Chương 34
Từ khi câu chuyện vụng trộm của ông Hoàng bị lộ và sự ra riêng của ông Hoàng làm bà Kim Cúc trở nên trầm mặc hơn bao giờ. Mỗi buổi sáng trước khi đến tiệm, bà thường ngồi một mình trên sàn ván sau nhà ngắm những tia nắng đầu tiên của mặt trời dịu dàng vương trải trên những hàng cây sau nhà để hình dung lại ngày gia đình bà bị xáo trộn. Sự cố ấy cứ như là cơn đau nhức của một vết thương, thế mà bà sờ sẫm lại mãi như để kiểm tra sự hiện diện nhiều ít của nó trong bà mỗi ngày khác nhau thể nào. Thật sự, nếu bà không nhớ lại thì nó vẫn hiện ra trong trí bà như chuyện mới vừa xảy ra.
Nửa đêm hôm ấy, khi dùng buồng tắm xong, ngang qua phòng làm việc nơi chiếc máy computer đang còn mở, định giúp chồng tắt máy thì bà phát hiện ra hộp thư điện báo của ông quên khóa. Là người tôn trọng sự riêng tư của người khác cũng như của chồng, bà thường thờ ơ với những công việc riêng của mọi người; tuy nhiên, hàng chữ dài ngoằn của bức thư với tên người gửi là cô em chồng Nguyễn Thị Thu khiến bà tò mò ngồi lại đọc hết trọn nội dung trong ấy. Sau khi biết rõ sự thật về câu chuyện dan díu giữa ông Hoàng và cô Hoa, bà đã vội vàng đánh thức ông Hoàng dậy để hỏi cặn kẽ vấn đề. Lúc ấy, ông Hoàng đã thú nhận mối quan hệ tình cảm giữa ông và cô Hoa rồi thành thật cho bà rõ là tình yêu của ông với cô Hoa không thể là một chuyện tình ái qua đường bởi vì ông không thể nào làm một con ong vô tình bỏ rơi một búp hoa sau khi hút nhụy và bởi vì giữa ông và cô ta đã có một mối dây liên hệ mật thiết: đó là đứa bé trai con của cô ta và của ông. Quan niệm “dám làm dám chịu” của ông đã làm cho cơn suyễn kinh niên của bà Kim Cúc, được trị tiệt từ lâu, tái phát và làm bà ngột ngạt khó thở; tuy nhiên bà đã cố hết sức bình tĩnh đương đầu với cơn bệnh cũ và thái độ cứng cỏi của chồng bằng câu nói cay đắng nhất “Không còn tình nghĩa gì với nhau thì anh nên nói rõ ngay sau khi xảy ra vấn đề để bước ra khỏi đời tôi chứ không cần phải giấu giếm đến tận hôm nay!” Đối phó với câu nói ấy, ông Hoàng lặng im. Ông im lặng không phải vì đang ở trong tâm trạng sợ hãi mà vì yên dạ trước thái độ lạnh lùng và bất cần của bà Kim Cúc. Khác xa với hình ảnh tru tréo, la khóc, chửi rủa và đe dọa của người đàn bà có tâm lý tổn thương khi phát hiện chồng ngoại tình mà ông đã tưởng tượng trong những ngày trước đó, bà Kim Cúc chỉ tiếp tục mỉa móc với thái độ bình tĩnh “Anh tưởng tôi có thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng trong tình trạng như thế này sao? Cái mà tôi không tưởng tượng ra được là sự dối trá và lừa đảo của anh. Kinh tởm hơn là không ngờ anh lại gian díu với một đứa chỉ bằng tuổi con mình! Rõ là đẹp mặt lắm!” Nghe những câu nói nặng lần đầu tiên phát ra từ miệng vợ, ông Hoàng nóng lắm nhưng ông đã không cãi một lời, và vì thế thái độ bất đối phó của ông đã làm cho cơn tức giận của bà Kim Cúc càng lúc càng sôi sục nhiều hơn. Bù vào khoảng không gian im lặng mà ông tạo ra, bà lải nhải thêm nhiều về “chuyện không thể nào tưởng tượng ra được” của ông, tính “lẳng lơ” của cô Hoa, sự vô lương tâm của những người đàn ông Việt Kiều phản bội vợ, và sự mất nết của những đứa con gái Việt Nam vô linh hồn. Bà xỉ vả thêm về cái tính dễ dãi và thiếu đứng đắn của mấy cô gái không được giáo dục chu đáo rồi chỉ trích liên hồi cách ăn mặc hở hang, thói liếm môi, lối cười nơi đuôi mắt, và cách đi đứng ưỡn ẹo cốt dụ dỗ đàn ông của cô Hoa. Bà nói đi, nói lại, nói tới, nói lui bao nhiều lần chỉ quanh vấn đề “dối trá”, “phản bội” “lẳng lơ” và “dụ dỗ” nhưng không làm sao giải tỏa hết nỗi uất ức khi mà ông Hoàng vẫn ngồi “trơ như đá vững như đồng” chứ không mảy may tỏ chút thái độ bị xúc phạm hay bị hạ nhục. Thế rồi bà tiếp tục nói với những chữ nặng nề hơn để châm vào đầu ông như “tàn nhẫn”, “đốn mạt”, “khốn nạn”, “đểu giả” và “tồi bại”. Lần này bà thực sự xúc phạm đến tự ái của ông và làm tổn thương danh dự trong ông. Vung tay cao, định làm gì đó cho hả cơn giận nhưng ông lại buông thỏng xuống, ngồi im như người bị phạt để tiếp tục nghe bà châm chích và nói nặng. Được thể, bà Kim Cúc tiếp tục nói mãi, nói mãi như chiếc máy cát sét được chỉnh nút hoạt động liên tục mà không cần thay băng. Bà đã nói từ mười hai giờ bốn mươi bảy phút đêm ấy đến hai giờ tám phút sáng ngày hôm sau và tưởng sẽ nói nhiều hơn thế nữa nếu ông Hoàng không đem chiếc gối và tấm chăn mỏng ra khỏi phòng ngủ của họ. Khi ông Hoàng khép cánh cửa phòng thì cuộc độc thoại của bà từ từ chấm dứt ngay sau đó. Thả người trên chiếc giường rộng thênh thang bà đã khóc vùi trong gối một lúc rồi lầm bầm một mình như người loạn trí. Bà đã tự trách mình quá nóng giận mà quên vặn cho ra cái lý do ông dan díu với cô Hoa, dan díu như thế nào và xảy ra ở những nơi đâu. Sau đó bà lại lầm bầm than trách, và ri rỉ chửi rủa một mình cho đến sáng.
Buổi sáng hôm sau, thay vì tiếp tục nói hết những điều uất ức trong lòng, bà đã nín lặng. Hình ảnh hai cô con gái Loan và Lisa qua lại trước mặt trong khi họ chuẩn bị đi học đã lấy hết tất cả những lời lầm bầm chửi rủa của bà trong đầu lẫn ngoài miệng. Hai cô gái này đã gợi nên cho bà ý nghĩ là có thể một ngày nào đó, một trong họ hoặc cả hai thú nhận với bà về tình yêu nồng thắm mà họ trót với người đàn ông đã lập gia đình hoặc đáng tuổi cha. Hình ảnh diễn ra trong tâm trí, qua sự tưởng tượng đã khóa miệng bà trong suốt những ngày sau đó và tạo cho bà thái độ dửng dưng ngay khi phải chứng kiến việc ông Hoàng xếp dọn quần áo đi ra ở riêng.
Sau khi ra khỏi nhà, ông Hoàng đã không gọi về nhà, không đếm xỉa chuyện kinh doanh của ba tiệm Bàn Tay Đẹp, không báo cho bà rõ ông hiện ở đâu, và tuyệt đối không hề xin lỗi hay làm lành với bà. Cũng vì sự cố bất ngờ và các diễn biến tiếp theo ngoài sự tưởng tượng của mình, bà Kim Cúc đã rơi vào tâm trạng trầm mặc hơn bao giờ có ở trên đời.
Hiểu được tâm trạng của bà Kim Cúc, không một đứa con nào của bà phá tan sự im lặng riêng tư của mẹ chúng. Cô Loan thường thay mẹ chuẩn bị thức ăn sáng cho gia đình, cậu Phụng lặng lẽ xếp đặt những thứ không ngay ngắn trong phòng tắm, phòng khách và phòng ăn. Bé Lisa xếp dọn các thứ trong phòng ngủ của nó xong, tự chọn chiếc áo đi học mà không hỏi một lời góp ý của mẹ như trước. Với những cái nhìn thoáng qua đàng sau tấm kính cửa, chúng quen thuộc hình ảnh đơn độc của bà sau cái sàn ván sau nhà và lờ mờ hiểu thêm sự phức tạp của cuộc sống hôn nhân. Khá rõ những từ “ly thân”, “ly dị” từ chuyện của bố mẹ của những đứa bạn Mỹ, ba đứa con của bà Kim Cúc đã biết rõ là sự phân ly có thể xảy ra cho một gia đình đang yên ổn, cũng như đã biết được là kèm theo sự phân ly ấy có thể là sự họp lại bởi những thành viên khác với bố mẹ chúng để rồi chúng sẽ có thêm những người gọi là mẹ ghẻ, ba ghẻ hay nhẹ nhàng hơn là mẹ kế, ba kế và rồi sẽ có thêm những đứa anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha. Dù là hiểu chuyện như thế và dù cố gắng hết mức, sự im lặng dai dẳng và khó hiểu của bà Kim Cúc là những mũi kim khó chịu đang châm vào tâm tưởng hàng ngày của chúng và khiến chúng đau lòng đến độ trở nên chậm chạp và uể oải khi làm bất cứ công việc gì dù cho cá nhân hay cho gia đình.
Sáng thứ ba hôm ấy, khi tiếng chuông điện reo lên và ông Hoàng xuất hiện trong căn nhà với trang phục chỉnh tề và chiếc cặp lớn trong tay, cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa vô cùng ngạc nhiên nhưng hết sức mừng rỡ. Báo cho ông biết là bà Kim Cúc đang ngồi một mình ở sân sau, họ trao những ánh mắt chứa chan hy vọng cho nhau rồi tò mò đưa mắt theo dõi từng cử chỉ của ba mẹ họ.
Khi mở cánh cửa kính của phòng ăn hướng ra sàn ván sau nhà, ông Hoàng giật mình khi nhìn thấy dáng ngồi sang đẹp và kiêu kỳ của bà Kim Cúc nơi cái bàn sắt có trang trí vân hình dưới cái dù che nắng màu xanh lá cây xen lẫn trắng. Chiếc cổ cao trắng ngần, khuôn mặt trái soan nhỏ thanh thanh và mái tóc mượt chải bới cẩn thận tạo nên một cái vẻ cao sang của một người đàn bà quý phái. Cũng khuôn mặt ấy, cũng dáng dấp ấy và cũng lối y phục màu đen ôm gọn thân hình mảnh mai ấy đã khiến ông chạm tiếng sét ái tình trong lần đầu tiên gặp bà khi chờ tàu vượt biển tại Vũng Tàu. Và cũng vì cái vẻ đẹp kiều diễm này mà sau lần gặp gỡ, ông đã tìm cách gần gũi với bà, làm quen với bà, chăm sóc bà và tỏ lời yêu thương với bà trước khi bà chia tay với ông ở trại tị nạn tại đảo Thái Lan. Vì sợ mất bà trong cái xứ sở hiếm cô gái Việt, ông đã ngỏ ngay lời cầu hôn với bà ngay khi đến Mỹ. May mắn cho ông, tình ông với bà nhanh và thuận lợi như một bài nhạc được hòa âm nhịp nhàng dưới bàn tay của thượng đế. Không giống mối tình đơn phương dành cô thôn nữ đẹp nhất trong xóm mà ông đã dai dẳng ôm ấp từ phút còn ở dưới mái trường trung học cho đến khi vào quân trường, tận khi đi cải tạo, ông đã chinh phục được trái tim lạnh lùng, khuất phục thái độ “bế quan tỏa cảng” và kéo dài hơn hai mươi năm chung sống với bà. Tình vợ chồng của ông có thể còn kéo dài hơn nữa cho đến phút hai người trút hơi thở cuối cùng nếu như ông không tìm thấy tình yêu với cô Hoa. Hai thứ tình khác nhau một trời một vực mà trong đó ông nhận thấy rõ rằng tình ông với vợ mình chỉ là thứ tình đàng hoàng, trật tự và đơn điệu khác xa thứ tình hấp dẫn, lãng mạn và quyến rũ của cô Hoa. Tình yêu say đắm và dạn dĩ của cô nhân tình trẻ đã làm cho ông hiểu rõ cái sắc đẹp thánh thiện và lãnh đạm của vợ ông là sắc đẹp của một pho tượng không hơn không kém. Sự đáp lại của bà đối với tình ông thường là sự đáp lại của bổn phận một người làm vợ. Nó đã không khích lệ và làm cho ông thấy ông là người đàn ông hấp dẫn và thu hút như cô Hoa đã từng với ông. Đó là hình thái của một thói quen miễn cưỡng mà dần dà ông hiểu được mình đã an phận chấp nhận từ lâu lắm. Sau khi suy nghĩ về tình và nghĩa trong quan hệ vợ chồng, ông đã mệt mỏi với sự phán xét của lý trí và đi đến quyết định dứt khoát là “làm theo ước muốn của trái tim”. Ông không còn muốn đạt kỷ lục số năm trong hôn nhân, cũng như không còn muốn giữ hạnh phúc nhàm chán trong cuộc sống vợ chồng khi mà thái độ khinh khi của bà Kim Cúc hoàn toàn làm tổn thương tự ái của ông, không khí căng thẳng trong gia đình đè nặng tâm hồn ông và nhất là tâm trí ông vẫn còn mộng tưởng đến những ái ân từng có với cô Hoa. Ước muốn duy nhất của ông lúc ấy là được sống với cô trong những ngày còn lại trong đời để thấy cuộc sống thú vị hơn và nhất là để ông có cơ hội chăm sóc giọt máu của ông với cô ta.
Đứng trước mặt bà Kim Cúc, ông Hoàng nói:
- Để giải quyết chuyện này, anh quyết định ly dị. Anh đã ký đơn xong, bây giờ chỉ còn chờ sự quyết định của em.
Không trả lời ông, môi bà Kim Cúc nhếch lên với vẻ chua chát. Bà cảm thấy đau lòng bởi cái ý nghĩa “Một ngày nên nghĩa vợ chồng, vạn ngày tạc dạ ghi lòng” của câu châm ngôn “Nhất dạ phu thê, bán dạ ân” của bà cụ Đức mà bà thường nghe bà cụ khuyên răn ngày nào. Cái ơn nghĩa trong câu châm ngôn truyền khẩu kia, đối với bà, chỉ là một thứ tình thương hại và gượng ép mà bà không bao giờ muốn có nó. Căm giận với ý nghĩ có được, bà nói:
- Tất cả giấy tờ nào cũng đều được ký ngay lúc này nếu anh muốn.
Gật đầu ưng thuận, ông Hoàng mở cặp giấy tờ trên cái ghế cạnh bên chân rồi rút ra một tập giấy khá dày. Như phong cách của người làm ăn kinh doanh với người làm ăn kinh doanh khác, ông kéo ghế đối diện bà Kim Cúc khi đặt tập giấy trên mặt bàn:
- Ngoài giấy tờ ly dị, anh cũng ký những giấy tờ chuyển nhượng tất cả tài sản cho em và các con. Anh không muốn lấy bất cứ cái gì sau khi ra khỏi căn nhà này vì thế anh giao lại cho em toàn bộ nhà cửa, xe cộ, tiền tiết kiệm trong ngân hàng, và ba tiệm Bàn Tay Đẹp. Nếu em ưng thuận thì chiều nay mình cùng ra văn phòng luật sư để làm thủ tục cho xong các thứ.
Câu nói của ông Hoàng như một cái tát mạnh vào mặt bà Kim Cúc. Tái mặt vì không tin những lời vừa nghe được, các mạch quản trong thân thể của bà như đang bị tê liệt hoàn toàn. Sau khi chuyện yêu đương vụng trộm bị vỡ lở, thái độ tự nguyện ra ở riêng của ông cho biết bà thấy rõ ông không muốn giải thích việc làm không chính đáng của ông, không muốn chứng kiến thái độ lạnh lùng của bà cũng như không hề có ý muốn làm lành với bà. Từ lúc thú nhận chuyện dan díu với cô Hoa, chưa bao giờ bà nghe ông gọi điện thoại về nhà và nói với bà “xin lỗi”, “rất tiếc” hay “hối hận”. Đáp với thái độ lạnh lùng của bà, ông im lặng không khác. Sự im lặng và xa lánh của ông khiến bà nghi ngờ ông có manh nha ly dị nhưng bà vẫn hy vọng một ngày nào đó ông sẽ thay đổi thái độ như những hy vọng mà ba đứa con bà đang có là bố của chúng trở về và xin mẹ của chúng tha thứ để cùng sống chung trong mái nhà xưa. Những hy vọng của bà và của những đứa con của bà chỉ là những ảo vọng khi mà thực tế ông Hoàng liệt kê các loại đơn khác nhau trước mặt bà như bày hàng với cây viết mực trước mặt. Liếc sơ những giấy tờ trên bàn, bà Kim Cúc hiểu rằng tình yêu mà ông Hoàng dành cho cô Hoa không những giá trị hơn tình cảm gia đình, con cái mà ngay cả vật chất mà ông đã bỏ sức cùng bà kiếm được trong hai mươi năm ở Mỹ. Thức tỉnh với thực tiễn trước mắt, bà Kim Cúc nhếch mép cười với vẻ bất cần rồi cầm cây viết mực lên, ký vào các chỗ dành cho bà trên các tờ giấy mà không hề coi thêm một chữ nào trong các tờ giấy ấy.
Ông Hoàng nói:
- Một giờ chiều nay anh sẽ đến đón em tới văn phòng luật sư.
Bà Kim Cúc gật đầu với vẻ thản nhiên:
- Được. Một giờ chiều nay
Khi ông Hoàng nhấc chiếc cặp lên và quay lưng đi, bà nhìn theo và bắt gặp những đôi mắt ngạc nhiên của những đứa con bà qua các tấm kính của những cánh cửa.
Đau lòng với ý nghĩ ba đứa con mình sẽ thất vọng biết bao khi biết quan hệ của ba mẹ chúng hết sạch theo những chữ ký trong các tờ giấy đang nằm ở trong chiếc cặp mà ông Hoàng vừa mang ra khỏi nhà, bà quay đầu ngược lại. Ánh nắng đã trải đầy trên rừng cỏ phía sau nhà tận hàng cây thông phía đàng sau. Khí lạnh như cắt của mùa đông vẫn không quật ngã màu xanh lá cây của nó và bà Kim Cúc nhận ra không phải tiết lạnh của trời đông có thể làm úa tàn hết tất cả những cây lá trên đời.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 35
Ông Hoàng bước vào nhà ông Nghĩa vào một buổi chiều tối buồn bã. Ánh đèn lờ mờ của ngọn đèn dầu trên bàn khiến cho ông nhớ ngày nào ông cùng bà Kim Cúc bước vào căn nhà này với gói quà mà bà Kim Cúc cầm trên tay. Lần đó cứ như là lần vợ ông đi dạm ngõ lấy vợ bé cho ông còn lần này chính ông phải tự khệ nệ mang quà đến xin đi hỏi vợ. Đáng buồn cho ông là lần đến nhà ông Nghĩa với bà Kim Cúc, ông đã được ông Nghĩa chào mời lịch sự và tiếp kiến đàng hoàng bởi lối trang phục chỉnh tề quần dài, áo có cổ; còn lần này, ông Nghĩa tiếp ông bằng tư thế ngồi chễm chệ trên ghế và cái áo thun ba lỗ với quần cộc nhăn nhúm. Ông ta cười nhe răng sún trong khi gọi ông với giọng kẻ cả:
- Vào đây đi chú Việt Kiều.
Để trấn an khuôn mặt đầy lo lắng của ông, ông Nghĩa nói tiếp:
- Việc đâu còn có đó! Chú không phải lo gì! Thấy mặt chú ở đây là tui hiểu chú không nỡ bỏ cháu. Cứ tự nhiên ngồi xuống đi!
Hồ nghi không hiểu từ “cháu” mà ông ta nói ngầm ám chỉ là “em bé sơ sinh”, con của ông và cô Hoa, hay cô Hoa con của ông ta, ông Hoàng ngần ngại đặt chai rượu và gói quà trên bàn rồi hỏi dè dặt:
- Anh vẫn khỏe?
- Thì như chú thấy đó, tôi vẫn sống trong cảnh nghèo nhưng chưa chết được.
Bà mẹ của ông Nghĩa ngồi co ro trên tấm phản ở góc bàn thờ hỏi dò:
- Vợ cháu có về không?
Ông Hoàng ngồi dè dặt trên chiếc ghế đối diện về phía bà trả lời:
- Dạ không, chúng cháu đã thôi ở với nhau rồi.
Bà cụ chép miệng:
- Tội dữ vậy sao! Nhưng mà... đâu có ai muốn chuyện xảy ra như vậy phải không cháu? Chẳng qua hết duyên hết nợ, đến hạn phải chia tay nhau thôi! Duyên số vợ chồng đều do trời định cả cháu à!
Nắm lấy cổ chai rượu, vừa mở nút, ông Nghĩa vừa nói:
- Mất vợ này, có vợ khác chớ lo gì! Gia đình chúng tôi dễ lắm, không cần anh “dâng cau, dạm ngõ”, miễn là có chút rượu như thế này là chúng ta coi nhau như người nhà được rồi. Từ giờ gọi tôi là ông ngoại của thằng cu cho hợp lẽ.
Lấy hai chiếc ly cạnh chiếc bình trà trên bàn, ông Nghĩa vưà rót rượu vừa căn dặn:
- Trước khi làm giấy bảo lãnh, anh nhớ thuê người chụp hình chung với con nhỏ để nó có chứng minh mà trình bày khi gặp phái đoàn phỏng vấn Mỹ. Ngày mai thì nên cho tổ chức cúng ông bà và ra mắt tổ tiên. Miễn sao chú mời được anh hai Huy của chú sang đây kết tình xuôi gia là đủ.
Ông Hoàng thở phì mũi khi nghe lời căn dặn của ông Nghĩa để nén tiếng thở dài. Đăm chiêu nhìn về phía nhà của ông Huy, ông không làm sao nghĩ ra cách thuyết phục ông anh hai mình sang căn nhà của “ba vợ” tương lai của ông như lời yêu cầu. Đồng trong cảnh đơn độc với những ly rượu đế riêng của mình, nhưng ông Huy và ông Nghĩa không phải là hai kẻ “đồng bệnh tương lân”. Trong khi ông Huy là sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa sống với lý tưởng “Sống hùng chết vinh” và ôm ấp kỷ niệm của quá khứ thì ông Nghĩa là người ba phải, ai làm gì làm theo nấy, ai nói sao nói theo vậy. Lúc thì ông theo nhân dân tự vệ Quốc Gia vài ngày, lúc thì ông theo du kích Cách Mạng vài hôm, chẳng ai hiểu chí hướng của ông ta là gì. Lập trường của ông thay đổi với lối đa ngôn cho nên dù phe phái nào có sự hiện diện của ông cũng phải nhức đầu vì lối nói “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”. Là con một của một quả phụ, ông Nghĩa không phải gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hoà; tuy nhiên, ông không có may mắn trong việc thăng tiến trong con đường học vấn cũng như trong việc tìm kiếm công ăn việc làm. Lao đao với chuyện mưu sinh kiếm sống, ông đã rày đây mai đó một thời gian, mà lúc ấy người trong xóm đồn là ông đã vào “bưng biền Cách Mạng”. Sau khi về ở với mẹ, ông quyết định lập gia đình và kiếm sống bằng nghề nông chân chất. Chiến tranh năm 1975 chấm dứt, ông mon men tham gia vào những công việc tự nguyện như du kích bảo vệ, thành viên trong ban tổ chức văn nghệ phường, rồi “phấn đấu” đến chức tổ trưởng nhưng sau cùng xuống tổ phó rồi “về luôn ở vườn”. Nỗ lực ông không được đền bù một phần vì thời vận và một phần vì những người cộng sự không tin dùng. Riêng với ông Huy, kể từ sau ngày ông Nghĩa nhạo báng những kẻ “ Việt gian lầm đường” theo “Đế Quốc” cuối cùng bị thất bại, đã tuyệt giao hẳn với ông này từ trước ngày ông lên đường đi học tập cải tạo. Hiếm khi nghe ông Huy nhắc nhở đến ông Nghĩa nhưng qua trao đổi tâm tình với ông, ông Hoàng có thể đoán được là ông Huy chỉ ghét bỏ những người đi ngược với lý tưởng của ông chứ không khinh khi hay coi rẻ những kẻ làm “gián điệp nhị trùng” như ông Nghĩa. Dù biết cha mẹ mình uốn nắn và giáo dục ông hai Huy, cô út Thu và ông như nhau, ông Hoàng biết rõ tính tình của anh em ông không hề giống nhau ngay từ lúc nhỏ cho mãi đến khi trưởng thành và già dặn như lúc ấy. Trong khi ông Huy giam mình trong thế giới vắng lặng để tự vá tâm hồn rách nát và bà Thu thức thời “giác ngộ” với sự thay đổi của xã hội thì ông ở vào thái độ lưng chừng để cố gắng hiểu đời, hiểu người và sống một cách linh động. Dù là thể nào, trong đầu ông chợt hiện lên ý nghĩ là nếu bà Thu cắt đứt mối quan hệ với gia đình ông Nghĩa và không giao thiệp với một người nào trong gia đình của ông ta theo cùng với sự chối bỏ và tuyệt giao của ông Huy, thì có lẽ ông đã không phải lậm sâu vào duyên tình như hiện tại và không phải ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
- Mừng cho cháu. Ông Nghĩa nâng ly.
Ông Hoàng giật mình, ngơ ngác nâng ly như lời yêu cầu. Vẫn như chữ cháu mà ông Nghĩa nói lúc đầu, ông lờ mờ không hiểu chữ “cháu” mà ông Nghĩa đề cập là con của ông và là đứa cháu ngoại đầu tiên của ông Nghĩa hay chính con gái của ông ta.
Ngập ngừng cụng ly ông Nghĩa, ông Hoàng nói với vẻ e dè.
- Xin mừng.
Ông Nghĩa cười mỉa:
- Trên đời này mất cái này, có cái khác! Người ta nói có tiền mua bao nhiêu tiên cũng được mà đúng. Ngày còn trẻ, chú yêu đơn phương, thất tình ngày này qua tháng khác, còn bây giờ đổi đời, đổi người, thành ông Việt Kiều giàu có, được thành “trâu già ăn cỏ non xanh” sướng nhé!
Chưa hớp xong ngụm rượu, ông Hoàng vội vã đặt chiếc ly xuống bàn, đôi mắt của ông ánh lên nỗi thảng thốt cực độ. Không nhìn khuôn mặt của ông, nhưng để cứu vãn cơn choáng váng đột ngột đang chiếm lấy tâm hồn của ông, ông Nghĩa xua tay nói tiếp:
- Thôi, cũng chẳng cần bàn nhiều về chuyện này nữa, chú xuống nhà thăm cháu đi!
Ông Hoàng lừng khừng đứng dậy. Bước xuống chỉ một bậc thấp từ nhà trên xuống gian bếp mà ông tưởng như hụt chân cả một cầu thang. Hoang mang vì sự tiết lộ, ông như người vừa uống trọn chai rượu Rémy Martin loại mạnh. Ông không bao giờ ngờ được là ông Nghĩa đã rõ mối tình đơn phương dai dẳng của ông dành cho vợ của ông ta trước đây. Điều này hoàn toàn là cơn sốc kinh hoàng cho ông hơn là một điều khám phá mới mẻ bởi vì ông không hiểu lý do gì mà ông Nghĩa chấp nhận ông như con rể trong khi ông là người ngang tuổi với ông ta và là người yêu âm thầm vợ ông ta trước đây.
Tuy nhiên, những lo lắng trong đầu ông tan biến ngay khi ông nhìn cô Hoa đang ngồi cho con bú mập mờ dưới ánh đèn dầu trên cái kệ sát vách gỗ. Bẽn lẽn với cái nhìn say mê và khao khát của ông, cô kéo vạt áo xuống rồi nghiêng mặt chờ nghe ông nói. Không một lời, ông ngồi sát cạnh cô và xúc động nhìn đứa bé kháu khỉnh trong lòng cô. Đôi mắt đen tròn xoe chẳng khác nào hình ảnh của ông khi còn bé khiến ông cảm thấy quyến luyến với nó ngay từ phút đầu gặp mặt.
- Con tên gì? Ông Hoàng hỏi khẽ:
- Em chưa đặt tên và chưa làm giấy khai sinh. Chờ anh quyết định. Giọng cô Hoa nhẹ như bông.
- Mọi việc đã ổn thỏa. Mình có thể làm giấy hôn thú để con lấy họ của anh. Về lần này anh lo hoàn tất giấy tờ thủ tục để sớm đưa em và con sang đó! Ông nói từ tốn.
- Còn cô Cúc thì sao? Đôi mắt cô Hoa tỏ ái ngại nhưng không che nổi sự vui sướng.
- Vợ chồng anh đã chính thức ly dị. Anh không thể bỏ em và con trong tình trạng như thế này. Anh cũng đã bàn với cô út Thu để em ở nhờ trên Sài Gòn trong thời gian chờ sang đó.
- Em không muốn ở đâu cả, bây giờ em chỉ muốn ở nhà em thôi. Trong khi chờ đợi sang bên ấy, em muốn anh giúp em xây nhà cho gia đình em đẹp như nhà của “người ta"
Không nghe ông Hoàng trả lời, cô Hoa đặt đứa bé vào lòng ông, nói tiếp:
- Ôm con một chút đi!
Đứa bé âu yếm áp đầu vào ngực ông. Đôi mắt đen lánh với ánh nhìn ngây thơ của nó ngơ ngác gợi tình phụ tử nồng nàn trong lòng ông. Nhận ra chiếc áo ố vàng và tấm tã vải đơn sơ và nghèo nàn trên mình nó, ông chạnh lòng thương cảm nhiều hơn. Đến lúc ấy, ông hoàn toàn không còn một chút ân hận cho quyết định ly dị của mình. Ông đã hết lòng lo lắng đầy đủ cho ba đứa con đầu của ông. Chúng đã sống sung sướng và đầy đủ trong xứ Mỹ và sẽ sống tiện nghi hơn khi mà ông để lại toàn bộ gia tài cho mẹ con chúng. Với hành động hào hiệp này, ông đã khá an tâm vì cho rằng mình đã đối xử công bằng và hợp lý khi cắt đứt quan hệ vợ chồng với bà Kim Cúc và bắt đầu trách nhiệm của mình cho đứa con trai nhỏ nhoi đang ở trong vòng tay của ông.
- Em muốn anh đặt tên Mỹ cho con!
- Tên Tony vậy nhé?
- Tony! Không hiểu ý nghĩa là gì nhưng miễn là tên Mỹ là được!
Thằng bé gục đầu vào vai ông Hoàng như thuận lời nói của mẹ. Mùi sữa từ miệng nó và từ chiếc áo loang vệt vàng mà nó đang mặc kích thích đôi cánh mũi phập phồng của ông Hoàng. Đặt ánh mắt xuống hai khối thịt tròn mềm giữa đường rãnh sâu nơi vòng cổ áo tròn rộng của cô Hoa, cảm giác ham thích khuấy động toàn thân ông. Đáp lại đôi mắt mê man ấy, cô Hoa đã áp thân hình gái một con của cô vào người ông và hôn vào cổ ông.
Thằng bé Tony đột nhiên khóc ré lên như bị ai véo. Những tiếng dỗ dành vang lên rồi tan biến vào trong cái im lặng của không gian.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 36
Hơn một năm ly dị với chồng, tuy bận rộn với vai trò đơn phương làm chủ ba tiệm móng tay, bà Kim Cúc chưa nguôi ngoai được sự mất mát đang hiện diện trong tâm hồn. Dù là thế, bà không hề đề cập hay than thở với một cô thợ hay một người quen biết nào về sự phản bội của chồng bà. Trong gia đình, bà tránh đề cập hay nhắc nhở về ông Hoàng hay sự yêu đương bất chánh của ông. Ngoài tiệm, bà không hề than thở, tâm sự, oán trách hay tham gia bàn tán bất kỳ trường hợp ngoại tình nào của người đàn ông mà bà nghe bàn tán trong tiệm. Ảnh hưởng lối giáo dục và phong cách sống của cha mẹ đồng thời với bản tính lạnh lùng sẵn có, bà thường có thái độ tỏ ra bất cần đối với những điều không vừa ý.
Thực tế là bà đã khóc âm thầm hàng tháng sau khi sự cố xảy ra. Bà đã tự trách mình là không giữ được hạnh phúc với chồng đến độ ông phải bỏ đi lấy vợ khác. Bà đã tự trách sự đơn giản hóa của mình về chuyện luyến ái của nam nữ. Bà còn tự trách là đã để ông Hoàng sống đơn độc trong căn phòng mà đáng ra bà phải có mặt bên ông mỗi đêm. Tuy nhiên, sau một thời gian, cùng sự trôi qua của ngày tháng, bà đã rõ hơn sự chối từ của ông Hoàng đối với mình để rồi tự chấn chỉnh tâm trí của mình bằng lập luận : “Cái gì không thuộc về mình, cho dầu có cố giữ thể nào, không chóng thì chày thì cũng sẽ mất đi.” Dù là thế, lối tự an ủi như một phương pháp trị liệu cho sức khỏe tâm thần không đủ sức xóa hết những thắc mắc trong tâm trí của bà về nguyên do khiến cho ông Hoàng đã có mối quan hệ xác thịt với cô Hoa và bằng cách nào mà họ có thể có con với nhau một cách dễ dàng trong một căn nhà lắm người như nhà của bà Thu. Bà đã hình dung ra rất nhiều cảnh tượng như cảnh ân ái giữa ông Hoàng và cô Hoa, cảnh ve vãn của ông, cảnh đồng tình của cả hai người và cảnh khiêu gợi của cô Hoa. Và khi nghĩ sự việc diễn ra trong cảnh cuối cùng là nguyên nhân khiến cho chồng bà và cô Hoa có con với nhau, thì bà không còn coi cô ta là kẻ ngang hàng đồng tuổi với con mình nữa mà là kẻ “phá gia cang”, một kẻ tình địch chính tông. Bà thầm cảm ơn hành động hào hiệp của ông Hoàng về việc chuyển nhượng tất cả tài sản cho bà. Cùng sự việc, trước đấy, bà cảm thấy tổn thương vì cử chỉ hảo hán của ông chứng tỏ tình yêu mà ông dành cho cô vợ trẻ hơn bất cứ những gì ông có trên đời, còn lúc bấy giờ, bà an tâm khi số lợi nhuận từ các tiệm gia tăng mỗi tháng một nhiều hơn. Như được bàn tay thần thánh ban phép, số lời từ ba tiệm Bàn Tay Đẹp gia tăng khá nhiều. Điều này đã làm bà không suy tính đến chuyện thu tiền các tiệm hàng ngày mà nhờ những người quản lý chuyển thẳng số thu nhập thẳng vào số tài khoản của bà trong ngân hàng đồng lúc gửi tổng kết số những con số của các tiệm đến cho bà qua điện báo. Mê tín với chuyện “Đen tình, đỏ bạc” và chấp nhận thực tế của câu ca dao “Chín con chưa phải là chồng” bà tự tìm quên chuyện buồn riêng của mình qua công việc kinh doanh mà mình đang có, tuy rằng sự oán hận chồng vẫn chưa nguôi trong trái tim bà. Nó làm bà kiên định với ý nghĩ là: Nếu ông Hoàng hỏi bà lấy lại một trong ba tiệm Bàn Tay Đẹp hay ngay cả “nửa tiệm” thì bà vẫn sẽ không bao giờ chấp thuận trao lại cho ông. Vì ghen tuông và vì lý luận về sự công bình ở đời, bà muốn cô vợ bé của ông Hoàng đổ mồ hôi để tự tạo dựng của cải chứ không phải lấy từ những gì đã có từ tâm lực của bà. Sau khi nghĩ chuyện mơ ước trở thành y tá của mình bị lãng quên vì phải dồn tất cả thời giờ cho việc kinh doanh và lo cho chồng con đến chuyện phục tùng của mình dành cho chồng trong bao nhiêu năm sống chung theo nghĩa vợ chồng, bà hiểu rõ mối quan hệ vợ chồng của bà trước đây là mối quan hệ đàng hoàng và khuôn phép theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Tuy mối quan hệ ấy được bồi đắp thêm bởi những món quà trong những ngày sinh nhật, ngày lễ tình yêu và các ngày lễ khác theo tập tục của người Mỹ, nó chỉ là một hình thức của hạnh phúc hơn là một tình yêu vợ chồng đích thực.
Hàng ngày, suy tư với bao khắc khoải trong lòng, bà Kim Cúc vẫn không tìm ra được nguyên nhân đã gây nên sự rạn nứt trong tình cảm của vợ chồng bà vì thế bà thường so sánh mình với cô Hoa để tìm hiểu lý do cô ta cướp lấy ông ra khỏi đời sống của mình. Sau khi đoán mò cô Hoa chiếm được tình cảm của ông Hoàng là do cô ta trẻ hơn, đầy sức thanh xuân hơn và mềm mỏng ngây thơ hơn bà, bà ngậm ngùi nhớ ra là bà đã đánh mất đi quá nhiều bởi những thay đổi sau chiến tranh và bởi hoàn cảnh ly hương. Tất cả những gì mà cô gái ở độ tuổi hai mươi kia có được là hình ảnh của chính bà hơn hai mươi lăm năm về trước trong quá khứ tươi đẹp mà khi nhớ ra, sự nuối tiếc của hiện tại không thể giúp bà bơi ngược giòng thời gian để trở về những ngày tháng êm đềm cũ.
Chua chát nhận ra tình cảm của ông Hoàng và bà trước đây là tình yêu nam nữ đơn điệu, rập khuôn theo kiểu trai gái lớn lên phải có vợ có chồng rồi sinh con đẻ cái, và cay đắng khi hiểu rõ hôn nhân của mình là kết quả của thứ tình cân nhắc với các tiêu chuẩn đã được định rõ theo kiểu “cẩn tắc vô ưu”, bà Kim Cúc xót xa với sự khám phá của mình. Theo bà, nguyên nhân sự đổ vỡ là bởi hôn nhân của vợ chồng xuất phát từ sự phải lòng nhau và quan hệ một cách đàng hoàng mẫu mực chứ không phải từ một tình yêu say đắm kết hợp bởi lãng mạn và xác thịt. Với ý nghĩ tình chồng nghĩa vợ của mình chẳng khác nào lối cư xử của hai người kinh doanh lương thiện mà qua đó họ đã cùng gia tăng tài chính để hợp sức nuôi dạy con cái nên người và không bị thua thiệt bất cứ ai hay bất cứ phương diện nào trong xã hội, bà cho rằng trước đây ông Hoàng đã hỏi cưới bà vì lúc ấy ông không tìm thấy người nào hơn bà cũng như bà đã yêu và chấp thuận lấy ông vì xung quanh bà lúc ấy không còn một người con trai nào có trình độ học thức như ông, có lý lịch ở miền Nam như ông và quan trọng nhất là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống ban đầu của bà trên đất Mỹ như ông. Ý nghĩ hầu hết những cuộc hôn nhân khác không nhất nhất xuất phát từ tình yêu lãng mạn và cho rằng nếu chúng bị thẩm duyệt bằng thử thách sẽ chẳng còn bao nhiêu cặp tồn tại trên đời, bà Kim Cúc phì cười với từng hậu quả trong trí tưởng tượng như đang coi một cuốn phim hài hước vô hình trước mắt.
Thấy bà Kim Cúc cười cười một mình như người điên, cô Oanh từ bàn làm việc của mình mon men bước lại gần bà với khuôn mặt ái ngại và hỏi:
- Có chuyện gì vậy chị? Em chưa thấy ai bị chồng bỏ mà ngồi cười như chị vầy đâu!
Bà Kim Cúc cười mỉm:
- Chứ không lẽ ngồi khóc? Đối với người phụ bạc, không bỏ mình trước cũng bỏ sau thôi. Chẳng thà bây giờ còn làm ăn được, còn khỏe mạnh bị bỏ vẫn còn đở tủi hơn lúc sáu, bảy mươi tuổi.
- Chuyện của chị mà em cứ nghĩ là chuyện của em. Em cứ suy nghĩ hoài về nguyên do khiến cho anh Hoàng thay đổi một cách lạ kỳ như vậy. Quen với anh chị bao nhiêu năm trời, em biết tính tình của ảnh đàng hoàng chứ có phải như mấy người đàn ông khác đâu! Nếu ảnh có tính “trai gái mèo mỡ” thì ảnh có ở xứ tự do này từ lâu rồi chứ cần gì về Việt Nam. Biết bao nhiêu đứa sẵn sàng trong internet, biết bao đứa thợ trẻ đẹp độc thân “ẹo qua ẹo lại” thấy chướng mắt mà ảnh đâu thèm? ... Vậy mà không hiểu cách gì chuyện tai hại như vậy lại xảy ra!
Quay đầu tóc ngắn màu vàng sang bàn của bà Kim Cúc, cô Kim nói chen vào:
- Trong khung cảnh “đầy Việt Nam”, các cô gái trẻ Việt Nam thừa sức đưa hồn các ông Việt Kiều nhè nhẹ trở về cái tình tự yêu đương của thời đã mất hơn các cô gái trẻ ở đây quá đi chứ chị Oanh!
Chặc lưỡi, đong đưa đôi bông tai to tròn cạnh hai bên má, cô Thủy nói vọng sang:
- Bởi vậy, tuy biết mình là người vợ đẹp nhưng không nên chủ quan quá đáng. Cái tự tình dân tộc thường làm sống lại dĩ vãng xa xưa của các ông Việt Kiều và tạo điều kiện cho các cô gái trẻ thu hút các ông một cách dễ dàng.
Cô Liên nói vọng tới:
- Cũng tùy tính người thôi chứ, đâu phải đàn ông nào cũng đều có tính mèo mỡ! Chỉ có những người đàn ông có tính bậy bạ mới đành đoạn bỏ vợ, bỏ con theo nhân tình mà thôi.
Cô Minh cãi lại:
- Tính gì mà tính? Ông tơ bà nguyệt cắt dây tơ hồng thì đố ai mà nối cho được! Hết duyên, hết phận thì phải chịu chứ làm sao cãi được ý trời?
Thế là đề tài hạnh phúc gia đình và sự phản bội của đàn ông, đã không hề bị đả động trong những tháng trước đó, được đưa ra bàn luận giữa các cô thợ và giữa các cô với những người khách mà họ đang phục vụ. Xôn xao với nhiều trường hợp khác nhau, họ kể cho nhau nghe chuyện này sang chuyện khác bằng tiếng Việt và tiếng Anh không dứt.
Biết việc riêng tư mà bà Kim Cúc cố tránh đề cập nhưng không thể nào thoát khỏi một lần bởi những cái miệng ưa nói của các cô thợ, cô Oanh hỏi nhỏ với bà Kim Cúc khi ngồi xuống chiếc ghế đối diện tại bàn làm việc của bà:
- Em không hiểu sao cả nhóm đông người cùng về Việt Nam như gia đình chị mà lại để anh Hoàng bị một đứa con gái trẻ dụ dỗ như vậy?
- Lỗi của chị là quá lo lắng cho mẹ chị nên bỏ mặc ảnh sống một mình ở nhà em gái ruột của ảnh. Nhưng mà thực ra chị không ngờ chuyện xảy ra đến như vậy!
- Người ta vẫn thường đồn là mấy đứa con gái Việt Nam thường bỏ bùa cho Việt Kiều để được ra nước ngoài đó mà chị! Em chẳng biết tụi nó có bùa không và dùng loại bùa gì để dụ dỗ đàn ông nhưng em nghĩ mình cũng không nên trách tụi nó. Sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu thấy người ta hơn cũng muốn có cơ hội ra nước ngoài để làm nở mày nở mặt cho gia đình. Cho nên, của mình thì mình phải giữ cẩn thận thôi!
- Chuyện đã xong rồi, chị không trách ai nữa. Không phải “của mình”, giữ thế nào chăng nữa, mất thì trước hay sau cũng mất thôi. Nhưng mà chị tin mọi sự xảy ra do ý trời, là sự sắp đặt của thượng đế để sống bình an và không nghĩ ngợi gì nữa.
- Ý trời gì chị ơi! Mỡ đưa trước miệng mèo mà mèo không đớp mới là chuyện lạ! Nhưng mà thôi, ít ra hôm nay em còn nghe chị nói những gì chị nghĩ trong đầu còn hơn thấy chị im lặng đăm đăm hoài em ngại lắm - Chăm chú nhìn bà một lúc, cô Oanh nói thêm - Chị cần nói nhiều hơn để giải tỏa những ức chế trong tâm trí nếu không ảnh hưởng sức khỏe tinh thần lắm đó chị Kim Cúc!
- Hết rồi, không còn gì để nói đâu Oanh, nhưng đó không phải là tận thế. Chính những lúc đối diện trường hợp như vầy mới hiểu cái bản lãnh của người đàn bà ra sao.
- Em tin chị vượt qua được nỗi khổ tâm này mà! Nếu không có ảnh thì chị cũng sẽ gặp biết bao nhiêu người đàn ông khác để mà lựa chọn! Với sắc đẹp của chị, chị muốn có bạn trai lúc nào mà chẳng được?
- Có ích gì? Chị hết còn tin đàn ông và không còn tin có tình yêu chân thành nào ở trên đời nữa rồi!
- Vẫn có nhưng chị không thấy đó thôi. Những cái không thuộc phạm vi lựa chọn, so sánh, cân nhắc hay tính toán là tình yêu chân thật.
- Nếu em nói như vậy, chị hiểu anh Hoàng yêu con bé Hoa thật tình như ảnh đã nói với chị. Anh ta bỏ lại tất cả tài sản cho chị đã đành, trách nhiệm với con cái và mái ấm gia đình ảnh cũng không coi ra gì nữa. Đó là bài học mới nhất cho chị về mãnh lực của tình yêu!
- Em không nghĩ đó là tình yêu. Có thể vì ảnh muốn tìm lại tình tự quê hương dân tộc; cũng có thể vì đã “lậm” vào đam mê mới; hay có thể vì tự ái gì đó mà ảnh không thể trở lại với chị!
Bà Kim Cúc lắc đầu:
- Đến giờ chị cũng chưa biết được thực chất của tình yêu là gì và tâm lý của đàn ông ra sao, nhưng những điều ấy không phải là mục tiêu của cuộc đời! Nếu không có tình yêu, không có đàn ông, mình vẫn sống được mà!
- Nhưng mà nếu có, nó vẫn tô điểm cho cuộc đời của người đàn bà đẹp hơn đó chị!
Ngẫm nghĩ một lúc, cô Oanh nói thêm:
- A, mấy ngày chủ nhật gần đây, Duy Anh thường đến đây luôn khiến em phải hỏi anh ta còn luyến tiếc gì mà đến mãi. Thường thường, anh ta không trả lời và cũng chẳng nói gì, chỉ ngồi im lặng một chút rồi bỏ đi, nhưng mới chủ nhật tuần trước anh ta kể với em là đã chuyển sang học cùng trường C. với Vân nhưng chẳng bao giờ gặp Vân. Em không hỏi vì sao hai người không gặp nhau nữa và không hỏi vì sao Vân lấy bằng móng tay xong không làm cho tiệm mình mà làm cho tiệm khác.
Bà Kim Cúc không hỏi cô Oanh vì sao cô kể điều này và cũng không hỏi thêm về chi tiết mà cô tiết lộ, nhưng khi cô ta nhắc đến hai người kia, cô đã làm bà nhớ lại những lời oán trách của cô Vân sau khi cô này lấy xong bằng làm móng tay. Cô Vân đã nói với bà rằng cô xin thôi việc vì cô không muốn chứng kiến cảnh “chướng tai, gai mắt” của người đàn bà lớn tuổi dùng sắc đẹp, tài sản và thủ đoạn để “dụ dỗ” những người đàn ông, con trai mà bà ta muốn. Định kiến của cô Vân về bà đã không làm bà muốn nghĩ đến cô ta kể cả anh Duy Anh, người đã từng gieo cho cô ta ý nghĩ yêu thương trước đây.
Lảng sang chuyện khác, bà Kim Cúc hỏi:
- Chuyện học GED của em đến đâu rồi?
- Em đã có giấy báo đậu rồi!
- Em sẽ tiếp tục học đại học chứ?
- Dạ có!
- Vậy thì chị sẽ học với em. Trước đây, vì chồng con, chị tự dừng lại để lo cho mọi người trong gia đình bước tới còn bây giờ chị sẽ ghi danh học đại học trong khi lo các công việc đã có của mình.
- Máy computer và cách chuyển tiền trực tiếp vào ngân hàng là hai cánh tay đắc lực giúp chị quản lý công việc kinh doanh của ba tiệm Bàn Tay Đẹp mà! Nếu chuyển từ từ các bà khách đang đeo theo chị cho thợ thì chị không cần phải ra tiệm nữa.
- Thật sự là không phải chị tham việc nhưng đa số thợ trong tiệm chỉ có bằng làm móng tay chứ không có bằng thẫm mỹ mà làm sáp hay mát xa mặt cần phải có bằng này nếu State Board cho người kiểm tra thì tiệm sẽ gặp rắc rối.
- Còn em nữa mà! Em sẽ phụ chị, đừng lo!
- Em không định mở tiệm sao?
- Không, nếu em muốn mở tiệm em đã làm từ lâu rồi. Lúc trước ở Việt Nam không được học đến nơi đến chốn, nay được sang đây em quyết học cho đến lúc lấy bằng tốt nghiệp Đại Học. Em chỉ muốn quân bình thời gian làm việc, học hành và giáo dục con cái chứ không muốn thiên về việc kiếm tiền thôi đâu. Em thấy nhiều người say mê kiếm tiền trong ngành móng tay bỏ bê con cái đến hư hỏng nên sợ lắm!
- Hai đứa con gái em vừa ngoan ngoãn, vừa học giỏi lại siêng năng làm giúp việc nhà thì em hãi sợ gì nữa chứ? Nhưng mà nếu em định thế thì hai chị em mình sẽ cùng học Đại Học.
- Đúng vậy, hai chị em mình sẽ thay phiên chăm nom tiệm vừa đi học! Sau này ra trường có bằng, có việc làm nhàn hơn và mua được bảo hiểm sức khỏe cho toàn gia đình vẫn tốt hơn cái bảo hiểm tư vừa đắc tiền lại vừa giới hạn như tụi mình đang có hiện nay. Mỹ không kỳ thị tuổi tác trong học đường và công việc làm, cho nên em tin mình sẽ thành đạt như ý muốn!
Bà Kim Cúc cười cười:
- Vậy còn Thông thì sao? Anh ta bằng lòng cho em học Đại Học chứ?
- Tất nhiên rồi! Tuy ông xã của em yên phận với nghề sửa xe và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học hành tại Mỹ nhưng luôn luôn khích lệ em học tiếp. Tháng tới này, em sẽ thi vào Đại Học M. Nếu được nhận vào trường em sẽ học ngành Phục Vụ Xã Hội. Còn chị?
- Chị học tiếp ngành Y Tế Cộng Đồng.