28/4/12

Những tấm lòng nhân ái (C17-19)

Chương 17

Ngày 14 tháng 5 năm 1989 xe buýt đưa nhóm chúng tôi đến trại Kokusai Kuyen thuộc quận Shinagawa của Tokyo . Là trại lớn nhất của Nhật, Kokusai Kuyen có khoảng một trăm sáu mươi bốn người tị nạn Việt Nam . Phần lớn những người tị nạn này là những người ở lâu trong trại, không đủ tư cách để đi định cư các nước khác, không muốn định cự tại Nhật và đang chờ đi định cư các nước khác theo diện bảo lãnh của thân nhân. Do được trại thông báo trước, nhiều người trong trại và vài người Việt đã định cư tại Nhật chờ đón chúng tôi ở sân trại vào ngày chủ nhật hôm ấy. Bước xuống xe, đi giữa vòng người, giữa ngôn ngữ Việt thương yêu, tôi cảm tưởng như mình trở lại quê nhà sau chuyến du hành xa. Bồi hồi xúc động khi đi ngang những đôi mắt kiếm tìm trong khao khát, tôi chợt nghe những giọng nói đầy tinh nghịch vang lên: “Toàn là sư cụ và sư cô không hà!”
“Chuyến đi của mấy người này chắc chằng dữ lắm nên họ mới cạo đầu nhiều như vậy. Cả thằng bé kia cũng bị húi trọc lóc.”
“Phái Thiếu Lâm Tự bà con à!”

Vòng người bàn tán xôn xao khi dồn mắt nhìn chúng tôi, những người đầu trọc, và chăm chú cái đầu láng bóng của Vương, con của người đàn bà trẻ tên Vô, còn tôi thì ngơ ngác với những chữ mà họ đang dùng. Một lúc sau, tôi mới nhớ ra phái Thiếu Lâm Tự là một môn phái võ lâm của Trung Hoa thường có trong sách của Kim Dung và những phim kiếm hiệp mà tôi đã được đọc và xem qua trước năm 1975. Lòng tôi reo vui với ý nghĩ là mình sẽ được đọc và xem lại những loại sách và phim mà sau năm 1975 bị coi là văn hóa phản động và đồi trụy. Điều thú vị nhất trong hôm ấy là Liên, người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc trước khi vượt biên gặp lại chồng của cô ta, người vượt biên trước cô hai năm, được tàu Nhật vớt và đã định cư tại Nhật. Sự trùng phùng của họ thật là hi hữu và cảm động chẳng khác nào phim truyện. Tôi chợt nhớ đến những đốm sáng lập lòe của những cây nhang và mùi thơm của nó khi mẹ của Liên thắp trên bàn thờ phật bà Quan Âm trước lúc chúng tôi rời nhà của cô ta. Chắc hẳn bà rất đỗi sung sướng khi biết tin này và càng tin tưởng hơn về sự phù hộ của ơn trên. Nghĩ như vậy, tôi cảm thấy vui vui.

Chúng tôi đã được nhân viên trại đưa đến phòng sinh hoạt để nghe nói sơ về lịch làm việc và nhận đồ dùng, rồi được đưa về các phòng ở. Các phòng dành cho chúng tôi là những phòng trống được sử dụng bởi những người đã đi định cư hay những phòng còn mới toanh. Gia đình tôi được ở trong phòng chưa hề có người ở qua nhưng cạnh những phòng đã có người. Kích thước và cấu trúc của các phòng hoàn toàn giống nhau. Rộng khoảng mười lăm mét vuông, phòng nào cũng có nền đất trống hẹp bằng xi măng ở gần cửa ra vào dành cho chỗ để giày dép, có sàn lót chiếu cao hơn chỗ để giày khoảng ba tấc, và bốn ngăn hộc lớn với bốn cánh cửa kéo ra vô. Các hộc lớn này có thể sử dụng như hộc giường để ngủ, tủ đựng áo quần, vật dụng hay chỗ để núp khi có động đất. Theo sự sắp xếp và cấu tạo của loại phòng như thế, chúng tôi đã dung hòa ngay với tập tục của người Nhật là khi bước vào phòng phải bỏ dép ngay trước cửa, đi chân trần trên mặt chiếu, ngồi bệt trên mặt chiếu, và nằm trên tấm trải hay nệm đặt trên mặt chiếu của sàn. Theo chuyện kể của những người ở lâu trong trại, có một ông giận vợ thể nào không biết nhưng khi ông quẳng cái đĩa thì nó chem. vách xuyên qua phòng bên cạnh. Câu chuyện có lẽ được phóng đại cho tính xốp nhẹ của các vách ván còn thực tế của đặc tính này là đúng thực vì công dụng của nó nhằm để bảo đảm sự an toàn nhân mạng của chúng tôi đối với hiện tượng động đất thường xuyên xảy ra ở đây. Ngay từ trại Omura, chúng tôi đã được huấn luyện để đối phó với hiện tượng tự nhiên này. Chúng tôi đã quen với chuyện không đặt các vật nặng hay dễ vỡ ở trên cao, và đã biết cách chuẩn bị như thế nào khi thấy có động đất. Theo lý thuyết, mỗi khi chúng tôi thấy đồ vật quanh mình rung rinh và mặt đất rung chuyển khá mạnh là chúng tôi phải mở cửa ra vào để phòng khi phải chạy ra ngoài sau đó núp dưới ghế hay bàn, những vật có thể bảo vệ đầu và thân. Thực tế, mỗi khi ở tình trạng lắc lư, tôi thường cảm nhận những gì đang xảy ra quanh mình một cách trầm tĩnh. Tôi có cảm tưởng rằng mặt đất chẳng khác gì mặt biển, có lúc yên bình có lúc gầm gừ, nhưng dù sao chăng nữa, tôi không hề sợ động đất như từng sợ bão biển. Có lẽ chưa từng chứng kiến sự thịnh nộ dữ dội của mặt đất ở Nhật nên trong tiềm thức của tôi, chẳng có sự hung tợn nào hơn sự hung tợn của những ngọn sóng lớn ở đại dương.

Kokusai Kuyen không những là trại tị nạn lớn nhất của Nhật mà còn là trại có đầy đủ tiện nghi và có số lượng nhân viên rất lớn. Với các khu nhà, đường đi, cây cối, vườn hoa và sân cỏ, trại bề thế chẳng khác gì một khu chung cư qui mô trên một diện tích đất khoảng mười mẫu tây trong khu vực có rào lưới xung quanh và cổng gác. Dưới mắt tôi, trại có vẻ chia thành ba khu: khu hành chánh giáo dục, khu sinh hoạt ăn uống và khu cư ngụ vệ sinh. Trong thực tế, văn phòng, các lớp học Nhật ngữ, các lớp học về đời sống phong tục tập quán xã hội Nhật, nhà trẻ, trạm xá, phòng sinh hoạt, nhà bếp, và các dãy phòng ở của người tị nạn cận kề, liên tục và kéo dài tận hàng rào sau. Chúng nối liền nhau bằng hai dãy hành lang dài có mái che ở hai bên hông. Nhờ hai hành lang có mái che này mà chúng tôi có thể đi lại từ nơi này đến nơi khác trong trại vào những ngày có mưa hay tuyết. Ngoài hai hành lang này là đường nhựa lớn dành cho xe chạy. Con đường nhựa này kéo dài từ trạm gác của trại bọc toàn bộ khu trại song song với vòng rào lưới hình chữ nhật. Nó là nơi di chuyển của những chiếc xe ra vào trại và những chiếc xe tuần ban đêm. Các nhân viên tuần tra có thể làm việc tốt hơn nếu không có hai khu nhà chứa quần áo và dãy nhà tắm được xây song song với lưới rào. Đây là nơi nấp an toàn cho những người trốn trại trước khi leo rào ra ngoài. Người trốn trại chỉ vì mục đích dạo loanh quanh xem cảnh lạ, mua sắm hay kiếm đồ phế thải chứ không phải vì bỏ đi luôn vì đời sống khó khăn hay khổ sở trong trại. Qua tin tức và thư từ của bạn bè của chồng tôi từ các đảo, tôi tin Kokusai Kuyen là trại tối tân và đầy đủ tiện nghi nhất trong các trại tị nạn ở Thái Bình Dương. Mỗi dãy phòng ở của chúng tôi đều có phòng rửa giặt với những bồn rửa, máy giặt và máy xấy tối tân. Phòng vệ sinh rộng và ngăn nắp với những bồn rửa mặt trắng tinh và những phòng cầu sạch sẽ. Gần khu sinh hoạt tập thể có cột điện thoại công cộng có thể dùng thẻ gọi ra ngoài. Nhà bếp lớn ngay trong phòng ăn rộng rãi có rất nhiều bộ bàn ghế và cả các tủ đá bán các loại nước uống và bánh kẹo. Vì trại có nhiều phòng và nhiều khu phục vụ, số lượng nhân viên phục vụ của trại gần bằng số lượng với người tị nạn: khoảng một trăm năm mươi người. Ngoài những người lãnh đạo và quản lý trại và giáo sư dạy lớp, còn có rất nhiều nhân viên làm cho phòng y tế, nhà trẻ, ban thông dịch, nhà bếp, ban bảo vệ và vận chuyển. Trong số nhân viên trại, các giáo sư dạy Nhật Ngữ là nhóm chủ lực, kinh nghiệm và kỳ cựu. Phương pháp dạy đặc biệt của họ đã giúp cho người tị nạn Việt hiểu và nói tiếng Nhật thông thạo sau năm tháng học. Khi còn ở Omura, tôi đã nghe tiếng về tác dụng của phương pháp giảng dạy mà họ áp dụng.Đến khi vào lớp học, tôi hoàn toàn đồng ý với lời đồn và thực sự ngưỡng mộ hiệu lực của phương pháp giảng dạy tổng hợp trong lớp. Đồng thời với các bài dạy đặc biệt của mình, các giáo sư dạy tiếng Nhật còn cấp nhiều loại sách Nhật Ngữ, máy cát sét và băng học để chúng tôi tự học thêm tại phòng vào ban đêm.

Trong nhóm tôi chỉ có anh Thảo là người không phải học Nhật Ngữ. Sau cuộc phỏng vấn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, anh được xét là có đủ tư cách được chính phủ Mỹ bảo lãnh nên được chuyển đến trại khác tìm việc làm trong khi chờ đợi ngày lên đường. Gia đình ông chủ ghe, có lẽ được những người quản lý trong trại lưu tâm đặc biệt, được cha xứ của một nhà thờ cử người đến rước đi sau hai tuần cư ngụ trong trại. Trước ngày họ lên đường, vợ chồng tôi có đến thăm nên được biết là họ được cấp một căn nhà riêng biệt gần nhà thờ tại một vùng nông thôn. Ông chủ ghe cho biết thêm là sau khi nhận nhà ở, vợ chồng ông sẽ được người của nhà thờ cử đến giúp làm đơn xin việc làm và giúp kiếm nhà trẻ và trường cho các con của ông. Khi chúc gia đình ông lên đường may mắn, tôi vội hỏi ông về những điều mà tôi thắc mắc từ ở dưới ghe nhưng không thể nào tự giải đáp được:
“Anh Hùng à! Khi ghe mình lạc hướng không thể chèo đến chỗ đèn sáng, em ghe tiếng rột roạt ở chỗ ván ghe nơi em tựa lưng sát vào đó. Lúc đó em không dám nhìn ra ngoài vì ghe chạy nhanh quá nhưng em thấy anh dọi đèn dọc mạn ghe chỗ ấy để thăm dò cái gì bên ngoài. Anh thấy gì lúc đó vậy anh?”

“Tui thấy lưng của con kình hay con ngư gì đó. Nó lấy lưng đẩy ghe mình đi.”
“Có phải vậy không? Em nghi rồi! Đâu phải là ghe mình vướng vào nước ròng! Ghe mình nhỏ xíu mong manh như vậy chịu sao nổi với giòng chảy xiết của đại dương!”
Tôi reo lên gần như hét khi nói như vậy, rồi trách ông: “Vậy sao lúc đó anh không nói cho ai biết hết cả vậy? Phải chi biết vậy em cũng cố gắng nhìn ra ngoài rồi.”

“Nói để làm gì? Nội cái chuyện ghe được tàu cập đến vớt rồi mà mọi người còn tranh nhau đi rần rần, nghe nói có cá đẩy ghe cho họ rần rần tranh nhau xem cho ổng lật ghe hả?”
Lời phán có lý trong cách nói điềm đạm của ông khiến tôi bật cười. Tôi đáp:
“Em nghi là phải có vật gì cạ vào ghe nên thành của nó mới có tiếng rồn rột như vậy. Hơn nữa, chiếc ghe nhỏ hư máy của mình lúc đó làm sao có thể chạy nhanh hơn lúc còn máy và buồm để vượt qua trận bão biển kinh khủng như vậy?”

Ngẫm nghĩ một lúc tôi hỏi tiếp:
“Con kình, con ngư là loại cá gì vậy anh? Cá heo hay cá voi?”
“ Nó là cá voi. Còn gọi là cá Ông hay Ông.” 
“Cá voi? Loại cá này thường đi từng đàn mà?”
“Cũng có lúc mấy ổng đi lạc một mình chớ đâu phải lúc nào cũng đi theo đàn.”
“Nhưng cá voi là loại cá lớn, nếu ghe mình mà bị nó đội lên thì phải chìm chứ? Hơn nữa em nhớ cá voi ở trong hình có nước phun ở trên đầu mà?”
“ Nó chỉ là một ông kình con thôi. Ổng đỡ ghe mình lên thì làm sao cô thấy nước trên đầu ổng như trong hình? Hơn nữa lúc đó nước bắn tứ tung rồi còn đòi nước gì nữa?” 

Tôi lại cười khì nghe lời nói có lý này nhưng không hiểu sao tôi chỉ tin con vật đẩy ghe chúng tôi là cá heo con chứ không phải là con cá ông con như ông nói. Những người cùng chuyến ghe tôi thì không hề tin con cá nào giúp chiếc ghe của chúng tơi khi tôi thuật lại lời ông chủ ghe kể. Họ chỉ tin chuyến đi được may mắn là nhờ trời Phật cứu giúp và phước đức ông bà mà thôi. Còn chồng tôi thì dửng dưng với chuyện đã qua. Cuộc sống khốn khó của anh ở Việt Nam đã làm anh đã lạnh lùng chấp nhận số phận sống chết khi quyết định ra đi và hình như anh chỉ nghĩ đến chết nhiều hơn sống.

Sau khi gia đình ông chủ ghe rời trại, nhóm chúng tôi vẫn thường xuyên lui tới qua lại với nhau và lân la làm quen thêm những người ở lâu trong trại. Đến các phòng của những người ở lâu, tôi ngạc nhiên rất nhiều trước sự trưng bày đẹp mắt, gọn gàng và đầy đủ. Chẳng khác gì căn hộ, phòng nào cũng có tủ đựng ti vi, dàn máy nghe nhạc, bàn ăn, bếp nấu điện, bình thủy, xoong chảo và cả tô, chén, đĩa, ly tách. Trước phòng họ còn có các chậu rau húng, hành, rau răm và ớt. Phòng của gia đình tôi là phòng thứ tư trong dãy phòng có người ở mà trong đó phòng đầu tiên là của mẹ con cô gái độc thân, rồi đến phòng thứ hai là của đôi vợ chồng trẻ chờ định cư tại Nhật trong khi chờ người vợ sinh và phòng thứ ba là của một cặp vợ chồng có hai con nhỏ sắp đi Úc. Tiếp theo bốn phòng ở của chúng tôi là những phòng trống rồi đến nhà rửa giặt và phòng vệ sinh cuối dãy. Vì số lượng dân tị nạn trong trại quá ít so với số lượng lớn của các dãy phòng ở, rất nhiều dãy phòng trống sau lưng dãy phòng chúng tôi vẫn còn mới toanh dù đã xây lâu năm. Những buổi chiều tan học, khi nhìn dãy phòng phía sau qua màn kính của cửa sổ, tôi thường trầm ngâm nhớ đến quê nhà. Khi nỗi nhớ tràn ngập tâm hồn, tôi chợt nghĩ đến những người đơn độc và những người mất mát người thân hiện ở trong trại rồi cảm thương họ vô cùng. Tôi nghĩ là gia đình tôi may mắn đến bờ tự do cả vợ chồng con mà tôi còn nhớ nhà đến như thế, không hiểu tinh thần của những người bị mất người thân hay đơn độc còn khổ tâm đến mức nào. Phải chăng họ đã và đang tìm quên bằng nhiều phương cách khác nhau? Như tôi đây, tôi đã tìm quên nỗi nhớ nhà bằng phương cách học tiếng Nhật. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng những bài tập Nhật Ngữ không là phương cách tốt giúp tôi đè nén nỗi nhớ mình trong những ngày chủ nhật buồn lê thê và dài đằng đẵng. Chủ nhật là ngày chúng tôi không phải đến lớp học và là ngày chúng tôi được phép đi ra khỏi trại nên hai dãy hành lang và nhà bếp rất vắng vẻ. Số ở lại trong trại họp thành nhóm nấu ăn hay xem phim bộ tại một phòng nào đó của người ở lâu trong trại. Vợ chồng tôi, vì không có tiền đi xe buýt để ra ngoài, thường dắt Tinô đi trên con đường nhựa để đến khu nhà trẻ của nó để tắm nắng sáng rồi đến những khóm cây cảnh trước cổng trại nhìn người ra vào. Chúng tôi thường lảng vảng qua các lớp học vắng người hay quanh quẩn qua các dãy phòng chưa có người ở rồi về lại phòng mình. Có lúc chúng tôi đi ngang các dãy phòng của những người ở lâu trong trại nhưng không hề dừng lại hay ghé vào một phòng nào. Những lúc như thế, tiếng cười nói, tiếng ca cải lương, và tiếng hát từ những ô cửa sổ mở thường làm cho chúng tôi tăng thêm nỗi nhớ quê hương, gia đình và bà con hàng xóm. Thấu hiểu tình cảnh buồn chán của chúng tôi, cô vợ có bầu sắp sinh của căn phòng thứ hai của dãy tôi ở rủ chúng tôi đến phòng xem phim kiếm hiệp. Lắm, chồng của cô ta đã rủ chồng tôi kiếm vật dụng cho các phòng trống rỗng của chúng tôi. Sau vài đêm chồng tôi cùng Lắm dạo các chỗ chứa rác, phòng tôi có đầy các thứ chẳng khác nào các phòng cận kề.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 18

Một hôm, sau buổi ăn trưa, trên đường đi đến phòng vệ sinh để xúc miệng, tôi đã chạy đến gạt cánh cửa của phòng vệ sinh được mở do một người vừa bước vào trong và đang từ từ khép lại. Sở dĩ tôi làm thế là để đở phải mắc công mở cửa và có thể trò chuyện xã giao với người nữ nào đó vừa mới bước vào trong. Thế nhưng khi vào nơi có các bồn rửa mặt, tôi đã hết sức ngạc nhiên vì không thấy một người nào. thầm nghĩ người nào đó đã quá cần kíp nên thoắt một cái đã vào phòng cầu bên trong, tôi bình tâm dọn các thứ trên cái bồn rửa mặt ngoài cùng để chải răng. Vốn không thích chải răng trong cùng một phòng nên tôi đã thực hiện động tác chà xát một cách chậm chạp trong lúc chờ người đàn bà nào đó đang ở trong phòng cầu ra khỏi phòng vệ sinh. Hơn mười phút trôi qua mà chẳng có một tiếng động nào vang lên từ hai dãy cầu tiêu tiện bên trong nên tôi phải nghiêng đầu, ghé mắt tìm hiểu. Nhăn mặt với sáu cánh cửa cầu mở toang, tôi rủa thầm:“ Không biết ai mà kỳ dữ vậy! Làm gì vội đến nỗi không kịp đóng cửa! ”

Dãy phòng tôi ở chỉ có bốn người đàn bà và tôi thật muốn biết ai là người ở một trong sáu phòng cầu bên trong nhưng thời gian không cho phép nên đành xúc miệng thật nhanh để về phòng chuẩn bị cho buổi học ban chiều. Dọn dẹp các thứ cá nhân để chuẩn bị ra khỏi phòng vệ sinh, lòng tôi trở nên hồ nghi. Người nào đó ở một trong sáu phòng cầu kia có thể vì quá gấp nên không đóng cửa nhưng không thể quá yên lặng đến độ không gây một tiếng động nào. Để trả lời cho thắc mắc của mình, tôi đã ngồi thụp xuống, nghiêng đầu, ghé mắt vào hai khoảng trống dưới hai dãy cầu để xem xét. Ngạc nhiên vì không hề thấy một đôi chân nào, tôi tự hỏi: “ Không lẽ cô nào đó ngồi trên nắp cầu?” rồi cất tiếng hỏi lớn:

“Có ai ở trong phòng này không vậy?”

Câu hỏi được lập lại nhiều lần nhưng không có tiếng đáp lại, cho nên tôi phải đi vào trong, mở từng cánh cửa khám xét. Sau khi mở hết sáu cửa phòng cầu mà chẳng thấy ai, tôi thắc mắc không hiểu ai đã bước vào phòng vệ sinh trước tôi và người ấy đã biến đâu mất tiêu. Ra khi ra khỏi phòng vệ sinh, tôi vẫn không thể ngừng thắc mắc về bóng người để lại cánh cửa mở sau khi bước vào đó trước tôi. Suy nghĩ một hồi tôi đã vin vào sự quáng gà bất chợt của mình để giải đáp thắc mắc cho cái bóng. Và khi nghĩ đến cái cửa mở thì tôi tự giải đáp thêm là cơn gió nào đó đã đẩy cánh cửa mở ra.

Buổi chiều sau giờ học, tôi đã trở lại phòng vệ sinh. Khi tôi nắm chốt cửa để mở, khắp thân thể của tôi trở nên lạnh toát và nổi đầy da gà. Chiếc cửa này không thể nào được đẩy hay mở bởi gió vì nó được làm bằng kim loại. Với sức nặng, nó luôn bị khép chặt và chỉ có thể mở ra khi có người vặn tay nắm mở ra. Nói cách khác, cánh cửa chỉ có thể mở và kéo ra bằng sức người chứ không thể nào bằng một cơn gió. Phân vân trọn giờ ăn chiều, tôi hỏi Lắm:

“Trại này có ma không Lắm?”

“Gặp chuyện gì mà chị hỏi như vậy?” Lắm cười cười khi hỏi như thế và tôi kể điều mà tôi thấy cho Lắm nghe. Nghe tôi nói xong, Lắm nín cuời ngay và căn dặn tôi rằng:

“Chị đừng nói gì về chuyện này với vợ em nghe! Nó sợ ma lắm! Nó mà nghe chuyện thì chắc chắn không cho em dẫn chồng chị đi tìm đồ cũ tối nay đâu!”

Nghi ngại với lối nói nửa nạc nửa mỡ của Lắm, tôi đem chuyện hỏi Đen, người mẹ độc thân có nước da trái ngược với tên gọi, đang ở căn đầu của dãy phòng tôi ở. Cũng như Lắm, Đen chẳng trả lời câu hỏi của tôi. Cô cho tôi bức hình Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát với vài cây nhang rồi nói là nhớ thắp hương mỗi ngày. Tôi rất ấm ức vì linh cảm mọi người đang giấu mình một điều gì nhưng vẫn mang hình Bồ Tát về phòng thờ lên tường và thắp hương như Đen dặn. Hôm sau, trong giờ học tiếng Nhật, tôi đã kể cho cô giáo những gì mà thấy rồi hỏi cô có tin ma không. Ngạc nhiên thay, cô ta trả lời rằng cô tin có ma và tin cái bóng mà tôi theo vào trong buồng vệ sinh trước tôi là một bóng ma. Tôi đã sốc khi nghe cô ta nói như vậy rồi nói với những người cùng lớp là không ngờ cô giáo của nước công nghiệp tiên tiến nhất thế giới như Nhật lại tin có ma. Bạn cùng lớp, nam lẫn nữ đều nói với tôi là:

“Ai mà không tin ma! Đi vượt biển mà không tin ma mới là chuyện lạ! Bộ chị không nghe tiếng gào rú thê thảm củq các âm hồn chết oan ở biển hả?”

Rồi mọi người thi nhau kể chuyện linh thiêng của những người chết chìm, chết đói, và chết trôi theo ghe. Sau đó họ kể chuyện về các phim ma, những ngôi nhà ma và các oan hồn ở Hirosima va Nagasaki, hai thành phố Nhật bị bỏ bom vào năm 1945. Những câu chuyện của họ tuy hấp dẫn nhưng chẳng nhập nhằng với việc xảy ra cho tôi; vì thế, tôi tự tiếp tục tìm hiểu. Một ngày kia, bà O, người thường đến chăm sóc Việt, con trai của Đen, và Đen cùng tiết lộ với tôi rằng phòng tôi ở trước đây là nơi tẩm liệm cô Th., một cô gái dậy thì bị chết vì căn bệnh u não.

Một ngày kia, bà O, người thường đến chăm sóc Việt, con trai của Đen, và Đen cùng tiết lộ với tôi rằng phòng tôi ở trước đây là nơi tẳm liệm cô Th., một cô gái dậy thì bị chết vì căn bệnh u não. Cô Th. chết một cách bất ngờ vì ông bác sĩ Nhật ở phòng y tế không khám kỹ căn bệnh của cô khi nghe cô khai triệu chứng chóng mặt và ói mửa. Ông không biết bệnh tình cô trầm trọng đến độ cần phải đưa ra bệnh viện chữa trị cấp thời vì ông nghĩ rằng cô có bầu như một vài cô gái trong trại thường khai những triệu chứng này trước đây. Cái chết bất ngờ của cô Th. đã khiến nhân viên trại trở tay không kịp; cho nên, những người Việt tị nạn trong trại đã đưa xác cô đến một phòng trống của các dãy phòng không có người ở để tẩm liệm cô theo lối Việt Nam trước khi đưa đi an táng. Bà O nói rằng lúc đó rất ít người tị nạn trong trại nên các gia đình chỉ ở hai dãy phòng gần nhà ăn. Mọi người quyết định tẩm liệm cô Th. ở dãy phòng xa hơn nơi họ cư ngụ. Và căn phòng họ chọn chính là căn phòng mà vợ chồng chúng tôi đang ở hiện thời. Tôi đã sững sờ sau khi nghe mọi chuyện vì tôi không hề có ý nghĩ là người tị nạn nào trong trại có thể chết trong một trại đầy đủ, tối tân, và hiện đại như trung tâm Kokusai Kuyen này. Và vì quá kinh ngạc với chuyện hi hữu vừa được nghe, tôi đã không ngừng tự hỏi: “ Có thể nào cái bóng trong phòng vệ sinh là cô gái đã chết và được liệm trong căn phòng tôi đang sống không? Có thể nào linh hồn của một người chết còn vất vưởng sau bao nhiêu năm xa rời thế gian không? Tại sao người chết này còn muốn tôi thấy sự hiện diện của cô ta? Cô làm như vậy với mục đích gì?” Tôi đã tự thuyết phục mình bằng những lập luận khoa học để xua tan ý nghĩ về chuyện ma nhưng tôi không thể nào giải thích tại sao mình không hề biết chuyện gì xảy ra cho một cô gái đã chết và được tẩm liệm trong phòng mình đang ở, lại thấy bóng của cô ta ngay lúc mười hai giờ trưa. Một thời điểm mà nếu tôi tin có ma chăng nữa, không thể nào tin được là ma có thể xuất hiện. Tôi đã trầm tư mặc tưởng thêm nhiều câu hỏi là: “ Mình đã làm những gì không phải? Và vì sao cô lại chọn mình mà không phải một ai khác? ”

Sau hai ngày đêm suy nghĩ, tôi quyết định nói chuyện với cô Th. Tối hôm đó tôi chờ chồng tôi và con tôi ngủ rồi mở cửa ra đứng ngoài trước cửa phòng một mình. Tôi đã không hề sợ dù trời lúc đó tối đen, không khí rất lạnh lẽo và hành lang hoàn toàn vắng tanh. Tôi đã thì thầm với bóng đêm rằng:

“Cô Th.! Tôi không biết cô là ai và tại sao cô lại muốn tôi thấy cô. Nếu cô muốn dọa tôi thì cô đã chọn không đúng người vì hồi giờ tôi chẳng làm gì nên tội để bị chọc phá. Hiện tại, tôi chỉ là một người nghèo trong trại này. Tôi chẳng có thân nhân nào ở các nước khác gửi tiền cho và cũng chẳng có ai ở ngoài trại Nhật giúp đỡ. Tiền tôi có được chỉ dùng để mua tem thư cho gia đình bạn bè, thuốc hút cho chồng tôi và bánh kẹo cho con tôi, cho nên nếu vì tôi quấy nhiễu điều gì đó mà cô đòi tôi cúng kính nhang đèn cho cô thì tôi chẳng phải là người có điều kiện đâu...”

Chưa nói hết những điều mình nghĩ, tôi đã khóc nức nở rồi mở cửa chạy vào phòng. Tôi không hiểu vì sao tôi khóc đến như vậy. Lúc đó, có lẽ cảm giác sợ đã bắt đầu lan khắp người tôi. Mà cũng có thể vì sự mặc cảm xấu xí, thua thiệt và mất mát đã giải bày phần nào trong những lời nói mà tôi vừa tâm sự với người khuất bóng.

Tôi tưởng là sự dứt khoát của mình đối với cô Th. vào đêm tối trời hôm trước đã được thỏa thuận, trôi qua và chấm hết. Nào ngờ, những ngày sau đó, tôi có được tất cả những thứ mà tôi dùng làm cớ thoái thác với người đã chết. Hôm đó, bà O cho tôi biết là chị Thủy, cháu gái ruột của bà, mời tôi đến phòng chơi. Tôi hỏi vợ Lắm:

“Em biết chị Thủy là ai không vậy?”

“Chị Thủy là một người ở lâu trong trại, không chịu định cư tại Nhật vì chờ giấy tờ bảo lãnh từ Mỹ. Chị rất đẹp, rất giàu và giàu lòng thương người. Hôm qua chị đến thăm em và hỏi em về chị. Chị hỏi là chị vượt biển có bị chuyện gì không mà cạo đầu. Chị muốn gặp chị để giúp đỡ.” Vợ Lắm vui vẻ trả lời rồi kể thêm:

“Theo lời của những người ở lâu trong trại, chị là con gái của sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhờ sắc đẹp đã chinh phục trái tim của một cán bộ Hàng hải, sau này là chồng của chị. Ông ta đã đánh cắp chiếc tàu lớn do ông làm thuyền trưởng ở thương cảng Đà Nẵng để đưa toàn bộ mẹ, vợ, con cái lẫn bà con họ hàng của cả hai bên trốn ra nước ngoài.”

Tôi không hiểu tin tức trong trại đúng bao nhiêu phần trăm sau nhiều lần truyền miệng từ người này đến người kia, nhưng tôi tin rằng một đại gia đình với ba bốn thế hệ đến nước Nhật nguyên vẹn như gia đình chị Thủy ắt phải có sự chuẩn bị chu đáo và phương tiện tối tân như lời đồn đãi. Đến phòng chị Thủy hôm đó có thêm vài người mới nhập trại khác. Đa số là những người bất hạnh trong những chuyến đi kém may mắn. Chúng tôi, dù ở chung trại nhưng chưa từng tiếp xúc nhiều với nhau nên rất e dè. Khi ăn món bún riêu thì mọi người có cơ hội hỏi han và thân mật với nhau hơn. Tuy nhiên, trong khi ăn có lúc tất cả phải im lặng, buông đũa, để vỗ về người đang gục đầu vừa khóc vừa gọi tên con. Sau bữa ăn, chị Thủy chỉ giữ ba người ở lại để cho áo quần và vật dụng đó là chị H., người có đứa con gái chết chìm trong chuyến ghe bị đắm bởi tàu Nhật, T., người mất hết người thân trong chuyến vượt biển và tôi, người có cái đầu trọc đầy bí ẩn và đôi mắt u buồn. Với ý nghĩ chúng tôi là những người có hoàn cảnh đặc biệt, chị Thủy đã lưu tâm giúp đỡ nhiều hơn. Vì ngày hôm sau là chủ nhật, chị đề nghị chúng tôi ra khỏi trại chơi để khuây khỏa tinh thần. Chị hứa sẽ chi tiền xe cho chúng tôi và đưa chúng tôi đi thăm các đường phố của Tokyo trước khi ghé thăm gia đình anh chị của chị đang định cư gần đó. Ngày hôm sau, khi Chị H., T. và tôi đang chờ chị Thủy tại trạm xe buýt, một nhà sư đến hỏi thăm tôi về việc xuống tóc của tôi. Tôi thật tình cho ông biết tôi không phải là một phật tử đích thực rồi giải thích nguyên nhân. Nhà sư nghe xong, không nói không rằng, chỉ cho tôi mười ngàn Yên rồi chào từ giã. Ông làm tôi tin ông là một nhà sư Việt Nam có khả năng tài chính và nổi tiếng ở Nhật nhưng tôi đã vô tâm không hỏi tên ông hay số điện thoại của ông phòng khi cần giúp đỡ thêm. Điều mà tôi bận tâm lúc ấy là số tiền lớn mà tôi có được và nơi tôi đang đứng là khu phố buôn bán đầy hoa quả và thức ăn ven đường. Hai điều này không thể khiến tôi tiếp tục phủ định những gì mình dứt khoát với cô Th. cho nên sau khi chia tiền cho chị H. Và T., tôi quyết định mua hoa quả và bánh trái để khi đi chơi về thực hiện ngay những điều mình nói với cô gái chết trong trại.

Tôi chỉ cúng cô Th. một lần rồi thôi. Tôi vốn không quan tâm nhiều đến chuyện ma; hơn nữa, ma hay linh hồn người chết gì đó, có hay không, không ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi trong trại lúc đó. Vấn đề mà tôi lo lắng bấy giờ là tiếng Nhật và chuyện định cư. Được ra ngoài trại, ngang qua các khu phố và tiếp xúc với người Nhật, tôi thấy tiếng Nhật rất quan trọng cho việc định cư tại đây. Hầu hết người Nhật, ngay cả những người Nhật nói tiếng Anh thạo, chỉ sử dụng tiếng nói của họ khi giao tiếp với người nước ngoài. Các bảng hiệu, các bảng quảng cáo và ngay cả các loại thuốc Tây đều ghi tiếng Nhật. Người Việt định cư tại Nhật nói rằng muốn có bằng lái xe phải biết ít nhất là một ngàn đến một ngàn năm trăm chữ Candi. Vì biết tư cách tị nạn của gia đình mình không thể đến Mỹ hay một nước nào khác, tôi chuyên tâm học trước khi ký giấy định cư tại Nhật. Nhờ bận rộn với bài vở ngày càng một nhiều, tôi đã không còn thời giờ trầm tư mặc tưởng về quê nhà. Hơn nữa, trong tháng chín năm đó, các dãy phòng trống sau lưng dãy phòng tôi đầy ắp những người tị nạn. Những người này là thuyền nhân của những chuyến tàu lớn xuất phát từ miền Bắc Việt Nam hay giáp gianh với Trung Quốc. Vì những người này chỉ nói tiếng Hoa trong lúc tự xưng là người Tày Nùng, dân tộc thiểu số Việt Nam ở biên giới Việt Trung, ban quản lý trại Kokusai Kuyen lưu giữ tạm một thời gian trong lúc điều tra tư cách tị nạn của họ. Để giải quyết việc cư trú cho hơn một ngàn người tị nạn trong trại, ban Quản Trị đã dồn hai hoặc ba gia đình sống chung với nhau. Phòng tôi có thêm cặp vợ chồng người Tày Nùng và hai mẹ con chị Lê Xuân Ảnh, bạn cùng lớp với vợ chồng tôi.

Tôi rất ngạc nhiên với số lượng thuyền nhân ồ ạt ra khỏi nước ngày càng nhiều. Trái với sự dự đoán của chồng C. Sơn, anh Thảo và chồng tôi về sự ngừng vượt biển sau ngày Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đóng cửa, người Việt, bất kể số phận của họ ra sao, vẫn tiếp tục tìm cách trốn ra khỏi nước. Cùng tháng chín năm ấy, qua thư gia đình, tôi được tin Thanh Ngọc, người bạn gái thân của tôi, đã vượt biên đến đảo Palawan của Phi. Chưa hết ngạc nhiên với bức thư báo tin của em gái mình, tôi đã kinh hoàng với những tin báo của những người ở trong trại thường nghe đài VOA và BBC . Họ cho biết là một chiếc ghe chở gần một trăm người vượt biển đến Phi, bị đá ngầm ở ven biển đánh vỡ, nên chỉ còn gần hai chục người sống sót. Sau tin này là tin một chiếc ghe vượt biển ở miền Nam có khoảng ba mươi người bị hải tặc hãm hiếp và giết sạch chỉ còn một thanh niên sống sót nhờ lẩn trốn. Càng nghe tin, tôi càng cảm thấy vừa thương xót vừa cay đắng cho thân phận của thuyền nhân của chúng tôi. Trong hành trình tìm tự do đầy cam go và nguy hiểm này, mỗi người chúng tôi có một phần số khác nhau; nhưng trong tất cả, sự mất mát trong tinh thần thì không một ai có thể tránh khỏi. Giữa tháng mười, tin làm cho tôi buồn nhất là a C? (anh) và a Chế (chị), cặp vợ chồng người Tày Nùng ở chung phòng với chúng tôi, có lệnh rời trại vào ngày 24 tháng 10. Họ đã khóc sướt mướt cả một ngày đêm trước ngày lên đường. Tôi không biết họ có phải là dân tộc thiểu số Nùng hay Tày ở Quảng Ninh của Việt Nam không vì họ có thể đọc tiếng Hán và hiểu được báo Nhật nhưng ngôn ngữ họ dùng chẳng khác gì người Tày Nùng ở Sông Mao, nơi tôi từng ở một thời gian. Những người Tày Nùng ở thị trấn Sông Mao của miền Nam Việt Nam là những người đã chạy trốn chủ nghĩa Cộng Sản và di cư vào miền Nam vào năm 1954. Nếu những người này có cùng hoàn cảnh như những người Tày Nùng ở Sông Mao thì quả thật là tội nghiệp khi bị trả về. Cho dù không hiểu họ sẽ bị trả về miền Bắc Việt Nam hay Trung Quốc, tôi tin rằng họ sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt nặng nề cả hai nước đều theo khối Cộng Sản. Buổi tối, khi những người bạn của a Cố đến phòng chúng tôi, chụm đầu vào nhau và gạt lệ trong khi xì xào ngôn ngữ của họ, thì tôi khẳng định hơn những điều mình hình dungBuổi sáng hôm sau, trong cảnh người đi kẻ ở, tôi bịn rịn chia tay họ với tấm lòng thương cảm vô bờ bến. Cho dù tôi chẳng rõ họ là ai nhưng tôi tin họ là những người tốt và thật thà. Những người này đã từng giúp vợ chồng tôi chăm sóc Tinô và xếp hàng lãnh cơm cho chúng tôi khi chúng tôi đi học về trễ. Đó là những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Nhìn họ trong đoàn người lũ lượt xếp hàng ra khỏi trại tôi chợt nhớ đến sự ẩu đả của một số thanh niên trong nhóm của họ và những thanh niên người Việt trong trại. Sự ẩu đả này do sự mạo danh thuyền nhân Việt của họ mà hậu quả của nó là sự bắt buộc hồi hương. Tôi không hình dung được cảnh chính phủ Cộng Sản Trung Quốc sẽ đối xử với họ ra sao nhưng tôi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận chung của những thuyền nhân trốn chủ nghĩa Cộng Sản trong hành trình tìm tự do. Chúng tôi không những trải qua bao hiểm nguy trên biển mà còn phải qua quá trình xét duyệt tư cách tị nạn để được định cư hay không. Tôi đã nghe rất nhiều tin từ bạn bè các đảo Phi Luật Tân, Mã Lai và Thái Lan về chuyện tự vận của những thuyền nhân sau khi bị từ chối tư cách tị nạn và dọa sẽ trả về Việt Nam . Phải chăng trong tâm hồn của những người này cũng tuyệt vọng như thế?

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 19

Sau khi a Cố và a Chế ra đi, mẹ con chị Xuân Ảnh và gia đình tôi khắng khít với nhau ngày một nhiều. Thân tình hơn cả bà con ruột thịt, chị Xuân Ảnh và tôi thường cùng nhau đến lớp, lấy thức ăn ở nhà bếp, về phòng ăn chung hay cùng sinh hoạt với nhau. Cuối tuần, chúng tôi thường cùng nhau đi phố, đi chùa hay viếng thăm một vài nơi ở vùng ngoại ô. Lâu lâu, chúng tôi được đi chơi bằng xe hơi của một nhân viên của sở Di Trú Nhật. Ông này thường vào trại mời Tuấn, con trai chị Xuân Ảnh, thông dịch mỗi khi sở Di Trú Nhật có thuyền nhân hay người tị nạn mới đến. Mê hoặc với sự thông minh và khả năng ngoại ngữ siêu việt của thằng bé mười lăm tuổi, ông đã coi Tuấn như con ruột. Ngoài những món quà dành cho nó và đưa nó đi chơi đây đó, ông còn chở cả hai gia đình chúng tôi đi chơi ở các vùng ngoại ô của Tokyo . Có lần chúng tôi được ông chở đến tận Chi Ba, cách Tokyo khoảng một trăm năm mươi cây số để viếng một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Nhật. Tại đây ông đã chỉ cho chúng tôi cách làm phép như: Đưa tay sờ vào chuông đồng để được hạnh phúc, vớt khói nhang trầm áp vào đầu để được thông minh. Khi tôi mua một cái ví đựng tiền, người bán hàng nhét vào một lá bùa và nói là nó sẽ mang tiền nhiều đến cho tôi. Từ chùa Chi Ba, ông nhân viên của sở Di Trú Nhật chở chúng tôi về nhà ông để giới thiệu với vợ con của ông và thưởng thức các món ăn Nhật do chính tay vợ ông nấu. Hôm đó cũng là ngày lễ trao chìa khóa nhà ông cho Tuấn, một hình thức bày tỏ là ông chính thức coi Tuấn như con ruột. Khi ông run run trao chìa khóa cho Tuấn, tôi hiểu là ông kỳ vọng nó sẽ đến thăm ông một ngày nào đó, bất cứ lúc nào, ngay cả lúc không có ông và vợ con ông ở nhà. Điều này thì không bao giờ xảy ra vì tôi biết chị Xuân Ảnh và Tuấn đang chuẩn bị rời xứ hoa Anh Đào này. Họ, dù phải theo học các lớp do trại Kokusai Kuyen tổ chức, sẽ lên đường đi Mỹ trong một ngày rất gần vì anh Phương, chồng chị Xuân Ảnh, nguyên là sĩ quan Không Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện làm thông dịch cho một tòa án tại Boston, đã lo xong các thủ tục bảo lãnh họ đi theo diện đoàn tụ gia đình. Mơ ước Tuấn trở thành là con ruột mình là ước mơ viễn vông của ông nhân viên của sở Di Trú Nhật bởi vì ước mơ mà Tuấn ấp ủ từ lúc còn ở Việt Nam là được đến Mỹ gặp ba ruột sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi biết điều này vì chị Xuân Ảnh thường tâm sự với tôi khi trong phòng chỉ có hai chị em chúng tôi.

“Lan biết không! Chị không muốn đi vượt biển vì sợ chết nhưng Tuấn cứ hối chị tìm chỗ đi. Nó đi học nghe tin đứa bạn này đi lọt rồi, đứa bạn khác vượt biển đến đảo rồi nên nôn nóng nói chị tìm chỗ đi cho bằng được.”
“Chắc nó không sợ vì không tưởng tượng được sự nguy hiểm của vượt biển. Còn chị nghe nhiều nên sợ và chờ anh Phương bảo lãnh phải không?” Tôi hỏi.
“Không phải đâu Lan. Chị đâu hy vọng gì chuyện anh Phương bảo lãnh. Bởi vì ảnh nộp hồ sơ bảo lãnh đến tòa đại sứ Việt Nam ở Thái Lan bị tụi nó hỏi lý lịch, anh bỏ đơn không làm nữa. Ảnh nói là ảnh đã ở nước tự do, không còn thằng Việt Cộng nào được quyền hỏi lý lịch của ảnh. Ảnh viết thư bảo chị đưa Tuấn vượt biên.”

“Sao lại vậy? Vượt biên đâu phải là dễ. Đi vượt biên là cầm chết chắc trong tay. Nếu được bảo lãnh đi thì an toàn hơn vượt biên chứ?”
“Bởi vậy mới nói! Nhưng ảnh đã khăng khăng là không bảo lãnh nữa mà Tuấn cứ hối chị tìm chỗ đi vượt biên hoài nên chị đành phải làm theo. Sở dĩ chị không muốn vượt biên vì chị không biết bơi; hơn nữa ở Sài Gòn không gần biển, tìm người tổ chức vượt biên đâu phải là dễ. Mình đâu biết ai thật ai giả đâu Lan. Thiếu gì người bị gạt lấy vàng mà không đi được!”
“Vậy rồi làm sao chị tìm được chỗ đi?”
“Chị Nga đang học lớp mình là bạn chị. Lúc đó chỉ tìm được mối do gia đình chủ ghe tổ chức nên rủ chị luôn. Vì ghe dài có mười thước nên người chủ ghe chỉ tổ chức cho người trong gia đình và họ hàng của họ đi thôi.”
“Còn đỡ hơn ghe của tụi em. Nó dài chỉ có bảy mét hà. Vì ghe của tụi em nhỏ xíu nên xuất phát ngay chỗ cầu Xóm Bóng Nha Trang mà công an không thèm bắt”

“Ghe của tụi chị thì đi từ Bà Rịa Vũng Tàu. Vừa ra khơi là gặp bão ngay nhưng ông chủ ghe không chịu quay vào bờ. Ra xa thêm độ một ngày thì máy hư, nước tràn vào ghe rất nhiều nên những người lớn đều phải thay phiên nhau tát nước. Cố gắng được năm ngày, không ai còn sức để tạt nước nữa nên nước ngập vào ghe lai láng. Lúc đó, chị Nga gỡ ba tấm ván đưa cho mẹ con chị bảo lấy để làm vật phòng thân. Vợ chồng chủ ghe thấy tình cảnh ngặt nghèo nên để tụi chị gỡ ván chứ dễ nào họ cho mình rã ghe họ ra đâu Lan! Lúc đó chị nghe lời khuyên còn nước còn tát của chị Nga nên miễn cưỡng giữ một tấm ván chứ chị không còn hy vọng gì được sống sót. Lan nghĩ coi, tấm ván thì nhỏ mà biển nước mênh mông làm sao mà sống nổi? Lúc đó Tuấn bị cảm sốt còn chị bị sưng tấy một bên mông vì nằm chẹt lên trên sợi dây thừng không nhúc nhích được. Mê mê tỉnh tỉnh, chị nghe tiếng người gọi nhau, tiếng rao bánh dày, tiếng hát cải lương, tiếng ca vọng cổ nữa. Chị tưởng gần bờ nên nói ông chủ ghe cố gắng chèo trở vào chứ chị biết đâu là ghe đã ngoài hải phận Quốc Tế. May sao lúc đó có tàu Tây Đức trông chiếc ghe của tụi chị bị vùi dập trước những cơn sóng lớn nên quyết định cứu.”

“Có phải họ đã thả thang xuống vớt người ở ghe chị lên không?”
“Không. Tàu họ không có thang sắt hay thang dây gì cả. Có lẽ họ chẳng bao giờ xuống tàu bằng thang và chẳng bao giờ cứu người nên không chuẩn bị thứ này.”
“Vậy rồi làm sao họ vớt những người trên ghe chị lên tàu?”
“Tụi chị phải đứng trên boong, chỗ gần mũi ghe, nhón chân, giơ hai tay thẳng lên trời chờ sóng nhồi ghe lên cao thì người trên tàu thò đầu xuống, vói tay kéo lên.”
“Trời ơi! Vớt người kiểu gì mà nguy hiểm dữ vậy? Mà em chưa bao giờ nghe chuyện tàu lớn mà không có thang vớt người như tàu mà chị kể đâu! Nếu chẳng may thủy thủ của tàu bị rơi xuống biển thì họ làm sao?”
“Bởi vậy, nghe như vậy thì chẳng ai tin! Nhưng tàu Golar Free cứu chị không có thang là chuyện thật. Mấy ông trên tàu nói phải làm theo cách như vậy để tụi chị có thể lên tàu thật nhanh nhứ giông sắp đến rồi. Thế là mọi người dưới ghe của chị đành phải nghe theo dù phải đứng trên boong ghe trồi trượt và nghiêng ngả bởi sóng gió”

“Dễ sợ quá vậy!”
“Cái kiểu vớt người của ghe chị dễ sợ lắm, Lan không tưởng tượng nổi đâu! Vậy mà hay một cái là mấy đứa nhỏ và mấy bà trên ghe nghe lời chỉ dẫn đều lần lượt được kéo lên. Đến phiên chị, phần vì chân ê bước không được do đùi bị tấy nhức, phần vì sợ té khi đứng chập chênh trên ghe, chị không tin là mình được kéo lên. Y như rằng, khi người thủy thủ ở trên tàu vừa nắm tay kéo chị lên là chị bị tuột tay rơi xuống nước ngay.”
“Trời ơi!”
“Ừ. Kinh khủng vậy đó! Biết sao không Lan? Chị bị dính đầy dầu do nằm gần chỗ máy dầu bắn ra mà mệt quá đâu hay biết gì. Cho nên khi người trên tàu Tây Đức chụp tay chị rồi mà vì tay chị trơn quá nên chị bị tuột và rơi xuống biển.”

“Rồi chị làm sao?”
“Chị chìm ngay khi rơi xuống nước chớ sao! Chứ có biết bơi đâu mà nổi được! Nhưng may là chị văng ra ngoài chứ văng xuống giữa tàu Tây Đức và cái ghe của tụi chị thì chị bị cả hai chiếc kẹp nát thây rồi. Lúc đó thằng Lương, em vợ ông chủ ghe, phóng ngay xuống chỗ chị vừa rớt rồi vớt chị lên ngay. Kéo chị lên ghe xong, nó nói chị lau người cho khô hết nước và hết dầu rồi tiếp tục đến ở chỗ mũi ghe đứng giơ hai tay lên và chờ sóng nhồi cho ghe cao lên để người trên tàu chụp lên nữa. Lúc đó chị nhất quyết không chịu nghe lời nó cũng như không nghe mấy người đàn ông đang còn lại ở trên ghe. Chị nói mấy ổng lên tàu hết đi để chị ở lại chết trong ghe cũng được. Chứ Lan nghĩ coi, lúc đó chị vừa đói lả, vừa bị thương bên mông, vừa thất hồn sau khi bị rớt xuống biển thì còn tinh thần nào để theo lời mấy ổng?”
“Dạ, em hiểu. Nhưng... rồi sao nữa hả chị?”
“Thằng Lương năn nỉ chị quá chừng. Nó hứa là sẽ đỡ chị đưa lên cao khi chắc chắn người trên tàu kéo chị lên được thì nó mới bỏ tay ra. Nó còn nói là chị không lên tàu thì nó không lên! Chị thối thoái hoài chẳng được nên đành theo lời nó. Cuối cùng, người ta cũng chụp được chị để kéo lên trên tàu; nhưng chị vừa được kéo lên là ngất xỉu ngay.”

“Lúc đó Tuấn ở đâu?”
“Tuấn được vớt lên tàu, nói chuyện với thuyền trưởng và người thủy thủ của tàu về chuyến đi của tụi chị nên đâu biết chuyện chị rớt xuống biển. Đến khi nghe nó nghe tin chị ngất xỉu thì khóc quá trời. Ông thuyền trưởng của tàu vừa thương cảm hoàn cảnh của mẹ con chị vừa không biết tình trạng sức khỏe của chị phải giải quyết thể nào nên đã cho tàu vòng trở lại Singapore để kiếm bác sĩ ra tàu khám và điều trị cho chị. Sau khi chị tỉnh lại nhờ thuốc chích, tàu mới tiếp tục hành trình. Vì chị mà hành trình của họ bị chậm trễ đó Lan! Tính từ ngày tàu vớt đến Nhật mất đến một tháng tròn.”

“Ủa? Sao lúc đó họ không để mấy người trong ghe chị ở lại Singapore luôn?”
“Ông thuyền trưởng nói với tụi chị là tàu ổng chở gas đến Nhật, nếu ổng hỏi sở di trú Nhật bằng lòng nhận thuyền nhân thì ông chở tụi chị đến đó luôn còn không thì tụi chị ở lại Singapore. Khi biết Nhật đồng ý và tụi chị bằng lòng theo tàu đi Nhật, ông chở tụi chị đến cảng Chi Ba của Nhật luôn. Tụi chị không chịu ở lại Singapore vì nghe nói trại ở đó khổ hơn trại ở Nhật. Tội một cái là chiếc tàu Tây Đức đã chiều theo ý muốn của tụi chị nên phải đài thọ tụi chị suốt cuộc hành trình.”

“Giống ông thuyền trưởng Đan Mạch và các thủy thủ của táu vớt tụi em. Họ chăm sóc tụi em từ chuyện ăn uống, áo quần, an toàn và cả chuyện gọi về sở di trú Nhật hỏi chuyện địng cư trong mười ngày chúng em ở trên tàu. Tụi mình quả là may mắn vì trên thế giới này còn có rất nhiều người nhân đạo như thuyền trưởng của tàu cứu chị và thuyền trưởng của tàu cứu tụi em. Cũng nhờ những tấm lòng nhân ái của họ mà những người lênh đênh trên biển như tụi mình mới được sống sót và có ngày hôm nay. Em biết là chị không thể nào quên những ân nhân của chị cũng như em không bao giờ quên tấm chân tình mà những ân nhân của em dành cho em và gia đình em.”

“Tàu vớt tụi chị là tàu Tây Đức và thuyền trưởng cũng là người Tây Đức nhưng thủy thủ thì gồm nhiều sắc dân khác nhau. Ông thuyền trưởng này tốt lắm Lan à! Ổng thường vào phòng thăm chị và khuyên chị phải cố gắng ra ngoài boong tàu phơi nắng mỗi ngày. Cũng nhờ thằng Tuấn nói tiếng Anh giỏi, nên mẹ con chị được ổng quan tâm nhiều. Còn mấy người thủy thủ trên tàu cũng thương nhóm người của ghe chị lắm. Họ tìm có thứ gì thì cho tụi chị thứ nấy. Đa số là áo thun và quần lót mới. Đàn bà của ghe chị toàn mặc quần lót đàn ông nên vào trại, tụi nó đặt tên là Nhóm mặc quần lót đàn ông là vậy!”

“Nhóm của tụi em thì họ đặt tên là nhóm Thiếu Lâm Tự . Các nhóm khác có tên là Nhóm Đi Thẳng , Nhóm tàu lật , Nhóm bốn mươi chín người ... Dù ở nhóm nào chăng nữa, đến được đây, mình là những người may mắn. Chứ nếu không được tàu vớt, chúng ta đồng số phận với những người bị chết chìm thôi.”

“Đúng vậy đó Lan. Mỗi chúng ta có một cái số trong cuộc hành trình tìm tự do này. Được tàu vớt, được tới đất liền, giấc mơ tự do của chúng ta đã trở thành hiện thực, còn những người kém may mắn phải mang ước mơ của họ xuống tuyền đài. Đã có quá nhiều chiếc ghe vượt biển bị chìm cho nên âm hồn của những người chết kêu khóc khắp đại dương. Mấy người ở trại này như bà Nga, con Thúy, con Lan, thằng Bình, ông Cảnh cũng nói là họ nghe những tiếng gào cứu bi thương ai oán khi ghe lênh đênh trên biển. Giờ nhớ lại những tiếng gọi, tiếng nói, tiếng ca hát trên biển, chị nghĩ là sinh hoạt của những oan hồn ấy còn quyến luyến những gì mà họ sinh hoạt khi còn sống.”

Những câu chuyện kể của chị Xuân Ảnh thường làm tôi suy nghĩ nhiều về ước mơ và số phần của những thuyền nhân chúng tôi. Mặc dù rất an lòng với sự may mắn của mình, tôi thường chơi vơi với sự mất mát mà những người kém may mắn phải trải qua. Đã có rất nhiều cơn ác mộng đến với tôi hàng đêm. Có lúc tôi thấy những bức tường sóng khổng lồ cong đầu cuốn ghe chúng tôi. Có lúc tôi thấy ghe mình bị nướn tràn vào và chìm dần trong biển nước. Dù bị đắm bằng cách nào, tôi luôn thấy mình từ từ tách khỏi đám người đang chơi vơi trong lòng biển. Sau đó, Tinô rời khỏi tay tôi và lơ lửng trong màn nước tím đen. Những lúc như thế, tôi thấy mình cố gắng hết sức để giữ chặt Tinô vào lòng nhưng sự ngộp thở vì sức nước đã không cho tôi thực hiện quyết tâm của tôi. Những cơn ác mộng thường làm tôi la hét, tuốt đầy mồ hôi và kinh hoàng khi thức dậy. Mỗi khi bất chợt nhìn nước biển trên màn ảnh của vô tuyến truyền hình thì đầu tôi trở nên cứng đờ. Tôi biết một cách chắc chắn là những hình ảnh kinh hoàng cũ vẫn còn tiềm tàng trong tiềm thức của mình và thần kinh của mình không được bình thường vì chuyện chết biển vẫn chưa được xóa hết trong ý nghĩ của tôi. Đồng với sự bất ổn tinh thần của mình, tôi luôn luôn nghe lời tâm sự của chị Xuân Ảnh:
“Nếu kiếp sau có bị Cộng Sản đày đọa cách mấy chị cũng ráng cam chịu chứ chị sợ vượt biển quá rồi Lan à. May là tụi chị có tàu Tây Đức vớt chứ ghe chị đi từ Bà Rịa ngang qua vịnh Thái Lan tránh sao được nạn hải tặc. Không ít chuyến vượt biển bị cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát, ném xuống biển hay chết chìm vì ghe bị đục bởi bọn hải tặc đâu Lan. Phải nói là người Việt Nam mình đã trả một giá khá lớn cho hành trình tìm tự do đó Lan.”

Tôi hiểu vì sao chị Xuân Ảnh nói như thế nên tôi đã không bàn luận gì về ý kiến của chị. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những thuyền nhân kém may mắn, tôi hiểu sự dày vò trong nội tâm của họ trước khi họ quyết định bỏ lại quê hương, bà con ruột thịt, nhà cửa và tài sản để vượt biên như thế nào. Chắc chắn là họ đã lường trước được những gì xảy ra khi trường hợp xấu xảy đến mhưng họ vẫn quyết định ra đi hơn là ở lại.