Chương 12
Hôm ấy là ngày thứ ba nhưng món gà rán và khoai tây chiên do bà Kim Cúc mua để trên chiếc bàn vuông nhỏ trong phòng ăn ở phía cuối cùng của tiệm Bàn Tay Đẹp dẫn ra bãi đậu xe sau của thương xá đến quá trưa vẫn chưa được ai đụng đến. Cô Liên làm móng chân cho bà chủ tiệm tóc cùngkhu thương mại B. Cô Oanh bận nhổ lông mày sau đó lại làm chân nước cho một bà khách đứng tuổi. Cô Kim làm móng tay bột cho một cô khách trẻ có hẹn trước. Cô Minh đang vẽ trên các móng tay của một cô gái gốc Mễ. Anh Duy Anh bán thẻ mua quà cho hai người khách đàn ông da đen trước quầy. Ngay cả cô Vân cũng được bà Kim Cúc yêu cầu phụ sơn và vẽ móng tay cho một đứa cháu gái ba tuổi đi theo với bà khách đứng tuổi trong khi bà phải làm móng bột cho một cô gái trẻ có nước da màu nâu cần phục vụ thật nhanh.
Cô khách của bà Kim Cúc vừa vui vẻ bước ra khỏi tiệm, một cô khách cũng da nâu nhưng nhạt hơn, ốm gọn hơn và trong y phục thời trang hơn bước vào tiệm yêu cầu bà gắn lông mi giả cho. Trước khi đưa khách vào phòng làm sáp, bà Kim Cúc dặn tất cả các cô thợ tự nhiên dùng những thức ăn mà bà đã đặt ở phòng sau. Những tiếng cảm ơn của những người thợ tưởng đâu thức ăn của bà được vơi đi hoặc đã được thanh toán cả nào ngờ sau ba mươi phút hoàn thành công việc làm đẹp cho đôi mắt của cô khách bà Kim Cúc vẫn thấy chúng vẫn nằm nguyên trên chiếc bàn vuông nhỏ cạnh cửa sổ quay mặt ra phía sau thương xá. Bước ra phía trước và định gọi họ, bà nhận ra tất cả bốn người thợ của bà bâu quanh vào bàn làm việc của cô Vân nơi đó anh Duy Anh đang ngồi ngay ngắn chìa bàn tay cho cô Oanh làm móng.
Khuôn mặt cô Vân trông rất nghiêm trọng. Cô đang tập trung ánh mắt vào đôi bàn tay thoăn thoắt của cô Oanh trong khi chú tâm lắng nghe lời giải thích.
- Vân phải cắt và giũa móng trước khi ngâm nuớc như thế này nè, chứ đừng ngâm tay khách vào trong nước trước khi làm! Bởi vì móng thấm nước mềm đi khó giũa lắm. Mình phải nghĩ cách tiết kiệm thời gian mà thực hiện bước nào trước hay sau.
- Đừng dặn dò quá kỹ lưỡng như vậy chị Oanh ơi! Nghề dạy nghề thôi! Lúc đầu, đâu có ai dặn em kỹ điều này nhưng em làm nhanh nhờ rút kinh nghiệm khi làm nhiều lần thôi. Cô Kim nhún vai nói.
- Nhưng cũng tùy trường hợp mà mình làm cách này hay cách khác. Nếu có khách đông mình cho họ ngâm tay ngồi chờ rồi sau đó làm da cho họ trước khi cắt và giũa móng. Tùy trường hợp mà mình làm một cách linh động, miễn là sau khi xong việc bàn tay họ sạch, đẹp, và thẩm mỹ thì mình không có vấn đề gì. Cô Liên xen vào.
- Tôi chỉ muốn các chị làm cho tôi đúng theo các bước từ trong lý thuyết đã học thôi. Tôi là người mẫu khó tính và có kỷ luật chứ không thích linh động. Anh Duy Anh cười nhẹ khi nói.
- Yên đi! Không thôi thì mất một ngón tay bây giờ! Lúc đó thành tàn tật chứ đừng nói gì là người mẫu!
Cả bọn phá ra cười nhưng không một ai để ý bà chủ của họ đang im lặng đứng sau lưng. Từ mười hai giờ trưa cho đến ba giờ chiều ngày thứ ba là lúc tiệm ế khách nhất cho nên đám thợ tụ họp ăn uống, coi phim tiếng Việt, hay làm móng tay, móng chân cho nhau tùy ý thích của họ. Tuy nhiên chưa bao giờ thấy cảnh cả đám thợ tụ họp đùa vui với anh Duy Anh như thế nên bà Kim Cúc đã tò mò đứng sau lưng họ để quan sát và lắng nghe lời bàn luận.
Cô Oanh đang chà bóng cho ngón tay áp út của anh uy Anh, chợt dừng lại hỏi trong đăm chiêu:
- Tháng tám tới này cả hai anh chị đều ghi danh vào Đại Học sao?
- Đúng vậy! Chúng tôi đều đậu TOEFL cả rồi. Chờ khóa mùa thu tới chúng tôi sẽ nhập học. Cô Vân trả lời thay cho anh Duy Anh với giọng nói hết sức tự hào.
- Hai người thật là giỏi. Không dễ đậu vào trường đại học C. đâu! Cô Liên nói với ánh nhìn khâm phục.
- Tôi muốn ghi danh vào trường đại học M. vì học phí của trường đó rẻ hơn của trường đại học C., nhưng xa quá. Vân cũng thấy vậy cho nên chúng tôi cùng quyết định học ở đại học C. cho tiện. Anh Duy Anh từ tốn trả lời.
- Hai người thật may mắn! Có bằng tốt nghiệp trung học ở Việt nam muốn thi hay ghi danh vào trường Đại Học nào ở đậy cũng được. Không như tụi này ... Cô Liên than thở.
- Nhưng nếu mình chịu khó tiếp tục học thêm, đậu GED thì cũng dược ghi danh vào đại học. Cô Oanh cắt lời cô Liên với giọng tự tin.
- Nói vậy chị Oanh định học GED hả? Cô Kim hỏi gặn.
- Đúng vậy, nhưng chưa phải lúc này.
- Bộ chị tính nghỉ ở đây hả chị Vân? Nhiều người nói nghề móng tay kiếm tiền nhiều chẳng khác gì những người tốt nghiệp đại học đâu. Cô Liên xoay về đề tài cũ.
- Tôi không có ý định bỏ nghề này. Lấy bằng xong, tôi sẽ vừa làm vừa học đại học cho đến lúc ra trường. Học ở đây không phải trả tiền, thỉnh thoảng lại được tiền thưởng của khách nên tôi thích lắm.
- Chị sẽ tiếp tục làm ở đây chứ? Cô Kim hỏi.
- Có thể như vậy nhưng tôi chưa biết chắc lắm.
- Có phải còn tùy vào quyết định của anh Duy Anh phải không? Cô Kim hỏi tiếp.
- Cần gì mà phải hỏi vậy chứ! Họ đến đây chung với nhau và đi về chung với nhau như vậy thì họ cũng sẽ đi học đại học chung với nhau rồi sẽ cùng nhau ra trường và làm cưới. Cô Minh vừa nói xen, vừa cười.
Anh Duy Anh nhún vai, nói bình thản:
- Tôi sẽ không lấy vợ sau khi ra trường!
- Vậy chứ anh định làm gì? Cô Kim cau mày
- Thuê xe Limousine đi chơi!
- Sang vậy? Nhưng muốn chiều người đẹp Vân thì bỏ ra mấy mà không được! Cô Minh chọc.
- Không phải vậy đâu!
- Chứ gì?
- Tôi sẽ đưa chị Kim Cúc dạo khắp những cánh rừng đầy lá trong miền đông của nước Mỹ này vào mùa thu!
Những đôi mắt nhất loạt quay ra sau và những cái miệng nói thật to: “Chị Kim Cúc có nghe anh Duy Anh nói gì không vậy?” và “Chị đang nghe anh Duy Anh nịnh chị đó chứ?”
Bà Kim Cúc trả lời với nụ cười độ lượng:
- Khéo mà nghe chuyện hoang đường! Làm gì có chuyện xe Limousine dạo trong những cánh rừng thu đầy lá? Nhưng mà Duy Anh có nịnh thể nào chị cũng không tăng lương cho đâu. Anh Hoàng ấn định như thế nào là như vậy thôi.
Cô Oanh đẩy anh Duy Anh đứng lên:
- Đừng nói nhảm nữa! Tay đã làm xong rồi bây giờ đứng lên đi đến bồn nước để cho Vân làm móng chân cho. Vân chờ dịp này để chuẩn bị làm móng chân cho khách đó.
Cô Liên giục:
- Còn Vân chuẩn bị đồ nghề để thực tập cho bàn chân của Duy Anh đi, đừng làm bộ mắc cở, e thẹn nữa!
- Thôi đi! Đâu biết ảnh có muốn không? Cô Vân đỏ mặt.
- Sao lại không muốn? “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, phiền cho hai người này quá!
Cô Kim nói lớn:
- Nếu không có tình mà có thù thì chị Vân cũng có được cơ hội cắt ngón chân của anh Duy Anh mà! Làm mau đi chứ chập nữa khách vào ào ào là hết cơ hội à.
Mỗi người nói một lời làm cho cuộc đùa giỡn bỡn cợt trở nên sôi nổi thêm. Cười cười nói nói rộn ràng, các cô thợ kéo anh Duy Anh đến bồn spa làm chân và đẩy cô Vân đến ghế thấp trước mặt anh ta. Họ vây lấy đôi nam nữ và chăm chú nhìn cô Vân như thể chưa từng thấy cảnh người con gái phục vụ chân nước cho người con trai như thế trước đây.
Mặc cho đám thợ đùa giỡn cười cợt với nhau, bà Kim Cúc lặng lẽ bước ra phía trước tiệm. Ngang qua tấm kính treo tường bà dừng lại và nhìn vào. Một người đàn bà với vẻ lạnh lùng và sâu kín. Vóc dáng cao sang và kiêu kỳ của bà ta không phải bởi chiếc áo đồng phục trắng ôm sát bộ đồ tây màu đen hợp thời trang mà bởi mái tóc dài bóng mượt và khuôn mặt sáng thanh tú. Tuy nhiên sự buồn bã và lãnh đạm trong đôi mắt long lanh đã phảng phất sự đơn lẻ của bà ở phía trước tiệm và tương phản nó với sự nhộn nhịp vui vẻ của nhóm người nhỏ tuổi hơn bà đang đùa giỡn đàng sau.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 13
Những đóa hoa hồng tươi thắm trong chiếc thùng nước dọc theo các tiệm thực phẩm, những chiếc bông bóng bay đỏ hồng với các chữ mừng lễ tình yêu, những trái tim đỏ và những bích chương quảng cáo đầy màu sắc sáng rực trên các tấm kính của các tiệm đã làm cho bà Kim Cúc cảm giác thú vị khi bà lái xe vào khu thương xá B. Đậu xe trong bãi xong, bà hân hoan lấy chiếc xách tay bước ra xe rồi đi thẳng về phía cửa tiệm của mình nơi mà tấm cửa kính có dán tấm giấy quảng cáo về món quà giá trị dành cho ngày Lễ Tình yêu là phiếu mua quà cho đôi bàn tay đẹp. Lúc ấy khoảng hơn mười một giờ trưa, thời khắc mà bà Kim Cúc đến tiệm trễ hơn thường nhật khoảng một giờ đồng hồ
Trước giờ đi làm bà đã nhận những món quà Lễ Tình Yêu bất ngờ do ông Hoàng trao cho và bà đã dành cho ông một thời gian âu yếm khác hơn thường ngày. Sau khi ông Hoàng rời khỏi nhà, bà đã trưng bày và dọn cất những món quà một cách tỉ mỉ và chăm chút. Con gấu bông trắng và hộp kẹo trái tim được đặt trên chiếc bàn nhỏ cạnh ngọn đèn chớp nháy nơi đã có những con gấu to, nhỏ với những chữ “Anh Yêu Em” mà bà có được từ những ngày lễ Tình Yêu từ những năm trước. Những cánh hoa hồng được chia ra và cắm vào hai cái bình, lọ theo cách trang trí riêng, rồi được đặt trên các mặt bàn hay tủ. Sắp đặt xong, bà Kim Cúc đã đi từ phòng ngủ đến phòng tắm riêng của vợ chồng bà để nhìn lại công trình của mình và an tâm rằng chồng bà sẽ thích thú khi trở về. Bà đã chỉnh cho con gấu bông trắng ngồi ôm trái tim đỏ có chữ Anh Yêu Em ngay ngắn hơn bên cạnh cái bình đựng chín cánh hoa hồng và hộp kẹo có hình trái tim. Sau đó, bà đã lau lại mặt kính của tấm đỡ dưới chiếc gương lớn trước khi đặt lại chiếc lọ cao cổ bằng thủy tinh trắng có một đóa hồng duy nhất bên cạnh chiếc đèn cầy đỏ trên chiếc đĩa thủy tinh nhỏ hình trái tim. Chiếc đèn cầy mới này sẽ cùng những cây đèn cầy có sẵn cạnh bồn tắm, trên chiếc bàn ngủ, và trên tủ trang điểm được thắp sáng và tỏa mùi hương dịu dịu khắp phòng khi vợ chồng bà họp mặt lại sau một ngày làm việc. Và như thế, vẫn như những ngày lễ Tình Yêu hàng năm, ánh sáng dịu dàng của nến, mùi hương ngọt dịu của hoa, và tiếng nhạc êm dịu của những bài tình ca sẽ đưa họ về tình yêu thời son trẻ để rồi cuộc hôn nhân của họ sẽ được ghi thêm tuổi.
Những cánh hoa của ngày lễ Tình Yêu được nhận ở nhà trước giờ đi làm ngỡ đâu chỉ là bất ngờ duy nhất trong ngày, những cánh hoa hồng tươi đẹp trên các bàn làm việc của các cô thợ đã làm bà Kim Cúc ngạc nhiên không kém. Ngạc nhiên hơn nữa là những khuôn mặt ngớ ngẩn của các cô thợ và tiếng nhạc Việt đang vang khắp tiệm. Cứ như là một cái bóng thoáng qua các bàn làm móng tay, nơi mà các cô thợ đang thực hiện các thao tác làm cho khách chậm chạp như những người máy thiếu điện, bà chỉ được những tiếng chào “Hi chị Ann” một cách chiếu lệ. Khuôn mặt ngờ nghệch của họ biểu lộ rõ ràng thái độ hờ hững với công việc đang phục vụ cho cho khách và tập trung sự chú tâm cho lời tình ca tiếng Việt đang ngân nga bởi một nam ca sĩ nào đó mà bà Kim Cúc chẳng biết tên “Yêu ai, yêu cả một đời tình những quá khắc khe khiến cho đời ta đau khổ cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ...”. Lướt mắt nhìn các cô thợ một cách dị kỳ khi đi đến phòng để vật dụng của nhân viên và trở về bàn làm việc của mình, nơi bà đã biết chắc là chẳng có đóa hoa nào dù cúc hay hồng, bà Kim Cúc dừng ánh nhìn nơi anh Duy Anh tại quầy tiếp khách. Nhiều lần bà Kim Cúc căn dặn với đám thợ là mở phim tiếng Việt hay mở các bài ca tiếng Việt trong khi có nhiều người khách không nói tiếng Việt ngồi đầy trong tiệm là tối kỵ. Cho nên khi ngồi xuống chiếc ghế tại bàn làm việc của mình, bà Kim Cúc suy nghĩ cách nói lịch sự nhất và hợp lý nhất để yêu cầu người quản lý thay nhạc Mỹ cho băng nhạc tình ca Việt Nam mà anh đang mở ra. Tuy nhiên trong khi miên man suy nghĩ lời mở đầu của sự đề nghị, tâm trí của bà đã từ từ lơ lửng theo tiếng nhạc trầm buồn và lời ca tha thiết nỉ non “Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày là đến với đớn đau. Nhưng sao trong ta vẫn yêu, vẫn nhớ. Dầu sao, dầu sao nếu có một ngày. Một ngày ai gieo tim ta rồi tình yêu kia ly tan mà lòng vẫn thương vẫn nhớ. Tình đó khiến cho lòng ta đau rồi với bao ngày lặng lẽ sống nỗi đau trong lòng người yêu vẫn yêu hoài. Yêu ai, ai hiểu được........”
- Chị Tảo muốn nói chuyện với chị. Anh Duy Anh nói khi đứng bên cạnh bàn làm làm việc của bà Kim Cúc.
Bà Kim Cúc giật mình nhìn lên, vội vã nhận lấy chiếc ống nghe điện thoại không dây:
- Cảm ơn em!
Chưa kịp chào người bên kia đầu dây, bà Kim Cúc đã nghe tiếng khóc nức nở:
- Chị Hoàng đó phải không? Em khổ quá chị ơi!
- Dạ em đây! Có chuyện gì thế hả chị Tảo?
- Không ngờ được chị ơi! Không ngờ chồng em gạt em!
Bà Kim Cúc hốt hoảng đứng phắt dậy, bước tất tả ra phía sau tiệm trong khi rót từng lời vào giữa cái lỗ nhỏ của đôi tay bụm quanh ống nghe điện thoại:
- Anh Tảo gạt chị? Ảnh gạt chị chuyện gì vậy chị? Hồi giờ ảnh có gạt gẫm ai đâu?
- Em không có nói là ảnh gạt tiền bạc. Ảnh phản bội em! Ảnh có vợ bé ở Việt Nam rồi chị ơi! Ảnh có con riêng với người ta rồi! Em không ngờ ảnh đối xử với em như vậy!
- Chị bình tĩnh lại đi! Có thể là tin đồn bậy bạ. Từ từ tìm hiểu sự thật đã chị! Bà Kim Cúc nói thật nhỏ vào chiếc ống điện thoại không dây cho dù chẳng có một người nào đứng trong phòng ăn cuối tiệm.
- Sự thật đã rõ ràng lắm rồi chị à! Hồi giờ cứ nghe ảnh nói về thăm má ảnh, chăm sóc má ảnh bệnh em cũng tin vậy nên cứ đầu tắt mặt tối lo làm nuôi con và tạo cho ảnh điều kiện làm tròn bổn phận làm con. Ai dè hôm qua em gọi điện thoại về nhà con cháu ảnh hỏi thăm, nó kể cho em nghe là má ảnh đâu có bệnh hoạn gì; bà chỉ bị đau nhức vì già cả chút đỉnh thôi. Nó còn kể cho em nghe là ảnh chung chạ với con nhỏ hàng xóm gần xóm nhà má ảnh lâu rồi mà không có ai dám báo cho em biết. Cũng khổ là chỗ quê nội sắp nhỏ rất khó liên lạc bằng điện thoại. Muốn gọi hỏi thăm hay nhắn gửi gì phải nhờ điện thoại của đứa cháu tận thị trấn cho nên khi em biết được thì ảnh đã có con với con nhỏ đó rồi. Chị có ngờ được ảnh làm chuyện “động trời” như vậy không? Hèn chi mà ảnh cứ kiếm cớ về việt Nam hoài đó chị!
- Đứa bé con riêng của ảnh bao nhiêu tuổi rồi? Đứa bé ấy...
Bà Kim Cúc ngập ngừng chưa dám hỏi thêm, bà vợ ông Tảo tức tưởi khóc khi trả lời:
- Con trai chị Hoàng ơi! Thằng nhỏ đó gần được hai tuổi rồi! Không dè ảnh muốn “kiếm” con trai mà ảnh giấu em!
- Chuyện đâu còn đấy. Chị hãy tìm hiểu cớ sự ra sao rồi từ từ giải quyết chứ... đừng nên để mọi người biết chuyện riêng của gia đình chị ạ. Giọng nói bà Kim Cúc ngập ngừng và rời rạc như thể bà đã hết từ dùng khi an ủi người đồng phái
- Ngày hôm nay là ngày nghỉ của em, em đang gọi chị ở nhà chứ không phải tại chỗ làm, cho nên không có ai nghe cả. Tại em rối trí quá không biết chia sẻ cùng ai nên em đành gọi chị tâm sự. Chị có bận không? Tối nay em có thể đến tiệm chị được không?
- Hôm nay là ngày lễ nên em có nhiều khách hẹn lắm. Nếu chị muốn gặp em thì đến trước giờ đóng cửa tiệm, có gì chúng ta sẽ nói chuyện thêm.
Ấn nút tắt máy điện thoại để chấm dứt cuộc điện đàm, bà Kim Cúc vẫn còn chao đảo với những điều vừa được nghe tuy nhiên bà phải vội vàng đi về chỗ bàn của mình để bắt tay phục vụ cho những người khách có hẹn như bà đã nói. Chào, cười, và đưa khách vào nơi làm việc xong, bà im lặng với công việc quen thuộc của mình và bỏ mất hẳn thói quen dùng những câu hỏi gợi mở để kích thích sự ham thích nói chuyện của người đối diện. Văng vẳng và chập chờn bởi những tiếng khóc than, lời tình ca nhạc Việt và những cánh hoa hồng, bà Kim Cúc đã rơi vào trạng thái buồn vui lẫn lộn để rồi bà đã bộc lộ nỗi ưu phiền không thốt ra được qua các mẫu vẽ trừu tượng và cụ thể trên những móng tay và móng chân của các cô khách. Thoạt tiên là mẫu hình sặc sỡ với bốn màu với các đường dài ngắn đối ngược và những chấm tròn to nhỏ mà một cô khách chọn trong mẫu trưng bày, kế đến là màu vàng nhũ phơn phớt với màu xanh lá chết nhạt và các đường mỏng màu bạc và trắng cố hữu của một người khách đứng tuổi. Tiếp theo đó là nhiều mẫu vẽ khác với các màu sắc khác nhau mà càng vẽ, bàn làm việc của bà càng đầy những chai nước sơn đủ màu. Thoăn thoắt đôi tay, bà đã sử dụng các màu nước sơn và màu vẽ một cách vô định và không kế hoạch. Có lúc bà sơn một màu riêng lẻ, có khi bà kết hợp các màu theo nhóm hòa hợp. Tuy nhiên dù sơn màu thế nào, bà đã sử dụng lối dùng màu tương phản hay hài hòa và các trang trí bằng các đường vẽ thẳng, cong hay ngắn, dài và bằng các chấm tròn to nhỏ để tạo ra những mẫu hình trừu tượng đẹp mắt ưa nhìn. Có lúc bà thay đổi mẫu hình trừu tượng vô thể bằng những chiếc hoa rõ ràng cụ thể. Những đóa hoa bốn cánh màu hồng, vàng, cam hay tím được chấm nhụy bằng những dấu chấm tròn màu đen hay trắng và được điểm thêm những chiếc lá hay những đường cong ngắn dài đơn giản. Trừu tượng hay cụ thể, càng vẽ bà càng sáng tạo ra nhiều mẫu hình khá đặc biệt. Mẫu nọ khác mẫu kia và mỗi mẫu vẽ đều có vẻ đẹp duyên dáng riêng của nó.
- Bà không cho một chút màu đỏ nào cho ngày lễ tình yêu hôm nay ư?
- Không thưa cô! Bởi vì chiếc hoa này có màu vàng tím pha với màu tím cho nên nó không nên có thêm màu đỏ!
- Chiếc hoa rất lạ! Hình như đây là lần đầu tiên bà vẽ nó?
- Đúng vậy thưa cô! Nhưng cô sẽ không bao giờ quên tên nó bởi vì nó có tên “Xin Đừng Quên Tôi”!
- “Xin Đừng Quên Tôi”! Tôi chưa từng nghe loại hoa nào có tên như thế nhưng tôi lại thấy thích kiểu hoa lạ này. Bà làm ơn vẽ mẫu vẽ này trên tất cả các ngón tay của tôi đi!
- Tôi nghĩ là cô chỉ nên có một đóa “Xin Đừng Quên Tôi” trên ngón tay đeo nhẫn của mỗi bàn tay là đủ. Trên các ngón khác, tôi sẽ sơn mầu tím đậm nhạt ngoài đầu móng như sơn trắng kiểu Pháp. Sau đó tôi sẽ trang trí thêm bằng những đường cong với nét đậm nhạt và các chấm tròn to nhỏ màu trắng một cách hài hòa và đơn giản cho cô.
- Vâng, tùy bà. Tôi tin vào sự sáng tạo và khéo tay của bà lắm! Tôi chỉ không hiểu sao bà dùng nhiều màu tím trong ngày lễ tình yêu.
- Màu tím trông buồn bã nhưng lại là màu chung thủy. Theo tôi nó là màu đặc biệt cho ngày lễ hôm nay.
- Tôi không biết nhiều về ý nghĩa của các màu nhưng tôi cũng không nghĩ mình nên lạm dụng khá nhiều màu đỏ cho ngày lễ Tình Yêu.
- Vâng, đó là một sự đơn điệu, thưa cô.
Bà Kim Cúc gượng gạo trao đổi những câu đối thoại để khỏa lấp giây phút nặng nề của sự im lặng đến lạ kỳ. Khi người khách cuối cùng đứng lên và các cô thợ lần lượt chào ra về là lúc bà vợ ông Tảo bước vào tiệm với khuôn mặt buồn bã và thất thần. Bà Kim Cúc đứng dậy, chào mời và chỉ chỗ cho bà Tảo ngồi chờ, rồi nói với anh Duy Anh:
- Hôm nay tôi sẽ khóa cửa tiệm, em không phải chờ!
Anh Duy Anh nói:
- Em đã tính toán số thành của từng thứ và xếp gọn toàn bộ số tiền trong tủ, chị nhớ lấy dùm.
- Tôi sẽ đem về, không phải lo gì cả, em về đi!
Nói xong, bà Kim Cúc đứng chờ anh Duy Anh và cô Vân ra khỏi tìệm rồi bấm nút điều khiển từ xa để khóa cửa.
- Thằng Duy Anh này đàng hoàng và thật thà lắm phải không chị? Chị Dung của nó cũng thật thà như vậy đó chị! Biết chị em nó là người đáng tin nên em mới nói anh Tảo giới thiệu cho anh chị đây.
Câu nói mở đầu có tên chồng tưởng đâu bà Tảo sẽ kể cho bà Kim Cúc thêm nhiều chuyện bí mật và nhiều điều cần kíp hay quan trọng khi mà bà đã bỏ công lái xe ba mươi phút từ nhà đến tiệm Bàn Tay Đẹp trong thời khắc khá tối và khá trễ sau một ngày làm việc của bà Kim Cúc, bà chỉ lập đi lập lại những điều đã thố lộ với bà Kim Cúc lúc sáng. Sau khi than trách chồng lừa dối phản bội, kể lể những sự vất vả mà bà đã làm cho gia đình chồng, và khóc lóc cho thân phận trái ngang, bà Tảo đã hỏi ý kiến bà Kim Cúc về phương cách mà bà cần đối phó với ông Tảo khi ông trở lại. Bà Kim Cúc nói với bà Tảo là bà không thể làm người cố vấn cho bà Tảo bởi vì bà chưa từng trải nghiệm chuyện như thế xảy ra trong đời bà, hơn nữa bà vẫn không tin được là ông Tảo có thể bội bạc vợ một cách trắng trợn như thế. Bà Kim Cúc cũng đã khuyên bà Tảo bình tĩnh chờ ông Tảo về rồi giải quyết chuyện gia đình một cách êm đẹp và sáng suốt hơn chứ đừng nên “vạch áo cho người xem lưng”. Đến lúc ấy, bà Tảo tiết lộ thêm với bà là đã được trực tiếp nói chuyện với ông Tảo qua điện thoại và là vợ chồng bà đã cãi vã hơn nửa giờ đồng hồ khi ông bác lời yêu cầu của bà đòi ông trở lại Mỹ ngay và khăng khăng sẽ ở lại Việt Nam sau khi giấy hộ chiếu tái gia hạn hết hạn. Bà Tảo còn cho bà Kim Cúc biết thêm là ông Tảo đã hăm he làm đơn ly dị với bà để bảo lãnh cô vợ lẽ và đứa con trai riêng của ông sang Mỹ. Sau khi khóc lóc, kể lể một hồi nhưng không được bà Kim Cúc góp ý cho câu chuyện khá phức tạp của mình, bà Tảo đành xin cáo từ. Trước khi ra về, bà đã xin bà Kim Cúc cho bà được làm vào ngày thứ ba và thứ tư trong tiệm Bàn Tay Đẹp. Bà nói là bà cần làm thêm trong hai ngày nghỉ ở tiệm bà đang làm để giải khuây. Được bà Kim Cúc vui vẻ chấp thuận lời yêu cầu, bà ríu rít cảm ơn.Sau đó bà xin kiếu và căn dặn bà Kim Cúc cẩn thận khi ở lại một mình trong tiệm. Bà Kim Cúc mỉm cười tự tin khi nhìn thấy người lao công quét dọn bước vào tiệm và hai người giữ an ninh thương xá qua lại gần đấy.
Khi bà Kim Cúc thu dọn bàn làm việc của mình và các vật dụng cá nhân xong là lúc người lao công chào tạm biệt với bà bằng tiếng Mỹ với giọng Tây Ban Nha. Đến quầy tiếp khách của anh Duy Anh, mở hộc tủ lấy tiền để chuẩn bị ra về, bà thấy một bì thiệp màu hồng phấn trang nhã và lạ mắt nằm ngay ngắn trên chiếc hộp thiếc. Tò mò mở ra, bà đọc vội hàng chữ được viết rõ ràng và ngay ngắn: “Tình yêu không phải chỉ biểu lộ bằng một đóa hoa hồng, nó là sự câm nín dày vò mà tôi không thể nào hùy bỏ hay lãng quên.” .
Tiếng gõ trên mặt kính cửa làm bà Kim Cúc giật mình ngẩng đầu lên và ngập ngừng đưa tay cao chào đáp lại bà chủ tiệm Fast Food Tàu, người đang vẫy tay chào tạm biệt. Run toàn thân như vừa bị bắt gặp quả tang làm chuyện phi pháp, bà lính quýnh đút tấm thiệp vào phong bì, đặt nó lại đúng như vị trí ban đầu, rồi vội vã lấy tiền bỏ vào xách tay trước khi đóng hộc tủ lại.
Tất tả tắt đèn, khóa cửa và đi như chạy đến bãi đậu xe, cảm giác run run trong bà vẫn còn. Làm ấm xe một lúc, bà lái chầm chậm ra đến bảng dừng lại bốn phía để chờ đến phiên mình. Gần mười giờ đêm mà những luồng xe ra vào khu thương xá vẫn còn dày đặc. Lơ đãng nhìn những chiếc xe di chuyển một lúc, bà bất thần đưa mắt nhìn về phía bên hông cửa hành khách nơi mà trực giác cho biết có người đang nhìn lén. Trong chiếc xe xám ở một góc tranh tối tranh sáng của bãi đậu xe, một người đang ngồi nơi ghế của tài xế nhìn về hướng bà với đóm thuốc lá trên vô lăng. Đóm lửa của điếu thuốc di chuyển và sáng bập bất chợt trước khuôn mặt không giúp bà nhận ra người ấy là ai tuy nhiên màu và bảng số của xe đã tiết lộ cho bà biết chắc chắn là chiếc xe thuộc về anh Duy Anh chứ không phải của một ai khác trong tiểu bang Maryland này.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 14
Bà Tảo ngồi một mình cạnh bàn nhỏ trong phòng ăn của tiệm Bàn Tay Đẹp, tay cầm con dao nhỏ đưa lên xuống nhịp nhàng gọt táo trong khi miệng nhai nhóp nhép. Trước mặt bà là đĩa trái cây gồm có nho tím đỏ, lê châu Á vỏ nâu và ổi xanh lá cây nhạt gần như trắng mướt bên cạnh gói nhựa có chứa những ổ bánh bao trắng mịn và to tròn. Trong tám ngày của bốn tuần làm việc tại tiệm Bàn Tay Đẹp, bà Tảo thường có mặt sau phòng ăn hoặc lảng vảng tại bàn làm việc của các cô thợ và bàn làm việc của bà Kim Cúc hơn là ngồi cố định ở bàn làm việc do bà Kim Cúc đã chỉ định cho. Là thợ làm móng tay lâu năm nhưng chỉ làm ở các tiệm móng tay trong các khu Mỹ da trắng, bà Tảo không có nhiều kinh nghiệm làm móng bột và vẽ mẫu trên móng. Kinh nghiệm chính về sơn màu trơn và làm tay chân nước của bà có từ các tiệm mà bà làm trước kia đã không tạo cho bà uy tín gầy dựng khách trong thời gian thời tiết của miền đông nước Mỹ vẫn còn khá lạnh và tay nghề của các cô thợ trẻ của bà Kim Cúc khá cao. Dù không kiếm thu nhập thêm bao nhiêu bà Tảo vẫn tiếp tục dành thời gian cho tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá B. với lý do “giải khuây, và giải buồn” như bà nói nhiều lần với bà Kim Cúc. Cũng vì “giải khuây, và giải buồn” bà này đã không những lân la đến các bàn làm việc của các cô thợ để hỏi chuyện làm quen mà còn tâm sự những điều mình có với họ. Và như thế, chuyện ông Tảo có nhân tình và con riêng tại Việt Nam được bà Kim Cúc giữ kín chỉ trong vài ngày, bị đưa ra bàn tán xôn xao bởi đám thợ và bà Tảo. Dù đã biết trước tính tình hay nói chuyện mình, thường kể chuyện người, và luôn lập luận “chuyện bí mật mà người ta không giữ nổi phải kể tôi nghe thì làm sao tôi giữ cho họ được?” của bà Tảo, bà Kim Cúc không thể ngờ chuyện riêng tư của người quản lý uy tín của bà bị tiết lộ bởi vợ và đồn ầm bởi các nhân viên của ông ngay tại nơi làm việc của ông. Và điều này đã làm bà Kim Cúc hết sức bất mãn bà Tảo vì bà luôn luôn hy vọng ông Tảo trở lại làm việc cho bà sau chuyến đi Việt Nam của ông ta. Không nhận rõ nét mặt nghiêm trọng khác thường của bà Kim Cúc khi bà này bước xuống phòng ăn, bà Tảo lên tiếng gọi mời:
- Ăn với em miếng táo này đi chị Hoàng. Táo này loại táo châu Á, vừa thơm vừa ngon đặc biệt chứ không giống như các loại khác.
- Cảm ơn chị, em không quen ăn trái cây vào lúc ban sáng.
- Vậy thì ăn một cái bánh bao này đi. Loại bánh bao thập cẩm này này có lạp xưởng đặc biệt thơm ngon lắm chị à. Em mua nhiều cho tất cả mọi người trong tiệm, đừng ngại mà từ chối.
- Dạ không, em không ngại gì cả! Em đã ăn sáng rồi, cảm ơn chị!
- Ăn rồi thì ăn thêm chút nữa có sao đâu! Mình đã lớn tuổi cần gì phải ăn kiêng, cần gì phải giữ thân hình đẹp như tụi trẻ chứ! Ăn uống là một cái lạc thú của con người, nếu vì giữ thân hình đẹp mà hạn chế cái miệng, cái lưỡi thì sống chẳng còn ý vị gì cả chị à!
- Em chẳng ăn kiêng gì đâu! Tính em xưa giờ vẫn thế, ngon hay dở em cũng ăn vừa đúng, không thêm cũng không thiếu, vừa đủ thôi! Giọng nói của bà Kim Cúc thoáng chút gay gắt.
- ...nhưng mà chị nhịn ăn quá cho nên thân mình đẹp mảnh mai cân đối chẳng khác gì mấy cô gái trẻ, còn em càng lúc càng phì. .. Bà Tảo nói giọng xì xòa, vuốt giận.
Bà Kim cúc lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế cao đối diện bà Tảo không trả lời. Nghiệm lại lời vừa nghe, bà không thể phủ định những điều bà Tảo vừa nói ra. Tuy nhỏ thua bà ba tuổi, cái mặt tròn như bánh bao lớn, cằm đôi xệ nọng và đôi mi mắt kéo sụp đã tạo cho bà Tảo một khuôn mặt nặng nề và già dặn của một người đàn bà nhiều tuổi và ít hoạt động. Thân hình ngắn ngủn và phục phịch của bà không làm cho ai tin được bà chỉ có hai đứa con và hai đứa con ấy đã lớn. Nhìn bà, bà Kim Cúc tưởng tượng ra được hình ảnh tương phản của cô nhân tình của ông Tảo dù bà chưa từng gặp mặt. Thở dài ngao ngán, bà Kim Cúc nói với bà Tảo:
- Em thấy chị lái xe xa xôi đến tiệm em làm mà không có khách, em ái ngại quá!
Bà Tảo cười xuề xòa:
- Không sao đâu mà chị! Em ra đây có người nói chuyện là em thấy đỡ buồn rồi. Tại chỗ tiệm em làm ai cũng phải lấy hai ngày nghỉ mà ở nhà má em hay hỏi đủ thứ chuyện làm em rối trí quá phải tránh mặt.
- Chị muốn đến tiệm em lúc nào cũng được thôi nhưng mà em đang nghĩ cách để cho chị kiếm thêm tiền. Làm ở đây mà chị chờ tay chân nước để làm thì không kiếm đủ chi phí cho phương tiện đi lại chứ đừng nói chi chuyện kiếm thu nhập hàng tháng cao hơn.
- Được đồng nào hay đồng nấy chị ơi! Cho em làm ở đây là em vui rồi, từ từ khách biết em làm thế nào họ sẽ lấy hẹn với em thôi. Đừng lo cho em gì cả!
- Em nghĩ là chị nên học thêm cách vẽ trên móng bởi vì hầu hết các người khách của em là người Mỹ gốc Phi. Họ thích các mẫu vẽ trên móng nên chẳng ngại chi tiền cho món phục vụ này.
- Em có học qua rồi nhưng không làm được! Em không có khiếu đâu!
- Em tin là chị làm được! Miễn là chị chịu khó thực tập một thời gian là làm được thôi! Móng tay giả, nước sơn móng tay, màu vẽ em mua sỉ không tốn bao nhiêu tiền chị cứ lấy thực tập tùy thích, đừng ngại gì cả! Nếu chị cần em chỉ điều gì, em sẽ bày cho chị.
- Đừng lo cho em quá chị Hoàng ơí! Em nói là em “ô kê” mà!
- Em thực tình muốn chị kiếm tiền thêm qua các mẫu vẽ. Làm ở tiệm em biết vẽ kiếm tiền dễ dàng hơn làm tay chân nước nữa đó! Em sẽ bày chị bí quyết cách pha màu và phối hợp các chi tiết ra sao. Biết cách thì vẽ không khó đâu!
- Thôi đi! Em nói là em làm không được, đừng lo nghĩ gì cho em nữa cả!
- Bây giờ thì không được nhưng sau khi thực tập trên các móng tay giả một thời gian là chị vẽ được ngay! Lúc đầu tất nhiên là chị vẽ không được đẹp nhưng thực tập hoài hoài thì sẽ đẹp thôi. Chị nên tập vài cái mẫu “ruột”, khi nào khách yêu cầu chị vẽ tự do thì chị vẽ cho họ. Nếu vẽ xong mà họ không chịu, đòi xóa thì gọi em vẽ dùm cho chị. Đa số khách ở đây thích vẽ trên móng, chị vẽ chỉ một ngón tay thôi, chẳng tốn bao nhiêu phút đã được ba đô rồi.
- Em biết vậy chớ nhưng em không có khiếu. Em vẽ không được, vẽ xấu lắm!
- Vì vẽ chưa được đẹp nên em mới nói là chị cần tập dượt trong lúc chưa có khách như lúc này. Em coi chị như chị em ruột nên em mới nói với chị lời này, chị suy nghĩ lại đi!
Dứt lời khuyên, bà Kim Cúc chăm chăm chờ sự ưng thuận của bà Tảo. Ánh mắt long lanh trên khuôn mặt sáng của bà toát nên sự nhân hậu và thành tâm. Thật sự là bà Kim Cúc hết lòng muốn giúp bà Tảo kiếm nhiều tiền hơn qua chuyện nâng cao tay nghề. Bà quan tâm và lo lắng cho bà Tảo không phải chỉ vì thương hại cho hoàn cảnh, hay vì đồng giới tính, mà vì tình thâm giao gắn bó giữa vợ chồng bà và vợ chồng bà Tảo và vì mối quan hệ “dây mơ rễ má” giữa ông Hoàng, ông Tảo, ông Tiến, ông Thương và ông Huy. Năm 1988 khi vợ chồng bà gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với những tiệm làm móng tay tại Santa Anna, California chính ông Tảo là người đưa đường dẫn lối cho vợ chồng bà về Maryland sinh sống làm ăn. Sở dĩ ông Tảo làm như thế vì ông Tiến, người anh ruột của ông, muốn ông hết lòng giúp đỡ gia đình ông Hoàng, em ruột của ông Huy. Ông Huy, ông Thương và ông Tiến là bạn tri kỷ và là những người lính Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sau khi mãn tù cải tạo, ông Huy về thẳng Long Xuyên ẩn cư trong khi ông Tiến và ông Thương trở lại Sài Gòn quyết chí tìm đường vượt biển đến thành công. Tuy ba người bạn thân ở ba nơi khác nhau và có hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau họ vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Ông Tiến và ông Thương trốn khỏi nước bằng hai chuyến vượt biển khác nhau, ở hai trại tị nạn khác nhau, đến Mỹ vào thời gian khác nhau và làm việc khác nhau nhưng họ đã cùng chuyển về định cư tại Maryland nơi mà vợ chồng ông Tảo cùng hành nghề móng tay. Sau một thời gian lận đận với các công việc đưa báo, lao công, và làm công nhân ở các hãng bánh, hãng nước hoa, hãng tem thư, và hãng in, cả hai ông Tiến và Thương đã chuyển sang nghề móng tay của vợ chồng ông Tảo và sau này làm chung với vợ chồng ông Hoàng. Họ chuyển nghề móng tay không phải vì muốn kiếm tiền dễ dàng hay được thu lợi tức bằng nhiều hình thức như ngân phiếu hay tiền mặt mà chỉ vì muốn gặp nhau thường xuyên hơn và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Cả ông Tiến và ông Thương đều là người sống tự do, phóng khoáng và bất cần. Họ không hề đặt nặng vấn đề ngân khoản của mình trong ngân hàng nhiều ít, không màng chuyện có bảo hiểm sức khỏe là vấn đề cần thiết trong đời sống con người và cũng không bao giờ quan trọng hóa tiền hưu trí hay các phúc lợi khác khi về già. Sở dĩ họ quẳng được gánh lo ở đời và vui sống với những gì có được hàng ngày vì cả hai đều trải qua quá nhiều sự thăng trầm của cuộc đời và vì sự độc thân hiện hữu của họ. Kể từ ngày thất lạc người yêu vào năm 1975 ông Tiến chưa từng quen thêm một người đàn bà hay cô gái nào. Còn ông Thương, từ lúc vợ đem con đi theo tiếng gọi của tình yêu mới trên xứ sở tự do, trở nên đơn độc chẳng khác gì ông Tiến. Là bạn tâm đắc, cả hai ông có thể nói chuyện với nhau hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng và lâu hơn thế nữa. Những câu chuyện mà họ bàn tán khi tụ tập tại các tiệm Bàn Tay Đẹp hay tại nhà ông bà Hoàng thường là những câu chuyện về quá khứ, về chiến tranh, về thời sự, về tình yêu, tình bạn và về thế thái nhân tình. Họ thường kể cho nhau nghe những chuyện trước thời gian năm 1975, chuyện trong tù cải tạo, chuyện vượt biển và bàn luận về đời sống tại Mỹ. Mỗi khi câu chuyện trở nên thích thú và sôi nổi thì họ mở nhiều bia hơn hay cụng lon nhiều hơn. Những lúc nhắc đến các chuyện phật ý, nhiều tiếng chửi Đ. M đệm liên tục trong các câu nói của ông Tiến. Mỗi lần nghe ông chửi thề các cô thợ của các tiệm Bàn Tay Đẹp thường đưa mắt lạ lùng nhìn nhau bởi vì chữ chửi thề mà ông nói khác với chữ chửi thề của những người từ Bắc vào miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Thay vì chữ M được gọi là “má” như của ông Tiến là chữ “mẹ” còn chữ Đ. cũng được thay bằng một chữ tục khác mà nghĩa tương tự chứ chẳng thay đổi một li nào. Có lẽ ảnh hưởng cuộc sống không suôn sẻ và cũng vì quán tính mà ông Tiến thường đệm hai tiếng Đ. M trong khi nói. Ông nói nhiều tiếng chửi thề đến độ các cô thợ của tiệm Bàn Tay Đẹp của thương xá P. đặt cho ông bí danh là Tiến Đan Mạch. Sở dĩ các cô dành cho ông một từ thanh lịch dễ nghe như thế vì họ không muốn nhập tâm với từ chửi thề thường dùng của ông ta. Dù là sợ nhập tâm và sau đó phát ra khỏi miệng những tiếng chửi thề của ông Tiến một cách vô thức, các cô thợ của các tiệm Bàn Tay Đẹp thường vây quanh ông Tiến và ông Thương hay thỉnh thoảng có thêm ông Hoàng hay ông Tảo để nghe họ bàn chuyện. Họ tò mò ngóng chuyện của những người đàn ông ngoại tứ tuần này vì muốn tìm hiểu nguyên do các ông này có thể tuôn ra hàng vạn chuyện xưa, tích cũ bất kỳ lúc nào dù chỉ gặp nhau vài phút hay chỉ với một cốc cà phê, một tách trà, một ly rượu, một lon bia và ngay cả một ly nước lã. Chứng bệnh “đói nói” và “thèm chuyện” của những người đàn ông này đã làm cho những người chứng kiến thấy rằng nói là nhu cầu tâm tình và giải bày cần thiết nhất trong đời sống của họ. Và như thế, tính “thích nói chuyện” có thể tạm coi là lý do mà hai ông Tiến và Thương lao vào cái nghề chẳng thích hợp với ngoại hình đô cao to khỏe đầy nam tính của họ và lý giải cho việc họ theo đuổi nghề làm móng tay. Tuy là thế, bà Kim Cúc vẫn thường cảm thấy xốn xang, và bứt rứt mỗi khi chứng kiến hình ảnh trái ngược đến xót xa trong thời gian cùng làm việc với họ nhất là với ông Tiến. Cùng chung một nguyên tắc là không phục vụ móng tay, móng chân cho đàn ông, dù là đàn ông của bất kỳ sắc tộc nào, nhưng ông Tiến không may mắn như ông Thương là người đắp móng bột rất thẩm mỹ, như ông Hoàng là người thổi máy air brush tài tình, hay như ông Tảo là người vẽ mẫu thiện nghệ. Ông ta chỉ có thể làm tay chân nước và làm hết sức chậm chạp và vụng về. Cũng vì sự giới hạn khả năng hành nghề, ông đã nhận làm móng chân nước cho các bà các cô và đã đền bù cho sự khiếm khuyết trong nghề nghiệp của mình bằng thời gian xoa bóp lâu hơn và kỹ lưỡng hơn. Mỗi khi nghe đề cập chuyện đàn ông làm móng tay, móng chân, hình ảnh ông Tiến ngồi phục vụ chăm chút cho các bà các cô tại bồn làm spa chân ở tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá P. luôn luôn hiện ra trong tâm trí của bà Kim Cúc. Lưng thẳng, vai đô, và bắp tay rắn chắc có hình xăm chẳng khác lực sĩ thượng hạng, ông Tiến thường ngồi ngay ngắn và nghiêm trang trên chiếc ghế nhỏ đối diện dưới chân các cô khách trong lúc nâng bàn chân họ để cắt, xén, tỉa, gọt, mài, giũa, lau chùi hay xoa bóp. Xuyên ánh nhìn qua đôi kính trắng, đôi mắt ông chòng chọc không rời trên các ngón chân của các cô trong khi ông cẩn thận bấm mũi kềm để cắt từng chút một các da chết xung quanh móng. Đối phó với công việc ngoài khả năng của mình như thế, ông thường im lặng. Bộ dạng nghiêm trang của ông lộ rõ sự cố gắng và cần mẫn của ông trong việc tạo uy tín với khách bằng sự làm việc tận tâm hơn là những câu hỏi gợi chuyện hay những lời khen theo tập quán của người hành nghề. Tuy nhiên, bất kể ông đã cố gắng thể nào và làm chăm chút ra sao, sau thời gian hơn một giờ đồng hồ vượt “kỷ lục làm chậm” để hoàn thành tất cả các bước làm sạch, tỉa, giũa, xoa bóp và sơn phết, ông nhận ngay những lời phẫn nộ và bất bình của các cô khách thay vì tiền thưởng. Mỗi lần như thế, bà Kim Cúc tưởng ông sẽ bỏ nghề làm móng tay vì tự ái thế mà ông vẫn tiếp tục cho đến khi vợ chồng bà mời ông làm quản lý cho tiệm Bàn Tay Đẹp đầu tiên.
- Trời cho ai năng khiếu nào thì kiếm tiền được dễ dàng với năng khiếu ấy phải không chị?
Bà Tảo hỏi như vừa đọc xong ý nghĩ của bà Kim Cúc khiến cho bà này giật mình trở lại thực tế:
- Đúng vậy, nhưng nếu chúng ta muốn đạt kết quả cao trong công việc thì phải thực tập hàng ngày. Chúng ta có thể làm được điều đó bởi vì dầu sao bàn tay đàn bà của chúng ta mềm mại hơn của đàn ông
- Vậy thì em nghe lời chị. Em sẽ quyết tâm học vẽ kể từ ngày hôm nay.
Bà Kim Cúc vui vẻ đứng lên
- Chị tập vẽ trong lúc tiệm đang ế như thế này là thích hợp lắm! Để em lấy đồ nghề vẽ của em cho chị mượn.
Dợm vài bước, bà đã bị chặn lại bởi anh Duy Anh ngay giữa lối đi.
- Em muốn nói gì? Bà Kim Cúc hỏi.
- Em muốn xin phép nghỉ để đi kiếm người mẫu. Ngày mốt em phải thi lấy bằng nail rồi.
- Mau vậy hả?
- Em lấy đủ giờ từ lâu rồi nhưng vì chưa kiếm được người mẫu nên phải đợi đến bây giờ mới ghi danh thi.
- Không hề gì.Tôi sẽ quản lý tiệm thay em trong hai ngày.
- Em cần nhiều hơn hai ngày. Cho em nghỉ năm ngày được không?
Bà Kim Cúc gật nhẹ đầu theo đôi mắt van nài:
- Được, không sao.
Anh Duy Anh ngập ngừng nói thêm:
- Và bây giờ chị cho phép em về sớm được không? Em có chuyện phải về sớm.
Bà Kim Cúc lại gật đầu nhưng ánh mắt tỏ đầy vẻ nghi ngại:
- Cũng được! Hôm nay tiệm khá ế em về cũng không hề gì.
Bước vội vã đến phòng nhân viên lấy ba lô vải, anh Duy Anh chào chia tay với tất cả mọi người trong tiệm. Bất kể những đôi mắt của các cô thợ nhìn anh ngạc nhiên thể nào, anh đi như chạy ra khỏi cửa. Thiếu sự đi kèm của cô Vân bóng anh trông đơn độc và lẻ loi một cách lạ thường.
Bà Kim Cúc đến chỗ làm việc của mình với khuôn mặt đầy nghi hoặc. Vừa mới mở hộc bàn để tìm vật dụng cho bà Tảo, bà thấy bì thiệp màu hồng phấn yên vị bên trên. Cái bì thiếp màu hồng không thể nào là một cái bì thiệp nào khác với cái nằm ở hộc tủ tiền nơi quầy tiếp tân của anh Duy Anh mà hôm nào bà đã đọc hết nội dung trong ấy. Lặng người ngồi xuống ghế bà hiểu ra nguyên nhân vì sao người thanh niên yêu cầu về sớm và lý do anh ta xin nghỉ năm ngày làm liên tục sau đó.