Chương 26
Trên đường chở cô Loan trở về Sài Gòn, cậu Vũ đã tách ra khỏi nhóm xe máy đang chạy theo hàng một để tẻ vào một lối con đường đất hẹp giữa những hàng cây xanh um và hun hút vào trong sâu. Khi đến một ngã ba và tiến vào một con đường khác, gió ẩm mát thổi ngược làm bay tóc đã báo cho cô Loan biết chiếc xe đang hướng về một nơi nào đó có nước sông, suối hoặc hồ đầm. Quả như cô đoán, sau khi dựng chiếc xe máy yên bên gốc cây cổ thụ, cậu Vũ cho cô biết anh sẽ đưa cô tới ngắm cảnh của một khúc sông nơi mà cô Loan hiểu anh ta sẽ nói với cô những điều mà anh đã nửa đùa nửa thật hứa với cô trong khu vườn của ông cụ Phúc.
Đậu xe xong, cả hai đi chầm chậm bên nhau đến bãi cát màu vàng nâu rồi đi dọc theo bờ sông vắng người. Cả hai đều hân hoan đón những làn gió mát từ nước sông thổi vào trong khi chiêm ngưỡng những tia nắng chiều vàng nhạt đang chiếu xuống dòng nước trôi lững lờ trước mặt. Trong cảnh vật yên tĩnh ấy họ chỉ nghe được những tiếng gió lao xao từ những rừng cây ăn trái của bờ sông bên kia thổi đến, và tiếng chim kêu ríu rít trên cành lá xum xuê dọc ven sông. Cảnh đẹp nên thơ và thoát tục của dòng sông khiến cô Loan ngẩn ngơ đến lặng người. Cô đã từng thưởng ngoạn không biết bao nhiêu cảnh đẹp của thiên nhiên nhưng chưa bao giờ cô có cảm xúc như thế. Mơ màng thả trôi ánh nhìn xa xa theo những bước chân chầm chậm, cô bỗng bước nhanh hơn hướng về hai bóng người đang lom khom mò bắt vật gì ngoài bờ. Tò mò, cô hỏi:
- Các em đang bắt cá hả?
Nghe tiếng hỏi, hai người cùng ngẩng đầu lên. Đó là một cô thiếu nữ độ khoảng mười tám trong chiếc áo ngắn tay màu mỡ gà và quần đen xắn quá đầu gối và cậu bé độ khoảng tám, chín tuổi, ở trần, mặc quần cộc, đầu mình ướt nước.
Cậu bé vui vẻ liến thoắng:
- Cá phải câu hay giăng lưới chứ sao bắt bằng tay được? Chị em em chỉ bắt ốc thôi.
Cô gái hỏi:
- Anh chị ở nước ngoài mới về?
Cậu Vũ nói:
- Chỉ có cô này thôi, anh vẫn ở đây, nhưng sao em biết?
- Nhìn y phục của chỉ ai cũng đoán ra mà! Cô gái trả lời cậu Vũ khi chuyển ánh nhìn thoáng nhẹ ngang người cô Loan, rồi lẩm bẩm khi cúi xuống với công việc của mình - Biết xứ người cực khổ nhưng ai cũng hăm hở đi cho bằng được! Đi cho “đã”, ê chề cho lắm, rồi lại thi nhau trở về!
- Tôi không hiểu em muốn nói gì? Cô Loan đảo ánh mắt ngạc nhiên lướt qua bộ jeans xanh áo thun trắng đang mặc của mình rồi hướng ánh nhìn đến khuôn mặt nghiêng của cô gái ngoài bờ.
- Ở quê sướng như tiên mà hổng ưng, thi nhau đi ra khỏi nước rần rần, đến khi nếm mùi cực khổ lại quay đầu trở về! Cô gái nói to hơn nhưng vẫn nói như cho chính mình nghe thôi.
- Hử? Khuôn mặt cô Loan đầy vẻ bực tức.
- Ý chỉ nói là chị giống mấy chị ở làng này đó mà! Mấy chị đó đăng ký tranh nhau đi Đài Loan, Thái Lan, Singapore lấy chồng rồi lần lượt tìm đường về vì không chịu khổ ở bển được. Thằng bé giải thích với giọng ông già.
- Chị từ Mỹ về đây du lịch chứ đâu có ở đây đâu mà “đi ra” với “ trở về”. Cô Loan khoanh tay nhìn hai chị em với nụ cười nhạt.
- Bên Mỹ? Cô gái hỏi lớn khi đứng thẳng chiếc lưng đang cúi lên, cặp cái rổ sát vào hông, và đạp nước đi vào bờ cát như muốn nhìn thấy rõ hơn điều quái lạ vừa được nghe, mặc cho nước sông ôm chặt vòng chân như muốn níu cô lại. Cô hỏi tiếp - Ở bển càng khổ hơn ở mấy nước Nhật, Đài Loan, và Singapore nữa mà chị ở bển làm chi vậy?
- Ai nói em bên Mỹ khổ? Cô Loan hỏi vặn với giọng không hài lòng mặc dù cô ngớ mắt ngạc nhiên trước sắc đẹp man dại và tự nhiên của cô gái mà mình đang đối diện.
- Người ta đồn “hà rầm” là muốn ở bển phải biết nói tiếng Mỹ, tiếng Anh gì đó mới kiếm việc làm được. Trời tuyết cũng phải đi làm, trời lạnh mấy cũng phải đi làm nếu không, sẽ bị đuổi ra đường “liền liền” vì không có tiền trả tiền nhà. Đã khổ như vậy “hàng chớ”, lại còn bị người ta khi dễ vì cái... cái gì mà gọi là phân biệt chủng tộc nữa đó! Cô gái vừa nói vừa gạt những giọt nước nhỏ xuống từ trên mái tóc trước.
- Tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, và tôi cũng đã du lịch nhiều nước nhưng tôi không thấy nơi nào rộng đẹp và tự do bằng nước Mỹ. Cô Loan nhún vai.
- Chị mà là người Mỹ sao? Chị đâu có giống người Mỹ! Cô gái cãi lại.
- Vậy sao? Cô Loan hất nhẹ cằm lên, hỏi gặn.
- Thiệt chớ! Chị nói tiếng Việt giỏi như vậy lại thêm giống Việt Nam “chay” làm sao là người Mỹ được? Cô gái nghếch chiếc mũi cao lên và chớp mắt như muốn khẳng định thêm điều mình nói.
- Vì cổ sinh ra ở Mỹ nên tự cho là người Mỹ đó mà! Cậu Vũ trả lời thay cho cô Loan rồi hỏi sang đề tài khác - Các em bắt ốc để ăn hay đem bán?
Thằng bé lõm bõm theo sau chị vào bờ, cười hồn nhiên, lộ những chiếc răng sún:
- Vừa ăn, vừa bán.
- Ai bán? Cậu Vũ hỏi.
- Em! Thằng bé trả lời.
- Chứ em không đi học sao đi bán? Cậu Vũ hỏi tiếp.
- Má em không có đủ tiền mua gạo ăn thì làm gì có tiền đóng tiền học. Em nghỉ học rồi - Thằng bé vừa gãi đầu vừa nói.
Cô Loan bất giác mở khoá chiếc xách tay bên hông. Ngập ngừng bàn tay trong xách một lúc cô kéo chiếc máy hình ra thay vì cái ví tiền nằm cạnh ấy. Cô nhớ lúc cô chìa tiền cho thằng bé bán vé số và nói rằng cô cho nó thay vì mua vé số thì nó đã trả lời rằng nó là người bán vé số chứ không phải là kẻ ăn xin. Cảnh tượng đó không khích lệ cô can đảm thực hiện hành động từ thiện của mình lần thứ hai. Cô hỏi:
- Chị có thể chụp hình hai chị em em không?
- Tụi em ăn mặc xấu xí như vầy chị chụp làm gì? Thằng này lại ở trần nữa! cô gái phản đối.
- Để làm kỷ niệm. Áo quần thể nào không thành vấn đề. Các em rất dễ thương. Chị muốn chụp hai em trong cảnh sông này để trưng hình trong căn phòng của chị bên Mỹ.
- Chụp xong rồi khi nào có hình chị gửi cho em một tấm được không? Thằng bé háo hức hỏi.
- Được chứ! Cô Loan lục lọi trong xách tay một lúc chìa cuốn sổ nhỏ và cây viết cho thằng bé - Nhưng hãy ghi tên và địa chỉ của em trong cuốn sổ này!
Thằng bé rụt vai:
- Em không biết viết chữ.
- Vì sao em không biết chữ? Cô Loan hỏi.
Thằng bé lắc đầu:
- Em đã nói là em không có đi học.
- Tưởng em nghỉ học vài ngày thôi chứ! Nói vậy Việt Nam không bắt buộc trẻ em đến trường sao? Cô Loan chau mày.
- Bây giờ đất nước tự do rồi, người nào muốn học thì học, không học thì thôi. Người có tiền thì đến trường, không có thì ở nhà. Người sáng dạ muốn học bao nhiêu lớp thì học, người tối trí thì ở nhà không ai tới làm khó làm dễ hay bị bắt bớ gì hết! Thìn không biết chữ, nhưng mà em biết, để em viết cho!
Cô chị vừa trả lời thay cho em vừa xoa hai bàn tay ướt trên hai vai áo, rồi nắn nót viết tên và địa chỉ trên cuốn sổ.
Cậu Vũ xoa đầu thằng bé:
- Thìn cần phải biết đọc, biết viết! Em nên tìm những lớp học bổ túc, những lớp học tình thương miễn phí gần nhất để ghi danh học. Thầy cô ở đó dạy kèm miễn phí và dạy theo khả năng tiếp thu của học sinh, em không phải lo lắng gì về tiền học phí và sức học của mình.
- Em không có trí để học đâu! Ở nhà giúp má kiếm tiền mua gạo tốt hơn đến trường học ngu bị bạn cười!
Nói xong nó hăm hở đến cạnh chị và háo hức chờ chiếc máy ảnh chớp những tia sáng gập vào nhau. Khi cô Loan và cậu Vũ chào chia tay, nó dặn đến hai lần là cô Loan nhớ gửi hình về địa chỉ nhà chị em nó như đã hứa. Cô Loan mỉm cười đưa bàn tay phải đặt ngay chỗ tim mình như tuyên hứa điều cam chắc rồi vẫy tay chào khi quay trở lại lối cũ. Thằng bé cười khanh khách rồi đi ngược theo chị hướng về phía những căn nhà thấp thoáng sau những hàng cây xa xa.
- Loan có thấy cảnh ở đẹp không? Cậu Vũ phá tan sự yên lặng.
- Đẹp lắm. Nó cho tôi một ấn tượng đáng nhớ!
- Vì thế nó là nơi thích hợp để tôi có thể bày tỏ những lời nói chân thành của mình. Cậu Vũ nói.
- Hy vọng là tôi sẽ hiểu hết điều anh nói với số vốn tiếng Việt ít ỏi của tôi. Cô Loan đan những ngón tay búp măng vào nhau khi trả lời.
- Không phải nghiêm trọng lắm đâu, chỉ cần Loan chịu lắng nghe.
- Điều gì vậy?
Loan ngước đôi mắt long lanh lên nhìn về phía cậu Vũ chờ đợi. Khuôn mặt đẹp thánh thiện của cô trong ánh nắng chiều vương vắt khiến chàng trai ngập ngừng. Cúi người xuống vóc một nắm đất và vân vê nó trong lòng bàn tay một lúc, cậu Vũ chìa tay trước mặt cô Loan và hỏi:
- Loan có biết trong đất này chứa những gì không?
- Tôi không phải là nhà địa chất. Tôi không biết trong đó có những gì. Cô Loan bối rối.
- Tôi cũng không biết trong đất này có những thành phần khoáng chất nào nhưng tôi hiểu chúng chứa rất nhiều máu. Máu của dân lành vô tội, của người già, của đàn ông, của đàn bà, và của vô số trẻ con. Nhiều nhất là máu của những người lính của hai quân đội miền Nam và miền Bắc: những người lính trong quân Lực Việt Nam Cộng hòa kiên quyết giữ lý tưởng tự do Quốc gia và những người lính bộ đội miền Bắc ôm ấp giấc mơ hoang đường về “giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc” để đi đến một xã hội quốc hữu hóa và vô giai cấp. Nếu Loan nói Loan là người Mỹ vì Loan sinh trưởng tại Mỹ thì trong đất này còn có cả máu của những người không phải là người Việt Nam nhưng đã từng chết cho sự tự do của đất nước Việt Nam: những người chiến binh Mỹ.
Cậu Vũ càng nói, cảnh vật hiền hòa của một buổi chiều êm ả càng thay đổi trong trí tưởng tượng của cô Loan. Hình ảnh xương tan, thịt nát, máu chảy kèm theo tiếng súng nổ đạn bay của một chiến trường tàn khốc dữ dội mà trong cảnh tượng ấy không một chi tiết nào cho cô rõ ai là lính Quốc Gia ai là lính Việt Cộng; cô chỉ thấy những thân thể ngã gục và những xác của những người lính chồng chất lên nhau như trong các phim chiến tranh của Mỹ mà cô đã từng xem qua.
Không hiểu được thâm ý của chàng thanh niên, và nhất là không hiểu vì sao người thanh niên trông thanh lịch như cậu Vũ lại đem ra những lời chết chóc với người con gái mới quen biết như cô trong cảnh thiên nhiên đẹp trữ tình và thanh vắng, cô Loan tò mò hỏi:
- Tôi vẫn chưa hiểu anh muốn nói gì?
- Tôi muốn kể cho Loan biết là trong đất này vẫn còn chứa nhiều máu của những người mà sự hy sinh rất là đáng kể.
- Chúng ta sẽ làm gì khi nhớ lại điều đó? Cô Loan chau mày.
- Chiến tranh chỉ đem lại mất mát, đổ vỡ và điêu tàn chỉ có hòa bình thật sự mới đền bù sự mất mát cho những người đã hy sinh. Ngày nay đất nước của chúng ta không còn chiến tranh nhưng bao nhiêu người Việt Nam lần lượt bỏ nước ra đi dưới bao hình thức. Mọi người bỏ đi vì không tán thành đường lối chính trị, không chấp thuận những điều mâu thuẫn, không chịu cảnh nghèo đói, và không muốn thấy sự chênh lệch quá xa trong xã hội Việt Nam hiện thời. Còn chúng ta hãy dùng mồ hôi và tâm lực để thu phục tất cả những tấm lòng nhiệt huyết và cùng hồi sinh lại cho quê hương và dân tộc. Hãy cùng nhau biến mảnh đất này thành nơi hoa thơm cỏ lạ để không còn cảnh mất người nữa!
- Tôi không có thể làm điều ấy mặc dù tôi rất muốn giúp đỡ những người cùng cực trên đất nước này. Cô Loan nói với giọng hết sức thành thực
- Loan có thể giúp nhiều thứ như góp phần tham gia các tổ chức thiện nguyện, giúp đỡ những người già, giúp đỡ những trẻ em thất học, giúp đỡ những người tàn tật, giúp đỡ các em khuyết tật ở các hội thiện nguyện ở đây. Tôi tin là Loan có thể làm được những công việc cao cả ấy với khối óc thông minh, trái tim nhiệt huyết và bàn tay cần mẫn của Loan.
- Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc. Cô Loan đỏ mặt.
- Không phải! Loan sẽ là ngọn nến cùng thắp với những ngọn nến nhiệt tình và tâm thành khác để cùng xây dựng một thế hệ tốt đẹp của tương lai Việt Nam sau này.
Chạm những ngón tay nhè nhẹ trên chiếc xách tay nhỏ cạnh hông, cô Loan im lặng bước trong khi người thanh niên vẫn tiếp tục thao thao không ngừng:
- Không có cái sợ nào trong chúng ta ngoài sự sợ hãi trong chính tư tưởng của mình. Chỉ có lòng can đảm và gan dạ của chúng ta mới giúp chúng ta làm được những điều ấy. Chúng sẽ giúp chúng ta sức mạnh để hàn gắn những tang thương và mất mát của người dân Việt để cùng xây dựng một đất nước tự do, dân chủ, công bình và bác ái. Hãy góp tay cùng tôi và những người có tâm thành khác giúp đỡ những người dân Việt đang chịu cảnh đói nghèo, hãy giúp cho các trẻ nghèo thoát nạn thất học, và hãy chứng minh cho các cô gái ham mê giàu sang từ bỏ ý tưởng lấy chồng ngoại bằng chính hình ảnh cao đẹp và tâm hồn thánh thiện của Loan.
- Anh tin tôi có thể làm hết những điều anh vừa nói sao? Giọng nói của cô Loan đầy nghi hoặc.
- Tôi tin. Nghe Loan nói chuyện với bà lão ăn mày và nhìn cách cư xử của Loan đối với mấy đứa bé bán giấy số làm tôi xúc động. Loan đã cho tôi một hình ảnh đẹp của một cô gái gốc Việt và giúp tôi hiểu được ở nước ngoài vẫn còn có những người Việt Nam có tấm lòng cao thượng. Đối với tôi, Loan là biểu tượng của sự thông minh, nhân hậu và cao thượng. Càng nghe Loan nói chuyện với những người khác, tôi càng hiểu bằng y học của Loan sau này chỉ để phục vụ cho mọi người nhất là những người nghèo chứ không vì khoe khoang, lòe loẹt hay mưu sinh, kiếm sống.
Cô Loan im lặng nhìn nước trôi lững lờ trước mặt khi hai người đến trở lại điểm xuất phát. Bao lần du lịch những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của một số nơi trên thế giới, chưa bao giờ cô thấy được một cảnh êm đềm như thế. Một cảnh vật tự nhiên và tinh khiết tưởng đâu con người sống ở đấy yên vui và bình đẳng nào ngờ là nơi đầy dẫy những người làm cực khổ ngày qua ngày mà không đủ ăn, không đủ mặc chưa kể vô số những trẻ em thất học trong khi những người khác giàu có vượt cả những người từ nước ngoài về. Cô nhớ lại những lời than thở của những bác xích lô già, những lời rên xiết của những người công nhân xây dựng, và những lời cam phận của những đứa trẻ đánh giày, bán dạo mà cô tiếp xúc. Những ngày đi chơi đây đó tại Sài Gòn , cô đã có dịp chứng kiến cảnh đông đúc, nhộn nhịp và vui tươi khác hẳn với hình ảnh nghèo nàn, hủy hoại, và hoang tàn trong trí tưởng tượng khi ở Mỹ. Tuy nhiên khi đối diện với những mâu thuẫn của thực tế, cô hiểu rằng bên trong cái bề ngoài vui nhộn ấy, còn có quá nhiều khắc khoải quặn oằn. Những chiếc xe tắc xi mới toanh giết lần sự mưu sinh của những người đạp xích lô nghèo và già. Những ngôi nhà mới đồ sộ và đẹp đẽ của thành phố không đáp ứng nỗi mơ ước cỏn con của những người thợ xây dựng làm quần quật là được sống một ngày trong ấy. Những đứa trẻ, trí tuệ và tương lai của đất nước, lang thang ngoài đường với những thùng đánh giày, những tờ báo và những tờ vé số trong khi những bậc cha anh chú bác ngồi nhậu nhẹt đùa vui trước những món ăn xa xỉ.
- Có phải sự im lặng của Loan là sự chấp thuận lời thỉnh cầu?
Không nghe cô Loan trả lời, chỉ thấy khuôn mặt nghiêm trọng của cô, cậu Vũ nói tiếp:
- Hãy trở lại nghe Loan! Hãy góp một bàn tay để giúp đất nước tan thương này thành một nơi tốt đẹp. Hãy cùng tôi và những người trẻ tuổi có tâm thành khác làm dịu những đau khổ của những người Việt Nam đang gặp bao cảnh khốn cùng. Những hạt đất này đang cần máu của những người yêu nước để vun trồng những hạt giống tự do và dân chủ. Hãy cho đất nước vẻ đẹp tuyệt mỹ, trí tuệ tinh khiết và tâm hồn cao cả mà Loan đang có nghe Loan!
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 27
Cuộc nói chuyện tâm tình giữa cô Loan và cậu Vũ đã bị ông Hoàng dò hỏi trong cơn nóng giận mà ông chưa từng có trên đời. Ông đã yêu cầu cô Loan ngồi nơi cái ghế đối diện với ông cạnh bàn kiểu nhỏ hình tròn trong phòng ngủ mà ông Thắng và bà Thu dành riêng cho vợ chồng ông để chất vấn cô. Bất kể lúc ấy gần mười hai giờ đêm, bất kể là không phải ở trong căn nhà do mình sở hữu và bất kể tiếng nói của ông có thể vang sang phòng cạnh bên, ông gầm lên khi cánh cửa phòng vừa khép:
- Con có báo cho ai biết là con đi với nó đến tận lúc này mới về nhà không? Và con biết con là ai không vậy? Người ta gọi con là Việt Kiều đó! Con biết Việt Kiều là gì không? Không phải đơn giản chỉ là người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp đón đặc biệt hơn những người dân trong nước mà là người mà người ta có thể bắt cóc để đòi tiền chuộc bất cứ lúc nào! Muốn đi đâu, muốn đến chỗ nào, phải đi cùng với người thân trong gia đình mình, còn không thì thôi, con có hiểu không?
Sự giận dữ của ông Hoàng làm cô Loan sợ hãi đến độ cô phải kể cho ông nghe những gì xảy ra giữa cô và anh chàng Vũ trong suốt thời gian rời khu vườn Bình Dương cho đến khi trở về nhà bà Thu. Đó là câu chuyện kể dài dòng nhất mà cô kể cho ông Hoàng nghe kể từ khi cô ra đời. Cô đã, không những, kể cho ông biết nơi cậu Vũ và cô đã đến, những người nào cô đã gặp mà còn kể chi tiết cuộc đối thoại của cậu Vũ và cô khi hai người ở bờ sông.
Sự thành thật của cô quả nhiên có tác dụng và ông Hoàng chuyển từ nôn nóng, hậm hực và bực tức trở nên bình tĩnh hơn, đằm dịu hơn và nhẹ nhàng hơn. Ông chép miệng sau khi nghe chuyện:
- Nó hoàn toàn bị nhuộm đỏ và bây giờ nó muốn tẩy não con!
Đặt hai bàn tay ở trên bàn, cô Loan nghiêng đầu hỏi:
- Gì cơ ạ?
Ông Hoàng buông thõng hai cánh tay ra sau lưng ghế, nói với vẻ trang trọng:
- Tệ hơn ý định bắt cóc mà ba lo sợ, nó đang muốn dụ dỗ con về đây làm việc cho tụi Việt Cộng!
- Con chẳng thấy Việt Cộng, con chỉ thấy những người nghèo, những đứa trẻ không được đi học và những người làm việc hết sức cực khổ mà không đủ sức nuôi sống gia đình trên đất nước này.
- Làm sao con có thể thấy điều đó rõ ràng khi con chỉ ở đây vài ngày? Nhưng mà con phải biết là toàn nước theo chế độ Cộng Sản thì mọi người ở đây đều là Việt Cộng chứ còn gì nữa? Mấy tổ chức thiện nguyện cũng phải ở dưới sự điều động của chính quyền này chứ sao cho khỏi. Sở dĩ thằng Vũ đó muốn gợi lòng thương của con để về đây phục vụ cho chế độ này đó mà! Khủng khiếp hơn những điều ba dự phòng trước khi đưa các con trở lại đây, Việt Nam không những là chỗ nguy hiểm không nên du lịch mà còn là nơi chiêu dụ những người ngơ ngác và thiếu sự nhìn xa hiểu rộng như con.
- Có thể nào như vậy không ba? Có thể nào mình chỉ về quê hương mình với tư cách du lịch không? Như thế hóa ra ông bà ngoại và ba mẹ dạy cho chúng con biết ngôn ngữ của ông bà cha mẹ chỉ là để cho chúng con giao tiếp khi chúng con về đây du lịch thôi sao? Con còn tưởng ba mẹ nuôi dạy chúng con như thế với lý tưởng nào cao cả hơn nữa chứ! Con đã từng nghe ông ngoại bà ngoại dạy nhiều tấm gương Việt Nam anh hùng với biết bao can đảm và tinh thần yêu nước nhưng lòng can đảm và tinh thần yêu nước đó đâu mất rồi? Con nghĩ nếu là công dân một nước, tại sao mình không chống lại những điều mình không tán thành, tại sao mình không phản đối những điều phi lý để cho đối phương tỉnh giác điều đúng sai? Tại sao mình phải thua cuộc? Tại sao phải bỏ nước ra đi? Và có điều kiện như hiện tại, tại sao mình không nghĩ đến chuyện giúp người khổ sở khốn cùng?
Cô Loan càng nói càng lộ nỗi bực tức của mình và điều đó khơi lại ngòi sự nóng giận của ba cô. Ông Hoàng nói như hét:
- Con nghĩ con là ai? Nó bơm con đến tận mây xanh để cho con ảo tưởng là thần tượng của các cô gái Việt Nam trên xứ sở này ư? Con nghĩ là con có thể làm khác hơn khi con ở vào hoàn cảnh như các cô gái nông thôn Việt Nam hiện nay không? Con có biết cái gì thôi thúc người ta ra khỏi nước không? Đó là vì sự đói nghèo, là sự chênh lệch khá lớn trong xã hội Việt Nam hiện nay và còn là vì sự hiện diện của những người Việt Kiều với lối ăn mặc nước ngoài và cách xài tiền rộng rãi nữa! Con đang sống ở đâu vậy? Mỹ ư? Đừng nghĩ rằng con có thể tự do ngôn luận trên đất nước này như ở trên đất nước mà con đã được sinh ra, cũng đừng nghĩ là con có thể biểu tình phản đối những điều con không ưng thuận như con từng thấy ở trước tòa Bạch Ốc của Mỹ! Đừng cho rằng mình có thể là một ngoại lệ nếu chưa từng ở cùng hoàn cảnh như người khác!
Cô Loan nổi nóng không kém:
- Không phải như vậy đâu ba! Không phải cô gái nào cũng muốn ra nước ngoài để mang tiền về cho gia đình. Con đã chứng kiến một cô gáí nông thôn Việt rất đẹp mà không sống vì tiền như ba nghĩ. Đó chỉ là một nhưng con nghĩ vẫn còn nhiều cô gái khác nữa. Chuyện các cô muốn ra nước ngoài là do sở thích của họ mà thôi! Hạnh phúc căn bản trong đời sống con người đâu phải chỉ dựa vào tiền bạc và giàu sang? Nhưng nếu mình đã tự chọn điều gì thì mình nên trách nhiệm những điều may mắn hay khổ sở đến với mình. Nếu mà con được sinh ra và lớn lên trên đất nước này, con sẽ là người sống có lý tưởng, có sĩ diện và có phong cách của riêng mình chứ không phải chỉ vì bề ngoài, tiền bạc hay vật chất tầm thường.
Ông Hoàng nổi tam bành:
- Đừng biến mình thành anh hùng hảo như những siêu anh hùng trong các phim hoạt hình mà con thường coi. Chưa từng sống trong hoàn cảnh khổ sở thì chưa có thể chắc chắn điều mình nhận định. Con phải quan sát kỹ hơn và tự đặt câu hỏi tại sao chỉ có những cô gái ở Việt Nam muốn ra khỏi nước mà không phải là những cô gái ở các nước tự do dân chủ khác? Cách nói của con tỏ ngầm ý những người ra đi khỏi nước Việt Nam là những người không có sĩ diện phải không? Là những người bán nhục thể và linh hồn phải không? Con có biết rõ cuộc sống của người dân miền Nam trước năm 1975 không vậy? Lúc đó không một người dân miền Nam Việt Nam nào có ý nghĩ bỏ nước ra đi; có chăng, họ chỉ muốn du học một thời gian rồi trở về. Hầu như mọi người gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của mình với lòng yêu nước thiết tha, tinh thần dân tộc cao độ, và trân quý chất xám của đất nước một cách mãnh liệt. Ai cũng hiểu và hình dung ra thân phận kẻ lưu đày và tình trạng lưu vong ở xứ lạ quê người như thể nào nhưng sau biến cố năm 1975 tất cả phải đành bỏ nước mà đi. Con phải tự hỏi vì sao mà hàng ngàn người miền Nam phải vất bỏ sĩ diện của mình để làm cái việc mà trước đó họ chẳng bao giờ nghĩ tới và chẳng bao giờ muốn làm. Hàng ngàn, hàng vạn người có cùng một hành động thì con phải nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao!
Cô Loan ngồi thẳng lưng, hỏi vặn:
- Nhưng ông bà và ba mẹ cố tâm dạy cho chúng con nói tiếng Việt thật giỏi có phải là tất cả đều mong muốn một ngày nào đó chúng con sẽ trở về đất nước này không? Và có thể nào như vậy không hả ba? Có thể nào mình chờ cho đến khi quê hương được tự do và an bình thật sự rồi mới trở về thừa hưởng không hả ba?
- Người ta nói chim khôn tìm nơi đất lành mà đậu. Bao nhiêu đời trước cũng đã có biết bao nhiêu người di cư từ nơi này sang nơi khác vì không thể sống hoặc sống không phù hợp với chế độ chính trị hay kinh tế xã hội của đất nước nguyên thủy của họ. Ngày nay nhiều người trên thế giới cũng di cư từ nơi này sang nơi khác bởi nhiều lý do chứ không phải nhất nhất bám vào nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mình ở Mỹ, được hưởng quyền lợi ở đó thì phải nghĩ đến chuyện cống hiến sức mình cho xứ sở cưu mang mình chứ nghĩ đến chuyện xa xôi, phi thực tế làm gì? Con đừng mang tư tưởng “trứng chọi đá” mà thằng Vũ “nhồi sọ” nữa và tốt nhất chấm dứt mối quan hệ với thằng đó đi! Nghe nó bỏ ba mẹ nó ở Mỹ để về sống đây một mình cho biết nó bị đầu độc quá nặng rồi.
Tiếng nói lớn của ông Hoàng chợt nín lặng một cách đột ngột khi cô Hoa đẩy cửa bưng khay nước vào. Cô cười mềm dịu:
- Cô Thu bảo cháu đem nước cam lên mời chú và Loan dùng cho mát.
Cô Loan tròn mắt, ngạc nhiên. Cuộc đối chấp riêng tư như thế không thể nào gián đoạn bởi người thứ ba cho dù người ấy có mỹ ý tốt đẹp đến thế nào. Cô lắc đầu từ chối với cô Hoa rồi nói với ông Hoàng:
- Giống như khi ở Mỹ, con sẽ không hề gì trong những ngày sống ở đây. Con có thể nhận định việc làm của mình đúng hay sai, nên hay không mà cẩn thận đối với từng việc, ba đừng lo!
Không nghe ông trả lời, cô hỏi khi đứng dậy:
- Con đi được chứ?
Ông Hoàng yên lặng gật đầu trong khi cảm thấy hoàn toàn mất mát trong lòng. Cảm giác mất mát lần này nhiều gấp ngàn lần hơn lúc ông thất bại trong chuyện thu phục cô Loan ủng hộ đội bóng bầu dục “Người Da Đỏ” của địa phương hơn là đội “Cao Bồi” của Texas. Lúc ấy, cô Loan đã khăng khăng ủng hộ đội “Cao Bồi” chỉ vì đội này có một cầu thủ người Việt Nam cũng cùng họ Nguyễn như họ của cô.
Cánh cửa phòng vừa khép lại là lúc cô Hoa nâng chiếc ly nước cam trước mặt ông Hoàng. Cô nói:
- Chú uống chút nước cho bớt giận!
Bất kể cái lắc đầu nhè nhẹ của ông, cô kề miệng ly sát vào đôi môi của ông, nũng nịu nói:
- Đi mà chú! Nhấp một chút đi! Một hớp thôi mà!
Sát môi mình vào miệng ly như một đứa trẻ ngoan ngoãn, ông hớp một ngụm nước như đã được yêu cầu. Vị mát ngọt của nước cam vắt thấm vào đầu lưỡi khiến ông khoan khoái hớp thêm vài miếng nữa. Ánh mắt khích lệ và dịu dàng của cô Hoa chuyển sang hài lòng và mãn nguyện. Đứng thẳng và kề sát người vào chỗ ông Hoàng ngồi, cô Hoa tiếp tục nâng ly nước cam lạnh và châm vào miệng ông như mẹ đút nước cho con. Bỗng chốc, cô cảm thấy hai bàn tay mình bị nắm chặt và chiếc ly trong tay được rút ra từ lúc nào. Đặt ly nước trên mặt bàn, ông Hoàng nhìn cô đắm đuối trong khao khát. Đáp lại ánh mắt chờ đợi trong đói khổ ấy, cô đã cúi xuống đặt môi mình vào môi ông. Như người vừa được uống nước mát sau thời gian dài khô lưỡi rát họng, ông đê mê trong cảm giác sung sướng và đền bù. Rúc khuôn mặt mình vào mớ tóc dài buông lõa xõa của cô, ông ngất ngây trong mùi thơm của chanh và mùi quyến rũ của làn da tươi mát từ cánh cổ trần. Tiếng cười khinh khích và những ngón tay đẩy nhè nhẹ của cô đã làm ông quên hết nỗi bực tức với cô Loan vài phút trước đó và thực sự đưa ông tham gia vào trò chơi vươn tìm chụp bắt với cô Hoa như trẻ con. Khi cô Hoa ưỡn người xa khỏi vòng tay tham lam và đôi mắt đầy khát vọng của ông, những vòng cong và đường tròn qua làn áo mỏng của cô khơi dậy nỗi thèm muốn tột đỉnh mà ông thường cảm nhận trong những ngày cô đơn gần đấy. Bất thần ông vươn tay bấm tắt nút đèn trên bàn rồi xiết chặt người cô vào lồng ngực to lớn của ông. Hòa với cái bóng đêm đang trùm kín căn phòng, cả hai người cùng ghì chặt lấy nhau, cùng hôn nhau không ngừng rồi cùng dìu nhau đến chiếc giường nệm gần đó.
Hòa tan vào da thịt lẫn nhau và chìm ngập trong đam mê của dục vọng, họ quên hết mọi chuyện trên thế gian ngay cả chuyện quan trọng nhất của lúc ấy là khóa chặt cánh cửa ra vào của căn phòng.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 28
Ông Hoàng thức giấc bởi những tiếng gõ cửa. Những tia nắng gắt chiếu vào phòng qua những tấm kính của cửa sổ làm ông hấp háy đôi mắt chưa tỉnh ngủ. Tiếng nói của bà Thu len vào kẽ hở của cánh cửa ra vào:
- Em vào được không anh tư?
- Vào đi! Ông Hoàng nói vọng ra trong khi vẫn nằm yên trong tấm chăn trắng mỏng.
- Tối hôm qua anh ngủ ngon không? Đã hết giận cháu Loan chưa? Bà Thu thò đầu vào vừa cười, vừa hỏi.
- Không có gì! Con nít ở Mỹ là vậy, cãi tay đôi với cha mẹ là chuyện thường thôi. Ông Hoàng trả lời với đôi mắt ngược về phía cửa sổ.
Tựa người vào cánh cửa ra vào mở hờ, bà Thu nói nhỏ nhẹ và đều đều như đọc kinh:
- Thôi mà anh tư! Lâu lâu đưa các cháu về đây một lần cho các cháu vui vẻ đi! Vũ thân với cháu Nam từ nhỏ nên em biết rõ tính tình của nó lắm. Nó là người lương thiện và có lòng nhân chứ không phải phường gian dối hay xảo trá đâu. Hôm qua lỡ chở con Loan về khuya vì kẹt xe nhưng ngại lên nhà vì trời quá tối, nó không dám vào thưa chuyện với anh. Sáng nay nó đến chờ anh dậy để xin lỗi nhưng anh dậy muộn quá nên em cho phép cả bọn trẻ đi chơi với nhau rồi.
- Chị tư có gọi anh không? Ông Hoàng hỏi sang chuyện khác khi quay đầu về phía bà Thu.
Bà Thu cất giọng vui vẻ:
- Có, chị tư gọi em từ sáng sớm kia. Em có kể chuyện tối hôm qua anh la con Loan nên chỉ nói để anh ngủ yên đừng kêu anh dậy. Em cũng muốn đợi anh nhưng giờ đã quá trễ, em phải lên cơ quan nên đành phải đánh thức anh dậy. Em sợ anh dậy không thấy ai nóng giận lên nữa thì khổ nên phải chờ để báo cho anh biết tin là em cho phép tụi nhỏ đi chơi với nhau rồi. Bây giờ em đi với anh Thắng lên cơ quan, khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ là em về ngay. Xin nghỉ đến sáu ngày cho nên em phải trực tiếp gặp giám đốc và còn phải gửi gắm việc cho mấy người đồng nghiệp “bảo kê” dùm chứ không thôi về làm không xuể!
- Vậy thì hai đứa đi đi, anh ở nhà không hề gì - Nói xong, ông nhìn thẳng vào mặt bà Thu hỏi vặn - Tất cả mấy đứa nhỏ trong nhà đều đi chơi hết rồi sao?
- Dạ, mấy đứa đi hết rồi anh. Tụi nó nói là đi uống cà phê, ăn sáng rồi dạo các siêu thị ở thành phố thôi chứ không đi đâu xa đâu, đừng lo!
- Vậy thì các em đi đi, đừng lo cho anh!
Ông Hoàng buông thỏng lời nói với vẻ chán chường. Cảm giác ghen tuông và bực tức mơ hồ đến với ông khi lời của bà Thu khẳng định rõ ràng về chuyện đi chơi của đám thanh niên nam nữ trong nhà. Năm chàng trai tuấn tú và hai cô gái trẻ đẹp thể nào mà chẳng có tình cảm yêu đương lãng mạn nào đó với nhau. Và chắc hẳn cô Hoa, người đã trao cho ông những đam mê bất chợt như cho trò chơi của một kẻ qua đường, đang vui vẻ tình cảm với chàng trai nào đó trong số năm người thanh niên ngoại trừ Minh, anh ruột của cô ta.
Khi tiếng giày của bà Thu mất dần theo những nhịp chân bước xuống lầu, ông Hoàng uể oải bước xuống giường và đi đến chiếc bàn tròn. Hai ly nước cam đầy ắp vẫn còn ở trên bàn là nhân chứng rành rành cho việc xảy ra giữa ông và cô Hoa tối hôm qua vậy mà cứ như một trò đùa của một cơn mơ. Trong cảm giác bực bội, ông nâng ly nước cam uống dở tối hôm trước, nốc trọn rồi thả người trên chiếc ghế. Người trần, quần cộc và ngồi thừ trên ghế vào lúc mườI một giờ trưa là tư thế lạ lùng mà chưa ai từng thấy ông có như vậy bao giờ trong hai chục năm nay bởi cái thói quen mà ông không bao giờ bỏ được mỗi buổi sáng trước khi đi làm là vệ sinh, đánh răng, xúc miệng, rửa mặt, cạo râu, chải đầu, tắm rửa, xức dầu thơm và mặc quần áo mới ngay sau khi rời giường ngủ. Ông không bao giờ chịu nổi cái bụng ộc ạch, hàm răng cáu bẩn, hơi thở hôi thối, mắt ghèn, miệng dãi, râu lún phún, tóc rối bời, da thịt rít róng, và bộ đồ ngủ nhăn nheo sau một đêm dài nằm ngủ, cho nên vừa xuống giường là ông thực hiện ngay cái trình tự của thói quen mà không hề hoán đổi hay đảo ngược sự thứ tự của chúng. Bỏ đi thói quen cố định của sáng hôm ấy quả là một việc làm khác thường, vậy mà không những thế, ông còn uống trọn ly nước cam để qua đêm với cái miệng chưa được xúc rửa.
Đặt chiếc ly trống trên bàn, trong vô thức, ông bấm liên tiếp các nút của chiếc máy ra đi ô cát sét nhỏ hiệu Samsung cạnh chiếc đèn chụp. Bản tin thời sự, rồi cuộc đối thoại về bản nhạc yêu cầu, và đến bản tình ca của cuộn băng cát sét đã được để sẵn trong máy. Tắt nhạc ông đứng lên đi về phía chiếc tủ đứng cạnh góc phòng gần cửa ra vào hướng về cái lan can mặt tiền của căn lầu nơi có thể nhìn xe và người qua lại bên dưới. Rút một chiếc áo sơ mi, một chiếc quần dài và các thứ linh tinh khác, ông đi về phía phòng tắm. Những bước chân nặng nề của ông như bước chân như một người đang bị thương. Mà thực sự trong lòng ông chứa một vết thương ê chề khi ông nhìn thấy những dấu chân chim cuối hai đuôi mắt, làn da chảy nhão hai bên má và nhiều sợi tóc trắng hơn trong mái tóc hoa râm của mình trên chiếc gương trong phòng tắm.
Sau khi thực hiện thói quen sau mỗi sáng thức dậy một cách buồn bã và chậm chạp, ông bước xuống lầu, đến chiếc ghế sô pha dài cạnh nơi để điện thoại. Gọi điện sang nhà bà Bạch Mai, ông chỉ kịp nghe bà Kim Cúc báo một cách vội vã là bà đã chuẩn bị đồ đạc cho Lisa xong nhưng bà không thể nào tiếp chuyện lâu với ông vì bà phải đưa bà cụ Đức vào bệnh viện với bà Bạch Mai ngay. Gác ống điện thoại, ông đánh phịch người trên chiếc ghế rồi nhìn lên trần với đôi mắt lờ đờ.
Một hồi lâu, chiếc đèn chùm trên trần đột nhiên bật sáng choang và tiếng hỏi của cô Hoa vang lên:
- Sao chú nằm trong tối vậy? Chú đã dùng thức ăn sáng ở trong phòng ăn chưa?
Ông Hoàng bật người dậy, những tia đỏ của mắt ông đổi thành màu mơ nhạt. Lòng nhẹ bổng như đang bay, ông hỏi trong hạnh phúc:
- Em không đi chơi với bạn sao?
- Nếu em đi chơi thì ai chăm sóc cho anh đây? Em ở trên lầu thượng phơi đồ. Em mới giặt xong bộ đồ cũ của anh rồi đó! Giọng nói của cô Hoa êm nhẹ như nhung.
Vỗ vào chỗ ghế bành cạnh vế mình ông Hoàng nói:
- Lại đây với anh.
Cô Hoa vừa ngoan ngoãn ghé người ngồi cạnh, ông nâng nhẹ đôi bàn tay cô lên mũi mình hôn lấy hôn để một lúc rồi đưa trước mặt nắn bóp và mân mê. Hai bàn tay trắng mềm với ngón búp nhọn như tháp và móng dài màu hồng tự nhiên gợi cho ông nhớ đến tên của các tiệm móng tay của mình. Đã bao lần ông nghĩ đến một bàn tay đẹp được nắn bằng thạch cao hoặc được chụp hình với các kiểu móng khác nhau rồi trưng bày trong ba tiệm Bàn Tay Đẹp, nhưng chưa lần nào ông tìm được một đôi bàn tay xứng đáng cho ước mơ của ông. Những đôi bàn tay của các cô thợ và ngay cả đôi bàn tay vợ ông dù bình thường đến mức không khêu gợi được lòng ngưỡng mộ, dù ngắn ngủn hay thon dài đều có những khiếm khuyết bởi chứng tích của công việc làm của họ. Những bàn tay ấy, hoặc là rộng khổ, to ngang như của đàn ông, hoặc là ốm eo, méo mó như của người nghiện ma túy, hoặc là u sưng, phồng lồi ở các khớp ngón tay như của những người làm ruộng, hoặc là cong queo co quắp như của người bị chứng kinh phong kinh niên, hoặc là xương xẩu khô khan như của những di hài, hoặc là đầy gân xanh như có rắn con nằm ẩn dưới làn da khô là những bàn tay thiếu tư cách cho sự phô trương đầy ý nghĩa trong ba tiệm Bàn Tay Đẹp. Chúng không thể nào hấp dẫn sự chú ý của khách hàng và giúp ông phát triển ngành kinh doanh làm đẹp đôi bàn tay cho nên ông đã bỏ quên mất dự định của mình. Ý định trưng bày đôi bàn tay tuyệt mỹ cho ba tiệm Bàn Tay Đẹp của mình tưởng đâu bị ngủ yên trong lãng quên mãi mãi, chợt xuất hiện lại trong tâm trí ông bởi đôi bàn tay đẹp của “cô tiên nữ bị trời đày xuống trần”. Đôi bàn tay làm quần quật từ sáng sớm đến tối khuya mà ông chứng kiến trong nhà căn nhà ông Thắng và bà Thu và đang ở trong đôi bàn tay của ông là đôi bàn tay và chỉ là đôi bàn tay đẹp duy nhất trên đời mà ông chưa từng được chiêm ngưỡng như thế bao giờ. Mặc dầu, ngay từ sáng sớm, đôi bàn tay này đã quét toàn bộ căn lầu, quét các hành lang, lau bàn, lau tủ, lau các cửa kính, nấu nước, lấy thức ăn sáng từ các bà bán hàng rong, dọn thức ăn sáng, mở cửa cho người gọi, mở cửa cho người bấm chuông điện, bỏ áo quần vào máy giặt, phơi áo quần trên lầu thượng, rửa ly, rửa tách, tưới các cây cảnh trên sân thượng, xách giỏ đi chợ, nấu ăn trưa, rửa chén, chuẩn bị trái cây tráng miệng, sắp nước mời khách của ông Thắng, dọn nước mời khách cho bà Thu, rửa mấy cái ly bỏ bừa sau cuộc hội họp của mấy chàng thanh niên, rửa rau, làm thịt, làm cá, dọn bữa cơm chiều, lấy máy trả lời điện thoại dùm bà Thu, lấy báo dùm ông Thắng, lấy áo quần khô từ trên sân thượng, xếp từng loại quần áo cho từng người, và bỏ quần áo vào các phòng cho từng người cho đến tối mịt mới được nghỉ, chúng vẫn là đôi bàn tay tuyệt mỹ của một người đàn bà sang quý.
Hôn vào đôi bàn tay của cô Hoa một lần nữa, ông Hoàng nói:
- Cảm ơn em đã chăm sóc anh trong những ngày nay.
Cô Hoa hỏi ông với giọng dịu dàng:
- Anh đã đói chưa?
- Đói rồi, anh đói em!
Ông Hoàng trả lời với ánh nhìn tình tứ. Rút đôi bàn tay của mình lại, cô Hoa ngúng ngẩy đi về phía thang lầu. Cô bĩu môi:
- Tham lam!
Nói xong, cô chạy như bay lên các bậc cầu thang trong lúc ông Hoàng đi theo sau và cố với cô lại. Rồi cô tiếp tục chạy, và ông tiếp tục đuổi theo. Khi đến tận phòng riêng của cô trên sân thượng, họ vừa ôm nhau vừa thở hổn hển. Không khác gì đêm hôm trước, họ hối hả trao cho nhau những nụ hôn nóng bỏng và những cái ghì chặt không rời cho đến khi cả hai cùng ngã nhào trên chiếc giường của cô Hoa.
Như đôi uyên ương trong tuần trăng mật, họ đã trao nhau ân ái nồng thắm, sôi nổi, và bất tận. Chơi vơi trong hạnh phúc, ông Hoàng rên xiết một cách sung sướng:
- Anh yêu em. Anh yêu em suốt đời!
Rút hết câu nói yêu thương của ông và nuốt trọn những điều vừa nghe được cô Hoa ngướng cao đầu, áp chặt môi mình vào môi ông rồi hôn say sưa tưởng như không dứt. Cô thì thào:
- Em cũng yêu anh! Yêu mãi mãi! Em muốn được ở bên anh và được yêu anh suốt cuộc đờí! Hãy tạo cơ hội cho em ở bên anh, đừng bỏ em! Em sẽ chết trong cô đơn vì thiếu anh! Hứa với em đi! Hứa với em đi!
Mê man trong chiếc cổ trắng ngần của cô Hoa, đầu của ông Hoàng gật không ngừng:
- Anh hứa! Anh hứa!
Lời ông vừa dứt, tiếng chuông điện từ dưới lầu vang lên ba tiếng lảnh lót như chứng nhận sự cam kết của ông. Cô Hoa vùng dậy, đẩy người ông ra khỏi mình, nói rối rít:
- Em phải xuống nhà! Phải mở cửa! Chắc cô Thu và chú Thắng về rồi!
Túm các mảnh áo quần vương vãi và mặc lại một cách nhanh chóng như lúc tuột ra, cô chạy ngay ra khỏi phòng mà không kịp nhìn lại ông Hoàng đang nằm ngơ ngác trong trạng thái chưa nếm cạn chén tình. Hụt hẫng vì sự mất mát, và bực bội bởi sự phá đám của cái chuông điện, ông lặng lẽ tìm áo quần của mình với cử chỉ bần thần. Mặc áo quần xong, ông chán ngán lê gót xuống phòng ngủ dành cho mình rồi ngồi chờ cô Hoa tại chiếc bàn tròn.
Bà Thu đẩy rộng cửa bước vào hỏi han ông một cách vui vẻ, và sốt sắng:
- Dậy rồi hả anh? Em đã lấy được phép và cũng đã thuê xe xong rồi! Ngày mai mình bắt đầu lên Đà Lạt, mốt xuống Nha Trang, bữa kia ra Huế...
Ông Hoàng ngắt lời:
- Tất cả nhà đi hết hả?
Bà Thu lắc đầu:
- Dạ đâu có! Đi lâu như vậy, hơn nữa đi chơi xa, đâu bỏ nhà được anh! Chỉ có gia đình mình và thằng Vũ đi thôi, còn nhà thì có thằng Hải và anh em thằng Minh con Hoa coi rồi, đừng lo!
Ông Hoàng cố giữ giọng bình thản:
- Sao không cho tụi nó đi luôn cho vui?
- Đâu được! Thằng Hải xin nghỉ không được nữa đâu. Ở quê không kiếm được việc làm nay mới nhận được một chân bán hàng ở cửa hàng Bách Hóa đâu phải dễ mà bỏ đi chơi. Hơn nữa nó còn phải giúp em ghé “mặt bằng” mà em mới mua để trông người ta sửa chửa và trang trí cho tiệm cà phê của em sau này nữa. Thằng Minh thì cũng phải đi làm, nó không thể xin nghỉ thêm được đâu! Còn con Hoa phải ở trông nhà cho em để nhận và trả lời điện thoại. Em có nhiều cú điện thoại quan trọng không thể bỏ được đâu. Phải chi con Mận, nhỏ giúp việc cũ, còn ở đây thì em cho con Hoa đi chơi với gia đình mình luôn, đàng này nhà chẳng có ai, đành chịu. Nhưng mà tụi nó cũng chẳng đòi hỏi gì đâu, mấy lần trước em cũng cho anh em nó về quê và đi chơi đây đó với mấy đứa trong nhà rồi, lần này thì khỏi vậy!
- Tùy em, giờ chở anh sang P.N để anh thăm chị tư và đưa Lisa về cho mai nó đi chơi luôn. Ông Hoàng lừng khừng trả lời.