Ở trụ sở huyện uỷ, khói thuốc lá cuộn lên từng đám xanh lam, máy chữ nổ lách cách, chiếc lò sưởi Hà Lan cháy ấm ran. Hai giờ chiều thường vụ huyện uỷ sẽ phải họp. Bí thư huyện uỷ - râu cạo nhẵn nhụi, mồ hôi mồ kê, cổ chiếc áo dạ mở phanh vì bức – đang vội: anh chỉ cho Đavưđốp ngồi vào bàn, gãi gãi cái cổ trắng nần nẫn, nói:
- Thời giờ mình ít, cậu chú ý. Thế nào, tình tình chỗ cậu ra sao? Tập thể hoá bao nhiêu phần trăm rồi? Nay mai liệu có đạt được trăm phần trăm không. Nói ngăn ngắn thôi.
- Đạt được. Nhưng vấn đề không phải ở con số phần trăm, mà là ở chỗ xử trí tình hình nội bộ như thế nào đây? Tôi có đem theo bản kế hoạch làm vụ xuân, đồng chí có thể xem qua được không?
- Không, không! – Đồng chí bí thư phát hoảng lên, và nheo nheo đôi mắt tùm hụp với một vẻ ốm yếu, đưa mùi xoa lên lau mồ hôi trán. – Cậu cứ đem sang chỗ Lupêtốp, ở Nông hội huyện. Cậu ấy sẽ xem và duyệt, còn mình thì không có thời gian: có một đồng chí trên khu về, thường vụ sắp họp bây giờ. Mà này, cho mình hỏi, cậu cho giải bọn kulắc lên chỗ chúng mình làm cái khỉ gió gì thế? Rõ là mua lấy vạ… Mình đã dặn dò kỹ cậu bằng tiếng Nga hẳn hoi: “Việc ấy đừng có hấp tấp, trong khi ta chưa có chỉ thị dứt khoát”. Đáng lẽ cậu nên hoàn thành tập thể hoá toàn bộ đi thì tốt hơn là chạy theo bọn kulắc và chưa thành lập được nông trang đã đi tịch thu tài sản bọn kulắc. Còn việc kho thóc giống thì sao lại thế? Cậu có nhận được chỉ thị của huyện uỷ tổ chức ngay lập tức kho thóc giống không? Tại sao cho đến bây giờ chưa thực hiện được tí gì? Hôm nay tôi bắt buộc phải đưa vấn đề cậu với cậu Nagunốp ra trước ban thường vụ. Tôi đến đòi phải ghi vấn đề này vào lý lịch các cậu mất. Bậy hết sức! Coi chừng đấy, Đavưđốp ạ! Việc không thi hành những chỉ thị tối quan trọng của huyện uỷ sẽ đưa tới những hậu quả rất không hay cho cậu! Theo thống kê cuối cùng cậu đã thu được bao nhiêu thóc giống? Để tôi kiểm tra lại xem… - Đồng chí bí thư rút trong ngăn kéo ra một tờ giấy kẻ thành từng cột, nheo mắt đọc lướt qua và đỏ bừng ngay mặt lên: - Biết ngay mà! Không thêm được một pút nào! Sao cậu cứ ngồi im thin thít thế?
- Đồng chí có để tôi nói được câu nào đâu. Đúng là chúng tôi chưa lo được việc lập kho thóc giống. Hôm nay về tôi sẽ cho tiến hành ngay. Suốt thời gian qua ngày nào chúng tôi cũng họp hành, tổ chức nông trang, thành lập ban quản trị, các đội sản xuất, thực tế thế! Việc thì rất nhiều, có phép thần thông đâu mà làm được như ý đồng chí muốn: là chỉ một lúc mà lập xong nông trang, tịch thu tài sản bọn kulắc, thu thóc giống… Tất cả những việc ấy rồi chúng tôi sẽ hoàn thành, đồng chí đừng vội ghi lý lịch chúng tôi, sau này muốn ghi cũng còn kịp chán.
- Không vội làm sao được, trong khi khu và tỉnh cứ thúc, không để cho mình thở nữa! Phải lập xong kho thóc giống trước mồng một tháng Hai, thế mà cậu…
- Tôi sẽ lập xong trước ngày rằm, thực tế thế! Sang tháng Hai chúng tôi đã chẳng phải gieo hay sao? Hôm nay tôi đã cử một uỷ viên ban quản trị sang Tubiaxki mượn cái máy chọn hạt giống. Ông Gơnhêđức, chủ tịch nông trang bên ấy lại giở trò ấm ớ ghi vào lề lá thư của chúng tôi hỏi khi nào máy rảnh thì cho mượn: “Hạ hồi phân giải”. Đúng cái giọng ma bùn, thực tế thế!
- Nói chuyện Gơnhêđức với tôi làm gì? Hãy nói chuyện nông trang các cậu.
- Chúng tôi đã mở một chiến dịch chống giết hại gia súc, thực tế thế! Bây giờ thì việc thịt gia súc chấm dứt rồi. Vừa qua chúng tôi đã ra quyết định tập thể hoá gà vịt và tiểu gia súc, vì e rằng người ta sẽ thịt hết, và nói chung… Nhưng hôm nay tôi đã bảo Nagunốp đem trả lại hết gà vịt rồi…
- Sao lại trả?
- Tôi cho việc tập thể hoá tiểu gia súc và gia cầm là sai lầm, nông trang hiện chưa cần đến những thứ ấy.
- Hội nghị nông trang viên có thông qua quyết nghị như thế à?
- Có.
- Thế thì sao nào?
- Chưa có chuồng, tinh thần bà con không phấn khởi, thực tế thế! Không nên làm bà con hoang mang vì những chuyện vặt vãnh… Không nhất thiết phải tập thể hoá gia cầm, ta sẽ xây dựng nông trang, chứ không phải công xã.
- Lý luận hay nhỉ! Cậu lấy lý do gì để trả lại gà vịt? Tất nhiên không nên động chạm đến gà vịt, nhưng một khi đã tiến hành rồi thì không việc gì mà phải lùi. Cái lối ấy là dẫm chân tại chỗ, lập lờ nước đôi… Phải làm ráo riết lên chứ! Kho thóc giống chưa lập, trăm phần trăm tập thể hoá chưa đạt, nông cụ chưa sửa…
- Tôi đã bàn với bác thợ rèn hôm nay rồi.
- Đấy, thấy không, tôi đã bảo là các cậu làm ăn lề mề mà ! Đến phải cho đội tuyên truyền xuống ngay chỗ các cậu, họ sẽ dạy cho các cậu cách làm việc.
- Đồng chí cứ cho xuống. Càng hay, thực tế thế!
- Mà cái việc không nên vội thì các cậu lại nhanh nhẩu đoảng. Hút đi, - đồng chí bí thư chìa ra hộp thuốc lá. – Bỗng đâu đùng đùng cho xe chở bọn kulắc đến. Đồng chí Dakhartrenkô bên công an gọi điện thoại sang hỏi tôi: “Tống chúng đi đâu bây giờ? Khu uỷ chưa có chỉ thị gì cả. Cần một đoàn xe lửa cho chúng nó. Lấy gì mà chở chúng nó, và chở đi đâu?”. Cậu xem, các cậu làm ăn như thế đấy! Làm bừa đi, chẳng hỏi ý kiến ai cả…
- Thế đồng chí bảo chúng tôi phải giải quyết chúng nó như thế nào?
Đavưđốp phát cáu lên. Và những lúc bực thì anh nói hấp ta hấp tấp, giọng hơi rin rít, vì lưỡi cứ ấn vào chỗ răng sứt và làm cho tiếng anh nói nghe lắp bắp, không rõ. Lúc này cũng vậy, anh hăng lên, cất cao cái giọng nam cao rè rè, nói hơi rin rít:
- Tôi phải đeo chúng nó lên cổ tôi chắc? Chúng nó đã giết hai vợ chồng anh bần nông Khốprốp.
Bí thư ngắt lời anh:
- Cuộc điều tra không xác nhận như thế. Chuyện ấy có thể có những nguyên nhân khác.
- Điều tra tồi, cho nên mới không xác nhận được. Còn nguyên nhân khác thì vô lý! Rõ ràng là bàn tay kulắc! Chúng tìm mọi cách ngăn cản chúng ta tổ chức nông trang, chúng phản tuyên truyền, thế thì phải tống chúng đi cho rảnh chứ sao. Tôi không hiểu tại sao đồng chí cứ nhắc lại mãi chuyện ấy? Có vẻ như đồng chí không thú lắm..
- Cậu chỉ ăn ốc nói mò! Nói năng phải cẩn thận! Tôi phản đối cái lối làm việc tự tiện, đem chủ nghĩa du kích thay thế cho kế hoạch, cho một công việc tiến hành quy củ. Và cậu là người đầu tiên nghĩ ra cái trò tống khứ bọn kulắc ra khỏi làng, đặt chúng tôi vào một tình trạng khó khăn ghê gớm. Và lối đâu địa phương chủ nghĩa như vậy? Tại sao cậu chỉ cho xe chở chúng nó lên đến huyện thôi? Sao không đưa thẳng chúng nó ra ga, lên khu?
- Vì xe chúng tôi đang bận.
- Thật đúng là địa phương chủ nghĩa. Thôi nói như thế đủ rồi. Và đây là nhiệm vụ của cậu trong thời gian tới: thu xong toàn bộ thóc giống dự trữ, sửa chữa nông cụ cho vụ gieo, đạt tới trăm phần trăm tập thể hoá. Nông trang của cậu sẽ đứng độc lập. Địa thế nó cách xa những điểm dân cư khác, và đáng tiếc là nó sẽ không nhập vào nông trang “Người khổng lồ”. Về điểm này các ông trên khu cứ làm rối tinh lên, chán các ông ấy ghê! Lúc thì bảo tập trung lại thành những nông trang “khổng lồ”, lúc thì bảo phân tán! Đến điên đầu!
Đồng chí bí thư ôm lấy đầu, ngồi im lặng một hai phút, rồi nói, giọng đã đổi khác:
- Cậu sang Nông hội huyện thông qua kế hoạch đi, rồi về nhà ăn trưa. Nếu nhà ăn hết giờ rồi thì cậu về chỗ tôi, nhà tôi sẽ dọn cho cậu ăn. Khoan! Để tôi viết cho vài chữ.
Anh ngoáy vội vài chữ vào một mảnh giấy, đưa cho Đavưđốp, rồi chúi mũi vào đống giấy tờ, anh chìa ra một bàn tay lạnh ngắt, nham nháp mồ hôi:
- Xong thì về ngay đi. Chúc cậu khoẻ. Họp thường vụ tôi sẽ đặt vấn đề cậu. À nhưng mà, thôi. Nhưng các cậu phải dấn lên. Nếu không thì kỷ luật đấy.
Đavưđốp đi ra, mở mảnh giấy xem, thấy nguệch ngoạc mấy chữ bằng chì xanh:
“Lida, dứt khoát yêu cầu em dọn ăn ngay cho người cầm giấy này, không được ý kiến
G. **rghinxki”.
Đọc xong, Đavưđốp đang đói meo, ngán ngẩm nghĩ bụng: “Thôi, thà nhịn một bữa còn hơn là vác cái lệnh này đến”. Rồi anh đi sang Nông hội.
Tập I - Chương 21
Theo kế hoạch thì diện tích cày xuân năm nay của Grêmiatsi Lốc gồm 472 hécta, trong đó có 110 hécta đất hoang. Mùa thu năm ngoái – còn làm ăn cá thể - đã cày ải được 643 hécta, và gieo ngâm giống qua đông 210 hécta. Tổng số diện tích gieo trồng được phân chia cho lúa mạch và các loại cây có dầu theo những con số sau đây: lúa tiểu mạch 667 hécta; quả mạch 210; đại mạch 108; yến mạch 50; kê 65; ngô 167; quỳ 45; gai 13. Tổng cộng 1325 hécta, cộng thêm 91 hécta đất pha cát chạy dài từ Grêmiatsi Lốc đến khe Ugiátsi để trồng dưa.
Tại cuộc họp mở rộng bàn về sản xuất họp ngày mười hai tháng Hai, gồm hơn bốn chục anh chị em cốt cán trong nông trang, bà con đã thảo luận về vấn đề lập kho thóc giống, về định mức công điểm, về sửa chữa nông cụ cho vụ gieo, và trích một số cỏ khô dự trữ cho súc vật làm vụ xuân.
Theo lời khuyên của Iakốp Lukits, Đavưđốp đề nghị mỗi hécta tiểu mạch gieo tròn bảy pút, tổng cộng là 4669 pút. Lập tức hội nghị nhao nhao lên. Mạnh ai nấy gào, chẳng ai nghe ai, ồn đến nỗi cửa kính nhà Titốc rung lên bần bật.
- Nhiều quá!
- Thế thì ỉa ra quần!
- Chân đất cát xám của chúng tôi chưa bao giờ gieo đến thế.
- Chỉ nói tào lao!
- Năm pút là hết nước.
- Cho năm pút rưỡi đi!
- Chân đất màu có thể gieo bảy pút một đêxiachin, ta có mấy tí? Phải cày đồng cỏ đi chứ, chính quyền dự kiến thế nào?
- Hoặc là cày cái khoảnh bên khe Panhiuskin.
- Hờ! Cày cái đống cỏ mọc như rừng ấy à? Nói thế mà cũng nói!
- Hãy nói về lúa mì ấy, cần bao nhiêu kilô cho một hécta.
- Cậu đừng nói kilô, hãy tính bằng thúng hoặc bằng pút chứ!
- Im lặng, đồng bào ơi! Im lặng! Tiên sư!... suỵt… hoá dại rồi cả chắc! Lặng yên cho tôi phát một câu nào! – Liubiskin, đội trưởng đội hai nói thét lên.
- Thì cứ phát tất đi, cho đấy!
- Nom kìa, người với ngợm! Đúng là cái đồ lục súc… Igơnát! Việc gì mà cậu phải rống lên như bò thế? Rống mà tái xanh tái xám cả mặt mũi lên kìa…
- Còn mày thì sùi bọt mép, khác gì con chó dại!
- Yên cho Liubiskin phát biểu.
- Không chịu được nữa, điếc cả tai!
Hội nghị loạn lên những tiếng la ó. Và cuối cùng, khi những người to mồm đã bắt đầu khan tiếng, Đavưđốp mới quát lên bằng một giọng dữ dội ít thấy ở anh:
- Họp hành kiểu gì thế? .. Lối đâu rống lên như vậy? Phát biểu người một, còn người khác im lặng mà nghe! Bỏ cái lối như kẻ cướp ấy đi! Phải biết tự giác chứ! – Rồi anh dịu giọng lại nói tiếp: - Bà con nên học tập giai cấp công nhân cách họp hành có tổ chức. Phân xưởng chúng tôi chẳng hạn, hoặc câu lạc bộ, họp hành trật tự đâu vào đấy, thực tế thế! Một người nói, các người khác nghe, còn bà con ta thì mạnh ai người nấy gào, không còn hiểu cái chết tiệt gì nữa!
Liubiskin đứng dậy, vung cái then cửa gỗ sồi to tổ bố:
- Mẹ kiếp, ai chõ mõm vào trong khi người khác đang phát biểu thì đây cứ phang cho một chày giữa sọ! Loại ra khỏi vòng chiến đấu.
Đemka Usakốp nêu một giả định:
- Thế thì họp chưa xong, ông đã oánh chúng tôi bể đầu ráo cả!
Mọi người cười ồ, lấy thuốc ra hút, rồi bắt đầu thảo luận bây giờ thì đã nghiêm chỉnh rồi, về mức gieo giống. Và vỡ nhẽ ra là cũng không có gì đáng phải tranh luận và làm nhao nhao lên như vậy… Iakốp Lukits phát biểu đầu tiên và giải quyết ngay được mọi ý kiến phản đối.
- Chúng ta gân cổ lên hò hét thế thật chả nghĩa lý gì. Tại sao đồng chí Đavưđốp lại đề nghị mỗi hécta bảy pút? Rất đơn giản, đó là ý kiến chung chúng tôi góp như vậy. Ta có phải đưa giống vào máy sàng sẩy không? Có. Có hao hụt không? Có. Và có thể sẽ hao hụt nhiều, vì có một số bà con ta cẩu thả đã để lẫn thóc giống với thóc thịt. Họ cất thóc giống lẫn với thóc ăn, sàng sẩy thì qua quýt. Và nếu như có phải loại ra nhiều thì có mất đi đâu không? Không, ta sẽ đem nuôi gia súc, gà vịt.
Hội nghị thông qua con số bảy pút. Tình hình thảo luận gay hơn khi bàn sang định mức năng suất mỗi công cày. Lời đi tiếng lại đốp chát nhau đến nỗi Đavưđốp đâm ra hoang mang.
Anh chàng Agaphôn Đúpxốp vạm vỡ và rỗ hoa, đội trưởng đội ba, gào lên đả Đavưđốp:
- Chưa biết thời tiết xuân như thế nào thì anh làm sao có thể định mức cho tôi năng suất một công cày? Liệu anh có biết trước tuyết sẽ tan như thế nào, đất ráo hay ướt. Thế nào, anh nhìn thấu được dưới đất chắc?
Đavưđốp hỏi:
- Vậy thì anh Đúpxốp, anh đề nghị thế nào?
- Tôi đề nghị đừng ghi cái gì trước cả mà phí giấy vô ích. Chờ đến lúc gieo rồi đâu nó sẽ rành rành ra đấy.
- Anh là đội trưởng mà anh lại vô ý thức, phản đối làm việc có kế hoạch à? Theo anh thì không cần đến kế hoạch hay sao?
Bất ngờ là Iakốp Lukits lại ủng hộ Đúpxốp:
- Đầu cua tai nheo thế nào, ta không nên nói trước! Làm sao mà định mức trước được? Gải dụ như anh, anh mắc vào cày ba đôi bò khoẻ, cày thạo, còn tôi thì chỉ có bò ba tuổi, mới choai choai chẳng hạn. Vậy thì tôi có thể cày được bằng anh không? Mạt kiếp cũng chẳng được!
Nhưng đến đây, Kônđrát Maiđanhikốp xen vào
- Ông Ôxtơrốpnốp là quản lý mà lại nói như thế thì chúng tôi rất lấy làm lạ! Không quy định nhiệm vụ thì rồi ông làm ăn thế nào? Gặp chăng hay chớ sao? Tôi không rời tay cày, còn anh thì ngồi giơ lưng ra sưởi nắng, thế rồi hai chúng ta lại lĩnh bằng nhau sao? Ông Iakốp Lukits ơi, ông phát biểu hay gớm nhỉ!
- Lạy Chúa, anh Kônđrát Khrixtôphôưts ơi, anh làm thế nào mà đánh đồng được sức bò và chất đất? Anh đất mềm, còn tôi đất cứng, anh chân đất trũng còn tôi đất đồi. Anh khôn ngoan tài giỏi thế thì mách cho biết nào.
- Đất rắn một mức, đất mềm một mức. Bò thì có thể đóng xen con khoẻ, con yếu cho đồng đều. Cái gì rồi cũng có thể tính được hết, ông không phải nói khích tôi!
- Usakốp muốn phát biểu đấy.
- Nói đi.
- Thưa anh em, tôi xin có ý kiến thế này: xưa nay bò gầy bao giờ cũng phải bồi dưỡng cho nó một tháng trước vụ gieo hạt, cho ăn tốt: cỏ ngon, ngô, thóc. Cho nên vấn đề là: tình hình thức ăn cho bò của ta thế nào? Vừa qua có hạt thóc thừa nào thì thu mua hết rồi…
- Chuyện gia súc ta sẽ bàn sau. Nói bây giờ là lạc đề, thực tế thế! Ta đang phải giải quyết vấn đề định mức cho một buổi cày. Đất rắn thì bao nhiêu hécta một công cày, một công gieo.
- Máy gieo thì cũng khác nhau! Tôi gieo bằng loại mười một hàng thì không thể bằng loại mười bảy hàng.
- Thực thế! Anh đề nghị thế nào thì đưa ra đi. Còn đồng bào kia, sao suốt từ nãy kín tiếng thế? Anh trong nhóm cốt cán, thế mà tôi chưa thấy anh phát biểu.
Đêmít Miệng hến ngạc nhiên nhìn Đavưđốp, đáp lại giọng ồm ồm:
- Tôi đồng ý.
- Đồng ý cái gì?
- Đồng ý phải cày, và … phải gieo nữa chứ.
- Sao nữa?
- Thế thôi.
- Có thế thôi à?
- À.., ờ…
- Thế thì hết chuyện bàn rồi. – Đavưđốp mỉm cười và nói thêm câu gì nữa nghe không rõ vì mọi người cười ồ.
Đến đây thì bác Suka đỡ lời Miệng hến.
- Đồng chí Đavưđốp ạ, bà con dân làng chúng tôi đặt tên cho anh ta là Miệng hến đấy. Cả đời anh ta chả nói, bần cùng lắm mới mở miệng, và vì thế mà vợ cũng không chịu nổi, phải bỏ. Anh ta là một anh kô-dắc không đến nỗi đần độn, nhưng đại để cũng có ngớ ngẩn, hoặc là cám hấp thì cũng được. Hồi cu cậu còn bé tí, lão nhớ lắm, cu cậu thò lò mũi xanh, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, quần chả có, cứ tô hô, và chẳng thấy có cái tài quái gì cả. Và bây giờ thành người nhớn rồi vẫn câm miệng hến. Và chính vì cái tội ấy mà hồi chế độ cũ cha đạo bên Tubianxki đã không chịu làm phép thông công cho cu cậu. Một lần cu cậu đến xưng tội (vào tuần thứ bảy mùa chay thì phải), cha đạo trùm cái khăn vuông đen lên cu cậu, hỏi: “Con có trộm cắp không?”. Cu cậu im. “Có chơi bời lêu lổng không?”. Lại im. “Có thuốc sái không? Có tằng tịu với đàn bà con gái không?”. Vẫn im. Đáng lẽ cậu chàng ngốc ấy chỉ cần nói”Trình cha, con là kẻ có tội!” là lập tức mọi tội sẽ được rửa sạch..
Sau lưng bác, tiếng cười và tiếng một người nói:
- Đút nút lại thôi, bác ơi!
- … Xong bây giờ đây, tí ti thôi! Vậy nghĩa rằng thì là cu cậu cứ đứng thở phì phà phì phò, giương đôi mắt ếch. Cha cụ hoang mang đẫy, phát hoảng lên nữa, tấm khăn quàng trên người rung rung, nhưng cũng cố gặng hỏi: “Hay là có lúc nào con muốn vợ người ta, hoặc con lừa nhà hàng xóm, hoặc con vật nào của láng giềng không?”. Và linh tinh một số câu khác nữa theo Thánh kinh… Cậu Đêmít vẫn cứ ngậm miệng làm thinh. Mà cu cậu còn biết nói làm sao? Vì dù cu cậu có tơ tưởng vợ ai chăng nữa thì cũng chẳng đi đến đâu; chẳng ả nào, dù là đui què mẻ sứt đi nữa, lại thèm…
- Thôi thôi, bác ơi! Chuyện bác chẳng dính dáng gì đến vấn đề đang thảo luận cả. – Đavưđốp nghiêm giọng ra lệnh.
- Dính chứ sao lại không dính, lão vào đề ngay bây giờ đây. Vừa rồi mới là mào đầu thôi. Để lão nói tí ti nữa! Đang nói thì cắt ngang.. Chà, đầu óc lão bây giờ chán quá! Quên béng mất rồi, không còn biết đang nói chuyện gì! Mả mẹ nó…! Trí nhớ ơi là trí nhớ!.. À, nhớ ra rồi! – Bác Suka vỗ đánh đốp một cái vào chỗ đầu hói, tuôn ra một tràng như súng máy: - Là đang nói chuyện vợ người ta thì Đêmít chẳng hòng xơ múi, còn như lừa hoặc con vớ vẩn nào khác thì cu cậu tơ hào làm gì? Cũng có khi là muốn đấy, vì cu cậu không có ngựa mà, nhưng ở ta thì đào đâu ra lừa, và cu cậu cả đời có trông thấy con lừa bao giờ. Vậy tôi xin hỏi đồng bào, ta bói đâu ra lừa? Từ thuở khai thiên lập địa nào có thấy bóng nó ở ta? Cả hổ, cả lừa, và cả lạc đà nữa…
Nagunốp hỏi:
- Bác có im cái mồm đi không? Không tôi tống cổ ra ngoài sân bây giờ.
- Này anh Maka ơi, hôm mồng một tháng Năm, ở trường học, anh đã nói chuyện cách mạng thế giới suốt từ trưa đến tối. Anh nói lải nhải mãi, nghe chán bỏ mẹ. Lão cứ lẳng lặng ngả lưng xuống ghế, nằm co con tôm, đánh một giấc, chứ đâu có dám ngắt lời anh, thế mà bây giờ anh lại ngắt lời lão…
Radơmiốtnốp vốn ưa bông phèng và chuyện tếu, phát biểu:
- Cứ để bác ấy nói nốt. Còn nhiều thời gian mà.
- Có lẽ chính vì thế mà cu cậu cứ nín thinh, chẳng ai hiểu ra sao nữa. Cha cụ ngạc nhiên quá lắm. Cha cúi xuống cậu Đêmít đang trùm cái khăn, gặng hỏi: “Chẳng hay con có câm không đấy?”. Thế là cậu Đêmít trả lời cha: “Câm đâu mà câm, cha chán bỏ mẹ!”. Cha cụ cáu ghê lắm, khỏi nói, xanh xám cả mặt mũi, càu nhàu khẽ để các bà cụ quanh đó khỏi nghe thấy : “Đồ của khỉ, thế sao từ nãy mày cứ câm như hến thế?”. Rồi cầm cái đài nến cho cu cậu một cái vào mặt, nổ đom đóm mắt!
Hội nghị cười ồ, nhưng cũng không át nổi giọng ồm ồm như ống lệnh của Đêmít:
- Chỉ điêu! Đánh đâu mà đánh.
- Không đánh thật à? – Bác Suka ngạc nhiên ngẩn mặt ra. – Chẳng sao, không đánh thì cũng định đánh… Thế là cha không ban phép thông công cho cu cậu. Thưa đồng bào, Đêmít chẳng nói thì kệ thây cậu ấy, việc ta ta cứ nói. Nói lời hay lẽ phải, như lời lão nói đây, thì giá trị bằng bạc nén, nhưng im lặng thì lại bằng vàng cơ.
Nagunốp khuyên:
- Bác nên đem bạc nén của bác mà đổi lấy vàng đi thôi! Đỡ khổ tai bà con…
Tiếng cười lúc thì bùng rộ lên như lửa củi khô, lúc thì tắt ngấm. Câu chuyện của bác Suka đã làm nguội đi tinh thần hăng hái thảo luận của hội nghị. Nhưng Đavưđốp xoá nụ cười trên mặt, hỏi:
- Bác có ý kiến gì về định mức lao động? Phát biểu vào đề đi!
- Lão ấy à? – Bác Suka đưa ống tay lên quệt mồ hôi trán, hấp háy đôi mắt: - Lão chẳng có ý kiến gì cả.. Lão chỉ làm sáng tỏ vấn đề cậu Đêmít thôi… Và chuyện định mức thì chẳng dính dáng gì đến vấn đề ấy cả.
- Từ giờ cho đến hết hội nghị, tôi không cho bác phát biểu nữa! Phải bàn vào thực chất vấn đề, rồi sau muốn tán róc gì thì tán, thực tế thế!
Nông trang viên Ivan Batansikốp, phụ trách kỹ thuật, đề nghị:
- Một đêxiachin một công cày.
Nhưng Đúpxốp giẫy nảy lên:
- Anh này điên! Những chuyện vớ vẩn ấy anh đem về mà nói với bu nó ở nhà! Một ngày cày làm sao được một đêxiachin! Có chết rũ ra đấy cũng chẳng nổi.
- Tôi đã cày rồi. Kém một tí thôi…
- Nghĩa là có kém chứ gì!
- Nửa đêxiachin một công cày. Đấy là nói chân đất rắn.
Bàn cãi chán chê, hội nghị ngã ngũ về định mức cày như sau: đất rắn 0,60 hécta một công cày, đất mềm 0,75 hécta, và định mức gieo: máy mười một hàng 3 hécta một phần tư, máy mười ba hàng 4 hécta, máy mười bảy hàng 4 hécta 3 phần tư.
Grêmiatsi Lốc có cả thảy 184 đôi bò đực và 73 ngựa, như vậy vụ xuân cũng không đến nỗi căng. Về vấn đề này, Iakốp Lukits cũng phát biểu như vậy:
- Ta sẽ gieo xong sớm, nếu ta chịu khó làm cả vụ, mỗi đầu bò và ngựa phải làm 4 đêxiachin rưỡi. Thế là nhẹ lắm, các anh em ạ! Chẳng có gì mà phải bàn cãi.
Liubiskin kể:
- Bên Tubianxki mỗi con làm tám đêxiachin cơ.
- Họ muốn rũ xương thì mặc họ! Thu năm ngoái trước mùa sương giá, ta cày ủ, còn họ thì từ ngày lễ xá tội đã đi nhặt củi, làm ăn chẳng ra thế nào.
Hội nghị quyết định trong ba ngày tập trung xong thóc giống. Rồi nghe lời phát biểu không lấy gì làm phấn khởi của bác thợ rèn Salưi. Bác nói to, vì nặng tai, và cứ vần vần trong hai bàn tay lao động sần sùi và đen nhẻm cái mũ tai cáo lọ lem muội lò. Phát biểu trước hội nghị đông người thế này, bác xấu hổ:
- Có thể sửa xong tất. Tôi sẽ không để bê trễ đâu. Nhưng về món sắt thì gay go đấy, phải kiếm cho ra ngay. Sắt đánh lưỡi và láng cày không có lấy một mẩu. Thế thì lấy gì mà làm! Mai tôi bắt đầu sửa máy gieo hạt. Than rèn và người phụ việc cũng cần. Thế còn công xá thì nông trang trả tôi thế nào?
Đavưđốp giải thích cặn kẽ cho bác về chuyện công xá và đề nghị Iakốp Lukits ngày mai lên huyện kiếm sắt và than. Vấn đề dự trữ cỏ khô cũng được giải quyết nhanh chóng.
Sau đó Iakốp Lukits phát biểu:
- Thưa bà con, ta nên bàn cho kỹ, xem xem nên gieo cái gì, gieo ở đâu và gieo thế nào, và chọn người có trình độ am hiểu để giao phó công việc phụ trách. Như đấy, trước khi thành lập nông trang ta đã có năm cán bộ kỹ thuật, nhưng chẳng thấy các anh em ấy hoạt động gì cả. Người phụ trách thì phải chọn trong đám lão nông kô-dắc am hiểu đồng đất ta, cánh gần cũng như cánh xa. Trong khi ta chưa áp dụng chế độ canh tác mới thì một người như thế rất có ích cho ta! Tôi có ý kiến thế này: hầu như cả làng ta đã vào nông trang. Dần dần rồi người ta sẽ vào nốt. Chỉ còn độ dăm chục hộ cá thể, nhưng những bà con này ngày mai tỉnh dậy cũng có thể không còn là cá thể nữa.. thế cho nên ta cần gieo theo lối khoa học đã dạy. Tôi nói thế nghĩa là trong hai trăm đêxiachin đất cày vỡ, nên để một nửa hưu canh theo phương pháp Kherxôn. Xuân năm nay ta sẽ vỡ hoang một trăm mười đêxiachin, vậy chỗ đất ấy ta hãy để hưu canh theo phương pháp Kherxôn.
- Nào ai đã nghe thấy cái trò ấy bao giờ!
- Phương pháp Kherxôn là cái quái gì nhỉ?
- Bác hãy giải thích cụ thể chuyện ấy cho chúng tôi nghe, - Đavưđốp đề nghị, trong bụng lấy làm hãnh diện về sự am hiểu của người quản lý giàu kinh nghiệm của mình.
- Kiểu hưu canh ấy, người ta còn gọi là hưu canh có đào rãnh, hoặc hưu canh lối Mỹ. Nó rất lạ, và ai nghĩ ra được kể cũng tài! Ví dụ, đất cày rồi, năm nay ta gieo chẳng hạn là ngô hay hạt quỳ, và gieo thưa hàng, thưa gấp đôi như ta thường gieo. Do đó thu hoạch của ta cũng chỉ bằng nửa số thu hoạch bình thường. Khi bẻ ngô hoặc quỳ, ta để gốc lại. Và đến mùa thu ta sẽ gieo hạt giống mì vào rãnh giữa các hàng gốc ấy.
Kônđrát Maiđanhikốp từ nãy vẫn ngồi há mồm nghe như nuốt từng lời, lên tiếng hỏi:
- Thế thì gieo làm sao được? Máy gieo sẽ nghiến gãy hết các gốc ấy chứ còn gì?
- Sao lại gãy? Hàng thưa, máy không đụng chạm gì đến các gốc ấy cả, chỉ đi sát mé mé thôi. Thành thử tuyết rơi sẽ được gốc cây giữ lại. Tuyết sẽ tan dần dần, cung cấp thêm nhiều độ ẩm cho đất. Và sang xuân, khi lúa đã mọc, ta sẽ nhổ những gốc ấy đi và làm cỏ. Cách làm ấy ai nghĩ ra kể cũng hay. Tay tôi chưa gieo thế bao giờ thật, nhưng cũng định năm nay sẽ thử xem sao. Tính toán kỹ rồi, không sợ hỏng ăn đâu.
- Ra là thế đấy! Tôi ủng hộ! – Đavưđốp đá ngầm Nagunốp một cái dưới gậm bàn, rỉ tai nói: - Thấy chưa? Thế mà cậu cứ không ưa lão ấy…
- Ngay bây giờ mình cũng không ưa…
- Thế là anh ngoan cố, thực tế thế! Ương bướng như bò đực…
Hội nghị chấp nhận đề nghị của Iakốp Lukits. Sau đó thảo luận một lô vấn đề linh tinh khác rồi giải tán.
Đavưđốp và Nagunốp chửa tới trụ sở Xôviết thì đã thấy một anh chàng người thâm thấp mặc áo bludông da cởi phanh và y phục thanh niên xung kích, từ trong sân trụ sở bước rảo tới chỗ họ. Anh ta đi vội tới, tay giữ khư khư chiếc mũ cátkét kẻ ô vuông kiểu thành thị, chống lại ngọn gió đang thổi giật từng cơn.
Nagunốp nheo nheo mắt:
- Có ai trên huyện về.
Anh thanh niên bước tới sát hai người, đưa tay lên lưỡi trai mũ chào theo lối quân sự:
- Các đồng chí có phải ở Xôviết ấp không?
- Anh muốn gặp ai?
- Đồng chí bí thư chi bộ hoặc chủ tịch Xôviết.
- Tôi là bí thư chi bộ đây, còn đồng chí này là chủ tịch nông trang.
- Thế thì tốt quá. Thưa các đồng chí, tôi ở đội tuyên truyền. Anh em chúng tôi vừa mới tới và đang đợi các đồng chí ở trụ sở Xôviết.
Anh thanh niên, mũi hếch và da ngăm đen, đảo liếc nhìn Đavưđốp một cái, rồi mỉm nụ cười dò hỏi:
- Chẳng hay đồng chí là Đavưđốp phải không?
- Tôi đây.
- Tôi cũng đoán đoán ra. Cách đây hai tuần tôi đã gặp đồng chí trên khu uỷ. Tôi làm việc trên khu, là công nhân xưởng ép dầu.
Đến lúc ấy Đavưđốp mới hiểu tại sao lúc anh chàng đi tới, bỗng anh ngửi thấy mùi dầu quỳ thơm phức; tấm áo bludông da của anh ta đã thấm đẫm cái mùi thơm không phai ấy.
Tập I - Chương 22
Đavưđốp đi tới trụ sở Xôviết thì thấy trên thềm đứng quay lưng ra một người lùn mập, đầu đội mũ Kuban đen chụp sâu xuống, chóp mũ đính một chữ thập trắng, mình mặc áo varơi đen lông thuộc có chiết nếp. Vai người đội mũ Kuban ấy rộng đặc biệt, và lưng như cái cánh phản lấp kín cả cửa ra vào lẫn mi cửa. Người ấy đứng dạng hai cẳng chân ngắn và khoẻ, nom thấp và chắc nình nịch như một cây du thảo nguyên. Đôi ủng vẹt gót với hai ống rộng xun lại như cắm rễ xuống sân thềm, đè nó lún xuống dưới sức nặng tấm thân hộ pháp của ông ta.
- Đồng chí Kônđrátkô, đội trưởng đội tuyên truyền chúng tôi đấy. – Anh chàng thanh niên đi bên Đavưđốp, nói. Và thấy Đavưđốp mỉm cười, anh khẽ tiếp: - Xin nói thêm là chúng tôi thường gọi đùa đồng chí ấy là “bátkô Kvađrátkô” (*)… Đồng chí ấy làm tại nhà máy chế tạo đầu máy xe lửa Luganxkơ đấy. Thợ tiện. Kể tuổi thì đáng vai cha chú, nhưng trẻ trung hăng hái ra phết!
Vừa lúc đó Kônđrátkô nghe có tiếng người nói, quay về phía Đavưđốp khuôn mặt đỏ gấc của mình, và dưới bộ ria quặp hung hung một nụ cười nở ra để lộ hàng răng trắng bóng:
- A, các đồng chí chính quyền địa phương đây phỏng? Chào các anh em!
- Chào đồng chí. Tôi là chủ tịch nông trang, còn đây là đồng chí bí thư chi bộ.
- Tốt quá! Ta vào nhà đi, kẻo các chú đội viên đợi các đồng chí đã mòn con mắt rồi đấy. Tôi là đội trưởng đội tuyên truyền đây, và muốn trao đổi với các đồng chí ít việc. Tôi tên là Kônđrátkô, nhưng nếu các chú ấy có bảo các đồng chí tên tôi là Kvađrátkô thì xin các đồng chí cứ bỏ ngoài tai, vì họ nghịch như quỷ sứ ấy…- Ông ta nói ồm ồm như lệnh vỡ, vừa nói vừa nghiêng người lách vào cửa.
Ôxíp Kônđrátkô đã làm việc ở miền nam nước Nga hơn hai mươi năm ròng. Đầu tiên là ở Taganrốc, rồi Rôxtốp trên sông Đông, rồi Mariupôn và cuối cùng là Luganxcơ, tại đó ông đã gia nhập đội cận vệ đỏ, đưa đôi vai rộng ra chống đỡ cho Chính quyền Xôviết non trẻ. Qua bao nhiêu năm quan hệ với người Nga, giọng Ukrain của ông đã bị pha đi, nhưng nhìn dáng người và bộ ria quặp xuống kiểu Séptsenkô, người ta vẫn có thể nhận ra ông là người Ukrain. Năm 1918 ông đã cùng anh em thợ mỏ Đônhét trong đoàn quân Vôrôsilốp tiến về Txaritxưn qua các thôn ấp kô-dắc đang bùng lên cuộc nổi loạn phản cách mạng… Và về sau mỗi lần chuyện trò gợi đến những năm nội chiến đã trôi vào quá khứ, những năm mà dư âm còn lại mãi mãi trong trái tim và ký ức của những ai đã từng tham gia, Kônđrátkô thường nhỏ nhẹ nói bằng một giọng tự hào: “Vôrôsilốp của chúng ta là người Luganxcơ đấy… Tôi với đồng chí ấy quen nhau lắm mà, biết đâu sẽ chẳng có ngày gặp lại. Đồng chí sẽ nhận ra tôi ngay! Hồi còn ở Txaritxưn, đánh bọn bạch quân, đồng chí ấy còn nói đùa tôi: “Thế nào, Kônđrátkô, làm ăn ra sao? Vẫn sống đấy hả, sói già?”. Tôi đáp: “Vẫn sống nguyên, đồng chí Vôrôsilốp ạ, thời giờ đâu nghĩ đến chuyện chết hả đồng chí, đang bận chơi nhau với bọn phản cách mạng mà! Chơi ra chơi!”. Bây giờ mà gặp lại nhau, đồng chí ấy sẽ động viên tôi ghê lắm đấy!” – Kônđrátkô kết luận với giọng tin tưởng.
Sau nội chiến ông trở về Luganxcơ, công tác tại cơ quan công an đường sắt, rồi chuyển sang công tác Đảng, cuối cùng lại trở lại nhà máy. Tại đây ông được Đảng huy động về nông thôn giúp đỡ công cuộc tập thể hoá. Mấy năm gần đây, Kônđrátkô phì nộn ra, phát triển mạnh chiều ngang.. Bây giờ anh em đồng đội cũ chắc cũng chẳng nhận ra ở ông anh chàng Ôxíp Kônđrátkô ở Txaritxưn năm 1918 đã chém tại trận bốn tên lính kô-dắc và tên đại đội trưởng người Kuban là Mamalưga, kẻ đã được đích thân Vranghen trao tặng thanh gươm bạc nạm vàng “vì thành tích chiến đấu dũng cảm”. Ôxíp phát phì ra, bắt đầu về già, mặt nổi lên những đường gân xanh xanh, tim tím… Thời gian đã nhuốm tóc ông màu sương cũng như đường xa và mệt nhọc phủ lên mình con ngựa một lớp bọt trắng. Và màn sương ấy cũng lén lút thấm cả vào bộ ria trễ xuống của ông. Nhưng ý chí và sức lực thì vẫn trung thành với Ôxíp Kônđrátkô, còn cái chuyện cứ béo trương béo nứt ra mãi thì cũng chẳng sao: “Tarax Bunba còn béo hơn tôi, nhưng ông ấy quại bọn Balan không khiếp à? Đấy, nếu như bây giờ lại phải chơi nhau với bất cứ thằng sĩ quan nào mình cũng vẫn còn có thể chém một nhát bổ đôi! Còn bảo mình đã ngũ tuần ư? Thì đã sao? Ông cụ mình dưới chế độ Sa hoàng còn sống đủ trăm tuổi, thì mình bây giờ dưới chính quyền ta, mình sẽ sống trăm rưởi tuổi cho mà xem!”. Ông nói như vậy mỗi lần có ai kháy đến tuổi tác và cái béo trương béo nứt của ông.
Kônđrátkô bước trước đi vào gian phòng trụ sở Xôviết:
- Yêu cầu các chú im lặng! Đây là đồng chí chủ tịch nông trang, còn đây, đồng chí bí thư chi bộ. Bây giờ ta hãy nghe qua tình hình địa phương, rồi mới biết được phải làm ăn ra sao. Nào, mời tất cả ngồi xuống!
Khoảng mười lăm đội viên đội tuyên truyền lao xao ngồi xuống, trừ hai người đi ra ngoài, chắc là để thăm đàn ngựa. Nhìn mặt đám khách, Đavưđốp nhận ra ba cán bộ huyện; một cán bộ canh nông, một giáo viên phổ thông cấp hai và một bác sỹ; còn lại là những anh em trên khu phái về, một số người có vẻ là công nhân xí nghiệp.
Trong khi mọi người lục tục ngồi xuống, kéo ghế lịch kịch và ho húng hắng, Kônđrátkô rỉ tai Đavưđốp:
- Nhờ đồng chí bảo anh em ném cho ngựa chúng mình ít cỏ, và những người đánh xe chớ đi đâu đấy. – Và nháy mắt một cái ranh mãnh: - Có lẽ đồng chí có thóc yến mạch cho ngựa đấy nhỉ?
- Không có cho ngựa, chỉ còn thóc giống thôi, - Đavưđốp đáp, rồi lập tức cảm thấy trong bụng ruột gan lạnh toát, ngượng không tả được, và khó chịu với chính mình.
Yến mạch thì còn hơn trăm pút, nhưng anh đã từ chối vì phải giữ để gieo vào đầu vụ xuân như giữ gìn đôi con ngươi; và Iakốp Lukits đã suýt phát khóc khi phải lấy hạt thóc quý như vàng ấy cho ngựa ăn (mà chỉ cho ngựa văn phòng thôi, và cũng chỉ những khi chúng phải chạy đường dài khó nhọc).
Đavưđốp thoáng nghĩ: “Đúng kiểu đầu óc tiểu tư hữu! Nó bắt đầu nhiễm cả vào mình nữa rồi đấy… Trước kia mình đâu có như vậy, thực tế thế! Chà.. Hay là, cho ông ấy một ít? Thôi, không tiện, trót từ chối rồi”.
- Đại mạch thì chắc có?
- Cũng không có.
Đại mạch thì quả là không có thật, nhưng Đavưđốp vẫn đỏ rừ mặt trước ánh mắt hóm hỉnh của Kônđrátkô.
- Không có, tôi nói thật đấy, đại mạch quả là không có.
- Đằng ấy mà làm ông chủ thì cừ đấy… Mà có lẽ làm một anh kulắc cũng hay… - Kônđrátkô mỉm cười dưới hàng ria, nói giọng ồm ồm, nhưng thấy Đavưđốp cau mày lại thì ôm lấy anh, khẽ nhấc bổng lên: - Ồ, mình nói đùa đấy mà. Không có thì thôi! Nhưng cố mà dành dụm lấy một ít cho ngựa có cái ăn.. Thôi, anh em ơi, ta làm việc! Yêu cầu yên lặng như tờ. – Rồi quay sang phía Đavưđốp và Nagunốp: - Chúng tôi về đây để giúp đỡ các đồng chí một tay, chắc các đồng chí đã được báo tin rồi. Bây giờ các đồng chí trình bày cho biết tình hình địa phương ra sao?
Sau khi nghe Đavưđốp báo cáo tường tận việc tiến hành tập thể hoá và thu thóc giống dự trữ, Kônđrátkô quyết định như sau:
- Chúng tôi ở lại đây tất cả thì chẳng có việc gì làm. – Ông ta đằng hắng, rút trong túi áo ra một cuốn sổ tay và một tấm bản đồ, đưa ngón tay chuối mắn lần trên mặt bản đồ: - Chúng tôi sẽ sang Tubianxki. Đấy với đây xem thì cũng gần thôi, và chúng tôi sẽ để lại một đội bốn anh em, giúp các đồng chí trong công tác vận động. Còn về việc làm sao thu thóc giống cho nhanh thì tôi muốn góp ý kiến với các đồng chí như thế này: trước tiên phải khai hội, giải thích đầu đuôi xuôi ngược cho bà con rõ, sau đó hãy triển khai thu rộng rãi, - ông nói chi tiết và chậm rãi.
Đavưđốp nghe ông ta nói rất lấy làm thú vị. Đôi chỗ có một vài thành ngữ Ukrain anh nghe không rõ nghĩa lắm, chỉ hiểu lơ mơ, nhưng anh cảm thấy một cách sâu sắc rằng Kônđrátkô đang đưa ra một kế hoạch vận động thu thóc giống về cơ bản là đúng. Và cũng vẫn chậm rãi như vậy, Kônđrátkô vạch ra phương sách đối xử với những nông dân cá thể và phần tử khá giả trong làng nếu thảng hoặc họ không chịu, hoặc bằng cách này hay cách khác chống lại các biện pháp thu thóc giống của ta; ông giới thiệu những phương pháp vận động có hiệu qủa nhất rút ra từ kinh nghiệm hoạt động của đội tại các trang ấp khác; và lúc nào lời lẽ cũng ôn tồn, không thể hiện chút gì là có ý muốn lãnh đạo và dạy đời, và trong khi nói, thỉnh thoảng lại hỏi ý kiến lúc thì Đavưđốp, lúc thì Radơmiốtnốp hoặc Nagunốp: “Nên tiến hành như vậy đấy. Anh em Grêmiatsi Lốc thấy thế nào? Tôi thì nghĩ thế đấy”.
Và Đavưđốp tươi cười nhìn vào gương mặt đỏ như gấc nổi những đường gân xanh của bác thợ tiện Kônđrátkô, nhìn đôi mắt sâu ánh lên một ánh ranh mãnh của ông ta, nghĩ bụng: “Chà, cha này khéo thật! Cha ấy không bó buộc sáng kiến của chúng ta, chỉ làm ra vẻ góp ý kiến thôi, nhưng cứ thử phản đối những ý kiến đúng đắn của cha ấy mà xem, thế nào cha ấy cũng lái ngọt mình theo cha ấy, thực tế thế! Những tay như thế mình đã từng thấy rồi!”.
Một việc nhỏ nữa đã làm tăng thêm mối thiện cảm của anh đối với đồng chí Kônđrátkô: trước khi ra đi, ông đã gọi riêng ra một chỗ anh tổ trưởng ở lại Grêmiatsi Lốc cùng với ba anh em khác và giữa hai người lời đi tiếng lại vài câu:
- Cậu đeo súng lục ra ngoài áo làm gì thế? Có cất ngay đi không?
- Nhưng, đồng chí Kônđrátkô ạ, bọn kulắc… đấu tranh giai cấp…
- Cậu bảo cái gì? Bọn kulắc à, thì sao? Cậu đến đây để tuyên truyền vận động, nếu cậu sợ bọn kulắc thì cứ mang súng lục đi, nhưng đừng phô trương ra ngoài. Chán cậu thật! Ra vẻ ta đây có súng! Cứ như trẻ con! Khệnh khạng khẩu súng bên hông… Đút ngay nó vào túi cho tôi kẻo bọn tay chân kulắc lại sắp bảo: “Nom kìa, bà con, họ vác súng lục đến tuyên truyền vận động bà con đấy!” – Và ông lẩm bẩm kết thúc: - Ngớ ngẩn qúa!
Và ngồi vào xe trượt tuyết rồi, ông còn gọi Đavưđốp đến, cầm khuy áo măngtô của anh xoay xoay:
- Các chú ấy sẽ làm việc, và làm ác đấy! Các đồng chí cũng cố gắng làm cho tốt, sao cho mọi việc nhanh chóng, xuôi lọt. Tôi sẽ ở bên Tubianxki, có chuyện gì, báo cho tôi biết. Sang bên ấy, có thể phải tổ chức tối kịch ngay hôm nay. Giá cậu được xem mình đóng vai kulắc nhỉ! Cái thân xác mình thế này, đóng kulắc thì ăn vai ghê lắm…Chà, bố Kônđrátkô đã về già mà còn phải làm bao nhiêu chuyện! Còn về chuyện thóc yến mạch thì cậu đừng nghĩ ngợi gì nhá, mình không khó chịu gì cậu đâu. – Rồi ông mỉm cười, ngả tấm lưng cánh phản vào vai ghế xe trượt tuyết.
Radơmiốtnốp cười khà khà:
- Cái đầu khiếp thật! Vai cũng khiếp, lại cái cẳng nữa! Như chiếc máy kéo! .. Một mình ông ta mắc vào cày thì kéo thay được cho ba đôi bò đực chứ chẳng chơi. Mình cứ thắc mắc: những dân hộ pháp như thế thì đúc bằng gì nhỉ? Ý kiến cậu thế nào, Maka?
Nagunốp cáu kỉnh gạt đi:
- Bây giờ cậu đâm ra lẩm cẩm như lão Suka: lắm mồm!
--------------------------
(*) Chơi chữ: bátkô, bằng tiếng Ucraina: Bố. Kvađrát là hình vuông. – ND
Tập I - Chương 23
Viên quan ba Pôlốptxép ăn ở tại nhà Iakốp Lukits ráo riết chuẩn bị cho cuộc bạo động mùa xuân. Trong gian phòng xép, đêm đêm y thức cho đến lúc gà gáy, ngồi hí hoáy viết, vẽ những bản đồ gì bằng cây bút chì hoá học, đọc sách. Đôi lúc, Iakốp Lukits nhòm vào thì thấy y đang nghiêng mái đầu trán dô xuống bàn, cắm cúi đọc, cái miệng rắn rỏi khẽ mấp máy. Nhưng cũng có đôi khi Iakốp Lukits lại bắt gặp y đang đắm đuối tư lự. Những phút ấy Pôlốptxép thường ngồi chống khuỷu tay lên bàn, mười ngón tay thọc vào mái tóc thưa đã ngả bạc, bờm sờm vì lâu không cắt. Cái hàm bạnh và chắc nịch của y đưa đảo, cứ như y đang nhai gì dai ngoách, và đôi mắt y lim dim. Gọi mấy tiếng y mới ngẩng đầu lên, đôi con ngươi nhìn trừng trừng nom đến rợn của y ánh lên một ánh giận dữ. “Có việc gì?” – y hỏi, giọng ồm ồm như chó sủa. Những phút ấy Iakốp Lukits càng hãi y và bất giác càng kính nể y.
Iakốp Lukits có nhiệm vụ hàng ngày báo cáo với Pôlốptxép về tình hình xóm ấp, tình hình nông trang; lão làm việc ấy một cách tận tuỵ, nhưng mỗi ngày một đem tới cho Pôlốptxép thêm những mối lo ngại mới, đào sâu thêm những đường nhăn chạy ngang trên má y…
Sau hôm bọn kulắc bị đày đi khỏi Grêmiatsi Lốc, Pôlốptxép suốt đêm không ngủ. Cho đến sáng còn nghe thấy tiếng bước chân nặng nề nhưng êm của y, và Iakốp Lukits rón rén tới cửa gian phòng xép thì nghe thấy y nghiến răng lẩm bẩm:
- Chúng nó đào đất dưới chân mình! Làm mình mất chỗ dựa… Giết! Giết! Phải thẳng tay giết!
Im lặng một lát, rồi y lại đi, nhẹ bước đôi chân đi giày da mềm. Nghe thấy tiếng ngón tay y cào cào trên mình, gãi ngực theo một cái tật quen, và một lần nữa y lại nói giọng u uất:
- Giết! Phải giết!.. – Rồi dịu giọng xuống, với một tiếng khò khè trong họng: - Chúa lòng lành, Chúa công minh sáng suốt!.. Xin Chúa đỡ con cùng! .. Bao giờ mới đến giờ khởi sự? .. Lạy Chúa, mong sao cho sự trừng phạt của Chúa tới sớm!
Trời sáng rõ Iakốp Lukits thấp thỏm lại đến dán tai vào cửa buồng: Pôlốptxép đang lầm rầm đọc kinh, rên rỉ quỳ xuống, phục lạy. Sau đó y tắt đèn, đi nằm, và thiu thiu ngủ rồi còn thì thầm một lần nữa nghe rất rõ: “Giết sạch…, không để sót một mống”, kèm theo một tiếng rên.
Vài hôm sau, đang đêm Iakốp Lukits nghe thấy tiếng gõ cửa sổ. Lão bước ra nhà ngoài:
- Ai?
- Mở cửa, ông chủ ơi!
- Ai đấy?
Tiếng thì thào bên ngoài cửa:
- Tôi cần gặp ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits.
- Ông nào? Đây chả có ông nào thế cả?
- Thưa giùm với ông ấy tôi ở chỗ ông Tsiornưi, có thư.
Iakốp Lukits lưỡng lự một lát, rồi mở cửa: “Muốn đến đâu thì đến này!”.
Một người lạ mặt thấp bé, đầu đội mũ trùm, bước vào. Pôlốptxép đưa người ấy vào buồng, đóng chặt cửa lại, rồi trong khoảng tiếng rưỡi đồng hồ, trong buồng vọng ra tiếng chuyện trò rì rầm, hấp tấp. Trong khi đó thằng con của Iakốp Lukits đem cỏ cho ngựa người liên lạc mới tới ăn, nới dây yên, tháo hàm thiếc cho nó.
Từ đó, hầu như đêm nào cũng có liên lạc cưỡi ngựa đến, nhưng không phải vào quãng nửa đêm, mà về gần sáng, khoảng ba bốn giờ. Xem ra họ đến từ những nơi xa hơn chỗ người thứ nhất.
Những ngày này Iakốp Lukits sống một cuộc sống hai mang, không bình thường. Sáng ra, lão đến trụ sở nông trang, trao đổi bàn bạc với Đavưđốp, Nagunốp, với anh em thợ mộc, đội trưởng sản xuất. Việc bận rộn xây dựng chuồng gia súc, ngâm hạt giống, sửa chữa nông cụ không để lão còn giờ phút nào nghĩ đến những chuyện khác. Chẳng dè cho chính lão, con người năng nổ Iakốp Lukits đã rơi vào một tình cảnh đầu tắt mặt tối xưa nay vẫn là nguồn vui đối với lão, một tình cảnh không lúc nào hết lo, như người lo con mọn. Chỉ có một điều kkhác cơ bản là bây giờ lão chạy lăng xăng khắp làng, đi công tác xa không phải là để kiếm riêng cho mình nữa mà là làm việc cho nông trang. Nhưng chính như thế lão lại thích: khỏi bận lòng với những tâm tư u uất, khỏi nghĩ ngợi lôi thôi. Công tác thu hút lão, lão muốn làm, trong đầu lão nảy ra đủ mọi thứ đề án. Lão hăng hái bắt tay vào việc chống rét cho súc vật, xây dựng một chuồng ngựa lớn, chỉ đạo việc di chuyển những nhà kho công hữu hoá và xây dựng một nhà kho mới cho nông trang; và buổi chiều, khi cảnh náo nhiệt của ngày lao động đã lắng đi và đã đến giờ về, chỉ riêng cái ý nghĩ rằng ở nhà mình, trong căn phòng xép, có Pôlốptxép đang ngồi đó, như một con diều hâu ăn xác chết đậu trên ngôi mộ cổ, lầm lầm lì lì và nom đáng sợ trong sự cô đơn trơ trọi của y, cũng đủ làm cho Iakốp Lukits thấy nhoi nhói trong dạ, chân tay uể oải, toàn thân mệt mỏi lạ lùng… Lão trở về nhà, và trước khi ăn tối, vào gặp Pôlốptxép
Pôlốptxép đang nóng lòng nghe, miệng ra lệnh, tay cuốn thuốc lá:
- Nói đi!
Và Iakốp Lukits kể lại những chuyện diễn ra ở nông trang trong ngày hôm ấy. Pôlốptxép thường lẳng lặng nghe, chỉ có một lần ngắt lời lão, là khi Iakốp Lukits báo cáo về việc phân phát quần áo giày dép tịch thu được của kulắc chia cho dân nghèo; y đã nổi điên lên, quát, khò khè trong họng:
- Những đứa nào nhận, sang xuân ta sẽ móc họng chúng nó ra! Tất… anh ghi lấy danh sách tất cả bọn chó má ấy! Rõ không?
- Có danh sách rồi, thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits.
- Có mang theo đấy không?
- Có đây.
- Đưa xem!
Y cầm lấy tờ giấy, sao lại cẩn thận, ghi rõ tên họ từng người và của được chia, đánh dấu chữ thập cạnh tên những người được nhận quần áo, giày dép.
Báo cáo với Pôlốptxép xong, Iakốp Lukits đi ăn tối, và trước khi đi ngủ lại vào gặp y, nhận chỉ thị cho ngày hôm sau.
Chính là theo ý kiến của Pôlốptxép mà mồng 8 tháng Hai, Iakốp Lukits đã lệnh cho người chấm công đội hai bố trí bốn xe đủ người ngựa đi chở cát bờ sông về rải chuồng bò. Họ chở cát về. Iakốp Lukits ra lệnh cho quét dọn sạch sẽ nền đất chuồng bò và rải cát lên. Công việc làm gần xong thì Đavưđốp tới chuồng chăn nuôi của đội hai. Anh hỏi Đêmít Miệng hến là người phụ trách chuồng bò của đội hai:
- Lấy cát về làm gì đấy?
- Rải nền.
- Sao lại phải rải?
Im lặng.
- Tôi hỏi cậu: Sao lại phải rải?
- Không biết.
- Ai cho lệnh rải cát?
- Quản lý.
- Ông ấy bảo sao?
- Bảo phải giữ vệ sinh… Chỉ bày chuyện, quân chó đẻ!
- Tốt đấy! Như thế sạch sẽ hơn, chứ để phân hôi thối thế, bò dễ mắc dịch. Bò cũng cần sạch, anh em thú y vẫn bảo như vậy, thực tế thế! Và cậu tỏ vẻ khó chịu thế .. là sai. Trông đã thấy thích mắt: rải cát sạch đấy chứ? Cậu thấy thế nào?
Nhưng Đavưđốp không cậy răng được anh chàng Miệng hến nói thêm một lời: anh chàng lẳng lặng bỏ đi ra chỗ kho rơm vụn. Còn Đavưđốp thì đi ăn cơm, trong bụng tán thành sáng kiến của viên quản lý.
Xẩm chiều, Liubiskin chạy tới gặp anh, hậm hực hỏi:
- Thế ra bây giờ người ta lại rải cát lót ổ cho bò nằm à?
- Ở, rải cát.
- Lão Ôxtơrốpnốp ấy, nó làm sao vậy? H… h… hoá rồ rồi chắc? Ai lại làm thế bao giờ? Và đồng chí, đồng chí Đavưđốp, chuyện điên rồ như thế mà đồng chí tán thành à?
- Có gì mà cậu ngậu xị lên thế, hả Liubiskin? Vấn đề là phải giữ vệ sinh, và Ôxtơrốpnốp làm vậy là đúng. Sạch sẽ chẳng có hại gì cả: đỡ dịch bệnh.
- Vệ sinh khỉ gió gì thế, lão ấy nói nghe muốn ỉa vào mồm lão ấy! Đồng chí trông đấy, rét đến chết người đi được! Cho nó nằm ổ rơm còn ấm một tí chứ, còn trên cát thì… anh thử nằm xem!
- Thôi, xin anh đừng ý kiến ý cỏ gì nữa! Phải bỏ cái lối chăn nuôi cũ rích ấy đi! Bây giờ cái gì cũng phải làm theo phương pháp khoa học.
- Khoa học kiểu gì thế? Ôi giào…- Liubiskin cầm chiếc mũ lông đen phát một cái vào ống giày ủng, nhẩy đi ra, mặt đỏ như gà chọi.
Và sáng hôm sau, hai mươi ba con bò đực, không con nào cất mình đứng dậy nổi. Đêm qua, cát đã đóng băng lại, làm cho nước đái bò không thấm đi đâu được, bò nằm ướt đã bị cóng… Vài con đứng dậy được đã để lại từng mảng da dính chặt vào cát đóng băng. Bốn con đuôi đóng cứng lại gãy rời ra. Những con còn lại ốm hết, run cầm cập.
Vì phải thi hành mệnh lệnh của Pôlốptxép, Iakốp Lukits cố gắng hết sức mới giữ nổi cái chức quản lý. “Bò thì cứ dùng cách cho chết cóng như vậy! Chúng nó ngu lắm, sẽ tưởng thế là vệ sinh. Nhưng ngựa thì anh chú ý cho tôi, sao cho khi cần là có ngay!”. Tối hôm trước, Pôlốptxép đã nói như vậy. Và Iakốp Lukits đã làm đúng răm rắp.
Đến sáng Đavưđốp gọi lão vào gặp mình; anh cài chặt cửa, rồi mắt không ngửng lên, hỏi:
- Ông làm cái trò gì thế?...
- Thưa đồng chí Đavưđốp, tôi đã sai lầm nghiêm trọng! Tôi… Lạy Chúa… Thật tôi muốn cắn lưỡi mà chết..
- Ông làm gì thế hả, đồ rắn độc!... – Đavưđốp tái xanh mặt, giận ứa máu mắt lừ nhìn Iakốp Lukits: - Ông định phá hoại hả?.. Ông mà lại không biết là không nên rải cát lót chuồng bò à? Không biết là bò có thể bị cóng à?
- Tôi tưởng… Tôi không biết thật, có Chúa chứng giám!
- Ông im mồm đi!... Tôi không tin. Ông là một nông dân giàu kinh nghiệm thế mà lại không biết!
Iakốp Lukits bưng mặt khóc, lau mũi xụt xịt, và chỉ lắp bắp một điều:
- Tôi muốn giữ vệ sinh… Khỏi cứt đái… Ngờ đâu cơ sự lại ra như thế…
- Ông đi đi. Bàn giao công việc lại cho Usakốp. Chúng tôi sẽ đem ông ra xử.
- Thưa đồng chí Đavưđốp!...
- Tôi bảo ông đi ra!
Iakốp Lukits đi ra rồi, Đavưđốp ngồi suy nghĩ lại sự việc một cách bình tĩnh hơn. Nghi ngờ Iakốp Lukits phá hoại – bây giờ thì anh cảm thấy thế là vô lý. Vì Ôxtơrốpnốp đâu có phải kulắc. Và nếu đôi lúc có ai gọi lão như vậy thì chẳng qua là thù ghét cá nhân. Một lần, ít lâu sau khi Ôxtơrốpnốp được đưa ra làm quản lý, Liubiskin đã buông ra một câu, như tiện mồm: “Bản thân lão Ôxtơrốpnốp trước kia là kulắc!”. Ngay hồi ấy Đavưđốp đã kiểm tra lại và xác định được rằng trước đây nhiều năm Iakốp Lukits quả là có phong lưu thật, nhưng sau đó mất mùa đã làm lão sa sút, trở thành trung nông. Đavưđốp nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới, nghĩ lui, và đi đến kết luận rằng Iakốp Lukits không có lỗi trong chuyện không may xảy đến với bò, rằng lão cho rải cát lót chuồng chỉ là vì muốn giữ vệ sinh, và một phần có thể là do tính lão luôn luôn thích cải tiến. Anh nghĩ bụng: “Nếu lão là phần tử phá hoại thì đã chẳng làm việc gương mẫu như thế, vả lại cả đôi bò đực lão cũng bị. Không, Ôxtơrốpnốp là một nông trang viên một lòng một dạ với ta, và câu chuyện cát ấy chỉ là một sai lầm đáng buồn, thực tế thế!”. Anh nhớ lại Iakốp Lukits đã xây dựng chuồng ấm cho súc vật với một thái độ chu đáo và tháo vát như thế nào, giữ gìn cỏ khô như thế nào, và lần ba con ngựa của nông trang bị ốm, lão đã thức thâu đêm đến sáng ở chuồng ngựa, tự tay thụt cho ngựa, đổ cho chúng uống dầu gai, trị cho chúng bệnh đường ruột; rồi sau đó lão là người đầu tiên đề nghị đuổi ra khỏi nông trang kẻ đã gây bệnh cho ngựa là Kugienkốp, người chăn ngựa của đội một, suốt một tuần liền, như về sau đã phát hiện ra, chỉ cho ngựa ăn độc một thứ rơm lúa đại mạch. Theo nhận xét, chăm sóc ngựa thì nhất Iakốp Lukits. Nhớ lại tất cả những chuyện ấy, Đavưđốp cảm thấy xấu hổ, thấy mình có lỗi với lão quản lý vì cơn giận vô lý của mình. Anh cảm thấy áy náy bứt rứt vì đã quát tháo thô bạo như thế một nông trang viên tốt, một uỷ viên quản trị nông trang được bà con kính nể, và lại còn nghi lão phá hoại nữa, trong khi tội của lão chỉ là sơ xuất vô ý. “Vớ vẩn quá!”, Đavưđốp vò đầu rối bù lên, ngượng nghịu đằng hắng một tiếng, bước ra khỏi phòng.
Iakốp Lukits đang trao đổi với viên kế toán, tay cầm chùm chìa khoá, đôi môi hậm hực run run…
- Tôi bảo này, Ôxtơrốpnốp … Đừng bàn giao nữa, ông cứ tiếp tục làm việc, thực tế thế. Nhưng nếu ông lại để xảy ra cái trò ấy lần nữa… Tóm lại, là ông liệu đấy… Bây giờ, cho đi mời thú y trên huyện, và bảo cho các đội trưởng là bò ốm đừng bắt làm.
Âm mưu phá hoại nông trang lần đầu của Iakốp Lukits thế là đã kết thúc mỹ mãn cho lão. Pôlốptxép tạm thời không giao cho lão nhiệm vụ gì kế tiếp, vì y đang bận một việc khác: một nhân vật mới đã đến tìm y, vào ban đêm như thường lệ. Người ấy cho xe quay về, bước vào nhà. Lập tức Pôlốptxép kéo luôn hắn vào trong buồng, và ra lệnh cấm cửa mọi người. Hai đứa trò chuyện với nhau tới khuya, và sáng hôm sau Pôlốptxép tươi tỉnh gọi Iakốp Lukits vào:
- Này, anh Iakốp Lukits thân mến, đây là một hội viên của đồng minh chúng ta, bạn chiến đấu của chúng ta, như thường nói, quan một Liachépxki Vátxláp Ápguxtôvits. Anh hãy quý trọng chăm sóc ông ấy. Còn đây là chủ nhà của tôi, lính kô-dắc kỳ cựu, nhưng hiện nay chuyển ra làm quản lý nông trang… Có thể nói là một viên chức xôviết….
Viên quan một đang ngồi trên giường đứng dậy, chìa cho Iakốp Lukits cái lòng bàn tay to và trắng. Nom hắn trạc tuổi ba mươi, gầy và mặt vàng. Mái tóc đen quăn quăn của hắn chải ngược, chấm đến tận cổ chiếc áo cánh xa tanh đen. Hàng ria thưa mọc loăn xoăn trên đôi môi thẳng nét và tươi vui. Mắt trái hắn thành tật lim dim, xem chừng là do chấn thương; bên dưới con mắt ấy, da mặt hắn bất động, sần sùi những vết nhăn chết cứng, nom khô héo như ngọn lá thu. Nhưng con mắt lim dim ấy chẳng làm giảm đi, mà lại còn làm tăng thêm vẻ tươi vui, hóm hỉnh của khuôn mặt viên cựu quan một Liachépxki. Có cảm tưởng như con mắt nâu nâu của hắn sắp nháy một cái ranh mãnh, da mặt hắn sẽ căng ra, làm những đường nhăn rẻ quạt giãn đến thái dương, và viên quan một yêu đời ấy sẽ phá lên một tiếng cười trẻ trung và dễ lây. Kiểu ăn mặc xem có vẻ luộm thuộm của hắn là cố ý, và nó không ảnh hưởng gì đến dáng điệu nhanh nhẹn mà vẫn để lộ ra vẻ phong lưu đài các.
Ngày hôm ấy Pôlốptxép đặc biệt vui, tỏ ra ân cần với cả Iakốp Lukits nữa. Trong chốc lát, y đã kết thúc câu chuyện thường ngày; rồi quay mặt về phía Ôxtơrốpnốp, y tuyên bố:
- Ông quan một Liachépxki sẽ ở lại nhà anh độ hai tuần, còn tôi hôm nay, tối xuống là tôi đi. Ông ấy cần gì, anh giúp, mọi mệnh lệnh của ông ấy là lệnh của tôi. Rõ chưa? Như thế nhá, Iakốp Lukits! – Rồi y đặt bàn tay gân guốc lên đầu gối Iakốp Lukits, dằn giọng nhấn mạnh: - Sắp bắt đầu rồi! Nán chờ ít lâu nữa thôi. Anh cứ nói như thế với bà con kô-dắc ta, cho họ phấn khởi. Thôi, bây giờ anh đi ra, chúng tôi cần bàn chuyện tiếp.
Có chuyện gì bất thường đây làm cho Pôlốptxép phải rời Grêmiatsi Lốc hai tuần lễ. Iakốp Lukits nóng lòng muốn biết lắm. Vì thế lão lẻn vào trong căn buồng mà bữa nọ Pôlốptxép đã nấp ở đó nghe trộm chuyện của lão với Đavưđốp. Lão áp tai vào bức vách mỏng. Lão chỉ nghe hơi rõ rõ câu chuyện nói phía bên kia tường.
Liachépxki. Nhất thiết anh cần bắt liên lạc với Bưkôđôrốp… Dĩ nhiên, khi gặp thế nào Ngài cũng sẽ thông báo cho anh rõ là các kế hoạch... tình hình thuận lợi… Tuyệt! Ở khu Xanxcơ… một đoàn xe lửa bọc sắt… trong trường hợp thất bại…
Pôlốptxép. Suỵt.
Liachépxki. Chắc chả có ai nghe đâu.
Pôlốptxép. Nhưng dẫu sao… Đề phòng vẫn hơn…
Liachépxki. (nói nhỏ đi, làm cho Iakốp Lukits nghe câu được câu chăng, chẳng có mạch lạc gì). Thất bại… tất nhiên… Ápganixtan… Nhờ sự giúp đỡ của họ mà luồn đi…
Pôlốptxép. Nhưng phương tiện… GPU (*)… (rồi sau đó chỉ còn độc nghe thấy một tiếng liên tục: “bu-bu-bu-bu-bu…”).
Liachépxki. Phương án là như sau: vượt biên giới… Minxcơ… Vòng tránh… Tôi đảm bảo với anh là quân biên phòng… Tất nhiên, họ sẽ tiếp ở bộ tham mưu… Ông đại tá, tôi biết tên ông ta… nơi họp kín… Thế thì là một sự hỗ trợ mạnh mẽ! Một sự yểm hộ như vậy… Vấn đề không phải là ở chỗ trợ cấp…
Pôlốptxép. Ý kiến của Ngài thế nào?
Liachépxki. Tôi tin rằng Ngài đại tướng sẽ nhắc lại… nhiều! Tôi được lệnh miệng… vô cùng căng thẳng, trong khi lợi dụng… không bỏ lỡ thời cơ…
Tiếng nói chuyển thành tiếng thì thào, và Iakốp Lukits nghe lõm bõm câu được câu mất như vậy chẳng hiểu gì cả, thở dài một cái, bỏ đi lên trụ sở nông trang. Và một lần nữa, đi tới ngôi nhà xưa kia của Titốc, lướt mắt nhìn lên tấm biển trắng treo trên cổng với dòng chữ: “Ban quản trị nông trang Grêmiatsi”, lão lại thấy cảm giác quen thuộc một dạ hai lòng. Rồi lão lại nhớ đến viên quan một Liachépxki, đến lời nói chắc như đinh đóng cột của Pôlốptxép: “Sắp bắt đầu rồi!”, và với một niềm vui độc ác, điên tiết lên với mình, lão nghĩ bụng: “Mau mau lên chứ! Không thì mình sẽ bị xé xác làm đôi mất, một nửa cho họ, một nửa cho nông trang, như con lợn đem mổ thịt!”.
Đến tối, Pôlốptxép thắng ngựa, đút tất cả giấy má vào túi dết, lấy lương thực và từ giã lên đường. Iakốp Lukits nghe thấy bên cửa sổ con ngựa của Pôlốptxép vui sướng được sổ lồng, nhún nhảy quay mấy vòng, gõ móng lóc cóc xuống mặt đường.
Ông khách mới đã tỏ ra là một con người hiếu động, ngồi không yên một chỗ, và suồng sã lối lính tráng. Suốt ngày hắn mò mẫm khắp trong nhà ngoài sân, vui vẻ, nụ cười trên miệng, nói dỡn đám đàn bà, làm cho bà lão Ôxtơrốpnốp vốn ghét cay ghét đắng khói thuốc lá sống không yên; hắn cứ lang thang, chẳng sợ ai trông thấy, đến nỗi Iakốp Lukits cũng phải lưu ý hắn:
- Ngài nên cẩn thận… Nhỡ có ai vào, bắt gặp quan lớn.
- Thế trên trán ta có ghi rõ ta là “quan lớn” à?
- Không, nhưng họ có thể hỏi ngài là ai, ở đâu đến…
- Thế thì, ông chủ ơi, giấy tờ tôi đầy túi đây và nếu gặp trường hợp gay go, người ta không tin, thì tôi chỉ việc đưa ra cái giấy uỷ nhiệm này… Cầm nó thì đi đâu cũng lọt! – Và hắn rút trong túi áo ra một khấu Maude xanh biếc miệng vẫn tươi cười như thế và con mắt dại đờ lấp dưới lớp da nhăn gồ lên nhìn với một vẻ khiêu khích.
Cái bắng nhắng của viên quan một ngông nghênh kia làm cho Iakốp Lukits khó chịu trong bụng, đặc biệt là từ sau lần buổi tối lão ở trụ sở về thì nghe thấy trong nhà có tiếng nén giọng nói nhỏ, tiếng cười khúc khích, tiếng lục đục, và đánh que diêm lên, lão trông thấy phía sau thùng cám con mắt độc nhất long lanh của Liachépxki, và bên cạnh là ả nàng dâu của mình mặt đỏ như hoa mào gà, đang luống cuống kéo váy xuống và sửa lại tấm khăn vuông tụt xuống tận gáy… Iakốp Lukits chẳng nói chẳng rằng, đi xuống bếp, nhưng tới cửa bếp thì Liachépxki đuổi kịp, vỗ vai lão, thì thào:
- Này, bố ơi, bịt chuyện này đi nhá.. Đừng làm khổ thằng con bố! Con nhà binh chúng ta thì phải thế! Thần tốc và dũng mãnh! Tuổi trẻ ai mà tránh khỏi, hèm… Này, thuốc lá đây, hút đi… Thế đằng ấy không làm cái trò ấy với con dâu bao giờ à? Thôi đi, lão dê cụ!
Iakốp Lukits hoang mang quá đến nỗi đã cầm lấy điếu thuốc, châm vào que diêm ở tay Liachépxki, rồi mới bước vào bếp. Còn tên này thì châm thuốc mời chủ nhà xong, nén một cái ngáp, lên giọng dạy đời:
- Khi người ta giúp anh việc gì chẳng hạn châm lửa cho anh hút thuốc, thì phải cảm ơn chứ. Chà, cái đồ anh bất lịch sự, thế mà lại là quản lý nông trang! Như xưa kia thì tôi chẳng thèm lấy anh làm lính hầu đâu.
Iakốp Lukits nghĩ bụng: “Ma quỷ nào trút lên đầu mình lão khách trọ này thế không biết!”.
Thói ngỗ ngược của Liachépxki làm lão phát ớn. Thằng Xêmiôn, con trai lão, hôm ấy không có nhà, nó được giao cho lên huyện mời thú y sĩ. Nhưng Iakốp Lukits quyết định không hở gì cho nó biết, và tự mình giải quyết lấy: lão gọi cô con dâu vào trong kho lúa, lặng lẽ dạy dỗ con dâu, quật cho cô nàng một trận roi da; lão không quật vào mặt mà vào lưng và thấp hơn nữa một tí, nên không ai trông thấy vết roi. Đến cả Xêmiôn cũng không để ý thấy gì. Tối hắn ở huyện về, cô vợ dọn cơm ra cho chồng, và khi thấy vợ chỉ ngồi ghé vào đầu ghế, hắn vô tình hỏi:
- Mình làm sao mà ngồi rón rén như khách thế?
- Tôi bị cái mụn… - Vợ Xêmiôn đỏ mặt tía tai đứng dậy.
- Nhá một củ hành với ruột bánh mì đắp lên đấy, khỏi ngay. – Iakốp Lukits đang bện một sợi thừng, ân cần bày cách cho con dâu.
Cô con dâu ném về phía lão một cái nhìn nảy lửa, nhưng đấu dịu đáp:
- Cám ơn thày, mặc nó, nó khắc khỏi…
Thỉnh thoảng lại có người mang thư đến cho Liachépxki. Hắn đọc xong thư ném luôn vào lò đốt đi. Về sau, đêm nào hắn cũng uống rượu, thôi cái trò trai lơ với cô con dâu Iakốp Lukits, đâm ra lầm lì và luôn mồm hỏi Iakốp Lukits hoặc Xêmiôn cho xin “một chai bố”, dúi vào tay họ những tờ giấy bạc mới tinh, kêu sột soạt. Say rượu, hắn quay sang nói chuyện chính trị, thiên về những vấn đề khái quát rộng lớn, và theo hắn thì là sự đánh giá tình hình một cách khách quan. Một lần hắn đã làm cho Iakốp Lukits bị một mẻ hoang mang tợn. Hắn gọi lão vào buồng, mời lão uống rượu vốtka, rồi nháy mắt một cái khả ố, hỏi:
- Lão đang phá hoại nông trang đấy à?
- Không, sao lại phá hoại? – Iakốp Lukits giả vờ làm vẻ ngạc nhiên.
- Phương pháp hoạt động của lão thế nào?
- Phương pháp nào ạ?
- Thế thì lão làm việc gì? Lão là nhân mối tay trong chứ gì… Vậy ở đấy lão làm những gì? Có đánh thuốc độc ngựa bằng mã tiền không, có phá dụng cụ sản xuất hoặc cái gì khác không?
- Hoàn toàn ngược lại, tôi được lệnh không được đụng chạm đến ngựa… - Iakốp Lukits thú nhận.
Ít lâu nay lão ta hầu như đã bỏ rượu, do đó cốc vốtka làm lão choáng váng ngây ngất, ruột gan có gì muốn dốc tuột ra hết. Lão muốn than thở nỗi khổ tâm của lão vì đồng thời vừa phải xây dựng vừa phải phá hoại cơ sở kinh tế tập thể hoá của trang ấp. Nhưng Liachépxki chẳng để cho lão nói; chẳng buồn rót mời Iakốp Lukits nữa, hắn nốc cạn chỗ vốtka và hỏi:
- Thế thì đồ ngu si đần độn ạ, lão dính với chúng tôi làm gì? Tôi hỏi lão dính vào làm khỉ gì? Ông Pôlốptxép và tôi là những kẻ cùng đường, một liều ba bảy cũng liều.. Phải liều! Hoặc là chúng tôi sẽ thắng, mặc dầu, lão có biết không, phần thắng ít một cách đáng buồn… Một phần trăm thôi, không hơn! Nhưng chúng tôi như thế là vì chúng tôi không có cái gì để mất cả, trừ xiềng xích, như bọn cộng sản nói. Thế còn lão? Theo tôi, lão chỉ là một vật hy sinh. Đời lão, lão cứ sống cho thoải mái, đồ ngu ạ… Cứ cho rằng tôi chẳng tin những bọn ngu xuẩn như lão có thể xây dựng nên chủ nghĩa xã hội, nhưng dẫu sao… ít ra bọn lão cũng khuấy đục được vũng bùn thế giới. Đằng này, khi nổi lên bạo động, người ta sẽ cho lão một phát, con quỷ bạc đầu ạ, hoặc chỉ tống lão vào tù thôi, và vì lão chỉ là theo đóm ăn tàn nên người ta sẽ đầy lão lên tỉnh Arkhanghenxkơ. Lão sẽ đẵn gỗ ở đấy cho đến ngày chủ nghĩa cộng sản thắng thế lần thứ hai… Chà, lão là đồ con lừa! Như tôi đây, tôi hiểu rõ vì sao phải nổi dậy, tôi là quý tộc mà! Ông thân sinh tôi ngày trước có năm nghìn đêxiachin đất cày cấy, và gần tám trăm đêxiachin đất rừng. Đối với tôi và những người như tôi, thật là đau lòng nát ruột phải rời bỏ quê hương xứ sở, lang thang nơi đất khách quê người, đổ mồ hôi kiếm ăn, như người ta thường nói. Nhưng lão? Lão thì là cái gì? Một dân cổ cày vai bừa, ăn no vác nặng! Một giống bọ hung ăn cứt! Chó đẻ mẹ các anh chứ trong nội chiến, bọn kô-dắc các anh bị chúng nó đâm chém như thế chưa đã đời hay sao?
- Chúng tôi sống không nổi! – Iakốp Lukits phản ứng lại. – Thuế má bóp nghẹt, súc vật bị thu, đời sống riêng chẳng có, chứ nếu không thì chúng tôi cần quái gì đến các ông, các ông quý tộc cũng như các ông khác cùng giuộc. Và đời nào tôi lại chuốc vạ vào thân như thế này.
- Thuế với má! Cứ làm như ở nước khác, nông dân không phải đóng thuế vậy. Họ còn đóng nặng hơn ấy chứ!
- Vô lý.
- Đúng thế đấy!
- Nhưng ông làm sao biết được ở các nước ấy người ta sống thế nào và đóng thuế ra sao?
- Tôi sống ở đấy rồi, tôi biết.
- Ông chắc ở nước ngoài về?
- Hỏi làm gì?
- Tôi muốn biết.
- Biết lắm chỉ tổ chóng già. Thôi, đi lấy ít vốtka nữa vào đây.
Iakốp Lukits sai thằng Xêmiôn đi lấy vốtka, còn lão, đang thèm được yên tĩnh một mình, vào kho lúa nằm dúi trong đống rơm hai tiếng đồng hồ, ngẫm nghĩ: “Đồ khỉ đột! Nó nói mình nghe mà muốn điên đầu. Hoặc là nó thử mình, xem xem mình ăn nói ra sao và có chống lại bọn họ không, rồi đợi Pôlốptxép về sẽ báo cáo… và lão này sẽ khử mình như khử Khốprốp chăng? Hay biết đâu nó nghĩ thế thật. Người ta lúc tỉnh có cái gì để bụng thì lúc say nói ra mồm… Có lẽ cũng chẳng dây dưa dính dáng với Pôlốptxép làm gì, nén chịu ở nông trang độ một hai năm chăng? Biết đâu một năm nữa, chính quyền thấy nông trang làm ăn không ra gì sẽ chẳng giải tán nó đi? Và mình sẽ trở lại sống ra con người… Ôi, lạy Chúa tôi! Tôi biết xoay thế nào bây giờ? Sẽ mất toi cái đầu thôi… Rõ ràng là đằng nào cũng vậy… Đem con cú quất vào gốc cây, hay đem gốc cây quất vào con cú, thì đằng nào con cú cũng về chầu giời…”.
Gió băng qua hàng rào thổi thốc vào nhà kho. Gió cuốn những cọng rơm vương vãi quanh cổng bay tới chân đụn rơm, đắp vào những lỗ chó bới, chải lại những chỗ bờm xờm chất không chặt, quét tuyết hanh trên nóc đụn rơm xuống rơi lả tả. Gió to, thổi mạnh và lạnh buốt. Iakốp Lukits cố nhìn mãi mà không biết được gió từ phía nào lại. Dường như gió chỉ luẩn quẩn quanh đống rơm và lần lượt từ bốn phía đông, tây, nam, bắc thổi tới. Gió động, làm bọn chuột trong đống rơm sợ chạy lục đục. Chúng kêu chút chít, lủi chạy theo những con đường bí mật của chúng, đôi lúc sát vào lưng Iakốp Lukits đang nằm chúi vào đống rơm. Lắng nghe tiếng gió rít, tiếng rơm xào xạc, tiếng chuột rúc rích và tiếng cót két tời nước ngoài giếng, Iakốp Lukits dường như thiu thiu: tất cả những tiếng động ban đêm ấy lão nghe như một khúc nhạc buồn, xa xăm và kỳ lạ. Đôi mắt lim dim rơm rớm nước mắt, lão nhìn bầu trời sao, hít lấy mùi rơm và hương gió thảo nguyên; mọi cảnh vật chung quanh, lão thấy nó đẹp và bình dị…
Nhưng nửa đêm, có người cưỡi ngựa từ ấp Vôxkôvôi mang thư Pôlốptxép tới. Liachépxki đọc lá thư ngoài bì có ghi “Hoả tốc”, rồi lay Iakốp Lukits đang ngủ dưới bếp dậy:
- Này, đọc đi.
Iakốp Lukits dụi mắt, đón lấy lá thư của Pôlốptxép gửi cho Liachépxki. Thư viết bằng bút chì tím trên một trang giấy sổ tay, nét chữ rõ ràng, đôi chỗ viết theo cách viết cổ:
“Ông một,
Chúng tôi đã nhận được tin chắc chắn rằng Ban chấp hành Trung ương của bọn bônsêvích đang trưng thu lúa mì của nhà nông, nói là để làm giống gieo cho các nông trang. Nhưng thực tế là lấy lúa để bán ra nước ngoài, và nhà nông, kể cả nông trang viên, sẽ bị lâm vào cảnh chết đói. Chính quyền Xôviết thấy trước ngày tận số của nó sắp tới và không thể tránh được, đem thóc bán sạch, làm cho nước Nga hoàn toàn phá sản. Tôi ra lệnh cho ông phải lập tức triển khai trong dân chúng Grêmiatsi Lốc, ở đó giờ đây ông là người đại diện cho liên minh của chúng ta,một cuộc tuyên truyền chống lại việc trưng thu lúa mì dưới chiêu bài thóc giống. Yêu cầu ông truyền đạt cho I. L rõ nội dung lá thư này, và trao cho ông ta nhiệm vụ lập tức tiến hành công việc tuyên truyền giải thích. Bất kỳ giá nào cũng phải phá cho bằng được việc trưng thu lúa mì này”.
Đến sáng, Iakốp Lukits không đến trụ sở mà tới tìm Banhích và bọn đồng mưu đã được lão kết nạp vào “Liên minh giải phóng sông Đông”.
--------------------------
(*) GPU: Tên tắt ngành công an Xôviết hồi đó. – ND.
Nguồn: http://tusach.mobi/