28/4/12

Những tấm lòng nhân ái (C9-12)

Chương 9

Có lẽ chuyến vượt biển thất bại của chúng tôi trên đèo Rù Rì đã khiến cho ông nội chồng tôi không còn tin vào sự thành công của chuyến đi mới. Không nói một lời, ông chỉ thở dài khi nghe tôi thưa là chồng tôi đã rời khỏi nhà và tôi sẽ đưa Tinô đi khi có người đến đón. Những cái lắc đầu nhè nhẹ trong sự im lặng dài vô tận của ông như ngầm tỏ rằng việc làm của chúng tôi sẽ hoài công như lần trước và có nghĩa là chúng tôi sẽ trở về với người đầy thương tích nếu may mắn không bị bắt. Mẹ chồng tôi lăng xăng muốn tìm một việc gì làm để giúp dâu và cháu trước khi lên đường; nhưng hành trang của tôi chỉ có cái túi vải nhỏ xíu nên bà loanh quoanh một lúc rồi lặng lẽ vào phòng thờ thắp hương cầu nguyện. Tôi trở về phòng mình chứ không chào chia tay với những người bà con trong đại gia đình chồng. Cảnh bịn rịn chia tay rồi thất bại trở về của lần trước khiến tôi chán ngán sự tái diễn. Làm ra vẻ bình thản với sinh hoạt thường lệ, tôi bỏ mùng cho Tinô ngủ trưa. Tôi đã ngồi trong giường lâu hơn thường lệ khiến Tinô chăm chăm nhìn tôi với đôi mắt lạ lùng và nghi ngại khi nó nằm ôm con gấu vải. Thường thường, chẳng cần có tôi, con gấu vải do tôi chắp vải vụn may cho, cũng có thể đưa nó vào giấc ngủ dễ dàng. Tôi biết là tối nay khi không có mùi quen thuộc của con gấu và khung cảnh xa lạ ở nhà người lạ thể nào Tinô cũng sẽ phản ứng kịch liệt như lần ở trên núi. Và như thế, tôi lại phải cho nó uống thuốc ngủ trước khi đi. Nghĩ đến chuyện thuốc ngủ ảnh hưởng đến thần kinh của con mình, tôi cảm thấy rất xốn xang nhưng chẳng nghĩ cách nào hơn.

“Tôi với ảnh giả làm ngư dân ra ghe nằm trước, chiều nay chị Hạnh sẽ đến đưa chị và cháu ra sau. Nhớ trang phục như dân biể để khi xuống bãi khỏi bị công an hay du kích để ý!”

Ôn lại lời dặn của anh Thảo, tôi hứa với lòng là dù sao cũng phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng chuyến đi. Hôm qua, anh ta báo cho chúng tôi biết là chiếc xách tay lương thực và áo quần của Tinô đã được chuyển đến tay người chủ ghe và ông ta đã giấu dùm ở dưới ghe rồi. Theo ước đoán của anh, chỉ cần tám ngày là ghe có thể đến đảo Phi nhưng tôi chuẩn bị các gói lương khô, đường tẩm chanh, sâm, nước và áo quần cho Tinô khoảng hai tuần trong chiếc giỏ xách ấy. Nhìn Tinô ngon giấc, tôi ngồi cầu xin trời phật ban ơn hồng cho nó và nguyện sẽ ăn chay một tháng khi chúng tôi đến bờ bình an.

Khoảng năm giờ rưỡi chiều một người đàn bà đến trước cổng nhà tìm tôi. Chị có vóc người nhỏ nhắn và khuôn mặt hiền lành bình dân khiến tôi không thể nào tin đây là chị Hạnh, bạn anh Thảo và là người lo toan mọi chuyện cho chuyến vượt biển mà mình sắp tham gia. Khi chị giới thiệu là Hạnh, tên gọi theo tên đứa con đầu của chị, với giọng từ tốn như chẳng có chuyện gì quan trọng sắp xảy ra thì tôi khâm phục và tin tưởng lắm. Dặn chị đứng chờ xong, tôi lật đật chạy vào phòng ẵm Tinô, lấy xách tay, chào mẹ chồng, rồi trở ra cổng ngay. Vừa thấy tôi, chị vội đội nón lên đầu, xoay đầu xe ra phía đường rồi nhón người lên yên và bảo tôi mau ngồi lên yên sau. Khi chiếc xe lăn bánh, tôi có linh cảm vài cặp mắt của những người hàng xóm đang nhìn chúng tôi, hai người với hai sắc phục dị kỳ và thảm thương bởi cái nón lụp xụp và hai bộ đồ mặc không đúng lối. Chị Hạnh mặc bộ đồ bông xám và dùng vành nón che nửa khuôn mặt có lẽ để ngăn ngừa sự nhận diện của ai đó, còn tôi phải mặc cái quần vải thô và cái áo khoác có túi để có thể chứa thêm những thứ cần thiết trong lúc không thể mang chiếc xách lớn; cho nên, trang phục quái lạ này không thể nào tránh khỏi sự chú ý của những người ở hai bên đường trong xóm. Ra đến đường Phước Hải, chị Hạnh vừa đạp xe vừa than là chị đã phải đạp xe đến rất nhiều nơi trong ngày hôm ấy. Ngồi sau, nghe lời than van hòa trong tiếng thở hổn hển trong lúc nhìn cái lưng cong đang cắm cúi lái xe của chị, tôi cảm thấy rất xốn xang. Tôi không phải là người nặng cân nhưng cả tôi và Tinô với sức người nhỏ bé và ốm yếu của chị thì thật là quá đáng. Đến nhà thờ núi, chị Hạnh đạp nhanh hơn một chút và không còn thở ì ạch như trước. Để tỏ ra không quan tâm đến sức nặng của chiếc xe mà mình đang phải gồng chở, chị vừa đạp, vừa kể cho tôi nghe chuyện đã và sắp xảy ra. Chị kể tỉ mỉ là chị đã đưa ba đứa con của chị và người bạn gái của chị tên Phú đến chợ Cù Lao rồi và là khi gặp họ, tôi sẽ cùng đến tá túc tại nhà quen của ông chủ ghe để chờ người đưa ra bãi lúc nửa đêm.

Từ ngã ba Tháp Bà rẽ xuống dốc Cù Lao, chị Hạnh không nói gì nữa. Tôi cũng lặng yên rất lâu, sau đó gật đầu khi nghe chị dặn đứng chờ ở một góc đông người. Sau khi dắt xe len lỏi qua những người đang mua bán xôn xao trong chợ, chị Hạnh trở lại với một người đàn bà có thân hình tròn trịa và khuôn mặt phúc hậu. Khuôn mặt của người đàn bà này làm tôi nhớ mài mại đến người đàn bà trên dốc đèo Rù Rì với đứa con gái độ mười sáu tuổi có tên Hạnh. Sau khi chị Hạnh giới thiệu chị tên

Phú và sẽ là người giúp đỡ ba đứa con chị trong chuyến đi lần này thì tôi nghĩ chị Phú đã từng đi cùng con chị Hạnh trong chuyến vượt biên trên đèo Rù Rì. Thì thầm xã giao với nhau một lúc, chị Phú dặn tôi đứng chờ chị ngay tại nơi tôi đang đứng và nhắc nhở nhiều lần là không đi bất cứ nơi nào trong chợ. Chị nói là chị phải tìm ba đứa nhỏ con chị Hạnh vì chúng đi ăn hàng mỗi đứa một nơi và nếu tôi còn đi nữa thì chẳng biết bao giờ chúng tôi mới họp nhau lại một lúc để đếncùng điểm hẹn. Sau khi chị Phú bỏ đi và chị Hạnh chào tử giã, tôi tuân theo lời dặn dò. Không dịch một bước ở cái góc đông người qua lại rất lâu để chờ mà không thấy chị Phú trở lại, lòng tôi rất hoang mang, lo lắng. Chiều tối, dân biển thích tụ họp ở các hàng quán để ăn hàng cho nên thật là bất tiện cho tôi khi phải đứng ở một nơi có quá nhiều người qua lại. Điều mà tôi sợ nhất là phải gặp lại những đứa học trò cũ vì Cù Lao Vĩnh Thọ Xóm Bóng là nơi mà tôi đã từng dạy học vài năm. Nếu chúng thấy tôi ở nơi này với trang phục mùa đông trong lúc hè thì chắc chắn chúng sẽ nghi ngờ về chuyện vượt biển của tôi. Ngoại trừ hình ảnh Tinô, đứa bé mười tám tháng, có thể làm giảm đi phần nào hoặc phá tan hết những thắc mắc và nghi ngờ của chúng. Dù sao tôi đã ở thế chẳng đặng đừng, nên phải ghé vào một xe nước mía gần đó gọi cho Tinô một ly. Tinô uống hết sạch ly nước mía xong mà chị Phú vẫn chưa trở lại nên tôi đành phải gọi thêm một trái trứng vịt lộn của người ngồi bán gần đó cho nó. Tinô ăn trứng xong, tôi nấn ná ngồi ở quán thêm khá lâu mà vẫn không thấy bóng dáng của chị Phú đâu nên tôi đành ẵm Tinô đi lên dốc ngã ba Tháp Bà để đón xe về. Lên đến đầu dốc, tôi nghĩ sự trở về là việc sáng suốt cho tính mạng của Tinô và của chính mình. Nếu chồng tôi được đến bờ tự do thì sau này anh sẽ bảo lãnh mẹ con chúng tôi đi một cách an toàn hơn. Trời tối, không có xe lam nên tôi đành phải gọi xe xích lô. Khi người lái xe xích lô vừa dừng trước mặt thì hình ảnh của chồng tôi hiện ra rất rõ trong đầu tôi.“ Nếu như anh không đến được bờ bên kia thì mình sẽ ra sao?” Câu hỏi này lóe lên trong ý nghĩ khiến tôi đã khựng lại. Đứng im một chỗ, tôi ngượng ngập xin lỗi người lái xe với cớ gọi nhầm. Rồi bất kể đôi mắt bực tức và giận dữ của ông nhìn tôi như thế nào, tôi đã nhanh chóng quay lưng, đi trở lại con dốc. Càng bước đi tôi càng nhớ đến những lần chồng tôi từ chối tham gia vượt biển cùng bạn bè. Thấm thía với câu “Đồng vợ, đồng chồng sướng khổ có nhau” tôi nhất quyết là sẽ không dựa vào sự liều mạng của anh để chờ hưởng lộc. Ôm chặt Tinô thay cho lời xin lỗi, tôi bước xuống dốc thật nhanh. Vừa đến góc chợ, tôi gặp chị Phú đang đi hớt ha hớt hãi từ hướng ngược lại. Chị hỏi với giọng đầy trách móc:
“Nãy giờ Lan đi đâu vậy? Làm mình tìm gần chết! Mình đã đưa mấy đứa nhỏ tới chỗ ở rồi. Đi theo mình mau lên!”

Theo chị, tôi đến căn nhà lợp tôn rộng rãi cách chợ bởi một con h?m nhỏ. Căn nhà có nhiều người ra vào nhưng mọi người chỉ chào nhau lấy lệ chứ không ai hỏi han ai. Ngồi một hồi tôi mới biết đó là nhà buôn bán cá và mực cả sỉ lẫn lẻ. Bởi có nhiều người buôn bán ra vào nên chẳng ai buồn để ý đến ai. Một lúc sau, một cô gái nhỏ đến chào tôi:
“Em chào cô.”
“Chào em.”

Tôi lúng túng chào lại, vì ngượng nghịu với bộ y phục đang có của mình nhưng con bé dường nh? chẳng để tâm. Nó giới thiệu tôi với ba mẹ của nó rồi nhắc lại những kỷ niệm trong giờ dạy địa lý của tôi. Tôi chỉ cười khi nghe nó nói rồi giả tảng hỏi liên tục những người đang có mặt tại đó về chuyện mua bán những thứ hải sản với giá sỉ và lẻ. May mắn là tôi đổi được đề tài nên con bé chỉ huyên thiên thêm một tí nữa là xin ba mẹ cho đi xem phim. Chúng tôi ở lại đến khoảng hơn mười giờ đêm thì có một người đàn bà trẻ đến dẫn đi xuống xóm chài. Len qua con hẻm đầy cát biển giữa những căn nhà tôn ván lụp xụp cận kề nhau khoảng mười phút, năm người chúng tôi được đưa vào ở một căn nhà rất nhỏ mà giường ngủ là ván cây. Tôi và Tinô được phân ngủ tại chiếc giường sát cạnh lối ra vào mà cánh cửa của nó là một liếp ván, đóng mở chỉ cần kê bên hoặc kéo ra một cách dễ dàng. Sau khi lo cho ba đứa con chị Hạnh chỗ ngủ xong, chị Phú căn dặn:
“Lan nhớ cho cháu uống thuốc ngủ!”

Tôi làm theo lời chị nhưng chỉ cho Tinô uống một muỗng cà phê. Thuốc này tôi bỏ vào chiếc xách tay rất nhỏ với đường tẩm chanh, bánh đậu xanh, sâm, một bộ đồ của Tinô và vài cái bao ni lông. Tôi thường có chứng say xe và e rằng mình sẽ bị say sóng nên phải mang theo những chiếc bao ny lông này.

Sau khi cho Tinô uống thuốc xong, tôi đặt lưng nằm với nó chỉ vài phút thì chị Phú đến giường kề sát tai tôi căn dặn:
“Ráng thức nghe Lan! Đừng ngủ quên mà họ bỏ mình lại đó.”

Nói xong chị kê người nằm chung ván với chúng tôi, đầu ngược lại. Tôi thường ngủ say khi nghe những tiếng khò khò của Tinô bên tai nhưng lúc đó vì tôi quá lo cho chuyến đi, nằm ở chỗ lạ và bị bọ chét biển cắn liên hồi nên không thể nào chợp mắt. Liên tục gãi những chỗ bị cắn chích trong người, tôi lo lắng cho Tinô lắm nhưng không thể nào kiểm được xem nó có bị tình trạng như mình không.

Khoảng nửa đêm, khi người đàn bà trẻ trong căn nhà đáp lại tiếng gọi nho nhỏ ngoài tấm liếp, chị Phú vùng dậy gọi tôi ngay “Mau lên Lan! Đừng để bị mất dấu!” Nói xong chị kêu ba đứa con chị Hạnh đi theo. Những đứa con chị Hạnh có lẽ cũng bị bọ chét biển cắn không ngủ được nên vừa nghe kêu là dậy ngay trong tích tắc. Trong khi chúng tôi sẵn sàng, người đàn bà trẻ trong nhà lật đật chào mẹ rồi ôm theo đứa nhỏ khoảng hai tuổi chạy ra trước nhà. Người báo tin cũng là đàn bà trẻ và cũng kè theo bên nách một đứa nhỏ cỡ tuổi với đứa con người đàn bà trẻ trong nhà, thì thầm bảo chúng tôi đi theo trong im lặng.

Chúng tôi bước nhanh theo họ xuyên qua những con hẻm loằn ngoằn và vắng tanh. Len lỏi giữa những căn nhà tôn chi chít một lúc chúng tôi đi đến những căn nhà sàn thưa thớt gần sát biển. Tại đây chúng tôi phải đứng im dưới những cây cột dưới nhà sàn để núp vì có tiếng chó sủa vang to gần đó. Nhìn hai người đàn bà xăn quần đến tận háng, chị Phú kêu mấy đứa nhỏ bắt chước làm theo. Tôi đã ngồi bệt xuống cát vừa đỡ Tinô đang nằm dài trên cánh tay vừa cố gắng xăn hai ống quần chặt trên bắp vế. Khi tiếng sủa dịu đi chút ít, hai người đàn bà trẻ ẵm hai đứa nhỏ chạy lom khom ra biển. Vội vã, chúng tôi cũng khom lưng chạy theo, bám sát, không rời. Không ai nói ai lời nào, cả nhóm chúng tôi âm thầm chạy xuyên qua các cọc phơi lưới và vài chiếc ghe đậu trên bãi cát rồi cùng hướng về phía hai chiếc ghe thúng đang bồng bềnh đưa người ra ghe lớn. Hai người đàn bà hối hả réo tên hai người thanh niên đang chèo hai chiếc ghe thúng trong khi lội rất nhanh ra biển. Là dân biển đích thực cho nên bất kể nước cao, sóng lớn thể nào, chân trần của họ đạp nước như đi trên mặt đất. Bắt chước họ, chị Phú và tôi bỏ dép trên bờ cát ướt, lõm bõm đạp nước bám theo ráo riết. Chúng tôi, dù đã cố gắng hết sức vẫn là những người đi sau vì chị Phú phải chăm Hoan, đứa con trai Út của chị Hạnh và tôi còn phải ké né tránh những đợt sóng lớn vì sợ Tinô bị ướt. Hai người đàn bà trẻ tiếp tục lội ra xa trong khi vẫy tay gọi hai người lái ghe rối rít.

Trong lúc lái hai chiếc thúng tiến về phía của họ, hai người thanh niên nói vọng về phía chúng tôi:
“Các chị phải chờ đến phiên vì mấy chiếc ghe nhỏ này không thể chở tất cả cùng một lúc.”
Tiếp tục dắt ba đứa nhỏ lội đến sát hai chiếc ghe, chị Phú cứng cỏi trả lời:
“Vậy thì mấy anh phải chở mấy đứa nhỏ này trước. Tụi nó là con của chị Hạnh. Má nó đã trả tiền mua hẳn chiếc ghe và lo tất cả chi phí cho chuyến đi này, cho nên không thể bỏ chúng lại hay để chúng đi sau được.”
“Tụi em không bỏ ai lại hết cả. Nhưng ai cũng đòi đi trước thì làm sao chở hết được?”
“Mấy anh phải chở người có chi phần đi trước chứ đừng có dựa vào sự quen biết mà chở những người đi hôi . Để chúng tôi ở lại chờ, lỡ bị công an phát hiện ghe các anh bỏ chúng tôi chạy luôn hả?”

Trong khi cuộc tranh cãi chưa được ngã ngũ ra sao, người đàn bà trẻ đến báo tin cho chúng tôi đã ôm con thót ngay lên một chiếc ghe và được đưa ngay ra khơi bởi sức đẩy của người thanh niên bơi đàng sau. Người thanh niên đang tranh cãi với chị Phú phải điều đình với người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc chờ đến phiên rồi giúp ba đứa nhỏ con chị Hạnh leo lên ghe. Giống như chiếc ghe trước, người lái này chỉ dùng sức đẩy chiếc ghe thúng khi bơi sau chúng chứ không ngồi hay đứng chèo với cái dầm như khi họ lái vào bờ.

Từ xóm chài, tiếng chó sủa vẫn tiếp tục vang lên dữ dội khiến chúng tôi, những người còn ở lại, nôn nóng lội nước ra xa hơn. Chỉ được thêm một vài bước chúng tôi phải dừng lại một chỗ để nhón người cao lên vì nước biển đã chấm đến ngực và vì có quá nhiều cơn sóng lớn đang tấp vào bờ. Tưởng phải ngâm trong lòng nước đen lạnh và đối phó với những cơn sóng lâu lắm, chỉ phút chốc chúng tôi đều mừng rỡ khi thấy cả hai chiếc ghe thúng quay trở lại. Hai người thanh niên chia cho hai mẹ con người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc lên một ghe còn tôi và chị Phú lên cùng một ghe. Người thanh niên được phân chở chị Phú và mẹ con tôi có dáng người cao gầy và cử chỉ rất nhanh nhẹn. Sau khi leo ra khỏi chiếc thúng và nắm bên vành nghiêng xuống một bên, anh hối chúng tôi leo vào. Dù cố gắng trèo lên ghe thật nhanh, chúng tôi khá vất vả với sự chập chênh của chiếc thúng trên những cơn sóng tấp ngược. Một hồi sau chị Phú trèo lên trước, giúp tôi ôm Tinô để tôi leo vào theo. Vào được trong lòng ghe, tôi đón Tinô lại, ôm nó vào lòng và xoay người ngồi đối diện với chị Phú, cốt để giữ chiếc thúng thăng bằng. Người thanh niên chờ chúng tôi vào cả trong ghe, đẩy nó thật mạnh về phía trước rồi bơi theo sau. Anh phải dùng sức rất nhiều trong lúc vừa bơi vừa đẩy chiếc ghe chúng tôi vượt qua những ngọn sóng ồ ạt và liên tiếp. Để ngăn chiếc thúng tròn khỏi bị đổ nhào và dìm chìm bởi vô số đợt sóng tới tấp, người thanh niên không hề rời tay khỏi khoảnh vành thúng khi bơi. Anh đã không ngừng trườn người về phía trước để ra sức đẩy chiếc thúng vượt qua các ngọn sóng tấp ngược trong lúc đạp nước về phía sau.

Tinô thức dậy ngóc đầu nhìn quanh sau những lần bị chuyền sang đưa lại. Cố tình không để nó thấy những cơn sóng đang dập dềnh xung quanh vành ghe, tôi ghì đầu nó vào bên ngực phải và ra sức ru nó ngủ lại. Tôi, chẳng dỗ dành được bao nhiêu câu, đã phải há hốc vì trông thấy một ngọn sóng lớn đang chuẩn bị tạt nước chiếc ghe thúng của chúng tôi. Người thanh niên có lẽ đoán được hướng đi của ngọn sóng, ấn mạnh vành thúng nơi tay nắm xuống trong tư thế sẵn sàng. Vì lòng thúng trở thành một khoảnh tròn thẳng đứng nên chị Phú và tôi đều bị trượt xuống mạn thuyền, chập chênh như sắp rơi xuống biển. Người thanh niên, không để tâm xem chúng tôi thể nào, chờ đầu ngọn sóng vừa ập xuống là đẩy chiếc ghe thúng bơi vượt qua. Khi đáy thúng rớt mạnh trên mặt nước biển, chị Phú và tôi lăn cù từ mạn vành vào lòng ghe. Chưa hoàn hồn, chúng tôi bị tuột xuống trở lại mạn vành vì cái dựng đứng của chiếc ghe thúng. Vẫn như lần đầu, người thanh niên ấn một bên vành ghe xuống đón đầu sóng để tiếp tục vượt qua. Lần này, vì ngọn sóng cao hơn lần trước và vì người thanh niên chếch chiếc ghe hơi nghiêng về sau nên cả Tinô và tôi đều ở tư thế sắp bật ngược ra đằng sau. Hốt hoảng, tôi bíu Tinô chặt vào lòng, rồi ép người mình sát vào đáy thúng đang ở thế dựng đứng, hét to:
“Phật bà Quan Thế Âm ơi cứu con của con với!”
Hốt hoảng, chị Phú vừa xua tay vừa ta thán:
“Lan ơi là Lan! Lan la kiểu này là Lan giúp cho công an bắt cả bọn mình đó!”

Tôi không hề đáp lại cũng như không quan tâm chút nào đến lời trách móc của chị bởi chưa hoàn hồn với ý nghĩ Tinô rớt xuống biển vì ngọn sóng cao úp ngược. Run lẩy bẩy, tôi ôm chặt nó vào lòng hơn rồi tiếp tục cầu xin trời phật ban phước lành. Người thanh niên không nói không rằng, bình tĩnh lèo lái chiếc ghe vượt qua những đợt sóng cao còn lại và tiếp tục đưa chúng tôi ra khỏi vùng có nhiều ngọn sóng. Tôi cảm thấy an tâm hơn vì chiếc ghe đã vượt qua hẳn vùng có nhiều sóng và đang an bình lướt êm trên mặt biển; tuy nhiên, tôi đã phải chịu đựng tiếng khóc la dữ dội của Tinô và những tiếng kêu trời của chị Phú. Chị Phú than vãn liên hồi rằng:
“Trời ơi là trời! Đi với hai mẹ con hai người này trước sau cũng bị đi tù. Lan có làm ơn dỗ nó nín ngay đi không! Làm cho nó nín ngay chớ đồn công an ở ngay đàng kia kìa!”

Theo cái chỉ tay của chị, tôi quay đầu nhìn lại làng chài. Một điếm canh cao nghều và chênh lệch khá lớn với những chiếc nhà lụp xụp bên dưới, chắc hẳn phải có vài người du kích hay công an canh phòng Duyên Hải ở đó. Tôi không biết họ có nghe tiếng chó sủa, tiếng la tiếng khóc của mẹ con tôi không nhưng tôi không còn lo lắng nữa vì chiếc ghe thúng cách ra xa bờ khá nhiều.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 10

Chẳng mấy chốc chiếc ghe thúng đưa chúng tôi đến một chiếc ghe đang lặng lờ trên mặt biển. Một vài cái đầu thò ra đưa cánh tay kéo chúng tôi lên. Tinô vẫn khóc vì lúc này bị chuyền sang một người khác mà trong bóng tối nó không nhận ra đó là bố của nó. Khi được kéo lên ghe tôi hết sức bàng hoàng vì kích thước quá nhỏ của vật sắp đưa mình vượt đại dương. Lúc đó tôi hiểu vì sao những người gác ở cái điếm canh cao nghều trong xóm chài kia không quan tâm đến tiếng chó sủa và tiếng kêu la ở ven biển. “Đi vượt biển trên chiếc ghe nhỏ như thế này trước sau cũng phải làm mồi cho hà bá, chứ làm sao vượt đại dương được! Hèn chi những người canh phòng không bỏ công ra lùng bắt những người liều mạng như mình!” Tôi đã nghĩ như thế nhưng ngay sau đó biết là mình đã hiểu sai vì những tiếng suỵt nho nhỏ của những người nằm im thin thít trên sàn ghe đang cảnh cáo tôi khi tôi lồm cồm len qua người họ.

“Đi lại đàng kia, rồi chui xuống hầm mau đi em!”

Chồng tôi nói khe khẽ khi anh chuyền Tinô lại cho tôi. Vui mừng vì sự trùng phùng, tôi lần theo những cánh tay dẫn dắt để bước xuống hầm ghe. Tôi đã dẫm lên rất nhiều người trong khi lom khom ẵm Tinô chui sâu vào phía trong cùng của đuôi ghe. Chệnh choạng trong bóng tối một lúc tôi chen được một chỗ giữa chị Phú và những tảng nước đá lớn bên hông. Co ro ngồi bó chân trong lúc ôm Tinô trên bụng tôi cảm thấy chóng mặt. Cố gắng nhìn về phía cửa hầm, tôi lờ mờ thấy vài bóng người leo xuống. Tiếng than vãn lẫn tiếng khóc của trẻ con vang lên rất nhiều nhưng chỉ một lúc bị ém chặt khi nấp hầm đóng kín mít. Ngột ngạt vì mùi dầu máy, mùi cá tanh, và mùi ẩm mốc, tôi nôn khan. Biết chứng bệnh của mình, tôi rút chiếc bao ny lông từ trong túi áo ra chuẩn bị. Tinô đã ngưng khóc có lẽ vì ngạc nhiên với bóng tối và những tiếng khóc của trẻ con gần đó. Ngơ ngác lắng nghe trong vài giây nó chợt ho dữ dội rồi ói thốc ói tháo ra. May là tôi kê được chiếc bao ni lông ngay miệng nó nên không bị ướt bởi các chất nhầy nhụa của thức ăn và nước dãi. Dù sao thì tôi chẳng được khô ráo chút nào. Từ lúc lội xuống biển và qua hai ngọn sóng lớn áo quần của tôi đã bị ướt đẫm, nay ngồi tại một nơi mà dưới dáy là nước ẩm và bên cạnh là khối đá lạnh, thân thể của tôi càng lúc càng lạnh hơn. Cảm giác khó chịu không ngăn được cơn ói mà tôi đang kềm chế nên tôi đã ói ngay sau khi Tinô vừa ói xong. Chúng tôi thi nhau ói cho đến lúc tưởng như không còn thức ăn gì trong bụng để ói được nữa. Dù mệt lả, tôi cố gắng lục túi lấy chai dầu xanh xoa trên trán và cổ cho Tinô, tôi xoa vào mũi mình và cho một chút vào lưỡi. Mùi dầu làm tôi thấy dễ chịu vì nó giảm bớt được những mùi khó chịu xung quanh. Tinô có lẽ cùng có cảm giác như vậy nên ngưng hẳn những cơn ói khan. Sau khi gút chiếc bao ni lông và lần tay trong những tảng nước đá bên cạnh tìm chỗ đặt nó phòng cho những cơn ói tiếp, tôi áp đầu Tinô vào ngực mình rồi xoa bóp nhè nhẹ trên đầu và trán của nó. Biết Tinô thường rơi vào giấc ngủ dễ dàng khi được vuốt ve nên tôi đã dùng ngón tay làm lược xới chải đầu tóc của nó rồi liên tục vân vê hai vành tai của nó. Dễ chịu với sự âu yếm êm dịu, Tinô thở đều đều một lúc rồi im lìm ngủ. Khi nó ngủ yên lành, tôi lần bàn tay phải vào trong những cây nước đá lạnh cạnh bên để khám phá tiếp. Sau khi biết những cây nước đá này được phủ bởi trấu, lưới câu và những chiếc bố rách, tôi đã rút một chiếc bố rồi từ từ đẩy dưới chỗ mình ngồi để không phải bị thấm ướt thêm bởi nước ở bên dưới. Mặc dù chiếc bố đã bị ướt lạnh nhưng nó đã tăng được độ cao của chỗ tôi ngồi như một vật đệm và giúp tôi không phải bị thấm nước thêm. Trước khi đi, tôi được biết là chủ ghe sẽ dùng nước chảy tan từ những cây nước đá cho nước uống trong khi đóng kịch dùng chúng cho việc ướp cá dưới hầm khi đi chài. Sự tính toán có vẻ có lý nhưng không hiểu ông ta đã tính toán chuyện chứa nước tan như thế nào khi lượng nước ở dưới chỗ tôi ngồi càng lúc càng tăng nhiều hơn thêm vì những cây nước đá hình trụ vuông dài đang tan chảy ra. Mọi người dưới hầm, có lẽ cùng ở tình trạng, ngồi trên chỗ ướt át như tôi nên rúc vào nhau tìm hơi ấm. Một lúc sau, tiếng khóc, tiếng than, tiếng dỗ dành và tiếng ói từ từ lắng dịu đi và tôi chỉ còn nghe tiếng rè rè đều đều của máy ghe. Chiếc ghe lúc này có lẽ đang lướt trên mặt êm của biển nên không còn bị chòng chành nghiêng ngã như trước đó. Tôi cảm thấy đỡ chóng mặt nên không còn buồn nôn nhưng bị lạnh toàn thân nhất là hông bên phải. Lần tay phải sâu vào các khối đá lạnh để khám phá thêm, tôi mò được một cục đá có hình tam giác độ hai nắm tay và rút thêm được một tấm bố nhỏ. Chèn tấm bố bên hông phải mình xong, tôi bỏ cục đá vào một chiếc bao ni lông, cột chặt lại rồi nhét vào trong túi áo. Hai túi áo khoác của em gái tôi có hình vuông cạnh dài đến mười bảy xen ti mét nên chứa được nhiều thứ như chai dầu xanh, gói chanh đường, vài gói sâm nhỏ, và vài chiếc bao ni lông. Những thứ này không hề bị thất thoát sau những lần tôi leo lên trượt xuống ở mạn ghe khi vật vã bởi những ngọn sóng lớn. Ngay cả chiếc giỏ vải bé xíu mà tôi tròng vào cổ, đang ở dưới người Tinô vẫn còn nguyên các thứ.

“Anh kia gửi cho chị gói này nè.”
Tôi giật mình đón gói đường tẩm chanh từ tay người ngồi trước mặt. Thì ra chồng tôi đã xuống hầm ghe từ lúc nào nên nhờ người ngồi cạnh chuyển gói đường này cho tôi để bày tỏ sự quan tâm. Vài giọt nắng xuyên qua các kẽ hở của những tấm ván trên hầm cho tôi biết trời đã sáng. Lúc này có lẽ ghe chúng tôi đang trôi giữa các chiếc ghe đánh cá khác nên ông chủ ghe bắt tất cả tất cả thanh niên xuống hầm. Chắc chắn là ông đang rất căng thẳng vì nghĩ đến tiếng la khóc bất chợt của mấy đứa trẻ trong lúc gặp ghe tuần của công an biên phòng hay những chiếc ghe đánh cá khác cạnh kề. May mắn là dưới hầm ghe đã trở nên yên tĩnh hơn. Những tiếng khóc, ho khan, nôn oẹ, ói mửa, và cằn nhằn từ từ giảm dần và mất hẳn đi. Mấy đứa trẻ có lẽ mệt mỏi đã chìm trong giấc ngủ, còn những người lớn đã quen với môi trường ẩm ướt và hôi hám nên im lặng với ý nghĩ riêng của mình. Tôi không biết những người khác nghĩ gì; còn tôi thì nhẩm tính đến khi nào ghe sẽ ra hải phận Quốc Tế.Tôi nhớ như in là chiếc thúng chở chúng tôi ra ghe lớn khoảng hai giờ sáng và chúng tôi đã xuất phát sau đó khoảng nửa giờ. Nếu căn cứ theo sự tính toán của anh Thảo và chồng tôi trước ngày đi thì phải đến ngày hôm sau ghe chúng tôi mới ra khỏi hải phận Việt Nam . Hôm nay là thứ năm ngày 30 tháng 3 năm 1989. Sáng thứ năm nào tôi cũng có hai tiết địa lý lớp sáu tại điểm chính. Nhìn ánh nắng sáng qua khe hở trên sàn, tôi đoán lúc ấy khoảng mười giờ và nghĩ rằng học sinh của lớp học mà tôi đảm trách giảng dạy hôm nay đang xôn xao vì sự vắng mặt của tôi. Ông hiệu trưởng chắc hẳn đang thắc mắc vì sự vắng mặt không lý do một cách bất thường này. Ông có biết là tôi đi vượt biển chưa thì tôi chẳng thể nào đoán được nhưng tôi chắc rằng cư dân ở xóm Cù Lao đã bàn tán sự vắng mặt của nhiều người trong xóm và chắc chắn công an biên phòng đã phát hiện chuyến vượt biển của chúng tôi. Tin tức trong thành phố biển Nha Trang thường được loan truyền rất nhanh cho nên chẳng mấy chốc nó sẽ lan đến trường tôi dạy. Hình dung cảnh các giáo viên trường xì xầm như những khi có tin người trong thành phố vượt thoát, tôi cảm thấy tim mình bồi hồi xúc động. Rồi tôi đã lo lắng hồi hộp khi nghĩ đến cảnh ông hiệu trưởng tức giận vì bị khiển trách, và sự kém may mắn của chuyến đi của tôi khi bị công an tuần tiểu bắt đưa về đất liền. Đầu tôi liên tục vang lên những lời phê bình của cấp trên của ông: “ Đồng chí làm hiệu trưởng như thể nào mà không quản lý được tư tưởng chính trị của giáo viên đồng chí? Một giáo viên có tư tưởng phản động đến thế mà đề cử danh hiệu giáo viên tiên tiến của trường mấy năm liền như thế à?” Sau đó là những câu biếm nhẽ của những người cán bộ dành cho những người trốn ra khỏi nước mà tôi thường nghe: “ Sau chiến tranh, đất nước khó khăn không góp sức góp phần trong việc xây dựng đất nước lại trốn ra nước ngoài! Vinh hạnh gì loại người bám theo ngoại bang để chực bơ thừa sữa cặn!”, “ Đấy là bọn vong bản,bám đít ngoại lai! Chúng chỉ muốn làm tôi mọi cho bọn Tư Bản nước ngoài nên phải trốn đi!” và “ Chết chìm, chết biển cũng đáng cho lũ phản bội tổ quốc!” Càng suy nghĩ, tôi càng cảm thấy rất buồn tủi và đau lòng. Chua xót nhất là tội danh phản bội Tổ Quốc mà mình đang bị gán ghép. Thật là chua xót cho một người bị mang tội phản quốc như tôi lại là người mơ ước được sống và chết nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ước mơ này đã khảm trong tiềm thức của tôi ngay từ thời thơ ấu và có lẽ nó sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời cho dù tôi chẳng hiểu mình sẽ còn sống được bao lâu trên chiếc ghe lênh đênh chưa đến bến bờ và không biết sẽ chết ra sao. Nghĩ đến chuyện ra đi không bao giờ được trở lại, tôi tự hỏi không biết giờ này trên sàn tàu, ông chủ ghe và những người phụ lái có còn được nhìn lần cuối những viền đất xanh rì cây cối của những đảo xa của Nha Trang không; nhưng khi ý thức là mình thật sự xa bà con thân thuộc và xóm giềng, tôi đã âm thầm rơi nước mắt. Tôi đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến sự phiêu lưu của mình không biết sẽ ra sao trong lúc ông nội chồng và mẹ chồng lọm khọm nhang đèn cầu nguyện trời phật ngày đêm. Càng nghĩ, tôi càng nhớ đến sinh hoạt thường ngày của gia đình chồng. Trưa nay không có tôi chắc mẹ chồng tôi sẽ tự làm lò trấu để đun hay chỉ dùng vài bã mía khô để nấu qua loa cho bữa ăn chỉ còn hai người. Mà có thể là họ không nấu nướng hay ăn uống gì vì đang lo lắng và nóng lòng chờ tin của chúng tôi. Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt kinh hãi của bác gái dâu của tôi khi tôi thành thực nói cho bà biết là tôi sẽ đưa Tinô đi vượt biển. Lúc ấy, hình như tâm trí bà chứa đầy hình ảnh hiểm nguy mà mẹ con tôi sắp chuốc nên ánh mắt bà đã toát ra sự lo âu đến cực cùng. Ngày hôm đó, khi về thăm nhà, tôi đã tâm sự với bà một cách thành thật như với mẹ ruột mình vì tôi không gặp được mẹ ruột của tôi. Mẹ tôi đang bận mót lúa tại quê ngoại nên không hề hay biết chuyện tôi mang con dại đi vượt biển. Khi tôi mượn chiếc áo khoác của cô em gái, cô ta đã nói với tôi là: “ Chị sẽ trả nó lại cho em thôi! ” Giờ này, chắc em gái tôi vẫn còn tin là tôi sẽ quay trở về như lần trước chứ chẳng bao giờ ngờ là tôi đang lênh đênh trên biển trong tình trạng chưa biết sống chết ra sao. Chị em tôi, cùng là cô giáo nhưng chẳng hề giúp được gì cho mẹ ruột của mình. Trong khi tôi phải làm bao nhiêu việc mà không đủ nuôi con của tôi thì em gái tôi vừa dạy, vừa bán bánh, vừa bán thuốc lá lẻ ở chợ vẫn không đủ nuôi con của cô ấy. Tôi không hiểu mức độ chua xót của mẹ tôi đến dường nào đối với hoàn cảnh của chúng tôi, nhưng khi nghĩ đến bà, tôi hình dung rất rõ những nét nhọc nhằn trong đôi mắt sâu, trong từng nếp nhăn trên trán và trong những đường khô nứt trên môi. Kèm theo nỗi khổ sở hằn sâu lên khuôn mặt ấy, sự vất vả cơ cực đã chồng chất trên tấm lưng còng của bà liên tiếp theo tháng ngày mà không biết đến bao giờ mới ngơi. Sau năm 1975, vì không còn vốn để buôn bán bà đã xoay đến chuyện lượm từng hạt gạo rơi ở những chỗ buôn gạo ngoài chợ nay lại lam lũ mót từng hạt lúa ở những cánh đồng vừa gặt xong. Nghĩ đến đời sống tần tảo khổ nhọc của bà, lòng tôi trĩu nặng. Chưa bao giờ tôi khao khát được sống và được đến bờ tự do. Hết lời kêu gọi tấm lòng từ bi của trời phật, tôi cầu xin cho ghe chúng tôi được thuận buồm xuôi gió và đến bến bình yên. Những người ngồi gần, có lẽ cùng chung tâm trạng như tôi, tựa vào nhau cầu nguyện theo tôn giáo riêng của mình trong những tiếng thì thầm. Thời gian trôi qua tưởng chừng như vô tận. Rồi chúng tôi đã thiếp đi, và ngủ gà ngủ gật lên nhau.

Đột ngột, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gọi của những người trên sàn. Họ chuyền cơm nước xuống và gọi chúng tôi đón lấy. Những chén nhựa chứa cơm và những ca nước được chuyền tới tay từng người. Chúng tôi nhận cơm lại thành nắm để ăn trong khi chuyền nhau uống chung một ca nước. Cho Tinô ăn xong, tôi ăn phần thừa của nó rồi cất phần mình vào túi ni lông để dành. Tôi không thấy đói vì cảm thấy vui với niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng. Những tia nắng nhạt nơi khung cửa của nắp hầm báo hiệu trời dã về chiều. Ghe chúng tôi đã đi hơn nửa ngày; chắc chắn là chúng tôi đã thoát được sự đuổi bắt của công an. Vài người đàn ông, có lẽ có cùng ý nghĩ với tôi, nài nỉ ông chủ ghe cho lên sàn cho thoải mái nhưng ông ta một mực từ chối với lý do vẫn còn nhiều tàu Quốc Doanh đánh cá ngoài khơi đang trên đường quay về đất liền. Ông nói là nếu những chiếc tàu ấy thấy ghe chúng tôi có nhiều người sẽ nghi ngờ và gọi báo công an thì cuộc đuổi bắt không thể nào tránh khỏi. Nghe những lời đối thoại của họ, những người đàn bà không nói gì. Riêng tôi, tôi lại rơi vào tình trạng bất an vì hiểu là ghe của chúng tôi vẫn chưa đến hải phận Quốc Tế. Trong khi mọi người trong hầm ngột ngạt vì không khí im lặng nặng nề, một tiếng khóc rất non nớt của một đứa trẻ sơ sinh vang lên. Ông chủ ghe lại thò đầu xuống cửa hầm, với khuôn mặt đầy lo lắng. Ông gợi ý với người đàn bà đang vỗ về đứa nhỏ là hãy thăm chừng nhiệt độ của nó và nên cho nó bú thường xuyên hơn. Giọng nói đầy lo lắng của ông khiến tôi nhớ đến lời kể của anh Thảo. Thì ra ông chủ ghe đã đưa vợ con ông đi cùng và đang lo lắng tình trạng sức khỏe của đứa con sơ sinh của ông. Tôi không đoán được là ông có bao nhiêu đứa con và có tất cả bao nhiêu đứa trẻ đang ở dưới hầm nhưng khi nghe những đứa trẻ khác khóc hòa theo tiếng khóc của đứa con Út của ông bà chủ ghe, tôi hiểu được là số con nít trong hầm ghe không ít hơn số tham gia của người lớn. Vì chúng khá đông nên cùng thi nhau khóc dai dẳng mà không một người lớn nào có thể làm ngưng được. Ngay cả Tinô, vừa mới ăn ngủ no nê, cũng hòa với chúng la khóc inh ỏi như bị ai nhéo. Bất lực với chứng khóc bất trị của chúng, chúng tôi đành chịu đựng ngồi yên. Độ nửa giờ sau, khi tiếng khóc của những đứa trẻ được giảm đi thành những tiếng ri rỉ thì những tiếng kêu trời kinh hãi của chúng tôi vang lừng trong hầm ghe. Lúc này, chiếc ghe nghiêng qua lại với độ chênh khá lớn nên tất cả mọi người dưới hầm đều bị lăn từ bên nọ sang bên kia, lộn xộn không theo vị trí nào nhất định. Sau một hồi xoay quần các chỗ, tôi bị tống vào giữa. Tại đây tôi lãnh hầu hết thức ăn và nước dãi từ những cái nôn oẹ xung quanh. Mọi người chẳng khác gì tôi; người nọ xả lên người kia hàng hà chất nhầy nhụa đầy thức ăn lẫn các thứ nước khác trong khi hứng lại hầu hết những thứ cùng như thế. Hòa với tiếng la, tiếng khóc, tiếng ói mửa là tiếng đập rầm rầm của nước. Những tiếng đập hung tợn làm tôi liên tưởng đến những cơn sóng cao ở gần bờ và cảm thấy sợ hãi khi tưởng tượng các miếng ván gỗ xung quanh chiếc ghe Ç ang long ra và như sắp sửa vỡ tung ra. Lần này, những tiếng cầu nguyện không còn thì thầm như trước. Tất cả tên các vị thượng đế trên trời đều được gọi thật to. Chỗ thì gọi Chúa, chỗ thì gọi mẹ Maria, chỗ thì gọi Phật Tổ, phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát rồi cả phật Di Lạc. Tuy nhiên, chúng tôi có kêu gào các đấng từ bi bao nhiêu, chiếc ghe vẫn không ngừng lắc lư nghiêng ngã. Dồn cục vào nhau, chúng tôi cùng lăn qua lộn lại. Có lúc tôi cảm thấy như được đưa bổng lên cao, rồi bị lăn xuống theo những cái đánh rầm của khoang ghe. Có lúc vừa bị nghiêng sang phải lại ngã ngay sang trái, sau đó vừa bị trượt ra góc sau cùng lại bị tuột trở lại vào trong. Tinô vừa khóc, vừa ói, vừa kêu mẹ rối rít mặc dù nó đang ôm chặt cổ tôi và ngồi ngay trên bụng tôi. Tệ hại chẳng kém gì tôi, đầu tóc, áo quần, chân tay của nó không một chỗ nào khô ráo.

“Đưa con đây cho anh!”
Quay sang người vừa nói, tôi nhận ra chồng tôi đang ngồi cách tôi chỉ một người. Chuyền Tinô sang cho anh xong, tôi tìm cách lết gần anh hơn.
“Em bị ngộp quá!Chắc con cũng vậy. Mình tới xin ông chủ cho lên boong ngay, nếu không, trước sau mình cũng chết ở đây thôi.”
Nói xong, tôi nhất định lần đến chỗ cửa hầm van nài ông chủ ghe kéo lên cho bằng được. Vợ ông chủ ghe cũng kêu tên ông nhưng ông không thò đầu xuống như những lần trước. Một người phụ lái thò đầu xuống báo là ông chủ đã đồng ý cho những người muốn leo lên sàn.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 11

Vừa nhô đầu lên khỏi cửa hầm, tôi đã bị nước biển tạt vào ướt nhẹp. Xung quanh chiếc ghe là một quang cảnh hết sức kinh hoàng mà tôi đã không hề mường tượng ra khi còn ở dưới hầm: Trong khi hàng vạn con sóng xám đục đang hung tợn vồ dập vây quanh mạn, vài ngọn sóng lớn đập nước tung tóe, văng khắp nơi trong lòng ghe. Kèm với những ngọn sóng bọt trắng, những đợt gió mạnh tốc bụi nước bay tứ tán khắp nơi. Run lẩy bẩy vì bị ướt nhẹp, tôi cố gắng nhích từng bước theo chồng tôi đến đuôi ghe. Khi cùng nhau dí chặt người vào cái góc chẹt, tôi có cảm tưởng chúng tôi chẳng khác gì những con kiến trên chiếc lá mỏng manh đang bị chao động mãnh liệt trên mặt nước. Lờ mờ trong màn nước văng tung tóe, tôi thấy vài cái đầu nhô lên rồi thụt xuống từ chỗ buồng máy. Nhiều tiếng kêu la inh ỏi vang lên nhưng đều chìm vào trong tiếng sóng và tiếng gió. Ba người phụ lái bị trượt nước té nhiều lần trong khi lính quính hò nhau làm theo điều gì đó mà ông chủ đang gào thét. Tiếng quát đầy kinh hãi của ông chủ ghe, tiếng gọi thiếu bình tĩnh của những người phụ lái, tiếng kêu giúp tuyệt vọng của những người còn ở dưới hầm và tiếng ầm ầm liên tục của những ngọn sóng trên các mạn thuyền khiến tôi hiểu rằng chiếc ghe sẽ không thể nào thoát khỏi cảnh chìm trong biển nước. Chồng tôi, có lẽ cùng có ý nghĩ này, xiết chặt cánh tay tôi trong lúc tôi cuộn chặt Tinô vào trong lòng. Tôi nhắm chặt mắt vì không muốn chứng kiến cảnh đau lòng mà nước mắt cứ ràn rụa ùa ra. Ý nghĩ do mình và vì quyết định của mình mà con mình phải chết, cảm giác có tội tràn ngập trong lòng tôi. Hết lòng cầu xin trời Phật phù hộ đổi lấy sinh mạng mình cho con, tôi chỉ biết khóc ròng và không hề tin là chiếc ghe của chúng tôi cũng được phù hộ. Hình dung cảnh thân xác từng người tách rời khi chìm xuống biển, tôi đau đớn nhận ra cái giá trả cho sự tự do rất đắt: Nó không những là vàng bạc, tinh thần hay sức lực mà cả tính mạng của con người. Tim tôi tan nát ra từng mảnh và tôi thật sự nghĩ là nó chết trước khi sinh mạng tôi bị thủy thần lấy đi.

Tiếng ầm ầm của sóng và gào thét liên tục của gió vang lên như kéo dài thời gian hồi hộp của chúng tôi trước khi gặp thần chết. Trong khi trời vẫn còn giông, bão vẫn còn rít, tiếng người chợt ngớt đi dần dần rồi im bặt. Hé mắt để tìm hiểu, tôi thấy mũi ghe vẫn lướt trên những lớp sóng cuồn cuộn và bình lặng lao về phía trước. Vui mừng lẫn hy vọng, tôi tin là nó đã được sự phù hộ vô hình nào của thượng đế. Chòng chọc nhìn về phía buồng lái, tôi cầu nguyện trời phật tiếp tục giúp cho ông chủ ghe có đủ sáng suốt và tài trí để đưa chiếc ghe mỏng manh của chúng tôi vượt được chặng bão biển trước mặt. Cầu nguyện chẳng được lâu, tôi đã rú lên kinh đảm vì trông thấy một ngọn sóng cao như tòa nhà hai tầng, hoặc có thể cao hơn khi chiếc ghe của chúng tôi như bị tuột xuống sâu hơn, đang đổ đầu về phía chiếc ghe. Vòm cong đen ngòm của sóng như hàm trên của miệng con quái vật đang mở to chực nuốt chửng chúng tôi. Rùng mình, tôi gập đầu ôm chặt Tinô trước khi tai họa khủng khiếp xảy ra. Trong lúc tưởng tượng cảnh bị cuốn chìm trong nước, tôi chợt cảm thấy thân thể mình nhẹ bổng lên. Mở mắt ra, tôi thấy chiếc ghe của chúng tôi đang ở trên miệng hàm của con quái vật. Thì ra chiếc ghe đã vượt lên trên ngọn sóng từ lúc nào. Chẳng được bao giây, nó rơi xuống, rồi rớt lên trên mặt nước nơi mà ngọn sóng vừa trụt xuống. Mọi người trên sàn lăn bịch, té nhào, la ôi ối khi rớt lên nhau và cố gắng bám víu vào nhau. Trong lúc còn đang loạng choạng uốn mình ra khỏi thân đè của ai đó, tôi lại thấy cái vòm đen ngòm của ngọn sóng cao tầng khác hiện ra và rất nhiều tiếng kêu khiếp đảm vang lên. Lần này, tôi không cúi đầu và cũng không nhắm mắt. Chòng chọc nhìn thẳng về trước, tôi thấy chiếc ghe rướn thẳng mũi như chực đầu sóng vừa đổ xuống là vượt lên trên. Thực là thế, nó đã lướt theo nước cưỡi ngay lên đầu ngọn sóng, chót vót trên đỉnh cao rồi rớt xuống trượt theo ngọn sóng đổ sụp. Tôi không biết đã bao nhiêu lần ghe chúng tôi bị nâng lên cao, lơ lửng trong không trung rồi rơi xuống mặt nước; nhưng cứ mỗi lần như thế, tôi có cảm tưởng là những sợi thần kinh trong óc mình đứt ra thành từng mảnh vụn và đầu tôi như tê liệt hẳn đi. Tôi nhớ đến chữ “ Không ” của mình cho câu hỏi của một anh đồng nghiệp khi anh ta hỏi tôi là trong đời có bao giờ tôi có cảm giác kinh hoàng đến độ tưởng như tất cả mọi dây thần kinh của mình đứt thành từng mảnh sau khi kể cho tôi nghe cảm giác kinh hãi là anh xém té bật ngửa xuống đất trong lúc anh ngồi ngay cửa của chiếc trực thăng đang cất cánh bay. Nếu câu hỏi được đặt ra trong lúc này thì tôi không ngần ngại trả lời đây là giây phút kinh hãi nhất trong cuộc đời mà tôi trải nghiệm. Sự kinh hoàng mà tôi đang có không phải chỉ một cái xém bật ngửa từ trên cao như của anh bạn đồng nghiệp kia. Những cái vòm miệng hả rộng, những bức tường cao nghều của sóng, những cái vụt lên cao, chơi vơi trong không trung và đập rầm trên mặt nước liên tiếp hù dọa tinh thần của tôi rất nhiều lần. Chúng đã làm tôi không tin mình sẽ còn sống được để kể lại nỗi kinh hãi mà tôi đã trải qua như người bạn đồng nghiệp của tôi.

Nhưng rồi nỗi sợ hãi của tôi đã được trôi đi. Chiếc ghe của chúng tôi như một chiếc lá nhỏ trong sóng nước dữ tợn, bị vồ dập liên hồi bởi cơn thịnh nộ của bão biển mà không bị chìm. Sự bồng bềnh trên mặt nước của nó sau bão táp như một sự mầu nhiệm khó có thể giải thích. Lúc này, chiếc máy ghe tiếp tục rè rè chạy và càng lúc càng lớn tiếng hơn tiếng sóng và tiếng gió khiến tôi ước đoán là ghe đã đi qua nơi có bão hay có lẽ bão đã trốn mất sau khi khiếp đáp tinh thần chúng tôi. Trên sàn ghe lúc bấy giờ mọi người đều ướt sũng, và vẫn còn run rẩy trong sợ hãi. Một số còn bám víu dưới hầm, đang lóp ngóp leo lên. Tất cả đàn ông, đàn bà, và con nít, đều thất thần và nhếch nhác. Không ai nói với ai lời nào, chúng tôi cùng chìm trong sự im lặng nặng nề. Có lẽ bị sóng dập nhiều lần và phải lóp ngóp trong những thác nước nên mấy đứa trẻ đừ đẫn đến không còn khóc được nữa. Nhìn Tinô run rẩy trong tay, tôi hiểu là nó đã thấy hết cảnh hù dọa của những cơn sóng lớn vừa qua. Sự khiếp đảm đã làm cho nó không còn khả năng chống cự hay đập vào ngực tôi như lần ở ghềnh đá của lòng sông khô trên núi Rù Rì. Bế xốc nó lên để xem xét, tôi nhận ra là nó bị ướt sũng và dơ dáy tệ hại hơn tôi tưởng. Nhớ đến chiếc giỏ lớn mà vợ chồng tôi nhờ anh Thảo đưa cho ông chủ ghe để chuyển xuống ghe trước ngày khởi hành, tôi hỏi chồng tôi và tôi được biết là ông chủ ghe vẫn còn để nó ở nhà của ông. Vì sợ công an phát hiện kế hoạch của mình,ông không chuyển bất cứ chiếc giỏ nào xuống ghe kể cả những chiếc giỏ chứa đầy vật cần thiết của ông. Tôi đã khá thất vọng khi nghe điều này; cho nên đành dựa vào bộ đồ duy nhất của Tinô trong túi vải tí tẹo của mình. Mặc dù bộ đồ mà tôi đem phòng hờ cho Tinô trong cái túi vải nhỏ xíu chẳng được khô ráo gì cho cam nhưng vẫn còn đỡ hơn bộ đồ dính đầy phân, nước tiểu, nước biển và nước ói mà Tinô đang mặc. Thay đồ cho Tinô xong tôi lấy phần cơm để dành cho nó ăn rồi lấy dầu xanh xoa khắp người nó. Lần vượt biển nào tôi cũng mang theo loại dầu xanh hiệu con ó vì sự công dụng đa dạng của nó. Nó không những khử được mùi hôi hám, làm nóng người, mà còn trị được các chứng đau nhức nhất là đau bụng gió. Mỗi khi chân tay hay toàn thân bị lạnh, tôi thường bị chứng đau bụng này vì vậy xoa dầu cho Tinô xong tôi xoa vào bụng mình để giảm được cơn đau.

Càng về khuya, sóng tương đối bình lặng và dịu hiền hơn đôi chút nhưng ông chủ ghe không ngớt tay. Sau khi lục đục với những thứ gì đó, ông gọi vợ chồng tôi đem Tinô leo trên buồng lái ngồi với vợ con ông. Tôi vô cùng cảm kích quyết định công bình của ông. Bởi Tinô là đứa bé nhỏ tuổi thứ hai sau con Út của ông cho nên chuyện ông cho tôi đưa Tinô ngồi trên buồng lái cùng vợ con ông là chính đáng; duy một điều tôi không hiểu là tại sao ông gọi cả chồng tôi cùng đến ngồi chung một chỗ với tôi trong lúc còn nhiều người đàn bà đang ôm con nhỏ nằm ngổn ngang trên sàn. Sau một hồi nhìn khuôn mặt thất thần của ông qua ánh đèn pin mờ mờ, tôi đọc được ẩn ý về sự không chia cách này. Tôi hiểu là mặc dù đã lèo lái chiếc ghe vượt qua cơn bão biển ông đã không tin mình có thể tiếp tục vượt qua những cơn giông khác trong chặng đường kế tiếp. Và nếu thế, ông để cho vợ chồng con cái chúng tôi ngồi gần bên nhau để chết cùng nhau vẫn hơn. Buồng lái, nơi mà trước đó ông chủ ghe đứng hàng giờ để cầm tay lái, là nơi vuông nhỏ trống trải chỗ cửa hầm có mái che cao hơn sàn ghe độ nửa mét và cách đuôi ghe khoảng một mét rưỡi cho nên từ đuôi ghe tôi chỉ bước vài bước đã lên tới nơi ngay và khi nằm trên ấy tôi phải nằm ép mình vào người bên cạnh để khỏi phải rơi xuống biển. Để tránh cho mẹ con chúng tôi bị tình trạng này, chồng tôi đã nằm ngoài bìa. Tôi co ro sát chỗ bà chủ ghe nằm đến độ cảm nhận được hơi ấm của bà chuyền cho mình thế mà bà chẳng nói năng gì khiến tôi đành im lặng theo. Chìm trong ý nghĩ, tôi hiểu bà cùng mang tâm trạng như mình: Tuy đã qua được cơn nguy hiểm nhưng còn biết bao nhiêu hiểm họa như thế đang chờ chực chúng tôi. Trong lúc này chúng tôi còn ôm con vào lòng nhưng vài giờ sau chẳng hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không biết ghe có cả thảy bao nhiêu người mẹ cùng tâm trạng như mình nhưng tôi không thể nào ngờ có quá nhiều người cùng cảnh ngộ và gan liều đem con mạo hiểm như thế. Từ cửa hầm, vài tiếng khóc vang lên hòa theo những tiếng khóc trên sàn tàu nhưng chúng không át lại được tiếng hét lớn của ông chủ ghe đang vang lừng trong gió. Tò mò nhìn qua màn sương mờ, tôi thấy những bóng người đang lui hui làm gì đó. Một lúc sau, khi một cây cột được dựng thẳng trên nóc buồng lái và một cánh buồm được rộng ra, tôi mới hiểu là họ đã hợp sức dựng buồm. Nhờ dây căng đúng độ, cánh buồm no gió phần phật đưa chiếc ghe chúng tôi chạy nhanh vùn vụt. Chúng tôi vui mừng khôn tả khi nghe anh Thảo, người đang ở vai trò hoa tiêu, báo rằng ghe vẫn đi đúng đường theo hướng Đông và nếu được tốc độ như thế chẳng mấy chốc chiếc ghe sẽ đến hải phận quốc tế. Từ khuya thứ năm ngày 30 tháng 3 đến rạng sáng thứ sáu ngày 31 tháng 3 chiếc ghe của chúng tôi chạy chẳng khác gì tàu thủy vì nó vừa chạy bằng máy vừa chạy bằng buồm. Nhìn quanh biển nước, tôi vui mừng thấy những chiếc thuyền lớn ở xa. Lời đối thoại của anh Thảo với ông chủ ghe và chồng tôi kèm theo bốn chữ Hải Phận Quốc Tế đã nhen nhúm trong đầu tôi một niềm vui khó tả. Hân hoan với ý nghĩ là sẽ không bị công an bắt đưa về đất liền chưa đưa được bao lâu, tôi bàng hoàng vì tiếng lạch cạch đứt quãng của động cơ. Ngơ ngác theo cái thinh lặng của máy ghe, tôi lắng nghe tiếng bàn tán của những người đàn ông:
“Coi thử có phải cạn dầu không anh?”
“Gì chớ cái này tôi kỹ lắm! Nếu không châm dầu liên tục ghe không chạy lâu như vậy đâu! “
“Chắc là ghe chạy hết ga mà không được nghỉ nên máy có vấn đề.”
“Tôi cũng nghĩ vậy. Để mở ra xem chuyện gì.”

Vì cũng nghe những lời này, chồng tôi leo xuống, xúm đến chỗ của ông chủ ghe và người hoa tiêu đang đứng. Còn tôi tiếp tục nghe họ nói:
“May là tôi đã cho tu sửa toàn bộ chớ cái máy cũ của chiếc F8 này làm sao vượt nổi trận bão biển vừa rồi!”
“Có mới gì thì mới, chạy một hồi cũng cho phải máy nghỉ anh ơi! Tại sợ bị hốt xác nên đành phải chạy suốt vậy thôi!”
“Ác nghiệt chưa! Nó gãy ngay cái móc này mới chết chớ.”
“Chạy quá mạng mà oan uổng gì nữa! Để tui lấy mấy sợi dây kẽm kẹp lại thử xem.
“Vậy được rồi đó. Nổ máy lại thử coi anh!”
“Mở máy rồi đó mà có nghe nổ gì đâu.”
Tiếng của chồng tôi vang lên:
“Anh có đũa tre và dây thun không? Mình dùng thử xem sao.”

Sau một hồi im lặng tôi nghe tiếng máy nổ cùng với tiếng nói xôn xao vui mừng của những người đàn ông vang lên. Chồng tôi leo về chỗ cũ và kể cho bà chủ ghe và tôi nghe là máy ngừng chạy do “cái cò xú bắp” bị gãy. Anh chép miệng với chữ oái ăm khi tả cái cò xú bắp gãy ngay cái móc chữ L rồi cho biết là ông chủ đã dùng dây kẽm để kẹp chỗ gãy nhưng máy trơ trơ không chịu nổ. Anh nói là anh nghĩ đến chuyện dùng đũa tre và dây thun để cột lại chỗ gãy thử xem sao vậy mà không ngờ máy hoạt động trở lại. Nghe anh nói, tôi không hiểu cái cò xú bắp là cái gì, chỉ lờ mờ với ý niệm là một con ốc của bộ phận máy. Nghĩ đến các bộ phận máy thường làm bằng kim loại, đáng phải được hàn nối nếu bị gãy ngang, nay chỉ được kẹp lại tạm thời bằng đũa tre và dây thun, tôi không còn chút hy vọng là ghe của chúng tôi sẽ cập đến đất Phi. Nhìn những chấm thuyền đàng xa, tôi thầm mong có được sự cứu vớt nhiệm mầu nào đó cho dù những tin tức về sự đóng cửa của các trại tị nạn và sự ngoảnh mặt làm ngơ của chiếc tàu lớn vẫn còn ấn dấu trong trí nhớ của tôi.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 12

Càng về trưa, biển càng êm nên hầu hết mọi người đều lên trên sàn ghe ngồi. Tôi không thể nào dùng chữ boong thay cho chữ sàn bởi vì chiếc ghe quá nhỏ. Là chiếc F8, như lời ông chủ nói, bề dài của nó chỉ khoảng bảy mét và ngang khoảng hai mét rưỡi mà thôi. Loại ghe F này thường tụ rất nhiều ở chân cầu Xóm Bóng, không bị công an để ý vì máy ghe chỉ có thể dùng di chuyển loanh quanh đánh cá trong hải phận chứ không thể ra khơi xa như những chiếc ghe lớn có máy lực mạnh mà dân biển thường gọi là lốc (Bloc). Tôi không biết những chiếc tàu lớn đàng xa có thấy được chiếc ghe chúng tôi trong một sự vô tình nào đó hay không. Nhưng khi nghĩ đến những lời bàn tán của một số người trong thành phố biển trước khi đi như: “ Lòng nhân ái của con người đã kiệt cạn rồi! Bây giờ không còn chiếc tàu nào muốn cứu thuyền nhân nữa đâu!”, “Trại Tị Nạn còn đóng cửa mà huống hồ gì các thuyền trưởng của các chiếc tàu! Họ cứu mình rồi đưa đến chỗ nào? Không lẽ đưa về nhà họ?” hay “ Nếu muốn vượt biển, phải cập đến bờ Phi và khai là đi trước ngày một tháng tư , ngày Cao Uỷ Tị Nạn ban hành luật đóng cửa, thì may ra các trại Tị Nạn ở đó còn nhận mình vào!” thì lòng tôi chùng xuống hoàn toàn.

Ông chủ ghe lặng lẽ đến bên vợ ông và xoa đầu đứa con Út của ông khiến tôi nghi ngờ là chuyện đến bờ Phi là một điều không thể nào thực hiện, cho dù tiếng máy ghe vẫn còn đang nổ và chiếc ghe vẫn lướt sóng băng băng trên mặt biển. Nhìn kỹ khuôn mặt người điều khiển chiếc ghe qua trận bão biển vừa qua, tôi cảm thấy có một điều gì sâu kín dằn vặt nội tâm ông. Mặc dù đầu tóc bờm xờm, râu lởm chởm hai bên mép và vài chỗ lỗ rỗ trên khuôn mặt nám đen tạo cho ông cái vẻ hung dữ, những câu hỏi ân cần mà ông dành cho vợ con ông cho tôi thấu được tình cảm nồng nàn của ông dành cho họ. Qua đối thoại của hai người, tôi biết được là họ có tất cả bảy đứa con và cùng đem chúng theo. Những đứa nhỏ đang nằm la liệt trên sàn được chăm sóc bởi những người đi cùng mà hầu hết là bà con của ông và vợ ông. Tôi không thể đoán được ông là ai và đã làm gì trước ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, nhưng không tin ông là ngư phủ bình thường khi nghĩ đến cách ông điều khiển chiếc ghe mỏng manh vượt qua những ngọn sóng khổng lồ và sự tính toán kỹ lưỡng của ông trong chuyện vá những miếng vải bố lát của những chiếc bao gạo cũ thành một cánh buồm cân đối cho chiếc ghe. Chiếc buồm này có lẽ đã được cuốn trong sàn như những mảnh giẻ bừa bộn để tránh khỏi sự kiểm soát nếu có. Sự thông minh và tài trí của ông có thể xem như bù lại số người mà ông cho đi theo ngoài giao kèo. Và có lẽ cũng nhờ số người nhiều hơn số mười bốn người theo qui định mà chiếc ghe của chúng tôi đã tạo được sức cân bằng khi đối chọi với cơn sóng to gió lớn vừa qua. Dù sao thì chẳng ai hiểu được số phận lành dữ như thế nào trong những ngày sắp tới. Khi tiếng máy ghe bất thần ngưng lại thêm một lần nữa thì mọi người đều hiểu là tử thần đang chờ đợi mình dù chẳng hiểu bao lâu. Vẫn như lần trước, tất cả đàn ông con trai chui xuống hầm máy, loay hoay tìm đũa tre và dây thun nối chỗ bị đứt lại. Nhờ cách này, ghe chúng tôi đã đi được gần mười tiếng đồng hồ kể từ lúc máy ngưng chạy lần đầu tiên. Khi đũa tre và dây thun trên ghe cạn kiệt, máy ngừng chạy hẳn. Lần này không phải chỉ vì cái “cò xú bắp” mà cái béc dầu máy bị hư nên thời gian ghe ngừng chạy rất lâu. Ông chủ ghe không hề chuẩn bị phụ tùng sửa máy nào trên ghe nên chồng tôi đã phải lấy chiếc dao xếp mà anh bọc kín trong túi quần để cho ông mở ốc các bộ phận máy. Lần nào ôm Tinô đi vượt biển, vợ chồng chúng tôi cũng lận theo chiếc dao xếp loại nhà binh này theo. Nó là kỷ vật của cha chồng tôi sau khi ông tử trận và là vật mà chúng tôi bí mật cất giấu để bảo vệ tính mạng cho Tinô khi chúng tôi vượt biển với những người không hiểu gốc gác ra sao. Từ những nguồn tin đồn về những đứa nhỏ bị xẻ thịt và chia phần bởi những người đói lâu ngày trên ghe, chúng tôi đã giao hẹn với nhau là giấu kín chuyện đem dao theo và chỉ sử dụng nó khi buộc phải bảo vệ cho Tinô thôi. Khi thấy chồng tôi trao con dao cho ông chủ ghe, tôi lo lắng vô cùng; tuy nhiên, tôi hiểu là anh không thể làm khác hơn khi vận mệnh của chiếc ghe là vận mệnh chung cho tất cả những người đang ở trong lòng của nó.

Mỗi lần máy ngưng, ông chủ ghe thường hối những người phụ lái cố sức chèo dầm đồng thời kêu gọi hai thanh niên còn lại là Thiện, cháu anh Thảo, và Hùng, cháu ông xuống khoang múc nước tạt ra khỏi ghe vì ông nói là nước theo chân vịt vào khoang rất nhiều. Bởi không tin vào tướng “bạch diện thư sinh” của hai người thanh niên này nên ông chủ ghe phải kêu Tài, đứa bé độ mười hai tuổi, phụ thêm tay vào. Tài có khuôn mặt tròn trĩnh, cử chỉ nhanh nhẹn, và thái độ tươi vui. Nhìn nó ngóc cao đầu nhìn tứ phía trong khi ngồi cạnh mạn gần mũi ghe mà chẳng ai la bắt vào ngồi sát vào trong sàn, tôi đoán nó là đứa bơi thạo. Sự phỏng đoán có đúng không thì tôi không chắc, còn thực tế tôi biết rõ Tài là đứa có đôi mắt tinh tường như đeo ống nhòm ngay ở trong con ngươi. Hễ mỗi lần nó kêu “Có tàu! Có tàu!” mọi người tưởng bị lừa vì nhìn quanh chẳng ai thấy một điểm gì trên mặt nước xanh mênh mông; thế mà chỉ nửa giờ sau một chiếc tàu thủy lớn hiện rõ ra. Từ lúc ở dưới khoang cho đến lúc lên trên sàn ghe, nó thường kết nhóm với đám con ông bà chủ ghe, những đứa cùng trang hay nhỏ hơn, và giúp những đứa này di chuyển từ nơi này đến nơi khác khá nhiều lần. Bởi không nề hà bất cứ chuyện sai bảo nào nên vừa nghe ông chủ ghe kêu là nó thoắt ngay xuống hầm máy, lấy cái gàu cạnh đó, lật đật tạt nước ra khỏi khoang ghe ngay. Có lẽ vì quá lo lắng đến sự sống còn của chiếc ghe mà nó không ngừng cúi, múc, đổ, tạt nhanh nhẹn chẳng khác gì các thanh niên trưởng thành. Trong khi nó tạt nước ào ào ra ngoài thì anh Thảo và chồng tôi hỏi ông chủ ghe cái gàu mà họ đã đặt tất cả những con ốc vít và các bộ phận khác của máy vào vì sợ chúng lăn lóc lung tung. Khi lục soát hết tất cả những chiếc gàu trên ghe, họ mới hỡi ôi rằng tất cả những bộ phận quan trọng của máy đều bị trút xuống lòng đại dương từ nơi cái gàu mà Tài đang dùng. Biết mình bất cẩn Tài tiu nghỉu một cách thảm thương. Nó không hề đáp lại một lời nào khi nghe những lời than van của những người đàn ông. Nhìn nó tạt nước với khuôn mặt buồn xo, không một ai nỡ la trách.

Chồng tôi leo trở lại chỗ chúng tôi ngồi với khuôn mặt thiểu não. Anh nói là dù Tài không đổ những con ốc xuống biển thì máy cũng không thể nào hoạt động lại được vì béc dầu đã hư toàn bộ, không phun được nữa. Ông chủ ghe kêu gọi tất cả các đàn ông thanh niên trên ghe thay phiên cầm lái và chèo trong khi dựa vào sức gió để chạy bằng buồm. Anh Thảo nói là gió vẫn đưa buồm đi đúng hướng và ghe đã đi được nửa chặng đường. Những người đàn bà nghe những người đàn ông nói sao thì nói, không hỏi han hay bàn luận gì. Còn tôi, tôi chẳng hiểu nửa chặng đường là đã được bao hải lý nhưng nhìn cách chèo uể oải của những người thanh niên, mức di chuyển ì ạch gần như bất động của chiếc ghe và sự vô tận của mặt nước biển, đoán là phải đến một năm tròn ghe chúng tôi mới đến bờ Phi được, nếu không bị giông tố. Những người phụ lái, có lẽ cũng cùng ý nghĩ như tôi, không hề tỏ ra sốt sắng đẩy mái chèo như trước đó. Có lẽ vì tuyệt vọng trước sự mênh mông của đại dương cộng thêm sự mệt mỏi của thân thể, họ không muốn phí sức cho việc làm vô ích và vô vọng này. Tôi đã cố gắng động viên họ bằng cách chia sẻ đường chanh và sâm nhưng họ chỉ nhận chanh đường vì không quen vị đắng của sâm. Bất kể lời hối thúc của ông chủ ghe uy quyền thể nào, không còn tác dụng với họ như lúc ban đầu. Nhìn thái độ im lặng với vẻ bất tuân và bất cần của họ, tôi chợt nhớ đến con dao bấm của chồng tôi. Hỏi anh nhiều lần tôi mới biết là con dao đã bị mất sau khi nhiều người chuyền nhau mở các bộ phận của máy. Nhớ đến cái mũi nhọn hoắt, cái lưỡi sắc lẻm và sự gập gọn của con dao, tôi lo lắng hỏi anh hoài về sự thất thoát kỳ lạ ấy. Với khuôn mặt ưu tư chẳng kém gì tôi, chồng tôi nói là không hiểu lý do gì và cho mục đích gì mà người nào đó đã giữ luôn con dao xếp trong khi anh chắc chắn rằng nó không ở trong cái gàu nước mà Tài tạt xuống biển. Rụng rời tay chân, tôi cuống cuồng lo lắng khi liên tưởng đến vật mình mang đi phòng thân trở thành vật công kích mình trong những ngày lộn xộn trên ghe.

Khoảng từ mười hai giờ trưa đến bốn giờ chiều ghe chúng tôi gặp rất nhiều tàu lớn qua lại khiến tôi nghĩ nơi đây là dòng nước chính của đại dương hay “ngã tư” của Hải phận quốc tế. Sự xuất hiện của những chiếc tàu lớn thường gieo cho tôi nhiều hy vọng nhưng chúng đã lần lượt để lại trong tôi nỗi buồn lo, thất vọng và tuyệt vọng vì sự làm ngơ, tảng lờ và khuất bóng của chúng. Dường như đối với người trong những chiếc tàu lớn ấy, ghe chúng tôi là một cánh buồm du ngoạn trên mặt biển bất kể hình dạng quái đản của chiếc buồm như thể nào và những đứa con nít trên ghe bơ phờ thảm hại ra sao. Vì quá thấm thía với sự lạnh lùng và dửng dưng của những chiếc tàu lần lượt ngang qua trước mặt mà chẳng một ai trong chúng tôi, kể cả những đứa con nít, vẫy tay xin xỏ hay kêu gọi lòng từ tâm. Tôi thường chỉ các lá cờ trên các chiếc tàu để nói cho bà chủ ghe biết đó là cờ của những nước nào rồi nói thêm về các ngôi sao trên các lá cờ có màu đỏ của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi nói, dù biết bà đã biết khá rõ, là nếu chẳng may gặp các chiếc ghe của khối Cộng Sản thì họ sẽ kéo ghe chúng tôi về đất liền và giao cho công an ngay. Bà chủ ghe chăm chú nhìn tôi khi nghe tôi nói mà không hề hỏi gì và cũng chẳng hề cắt ngang một lời nói nào. Một lúc sau, tôi nói là chiếc tàu đang đi ngang trước mặt là tàu Nhật vì tôi rõ lá cờ trắng có vòng tròn đỏ của nước này. Sau đó, tôi đã kể cho bà nghe về tin mà tôi nghe được vài hôm trước đó: Chiếc tàu vượt biển xuất phát tại Long An bị sóng đánh lật úp vào chiếc tàu lớn của Nhật nhưng đến hai giờ sau thủy thủ của chiếc tàu ấy mới được lệnh thả phao vớt người lên. Chiếc tàu Nhật mà chúng tôi đang chăm chú nhìn chắc cũng lớn như chiếc tàu mà tôi đang kể nhưng nó không làm lật chiếc ghe nhỏ của chúng tôi vì lúc ấy không có sóng lớn và ghe chúng tôi không gần sát nó; tuy nhiên, sự lãnh đạm của nó đã xóa hết sự khao khát và niềm hy vọng trong lòng chúng tôi khi nó phớt lờ ngang qua trước mặt chiếc ghe của chúng tôi rồi từ từ đi mất. Trong khi những người lớn chúng tôi khóc thầm trong lòng thì những đứa con nít thi nhau la khóc dữ dội. Đến lúc đó, tôi mới nhớ ra là hơn một ngày trời, chúng tôi, những người lớn, vì no liên tục với sợ hãi, tính toán, vui mừng, hy vọng và thất vọng mà quên cả việc ăn uống. Ông chủ ghe chịu không nổi với những tiếng khóc la vang khắp biển trời của những đứa nhỏ, hò người phụ ông tìm vật dụng nấu cơm. Tuân theo lời yêu cầu của ông, hai thanh niên phụ lái chia nhau tìm nồi, củi và gạo trong lúc để lại chỉ một người cầm chèo. Người chèo này là một trong ba người phụ lái và là một trong hai người dùng ghe thúng đón chúng tôi ra ghe. Vốn không hề nghe anh ta nói gì trong suốt thời gian ở trên ghe nay thấy thái độ lẳng lặng khó hiểu của anh trước sự len lỏi qua lại của hai người thanh niên đang đi tìm kiếm đồ vật, tôi để tâm quan sát anh ta rất kỹ. Đứng trong tư thế trầm ngâm và chán chường, người thanh niên này khoát mái chèo một cách chậm chạp và miễn cưỡng. Theo ánh nhìn buồn bã đang trải dài trên mặt biển của anh, tôi chợt rùng mình vì sợ. Màu tím thẫm của nước cho tôi có ý nghĩ là mình đang ở trên mặt đại dương mà đáy của nó thăm thẳm đến vô tận. Quanh quất nhìn khắp nơi mà không tìm thấy một chiếc tàu nào, nỗi lo sợ của tôi càng lớn hơn. Linh tính rằng biển sắp có chuyện chẳng lành nên các chiếc tàu đã tránh đi nơi khác, mũi tôi nồng lên. Tôi muốn ứa nước mắt cho sự đơn côi và trơ trọi của chiếc ghe của mình. Sự bơ vơ đơn lẻ này chắc chắn sẽ không được cứu giúp và cũng sẽ không thoát được hiểm họa khi biển động trời giông. Còn đang bần thần với những hình ảnh chết chóc trong trí, tôi bỗng thảng thốt giật mình bởi cái nhảy ùm xuống nước. Mọi người trên ghe, chẳng khác gì tôi, đều kinh hoàng dồn mắt xuống chỗ nước đang bắn tung tóe. Trong khi chúng tôi không hiểu nguyên nhân nào khiến người phụ chèo rơi tõm xuống nước thì tiếng la oai oái của ông chủ ghe vang lừng khắp biển:
“Mày làm gì vậy Châu? Bơi đi đâu vậy? Bộ muốn chết hả mày! Bơi trở lại ngay không?”

Châu, người thanh niên đứng một mình chèo ghe trước đó, bơi mãi về phía trước chứ không trở lại. Dồn mắt nhìn theo hai cánh tay quạt nước, và cái đầu trồi lên trụt xuống của anh, mọi người lo lắng không biết anh đang làm trò quái gì dưới làn nước tím rịm chết người như vậy. Tôi hồi hộp không hiểu có phải do quá tuyệt vọng mà anh định tự tử không, nhưng đã hoàn hồn ngay khi thấy anh bơi ngược trở lại. Vài người ngồi cạnh mạn thuyền hè nhau kéo anh lên khi thấy anh bơi đến mạn ghe. Phóc lên sàn, Châu rùng mình, lắc đầu qua lại liên tục theo những tiếng cầm cập trong răng “Ừ hừ hừ hừ hừ... Ừ Hừ hừ...hừ hừ hừ hừ ...!”
Đàn ông, đàn bà, và thanh niên thay phiên hỏi:
“Bơi xuống đó làm gì vậy mậy?”
“Bơi đi đâu vậy ông?”
“Bộ muốn bắt cá ăn cho đỡ đói hả?”
Chìa một trái đỏ tròn ra trước mặt, Châu nói:
“Bơi theo trái này nè! Thấy mấy đứa nhỏ khóc quá chịu không nổi nên mới bơi theo để vớt cho tụi nó không ngờ nhảy xuống nước lạnh mới nhớ đến mấy ổng Ứ hừ hừ... Ừ hừ... Phải mà có ông cá mập nào thì tui mất cặp giò chứ chẳng chơi Ừ hừ hừ... Ừ Hừ hừ...”

Trong khi người lớn dồn mắt nhìn trái táo trong lòng bàn tay Châu, vài đứa nhỏ lết đến gần bên anh để nhìn cho kỹ loại trái mà chúng chẳng bao giờ nhìn thấy trong đời. Phút chốc, chiếc ghe của chúng tôi náo nhiệt bởi những lời bàn tán về xuất xứ và nguyên nhân của trái táo. Mỗi người góp một giả thuyết nhưng cuối cùng đều đồng ý là có lẽ một người nào đó trên một trong những chiếc thuyền lớn ban sáng chê trái táo quẳng xuống nước nên nó bồng bềnh trên mặt nước. Vài người khen Châu có con mắt tinh tường nên mới có thể nhận ra trái táo trong làn nước thẫm đen của đại dương như thế. Hòa với sự xôn xao của mọi người, tôi hồi hộp khi nhìn màu đỏ tươi của loại trái mà gần mười bốn năm tôi mới được nhìn lại. Bồi hồi gặp lại vật mình đã từng thấy và từng có, tôi nuôi hy vọng là sẽ gặp lại thêm những gì đã mất. Châu yêu cầu đếm số người trên ghe để cắt táo chia phần. Khi nghe điều này, tôi hy vọng người nào đó sẽ đưa chiếc dao xếp bấm của ba chồng tôi ra nhưng tôi đã thất vọng khi thấy Châu dùng loại dao bình thường mà ông chủ ghe có trên ghe. Trái táo đã được cắt ra làm ba mươi mốt phần theo số hiện diện mặc dù có người đề nghị chỉ cắt mười bốn phần theo số hiện diện của những đứa con nít. Tinô được hai miếng táo mỏng nhưng nó không biết ăn. Vừa nhai một miếng là nó nhè hết ra. Tôi đã cố gắng ép nó ăn để cầm đói nhưng nó nhất định phun ra chứ không chịu nuốt. Cuối cùng tôi đành nhặt các mảnh táo lẫn trong nước miếng của nó ăn lại cho khỏi phí. Những đứa trẻ khác, chẳng khác gì Tinô, khóc la kêu đói chứ nhất định không chịu ăn vật lạ. Phần lớn mấy đứa trẻ này là con ông chủ ghe cho nên khi nghe chúng khóc, ông ráo riết sai người châm dầu vào củi nhóm lửa nấu cơm. Bếp lửa được đặt trên sàn ngay trước buồng lái dưới chân chúng tôi ngồi. Nơi đây có nhiều người ngồi tựa vai nhau quây tròn như thể che gió nhưng thật là chăm chú theo dõi từng động tác của người nấu cơm. Chúng tôi đã hồi hộp nhìn những ngọn lửa thoi thóp bởi những cơn gió tạt bất chợt trong khi quan sát người thanh niên phụ lái đang trút nước biển vào nồi. Ngồi trên đùi của chồng tôi, Tinô không bỏ sót một động tác nào của những người đang xúm xít nấu cơm. Nó dán chặt mắt vào nắp nồi một cách chăm chú rồi lâu lâu đặt ánh nhìn lên mặt người nấu với sự mong mỏi chờ đợi. Khoảng mười phút sau, khi người thanh niên mở nắp nồi ra khuấy đũa thăm chừng, nó cầm bàn tay của bố nó, mở từng ngón ra rồi nắm bàn tay anh chìa trước mặt người nấu để xin cơm. Nó làm những động tác này rất nhiều lần khiến người thanh niên phải múc cho nó một chén khi cơm vừa chín tới. Chúng tôi đã tuần tự nhận phần cơm mình qua những cái nắp nồi, dĩa, chén hay nắp lon guigoz cũ. Có người vắt cơm thành nắm để đưa lại vật đựng cho ông chủ xới cơm cho những người khác. Ai nấy đều ăn cơm một cách ngon lành dù không có thức ăn kèm theo. Sau khi chia phần xong, những người đàn ông còn thay nhau vét nồi cạy cháy. Họ đã thảo lảo chia thêm cho vợ chồng tôi một miếng cháy nhỏ mà khi nhai tôi cảm thấy như hồn mình bay tận lên trời. Không hiểu do quá đói hay vì bởi chưa từng ăn cơm nấu với nước biển mà tôi cảm thấy chưa có một miếng ăn nào ngon hơn thế ở trên đời.

Chúng tôi ăn vừa xong thì trời vừa chạng vạng tối. Nhiều đám mây đen xuất hiện trên bầu trời trong khi gió càng lúc mạnh hơn và sóng biển càng lúc càng nhấp nhô cao hơn. “ Lại thêm một cơn giông !” Tôi lẩm bẩm lời này vì ngờ rằng biển về đêm thường trở nên hung dữ và hay có bão tố. Cái chết vẫn còn ám ảnh trong trí tôi nhưng tôi đã tự an ủi rằng nếu chúng tôi phải chết thì cũng được chết no. Ghe chúng tôi lúc này tiến nhanh hơn trước có lẽ do những người chèo được lại sức phần nào. Xuyên mắt qua bóng tối nhá nhem trước mặt, tôi thấy lờ mờ hai bóng người chèo còn hầu hết đều nằm sắp lớp trên sàn ghe. Trong sự yên lặng của mọi người, tôi chỉ còn nghe tiếng gào của gió và tiếng rì rầm của sóng. Một lúc sau tôi nghe tiếng đối thoại lớn tiếng của ông chủ ghe và anh Thảo. Ông chủ ghe nói là không thể quay mũi ghe theo hướng anh Thảo yêu cầu khi anh này nói rằng nếu tiếp tục đi theo hướng gió thì ghe chúng tôi không thể nào đến bờ Phi. Gió càng lúc càng thổi mạnh và tiếp tục đẩy chiếc buồm đưa ghe đi theo hướng ngược với hướng anh Thảo muốn. Trong lúc vợ ông chủ ghe tìm cách đưa đứa con Út của bà xuống sàn tìm nơi tránh gió, tôi quyết định đưa Tinô trở lại chỗ đuôi ghe. Mon men đến cái góc chẹt, tôi ép mình vào cạnh gỗ của mạn ghe, đưa mắt hoảng loạn nhìn về phía trước. Ngay chỗ buồng lái có vài bóng người mù mờ đang cố gắng túm tụm lại với nhau, trong khi trên đầu họ là cánh buồm liên tiếp nghiêng qua ngã lại theo những cơn quật của gió. Tiếng nói của anh Thảo, ông chủ ghe, chồng tôi cùng vài thanh niên càng lúc càng to như tiếng gào, cốt át cho bằng được tiếng gió và tiếng sóng. Họ cùng bàn cách hạ cột buồm để chiếc ghe thoát ra khỏi cơn gió xoáy. Chiếc buồm thật sự là mối hiểm họa cho chiếc ghe của chúng tôi trong lúc này. Có lúc tôi cảm thấy như mạn ghe nơi mình nằm như muốn chìm trong nước khi chiếc buồm bị gió quật rạp xuống gần sát mặt nước biển. Nhưng rồi nó lại bị nghiêng sang hướng đối ngược vì chiếc buồm bị gió tốc sang phía ngược lại. Thực tình là tôi chẳng hiểu sự ngã nghiêng của cánh buồm lúc đó do những cơn gió dữ tợn hay vì sự lay động bởi những người đàn ông đang vật vã tìm cách hạ nó xuống. Đến khi tôi không còn thấy cánh buồm và không còn nghe những tiếng phần phật kinh khủng của nó nữa, thì chiếc ghe của chúng tôi không còn bị chòng chành và nghiêng ngã nhiều như trước nữa. Yên tâm phần nào vì chiếc ghe không còn bị ảnh hưởng bởi những cơn gió kinh hồn, tôi vẫn còn sợ những cơn sóng lớn đang đe dọa xung quanh ghe mình. Những cơn mưa nước mặn bắn liên tục vào trong ghe khiến tôi cùng mọi người dí sát vào nhau hơn để tránh nước và đở bị lạnh. Tựa sát vào người đang nằm cạnh bên, tôi vừa chọc mắt vào cái không gian đen thùi trước mặt và vừa lắng tai nghe ngóng những gì đang xảy ra. Trong lúc quen thuộc với tiếng rít của gió và tiếng gầm của sóng, tôi bỗng nghe tiếng cầu cứu rất thống thiết và thê lương vang lên từ một nơi rất xa xôi và thăm thẳm của màn đêm. Cố gắng lắng nghe thật kỹ để phân định đâu là tiếng sóng, tiếng gió và tiếng người trong giây lát, tôi phỏng đoán tiếng khẩn cầu bi thương kia xuất phát từ một người nào đó ở trên ghe bị loãng ra xa bởi sự chuyển động của gió nên trở thành âm thanh quái dị và kinh đảm. Lập luận chưa làm dịu tinh thần lo lắng của tôi được bao lâu, tôi đã giật mình khi nghe tiếng hỏi của anh Thảo:
“Anh Hùng có nghe tiếng kêu cứu không vậy? Tôi nghe nhiều tiếng khóc than kêu cứu tội nghiệp quá.”

Sau khi nghe câu hỏi này tôi cố gắng lắng nghe câu trả lời của ông chủ ghe nhưng chẳng có một lời đáp lại nào ngoài tiếng gió hú, tiếng sóng gầm và tiếng kêu cứu hết sức thống khổ và ma quái. Tiếng nói rất lớn của anh Thảo lại vang lên
“Tôi nghe tiếng kêu cứu từ phía này nè. Chắc là có chiếc ghe nào vượt biên như mình đang bị chìm. Anh có thể nói mấy anh em chèo về phía đó để giúp họ không?”

Tôi không biết anh Thảo chỉ hướng này là hướng nào vì màn đen hoàn toàn mù mịt trước mắt tôi, nhưng tôi cảm thấy gai ốc nổi đầy mình khi quả quyết rằng từ chiều tôi không thấy chiếc ghe hoặc chiếc thuyền nào khác ngoài trừ chiếc ghe đơn độc của chúng tôi trên mặt biển mênh mông. Hơn nữa, tôi không hiểu làm sao chiếc ghe nhỏ xíu đang nghiêng ngã qua lại trong trong biển nước đầy sóng cao như lúc ấy có thể cứu thêm người. Một hồi sau, tiếng giục cứu người của anh Thảo và tiếng kêu cứu của những ai đó đều chấm dứt, và còn lại chỉ là tiếng than não nề của anh ta:

“Ghe mình bị lạc hướng rồi!”