17/4/12

Tình buồn (C17-18)

Chương 17

Hiểu Đan vừa ra khỏi nhà thì Phương Trúc bù đầu dọn dẹp. Bà lau chùi bàn ghế, cửa sổ và các tấm tatamị Bà muốn tạo nên một phòng khách đẹp, nhưng bằng cách nào, trong khi cây gỗ bị mọt đục và tatami thủng nhiều lỗ. Phương pháp duy nhất là gỡ cánh cửa ngăn đôi phòng bà và Hiểu Đan cho phòng khách được rộng thêm ra mà thôi. Những đồ đạc không cần thiết đem chất vào phòng Hiểu Bạch.
Trang hoàng nhà cửa xong, bà xách giỏ ra chợ, nhìn thực phẩm bầy la liệt bà muốn mua thật nhiều nhưng vì số tiền dự tính quá ít nên đành đứng ngó. Đắn đo một lúc bà đành nhắm mắt mua đại một con gà, một con cá lớn và ít cải bẹ, cải trắng. Chỉ bấy nhiêu số tiền ấy đã gấp đôi số tiền dự tính của bà.
Về đến nhà, bà cắm đầu vào bếp. Suốt một ngày bận rộn muốn đứt hơi chỉ vì một thằng con trai sắp gọi bà là mẹ vợ - Ngụy Như Phong, hắn ra sao nhỉ? Bà chưa hề biết mặt mũi của hắn. Tuy nhiên, qua lời kể của Hiểu Đan, bà cảm thấy thương mến lạ thường.
Minh Viễn thấy vợ dọn dẹp nhà cửa thì chuồn đi từ sớm. Hiểu Bạch cũng đi luôn. Chiều lại, ông về thật sớm. Bước vào nhà, ông ngơ ngác nhìn căn phòng mới lạ, mùi thịt từ nhà dưới xông lên hắt vào mũi khiến ông thêm lạ và thèm. Lâu lắm ông chưa được ngửi cái hương vị ấy.
Phương Trúc từ bếp đi ra, mặt đỏ bừng vì lửa. Cặp mắt sáng và vẻ mặt hớn hở, trông bà trẻ hơn ngày thường những mười tuổi. Minh Viễn thấy ghét vợ hơn về vẻ vui tươi ấy. Đãi bạn trai của con thế mà làm như đang chuẩn bị cho người yêu của bà không bằng. Vừa thấy Minh Viễn, Phương Trúc liền cười huề, nụ cười như bà đã làm một điều gì nên tội đang cần được sự tha thứ của chồng. Bà vừa chùi tay bằng khăn lau bếp vừa nói:
- Mấy giờ rồi anh?
- Mới bốn giờ.
- Năm giờ Hiểu Đan đưa Như Phong đến. Anh vào thay áo đi. Em đã ủi xong, để trên giường Hiểu Bạch.
Minh Viễn chau mày, ừ một tiếng, bà tiếp:
- Quần em cũng ủi rồi đó anh.
ông bất mãn:
- Phương Trúc, Như Phong là bạn của con gái em chứ đâu phải của em.
Bà phân trần:
- Sao anh nói vậy? mình phải lo kẻo mất mặt con mình chứ. Nghe nói Như Phong là cháu ông Tổng giám đốc công ty dệt. Thân thế hắn như vậy mình làm lôi thôi sợ họ khinh chớ anh.
Minh Viễn trề môi:
- Khinh à? nghèo thì chịu chớ sao lại sợ khinh? Nghèo đâu phải là có tội mà em phải sợ, nếu nó thật tình thương con Đan thì chuyện nghèo giàu đâu thành vấn đề. Tình yêu đâu phải vì tiền mà yêu, bằng ngược lại, nó không thật tình thương thì càng không cần sự khen chê của nó.
Lời chồng nói rất có lý. Nhưng, với Phương Trúc, tình thương của một người mẹ không cho phép bà làm ngơ trước sự việc của con. Đã một thời làm con gái, một thời yêu đương. Tâm trạng của người con gái biết yêu, đang yêu và được yêu thật lạ lùng, ưa thể diện và khoe khoang. Thế nhưng, Minh Viễn không vui trước việc sắm sửa ấy, bà cũng thấy buồn nhưng biết làm sao hơn. Bà lại quay vào bếp, đối diện với dao, thớt và lửa. Lòng bà trở nên nặng trĩu. Bà biết lý do nào khiến Minh Viễn không vui. Nếu như... bà lắc đầu thật mạnh, cố xua đuổi bao ý nghĩ không đẹp đang hình thành trong ý tưởng.
Hiểu Bạch đã trở về, hắn chui đầu vào bếp hít hít mấy cái, híp mắt khen:
- Thơm quá!
Nó đưa cánh tay dấu sau lưng ra khoe:
- Mẹ coi.
Phương Trúc ngẩng lên, tay nó cầm một bó hoa, nào hồng, bách hiệp, kiếm lan và đại lý cúc, toàn là hoa quý, bà ngạc nhiên hỏi:
- Đâu con có vậy?
Hắn nhe răng cười thích chí:
- Thì con mua chớ đâu. Con cũng tham gia vào việc tiếp đón ông anh rể tương lai chứ bộ.
- Tiền đâu con mua?
- Bọn bạn con cho, con nói với chúng là cần một số tiền nhỏ, chúng liền góp mỗi đứa một ít.
Bà không hiểu hỏi:
- Sao chúng lại góp tiền cho con?
- Chúng con là bạn sống chết với nhau, được cùng hưởng, gặp nạn cùng gánh chịu thì mấy đồng bạc sá gì mà tiếc.
Bà nghe con nói có phần hữu lý, nhưng không muốn cái lối kết bạn đó của con. Tuy nhiên lúc này đâu có thì giờ để hỏi. Nước sôi làm bung nắp nồi, bà vội vặn nhỏ ngọn lửa và nói với Hiểu Bạch:
- Con đi tìm bình cắm hộ cho mẹ.
Hiểu Bạch đi lấy bình hoa, chạy xuống bếp lấy nước. Đứng bên vòi nước, hắn khoe với mẹ:
- Anh Phong đẹp trai lắm mẹ Ơi, giống hệt Alain Delon vậy đó.
Bà ngừng cắt cải nhìn con hỏi:
- Sao con biết?
- Con gặp.
- Gặp bao giờ?
- Mấy lần rồi. Ảnh có chiếc xe gắn máy đẹp ghệ Sau này mà con có tiền con sẽ mua một chiếc y hệt như vậy để chở đào lả lướt cho đã.
- Con còn biết gì nữa không?
Hắn làm thạo:
- Còn chớ.
- Còn gì?
- Chị Đan yêu anh Phong. Yêu “thảm” lắm.
- “Yêu thảm” lắm? Con cũng biết nữa?
Bà lắc đầu. Con nít bây giờ sáng chế nhiều danh từ tình yêu thật lạ lùng. Đã yêu mà còn “yêu thảm”.
- Biết chớ. Chị Đan nói đó. Chị nói rằng từ khi biết anh Phong đến nay, thế giới này mọi vật đều đẹp, đều đáng yêu
Câu nói của Hiểu Bạch làm bà xúc động. Như thế Hiểu Đan đã thật sự đắm chìm và bể khổ yêu đương. Mắt bà mơ màng nhìn nắm cải cắt dở trước mặt. Hình ảnh của năm nào đang sống lại trong lòng bà. Dạo ấy bà chừng lớn hơn Hiểu Đan bây giờ một tuổi, cũng cuộc tình mộng mị như con bà hôm naỵ Bà cùng người thanh niên với chiếc áo màu lam, đẹp trai, phóng khoáng... từng ngồi bên giòng sông Gia Linh, Sa Đình Bá, nơi quán cà phê Huỳnh Giác, hồ nước nóng Nam Bắc...
Tiếng hỏi của Hiểu Bạch đem bà trở về với thực tại:
- Thưa mẹ, nếu sau này mà con có bạn gái thì mẹ có tiếp đãi giống như thế này không?
Bà tiếp tục cắt cải trả lời con:
- Dĩ nhiên, con có rồi hay sao mà hỏi vậy?
Câu hỏi của bà với dụng ý cho qua chuyện, không ngờ Hiểu Bạch đỏ mặt cầm bình hoa chạy ra ngoài nói vọng lại:
- Chỉ còn chờ coi ngày nào tốt.
Bà mỉm cười trong ngạc nhiên. Miệng còn tanh mùi sữa mà nghe nói đến gái thì lại thẹn đỏ mặt, Thời đại nguyên tử mở mắt ra là biết yêu rồi.
Hiểu Bạch chạy lên nhà trên cắm hoa vào bình. Hắn cắm quá vụng khiến Minh Viễn phải lắc đầu bảo:
- Dù ông lớn đến cũng không bận rộn như vậy.
Tuy nói thế, ông cũng đến giúp con cắm hoa vào bình.
Xem ciné xong đã bốn giờ ba mươi, Như Phong và Hiểu Đan đi lấy xe ở chỗ gởi. Chàng dắt xe ra, khẽ ho một tiếng, sờ lên mái tóc đã chải thật ngay, sửa cà vạt, kéo lại áo hỏi Hiểu Đan:
- Em coi anh ra phết chưa?
Nàng đưa tay che miệng cười:
- Sao không. Trông anh thật đẹp trai và giống như đang chuẩn bị đi chầu nhà vua vậy.
Chàng nhíu mày, giọng trầm trầm:
- Nói thật với em tinh thần anh căng thẳng còn hơn đi chầu nhà vua nữa.
Nàng ngồi lên yên xe, ôm bụng chàng giục:
- Mau đi anh.
Chiếc xe vừa chạy ra lộ, Như Phong hỏi người yêu:
- Cha em nghiêm lắm sao?
- Sơ sơ thôi.
- Là mức nào? Anh sợ quá!
Nàng phì cười:
- Cha em sẽ hỏi tổ tông tám đời của anh. Sẽ hỏi đời tư của anh. Nếu anh từng la cà nơi vũ trường, tửu quán, cha em sẽ liệt anh vào loại bất hảo, ông còn biết xem tướng nữa, xem mắt ti hí hay mắt lương, một mí hay hai mí, lông mày thế nào, ăn nói lễ độ hay mất nết... Ông hỏi kỹ lắm, anh mà nói láo thì ổng biết liền.
- Hiểu Đan, Em cũng biết hù anh nữa sao?
Xe qua cua, Như Phong hít mạnh một hơi rồi tiếp:
- Nói thật với em, đời anh chưa biết sợ ai hết. Lúc còn đi học, anh ở trong ban đại diện sinh viên, thường hay diễn thuyết, khi ra đời, làm việc trong công ty, việc gì, đi đâu cũng là anh. Thế mà hôm nay không biết tại sao anh sợ ghê vậy đó. Anh có linh tính...
Chàng nói chưa dứt câu thì chiếc xe suýt nữa húc vào chiếc xích lộ Chàng thắng gấp xe lại. Ông xích lô chửi thề ỏm tỏi rồi đạp xe đi. Hiểu Đan giật mình vỗ vai chàng dặn:
- Anh đừng lo nói chuyện, đụng nhằm xe hơi thì nguy đó. Linh tính của em mọi việc đều tốt đẹp, anh cứ yên tâm. Em không tin linh tính của anh đâu. Em tin chắc cha mẹ em sẽ thích anh lắm.
- Vậy anh cảm ơn linh tính của em vô cùng.
Chiếc xe vừa đậu trước nhà, Như Phong chưa kịp tắt máy thì Hiểu Bạch đã mở cửa đứng trong cười ra:
- Em nghe tiếng xe là biết anh chị về liền.
Bước vào cửa, Minh Viễn đã đứng sẵn để đón họ với bộ đồ chỉnh tề nhưng không mấy tự nhiên. Hiểu Đan mặt đỏ bừng, rụt rè không biết làm sao để giới thiệu Như Phong thì Hiểu Bạch lên tiếng:
- Thưa cha, đây là anh Như Phong.
Chàng cúi đầu chào:
- Dạ thưa bác.
Minh Viễn gật đầu. Ông nhìn Như Phong một cách dò xét. Ông cứ ngỡ kép của Hiểu Đan chỉ là cậu bé miệng còn hôi sữa, nào ngờ hắn đứng đắn và hào hoa ra phết. Ông không ngờ đứa con gái yếu đuối của mình lại có một người bạn trai khá đến thế. Ông nói:
- Mời cậu vào trong.
Hai người đi vào trong. Mắt Hiểu Đan hoa lên sung sướng vì thấy căn phòng mới. Phòng khách tuy không sang trọng bằng của nhà họ Hà nhưng cũng khá trang nhã. Hiểu Bạch kéo tay chị nói nhỏ:
- Bình hoa em mua đó. Đẹp không?
Nàng cười tươi:
- Cảm ơn em.
- Đừng cảm ơn, em mưu lợi đó.
- Cái gì?
- Sau này em sẽ bảo anh rể trả nợ.
- Thôi đừng nói nhảm.
Phương Trúc trong bếp đi ra trong chiếc áo Trung Hoa màu nhạt, tóc búi cao trông có vẻ lớn tuổi và thanh nhã, cao quí. Như Phong đứng dậy, Hiểu Đan khẽ giới thiệu:
- Thưa mẹ, anh Phong và đây là mẹ em.
- Dạ thưa bác.
Bà ngắm nghía Như Phong. Cái dáng dong dỏng cao, đôi mày đậm, mắt sáng và sâu sắc, mũi lớn miệng hơi rộng trông thật khá. Mới gặp mặt, bà mến ngay cái thằng nghĩa tế tương lai ấy. Ngồi xuống ghế, bà mỉm cười hỏi:
- Quê cậu ở đâu?
- Dạ, thưa Vân Nam.
- Vân Nam ở miền nào?
- Dạ, Côn Minh.
Bà hơi xúc động:
- Cậu ở đó được bao lâu?
- Thưa bác, khi lên mười, cháu rời Côn Minh đến Thượng Hải, rồi theo dượng đến Đài Loan.
Minh Viễn xen vào:
- Vậy, cậu đã từng sống nhiều nơi rồi?
- Dạ, trước khi thắng Nhật, cháu ở Côn Minh. Đến khi Nhật bại trận, dượng cháu vì kế sinh nhai nên đến Thượng Hải, cháu cũng theo đến từ đó. Tuy dượng cháu làm nghề thương mãi nhưng tính tình rất phóng khoáng, ông thường dắt cháu đi chơi Hồ Tây ở Hàng Châu.
Bà hỏi:
- Cậu còn nhớ gì về Hàng Châu không? Chúng tôi cũng đã sống ở đó một thời gian.
- Dạ, cháu còn nhớ rõ những con đường quanh co của Tam Đàm ánh Nguyệt. Những bờ đê với rặng liễu xanh xanh ở Tô Đệ Tiếng chuông sáng, trống chiều ngân vang ở chùa Linh Ẩn. Những chiếc thuyền nhỏ nhấp nhô, san sát mặt hồ. Cháu còn nhớ hồi ấy hàng đêm cháu thường ra xem ánh điện mập mờ của các dãy nhà xây trên lưng chừng đồi. Và nhất là tiếng chuông chùa ngân vang cùng tiếng tụng kinh đều đều đã làm cho tâm hồn cháu lắng dịu như được ru ngủ.
- Lúc đó mà cậu đã hiểu nhiều như thế sao?
- Thưa bác, cháu là đứa trẻ hiểu đời thật sớm.
Câu chuyện bắt đầu đã tạo được bầu không khí tốt, chỉ quanh Tây Hồ đã lắm chuyện nói không hết rồi. Hiểu Đan và Hiểu Bạch sinh trưởng ở Đài Loan nên không biết gì để nói. Khoảng sáu giờ Hiểu Đan giúp mẹ dọn bàn ăn.
Bữa ăn không có rượu vì Phương Trúc quan niệm đãi tiệc bọn trẻ không nên có rượu. Bầu không khí quanh bàn ăn vui vẻ một cách khác thường. Càng nhìn Như Phong, Phương Trúc càng thương chàng nhiều hơn. Sự thương mến ấy đã lấp tất cả những lỗi lầm nhỏ nhặt của chàng. Hiểu Đan thấy mọi người đều vui, lòng nàng như mở hội. Hiểu Bạch thì cứ nháy mắt chọc chị khiến nàng phải nén cười và nhìn nơi khác. Cơm xong, Hiểu Đan cùng mẹ dọn chén xuống bếp, Phương Trúc nở nụ cười cởi mở với nàng. Nàng định hỏi mẹ điều gì nhưng thấy mẹ đang vui nên không hỏi. Bà kéo con đến cạnh cười nói:
- Sao con không cho mẹ biết sớm? Con tưởng mẹ lạc hậu không muốn cho con mình có người yêu sao? Chồng tương lai của con khá lắm, thật ngoài sức tưởng tượng của mẹ, con cố gắng xây dựng hạnh phúc tương lai của mình. Nói thật, mẹ thích nó lắm.
Nàng sung sướng đỏ mặt, trở ra phòng khách. Phương Trúc ở lại trong bếp rửa chén, cười thỏa mãn. Bà cảm thấy mình hơi nông cạn vì không biết con mình đang yêu hay bị sa vào cạm bẫy tình yêu. Tuy nhiên, nhìn nét mặt vui tươi đầy vẻ chân thật của chàng thanh niên ấy bà cảm thấy yên tâm phần nào.
Rửa xong chén, bà trở ra phòng khách, thấy Như Phong và Minh Viễn đang bàn chuyện văn chương. Bà lấy làm ngạc nhiên vì chồng bà rất kém ăn nói, nhưng hôm nay lại nói chuyện hoạt bát như thế. Họ so sánh văn chương cổ điển Trung Hoa và văn chương hiện đại Tây phương. Minh Viễn đề cao văn chương cổ điển, ngược lại Như Phong cho rằng văn chương hiện đại Tây phương có cái hay mà văn chương Trung Hoa không thể nào sánh được. Sau một hồi bàn cãi, cả hai đều đồng ý mỗi nền văn chương nào cũng có cái hay riêng biệt của nó. Chờ đến khi hai người chấm dứt việc tranh luận, Phương Trúc cười hỏi Như Phong:
- Cậu học văn chương sao lại đi hoạt động thương mại?
- Thưa bác, thật ra cháu không muốn nghề này nhưng chỉ vì dượng cháu mà thôi, hầu hết cổ phần trong công ty đều là của dượng cháu. Ông lại không muốn đứng ra coi sóc công việc nên nhờ cháu giúp sức sau khi tốt nghiệp đại học. Lúc đầu cháu cứ tưởng chỉ giúp dượng trong thời gian ngắn sẽ thôi, nào ngờ dấn thân vào thì không ra được nữa. Bây giờ dượng cháu nhất quyết không cho cháu nghỉ việc, tuy nhiên cháu vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó nếu có dịp, cháu sẽ làm nghề dạy học hay viết báo.
- Cậu ở chung với dượng?
- Dạ.
- Dì cậu cũng ở chung một nhà?
- Dạ không. Dì dượng cháu xa nhau lâu rồi
Phương Trúc hơi ngạc nhiên:
- Thế sau cậu còn đi theo dượng?
- Thưa bác, việc này phức tạp lắm. Dượng cháu là họ Hà, con nhà quí tộc ở Côn Minh. Mẹ cháu họ Vương, cũng con dòng cháu dõi. Cha và dượng cháu lại là đôi bạn thân nhau. Theo sự hiểu biết của cháu thì trước kia, dượng cháu có theo học tại một đại học ở Trùng Khánh. Cuộc hôn nhân giữa dì và dượng cháu là sự miễn cưỡng. Thế rồi, dượng cháu đi yêu một người con gái khác, dì cháu buồn bỏ nhà ra đi, việc này không ảnh hưởng gì đến tình thân giữa cha và dượng cháu nên khi cháu định đi Thượng Hải để học thì cha mẹ cháu vẫn yên tâm gởi cho dượng. Cháu xa gia đình kể từ đó.
Phương Trúc nhìn Như Phong:
- Cậu có biết trường đại học nào ở Trùng Khánh mà dượng cậu đã học không?
- Dạ thưa bác, đại học Trung Ương, phân khoa văn học
- Phân khoa văn học?
- Dạ.
Mặt bà bổng biến sắc:
- Dượng cậu là họ Hà?
- Dạ.
- Hà gì nhỉ?
Như Phong định trả lời thì Phương Trúc lại đứng dậy:
- Ồ, nói chuyện con cà con kê không! Nước của cậu nguội rồi, để tôi đi thay ly khác cho nhé.
Bà đến trước mặt Như Phong lấy tách trà mà tay run run, sắc mặt lúc xanh lúc trắng. Hiểu Đan giật mình đứng dậy hỏi:
- Mẹ có mệt lắm không?
- Không, mẹ không sao cả.
Bà bưng ly trà vừa quay lại thì bắt gặp ngay cái nhìn hằn học của chồng khiến bà nổi da gà. Minh Viễn lại lên tiếng, tiếng nói đầy giá buốt như thoát thai từ miền băng cực:
- Như Phong, cậu chưa nói tên dượng cậu là gì cơ mà?
Lời cảnh cáo của Minh Viễn khiến chàng quên mất sự dặn dò của dượng nên đáp mau:
- Dạ, Hà Mộc Thiên.
Phương Trúc lảo đảo không còn đứng vững, như đã bị một cái tát trời giáng nào đó. Nước trà trong ly đổ ra, mọi vật chung quanh quay cuồng. Vẫn giọng lạnh lùng của Minh Viễn:
- Không thấy mẹ con bị mệt sao Đan? Con hãy đưa mẹ con vào phòng cho bà nghỉ đi
Phương Trúc để mặc cho con dìu vào căn phòng nhỏ đầy ắp đồ đạc, ngồi xuống mép giường, đầu bà nóng như lửa đốt, muốn vỡ tung thành muôn mảnh, Hiểu Đan lo lắng hỏi mẹ:
- Mẹ có sao không? Chắc mẹ bị ngộp vì suốt ngày nay đứng bên lò lửa.
Bà gắng gượng đáp:
- Có lẽ vậy. Con hãy để mẹ nằm nghỉ một lát, ra tiễn Như Phong về đi.
Nàng hoảng hốt lẫn sợ hãi:
- Dạ.
Nàng bước ra ngoài, Như Phong đang đứng ngơ ngác giữa phòng. Trước sự việc đột biến ấy, lời dặn dò của Mộc Thiên như một con trốt đang xoáy lên trong đầu chàng. Như thế, chắc chắn có điều gì bí mật mà người trong cuộc phải là dượng. Hiểu Đan sợ sệt nói với chàng:
- Mẹ em đang mệt, thôi về đi nha anh, đừng trách em nghe.
Như Phong gật đầu. Chàng định tìm Minh Viễn để chào nhưng ông đã bỏ đi tự bao giờ, chỉ còn lại Hiểu Bạch ngồi trợn mắt nhìn chàng. Chàng bước xuống khỏi thềm, vừa mang giầy vừa hỏi Hiểu Đan:
- Sao vậy em? Anh đã nói gì nên lỗi?
Nàng buồn rầu lắc đầu:
- Em cũng chẳng hiểu gì hết.
- Em cố gắng tìm hiểu lý do, tối nay gọi điện thoại cho anh biết nhé.
- Em...
Mới vừa nói em thì đã bị tiếng gọi giật ngược của Minh Viễn từ nhà trong:
- Hiểu Đan vào đây!
Nàng hoảng hốt nhìn Như Phong rồi vội quay vào trong, chàng đưa tay kéo lại dặn thêm:
- Em nhớ tìm cho được lý do, theo anh chuyện này không phải đơn giản đâu.
Minh Viễn phẫn nộ quát:
- Hiểu Đan, con có nghe không?
Nàng gạt tay Như Phong vụt chạy vào trong, bỏ chàng một mình đứng sững trước cửa. Một lúc lâu, chàng mới ý thức lại mọi việc liền lấy xe vọt nhanh về nhà. Việc đầu tiên của chàng là phải tìm cho kỳ được Mộc Thiên để hỏi nguyên nhân.
Phương Trúc nghe Như Phong đã về, bà úp mặt vào lòng bàn tay tức tưởi:
- Sao lại có chuyện lạ như vậy? Trời bày chi cảnh này.
Nghe tiếng chân người bước vào, bà lấy tay che mặt, thấy đôi dép Minh Viễn nên bà ngẩng mặt lên thì bắt gặp ánh mắt giận dữ của chồng, bà khẽ gọi:
- Anh!
Bà gục mặt vào lòng bàn tay nức nở khóc:
- Anh tha thứ cho em. Em không biết như vậy và cũng không hề mong muốn như vậy.
Hiểu Đan chạy vào quỳ trước mặt mẹ, sợ hãi hỏi dồn:
- Mẹ, sao vậy mẹ? Mẹ! Mẹ!
Phương Trúc nắm tay Hiểu Đan, nhìn thẳng vào mặt nàng, nước mắt ràn rụa, nói nhanh:
- Đan con! Nếu con thật thương mẹ thì từ giờ phút này con phải đoạn giao với Như Phong, nghe con, hãy thề với mẹ đi con.
Nàng như bị tạt một thau nước lạnh vào mặt nên toàn thân run rẩy:
- Tại sao vậy mẹ? Tại sao?
Bà nắm tay nàng chặt hơn và lớn tiếng:
- Con thề đi, con thề với mẹ ngay bây giờ.
Mặt nàng cắt không còn tí máu. ánh mắt đầy kinh hãi và van lơn:
- Thế sao mẹ khen anh ấy và thích anh ấy cơ mà?
Bà lay mạnh nàng:
- Con thề đi! Mẹ cấm con gặp nó.
Nàng khóc òa lên:
- Nhưng, con không biết tại sao? Tại sao vậy mẹ?
Tại sao? Tại sao? Tại sao? Và tại sao? Biết bao chữ tại sao như nước lũ, như sóng lớn đang đập vào tâm trí bà. Bà nhắm mắt lại, nhưng không tài nào xua đuổi được hàng vạn âm thanh tại sao vang vọng trong lòng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 18

Không gian: Trùng Khánh
Thời gian: Năm Dân Quốc thứ 32 (1943)
Liễu kia gục mặt âu sầu
Lục bình hoa nọ rầu rầu trôi sông
Cơn gió thoảng, cuốn mây hồng
Hợp rồi tan ấy, còn không mấy ngờ!
Bóng tối len lỏi vào căn phòng lặng lẽ.
Minh Viễn ngồi trên giường tựa lưng vào cửa sổ, chăm chú khâu chiếc vớ bị thủng nhiều lỗ. Vương Hiếu Thành cặm cụi sửa cái harmonica cũ rích của chàng. Đồ đạc bầy ngổn ngang trên bàn. Ráp mãi mà không được Hiếu Thành lẩm bẩm chửi thề.
Chiều càng đi bóng tối càng ngập cả căn phòng. Một tiếng bốp vang lên rồi tiếng chửi thề của Hiếu Thành:
- Quỉ sứ này!
Minh Viễn giật mình, kim chích vào đầu ngón tay, chàng ngẩng lên bất mãn hỏi:
- Mầy làm gì vậy?
Hiếu Thành vẫn gầm đầu:
- Đánh muỗi chứ làm gì.
Một tiếng bốp khác tiếp theo, rồi tiếng thề thốt của Hiếu Thành:
- Một ngày nào đó, tao sẽ giết sạch mấy con muỗi này, nếu không, không thèm mang cái họ Vương này nữa.
Minh Viễn thắt lại mối chỉ rồi cắt. Chàng đưa chiếc vớ lên trước cửa sổ ngắm nghía rồi nói:
- Vậy, mầy nên đổi họ ngay bây giờ là vừa.
Chàng lột chiếc vớ vừa vá xong ra, lấy chiếc khác xỏ tay vào rồi đếm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám. Tám cái lỗ, tao đoán chắc mấy con chuột đã làm tổ trong tủ tao.
Hiếu Thành gọi:
- Viễn, thắp đèn lên coi mầy.
- Đâu còn dầu mà thắp.
Minh Viễn bắt đầu xỏ kim. Xỏ qua, xỏ lại, không được, chàng ngồi thẳng dậy ưỡn ngực nói:
- Vẽ mười bức tranh cũng không khổ bằng vá một chiếc vớ.
- Cái đó mà cũng gọi là vớ nữa. Lưới cá thì có chứ vớ gì. Mầy chớ tao không thèm ngồi vá cho đui mắt như vậy.
Minh Viễn nhún vai:
- Mầy có tiếp tế, tao có gì đâu.
Bỗng có tiếng hỏi ở cửa:
- Tiếp tế của ai vậy?
Rồi một bóng người bước vào, dáng thấp nhỏ con, mắt lớn, mặt có vẻ liếng thoắng, hắn nói:
- Thành, mày có tiếp tế hả, sướng quá vậy.
- Sướng cái gì, chủ nhật rồi mà còn bị giam đầu trong ký túc xá?
Anh chàng mới bước vào lên tiếng tiếp:
- Còn mấy người kia đâu?
Minh Viễn đáp:
- Chúng đi bách phố và vào quán hết rồi.
Cuối cùng Minh Viễn xỏ chỉ được vào kim. Chàng thở ra thật dài:
- A Di Đà Phật!
Tiếng đà phật vừa dứt thì chàng nhỏ con khi nẫy đến giựt phắt chiếc vớ và kim chỉ, một mặt la to:
- Vá làm cái gì đó mày, đi coi kịch đi.
Xỏ được sợi chỉ suýt phải mang kính cận, thế mà cái thằng ấy lại phá hỏng nên chàng tức tối quát:
- Cái thằng La này, tao đập cho mày biết taỵ Tao đi lấy vớ mày mang cho mà coi.
Thằng La cười ha hả:
- Vớ tao vứt hết rồi. Mầy thấy bắt đầu tuần trước tao đâu có mang vớ?
Hiếu Thành hỏi:
- Kịch gì?
- Vở Khuê Oán do Giang Thôn và Thư Tú Văn đóng, thế mới đáng coi chứ.
Hiếu Thành chán nản:
- Đáng cái gì? Không có một xu dính túi mà đáng?
Thằng La làm ra vẻ:
- Tụi mầy coi, tao hóa phép.
Nói xong hắn thọc tay vào túi áo, mò mẫm một lúc, rút ra hai cái vé.
- Cái gì đây tụi bây?
Hiếu Thành chau mày:
- Mầy kiếm đâu ra vậy?
Mộc Thiên cầm vé lên xem, đoạn đặt lên bàn thất vọng:
- Tao biết mà, mầy chỉ đóng kịch thôi. Thành, mầy xem đây, vé tuần trước mà nó đem nhử bọn mình đó. Mau trả vớ tao mầy, tao chỉ còn mỗi một đôi đó nhé.
La cầm vé lên, giọng lạc quan:
- Tụi mầy ngu xuẩn quá. Người ta vào, mình cũng chen vào. Tháng soát vé rạp Quốc Thái tao quen lắm, không sợ bị bại lộ đâu. Người ta nói tuồng Khuê Oán hay lắm, không đứa nào đi thì tao đi một mình.
Nói dứt lời, La bỏ đi ngaỵ Hiếu Thành gọi lại:
- Khoan, chờ tao tí.
Thành quay sang Minh Viễn:
- Còn mầy sao? Đi không?
- Hai vé làm sao đi ba được?
La giục:
- Thì cứ đi rồi biết, không sao đâu.
Viễn hoài nghi:
- Có tiền đi xe không?
La cười:
- Mình là đàn ông, trời sinh ra cặp giò làm gì?
Mộc Thiên tiếp:
- Từ đây đến Quốc Thái đi bộ mất ít nhất hai giờ, nếu vào không được mà trở về thì thật là phí công.
La vứt chiếc vớ của Viễn lên giường:
- Một việc nhỏ mà cũng tính đi suy lại như mầy thì thà rằng chết đi còn hơn. Tụi mầy có muốn đi hay không nói mau lên?
Hiếu Thành đáp:
- Đi chớ. Ở hoài trong ký túc xá chán. Nếu không xem được, bọn mình xem như là đi một vòng dạo phố, có gì đâu, đi mầy Viễn.
Minh Viễn nhìn hai người. Chàng nghĩ rằng nếu có ở nhà cũng chỉ làm mồi cho muỗi, chi bằng thiểu số phục tùng đa số. Viễn liền đi thay đồ. Ba người đi ra bằng ngõ sau của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Từ trường đến Trùng Khánh có hai lối, một đến Bàn Khê, cầu Hóa Long sẽ đến Trùng Khánh. Đường khác đi đến chùa Tướng Quốc, qua đò trên sông Ngưu Giác, rồi vượt khỏi chùa Thượng Thạch, cửa Lương Lộ, ải Quan âm, đường Dân Sinh là đến thành phố. Nếu đi theo lộ trình một thì hơi xa nên đa số sinh viên nghèo đi theo lộ trình hai.
Ba người bắt đầu lên đường. La trông tươi hẳn lên vì nó là thằng thích xem kịch nhất. Bao nhiêu vở kịch trình diễn tại Trùng Khánh nó không bỏ qua một vở nào. Mười lần La vô xem là chín lần vô lậu. Bàn về nghệ sĩ nó thuộc làu làu. Người nào đẹp, người nào giỏi, người nào hát hay, nó nói huyên thuyên không hết. Trong số ba người, Minh Viễn là người trầm lặng ít nói nhất, Hiếu Thành cũng không mấy hoạt bát nên dọc đường chỉ có La oang oang cái miệng.
Đi đến đường Dân Sinh, rẽ sang Phu Tử Miếu để đến rạp Quốc Thái. Trong khi đang đi La bỗng thúc cùi chỏ vào hông Hiếu Thành nói:
- Mầy có thấy con bé tóc thắt bím đi đàng trước kia không?
Thành nhìn trước hỏi:
- Ai vậy?
- Hoa khôi Sa Bình Bá đó mầy. Cha nàng là một nhà thơ nổi tiếng nhưng đã chết cách đây mấy năm rồi.
Hiếu Thành hỏi:
- Mầy rành quá nhỉ Nhà nàng bây giờ làm nghề gì?
- Chẳng làm khỉ gì cả. Gia tài có mấy mẫu ruộng sống qua ngày thôi. Năm này nàng ta thi tú tài, nghe nói sinh viên đại học Trung Ương theo nàng như đ********* đói. Nàng cũng khá dễ dãi, thường giao thiệp với sinh viên. Tao đã gặp nàng hai lần rồi, nếu tụi mầy muốn tao giới thiệu cho.
Minh Viễn cản:
- Thôi quen biết làm gì?
La nhìn Minh Viễn gắt:
- Mầy là thằng sợ gái. Mầy không muốn thì tao giới thiệu cho Hiếu Thành chứ có gì đâu?
Nói dứt lời La kéo Thành đi nhanh về phía trước và gọi:
- Phương Trúc, đi đâu vậy?
Người con gái dừng lại cười tự nhiên:
- Định đi xem kịch ở Quốc Thái, đi trễ thế này có lẽ hết vé rồi.
Thằng La ba hoa:
- Chúng tôi cũng đi xem kịch đây. Mời Trúc tháp tùng với chúng tôi cho vui, chúng tôi có mua dư một tấm vé.
- Phiền các anh lắm.
Miệng cô ta nói phiền, thật ra trong lòng lại muốn đi chung, chỉ nhìn cái nụ cười thản nhiên đượm vẻ sung sướng cũng đủ hiểu. Nàng nói thêm:
- Lý ra tôi cùng đi với mẹ nhưng vì bà bận không đi được. Mọi người đều khen hay nên tôi phải đi một mình.
- Hiếu Thành và Minh Viễn, hai sinh viên xuất sắc nhất của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật.
Hắn nhe răng cười thích chí rồi thêm:
- Chúng siêng học lắm, không lười như tôi đâu.
Phương Trúc cười duyên với hai người. ánh mắt mơ màng mang đầy sắc thái đa tình. Minh Viễn ít khi tiếp xúc với con gái, nên khi gặp thì mặt đỏ bừng lên. Bởi vậy, đối diện với người con gái đẹp này, chàng ta càng luống cuống hơn, không nói được lời nào. Hiếu Thành lên tiếng:
- Thôi chúng ta đi.
Bốn người đi thành hàng ngang. La bắt đầu tán tỉnh về vở Khuê Oán. Hắn chưa xem bao giờ nhưng nói thao thao bất tuyệt như đã xem đâu hàng chục lần không bằng. Nào đào chánh hay làm sao, kép chánh điêu luyện thế nào, hắn còn diễn tả ngay phản ứng của khán giả:
- Vở kịch đang đến hồi gây cấn, dưới sân khấu im như tờ, mọi người đều ứa nước mắt. Thật cảnh và người xem ăn khớp làm sao...
Phương Trúc nghe kể hay quá nhịn không được hỏi:
- Anh đã xem mấy lần rồi?
Hắn giật mình:
- Chưa xem lần nào.
Nàng ngạc nhiên:
- Vậy sao anh biết rõ thế?
Hắn đáp gọn:
- Quảng cáo trên báo thiếu gì.
Phương Trúc cười, Minh Viễn và Hiếu Thành cũng cười theo. Minh Viễn lén kéo tay Hiếu Thành nói nhỏ:
- Bọn mình chưa chắc đã vào được, thế mà hắn còn kéo thêm cô gái này nữa thì tính làm sao đây?
Hiếu Thành đáp:
- Tao làm sao biết.
Đến rạp Quốc Thái người xem chật ních, chen chúc nhau, đa số là sinh viên và học sinh. Vào cửa La để Phương Trúc đi trước nhất, tiếp đó là Minh Viễn và Hiếu Thành, hắn đi sau cùng. Phương Trúc và Minh Viễn đi vào tự nhiên, đến lượt Thành và La thì hắn liền nhét vội hai vé giả vào tay người soát vé rồi đẩy Thành để thừa cơ hội chui vào được. Nào ngờ Thành chậm chân, người soát vé thấy họ lại liền kêu lên:
- Bốn người này đều không có vé.
Phương Trúc nhìn Minh Viễn rồi nhìn La, hắn đứng ngượng người. Bọn họ đứng chắn lối, những người sau vào không được nên la ó ỏm tỏi. Phương Trúc đã hiểu việc xảy ra. Nàng mở ví định lấy tiền trả thì bỗng một bàn tay chen vào chìa trước mặt người soát vé bốn tấm vé đặc biệt và lên tiếng, tiếng nói của người thanh niên trầm trầm.
- Vé của bốn người này sao lại không?
Người soát vé ngơ ngác, xé xong vé, ông phàn nàn:
- Có vé lại không chịu đưa đùa vừa thôi chứ.
Bốn người đi vào, quay lại nhìn người đã giúp. Đó là gã thanh niên cao hơi gầy, mặc bộ đồ xám. Cặp mắt sâu và đen nổi bật dưới lớp da trắng trông có vẻ một nhà hiền triết. Hắn ta nhìn bốn người mỉm cười một cách thành thật. Phía sau chàng ta là một bọn trai gái đồng lứa, không biết họ là sinh viên trường nào. Bọn La lấy của họ bốn cái vé vô cớ nên đang áy náy nhìn họ, liền khi đó, trong đám người của chàng trai mạnh thường quân ấy có một anh mập, tay cầm quạt, mồ hôi nhễ nhại bước ra, nắm tay La cười nói:
- Cũng là mầy, lại tái diễn cái trò cũ, còn dám dẫn gái đi nữa chứ.
Nói dứt lời hắn quay sang Phương Trúc:
- Cô còn nhớ tôi không?
Nàng gật đầu mỉm cười:
- Dạ, xin lỗi anh là Ngô?
La gặp được tên mập, hắn vội vã hơn:
- Gì mà gọi “Anh Ngô” hãy gọi nói là Ngô mập. Nếu không, cô có gọi nó, nó cũng chẳng biết là gọi ai nữa.
Ngô mập hớn hở cười, một mặt kéo anh chàng gầy khi nãy đến trước mặt mọi người giới thiệu:
- Nãy giờ, toàn là người quen hết cả. Đây là Hà Mộc Thiên, người mời xem kịch hôm nay, cũng là người sang nhất của phân khoa chúng tôi. Hôm nay nhà ảnh mới gởi tiền cho nên bọn tôi hè nhau bắt dẫn đi xem kịch. May là có mấy đứa vắng mặt kẻo không bọn này chỉ còn cách đứng ngoài xem hình quảng cáo mà thôi.
Mộc Thiên vẫn mỉm cười nhìn bọn Minh Viễn. Ngô mập lại kéo thêm ba người đến giới thiệu tiếp.
- Đây là “tam bảo” của phân khoa chúng tôi. Qúy vị khỏi cần gọi tên gì, cứ gọi Nhất Bảo, Nhị Bảo, Tam Bảo thì được rồi. à, còn Đặc Bảo đâu, Đặc Bảo ơi, Đặc Bảo.
Một trong tam bảo đánh Ngô mập một cái thật mạnh:
- Nơi đám đông mà mày cứ oang oang cái miệng như thế?
Ngô mập nhìn quanh quất không tìm ra Đặc Bảo. Hắn liền kéo hai cô đứng cạnh Mộc Thiên đến giới thiệu với bọn La, một cô thì ốm như lòng tong, da ngâm đen, ngực lép xẹp, mặc bộ đồ không mấy đắc giá. Ngô mập cho biết nàng là Hứa Hạc Linh. Cô còn lại có thân hình tròn trịa, nẩy nở. Mặt tròn nhỏ, cặp mắt lớn thau láu. Hai đồng tiền khi ẩn khi hiện trên nước da mịn màng trông thật dễ yêu. Ngô mập nhe răng cười:
- Đây là Tiểu Yến, hoa khôi của ban việt văn, chúng tôi thường gọi cô là Tiểu Phi Yến. Gọi thế nhưng rất sợ, vì sợ Yến sẽ chớp cánh bay mất.
Mọi người đều bật cười, Tiểu Phi Yến cũng cười theo. Nàng trợn mắt nói:
- Anh mà không giữ lấy đức, coi chừng miệng anh sẽ mọc mụt có ngày.
Ngô mập không đáp lời nàng lại kêu La:
- La, bây giờ tới phiên mày giới thiệu đi chớ.
La giới thiệu bạn mình cho bên Ngô mập biết, xong họ đi vào rạp tìm chỗ ngồi. Mộc Thiên sang thật mua toàn ghế thượng hạng. Ngồi xong Minh Viễn kéo tay áo Hiếu Thành nói nhỏ:
- Kỳ quá để bọn trung ương mời mình.
Hiếu Thành thản nhiên:
- Thì lần sau mình mời lại bọn chúng có gì đâu.
Bên trái Phương Trúc là thằng La, bên phải là Mộc Thiên. Nàng lặng thinh không nói. Nàng biết rõ sự hiềm khích giữa sinh viên đại học Trung Ương và sinh viên Cao Đẳng Mỹ Thuật. Bọn Trung ương cho rằng mình là sinh viên chính thức nên khinh rẻ bọn Mỹ Thuật. Bọn Mỹ Thuật vừa nghèo lại vừa ngông. Thế mà hôm nay, hai bọn chơi thân nhau thật là chuyện không thể lường được. Như thế, sự hòa hợp này đều do Mộc Thiên mà ra. Nghĩ đến đây, nàng liền quay sang Mộc Thiên. Bóng chàng nhìn ngang, cái mũi cao, cặp mắt thâm sâu, môi mỏng nhưng trông có vẻ cương nghị, Ngô mập lại ồn ào trong đám đông, rồi một bao hạt dưa từ góc bên kia chuyền lại. Mộc Thiên hốt một nắm rồi đưa Phương Trúc, nàng hốt xong đưa qua thằng La, La thảy lại cho Minh Viễn nói lớn:
- Con gái mới ăn hạt dưa. Ai có “Ngũ hương đậu hũ can” cho tôi xin một tí.
Cả bọn sinh viên Trung ương cười rồ lên. Thì ra, Hứa Hạc Linh nước da đen lại thêm cái ngực bằng phẳng nên bọn con trai đã gán cho nàng cái tên đau khổ “Ngũ hương đậu hũ can”. Thằng La chẳng hiểu trời trăng gì, thấy mọi người cười cứ ngỡ là chúng chế hắn không có tiền mua đậu hũ can nên ngướn cổ cãi:
- Có gì đâu phải cười? Bọn sinh viên Mỹ Thuật chúng tôi, nam thì nghèo, nữ lại xấu, việc này quá hiển nhiên ai không biết mà phải cười. Mà nghèo cũng chẳng có tội tình gì cơ mà. Tôi mà có tiền, ngũ hương đậu hũ can có mấy lăm xu đâu, sẽ mua đủ cho mọi người.
Cả bọn đã hết cười, nghe La nói thế lại ôm bụng cười hơn. Hạc Linh tức xanh mặt nhưng không dám nói gì chỉ biết lấy mắt kính xuống lau rồi đeo lên, rồi lại lấy xuống lau, rồi đeo lên, cứ thế. Tiểu Yến tức dùm cho bạn nên hứ một tiếng rồi nói lớn:
- Trò chơi gì vậy? Hôm nay đi gặp ngày không tốt.
Thằng La tưởng Tiểu Yến mắng nó nên ngướn cổ:
- Tôi đâu phải nói cô.
ý của La là muốn nói đến những sinh viên Mỹ thuật xấu, thế thì Tiểu Yến đâu phải xấu mà lại lên tiếng. Nào ngờ, hắn vừa dứt lời thì bọn sinh viên Trung Ương cười ngặt nghẽo, có đứa cười đến nỗi chảy nước mắt, Tiểu Yến đỏ mặt:
- Đúng là ngày xấu nên mới gặp người không biết phép lịch sự tí nào.
La chau mày, ngơ ngác quay sang Minh Viễn hỏi:
- Sao lạ vậy? Ai là người không biết phép lịch sự hở mầy?
Mọi người càng cười hăng thêm. Minh Viễn chẳng hiểu tích sự gì nhưng đóan là La đã chạm tự ái kẻ khác nên nói:
- Thì mày chứ còn ai nữa.
Thằng La đưa tay sờ đầu, quay lại thấy Mộc Thiên đang nhìn nó mỉm cười có vẻ thích thú. Nó gục gặc đầu lẩm bẩm:
- Bị chửi cũng chẳng sao, đừng để người ta mời mà không trả nợ thì được.
Mọi người lại cười lên. Ngay lúc đó, tiếng chuông reo, tấm màn đỏ từ từ kéo lên. Mọi người trở nên im bặt nhìn bối cảnh trên sân khấu. Phương Trúc cắn hạt dưa, Nàng cảm thấy có ai không nhìn lên sân khấu mà lại nhìn mình. Nàng liền quay đầu lại thì bắt gặp đôi mắt suy tư mơ màng của Mộc Thiên. Tim nàng đập nhanh, mặt tự nhiên phát nóng. Nàng nhìn trở lại lên sân khấu.
Buổi trình diễn mãn, mọi người đổ xô tranh nhau ra về. Cốt truyện vẫn còn vương vấn trong lòng mọi người chưa dứt. Mộc Thiên mời bọn thằng La cùng đáp xe về Sa Bình Bá nhưng nó từ chối vì lý do:
- Trăng thanh gió mát, cảnh nên thơ dường ấy phải đi bộ để thưởng thức mới được.
Do đó họ chia tay rẽ về hai lối, La vỗ vai Mộc Thiên:
- Hôm nay nhận tình anh, hôm nào có tiền tôi phải mời lại anh mới được. Còn Phương Trúc nhờ anh đưa nàng về hộ.
Mộc Thiên tiễn bọn thằng La đi được một quãng xa mới quay lại nhìn Phương Trúc. Nàng cũng đang nhìn chàng. Mộc Thiên vừa bắt gặp ánh mắt mơ mơ như trăng mờ đêm thu thì nàng đã vội vàng khép kín dưới làn mị Chàng ngây ngất tựa hồ đang bị một hiện tượng siêu hình nào làm mê hoặc, tiếng Ngô mập lại vang lên:
- Còn không đi đón xe, đứng đây làm gì?
Chàng như người vừa tỉnh giấc. Cả bọn đến trạm xe.
Bọn thằng La thả bộ tha hồ hứng gió mát chân dẫm lên trăng vàng. Chúng đi về hướng ải Quan âm và cửa Lưỡng Lộ, La nhún vai nói:
- Tao thích thằng Mộc Thiên lắm, nó biết chơi tốt với anh em.
Minh Viễn cãi:
- Tốt cái gì? Tao ghét cay đi. Nó là thằng công tử bột không hơn không kém. Người ta mua vé vào xem kịch, ngược lại nó vào để nhìn Phương Trúc.
Thằng La hỏi:
- Sao mầy biết? Chắc nãy giờ mầy nhìn hai đứa nó chứ đâu có xem kịch.
Minh Viễn hứ một tiếng:
- Đừng nói bậy, tao không ưa cặp mắt lại cái của nó.
La bênh vực:
- Có cặp mắt đẹp đâu phải là chuyện bậy? Tao thì thích cái con mắt vừa đen vừa sâu ấy. Nó cho người ta cảm giác...
Nó nghĩ một lát rồi nhảy cỡn lên sung sướng:
- Phải rồi! Một cảm giác mơ mộng.
Minh Viễn chau mày:
- Thơ mộng, mầy cái gì cũng thơ mộng. Phải dùng chữ cho đúng chớ.
Hiếu Thành chen vào:
- Thôi đừng cãi nữa. Tao ở cửa giữa thấy Phương Trúc đẹp như con đào chánh hôm nay.
Thằng La gục gặc đầu:
- Thư Tú Văn phải không? Tao cũng thấy giống ghê.
Minh Viễn không nói, trong đầu chàng hiện lên hai đôi mắt: của Phương Trúc đầy mơ và dịu còn của Mộc Thiên thì thâm sâu. Hai cặp mắt cứ tiến lại gần nhau...
Chàng lắc đầu thật mạnh, cố xua đuổi cái ý tưởng kỳ lạ ấy rồi đi thật nhanh dường như có ai thúc giục bên chàng.