Chương 7
Nói cho công bằng, không chỉ mình Quý ròm làm nên công trạng to tát này. “Thi sĩ Bình Minh” đóng góp một nửa. Một nửa còn lại là công sức của “thi sĩ Hoàng Hôn”.
Do đó, trong khi “thi sĩ Bình Minh” đang đắm chìm trong ngây ngất thì “thi sĩ Hoàng Hôn” cũng đang chìm đắm trong ngất ngây. Bởi vì cũng như Quý ròm, trong nhiều ngày liên tiếp thằng Lâm cũng nhận được vô số những tia nhìn và nụ cười thiện cảm của tụi bạn trong lớp.
Với Lâm, một thành viên cốt cán trong băng “tứ quậy”, đó quả là một hiện tượng không mơ thấy nổi. Bảo đĩa bay từ một hành tinh lạ vừa đáp ngay chóc xuống nóc nhà nó, nó còn thấy dễ tin hơn là bảo tụi bạn trong lớp tự nhiên đâm ra có thiện cảm với nó.
Thế mà điều đó bỗng trở thành sự thật trong một sớm một chiều bảo nó không bàng hoàng sao được, nhất là trong những đứa quay đầu mỉm miệng cười duyên với nó có cả thằng Tần ghẻ chốc, thằng Đặng Đạo ngủ gục, những nạn nhân khốn khổ của nó, có cả thằng Dưỡng ba gai, nhỏ Hiền Hòa mồm mép, những đứa trước đây chuyên ngoác mồm chống đối nó.
Mấy đứa trong ban cán sự lớp thì khỏi nói. Lớp phó lao động và văn thể mỹ Vành Khuyên cười với nó:
- Cả lớp được khen, thích quá hén Lâm!
Lớp phó trật tự Minh Vương vỗ vai nó:
- Ước gì tao làm thơ hay được như mày!
Lớp trưởng Xuyến Chi nhìn nó thân thiện:
- Giỏi lắm Lâm ơi!
Lớp phó học tập Hạnh cũng khen nó. Nhưng con nhỏ này còn thòng thêm một câu:
- Giúp đỡ bạn thích hơn chọc phá bạn nhiều Lâm há?
Nhỏ Hạnh làm Lâm ngượng quá chừng. Nhưng nó không giận nhỏ Hạnh. Cũng như Quý ròm, nó biết ơn nhỏ Hạnh không để đâu cho hết. Chính nhờ nhỏ Hạnh bày ra trò thi “phổ thơ”, lần đầu tiên nó mới được nếm hương vị của một nhân vật được mọi người quý mến. Quả thật khác xa với những gì nó “thu hoạch” được từ những trò đặt vè châm chích trước nay!
Vì vậy, nghe nhỏ Hạnh hỏi trêu, Lâm chỉ cười lỏn lẻn:
- Thôi mà, Hạnh!
Nhưng niềm vui của “thi sĩ Hoàng Hôn” không chỉ gói gọn trong lớp học.
Xưa nay, Lâm nổi tiếng là chúa lười. Thầy cô “oải” nó mà ba mẹ nó cũng ngán ngẩm nó. Nhà nó là tiệm tạp hóa ngay cổng chợ. Mẹ nó nói dỗi:
- Hay con nghỉ học quách, ở nhà phụ bán với mẹ!
Ba nó hầm hầm:
- Lười như nó, có buôn bán cũng chẳng nên thân!
Nhưng từ hôm Lâm lao vào cuộc thi tài với Quý ròm, ba mẹ nó đã nhìn nó bằng con mắt khác. Lời lẽ cũng dịu dàng hơn hẳn. Thấy nó hễ đi học về là dán mình vào bàn, lật sách lật vở lúi húi cả buổi, mẹ nó trách yêu:
- Học vừa vừa thôi con! Học quá không khéo hóa rồ đấy con ạ!
Ba nó tặc lưỡi:
- Thật không thể tin được! Mày có phải là thằng Lâm mọi hôm không đấy?
Lâm cười sung sướng, chưa bao giờ nó được nghe những lời dịu ngọt như vậy:
- Ba mẹ chỉ nói…
Bên cạnh sự dịu ngọt còn có cả sự nể trọng. Trước đây mẹ nó thường sai nó đủ chuyện vặt vãnh. Nhưng nay thì nó như một ông tiến sĩ ngự trong nhà, mọi việc mẹ nó làm tất tần tật, chẳng còn đâu cái cảnh ra sai vào khiến như mọi lần.
Thậm chí, thấy mẹ bận tay, Lâm muốn đỡ đần cũng chẳng được. Nó vừa rớ vào cái cân định cân hàng cho khách, mẹ nó đã gạt phắt:
- Con lên gác ngồi học đi! Để đó cho mẹ!
Lâm liếm môi:
- Con học xong rồi!
- Xong rồi thì ngồi chơi cho khỏe!
Mẹ nó vẫn khăng khăng khiến nó cứ đứng ngẩn, không hiểu sao việc học hành vốn là chuyện đương nhiên, học sinh nào mà chẳng phải học, lại được các bậc làm ca làm mẹ coi trọng đến như vậy!
Chỉ có thằng Quới Lương là khác, Quới Lương đến chơi, thấy bạn chúi mũi vào đống tập, liền toét miệng cười cợt:
- Mày quyết đứng nhất lớp đấy à?
Lâm ngượng nghịu bào chữa:
- Tao phải quyết thắng thằng Quý ròm trong cuộc thi này!
- Xạo đi mày! - Quới Lương nhếch mép - Mới thi tài hôm qua, thi đâu mà thi lắm thế!
Lâm nhún vai:
- Còn cuộc thi về môn hóa học nữa chi! Đây là cuộc thi cuối cùng, cuộc thi quyết định!
Quới Lương nhướn mắt nhìn vào cuốn tập trước mặt bạn:
- Nhưng cuốn tập mày đang xem là cuốn vật lý chứ đâu phải cuốn hóa học!
Phát hiện của Quới Lương làm Lâm bối rối:
- Ờ, ờ… thế mà nãy giờ tao cứ tưởng là cuốn hóa học…
- Lại xạo! - Quới Lương nheo mắt - Chả ai lại nhầm như thế cả!
Biết không thể chơi trò dóc tổ với thằng bạn ranh mãnh này được, Lâm đành lỏn lẻn thú thật:
- Ừ thì tao không nhầm!
Quới Lương nghẹo cổ:
- Thế ra mày đang học bài đấy?
Câu chuyện một học sinh chăm chỉ học bài là chuyện tốt, thế mà chả hiểu sao trước giọng điệu nhuốm vẻ chế giễu của Quới Lương, Lâm cứ thấy ngường ngượng. Nó gãi cổ:
- Ừ, tao thấy môn này cũng có nhiều cái hay hay!
- Thế sao trước nay mày không thấy mà bây giờ mới thấy? - Quới Lương tiếp tục hỏi khó.
Hết gãi cổ, Lâm lại gãi má:
- Trước nay tao không để ý! Từ khi mò mẫm các bài học để “phổ thơ”, tao mới… khám phá ra!
Thực ra đối với Lâm, đó mới chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng hơn là từ khi tham gia thi tài với Quý ròm, Lâm chợt nhận ra thái độ của mọi người chung quanh đối với nó đã hoàn toàn đổi khác. Mọi người đã không còn coi nó là thằng Lâm quậy. Thầy cô khen nó tiến bộ. Bạn bè khen nó làm thơ dễ nhớ. Ba mẹ khen nó ham học, biết nghĩ đến công ơn dưỡng dục của ba mẹ. Những điều đó, Lâm không tiện nói cho Quới Lương biết.
Quới Lương không biết, vì vậy nó khịt mũi trách móc:
- Và từ khi khám phá ra điều hay ho đó, mày không thèm lại nhà tao chơi nữa?
- Đâu có!
- Thế mà có đấy!
Lâm nuốt nước bọt:
- Tại tao bận…
Giọng Quới Lương hờn dỗi:
- Thế bây giờ mày có bận không?
Lâm nhìn cuốn tập trên tay:
- Bây giờ hở? Bây giờ thì…
Vẻ ngập ngừng của Lâm làm Quới Lương bực mình:
- Bây giờ thì dù tao có rủ mày lại nhà, mày cũng không đi phải không? Mày định ca bài “Không dám đâu, em còn phải học bài” chứ gì?
Biết thằng bạn thân sắp sửa nổi quạu, Lâm mỉm cười gấp tập lại và xô ghế đứng lên:
- Đi chứ sao không! Mỗi lần tao ghé nhà mày, mẹ mày đãi xôi chè ăn mệt nghỉ, dại gì mà không đi!
Hết Quới Lương, tới lượt Quốc Ân và Hải quắn lò dò tới chất vấn Lâm. Tất nhiên, chất vấn theo kiểu khác.
Hải quắn được thầy Thừa khen ngợi, Quốc Ân được cô Diệu Lý ngợi khen, hai đứa sướng mê. Và vì sướng mê, Hải quắn và Quốc Ân quên bẵng vinh dự của tụi nó có cả sự đóng góp của “thi sĩ Bình Minh” Quý ròm.
Hai đứa tìm gặp “thi sĩ Hoàng Hôn” hoạnh họe:
- Mày làm sao thế?
Lâm ngơ ngác:
- Sao là sao?
Hải quắn chống tay vào hông:
- Sao mãi mà mày vẫn chưa thắng được thằng Quý ròm?
- Làm sao tao biết được! - Lâm nhún vai - Có thể thơ của nó hay không kém gì thơ tao!
Hải quắn bĩu môi:
- Theo tao, thơ của thằng ròm kém xa thơ của mày!
- Tao cũng thấy vậy! - Quốc Ân sốt sắng phụ họa - Chỉ tại tụi trong lớp chẳng ra gì, tụi nó lúc nào cũng tìm cách chống lại bốn đứa mình!
Trước giờ, luận điệu khích bác của Quốc Ân chẳng khiến Lâm quan tâm lắm. Nhưng nó không cảm thấy khó chịu, chỉ cười cười. Nhưng hôm nay không hiểu sao nó thấy chối tai quá chừng.
- Không có đâu! - Lâm cười khổ.
- Ở đó mà không có! - Quốc Ân nghiến răng - Không những tụi nhãi nhép kia mà ngay cả mấy đứa trong ban cán sự lớp cũng thiên vị thằng Quý ròm rõ ràng! Đúng là một lũ khốn!
Câu nói của Quốc Ân bất giác khiến Lâm nóng ran mặt mày. Nó nhớ lại những lời khen ngợi, động viên của tụi Xuyến Chi, Vành Khuyên, Minh Vương và Hạnh dành cho nó, cảm thấy thằng bạn nó đã đi quá xa.
- Mày không nên nói nặng lời như thế! - Lâm nhăn nhó, cố giữ giọng ôn hòa.
Khổ nỗi, Lâm càng can, Quốc Ân càng cáu. Nó vung tay:
- Tao chẳng thấy gì là nặng lời cả! Lẽ ra tao phải chửi tụi nó…
Tới đây thì Lâm không nhịn được nữa. Nó sầm mặt:
- Thôi, đủ rồi! Tao không muốn nghe nữa!
Lâm làm Quốc Ân tự ái quá xá. Nó nhếch môi:
- Mày bênh tụi nó à?
- Tao chả bênh ai cả! - Lâm thản nhiên - Nhưng tao thấy tụi nó chẳng có ý thiên vị ai!
Hải quắn tự dưng buột miệng:
- Nhỏ Hạnh lớp phó học tập cùng tổ với Quý ròm!
Hải quắn nói lơ lửng, nhưng Lâm thừa hiểu bạn mình muốn ám chỉ điều gì, bèn rụt cổ:
- Thì đã sao! Theo tao, nó là đứa công bằng!
Hải quắn lại nói:
- Còn lớp trưởng Xuyến Chi và lớp phó Vành Khuyên cùng tổ với thằng Đặng Đạo! Mà mày thì vừa gây sự với thằng Đặng Đạo!
- Chả sao cả! - Lâm lúc lắc đầu, giọng khăng khăng - Tao chưa thắng được thằng Quý ròm bởi thơ tao chưa thực hay hơn thơ nó, thế thôi!
Thấy “thi sĩ Hoàng Hôn” chẳng hứng thú gì với việc công kích mấy đứa trong ban cán sự lớp, Hải quắn và Quốc Ân đâm xụi lơ.
Mãi một lúc, Hải quắn mới nghĩ ra kế mới. Nó vờ chép miệng, chơi đòn khích tướng:
- Thế chẳng lẽ mày chịu thua Quý ròm?
Quốc Ân hùa theo ngay:
- Ừ, chẳng lẽ mày để “giải thưởng lớn” về tay nó?
Hải quắn tiếp:
- Mà “giải thưởng lớn” mua từ tiền quỹ của lớp. Quỹ lớp là do bọn mình đóng góp chứ đâu!
Lần này thì Lâm chẳng còn thản nhiên được nữa. Nó chẳng nói “Thì đã sao!” như khi nãy mà sầm mặt:
- Thua sao được mà thua!
Quốc Ân tươi tỉnh:
- Có nghĩa là phen này mày sẽ thắng?
Lâm thu nắm tay:
- Phen này tao sẽ thắng!
Hải quắn gật gù:
- Mày sẽ ẵm “giải thưởng lớn” đem vinh dự về cho băng “tứ quậy”?
- Tao sẽ ẵm “giải thưởng lớn”!
Lâm gật đầu, nó cố tình phớt lờ mấy chữ “băng tứ quậy”.
Nhưng Hải quắn và Quốc Ân không để ý đến chi tiết cỏn con đó. Thấy “thi sĩ Hoàng Hôn” quyết tâm ăn thua đủ với “thi sĩ Bình Minh” là tụi nó khoái rồi.
Hải quắn ưỡn ngực, hô to:
- “Thi sĩ Bình Minh” nhất định thắng! À lộn, “thi sĩ Hoàng Hôn” nhất định thắng! “Thi sĩ Bình Minh” nhất định thua!
Quốc Ân không nói gì, chỉ cười tít mắt. Trước khi ra về, nó mới nhìn Lâm, giọng đe dọa:
- Nói được phải làm được đấy nhé!
Lâm cười hì hì:
- Một lời quân tử nói ra
Ô tô muốn đuổi cũng là rất gay
Chương 8
Chỉ còn một cuộc thi cuối cùng, do đó không chỉ “thi sĩ Hoàng Hôn” hạ quyết tâm ẵm “giải thưởng lớn” mà “thi sĩ Bình Minh” cũng nôn nóng giành chiến thắng không kém. Nhất là một khi “thi sĩ Bình Minh” đã trót khoe với em của thi sĩ và em của thi sĩ hiện nay đang mỏi mắt trông chờ chiến thắng của thi sĩ.
Thực ra, Quý ròm không muốn cho nhỏ Diệp biết về cuộc thi tài giữa mình với thằng Lâm, một phần do không nắm chắc được phần thắng, phần khác nó nghĩ nếu nó may mắn thắng được đối phương thì chiến thắng đó cũng chẳng vinh quang gì.
Khi nào thắng được “thi sĩ thứ thiệt” Lan Kiều, đứa từng được báo Khăn Quàng Đỏ giới thiệu thơ, lại in cả hình và tiểu sử, mới đáng được gọi là thắng, mới là vinh dự tột bậc, chứ thắng tên “thi sĩ Hoàng Hôn” học hành lẹt đẹt, chuyên đặt vè chọc phá thiên hạ, bị thầy cô phạt lên phạt xuống, ngẫm ra cũng chẳng hay ho gì.
Chính vì lẽ đó mà Quý ròm không hề hé môi với nhỏ Diệp về chuyện này. Từ cuộc thi phổ thơ đầu tiên liên quan đến công thức tìm tỉ số lượng giác của góc nhọn đến cuộc thi mới đây nhất liên quan đến việc phân bố các loài sinh vật ở miền Bắc và Đông Bắc Bộ, Quý ròm đều giấu tịt.
Chỉ đến khi tụi bạn trong lớp nhờ vào các “công trình thi ca” của nó và thằng Lâm để chứng minh sự tiến bộ vượt bậc khiến các thầy cô xúm vào khen nức nở, còn nó thì được cả lớp ngắm nhìn nâng niu như báu vật, lại được Tiểu Long khen là “người hiệp nghĩa” thì Quý ròm không thể làm thinh được nữa.
Hôm đứa học trò xưa nay vốn dốt đặc về môn địa lý là Đỗ Lễ đứng lên liệt kê vanh vách các loại gỗ quý như lim, lát hoa, trai, nghiến… rồi sau đó nhỏ Tú Anh, ít dốt đặc hơn một chút, đứng lên kể làu làu các loại hải sản quý như ngọc trai, bào ngư, hải sâm, sò huyết… khiến thầy Quảng đứng sững có đến hai, ba phút và sau khi choàng tỉnh thầy không tiếc lời ca ngợi lớp 8A4 lên tận mây xanh thì trưa đó, ngay khi vừa về đến nhà, Quý ròm đã chạy loăng quăng tìm nhỏ Diệp.
- Này! - Bắt gặp cô em gái đang lúi húi sau bếp, Quý ròm hí hửng hỏi ngay - Mày biết gì chưa?
Câu hỏi không đầu không đuôi của ông anh khiến cô em ngẩn tò te:
- Biết gì là biết gì?
Quý ròm vênh mặt:
- Tao mới được thầy cô khen đấy!
Nhỏ Diệp chớp mắt:
- Thầy cô nào khen?
- Thầy cô nào cũng khen hết! - Quý ròm huơ tay - Mọi thầy cô đều xúm vào khen!
Mắt nhỏ Diệp lại chớp lia chớp lịa:
- Làm gì có chuyện đó!
- Vậy mà có đấy! - Quý ròm hoan hỉ nói, nhưng rồi nó bỗng khựng lại – À, đúng ra thì không phải khen tao mà khen cả lớp tao!
Nhỏ Diệp cười khúc khích:
- Vậy là khen cả lớp chứ đâu phải khen một mình anh!
Quý ròm hừ mũi:
- Nhưng mà nhờ tao cả lớp mới được khen!
Nhỏ Diệp có vẻ chẳng tin tưởng gì mấy vào lời khẳng định của ông anh. Nó nheo nheo mắt:
- Thật không đấy?
Thái độ nghi ngờ của nhỏ em khiến Quý ròm nóng gáy:
- Sao lại không thật? Chính nhờ tao, à, nói cho chính xác thì nhờ cả thằng Lâm nữa, cả lớp mới được thầy cô hết lời khen ngợi mấy hôm nay!
Nhỏ Diệp ngơ ngác:
- Anh Lâm “thi sĩ Hoàng Hôn” ấy hở?
- Ừ, chính nó!
Nghe ông anh mau mắn xác nhận, nhỏ Diệp tủm tỉm:
- “Thi sĩ Bình Minh” làm hòa với “thi sĩ Hoàng Hôn” hồi nào vậy?
- Làm gì có chuyện đó! - Quý ròm nhún vai - Bây giờ nó vẫn là “kẻ thù” của tao!
Nhỏ Diệp không hiểu:
- Thế tại sao vừa rồi anh bảo nhờ anh với anh Lâm…
- Thế này này! - Quý ròm vung tay giảng giải - Thằng Lâm này là chúa đặt vè châm chọc người khác, mày cũng biết rồi đấy!
Nói đến đây, sực nhớ đến những câu vè thằng Lâm giễu cợt mình dạo nọ, Quý ròm giật thót và khẽ liếc nhỏ Diệp xem nó có vẻ gì đang nhớ tới cái “sự kiện đen tối” đó hay không. Đến khi thấy nhỏ em vẫn đang nghệt mặt chờ nghe tiếp, Quý ròm mới yên tâm hắng giọng:
- Vừa rồi, nó tương lên bảng mấy câu vè trêu chọc tật ngủ gục của thằng Đặng Đạo. Nhỏ Xuyến Chi và nhỏ Vành Khuyên trong ban cán sự lớp phê bình nó, hôm sau nó lại tương tiếp mấy câu khác để châm chích hai đứa này…
Nhỏ Diệp bụm mặt:
- Eo ôi, anh Lâm dám trêu cả lớp trưởng lẫn lớp phó cơ đấy!
- Thì thế! - Quý ròm khịt khịt mũi - Chính vì vậy mới khổ cho nó. Nhỏ Xuyến Chi đòi báo với cô chủ nhiệm.
Nhỏ Diệp liếm môi:
- Nếu vậy, anh Lâm chết chắc!
- Nhưng nó chưa tới số chết! - Quý ròm tặc tặc lưỡi - Bởi đúng lúc đó, nhỏ Hạnh đã kịp thời lên tiếng…
Nói tới đây, Quý ròm cố tình ngừng lại để chờ nhỏ em hỏi tiếp. Quả nhiên, nhỏ Diệp nôn nóng:
- Chị Hạnh nói gì vậy?
Quý ròm nhìn lên trần nhà:
- Nhỏ Hạnh đề nghị tha tội cho thằng Lâm, nhưng với điều kiện nó phải… noi gương tao!
- Noi gương anh? - Nhỏ Diệp cười hí hí - Lại phịa đi! Làm gì có chuyện đó!
Quý ròm thản nhiên:
- Tao thèm phịa! Không tin, mày cứ đi hỏi chị Hạnh thì biết!
Thấy ông anh không tỏ vẻ gì ngán ngại, còn trưng chị Hạnh ra làm bằng cớ, nhỏ Diệp hơi xiêu xiêu. Nó gãi cằm:
- Thế noi gương anh là noi gương chuyện gì?
- Chuyện làm thơ chứ chuyện gì?
- Eo ôi - Lần thứ hai nhỏ Diệp bụm mặt - Tức là bắt chước anh làm những câu thơ kiểu như “Cây mong ngóng ai, quả rơi xuống đất, cây mong ngóng ai, lá vắt trên cành” đó ư?
Quý ròm không ngờ câu chuyện lại xoay ra như thế.
- Ai bảo mày vậy! - Nó nói và cảm thấy khói xịt ra đằng mũi - Thơ ở đây là những bài thơ tao vẫn làm cho mày học ấy, đồ ngốc ạ!
Thấy ông anh nổi đóa, nhỏ Diệp bất giác bước lui một bước. Nó vội vã đưa tay ôm đầu:
- À, à, em hiểu rồi! Thì ra vậy!
Rồi thấy mặt mày Quý ròm vẫn còn đỏ gay, nó lật đật hỏi tiếp:
- Thế anh Lâm có chịu… noi gương anh không?
Câu hỏi của nhỏ Diệp hệt như một thùng nước đá tưới vào cái đầu đang nóng phừng phừng của Quý ròm. Nó lập tức tươi ngay nét mặt:
- Sao lại không chịu! Đã là gương tốt thì phải noi theo chứ!
Giọng điệu huênh hoang của Quý ròm khiến nhỏ Diệp tức cười quá xá. Nhưng nó cố nén, và hỏi:
- Thế anh Lâm có làm được như anh không?
Quý ròm xoa ngực:
- Cũng tàm tạm! Nhỏ Hạnh bảo tao và nó cùng làm, đứa nào làm hay hơn sẽ được ban cán sự lớp trao “giải thưởng lớn” về thành tích giúp bạn học tập.
Nhỏ Diệp tò mò:
- Thế rốt cuộc ai được lãnh giải?
- Chẳng ai lãnh cả! - Quý ròm thở dài - Tao với nó phổ hết môn hình học đến môn tiếng Anh, hết môn vật lý đến môn lịch sử… rốt cuộc vẫn bất phân thắng bại!
- Có nghĩa cả hai cùng dở? - Nhỏ Diệp chúm chím.
- Cùng dở cái đầu mày! - Quý ròm quắc mắt - Phải nói là cả hai cùng hay mới đúng!
Nhỏ Diệp nhíu mày:
- Thế “giải thưởng lớn” đành phải chia đôi hay sao?
- Làm gì có chuyện đó! - Quý ròm phẩy tay - Còn một keo cuối cùng nữa. Keo này tụi tao thi phổ các kí hiệu và nguyên tử khối của các nguyên tố hóa học thành thơ…
Nhỏ Diệp thè lưỡi:
- Khó ghê anh há?
- Dĩ nhiên rồi! - Quý ròm gục gặc đầu - Nhưng dù khó thế nào đi nữa, keo này tao cũng phải thắng! “Bình Minh” mà không thắng được “Hoàng Hôn” thì còn là bình minh cái quái gì nữa!
- Ơ! - Nhỏ Diệp tròn mắt - Thế những chuyện anh vừa kể thì liên quan gì đến chuyện các thầy cô khen ngợi lớp anh?
Nãy giờ mải ba hoa, Quý ròm quên mất chuyện đó. Nghe nhỏ Diệp nhắc, nó cười xòa:
- Ờ, suýt chút nữa tao quên khuấy đi mất! Số là như thế này này…
Rồi trước đôi mắt chăm chú của nhỏ em, Quý ròm hăm hở thuật lại chuyện Hải quắn và nhỏ Bội Linh đã làm thầy Thừa cảm động, nước mắt nước mũi sì sụt như thế nào, Quốc Ân và nhỏ Bội Linh đã khiến cô Diệu Lý phải lấy chai dầu gió ra thoa lấy thoa để hai bên thái dương để khỏi phải ngất xỉu giữa lớp ra sao, rồi chuyện sáng nay nữa, tức là chuyện Đỗ Lễ và nhỏ Tú Anh đã phải một phen hoảng vía khi thấy thầy Quảng đứng chết sững có đến nửa tiếng đồng hồ trên bục giảng khi nghe hai đứa học trò kể vanh vách các loài sinh vật trong bài học của thầy không sót không vấp lấy một chữ…
Quý ròm vừa tường thuật vừa thêm mắm dặm muối cho câu chuyện thêm phần “ly kỳ, hồi hộp” rồi hân hoan kết luận:
- Mà sở dĩ những đứa này nhớ bài, làm bài trơn tru đến mức các thầy cô phải ngẩn ngơ chính là nhờ tụi nó thuộc nhão các bài “thơ học tập” của tao và thằng Lâm đấy!
Tuyên bố một câu hách xì xằng, Quý ròm liếc nhỏ Diệp thấy mặt mày em mình đang thộn ra, liền hừ mũi:
- Bộ mày không tin những gì tao nói hay sao?
- Tin chứ!
- Tin sao nom mày lờ đờ như chuột phải khói thế?
Nhỏ Diệp chớp chớp mắt:
- Tại vì câu chuyện của anh kể làm em nhớ đến những bài thơ anh làm cho em. Nếu không có những bài thơ đó, chẳng biết đến bao giờ em và nhỏ Oanh mới nhớ nổi các công thức! Vì vậy, anh nói ra là em tin ngay!
Quý ròm khoái chí gật gù:
- Ờ, ờ, vậy mà tao tưởng mày nghĩ tao phịa!
Thực ra, tuy không ngờ vực gì về sự liên quan giữa đà tiến bộ của lớp 8A4 với những bài “thơ học tập” do hai “thi sĩ” Bình Minh và Hoàng Hôn sáng tác, nhỏ Diệp lại rất nghi ngờ các chi tiết khó tin mà ông anh mình đã cố ý thêm thắt vào câu chuyện. Nhưng thấy Quý ròm đang hiu hiu tự đắc về thành tích to tát của mình, nó không muốn làm ông anh cụt hứng.
Quý ròm không biết điều đó, lại huênh hoang:
- Thế mày có tin kỳ này tao sẽ thắng “thi sĩ Hoàng Hôn” không?
Nhỏ Diệp cười mím chi. Và lại nói:
- Tin chứ!
Thấy nhỏ em tinh quái mình nói gì cũng gật đầu lia lịa, Quý ròm như nở từng khúc ruột.
Nhưng cũng chính vì vậy bây giờ Quý ròm mới khổ. Nếu giấu nhẹm luôn, không để cho nhỏ Diệp biết tí ti gì, lỡ keo chót không thắng được thằng Lâm, Quý ròm cũng chẳng có gì mắc cỡ. Đằng này, đã kể tuột cho nhỏ Diệp nghe, lại ép nó tin lấy tin để về thắng lợi của mình, nếu đến phút chót không giành được “giải thưởng lớn”, Quý ròm chẳng biết chui vào đâu để tránh mặt.
Đã thế, sắp tới ngày nộp bài, Tiểu Long lại cứ tò tò theo hỏi:
- Làm tới đâu rồi mày? Đọc lên nghe thử coi!
Quý ròm đâm bẳn:
- Thử coi cái đầu mày! Mày có tốp cái miệng lại cho tao nhờ không!
- Ơ, cái thằng ròm này! - Tiểu Long ngẩn tò te - Tao lo cho mày mà mày lại quát tao!
Quý ròm nhăn như bị:
- Mày lo cho tao thì mày ngồi im đó đi! “Ngồi xuống uống miếng nước, ăn miếng bánh” đi! Mày cứ hỏi han nhăng nhít thế bố ai mà tập trung đầu óc được!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Ủa, ra mày chưa làm xong ư?
- Xong thì xong rồi! - Quý ròm thở đánh thượt - Nhưng “đề thi” kỳ này khó quá, tao đọc tới đọc lui mãi vẫn thấy bài thơ của tao có cái gì đó chưa ổn!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Thế mày…
Tiểu Long định lặp lại câu nói khi nãy “Thế mày đọc lên tao nghe thử coi!” nhưng rồi thấy nếu Quý ròm đọc lên, nó cũng chẳng góp ý gì được, bèn ngưng ngang.
- “Thế mày” sao? - Quý ròm nhìn bạn.
- Tao định nói là… - Tiểu Long gãi gãi cổ - Thế mày… mày… sẽ sửa chữa cho bài thơ hay hơn chứ?
- Hẳn nhiên rồi, nhưng…
- Nhưng sao? - Tiểu Long hồi hộp.
Quý ròm “e-hèm”:
- Với một điều kiện!
- Điều kiện gì?
Quý ròm nhắm mắt:
- Mày làm ơn đi chỗ khác chơi!
Quý ròm làm Tiểu Long “tắt đài” ngay tút xuỵt. Lâu thật lâu chẳng nghe thằng mập mở miệng, Quý ròm hé mắt nhìn.
Nó hé một mắt, rồi hai mắt, vẫn không thấy Tiểu Long đâu. Thằng mập này “đi chỗ khác chơi” tự lúc nào thế nhỉ? Quý ròm tự hỏi, nhưng chẳng ngạc nhiên lâu. Đầu óc nó còn đang loay hoay với “bài thơ hóa học”.
Nguồn: hgth.vn