Chương 9
Trưa hôm sau, bọn thằng Tùng vừa lò dò tới ngọn đồi dẫn xuống rẫy cà phê đã thấy K’Brết đứng đợi ngay trên đỉnh dốc.
K’Brết tì tay trên cây ‘xà bát’, mặt buồn xo, đăm đăm nhìn mọi người.
Nhỏ Hạnh rảo bước lên trước, thấp thỏm hỏi:
- Ba em đã tìm lại được chiếc túi chưa hở K’Brết?
K’Brết trả lời nhỏ Hạnh bằng cái lắc đầu buồn bã.
- Lạ thật! – Nhỏ Hạnh đưa tay vỗ vỗ trán – Chiếc túi nếu rơi xuống đất thì nó còn đó chứ biến đi đâu!
Bốc vọt miệng:
- Có thể bọn sóc hay chồn cáo đã tha mất rồi!
- Ừ, có thể lắm!
Tùng gật gù phụ họa. Nhưng sau khi buột miệng, không hiểu sao Tùng bỗng cảm thấy bứt rứt quá chừng. Không dám nhìn thẳng vào mặt K’Brết, nó cúi đầu lẽo đẽo theo chân Bốc.
- Hôm qua mày có nhìn thấy chiếc túi của ba tao không hở Tùng?
Khi Tùng đi ngang qua chỗ K’Brết đứng, K’Brết đột nhiên xoay người lại và cất tiếng hỏi.
Câu hỏi thình lình khiến Tùng giật thót. Nó lắc đầu lia lịa:
- Không! Không thấy! Thậm chí tao còn không biết chiếc túi đó có hình dạng ra sao nữa!
K’Brết chớp chớp mắt:
- Hôm trước chính mày hỏi tao có biết ba tao đựng gì trong túi hay không kia mà?
Lần này thì Tùng chết điếng. Nó gãi đầu, rồi lại gãi gáy, làm như có hàng trăm con chí đang bò nhặng trên đó:
- Ủa, tao có hỏi như vậy hả?
- Thì mày hỏi chứ ai!
Tùng cười méo xệch:
- Vậy mà tao quên bẵng mất. Dạo này sao tao hay quên quá!
K’Brết vẫn dán mắt vào mặt bạn:
- Thế bây giờ mày đã nhớ ra chiếc túi đó chưa?
Tùng liếm môi:
- Tao chỉ nhớ mang máng thôi. Hình như đó là chiếc túi màu đỏ …
- Đúng rồi! – Mắt K’Brết sáng lên – Thế mày có thấy nó đâu không?
- Không!
Câu trả lời của Tùng khiến K’Brết xịu mặt. Rồi như chợt nhớ ra, nó lại hỏi:
- Hôm qua mày phụ với ba tao kéo đá phải không?
Chắc thằng này đang nghi ngờ mình! Tùng hồi hộp nhủ bụng. Nhưng nó đã kịp nghĩ ra cách giải thích trơn tru:
- Hôm qua, lúc quanh ra sau nhà mày để bắt cào cào, tao thấy ba mày đang ì ạch kéo một tảng đá to tướng. Thế là tao chạy lại phụ một tay …
Nói xong, không để K’Brết có thì giờ nghĩ ra câu hỏi cắc cớ khác, Tùng nắm lấy cổ tay nó:
- Xuống suối chơi với tao đi! Tụi nó đi cả rồi kìa!
Khi hai đứa xuống hết con dốc đã thấy bọn con gái lom khom xắn quần chuẩn bị lội xuống ao. Trên tảng đá ở bờ ao bên cạnh, thằng Bốc đang loay hoay móc mồi vào lưỡi câu.
Nhác thấy K’Brết, Bốc nhờ vả ngay:
- Mày đào trùn giùm tao đi! Con nhện này nhỏ xíu, chắc bọn cá chả thèm xơi!
Nhưng khác với mọi lần, hôm nay K’Brết chẳng hào hứng gì với chuyện đào giun. Nó ngồi bệt trên cỏ, bó gối nhìn xuống suối.
- Mày làm sao thế hả K’Brết? – Vẻ thờ ơ của K’Brết làm Bốc tức điên.
Mặc cho Bốc la lối, K’Brết chẳng nói chẳng rằng, cũng nhúc nhích.
Bốc càng đỏ mặt tía tai:
- Hay là mày sợ bọn tao câu hết cá của mày?
K’Brết vẫn câm như thóc.
- Hà hà, tao nói trúng bụng dạ mày nên mày làm thinh chứ gì! – Bốc cố tìm cách trêu tức K’Brết – Tao biết mày là một đứa xấu bụng mà!
Mọi hôm nghe Bốc bảo mình xấu bụng, K’Brết vội vàng phản ứng ngay. Nhưng bữa nay nó chả buồn thanh minh. Nó cứ ngồi trơ, mặt buồn rười rượi.
Thấy K’Brết nhất quyết giả điếc, Bốc chán quá. Nó chẳng còn hứng thú trêu chọc nữa, lại cúi đầu hí hoáy với nhách mồi nhện bé tí.
- Mày làm gì mà buồn thỉu buồn thiu thế hả K’Brết?
Tùng mon men lại gần bạn, khẽ hỏi.
Tùng khác Bốc. Tùng không bao giờ trêu K’Brết, cũng không bảo K’Brết xấu bụng. Vì vậy, nghe Tùng hỏi, K’Brết chậm chạp quay đầu lại.
K’Brết quay lại nhưng không đáp, chỉ giương cặp mắt buồn rầu nhìn bạn.
Tùng tiếp tục dọ dẫm:
- Mày buồn vì chiếc túi của ba mày bị mất hả?
Lần này thì K’Brết gật đầu nhưng môi nó vẫn mím chặt.
K’Brết làm Tùng ngạc nhiên quá đỗi:
- Chuyện đó có gì đâu mà buồn? Ai chả có lúc đánh mất một thứ gì đó!
K’Brết lại quay đầu nhìn xuống suối, giọng như gió thoảng:
- Nhưng ba tao bịnh. Từ tối hôm qua đến giờ, ba tao nằm một chỗ, không buồn dậy.
Tùng gãi má:
- Chỉ vì mất chiếc túi à?
- Ừ.
Tùng nín thở:
- Chiếc túi đó quan trọng đối với ba mày đến thế sao?
- Ừ.
Tùng không nghĩ K’Brết lại thừa nhận dễ dàng như thế. Nó phân vân không biết có nên dò hỏi tiếp hay không. Tùng nhớ hôm trước K’Brết đã có lần nói về chiếc túi. K’Brết bảo từ khi mẹ nó mất, nó mới nhìn thấy ba nó đeo chiếc túi này. Nó bảo ba nó giữ chiếc túi rất kỹ, thậm chí ngay cả nó cũng không được đụng vào. Như vậy chắc K’Brết chả biết trong túi đựng gì! Chắc nó thấy sau khi đánh mất chiếc túi, ba nó lăn ra ốm nên nó cho rằng chiếc túi rất quan trọng thôi! Tùng nghĩ thầm và tặc lưỡi trấn an:
- Tao nghĩ trong chiếc túi kia chẳng có gì quan trọng đâu. Ba mày ốm chắc tại hôm qua làm việc quá sức thôi.
K’Brết khăng khăng:
- Không phải! Ba tao bịnh chính vì chiếc túi. Chiếc túi đó rất quan trọng với ba tao.
- Mày chỉ toàn nói mò! – Tùng “xì” một tiếng – Mày có biết trong túi đựng gì đâu mà quả quyết như thế!
- Tao biết!
Câu trả lời chắc nịch của K’Brết làm Tùng há hốc miệng:
- Mày biết?
- Ừ. Tao biết.
- Thế sao mày bảo chưa bao giờ mày được đụng vào chiếc túi này?
K’Brết khụt khịt mũi:
- Tao chưa từng đụng vào thật, tao cũng chưa hề nhìn thấy những gì chứa trong đó. Nhưng sáng nay tao hỏi và ba tao đã nói cho tao biết.
Tùng “à” một tiếng: Thì ra thằng K’Brết nghe ba nó nói! Nhưng chắc gì ông K’Bing đã nói thật! Từ trước đến nay, ông K’Bing đã giấu K’Brết biết bao nhiêu là chuyện. Nó không hề biết ba nó nuôi con bạch xà. Nó không biết ba nó là phù thủy.
- Thế ba mày nói gì? – Tùng nghi hoặc hỏi.
Giọng K’Brết thốt nhiên trầm trầm:
- Ba tao bảo chiếc túi đó đựng những vật kỷ niệm của mẹ tao.
Biết ngay mà! – Tùng bật kêu trong đầu – Ông K’Bing không đời nào tiết lộ những việc làm ám muội của mình cho K’Brết biết. Rõ ràng trong chiếc túi chỉ có cái “càn khôn khuyên” và chiếc nanh cọp dùng để luyện “con thuốc độc”, thế mà ông lại nói dóc là chứa những vật kỷ niệm của bà Ka Eo.
Tùng nhìn K’Brết, đắc ý hỏi:
- Thế ba mày có nói rõ những vật kỷ niệm của mẹ mày là những vật gì không?
- Có.
Tùng vờ vịt:
- Chắc đó là chiếc khăn hay trâm cài tóc phải không?
- Không! – K’Brết chớp mắt – Ba tao bảo trong túi đựng một chiếc vòng đồng và một chiếc nanh cọp!
Câu trả lời của K’Brết khiến Tùng sững người như va phải tường. Mặt nó thoắt ngẩn ngơ:
- Ba mày bảo vậy hở?
- Ừ.
- Thế cái “càn khôn khuyên” đó là của mẹ mày hay sao?
K’Brết ngơ ngác:
- Cái “càn khôn khuyên” nào?
- À không! – Sực nhận ra mình nói hớ, Tùng vội lấp liếm – Ý tao muốn nói đến chiếc vòng đồng ấy mà!
- Ba tao bảo chiếc vòng đồng đó bên nhà mẹ tao tặng cho ba tao lúc đi hỏi ba tao cho mẹ tao!
- Thì ra vậy! Thế mà tao cứ tưởng …
Tùng buột miệng cảm khái. Nhưng đến phút chót nó kịp dừng lại. Suýt chút nữa nó đã nói huỵch toẹt câu chuyện Na Tra thái tử thằng Bốc vừa kể với nó.
- Mày tưởng sao? – K’Brết ngó bạn.
- À không! – Tùng hấp tấp lảng sang chuyện khác – Thế còn chiếc nanh cọp? Chiếc nanh cọp cũng do bên mẹ mày tặng cho ba mày hả?
- Không! – K’Brết lắc đầu, cặp mắt nó chợt trở nên xa xăm – Chiếc nanh cọp là vật khước của mẹ tao. Mẹ tao thường đeo trên cổ, ngay từ bé tao đã nhìn thấy nó rồi!
Tới đây thì Tùng không còn gì để hỏi. Nó bắt chước K’Brết ngoảnh mặt nhìn xuống suối và cảm thấy lòng ngập tràn hối hận.
Thì ra chiếc túi vải đỏ ông K’Bing lúc nào cũng giắt theo người kia không phải là chiếc túi bùa phép như nó vẫn tưởng. Chiếc vòng đồng không phải là cái “càn khôn khuyên” và chiếc nanh cọp cũng không phải thứ để luyện thành con trăn lớn. Đó chỉ là những kỷ vật của người vợ yêu quý của ông. Hẳn khi bà Ka Eo còn sống, ông K’Bing yêu vợ lắm nên bây giờ ông không muốn rời xa những vật kỷ niệm thiêng liêng kia một phút giây nào.
Vậy mà nó lại nỡ lừa đánh cắp chiếc túi đó của ông. Khiến ông rầu rĩ đến liệt giường. Khiến thằng K’Brết ủ rũ đến mức không buồn động tay động chân, mặc thằng Bốc nói hành nói tỏi. Mình bậy ghê!
Tùng tự rủa thầm mình tơi tả. Nhưng hối hận suông cũng chẳng ích gì, nó quay sang K’Brết:
- Mày yên tâm đi! Tao sẽ tìm lại chiếc túi đó cho ba mày!
K’Brết chán nản:
- Mày biết chiếc túi đó ở đâu mà tìm!
Tùng hùng hổ:
- Tao biết!
Giọng điệu quả quyết của Tùng khiến K’Brết tròn xoe mắt:
- Mày biết?
- À, à … thật ra thì tao không biết! – Tùng chột dạ chặn tay lên vạt áo và lúng túng chữa lại – Nhưng tao nghĩ sớm muộn gì tao cũng sẽ tìm thấy. Nếu cố gắng thì tao sẽ tìm thấy.
K’Brết lắc đầu:
- Mày sẽ không tìm thấy đâu. Tao và ba tao đã bới tung từng bụi cỏ cũng chẳng tìm ra nữa là.
- Tao sẽ tìm ra! – Tùng khăng khăng.
K’Brết thở dài:
- Nhưng trưa mai mày đã về lại thành phố rồi. Mày sẽ không còn bao nhiêu thời gian nữa.
Tùng chém tay vào không khí:
- Nếu chưa tìm ra chiếc túi, tao sẽ tiếp tục ở lại đây. Tao chỉ về thành phố khi nào đã tìm ra chiếc túi cho ba mày.
Tùng làm K’Brết cảm động quá chừng. Nó sờ tay lên cánh tay Tùng, chớp chớp mắt:
- Mày tốt bụng ghê!
Tùng cũng chớp chớp mắt, nhưng không phải vì cảm động hay sung sướng. Tùng xấu hổ trước lời khen thành thật của bạn. Thằng K’Brết này khờ ghê! Nó đâu có biết mình chính là thủ phạm đánh cắp chiếc túi của ba nó và hiện đang giấu ở trong cạp quần!
Trong khi Tùng đang bối rối chưa biết phải nói gì thì bọn con gái đã giải vây giùm nó. Nhỏ Trang kêu:
- Anh Tùng ơi, lại đây xem nè!
Nhỏ Phệ rối rít:
- Hôm nay tụi em bắt được nhiều ốc lắm anh Tùng ơi!
Nhỏ Trang lại nói:
- Ngày mai chị Hạnh và anh về dưới rồi, hôm nay là bữa cuối, tụi em cố bắt nhiều thật nhiều!
Bốc ngồi trên tảng đá cạnh đó, cười khẩy:
- Hai con nhóc này! Tụi mày vớt sạch ốc của thằng K’Brết như thế, không sợ nó giận sao?
Nhỏ Trang nghinh mặt:
- Anh K’Brết đâu có giận!
Rồi quay sang K’Brết, nhỏ Trang hấp háy mắt:
- Anh đâu có giận, phải không anh K’Brết?
K’Brết đâu có giận. Nhất là khi thằng Tùng hứa tìm lại chiếc túi cho ba nó, nó đang vui lắm. Vì vậy nghe nhỏ Trang hỏi, K’Brết nhanh nhẹn gật đầu và nhoẻn miệng cười.
K’Brết ít khi cười. Nhưng khi nó cười nom cũng dễ thương ra phết.
Chương 10
Theo sự sắp xếp của cô Bảy, chị em nhỏ Hạnh sẽ về thành phố trên chuyến xe trưa, từ Đà Lạt xuống.
Sáng vừa ngủ dậy, hai chị em phải loay hoay phụ với cô Bảy và nhỏ Trang gom các thứ trái cây bỏ vào giỏ xách và nhét đầy các loại túi đựng. Thôi thì không thiếu thứ gì: bơ, sầu riêng, mít, đu đủ …
Tùng ăn trái cây mấy ngày qua phát ngán, bây giờ thấy túi nào túi nấy chật căng, không khỏi phát hoảng:
- Nặng quá, tụi con xách không nổi đâu!
Cô Bảy cốc nhẹ lên đầu Tùng:
- Cháu đừng có làm biếng! Xe đò chở từ đây tới bến, sau đó xích lô chở tới tận nhà. Cháu và chị Hạnh chỉ mỗi việc bê lên bê xuống, có gì mà nổi với không nổi!
Anh em thằng Bốc qua chơi từ sớm, đang phụ với chị em Tùng sắp xếp đồ đạc, nghe vậy liền cười hí hí.
Bốc khoe:
- Mỗi khi tao xuống thành phố thăm nội tao, tao xách theo gấp mấy lần chỗ này còn được nữa là!
Nhỏ Phệ vừa nhảy tưng tưng vừa vỗ tay đôm đốp:
- Lêu lêu! Anh Tùng làm biếng!
Con Bờm sáng nay bỏ thói quen rong chơi với lũ thằng Vàng thằng Vện bên sân nhà cô Tươi. Nó cứ luẩn quẩn mãi bên chân Hạnh và Tùng để tỏ nỗi lưu luyến trước phút chia tay. Thấy anh em thằng Bốc trêu Tùng quá xá, nó kêu lên ư ử như muốn bênh vực cho Tùng. Nhưng tiếc là không ai trong những người đang có mặt làm phiên dịch giùm Bờm được, nên thằng Tùng đành phải lỏn lẻn tự bào chữa:
- Tao chỉ nói thế thôi, nhưng xách thì vẫn xách!
Rồi nó toét miệng cười:
- Lát nữa có mày, nhỏ Phệ và thằng K’Brết bê cách túi này lên xe giùm tao, tao đâu có lo!
Nhắc đến K’Brết, bất giác Tùng ngoảnh cổ nhìn ra đường. Hôm qua K’Brết bảo sáng nay khoảng mười giờ nó sẽ ra tiễn chị em Tùng lên xe. Nhưng bây giờ đã hơn chín giờ rồi vẫn chẳng thấy tăm hơi nó đâu.
Tùng bâng khuâng nhớ đến vẻ mặt rạng rỡ của K’Brết chiều hôm qua khi Tùng đưa chiếc túi vải đỏ cho nó.
- Ôi, hay quá! – K’Brết reo lên, ngỡ ngàng và cảm động – Mày tìm được rồi à?
- Ừ, tao mới tìm được.
K’Brết chưa hết bàng hoàng. Nó cầm lấy chiếc túi vải lật tới lật lui rồi gí mắt nhòm vào miệng túi, sung sướng buột miệng:
- Còn đủ cả chiếc nanh cọp lẫn chiếc vòng đồng! Tuyệt thật!
Nó ngước nhìn Tùng bằng ánh mắt long lanh:
- Mày tìm thấy chiếc túi ở chỗ nào vậy?
Tùng chỉ bâng quơ ra phía sau:
- Ở gốc cà phê đằng kia.
- Mày giỏi thật đấy! – K’Brết tấm tắc – Tao với ba tao sục sạo khắp mà chẳng thấy!
Rồi nó nhìn Tùng, vui vẻ:
- Mày đợi tao một chút nhé!
Nói chưa dứt câu, K’Brết đã ba chân bốn cẳng phóng vụt vào nhà. Chắc nó đem chiếc túi khoe với ba nó. Tìm lại được những vật kỷ niệm, ông K’Bing hẳn sẽ khỏi bệnh. Hẳn ông sẽ ngồi dậy, sẽ lại ra rẫy, lại hì hục kéo đá từ suối lên. Và K’Brết hẳn sẽ thôi buồn rười rượi, thôi suốt ngày bó gối thẫn thờ nhìn nước chảy róc rách dưới khe. Tùng nhìn theo lưng bạn, lòng dậy lên một nỗi bồi hồi khó tả.
Tiếng nhỏ Trang vang lên cắt đứt những hồi tưởng miên man trong đầu Tùng:
- Ba đi đâu hở mẹ?
- Ba vào rẫy! – Cô Bảy đáp, tay vẫn hí hoáy buộc chặt các miệng túi với những sợi lạt mềm.
- Sao hôm nay ba vào rẫy sớm vậy?
Cô Bảy chưa kịp đáp, Bốc đã vọt miệng ra vẻ hiểu biết:
- Sáng hôm kia, mẹ tao nhìn thấy ông K’Bing kéo đường ống qua đồi bên kia bơm nước tưới cà phê cho ông Năm Lực. Cho nên sáng nay ba mày vào rẫy hỏi tội ông K’Bing đấy!
- Không phải là hỏi tội! – Cô Bảy đính chính – Ba con vào hỏi cho rõ nguyên do thôi! Lẽ ra ông K’Bing không được tự tiện làm thế! Mưa mới vài cơn, nước còn chưa đủ tưới cho cà phê nhà mình mà!
Sự đối đáp lọt vào tai Tùng khiến nó hóp bụng lại. Thế thì nguy cho cha con ông K’Bing mất!
Ông K’Bing tự ý chạy máy bơm tưới cà phê cho ông Năm Lực hẳn là không ổn rồi. Dượng Toàn sắm máy bơm để tưới cà phê nhà. Chỉ khi nào cà phê nhà đủ nước, mới kéo ống đi tưới thuê cho những rẫy khác. Tất nhiên, chỉ dượng Toàn mới có quyền quyết định những chuyện quan trọng như vậy. Đằng này ông K’Bing chẳng buồn hỏi qua ý kiến dượng Toàn, ngang nhiên kéo đường ống qua đồi ông Năm Lực, lơ ngơ thế nào lại để cho cô Tươi trông thấy, thật phiền!
Tùng càng nghĩ càng nơm nớp. Đã vậy, thằng Bốc miệng mồm cứ oang oang:
- Phen này ông K’Bing chết chắc rồi! Dứt khoát ổng tưới nước cho ông Năm Lực là để kiếm tiền uống rượu chứ không sai!
Tùng hừ giọng:
- Sao mày biết?
- Sao lại không biết! – Bốc nhơn nhơn – Chỉ có ham rượu, ông K’Bing mới làm liều thế thôi!
Tùng “xì” một tiếng:
- Chưa chắc!
Tuy ngoài mặt hùng hổ phản đối, bụng Tùng vẫn thấp thỏm không yên. Nó đã sắp lên xe rồi mà K’Brết vẫn chưa chịu ló dạng. Như vậy trong rẫy ắt đã xảy ra chuyện gì rồi.
Nó rờ rẫm các túi trái cây bằng những ngón tay hờ hững, mắt ngóng ra đường quốc lộ.
Đang thẫn thờ, mắt Tùng bỗng sáng lên. Nó vừa nhác thấy một bóng người băng qua đường.
Nhưng nỗi mừng rỡ của Tùng vừa bừng lên lập tức xìu ngay xuống và biến thành sự hồi hộp: Người vừa xuất hiện không phải K’Brết, mà là dượng Toàn.
Dượng Toàn bước vào nhà, buông phịch người lên ghế và giở chiếc nón vải trên đầu xuống, quạt phành phạch.
Năm đứa trẻ không hẹn mà cùng phấp phỏng dán mắt vào dượng. Tùng nghe cổ họng mình đột nhiên khô đắng, nó rất muốn hỏi dượng Toàn rằng dượng đã gặp ông K’Bing chưa và tại sao thằng K’Brết đến giờ này vẫn chưa ra tiễn nó như đã hứa, nhưng cuối cùng nó kềm lại được.
Tùng nuốt nước bọt, cố đứng im nhưng các ngón chân cứ ngọ nguậy liên tục.
Nhưng Tùng không phải đợi lâu. Dượng Toàn quạt thêm vài ba cái rồi đặt chiếc nón lên đùi và quay sang chị em nó:
- Mấy hôm vừa rồi, các cháu câu cá và bắt ốc ở đâu thế?
Hạnh và Tùng chưa kịp đáp, nhỏ Trang đã láu táu:
- Ở hai cái ao trong rẫy cà phê nhà mình đó ba!
Dượng Toàn nheo mắt nhìn con gái:
- Con nghĩ trong hai cái ao đó có cá và ốc à?
Cô Bảy mỉm cười:
- Đó là hai cái ao chứa nước dẫn ngoài suối vào dành để tưới cà phê, làm gì có cá và ốc bươu hở con!
Tùng gãi đầu:
- Thế nhưng rõ ràng tụi cháu …
Dượng Toàn khoát tay:
- Mấy hôm nay dượng cứ tưởng tụi cháu câu cá và bắt ốc trong ao cá của ông Năm Lực ở đồi bên kia, không ngờ là trong hai cái ao nhà mình!
Nhỏ Trang phụng phịu:
- Ao nhà mình cũng có cá và ốc mà ba!
- Đúng đó chú Toàn! – Bốc vọt miệng phụ họa – Thằng K’Brết xưa nay vẫn nuôi cá rô phi và ốc bươu trong ao nhưng nó cố tình giấu mọi người đó thôi!
Dượng Toàn tặc tặc lưỡi:
- Hai cái ao đó không thể nuôi cá được. Vì đó là hai cái ao chứa nước tưới.
Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác của bọn trẻ, dượng gật gù nói thêm:
- Cá và ốc mà các cháu bắt được là do cha con ông K’Bing mới thả xuống mấy hôm nay thôi!
- Em hiểu rồi! – Cô Bảy nói như reo – Ông K’Bing tưới nước cho ông Năm Lực chính là để đổi lấy cá và ốc đem về thả xuống ao phải không?
- Chính thế!
Xác nhận của dượng Toàn khiến mặt mày bọn trẻ nghệt ra.
Nhỏ Hạnh ngoảnh sang Tùng và Bốc:
- Hèn gì khi lần đầu bọn mình hỏi, K’Brết cứ khăng khăng là dưới ao không có cá! Hóa ra là ao không có cá thật!
Tùng đập tay lên vai Bốc:
- Như vậy là mày trách oan thằng K’Brết rồi!
- Lạ thật! – Bốc vò đầu – Việc gì ông K’Bing phải làm thế nhỉ?
Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt:
- Có lẽ nghe K’Brết bảo chị và Tùng không chịu xuống ao cá bà Sáu Dền ở dưới thị trấn, chỉ thích câu cá và bắt ốc ở hai cái ao trong rẫy nên ông K’Bing muốn làm như thế để bọn mình vui.
Nhỏ Phệ vỗ tay:
- Đúng rồi! Em thấy lúc đó anh K’Brết nói chuyện với ông K’Bing lâu lắm. Nhất định là hai cha con ảnh bàn cách kiếm cá và ốc bươu thả xuống ao.
Nhỏ Trang mặt mày rất đỗi hớn hở. Có lẽ mấy hôm nay nó ấm ức chuyện thằng Bốc cứ vặc K’Brết liên tục nên nó nhảy tưng tưng, miệng hét tướng:
- Anh K’Brết không xấu bụng! Anh K’Brết không phải là người xấu bụng!
Cái giọng la chói lói của nhỏ Trang làm Bốc đỏ mặt. Nó khụt khịt mũi:
- Nhưng mọi chuyện cũng tại thằng K’Brết cả thôi! Ai bảo nó không chịu nói rõ!
Dượng Toàn bênh K’Brết:
- K’Brết làm thế vì không muốn làm các cháu cụt hứng! Nếu biết cá và ốc mình bắt được là cá và ốc mới thả xuống, các cháu đâu có hí ha hí hửng như mấy ngày qua!
Lời giải thích của dượng Toàn chí lý đến mức Bốc chẳng bắt bẻ gì được. Nó hậm hực lái câu chuyện sang hướng khác:
- Nhưng ông K’Bing là phù thủy. Ông K’Bing nuôi “con thuốc độc”.
Thằng Bốc này quả là bướng bỉnh. Thằng Tùng đã nói cho nó nghe sự thật về chiếc nanh cọp và chiếc vòng đồng nhưng nó vẫn một mực không tin. Nó bảo cha con ông K’Bing toa rập với nhau bịa ra câu chuyện đó để thằng Tùng động lòng trả lại chiếc túi bùa phép. Nó còn chê Tùng là cả tin và ngờ nghệch. Nghe Bốc nói vậy, tuy bất phục nhưng Tùng chẳng biết làm sao để chứng minh, đành câm miệng hến.
Nhưng dượng Toàn không phải là Tùng. Dượng nhìn Bốc, điềm tĩnh nói:
- Chú cũng có nghe người ta nói vậy. Nhưng điều đó không đúng với sự thật …
Tùng tươi nét mặt:
- Không đúng là sao hở dượng?
Dượng Toàn chậm rãi:
- Ông K’Bing không phải là phù thủy. Trong buôn Nausri, phù thủy là ông K’Tay. Khác với cách hiểu của chúng ta, với người K’Ho, phù thủy là người được thần linh chỉ định, có nhiệm vụ trừ khử tai họa và bệnh tật, đem lại yên vui cho dân làng. Nhưng ông K’Tay không phải là người tốt. Cách đây nửa năm ông phao tin đã phát hiện được một tảng đá tiên ở trên núi, đó là tảng đá có in dấu chân của thần linh. Ông bảo nước đọng trong dấu chân là thứ nước phép có thể chữa được những bệnh do tà ma làm. Thế là dân trong buôn ùn ùn đem trâu, heo, dê, gà đến nhờ ông phù phép và trị bệnh bằng nước thánh.
Câu chuyện dượng Toàn kể hấp dẫn đến nỗi dượng vừa ngưng lại lấy hơi, bọn trẻ, kể cả Bốc, liền nhao nhao:
- Sao nữa hở dượng?
- Rồi sau đó thế nào hả chú?
- Tảng đá tiên đó có thật không hở ba?
Dượng Toàn nhún vai:
- Tất nhiên là không có thật. Nhưng nhiều người vẫn tin. Nhất là khi ông K’Tong, bà Ka Đụi rồi nhỏ Ka Huen lần lượt bị bệnh, ông K’Tay nhân cớ đó vu ông K’Bing thả “con thuốc độc” …
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:
- Sao ông K’Tay không vu cho người khác mà đổ cho ông K’Bing hở dượng?
Dượng Toàn thở dài:
- Vì ông K’Bing là người bẫy cọp giỏi nhất vùng, vu cho ông luyện sợi ria cọp thành “con thuốc độc” là hợp lý nhất. Hơn nữa, có thể gán ghép là ông muốn trả thù cho vợ ông …
Nghe dượng Toàn giảng giải một hồi, Bốc chẳng còn muốn tin câu chuyện “con thuốc độc” của ông K’Bing nữa. Ngược lại, nó còn nhanh nhẩu phụ họa:
- Thực ra thì ông K’Tong chết vì sốt rét, còn bà Ka Đụi chết vì kiết lỵ phải không chú?
- Đúng vậy! – Dượng Toàn gật đầu – Và cho đến khi nước thánh của ông K’Tay không cứu được Ka Huen thì chẳng ai còn nghe ông ta. Người trong buôn hễ bị bệnh lập tức được người nhà mang tới trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện, từ đó chẳng còn ai chết nữa.
Dưỡng chép miệng, cảm khái:
- Tội nghiệp cho ông K’Tong, bà Ka Đụi và nhỏ Ka Huen! Nếu người trong buôn Nausri chịu nghe lời cán bộ y tế xã sớm hơn thì những người này đâu có chết!
Câu nói của dượng trầm buồn như một tiếng than, đôi mắt dượng bâng khuâng nhìn ra cửa, không biết dượng đang dõi theo bóng nắng ngoài sân hay đang theo đuổi những ý nghĩ trong đầu mình.
Tùng cũng quay đầu nhìn ra sân, lòng nhẹ nhõm vì biết ông K’Bing tưới nước cho ông Năm Lực không phải để kiếm tiền mua rượu như thằng Bốc nói và vì những thắc mắc lâu nay về những bí ẩn chung quanh con bạch xà đã được giải tỏa.
Nhưng niềm sung sướng của Tùng không dừng lại ở đó. Đập vào mắt nó là một bóng người nhỏ thó đang vội vã băng ngang đường lộ.
- K’Brết tới kìa!
Tùng reo lên và bật người dậy. Nó tính lao ra nhưng Bốc đã nhanh hơn.
Bốc phóng tới trước mặt K’Brết, ôm choàng lấy thằng này khiến cặp mắt trắng dã của K’Brết mở to hết cỡ:
- Mày … mày …
Bốc vỗ vỗ lên lưng K’Brết:
- Đúng rồi! Mày là một đứa tốt bụng!
Bốc là đứa bướng bỉnh nhưng biết phục thiện. Tuy vậy, nó không quen nói lời xin lỗi người khác. Nó chỉ xin lỗi K’Brết bằng cách khen thằng này tốt bụng. Nhưng rồi cảm thấy nói vậy vẫn chưa đủ, nó hùng hồn thêm:
- Mày là đứa tốt bụng nhất trong những đứa tốt bụng!
Nhỏ Trang và nhỏ Phệ đứng sau lưng Bốc hớn hở hùa theo:
- Đúng rồi! Anh K’Brết tốt bụng nhất thế giới!
Bọn trẻ làm K’Brết muốn khóc quá chừng. Cặp mắt nó đã hoe hoe đỏ. Nó ngượng ngập đẩy thằng Bốc ra, ấp úng:
- Tụi mày … tụi mày …
Đúng lúc đó, tiếng cô Bảy vang lên:
- Chuẩn bị đi các cháu! Xe Đà Lạt xuống rồi kìa!
Tùng ngoảnh cổ nhìn lên đỉnh dốc, giật mình thấy chiếc xa khách Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh đang ngúc ngoắc bò xuống, mỗi lúc một gần.
Nó lính quýnh nhảy lại chỗ K’Brết, cầm tay thằng này lắc lắc:
- Tao về nghe K’Brết!
- Ừ.
- Về thành phố, tao sẽ nhớ mày lắm đó! – Tùng nói và nghe cay cay nơi sống mũi.
K’Brết bóp chặt tay Tùng, giọng bùi ngùi:
- Tao cũng thế. Tao cũng rất nhớ mày.
Nhỏ Hạnh đeo túi lên vai, bước lại. Nó cầm cánh tay kia của K’Brết:
- Chị về nghe K’Brết. Cho chị gửi lời chào ba em nghe.
Vẻ mặt K’Brết buồn thỉu buồn thiu:
- Dạ.
- Hè sang năm, chị và Tùng sẽ lên thăm em.
- Dạ.
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Bọn chị sẽ lại vào rẫy câu cá và bắt ốc.
Mặt K’Brết tươi lên được một chút:
- Nếu sang năm chị và Tùng lại lên đây nghỉ hè, Tết này em sẽ mua cá và ốc về thả!
K’Brết mơ màng phác họa:
- Em sẽ đào riêng một cái ao cá thật lớn. Em sẽ thả cá rô phi, thêm cá trắm cỏ và cá mè nữa, chị và Tùng sẽ tha hồ câu …
Nhỏ Hạnh cảm động:
- Ừ, khi nào bắt ốc chán, chị sẽ câu cá. Và em sẽ đào trùn giúp chị nghe K’Brết!
- Chị đừng lo! – Đôi mắt K’Brết long lanh – Em sẽ không câu cá. Em chỉ đào trùn giùm chị, Tùng và thằng Bốc thôi!
Tiếng cô Bảy giục giã:
- Lẹ lên, Hạnh, Tùng!
Hạnh một bên và Tùng một bên, hai đứa lắc mạnh tay K’Brết:
- Thôi, chị đi nghe!
- Tao đi nghe, K’Brết!
Khi đã chào tạm biệt mọi người và leo hẳn vào trong xe, Tùng sực nhớ còn một chuyện chưa nói với bạn, liền thò đầu ra khỏi thành xe, gọi lớn:
- Khi nào bị nhức đầu hay đau bụng, mày nhớ ra nhà cô Bảy tao xin thuốc uống nghe K’Brết!
Chiếc xe vừa lăn bánh vừa nổ máy ầm ĩ khiến Tùng không biết K’Brết có nghe rõ lời dặn dò của nó hay không, chỉ thấy K’brết gật gật đầu và vụng về đưa tay lên chùi nước mắt. Bàn tay kia của nó lúc này đang nằm trong tay Bốc.
Xe chạy một đỗi xa, ngoảnh lại chị em nhỏ Hạnh vẫn thấy Bốc và K’Brết tay trong tay đứng lặng lẽ bên nhau.
Nhỏ Hạnh trầm ngâm buột miệng:
- Ông K’Bing đúng là phù thủy em à!
Tùng ngạc nhiên:
- Chị nói sao?
Nhỏ Hạnh đặt tay lên vai em, mỉm cười:
- Dượng Toàn bảo phù thủy là người đem lại yên vui cho người khác. Ông K’Bing đã phù phép biến ao tưới thành ao cá, giúp chị em mình vui vẻ mấy ngày nay, lại giúp cho tình bạn giữa Bốc và K’Brết thêm thắm thiết, đó chẳng phải là làm theo ý muốn tốt đẹp của thần linh sao?
Thành phố Hồ Chí Minh 1998
Nguồn: diendan.game.go.vn