15/3/13

Đất vỡ hoang (TII-C21)

Tập II - Chương 21 


Trước hội nghị chi bộ thôn hai hôm, sáu chị em nông trang viên đã đến nhà tìm gặp Nagunốp. Trời còn sớm quá, các chị ngần ngại không muốn kéo nhau đông vào nhà. Họ nghiêm chỉnh ngồi xuống bậc thềm, xuống cái gờ đất. Rồi chị vợ Kônđrát Maiđanhikốp sửa lại mái khăn vuông tinh tươm hồ lơ xanh lè, ngỏ ý:
- Hay để tôi vào xem thử, các bà nhá?
- Bà xung phong thì bà vào đi, - chị vợ Agaphôn Đúpxốp. ngồi ở bậc cuối cùng đáp thay cho tất cả.
Trong gian phòng nhỏ, Maka đang ngồi lom khom cạo râu trước một mảnh gương vỡ nhỏ tí đặt tựa vào cái chậu hoa. Lưỡi dao cạo cùn, cùn trơ, cứ kêu tanh tách như dây dẫn phóng điện, quét dần đi đám râu đen cứng như chổi sể trên đôi má rám nắng của anh. Anh nhăn nhó một cách đau khổ, suýt soa, thỉnh thoảng hầm hừ lên một tiếng và đôi lúc lại đưa ống tay áo lên chùi nước mắt cứ ứa ra. Anh cạo thế nào mà đã cứa đứt da mấy chỗ rồi, và lớp bọt xà phòng trên má và cổ anh không còn trắng tuyền nữa, mà hồng loang từng đám. Trong mảnh gương mờ, sắc mặt anh cứ biến đổi luôn luôn: lúc thì nhẫn nhục cam phận, lúc là cố nén đau xót, lúc thì hầm hầm dữ tợn; và có lúc, nó thể hiện quyết tâm tuyệt vọng của một kẻ chán đời quyết dùng lưỡi dao cạo kết liễu phăng cuộc đời của mình đi cho rảnh nợ.
Chị vợ Maiđanhikốp, bước vào phòng, nhỏ nhẹ lên tiếng chào. Maka quay ngoắt lại, giơ ra phía chị một bộ mặt lầm lầm, máu me và méo xệch đi vì đau đớn, khiến người phụ nữ tội nghiệp kia hãi quá kêu ối lên một tiếng, lùi ra cửa:
- Ôi, Chúa bắt tội anh! Làm sao mà lại máu me thế kia? Thì cũng ra rửa qua đi một tí chứ sao lại để máu chảy như lợn chọc tiết thế?
- Đồ khỉ, có gì mà hãi thế, ngồi xuống đây, - Maka mỉm cười thân ái mời chào. – Lưỡi dao cùn quá, cứa đứt cả mặt. Cũng đáng quẳng nó đi từ lâu rồi, nhưng cứ tiếc, và cái của khốn nạn này tôi chịu đựng nó cũng đã quen. Nó đã đi theo tôi hai cuộc chiến tranh, mười lăm năm làm đỏm cho tôi, bảo làm sao từ bỏ nhau được. Kìa, ngồi xuống chứ chị, tôi xong bây giờ đây.
- Anh bảo lưỡi dao cùn hả? – Chị vợ Maiđanhikốp không biết nói gì, hỏi lại, vừa hỏi vừa rón rén ngồi ghé xuống tấm ghế dài và tránh không nhìn Maka.
- Cùn kinh lên được! Đến nỗi không cắt được cả cái… - Maka nuốt chửng câu đang nói dở, ho lên hai tiếng, rồi liến thoắng nói tiếp: - Nghĩa là có thể nhắm mắt lại nạo bừa đi! Nhưng mới bảnh mắt thế này chị đã đến có việc gì vậy? Có chuyện dữ gì không? Hay là cậu Kônđrát bị ngộ gió cứng lưỡi rồi?
- Không, nhà tôi vẫn khỏe. Mà tôi đến không phải một mình. Chúng tôi có cả thảy sáu chị em đến phiền anh một việc.
- Việc gì vậy?
- Ngày kia anh kết nạp các ông nhà chúng tôi vào Đảng, cho nên một cái ngày như thế thì chị em chúng tôi muốn sửa sang nhà trường lại một tí.
- Các chị tự nghĩ ra thế, hay là các anh ấy mách nước?
- Thế dễ anh cho là chúng tôi ngu ngốc đần độn lắm sao? Anh coi rẻ chị em chúng tôi quá thể, anh Nagunốp ạ!
- Có đâu, nhưng nếu là các chị tự nghĩ ra thì hay quá rồi!
- Chúng tôi định trát và quét vôi lại trong ngoài.
- Càng hay! Tôi tán thành cả hai tay, có điều là các chị nên hiểu việc ấy không được chấm công đâu. Đó là công tác xã hội mà.
- Chúng tôi đã gọi là tự nguyện tự giác thì cần công điểm gì nữa? Chỉ yêu cầu anh báo cho đội biết, để khỏi cắt chúng tôi vào việc khác. Chúng tôi có sáu người, tôi nói tên để anh biên vào giấy.
- Tôi sẽ báo đội biết, còn giấy tờ thì không cần. Chả cần tên các chị thì cũng đã phí khối giấy vì cái bệnh quan liêu giấy tờ rồi.
Chị Maiđanhikốpva đứng dậy, im lặng một lát, lé lé mắt nhìn Nagunốp, rồi tủm tỉm:
- Anh Maiđanhikốp nhà tôi về cái kỳ quặc thật chả thua gì anh, mà còn quá quẩn hơn ấy… Nghe bà con nói dạo này ở ngoài đồng, không ngày nào anh ấy không cạo râu, về nhà thì thử áo sơmi… Anh ấy vẻn vẹn chỉ có ba cái, cứ loay hoay ướm cái này, rồi lại thử cái khác, phân vân chả biết đến chủ nhật vào Đảng thì nên mặc cái nào… Tôi nói đùa anh ấy: “Mình cứ như cô con gái sắp về nhà chồng vậy”. Thế là anh ấy nổi điên lên khiếp quá! Anh ấy điên lên, nhưng cố không lộ ra ngoài mặt, nhưng cứ mỗi lần tôi định nói trêu anh ấy là lập tức mắt anh ấy lừ lừ. Thế là tôi biết anh ấy sắp văng tệ ra với tôi, và tôi vội lảng đi ngay, không muốn trêu gan anh ấy…
Maka mỉm cười, đôi mắt nom hiền đi.
- Chị ơi, đối với anh ấy thì việc này có quan trọng hơn việc con gái về nhà chồng một tí đấy. Lấy vợ lấy chồng là cái việc ba lăng nhăng! Kết hôn, rồi dắt nhau về, có thế thôi mà. Còn Đảng thì, chị chàng ơi, nó là một cái sự… nói tóm lại nó là một cái sự… Nói thế quái nào cho chị hiểu được nhỉ? Trong nhận thức về Đảng thì chị bơi như con gián bơi trong nồi xúp vậy, tôi cũng chẳng hoài hơi mà giảng giải cho chị, làm thế có khác gì đổ nước vào cối mà giã? Nói tóm lại Đảng là một cái rất là vĩ đại, tôi chỉ nói với chị thế thôi! Chị rõ chưa?
- Rõ rồi, anh Maka ạ, nhưng anh bảo anh em xe cho chúng tôi mươi xe đất sét.
- Tôi sẽ bảo.
- Vôi để quét tường nữa.
- Sẽ có.
- Thêm đôi ngựa và vài thằng bé để trộn vữa.
- Có lẽ phải mời cho các chị mươi anh thợ trát ở Rôxtốp về nữa chứ nhỉ? – Maka giơ xa lưỡi dao cạo ra, quay ngoắt toàn thân lại, kiểu như con chó sói, hỏi kháy chị vợ Maiđanhikốp.
- Thợ trát thì chúng tôi đảm nhiệm, còn ngựa thì đề nghị anh cho, kẻo chủ nhật này không xong đâu.
Maka thở dài:
- Các bà chỉ được cái thấy người ta hiền lành là cưỡi đầu cưỡi cổ liền… Thôi được rồi, sẽ có ngựa, muốn gì cũng có, những lạy Chúa, mời bà đi đi cho! Vì bà mà tôi cứa quá tiêu chuẩn mất hai nhát rồi đầy! Nói chuyện với bà hai phút nữa thì mặt tôi sẽ bị vạc ra hết mất. Rõ chưa?
Giọng nói rắn rỏi ngang tàng của Maka nghe đầy một vẻ van lơn đến nỗi chị vợ Maiđanhikốp quay vội đi, miệng nói “Thôi chào anh!”, và bước chân ra cửa. Nhưng chỉ một giây sau, chị lại đẩy cửa vào:
- Xin lỗi anh Maka…
- Lại gì nữa đấy? – Lần này thì giọng nói của Maka lộ rõ vẻ ngán ngẩm.
- Tôi quên chưa có lời cảm ơn anh.
Cánh cửa đóng sầm lại. Maka giật mình đánh thót và lưỡi dao lại cứa một nhát sâu nữa vào mặt anh.
- Xin cảm ơn bà, cảm ơn tất cả mấy bà, nghĩa là mấy cái đồ nỡm, chứ tôi đây thì chả có gì đáng cảm ơn cả! – anh réo theo chị vợ Maiđanhikốp và cứ đứng một lúc cười không thành tiếng.
Và cái câu chuyện không đâu ấy đã làm cho anh chàng Maka nom lúc nào cũng khắc khổ ấy thấy trong lòng vui vui, và suốt ngày hôm ấy, mỗi lần nghĩ đến chuyện chị vợ Maiđanhikốp và câu cám ơn vớt của chị, anh lại cười thầm trong bụng.
* * *
Những ngày này thời tiết hết sức đẹp, nắng ráo và lặng gió. Đến chiều thứ bảy thì ngôi trường bên ngoài trắng xóa những bức tường vôi mới quét, còn bên trong thì sàn ván được cọ rửa tinh tươm như mới, đến nỗi ai bước vào cũng bất giác kiễng chân đi rón rén.
Hội nghị công khai của chi bộ được ấn định khai mạc vào sáu giờ chiều, nhưng mới bốn giờ đã có hơn trăm rưởi người lũ lượt kéo nhau đến, và lập tức tất cả các lớp học, mặc dầu các cửa đều mở toang, đã nồng nặc mùi đàn ông – mùi thuốc lá sừng bò và mùi mồ hôi rượu mạnh, - và mùi kem phấn và xà phòng rẻ tiền toát ra từ cái đám lúc nhúc các bà các cô trong những bộ cánh diện.
Đây là lần đầu tiên Grêmiatsi Lốc có một hội nghị công khai của Đảng để kết nạp đảng viên mới, và những đảng viên mới ấy lại là người làng, cho nên từ sáu giờ chiều thì toàn bộ Grêmiatsi Lốc, trừ trẻ con và những người ốm liệt giường, đều có mặt ở trong trường hoặc quanh trường. Các lều lán ngoài thảo nguyên đều vắng tanh vắng ngắt, không còn một bóng người. Mọi người đã mò về làng hết, và ngay cả ông lão chăn cừu Agây cũng quăng đàn cừu đấy, giao cho thằng bé giúp việc chăn, và tới trường học quần áo chỉnh tề, râu ria chải chuốt, chân đi đôi ủng đã tã, ống căng phình ra. Ăn vận như thế, chải chuốt như thế, không có cái roi cầm tay, không có cái bị đeo sườn, nom cụ khác quá đến nỗi nhiều ông kôdắc thoạt nhìn không nhận ra, và chào cụ như chào khách lạ ở đâu đến.
Đúng sáu giờ, Maka Nagunốp đang ngồi bên chiếc bàn phủ xatanh đỏ, đứng dậy, đưa mắt nhìn bao quát một lượt các hàng người ngồi chật như nêm trên các ghế dài và đứng chen chúc trên các lối đi. Tiếng người ồn ào vẫn chưa chịu lắng đi, lại thêm tiếng một chị nào cười ré lên ở hàng ghế cuối. Maka giơ cao tay:
- Thế nào, im lặng tí chứ hả, các vị to mồm kia, nhất là các bà! Tôi đề nghị giữ hết sức im lặng, và xin tuyên bố khai mạc hội nghị công khai chi bộ Grêmiatsi Lốc của Đảng cộng sản bônsêvích. Xin giới thiệu đồng chí Nagunốp, tức là chính tôi đây, phát biểu ý kiến. Chương trình nghị sự hôm nay chỉ có một mục: kết nạp đảng viên mới. Chúng tôi có nhận được một số đơn xin gia nhập Đảng trong đó có đơn của anh Kônđrát Maiđanhikốp mà bà con chúng ta đều biết rõ lắm rồi. Vậy tôi đề nghị tất cả các đồng chí đảng viên và đồng bào ngoài Đảng phát biểu ý kiến về trường hợp anh Kônđrát, xem ai có ý kiến gì, ai tán thành, và ai phản đối, nếu có. Ý kiến phản đối thì gọi là phiếu chống. Ví dụ, nói: “Tôi xin bỏ phiếu chống”, nhưng thế thì phải đưa ra lý do cụ thể tại sao anh Maiđanhikốp chưa xứng đáng được kết nạp. Chúng ta cần những khuyết điểm cụ thể, có thế thì mới thảo luận xem xét được, chứ gièm pha loanh quanh, đả kích suông, không có sự việc cụ thể, thì yếu lắm. Những ý kiến suông chúng tôi sẽ không chấp nhận. Trước tiên tôi sẽ đọc lá đơn của anh Kônđrát Maiđanhikốp, sau đó anh Kônđrát sẽ trình bày tiểu sử, nghĩa là kể về quá khứ, hiện tại và tương lai của anh ấy, rồi sau đó toàn thể bà con có ý kiến gì về phương diện đồng chí Maiđanhikốp của ta thì cứ phát biểu đi. Nhiệm vụ thế là rõ chưa? Rõ rồi. Vậy thì tôi bắt đầu tiến hành, tức là đọc hội nghị nghe lá đơn.
Nagunốp đọc xong lá đơn, để xuống bàn miết cho phẳng phiu rồi đè bàn tay dài và nặng chịch của anh lên. Trang giấy xé ở một cuốn vở học sinh này đã làm cho Kônđrát mất bao nhiêu đêm thao thức dằn vặt… Và giờ đây, anh cứ bổi hổi bồi hồi, khi thì liếc nhìn các đảng viên ngồi sau bàn chủ tọa, khi thì liếc nhìn mấy bà con ngồi cạnh bằng con mắt len lét xưa nay không thấy ở anh, và trán anh toát mồ hôi hột, mặt anh thì cứ như vừa dầm mưa về.
Anh kể vắn tắt về đời mình, ngập ngà ngập ngừng chọn mãi mới được một lời, mặt ỉu sìu sìu nhưng đồng thời lại cười, nụ cười nom đau khổ và thảm hại. Liubiskin không nén được nữa, nói tướng lên:
- Anh Kônđrát, việc gì mà phải xấu hổ về đời anh? Sao lại cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc vậy? Đời anh rất là hay, cứ nói mạnh lên nào!
- Tôi nói hết rồi, - Maiđanhikốp đáp nhỏ và ngồi xuống, hai bả vai rùng rùng ớn lạnh.
Anh có cảm giác như vừa ở trong nhà ấm trần như nhộng bước ra ngoài trời băng giá.
Sau một phút im lặng Đavưđốp đứng dậy. Anh nói ngắn nhưng đầy nhiệt tình, biểu dương Maiđanhikốp đã biết lấy việc làm của mình mà lôi cuốn bà con nông trang, nêu anh ra làm gương cho mọi người noi theo, và cuối cùng tuyên bố bằng một giọng tin tưởng:
- Anh ấy hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ Đảng của chúng ta, thực tế thế!
Một số người nữa đứng dậy phát biểu, nhiệt liệt ủng hộ Maiđanhikốp. Và lời phát biểu của họ nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tiếng kêu thốt lên tán đồng:
- Đúng lắm!
- Rất có tinh thần làm chủ!
- Anh ấy biết lo lắng đến lợi ích nông trang.
- Tay này thì một xu của tập thể cũng không để rơi, và nếu có rơi một thì sẽ lại nhặt lên hai.
- Có nói xấu anh ta cái gì cũng chả ai tin!
Kônđrát nghe những lời tán dương rào rào ấy mà mặt cứ tái mét đi vì cảm động. Và xem chừng hội nghị đã thống nhất ý kiến về anh thì bỗng bác Suka không phải là đứng dậy mà bật lên như cái lò xo, và bắt đầu phát: Thưa đồng bào và các lão bà thân mến! Lão xin là hoàn toàn bỏ phiếu chống! Lão không phải như người ta, đối với lão thì tình bạn là tình bạn, còn thuốc lá của ai thì người ấy hút. Đấy, lão là người như thế đấy! Bà con cứ tô vẽ cho anh Kônđrát như không phải là một con người mà là một ông thánh sống! Lão xin hỏi đồng bào: làm sao mà anh ta có thể thành một ông thánh được khi anh ta cũng chỉ là một kẻ tội lỗi như mọi người chúng ta đây thôi!
- Bác lại nói lảm nhảm rồi, bác ơi! Chúng tôi không phải là kết nạp anh ta vào thiên đường, mà vào Đảng, - Nagunốp chỉnh lại bác bằng một giọng hãy còn tử tế.
Nhưng bác Suka đâu phải người dễ cụt hứng hay bối rối vì một câu bắt bẻ. Bác quay lại phía Nagunốp, con mắt độc nhất long lên sòng sọc bởi vì con mắt kia băng kín bằng một chiếc khăn tay đỏ đã từ lâu không giặt.
- Ồ, anh Maka ơi, anh thì chỉ khỏe áp chế dân lành thôi! Dùng anh để làm cái máy ép dầu qùy thì không gì bằng… Sao anh lại bịt mồm lão, không cho lão nói? Lão có nói về anh đâu, và có bỏ phiếu chống lại anh đâu? Thế thì anh im đi, đừng nói nữa, vì Đảng dạy là phải ra sức phê bình và tự phê bình. Vậy tự phê bình là gì? Nói theo nghĩa tiếng Nga chính cống thì là tự do phê bình. Và tự do phê bình nghĩa là thế nào? Là phải cào cho người bị phê bình, vào chỗ nào tùy anh, nhưng phải cào cho nó vã mồ hôi muối ra ướt đầm từ đầu đến chân! Đấy, cái chữ tự phê bình lão hiểu nghĩa nó là như vậy.
- Thôi đi bác! – Nagunốp kiên quyết cắt đứt lời bác Suka. – Bác đừng có tùy tiện xuyên tạc chữ nghĩa! Tự phê bình là phê bình bản thân mình, nghĩa nó là như vậy. Ra hội nghị nông trang viên cho bác tha hồ phát biểu và lúc ấy bác tha hồ muốn cào muốn gãi bất cứ chỗ nào bác ngứa và muốn gãi kiểu nào thì gãi, nhưng ở đây thì bác im mồm đi, ngồi cho yên lành tử tế.
- Không, anh im mồm đi thì có, và lời lão phê bình, anh đừng có tọng nó trả lại vào mồm lão! – bác Suka bốc lên gào the thé. – Anh Maka ơi, anh thông minh gớm nhỉ! Tội vạ gì mà tự dưng lão lại đi bôi gio trát trấu vào mặt lão? Và tại sao lão lại tự đi nói xấu mình? Chính quyền Xôviết đã làm cho không còn những anh ngu ngốc nữa!... Những anh ngu ngốc cũ hết ngu ngốc đi, nhưng lại sinh biết bao nhiêu là anh ngu ngốc mới, nhiều vô kể! Cái giống ấy thì Chính quyền Xôviết không gieo, mà nó cứ tự mọc bừa phứa lên, như giống cỏ gà, không gì ngăn lại được! Lấy xí dụ như anh đấy, anh Maka ạ…
- Bác đừng có nói động đến tôi, hội nghị không thảo luận về tôi, - Nagunốp nghiêm nghị nói. – Bác nói vào đề đi, phát biểu về anh Kônđrát Maiđanhikốp, và nếu bác không có ý kiến gì thì ngậm miệng lại và ngồi yên lành tử tế.
- Nghĩa là anh tử tế, còn lão thì không hả? – bác Suka buồn rầu hỏi lại.
Có tiếng ai từ mấy hàng ghế cuối cất lên ồm ồm:
- Cụ tử tế ơi, thế thì cụ kể về cụ đi, xem về già rồi mà cụ còn ngủ với ai mà sinh ra được một tí nhau, và tại sao cụ chỉ nhìn bằng độc một mắt, còn mắt kia thì sưng u lên thế? Cụ láu lắm, nói về người khác thì cụ quang quác như con gà trống trên giàn, còn về mình thì cứ im thin thít!
Ngôi trường rền lên một trận cười như phá rạp, nhưng bỗng lại im bặt khi Đavưđốp đứng dậy. Mặt anh hầm hầm, và giọng anh nói có vẻ khó chịu:
- Các đồng chí, chúng ta đang họp hội nghị Đảng chứ không phải xem tuồng, thực tế thế! Ai thích đùa xin mời ra chỗ khác. Còn cụ, cụ có định phát biểu vào đề không hay còn định làm trò hề đến bao giờ nữa?
Đây là lần đầu tiên Đavưđốp nói với bác Suka bằng cái giọng lịch sự giết người ấy, và có lẽ vì vậy mà bác Suka đã thực sự lộn tiết lên. Đứng sau chiếc bàn học sinh, bác chồm chồm lên như anh gà sống choai sắp nhảy vào chọi, và chòm râu dê của bác cứ rung rung vì tức giận:
- Anh bảo ai làm trò hề? Lão đây hay cái thằng dở khôn dở dại nào ngồi đằng cuối và cứ hỏi lão toàn những câu ngu ngốc kia? Và hội nghị công khai quái quỷ gì mà lại không cho người ta nói công khai? Các anh coi lão là thế nào? Là mất quyền phát ngôn hay sao? Lão chính là đang phát biểu vào vấn đề anh Kônđrát đây, lão bỏ phiếu chống. Những kẻ như anh ta thì Đảng không cần đến đâu, lão có ý kiến, hết!
- Bác cho lý do tại sao? – Radơmiốtnốp cố nén cười, hỏi.
- Tại vì rằng anh ta không xứng đáng vào Đảng chứ sao. Nhưng anh cười cái gì, hả cái anh mắt trắng dã? Có phải anh nhặt được cái khuy dưới sàn rồi cười, hí hửng đã vớ được của mang về cho vợ không? Và nếu anh đã không hiểu tại sao Kônđrát không xứng đáng vào Đảng, lão sẽ dứt khoát giải thích cho anh rõ, và lúc ấy anh sẽ hết nhăn nhăn nhở nhở như con lừa trông thấy lúa mạch… Các anh đi làm thầy cho người khác, nhưng chính bản thân các anh thì thế nào? Anh là chủ tịch Xôviết, là một vai vế quan trọng, già trẻ lớn bé là phải lấy anh làm gương, vậy mà tư cách anh thế nào? Ngồi hội nghị mà anh cứ híp mắt lại một cách ngu ngốc, cười mà tái xanh tái xám như con gà tây! Chủ tịch cái kiểu gì anh, và kiểu đâu lại cười khi số phận của anh Kônđrát đang lắc la lắc lư ở đầu móc cân như thế? Anh hãy nghe cho thủng: anh với lão thì ai nghiêm chỉnh hơn ai? Đáng tiếc là anh Maka đã cấm lão nói chuyện không được đưa ra những tiếng ngoại quốc lão đã học thuộc lòng được trong quyển tờ điển của anh ta, chứ nếu không thì lão đã tuôn cho anh một tràng mà cho đến ngày xuống lỗ anh cũng chưa hiểu được là lão nói cái gì cơ! Lão phản đối việc kết nạp anh Kônđrát vào Đảng vì anh ta là một anh tiểu tư hữu, có đút anh ta vào máy ép thì cũng chẳng ép ra được cái gì hơn! Ép anh ta thì được cái bã thôi, cái mà các nhà bác học gọi là tàn dư ấy, chứ đời nào được người cộng sản!
- Tại sao tôi lại không thể trở thành người cộng sản được hả bác? – Kônđrát tự ái hỏi, giọng run run.
Bác Suka ranh mãnh nheo nheo mắt:
- Tự anh không biết à?
- Tôi không biết, đề nghị bác giải thích cho tôi và bà con đây rõ tại sao tôi không xứng đáng? Bác cứ nói nguyên sự thật thôi, đừng có thêm thắt vào.
- Thế lão có bao giờ nói điêu không? Hoặc, nói xí dụ, lão có thêm thắt gì bao giờ? – Bác Suka thở dài một cái cả trường nghe thấy, lắc đầu đau khổ. – Cả đời lão bao giờ lão cũng chỉ vạch ra độc cái sự thật, mở mắt cho bà con dân lành, và anh Kônđrát ạ, chính vì thế mà trên đời này có người đã coi lão là phần tử đáng ghét. Mồ ma ông cụ nhà anh ngày xưa thường nói: “Suka nói điêu thì còn ai nói thật nữa?”. Đấy, ông cụ đánh giá lão cao thế đấy! Tiếc là cụ đã chết rồi, thôi thì cũng chúc cụ mồ yên mả đẹp, nhưng nếu cụ mà còn sống thì hôm nay thế nào cụ cũng chứng thực lời lão nói là đúng.
Bác Suka làm dấu phép, toan rỏ một giọt nước mắt, nhưng nghĩ sao lại thôi.
- Bác hãy nói rõ về tôi đây, chứ lôi thôi dính dáng gì đến ông cụ tôi. Bác chê trách tôi cái gì nào? – Maiđanhikốp cứ ráo riết gặng hỏi.
Tiếng lao xao nổi lên trong phòng, đánh giá qua vài lời thổt lên thì rõ ràng là chĩa vào bác Suka, nhưng cũng chẳng hề làm bác bối rối. Như là một nhà nuôi ong có kinh nghiệm, quen với tiếng vo ve náo động của cả một đại gia đình ong, bác Suka lúc này vẫn giữ vẻ hoàn toàn bình tĩnh, chững chạc. Bác giơ tay nhè nhẹ vẫy để dẹp yên tiếng lao xao, nói:
- Lão sẽ nói rõ tất cả ngay bây giờ đây. Nhưng thưa đồng bào và các lão bà thân mến, xin bà con hãy tạnh cho cái tiếng ồn ào ấy đi, vì dù sao bà con cũng chẳng làm cho lão nghĩ lại đi được đâu. Đấy, sau lưng lão vừa mới có một con rắn độc nó rít lên bảo lão là nhàn cư vi bất thiện, rồi lại đủ các thứ bẩn thỉu xì xào sau lưng lão. Cái lời xì xào xâm độc ấy lão thừa biết là của ai rồi. Thưa đồng bào và các lão bà thân mến, chính là con rắn độc Agaphôn Đúpxốp nó đang phun phì phì vào lão đấy! Hắn định làm cho lão lú lẫn đi, ý nghĩ của lão rối tinh lên để lão không phát biểu được gì về hắn. Nhưng hắn đừng hòng lão tha cho hắn, lão đây chứ chẳng phải ai đâu! Agaphôn cũng lăm le chui vào Đảng như con rắn ráo chui vào kho hút trộm sữa, nhưng hôm nay lão bỏ phiếu chống hắn quyết liệt hơn cả đối với anh Kônđrát nữa kia. Lão biết về hắn những chuyện mà nếu bà con nghe thế ắt sẽ phải kêu trời kêu đất lên cơ, và có người ngã quay lơ ra ngất nữa ấy chứ.
Nagunốp cầm bút chì gõ canh cách vào chiếc cốc không, cáu kỉnh nói:
- Ông lão ơi, ông nói lăng nhăng những gì ông cũng chẳng còn biết nữa, thôi đi thôi! Một mình ông nói hết cả thời giờ hội nghị, ông thật là không biết ngượng!
- Anh Maka ơi, anh lại khóa miệng lão đấy hả? – bác Suka rống lên bằng một giọng mếu máo. – Có phải anh là bí thư chi bộ nên anh có quyền ép lão không? Đâu có chuyện! Điều lệ Đảng chả có câu nào cấm ông già bà cả phát biểu, điều ấy thì lão nắm chắc như cua gạch! Và cái lưỡi của anh quay quắt như thế nào mà dám bảo là lão không biết ngượng? Thì bản thân anh hãy biết ngượng về con Luska nhà anh ấy, khi nó chưa rũ váy tếch mẹ nó đi đến tận nơi chân trời góc bể nào chẳng rõ. Còn lão thì xưa nay cả đến bà nó nhà lão cũng chả bao giờ bảo lão là không biết ngượng. Anh Maka ơi, anh xỉ nhục lão muốn chết!
Bác Suka rốt cuộc đã để rơi xuống giọt nước mắt đã chực sẵn đó và đưa cánh tay áo lên quệt mắt, nhưng vẫn tiếp tục bằng cái giọng hăng hái như trước:
- Lão không phải là người anh có thể bắt im được đâu, và đến hội nghị chi bộ họp kín cho anh một mẻ, anh Maka ạ, thành thử anh đừng hòng thoát được tay lão, lão đây chứ không phải ai đâu! Lão mà đã bốc lên thì khiếp lắm nhá, ai thì chẳng nói chứ anh thì phải biết tỏng tong điều đó chứ, vì anh với lão là bạn chí thân với nhau mà, cả làng ai mà chẳng biết như vậy. Chúng ta là bạn với nhau lâu rồi, thế cho nên anh cứ phải dứt khoát coi chừng lão và cái phê bình tự phê bình của lão! Những anh nào cứ định lôi rác rưởi vào Đảng sẽ không xong với lão đâu!
Nagunốp trợn lông mày trái lên, quay sang rỉ tai Đavưđốp:
- Bố ấy phá hội nghị! Đuổi cổ ra nhá? Mà sao cậu chẳng nghĩ ra hôm nay cử bố ấy đi công tác đâu cho rảnh nhỉ! Bố ấy mà đã nổi cơn lên thì trưa mai họa chăng mới hãm phanh bố ấy lại được…
Nhưng Đavưđốp tay trái đang cầm tờ báo che mặt, tay phải chùi nước mắt. Anh buồn cười qúa không nói được một lời, chỉ lắc đầu. Nagunốp tức điên người lên, nhún vai, giận dữ nhìn chòng chọc vào bác Suka. Thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, bác tiếp tục liến thoắng, lắp bắp tiếng được tiếng mất:
- Ta đã là họp hội nghị công khai thì anh Kônđrát ơi, anh cứ phải nói công khai ra: khi anh vào nông trang và dẫn đôi bò đực đến góp, anh có khóc chúng nó hết nước mắt hay không?
- Câu hỏi lạc đề rồi! – Đemka Usakốp nói tướng lên.
- Hỏi vô nghĩa lý! Lối đâu bới bèo ra bọ thế nhỉ? – Uxchin Rưkalin tiếp lời Usakốp.
- Ai bảo vô nghĩa lý, ai bảo bới bèo ra bọ? Lão hỏi vào đề đấy chứ! Xin các anh câm họng các anh đi! – bác Suka đỏ mặt tía tai gào lên cố át lời họ.
Đợi cho hội nghị lắng đi, bác lại nói, lần này thì nhỏ hơn và khôn khéo hơn:
- Có thể anh không nhớ đâu, anh Kônđrát ạ, nhưng lão thì lão nhớ là sáng hôm dắt bò đi đưa vào chuồng tập thể mắt anh sưng húp bằng nắm tay và đỏ hoe như mắt thỏ, hoặc nói là như mắt con chó già ngủ chưa đẫy giấc thì cũng được. Vậy anh hãy xưng ra đi, như xưng tội với cha vậy: có cái chuyện ấy không?
Maiđanhikốp đứng dậy, bồi hồi vuốt vuốt lại áo, đưa đôi mắt mờ đi nhìn vội bác Suka một cái, rồi đáp bằng một giọng rắn rỏi từ tốn:
- Có chuyện ấy. Tôi có khóc, tôi không giấu. Tôi đau lòng phải xa mấy con bò của tôi. Chúng không phải của ông cha để lại cho, mà do tôi tậu lấy, bằng mồ hôi nước mắt của tôi. Đôi bò ấy, tôi có được đâu phải chuyện dễ! Nhưng bác ơi, đó là chuyện đã qua. Và những giọt nước mắt tôi đã khóc ấy thì có hại gì cho Đảng.
- Lại còn không có hại! – bác Suka phẫn nộ thốt lên. – Thử hỏi: hôm ấy anh dắt bò của anh đi đâu? Đi lên chủ nghĩa xã hội đấy, chú nó ạ, chứ còn đi đâu nữa. Và hết chủ nghĩa xã hội thì sẽ là cái gì? Sẽ là chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn, lão cứ nói thẳng cho anh biết như thế! Lão ở nhà anh Maka Nagunốp có thể nói là cứ tự nhiên như ở nhà, mọi bà con ngồi đây đều biết lão với anh ấy cứ gọi là hàng vốc khoa học: đêm nào lão cũng ngồi đấy mà đọc những quyển sách dầy cộp, rất chi là đứng đắn, không có tranh ảnh gì cả, hoặc là đọc quyển tờ điển, cố nhập tâm lấy những chữ thông thái, nhưng mả mẹ nó, cái tuổi già của lão nó tệ lắm! Nó làm cho trí nhớ lão thành như cái quần thủng túi, bỏ cái gì vào đấy cũng rơi vãi đi đâu mất sạch! Nhưng nếu vớ được cuốn nào mỏng mỏng thì có mà quỷ sứ cũng không giằng được khỏi tay lão! Và sách ấy nói gì lão nhớ tuốt! Đấy, khi mà đã lao đầu vào sách vở là lão như thế đấy! Lão đã đọc khối những quyển mỏng mỏng ấy và hiểu vanh vách, và lão có thể tranh luận với bất kỳ ai cho đến lúc gà gáy canh ba là sau chủ nghĩa xã hội, ta sẽ lần tới chủ nghĩa cộng sản, lão tuyên bố dứt khoát với bà con như vậy. Chính vì thế mà lão ngờ anh lắm, anh Kônđrát ạ… Lên chủ nghĩa xã hội anh đã nước mắt ngắn nước mắt dài thì lên chủ nghĩa cộng sản anh sẽ ra sao? Thì nước mắt sẽ ngập đến đầu gối chứ không thoát được! Anh thì sẽ thế thôi, lão thấy trước thế hai năm rõ mười! Vậy thì thưa đồng bào và các lão bà thân mến, một cái anh mau nước mắt như vậy thì Đảng cần đến làm gì?
Ông lão thú vị cười khúc khích và đưa tay lên che cái miệng móm mém:
- Lão thì không chịu nổi những cái anh đạo mạo ở trong Đảng hay ở đâu cũng vậy! Những anh mặt cứ lầm lầm ấy thì ta cần làm cái khỉ gió gì nhỉ? Bộ mặt đưa đám của họ làm người ta buồn chết người đi được, xuyên tạc và bóp méo cả điều lệ Đảng. Lão thử hỏi bà con: vậy thì tại sao lại không kết nạp Đêmít Miệng hến vào Đảng? Có hắn đây, hắn có thể mang vào Đảng cái buồn đến chết người của hắn đấy! Trên đời này lão chưa từng thấy ai đạo mạo bằng! Cho nên theo lão thì phải kết nạp những người vui nhộn như lão đây mới phải, chứ độc chọn những anh đạo mạo, nom đã chán ốm thì được cái tích sự gì? Lấy xí dụ như anh Maka đây thôi. Từ năm mười tám anh ta đã cứng đuồn đuỗn như nuốt phải cái thước sắt vào bụng vậy, thế cho nên đến tận bây giờ lúc nào anh ta cũng đạo mạo, ngay đơ, lừ lừ như chó ăn vụng bột. Cấm nghe thấy anh ta pha trò hay nói vui một câu bao giờ. Thần sầu chứ không phải là người nữa!
- Này, đừng có động đến tôi, bôi bác tôi là tôi sẽ có biện pháp đấy, - Nagunốp cảnh cáo bác.
Nhưng ông lão cười tươi hớn hở và, không còn đủ sức kìm cái cơn ngứa hùng biện nữa, bác tiếp tục bằng một giọng sôi nổi:
- Nhưng lão có động gì đến anh đâu, chẳng động tí ti nào! Lão nói chuyện anh Kônđrát này, đừng hòng mà đụng đến đến anh ta. Anh ta cứ như cưỡi bút chì mà chui ở bụng mẹ ra vậy, độc thấy ghi ghi chép chép, không thì lại cộng cộng trừ trừ. Cứ làm như ngoài anh ta ra thì không ai biết viết lách nữa vậy. Mọi điều ở trên đời này đã được các nhà thông thái ở Mátxcơva người ta viết đi viết lại, viết tái viết hồi chán ra rồi, anh ta nát óc làm gì cho khổ cái thân đời? Việc của anh ta là túm đuôi bò, nhưng anh ta lại chỉ độc giở giói học đòi những nhà thông thái thủ đô… Vậy thưa đồng bào và các lão bà thân mến, theo lão thì anh ta như thế là do ý thức kém. Cho tới bây giờ anh Kônđrát chưa có trình độ thoát triển chính trị. Và đã chưa có, chưa đạt được trình độ thoát triển thì cứ nên ngồi nhà mà thoát triển lên tí đã, vào Đảng làm gì vội? Dù cho anh Kônđrát đây có tức nổ bụng ra thì lão vẫn cứ dứt khoát phản đối kết nạp anh ta và lão hoàn toàn bỏ phiếu chống!
Vừa lúc đó Đavưđốp bỗng nghe thấy từ lớp bên cạnh vang tới cái giọng thanh thanh và run run của Varia Kharlamôva. Lâu lắm rồi anh không gặp cô, không được nghe cái giọng ngực ấm ấm của cô…
- Xin có ý kiến ạ!
- Vào đây, cho hội nghị trông thấy mặt, - Nagunốp đề nghị.
Mạnh dạn lách qua đám đông đứng như chen nêm, cô Varia hẩm hiu bước tới bên bàn chủ tọa, đưa hai bàn tay rám nắng lên nhẹ vuốt lại mớ tóc sau gáy.
Đavưđốp nhìn cô mà thầm sửng sốt trong bụng. Anh mỉm cười, không tin mắt mình. Mới có mấy tháng mà Varia đã thay đổi không còn nhận ra nữa: không, không còn là cô bé xương xương hồi nào mà đã là một người con gái thân thể cân đối nở nang với cái dáng đầu kiêu hãnh, với cái búi tóc củ hành nặng trĩu bó trong tấm khăn vuông xanh lơ. Cô đứng hơi ngoảnh về phía bàn chủ tọa đợi cho hội nghị im lặng, đôi mắt trẻ đẹp lim dim nhìn qua đầu đám người ngồi chen chúc, như hướng về một nơi xa nào ngoài thảo nguyên xa xăm. Đavưđốp nghĩ bụng: “Mới có từ sang xuân đến nay mà con bé đã xinh ra hẳn!”.
Đôi mắt Varia ánh lên bồi hồi, và gương mặt hồng hào không hề biết mùi phấn sáp của cô cũng ánh lên ánh mồ hôi. Nhưng đến đây, trước bao nhiêu con mắt nhìn đổ dồn vào mình, cô đâm ra mất sạch can đảm; hai bàn tay khỏe mạnh của cô cứ vò vò chiếc khăn mùi soa thêu, mặt cô đỏ bừng lên, và cái giọng ngực âm ấm của cô run run xúc động khi cô quay sang phía bác Suka, phát biểu:
- Ông ơi, ông nói vậy là không đúng! Ông nói đồng chí Kônđrát Khrixtôphôrưis Maiđanhikốp thế thì quá đáng lắm, ở đây chả ai tin được là đồng chí ấy không xứng đáng vào Đảng! Từ hồi sang xuân đến nay cháu đi cày với chú ấy, cháu thấy chú ấy cày giỏi hơn tất cả cả mọi người! Chú ấy toàn tâm toàn ý với công việc nông trang, chả tiếc gì công sức, thế mà ông lại phản đối chú ấy… Ông già cả mà ăn nói cứ như trẻ con vậy!
- Varia ơi, rắc cho lão ấy dúm hạt tiêu vào mũi! Không thì lão cứ lải nhải mãi như chão rách, không để cho ai nói được một câu! – cái giọng trầm của Paven Liubiskin cất lên ồm ồm như lệnh vỡ.
- Cô Varia nói chí lí lắm. Anh Kônđrát làm được nhiều công nhất nông trang. Anh ấy là người chịu thương chịu khó! – Ông lão Bexkhlépnốp cũng tham gia ý kiến.
Và có tiếng ai đứng ngoài hiên the thé réo vào:
- Nếu những người như anh Kônđrát mà không kết nạp vào Đảng thì phải kết nạp bác Suka vào! Có bố ấy thì nông trang sẽ bốc lên tận mây xanh…
Nhưng bác Suka chỉ mỉm cười độ lượng trong chòm râu dê rối bù, từ đời tám hoánh nào không chải. Nghe thiên hạ phát biểu, bác cũng chẳng thèm quay lại, cứ đứng trơ trơ như cái cột cắm bên bàn. Và khi hội nghị đã trở lại im lặng, bác thản nhiên nói tiếp:
- Cái con bé Varia chưa đến tuổi thành liên này mà vào đây làm gì nhỉ? Con mỏ khoét ấy thì đi tìm cái kho nào ngồi đấy mà chơi búp bê, và nếu đã vào đây thì hãy vểnh tai lên mà nghe những lời dạy bảo của những bậc tuổi tác như lão đây. Thời buổi thật là nhố nhăng! Trứng lại đòi khôn hơn vịt… Và các ông kia nói cũng đến là hay. Có ông nào vừa bảo là anh Kônđrát làm được nhiều công đem xe ngựa đến chất không hết… Nhưng lão thử hỏi bà con: ngày công thì có nghĩa lý gì ở đây? Đó vẫn chỉ là lòng tham, là đầu óc tiểu tư hữu tham lam không đáy, nếu bà con muốn biết thì lão xin nói rõ đó là anh Maka đã giải thích cho lão bao nhiêu lần như vậy. Lại thêm cái ông ngu si đần độn nào dám mở miệng bảo là đưa bác Suka vào Đảng thì nông trang sẽ lên tận mây xanh… Chuyện này chả có gì đáng cười cả, và chỉ có những đứa dở người thì mới lúc nào cũng nhăn nhăn nhở nhở, toe toét cái mồm ra thế. Lão có phải là người học thức không? Rất chi là học thức! Lão đọc thông viết thạo. Lão có tán thành điều lệ Đảng không? Hoàn toàn tán thành! Có đồng ý với Cương lĩnh không? Đồng ý, không tí ti gì phản đối cả. Từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản không phải lão chỉ có thể đi bước một, mà là lão phi như bay, tất nhiên là cũng phải tuỳ theo cái tuổi già của lão, nghĩa là không vội vàng quá, để con tim nó khỏi nhảy ra ngoài. Lẽ ra lão đã phải vung vinh ở trong Đảng từ lâu rồi và chưa biết chừng đi đâu cũng kè kè cái cặp da cắp nách. Nhưng thưa bà con và các lão bà thân mến, lão xin nói trước Chúa là ngay đến bây giờ đây lão cũng chưa xứng đáng vào Đảng… Bà con có biết tại sao không? Tại vì rằng là, mả mẹ nó, lão vẫn còn cái tội mê tín dị đoan! Cứ mỗi lần nghe thấy cao cao trên đầu sét đánh đến xoẹt một cái là y như rằng lão đã vội thì thầm: “Lạy Chúa tha tội cho con!”, rồi làm dấu phép, rồi cầu xin Đức Chúa Giêsu và Đức bà Maria, và Đức bà Đầy ơn phúc, tóm lại là vớ được thánh nào là lão cầu tất, cứ lần lượt từng vị một, và thậm chí nghe tiếng sét quái ác ấy lão còn rụng rời chân tay mà ngã xỉu đi nữa ấy chứ…
Nói đến đó, bị tác động của câu chuyện chính miệng mình kể, bác Suka định làm dấu phép, đã đưa tay lên trán rồi nhưng lại kịp tỉnh ra, giả vờ gãi trán, lúng túng cười khúc khích:
- Cái chuyện ấy thì biết nói thế nào nhỉ… Khi mà đã sợ xanh mắt ra rồi thì trong bụng ta nghĩ: “Có quỷ sứ biết được ông thiên lôi ông ấy rắp tâm cái gì! Nhỡ phải lúc, để làm trò cười, ông ấy lại chơi cho một lưỡi tầm sét vào giữa cái đầu hói thì đi đời nhà ma lão Suka chứ còn gì! Mà cái trò ấy thì lão chả thú tí nào! Lão còn muốn đi nốt quãng đường đến chủ nghĩa cộng sản, đến cái cuộc đời sướng như tiên, thế cho nên đôi khi, bí quá, là lão cầu kinh, rồi dúi cho lão thày cả tí tỉnh, độ hai hào bạc thôi, để Chúa khỏi trút cơn giận lên đầu lão. Lão nghĩ bụng cứ cẩn tắc vô áy náy thế là hơn, chứ còn bảo phải trái, xuôi ngược ra làm sao thì có ma mà biết được… Ta cứ tưởng là lão thày cả sẽ cầu nguyện sức khoẻ cho cái thằng ngốc là ta, nhưng nghĩ cho cùng thì lão ấy tha thiết đến ta chẳng khác gì cái anh chết rồi tha thiết đến con đĩ vậy, hoặc nói theo kiểu học thức, con đĩ hay con đăng-ten thì cũng chỉ là một thôi. Cái lão thày cả khốn kiếp ấy cầm tiền của ta, đâu phải để cầu nguyện Chúa, mà để đi làm một chầu vốtka… Thế cho nên lão mới giải thích cho bà con rõ nhẽ: lão còn mê tín dị đoan như vậy thì vào Đảng làm gì kia chứ? Để xuyên tạc cả Đảng thân yêu, xuyên tạc cả bản thân mình, xuyên tạc cả Cương lĩnh của Đảng ư? Không, bà con ạ, cầu Chúa tránh cho lão cái tội ấy! Cái trò ấy thì lão chẳng cần tí nào cả, lão tuyên bố dứt khoát như vậy!
- Cụ ơi, cụ lại loạng choạng ra ngoài rìa rồi! – Radơmiốtnốp nói lớn. – Trở lại mặt đường đi, sao cứ loanh quanh xuống bờ xuống bụi như vậy!
Để đáp lời, bác Suka giơ tay chặn anh lại:
- Lão phát biểu xong bây giờ đây, anh Anđrây ạ. Nhưng anh đừng có ngắt lời lão bằng những câu chêm ngang ngu ngốc của anh, kẻo rồi lão phát biểu chẳng đi tới cái bờ bến nào cả. Anh cứ ngồi yên vểnh tai mà nghe những lời hay lẽ phải của lão, cố mà nhập tâm lấy, sẽ có tác dụng cho anh ở đời lắm đó. Lão đâu có bao giờ nói ra ngoài rìa, chả bao giờ có chuyện ấy cả, nhưng anh với anh Maka chỉ được cái thay phiên nhau mà gào lão thôi, cứ như thày trợ tế trước giá kinh vậy, đâm ra lão không muốn nhưng vẫn cứ bị đi lạc ra ngoài dòng ý nghĩ của lão. Vậy là lão đang nói chuyện dù không ở trong Đảng lão vẫn cứ đi tới chủ nghĩa cộng sản như thường, vui vẻ tưng tưng mà đi chứ không phải nước mắt ngắn nước mắt dài như anh chàng Kônđrát kia đâu, bởi vì lão là vô sản trắng tay, chứ không phải dân tiểu tư hữu, lão nói thẳng bà con biết như vậy! Và lão đã đọc ở một chỗ nào lão không nhớ là anh vô sản thì chẳng mất gì cả ngoài xiềng xích của mình. Mà lão chẳng có cái xiềng xích gì cả, ngoài cái xích cũ xưa kia lão xích con chó khi lão còn sống trong cảnh giàu sang, nhưng có cái bà nhà lão thì anh em ạ, còn quá tệ hơn bất cứ mọi xiềng xích gông cùm nào của tù khổ sai… Nhưng ngay cả bà ấy lão cũng chẳng muốn để mất tí nào, lạy Chúa, cứ để cho bà ấy sống với lão! Nhưng nếu bà ấy ngăn cản lão, đứng chắn ngang đường đi lên chủ nghĩa cộng sản của lão thì lão sẽ phi tránh qua bên cạnh, làm bà ấy không kịp kêu ối lên một tiếng! Về cái khoản ấy thì bà con cứ yên trí! Lão mà đã phi thì khiếp lắm, đừng ai dại mà đứng chắn ngang đường lão! Hoặc là lão sẽ xéo cho chết toi, hoặc là lão lướt vòng sang bên, chưa kịp chớp mắt thì lão đã lỉnh qua rồi!
- Ông kết luận đi, không có tôi không cho nói nữa đấy! – Nagunốp đập tay xuống bàn, tuyên bố dứt khoát.
- Lão kết luận đây, anh Maka ạ! Nhưng anh đừng đập bàn, kẻo không lại long ốc tay ra đấy. Vậy là lão đang nói chuyện nếu như tất cả bà con đều tán thành anh Kônđrát thì lão cũng chẳng phản đối làm gì, lạy Chúa, xin bà con cứ việc kết nạp anh ta vào Đảng. Anh ta là kẻ chăm lam chăm làm, rất là đáng quý, xưa nay lão vẫn bảo như vậy. Phân tích cho đúng ra cặn kẽ chẻ sợi tóc ra làm tư thì anh Kônđrát nhất thiết phải có chân trong Đảng, lão xin tuyên bố dứt khoát như vậy. Nói tóm lại, anh ấy rất xứng đáng là đảng viên. Lão có ý kiến, hết!
- Thế là tiền đấm hậu xoa hả? – Radơmiốtnốp hỏi.
Tiếng cười nổi lên như sấm làm cho hầu như chả ai nghe được lời anh.


Tập II - Chương 21 (tiếp theo) 

Vô cùng hể hả với bài phát biểu của mình, bác Suka mệt lử buông mình ngồi xuống ghế, đưa cánh tay áo lên quệt mồ hôi ướt đẫm cái đầu hói, rồi hỏi Anchíp Gráts ngồi cạnh bác:
- Lão… phê bình… thế có được không?
- Bố ơi, bố phải làm nghệ sĩ mới phải, - Anchíp không trả lời câu hỏi, mà thì thầm khuyên bác.
Bác Suka liếc nhìn anh ta một cái ngờ vực, nhưng không trông thấy cái nụ cười ẩn trong hàng râu đen như bồ hóng của anh ta, bác hỏi tiếp:
- Lão làm cái trò ấy để làm gì?
- Bác sẽ tha hồ hót của, mà không phải chỉ hót bằng xẻng thôi đâu, mang xe cút kít chở không hết nữa ấy! Bở ăn đến thế là cùng! Bác chỉ việc kể chuyện tếu mua vui cho thiên hạ, tán róc khỏe, làm trò khỉ mạnh vào, tất cả công việc chỉ có thế thôi, nhà, mà lại ra lắm tiền.
Bác Suka khoái ra mặt, ngó ngoáy ngồi không yên, cười:
- Anh Anchíp ạ, anh nên nhớ là lão Suka không phải tay xoàng đâu nhá! Nói câu nào là trúng câu ấy, cấm chệch câu nào đâu, lão đâu phải cái người nói vu vơ! Anh thấy thế nào? Bần cùng bất đắc dĩ, khi tuổi già sức yếu, mắt mờ chân chậm, lão có thể đi làm nghệ sĩ được đấy. Những cái trò ấy thì ngay hồi còn trẻ lão đã ác liệt lắm nhá, bây giờ lại còn ác liệt hơn! Lão coi dễ như bỡn.
Ông lão mơ màng nhai móm mém, ngồi lặng im một lát, ngẫm nghĩ cái gì trong đầu, rồi hỏi:
- Thế chẳng hay anh có nghe ở đấy người ta trả công thế nào không hả, cho nghệ sĩ ấy mà? Khoán hay công nhật? Tóm lại là xu nhập cá nhân có khá không? Tiền kôpếch thì dùng xẻng xúc cũng được, nhưng tiền kôpếch đối với lão thì chả nghĩa lý gì mặc dầu đối với anh keo kiệt thì một kôpếch cũng là quý đấy.
- Người ta trả tùy theo mồm mép, điệu bộ khi mình ra mắt khán giả, - Anchíp thì thào, giọng hội kín hội hở. – Càng bẻm mép, càng múa may quay cuồng thì lương càng cao. Bác ơi, đám ấy thì độc chỉ biết chén no kễnh bụng rồi hát hỏng, và đi lang thang hết tỉnh này đến tỉnh khác. Họ sướng lắm, có thể nói là như chim trời cá nước vậy.
- Anh Anchíp ạ, ta ra sân làm điếu thuốc đi, - bác Suka rủ, tự dưng không còn thiết tí gì đến hội nghị nữa.
Hai người vất vả mới lách được qua đám người dày đặc, bước ra sân. Họ ngồi xuống bên hàng giậu, trên nền đất còn ấm hơi nắng ban ngày, giở thuốc ra hút.
- Này anh Anchíp ơi, thế anh đã có dịp nào trông thấy bọn nghệ sĩ ấy chưa?
- Thấy vô khối rồi. Hồi đi quân dịch ở thành phố Grốtnô, tôi đã được xem họ chán mắt thì thôi.
- Họ thế nào?
- Như mọi người.
- Nom có béo tốt không?
- Như lợn vỗ để xuất chuồng!
Bác Suka thở dài:
- Thế nghĩa là ăn uống của họ mùa đông cũng không kém gì mùa hè à?
- Họ chén đến đứt dải rút quần!
- Xin vào đấy làm thì xin ở đâu nhỉ?
- Phải đi tận Rôxtốp, chứ gần thì làm gì có?
- Thế thì cũng chả xa lắm… Kiếm tiền ngon ơ thế mà sao anh chả mách lão biết sớm? Lão mà biết thì đã xin một chân ở đấy từ lâu rồi! Anh biết đây, làm công việc nhẹ, dù là việc nghệ sĩ đi nữa, thì lão có khả năng kinh lắm, còn việc đồng áng nặng nhọc thì lão chả làm được, vì cái bệnh lòi dom của lão. Lão mất món bở ấy là tại anh đấy! Anh là cái đồ khỉ gió chứ không phải là người! – bác Suka nói bằng giọng vô cùng ngán ngẩm.
- Thì cũng tại có bao giờ ta nói đến chuyện ấy đâu, - Anchíp phân trần.
- Lẽ ra anh phải khơi gợi lão nghĩ đến chuyện ấy chứ, và nếu thế thì có phải lão đã vung vinh làm nghệ sĩ từ lâu rồi không. Và mỗi lần lão về thăm bà nó nhà lão thì đây, có ngay nửa lít vốtka đặt trên bàn khao anh về lời khuyên phúc đức ấy! Lão thì no nê, mà anh thì say lúy túy, thế có phải hay không!... Chà, Anchíp, anh Anchíp ơi!... Hai ta đã bỏ lỡ mất một việc rất là béo bở. Lão phải về hỏi ý kiến bà nhà lão ngay hôm nay mới được, và có thể là mùa đông này lão sẽ lên trên ấy kiếm ăn. Anh Đavưđốp sẽ cho lão đi thôi, và tiền ăn tiêu không hết lão sẽ để sắm sửa việc nhà: tậu một con bò cái này, độ mươi con cừu này, một chú lợn con này, đời sẽ vui ra phết… - bác Suka cứ thế thả cửa mơ ước ra mồm, và phấn khởi trước sự im lặng đồng tình của Anchíp, bác nói tiếp: - Phải nói thật với anh là lão đã chán ngấy mấy con nghẽo này rồi, và những cuốc xe ngựa mùa đông thật chả thích hợp gì với tuổi tác của lão. Lão ọp ẹp lắm rồi, trời giá rét là cứ run cầm cập, tóm lại là sức khỏe xuống dốc ghê lắm. Ngồi xe ngựa độ tiếng đồng hồ là ruột gan lão bị lạnh cứ đóng băng lại thành một cục. Như thế thì chả mấy nỗi mà bị xoắn ruột nếu như cái rét nó làm cho ruột lão dính bết vào nhau, hoặc là viêm thần kinh bụng như mồ ma nhà ông Kharitôn vậy. Mà như thế thì lão chả muốn tí nào! Lão còn bao nhiêu việc phải làm, và đi lên chủ nghĩa cộng sản thì dù có phải gãy xương sống lão cũng cứ nhất định đi tới!
Anchíp trêu ông lão ngây thơ như trẻ con ấy một lúc đã chán, quyết định chấm dứt câu chuyện tếu:
- Bác ạ, trước khi ghi tên làm nghệ sĩ, bác phải nghĩ cho chín đi đã…
- Chả có cái gì phải nghĩ cả, bác Suka tuyên bố, đầy tự tin. – Đã là chuyện làm giả ăn thật thế thì mùa đông này nhất định lão sẽ đi. Kể chuyện linh tinh mua vui cho bà con thì có gì là khó!
- Tiền bạc không phải lúc nào cũng thích đâu…
- Sao lại thế được? – Bác Suka vểnh tai.
- Nghệ sĩ có khi bị họ choảng…
- Cho-o-oảng? Ai choảng?
- Dân mất tiền mua vé họ choảng.
- Nhưng vì sao mà choảng?
- Ấy, có khi anh nghệ sĩ nói hớ câu nào không hợp khẩu vị người ta, hoặc pha trò nhạt quá là họ giã liền.
- Nhưng… họ giã… thật, hay là giã đùa, để dọa thôi?
- Làm đếch gì có chuyện đùa! Có lần họ đánh cho đến nỗi phải khiêng anh chàng khốn khổ khốn nạn ấy rời khỏi sân khấu đưa đi bệnh viện ngay tắp lự, và có lần thì đưa thẳng ra nghĩa địa. Thời chế độ cũ chính mắt tôi trông thấy ở rạp xiếc một anh nghệ sĩ bị họ cắn cho toạc tai và bẻ ngoéo cái chân sau, gót ra đằng trước, ngón ra đằng sau. Anh chàng tội nghiệp ấy cứ thế mà đi về nhà…
- Khoan đã, lão hỏi, tại sao lại chân sau? Thế anh ta có bốn chân hay sao?
- Nghệ sĩ thì có những người như thế đấy… Cần đủ loại người để làm trò mà. Nhưng chuyện vừa rồi là tôi nói nhầm, ý tôi định nói là chân trái, đoạn trên ấy mà, tóm lại là họ vặn ngoéo cả cái cẳng trái, mông đít quay ra đằng trước, thành thử không còn biết anh ta đi về hướng nào nữa. Anh ta kêu cha kêu mẹ lên nhá! Kêu váng cả tỉnh nghe thấy, chẳng khác gì cái đầu tàu hỏa, làm tôi dựng tóc gáy!
Bác Suka nhìn Anchíp dò xét một lúc. Nhưng mặt anh ta nom nghiêm trang, có vẻ buồn nữa, chắc hẳn do nhớ lại những chuyện không vui ấy. Rốt cuộc bác Suka tin là chuyện có thật và bất bình hỏi:
- Thế cảnh sát đứng chết dí đâu? Chuyện thế mà họ đứng nhìn à?
- Chính cảnh sát còn tham gia ấy chứ. Mắt tôi trông thấy cảnh sát tay trái cầm còi thổi nhưng tay phải thì quai vào giữa mặt anh chàng nghệ sĩ ấy.
- Anh Anchíp ạ, dưới thời Sa hoàng mới có thể có chuyện ấy, còn dưới chính quyền xôviết anh em cảnh vệ đâu lại đánh người.
- Dân thường thì tất nhiên cảnh vệ không đụng đến đâu, nhưng nghệ sĩ thì họ vẫn đánh như thường, họ được phép đánh mà. Cái lệ ấy có từ thuở khai thiên lập địa cơ, chịu chứ biết làm thế nào?
Bác Suka nheo nheo mắt, không tin:
- Đồ khỉ gió anh chỉ nói liều! Lão chả tin anh tí nào… Anh làm sao biết được là cả bây giờ nữa người ta cũng vẫn đánh đập nghệ sĩ? Ba mươi năm nay anh có lên tỉnh lần nào đâu, có thò mũi ra khỏi làng bao giờ mà bảo biết rõ?
- Tôi có thằng cháu ở Nôvôtserkaxkơ, nó vẫn biên thư kể chuyện trên tỉnh cho tôi mà, - Anchíp khẳng định.
- Nếu quả là cháu anh… - một lần nữa bác Suka lại dao động và thở dài đánh sượt một cái, mặt ỉu xìu. – Thế thì cũng gay đấy, anh Anchíp ạ! Xem ra thì làm nghệ sĩ là một cái trò nguy hiểm… Xét cho cùng, nếu dân người ta đi đến chỗ thủ tiêu giết người như vậy thì lão chả thích cấi nghề ấy tí nào. Khoái mấy lão cũng thèm vào!
- Thì cũng nói trước cho bác biết thế. Trước hết bác cũng nên về hỏi qua bà lão tí đã rồi đi xin việc cũng vừa.
- Chả dính dáng gì đến bà nhà lão cả, - bác Suka đáp ráo hoảnh. – Nếu xảy ra chuyện gì thì đâu phải người ta bẻ gãy xương sườn bà ấy. Thế thì việc gì phải hỏi ý kiến bà ấy?
- Thì bác tự quyết định lấy vậy. – Anchíp đứng dậy, lấy chân di di cái đầu mẩu thuốc.
- Chả đi đâu mà vội, từ nay đến sang đông còn xa. Và cũng phải nói thật là bỏ đôi ngựa giống đấy mà đi thì cũng nhớ, và bà nhà lão ở lại nhà một mình cũng buồn… Thôi thôi, anh Anchíp ạ, cái nghề nghệ sĩ ấy chả có lão vẫn chả thiếu người. Mả cha những cái lối kiếm tiền ngon ơ ấy! Mà nghĩ cho kỹ thì cũng chả phải ngon ơ lắm đâu. Nếu ngày nào cũng bị thiên hạ giã cho như vậy, và cảnh vệ đáng lẽ phải bênh mình thì cũng lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mình thì lão xin vái cả nón! Cái món ấy xin để các ngài xực thôi! Từ bé đã chuyên môn bị hành hạ đủ vành rồi! Ngỗng ư, bò ư, chó ư, còn có cái giống gì mà nó không gây chuyện hại lão? Thậm chí còn đến cái nước là con cái đẻ ra người ta lại quẳng đến bắt lão nuôi. Anh bảo thế thì còn sung sướng nỗi gì? Thế mà về già đi làm nghệ sĩ lại bị người ta đánh chết toi hoặc vặn ngoéo mất cái bộ phận tứ chi nào thì lão xin vái cả nón! Chả tội gì, lão chỉ có một ý kiến thế! Ta đi thôi, anh Anchíp ạ, thà vào họp còn hơn, việc ấy không nguy hiểm mà lại vui, mặc cho đám nghệ sĩ việc họ họ làm. Họ xem ra anh nào cũng trẻ cả, và khỏe như vâm. Có đánh tuốt xác họ ra họ cũng chẳng làm sao, và có lẽ chính nhờ thế mà họ béo ra cũng nên. Lão già thì phải làm việc già. Đi với họ, đánh chén có linh đình bằng mấy mà bị người ta sửa cho độ hai trận thôi thì cũng đủ để lão trả linh hồn cho Chúa rồi. Mỗi bận như thế thì mẩu bánh còm kia đút vào miệng còn có nghĩa lý quái gì nữa? Cái bọn ngu ngốc chuyên môn đánh đập anh em nghệ sĩ nghèo khổ ấy, chúng nó tha gì mà không móc tươi mẩu bánh ấy trong họng lão ra? Lão không muốn làm nghệ sĩ đâu, và từ nay anh đừng rủ rê gì lão nữa, đồ quỷ rậm râu ạ, đừng làm lão lộn tiết lên mà không xong với lão đâu! Chỉ vừa mới nghe anh kể qua chuyện cái thằng mặt mẹt nào nó cắn toạc tai anh nghệ sĩ, rồi lại vặn ngoéo cẳng anh ta, rồi lại đánh đập anh ta, mà tai lão đã đau nhói lên, cẳng lão đã rụng rời, xương cốt nhức nhối khắp, cứ như chính lão bị cắn tai, bị đánh đập và lôi đi xềnh xệch vậy… Những chuyện man rợ ấy lão nghe mà cứ kinh cả người, chả khác gì bị dập thương chiến tranh. Thôi, anh vào hội nghị một mình thôi, lạy Chúa, lão phải ngồi đây nghỉ một tí lấy lại hồn vía, xong rồi lão sẽ vào bỏ phiếu chống Đúpxốp. Còn bây giờ thì anh Anchíp ạ, lão chịu, không thể phát biểu được, lão đang lạnh ớn sống lưng, đầu gối thì run lẩy bẩy, mả mẹ nó cứ như người bị sốt rét ngã nước vậy, đứng không vững nữa…
Bác Suka giở thuốc cuốn một điếu thứ hai. Và quả đúng là hai tay bác run lật bật thật, làm cho thuốc lá sừng bò thái to sợi cứ rơi vãi lả tả khỏi mẩu giấy báo cuộn sâu kèn. Và mặt bác nhăn nhó như muốn khóc. Anchíp làm ra vẻ thông cảm nhìn bác, nói:
- Bác ạ, tôi biết đâu bác yếu bóng vía thế, biết thì tôi đã chả kể bác nghe làm gì về cái kiếp cay đắng của nghệ sĩ… Đúng, bác ạ, bác chả làm được nghệ sĩ đâu! Bác cứ ngồi bên lò mà sưởi cho khỏe, đừng chạy theo đồng tiền làm gì. Và bỏ bà lão đấy mà đi biền biệt cũng không nên, phải thương bà lão chứ…
- Bao giờ lão kể bà ấy rằng vì bà ấy mà lão đã từ chối không đi làm nghệ sĩ thì bà ấy mừng rơn lên! Rồi thì là không ngớt cảm ơn lão rối rít cho mà xem!
Bác Suka mỉm một nụ cười dịu dàng, lắc lư đầu tận hưởng trước niềm vui của mình và niềm vui bác sẽ đem lại cho bà già khi báo bà biết cái tin đáng mừng kia. Nhưng bão táp đang lơ lửng trên đầu bác…
Bác biết đâu rằng nửa giờ trước đây ông bạn vàng Maka Nagunốp của bác đã cho người về phi báo bà lão, lệnh gắt gao cho bà phải ra trường ngay lập tức và bằng mọi cách lôi cổ ông lão về nhà.
- Bà lão thiêng thật, vừa mới nhắc đến xong! – Anchíp Gráts thú vị đằng hắng một cái nói, và bây giờ thì cười công khai.
Bác Suka ngẩng đầu lên. Tưởng đâu như có ai cầm miếng bọt bể ướt chùi sạch nụ cười tươi hơn hớn trên môi bác Suka đi vậy! Bà lão xông thẳng đến chỗ bác, mặt hầm hầm, đầy quyết tâm, nom như hiện thân của cường quyền.
- Lạy Chúa… - bác Suka hoảng hốt thều thào. – Mụ chết tiệt này ở đâu ra thế? Vừa mới rồi còn ốm liệt giường, đầu không cất lên được, thế mà đã lù lù dẫn xác đến đây rồi. Đến làm cái ma dại gì không biết?
Bác Suka ngồi dưới đất, ngây ra như bị thôi miên, và ngước mắt lên nhìn bà lão như con thỏ nhìn con trăn đói.
- Hội nghị chưa xong, bà nó ạ, và tôi còn phải phát biểu ý kiến. Các vị lãnh đạo khẩn khoản yêu cầu tôi phát biểu mà, - mãi rồi bác mới thều thào nói được, và nói đến đây thì nấc nghẹn.
- Không có ông cũng chẳng sao. Đi! Về nhà có việc.
Bà lão cao hơn ông chồng một đầu và nặng cân gấp đôi. Bà nắm nghiến lấy tay ông lão, khẽ kéo một cái là dựng đứng được ông lên rồi. Bác Suka đã hồi tỉnh lại, bực tức giậm chân bành bạch.
- Tôi không về đâu! Bà lấy quyền gì mà cấm tôi phát biểu! Bây giờ đâu phải thời chế độ cũ!
Chẳng cần nói thêm nửa lời, bà lão quay phắt đi, rảo bước trở về nhà, và, bị bà xềnh xệch lôi đi, bác Suka cứ lon ton chạy theo sau, đôi lúc cũng cố níu cưỡng lại. Nom bộ dạng bác Suka thì đúng là một bức tranh không lời về sự nhẫn nhục mù quáng của con người trước số phận.
Anchíp Gráts nhìn theo bác, lẳng lặng cười. Nhưng khi bước lên bực thềm, anh nghĩ bụng: “Nói đổ xuống sông xuống biển, ông lão mà chết thì làng xóm cũng mất vui!”.


Nguồn: http://tusach.mobi/