Chương 9
Biến các ký hiệu và nguyên tử khối của các nguyên tố hóa học thành thơ không phải là chuyện ngon xơi. Vì vậy, trong khi “thi sĩ Bình Minh” nhăn nhó rứt tóc thì “thi sĩ Hoàng Hôn” cũng đang đau khổ vò đầu.
Lâm đi lòng vòng quanh căn gác suốt mấy buổi tối liền, hai tay bóp muốn móp cả trán, cũng chỉ làm được có tám câu:
Trăm lẻ tám (108) An Giang (Ag) là “Bạc”
Hăm bảy kia (27) An Lạc (Al) là “Nhôm”
“Thủy ngân” ở tít Hậu Giang (Hg)
Hai trăm linh một (201) kiện hàng phơi khô
Huế (H) vẫn coi “Hydro” số một (1)
Xứ Nghệ An (Na) có bột “Natri”
Hăm ba (23) từ đó tính đi
Cửu Long (Cl) kia chẳng thiếu gì “Clo”…
Lâm đọc đi đọc lại mấy câu song thất lục bát, lấy làm khoái chí. Nhưng nó chỉ khoái chí có thế. Những nguyên tố còn lại như kẽm, lưu huỳnh, cacbon, magie… trúc trắc thí mồ, nó nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra những địa danh thích hợp để lồng vào thơ.
Tiếng chân Lâm đi tới đi lui trên căn gác gỗ lúc nửa đêm làm mẹ nó lo lắng:
- Ngày mai thi học kỳ hả con?
- Dạ! - Lâm đáp bừa.
- Mẹ pha nước chanh cho con uống nhé?
- Dạ, thôi ạ! Mẹ nó nằm im một lát, lại nói:
- Thức khuya đói bụng đấy con ạ.
- Dạ.
- Mẹ chạy ra quán phở đầu chợ mua cho con một tô nhé?
- Dạ, thôi ạ!
- “Thôi ạ” cái tổ mẹ mày! - Thấy nói gì thằng con ham học cũng “thôi ạ”, mẹ nó đâm gắt - Ăn không ăn, uống không uống, lại đêm nào cũng thức khuya lơ khuya lắc, mày định sẽ trở thành tiến sĩ còm hả con?
Biết mẹ bực mình, Lâm làm thinh. Nó không dám đi loăng quăng nữa mà ra đứng trước lan can, nhìn xuống chợ.
Ngoài trời gió thổi lộng, Lâm nghe đầu mình tỉnh táo hẳn. Nó ngắm những ánh đên lấp lánh sau vòm cây, ngắm những luồng sáng của bóng đên cao áp chiếu xuyên vào nhà lồng chợ, đầu nghĩ vớ nghĩ vẩn. Nó tự hỏi không biết thằng Quý ròm đã làm xong bài thơ chưa, và liệu bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” có dễ nhớ dễ thuộc hơn bài thơ của nó hay không.
Một lát, Lâm lại nghĩ quanh. Nó chợt nhớ đến những lời gièm pha, khích bác của Quốc Ân và Hải quắn. Hai thằng này khăng khăng tụi bạn trong lớp sẽ không đời nào để “giải thưởng lớn” lọt vào tay băng “tứ quậy”, dù thơ của nó có hay hơn thơ của Quý ròm gấp bội đi chăng nữa. Hai đứa bạn nó còn hùng hổ vạch tội mấy đứa trong ban cán sự lớp và đặc biệt là hai thằng Tần và Đặng Đạo.
Dĩ nhiên Lâm không tin mấy đứa trong ban cán sự lớp lại tệ như hai thằng bạn nó nói. Khi Lâm đặt vè chọc phá bạn bè, tụi Xuyến Chi quả có lên án nó gay gắt thật, nhưng kể từ khi nó đặt vè “giúp bạn học tập” rõ ràng Xuyến Chi, Vành Khuyên và nhỏ Hạnh đã nhìn nó bằng đôi mắt khác, thậm chí còn khen ngợi nó không tiếc lời. Còn lớp phó trật tự Minh Vương là tổ trưởng của nó, không có lý gì lại “trù ếm” nó.
Lâm không hồ nghi gì về sự trong sáng của ban cán sự lớp, nhưng nó lại ngờ rằng hai nạn nhân trước đây của nó là thằng Tần và thằng Đặng Đạo rất có thể đã không công bằng trong các đợt “bình chọn tác phẩm” vừa qua.
Chưa bao giờ Lâm nghe hai đứa này lên tiếng khen thơ nó, chỉ toàn chê. Suốt mấy cuộc thi vừa qua, tụi nó chỉ bỏ phiếu cho Quý ròm. Rõ là bọn “tư thù cá nhân”! - Lâm hậm hực nhủ bụng - Mà hai đứa này đâu phải gương mẫu gì cho cam! Thằng Tần tổ trưởng tổ 1, chắc chắn đã xúi giục hai tổ viên to mồm của mình là thằng Dưỡng và nhỏ Hiền Hòa hợp lực công kích và chê bai thơ nó. Thằng Đặng Đạo cũng vậy, lúc nào cũng bảo thơ Quý ròm dễ nhớ dễ thuộc, còn thơ của nó không trúc trắc chỗ này cũng trục trặc chỗ kia! Hừ, mà cái thằng Đặng Đạo “đít voi” này là người như thế nào cơ chứ? Là chuyên gia ngủ gục trong lớp! Gần cả tháng nay, Đặng Đạo hầu như không ngày nào mà không ngủ gục, chả hiểu tại sao. Cho tới sáng hôm qua, Đặng Đạo còn bị cô Nga dạy sử phạt chép năm mươi lần câu “Em không ngủ gục trong giờ học nữa”, khi cô giảng khô cả cổ rồi kêu nó đứng lên nhắc lại bài học, nó trả lời cô bằng những tiếng “khò khò” êm như cưa gỗ khiến cả lớp cười bò. Một cái đứa như vậy mà hễ “thi sĩ Hoàng Hôn” vừa trưng thơ ra là ngoác miệng chê ỏng chê eo, bảo Lâm không lộn ruột sao được! Hừ, chờ cuộc thi này kết thúc, mày sẽ biết tay ông! - Lâm hăm he - Mày chưa thoát nạn đâu! Ông sẽ không đặt vè chọc mày, nhưng ông sẽ nghĩ cách bêu riếu cái tật ngủ gục của mày trước toàn trường cho mày biết tay!
Tiếng rao bánh và tiếng mì gõ vọng hiu hắt giữa phố khuya cho Lâm biết đêm đã khuya lắm rồi. Lâm nhìn vào nhà, lắng tai nghe ngóng, đoán mẹ đã ngủ. Trong một thoáng, nó cảm thấy mắt mình muốn díp lại. Mười hai giờ, hoặc mười hai giờ hơn rồi cũng nên! Hay mình đi ngủ quách, sáng mai dậy sớm làm nốt bài thơ chắc cũng còn kịp! Lâm nghĩ, và nó giơ tờ giấy lên sát mắt, soi vào ánh đèn thủy ngân ngoài trời, căng mắt nhẩm đọc những câu thơ làm dở, cố ghi nhớ để lát đi nằm nếu chưa ngủ được sẽ thầm “sáng tác” tiếp…
Nhưng trong khi đang xoay xoay tờ giấy trên tay, Lâm lại bất cẩn đánh rơi nó xuống mái nhà phía dưới. Lâm liền ngồi thụp xuống, thò tay ra ngoài lan can. Nhưng Lâm chưa kịp nhặt, một làn gió đi ngang đã thổi tờ giấy bay là là xuống đất.
- Rõ khổ! - Lâm làu bàu - Lại phải xuống nhà mở cửa! Mẹ mà nghe mình lục đục thế nào cũng thức giấc và quạt ra trò cho xem!
Nhưng đó chưa phải là mối lo lớn nhất của Lâm. Điều đáng sợ là ngay lúc đó một chiếc xe rác đang từ từ trờ tới. Chiếc đèn bão treo lắc lư trên thanh gỗ gắn ở góc xe, hai người nữ công nhân vệ sinh mặt bịt khẩu trang một người kéo xe, người kia đang lúi húi quét rác, những nhát chổi xào xạc đều đặn càng lúc càng cuốn dần về phía bài thơ của nó.
- Cô ơi! - Lâm hốt hoảng hét vọng xuống- Cô đừng quét nữa! Chờ cháu một lát! Nghe thấy tiếng kêu, người nữ công nhân ngẩng đầu nhìn lên và dừng chổi lại. Lâm mừng quýnh, vội vã chạy tọt vào trong và lần xuống cầu thang.
Khi nó bước ra đường, người phụ nữ khi nãy vẫn đang đứng chờ nó.
Lâm hấp tấp rảo nhanh lại và cúi nhặt tờ giấy đánh rơi.
- Cảm ơn cô! Cảm ơn cô nhiều ạ! - Lâm phủi phủi tờ giấy vào ống quần, miệng rối rít.
Ánh mắt người phụ nữ bừng sáng dưới ánh đên. Chắc là cô mỉm cười nhưng Lâm không nhìn thấy. Nó chỉ thấy tấm khẩu trang trên mặt cô khẽ động đậy.
Đúng vào lúc Lâm định quay vào thì một thằng nhóc trạc tuổi nó đang từ trong bóng tối của nhà lồng chợ đi ra. Thằng nhóc đi đứng có vẻ nặng nề, có lẽ do đang ôm một bô rác to tướng trước ngực.
Tiến gần đến chỗ xe rác, thoáng thấy Lâm, thằng nhóc tỏ vẻ ngỡ ngàng, chân khựng lại. Đôi mắt chớp lia, vẻ như muốn bỏ chạy. Nhưng rồi sực nhớ mình đang đeo khẩu trang, sau một thoáng bối rối, nó lập tức trấn tĩnh và lại khệ nệ ôm bô rác đi tiếp, lần này thay vì đi thẳng, nó nghiêng người đi quanh ra phía đằng sau xe, tránh xa chỗ Lâm đứng.
Nhưng những màn vờ vịt của thằng nhóc chẳng gạt được Lâm. Dù thằng nhóc đeo khẩu trang, chỉ cần nhìn thoáng qua mái tóc xù, đôi mắt hiếng và cặp lông mày sâu róm, Lâm đã nhận ra ngay đó là ai.
Nó sửng sốt:
- Đặng Đạo!
Người phụ nữ khi nãy vừa khom người xuống, chưa kịp quơ nhát chổi nào, nghe Lâm gọi đã vội thẳng người dậy, giọng ngạc nhiên:
- Ủa, cháu quen với con của cô hả?
- Ôi, thế ra cô là mẹ của bạn Đặng Đạo hở cô? - Lâm chớp mắt, vẻ áy náy - Thế mà khi nãy cháu không biết!
Lúc này Đặng Đạo không buồn giữ bí mật nữa. Nó ngượng ngập kéo khẩu trang xuống khỏi mặt, hỏi bằng giọng không được tự nhiên:
- Mày… mày đi đâu đây?
- Tao đâu có đi đâu! - Lâm chỉ tay vào nhà - Nhà tao đây này. Khi nãy tao đứng trên gác làm rơi tờ giấy, chạy xuống nhặt, thế là gặp mày.
Rồi Lâm ngạc nhiên hỏi, không để ý đến vẻ sượng sùng của bạn:
- Còn mày, tối nào mày cũng đi… đi… như thế này à?
Thoạt đầu, Lâm định nói “đi quét rác” nhưng rồi nó thấy cái từ đó nghe bất nhã thế nào, bèn sửa lại.
Đặng Đạo còn đang ấp úng, mẹ nó đã trả lời thay:
- Đặng Đạo mới đi theo cô gần một tháng nay thôi. Cô mới ốm dậy, sức còn yếu nên Đặng Đạo theo phụ một tay.
Lâm gục gặc đầu:
- Thì ra vậy!
- Thôi, cháu và Đặng Đạo nói chuyện nhé!
Mẹ Đặng Đạo mỉm cười bảo và tiếp tục khom mình đưa từng nhát chổi.
Tất nhiên mẹ Đặng Đạo không hiểu cái gật đầu của Lâm. Khi buột miệng “Thì ra vậy!”, ý của Lâm là bây giờ nó mới vỡ lẽ tại sao gần một tháng nay Đặng Đạo hay ngủ gục trong lớp. Thì ra mẹ của Đặng Đạo là công nhân vệ sinh. Bà vẫn thường xuyên quét rác trong ngôi chợ trước nhà nó vào những đêm khuya mà nó không hề biết.
Và gần cả tháng nay Đặng Đạo đi theo mẹ, phụ khiêng những bô rác nặng đổ vào xe như nó vừa nhìn thấy. Đêm nào Đặng Đạo cũng lang thang ngoài đường đến khuya lơ khuya lắc nên sáng ra mới mắc tật ngủ gục trong lớp. Tội nghiệp nó ghê!
Trong khi nó cực nhọc vất vả như vậy, mình tối nào cũng quấn chăn trên giường ngủ kỹ, thế mà nỡ đặt vè trêu chọc nó, còn định mai mốt sẽ tìm cách bêu riếu nó trong toàn trường, quả là đáng xấu hổ! Lâm bứt rứt nghĩ, và bất giác nghe cay cay nơi sống mũi.
Lâm ngẩng đầu lên, định nói với Đặng Đạo một câu gì đó ra ý xin lỗi.
Nhưng trong khi nó miên man nghĩ ngợi và đợi cho nỗi xao xuyến trong lòng lắng xuống, Đặng Đạo đã không còn đứng ở chỗ cũ.
Chiếc xe rác đã đi ra tới đường lộ, thấp thoáng đằng trước và đằng sau xe là hai chiếc bóng lầm lũi, một người kéo và một người đẩy. Đó là mẹ Đặng Đạo và người nữ đồng nghiệp.
Còn Đặng Đạo thì chẳng thấy đâu. Có thể nó đang loay hoay với các bô rác trong nhà lồng chợ! - Lâm cắn môi, tư lự - Cũng có thể nó đã bỏ đi trước để tránh mặt mình! Ý nghĩ sau khiến Lâm từ bỏ ý định đuổi theo bạn.
Nó đứng ngẩn giữa trời, bần thần ngó theo. Lòng nó đang dậy lên vô vàn cảm giác khác nhau. Nó quên cả lạnh, quên cả “bài thơ hóa học” gió thổi phần phật trên tay đến giờ này vẫn chưa hoàn tất.
Chương 10
Giờ ra chơi sáng nay của lớp 8A4 không giống chút gì với những giờ ra chơi trước đó.
Thường ngày, trống ra chơi vừa vang lên “tùng, tùng, tùng” là khối đứa rạo rực nhỏm dậy, mắt đau đáu trông lên bảng, chờ cho thầy cô bước ra khỏi cửa là xô đẩy giành giật nhau chen ra hành lang.
Nhưng hôm nay, cái âm thanh quyến rũ kia chẳng lôi được đứa nào ra cửa.
Cô Hạ Huệ vừa ôm cặp bước ra là cả mấy chục cái đầu lập tức ngoảnh về phía sau, mấy chục cặp mắt lập tức hấp háy, mấy chục cái miệng lập tức oang oang:
- “Thi sĩ Bình Minh” và “thi sĩ Hoàng Hôn” trình hai bài thơ đi!
- Hôm nay “chung kết”, sẽ biết mèo nào cắn mỉu nào!
Đỗ Lễ chơi chữ:
- Hà hà, thơ hóa học sẽ giúp ta học hóa!
“Họa sĩ” Cung vô đầu, hào hứng:
- Và cô Kim Anh sẽ có dịp khen lớp mình nức nở!
Hải quắn gân cổ át giọng những đứa khác:
- Hôm nay “giải thưởng lớn” chắc chắn sẽ về tay “thi sĩ Hoàng Hôn”! Hoan hõ “thi sĩ Hoàng Hôn”!
Rồi chừng như thấy lời hô hào của mình chưa gây ấn tượng lắm, nó ưỡn ngực lấy hơi, phồng má rền rĩ:
- Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng Hôn tơi bời…
Giọng ca rê như thùng thiếc bể của “ca sĩ” Hải quắn khiến ba, bốn đứa đứng gần đó vội vã đưa tay bịt tai. Còn nhỏ Hiền Hòa thì thét be be:
- Bạn Hải có thôi đi không! Bộ muốn làm “ô nhiễm môi trường” hả?
Hải quắn quay nhìn Hiền Hòa, cười nhăn nhở:
- Muốn tôi ngưng biểu diễn cũng được. Nhưng lát nữa bạn không được ủng hộ “thi sĩ Bình Minh” đấy nhé!
- Vô duyên! - Nhỏ Hiền Hòa trề môi “xì” một tiếng - Hễ thơ ai hay thì tôi ủng hộ, vậy thôi!
Thấy Hải quắn gây áp lực quá xá trắng trợn, Lâm chồm người lên bàn trên giật tay nó, nhăn nhó:
- Mày làm gì kỳ vậy?
Hải quắn cười hề hề:
- Tao vận động cử tri bỏ phiếu cho mày mà!
Tính cự nự thằng bạn nhiệt tình quá lố này một chặp, nhưng thấy nó vì mình mà đâm ra nhí nhố như vậy, Lâm đành thở đánh thượt và làm thinh móc bài thơ trong túi ra, dán lên tờ báo tường ngay sau lưng.
Dãy bên kia, Quý ròm cũng đang cầm bài thơ trên tay bước ra khỏi chỗ ngồi, tiến lại.
Hai bài thơ vừa được dán lên, Quý ròm chưa kịp lui về chỗ cũ, tụi bạn đã ào ào xúm lại, nhướn mắt đọc.
- Ha ha! - Giọng thằng Quốc Ân vang lên trước tiên - Bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” buồn cười quá, tụi mày ơi! Thơ gì chả có một tí tẹo ý nghĩa, vậy mà cũng là thơ đấy!
Quới Lương trợn mắt ngâm nga:
- Bari, Đồng, Sắt, Phốtpho
Ba Cu Fe Phải học cho thuộc lòng
Rồi lắc đầu, khịt mũi bình luận:
- Hỏng bét! Thơ thế chỉ có thánh mới “học cho thuộc lòng” nổi!
- Sao lại không thuộc nổi! - Dưỡng bênh Quý ròm - Ký hiệu của bari là Ba, đồng là Cu, sắt là Fe, phốtpho là P, thơ dễ thuộc quá trời vậy mà mày la không thuộc hả?
Quới Lương vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Tao nói không thuộc được là không thuộc được!
Thái độ của Quới Lương khiến Tần đứng bên nóng gáy. Nó vọt miệng:
- Chỉ có đứa nào dốt đặc cán mai mới không thuộc bài thơ này thôi!
- Mày nói gì thế, thằng ghẻ ngứa? - Quới Lương quắc mắt nhìn Tần - Bộ muốn choảng nhau hả?
- A ha! - Tần xăn tay áo, hùng hổ - Thích thì chiều! Đây không có ngán mày đâu đấy!
Thấy cuộc bình phẩm thơ ca đang có nguy cơ biến thành cuộc luận bàn võ nghệ, nhỏ Hạnh cuống quít xua tay:
- Thôi, thôi, Tần và Quới Lương đừng gây gổ với nhau nữa!
Rồi để làm dịu bầu không khí căng thẳng giữa hai “nhà phê bình” hăng máu này, nhỏ Hạnh đưa mắt nhìn khắp lớp, nói:
- Các bạn khác có ý kiến gì về hai bài thơ này không?
- Có! Tôi có ý kiến! - Quốc Ân hắng giọng - Theo tôi, bài thơ của Quý ròm không những khó nhớ mà tác giả còn dùng từ ngữ bậy bạ nữa!
Quý ròm ngơ ngác:
- Bậy bạ là sao?
Quốc Ân nhún vai:
- Thơ gì mà có “Ba Cu, Cu Ba” loạn xị trong đó!
- Hạnh thấy chẳng có gì bậy bạ ở đây cả! - Nhỏ Hạnh nghiêm giọng - Ba Cu là tên thủ đô nước cộng hòa Azerbaidjan, một thành phố nổi tiếng về công nghiệp dầu khí ở vùng biển Caspienne. Ngay cả Cu Ba cũng thế, đó là tên một đảo quốc ở Trung Mỹ.
Trong khi Quốc Ân nghệt mặt trước lời giải thích của nhỏ Hạnh thì Tần không bỏ lỡ cơ hội trêu tức đối thủ:
- Ha ha! Dốt mà không chịu mình dốt, lại còn bày đặt phê phán người khác!
Giọng lưỡi nhạo báng của Tần làm Quốc Ân tím mặt. Nhưng lần này, nó không đủ dũng khí để phản kích. Biết mình đang thất thố, nó đành sượng sùng ngậm miệng.
Hải quắn “cứu bồ”:
- Nhưng nói gì thì nói bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” không hoàn chỉnh bằng bài thơ của “thi sĩ Hoàng Hôn” được!
- Nói bậy! - Nhỏ Hiền Hòa phản đối - Theo tôi, cả hai bài đều hoàn chỉnh!
Hải quắn hấp háy mắt:
- Bạn đã đọc kỹ chưa đấy! Bài của “thi sĩ Hoàng Hôn” mỗi câu ngoài ký hiệu hóa học đều có nêu nguyên tử khối, bài của “thi sĩ Bình Minh” đâu có!
- Sao lại không có! - Nhỏ Hiền Hòa đỏ mặt - Bài thơ của Quý ở phần sau có nêu nguyên tử khối rõ ràng!
- Đúng thế! - Lớp phó trật tự Minh Vương lên tiếng - Cả hai bài đều có nêu nguyên tử khối, nhưng bài của Lâm nêu liền sau ký hiệu hóa học nên dễ nhớ hơn bài của Quý ròm!
- Xì! - Tần bĩu môi - Bạn là tổ trưởng của Lâm nên bênh nó chứ gì!
Câu nói của Tần khiến Minh Vương sa sầm mặt. Nhưng nó chưa kịp đáp thì nhỏ Hạnh đã lên tiếng:
- Minh Vương nói đúng đấy! Vì nêu nguyên tử khối ngay sau ký hiệu hóa học nên bài thơ của Lâm ngắn hơn, do đó dễ thuộc hơn bài của Quý!
Nhỏ Hạnh là lớp phó học tập, lại vừa là tổ trưởng vừa là bạn thân của Quý ròm. Do đó, khi nó đã lên tiếng khen thơ của “thi sĩ Hoàng Hôn” hay hơn thơ của “thi sĩ Bình Minh”, đám cổ động viên quá khích của Quý ròm không thể bảo là nó thiên vị.
Dưỡng, Tần và Hiền Hòa chỉ biết gục gà gục gặc một cách bất đắc dĩ. Hiền Hòa cố vớt vát:
- Nhưng dù sao bài của Quý không phải là khó thuộc, chỉ hơi dài một tẹo thôi!
Nghe nhỏ Hiền Hòa khen mình mà mặt Quý ròm méo xệch. Bởi trong thâm tâm, nó biết Minh Vương và nhỏ Hạnh nói đúng. Ngay khi hai bài thơ vừa được dán lên, nó đọc lướt qua bài thơ của thằng Lâm và lập tức nhận ra bài thơ của đối phương gọn gàng và dễ nhớ hơn bài của mình nhiều.
“Thi sĩ Bình Minh” vừa buồn vừa lo. Em gái của thi sĩ đang chờ đợi chiến thắng của thi sĩ ở nhà, trưa nay thi sĩ chẳng biết ăn làm sao nói làm sao!
Bạn của thi sĩ cũng buồn không thua gì thi sĩ. Hôm trước, Tiểu Long lo lắng cho thi sĩ, bị thi sĩ võ cớ nạt nộ, nhưng bạn của thi sĩ vẫn bấm bụng nín nhịn, vẫn thất thểu bỏ đi kiếm chỗ “ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh” để thi sĩ được yên tĩnh tập trung đầu óc làm thơ. Tất cả cũng chỉ vì chiến thắng của thi sĩ. Vậy mà hôm nay, mọi thứ bỗng đổ sông đổ bể, bảo bạn của thi sĩ không buồn thỉu buồn thiu sao được!
Dĩ nhiên, trái với vẻ rầu rĩ của Quý ròm và Tiểu Long là những bộ mặt hoan hỉ của Quới Lương, Quốc Ân và Hải quắn. Nhận xét bất ngờ của Minh Vương và nhỏ Hạnh khiến bọn này đứa nào đứa nấy như nở từng khúc ruột.
Quới Lương bô bô:
- Vậy ban cán sự lớp phải nhanh chóng tuyên bố ai là người thắng cuộc!
Hải quắn đảo mắt nhìn quanh:
- “Giải thưởng lớn” về tay “thi sĩ Hoàng Hôn”, không bạn nào phản đối chứ?
Riêng Quốc Ân hào hứng quá mức. Trong một thoáng nó quên phắt, nó là một trong những học sinh yếu nhất lớp. Nó tưởng mình là lớp trưởng. Hải quắn đang còn dò hỏi, chưa ai kịp đáp, nó đã nhảy phóc lên ghế, oang oang tuyên bố luôn:
- Tôi long trọng tuyên bố sau hơn nửa tháng đua tài, “thi sĩ Hoàng Hôn” đã xuất sắc vượt qua “thi sĩ Bình Minh” một cách hùng dũng, đầy khí thế và xứng đáng được nhận “giải thưởng lớn” về thành tích giúp bạn học tập, một giải thưởng cao quý bậc nhất của lớp ta!
Nghe giọng điệu tán dương vung vít của Quốc Ân, đám thằng Dưỡng rất bực nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Chỉ có Tiểu Long là thình lình nổi đóa:
- Mày leo xuống đi! Ai cho mày đứng trên ghế?
Quốc Ân vung tay:
- Hôm nay “giải thưởng lớn”…
Tiểu Long hừ mũi cắt ngang:
- “Giải thưởng lớn” hôm nay chẳng liên quan gì đến mày! Thằng Lâm lãnh giải thưởng chứ đâu phải mày! Mày chỉ có lãnh giải đứng bét lớp thôi!
Đòn công kích của Tiểu Long làm Quốc Ân tối tăm mặt mũi. Nó leo xuống đất, lỏn lẻn nhưng cũng cố bĩu môi trả đũa:
- Hừ, làm như mình học giỏi lắm đấy!
Thấy mầm mống xung đột vừa bị dập tắt có nguy cơ bùng nổ trở lại, lớp trưởng Xuyến Chi vội vàng lên tiếng:
- Như vậy, nếu không có bạn nào có ý kiến gì khác, “giải thưởng lớn” về giúp bạn học tập sẽ được trao cho bạn Lâm!
Nhỏ Vành Khuyên góp ý:
- Đợi đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm đầu tuần hay trao cho nó trang trọng!
- Không! Trao ngay bây giờ cơ! - Hải quắn phản đối - Đợi đến đầu tuần sau, không khí sẽ… nguội mất!
Nhỏ Hiền Hòa “hứ” một tiếng:
- Không khí mà làm như nước sôi không bằng!
Nhỏ Xuyến Chi đảo mắt một vòng, thấy không ai nói gì, liền nhìn nhỏ Hạnh, mỉm cười:
- Thôi thì trao ngay bây giờ vậy!
Nhận được hiệu lệnh, nhỏ Hạnh cúi xuống lôi từ trong ngăn bàn ra một gói quà bọc giấy hoa, có thắt nơ cẩn thận.
Quới Lương láu táu:
- Gì trong đó vậy? Mở ra coi đi!
Nhỏ Hạnh phớt lờ yêu cầu của Quới Lương. Nó chậm rãi tiến về chỗ Lâm ngồi, hai tay nâng cao gói quà:
- Thay mặt ban cán sự lớp, tôi xin trao phần thưởng này cho bạn!
Lâm líu ríu đứng dậy, mặt đỏ lên vì sung sướng và vì xúc động. Ngay cả trong mơ, nó cũng không bao giờ hình dung ra cảnh tượng ngày hôm nay.
Cả lớp đang chờ nó làm trò, nhưng thằng Lâm bữa nay lại chẳng giống chút nào với thằng Lâm khôi hài mọi bữa. Nó lóng ngóng đỡ lấy gói quà từ tay nhỏ Hạnh, mặt mày ngẩn ngơ còn miệng thì lúng búng:
- Cảm ơn…
Lâm chỉ nói được hai tiếng, rồi ngưng bặt, một phần nó cũng chẳng biết nói gì thêm, phần khác tiếng vỗ tay rào rào của tụi bạn đồng loạt vang lên khiến tai nó như ù đi.
Trong niềm vui sướng khôn cùng, nó rưng rưng khi thấy trong đám bạn bè đang nồng nhiệt tán dương và mừng cho nó có cả Tiểu Long và “thi sĩ Bình Minh” Quý ròm, kẻ vừa “đại bại” dưới tay nó, có cả “phe chống đối” Dưỡng, Tần và Hiền Hòa ở tổ 1, có cả Đặng Đạo, nạn nhân khốn khổ của nó.
Bóng dáng của Đặng Đạo vừa đập vào mắt, thốt nhiên Lâm nghĩ ngay đến những câu thơ tai ác trước đây của mình, đến hình ảnh một đứa bạn nhà nghèo tối nào cũng phải lang thang ngoài đường, vất vả khuân từng bô rác giữa đêm khuya để đỡ đần cho mẹ. Sự vất vả đó, cũng như lòng hiếu thảo đó, Lâm chẳng bằng một góc. Vậy mà nó nỡ đi đặt vè trêu bạn. Những gì Lâm tình cờ chứng kiến hôm qua, bầu không khí sôi động và náo nhiệt của cuộc tranh tài vừa rồi đã làm nó thoáng quên đi, giờ đây chợt hiện ra mồn một trong đầu khiến lòng nó bỗng nhói lên một cái và niềm vui trong lòng Lâm chợt vơi đi quá nửa. Bất giác nó cảm thấy hổ thẹn với tràng vỗ tay của bạn bè và với cả phần thưởng trên tay mình.
Vì vậy, cả lớp không khỏi sửng sốt khi Quới Lương bông đùa nhắc lại câu nói của Lâm hôm trước:
- Bây giờ “thi sĩ Hoàng Hôn” sẽ tặng lại phần thưởng cho những bạn có gia cảnh khó khăn chứ?
Thì Lâm liền lặng lẽ bước ra khỏi chỗ, đi thẳng lên bàn đầu, chỗ Đặng Đạo ngồi, với những bước chân dứt khoát và nghiêm trang trao gói quà vào tay Đặng Đạo:
- Đúng vậy! Tôi xin tặng phần thưởng này lại cho bạn Đặng Đạo…
Hành động bất ngờ của Lâm khiến cả lớp ngơ ngác, chả rõ nó cố tình làm trò hay là tặng thật.
Còn Đặng Đạo thì giãy nảy:
- Mày làm gì thế? Làm sao tao có thể nhận “giải thưởng lớn” này được? Tao có giúp bạn học tập hồi nào đâu!
Lâm điềm nhiên:
- Gói quà này bây giờ là của tao chứ không còn là của lớp! Tao tặng lại cho mày vì tao đã…
Lâm mới nói tới đó, Đặng Đạo đã hấp tấp cắt ngang:
- Này, này…
Đặng Đạo sợ Lâm sẽ nói lộ ra câu chuyện tối hôm qua, điều mà trước nay vì mắc cỡ nó không muốn cho bạn bè biết.
Nhưng Lâm đâu phải là một thằng khờ. Nó đâu có định nói chuyện đó. Nó nói chuyện khác. Nó nói:
- Vì tao đã trót làm mấy câu vè chế nhạo mày!
Và nó ấn mạnh gói quà vào tay Đặng Đạo:
- Món quà này coi như là lời xin lỗi của tao!
Tiếng vỗ tay của cả lớp đã ngưng giờ lại vang lên rầm rộu một lần nữa, thậm chí tràng pháo tay lần này còn lớn hơn và dài hơn tràng pháo tay khi nãy.
- Chuyện đã qua lâu rồi, nhắc lại làm chi! - Đặng Đạo cảm động nói, giọng vui sướng và nhẹ nhõm - Lẽ ra mày nên giữ “giải thưởng lớn” này làm kỷ niệm.
Khi nói như vậy, Đặng Đạo có biết đâu hôm nay thằng Lâm tuy không còn gói quà trên tay nhưng lòng Lâm còn vui sướng hơn nó gấp bội. Hôm nay thằng Lâm được ban cán sự lớp trao giải thưởng, được bạn bè công khai vỗ tay khen ngợi, được cơ hội xin lỗi Đặng Đạo một cách đàng hoàng, nói chung là được rất nhiều thứ mà trước đây nó dại dột đánh mất. Đó chính là “giải thưởng lớn” của Lâm, cái “giải thưởng” mà có vét hết quỹ lớp cũng không thể nào mua nổi!
Đó là niềm vui của “thi sĩ Hoàng Hôn”. Thế trong chuyện này “thi sĩ Bình Minh” có vui tẹo nào không?
Tác giả truyện này có thể thưa ngay với các bạn là: Vui!
Tất nhiên thoạt đầu Quý ròm nhà ta có hơi buồn, thậm chí khi nghĩ đến ánh mắt tinh quái của nhỏ Diệp đang đợi mình ở nhà, Quý ròm không những buồn mà còn lo nữa. Nhưng khi nhỏ Hạnh long trọng trao gói quà vào tay “thi sĩ Hoang Hôn” thì Quý ròm không buồn nữa, dù sao thì nó vẫn cảm thấy “thi sĩ Hoàng Hôn” quả xứng đáng nhận “giải thưởng lớn” hơn mình, và đến khi “thi sĩ Hoàng Hôn” tặng lại phần thưởng cho Đặng Đạo một cách hào hiệp thì “thi sĩ Bình Minh” cảm thấy lòng mình như đang có muôn nghìn tia nắng nhấp nháy.
Nó vui vẻ nói với Tiểu Long:
- Thằng Lâm này hay thật mày ạ! Nếu phần thưởng đó về tay tao, tao chả nghĩ ra chuyện tặng cho người khác đâu!
Tiểu Long nheo mắt:
- Ngay cả người khác đó là tao?
- Mày hả? - Quý ròm nhún vai - Mày cũng thế thôi!
Rồi nó buột miệng “à” một tiếng, như chợt nhớ ra:
- Tao không tặng lại phần thưởng cho mày, nhưng tao sẽ mời mày đến nhà…
Thấy Quý ròm ra giọng hào phóng, đột nhiên bỏ lửng, Tiểu Long nôn nao:
- Mời tao đến nhà làm gì? Đãi tiệc hả?
- Không! - Quý ròm toét miệng cười - Mời mày đến “ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh” và chống mắt lên xem tao mở quà thôi! Hì hì!
1997
Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
Nguồn: hgth.vn