Chương 29
Những ngày du lịch ở cao nguyên Đà Lạt, biển Nha Trang, sông núi ở Huế đối với ông Hoàng dài đằng đẵng như một thế kỷ. Hồ rộng, nước xanh, đồi cỏ, rừng thông, liễu rủ, và hoa đủ màu của Đà Lạt, biển xanh, cát trắng, dừa nghiêng, suối trong, đảo mơ, và hồ đầy cá của Nha Trang, và sông Hương, núi Ngự, lăng vua, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, và chợ Đông Ba của Huế đã không làm cho ông Hoàng mảy may xúc động. Chẳng khác gì chú rể bị bắt xa cô dâu ngay sau ngày động phòng, ông Hoàng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn. Và cũng vì thế, những cô gái với nước da trắng hồng và môi đỏ tươi của Đà Lạt, những cô gái với thân hình tuyệt mỹ trong những áo tắm đủ màu ở bờ biển của Nha Trang, và những cô gái với những chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng của xứ Huế chỉ là những cái bóng vô vị trước cặp mắt của ông Hoàng. Trong tâm tưởng của ông chỉ có một hình bóng độc nhất là cô Hoa với khuôn mặt tươi vui sáng rực, môi mọng đỏ thắm và thân hình tròn trịa ngọt ngào. Mặc dù ông Thắng và bà Thu đã thuê phòng cao cấp nhất của các khách sạn cho ông, ông Hoàng không thể nào ngủ yên giấc trên chiếc giường nệm trống trải. Thao thức hàng đêm, ông trằn trọc nhớ những giây phút ân ái với người tình nhỏ bé của mình. Nỗi nhung nhớ càng lúc càng ngập tràn trong tâm hồn của ông khiến ông vốn đã ít nói trở nên trầm mặc hơn bao giờ. Ông đã không hề cười tí nào khi nghe những lời nói đùa của ông Thắng, không nhếch môi cho những câu nói tếu của cậu Nam, không góp vào câu nào cho những câu chuyện ngồ ngộ của ông tài xế và cũng không tỏ chút bất bình nào khi thấy cậu Vũ cười vui nói chuyện với cô Loan. Đồng thời với những cử chỉ lầm lì và tiêu cực ấy, ông không quan tâm đến chuyện con bé Lisa tỏ ra xa lánh ông. Con bé bám vào bà Thu suốt cuộc hành trình bởi thái độ lặng lẽ và sâu lắng kỳ lạ của ông bố. Nhìn ông như người bị mất hồn, mọi người đều nghĩ ông buồn vì chuyến tham quan du lịch thiếu sự hiện diện của bà Kim Cúc. Ngay cả cô Loan cũng nghĩ rằng bố mình đang tưởng nhớ đến mẹ nên mới để yên cho chuyện cô kết bạn với cậu Vũ.
Giống như ngộ nhận của cô Loan về thái độ im lặng bất thường của ông Hoàng và thấu hiểu tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của ông, bà Thu chỉ vào bản đồ của thành phố Nha Trang và đề nghị ông đi mua sắm vật lưu niệm tại khu chợ lớn nhất của thành phố khi tất cả mọi người họp nhau trước đại sảnh của khách sạn N. Lời đề nghị của bà Thu quả nhiên có tác dụng. Vốn là người có thói quen mua sắm quà cho vợ, hơn nữa, vì muốn làm một việc ý nghĩa nhất dành cho người mình yêu trong những ngày xa cách, ông Hoàng tươi tỉnh nói:
- Vậy thì chúng ta đi mua sắm. Tính đến ngày mai lên đường thì chúng ta còn khoảng ba mươi ba tiếng đồng hồ để có mặt tại Sài Gòn!
Tất cả mọi người chưng hửng với số giờ vừa được nghe. Không ai có thể nghĩ ra được sự thương yêu và nhớ mong vợ đến độ đếm từng giờ xa cách như ông.
Để đánh lảng ý nghĩ buồn cười thoáng qua trong đầu của mình, cậu Nam xoay sang đề tài khác với giọng tiếc rẻ:
- Phải chi chúng ta đi thẳng ra Hà Nội chơi thì bác tư và các anh chị biết thêm nhiều chỗ nữa rồi! Không thăm được Hà Nội cũng tiếc thật!
Đôi mắt của Cô Loan tỏ vẻ ái ngại:
- Đi chơi tận ngoài Bắc?
Cậu Nam trả lời:
- Phải, ra ngoài đó để thăm Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam bây giờ và cũng là thủ đô của nước ta ngày xưa, Thăng Long.
- Sài Gòn là thủ đô của miền Nam trước năm 1975 phải không? Cô Loan hỏi.
Cậu Vũ đáp lời thay cậu Nam:
- Đúng vậy, Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam trước 1975, còn bây giờ Hà Nội là thủ đô của toàn nước. Cứ nghĩ Sài Gòn chỉ là hòn Ngọc viễn Đông của ký ức, Huế là kinh đô vua chúa của một thời xa xưa và Hà Nội là thủ đô của bốn ngàn năm văn hiến. Người ta thường nói đến Huế, Sài Gòn, Hà Nội để đề cập đến ba miền Trung, Nam, Bắc và thường thể hiện đặc tính ba nơi này qua các y phục mỗi miền của các cô gái. Ba cô gái Bắc, Trung, Nam trong các tấm tranh sơn mài này, hoặc các tượng gỗ kia, hay các tấm hình khắc trên cái tủ ấy là ba cô gái Việt Nam thể hiện cái duyên dáng của họ qua ba loại y phục đặc trưng của ba miền. Miền bắc thì có áo tứ thân, nón quai thao, miền Trung thì có áo dài nón lá, và miền Nam thì có áo dài và dù màu.
Chỉ vào y phục của cô gái bằng tượng thạch cao lớn khổ như người thật cạnh dãy treo đầy quần áo đủ loại, đủ màu sắc, cậu Vũ nói tiếp:
- Bộ áo tứ thân này có lẽ hợp với Loan. Nếu cô thích, tôi xin được tặng cô làm kỷ niệm.
Chạm nhẹ tay trên tấm áo nâu, yếm hồng dây thắt xanh và khăn mỏ quạ màu nâu, cô Loan chợt nhớ đến lối trang phục như thế của Linh, cô em gái họ của cô, tấm ảnh được trưng bày trong phòng ngủ của cô ta mà cô thường ngắm khi cô ở nhờ. Thú vị với ý nghĩ được chụp với bộ áo như thế để trang trí trong phòng ngủ riêng của mình tại Mỹ, cô Loan mỉm cười hỏi cậu Vũ:
- Anh nghĩ tôi là một cô gái Bắc sao?
- Đúng vậy! Không cần nhìn thấy cô, chỉ nghe tiếng cô nói, tôi có thể hình dung một cô gái Bắc kỳ nho nhỏ, xinh xinh.
Bà Thu mau mắn chen vào:
- Chứ còn gì mà không phải là gái Bắc? Tắm biển bao nhiều lần mà da cháu trắng hồng như đánh phấn! Nước da này chỉ có mấy cô gái ngoài Bắc có mà thôi.
Cô Loan lo lắng:
- Cháu không giống một cô gái Việt Cộng chứ?
Bà Thu chau mày:
- Trời đất ơi! Không biết lấy nguồn ở đâu mà đứa cháu gái này của tôi ngu ngơ đến tội nghiệp như vầy? Con gái Bắc là con gái đẹp nhất nước Việt Nam đó con à!
Cô Loan đáp:
- Cháu không muốn mọi người nghĩ cháu xấu hay đẹp mà chỉ cần được nghĩ cháu là người có ích, nhân hậu và nhu mì là đủ.
Bà Thu nói vội vàng:
- Dĩ nhiên mọi người nghĩ con là người vừa đẹp vừa ngoan rồi, chỉ có tính hay nghi ngờ thôi! Đừng nghĩ là tất cả người ở miền Bắc đều xấu! “Nơi đâu cũng có anh hùng, nơi đâu cũng có người khùng người điên” vì vậy đừng nên thành kiến về bất cứ cá nhân nào cả con ạ! Ở đâu cũng có nhiều kẻ quen miệng chửi thề nhưng không lắm người ăn nói đàng hoàng tử tế, ở đâu cũng có nhiều kẻ cực đoan một chiều nhưng cũng không ít người cởi mở, phóng khoáng. Ra ngoài Bắc được một lần rồi con mới thấy thương những người dân ngoài đó. Người trong miền Nam khổ một, chứ ngoài ấy khổ hơn đôi ba lần. Mặc ai làm lớn sung sướng thể nào, đời sống dân chúng ngoài ấy chẳng có chút gì đổi thay. Trước năm 1975, dân miền Bắc tưởng dân miền Nam đói khổ và bị quân đội Mỹ “xâm lược” nên hết lòng tiết kiệm, và hy sinh cho “chiến trường miền Nam”. Sau năm 1975, đối diện với sự thật, họ bàng hoàng dữ lắm. Nếu cháu nghe họ nói chuyện thì mới biết họ phẫn uất với những điều mâu thuẫn và phi lý như thế nào! Còn “dữ” hơn dân miền Nam mình nữa đó! Bây giờ họ khác lắm chớ không còn sợ chỉ điểm, đấu tố hay kiểm điểm phê bình như trước nữa đâu! Hiểu rõ sự mâu thuẫn giữa điều nghe tuyên truyền với thực tế, họ nói thẳng, nói thật và phê bình “sát ván” chứ chẳng ngán ai đâu! Nhờ như vậy mới có chuyện đổi mới, chuyện thông thương với các đường bay nước ngoài và chuyện gia đình con về thăm quê. Nếu đất nước này còn gắt gao như thời hậu chiến năm 1975 thì ba mẹ con không đưa các con về thăm cô như vầy đâu!
Vuốt mái tóc cô Loan, bà Thu nói thêm với vẻ hài lòng:
- Tóc đen mướt, da trắng hồng, khuôn mặt xinh xắn lại nói tiếng Bắc lai như vầy mà ở ngoài Hà Nội thì đố ai nói là không phải gái Bắc! Phải chi có đủ thì giờ thì cô đưa con về thăm quê của ông bà tổ tiên của con, hay là ...
Nhăn mặt nhìn bà Thu vì lối nói nhiều của bà giữa chốn đông người, ông Hoàng cắt ngang:
- Khi ở Huế, chúng ta đã quyết định không ra ngoài đó mà quay lại Nha Trang để đi chơi đảo và tắm biển thêm thì cứ vậy mà làm. Không tính toán gì nữa hết!
Lisa níu tay bà Thu:
- Mấy loại áo Bắc Trung Nam này cũng có loại dành cho trẻ em nữa kìa cô!
Bà Thu mau mắn:
- Đúng vậy! Có nhiều loại lắm đó con. Nếu con muốn, cô sẽ mua cho con chụp hình chân dung!
Lisa gật đầu:
- Cháu thích lắm ạ! Trước đây mẹ cháu thường đưa cháu đi các hội tết Nguyên Đán, tết Trung Thu do cộng đồng người Việt tổ chức, cháu có được mặc vài lần khi các cô giáo bảo cháu múa.
- Vậy thì cô mua tặng con đủ ba bộ áo dài Bắc Trung Nam để sang đấy cháu tha hồ diện, không cần mượn ai. Đây có cả áo bà ba, xà rông của người dân tộc thiểu số Thượng lại còn có dây băng cột trên đầu, giỏ xách, ví đựng tiền và đồ trang sức đeo cổ, đeo tay nữa nè! Con muốn loại gì cho cô biết, cô mua ngay cho con.
Cậu Vũ vui vẻ nói với cô Loan:
- Khi nào được ra Hà Nội, tôi sẽ mua tặng thêm cho Loan một chiếc nón quai thao.
- Cần gì phải ra Hà nội! Đây cũng có nè! Ông Thắng vừa chỉ lên đỉnh một góc tường nơi tiếp giáp với trần nhà, vừa chọc cậu Vũ - Đã định tặng thì tặng luôn đi! Hỏi ông chủ tiệm thêm các món hàng đặc biệt để lấy luôn một thể!
Bước đến kệ trưng bày các loại ốc biển, nơi cậu Phụng đang đứng tần ngần ngắm nghía, cậu Nam lấy một con ốc to bằng một nắm tay lớn hình tháp vỏ ánh xà cừ đưa trước mặt cậu này:
- Anh áp con ốc này vào tai đi! Bảo đảm sẽ nghe tiếng gió và tiếng sóng từ trong ấy. Nếu có bạn gái, mua tặng thì rất có ý nghĩa!
Ông Thắng quay đầu sang họ cười:
- Vấn đề là có cô nào chưa mới mua mà tặng chứ!
Cậu Phụng áp con ốc vào tai một lúc, chọn lựa một hồi, lấy ra một con rồi đưa cho ông chủ tiệm:
- Chú gói con ốc này và bỏ vào hộp quà có giấy gói trang trí cẩn thận dùm cho cháu.
Ông Hoàng nhìn các rổ ốc, các xâu chìa khóa, các chiếc nhẫn xà cừ và các chiếc kẹp trang trí bằng vỏ ốc được kê cạnh chiếc tủ đầy các loại đá đủ màu một lúc rồi hỏi ông chủ:
- Ở gần đây có tiệm Kim Hoàn nào không ông?
- Dạ có. Đi khoảng bảy tám tiệm hướng về phía chợ Nha Trang là một dọc các tiệm vàng bạc và đá quý ông tha hồ mà chọn.
Ông Hoàng nói với ông Thắng và bà Thu:
- Anh đi lên ấy một lúc rồi trở lại.
Bà Thu há miệng toan nói vớí ông điều gì, ngậm ngay khi ánh mắt lừ lừ của ông báo cho bà biết ông cần mua những thứ nào đó với sự đơn lẻ của ông chứ không phải cùng một nhóm ồn ào.
Con bé Lisa lại níu tay áo của bà bảo bà tròng thử bộ đồ vào người của nó.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 30
Sau khi rời một tiệm ăn Tàu ở Chợ Lớn, chiếc xe mười hai chỗ ngồi chở những người du lịch về trước nhà ông Thắng và bà Thu lúc chín giờ đêm. Lòng hớn hở vì ngỡ đâu sẽ được gặp riêng cô Hoa sau năm ngày dài đằng đẵng, ông Hoàng ngạc nhiên bởi sự đón mừng của bà Kim Cúc tại phòng khách lớn của bà Thu nhưng rồi ông cũng theo bà lên phòng riêng. Sau khi hỏi han tin tức nhau trong những ngày vắng mặt, như những lần công tác xa ở Mỹ, ông Hoàng đã mở xách tay lấy quà trao cho vợ rồi lấy áo quần đã dọn sẵn trên giường để đi tắm.
Nước mát của vòi nước hoa sen và chiếc áo ngủ trên người bà Kim Cúc đã khiến cho ông Hoàng dịu bớt nỗi bực dọc vì sự bất ngờ và khích lệ ông ôm ấp vợ như thói quen cũ. Hơn thế nữa, sau khi tắt đèn, tưởng tượng người trong vòng tay là người mà ông nhớ nhung trong năm ngày đêm xa cách, ông đã nồng nhiệt yêu thương bà Kim Cúc bằng hành động của một kẻ đói tình lâu ngày rồi sau đó rơi ngay vào giấc ngủ. Cũng như ông, bà Kim Cúc chìm vào trong mộng đẹp sau cuộc gối chăn nóng bỏng. Sau đó, căn phòng của họ chỉ còn nghe những tiếng thở đều đặn và tiếng quạt máy đều đặn.
Trong khi vợ chồng ông Hoàng ân ái bên nhau trong căn phòng của họ, cô Hoa phụ dọn các giỏ xách, quà cáp, và các thức ăn mà ông Thắng và bà Thu mang về sau chuyến du lịch. Cô làm việc một cách cầm chừng và chậm rãi vì mong chờ sự xuất hiện bất chợt của người đàn ông ngoại tứ tuần, cao lớn và phong độ mà cô nhớ nhung chờ đợi cả ngày lẫn đêm trong suốt năm ngày ròng rã. Chiều chủ nhật hôm đó, tưởng đâu mở cửa cho người ấn chuông điện là phái đoàn du lịch trở về, bà Kim Cúc bước vào nhà báo cho cô biết bà sẽ ở lại chờ mọi người trở về. Sau khi lên phòng dành cho chồng và mình, bà đã ở lì trong đó mà không nói không rằng với cô thêm lời nào, ngay cả chuyện yêu cầu cô dọn cơm tối. Mãi cho đến khi những tiếng chuông điện vang lên inh ỏi, và phái đoàn du lịch cười nói xôn xao dưới phòng khách, bà mới xuất hiện mừng đón chồng con, ăn uống qua quýt các món ăn mà cô Loan đem về rồi hàn huyên vui vẻ với ông Thắng, bà Thu, cậu Nam, cậu Hải, cậu Vũ, và ngay cả với anh ruột của cô, cậu Minh. Thấy bà sửa soạn cho bé Lisa tắm rửa và dọn dẹp các thứ trước khi con bé vào phòng ngủ của cô Loan nhưng không thấy biểu hiện nào chứng tỏ bà sẽ quay trở lại nhà bà Bạch Mai, nỗi thất vọng của cô Hoa càng lúc càng tăng đến mức sầu não. Nỗi sầu não ấy trở thành nỗi đau khổ to lớn khi sự biệt tăm của ông Hoàng đồng tình với vợ của ông trong căn phòng cửa đóng kín mít qua suốt một đêm trường. Sau khi khóa cửa dùm cho cô Loan khi cô ta tiễn cậu Vũ, cô Hoa đơn độc một mình trong chiếc ghế sô pha nơi phòng khách. Tẩn mẩn với những món quà lưu niệm mà bà Thu tặng cho, cô đã ngồi yên lặng trong sắc mặt buồn thiu. Nỗi cay đắng dâng tràn khiến cho đôi mắt của cô ươn ướt đỏ. Cô tắt chiếc đèn cuối cùng trong phòng khách và khóc âm thầm trong sự cô đơn tột đỉnh của tâm hồn. Chiếc đồng hồ treo tường đánh lên một tiếng báo hiệu đã qua một ngày nhưng cô vẫn ngồi khóc một mình trong bóng tối.
Có thể là giác quan thứ sáu và cũng có thể là mùi nước hoa của bà Kim Cúc đã đánh thức ông Hoàng thức dậy sau vài giờ ngủ thiêm thiếp. Vò đầu, bóp trán, và dụi mũi một lúc, ông bước vào phòng tắm. Sau khi trở lại giường, và nhẹ nhàng kê người nằm bên bà Kim Cúc một lúc, ông quyết định thay quần áo, mở cửa bước ra khỏi phòng rồi đi lần xuống tầng trệt. Cảm giác dễ chịu đến với ông khi ông thoát khỏi mùi nước hoa nồng nặc trong căn phòng. Buồn cười thay, mùi nước hoa ấy là mùi nước hoa mà chính tay ông mua tặng vợ vì yêu thích khi ở Mỹ.
Bước khỏi bậc cuối của thang lầu và bật công tắc điện của phòng khách lên, ông Hoàng giật mình khi nhìn cô Hoa đang ngẩng đầu nhìn ông với đôi mắt đỏ. Ông hỏi trong ngỡ ngàng:
- Hoa vẫn còn ở đây một mình sao?
Hai giọt nước mắt của cô Hoa từ từ lăn trên má. Qua màn lệ, cô nhận ra chiếc áo chemise ngắn tay màu lam nhạt và quần tây đen mà người đàn ông đối diện đang mặc tươm tất trên người chính là bộ đồ do cô ủi cho ông vào những ngày cô vắng ông. Sự chăm sóc tỉ mỉ của cô dành cho ông xuất phát từ tấm lòng thương yêu của một người yêu đối với một người yêu hơn là của một người làm công đối với ông chủ thế mà cái thân phận của cô dần dần như bị lột ra rõ ràng trước những sự việc đã và đang diễn biến. Đắng cay với sự cảm nhận rằng mình không phải là người được giúp đỡ và quý trọng vì tình xóm giềng của bà Thu và những người quan hệ họ hàng thân thuộc với bà mà chỉ là một đứa hầu gái không hơn không kém, cô vụt đứng lên, tất tả chạy vào phía sau, len qua phòng ăn, bếp, và chun vào tận trong phòng tắm. Cô đã khóa chặt cánh cửa rồi ẩn mình vào căn phòng tối và ẩm ướt để trút hết những tiếng khóc đầy uất ức. Nhờ ánh sáng héo hắt của các chiếc đèn con soi ban đêm, ông Hoàng mon men theo những tiếng khóc nấc của cô Hoa và dừng lại trước cánh cửa đóng chặt của phòng tắm. Xoay ổ khóa rối rít, ông nói một cách thành khẩn:
- Mở cửa ra cho chú đi Hoa! Chú muốn nói chuyện với Hoa!
Đứng chờ một lúc mà cánh cửa vẫn cứng ngắt, ông lại van nài một cách thống thiết:
- Mở cửa cho anh đi! Có thương anh thì nghe lời anh đi, đừng tự làm khổ mình như vậy!
Câu nói thứ hai của ông dứt một lúc, cánh cửa phòng tắm bật ra một cách bất ngờ và ông vội lách vào trong căn phòng đầy bóng tối. Lần tay trong bóng đen dày đặc để tìm công tắc điện, bật đèn sáng, và khóa chặt cánh cửa phòng tắm xong, ông vội vàng xiết lấy tấm thân mềm nhũn rung rung của cô Hoa vào trong lồng ngực của mình rồi hôn khô từng giọt nước mắt trên khuôn mặt của cô. Cảm động trước cử chỉ yêu thương của ông, cô Hoa tự nguyện kề môi mình vào môi ông và cả hai đã cùng chao đảo trong vị ngọt ngào lẫn đắng cay của men yêu vụng trộm. Rạn nứt trong hơi thở của nhau, nỗi thèm muốn vô hình khuấy động khắp thân thể của họ. Và ông, và cô không ý thức được mình đã làm gì, cùng mơn man trong làn da trống trơn và trơn tuột. Quấn nhau không rời, họ, như hai lần trước đó, không còn ý niệm được thời gian lẫn không gian, là đôi sam dính chặt vào nhau nơi bức tường của căn phòng tắm ẩm ướt. Khi cả hai người cùng buông ra mệt lử, ông ôm chặt người cô vào buồng ngực trống trơn của mình lại thêm lần nữa và tựa cằm trên đầu của cô trong im lặng rất lâu. Tưởng đâu ông bị dằn vặt lương tâm, tưởng đâu ông ân hận những việc đáng tiếc xảy ra, và tưởng đâu ba lần vụng trộm ân ái là thời gian đủ cho ông, một người chồng có uy tín và một người cha mẫu mực trong một gia đình tràn đầy hạnh phúc, nói lời tạ từ với cô Hoa như những lời nói mà những người đàn ông có gia đình trót dan díu tình ái với các cô tình nhân họ trong phút bồng bột: “Xin lỗi em, anh đã làm chuyện ngoài ý muốn!” hay “Hãy quên anh và hãy xem như giữa chúng ta không có chuyện gì!” hay “Kể từ giờ phút này không một ai trong chúng ta biết gì đến chuyện vừa xảy ra!” hay “ Mối tình của chúng ta rất đẹp nhưng anh không thể tiếp tục vì anh đã có gia đình, có vợ con, anh không thể làm khác hơn!” hoặc tệ hại hơn là cho một số tiền nào đó để đền bù cho sự lầm lỡ, ông Hoàng đã hôn nhẹ lên mái tóc rối của cô, đã nâng mặt cô lên rồi hôn vào đôi mắt còn ướt, hôn chiếc mũi đỏ, hôn đôi môi run rẩy vài lần nữa như ngầm tỏ sự biết ơn vì những khao khát đã được thỏa mãn trong ông. Sau những chiếc hôn đầy nồng thắm và tha thiết của kẻ chung tình, ông thì thầm vào tai cô “Anh yêu em! Anh yêu em mãi mãi!” Thật sự như lời ông nói, ông đã yêu cô Hoa bằng tình yêu hiện hữu trong trái tim của ông. Cô đã khơi lại tuổi thanh xuân của ông và đáp trả tình yêu đơn phương mà ông khát khao trong thời trung học. Tuy nhiên chuyện yêu cô qua hình ảnh của một người con gái trong quá khứ không còn hiện hữu như ý nghĩ ban đầu khi ông gặp cô. Ông say mê cô vì hấp lực của đôi môi cuồng nhiệt, thân hình nóng bỏng, và cử chỉ chờ mong đầy ẩn ý mà cô đã dành cho ông. Mê mẩn bởi những chiếc hôn nồng cháy, ngây ngất bởi thân hình quyến rũ, và nghiện ngập bởi sự ái ân lén lút, càng ngày ông càng thấy không thể nào dứt bỏ cô được. Và như thế, tình yêu ông khởi đầu một cách cuồng điên và sôi nổi như ngọn lửa cháy bùng nhưng không thể nào rụi tắt ngay bằng sự trốn chạy. Cứ như người bị bùa mê, ông không thể nào quên được mùi hương toát ra từ thân thể cô gái và cảm giác sung sướng sau mỗi lần chung đụng xác thịt với cô. Nếu phải nói lời chia tay, chắc chắn ông sẽ là người đau khổ không kém gì cô. Và như người lái xe vượt đèn vàng gần đổi sang đỏ mà không thể nào ngừng lại, ông tiếp tục lao theo cái thói quen vì sự đam mê của mình, mặc cho một ngày nào đó ông sẽ bị dừng lại hỏi tội bởi bà Kim Cúc, hay một người nào đó với cương vị một người cảnh sát nghiêm ngặt. Danh lợi, tiền bạc, vật chất, của cải, nghề nghiệp mà ông hết lòng theo đuổi và tạo dựng bao năm ở Mỹ bây giờ chỉ là phù du và không còn ý nghĩa gì trong ý nghĩ của ông. Ao ước đơn giản của ông bấy giờ là được sống bên cạnh người tình bé nhỏ, cho dù ở một nơi nào đó, cho dù phải chịu cực khổ, để bao nhiêu khát vọng trong ông được đáp ứng từng phút từng giờ.
Sửa lại y phục ngay ngắn cho mình và cho cô Hoa xong, ông Hoàng nói:
- Anh có mua quà cho cưng, để anh lên phòng lấy cho cưng nghe!
Cô Hoa nũng nịu với ánh mắt đầy hạnh phúc:
- Còn nhớ đến em như vậy sao?
- Nhớ cưng lắm! Nhớ đến điên cuồng! Ông nói giọng của cậu con trai mới lớn đang được yêu.
- Thật không? Đôi môi cô Hoa nở nụ cười đầy tươi vui.
- Thật mà. Ra phòng khách ngồi chờ, anh đi lấy cho cưng ngay! Giọng nói của ông vẫn ngọt lịm, không thay đổi.
- Vậy thì em chờ đến sáng để xem món quà nhớ thương của anh dành cho em là vật gì!
Dứt lời, cô hôn từ giã trước khi mở cửa phòng tắm đi ra ngoài.
Trở lại phòng riêng chỉ mới hơn năm giờ sáng mà ánh điện trong phòng ngủ riêng của vợ chồng ông sáng choang khiến ông Hoàng phải giật mình. Từ phòng tắm đi ra, bà Kim Cúc vui vẻ hỏi ông:
- Anh không ngủ được hả? Xuống nhà làm gì mà sớm quá vậy?
Ông Hoàng lúng túng:
- Anh không muốn gây tiếng động đánh thức em dậy nên định tìm xuống nhà tìm báo đọc cho qua đêm.
Lặng lẽ ngồi đối diện vợ nơi chiếc bàn tròn như hai người khách lạ vừa gặp nhau, ông Hoàng lắng nghe tường thuật của bà Kim Cúc về những chuyện xảy ra trong thời gian bà ở tại nhà bà Bạch Mai. Lúc ấy ông được biết thêm và rõ hơn là bệnh tình bà cụ Đức đã thuyên giảm nhiều hơn trước, là cô Oanh thường gọi điện liên lạc với vợ ông, là ông Tảo đã trở lại làm việc cho tiệm Bàn Tay Đẹp ở khu thương mại B, là anh Duy Anh đã bàn giao việc cho ông Tảo, là bà Tảo đã nghỉ việc từ khi ông Tảo trở lại làm quản lý, là vợ chồng ông Tảo đã hòa thuận, là bà Kim Cúc sẽ ở lại với ông trong nhà bà Thu cho đến ngày họ trở về Mỹ. Ậm ừ cho qua chuyện, ông Hoàng nôn nóng nhìn chiếc đồng hồ treo tường rồi chiếc xách tay bên cạnh chiếc tủ đứng. Toan đứng lên với một lý do nào đó để tìm lấy sợi giây chuyền có mặt trái tim cho người con gái đang chờ ông dưới tầng trệt, ông bị đặt nhiều câu hỏi bởi bà Kim Cúc về kế hoạch đãi tiệc cho cả hai gia đình trước khi lên đường. Trả lời nhát gừng với giọng bực bội “Muốn đãi thế nào, món gì, ở đâu em bàn với Thu, anh đâu có rành ở đây đâu mà hỏi anh!” rồi đứt khoát đứng dậy bước chân đi về phía cái tủ đứng, ông phập phồng hai cánh mũi vì mùi nước hoa không chịu được đang bàng bạc trong căn phòng. Đồng với sự khó chịu của hai cánh mũi, hai tai của ông không chịu nổi những lời dài dòng và bất tận của bà Kim Cúc. Chưa bao giờ ông nghe vợ ông nói nhiều như thế tuy nhiên lúc đó ông nhớ ra là chỉ còn hơn một tuần nữa là ông phải trở lại Mỹ như sự ấn định trong vé máy bay khứ hồi mà ông đã đặt mua.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 31
Lục lọi trong chiếc va li Samsonite lớn một lúc, bà Kim Cúc lôi ra tất cả những thứ mình có trong ấy. Sau khi xếp thứ tự từng loại áo dự dạ tiệc, váy, áo thun khăn choàng, kem, phấn, đồ nữ trang giả trên chiếc giường rộng, bà nói với cô Hoa:
- Đây, cháu cứ chọn thứ nào hợp thì lấy, còn lại để cho cô.
Cô Hoa ghé người ngồi đối điện bà bên một góc giường cúi đầu:
- Cảm ơn cô.
Bà Kim Cúc vui vẻ:
-Tìm cho mình một chiếc áo dạ tiệc vừa ý đi! Tối hôm nay tất cả mọi người hai bên gia đình của cô chú và bạn bè đều đến, ngay cả bác hai Huy cũng lên tham dự vậy thì cháu cũng tham dự với trang phục lộng lẫy mới được! Cô đã bảo với cô út Thu, tối nay tất cả mọi người đều phải đến nhà hàng, không ai ở nhà.
Cô Hoa từ tốn đáp lại:
- Cháu ở nhà cũng không sao. Cháu thường ở nhà để làm việc và trả lời điện thoại quen rồi!
Bà Kim Cúc cương quyết:
- Chiều tối hôm nay không cần ở nhà, không cần làm việc hay trả lời điện thoại gì cả! Cô và chú Hoàng đã đặt đủ số người với nhà hàng cho nên cháu phải tham dự với toàn gia đình hai bên của cô chú cho vui. Đừng ngại không có y phục hay trang sức, cô có rất nhiều thứ, cháu muốn thứ nào lấy dùng rồi giữ luôn không cần trả lại cho cô.
- Cháu không thấy lạc quan trong chuyện này! Cứ như cô bé Lọ Lem, chỉ được bà tiên ban ân huệ trong phút chốc rồi ngày mai sẽ bị mất đi tất cả và trở về thân phận người làm công.
Ánh mắt của bà Kim Cúc đang đưa lên xuống theo chiều dài chiếc áo trước mặt, khựng lại trên khuôn mặt ủ rũ của cô Hoa:
- Ngày xưa cô có những lúc cực cùng còn tệ hơn đời sống của cháu bây giờ. Ở trại tị nạn thiếu ăn, thiếu mặc qua ngày cũng xong. “Sông có khúc người có lúc” đời người không ai sướng hoài, cũng không ai khổ mãi. Cháu còn trẻ, tương lai còn dài, hãy vui với những gì mình đang có, đừng quá bi quan như thế!
Trải dài các chiếc áo trước mặt bà Kim Cúc giới thiệu từng món:
- Đây là chiếc áo màu xanh da trời nhạt có ánh kim tuyến dành cho ngày giáng sinh nhưng nó vẫn thích hợp cho một buổi tiệc tối. Đây là chiếc áo trắng mà chú Hoàng mua cho cô nhưng cô chỉ mới mặc một lần vì nó hở hang quá. Còn đây là chiếc áo màu kem ngắn, dây vai có khăn choàng mỏng choàng quanh chỗ hở. Và đây là chiếc váy màu rượu chát do Loan tặng cho cô khi nó nhận cái ngân phiếu đầu tiên sau mấy tuần làm tại tiệm bán quần áo... Còn mấy cái này nữa cháu muốn cái nào cứ lấy.
Lựa chọn một lúc, cô Hoa nói:
- Cô có nhiều chiếc áo đắt tiền quá. Người ta nói không sai, Mỹ đúng là thiên đường. Chỉ nhìn những chiếc áo là biết chúng xuất phát từ nước giàu có!
Bà Kim Cúc đang xốc xáo quần áo khựng lại nhìn cô Hoa với vẻ thương hại:
- Mỹ không phải là thiên đường nhưng là một nước tự do và có luật lệ hẳn hoi nên người sống ở đó cảm thấy an toàn và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công ăn việc làm học hành và bằng cấp, miễn là chịu khó làm việc và kiên nhẫn. Bên ấy cô chỉ làm móng tay nhưng đủ để lo cho gia đình có cuộc sống đầy đủ và sung túc, không mong gì hơn.
Cô Hoa chép miệng:
- Cháu nghe đồn làm nghề móng tay ở Mỹ rất dễ kiếm ra tiền, phải chi cháu được sang ấy để cháu làm ở tiệm của cô.
- Tất nhiên rồi! Nếu Hoa được sang bên ấy, cô giúp cho Hoa học lấy bằng và cho Hoa làm ở tiệm cô để kiếm tiền gửi về giúp bà nội, ba và anh của Hoa. Người lạ cô còn giúp được huống hồ người hàng xóm với gia đình của chú Hoàng.
- Nhưng mà nếu cháu có số đi Mỹ và được sang bên đó thì cô cho cháu làm móng tay trong tiệm của cô với nghe cô. Hứa với cháu nghe cô!
Bà Kim Cúc mỉm cười, hứa cho qua chuyện:
- Được rồi! Khi nào được chàng Việt Kiều nào bảo lãnh sang ấy thì liên lạc với cô, cô sẽ giúp cháu, chỉ sợ người chồng cháu không chịu để cho cháu làm nghề móng tay thôi. Mà cháu đã có quen chàng Việt Kiều nào chưa vậy?
Cô Hoa liếm môi:
- Dạ chưa... và cháu cũng không biết mình có số ra nước ngoài không nữa nhưng cháu xin cô cho cháu số điện thoại tiệm làm của cô để khi nào được sang ấy, cháu sẽ liên lạc với cô.
- Việc ấy dễ thôi, cô sẽ cho cháu khi cô lên đường.
Cô Hoa kèo nài:
- Cháu có thể có ngay không? Cháu sợ cô sẽ không có thì giờ nhớ chuyện cho cháu số điện thoại trước khi cô lên đường!
Bà Kim Cúc nghe lời, đứng lên, bước đến bàn tròn lấy mảnh giấy viết một lúc rồi trao cho cô Hoa:
- Bây giờ cũng nhiều thanh niên Việt Nam ở Mỹ về lấy vợ từ Việt Nam đem sang ấy. Nếu có duyên, chúng ta sẽ gặp nhau trong cùng một tiểu bang.
Cô Hoa vừa đút tờ giấy vào túi áo và nói cảm ơn xong , tiếng gõ từ ngoài cửa phòng vang lên. Sau hai chữ “Vào đi!” của bà Kim Cúc, cô Loan đẩy cửa bước vào với khuôn mặt ngạc nhiên:
- Ủa! chị Hoa ở đây hả?
Bà Kim Cúc hỏi:
- Con cần gì?
Cô Loan đến gần chiếc giường, chìa chiếc áo dài màu vàng nhạt có thêu hoa rơi ra trước mặt bà Kim Cúc, hỏi nhỏ:
- Con muốn hỏi mẹ là tối hôm nay con có thể mặc chiếc áo dài này không?
Bà Kim Cúc ngạc nhiên:
- Áo dài cho tiệc tối?
Cô Loan đáp lại câu hỏi của bà bằng câu hỏi khác với ánh mắt hy vọng và mong đợi :
- Nó không kỳ cục chứ mẹ?
Bà Kim Cúc ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Không, nó hơi là lạ nhưng mà hay hay! Một cô gái từ Mỹ về mặc áo dài Việt Nam dự tiệc với bao bà con bạn bè trong nước là hình ảnh độc đáo. Hãy làm theo những gì con thích đi! Theo mẹ, con xinh đẹp với bất cứ y phục nào mà con muốn mang trên người. Con có thể tạo thời trang chứ đừng chờ thời trang tạo ra con!
Cảm ơn bà và toan quay đi, cô Loan lướt mắt nhìn các chiếc áo dạ tiệc đang nằm ngay ngắn trên giường, rồi hỏi cô Hoa:
- Bộ chị Hoa muốn mượn áo của mẹ em mặc hả? Áo của mẹ em không hợp với tuổi của chị đâu. Nếu chị muốn mặc váy hay đầm thì sang phòng em lấy mặc. Em sẽ tặng luôn, khỏi trả.
Lắc đầu từ chối và chờ cô Loan ra khỏi phòng xong, Cô Hoa cầm chiếc áo dạ hội màu trắng đứng lên nói với bà Kim Cúc:
- Cháu xin thử chiếc áo này.
Bà Kim Cúc vui vẻ:
- Ừ, cháu vào phòng tắm này thay ngay kẻo trễ lắm rồi! Đem theo cả bộ trang sức giả này đeo vào cho hợp luôn thể!
Thu dọn mọi thứ trên giường xong bà tiến đến bàn phấn ngắm nghía. Chiếc áo màu tím than, khít khao thân hình bà cách đấy vài tháng trong tiệc cưới tại Virginia, nay rộng thùng thình lộ cả xương cổ và hai cánh tay gầy khẳng khiu của bà. Tô lại lớp son trên môi và phớt nhanh một lớp phấn hồng trên má để giấu bớt sự hốc hác trên khuôn mặt, bà quay lại mỉm cười với ông Hoàng, người đang mở cửa bước vào phòng. Ánh mắt của ông không hướng về phía bà mà sững sốt về phía cửa phòng tắm nơi cô Hoa đang đứng lộng lẫy trong chiếc áo dạ hội mà ông mua cho bà cách đấy ba năm. Các vòng ngực, vòng eo, và vòng mông của cô hấp dẫn trong chiếc áo khiến ông nuốt nước bọt trước khi nói:
- Chúng ta đi mau kẻo mọi người chờ dưới nhà lâu lắm rồi.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 32
Sau ngày đãi tiệc chia tay với gia đình hai bên nội ngoại là những ngày buồn thảm nhất của bà Kim Cúc.
Sự việc bắt đầu vào lúc bốn giờ sáng của ngày thứ hai khi tiếng chuông điện thoại của nhà bà Thu kéo dài. Sau khi ông Thắng trả lời điện thoại một lúc cả nhà được báo ngay hung tin là bà cụ Đức đã qua đời. Hung tín vừa loan ra, ông Thắng, bà Thu, cậu Nam, và cậu Minh tức tốc chuẩn bị xe gắn máy dưa vợ chồng con cái của bà Kim Cúc sang P.N.
Khi đoàn xe vừa dừng trước căn nhà của bà Bạch Mai, bà Kim Cúc cùng tất cả mọi người hấp tấp đổ xô lên gác rồi vây quanh chiếc giường bà cụ Đức đang nằm. Trong tư thế bình thản như đang ngủ, khuôn mặt hiền lành của bà cụ đã không cho một người chứng kiến nào có thể ngờ rằng cụ đã thật sự đi vào chốn thiên thu. Tìm nắm bàn tay mẹ và nhận ra sự lạnh giá của nó, bà Kim Cúc hiểu rằng mãi mãi sẽ không còn được cơ hội chăm sóc, hỏi han hay trao đổi tâm tình với bà cụ nữa. Gục đầu trên thân thể của mẹ, bà khóc sướt mướt vì ân hận là đã không ở lại trong nhà bà Bạch Mai thêm vài hôm để nhìn được bà cụ trong phút chia tay vĩnh viễn. Càng khóc, bà Kim Cúc cảm thấy toàn thân người nhẹ bổng và nhũn đi. Tưởng đâu ngã quỵ xuống cái nền gỗ của căn gác và bất tỉnh ngay sau đó, toàn thân của bà được ôm chặt vào tấm thân gầy gộc của bà Bạch Mai. Bà này vừa khóc vừa nói:
- Chúng ta đã mất mẹ rồi, không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa rồi em ơi!
Nước mắt rơi lã chã theo những tiếng khóc nức nở của chị, bà Kim Cúc gào lên khi cố vươn về phía trước:
- Mẹ ơi sao mẹ nỡ bỏ con! Tại sao mẹ không chờ con? Tại sao không trăn trối gì với con cả? Mẹ hãy nói đi! Hãy nói mẹ muốn gì nơi con đi mẹ ơi!
Mọi người không nói năng gì, rớt nước mắt và lặng lẽ cùng bà Bạch Mai dìu bà ra đến chiếc ghế kê sát bức tường hướng ra hiên gác. Trong khi con cháu và người thân lần lượt trở lại quanh chiếc giường của bà cụ Đức để vuốt mắt tiễn dưa cụ theo nghi lễ đối với người đã khuất, bà Bạch Mai vừa cúi ôm vai bà Kim Cúc vừa nói trong nước mắt:
- Nín đi em! Hãy để cho mẹ đi thanh thản!
- Sao mẹ không chờ em? Sao chị không báo cho em hay? Bà Kim Cúc nghẹn ngào hỏi.
Bà Bạch Mai vừa chùi nước mắt vừa nói:
- Chính chị không biết mẹ đi âm thầm. Sáng nay khi bố ra thăm chừng mẹ, mới hay mẹ đã ra đi từ lúc nào.
Bà Kim Cúc oán hờn:
- Mấy ông bác sĩ ở đây làm ăn kiểu gì kỳ vậy! Nói mẹ đỡ rồi, chỉ cần chăm sóc tại nhà ngờ đâu họ làm ăn dối trá thế?
Bà Bạch Mai ôn tồn giải thích:
- Không phải đâu em. Thời gian bệnh của mẹ chỉ đến vậy thôi.
- Thời gian?
- Phải. Không phải mẹ bị viêm gan đơn thuần mà bị cả ung thư gan. Vì biết thời hạn của căn bệnh, mẹ quyết định không trở lại Mỹ để được chôn tại quê nhà.
Trong khi bà Kim Cúc bàng hoàng với sự tiết lộ, bà Bạch Mai nói thêm:
- Em có nhớ lúc mẹ khỏe lại sau một thời gian liệt giường không? Đấy là lúc mẹ hồi dương chứ không phải khỏe hẳn. Những gì mẹ căn dặn chúng ta lúc ấy là những lời trăn trối của mẹ dành cho chúng ta. Chị mong rằng em hãy bỏ qua chuyện xưa và tha lỗi cho chị. Hãy nối lại tình chị em như mẹ mong ước.
Lời nói của bà Bạch Mai vừa dứt, nước mắt của bà Kim Cúc lại tuôn ra. Bà nhớ lại buổi tối bà cụ Đức gọi hai chị em bà đến bên giường. Với khuôn mặt tỉnh táo, bà cụ Đức đưa bàn tay gầy guộc nắm tay cả hai chị em và nói “Chị em con có thương mẹ thì hãy thương nhau. Dù ở xa nhau cũng nên nên liên lạc thăm hỏi với nhau thường xuyên, đừng tỏ ra xa lạ và khách sáo như thế mà mất tình chị em!” “Con hứa!” Bà Kim Cúc thành tâm trả lời trong khi bà Bạch Mai âm thầm lau nước mắt. Một lúc sau, bà này nói với giọng điềm tĩnh “Chúng con vẫn thương nhau mẹ ạ! Chúng con vẫn như thế mà! Chắc là mẹ không để ý đấy thôi! Mẹ an tâm dưỡng bệnh, chứ đừng lo lắng gì về tình cảm chị em của chúng con! Là chị em, cùng một giọt máu làm sao chúng con bỏ nhau được hả mẹ?”
Hình ảnh hồi tưởng ấy nhắc cho bà Kim Cúc thấu rõ tình cảm gắn bó của chị em bà là mong mỏi duy nhất của bà cụ Đức sau khi lìa đời. Gục đầu trên vai bà Bạch Mai, bà nức nở:
- Chúng ta sẽ thương yêu nhau mãi mãi không phải chỉ vì nguyện vọng của mẹ mà chính bản thân của chúng ta phải không hả chị?
Ông cụ Đức bình tĩnh hơn bao giờ. Thay vì ngồi trên chiếc ghế cố định, ông đi đi lại lại tiếp đãi những người đến viếng và cắt đặt mọi việc cho con cháu. Ông đã nhờ cậu Bình báo tin cho nhà ông Phúc đồng thời bàn tính với ông Hoàng và ông Thanh chuyện tẩm liệm và ngày chôn cất. Cách đó ít ngày, tuy thấy bà cụ tỉnh táo và khỏe mạnh hơn trước, ông vẫn không tin tình trạng sức khỏe của bà cụ vượt qua phút cuối cùng của cuộc đời, cho nên ông tự đặt mình vào tư thế sẵn sàng đối diện một sự thật mà không thể nào chối bỏ được. Trong tình trạng căn bệnh của bà cụ Đức không thể cứu chữa được ông chỉ còn cách chiều vợ với tất cả những gì ông có thể làm cho bà trước những ngày bà đi vào cõi vĩnh hằng. Bất cứ điều gì bà cụ muốn là ông chiều lòng bà ngay sau khi lời yêu cầu của bà vừa dứt. Ngày đầu tiên khi phát hiện bệnh trạng của bà cụ, ông cẩn thận các món ăn liên quan đến sức khỏe của vợ bao nhiêu thì sau ngày bác sĩ báo bó tay trước căn bệnh, ông chiều theo lời yêu cầu thức ăn mà bà cụ ưa thích bấy nhiêu. Song song với việc chiều chuộng người đàn bà mà ông thương yêu suốt bao nhiêu năm trời, ông cụ Đức còn chuẩn bị âm thầm cùng với ông Thanh và bà Bạch Mai mọi thứ cho an táng. Tuy yên dạ vì sự ra đi của bà cụ Đức nhẹ nhàng như người ở trong giấc ngủ êm đềm và đã chuẩn bị cho tang lễ chu toàn từ ảnh thờ, vải tang, cho đến nơi chôn cất, những tiếng khóc than không ngừng của hai người con gái của ông đã làm cho ông chạnh lòng và cảm thấy nỗi mất mát càng lúc càng lớn trong lòng. Đang đi lại, đột nhiên ông đến chiếc ghế thường ngồi yên vị một cách cô độc. Cúi thấp mái đầu tóc bạc xơ xác, ông bùi ngùi nhớ lời khuyên của bà cụ: “Ông nhớ giữ gìn sức khỏe ông nhé! Sống chết đều có số có phận đừng quá vì tôi quá mà quên thân mình. Thương tôi, thương con, thương cháu thì giữ sức khỏe, đừng đau thương lắm mà bệnh thì khổ!”
Hình ảnh ủ rũ của ông cụ Đức đã gợi trong tâm trí của bà Kim Cúc một hình ảnh của một người đàn ông yêu vợ một cách trung thành và tha thiết đến tận phút cuối của cuộc đời. Tuy nhiên giữa rừng người áo tang khăn trắng trong ngày đưa tiễn quan tài bà cụ đến nghĩa trang B.D, bà hiểu rõ sự ra đi vĩnh viễn của mẹ mình không phải là sự mất mát của riêng bố, hay của bà mà còn của chị bà, các con của bà và những người thân bằng quyến thuộc khác nữa. Day dứt với những ngày tháng gian khổ cũng như vui sướng mà mẹ và gia đình bà đã có bên nhau, bà im lặng đi theo mọi người trên con đường dẫn đến nơi huyệt mộ.
Nghi lễ cúng kính hương khói vừa xong, không khí buồn bã và ảm đạm bởi những tiếng thút thít bỗng vỡ tan thành những tiếng kêu than khóc lóc. Người khóc nhiều và to nhất hôm ấy là con bé Lisa. Có lẽ vì hai ngày trước đó là lần đầu tiên trong đời nó chứng kiến một người thân thương nhất từ trần nay lại chứng kiến chiếc quan tài có thân xác của người nó thương yêu sắp sửa bị chôn sâu vào lòng đất lạnh nên không thể nào nén xúc động. Quỳ bên bờ đất nó nức nở với những tiếng kêu la thê thảm “Ngoại ơi! Ngoại ơi! Sao ngoại bỏ cháu? Sao ngoại bỏ cháu hả ngoại?” Bàng hoàng trước hành động đột ngột của con bé, bà Kim Cúc vội vàng kéo nó sát vào lòng. An ủi, và dùng vạt áo tang lau nước mắt cho nó xong bà lặng lẽ giúi những đóa hoa vào trong tay nó rồi bảo rắc xuống huyệt mộ cho ngoại. Đau đớn khi nghĩ đến sự kết thúc một đời người, nhất là một cuộc đời gian khổ hy sinh và nhẫn nại như mẹ mình chỉ là một nấm mồ trong nghĩa trang lạnh, bà Kim Cúc gục đầu trên vai con bé Lisa với tiếng nấc “Mẹ ơi, con thương cuộc đời của mẹ quá mẹ ơi!”
Thực tế bà Kim Cúc không phải là người ủy mị. Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho mẹ xong, bà tiếp tục nghĩ đến chuyện chăm sóc bố cho đến mãn đời. Dù là vậy, ý nguyện thay thế mẹ để chăm sóc bố đàng hoàng tử tế khi trở về Mỹ không thể nào thực hiện khi mà ông cụ Đức quyết định hủy bỏ vé máy bay khứ hồi để ở lại Việt Nam luôn. Lúc đầu, tưởng đâu ông cụ buồn khổ vì sự ra đi của bà cụ nên còn lưu luyến ở Việt Nam thêm vài ngày, bà Kim Cúc đã nhờ ông Hoàng lo giấy tờ gia hạn cư trú và hoãn vé máy bay thêm lần nữa. Nhưng, đến ngày cả gia đình chuẩn bị lên đường, ông cụ Đức dứt khoát ý muốn ở lại Việt Nam luôn cho đến ngày cuối cuộc đời để được chôn cạnh mộ bà cụ Đức thì bà rơi ngay xuống vực chán chường và thất vọng. Điều mà bà Kim Cúc thất vọng nhiều nhất nơi ông cụ Đức là bà không thể nào ngờ một người đã từng làm cho ban Chiêu Hồi, đã từng giáo dục cho những người lầm đường lạc lối hồi chánh với chính nghĩa Quốc Gia lại là người bằng lòng ở lại với một đất nước mà ông đã quyết định chia tay cách đấy mười bảy năm và sinh sống với những người mà cách đó hai mươi lăm năm ông đã từng giáo dục khuyên nhủ họ theo con đường chánh hơn là tà. Tự tưởng tượng mình là ông để hiểu lý do của điều ông muốn, bà Kim Cúc xót xa nhận ra rằng nơi chôn nhau cắt rún là nơi thu hút mãnh liệt trái tim người Việt tha hương hơn mọi thứ trên đời. Hơn nữa, bà biết rõ là đối với ông cụ Đức, Việt Nam không những là mảnh đất yêu thương mà ông muốn quay trở về ở luôn mà là nơi ông có thể viếng thăm nấm mồ của người vợ yêu dấu của ông. Không gì hơn thế, ông sẵn sàng chấp nhận sự bàng quan với sự đời xung quanh để thực hiện ước nguyện duy nhất của riêng mình.
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm. Nhớ lúc chia ly ngại ngùng bước ra đi, luyến tiếc bao ngày xanh. Tha thiết mong tìm về bạn cũ, nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Vắng tiếng chim xanh, ngày vui hót tung mây, mơ khuất xa xưa nghìn phương...”
Bài hát Ngày Về mà đài phát thanh Tâm Lý Chiến thường kêu gọi bao nhiêu người hồi chánh viên trở về với với chánh nghĩa Quốc Gia ngân nga trong đầu khiến bà Kim Cúc ngẩn ngơ với hình ảnh của những cánh chim trong bài hát. Trong những cánh chim ấy, cánh chim già của người cha thân yêu của bà đã mỏi mệt quay cánh trở về quê cũ mà chẳng màn đến những ý nghĩ nặng nề đang đè nặng trong tâm trí của người con gái đang còn tha hương của ông. Tuy nhiên, trong cảm giác mất mát ê chề, bà Kim Cúc đau khổ nhận ra mình cũng là một trong những cánh chim kia nhưng vô vọng tìm nơi ngừng đậu. Trong thâm tâm, bà không nghĩ đến chuyện ngừng bay bởi vì miền đất cũ không phải là nơi an toàn tuyệt đối để bà xếp cặp cánh ở đó.
Đồng với cái buồn của bà Kim Cúc, cô Hoa cũng sầu bi nhưng ở phương diện khác. Kể từ lúc bà Kim Cúc ở nhà bà Thu cho đến lúc bà chộn rộn lo mai táng cho bà cụ Đức, rồi từ lúc ông Hoàng lo cho gia đình vợ cho đến tận ngày cả gia đình họ lên xe đi ra phi trường Tân Sơn Nhất để trở về Mỹ, cô chưa hề có cơ hội gặp riêng ông Hoàng thêm lần nào nữa. Sở dĩ cô cần gặp riêng với ông là để cô có thể báo cho ông biết sự biến chuyển kỳ lạ trong cơ thể của cô. Nhìn vợ con ông Hoàng và mọi người nhốn nháo trong hai chiếc xe van khuất hút theo dòng xe đầy bụi khói, cô vừa buồn rưng rưng vừa oán ông Hoàng đã không nói lời yêu thương hay hứa hẹn gì với cô trước khi từ giã. Tuy nhiên nhìn xuống bụng mình cô không hề có chút ân hận. Cảm thấy hãnh diện vì giọt máu trong bụng từ một người Việt Kiều giàu có và phóng khoáng, cô quả quyết tác giả của giọt máu này sẽ bảo lãnh cô sang Mỹ một ngày nào đó.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 33
Sau khi cho con bú và đặt nó nằm trên chiếc chiếu rách lỗ chỗ, cô Hoa nhìn ngắm đứa bé thật lâu. Thằng bé sơ sinh không giống cô một nét nào. Nó có nước da bánh mật, đôi mắt tròn đen dưới đôi chân mày rậm và mái tóc dày chẳng khác nào người cha ruột của nó. Nếu ai đã từng gặp ông Hoàng một lần thì không thể nào phủ nhận nó không phải là con ông ta cho dù từ khi cưu mang đến khi sinh nó ra, cô Hoa chưa hề hé miệng tiết lộ với bất cứ thành viên trong gia đình hay người thân quen nào biết kẻ cao bay xa chạy là ai.
Hôm ấy, xuống quê thăm ông Huy và ghé thăm gia đình cô, bà Thu mới hiểu nguyên nhân vì sao cô Hoa xin nghỉ làm tiệm cà phê đông khách của bà. Ngắm đứa bé một lúc, bà thảng thốt hỏi:
- Trời ơi! Có phải đây là giọt máu của thằng Phụng không? Tại sao cháu không chờ đến ngày nó học ra trường và cưới hỏi đàng hoàng mà phải vội vàng như vầy?
Cô Hoa cúi mặt rưng rưng trong im lặng. Nhớ đến ánh mắt khinh rẻ của đứa con trai lớn của ông Hoàng, người có cuộc sống đầy đủ và nhung lụa tại Mỹ, và nghĩ đến thân phận của đứa con vô thừa nhận sống trong cảnh nghèo nàn và thiếu thốn, cô cảm thấy oán hờn và căm phẫn sự bặt tăm vô tín của ông Hoàng. Cho ông là kẻ “chơi hoa bẻ cành” trong chuyện “tìm vui” và coi cô như là “một kẻ qua đường”, cô Hoa quyết định kể hết những chuyện xảy ra giữa ông và cô cho bà Thu nghe mà không chừa lại một chi tiết nhỏ nào.
Hồn vía lên mây, bà Thu hỏi lắp bắp:
- Tại sao có thể như vầy? Tao tưởng cháu với thằng Phụng là quá đáng rồi nào ngờ “lên tới” anh tư của tao! Rồi mày ăn nói làm sao với bà chị tư và mấy đứa nhỏ? Rồi còn bao nhiêu người lớn và họ hàng gia đình hai bên nữa, làm sao đây?
Đôi mày của cô Hoa quắc lên mặc dù giọng nói của cô vẫn mềm mỏng như lúc tiết lộ câu chuyện:
- Vì danh dự của chú Hoàng và toàn bộ gia đình cô út Thu nên cháu mới cam chịu nỗi khổ bụng mang dạ chửa một mình và giấu hết tất cả mọi người cốt nhục của đứa nhỏ là ai. Còn bây giờ gặp cô rồi, cháu muốn nhờ cô báo cho chú Hoàng biết là chú đã có con với cháu. Chú không thể bỏ rơi giọt máu của chú như vầy vì cháu không thể nào tự “mình ên” nuôi con của cháu được.
- Vậy thì để cô lo chu cấp tiền bạc và các thứ đầy đủ theo bất cứ cái gì cháu yêu cầu.
- Cái mà cháu cần nhất cho con của cháu là tình cảm của một người cha. Đời sống của nó phải được đầy đủ như những đứa con khác của chú Hoàng chứ không phải chỉ vì sự bố thí vật chất của cô.
Bà Thu nổi giận:
- Làm sao anh tư của tao làm cho mày điều đó? Ổng có gia đình hơn nữa còn phải lo công việc làm ăn ở sở, ở kinh doanh bên ấy chứ có thời giờ rảnh rang đâu mà “bay” về đây ngay được?
Cô Hoa kiên quyết:
- Chú phải về để nhìn nhận đứa con này là con của chú! Bởi vì nó là con của chú ấy nên chú phải có trách nhiệm với nó như đã trách nhiệm với những đứa con khác của chú ấy. Chú tư Hoàng và cháu yêu thương nhau nên cháu mới có đứa con này chứ không phải tự cháu sinh ra nó được. Cô phải báo ngay cho chú Hoàng biết tin này dùm cháu.
Bà Thu xuống giọng:
- Cô sẽ báo cho chú tư Hoàng nhưng cũng để “hưởn hưởn” cho cô ít ngày vì cô rối trí quá!
Cô Hoa vẫn kiên quyết:
- Cháu đã biết nhà của gia đình cô Kim Cúc và cũng có số điện thoại của cô ấy ở Mỹ nếu cô không giúp cháu liên lạc báo với chú Hoàng, cháu sẽ lên Sài Gòn rồi sang Phú Nhuận báo cho gia đình cô Kim Cúc biết để họ chuyển tin sang cho cô Cúc hay sẽ gọi sang đó nhờ cô ấy giải quyết việc này.
Bà Thu nổi nóng:
- Chị tư tao làm gì trong chuyện này mà mày phải làm như vậy? Tao đã nói là chuyện gì để tao từ từ giải quyết cho. Bộ tưởng gọi điện thoại sang ấy là gặp riêng anh tư tao liền hả?
- Gặp riêng hay gặp chung cũng phải gọi báo cho anh ta biết liền. Dụ dỗ một đứa con gái bằng tuổi con mình rồi “quất ngựa truy phong” không có được với tôi đâu!
Giọng nói như tiếng khua của chiêng vang lên khiến bà Thu và cô Hoa ngẩng đầu về phía cột cửa lên xuống giữa nhà trên và gian nhà bếp. Uy nghiêm đứng khoanh tay tựa cột với tư thế của người lính gác đang thị uy với kẻ đồng lõa một tội phạm, ông Nghĩa lừ lừ đôi mắt giận dữ trên khuôn mặt bà Thu.
Như người bị bí lối trước hai kẻ buôn bán áp phe đầy thủ đoạn, bà Thu nhìn ông Nghĩa rồi quay sang hứa với cô Hoa:
- Được rồi tôi sẽ gọi điện, và gửi điện thư báo cho anh của tôi hay.
Ông Nghĩa nói như ra lệnh:
- Cô phải nói với ông ta về đây giải quyết vụ này cho tôi chứ không phải báo suông.
Bà Thu toan cãi lại, phải hứa thêm vì ánh mắt cay cú của ông Nghĩa:
- Được rồi tôi sẽ gọi anh tôi về.