Chương 20
Hai chiếc xe van len lỏi trong rừng xe đạp, xe máy và lác đác một vài chiếc xe ô tô nhỏ, băng qua các ngã tư đèn xanh đỏ, xuyên qua những con đường đông nghịt khoảng hai mươi phút rồi dừng lại trước căn nhà lầu cao ba tầng. Bước ra khỏi xe, ông Hoàng ngơ ngác nhìn quanh:
- Nhà cô chú ở đây sao?
- Dạ phải thưa anh. Ông Thắng vui vẻ trả lời khi nhấn chuông điện.
Bà Thu liến thoắng hỏi:
- Anh nghĩ em vẫn còn ở hẻm P.N à? Em bán nhà ấy lâu rồi. Em đổi bao nhiêu lần nhà mới xây căn nhà này. Em biết thế nào cũng có ngày anh chị về thăm gia đình nên mua đất gần phi trường Tân Sơn Nhất và xây phòng ốc tiện nghi theo cách của nước ngoài để đón anh chị. Tụi em còn đang xây một căn nhà gần đây, hôm nào chúng em sẽ đưa anh chị và các cháu đến xem.
- Việt Cộng bây giờ mua đứt Việt Kiều đó anh! Ông tài xế trẻ vừa cười vừa nói khi ông mở cửa sau xe và khiêng những chiếc va li xuống đất
- Cũng tùy người chứ anh! Cán bộ thì càng ngày càng giàu sụ chứ còn dân chúng thì muôn màu muôn vẻ, đủ loại đủ cảnh khác nhau. Kẻ có Việt Kiều giúp thì còn nở mặt nở mày chút đỉnh chứ còn người nghèo thì vừa chịu cảnh áo rách đói cơm vừa bị nợ nần không biết trốn chỗ nào cho thoát! Bác tài xế già của chiếc xe van xám ca cẩm xen chuyện khi ông giúp người đồng nghiệp kéo những chiếc va li đến cánh cửa sắt.
Một cô gái trẻ đẩy rộng cửa, cúi đầu chào:
- Cháu chào các ông, các cô các chú ạ
- Chào cháu. Cháu Linh phải không? Ông Hoàng hỏi với ánh nhìn ngờ ngợ.
- Không phải con em đâu! Cháu Linh đã đi du học ở Úc rồi anh à! Đây là Hoa, con anh Nghĩa ở gần nhà mình ở quê đó anh còn nhớ không? Bà Thu nhanh nhẩu đáp lời.
- Ủa vậy hả? Ba má cháu có lên đây chơi không? Ông Hoàng hỏi với giọng ngờ ngợ.
- Dạ không.
Câu trả lời gọn với cái cúi đầu của cô Hoa khiến bà Thu mau mắn giải đáp thêm:
- Chị Nghĩa chết lâu rồi, còn ảnh thì vẫn còn ở dưới quê với bà Năm cạnh nhà mình. Ảnh chỉ có hai đứa con, Hoa là con gái út còn thằng con đầu của ảnh là Minh, thằng mặc áo ca-rô lạt màu đang khiêng cái vali đỏ kìa. Thằng Minh thường sang nhà mình dưới quê chơi với thằng Hải con anh Hân, rồi thằng Nam con em xuống thăm anh Huy chơi với thằng Hải sẵn gặp thằng Minh nhập thành bộ ba. Chủ nhật nào ba thằng này không họp nhau ở dưới quê cũng lên Sài Gòn họp nhau ở nhà này. Chỉ có con Hoa mới lên đây vài ngày, nó phụ việc nhà cho em trong khi chờ làm cho quán cà phê mà em mới mua. Tụi em coi tụi nó như con nên cho ở nhờ để làm việc tại Sài Gòn kiếm chút đỉnh nuôi ba và bà nội của tụi nó chớ ở quê khó kiếm việc làm lắm.
Ngưng một chút để nuốt nước bọt, bà Thu nói tiếp:
- Anh coi con nhỏ Hoa này giống chị Nghĩa ngày xưa không? Đẹp còn hơn chỉ nữa đó! Nhưng mà có số hồng nhan thì thường bị bạc phận; trời cho cái sắc lại tài. Đẹp thì đẹp mà không làm ra tiền cũng khổ! Nếu anh coi bên đó có ai muốn kiếm vợ Việt Nam thì giới thiệu cho con bé hoa này có cơ hội đi Mỹ giúp gia đình anh Nghĩa chớ tội.
Ông Hoàng đặt chiếc xách tay của mình trên ghế sa lông để che sự xúc động của mình trước khuôn mặt quen thuộc của cô con gái đẹp nhất trong làng của ông năm nào khi ông còn là một chàng trai trung học. Ông nói qua loa:
- Cháu Hoa này giống chị Nghĩa thật! Nhưng mà đẹp như Hoa không cần phải chờ ai giới thiệu mới lập gia đình đâu!
Cô Hoa cúi đầu e thẹn, hai má đỏ ửng. Bà Thu đưa ánh nhìn tinh quái từ khuôn mặt cô Hoa đến khuôn mặt cậu Phụng khi cậu này cùng các thanh niên khác đang phụ đẩy những chiếc va li đồ sộ vào nhà. Kéo tay cậu ta ngồi xuống ghế cạnh bộ sa lông, bà đon đả nói:
- Để mặc cho Nam, Minh, Hải và Vũ làm được rồi, con ngồi nghỉ một chút đi! Đi đường xa, trời lại nóng, ngồi uống nước cho khỏe đã. Nước cam vắt này do Hoa làm đó con! Con gái Việt Nam rất ngoan và nghe sao làm vậy. Lấy vợ Việt Nam rồi con sẽ thấy mình hạnh phúc. Vợ Việt Nam không như mấy cô vợ Mỹ đâu con à! Cô nghe nói đàn bà Mỹ rất nguy hiểm, hễ họ bất bình chút gì là đòi ly dị chia gia tài ngay, cho nên đừng vướng vào cái cực làm gì, học ra trường xong, về đây lấy vợ Việt Nam nghe con!
- Dạ không, cháu không có ý định lấy vợ Việt Nam đâu! Cậu Phụng ném cái nhìn khinh bạc qua khuôn mặt chín ngượng của cô Hoa rồi thưa thêm với bà Thu - Để nước cam này cháu mời ông ngoại vào dùng cho khỏe.
Ông Hoàng đưa ánh mắt bất bình về phía con trai. Thái độ ngạo mạn và bất cần của cậu Phụng cho ông hình ảnh cậu ấm của gia đình trưởng giả coi khinh cô hầu gái trong căn nhà sang trọng quyền quý và hình ảnh tương phản của chàng thanh niên chính ông e dè và ngại ngùng trước sắc đẹp của một cô thiếu nữ giống hệt như thế ở căn nhà đất lợp mái tranh trên con đường đất dọc theo những hàng dừa xanh mướt mà ông thường đạp chiếc xe đạp cũ kỹ ngang qua mỗi buổi chiều năm nào. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Hoàng ở quê Long Xuyên năm ấy là chàng trai Việt khiêm tốn, e dè, biết tôn sùng sắc đẹp của người con gái Việt chứ không phải là chàng trai Mỹ gốc Việt Nguyễn Văn Phụng có thái độ coi thường thiếu nữ Việt một cách thẳng thừng và không tế nhị như thế. Thương hại trước sự ngượng ngập và xấu hổ của cô Hoa, ông Hoàng chăm chú quan sát cử chỉ của đứa con trai của mình với ánh nhìn hết sức xa lạ và khó hiểu.
Không để ý sự quan sát của bố mình, cậu Phụng phụ bà Kim Cúc đưa ông cụ Đức đến chiếc ghế sa lông đơn bằng da màu đen trước cái bàn kính nơi có những ly nước cam lạnh trên ấy. Ông cụ ngơ ngác nhìn xung quanh phòng trong khi đặt người ngồi xuống ghế. Không khác gì thái độ của ông Hoàng khi đứng trước căn lầu rộng lớn, ông cụ Đức kinh ngạc tột độ khi nhìn phòng khách rộng rãi với bao nhiêu đồ trang trí nội thất đắt tiền. Ông cụ biết rõ là cơ ngơi của ông Thắng và bà Thu không hề có sự đóng góp của con rể và con ruột của mình. Bà Kim Cúc, kinh ngạc không kém gì bố, không tin rằng mình có thể nào trả hết một lần tiền mặt để tậu một căn lầu ba tầng đồ sộ có cái phòng khách rộng như thế tại thành phố có những vô số nhà chi chít như Sài Gòn khi bà Thu cho biết giá trị của căn nhà gần hai trăm ngàn Mỹ Kim. Bà Bạch Mai sững sờ như bố và em gái ruột. Bà nhớ cách đấy hai năm, khi gia đình ông Hoàng gửi tiền về biếu tết và nhờ bà chuyển tiền dùm đến vợ chồng ông Thắng và bà Thu, bà đến thăm họ ở địa chỉ LêVăn Sĩ vậy mà bà nào có biết họ có căn nhà cao tầng đồ sộ ở đại lộ Cộng Hòa này.
- Dùng nước cam mát cho khỏe người đi chị Bạch Mai. Mèn ơi! Hổng biết cách gì mà hôm nay trời nóng như thiêu như đốt. Bà Thu nói sang sảng.
Đón ly nước trên tay người bạn hàng xóm năm nào, bà Bạch Mai chưa kịp nói cảm ơn đã nghe bà Thu hỏi tiếp:
- Nóng quá phải không chị? Để em kêu con Hoa điều chỉnh máy lạnh cho mát hơn mới được! Mình quen vớI khí hậu ở đây mà chưa chịu nổi huống hồ gì Việt Kiều!
Lăng xăng khiến việc cho cô Hoa xong, bà Thu trở lại ngồi cạnh bà Bạch Mai thân mật hỏi:
- Thấy nhà của em được không chị Bạch Mai? Có lạ hơn hay khác hơn mấy cái nhà mới xây ở thành phố này không hở chị?
Nhận rõ chị mình đang ở trong trạng thái không muốn nghe chuyện của bà Thu, bà Kim Cúc đỡ lời:
- Nhà này đẹp thật! Khác những căn nhà mới xây trên đường về đây nhiều lắm cô Thu!
Mắt bà Thu sáng rực:
- Thật vậy hả chị? Em cũng nghĩ như vậy mà! Một tay em ra kiểu cho tụi nó vẽ thiết kế chứ không theo kiểu nhà nào cả . Em...
Sau chữ “em” trong nốt trầm nhất của giọng nói, bà Thu bắt đầu thao thao về chuyện nhà cửa. Xong chuyện nhà cửa, bà nói sang đến chuyện đất đai. Xong chuyện đất đai, bà nói đến vàng. Xong chuyện vàng, bà nói đến tiền Mỹ Kim. Xong tiền Mỹ Kim, bà nói đến đồ đạc trang trí nội thất ... và cứ sau mỗi những chữ “chèn đéc ơi!” hay “mèn đéc ơi” với nốt cao nhất của giọng nói thì bà chuyển một đề tài nóng hổi về cú áp phe mà đáng ra bà phải được nhiều hơn thế nữa.
Bà Kim Cúc gật đầu nhịp theo lời kể lể của bà Thu với vẻ lịch sự tối đa. Bà hiểu cô em chồng và bà chị ruột của bà cùng chung một tuổi và học chung trường luật nhưng có tài ăn nói khôn ngoan của bà Thu hơn hẳn bà Bạch Mai rất nhiều. Với trình độ hiểu biết về ưu và nhược của các loại kinh tế xã hội trên thế giới, với lối kê khai lý lịch khôn khéo, và với tài xoay xở trong giao thiệp, cô Thu đã lấy lòng hầu hết các cán bộ gộc trong khóm phường địa phương nhất là được tin tưởng và tín nhiệm một cách tuyệt đối bởi những cán bộ nữ “bắc 75” cư ngụ cùng xóm. Bởi trước năm 1975, cô Thu ở nhờ trong nhà bà con của cô tại khóm P.N trong thời gian ngắn, và ít khi tiếp xúc với những người hàng xóm cho nên không một ai biết rõ nguyên quán và xuất thân của cô từ đâu cũng như không hiểu cô là thuộc loại người xấu hay tốt. Người ta chỉ biết là sau khi chủ của căn nhà mà cô ở trốn ra khỏi nước trước khi Sài Gòn thất thủ, cô Thu vẫn cư ngụ ở đó rồi sau đó vài ngày ông Thắng đến ở chung với cô. Họ cùng đăng ký tên trong bản khai hộ khẩu gia đình với danh nghĩa là vợ chồng chính thức rồi đương nhiên sống trong căn nhà như thể căn nhà do chính họ đã mua được nó. Cũng từ đó, thỉnh thoảng người trong xóm thấy vài người lai vãng đến căn nhà của vợ chồng họ vào lúc trời chạng vạng tối nhưng chẳng ai buồn để ý những người ấy là ai khi mà họ phải lo chuyện đối phó với tình hình mới của xã hội sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 hơn là chuyện chẳng dính dáng đến mình. Còn cô Thu, với bản kê khai lý lịch trong sạch một vợ một chồng và cha mẹ già hiện sống ở quê, ở vào vị trí trung lập của người không dính dáng chút nào về chế độ cũ hay mới. Nhờ thế, cô đã tha hồ nói hươu nói vượn với những “cán bộ Cách Mạng” mà không hề sợ bị chỉ điểm hay chụp mũ. Thời gian ấy, cô Kim Cúc biết nhiều người cán bộ nữ thích nói chuyện với cô Thu bởi vì cô thấy họ thường yêu cầu cô này ở lại để nói chuyện riêng sau những lần họp tổ, khóm, hay phường. Vài lần loáng thoáng nghe được những lời họ bàn luận cô Kim Cúc hiểu cô Thu đóng vai trò của người giải thích cho những người nữ cán bộ những cái mới lạ mà họ ngơ ngơ ngác ngác khi diện kiến hàng ngày. Trong một buổi tối đi tìm hỏi địa chỉ nơi chị mình làm công tác lao động, cô Kim Cúc đã tình cờ nghe cô Thu khuyên nhủ các chị em cán bộ thay đổi quan niệm về cái đẹp của phụ nữ. Cô Thu nói là cái đẹp mạnh mẽ và cứng rắn với vai u, thịt bắp, và bàn tay to khỏe của người phụ nữ lao động và cái đẹp cầm súng bắn địch, cầm cuốc đào đất, cầm dao chặt cây, cầm rìu vót chông bẫy địch của nữ anh hùng trong chiến tranh là cái đẹp lỗi thời của sự căm hờn và thù hận, rồi cho rằng cái đẹp của phụ nữ phải là cái đẹp mềm mại, và dịu dàng như của các cô gái miền Nam, hay ít ra là cái đẹp nhũn nhặn, và nhu mì của hầu hết các thiếu nữ thường có trong thời bình. Cô khuyên các chị em cán bộ đừng quá tự ái khi thiếu chút quyền bình đẳng, và cũng đừng vì thành tích lao động mà làm việc bất kể sống chết để vượt cánh đàn ông. Cô giải thích rằng nếu các chị các em muốn đi ngược cái năng khiếu bẩm sinh, trời ban, và sẵn có của đàn ông thì chẳng khác nào các chị em gầy dựng cho họ tính chay lười, bỏ mặc và thờ ơ. Với sự giải thích này, cô còn cho họ biết thêm ý nghĩa của chữ “ga lăng” và các cử chỉ lịch thiệp mà các chàng trai miền Nam thường dành cho các cô gái miền Nam. Cô còn nói là các chị em “bộ đội” đừng nên hủy hoại sắc đẹp của mình mà nên bắt chước phong cách sống của các cô gái miền Nam. Cô khuyên các chị em không nên vì tinh thần tập thể quá đáng, nghĩa là không nên mặc áo quần giống nhau như đồng phục, và không nên mặc cùng một loại áo màu xanh mực cổ lá sen to bản, quần lanh đen và mang dép nhựa bít như đương thời mà nên phát triển tính cá nhân riêng biệt của mình theo những cách ăn mặc hay trang điểm khác nhau; nghĩa là nên thử các kiểu áo khác nhau, các loại vải quần khác nhau và mang nhiều kiểu giày, dép, guốc khác nhau như những người con gái Sài Gòn đang mặc hay đang mang để tạo cho mình hình ảnh người phụ nữ mềm mại, dịu dàng và riêng biệt. Cô còn khuyên các chị em là các chị em đã được vào đất miền Nam, đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh của hạ lưu sông Cửu Long thì không nên ám ảnh cảnh cực khổ nữa mà nên bắt chước phong cách sống rộng rãi và xài tiền “xả láng” của người miền Nam nhất là người Sài Gòn để hưởng thụ “thoải mái” những vật chất hiện có trong đời người. Những lời nói và lời khuyên của cô Thu dành cho các chị em cán bộ đã làm cô Kim Cúc kinh hoàng tột độ. Cô nghĩ đó là lối nói xúc phạm khá lớn đối với người nghe, nhất là những người thuộc nằm lòng lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa và luôn luôn đề cao tinh thần tập thể trong các buổi học chính trị. Thế mà, cô Kim Cúc chỉ nghe các nữ cán bộ hỏi cô Thu là: “Trước khi Cách Mạng vào miền Nam, các chị em phụ nữ trong này bị lính Mỹ đối xử và bóc lột tàn tệ như thế nào mà vật chất sung túc và đầy đủ thế hả chị?” Thế là sau câu hỏi đầy hóc búa ấy, cô Thu lại phải giải thích dài dòng thêm cho các cô nữ cán bộ nhiều vấn đề mà lúc ấy cô Kim Cúc không hề muốn lắng nghe vì nôn nóng chuyện tìm tin tức của chị mình. Lúc ấy, dù chẳng muốn nghe họ nói hay bàn luận, cô Kim Cúc đã phải giữ lịch sự ngồi chờ họ đối thoại xong chuyện của họ để hỏi chuyện mình và để giữ lời hứa chờ cô Thu cùng đi về nhà. Tối hôm ấy, trên đường về nhà, cô Thu đã nói với cô là: “Mấy người Cách Mạng này ngố thấy mồ chứ không phải dữ dội như người miền Nam mình đồn đâu! Họ biết tẩy người miền Nam mình trong này cũng do dân mình báo cáo hay chỉ điểm nhau mà thôi! Chị không có ngu đến độ chỉ điểm ai, cho nên làm ơn đừng nghĩ chị là người xấu! Chuyện mà chị nói với họ là chuyện sinh hoạt hàng ngày vì muốn làm cho họ thay đổi quan niệm sống và cách ăn mặc như con gái trong miền Nam mình chứ không phải về chuyện chính trị hay tố cáo làm hại ai đâu!” rồi thì thầm vào tai của cô là “Gia đình em ở xóm này khá lâu, khó mà giấu kín được chuyện ba em đã làm gì cho nên em nên kiếm đường vượt biển đi Kim Cúc à! Lý lịch dính dáng chế độ cũ của ba em, má và em không có việc làm đã đành lại còn phải thăm nuôi ba em nữa có mà chết! Chẳng thà em trốn sang nước tự do kiếm việc làm gửi tiền về lo cho hai bác còn hơn!” Bởi vì lời khuyên của cô Thu dành cho cô khá thành thật nên cô Kim Cúc quên bẵng mối nghi ngờ trước đó của mình và đã nhờ cô này tìm dùm đường dây trốn ra nước ngoài. May mắn cho cô Kim Cúc là cô đã hỏi đúng người. Sau này, chính cô Thu là người chỉ mối vượt biên cho cô với giá rẻ nhất. Bằng sợi dây chuyền mặt trái tim và chiếc nhẫn kiểu vàng tây, cô đã được trốn thoát ra khỏi nước trong thời gian mẹ cô vẫn còn thăm nuôi bố cô ở trại cải tạo H.T.
- Hôm nay anh Thanh không đi đón gia đình anh chị tư Hoàng được hả chị?
Câu hỏi của ông Thắng đưa bà Kim Cúc trở lại thực tế và làm bà chạnh lòng khi nhìn nét ngượng ngập trên khuôn mặt của người chị ruột.
Lần này, bà Thu trả lời thay cho bạn:
- Bác trai và chỉ đi đón gia đình anh chị tư Hoàng rồi thì phải có người ở nhà trông bác gái chứ!
Dứt lời bà đứng dậy tíu tít hỏi: “Hoa đâu rồi? Thức ăn dọn xong hết chưa vậy cháu?”, rồi rối rít nói: “Dạ, cháu mời bác! Mời chị Mai, mời anh tư, mời chị tư vào phòng ăn!”, rồi rối rít gọi: “Các con Phụng, Loan, Lisa vào ăn chút gì đi rồi muốn tính sao thì tính !”, rồi réo con trai “Nam! Con kêu mấy đứa xuống hết đi! Ăn cho xong rồi ba má còn sang P.N thăm bà ngoại của anh Phụng nữa!”, rồi bảo riêng với ông Thắng “Mình phải đi thăm bác gái chứ lâu quá chưa thăm lại. Để mấy đứa nhỏ ở nhà trông nhà được rồi!” và lăng xăng giục hai người tài xế “Mời bác Tám và anh Năm sẵn bữa vô dùng cơm luôn. Ăn xong là mình đi ngay nghe bác Tám, nghe anh Năm!”
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 21
Nằm trong tư thế ngay ngắn và bất động, bà cụ Đức đưa ánh nhìn lờ đờ từng người quanh giường. Nhận ra quả là bà Kim Cúc bên cạnh mình, bà nở nụ cười nhân hậu nói:
- Con về thăm mẹ đấy à?
Bé Lisa bật khóc nức nở:
- Cháu cũng tới đây thăm bà ngoại nữa. Sao bà ngoại không về với cháu? Ngoại không nhớ cháu hay sao?
Nước mắt của bà cụ Đức trào ra khỏi khóe từng cơn và không ngừng. Mở miệng toan nói, những cơn ho khan ập tới làm cụ phải đưa cánh tay gầy khẳng khiu chặn lấy ngực. Cô Loan đang đứng yên lặng bên đầu giường với những giòng nước mắt chảy âm thầm, vội vàng khom người xuống đở đầu cụ cao hơn trên chiếc gối. Với khuôn mặt căng thẳng đến lạnh băng, bà Bạch Mai nhẹ nhàng cúi người xuống rút chiếc khăn trên đầu giường để lau nước mắt, nước mũi, và nước dãi cho bà cụ.
Bất kể sự chăm sóc của con cháu tận tình ra sao, những cơn ho tiếp tục hành hạ bà cụ Đức. Những đường gân xanh nổi rõ trong lớp da trắng nhăn nheo cùng với hai hốc cổ sâu vật vã nhấp nhô nơi hai nhánh xương gầy gộc tạo cho bà cụ một vóc dáng hết sức thảm hại và thương tâm. Đau xót khi nhận ra mẹ mình yếu ớt và tiều tụy khá nhiều, bà Kim Cúc ngồi sụp cạnh giường, áp đầu vào thân hình còm cỏi của bà cụ và nói trong tiếng khóc nức nở:
- Mẹ! Mẹ đến nông nỗi này sao? Sao mẹ không chịu về lại với con để con có cơ hội chăm sóc mẹ? Có phải mẹ giận chúng con không?
- Làm sao mẹ giận các con được? Mẹ hiểu tấm lòng hiếu thảo của các con lắm nhưng mẹ không muốn mình là gánh nặng cho con ở xứ người. Bà cụ Đức trả lời với giọng khàn khàn và yếu ớt.
Bà Kim Cúc chùi nước mắt:
- Vậy thì ở đây có khác biệt gì? Tại sao mẹ dành đặc ân cho một người con này mà không dành cho người con khác?
- Bố mẹ đã nghĩ kỹ rồi! Dầu sao ở đây anh chị con còn có nhiều thì giờ hơn các con ở bên ấy. Ông cụ Đức đáp lời.
Ông Hoàng đặt tay trên vai bà Kim Cúc, khuyên lơn:
- Mẹ đang mệt, em không nên làm mẹ xúc động.
Bà Bạch Mai cũng nói:
- Đây không phải là lúc chúng ta bàn luận chuyện nên hay không nên làm. Vì sức khỏe của mẹ trong tình trạng nguy kịch cho nên những gì bố mẹ bàn định và thực hiện đều vì sự thuận lợi cho các em bên ấy.
Đưa tay gạt những giòng nước mắt tuôn ra không ngừng, bà Kim Cúc khựng ánh nhìn trên khuôn mặt bà Bạch Mai một lúc rồi đảo mắt quanh căn gác. Căn gác sau hai mươi lăm năm không chút thay đổi; nó vẫn èo ọp như ngày bà trốn khỏi Việt Nam và vì thế bà cảm thấy đau lòng hơn khi nhìn thấy mẹ mình sống và chữa trị trong điều kiện không đầy đủ.
- Cháu mời dì dùng nước ạ - Người thanh niên có thân hình cao gọn chìa ra ly nước đá chanh trước mặt bà với những ngón tay trắng gầy.
Nhận ra khuôn mặt vuông khắc khổ, mũi xương cao và đôi mắt tinh anh của người thanh niên chẳng khác gì của ông Thanh, bà Kim Cúc hỏi:
- Cháu Bình đây phải không?
- Vâng ạ. người thanh niên gật đầu
- Cháu đã lớn như thế này rồi kia ư! Năm nay cháu đã bao nhiêu rồi?
- Cháu được hai mươi bốn tuổi rồi đấy cô - Ông Thanh trả lời thay con - Cháu sanh sau ngày “giải phóng” một năm.
- “Giải phóng” ai? “Giải phóng” anh đấy! Bà Bạch Mai gắt nhẹ với đôi mắt chớp bối rối.
Khựng lại một lúc bởi nghi hoặc, ông Thanh quay sang bà Bạch Mai:
- Thế thì ... “ngày hòa bình lập lại”, “ngày thống nhất đất nước”, và “ngày đất nước hòa thành một”, mẹ nó thích ngày nào? Gớm! Người nhà cả mà làm gì phải kỹ thế!
Bà Bạch Mai không trả lời trong khi bà Kim Cúc chép miệng:
- Thời gian trôi nhanh thật!
Quả là thế! Như mới hôm qua, cách đấy hai mươi lăm năm khi bà còn là một cô gái ở tuổi năm đầu của bậc đại học, cũng trong căn gác này, cũng trên cái giường gỗ nơi bà cụ Đức nằm đây, là chỗ cô Kim Cúc ngồi thuyết phục cô Bạch Mai từ bỏ ý định yêu thương ông Thanh, người con trai độc nhất của ông phó chủ tịch phường. Bà nhớ rõ là sau những buổi họp tự phê bình và phê bình dài dằng dặc với những người trong khóm vào cuối tháng năm của năm 1975, chị ruột của bà, cô Bạch Mai đã tình nguyện đăng ký cùng con ông chủ tịch phường trở thành thanh niên xung phong để đi lao động nghĩa vụ ở vùng kinh tế mới C. Lúc đó bà còn tưởng là do các tờ khai lý lịch tỉ mỉ, do buổi chia tay với bố trước khi ông vào trại cải tạo, và do chỉ thị gia đình đi kinh tế mới xảy ra liên tiếp mà cô Bạch Mai xúc động đến độ muốn lấy điểm những người trong chính quyền mới bằng chính sức lao động của cô bỏ ra để căn nhà do mẹ cô đứng tên không bị chiếm lấy. Thế nhưng sau cái lần bà phó chủ tịch chì chiết ông Thanh dính dáng với con gái của “thằng Ngụy” qua cái vách tường mỏng cạnh một nhà hàng xóm thì không những gia đình nhà hàng xóm ấy biết chuyện cô Bạch Mai có “quan hệ tình cảm” với “con cán bộ” mà cả mẹ con cô Kim Cúc và cả xóm đều biết cái tin động trời này. Rối rắm với những lời dị nghị đàng sau lưng, cô Kim Cúc hết lòng khuyên nhủ chị cô hồi tâm trở lại thế nhưng cô Bạch Mai nhất định khư khư với tình cảm riêng của mình. Với thái độ bất khả thi của cô Bạch Mai, cô Kim Cúc đã oán giận sự tiêm nhiễm tinh thần yêu nước xu thời của chị và đau khổ với hình ảnh cực khổ tảo tần của mẹ. Trong khi cô Bạch Mai tham gia công tác lao động ở những vùng đất chưa khai khẩn với đám “thanh niên xung phong”,bà cụ Đức phải lo chắt chiu bán hết những vật dụng trong nhà ngay cả những thứ vụn vặt nhất như giấy, nhôm, nhựa để kiếm tiền mua thực phẩm cho những lần tìm đường thăm nuôi ông cụ Đức. Mỗi đêm, cô Kim Cúc đã khóc thầm trong tức tối vì cô cho rằng sắc đẹp kiều diễm như tiên giáng thế của chị cô đã được chiêm ngưỡng với sự vô vọng bởi bao sinh viên trí thức Sài Gòn và bao chàng lính Việt Nam Cộng Hòa hùng dũng ngày xưa, đã tự nguyện dâng hiến cho một người kém tuổi, thua học vấn, và chênh lệch khá nhiều về phong cách sống. Trong ý nghĩ của cô Kim Cúc lúc ấy, chẳng thà chị của cô ưng những người đàn ông con trai miền Nam đã có trình độ học vấn nhưng bị “đổi đời “ thành những người đạp xích lô, đạp ba gác, bán giấy loại, bán nhôm nhựa, bán báo cũ, hay “chạy mánh” ở các chợ trời mà vẫn còn vinh dự hơn con trai của người “xâm chiếm miền Nam”. Cho dù ông Thanh đẹp trai vượt hẳn những người thanh niên bắc 75 đương thời như thế nào và được tiếp đón ân cần của chị cô ra sao thì dưới mắt cô lúc ấy ông chỉ là kẻ cừu địch chứ không thể nào là anh rể của cô.
Sau tháng tư năm 1975, cô Kim Cúc biết có rất nhiều thanh niên miền Nam bỏ nước ra đi cho nên tình trạng “trai thiếu gái thừa” sau chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn, tuy nhiên, cô luôn luôn đặt một quy luật cho mình là cô có thể thành gái già suốt đời hoặc là chỉ lấy người chồng cùng ở miền Nam trước đây mà thôi. Lúc ấy cô còn nghĩ là cô sẵn sàng lấy một người thanh niên miền Nam đạp xích lô, đạp ba gác, đứng đường buôn bán ở chợ trời, bán nhôm nhựa, bán ve chai, bán thau đồng, giấy loại hoặc những thanh niên, và những đàn ông trở về từ những trại tù cải tạo còn hơn lấy những kẻ có quyền lực bởi chiến thắng. Cũng lúc ấy, cô tưởng là chị cô cũng có cùng ý nghĩ với mình và cả hai người sẽ không bao giờ bị những lời châm biếm đàng sau lưng như “Khéo thay cái cảnh gió phất chiều nào theo chiều đó!”, “Thứ phản thùng!”, “Đổi đời, đổi người cứ như trở bàn tay”, “Con Ngụy mà khéo thay cờ lập công theo Cách Mạng!”. Nghĩ đến những ánh mắt khinh bỉ ngấm ngầm của những người hàng xóm và tình cảnh của gia đình, cô đã hết lời khuyên nhủ cô Bạch Mai bình tâm suy nghĩ những gì nên và không nên làm; thế mà, người chị ruột của cô một mực ngoan cố với cái tình yêu mà chị ta đang có. Bất cần sự chấp thuận của “Ngụy” hay “Cách Mạng”, bất cần chuyện cưới hỏi của gia đình mình hay gia đình của người mình yêu, bất chấp được hay không được chứng thực hôn thú của chính quyền đang hiện hành, sau chuyến nghĩa vụ lao động sáu tháng, cô Bạch Mai đã trốn cùng cậu Thanh về Bình Dương sống với gia đình ông cụ Phúc cho đến khi sinh cậu Bình. Cõi lòng tan tác với tuyệt vọng và oán hờn, cô Kim Cúc tuyệt giao tình chị em với cô Bạch Mai rồi chuyên tâm lo giúp mẹ chạy tiền thăm nuôi bố. May mắn cho cô là cô đã được cô Thu, chỉ mối cho cô trốn ra khỏi nước cùng với nhóm người tổ chức vượt biển mà trong đó có cả ông Hoàng, anh trai thứ ba của cô Thu, người vừa trở về Sài Gòn từ sau hai năm ở trại cải tạo và sống lén lút ở Sài Gòn như một kẻ vô gia cư.
- Tất cả đều là dĩ vãng của quá khứ, giờ hai chị nên bỏ qua chuyện cũ mà “hợp tác” chăm sóc bác gái đi! Nhìn bác yếu ớt kiệt cạn như thế này chẳng biết ra sao, thấy thương quá!
Tiếng nói của bà Thu cắt dòng tư tưởng và đưa bà Kim Cúc vào thực tế. Vân vê ly nước trong tay và lau những giọt mồ hôi lạnh đọng ngoài ly, bà Kim Cúc chợt thấy bùi ngùi. Sự tuyệt giao của bà đã khiến mối quan hệ dì cháu trở thành xa lạ vậy mà đứa cháu kêu bà bằng dì không một chút oán hờn. Bà nói với cậu Bình:
- Dì có mua cho cháu nhiều quà lắm.
- Cảm ơn dì! Ở đây cháu cũng có đủ thứ, không cần gì cả ạ!
Ngượng nghịu trước sự từ chối thẳng thừng của đứa cháu, bà Kim Cúc quay sang ông Thanh và bà Bạch Mai hỏi lảng sang chuyện khác:
- Anh chị chỉ có một cháu từ nào đến giờ?
- Một cháu là đủ rồi em ạ. Tiêu chuẩn “Nhà Nước” cho mỗi gia đình hai con, nhưng hoàn cảnh gia đình này có một là đủ. Ông Thanh trả lời.
Bà Bạch Mai vội vàng nói:
- Chả phải bởi “Nhà Nước” gì cả em ạ! Anh chị có làm gì cho “Nhà Nước”, có là Đoàn viên, hay Đảng Viên đâu mà sợ kế hoạch hay chỉ tiêu. Nhiều con càng phải lo nhiều, có một đứa lo cho nó nên thân là đủ!
Ông Thanh ngơ ngác nhìn vợ rồi nói theo một cách dè chừng:
- Đúng rồi! Anh chị chả làm gì cho chính quyền hay “Nhà Nước” cả! Làm tiểu thương, bán bánh cuốn cho cả xóm này được bằng mấy lần lương “Nhà Nước” đấy em!
- Vậy còn hai bác bên ấy như thế nào? Bà Kim Cúc hỏi xã giao.
- Bố mẹ anh đều chết cả rồi. Mẹ anh thì chết cách đây bốn năm. Bà bị chứng viêm khớp kinh niên từ sau khi sinh anh non một tháng vì phải ngâm mình dưới nước cả ngày lẫn đêm trốn “địch” trong khi chiến đấu ở Trường Sơn cơ! Còn bố anh cũng chết sau bà một năm, bác sĩ chẳng nói rõ ông bị chứng bệnh cụ thể gì, lúc thì nói phổi lúc thì bảo suyễn, lúc thì bảo suy tim. Vợ chồng anh lo chạy chữa mà chẳng xong. Ông mất vào tháng sáu năm 1996.
Bà Kim Cúc thở dài:
- Tất cả rồi cũng tiêu ma!
Cậu Bình nói:
- Con có thăm ông nội con nhiều lần trước khi ông qua đời. Ông tâm sự với con ngày xưa ông tập kết ra Bắc vì ông muốn chiến đấu cho sự độc lập và thống nhất của đất nước.
Trong khi bà Kim Cúc còn đang ngạc nhiên với câu chuyện khơi mòi về chiến tranh của cậu Bình, ông Thanh vội vã đáp lời con:
- Khi còn ở Bắc, bố cũng nghĩ cuộc chiến tranh ở chiến trường miền Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì đuổi được quân đội xâm chiếm Mỹ ra khỏi miền Nam ngờ đâu khi vào đến Sài Gòn mới vỡ lẽ nhân dân miền Nam có một cuộc sống quá tự do và giàu có!
- Nhưng con hiểu là khi ở miền Bắc trước năm 1975, những người dân ngoài Bắc tin là họ thực sự chiến đấu cho lý tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc. Họ tin như vậy không phải chỉ vì họ bị nhồi sọ bởi những bài học chính trị nhưng chính vì họ chứng kiến những quả bom B52 khổng lồ của Mỹ đổ xuống Hà Nội. Chính những quả bom ấy đã bồi bổ thêm cho họ tư tưởng chiến đấu vì chính nghĩa và làm cho họ kiên định với ý chí “sinh Bắc tử Nam”!
Câu phán của cậu Bình như quả bom đang rơi ngay căn gác của nhà bà Bạch Mai. Vượt cái nặng nề của không khí im lặng, và câu hỏi ngầm “Lúc ấy mày ra đời rồi đấy hả con?” qua những ánh nhìn đăm đăm của mọi người, cậu Bình tiếp tục:
- Con biết là lúc đó nhiều người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam và con còn biết rất nhiều vấn đề khác qua tìm hiểu ở internet chứ không phải chỉ vì chuyện toàn bộ gia đình của bà nội của con chết vì bom Mỹ mà nói thế đâu! Hiện nay hệ thống điện tử toàn cầu hóa, không có gì bưng bít giới trẻ chúng con được! Chiến tranh nào cũng tàn khốc cũng đổ vỡ và tang thương bởi vì những người chiến đấu đều khăng khăng với mục đích chiến đấu của mình nhưng mà bên nào phải bên nào trái, sự việc xảy ra như thế nào và vì sao phe được thắng trận vì sao phe bị thua trận bọn trẻ chúng con bây giờ thừa hiểu hết rồi! Để biết rõ lịch sử trong và ngoài nước một cách trung thực, giới trẻ chúng con bây giờ phải ra công tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau trong mạng ở máy vi tính chứ chẳng phải nghe theo một chiều, một phía ở trong nước này thôi đâu!
Bà Thu hỏi ngay:
- Ủa? Nói vậy nhà có máy vi tính rồi hả cháu?
- Dạ không, cháu chỉ mướn ngoài dịch vụ và thỉnh thoảng xem ở cơ quan. Cậu Bình đáp.
- Cháu đang làm cho công ty nào vậy?
- Công ty Bách Hóa Tổng hợp ạ.
- Cháu làm gì?
- Kế toán tài chính.
- Chắc có bằng?
- Dạ bằng đại học Kinh Tế Tài Chính.
- Cô không có bằng đại học như cháu nhưng nhờ làm thâm niên và có biên chế nên cái chức thủ quỹ cho công ty xuất nhập khẩu thành phố của cô cũng ổn lắm. Làm cho mấy công ty này nếu biết cách thì “có ăn” lắm đó cháu!
- Cháu không quan tâm chuyện làm thêm hay kiếm thêm thu nhập miễn là làm gần nhà và được an nhàn là đủ!
Ông Thắng hỏi ông Thanh:
- Còn căn nhà của hai bác phó chủ tịch giờ ra sao mà anh chị thờ cúng hai bác ở đây?
Câu hỏi của ông Thắng làm bà Kim Cúc chú ý đến hai bức ảnh của thân sinh và thân mẫu của ông Thanh trên tủ thờ sát bức tường ngăn phòng giữa với phòng ngủ bên trong. Chiếc bàn thờ với bát nhang, bình hoa và quả bồng trái cây chắc hẳn khiến ông Thắng thắc mắc khi mà ông bán tín bán nghi về sự vô thần, sự không tin có linh hồn sau khi chết của những người cán bộ và thắc mắc sự phụng thờ chu đáo bởi bà Bạch Mai, người theo đạo thờ cúng ông bà.
- Bố tôi không có tiền mua căn nhà bán hóa giá nên giao lại cho chính quyền khi ông còn ở bệnh viện cơ.
Vừa nghe ông Thanh thành thật trả lời ông Thắng xong, ông Hoàng đã vội bàn ra:
- Hãy để cho hai cụ yên nghỉ, giờ thì tất cả cũng đã qua!
Cậu Bình đảo cặp mắt sáng ngời nhìn mọi người rồi nói một cách thẳng thắn:
- Bất kể ông nội và ông ngoại của cháu là người phe nào cháu vẫn tự hào cả vì hai ông của cháu đều là hai người lương thiện. Theo cháu, cái quan trọng không phải là chuyện ông nội và ông ngoại của cháu đã theo chế độ chính trị nào, mà là hai ông có phải là người tốt hay không. Lập trường tư tưởng của mỗi người đó là tự do cá nhân của người ấy, chỉ tiếc rằng vì hoàn cảnh mà gia đình nội ngoại không có mối giao hảo cho nên cháu không được may mắn để có sự đồng lòng thương yêu và đùm bọc của hai bên gia đình khi còn bé như những đứa trẻ khác.
Mọi người im lặng trước thái độ quá nhạy cảm và và lời nói quá khích của cậu Bình. Những tiếng ho khan dữ dội của bà cụ Đức đột nhiên ngưng lại bất chợt như bà khá xúc động với những lời vừa nghe. Còn ông cụ Đức, ra vẻ không nghe cậu Bình nói gì, ngồi co ro trên chiếc ghế gỗ ở một góc phòng như người vô hình.
Bà Kim Cúc ngước lên nhìn chồng:
- Em ở lại với mẹ, anh đưa các con về bên ấy ở với cô Thu để các con có điều kiện ăn ở thoải mái và được đi chơi nơi này nơi khác.
Cậu Phụng nói:
- Tình trạng sức khỏe của bà ngoại như vầy, mình không đi chơi xa cũng không sao. Luẩn quẩn trong thành phố để lui tới thăm ngoại dễ dàng hơn.
Lisa nói:
- Cho con ở lại đây với mẹ. Con thích gần bà ngoại!
Bà Bạch Mai vuốt tóc nó:
- Dì đã chuẩn bị một phòng riêng cho bố mẹ rồi nhưng nhà cửa chật hẹp không đủ cho cả gia đình, nếu chỉ có mẹ và con ở lại thì không hề gì đâu, đừng lo!
Ông Hoàng gật đầu ưng thuận trước ánh nhìn chờ đợi của con Lisa, rồi đập tay trên vai cậu Bình một cách thân mật:
- Cháu giúp dượng chở dì và Lisa sang nhà cô Thu khi dì cần nhé!
Cậu Bình gật đầu với vẻ nhân ái:
- Dạ vâng, cháu sẽ chở dì đi bất cứ nơi nào dì muốn. Nếu chiều tối dì muốn về bên cô Thu ngủ thì cháu sẽ đưa về.
Bà Kim Cúc lắc đầu:
- Dì sẽ thu xếp những đồ đạc cần thiết để ở đây chăm sóc ngoại chỉ trừ ngày mai đi Long Xuyên thăm bác hai Huy ở Long Xuyên và ngày mốt đi Bình Dương thăm gia đình ông chú Phúc thôi.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 22
Xuyên ánh mắt qua khung sắt của chiếc cửa sổ nhà ông Huy xuống căn nhà lụp xụp thấp dưới những lùm cây và các ngọn dừa cao trong khu vườn nhà bên cạnh vườn của ông Huy, ông Hoàng nói:
- Sau mấy chục năm mà nhà anh Nghĩa vẫn như xưa!
Bà Thu chép miệng:
- Tệ hơn lúc chị Nghĩa còn sống là khác! Có một thân một mình, không họ hàng thân thích lại phải nuôi mẹ, nuôi con thì ảnh làm gì được chớ? Tiếng là có vợ đẹp nhất làng và có tiếng đào hoa nhất làng nhưng vợ chết sớm nên phải ở trong cảnh gà trống nuôi con cũng như không!
Ông Hoàng quay lưng lại, nhìn quanh nhà rồi nói với bà Thu bằng một giọng ôn hòa và biết ơn:
- Anh không ngờ em giỏi như vậy! Đã xây được hai căn nhà lớn ở Sài Gòn lại còn sửa sang nhà cho gia đình mình được như vầy!
Ông Huy đang nhấp trà trong yên lặng, nhướng mắt hỏi với vẻ ngỡ ngàng:
- Nói như vậy bộ không phải em đã gửi tiền về xây lại nhà từ đường này sao?
Ông Hoàng bối rối:
- Dạ không, em đâu ... không phải em gửi tiền.
Sở dĩ ông Hoàng lúng túng bởi vì ông không biết trả lời như thế nào để thỏa mãn nghi vấn của ông Huy khi ông biết rõ tính tình của người anh đầu của ông rất thâm trầm và cực đoan và bởi vì ông linh tính có điều gì bất ổn trong sự kinh ngạc về một điều gì đó mà ông Huy vừa phát hiện ra. Dù là thế, ông Hoàng không thể nào nhận bừa sự việc mà ông đã không thực hiện cũng như không hề có ý định thực hiện khi còn ở Mỹ. Ông thường lý luận với ông Thương và ông Tiến rằng “Gửi Mỹ Kim về Việt Nam là hình thức gián tiếp giúp kinh tế Cộng Sản Việt Nam phát triển chứ chẳng được ích lợi gì!” và thường bàn ra khi nghe các cô thợ bàn chuyện gửi tiền về Việt Nam rằng “Ở Việt Nam đâu phải chạy tiền hàng tháng để trả tiền nhà như ở đây mà mấy đứa cứ lo gửi tiền về hoài vậy? Hơn nữa trời cho mỗi người hai bàn tay đều nhau, sống ở đâu theo đó, chỗ nào cũng làm cũng ăn cho nên có muốn giúp gia đình cũng giúp chừng mực chứ tụi bây giàu có gì đâu mà ráng sức làm giàu cho bên ấy?” và rằng “Cứ nhịn ăn, nhịn mặc để gửi về chỉ tổ làm cho người bên ấy hiểu lầm Mỹ là thiên đường đầy đô la không làm cũng có thể nhặt được!” để rồi kiên định với việc không bao giờ gửi số tiền khá lớn nào về cho gia đình. Số tiền mà ông đồng ý cho bà Kim Cúc gửi về cho gia đình hai bên gia đình nội ngoại thường được coi như là chút quà tượng trưng cho những người thân thuộc còn ở lại và tiền giỗ chạp hương khói cho những người đã mất.
- Cũng lại là mày nữa rồi! Ông Huy gầm lên như cọp bị trúng thương - Đã nói nhiều lần nói đừng giao du với tụi tham nhũng hối lộ mà có nghe đâu! Bộ làm ăn lương thiện không sống được hả?
Bà Thu cãi lại:
- Đúng là em bỏ tiền ra xây sửa lại căn nhà này đó! Không những căn nhà này mà em còn xây cho nhà ba má chồng em nữa kìa. Trước đây sở dĩ em nói láo tiền anh chị Hoàng gửi về để anh yên tâm với tiền từ nước ngoài về thôi chứ làm gì mà có! Có hai bàn tay và một khối óc là đủ kiếm tiền chẳng cần phải xin xỏ ai! Cho dù em giao kết rộng nhưng mua đất xây nhà bằng công sức của em thì em đã làm gì nên tội chớ? Thời buổi này mình không biết làm ăn thì có người khác làm ngay, tội gì mà không làm! Cơ hội ngàn vàng chỉ đến một lần, không chụp lấy là mất, thiếu gì người muốn làm mà làm không được! Tại em được nhiều người giúp đõ nên ăn nên làm ra thôi! Nói gì thì nói chứ em cũng phải vận trí óc của mình để mua đầu này bán đầu kia mới có ngày hôm nay chớ đâu phải lượm tiền từ trên trời bay xuống?
- Mày làm gì có nhanh dữ vậy? Thiên hạ cũng làm nhưng sao không kiếm được như mày?
- Tiền của công không dại gì mà không “mượn đầu heo nấu cháo” hả anh? Cơ quan chưa bảo mình thống kê chưa yêu cầu mình nộp tài khoản thì tội gì mình để tiền nằm yên, tội gì không dùng trước rồi trả sau? Lại nữa, lúc đất rẻ mua chỉ một, sau vài tuần, vài tháng lên gấp bao nhiêu lần thì tội gì mà không mua? Bây giờ không lo làm ăn mà chỉ ngồi khư khư ôm lấy quá khứ như anh để mà chết lần chết mòn trong tâm bệnh à?
Ông Huy yên lặng, nín khe như những người đang hiện diện tại phòng khách trong khi cậu Hải nháy mắt ra hiệu cậu Phụng và cô Loan đưa bé Lisa ra ngoài vườn. Vẫn không hài lòng với cái ngột ngạt và nặng nề của không khí trong phòng, bà Thu bồi thêm những tiếng cằn nhằn:
- Như người ta học tập bao nhiêu năm có giấy ra trại làm giấy đi Mỹ theo diện H.O phải sướng bản thân không? Ảnh cứ gàn và bướng với những ý nghĩ đâu đâu. Lúc thì nói xứ Mỹ là nơi sung sướng giả tạo sang đó chỉ bị khổ tâm, lúc thì nói chờ Việt Nam có dân chủ tự do như thời Việt Nam Cộng Hòa để sống hạnh phúc nơi chôn nhau cắt rốn. Hoang tưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa giành lại chính quyền có mà chết dần chết mòn thôi!
Ông Hoàng sững sốt nhìn ông Huy. Bao nhiêu năm xa cách, ông ngỡ người anh trai lập dị của mình đã quên hẳn hoài bão chính quyền miền Nam lấy lại chủ quyền và đã yên bình sống với những gì ông đang có sau thời gian học tập cải tạo dài hạn thế mà mà lời nói của bà Thu như một cơn lốc xoáy vào đầu của ông. Ông biết ông Huy là người cương trực và là người luôn luôn tự hào mình là chiến sĩ Quốc Gia cho nên dù ông đã giải ngũ trong ngành an ninh quân đội trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì thương tật nơi bàn chân trái, ông vẫn ghi rõ thời gian và quá trình hoạt động của ông cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong bản kê khai lý lịch để rồi sẵn sàng đi tù cùng với những người từng ở trong cùng hàng ngũ. Thế nhưng, chưa bao giờ ông Hoàng nghĩ ông anh đầu của mình ôm dĩ vãng khá lâu như vậy.
Chỉ cái giường gỗ trong cái góc tối dưới cầu thang gác bà Thu nhìn thẳng vào mặt ông Hoàng, nói:
- Đó, anh coi ! Ngày nào cũng ra ruộng ra vườn xong uống dăm ba ly lại chun vào chỗ ấy mà ngủ. Nói lên lầu ở trong phòng đàng hoàng không chịu, nói lên lan can trên lầu uống trà ngắm trăng nhìn cây cối, vườn tược cho đỡ buồn cũng không ưng. Phải chi nghe em lên Sài Gòn sống thì đâu đến nỗi càng lúc càng bị chứng trầm uất, lầm lầm lì lì như vầy. Khăng khăng bám vườn bám ruộng của ba má để dãi nắng dầm mưa đày đọa thân xác chứ chẳng được ích lợi gì!
Cơn giận dữ của ông Huy bất chợt thay bằng vẻ mặt tối sầm và cái cúi đầu đột ngột khiến bà Kim Cúc đang ngồi đối diện với ông phải chăm chú nhìn. Đôi mắt hai mí to rõ, da nâu đỏ, mũi thẳng, trán cao, râu quai nón lún phún quanh cái cằm vuông và dáng dấp cao nghều của ông đã gợi cho bà tưởng tượng nên một khuôn mặt đẹp đầy nam tính và phong độ của một người đàn ông chỉ huy trong quân phục của sĩ quan Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Nếu không kể mái tóc dài lởm chởm thiếu chăm sóc, cái môi tím đen bởi những điếu thuốc và cái lưng khom tự tạo, ông vẫn còn giữ được cái vẻ hào hùng sẵn có của mình hơn là dáng vẻ của người thất trận. Có lẽ vì nể nang sự diện kiến đầu tiên của cô em dâu và vì sự giận dữ của bà Thu chưa được dịu bớt nên ông Huy vẫn gầm đầu lặng yên.
Bà Thu tiếp tục chép miệng, thở dài:
- Cứ nhìn tấm thân của ảnh là em đau lòng không tả được. Hành xác mình như vậy ba má còn sống cũng đau lòng chứ chẳng nói gì em.
Ông Thắng nói lảng:
- Anh Hoàng có đem mấy chai rượu ngoại về cúng ba. Cúng xong tha hồ anh em mình nhậu nghe anh hai!
Bà Thu gắt nhẹ:
- Ảnh uống rượu để quên chứ để vui đâu mà cần rượu ngoại hay nội!
Vụt đứng dậy, bà Kim Cúc lẻn bẻn nói:
- Em thật là vô ý, nãy giờ mãi tiếp chuyện với anh hai mà quên bẵng chuyện bày hoa quả, bánh, mứt cúng ba má!
Ra vẻ chú tâm đến lời vợ đề nghị, ông Hoàng bước đến những chiếc giỏ ở góc nhà phụ bà Kim Cúc đem các thứ đến bàn thờ nơi đối diện hai cánh cửa ra vào đang mở rộng. Ông đưa ánh mắt cười kín đáo ngầm cảm ơn vợ khéo chuyển đề tài khiến cho sự bất hòa giữa ông Huy và bà Thu được lắng dịu phần nào. Ông biết rất rõ ông anh trai lớn và cô em gái út của ông không bao giờ hợp tính nhau cho nên họ thường cãi vã với nhau ngay từ khi họ còn nhỏ. Bởi cả hai đều thông minh và quả quyết nên họ thường tranh cãi một cách quyết liệt cho lập trường của họ và vì thế, theo ông, câu ngạn ngữ “Nhất đầu nhì út” không thể áp dụng cho hai người con đầu và út của cha mẹ ông. Sự bù trừ có chăng là tình anh em thắm thiết của cô út Thu dành cho các anh mình sâu đậm với vai trò của người em gái độc nhất trong gia đình.
Ông Hoàng vặn chiếc đèn dầu giữa bàn thờ sáng hơn để đốt nhang. Chăm chú tấm hình người đàn ông trong chiếc mũ nâu và áo lính biệt động quân trên bàn thờ, ông hỏi vọng về phía ông Huy:
- Anh thờ hình anh Hân mặc quân phục xưa như vầy không sợ chính quyền trong xóm để ý làm khó làm dễ sao?
Mắt ông Huy đỏ ngầu:
- Sợ gì? Bây giờ có ai còn để ý chuyện ai đâu! Người ta tranh nhau kiếm tiền tài và danh lợi chứ để ý gì mấy chuyện này? Người sống sờ sờ họ còn không ngán huống hồ người chết! Mà bây giờ cũng không có ai biết ai là ai nữa! Thời buổi này đố mà biết ai là Việt Cộng ai là Quốc Gia, ai là tư bản ai là vô sản! Đổi đời đổi người, có bắt đi học tập không chừng bắt lầm người cũng nên!
Bà Thu đột nhiên giận dữ:
- Đó, anh tư coi đi! Nói gì ảnh cũng thốt ra những lời “tiêu cực” thì sao chữa được cái chứng tâm bệnh được chớ? Suốt ngày cứ châm chích em là Việt gian, lúc thì méo mó em là Việt Cộng. Em nói thật, con người chứ chẳng phải là thánh thần! Có người có “máu” Quốc Gia, thì cũng có người có “máu” Việt Cộng! Trên đời này ai cũng tốt và cũng giống nhau thì hóa ra trái đất là thiên đường của “thiên thần tập thể” rồi! Nhiều lúc em muốn nhịn mà nhịn không được phải cãi với ảnh. Thử hỏi ảnh chống Cộng cỡ nào đi nữa, du lịch ra khỏi nước, người ta có gọi ảnh là Việt Cộng, là dân của một nước Cộng sản và người đã từng bị tiêm nhiễm bởi chế độ Cộng Sản không mà châm chích em? Là anh em trong nhà mà còn nói với nhau như vậy chứ nói gì người ngoài đường! Anh cứ nói Việt cộng, Việt gian hoài mà chẳng ai nghe toàn em nghe không hà! Làm ơn coi em là người Việt Nam và đánh giá em là người Việt Nam xấu hay người Việt Nam tốt chứ đừng mỉa mai, xiên xỏ nữa! Bây giờ Việt Cộng hay không Việt Cộng thì mạnh ai lo thân nấy, mạnh ai lo cho gia đình nấy chứ không ngồi ôm chặt dĩ vãng như anh để mà đau khổ một mình đâu!
Ông Hoàng nín hơi trong khoảnh khắc để ngăn tiếng thở dài của mình sau khi nghe những lời kể lể dài dòng của bà Thu. Ông biết ông anh trai đầu của ông ngông đến nỗi có lần trước ngày anh em ông chia tay đi học tập cải tạo, ông đã nhắc đến chuyện mơ ước tàn quân Quốc Gia trở về phục quốc và lấy lại chính quyền sau thời gian lẩn trốn và tụ tập trong rừng. Lúc đó, cha mẹ của ông vốn đã lo lắng khá nhiều vì chuyện biệt tăm thất lạc của cô con dâu thứ khi cô còn ở Sài Gòn trong ngày thủ đô bị thất thủ, vì chuyện đứa cháu nội đã mồ côi cha từ mới lọt lòng nay phải bơ vơ không mẹ, vì chuyện hai đứa con trai sắp đi học tập mỗi người mỗi ngã, và vì chuyện đứa con gái út nhất định không chịu về ở dưới quê, mà còn phải lo lắng thêm nhiều hơn vì thái độ cực đoan của ông Huy. Lo sợ ý nghĩ ngông cuồng và bản tính thẳng thắn của ông Huy sẽ không cho họ ngày gặp lại, cha mẹ ông đã khuyên nhủ ông rất nhiều lần trước khi ông lên đường học tập cải tạo. Dù là vậy, họ đã không gặp lại ông Huy sau ngày ông chia tay đi học tập cải tạo. Họ đã không gặp mặt ông Huy không phải vì ông Huy mất xác tại miền Bắc trong thời gian cải tạo mà vì họ chết vì bệnh già trước thời gian trở về sau mười năm học tập của ông Huy tại Hoàng Liên Sơn.
Thắp hương cho cha mẹ xong, ông Hoàng cảm thấy bùi ngùi. Chiếc áo bà ba nâu của mẹ ông và chiếc áo đen của cha ông khiến ông liên tưởng đến thời gian cực khổ mà cha mẹ ông đã trải qua trong thời gian nuôi dạy anh em ông ăn học thành tài. Tuy gia đình ông thuộc dạng “có của ăn của để” trong xóm nhưng cha mẹ ông đã bỏ công sức rất nhiều cho mảnh vườn và đồng ruộng mà họ có. Cuộc đời làm việc cực khổ, gian nan với công việc đổ mồ hôi và công sức cho tương lai con cháu chẳng được một ngày đáp đền chỉ là hai bức hình lộng kính trên chiếc bàn thờ hương khói. Cảm nhận sự hy sinh của cha mẹ như chính sự hy sinh của vợ chồng ông đã dành cho con cái mình, ông Hoàng cảm thấy cuộc đời làm cha mẹ là những dòng sông mà những nước chảy luôn luôn đổ xuống một chiều chứ chẳng bao giờ ngược lại. Cuộc sống của vợ chồng ông rồi cũng chẳng khác gì của cha mẹ ông: nuôi con khôn lớn để tiếp tục tạo cho chúng điều kiện lo cho con cái của chúng sau này.
- Chị này là ai mà đẹp vậy anh? Bà Kim Cúc hướng mắt nhìn chiếc hình bán thân của một cô gái tuổi độ hai mươi ngoài với nụ cười khả ái và hiền hậu. Hàm răng trắng đều và đôi mắt đen sáng sống động dưới ánh đèn chớp nháy của hai ngọn đèn điện sáp giả tạo cho khuôn mặt cô ta linh hoạt như người sống thực sự.
- Đó là chị hai, vợ của anh hai Huy đó! Hai người quen nhau từ khi học chung trường trung học. Chỉ thua ảnh bốn tuổi. Hai người vừa cưới nhau một tháng trước sự cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ảnh bị bắt đi học tập cải tạo luôn. Ông Hoàng đáp.
- Khi ảnh về, ảnh gặp chỉ được có hai tháng thì chỉ mất. Chỉ bị ung thư mà giấu gia đình. Sau khi ba má mất, một mình chỉ lo cho thằng Hải con trai anh Hân cho tới ngày anh hai về. Nói đến chỉ là em nhớ nhiều chuyện chỉ làm cho gia đình mình trong thời gian em không thể về ở với ba má được. Càng nghĩ thì càng thương, nhưng đừng hỏi hay nói gì về chỉ nữa, không thôi cái bệnh trầm uất của ảnh lại phát thêm lên thì khổ!
Bà Thu thì thầm bên tai vợ chồng ông Hoàng.
Gật đầu, bà Kim Cúc đề nghị:
- Vậy giờ mình kêu tụi nhỏ vào dọn thức ăn ra dùng cơm chiều đi nghe cô út!
Bà Thu vui vẻ đáp:
- Để em nói thằng Hải với thằng Minh chặt mấy trái dừa xiêm đem vô cho anh chị. Tụi nhỏ đang uống dừa và hái trái cây ngoài vườn chứ chẳng làm gì khác đâu! Sẵn tiện, em mời má anh Nghĩa và anh Nghĩa sang đây dùng cơm với gia đình mình cho giãn bớt sự căng thăng giữa ảnh và anh hai được chút nào hay chút nấy.
- Hiềm khích từ năm đó mà đến nay chưa hết sao?
- Làm sao hết được? Một ông thì Quốc Gia rặc một ông thì “ba phải” lúc này lúc nọ, có thấy nói chuyện hay giao tiếp gì với nhau đâu! Người này nghi ngờ người khác... nhưng mà ai sao thì sao em vẫn lui tới kết tình với gia đình anh Nghĩa và chòm xóm quanh đây để phòng lúc hữu sự còn nhờ được chứ lỡ có chuyện gì một bác, một cháu làm sao lo cho xuể?
- Dù sao đi nữa thì tối nay anh chị cũng phải sang nhà anh Nghĩa để thăm má ảnh và biếu quà luôn. Ông Hoàng nói.
- Chuyện đó “hạ hồi phân giải” đi anh! Giờ mình lo ăn uống cái đã anh à! Bà Thu đáp lời.