để đến chỗ đi tiêu, tại cuối đuôi ghe, nhưng tôi chỉ thấy ông len qua những người nằm cạnh, rảo mắt dò xét ngoài mạn. Không hiểu ông đã thấy gì và điều đó tốt xấu như thế nào, nhưng sau một hồi chăm chú soi rọi, ông đã lặng lẽ trở lại buồng máy. Tiếng anh Thảo vang to:
“Cố gắng bẻ mũi lái đi mấy anh em ơi! Mình đi xa chỗ dàn đèn quá rồi.”

Một người phụ lái nào đó đáp lại:
“Hình như ghe mình bị vào luồng nước ròng, không ra khỏi được.”
Tiếng ông chủ ghe vang lên:
“Có phải là ghe vướng vào trong nước ròng đâu, nhưng cái đà này thì hết còn cơ hội đến chỗ đèn sáng đó được nữa rồi!”

Tiếng rột roạt bên hông ghe từ từ nhỏ lần khi tiếng nước chảy ròng ròng vang to và đều đặn. Âm thanh như tiếng nước reo như khi thuyền rẽ ngang sóng lớn. Chỗ tôi nằm vẫn còn ở độ nghiêng không bình thường và mũi ghe vẫn chếch lên cao hơn so với mức trung bình khi lao về phía trước. Tôi không còn nghe tiếng đối thoại của ông chủ ghe và anh Thảo, và cũng rất hiếm khi nghe tiếng nước tạt. Dường như hai người đầu tàu này và những người đàn ông thanh niên khác đều bó tay trước tốc độ kỳ lạ của chiếc ghe. Khi chiếc đèn lù mù ở buồng lái tắt hẳn, nhiều tiếng ói, tiếng khóc và tiếng cầu nguyện vang lên liên hồi. Im lìm trong bóng tối, tôi thấy lòng quặn thắt khi nghe lời khẩn cầu thống thiết của ai đó:
“Xin ơn trên thương xót phù hộ cho con của con! Xin trời phật cứu mạng cho chúng con. Chúng con là những người hiền lành vô tội, trời phật ơi!”

Ôm chặt Tinô trong lòng, tôi khóc rất thảm thiết. Trong lúc tuyệt vọng vì không nghĩ ra cách để giúp con mình thoát khỏi cảnh hiểm nghèo đang có, tôi lại nghe nhiều tiếng cầu nguyện thống thiết của những người đàn bà nằm gần vang lên liên tiếp. Chúng gợi cho tôi nhớ lại câu chuyện của chị Lan, người hàng xóm của tôi, và cuộc đối thoại của chúng tôi. Chị kể cho tôi nghe lý do chị cạo trọc đầu là chị được qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo sau khi nguyện cầu phật bà Quan Thế Âm cứu giúp. Lúc đó, tôi nói với chị là nếu tôi cầu với trời phật điều gì thì tôi thì chỉ nguyện ăn chay vài tháng chứ không bao giờ hứa cạo đầu. Khi nói vói chị Lan như thế, tôi nghĩ lời nói của mình chắc chắn như đinh đóng cột, thế mà trong tình trạng hiểm nghèo lúc ấy, tôi đã thành tâm nguyện với Phật tổ và Phật bà Quan Thế Âm là tôi sẽ cạo trọc đầu khi gia đình tôi được đến bờ bình yên. Bờ mà tôi mong mỏi được đặt chân đến là chỗ sáng đèn của giàn khoan dầu mà anh Thảo phỏng đoán; nhưng, càng lúc nó càng xa tít cho đến khi chỉ còn là một đốm mờ rồi mất hẳn. Rã rời trong tuyệt vọng, tôi ôm Tinô chặt hơn, nhất quyết không buông nó ra dù phải chìm vào trong lòng biển lạnh. Những người nằm cạnh ép chặt vào tôi hơn nhưng không phải chỉ vì kiếm thêm hơi ấm hay để khỏi phải rơi xuống biển như trước đó. Tất cả đều chuẩn bị cho số phận cùng chết chung. Chẳng mấy chốc, tiếng cầu nguyện và than khóc từ từ vơi đi rồi chìm mất. Trong bóng đen của đêm chỉ còn tiếng gió gào và tiếng đều đều của nước chảy. Chúng tôi lần lượt thiếp dần vào giấc ngủ; mặc cho chiếc ghe lao đến những nơi mà biển trời định đoạt.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 14

“Có Tàu! Có tàu! Có tàu kìa!”

Tiếng reo inh ỏi của Tài đã đánh thức tôi dậy. Dáo dác nhìn quanh một lúc, tôi hững hờ nhìn bóng tàu ở xa thật xa. “Lại thêm một sự lơ là và rẻ rúng!” Tôi đã nghĩ thế nhưng lòng rất thanh thản và an bình. Ánh sáng dịu dàng của bình minh và sự tương đối phẳng lặng của mặt biển đã cho tôi cảm giác như mình đang ở trong giấc mơ đẹp sau khi trải qua cơn ác mộng kinh hoàng. Nhớ đến vật đẩy dưới đáy ghe nơi mình nằm, tôi vội vàng ngoái đầu ra ngoài sườn ghe để tìm hiểu, nhưng xung quanh chiếc ghe của chúng tôi giờ chỉ là một vùng biển xanh thẫm với những ngọn sóng vừa phải đang nhấp nhô lên xuống. Vì mặt biển tương đối phẳng lặng nên sàn ghe của chúng tôi không có độ nghiêng khá lớn như tối hôm qua nhưng điều ấy không thể thuyết phục là tôi đã bị ảo giác đánh lừa. Tôi tin chắc là cái vật đẩy nào đó đã nâng chiếc ghe chúng tôi cao hơn mặt biển và đã đưa chiếc ghe chúng tôi ra khỏi vùng có giông khi nó tạo ra những tiếng rột roạt ngay mạn thuyền tôi nằm tựa vào. Chính cái vật đẩy đó đã đưa chúng tôi đến vùng biển tương đối êm dịu này trước khi bỏ đi. Giờ đây không có nó, chiếc ghe chúng tôi trở lại tình trạng ù lì gần như bại liệt và những người phụ lái phải ra sức chèo để tránh tình trạng nước theo chân vịt vào khoang ghe.

Trong lúc mọi người chểnh mảng nhìn quanh biển, những đứa nhỏ đột nhiên la khóc dữ dội. Tinô cũng òa khóc theo trong khi uốn éo mình mẩy của nó trong lòng tôi. Biết nó cũng ở vào tình trạng khổ sở vì rít róng, tù túng và đói khát như những đứa trẻ kia nên tôi đành cởi chiếc áo của nó ra để liệng xuống biển trước khi ẵm nó lên nóc buồng lái xin ông chủ cho ngồi lại chỗ cũ. Sở dĩ tôi làm vậy là để nó đỡ bớt nóng nực và hy vọng xin nước cho nó từ cái thùng chứa gần đó. Ngày hôm trước, ông chủ ghe rất dè sẻn cho mọi người nước uống vì số nước trong thùng còn lại rất ít. Những cây đá mà ông định dùng làm nước uống đã tan chảy và bị tạt xuống biển từ bao giờ; cho nên, nước trong thùng chứa chẳng có được bao nhiêu từ những mảnh đá vụn tan ra và hiện thời chỉ để dành cho những đứa con nít. Tinô được uống nước lại được thoát khỏi cái áo đầy nước biển và chất nôn ói nên trông vui vẻ hẳn lên. Sự hài lòng của nó làm tôi yên tâm phần nào trong lúc vẫn còn xốn xang với cảnh nó ở trần, không có áo mặc. Tự an ủi là chiếc lưng đầy sảy của nó cần được thoáng khí, và không thể dùng chiếc áo khá bẩn của nó nữa để biện minh cho việc làm của mình, tôi dự định là sẽ dùng chiếc áo khoác dơ dáy của mình để bọc tấm thân nhỏ nhoi của nó khi trời về đêm. Vài bà mẹ cũng đã tháo áo và cả quần của con họ quẳng xuống biển vì chúng bẩn đến độ làm da non của mấy đứa nhỏ đỏ ửng và lấm tấm sảy. Trong khi dằn vặt và chua xót với cảnh con mình trần truồng như thế, những người mẹ chúng tôi đắm chìm trong ý tưởng riêng. Không khí buồn tẻ bao trùm lấy chiếc ghe cho dù nó lờ l?ng trên mặt biển như chiếc du thuyền. Không hề tỏ ra chút chú tâm, hai người phụ lái đẩy mái chèo một cách lờ đờ, miễn cưỡng và không định hướng.

Tiếng nói đầy thất vọng của Tài vang lên:
“Chiếc tàu đó đi nữa rồi!”

Thông điệp này đã làm tôi buồn bã như những lần trước; nhưng lần này không hiểu sao, tôi lại trông ngóng và mong chờ sự loan báo mới của Tài với hai chữ “Có tàu!” Những lời đồn đãi về sự cạn kiệt của tấm lòng nhân đạo thế giới trước khi vượt biển vẫn còn đọng trong trí của tôi nhưng tôi không tin là thế gian đã mất hết lòng nhân đạo. Tôi vẫn còn hy vọng và tin tưởng là chúng tôi sẽ được cứu vớt trong một ngày nào đó, miễn là ghe chúng tôi không bị dìm chìm bởi giông to sóng lớn hoặc được tấp vào một bờ đất nào đó. Nhìn màu nước xanh đậm của biển, tôi bỗng nhớ những ngày ra bãi ngồi ngắm trời, mây nước. Lúc ấy, từ bờ nhìn ra khơi tôi thường hay mơ ước được lênh đênh giữa biển trời như thế để thấy tâm hồn thư thái, an bình và riêng biệt. Giờ đây, ở giữa vùng nước mênh mông như ước muốn cũ, tôi lại cảm thấy ngao ngán màu xanh biển đến kinh hoàng. Ao ước duy nhất của tôi lúc này là tìm thấy được màu xanh của lá để chiếc ghe nhỏ bé của mình có được một bờ bến tấp vào. Tuy nhiên, bến bờ mà tôi muốn đến là một hoang đảo nơi chúng tôi có thể tìm thức ăn nước uống trong lúc chờ máy bay phát hiện hoặc những chiếc tàu ngang qua cứu giúp chứ không phải là nơi thuộc đất nước mà ghe chúng tôi vừa trốn thoát đi. Ở đó, chắc chắn là sự bắt bớ và tù đày đang chờ chực chúng tôi.

“Có tàu, có tàu! Có chiếc tàu lớn đàng kia kìa!” Tiếng reo của Tài làm tôi giật mình đưa mắt nhìn theo cánh tay chỉ của nó.
Một tiếng nói đầy bất mãn của một thanh niên nào đó vang lên:
“Có tàu! Có tàu! Cho một trái lựu đạn này là có cũng như không!”
Hốt hoảng, tôi la lớn:
“Ê! Đừng có làm bậy đó nghe! Mình đang ở trong hải phận Quốc Tế mà gây tiếng nổ; mấy tàu khác họ tưởng là tàu hải tặc làm khó dễ với mình là lớn chuyện đó!”

Vì quá sợ hãi tôi đã nói vậy chứ lời nói của tôi chẳng đúng lý lẽ gì; nhưng bà chủ ghe vừa nghe tôi nói đã trừng mắt về phía những người thanh niên đang đứng cầm chèo:
“ Đứa nào vừa nói như vậy đó? Thằng Tèo? Thằng Luân? Hay thằng Châu? Tao cấm tụi mày làm chuyện bậy bạ! Nghe chưa!”

Tôi vội đính chính:
“Nếu những người trên những chiếc thuyền lớn có ống dòm thấy ghe mình có toàn đàn bà con nít bơ phờ, xơ xác thì không nghĩ là ghe hải tặc đâu nhưng nếu mình gây nổ ở vùng biển Quốc Tế là bất hợp pháp.”

Bà chủ ghe không đáp lời tôi, vẫn quay mặt về phía những người chèo lớn giọng:
“ Có nghe không Tèo? Luân? Châu? Tao nói không ném lựu đạn là không ném lựu đạn! Đứa nào không nghe lời thì đừng trách tao.”

Châu đáp lại với giọng trấn an:
“Thằng Tèo nói chơi thôi mà dì! Chứ nó có lựu đạn gì đâu!”
“Có hay không chỉ có tụi mày biết, nhưng tao nói không là không!”

Bà chủ la như vậy rồi quay lại giải thích với tôi:
“Tụi nó thường đem chất nổ để ?ánh b?t cá. Tôi không biết tụi nó có đem theo lúc này không nhưng tôi phải la như vậy để ngừa tụi nó làm bậy.”

Tôi im lặng vì sốc. Tôi đã tiếc nuối mãi về chuyện để mất vũ khí tự vệ của mình, mà có ngờ đâu những người thanh niên trên ghe có cả chất nổ trong tay. Nếu vợ chồng chúng tôi còn chiếc dao xếp của cha chồng tôi thì vẫn không thể nào bảo vệ được Tinô khi mà sức mạnh của người cầm vật nổ sẽ khống chế tất cả mọi người trong tình trạng lộn xộn trên ghe. Hình dung những chuyện chẳng lành sắp xảy ra, tôi hoàn toàn xuống tinh thần, và cảm thấy nản nề hơn khi nghe tiếng nói đầy thất vọng của Tài:
“Chiếc tàu đó lại đi nữa rồi!”
“Có tàu, rồi lại không có tàu! Nói hoài mà không thấy có tàu nào đến cứu thì tao quăng mày xuống biển để cá ăn thịt trước đó!”

Tiếng lầm bầm của ông chủ ghe làm tôi hoảng sợ. Tôi biết ông nói cho có nói hoặc là để hả giận với những điều xảy ra ngoài ý muốn chứ không có ý hại Tài khi mà tôi nghe phong phanh nó là cháu ruột của ông hay của vợ ông gì đó. Thế nhưng sự bất mãn của người phụ lái đến người chủ ghe đã cho tôi thấy rõ ràng dấu hiệu khủng hoảng tinh thần của những người đang điều hành chiếc ghe. Rùng mình với những tưởng tượng không hay trong trí, tôi hứa với lòng là sẽ không bàn bạc hay nói năng gì với ai nữa để được yên thân.

Tài không bất bình với những lời cằn nhằn của ông chủ ghe, nói như reo:
“Có tàu! Có tàu kìa!”
Mọi người dồn mắt nhìn theo hướng chỉ của nó. Vài người ngồi trước mũi lao xao:
“Đúng rồi! Có tàu! Có tàu!”
“Hình như cái tàu đó đang đi tới phía ghe của mình!”
“Cầu trời cho cái tàu đó vớt mình!”

Sự rộn rã của mọi người làm tôi cảm thấy hân hoan hẳn lên. Mắt của tôi như muốn căng ra để nhìn cho kỹ chiếc tàu đàng xa. Đúng như mọi người nhận định, m?t chiếc tàu đang di chuyển rất chậm nhưng mũi của nó hướng về phía ghe chúng tôi chứ không phải ngang qua trước tầm nhìn của chúng tôi như những chiếc tàu trước đó.

“Hình như chiếc tàu bỏ đi lúc nãy. Nó vòng trở lại để đến ghe mình.” Tiếng nói của anh Thảo vang lên.
Lòng tôi ngập tràn vui sướng và hy v?ng khi nhận ra chiếc tàu th?c s? đang trực chỉ đến chiếc ghe của chúng tôi. Càng lúc nó càng hiện rõ hơn nhưng càng đến gần, nó di chuyển rất chậm chạp. Tôi đã hồi hộp khá nhiều khi thấy những bóng người lăng xăng chạy trên boong tàu. Hình như họ đang tìm cách di chuyển chiếc tàu đến gần ghe chúng tôi trong lúc cố gắng hạn chế những con sóng lớn có thể gây lật chiếc ghe quá nhỏ bé của chúng tôi.

“Tàu Xã Hội Chủ Nghĩa rồi bà con ơi! Cờ nó có sao!”
“Thôi rồi! Kỳ này mình bị tụi Xã Hội Chủ Nghĩa bắt giao cho công an rồi!”

Giật mình, đảo mắt theo hướng nhìn của những người loan tin, tôi thấy trên mạn thuyền có một chiếc cờ xanh màu nước biển nhạt và ngôi sao trắng ở chính giữa. Tôi đã phân vân rất lâu vì không biết đó có phải là cờ của nước Xã Hội Chủ Nghĩa hay không; nhưng sau một hồi ôn lại trí nhớ, tôi chắc chắn rằng mình chưa hề thấy nó khi học thuộc cờ của các nước trên thế giới. Bởi vì nếu đã từng, thì tôi đã có thể thuộc hai màu trang nhã của nó một cách dễ dàng rồi. Tôi cũng không tin đó là tàu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa vì điệu bộ đi lui tới vội vã của những người trên tàu biểu hiện sự lo lắng quan tâm hơn là vây bắt để trừng trị. Dù suy luận như thế, tôi không dám bàn tán một lời nào ngay cả bày tỏ sự tán thành với lời phán của một người đàn bà nào đó:
“Có bị tụi Xã Hội Chủ Nghĩa bắt cũng lên tàu, chứ kiểu này thì trước sau gì tụi nhỏ cũng chết.”

Quay về phía tiếng nói ấy, tôi thấy nhiều cánh tay vẫy của người đàn bà con nít đang ngồi, quỳ lổn nhổn trên sàn tàu. Vài người khóc nức nở trong khi chắp tay xá lạy rối rít. Chồng tôi và những người thanh niên gần đó cũng đỏ hoe mắt khi đưa tay vẫy gọi. Họ, chẳng khác gì tôi, tuy hy vọng được cứu vớt nhưng vẫn ám ảnh sự lạnh lùng và dửng dưng của những con tàu của ngày trước đó, nên đã không ngừng tuôn nước mắt trước sự thật đang xảy ra. “Cảm ơn trời phật đã xui khiến cho những người trên tàu ấy cứu mạng con của con.” Tôi đã thì thầm lời này khi xiết chặt vòng tay quanh người của Tinô.Trong lòng tôi, Tinô nhìn chằm chằm về phía trước với ánh mắt mong đợi và khao khát. Thì ra, trong cái đầu non nớt, nó cũng ý thức được là những người đang chạy tới chạy lui trên con tàu lớn ấy sẽ là những vị cứu tinh của nó.

Khi khoảng cách giữa chiếc tàu lớn và chiếc ghe của chúng tôi chỉ còn độ bốn mươi mét, một người đàn ông có dáng dấp bệ vệ như thuyền trưởng đang đứng tựa thanh chắn của boong tàu đưa tay ra hiệu cho chúng tôi lái ghe tới chỗ mà ông muốn. Lúc này chiếc tàu lớn đã ngừng hẳn nhưng có lẽ máy của nó vẫn còn hoạt động nên đã tạo nhiều ngọn sóng cuồn cuộn xung quanh. Trước vẻ ngần ngừ của hai người thanh niên đang cầm mái chèo, ông chủ ghe quyết định chèo ghe một mình. Tôi đã thấy sự căng thẳng nhiều lần trên khuôn mặt của ông chủ ghe trong những ngày vượt biển nhưng chưa bao giờ thấy khuôn mặt ông căng thẳng hơn lúc ấy. Dọn quang một chỗ nơi mạn ghe phải rồi đứng trong tư thế vững vàng, ông khoát mái chèo một cách rất dè chừng và cẩn thận. Tim tôi đập thình thịch khi thấy chiếc ghe cưỡi trên những ngọn sóng vì hiểu là nó có thể lật úp một cách bất thình lình nếu người lái ghe lỡ tay trong phút giây ngắn ngủi nào đó. Nếu như thế thì chẳng có đứa con nít nào có thể vớt lên khỏi mặt đại dương chưa kể những người không biết bơi như tôi. Chẳng khác gì tôi, mọi người hồi hộp theo dõi sự di chuyển của chiếc ghe trên những con sóng dập dềnh thay vì nhìn lên chiếc tàu trước mặt. Xoay ngang một cách khó khăn trên những con sóng, chiếc ghe dịch từ từ đến vị trí song song với hông của chiếc tàu rồi tiến đến nơi chỉ định. Người đàn ông ở trên boong có dáng dấp bệ vệ và đứng đắn của một thuyền trưởng tỏ ra rất căng thẳng khi cho thả chiếc dây thừng lớn khổ màu xanh biển nhạt xuống chỗ ghe dừng. Chỉ vài phút, những người thanh niên trên ghe nắm được đầu mối rồi phụ nhau cột nó trước mũi để giữ cho chiếc ghe yên định phần nào ở chỗ gần thang sắt. Nhốn nháo reo mừng, đàn bà, con nít đứng lên, ùn ùn tiến về phía mạn trái gần mũi ghe, nơi cập gần sát chiếc thang sắt của chiếc tàu lớn khiến cho chiếc ghe chònh chành, nghiêng ngả không ngừng. Trong khi ông chủ ghe cố gắng ghìm tay chèo để giữ sự thăng bằng cho chiếc ghe, anh Thảo kêu nài mọi người đi từ từ chớ đừng chen lấn vậy mà chẳng ai màng để ý đến họ. Không thể giữ im lặng được nữa, tôi nói lớn:
“Từ từ chờ đến phiên không được sao vậy? Mấy ngày trong giông tố không bị sao hết, nay ai nấy tranh nhau leo lên thang để bị rớt chìm dưới nước, không ai cứu kịp thì đừng có mà hối hận!”

Bà chủ ghe đang dượm người đứng lên, nghe tôi nói như thế thì ngồi lại chỗ cũ, đưa mắt về phía mà tôi đang nhìn chằm chằm. Từ trên chiếc thang sắt, hai người đàn ông, một đen một trắng, đang leo xuống để phụ ẵm những đứa nhỏ lên tàu. Họ đã xuống lên nhiều lần trên chiếc thang sắt để lần lượt đưa tất cả những đứa trẻ lên tàu một cách an toàn và cẩn thận. Khi chiếc ghe vơi người, ông chủ ghe đến bên vợ, đưa tay ẵm đứa con út bên hông, hỏi tôi với khuôn mặt rạng rỡ:
“Cô thấy tui chèo tài không? Không phải dễ đâu.”

Tôi đáp:
“Ai cũng biết anh tài mà! Không phải chỉ có chuyện cập ghe gần chiếc tàu này đâu mà cả những ngày ghe trong giông to sóng dữ nữa.”
Tôi định nói thêm: “Anh đích thực là Anh Hùng như tên gọi!” nhưng gượm lại vì nghĩ lời tông bốc chẳng tăng thêm ích lợi gì khi phần thưởng dành cho sự tài trí của ông đã được đáp bằng sự cứu vớt bất ngờ rồi.

Chồng tôi đã ẵm Tinô theo sau ông chủ ghe để leo lên thang sắt. Khuôn mặt anh lộ vẻ hân hoan chẳng khác gì ông chủ ghe làm tôi nhớ lại là chẳng hề nghe người đàn ông hay thanh niên nào cầu nguyện trong những phút hiểm nguy. Có lẽ đối với họ, sự hợp lực để đối phó cho sự an toàn của chiếc ghe thiết thực hơn những điều mà đàn bà và con nít chúng tôi làm trong tình trạng bất khả năng của mình. Giờ đây, chặng đường nguy hiểm đã qua, và sự an toàn chắc chắn đang chờ đợi trên chiếc tàu lớn trước mặt, niềm vui sướng của chúng tôi rộng thênh thang chẳng khác biển trời.

Người đàn ông da trắng, đứng tuổi có dáng vẻ oai nghiêm đúng là thuyền trưởng như tôi đoán. Ông đã cho nhân viên tháo dây thả chiếc ghe trôi đi khi tất cả chúng tôi lên hết trên boong. Trong lúc anh Thảo tường trình cho ông những gì xảy ra cho chiếc ghe chúng tôi bằng tiếng Anh, ông chủ ghe luyến tiếc nhìn chiếc ghe đang bồng bềnh trên mặt biển, và nói với chúng tôi rằng:
“Phải chi máy không hư, đến được đảo Phi thì mình có thể giữ nó làm vật kỷ niệm rồi! Thấy nó nhỏ như vậy mà chắc ghê chưa!”

Theo hướng nhìn của ông, tôi xúc động nhìn lại vật đưa mình qua chặng đường sóng to biển dữ trong những ngày vừa qua. Đúng như ông nói, tuy chỉ là chiếc ghe nhỏ nhưng nó không bị rã, vỡ hay bị đánh tan bởi những con sóng lớn. Có lẽ ông đã lường trước khả năng của nó nên đã trét, trám hay đóng ghép kỹ càng trước khi lên đường với hy vọng lưu giữ nó ở bờ đất Phi Luật Tân như một kỷ vật. Giờ đây, càng lúc càng xa chiếc ghe nhỏ nhoi và trơ trọi trên mặt biển, tôi cảm tưởng như xa một vật thân thương của mình chẳng khác gì tâm trạng của ông chủ ghe.

Anh Thảo nói chuyện với ông thuyền trưởng xong, báo cho chúng tôi biết là chiếc tàu cứu chúng tôi không phải là tàu Xã Hội Chủ Nghĩa mà là tàu buôn dầu của Đan Mạch. Tàu này sẽ đi đến Nhật, vì thế thuyền trưởng sẽ đưa chúng tôi đến đó, còn chuyện định cư nước nào thì sẽ phân giải sau. Vừa nghe báo thế, cả nhóm người chúng tôi ồ lên reo mừng sung sướng. Những người đàn ông và thanh niên đều thở phào nhẹ nhõm trong khi nhìn nhau bằng những đôi mắt vui tươi. Với ánh mắt tươi vui không kém, anh Thảo kể cho chúng tôi nghe là ghe chúng tôi được cứu nhờ một thanh niên trên tàu thường chạy bộ trên boong mỗi buổi sáng. Sáng nay, sau khi chạy bộ, người thanh niên này dùng ống nhòm ngắm biển thì thấy chiếc ghe nhỏ với những đứa nhỏ trần truồng và phờ phạc nên chạy báo cho thuyền trưởng ngay. Thuyền trưởng, người điều khiển tàu dầu Đan Mạch này, đã từng cứu vớt nhiều chiếc ghe vượt biển của thuyền nhân Việt Nam khi ngang qua lại vùng biển Thái Bình Dương nhiều lần, nên khi nghe tin, liền cho họp thủy thủ đoàn để bàn tính chuyện cứu vớt. Bởi vì chiếc tàu dầu của ông khá lớn trong khi chiếc ghe chúng tôi quá nhỏ, ông đã bàn với các nhân viên của ông cho tàu làm một vòng cua khá rộng và giảm tốc độ của nó khi đến gần ghe chúng tôi để tránh sự lật úp. Đồng với sự tính toán này, ông đã ra lệnh cho đầu bếp nấu xúp và chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi. Nhìn những khuôn mặt đầy xúc động của chúng tôi, anh Thảo cho biết thêm là thuyền trưởng đã lấy danh sách của nhóm để chọn phòng ở cho chúng tôi theo gia đình và giới tính.

Khoảng hai mươi phút sau, chúng tôi lần lượt rời khỏi boong tàu để đến phòng mình tắm rửa. Trên đường đi, tôi đã rón rén từng bước vì hiểu rằng sự dơ bẩn của bản thân mình có thể tổn hại đến sự sang trọng và sạch sẽ của những tấm thảm đỏ dưới chân. Những người thủy thủ trên tàu đã chia cho chúng tôi áo quần của họ khi kèm theo những chiếc khăn tắm và xà phòng. Vợ chồng tôi được hai bộ đồ của người đầu bếp người Phi Luật Tân nên đã bỏ hai bộ áo quần dơ dáy đến độ không thể sử dụng lại được c?a mình. Riêng Tinô, tôi đã phải giặt chiếc quần dài của nó rồi cho nó mặc lại ngay khi quần còn ẩm ướt. Những đứa khác hoặc trần như Tinô hoặc trần lẫn truồng vì những bộ đồ cũ của chúng không thể nào sử dụng được nữa. Có những đứa thiếu niên phải bơi trong những chiếc áo phùng phình của các thủy thủ đô con như đang mặc áo đầm và vài người đàn bà cũng trong tình trạng như vậy.

Tắm rửa xong, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ăn. Phòng này ở tầng dưới tầng của các phòng chúng tôi ở. Nó là một phòng ăn rộng rãi và rất lịch sự. Tuy cạnh bếp, nhưng quầy ngăn giữa khu nấu với các bàn ăn đẹp và lịch sự chẳng khác nào ba rượu của các nhà hàng khang trang và sang trọng trong các phim nước ngoài mà tôi từng xem được trước đây; cho nên, khi đi nhận thức ăn, tôi có cảm giác như mình đang được phục vụ trong một nhà hàng quý phái. Chúng tôi được tự do chọn bàn ăn để ngồi theo nhóm và những người mình muốn ngồi chung. Phần lớn mọi người đều ngồi theo gia đình và gần cửa sổ kính, nơi có thể ngắm biển dễ dàng. Những khuôn mặt hí hởn và hạnh phúc của mọi người trong lúc chờ lấy thức ăn cho tôi cảm tưởng như cả nhóm sắp ăn tiệc mừng cho ngày được hồi sinh của mình. Hít hà với mùi thơm của xúp và bánh nướng, tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 2 tháng 4 năm 1989. Mười bốn năm trước, nó là ngày buồn của thành phố biển Nha Trang của chúng tôi, còn bây giờ là ngày chúng tôi được phục sinh. Những tô xúp trước mặt chúng tôi là những tô xúp đầy nghĩa tình của lòng nhân ái mà chủ nhân của chúng đã ban phát cho chúng tôi với một sự tiếp đãi rất ân cần và đầy tình người. Đây là món ăn mà chắc chắn là tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời của mình. Và sau này cho dù tôi có món ăn cao lương mỹ vị nào chăng nữa, không có món nào có thể sánh bằng.

Trưởng đầu bếp và người phụ tá của ông có lẽ động lòng vì thấy vẻ háu đói của mấy đứa nhỏ khi ăn xúp thịt bò nên đã bàn nhau cho mỗi đứa nhỏ thêm một ly sữa, một trái táo và cho chung hộp bánh. Chúng tôi chỉ có thể nói cảm ơn với họ khi nhận các thứ chứ không thể nào bày tả hết tấm lòng biết ơn của mình. Dường như thấu hiểu sự giới hạn của bất đồng ngôn ngữ và tính mắc cở của chúng tôi mà những người này hiếm khi hỏi chuyện chúng tôi. Ăn xong, những người lớn trong nhóm chúng tôi dọn dẹp đâu đó sạch sẽ rồi dặn dò những đứa con nít nhất là những đứa thiếu niên không được tò mò hay táy máy đồ vật trên tàu. Trước khi rời phòng ăn, chúng tôi còn nhắc nhở mấy đứa nhỏ về chuyện giữ danh dự cho người Việt Nam rồi dặn dò kỹ lưỡng về chuyện giữ thiện cảm của người ngoại quốc dành cho người Việt để sau này họ còn tiếp tục cứu vớt những chiếc ghe vượt biển của những thuyền nhân đi sau.

Chưa kịp về phòng, chúng tôi được ông thuyền trưởng mời lên boong chụp hình chung làm kỷ niệm. Chụp hình xong, ông hỏi anh Thảo địa chỉ để đánh điện tín về nhà cho thân nhân chúng tôi được an tâm. Chúng tôi đã cấp cho ông ba địa chỉ: nhà ông bà chủ ghe, đại diện cho nhóm ghe, nhà chị Hạnh đại diện cho nhóm hoa tiêu của anh Thảo, và nhà chồng tôi với tư cách là khách tham gia chuyến vượt biển.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 15

Niềm vui sướng đã khiến chúng tôi không thể nào chợp mắt được chút nào dù được chăn ấm, nệm êm, không gian yên tĩnh và riêng tư. Bất lực với chứng mất ngủ kỳ lạ, chúng tôi đã lang thang lên xuống cầu thang để đến phòng ăn lấy nước uống hay nói vài ba câu chuyện với nhau ở hành lang. Anh Thảo, dù cùng ở tình trạng mất ngủ và buồn chán như chúng tôi, cảnh cáo với chúng tôi là nên ở trong phòng riêng của mình, và hạn chế lên xuống thang lầu hay qua lại các hành lang để giữ yên lặng cho thủy thủ đoàn làm việc khi trời sáng cũng như vào lúc ban đêm. Thực sự là chúng tôi chẳng hề gây phiền toái cho những chủ nhân trên tàu khi mà các phòng ở của chúng tôi không cùng tầng với họ. Trong khi chúng tôi ở tầng thứ ba thì họ ở tầng hai hoặc tầng dưới cùng khu nhà ăn. Có lẽ vì thủy thủ đoàn quá ít trong khi con tàu đồ sộ có quá nhiều phòng cho nên có rất nhiều phòng thừa chưa từng có người ở qua. Tôi đã đến viếng các phòng khác của những người cùng chuyến vượt biển và thấy phòng nào, phòng nấy đều thơm mùi mới. Các phòng mới này có đầy đủ giường nệm, tủ gỗ, bàn viết và phòng tắm mới toanh. Đặc biệt là các cửa kính của chúng ở các vị trí khác nhau nên người ở có thể nhìn được quanh cảnh bên ngoài ở những góc độ khác nhau. Trong phòng mình, tôi thường hay đứng trên thảm đỏ cạnh tấm màn treo gần cửa kính để ngắm trời mây và biển nước vì chẳng có việc gì khác để làm. Mỗi lần như thế, tôi có cảm tưởng như là thượng khách của một khách sạn quý phái rồi bâng khuâng mãi với sự may mắn mà mình đang có. Khi còn điêu đứng với tình trạng hiểm nguy và khổ sở trên ghe, có bao giờ tôi nghĩ hay mơ ước được sống sung sướng và đầy đủ tiện nghi như vầy đâu! Trong tâm tưởng của tôi lúc đó, chỉ cần một vùng đất của một hoang đảo cho chúng tôi thoát ra khỏi biển nước mênh mông đã là sự quý hóa lắm rồi. Giờ này, sự may mắn ngoài sự tưởng tượng đã đến với tôi như một phép nhiệm mầu ngọt ngào. Như người được kéo lên thiên đàng sau những ngày bị đày dưới địa ngục, tôi thấy hồn mình bay bổng nhẹ tênh. Dù là vậy, điều này không có nghĩa là tâm trí của tôi được thanh thản và bình an. Cảnh đối phó với những ngày sóng to gió lớn, cảnh đói khát, cảnh đẫm ướt trong nước biển, nước ói, nước tiểu, và phân vẫn bám chặt trong óc tôi như không thể giải tỏa ra hết được. Để trấn tĩnh lại sự xáo trộn trong tinh thần, và vỗ về giấc ngủ mình, tôi đã dùng phương pháp đếm thứ tự các con số; thế nhưng, hễ mỗi lần nhắm mắt là tôi lại thấy hồn mình lâng lâng vui sướng vì hình ảnh của sợi dây thừng màu xanh biển tung trong không trung và đang từ từ rơi xuống. Sau đó, tôi cảm thấy đầu của mình cứng chặt lại vì màu xanh thẫm mênh mông và vô tận của đại dương. Trong khi màu xanh nhạt của chiếc dây thừng đã cho tôi niềm hy vọng của sự yên bình và tin cậy, màu xanh thẫm của đại dương vẫn còn khảm trong trí tôi nỗi sợ hãi kinh khiếp vì sự chết cận kề. Sự tương phản của hai màu xanh đã làm tôi thần kinh của tôi căng ra rồi dùn lại không biết bao nhiêu lần khi nhắm mắt. Mức khác biệt tối đa của chúng đã khiến tôi bị mất ngủ hơn năm ngày liền trên tàu.

Tôi biết sự biến động tâm lý mình không thể phôi phai một sớm một chiều và chỉ có thể tìm lại giấc ngủ bình thường sau khi tâm thần tôi được ổn định. Điều này không thể xảy ra trong thời gian ngắn bởi vì khi gặp nhóm người vượt biển tại khu ăn uống, tôi đã có thêm nhiều suy nghĩ và ưu tư hơn. Trong khi đồng ý với lời xì xầm của những người trong nhóm hoa tiêu về chuyện vợ ông chủ ghe cho bà con đi “hôi” quá nhiều, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy họ và vài đứa con của họ đeo khá nhiều nhẫn vàng y. Tôi không ngờ một người tài trí như ông chủ ghe lại nghĩ đến chuyện mua cất vàng làm vật tùy thân thay vì phụ tùng sửa máy cho những ngày tự thân tự lực trong những ngày trên biển. Nếu chúng tôi không được tàu cứu vớt thì số vàng ấy sẽ đi về đâu và có giá trị gì? Tôi thầm trách ông rất nhiều về chuyện không cân nhắc giá trị của sự vật khi chuẩn bị cho chuyến hải trình đầy nguy hiểm vừa qua; tuy nhiên, sau khi suy nghĩ sâu kỹ, tôi hiểu vì sao ông phải thủ thân như thế. Nếu chúng tôi chẳng may bị công an phát hiện và chiếc ghe, vốn liếng duy nhất của ông, bị tịch thu, thì ông phải làm gì để nuôi bảy đứa con trên một đất nước có nhiều chính sách khó khăn và phức tạp. Hơn nữa, phòng trữ vàng để nuôi các con ông trong trại tị nạn khi dự tính đến bờ Phi Luật Tân là chuyện có thể hiểu được. Có rất nhiều chuyện để suy nghĩ và cũng có rất nhiều điều có thể lý giải được cho sự thông cảm mục đích của việc làm người khác; tuy nhiên, trong tất cả sự việc, sự hy sinh của người ở lại mới là đáng kể. Hơn bao giờ, tôi nhớ đến chị Hạnh và những tiếng thở hổn hển của chị khi chở tôi qua cầu Rà Ra và cầu Xóm Bóng. Lúc đó chị đã tâm sự là chị đã trả đứt tiền mua chiếc ghe để các con chị có thể vượt biên gặp ba của chúng ở Mỹ và là chị phải hy sinh ở lại để thanh toán những chi phí còn lại cho chuyện bãi và dầu. Sự hy sinh ấy nay được đáp đền bằng bức điện tín của ông thuyền trưởng và chắc hẳn là chị sẽ rất vui mừng khi nghe tin các con chị bình an. Chị đã đến nhà chồng tôi để nhận số vàng như đã giao kèo chưa thì tôi không thể nào đoán ra nhưng tôi hình dung được cảnh toan tin của những người trong thành phố biển. Giờ này có lẽ mọi người đều biết là chuyến ghe vượt biển của chúng tôi đã thành công và đang kháo nhau về chuyện liều lĩnh của chúng tôi. “ May là con mình không bị chết chìm cho nên không bị dè bỉu là chết ngu!” Tôi vô cùng cảm kích sự cứu độ của Trời Phật khi nghĩ như thế. Cũng nhờ sự dẫn dắt vô hình của các đấng tối cao mà chiếc ghe của chúng tôi lạc hướng đến chiếc thuyền có người thuyền trưởng nhân đạo. Tưởng tượng cảnh gia đình chồng tôi ngạc nhiên khi nhận điện tín, tôi vui sướng đến điên cuồng cho dù cảm giác bàng hoàng với thực tế ngọt ngào mà mình đang có chưa hết trong tâm trí tôi. Nhiều lần, tôi cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng sự may mắn trong hiện hữu chỉ là ảo mộng. Tôi đã không hề chợp mắt được có lẽ một phần cũng từ sự lo lắng này.

Thuyền trưởng không những là người nhân đạo mà còn là người rất tế nhị. Thấu hiểu sự buồn tẻ trong cảnh vô công rỗi nghề của chúng tôi, ông đã cho phép chúng tôi dạo trên boong hoặc xem phim ở tầng hầm, nơi gần phòng giặt giũ, trong những giờ giấc nhất định. Mỗi khi ra boong tàu, tôi có cảm tưởng như đến trên một sân sắt trống trải màu xám đang hiên ngang vượt sóng nước tiến về phía trước. Nó giống như sàn lộ thiên của xà lan có mũi nhọn mà cạnh vuông phẳng gắn liền với phần tầng của đuôi thuyền có thể xem là một sân vận động rộng dài bằng sắt trước một khu cao ốc ba tầng. Tôi ước đoán bề rộng của sàn lộ thiên này có thể làm bãi đậu của một chiếc trực thăng bởi vì cấu trúc của nó chẳng khác gì chiếc hàng không mẫu hạm, nếu không kể phần tầng với các phòng sang trọng có cửa kính và thảm đỏ. Khi đứng ở các thanh chắn màu trắng của boong tàu, chồng tôi thường nhìn ngang, nhìn dọc rồi nói rằng chiếc tàu này có chiều dài tối thiểu là hai trăm mét và rộng ít nhất là năm mươi mét. Đây là một chiếc tàu thủy lớn đến độ tôi chưa hề tưởng tượng ra, cũng như chưa từng nghĩ là mình được cơ hội đứng trên ấy một lần ở trên đời. Mỗi lần nhìn nó chạy chầm chậm trên biển, tôi lờ mờ đoán là nó đang đi về hướng bắc để ngang qua các vùng biển của Trung Quốc, Đại Hàn để đến Nhật, nhưng rất lạ lùng là tôi chẳng hề thấy chiếc thuyền lớn nào lảng vảng gần đó. Đại dương mênh mông và trải r?ng trước tầm nhìn của tôi. Nó chẳng khác nào một chiếc nồi xu xoa xanh thẫm khổng lồ mà hàng triệu vết lõm tròn trên mặt như bị múc bởi những chiếc muỗng vô hình nào đó. Thỉnh thoảng tôi thấy những đốm trắng của bọt sóng lớn gợn lên ở xa xa nhưng không thể nào thấy được gì ở nơi xa tít vì không có ống dòm. Đôi khi vợ chồng tôi gặp người thanh niên hay chạy bộ trên boong vào buổi sáng sớm, nhưng chúng tôi chỉ cười tỏ vẻ thân thiện với anh ta chứ không nói gì, bởi tính mắc cở và sự giới hạn tiếng Anh. Có lần tôi chẳng thấy anh mang theo ống dòm nên cảm thấy rằng mình khá may mắn khi được anh mang nó đúng ngày chiếc ghe chúng tôi cần được cứu vớt. Nếu ngày đó, anh không mang theo ống dòm, và không muốn ngắm biển thì không hiểu số phận của chiếc ghe chúng tôi sẽ về đâu. Có chăng là trước khi về chầu hà bá, chúng tôi vẫn sẽ ám ảnh mãi thái độ lãnh đạm của những chiếc tàu lớn và sự nhẫn tâm của những người ở trên đó. Nhờ được ở trên tàu, tôi mới hiểu là mình đã phán đoán sai về sự lạnh lùng và vô nhân đạo của những con tàu mà ghe chúng tôi gặp trên biển trước đây. Rất là khó nhận ra một chiếc ghe nhỏ trên mặt đại dương nếu nó ở khoảng cách khá xa chiếc tàu lớn. Hơn nữa, khi chiếc tàu di chuyển, không nhất thiết là thuyền trưởng hay thủy thủ đoàn phải quan sát xung quanh đại dương hàng giờ. Có thể nói là tôi đã đánh giá một cách sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu lớn mà tôi thấy trước đó tàn nhẫn hay thấy chết mà không cứu.

Thuyền trưởng thường căn dặn chúng tôi canh chừng những đứa trẻ kỹ lưỡng khi dạo trên boong tàu và cũng thường thông báo cho anh Thảo biết những ngày biển động để anh thông dịch lại cho chúng tôi hay. Dù ông cẩn thận thế nào, chẳng có bao nhiêu người trong nhóm chúng tôi thích dạo trên sàn sắt trơn láng. Loanh quanh cùng mọi người trên boong độ năm phút là tôi đưa Tinô về phòng ngay.Cảm giác ghê rợn với màu xanh thẫm của nước biển chưa hề gột sạch trong ý tưởng của tôi. Buổi tối có phim, tôi cũng chỉ coi khoảng nửa giờ rồi về phòng vì chẳng hiểu gì. Một lần, thuyền trưởng đã mời cả nhóm chúng tôi đến phòng thâu âm để nghe những lời nhắn gửi và những lời ca của những thuyền nhân Việt Nam mà ông đã cứu vớt trước đó. Sau đó, ông đề nghị mỗi người chúng tôi nói một vài câu hay hát một vài bản nhạc để thâu âm làm kỷ niệm. Đến phiên mình, tôi đã hát bài Cho Con của Phạm Trọng Cầu. Đây là bài hát mà tôi thích nhất từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và thường ngâm nga mỗi khi ẵm Tinô trong tay:

Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực
Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con
Vì con là con ba, con của ba rất ngoan
Vì con là con mẹ, con của mẹ rất hiền
...Ngày mai, con khôn lớn
Bay đi khắp mọi miền
Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương

Dù tôi đã hát bài này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi hát trong xúc động như lần ấy. Tôi đã chậm nước mắt khi hát những lời diễn tả đúng tâm trạng của mình. Kết thúc buổi ghi âm, một nỗi buồn man mác vẫn còn đeo đẳng trong lòng tôi cho đến khi về phòng. Từ đây, phải chăng tôi đã thực sự mất quê hương, còn Tinô thì sẽ không còn ai thân thuộc ngoài ba mẹ của nó.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 16

Sau hai mươi giờ dập dềnh ngoài khơi để chờ cập bến, tàu dầu Đan Mạch đã đưa chúng tôi vào cảng Misushima của Nhật lúc rạng sáng ngày 11 tháng 4 năm 1989. Khoảng mười giờ sáng, các viên chức của trại tị nạn Omura đã đến thẩm vấn, điều tra và làm đơn cho chúng tôi ngay ở trên tàu. Vì họ làm việc quá cẩn thận và tỉ mỉ cho nên mãi đến chín giờ tối cả nhóm người chúng tôi mới hoàn tất mọi thủ tục. Điều này dường như làm cho thủy thủ đoàn bất bình nên họ thường trao cho chúng tôi những cái lắc đầu chán chường hay những cái nhún vai tỏ vẻ không hài lòng khi đi ngang chỗ chờ đợi của chúng tôi. Thực ra, các nhân viên Nhật không những bận rộn với chuyện làm hồ sơ, đơn từ mà còn lo cấp phát cho chúng tôi thức ăn, áo quần và giầy vớ. Ngoài chuyện mất nhiều thì giờ vì ngôn ngữ bất đồng trong lúc điền đơn họ còn bỏ nhiều thời gian để kiểm tra kích cỡ của từng món đồ trong các thùng giấy cứng trước khi trao cho chúng tôi. Khi mặc bộ đồ đúng kích, tôi nhớ đến ngày anh Thảo đến từng phòng lấy số đo của từng người theo yêu cầu của ông thuyền trưởng. Lúc đó, anh nói là ông thuyền trưởng đã liên lạc với sở di trú Nhật và thông báo cho họ tình trạng của chúng tôi. Cũng nhờ ông quan tâm như thế mà các nhân viên Nhật đã chuẩn bị chu đáo trước khi đến đón chúng tôi. Thay những bộ đồ đồng phục dài tay màu xám nhạt xong, chúng tôi phải tập họp lại thành nhóm để chuẩn bị lên đường ngay. Chúng tôi cố gắng tìm gặp những người ân của mình, lúc này đang bận rộn với phần việc của họ, để chào từ giã. Thuyền trưởng và vài nhân viên của ông tiễn chúng tôi tận thang tàu. Nhìn chúng tôi khóc khi nói “Tạm biệt” và “Cảm ơn”, họ cũng đỏ mắt theo. Bước khỏi thang tàu, và đến tận xe buýt rồi mà chúng tôi vẫn còn ngoảnh đầu lại khóc sướt mướt. Từ lúc trốn khỏi nước, ngoài sự sợ hãi của cuộc vượt thoát, chúng tôi chẳng hề có ý niệm nào về cảnh bịn rịn chia tay như thế. Cho nên, hình ảnh những người đứng trên boong nhìn theo bước chân rời của chúng tôi chẳng khác nào thân bằng quyến thuộc lưu luyến tình cảnh trong phút chia lìa. Khi chia tay, chúng tôi không những mang theo hình ảnh của họ mà còn cả tấm lòng nhân ái của họ. Tôi biết chắc rằng không một ai trong chúng tôi có thể nào quên sự chăm sóc tận tình và ân cần của họ. Trên xe buýt, chúng tôi đã luôn miệng nhắc nhở đến những cử chỉ và việc làm của những vị ân nhân của mình rồi cùng công nhận họ đã đối xử với chúng tôi hết sức công bằng và đầy tình người. Cũng vì tình yêu thương đồng loại, họ đã chẳng hề màng đến chuyện chúng tôi thuộc thành phần nào hay đã có lý lịch trong quá khứ ra sao trong lúc chia sẻ áo quần và lương thực trong những ngày cưu mang chúng tôi trên tàu. Sau một hồi bàn tán, chúng tôi đã cùng hứa với nhau là sẽ tìm cách định cư tại Đan Mạch để có dịp liên lạc và thăm viếng thuyền trưởng cùng những nhân viên của ông. Qua lời đối thoại của chồng tôi và anh Thảo, tôi nhẩm bẩm tên Olesen của thuyền trưởng và tên Maersk của tàu dầu Đan Mạch. Tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ quên mười chín trái tim đầy nhân ái và mười ngày sống trong tình nhân loại kể từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 11 tháng 4 năm1989.

Xe buýt đi thêm vài giờ, chúng tôi lóa mắt với những ngọn đèn, những tòa cao ốc và những chiếc cầu đồ sộ. Tôi cảm thấy vui và hãnh diện vì được đặt chân trên một nước tiên tiến nhất của châu Á mà tôi luôn luôn ngưỡng mộ. Trước năm 1975, tôi từng hâm mộ Nhật và khâm phục tinh thần cầu tiến của dân tộc nước này qua những bài học sử thế giới, nay được chiêm nghiệm thực tế chẳng gì sung sướng hơn. Tôi đã biết là nhờ phong trào Minh Trị Duy Tân và những cải cách tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội sau chiến tranh thế giới thứ hai, dân tộc Nhật đã đưa đất nước của họ từ chế độ phong kiến đến công nghiệp hóa phát triển, từ kinh tế lạm phát, thiếu thốn sau năm 1945 đến ổn định và phát triển. Chính nhờ nền công nghiệp thành đạt vượt mức, họ đã có nhiều cơ sở thương mại nổi tiếng trên thị trường thế giới, vượt hơn cả nhiều nước Tây Phương.Trăm nghe không bằng mắt thấy, thực tế của những chiếc cầu to cao và chắc chắn bắt qua những đảo nhỏ đã củng cố thêm sự hâm mộ của tôi đối với nước này.Vì biết Nhật là một quần đảo thường có động đất, nay chứng kiến sự khắc phục điều kiện khó khăn của tự nhiên của người dân Nhật trong lúc phát triển nền kinh tế của đất nước họ, tôi càng khâm phục người Nhật nhiều hơn. “Phải chăng vì những người lãnh đạo của nước Nhật đi theo con đường dân chủ nên đất nước họ trở thành một nước giàu mạnh nhất châu Á? Phải chăng sự phát triển hay suy tàn của một đất nước tùy thuộc vào những người lãnh đạo và chế độ hiện hành của đất nước ấy?” Tôi đã tự hỏi như thế khi nghĩ đến sự giàu có của nước người, rồi cảm thấy buồn vì không biết đến bao giờ nước tôi mới được giàu có như vậy. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cảm thấy quá ngờ nghệch khi nhớ ra rằng mình đã bận tâm với những điều mơ hồ và xa xôi trong lúc không còn tổ quốc. Với thân phận người tị nạn như hiện tại, ước vọng của tôi chỉ còn dựa vào lòng thương của những người khác nước để được một nơi định cư. Tôi chắc chắn rằng khi được định cư, vợ chồng chúng tôi vừa có cơ hội làm việc nuôi cho Tinô ăn học thành tài trong lúc đời sống của chúng tôi sẽ được tôn trọng một cách bình đẳng và tuyệt đối chẳng khác gì người dân bản xứ. Tôi bỗng nhớ đến nhà máy sợi Nha Trang do người Nhật làm chủ ở gần đèo Rù Rì. Nhà máy này có rất nhiều người trong thành phố biển Nha Trang làm công. Mỉa mai thay, người Việt Nam trong nước đang làm trong hãng Nhật tại Việt Nam còn tôi là người Việt Nam phải vượt qua bao nhiêu khó khăn hiểm nghèo để đến nước Nhật rồi cũng làm cho hãng Nhật, nếu gia đình chúng tôi phải định cư tại đây. Nếu chuyện xảy ra như thế, sẽ có gì khác biệt giữa tôi và những công nhân viên Việt Nam đang làm cho Nhật ở trong nước? Phải chăng tôi đã dùng tính mạng của con mình, bản thân mình chỉ vì để đánh cuộc trong chuyện kiếm việc làm ở xứ người. Mặc dù tôi vượt biển không phải vì lý do chính trị nhưng không thể qui bởi lý do kinh tế. Sự tự do và quyền làm người được tôn trọng một cách bình đẳng và tuyệt đối là những cái mà tôi muốn có cho toàn thể gia đình tôi và bản thân khi tôi quyết định đem Tinô ra đi. Chính lúc ấy, tôi mới hiểu rõ ràng hơn về ước muốn trong tiềm thức của mình. Sau bao nhiêu năm tháng sống cơ cực cả vật chất lẫn tinh thần, ước muốn này đã tiềm ẩn và khắc sâu vào trong tâm hồn tôi một cách sâu đậm và là động lực chính thôi thúc cho quyết định ra đi của tôi. Giờ đây ước mơ của tôi đã thành sự thật và tôi không còn gì sung sướng hơn khi được ở trên thiên đường của xứ tự do.

Chúng tôi đã đến trại Omura vào lúc tám giờ sáng ngày 12 tháng 4 năm 1989. Đây là trại tạm cư và chuyển tiếp cho những người tị nạn mới đến hoặc chuẩn bị đi các nước khác. Lúc chúng tôi đến, trại này chỉ mới có sáu m??i tám người; tính thêm chúng tôi, trại chỉ được chín m??i chín người. Là trại ít người nhất các trại tị nạn trong khu vực Thái Bình Dương nhưng nếu không có nhóm chúng tôi và nhóm người vào trước chúng tôi nửa tháng, thì lượng người của trại chẳng bao giờ gia tăng thêm bởi Nhật không phải là bến mà các thuyền vượt biển của người Việt chúng tôi nhắm đến và rất hiếm trường hợp ghe vượt biển Việt Nam được tàu vớt về đây. Nhóm người đến trước chúng tôi hai tuần chính là những người sống sót trong chuyến ghe bị lật úp bởi tàu Nhật mà chúng tôi nghe mọi người trong thành phố Nha Trang kháo nhau sau khi nghe lén đài BBC . Những người này, sau khi thăm hỏi chúng tôi, đã trút tất cả những thống khổ mà họ đã trải qua trong cuộc vượt biển bất hạnh của họ qua những lời tường thuật. Ghe của họ xuất phát tại Long An, gồm khoảng một trăm bảy mươi hai người, toàn dân Sài Gòn. Sau những ngày bị nhiều chiếc tàu lãnh đạm từ chối, họ đã được thuyền trưởng tàu Nhật hứa cứu sau khi ông ta được lệnh chấp thuận của cấp trên. Không may cho họ là trong lúc chờ vớt, ghe họ bị sóng lớn đánh bạt vào hông tàu Nhật và lật úp. Vì không có một biện pháp cấp thời nào cho sự c? bất ngờ trong lúc chờ lệnh của thượng cấp nên gần hai tiếng đồng hồ sau thuyền trưởng của tàu Nhật mới ra lệnh cho thả ca nô và phao xuống cứu. Rất nhiều người chết chìm vì không có vật gì bám víu để giữ nổi trên mặt nước. Có gia đình đi chín người nay chỉ còn lại hai người. Có gia đình đi cả hai vợ chồng con cái, con chết chỉ còn mỗi hai vợ chồng chơ vơ. Có một đứa nhỏ mười bốn tuổi đi với cả gia đình cha mẹ anh chị em mà chỉ còn mỗi mình nó sống sót. Nó kể là nó phải bơi đứng khoảng một tiếng, sau đó nhờ vớ được tấm ván nên bơi thêm một tiếng nữa mới được vớt lên. Số người sống sót được nhờ bám vào những mảnh ván, thùng nhựa hay biết bơi và còn sức để bơi. Sau khi thuật lại chuyến đi của mình, và nghe kể về chuyến đi của chúng tôi, họ nghẹn ngào tiếc thương cho tình trạng đáng tiếc xảy ra cho ghe của mình và luôn miệng nói chiếc ghe của chúng tôi quá may mắn. Một người đàn bà òa khóc và nức nở rằng ghe của bà lớn hơn ghe của chúng tôi, con của bà lớn hơn những đứa trẻ trong chuyến đi của chúng tôi vậy mà nó không thể sống được. Nghe bà than khóc trong khi nhìn những đứa nhỏ trong chuyến đi của mình đang đứng quanh quẩn gần đó, tôi thực sự cảm thấy rằng nhóm chúng tôi được ơn hồng của thượng đế. Để thực hiện lời nguyện với trời phật, tôi quyết mượn cho bằng được vật dụng cạo đầu. Biết được ý định của tôi, nhiều người trong chuyến ghe tôi đã hưởng ứng và chia nhau tìm dùm. Sau khi lân la đến các phòng của những người Việt ở lâu trong trại để thăm hỏi, ba người thanh niên phụ lái đã mượn được một chiếc kéo và một chiếc tông đơ chạy bằng pin. Chúng tôi hò nhau ra sân cỏ, ngồi quanh chiếc ghế để chờ đến phiên cạo đầu. Luân, được ủy nhiệm cho việc làm này, đã than là không biết đời nó sẽ ra sao sau khi xuống tóc cho mười lăm người như thế. Sáng hôm sau, chúng tôi ngạc nhiên vì nhân viên trại cho tập trung ở sân cỏ nơi có đặt một cái ghế ngay nơi mà chúng tôi đặt ghế để cạo đầu trong ngày hôm trước. Trong khi chúng tôi hoang mang lo sợ vì đã phạm luật nào đó do sơ xuất, hai nhân viên người Nhật và một người thông dịch Việt sững sờ ngạc nhiên không kém chúng tôi. Sau một hồi xì xào bàn tán, người thông dịch cho biết là nhân viên trại định xịt thuốc diệt chí cho chúng tôi nhưng vì nhiều người trong nhóm đã cạo hết tóc nên chỉ có những người còn tóc mới phải nhận phục vụ này. Chúng tôi, những người đầu trọc, được giải tán nhưng không tản hàng, lảng vảng đứng ngồi quanh quẩn để chứng kiến việc mình không được dự phần. Mười sáu người còn có tóc như anh Thảo, chị Phú, Thiện, Luân, chồng tôi, Tinô, ba đứa con của chị Hạnh, vài ba đứa trẻ và Tèo người đã cạo đầu nhưng còn để tóc chỏm như chú tiểu lần lượt ngồi xuống ghế mặc áo choàng để nhận những làn thuốc xịt màu trắng trên đầu. Ngày tiếp theo đó là ngày toàn nhóm chúng tôi được chở ra ngoài bệnh viện để khám sức khỏe và là ngày mà các cô gái trẻ trong nhóm khóc lóc thảm thiết vì tin đồn là phải trần truồng trước ông bác sĩ và hai người thông dịch cũng là đàn ông. Tại phòng chờ, trong khi các cô gái nhỏ than thở với nhau là: “Khám bệnh kiểu gì mà tuột cả áo quần lẫn đồ lót! Chồng chưa thấy người lạ đã thấy trước rồi!” thì anh Thảo cằn nhằn “Không biết mấy cô này nghĩ thế nào mà khóc lóc ầm ĩ như vậy! Đến nước văn minh rồi mà còn tính toán chuyện đâu đâu. Phận sự của người ta như thế họ phải làm thôi! Thấm béo gì mà nhìn các cô chứ!” Tôi thông cảm cho những cô gái chưa chồng này vì chính mình, đã là đàn bà, không cảm thấy tự nhiên chút nào với chuyện trần như nhộng trước những người đàn ông lạ. Tuy nhiên, hiểu rằng lý lịch sức khỏe của mình cần thiết cho những người chẳng biết quá khứ mình ra sao nên tôi im lặng tuân theo chứ không bàn cãi gì trước lời phàn nàn của anh Thảo. Thực tế không tệ hại như lời đồn đãi khi người thông dịch nghiêm trang giải thích là bác sĩ cần khám xét kỹ để lỡ có một chứng bệnh nào được phát hiện, bệnh nhân sẽ được điều trị cấp thời cho đến khi khỏi hẳn. Hai ngày sau, chúng tôi được kết quả là chẳng ai bị chứng bệnh nào ngoài chuyện mấy đứa trẻ đều bị sán lãi.

Chúng tôi thường nghe điều lệ và các thông báo mới của trại trong các buổi họp tại nhà ăn. Điều nghiêm cấm được nhắc đi nhắc lại là sự trốn ra khỏi trại, cho dù chỉ lang thang đi chơi rồi trở về. Mỗi lần nghe nói đến điều luật này, những người ở lâu thường thì thầm cho chúng tôi biết là ban đêm thỉnh thoảng họ chui rào ra ngoài để mua sắm hay đến bãi rác để kiếm các vật dụng phế thải. Họ đến bãi rác lớn của phi trường gần trại nơi mà họ đã nhặt được các vật dụng như xoong nồi, chén ??a, bàn ủi, cát sét... và cả ti vi còn mới tinh.
“Rác của người nhưng là của quý của mình.”

Một người đã nói thế khi anh kể chuyện nấu ăn thêm tại phòng anh. Anh giải thích là vào những đêm đông lạnh đàn ông trong trại thường hay bị đói. Do bữa cơm tối của trại cấp vào lúc bốn giờ rưỡi chiều, nên khoảng bảy giờ tối là họ đã đói ngay. Để chống lại những cơn đói về đêm và sự thèm nhớ những món ăn Việt, họ đã tìm cách nấu ăn thêm tại phòng ở. Nhờ trại cấp cho người lớn một trăm yên mỗi tuần và sự kiểm soát của nhân viên trại vào những ngày đông lạnh thiếu chặt chẽ nên họ thường chung tiền với nhau lại, rồi luồn ra khỏi rào trại để mua thức ăn về nấu nướng. Tôi không quan tâm về chuyện đói bụng ban đêm mà chỉ tò mò về chuyện tuyết rơi trong mùa đông nên háo hức hỏi hai người ngồi cạnh trong buổi họp chừng nào mới đến mùa đông. Một người nói là còn lâu lắm vì mùa đông vừa mới qua và giờ Omura đang ở cuối mùa xuân.

“Cuối xuân? Sắp đến hè rồi mà còn lạnh dữ vậy sao?”
Lời cảm thán của tôi vừa thốt ra bị chỉnh ngay bởi người thông dịch:
“Trời nóng như vầy mà chị than lạnh thì làm sao chị chịu nổi khí hậu mùa đông ở đây?”
Tôi chưa kịp trả lời, người thanh niên ngồi cạnh tôi đáp thay:
“Đối với chúng tôi, mùa nào ở đây cũng lạnh hết cả anh ơi!”

Lặng yên với hàm ý sâu xa trong lời nói này, tôi cảm thấy thông cảm cho cái lạnh trong tâm hồn của những người tị nạn sống lâu ở đây. Có lẽ cũng vì nhớ quê hương, nhớ thân bằng quyến thuộc và những người đã chết biển mà cái lạnh kéo dài triền miên trong tâm hồn của họ. Chính vì điều này đã khiến họ tìm đến nhau để chia sẻ nỗi buồn đau và cay đắng. Sự mất mát và cô đơn đã khiến họ quây quần với những công việc như nấu một món ăn Việt, nghe một băng nhạc Việt hay chia cho nhau những món quà nhận được từ những thân nhân đã được định cư ở các nước Mỹ, Pháp, Úc , Canada hay ngay tại Nhật.

Là “lính mới” trong trại tị nạn, nhóm chúng tôi không hề dám vi phạm một điều lệ nào của trại. Ngoài ba buổi gặp nhau tại phòng ăn, những người trong nhóm chúng tôi thường dự các lớp học tiếng Nhật và tiếng Anh vào buổi sáng hay tụ tập ở sân chơi vào lúc chiều tối. Tôi đã được đến lớp học tiếng Nhật vài lần nhờ Hoàng Kim Hằng, cô gái đang chuẩn bị đi Pháp theo diện hôn phu, đưa Tinô về phòng trông coi dùm. Trong lớp học đầu tiên, tôi chẳng hiểu mô tê gì vì thầy giáo đứng tuổi nói toàn tiếng Nhật và không có thông dịch. Sau khi chào chúng tôi, ông bỏ sách vở trên bàn, rồi kêu từng người đứng trước lớp chỉ cách chào của người Nhật. Lối đứng nghiêm, tay thẳng, đầu cúi, người gập, lưng giữ ở góc chín mươi độ của cách chào khiến tôi hiểu rằng Omura thuộc vùng thôn quê và nghi thức tôn sư trọng đạo phải được thể hiện một cách đúng đắn và rõ ràng. Lần đó tôi chỉ học được cách chào của người Nhật và những từ cơ bản trong giao tiếp hàng ngày như: Hai (vâng), arigato (Cảm ơn) và kư đa sai (Xin vui lòng). Trong những giờ học sau, tôi chỉ học thêm được vài chữ như: sensei (thầy giáo), seito (học trò), desuka (nào?), donate (ai) và desu (là). Dù chưa biết mình sẽ dịnh cư ở nước nào, tôi vẫn mượn vở của những người ở trại trước mình để tự học. Tuy nhiên, mỗi lần tập viết chữ Candi, loại chữ nhà tầng như chữ Hán, tôi ao ước được định cư ở những nước có những loại chữ viết La Tinh giống chữ cái của Việt Nam. Ước muốn này tùy vào sự xác định tính cách tị nạn bởi bộ phận Cao Ủy Quốc tế tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Nhật khi tôi được chuyển đến Tokyo .