31/10/12

Ấm mãi lòng ta (C6)

Xoay một vòng trên đôi giày gót vừa cao vừa nhọn, Nguyệt Cầm đắc ý hỏi Chiêu:

- Chị thấy em thế nào?

Bích Chiêu ậm ừ:

- Rất đẹp và rất ……Sài Gòn.

Cầm cười hả hê:

- Anh Kha cũng bảo thế, em lại cho là ảnh nịnh đầm. Thì ra sự thật là vậy. Thật không bõ công em tập làm dân Sài Gòn lâu nay.

Bích Chiêu khoanh tay:

- Đi được thang cuốn là thành dân Sài Gòn rồi.

Nguyệt Cầm chớp mắt. Trong nữa giây quan sát, Chiêu nhận ra sự bối rối mỏng như tơ của Cầm, nhưng ngay tức thời, cô ta trỗi giọng nai tơ:

- Thang cuốn là thang gì em không biết.

Bích Chiêu cao giọng:

- Cầm từng tới siêu thị Nhật Nam, lẽ nào không biết thang cuốn?

- Không. Em chưa tới đó. Rồi em sẽ bảo Kha đưa em tới cho biết.

Bích Chiêu cầm quyển tạp chí thời trang lên lật đều tay. Cô …..ngấy Nguyệt Cầm quá rồi. Nhưng vẫn phải ngồi nghe cô ta lải nhải về quần áo, mua sắm và về “Kha của cô ta”.

Bích Chiêu nuốt nghẹn xuống khi nhớ tới Kha, người hùng, người tình lý tưởng của Nguyệt Cầm mà theo như lời cô ta kể thì Kha rất mực si tình cô ta. Cũng vì động lòng trước tình cảm sâu nặng đó, Nguyệt Cầm đành …..gạt lệ giã biệt quê nhà ra chốn phồn hoa làm cô Tấm thời đại mới. Và từ ngày về sống chung với gia đình Chiêu tới nay, Nguyệt Cầm đã thể hiện rõ tính cách dễ hòa nhập của mình một cách xuất sắc. Khi ra phố, không ai nghĩ Cầm hôm qua hôm kia còn ngồi xe lăn ở một vùng hẻo lánh, chưa biết diện là gì.

Về nhà Chiêu, Cầm rất chịu khó học cách sử dụng những tiện nghi thành phố. Với món tiền mướn bãi gỗ mà chú Thể trả hàng tháng trước kia, Nguyệt Cầm bây giờ mặc sức sắm sửa, chưng diện.

Càng nhìn Cầm trong những bộ quần áo thời trang, Chiêu càng thấy cô ta giống người cô đã gặp ở siêu thị ngày khai trương. Trước đây, Kha còn chia sẽ với Chiêu chuyện “người giống người” này, nhưng bây giờ thì không. Kha thuộc ….phe Nguyệt Cầm và Bích Chiêu khó có thể hé môi nói điều gì về cô ta, nếu đó không phải lời khen sáo rỗng cho vừa lòng anh.

Nỗi buồn trong Bích Chiêu như bị nhân lên khi thấy Kha thân mật, ân cần với Cầm. Cô ta luôn bảo Kha rất yêu mình, Chiêu miễn cưỡng tin đó là sự thật và trái tim cô đã tổn thương, bởi vậy khi Kha ghé nhà cô thường tránh mặt. Chiêu không muốn làm nhân vật thứ ba thừa thãi, cũng chẳng muốn bị ….rủa là kỳ đà cản mũi. Điều làm Chiêu thật sự buồn là thái độ của Kha. Anh vẫn nói những lời hư hư thật thật với cô, vẫn dịu dàng dành cho cô những cái nhìn sâu thẳm. Rõ ràng Kha thích đùa trong tình cảm. Nhất định Chiêu không để mình bị hút vào trò đùa của anh và cách tốt nhất là dang xa Kha ra.

Giọng Nguyệt Cầm ríu ra ríu rít:

- Kha nói em hợp với màu ngọc bích, chị thấy thế nào?

Chiêu liếm môi:

- Cầm trắng hồng, màu nào cũng hợp cả, nhưng với màu xanh ngọc, Cầm sẽ sang trọng hơn, lịch sự hơn.

Cầm ồ lên:

- Sang trọng hả? Em rất thích sang trọng, bởi vậy ….

Nghiêng người nhìn vào gương, Cầm gật gù:

- Bộ đầm này sang thật. Chắc chắn Kha rất vừa ý khi đi với em.

Chiêu lơ đãng hỏi:

- Tối nay hai người sẽ đi đâu?

Mặt nghểnh lên hào hứng, Cầm bảo:

- Ca nhạc. Mua cặp vé chợ đen gần cả triệu bạc đấy. Kha đúng là chịu chơi và chiều ý em.

Bích Chiêu cầm quyển tạp chí đứng lên:

- Chúc Cầm đi vui nhé. Tôi phải học bài thôi.

- Chắc chắn là vui rồi.

Về phòng, Bích Chiêu nằm vật ra giường, ngực nặng nề, tức tưởi. Chiêu nằm mãi đến khi có tiếng gõ cửa, rồi anh Toản thò đầu vào:

- Hê! Làm gì mà rầu rĩ vậy con nhóc?

Bích Chiêu nhổm dậy:

- Em học bài.

Toản soi mói:

- Học kiểu Lê Ngọa Triều à? Mày đổ lười từ hồi nào vậy?

Bích Chiêu khó chịu:

- Từ hồi nào kệ xác em. Tự nhiên ở không vào đây hạch hỏi …..Ghét! Toản cười hì hì:

- Không hỏi thì trách anh gì chả quan tâm em út. Con gái đúng là rắc rối.

Chiêu vênh váo:

- Rồi sao? Em đang bực đây.

Toản ngồi xuống ghế:

- Bực con nhỏ Nguyệt Cầm, Nguyệt Ca gì đó à?

- Ai nói với anh vậy?

- Chả ai nói hết. Liếc mắt thôi cũng đủ biết con nhỏ đó đang “một mình chống mafia” và các “má già” nhà này tức vì chẳng làm gì được trong khi nó ngày một lên chân vì thấy ba thương quý.

Bích Chiêu nhún vai:

- Dầu sao cũng là bà con. Nguyệt Cầm mồ côi, ba phải lo cho nó là đương nhiên.

Toản nhịp tay lên bàn:

- Tao lại không nghĩ vậy. Lo cho Câm thiếu gì cách, sao ba chọn cách tự làm khổ mình chứ?

Bích Chiêu lắc đầu than:

- Anh đúng là không biết nghĩ tới ai khác.

Toản cười khẩy:

- Điều đó thì chưa chắc. Này! Nguyệt Cầm chờ ai dưới nhà mà anh thấy nó đi tới đi lui ra vẻ sốt ruột dữ vậy?

Chiêu cố giữ giọng bình thản:

- Chờ người yêu.

- Kha hả?

Chiêu vò chéo mền trong tay:

- Anh cũng tinh ý lắm.

Toản xoa cằm:

- Anh chàng đó trông khá sâu sắc, sao lại đi chơi với một con công sặc sỡ hay múa như Nguyệt Cầm kìa?

Bích Chiêu bĩu môi:

- Anh đi mà hỏi Kha ấy.

Toản nheo mắt:

- Anh thích hỏi em hơn.

- Em thì ăn nhập gì tới hắn. Anh thật vô duyên.

Nhìn gương mặt …bừng bừng sát khí của Chiêu, Toản cười:

- Đừng trút giận vào anh nghen, vì anh cũng chẳng ăn nhập tới hắn.

Bích Chiêu ấm ức bấm rờ mốt bật nhạc. Những dĩa nhạc không lời này Kha mang tới cho Cầm mượn, cô ta không thích nghe loại nhạc này, nên đã …..tống tháo cho Chiêu. Cô đã nghe, nâng niu chúng. Những buổi tối một mình buồn học bài không vô, Chiêu đã tìm những cái thiệp củ, những tờ lịch đẹp để làm thành những bìa bao mới với hy vọng khi mang trả Kha sẽ thích chúng hơn. Dầu biết việc mình làm vô ích, Chiêu vẫn say mê khi tỉ mỉ cắt dán và nghĩ tới Kha. Biết anh có phải người sâu sắc để hiểu tình ý của Chiêu không hay anh hời hợt thích những bề nổi bên ngoài Chiêu không biết nữa.

Giọng Toản vang lên:

- Hôm kia anh và Kha có đi uống cà phê. Cà phê Internet đàng hoàng nghe.

Chiêu hỏi:

- Tình cờ à?

- Không. Hắn ta mời.

Chiêu thản nhiên:

- Hai người đã truy cập được gì?

Toản nhún vai:

- Anh thì không, nhưng Kha thì hơi bị nhiều, có điều hắn không truy cập tren mạng mà lại truy cập từ anh.

- À! Chắc ….hắn muốn nắm thêm thông tin về Nguyệt Cầm.

Toản lắc đầu:

- Trật lất. Anh có biết gì về con nhỏ đó đâu.

- Và anh cũng có thân với hắn đâu.

- Không thân, nhưng tụi anh thường gặp nhau trong quán cà phê Internet nên cũng tâm đầu ý hợp đôi điều.

Bích Chiêu cao giọng:

- Thí dụ như?

Toản hấp háy mắt:

- Chuyện của cánh đàn ông, em hỏi làm chi?

- Để thỏa mãn tò mò. Em có cảm giác dạo này anh có nhiều bí mật.

Toản phổng mũi:

- Xời! Anh Hai em là người khác thường, lúc nào chả có nhiều bí mật thần kỳ.

Chiêu dụ dỗ:

- Thử bật mí cho em …xem với.

Toản run đùi:

- Anh thích bật mí chuyện người khác. Em nghe không?

- Em chỉ tò mò những người mình quen thôi.

- Thì người quen chớ lạ ai nói làm gì.

Chiêu hỏi tới:

- Ai vậy?

- Tiểu thư Nguyệt Cầm.

- Cầm có bí mật à?

- Chớ sao. Anh đã gặp con nhỏ đó ở một nơi khó ai ngờ tới.

Bích Chiêu nóng nảy:

- Ở đâu?

- Trong một quán karaoke máy lạnh tối hôm qua, vào giờ ….nó bảo là đi học Anh văn.

- Ờ thì Cầm cũng phải có nhu cầu giải trí với bạn bè chứ.

Toản chua cay:

- Ai chả có nhu cầu, nhưng bạn của Cầm lại là một thằng đàn ông bảnh bao. Trong phòng máy lạnh, ánh sáng mù mờ, cửa đóng kín mít, chỉ có trời mới biết chúng hát bài gì ở trỏng.

Bích Chiêu hỏi gặng:

- Anh có nhìn lầm không?

Toản xụ mặt:

- Tao đâu có cận thị.

- Vậy sao lúc đó anh không thử gọi nó.

Toản gạt ngang:

- Xời! Tao đi với bạn. Ai lại làm kỳ vậy. Nhưng tao bảo đảm là Nguyệt Cầm. Ngay phút đầu gặp mặt, tao đã nhận xét con nhỏ này không đơn giản, nhưng ba đâu có nghe, ổng bênh nó chầm chập. Nào là bất hạnh, côi cút, tật nguyền, bản chất hiền lành, yếu đuối, dễ tự ti mặc cảm, thần kinh dao động vì sợ lời nguyền hàng trăm năm của dòng họ Vũ. Ba lầm to về con nhỏ Cầm rồi. Từ ngày nó về ở, ba mẹ suốt ngày mâu thuẩn, không khí gia đình nặng nề, dù không ở chung, tao cũng không thích cảnh đó xảy ra thường xuyên.

Bích Chiêu ngạc nhiên vì những gì được nghe. Anh Toản thường ngày ngậm miệng như cóc. Hôm nay, cóc chịu mở mồm rồi. Chắc thế nào trời cũng mưa, thậm chí có bảo lớn cũng nên.

Cô ngập ngừng:

- Vậy theo anh phải làm sao đây?

Toản cười nhạt:

- Cách thì không thiếu, nhưng nói ra làm gì khi người đưa ra quyết định sau cùng là ba.

Hai người rơi vào im lặng. Một lát sau, Toản nói:

- Đúng là ruột thịt, nhưng từ bé tới giờ, chúng ta chả biết gì về Nguyệt Cầm. Nó lại có hành tung không rõ ràng. Sống chung dưới một mái nhà, thật khó tin. Nhất định anh phải tìm hiểu con người thật của Nguyệt Cầm mới được.

Bích Chiêu tán đồng:

- Em cũng muốn thế. Nhưng tìm hiểu bằng cách nào đây khi Nguyệt Cầm kín như bưng.

Toản cười khẩy mà không trả lời. Chiêu ngồi nhấp nhổm trên giường. Liệu Kha sẽ phản ứng thế nào nếu thấy Cầm đi với người đàn ông khác? Chắc hẳn anh rất đau vì Kha vốn kiêu ngạo và tự cao. Bỗng dưng Chiêu vừa tội nghiệp vừa muốn thấy anh bị Nguyệt Cầm xỏ mũi. Nhưng tất cả những điều đó chả làm cô vui, trái lại vừa nghĩ đến thôi, tim cô đã nghẹn ngào.

Toản đứng dậy:

- Anh về đây. Em phải để ý trong ngoài, chăm sóc mẹ, trông chừng ba. Dạo này ổng lên maú hoài, đã vậy còn hay mất ngủ.

- Sao anh biết ba mất ngủ?

- Thì ba nói với anh. Ổng bị chuyện đất đai ngoài xứ hành. Không biết ba dính vào làm chi, mình có về đó ở đâu nào.

Bích Chiêu vọt miệng:

- Chính vì không về nên mới lo bị kẻ xấu chiếm đất. Ba làm xong hồ sơ về đất làng ông sẽ hiến cho nhà nước để xây làng cho nạn nhân chiến tranh.

Toản trầm ngâm:

- Anh biết. Nhưng không dễ đâu.

Chiêu bật cười:

- Mình cho chớ có xin đâu mà khó.

Toản lắc đâu:

- Mày với ba đúng là …..là …… Bích Chiêu công môi:

- Là sao?

Toản khoát tay:

- Thôi, không nói nữa. Hôm trước, tao vừa có ý kiến đã bị ba mắng tới tấp. Trong nhà này, ai cũng coi tao là thằng thộn. Một đứa con cầu tự khó nuôi èo uột, chỉ biết ăn học, chả biết làm gì nên tích sự. Nhưng tao dặn gì thì mày nhớ đó. Để ý con Cầm một chút.

Bích Chiêu gật đầu. Cô hoang mang vì những lời Toản nói. Anh Hai cô hết ngơ ngác, khờ khạo như một cậu ấm ở bậc phổ thông rồi. Khổ sao những điều anh nói chỉ khiến người ta lo. Mà sao anh Hai lại có những suy nghĩ đó nhỉ?

Chiêu chưa kịp hỏi, Toản đã xuống nhà. Cô lẽo đẽo theo và thấy anh vào phòng ba. Định vào theo xem hai người nói gì, nhưng Chiêu kịp dừng lại. Chuyện lớn trong nhà cứ để đàn ông giải quyết. Riêng cô, nên lo những chuyện lặt vặt khác.

Xuống bếp, mở tủ lạnh lấy một hợp sữa tươi, Chiêu vừa uống vừa hỏi:

- Cầm đi lâu chưa dì Lài?

Bà Lài bĩu môi:

- Mới vừa đi một mình bằng taxi.

Chiêu kêu lên:

- Ủa! Sao kỳ vậy?

Bà Lài nói:

- Gì mà kỳ? Bị leo cây phải đi taxi chớ sao. Con quỷ đó đúng là ham chơi, ham đua đòi. Từ ngày nó vào đây tới giờ, tao thấy nó toàn học những thói hư tật xấu, vậy mà ba mày không rầy một tiếng. Ai nói thì bảo tội nghiệp nó mất mát nhiều quá, giờ phải được bồi đắp. Hừ! Rồi ba mày sẽ khổ vì nó. Cái con ấy mồm mép dẻo nhẹo, vờ hiền nhưng xảo trá lắm. Cậu Kha chắc đã nhận ra bản chất của nó rồi, nên dạo này đâu tới lui nữa.

Bích Chiêu nuốt nghẹn xuống. Có nên tin những lời dì Lài vừa nói về Kha không, khi cứ mở miệng là Cầm nhắc tới anh.

Nhíu mày, cô nhớ lại …..Dạo này đúng là Kha ít ghé nhà hơn lúc Cầm mới về ở. Chiêu cho rằng hai người có những cuộc hò hẹn riêng, Kha cần chi ghé đây để gặp một “hổ cái” như Chiêu.

Nghĩ mà buồn. Sao Bích Chiêu không dịu ngọt, mềm mỏng như Nguyệt Cầm được nhỉ? Nếu cô điệu bằng phân nửa Cầm thôi, biết đâu chừng Kha đã có cái nhìn khác về cô rồi. Mà nếu điều đó xảy ra, Bích Chiêu đâu còn là Bích Chiêu nữa. Cô không muốn thế, dù để được yêu.

Giọng bà Lài léo nhéo vang lên:

- Nguyệt Cầm ra khỏi nhà toàn bằng taxi. Nó tưởng tiền thuê đất ngoài xứ sẽ nuôi sống nó suốt đời chắc? Dì nghĩ nó phải còn một nguồn thu nhập khác nên mới dám xài sang như vậy. Ba mày cũng không chịu hỏi cho rõ. Mẹ mày tức chết cũng phải.

Điện thoại reo vang, Bích Chiêu nhấc máy lên. Giọng Kha thật trầm:

- Chào em, cô bé “vuốt hổ”.

Bích Chiêu hoàn toàn bất ngờ, cô ấp úng:

- Anh ….anh ở đâu vậy?

- Ở quán Chiêu. Sao em lại hỏi thế nhỉ?

- Em tưởng anh đang xem ca nhạc với Nguyệt Cầm mà còn điện thoại cho em.

Kha cười:

- Em thừa biết anh không thích kiểu ca nhạc nghe bằng mắt ấy mà.

- Vậy sao Cầm nói anh tốn cặp vé chợ đen gần cả triệu bạc?

- Và em tin như thế? Thú thật, anh không giàu đến mức đó đâu. Em đang làm gì vậy?

- Học bài.

- Siêng thật hay siêng giả vậy?

Bích Chiêu chớp mi:

- Với em, học cũng là một cách giải khuây.

- Bữa nay thứ bảy, em nên chọn một cách giải khuây khác. Thí dụ như đi uống cà phê với anh.

Bích Chiêu im lặng. Mấy giây sau cô mới nói:

- Không được. Nguyệt Cầm sẽ giận em.

Kha bất bình:

- Sao lại thế? Chúng ta có gì không phải với Cầm đâu?

- Anh thừa biết tại sao, đừng vờ hỏi đố em.

- Dường như đã có sự nhầm lẫn nào rồi. Anh muốn giải thích với em, anh chờ em đấy. Tới nhé Bích Chiêu.

Cô chưa kịp trả lời, Kha đã gác máy. Bích Chiêu phân vân hết sức. Cô đi tới đi lui như đang tập trận trên hành lang. Điện thoại lại reo, Chiêu nhấc máy.

Vẫn là Kha, anh nói:

- Anh sẽ đến nhà em vậy.

Bích Chiêu ra vẻ hờ hững:

- Tùy anh. Có ba em ở nhà, chắc ông sẽ rất vui khi gặp anh.

Dứt lời, cô gác máy và chạy vội về phòng vì quán cà phê Chiều ngay đầu ngõ, từ đó vào đây, Kha phóng xe chừng ba phút. Cô không muốn anh nghĩ cô chờ anh trong phòng khách.

Bà Lài tằng hắng ngay cửa:

- Câu Kha tìm con.

Bích Chiêu ngọ ngoạy trên giường:

- Dì bảo với Kha là con bận học bài.

Bà Lài trừng mắt:

- Đúng là ngốc mới như thế. Đây là cơ hội của con, nếu con thích Kha.

Bích Chiêu cứng người vì những lời ……trắng trợn của bà Lài. Chúa ơi! Cô thích Kha mà dì Lài cũng biết nữa sao?

Mặt nóng bừng, Chiêu muốn độn thổ cho rồi. Cô lầu bầu:

- Con ghét hắn thì có.

Bà Lài nhún vai:

- Dì sẽ xuống nói với Kha như thế. Lúc ấy thì đừng có khóc.

Bích Chiêu lồm cồm ngồi dậy:

- Ấy! Đừng, dì Lài. Để hắn cho con.

Bà Lài liếc cô một cái dài mấy cây số:

- Hừ! Đúng là …là ….ba phải.

Bích Chiêu khổ sở:

- Con chỉ sợ Kha tìm con để hỏi về Nguyệt Cầm.

Bà Lài lắc đầu:

- Cậu ta không hời hợt như thế đâu. Tự tin lên.

Bích Chiêu lo lăng:

- Nhỡ như vậy thì sao hở dì?

Giọng bà Lài chắc nịch:

- Thì Kha chẳng đáng để con quan tâm. Nào, sửa soạn lại một chút đi.

Bích Chiêu đưa hai tay xoa má. Nó nóng bừng cả rồi. Nhưng dầu thế nào, Bích Chiêu cũng phải cho Kha biết tay. Cô không dễ dãi cho anh …..tán đâu.

Kha không ngồi trong salon mà đứng tựa ngoài han`h lang để chờ cô. Thấy Chiêu ra, anh tủm tỉm cười. Nụ cười của kẻ cho rằng mình chiến thắng trông thật dễ ghét.

Cố kiềm cảm xúc, Bích Chiêu thản nhiên hỏi:

- Anh chưa gặp ba em à?

Kha lắc đầu:

- Chưa. Vì anh không có ý định đó.

Ngồi xuống ghế da, Chiêu cao giọng:

- Anh định giải thích gì với em không?

- Về những gì em thắc mắc.

Bích Chiêu cong môi:

- Em không thắc mắc gì về anh hết.

Kha giả vờ ngây ngô:

- Thật sao? Vậy mà anh Toản bảo em muốn biết lý do sao lâu rồi anh không ghé nhà em. Anh áy náy hết sức ….. Chiêu nông mũi …..Hừm! Cái ông Toản lắm điều thật.

Cô chống chế:

- Anh Toản thắc mắc, chớ em thì không.

- Nhưng anh vẫn muốn giải thích.

Chiêu lãnh đạm:

- Tùy anh.

Kha cười khẽ:

- Anh nghe lần này là lần thứ hai câu “tùy anh”. Nhẹ nhàng lắm, nhưng cũng nặng nề lắm. Y như một lời từ chối khéo. Anh không trách em, nhưng buồn vì em cứ lẩn tránh anh.

Bích Chiêu kêu lên:

- Lẩn tránh anh à? Bao giờ kìa? Đó chẳng qua em lịch sự, không muốn anh và Cầm rơi vào thế khó xử khi có mặt em trong những lần hai người gặp nhau.

Kha trầm giọng:

- Anh lại khó xử khi không có em.

Chiêu trách móc:

- Đừng nói vậy tội em lắm. Em rất ghét ai xem chị em em như một trò đùa. Nay thì ngọt ngào với cô em, mai lại thầm thì riêng tư với cô chị.

Kha im lặng. Tất cả cũng tại anh trước đây thích thả mồi bắt bóng. Anh đã nhiều lần đẩy đưa với Cầm trước mặt Chiêu, chăm sóc Cầm một cách quá đáng mà không màng tới cảm xúc của Chiêu lúc đấy.

Phụ nữ thường rất nhạy cảm. Anh hiểu rõ điều đó, nhưng vốn tự cao, Kha phớt lờ trước vẻ cũng đầy bướng bỉnh, ngạo mạn của Bích Chiêu. Anh thích được con gái phỉnh nịnh, nuông chiều. Khi tán tỉnh ai, Kha cầm bằng phần thắng trong tay. Thế nhưng sau đôi ba lần ……thả tín hiệu, Bích Chiêu cứ dửng dưng, lạnh như băng sơn, trong khi Nguyệt Cầm mong manh, yếu đuối lại cần có anh ra mặt. Người đàn ông bản lỉnh nào lại không muốn là điểm tựa của các cô nàng cơ chớ.

Chính vì nghĩ mình quan trọng nên Kha đã rơi vào bẫy ngọt ngào, êm dịu của Nguyệt Cầm. Bên cô, Kha là một người hùng đúng nghĩa và anh càng cao ngạo hơn với hai tiếng “người hùng” đó, mà hầu như bỏ ngoài tai những lời của Ba Thìn. Với Kha lúc đó, Nguyệt Cầm mới tội nghiệp làm sao, anh đã nghĩ mình sẽ bảo bọc cô đến suốt đời.

Song không phải thế. Càng gần gũi Cầm, anh càng nhận ra giữa hai người rất khó có sự đồng điệu. Nguyệt Cầm có những sở thích hầu như trái ngược Kha. Cô diêm dúa, phô trương ở hình thức, dối trá, rỗng tuếch ở nội dung. Ngoài miệng ngọt ngào, giỏi tài nói lời ràng buộc, Nguyệt Cầm còn đóng kịch rất hay ….

Kha nhếch môi chua chát. Thái độ của anh không lọt khỏi ánh mắt của Chiêu. Cô bắt bẻ:

- Em nói sai à?

Kha như bừng tỉnh:

- Ồ, không. Nhưng anh muốn được giải thích.

Chiêu khoát tay:

- Em có thể đoán được những lời của anh.

Kha lắc đầu:

- Em không muốn nghe anh thì đúng hơn. Em sợ gì hả Chiêu?

Bích Chiêu thản nhiên:

- Em sợ miệng lưỡi của anh lẫn Nguyệt Cầm. Nói thật hai người rất xứng đôi và anh không cần giải thích gì cả.

Kha gượng gạo cười:

- Anh sơ. miệng lưỡi em thì có. Nhưng em nghĩ thế nào về “xứng đôi” má gán ghép cho anh với Cầm?

Bích Chiêu nhún vai:

- Em thấy sao thì nói vậy. Không phải hai người là một cặp đẹp à? Nguyệt Cầm từng tuyên bố. Nếu không vì tình yêu của anh, cô ta đã không về Sài Gòn.

Kha thú nhận:

- Đúng là anh từng xúc động đến mất ngủ vì tình cảnh và con người Nguyệt Cầm, nhưng nếu gọi đó là tình yêu thì e ngại quá.

- Anh đã từng bảo:

“Trước sự dịu dàng của nhan sắc, gã đàn ông nào chẳng gục ngã mà. Bây giờ ……ngã rồi, anh lại ân hận sao?

Kha trầm ngâm:

- Anh còn nói:

“Nếu em đừng chanh chua, chắc anh đã gục ngã trước em ngay phút ban đầu. Anh thích em như là mèo ướt nằm co một góc trong thùng xe thổ mộ …..để anh ôm em vào lòng che chở, trấn an. Em giận dỗi bảo rằng:

“Em là hổ với móng vuốt đã mài thật sắc, khi bấu vào ai thì nhất định phải tru/ng ngay tim”.

Chiêu vuốt tóc:

- Anh nhắc những lời đó làm chi nhỉ?

- Để thấy nhận xét của anh trước đây đang chống lại anh. Anh đã trở nên vô cảm trước sự dịu dàng của nhan sắc. Trái lại, sự chanh chua, bướng bỉnh của cô hổ non cùng những vuốt được mài sắc đã làm trái tim anh bị thương nặng.

Chiêu trấn tỉnh ngay trước những lời thở than có mục đích đó:

- Ai biểu …..em đã bảo đùa với em là coi chừng vỡ tim mà.

Kha thở dài thảm thiết:

- Vỡ thì không vỡ. Nó đang trong tay em, chỉ mong em quan tâm một tí. Không nó tủi lắm.

Bích Chiêu chua ngoa:

- Anh hát cải lương được đó. Nguyệt Cầm rất thích kiểu bày tỏ tình cảm như thế.

Kha chống tay dưới cằm:

- Còn lời nào cay đắng hơn nữa không Chiêu?

Chiêu đong đưa chân:

- Còn nhiều.

Nhìn vẻ mặt hất lên trời của Bích Chiêu, Kha thèm véo vào má cô một cái quá chừng. Nhưng anh chỉ ngồi yên lặng ngắm cô chớ không nói năng gì. Ngồi chưa được bao lâu, Kha đã xốn xang trong lòng khi nhận ra phía sau vẻ đanh đá ấy, Chiêu có vẻ buồn.

Anh từ tốn:

- Anh xin em đừng nhắc đến Nguyệt Cầm trong câu chuyện của chúng ta.

- Tại sao khi em lại cho rằng Cầm với anh tuy hai mà một?

- Đó chỉ là cảm giác của em.

Bích Chiêu khó chịu:

- Nhưng chính anh và Cầm đã gây ra cảm giác đó. Cầm nói anh là người yêu của cô ta. Là người tự trọng, em không muốn bị hiểu lầm. Với em, bạn bè phải có một giới hạn rõ rệt. Nếu không có chuyện gì, anh đừng tìm em thế này, vừa phiền phức, vừa không biết phải nói gì với anh, em rất ngại khi để thời gian chết.

Kha đau đớn:

- Có thật là em không biết nói gì với anh không?

Chiêu lặng lẽ gật đầu. Kha nói:

- Anh xin lỗi đã làm phí thời gian của em. Nhưng anh phải nói rõ với em rằng chưa bao giờ anh nói yêu Nguyệt Cầm, dù cách thể hiện tình cảm của anh với Cầm có thân mật hơn với em.

Bích Chiêu nói ngay:

- Anh khỏi cần giải thích. Em không can dự vào chuyện của anh và Cầm.

Kha cương quyết:

- Nhưng anh thấy cần giải thích.

Chiêu buột miệng:

- Tại sao?

Kha nhìn cô đăm đăm:

- Vì anh đã nhận ra em là người khiến anh rung động chớ không phải Cầm.

Bích Chiêu bật cười:

- Thôi, anh đừng đùa. Em làm sao đủ dịu dàng, quyến rũ để làm anh rung động.

Kha say đắm:

- Nhưng thật sự lại là như vậy. Anh rất muốn có một người yêu đầy cá tính như em. Thật đấy cô hổ non ạ.

Bích Chiêu bớp chặt hai bàn tay. Kha đã nói rất rõ lòng mình, và nói bằng cách kiêu ngạo của riêng anh ……. “Muốn có một người yêu đầy cá tính như em”. Đó là lời tỏ tình hay sao? Có phải Kha cũng từng nói thế với Cầm? Thật là khó bắt bẻ khi lời tỏ tình ngạo mạn ấy không có từ yêu nào cả. Cô gái nào khờ khạo sẽ sa bẫy của chàng. Bích Chiêu thì không đâu, dù trái tim cô đang đập loạn nhịp, cô cũng đủ tỉnh táo để giữ phần hồn của mình.

Giọng hết sức lạnh lùng, Chiêu nói:

- Có những thứ muốn không được đâu. Em rất tiếc là khi tin rằng câu nói này anh đã từng nói với những người không phải là em. Xin lỗi anh. Em phải học bài.

Dứt lời, Bích Chiêu chạy một mạch lên phòng. Cô úp mặt vào gối, nghe tim như muốn rơi ra ngoài và nghe lòng mình hả hê một nỗi buồn.





Bưng cái tách cà phê bằng phalê lên nhấp một ngụm như những cô nàng sành điệu, Nguyệt Cầm hỏi:

- Anh biết tại sao em hẹn anh ở đây không?

Toản lơ lửng:

- Để? biết hương vị cà phê máy lạnh khác cà phê phố núi thế nào. Hoặc để ngồi trên cao nhìn thiên hạ dưới thấp qua khung kính dầy xem có anh chàng nào hợp nhãn không.

Cầm vẫn tươi cười:

- Miệng mồm anh độc hơn Bích Chiêu nhiều lắm, vậy mà Chiêu luôn bị mang tiếng ăn hiếp anh Hai.

Toản thản nhiên:

- Tôi khoái bị em út ăn hiếp. Hà! “Khôn ngoan đối đáp người ngoài” mà. Khổ nỗi đối với trong nhà, tôi cũng chẳng có được chút khôn lõi ấy. Bởi vậy, tôi mới được cô em họ Nguyệt Cầm mời uống cà phê.

Nguyệt Cầm nhíu đôi mày cong:

- Dường như anh đã biết trước sẽ có lúc anh em mình ngồi …..như vậy?

- Ờ biết.

- Vậy em không úp mở nữa.

Toản tán thành:

- Thì em cứ rõ ràng, sòng phẳng. Tôi thích thẳng thắn, mau lẹ. Nào, em nói đi. Chuyện gì?

Nguyệt Cầm hỏi ngập ngừng:

- Anh có bao giờ nghĩ sẽ về quê dù để thăm cho biết mồ mả tổ tông không?

Toản lắc đầu thật nhanh:

- Không. Nhà cha mẹ mình tôi còn chưa được ngủ qua đêm huống hồ chi về quê, nơi có lời nguyền như một lưỡi gươm treo cao, chưa biết lúc nào rơi xuống người là cháu đích tôn của họ Vũ như tôi.

Nguyệt Cầm hỏi:

- Vậy đất hương hỏa mà anh sẽ là người thừa kế duy nhất thì sao?

Toản đáp:

- Đất đâu có cánh. Nó vẫn ở đó như bao nhiêu năm nay chớ sao nữa.

Nguyệt Cầm ngập ngừng đầy giả tạo:

- Đất ấy không được bán, anh không quản lý dân ở đó sẽ chiếm hết mà chúng ta không đòi lại được.

Toản nhìn xoáy vào mắt Cầm:

- Theo lý thuyết thì chắc vậy, nhưng trên thực tế, điều đó đã không xảy ra. Ba em và chú Thể đã giữ đất rất tốt. Thậm chí hai ông còn biết kinh doanh từ miếng đất này nữa kìa.

- Nhưng ba em đã mất, chú Thể đã trốn chui trốn nhủi vì tội phá rừng. Em cũng không về đấy, hiện giờ đất nhà mình như vô chủ.

Giọng Cầm trầm xuống:

- Họ Hoàng Đăng sẽ lấn đất của chúng ta như hồi xưa ông bà họ từng làm. Anh thấy đó, đâu phải tự nhiên bác sĩ Kiên về quê sau mấy chục năm xa xứ.

- Theo em, bác sĩ Kiên muốn gì?

Cầm nhún vai:

- Em để anh đoán chớ không dám nói đâu. Phiền phức lắm. Đã vậy còn mất lòng nhau nếu lỡ như lời em nói có gì đó không đúng. Em tin một người thông minh như anh thừa sức phán đoán.

Toản khoanh tay:

- Tớm lại, em muốn gì ở cái khoảng đất đai ngoài xứ?

Nguyệt Cầm rối rít:

- Ấy chết! Em nào có muốn gì. Anh hỏi thế, tội cho em quá. Em chỉ muốn đánh động để anh có trách nhiệm vì anh sẽ là người thừa kế sau này.

Toản xoa cằm:

- Là con cháu, ai cũng có trách nhiệm hết chớ đâu chỉ riêng anh.

- Đành rằng vậy, nhưng theo di chúc truyền từ nhiều đời, chỉ người cháu đích tôn mới có quyền quyết định về đất đai của dòng họ.

Toản nheo mắt:

- Em biết nhiều hơn anh đấy.

Cầm thản nhiên:

- Ba em từng nghiên cứu vấn đề này. Và ông đã đột tử trong phòng, đầu gục trên những tờ gia phả, di chúc từ đời xưa. Có lẽ ông lên máu đột ngột vì tức sao mình không phải giòng trưởng để có thể toàn quyền định đoạt mọi thứ?

Toản cười cười:

- Nói thế chứ nếu lúc đó chú Đỉnh bán bớt đất đi, trong đây chúng tôi cũng chả biết.

Nguyệt Cầm lắc đầu:

- Coi vậy chớ không phải vậy đâu. Hơn nữa, chú Hai Thể cũng đâu vừa gì.

- Do đó chú Đỉnh và chú Thể đã kết hợp làm ăn bằng cách cho mướn đất để làm bãi tập kết gỗ lậu.

Nguyệt Cầm thở dài:

- Ba em không muốn cũng không được vì chú Thể là một tay côn đồ ở đó mà.

Toản khoát tay:

- Chuyện đã qua rồi, và sẽ không lặp lại vì ba tôi đã quyết định hiến ba phần trăm số đất hiện hữu cho nhà nước.

Cầm nói ngay:

- Em lo vấn đề đó đấy. Đành rằng bây giờ bác Thực và anh là người có quyền quyết định nhưng làm thế có đúng không? Con cháu sau này sẽ đánh giá thế nào khi đất đai của ông bà bị xén bớt?

Toản gật gù:

- Ít có cô gái trẻ nào lại lo xa như em. Em nói lên suy nghĩ của bản thân, hay sự đánh giá của con cháu mấy chục năm về sau vậy? Hiến đất để xây trường học, bệnh viện hay một trung tâm cho những người khuyết tật là việc làm đạo nghĩa. Xin lỗi. Em từng là một người có một chút khuyết điểm ở chân, lẽ nào em lại thấy việc làm này sai?

Nguyệt Cầm bối rối:

- Em ủng hộ việc hiến đất, nhưng em đã nói với anh từ đầu, chúng ta không thể hợp tác với họ Hoàng Đăng.

- Dù hợp tác để làm việc thiện? Chà! Em đa nghi quá, Cầm ơi.

Nguyệt Cầm nghiêm mặt:

- Em đa nghi có cơ sở đấy.

Toản nhíu mày:

- Cơ sở gì?

Nguyệt Cầm lắc đầu, bờ mi sụp xuống buồn bã. Đợi Toản lặp lại câu hỏi lần nữa, Cầm mới nhỏ nhẹ nói:

- Dù Kha không để lộ ra, nhưng linh tính cho em biết cha con anh ấy có ý đồ gì với phần đất chúng ta định hiến. Đâu phải tự dưng Kha lại quan tâm đến một con bé quê mùa tàn tật như em. Chắc chắn hắn muốn lợi dụng em. Bởi vậy, dạo sau này, em đâm ra sợ Kha. Mặc kệ hăn đeo đuổi, em đã quyết định lánh xa Kha. Em thấy hắn bám theo Bích Chiêu, nhưng đâu dám nói gì với chị ấy. Kha muốn mọi người ủng hộ việc hiến đất, nên chẳng ngại chuyện chiếm tình cảm của Bích Chiêu. Thậm chí hắn còn muốn gây mâu thuẫn giữa em và Chiêu để không ai tin lời em.

Ngừng một lúc, Nguyệt Cầm đợi cho Toản sốt ruột, cô mới lên giọng:

- Tớm lại, theo em, chúng ta khoan hiến đất đã. Chỉ một năm nữa thôi, con đường Xuyên Việt sẽ đi sát phần đất của dòng họ. Lúc ấy biết đâu mình có những kế hoạch khác. Theo lời Kha nói, việc đi xin quỹ tài trợ của các đoàn thể, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước để xây dựng một làng cho nạn nhân chất độc màu da cam không khó. Chính vì vậy, trong quá trình chạy vạy đó, sẽ sinh tiêu cực, làm sao mình lường được lòng người.

Toản uống một ngụm cà phê, trong khi Nguyệt Cầm tiếp tục múa mép:

- Em chỉ được cho ra huyện học hết lớp mừơi hai chớ không được về thành phố học đại học, nhưng em vẫn hiểu biết nhiều vấn đề. Cách đây không lâu, em có tình cờ đọc một bài báo nói về một nhân vật lừa đảo để chiếm dùng đất bán cho người khác. Ông ta đội lốt nhà từ thiện để đi xin đất lập cô nhi viện. Sau khi đã có đất, ông ta đêm chia nhỏ ra bán nhưng vẫn đeo mác giám đốc cô nhi viện đi xin tiền tài trợ đủ mọi nơi. Tất cả tiền bạc kiếm được đều để cung phụng cho những trò chơi.

Toản ngắt lời Nguyệt Cầm:

- Bác sĩ Kiên không phải hạng người đó.

- Sao anh dám chắc như thế?

Toản không trả lời. Anh chợt hoang mang vì những lời của Nguyệt Cầm.

Dường như nắm được tẩy của Toản, Cầm khôn khéo:

- Có thể em quá đa nghi, nhưng nếu cứ để bụng chuyện này, em không chịu nổi. Anh có quyền không tin và giễu cợt em. Như anh đã nói:

“Là con cháu, ai cũng có trách nhiệm, chớ không chỉ riêng anh”. Vừa rồi, em đã can đảm thể hiện trách nhiệm của mình. Dạo này bác Thực vì lo đâm ra mất ngủ, anh nên khuyên bác giữ gìn sức khỏe.

Toản vụt hỏi:

- Em còn gì nói nữa không?

- Có thể còn, nhưng chưa phải lu/c này.

- Anh cảm ơn em đã cung cấp nhiều thông tin lý thú.

Giọng Toản chân tình hơn:

- Từ khi em vào Sài Gòn đến giờ, anh em mình chưa có dịp chuyện trò, làm anh như anh đúng là đáng trách phải không?

Nguyệt Cầm chớp mắt:

- Đâu có. Làm sao em dám trách, khi anh đã chịu ngồi nghe em nói những điều vô căn cứ.

- Lánh xa Kha, em không thấy cô đơn sao?

Nguyệt Cầm có vẻ xấu hổ:

- Nhờ đi học thêm Anh văn, em có những người bạn khác nên cũng đỡ buồn.

- Có ai là bạn đặc biệt chưa?

Nguyệt Cầm chống tay lên bàn, mắt mơ màng:

- Đi hát karaoke chung, có đặc biệt không?

- Chỉ hai người thôi sao?

- Vâng.

- Vậy thì hơi đặc biệt. Anh chàng ấy thế nào nhỉ?

Nguyệt Cầm chúm chím:

- Rất tầm thường. Là chủ một tiệm bán đồ gỗ nhỏ, nhưng lại ham học. Em quý anh ấy vì điểm này.

Toản nhiệt tình:

- Hôm nào mời bạn về nhà chơi.

- Vâng. Em xin nghe lời anh. Và mong anh nghĩ tới những gì em vừa nói.

- Anh sẽ nghĩ.

Mắt Nguyệt Cầm sáng rỡ:

- Ôi! Em mừng quá.

Toản nhìn đồng hồ:

- Bây giờ về chứ? Anh có hẹn.

Nguyệt Cầm cười:

- Em còn đi. học Anh văn, nên chưa về nhà được. Anh cứ để em ngồi đây thêm chút nữa, biết đâu em sẽ gặp một chàng hoàng tử khác vừa ý hơn chàng chủ tiệm gỗ.

Toản hớm hỉnh:

- Mong sao em cầu gì được nấy.

Đợi Toản đi khỏi, Cầm tới quầy điện thoại gọi nhờ. Gọi xong, cô tiếp tục ngồi ở bàn và cố đoán xem những lời mình vừa nói có tác động tới Toản không.

Cô đã đánh giá sai về gã cháu đích tôn duy nhất của dòng họ Vũ rồi. Anh ta không ngờ nghệch với đời như Bích Chiêu đã than với cô. Trái lại, Toản rất khôn. Anh ta biết giấu suy nghĩ thật của mình và khai thác người khác. Tuy nhiên, Nguyệt Cầm đâu phải nai tơ. Cô thừa sức tung hứng và hướng Toản vào mục tiêu đã định sẵn. Có thế anh chưau tin cô, nhưng thế nào cũng hoang mang, Cầm sẽ tiếp tục tác động tới Toản, tới từng thành viên trong gia đình để? đạt được mục đích.

Một người đàn ông với bộ quần áo đắt tiền nhưng kệch cỡm kiểu các tay anh chị bước vào quán, rồi khệnh khạng tiến về phía Cầm ngồi.

Gieo tấm thân vạm vỡ xuống ghê, hắn hất hàm:

- Gọi anh làm gì?

Nguyệt Cầm liếc mắt, giọng ỡm ờ:

- Uống cà phê, không được sao?

- Chậc! Anh đang ngập đầu với công việc, thời gian đâu có chứ.

- Hừ! Nghe hoài câu này em chán lắm rồi. Công việc, công việc gì? Đừng hồng qua mặt em nghen ….Anh Tấn.

Tấn giả lả:

- Em đa nghi quá. Thế tình hình ngoài ấy ra sao rồi? Con nhỏ Tranh đã làm được gì?

Nguyệt Cầm nói:

- Tranh đã đút lót một số người ở huyện. Phần em đã gây mâu thuẫn giữa gia đình ông Thực và cha con bác sĩ Kiên. Sẽ không lâu đâu, chắc chắn có nhiều màn vui cho chúng ta xem. Bảo đảm với anh, rồi chúng ta sẽ mở lại chợ gỗ. Chú Thể hết thời rồi, anh sẽ cùng em làm vua ở đó.

Tấn khen:

- Em khá thật.

Rồi gã thở dài:

- Dọc ngang như anh với ông Thể mà giờ phải xếp cánh để mặc phụ nữ tung hoành. Chán thật! Nguyệt Cầm trầm ngâm:

- Anh còn lớp vỏ bọc, còn làm ăn hợp pháp được, chứ chú Thể thì ……coi như xong.

Tấn nhếch mép:

- Chỉ cần lặn sâu một thời gian, ông sẽ trồi lên vùng vẫy lại bây giờ. Cái chức kiểm lâm của anh bay là cũng vì ổng, giờ thử xem ổng trông cậy vào ai.

Nguyệt Cầm lườm Tấn:

- Nhắc mãi chuyện củ rích. Em không vì anh thì Sáu Bảnh đâu như vậy.

Tấn nhấn mạnh:

- Tớm lại, chúng ta đều vì tiền. Vì tiền nên ba em mới ……chơi Sáu Bảnh một cú đẹp.

- Đó là tại ba nghĩ tới anh, ba tội nghiệp cái tánh si tình của anh.

Tấn đểu giả:

- Song nếu anh không làm lợi cho ông cụ, dễ gì vuốt được má tiểu thư họ Vũ này. Nhưng chắc em không gọi anh ra để nhắc chuyện củ chứ?

Nguyệt Cầm đợi người phục vụ đi xong mới nói bằng giọng tự đắc:

- Em vừa phủ đầu cháu đích tôn nhà họ Vũ một tăng.

- Tại đây à?

- Đúng vậy. Có gì không ổn sao?

Tấn nhăn nhó:

- Hắn sẽ nghĩ thế nào khi một con bé quê mùa như em lại ở quán cà phê này?

- Nhằm nhò gì chuyện nhỏ đó, Toản chỉ phải nghĩ tới những gì em nói thôi. Rồi hắn sẽ tác động tới bác Thực, em tin là thế. Chi cần bác ấy chưa hiến đất được, chúng ta vẫn còn cơ hội làm ăn. Một năm nữa, đường Xuyên Việt sẽ chạy ngang đó, bộ mặt quê mùa sẽ thay đổi.

Tấn ngập ngừng:

- Lỡ như ông Thực vượt qua hết những rắc rối chúng ta tạo nên để biến khu đất ấy thành làng Hòa Bình thì sao?

Nguyệt Cầm nhếch môi:

- Thế lời nguyền truyền kiếp sẽ rơi vào ông chớ sao nữa. Lúc ấy, có cho vàng Toản cũng chẳng dám đụng đến đất đai. Em lại tiếp tục ngồi xe lăn điều hành mọi thứ như xưa mà không sợ ông chú, ông bác nào phá đám.

Tấn kêu lên:

- Em dám làm chuyện đó à?

Nguyệt Cầm nói:

- Có gan làm giàu. Anh từng dạy em thế mà, em có gan và có cả đầu óc nữa.

Tấn nhún vai:

- Đàn bà dễ có mấy ai. Anh …..nể em thật.

- Nể hay sợ? Sao dạo này anh hay tránh em thế? Bị vợ cột chân hay chán em rồi?

Tấn vội vàng:

- Nhớ em thì có, chớ làm gì chán?

Cầm đanh giọng:

- Anh liệu hồn đấy.

- Em cặp kè với thằng Kha, anh không ghen thì thôi, em lại hăm he anh. Khổ thật.

Nguyệt Cầm sa sầm mặt:

- Đừng nhắc tới hắn.

Tấn cười khẩy:

- Hắn nhìn ra bộ mặt thật của em rồi sao?

Cầm mím môi:

- Anh biết gì mà đoán mò. Em không thích kiểu cười của anh đâu.

Tấn nhún vai:

- Vậy thì anh biến đây.

Nguyệt Cầm hất mặt:

- Em hết tiền tiêu rồi.

Tấn kêu lên:

- Mới một triệu ở tuần trước ….. Nguyệt Cầm nói:

- Một vòng siêu thị là tiền triệu của anh bốc hơi, anh thừa biết mà, sao còn ca cẩm với em? Nếu anh tiếc của, em sẽ …….tự lực cánh sinh, nhưng tới lúc đó lỡ em có sơ xuất gì anh đừng trách đấy.

Tấn nuốt nghẹn xuống:

- Em muốn bao nhiêu?

Cầm cười cười:

- Sự tự do là vô giá, nhưng hiện giờ em chỉ cần một triệu, vừa với số tiền anh hay dằn túi, đúng không?

Tấn móc ví lấy ra tờ một trăm đô:

- Giờ tới cuối tháng. Liệu mà xài, anh không phải kho bạc hay máy in tiền đâu.

Dứt lời, Tấn hậm hực đứng dậy. Nguyệt Cầm nói với theo:

- Khi nào em gọi, anh phải tới ngay đó.

Nguyệt Cầm khinh khỉnh nắm tờ đôla trong tay. Cô có cảm giác mình là nhân vật quan trọng vì đã nắm được thóp của Tấn. Cô còn khiến Toản hoang mang vì những tin cung cấp cho anh ta.

Rồi Cầm sẽ thao túng, làm khổ cả họ Vũ lẫn họ Hoàng để giành lấy những gì cô muốn. Nhất định là như thế. Riêng cá nhân Kha, cô muốn anh ta phải trả giá vì đã lơ là với cô để quay sang tán tỉnh Bích Chiêu. Đã từng có một Sáu Bảnh điên khùng vì cô thì sao lại không có một Hoàng Đăng Kha sống dỡ chết dỡ cũng vì cô cơ chứ.

Nguyệt Cầm nhếch môi, trong đầu cô đầy ấp những âm mưu, kế hoạch, giờ cô chỉ sắp xếp cho tới lúc thực hiện chúng.