Chương 15
Những câu chuyện về sự phản bội của những ông chồng được bàn tàn xôn xao và sôi nổi trong tiệm Bàn Tay Đẹp hơn từ khi có sự hiện diện của cô Thủy. Đem hết những điều tai nghe mắt thấy sau chuyến du lịch Việt Nam, cô Thủy, có tên Mỹ là Cindy, tha hồ nói hươu nói vượn thêm mắm thêm muối cho các câu chuyện trở nên đậm đà, hấp dẫn và lôi cuốn. Những câu chuyện của cô tuôn ra không ngừng từ đôi môi nâu thẫm man dại như của các nữ siêu nhân đã thu hút hầu hết các cô thợ trẻ và cả bà Tảo. Mỗi ngày thứ ba hay thứ tư, thay vì tập vẽ các mẫu móng tay trong lúc rảnh rỗi như đã hứa với bà Kim Cúc, bà Tảo đã tụ tập với đám thợ bu quanh cô Thủy bàn tán hết chuyện này đến chuyện khác. Ngay cả cô Vân là người kín đáo và ít nói nhất trong đám thợ cũng dự phần lời ra tiếng vào.
Trong khi họ tụm năm tụm ba nói chuyện, anh Duy Anh thường ngồi đơn độc trước quầy thu tiền hay thỉnh thoảng lặng lẽ ra ngoài trước cửa tiệm hút thuốc còn bà Kim Cúc thì trầm lặng với các mẫu vẽ tại bàn làm việc của bà. Từ lúc nhét tấm bì thiệp màu hồng sâu dưới các vật dụng và đồ nghề trong hộc bàn bà Kim Cúc chưa từng mở ra xem trong đó có những gì. Vì đã biết nội dung trong bức thiệp, bà Kim Cúc tin chắc lời lẽ mà bà đã đọc một lần do hiếu kỳ là những lời trần tình dành riêng cho bà. Hơn thế nữa, bà đã biết tác giả của bức thiệp là ai mặc dù anh Duy Anh chỉ viết bóng gió chứ không nêu đích danh và cũng chẳng ký hay ghi tên vào. Hơn mười ngày nhận bì thiệp, bà Kim Cúc suy nghĩ nhiều đến tình yêu của giới trẻ, đến tình cảm nông nổi của anh Duy Anh và đến thế giới tình cảm của đứa con trai lớn của bà. Bà giật mình khi nhận ra là mình chỉ đổ thời gian dành cho việc chăm lo đến vật chất, trình độ học vấn và đạo đức cho cậu Phụng và cô Loan chứ chưa bao giờ bàn bạc hay hỏi han về quan niệm tình yêu của họ ra sao. Cảnh tượng cậu Phụng yêu đơn phương và mù quáng với một người đàn bà bằng tuổi bà thoáng qua trong đầu đã làm bà kinh hoàng đến quặn thắt. Đến lúc ấy, bà mới biết là bà luôn luôn có những ý nghĩ đơn giản trong đầu và chẳng rành một tí nào về chuyện yêu đương và tâm lý của những người khác phái. Hiểu được mọi chuyện có thể xảy ra trên đời, bà tự trách mình đã làm biết bao nhiêu chuyện không nên làm như đến trường tiểu học W. đón con bé Lisa sớm hơn giờ tan học, chở anh Duy Anh thi lấy bằng luật và đưa anh ta vào tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo. Bà cảm thấy hối tiếc là phải chi bà hiểu được tâm lý của người khác phái, phòng xa được những hậu quả có thể xảy ra và dè dặt khi tiếp xúc với người thanh niên xa lạ ngay từ lúc ban đầu thì bà không phải lâm vào tình trạng khó xử như thế. Bấy giờ, vì không biết giải quyết vấn đề như thế nào, bà tự đặt mình trong tình trạng xa lánh và khép kín một cách lạ thường.
- Nhưng mà không thể trách các ông đàn ông được, cũng tại nhiều bà vợ ở cái xứ này quá quắt lắm! Tiếng nói của cô Thủy trội hơn những tiếng xì xầm tại bàn chờ khô móng.
- Nói gì mấy cái bà đó! Đã lên được chủ tiệm Nail, có quá nhiều tiền không biết làm gì cho hết nên “rửng mỡ” lên đó mà! Giọng cô Kim to không kém.
Bà Kim Cúc quay mặt ra sau, và nhìn họ với cặp mắt đầy ngạc nhiên và sửng sốt. Cả nhóm người vòng tụm quanh bàn chờ khô móng xì xào bàn tán to nhỏ. Những tấm lưng dính sát vào nhau, những cái đầu chụm lại, những đôi mắt chăm chú và những cái miệng há hốc cho biết câu chuyện bàn tán của họ quan trọng đến bí mật. Giọng nói lúc trầm lúc bỗng của bà Tảo vang lên:
- Không phải vậy đâu mấy đứa! Chỉ có mấy bà hồi xuân mới nhiều chuyện vậy thôi.
- Hồi xuân là sao hả cô Tảo? Tiếng hỏi của một cô nào đó vang lên và tiếp sau là tiếng trả lời:
- Hồi xuân là tuổi ham mê xác thịt của mấy bà sồn sồn bốn mươi mấy đó mà. Đã hồi xuân rồi thì phải biết! Trẻ không tha già không chừa đó tụi bây!
- Úy, nhưng mà cô Tảo cũng ở tuổi ngoài bốn mươi, vậy cô có “hồi xuân”chưa?
- Trời đất ơi, đâu có phải ai cũng giống nhau! Cô đâu có giàu sang sung sướng như người ta mà dư thời giờ nghĩ đến chuyện làm cho đàn ông say mê. Nội có một ông chồng mà lo không xong để ổng bỏ đi lấy vợ bé huống hồ gì kiếm thêm ông khác! Bà Tảo phản đối om sòm.
- Chung qui cũng tại tụi con trai nữa! Con trai thời này quái đản lắm! Tụi nó chỉ thích cái ngược đời để “chơi nổi” thôi đó mà! Cô Minh nói với vẻ đạo mạo.
- Nhưng mà có muốn “chơi nổi” thì cũng vài tháng là cùng! Thử hỏi một bà già chênh lệch với chàng thanh niên hai mươi mấy ba mươi tuổi thì tình yêu của họ kéo dài được bao nhiêu năm?
- Chưa biết! Nhanh chậm tùy theo số lượng tiền bạc và tài sản của bà ta.
- Và còn tùy vào sự tính toán tinh khôn của bà ta nữa! Nếu người đàn bà đã thành công cả kinh doanh, lẫn tiền bạc thì không dễ để thua thiệt trong tình yêu mà bà ta muốn có đâu.
- Ý của Kim nói đến sự mưu chước của bà ta hả?
- Chứ sao nữa! Với kinh nghiệm đời của họ, tuổi tụi mình làm gì địch lại?
- Sao lại không? Sức lực và cái xuân của tuổi trẻ, mình có thể làm làm cho các chàng yêu say mê thật sự chứ không cần phải dùng mỹ phẩm giả tạo hay “chờ được hồi xuân” như họ đâu!
Dứt câu, cô Thủy quay ra phía sau kéo tay anh Duy Anh trong lúc anh đi ngang qua, hỏi
- Có phải vậy không anh Duy Anh?
Người thanh niên dừng lại, hỏi với giọng lạnh lùng:
- Phải gì?
- Phải là anh đang yêu một người đàn bà lớn gấp đôi tuổi của anh và đã có chồng có con không?
Người thanh niên chưa đối đáp được lời nào, những câu hỏi tiếp lại vang lên:
- Có phải anh đang yêu thầm không vậy?
- Còn chị Vân anh để cho ai vậy anh Anh?
- Anh nỡ lòng nào “đổi dạ thay lòng” với người bạn gái mà anh thường đi đi về về cùng vậy hả?
Cô Thủy nheo đôi mắt có đuôi nhọn được kẻ bằng chì đen đậm, nói lớn đến độ át hết cả mọi tiếng nói ồn ào và tiếng nhạc đang vang trong tiệm:
- Chị Vân lớn tuổi hơn anh Duy Anh mà! Làm sao cắp đôi như vậy được? Em biết tuổi thật của anh rồi! Cô Tảo nói anh chỉ có hai mươi ba thôi, còn chị Vân đã hai mươi chín tuổi rồi. Chênh tuổi nhau như vậy làm sao mà xứng được hả anh? Trong tiệm này chỉ có em nhỏ tuổi hơn anh thôi! Năm nay em hai mươi mốt, nhỏ hơn anh hai tuổi. Con trai mà hơn con gái hai tuổi rất xứng với nhau anh có biết vậy không?
Dứt lời cô Thủy kéo cánh tay của anh Duy Anh sát vào người trong khi cô Vân cúi đầu để cho mái tóc dày che kín hết khuôn mặt. Người thanh niên gượng đẩy người anh ra xa khỏi thân hình của cô ta, anh nói chậm nhưng rành rọt:
- Tuổi tác không phải là điều quan trọng trong tình yêu đâu. Mà chỗ này là nơi làm việc chứ không phải chỗ nói chuyện tình yêu!
- Anh nói như vậy đó nghe! Đã nói thì nhớ mình nói gì! Phải nhớ là mình đến đây để làm việc chứ không phải để nói chuyện yêu đương!
Anh Duy Anh gỡ những ngón tay thon dài móng nhọn đang bấu cánh tay anh, lắc đầu không trả lời. Bất kể sự phản kháng của người thanh niên, cô Thủy kề sát mặt của anh ta, nói nũng nịu:
- Có phải anh chê em đã có con và không còn là con gái trinh nguyên nữa không?
- Tôi đâu có suy nghĩ gì đến cô mà chê với khen?
- Vậy thì nghĩ đến em ngay đi chứ mất phần! Có em, anh còn có thêm một đứa con trai miễn phí đó. Vừa có vợ là có con ngay không thích sao? Hơn nữa anh cao và đẹp trai như vầy chỉ xứng khi có người con gái như em đi bên cạnh mà thôi. Coi nè, xem chúng em có xứng đôi không?
Cô Thủy vừa nói vừa kề người sát vào anh Duy Anh, uốn éo, và nũng nịu như nhân tình của anh ta. Chiếc áo đen ngắn của cô, như mặc bính áo trẻ em, bày nửa vòng ngực đầy đặn và cái eo thon nhỏ trắng ngần. Cô càng ưỡn tới, anh Duy Anh càng thối lùi. Cử chỉ trái ngược của họ làm mọi người chẳng thể nín cười.
Như đang coi hài kịch của hai tay hề trứ danh, bà Tảo cười sằng sặc và nói oang oang:
- Xứng lắm! Hai đứa bây đẹp đôi lắm!
Chẳng khác nào ma nữ đang trao tình, cô Thủy kề đôi môi tím thẫm man dại sát bên má anh Duy Anh và phà nhẹ từng làn hơi:
- Còn anh có thấy tụi mình xứng với nhau không vậy?
- Cô làm ơn ngưng cái trò này đi cho tôi nhờ!
- Muốn em ngưng thì sơn móng tay cho em đi! Em nghe anh đã đậu bằng nail rồi. Em muốn là người đầu tiên được anh phục vụ trước khi anh làm cho khách.
- Tôi đã làm tay nước cho Vân khi bày cho cô ta cách làm rồi.
- Lúc đó chưa có em thì không sao. Bây giờ em đã ở đây anh không được làm cho ai ngoài khách mà thôi!
Cúi xuống nhìn cô Vân, cô Thủy nói tiếp:
- Chị Vân cũng vậy nghe! Không nên đi chung với anh Duy Anh nữa bởi vì bây giờ ảnh là của em rồi!
Cô Vân đứng phắt dậy, mặt đỏ như gấc:
- Tôi không muốn Thủy đùa giỡn chuyện riêng tư của tôi.
Mọi người xung quanh chiếc bàn đang cười nói vang lừng chợt im phăng phắc như ban đồng ca đang hát hò hỗn loạn bị ngưng lại một cách đột ngột bởi cái ra hiệu của người nhạc trưởng khó tính. Qua những cái lắc đầu và ánh nhìn nghi ngại, họ kín đáo trao cho nhau câu hỏi vì sao cô Vân quá nhạy cảm trước chuyện đùa có tính cách vô thưởng vô phạt như thế.
Bà Kim Cúc quay đầu lại bàn làm việc. Một ý nghĩ ghê gớm thoáng qua trong đầu khiến bà vội vàng mở ngăn kéo. Đúng như trực giác có được, cái bì thiệp mà bà nhét dưới các dụng cụ làm móng tay trong hộc bàn đã biến mất
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 16
Màu xanh lá cây nhạt tươi mát của những chồi non đã làm rực hẳn hai hàng cây chạy dài theo hai bên đường quốc lộ. Hiểu ra cánh rừng cây tưởng như đã chết kia chứa âm ỉ một sức lực âm thầm và đang được hồi lại sự mới mẻ tinh khôi do những tia nắng ấm của mùa xuân, bà Kim Cúc suy nghĩ nhiều đến chữ hồi xuân mà bà Tảo và các cô thợ bàn tán trong tiệm hôm nào. Thì ra trong những thân cây trơ trụi lá mà bà tưởng chúng đã chết khô theo mùa đông vừa qua đang chứa trong ấy đầy nhựa sống. Ví mình như là thân cây với đầy sức sống bên trong mà ngỡ đã khô héo, bà tưởng tượng hàng loạt cảnh mà trong đó bà là kẻ chủ động lả lơi và cợt nhã với những người đàn ông và những chàng trai trẻ. Sau khi các hình ảnh tưởng tượng ấy mất đi, bà mỉm cười khinh mạn. Tự nghiệm chính bản thân, bà không thấy mình có thể phù hợp với bất cứ trường hợp nào. Kế thừa sự giáo dục của cha mẹ, bản chất trong sạch và sự giới hạn của sức dục, bà không hề và không thể nào có chút nào sự lẳng lơ của tuổi hồi xuân của các bà “sồn sồn” mà bà Tảo và các cô thợ trong tiệm biếm nhẽ khi đề cập. Sau khi lập gia đình, bà đã trao toàn bộ tư tưởng và tình cảm dành cho chồng cho con và đặt mục tiêu của đời mình là sự thành công của họ. Bởi vì dành hoàn toàn tâm trí cho những người thân trong gia đình chứ không vì cá nhân mình, bà giống như là một cây khô mất dần chất nhựa. Sống và làm việc như một cái máy mỗi ngày trên đất nước khan hiếm thời gian, bà đã quên những gì bà có và chẳng bao giờ đòi hỏi cái gì riêng rẻ cho bản thân mình. Và dù là thế, bà cũng không thể nào là một thân cây trơ lá chờ nắng mới của mùa xuân để sản sinh ra những chồi non. Tình thương của ông Hoàng, chồng bà, là những tia nắng ấm ươm cho bà đầy ắp sự vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và vợ chồng. Tình cảm của một người khác phái nào đó, dù lớn hơn hay trẻ tuổi thua, có thể là một tia nắng lạ nhưng nó chỉ xôn xao một cách vô vọng chứ không thể đủ sức làm hồi tuổi xuân của bà như nhưng lời đàm tiếu và nhạo báng.
Chắc chắn với ý nghĩ cương định của mình nhưng bà Kim Cúc vẫn cảm thấy sợ khi nhớ tới lời bóng gió của cô Thủy về chuyện tình yêu của những người thanh niên trẻ tuổi đối với những người đàn bà giàu có lắm tiền. Bà hiểu là mỗi khi cô Thủy nói ra điều gì thì chắc chắn điều ấy có căn cứ dù tính tình của cô khá bất thường. Là học sinh bỏ học lớp 12 từ năm mười bảy tuổi do mang thai trong một phút bồng bột và có con vô thừa nhận, cô đã tự kiếm sống bằng nghề làm móng tay để nuôi con. Ỷ vào sắc đẹp vượt bậc và tiếng Anh lưu loát của mình cô ngạo mạn hơn bất kỳ cô thợ nào trong tiệm. Cũng do tính ngạo mạn và lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho trẻ em ở Mỹ cô đã không nghe theo lời cha mẹ của cô. Cô hành động tự do, tùy thích và bất kể những lời khuyên của cha mẹ mặc dù cha mẹ của cô là những người có trình độ rất cao và đến Mỹ theo diện H.O. Với bản tính ngông nghênh và ngang tàng của đứa con gái út được cưng chiều nhất nhà, cô thường làm theo ý thích mình hơn là nghĩ đến chuyện làm mích lòng và chạm tự ái người khác. Do bà Kim Cúc đề nghị đám thợ tự nhiên lấy dùng vật dụng trong hộc bàn của bà bất cứ lúc nào họ cần miễn là họ hoàn lại, cô thường lục hộc bàn của bà Kim Cúc một cách tùy thích. Mặc cho các cô thợ khác đã nhiều lần khuyên cô nên hỏi mượn khi có mặt của bà Kim Cúc vì phép lịch sự, cô vẫn ngang nhiên lục lọi các hộc bàn của bà một cách tự nhiên khi bà có hay vắng mặt. Nhớ lại câu nói bóng gió đầy ẩn ý của cô Thủy, bà Kim Cúc chắc chắn cô ta là thủ phạm lấy bì thiệp khi cô tìm cái gì đó trong hộc bàn của bà và chắc chắn cô đã nhận ra được nét chữ của anh Duy Anh với trí óc thông minh của cô ta.
- Em nghĩ gì mà anh hỏi đến hai lần không nghe em trả lời?
- Sao ạ?
- Anh muốn ghi danh cho Lisa học lại lớp tiếng Việt để nó gặp lại bạn bè cũ và có điều kiện tham dự các sinh hoạt do cộng đồng người Việt ở Maryland tổ chức.
- Ý của anh muốn em phải làm gì?
- Anh muốn em nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật để ở nhà với con.
- Em cũng muốn vậy vì tiệm đã có đầy đủ thợ hơn nữa Duy Anh đã có bằng. Tuy nhiên phần đông khách mến cách làm của em, họ thường đến vào ngày thứ bảy. Hơn nữa, em không biết ai sẽ thu tiền của tiệm cuối ngày thứ bảy để mình tổng kết tiền cho thợ vào ngày chủ nhật đúng như qui định.
- Nếu vậy, cách hai tuần em ra tiệm một lần, cố gắng giới thiệu khách cho những đứa thợ có tay nghề khá để tụi nó gánh bớt khách đi. Còn việc thâu tiền thì đừng lo. Anh sẽ làm sau khi ghé hai tiệm ở Batimore như thời gian em nghỉ bệnh ở nhà.
- Vậy thì em sẽ nói Vân tuần sau em không ra tiệm vào ngày thứ bảy và chủ nhật để cô ta nghỉ ở nhà trong hai ngày này.
- Sau này nếu mình có nhiều thời giờ thì nên tổ chức ăn uống một lần vào chiều ngày chủ nhật để anh em có dịp họp mặt. Từ ngày bố mẹ về Việt Nam tới giờ mình chưa mời các anh em đến nhà lần nào.
- Vâng, vài tuần nữa, khi trời thật sự ấm nóng em sẽ mời tất cả đến nhà. Lúc ấy, tha hồ ngồi ngoài deck nướng thịt.
- Không chừng sau biết nơi mình ở, Duy Anh đem tiền đến nhà những lúc mình không thể đi thâu được.
- Thu và chi là nhiệm vụ của mình, chúng ta không nên tin một người mới quen nhiều đến như vậy anh à!
- Em có vẻ không thích Duy Anh nhưng nó là người tốt. Anh đã có tìm hiểu nó qua những chuyện khác nữa chứ không phải chỉ qua lời giới thiệu của anh Tảo đâu. Trong lúc cần người mình gặp được nó là may mắn lắm rồi!
Quay sang nhìn chồng với ánh mắt ngạc nhiên, bà Kim Cúc không nói gì. Đúng như ý nghĩ ban đầu khi bà gặp anh Duy Anh, ngoại diện của chàng thanh niên đã chiếm hoàn toàn sự tin tưởng của ông Hoàng. Qua lời giới thiệu của ông Tảo và cách làm việc của anh ta sau một thời gian chắc chắn anh ta đã hoàn toàn nâng cao uy tín của mình đối với ông chủ có tài lãnh đạo và nhìn xa hiểu rộng như ông Hoàng. Trên phương diện kinh doanh, có một người quản lý thật thà và trung thực tạm coi là ổn nhưng đối với cái tiểu sử mơ hồ và hành động lạ lùng khó hiểu của anh ta khiến bà không khỏi có nhiều nghi vấn trong đầu. Từ khi trốn khỏi nước, bà Kim Cúc chưa một lần trở về Việt Nam nhưng hiện trạng các cô gái trẻ Việt tìm cách quen biết với những chàng trai ở nước ngoài để kiếm đường ra khỏi nước và những chàng trai trẻ Việt quan hệ bất chánh với những người đàn bà giàu có ở trong nước để được đáp ứng đời sống là những mẫu chuyện quen thuộc mà bà thường nghe các cô thợ xầm xì bàn tán. Bà không hiểu thanh niên Việt Nam hiện thời được giáo dục và ảnh hưởng những truyền thống và phong tục tập quán nào và anh Duy Anh kia là mẫu người nào trong các câu chuyện xầm xì kia, tuy nhiên, bà không bao giờ tin được tình cảm của thanh niên trẻ như anh ta là tình yêu chính chắn hay vĩnh viễn. Cũng vì hiểu rõ tình cảm bồng bột và bất nhất của giới trẻ, bà không muốn rao bán chuyện người đang thầm yêu trộm nhớ bà, cũng như không muốn ai chọc ghẹo nỗi niềm riêng nhất thời của anh ta. Bà cũng không thể đề nghị với ông Hoàng cho anh ta ngưng việc khi anh ta không làm một lỗi nhỏ nào trong công việc anh đương nhiệm. Nếu bà kể cho ông Hoàng nghe sự tình xảy ra giữa anh ta và bà, chắc chắn ông sẽ cười lớn vì không tin được chuyện tình cảm mơ hồ và khó tin kia xảy ra trên đời.
- Hãy nhìn người cởi mở một tí, đừng nên “dị ứng” với những người trẻ tuổi khi họ có chức vị. Tại con mình không thích ngành mình đang làm chứ không anh cũng muốn chúng quản lý tiệm hơn là làm bồi bàn hay bán hàng vặt vãnh.
Khóa xe và bước ra ngoài, ông Hoàng đến cửa hành khách mở cửa xe cho bà Kim Cúc. Nghiêng người bước ra ngoài, bà mỉm cười bảo ông:
- Không phải là anh đã cương quyết nói là không bao giờ cho con đến tiệm vì sợ chúng nhìn cảnh làm cực khổ của tụi mình và không phải là anh luôn nói là muốn con mình làm khác nghề của chúng ta sao?
- Đúng vậy, nhưng anh đưa điều này ra lúc này là muốn thuyết phục em xem Duy Anh như con cháu mình mà đừng thành kiến với nó.
- Em không tệ đâu, nhưng xét người phải cần thời gian.
- Trực giác cũng cho mình cảm nhận người tốt hay xấu, em đừng lo lắng quá!
Dứt lời ông Hoàng mở cửa kính của tiệm Bàn Tay Đẹp và nhường lối cho bà Kim Cúc bước vào.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 17
Vừa bước vào tiệm ông Hoàng bước ngay đến quầy tiếp khách nơi anh Duy Anh đang ghi phiếu cho một người khách nữ và cô Thủy đang chờ lấy khách. Anh Duy Anh mỉm cười chào ông trong khi cô Thủy hỏi:
- Hôm nay chú Hoàng không đi Baltimore sao mà đến đây vậy?
- Lâu lâu chú làm tài xế cho cô nhân tiện ghé thăm tiệm xem các cháu làm ăn như thể nào đấy mà!
- Chứ không phải chú muốn kiểm tra anh Duy Anh sao? Cô Thủy hỏi với miệng cười chúm chím.
- Tiệm càng ngày càng phát đạt, kiểm số tiền thu của tiệm hàng tháng đủ hiểu rồi chú đâu cần kiểm tra Duy Anh cho nhọc công - Ông Hoàng vui vẻ trả lời rồi nói tiếp khi nhìn y phục của cô Thủy - Nhưng mà nếu có kiểm là kiểm cháu đó! Không lúc nào chú thấy cháu mặc áo đồng phục! Tiệm đẹp hay không là do áo đồng phục nữa cho nên đừng tạo ra một ngoại lệ nào.
Không đáp lại lời của ông Hoàng, cô Thủy mời khách đến bàn của mình, rồi nói thòng lại với nụ cười khó hiểu khi cô quay lưng đi:
- Chuyện áo đồng phục là chuyện nhỏ. Trong tiệm này còn có nhiều chuyện đáng được kiểm hơn chú Hoàng à! Nhưng nếu chú nghĩ như vậy thì tốt cho cả chú lẫn anh Duy Anh và còn người khác nữa!
Bà Kim Cúc quay đầu chăm chú nhìn cô từ chỗ làm việc của bà. Khuôn mặt hân hoan tươi mát của bà sau khi chào khách lẫn thợ trở nên sắt lạnh và bất bình như vừa trải qua một cuộc xô xát. Bước theo cô Thủy và cô khách đến tận bàn làm việc của cô ta và bà đã nói với cô bằng tiếng Mỹ:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với cháu tại phòng ăn sau khi cháu tiếp cô khách này.
Khuôn mặt vênh váo của cô Thủy trở nên trắng nhợt và giống như một khuôn mặt ma khi mà làn da trắng toát của cô làm đậm nét đôi mắt với đường kẻ đen thui và son môi nâu đậm. Với giọng mất tự tin, cô đáp:
- Dạ được.
Đi thẳng về phía sau tiệm với những bước chân kiêu kỳ như thường lệ, bà Kim Cúc giữ một khuôn mặt bình thản trước bao cặp mắt nhìn. Dọn dẹp trong phòng làm sáp một lúc, bà nghe cô Oanh đến báo:
- Anh Hoàng nhờ em gọi chị đến coi tiệm Bàn Tay Đẹp ở L. giúp ảnh.
Bà Kim Cúc chau mày:
- Thế anh ấy chưa đi à?
- Dạ không, xe ảnh bị tung ở bãi đậu nên không đi được.
Bà Kim Cúc vội vã nói cảm ơn cô Oanh rồi bước theo cô ra phía trước. Ngang qua đám thợ, bà phớt lờ những cặp mắt tò mò của họ nhất là cặp mắt nửa nghi ngại nửa dò xét của cô Vân.
Quả đúng như cô Oanh thông báo, ông Hoàng nói với bà Kim Cúc sau khi gác điện thoại:
- Chả trách gì người Mỹ luôn chúc nhau một ngày tốt lành! Hôm nay chưa có ai chúc phúc nên anh không thể làm được những gì mà mình dự định!
- Sao vậy anh? Bà Kim Cúc lo lắng hỏi.
- Chiếc xe của anh vừa đậu đã bị tung móp nát một bên hông, anh phải gọi cảnh sát làm biên bản. Cũng may là bỏ xe em thay nhớt nếu không thì càng phiền hơn!
- Xe mình mới đậu đấy mà anh?
- Tài xế của chiếc xe cam nhông lớn bất cẩn tung vào mạn sườn bên ghế hành khách của xe mình khi lái xe vào chỗ đậu cạnh bên. Chẳng hiểu hắn ta còn mê ngủ hay say rượu nữa! May là anh ra kịp lúc bắt quả tang nên đã lấy biển số xe rồi. Duy Anh đang đứng ngoài trông chừng để anh gọi điện thoại báo cho cảnh sát. Cảnh sát hứa sẽ đến ngay nhưng nếu làm xong thủ tục chắc là lâu lắm. Sáng nay anh đã hứa sẽ mở cửa và coi tiệm cho anh Thương cả ngày nhưng giờ phải kẹt ở đây.
- Anh muốn em làm gì?
- Em sang coi tiệm bên anh Thương thế anh! Anh đã nói Duy Anh chở em đến đó, nó đang chờ ngoài ấy.
Những cặp mắt tò mò của các cô thợ đang hướng ra ngoài bãi đậu xe quay phắt về phía ông Hoàng và bà Kim Cúc với sự lạ lẫm. Tỏ ra không để ý đến họ, bà Kim Cúc mở sổ lấy hẹn, dò các ô mục trên trang giấy rồi gật đầu:
- Hôm nay em không có nhiều khách hẹn nhưng cô Jackson thường đến yêu cầu em gắn lông mi giả vào lúc một giờ trưa. Còn bà Davis chỉ đòi em làm khi thấy em ở đây, nếu không, mấy đứa làm hộ cho em cũng được.
- Cô có muốn cháu làm cho mấy người khách của cô không?
Cô Thủy hỏi với giọng nửa cầu hòa nửa van lơn khi cô đi ngang tiễn khách. Ngạc nhiên trước sự đề nghị không hề nghĩ tới nhưng bà Kim Cúc gật đầu với ánh nhìn quảng đại:
- Vậy thì tốt lắm! Cảm ơn cháu!
Nói xong, bà chào mọi người và bước ra khỏi tiệm, bỏ mặc những ánh mắt nhìn kỳ lạ sau lưng. Kiêu kỳ trên những bước chân khoan thai của mình, bà tự cho rằng mình đang sắp sửa đối đầu với tình cảm khó hiểu của một người thanh niên kỳ quặc. Là người có một cuộc sống êm đẹp nhưng bà Kim Cúc luôn luôn tin rằng con đường mà con người bước đi trong cuộc đời không phải lúc nào cũng tìm thấy hoa thơm có lạ và rằng những chướng ngại trong cuộc đời được giải quyết tốt đẹp khi đối đầu mới thực sự chứng minh được mình là ai và là người như thế nào.
Anh Duy Anh mời bà vào xe của mình xong, im lặng mở máy xe và ấn nút máy cassette. Đã quen thuộc với bản tính trầm lặng bất chợt của anh ta, bà Kim Cúc im lặng chẳng khác gì anh tại ghế hành khách bên cạnh. Trong khi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng biệt họ trông giống như đang cùng thưởng thức những bài tình ca nhạc Việt êm dịu. Tiếng nhạc đệm của trống, của đàn ghi ta và của đàn dương cầm hòa với những giọng ca du dương và tha thiết của các nam và nữ ca sĩ trẻ đã đưa cả hai chìm vào thế giới suy tưởng riêng biệt và mở rộng trí nhớ hạn hẹp của bà Kim Cúc trong nỗi day dứt khôn nguôi. Trong giòng nhớ, kỷ niệm ngày cũ của thời son trẻ ào ào trôi về với thành phố Sài Gòn xưa, với những hàng cây rợp bóng mát, những quán xá bên đường, những chiếc tập sách trên tay, những cơn mưa rào bất chợt, những cái nhìn ngượng nghịu, những cánh thư trao vội, và những chiếc gắn máy hòa lẫn trong giòng xe đạp xa xăm và thật xa xăm. Lơ lửng trong trạng thái mất mát của tâm hồn, bà cảm thấy chơi vơi giữa quá khứ và hiện tại và bâng khuâng vì không rõ được cái gì mình đang muốn có. Khi ý thức được thời gian trôi qua như một áng mây, bà nhận ra cuộc sống đơn điệu hàng ngày đã chôn lấp những ước mơ của thời thanh xuân mà một trong những ước mơ ấy là tình yêu lãng mạn và cao thượng. Thế là bà đã quên bẵng cái ý nghĩ thử thách chính mình ngay từ lúc ban đầu. Và như thế, nếu trong xe của ông Hoàng trên đường tới tiệm Bàn Tay Đẹp ở B. bà đã trầm tư mặc tưởng về chuyện hồi xuân của các bà sồn sồn, khi thị những hành động trái đạo đức và khẳng định sự mẫu mực của mình trong vai trò làm vợ và làm mẹ bao nhiêu thì trong chiếc xe của anh Duy Anh trên đường đến tiệm Bàn Tay Đẹp ở L. bà đắm chìm trong suy tưởng về thời son trẻ, về tình yêu lãng mạn và những lời yêu thương chân thật mà bà từng ao ước được nghe trong một thời đã mất bấy nhiêu. Cũng chính lúc đó bà nhận ra sự sợ hãi bao trùm lấy mình. Thay vì hỏi một lời gì đó với anh Duy Anh bằng một giọng kẻ cả bà sợ khơi mòi cho một câu chuyện dài dòng của sự yêu thương mơ hồ nào đó đang biểu lộ bằng những lời tình ca Việt đang vang trong xe. Những lời ca như “xót xa niềm nhớ”, “ Đắng cay chồng chất nỗi sầu riêng mang”, “ niềm thương đau khó quên”, “ trọn đường tình lẻ loi”, và “ biết bao giờ mới thôi” hình như đang trút hết tâm trạng và nỗi niềm đang có của người thanh niên.
Trong cái không khí im lặng bao trùm, anh Duy Anh không cảm nhận được là bà Kim Cúc đang đắm chìm trong hoài cảm lẫn nỗi lo sợ. Miên man theo những ý nghĩ riêng của mình một lúc, anh hỏi:
- Chị có thể tặng em một tấm hình không?
Không nghe bà Kim Cúc trả lời, anh trả lời cho câu hỏi của mình:
- Với tấm hình đó em sẽ được nguôi ngoai nỗi nhớ khi em xa chị.
Bà Kim Cúc vẫn im lặng và anh lại hỏi:
- Chị có tin rằng tình yêu chân thật không đựa trên tiền bạc, danh vọng và tuổi tác không? Chị có tin một người người thanh niên yêu một người đàn bà hơn anh ta hai, ba mươi tuổi không?
Không nghe bà Kim Cúc nói một lời nào, anh lại tự trả lời:
- Em chỉ tin sự chân thật của tình yêu khi hai người yêu nhau không tính toán thiệt hơn và em cũng tin là tình yêu được đánh giá chân thật khi nó dựa trên sự chung thủy. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều người thanh niên yêu người đàn bà hơn anh ta hai mươi, ba mươi tuổi. Chị có biết anh Yann Andrea Steiner đã yêu bà Marguerite Duras khi anh hai mươi hai tuổi trong khi bà ta sáu mươi mốt tuổi không? Anh ta đã sống với bà cho đến ngày bà lìa đời. Em rất khâm phục tình yêu chân thực của anh Yann Andrea Steiner này. Đó mới đích thực là tình yêu bởi vì nó không xuất phát từ so đo, tính toán hay vị kỷ!
Sau cùng, anh tự kết thúc câu chuyện của mình vì không được một lời đáp trả:
- Đôi khi em nghĩ sự cao thượng của tình yêu là trốn chạy và hy sinh nhưng em không thể dứt bỏ được nó trong tâm tưởng mình sau bao lần cố gắng. Đó là sự bám víu trong tâm tưởng không thôi.
Khó khăn lắm bà Kim Cúc mới trả lời hết những thắc mắc của chàng thanh niên với giọng nói của một bà mẹ. Bà nói rằng tặng nhau hình bóng trong thời điểm mọi người có thể dùng điện thoại hay trao đổi điện thư một cách dễ dàng là điều không thực tế. Bà nói rằng chuyện người thanh niên yêu một người đàn bà già hơn anh ta hai, ba chục tuổi gì đó là chuyện của một kẻ điên mà bệnh tâm thần của anh ta nên được điều trị bởi một người cố vấn tâm lý có tài. Bà cũng nói rằng tình yêu chân thật hay giả dối không phải là vấn đề tối cần trong cuộc sống của một người tị nạn Việt Nam khi vừa đến Hoa Kỳ mà là công ăn việc làm và trình độ học vấn. Bà còn nói là bà không phải là chuyên gia tìm hiểu và trắc nghiệm đặc tính của các loại tình yêu nên không thể trả lời cho anh biết tình yêu chân thật, tình yêu chân chính, tình yêu chung thủy, tình yêu cao thượng, và tình yêu hy sinh khác nhau ở những điểm nào. Sau cùng bà nói là bà không biết chuyện tình của anh Yann Andrea Steiner với bà Marguerite Duras nào đó và là cho dù anh Duy Anh có cho bà những tên Mỹ hay tên Tây của từng cặp yêu nhau na ná và tương tự như vậy bà cũng không biết họ là ai, chuyện họ yêu nhau như thế nào và có thật hay không.
Khi chiếc xe anh Duy Anh dừng trong bãi đậu của thương xá L., bà mở cửa bước ra và căn dặn:
- Em hãy trở lại coi tiệm đi, đừng vào đó làm gì! Chiều nay chồng tôi sẽ đón tôi về.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 18
Buổi trưa hôm ấy tiệm Bàn Tay Đẹp im ắng hơn lúc nào. Từ lúc mơ hồ với chuyện bất bình của bà Kim Cúc với cô Thủy, các cô thợ trở nên thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói để tránh mích lòng cả hai bên; họ chấm dứt chuyện xì xào riêng lẻ và hạn chế việc tụ năm tụ bảy để bàn những chuyện không đâu vào đâu như trước kia. An vị tại chỗ làm việc của mình, các cô chỉ trao đổi bằng tiếng Anh với khách, và như thế, mặc chuyện ai người ấy làm. Những tiếng rì rầm đối thoại từ các bàn làm việc đã tạo không khí trong tiệm ngày càng trở nên nghiêm trang, xa lạ và gượng gạo hơn thời gian trước đó rất nhiều. Phòng ăn sau tiệm không còn là nơi tụ tập ăn uống của một nhóm đông người; các cô ăn riêng lẻ và thưa dần vì tiệm luôn luôn đầy khách. Thi đua với các “tua” làm, các cô thợ thường không có thời gian để ăn trưa kể cả thời gian uống nước. Thức ăn mà họ mang đến tiệm thường được cất lại trong cái tủ lạnh nhỏ trong góc phòng ăn rồi thường bị vất đi trong thùng rác vào những ngày sau đó. Chỉ có cô Vân thường mời anh Duy Anh ăn những thức ăn mà cô mang theo vào đúng mười hai giờ trưa và lúc đó bà Kim Cúc thường thay thế anh ghi phiếu và đưa khách cho các cô thợ theo phiên của họ. Những lúc ấy, bà Kim Cúc thoát khỏi ánh mắt nửa nghi ngại nửa soi mói của cô Vân và cảm thấy dễ chịu với những mẫu vẽ trưng bày của mình trong hộp kính. Thói quen của bà vẫn thường là vẽ các mẫu móng tay hay thay đổi những mẫu mới vào trong hộp trưng bày mỗi khi bà có những uẩn khúc không giải quyết được trong lòng.
Từ lúc xảy ra chuyện mỉa mai châm biếm của cô Thủy về những người đàn bà “hồi xuân”, cô Vân thường lén nhìn bà Kim Cúc với vẻ khác thường. Khác với lời nói tốt đẹp khi đề cập chuyện nhờ bà Kim Cúc đặt dùm một tên Mỹ, cô tỏ thái độ bất cần và coi thường bà một cách lộ liễu. Đã từng kinh nghiệm với thái độ tương tự như vậy từ các cô thợ khác của các tiệm khác, bà Kim Cúc chẳng hề quan tâm đến thái độ kỳ quặc của cô ta nhưng ánh nhìn xa lạ của cô làm bà thường xốn xang khó chịu và bà đã đáp lại nó bằng sự lạnh lùng như bà đã từng đối với những người bà không thích trao đổi ý nghĩ riêng tư.
Khoảng một giờ trưa ngày thứ tư hôm ấy tiệm không còn một người khách nào và các cô thợ họp lại bởi sự tình cờ. Sau khi khoe với nhau những hàng mỹ phẩm thượng hạng được bán hạ giá mà họ đã mua trong tiệm Hetch, các cô thợ nói về các loại hàng dành cho phụ nữ bằng lời lẽ nghiêm túc. Đầu tiên, các cô nói về các loại kem dưỡng da, rồi đến các loại kem làm bóng môi, các loại son, các loại chì kẻ mắt , các loại mascara, các loại áo quần mùa đông đang được bán hạ giá, các kiểu mới của các loại áo quần mùa hè, sau đó nói chi tiết hơn về các loại áo tắm, áo ngực và quần lót. Đề tài thảo luận của họ đã hấp dẫn bà Kim Cúc đến gần chiếc bàn chờ khô móng hỏi mượn cuốn tạp chí quảng cáo. Bà đã hỏi thăm các cô là bà nên mua những loại hàng thiết thực nào cho những người thân ở Việt Nam và hỏi dò giá cả chênh lệch giữa Việt Nam và Mỹ ra sao. Ngạc nhiên và thú vị khi được bà chủ tham gia trong câu chuyện đang bàn bạc dở dang, các cô thợ huyên thuyên đưa ra nhiều đề nghị mà họ có kinh nghiệm về việc mua sắm trong những chuyến về thăm quê hương.
Trong khi câu chuyện bàn bạc của họ sôi nổi và vui vẻ, tiệm Bàn Tay Đẹp bất thình lình rung lên như sắp vỡ tan bởi những tiếng động khủng khiếp vang lên từ ngoài cánh cửa kính mở hé bởi vật chắn mà anh Duy Anh đặt trước đó vài phút để thả bớt những mùi thuốc rửa móng tay ra ngoài và hóng những làn khí trong lành bên ngoài vào tiệm. Ngạc nhiên trong phút chốc, tất cả các cô thợ vội vã đứng bật lên và thi nhau chạy ào ra khỏi tiệm để giải đáp sự hiếu kỳ của mình. Ngược với hướng chạy của các cô, bà Kim Cúc nhanh chân bước vào trong tiệm để kiểm tra cánh cửa sau. Khi bà trở lại phía trước là lúc anh Duy Anh vừa đóng xong cánh cửa kính ra vào và bước đến trực diện với bà ngay tại quầy thu tiền. Khẩn thiết nắm chặt hai cổ tay của bà, anh nói trong run rẩy:
- Chỉ là chiếc xe vận tải tung vào tiệm tạp hóa cạnh tiệm bên mà em cứ tưởng là tận thế sau năm 2000 và được chết chung với chị tại nơi đây.
Bà Kim Cúc bàng hoàng như vừa nghe loan truyền thảm họa sắp xảy ra trong tích tắc. Chưa một lời nào thốt ra khỏi cái miệng há hốc, bà lại nghe anh Duy Anh nói trong tuyệt vọng:
- Em không thể nào từ bỏ ý nghĩ thương yêu đối với chị bởi vậy nhiều khi em không muốn sống nữa. Làm một người sống bình thường khó quá! Em không thể! Không thể được!
Kinh hoàng và sợ hãi, bà Kim Cúc lấp bấp nói những lời mà bà chính bà không tin đó là lời nói sáng suốt nhất của mình trong hoàn cảnh như thế:
- Hãy sống như bao người đang sống và đừng tạo nên sự lập dị nào trên đời.
Người thanh niên lắc đầu, đau khổ:
- Chị không thể nào hiểu được em đâu! Em đã cố gắng rất nhiều để quên đi tình yêu mình đang có nhưng càng cố quên em càng thấy một sự cô đơn khủng khiếp vây quanh.
Bà Kim Cúc đáp lại:
- Mỗi chúng ta đều có những thử thách trong cuộc đời. Hãy chứng minh mình là ai và đã làm gì để vượt qua những thử thách mình đang gặp phải.
Lần nữa, bà Kim Cúc nói mà không rõ vấn đề bà đề cập và lý luận có nhập nhằng đến những vấn đề anh Duy Anh thổ lộ hay không nhưng bà nhận ra khuôn mặt của người thanh niên là khuôn mặt già nua và đau khổ của một người đàn ông chững chạc với mớ tóc lòa xòa đầy trán, đôi mắt u buồn trầm lắng và đôi môi khô héo. Khuôn mặt già nua và đau khổ ấy đã ấy làm bà quan tâm nhiều hơn hai khuôn mặt kinh ngạc và ái ngại của cô Vân và cô Oanh đằng sau lưng anh ta. Hai cô thợ này không biết đã trở lại tiệm tự lúc nào nhưng chắc chắn họ đã nghe những lời yêu thương của anh Duy Anh dành cho bà cũng như thấy anh Duy Anh đang xiết bàn tay phải của bà trong đôi bàn tay của anh mà lúc đó bà không ý thức được vị trí của nó ở đâu. Bà chỉ biết rõ là lời bộc bạch tình cảm của anh ta bất chấp sự chứng kiến của hai cô thợ kia là sự bất chấp sự chứng kiến của người nào khác ngay cả của ông Hoàng, nếu có.
- Hãy trở lại công việc của em đi!
Rút bàn tay mình ra, và bước về chỗ làm của mình, thâm tâm bà Kim Cúc oán trách anh Duy Anh đã quá nông nổi khi thổ lộ tường tận nỗi niềm riêng của anh. Và như người vừa mới vượt ra khỏi một trận cuồng phong dữ dội, bà chao đảo với những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu. Bao lần phớt lờ những lời nói xa gần, những lời bóng gió của các bản tình ca, những giòng chữ trong tấm thiệp và những cánh hoa, bà luôn luôn hy vọng tình cảm bồng bột của anh Duy Anh sẽ được nguôi ngoai và tan biến trong lãng quên; thế mà chủ nhân của chúng nhất định bày tỏ những ý nghĩ mà anh ta đang có như bày tỏ lời trần tình trước người cứu rỗi linh hồn. Cũng trong trạng thái rối lọan tinh thần, bà Kim Cúc mất hẳn hy vọng của những ngày hôm trước là anh Duy Anh sẽ tìm vui bên người cùng trang lứa với anh để mối quan hệ giữa bà và anh có thể ở vào vị trí chuẩn mực của người chủ và kẻ làm công, của người đàn bà lớn tuổi và người thanh niên nhỏ tuổi. Sau một hồi oán trách và thất vọng, bà Kim Cúc chợt nhớ lại những lời thương yêu đầy tuyệt vọng của chàng thanh niên dành cho bà. Bà cảm nhận đó là thứ tình yêu chân thành và cao thượng chứ không là một thứ tình yêu trai gái bình thường của những đôi tình nhân bình thường trao cho nhau. Với trăm ngàn câu hỏi tự đặt, bà không biết đã làm điều gì khiến cho người thanh niên kia đến nông nổi như thế. Và như những lần trước đó, bà tự trách mình là đã đến gốc cây sồi trước giờ tan trường của trường tiểu học W., đã chở người thanh niên đi thi lấy bằng luật, đã đến tiệm Món Ăn Việt Nam Tuyệt Hảo và đã tỏ ra sốt sắng giúp đỡ anh ta. Nếu những ngày trước đó, bà nghĩ rằng bà không thể kể cho ông Hoàng nghe sự tình xảy ra giữa anh Duy Anh với bà vì lời lẽ trong bì thiệp và những lời bóng gió là sự mơ hồ không đáng tin thì những ngôn từ yêu thương của anh Duy Anh dành cho bà hôm ấy là bằng chứng cụ thể để bà có thể yêu cầu ông Hoàng cho anh ta ngh? việc khi hai nhân chứng là cô Oanh và cô Vân đã nghe và thấy tận mắt những gì xảy ra cho bà. Nhưng, bà không phải là người “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”! Bà không muốn nỗi niềm riêng nhất thời của người thanh niên bị chà đạp và bôi nhọ bởi người khác khi mà bà tin rằng nó sẽ được thay đổi bởi thái độ cứng rắn của bà.
Nếu như trước đây bà bất bình chuyện một người bạn quen biết ở cùng bang Maryland vinh danh rằng bà ta là người có số đào hoa nhưng lại là người trung thành và chung thủy bậc nhất với chồng bằng cách lật tẩy ông bạn của ông chồng, người thuê nhà chung nhà và đã tán tỉnh bà ta, trước mặt chồng và bao nhiêu người quen biết khác để ông chồng tống cổ ông ta ra khỏi nhà lập tức và để huênh hoanh trước bao ánh mắt thán phục của mọi người về sự chung thủy và trung thành đối với chồng của bà ta thì hiện tại bà Kim Cúc đối phó việc xảy ra cho mình bằng cách chờ đương sự tự xin nghỉ việc trong êm đẹp chứ không bao giờ muốn anh ta bị tai tiếng. Xác định là người hết lòng tuân theo trật tự của một xã hội tốt đẹp, và tôn trọng giá trị của một người đàn bà Việt Nam đoan chính nết na, bà Kim Cúc biết chắc chắn mình không thể nào là kẻ sống với quan niệm “Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng quẳng ra ngoài đồng” và tin rằng mình sẽ giải quyết được vấn đề nan giải đang có. Tuy nhiên, những dấu ấn đỏ ửng của những ngón tay của anh Duy Anh còn bám chặt trong cổ tay của bà, khuôn mặ đau khổ của anh ta ám ảnh trong tâm trí của bà, những lời nói thiết tha của anh vẫn văng vẳng bên tai bà khiến cho bà cảm thấy tim mình rung lên một thứ tình cảm khó hiểu và cảm thấy sợ hãi đến độ không dám nghĩ đến.
Các cô thợ lục đục trở về tiệm khi những người khách sắp hàng chờ anh Duy Anh thu tiền và ghi phiếu. Tại bàn làm việc, các cô kể cho các bà khách nghe chuyện vừa xảy ra cho tiệm tạp hóa cách tiệm uốn tóc bên cạnh. Do cãi lộn và đánh nhau với người đàn ông gốc Mễ ở ghế hành khách, người tài xế của chiếc xe vận tải cũng gốc Mễ, đã nhấn lộn bàn đạp ga thay vì bàn thắng vì thế chiếc xe vượt quá hành lang của thương xá và đâm sầu vào tiệm tạp hóa. Các cô thợ xuýt xoa bàn tán về sự may mắn của sự cố là chẳng có người nào trên hành lang dọc các tiệm lúc ấy nên chẳng có ai bị xe cán chết, là tiệm tạp hóa chỉ bị bể tấm kính chứ chủ và người làm của tiệm không bị hề hấn gì khi mà mà quầy thu tiền của tiệm nằm vào trong sâu chứ không phải ngay cửa ra vào, và là chẳng người khách nào trong tiệm bị thương tích khi mà chẳng có ai lai vãng trong quầy bán khăn màn và các vật trưng bày nơi đầu xe đâm sầm vào. Họ còn bàn tán về những trường hợp khác xảy ra na ná như vậy trước đó ở các nơi khác. Huyên thuyên với các câu chuyện kể của mình với khách và các chuyện kể của khách với mình, các cô Hằng, Minh, Liên, và Thủy không để ý vẻ uể oải tiếp khách của anh Duy Anh, cái yên lặng gần như cay đắng của cô Vân, cái nhìn đầy lo lắng của cô Oanh và nét mặt buồn sâu kín của bà Kim Cúc. Họ không hề biết một sự cố xảy ra đột ngột và bất ngờ ngay trong tiệm Bàn Tay Đẹp trước đó vài phút làm cho người chứng kiến kinh hoàng chẳng khác gì chứng kiến tai nạn xảy ra cho tiệm tạp hóa gần đó.
Vài giờ sau, khi gặp riêng bà Kim Cúc ở phòng làm sáp, cô Oanh an ủi bà rằng:
- Bất cứ chuyện gì xảy ra, em luôn luôn tin tưởng chị là người tốt. Khi nào chị cần em làm gì thì hãy nói cho em biết để em giúp chị.
Bà Kim Cúc nói:
- Hiện tại chị đang cần biết hãng máy bay nào tốt nhất cho chuyến du lịch về Việt Nam. Đầu tháng sáu Lisa nghỉ hè là gia đình chị sẽ cùng về Việt Nam ngay. Chị nhờ em làm phụ tá, giúp Duy Anh chi thu và tính toán các khoản cho chị. Nếu hai tiệm bên P. và L. cần giúp, chị nhờ em giải quyết và phụ trợ thêm.
Cô Oanh mỉm cười:
- Em biết là em sẽ làm gì để giúp chị mà! Cũng như những lần gia đình chị du lịch trước đây thôi! Điện thoại viễn liên từ Mỹ đến Việt Nam hiện nay không là vấn đề khó khăn nữa chị Kim Cúc ơi! Cho em số điện thoại của gia đình chi bên Việt Nam, nếu có gì cần, em sẽ gọi về hỏi ý kiến anh chị, đừng lo!
- Những lần trước chị không lo vì gia đình chị chỉ đi một hay hai tuần còn lần này gia đình chị đi đến một tháng. Hơn nữa những lần trước có khi có bố mẹ chị trông coi phụ anh Tảo, còn lần này chị không hiểu Duy Anh còn muốn làm cho đến hết hè không. Nhưng mà dù có hay không chị cũng sẽ giao chìa khóa tiệm cho em trước khi đi như trước.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 19
Khi chiếc máy bay Boeing chao đảo hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, những căn nhà nho nhỏ chi chít bên dưới, qua tấm cửa kính của máy bay, đã gây cho hai vợ chồng ông Hoàng và bà Kim Cúc cảm giác hồi hộp và nôn nao. Tim của họ như muốn vỡ theo những tiếng rin rít của bánh máy bay cạ xát trên phi đạo bên dưới. Ba đứa con của họ, cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa, chăm chăm những đôi mắt nhìn về trước, và nôn nóng chờ đợi thông báo của phi hành trưởng. Chiếc máy bay tiếp tục dằn xóc thêm vài lần trước khi ngừng lại hẳn. Thông báo rời máy bay bằng tiếng Anh và tiếng Việt vừa được loan ra, tiếng tháo dây an toàn liên tiếp vang lên, mọi ngườii nô nức đứng dậy giúp nhau lấy hành lý. Hòa theo các động tác của mọi người, năm thành viên trong gia đình ông Hoàng xôn xao chia nhau những chiếc xách tay rồi tuần tự đi theo dòng người ra khỏi máy bay.
Sau khi làm thủ tục giấy tờ hành chánh tại quầy kiểm duyệt xong, hai vợ chồng ông Hoàng và ba người con lũ lượt theo những người đi trước đến chỗ nhận lấy hành lý. Đấy là lần đầu tiên gia đình ông bà Hoàng về Việt Nam nhưng họ không có một chút phiền phức nào như những điều nghe được. Những chuyện hối lộ bằng cách kẹp tiền đô vào trong những thẻ thông hành để được xét duyệt nhanh hơn không được cả ông Hoàng và bà Kim Cúc tán thành khi họ bàn bạc trước khi lên đường. Họ dứt khoát với ý định là sẽ kiên nhẫn chờ đợi chứ không chịu hối lộ cho bất kỳ một kẻ tham nhũng nào vì họ cho rằng hành vi đó không những sẽ làm giảm giá trị người nhận hối lộ và tự giảm giá trị chính cho bản thân họ. Họ đã không muốn giải thích với con cái của họ hành vi hối lộ, nếu họ áp dụng, chỉ riêng cho hải quan Việt Nam chứ không bao giờ với những người cùng phận sự ở các nước khác mà họ và chúng đã từng du lịch.
Ra khỏi trạm kiểm soát của hải quan, năm người của gia đình ông Hoàng đẩy xe chở hành lý từ từ theo lối ra. Bên ngoài, người chờ đón dọc thành hàng theo thanh chắn chen chúc dày đặc đến độ tưởng chừng như nhiều gấp đôi người ra khỏi cổng phi trường. Những đôi mắt chờ đợi trong khao khát, những khuôn mặt háo hức trong nôn nóng, và những tấm bảng cạc tông nhô lên chìm xuống dập dềnh trong rừng người tỏ rõ nỗi mong chờ rạo rực và nôn nao. Lướt ánh nhìn qua những khuôn mặt hốc hác và những thân hình ốm đen của họ, niềm chua chát và thương hại dâng lên trong lòng bà Kim Cúc. Qua những khuôn mặt và những thân hình ấy bà hình dung được khuôn mặt và hình ảnh của mình khi còn ở Việt Nam. Xuyên qua hàng ngàn con mắt ngưỡng mộ, và loáng thoáng nghe những tiếng xuýt xoa khen ngợi về chiếc áo đầm tuyệt đẹp của con bé Lisa, chiếc áo khoác kiểu mới đắt tiền của cô Loan và dáng dấp cao ráo đẹp trai của cậu Phụng với những tiếng “Trời ơi, coi kìa!”, bà cúi đầu lặng lẽ phụ đẩy chiếc xe chở hành lý bên ông Hoàng.
Vượt ra khỏi những ánh nhìn chăm chú của rừng người chờ đợi, ông Hoàng che tay ngang trán dáo dác nhìn xung quanh tìm kiếm. Ánh nắng gay gắt của mặt trời làm ông nheo mắt lại và làm ông nhớ chiếc kính mát mà ông thường để trong xe riêng của ông. Chiếc kính mát, mấy lần định lấy trước khi lên đường nhưng cứ hẹn lần hẹn hồi bởi nắng chói chan của những ngày giữa tháng sáu ở miền Đông nước Mỹ, bị ông bỏ quên trong ngày lên đường vì chộn rộn với bao nhiêu vali, giấy tờ và những sự quan tâm khác cho vợ con. Nhăn mày bực bội vì sự đãng trí của mình một lúc, đôi mắt nheo của ông bất thần sáng hẳn và ông đã reo lên mừng rỡ khi ông thấy một nhóm đông người tiến về phía gia đình ông mà trong đó bà Kim Cúc nhận ra người đàn ông tóc hoa râm trong áo thun xám trơn đi đầu là Ông Thắng và người đàn bà tóc uốn cao trong chiếc áo hoa lớn sặc sỡ, đi kế là Bà Thu. Bà Kim Cúc mừng không kém gì ông Hoàng khi bà nhận ra bố và chị đầu của bà cũng đi trong nhóm đông người ấy. Lăng xăng họp nhau thành một vòng tròn lớn, cả đám người nói cười tíu tít rộn ràng. Rồi kẻ đẩy người xách náo nhiệt chẳng khác nào cảnh đón rước long trọng phái đoàn chính khách quan trọng từ nước ngoài về. Họ hỏi han, nói cười rồi ôm hôn thân mật và thắm thiết chẳng khác gì dân Tây Âu.
Trước khi mời mọi người đến hai chiếc xe van trắng và xám, ông Thắng, chồng bà Thu, trao cho mỗi người của gia đình ông Hoàng một bó hoa hồng, rồi cho cả đoàn biết là tất cả được mời về nhà ông nghỉ ngơi, và dùng cơm sau đó chờ quyết định của ông Hoàng và bà Kim Cúc muốn ở hay đến bất cứ nơi nào. Cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa đổ mồ hôi như tắm và không ngừng than nóng bằng tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt với nhau nhưng tỏ ra hân hoan không khác gì ba mẹ của họ. Mười chiếc va li to và dày cứng được khuân vác và chất đầy trong hai chiếc xe van mười sáu chỗ ngồi với bốn chàng thanh niên có khuôn mặt gần như tương tự nhau và chiều cao bằng nhau mà ông Hoàng và bà Kim Cúc không nhớ ai là ai dù đã được giới thiệu tên qua một lần. Cả hai xưng hô em cháu một cách lờ ngờ rồi mỉm cười giao thân với họ để che giấu sự vô tình của mình. Hơ hai mươi năm ở Mỹ, ông bà Hoàng ít khi liên lạc với những người thân ở Việt Nam. Thời giờ ở Mỹ đối với họ rất hiếm hoi vì thế họ luôn luôn dành cho sự học, công việc và cuộc sống gia đình riêng của họ hơn là thư từ hay điện đàm.
Sau khi hành lý được xếp chồng ngay ngắn ở những hàng ghế sau, ông Hoàng đươc mời ngồi ở chiếc ghế trước nơi mà vợ chồng ông Thắng và bà Thu ngồi ngay sau lưng. Cậu Phụng và cô Loan len vào hai hàng ghế sau cùng với những chàng thanh niên mà một trong ba người ấy là cậu Nam, bà con cô cậu với họ. Mặc cho bốn chàng thanh niên kia cười nói vui vẻ với nhau, họ chỉ để ý lắng nghe và chỉ trả lời khi được hỏi đến. Người tài xế có vóc lớn như lực sĩ, và khuôn mặt tròn với miệng luôn tươi cười như mặt ông địa, bông đùa luôn miệng về mười chiếc vali lớn khổ được đem về từ Mỹ. Anh ta hân hoan nhận phong kẹo cao su do ông Hoàng lịch sự mời và huyên thuyên đối thoại với bà Thu và ông Thắng khi hai người này kể hết chuyện này sang chuyện khác về những thành công của vợ chồng chồng ông Hoàng tại Mỹ.
Bác tài xế lớn tuổi của chiếc xe van xám, sau khi thỏa thuận với anh tài xế chiếc xe van trắng những con đường họ sẽ đi, mời bà Kim Cúc lên xe. Theo sự sắp xếp trước của những người đi đón, bà và ông Hoàng ngồi tách biệt theo gia đình mỗi người để dễ dàng tâm sự, mà theo bà, sự sắp xếp này này hoàn toàn hợp lý và đúng với ý nguyện của bà. Lisa bám chặt mẹ từ lúc ra khỏi cổng phi trường cho đến lúc ngồi trên xe. Háo hức được về Việt Nam gặp lại ông bà ngoại nhưng khi gặp ông cụ Đức, nó ngần ngại trước khuôn mặt tiều tụy và hốc hác của ông. Nó cũng e dè với những cử chỉ vồn vã của người dì ruột tên là Bạch Mai mà nó chỉ nghe nhắc đến đôi lần khi nó còn ở bên Mỹ. Ông cụ Đức ngồi cạnh người tài xế, im lặng chẳng khác gì người con gái đầu. Còn bà Kim Cúc, sau khi ngồi cạnh bà Bạch Mai, mừng mừng tủi tủi hỏi thăm mẹ không ngừng. Nỗi quan tâm đến bệnh tình của bà cụ Đức và khuôn mặt không thay đổi theo tháng năm của bà Bạch Mai đã khiến bà không nhớ ra hôm đó là lần đầu tiên bà gặp lại bà Bạch Mai sau hai mươi mốt năm kể từ khi bà bỏ nước ra đi. Đến khi nhận ra thái độ dè chừng và lối trả lời ngập ngừng khi được hỏi đến của người chị ruột của mình, bà Kim Cúc im lặng theo bầu không khí nặng nề và ngột ngạt trong xe.