26/3/13

Cái chết của ba người lính ngự lâm (C24-26)

Chương 24.

Vì lẽ gì chiếc nhẫn kim cương của ông d'Eymeris lọt vào tay d'Artagnan


Trong khi cảnh náo động đẫm máu này xảy ra ở quảng trường Grève, nhiều người đàn ông núp đằng sau cánh cửa của khu vườn tra gươm vào vỏ, đỡ một người trong bọn họ leo lên một con ngựa yên cương đóng sẵn đang chờ đợi trong vườn, rồi như một bầy chim hoảng sợ họ chạy trốn theo đủ mọi hướng, kẻ trèo qua tường, kẻ lao mình qua những cánh cửa.
Người đã leo lên ngựa khi nãy thúc mạnh hai chân vào hông ngựa cho nó băng qua quảng trường Baudoyer, vượt qua như chớp trước đám đông ở ngoài đường, bất chấp mọi chướng ngại, và mười phút sau đã đến trước cửa nhà ông tổng giám tài chính, thở hổn hển còn hơn cả con ngựa của anh ta.
Cha xứ Fouquet, nghe tiếng vó ngựa vang lên trên mặt sân lát đá xuất hiện ở một cánh cửa sổ, và trước khi người kỵ sĩ kịp đặt chân xuống đất ông nghiêng nửa thân mình ra ngoài hỏi:
- Thế nào, Danicamp?
- Hết rồi! - Người kỵ sĩ đáp.
Cha xứ kêu lên:
- Xong hết rồi à? Vậy là họ được cứu thoát, phải không?
Người kỵ sĩ trả lời.
- Thưa ông, không. Họ đã bị treo cổ rồi.
- Treo cổ? - Cha xứ lặp lại, mặt tái nhợt.
Một cánh cửa hông bỗng mở toang, cho thấy Fouquet đứng trong phòng, gương mặt nhợt nhạt, thất thần, miệng thốt ra một tiếng kêu đau đớn và tức giận.
- Đồ khốn! - Cha xứ nói, vậy ra các anh không chịu chiến đấu?
- Chúng tôi chiến đấu như những con sư tử.
- Hãy nói là như những kẻ hèn nhát!
- Thưa ông - Một trăm chiến sĩ, gươm cầm tay, đáng giá mười ngàn cung thủ trong một cuộc tấn công bất ngờ. Menneville đâu rồi?
Tên khoe khoang khoác lác đã hứa sẽ chỉ trở về hoặc chiến thắng hoặc chết đâu rồi?
- Thưa ông, anh ta đã giữ lời hứa. Anh ta đã chết.
- Chết? Ai giết hắn?
Một con quỷ mang hình người, một tên khổng lồ vũ trang bằng mười thanh gươm rực lửa, một tên điên chỉ trong nháy mắt dập tắt ngọn lửa, dập tắt cuộc bạo loạn và làm một trăm lính ngự lâm xuất hiện ở quảng trường Grève.
Fouquet đưa tay đỡ chiếc trán đẫm mồ hôi, thì thào:
- Ôi! Lyodot và d'Eymeris! Bị giết! Bị giết! Bị giết! Và tôi bị ô nhục?
Cha xứ quay lại và trông thấy người em mình gương mặt nhợt nhạt mất hết tinh thần. Ông ta nói:
- Nào! Nào, ông tổng giám, đây chỉ là số mạng, chúng ta không nên than khóc như vậy. Nếu chúng ta không thành công được ấy là vì Chúa.
Fouquet hét lên:
- Im đi, ông cha xứ! Im đi! Những lời bào chữa của ông là những lời thoá mạ. Hãy kêu người đó lên đây và bảo anh ta kể lại chi tiết của sự việc ghê gớm vừa xảy ra.
- Nhưng, ông… Yêu cầu ông hãy làm theo lời tôi?
Cha xứ ra hiệu và nửa phút sau, người ta nghe tiếng bước chân đi lên cầu thang.
Cùng lúc đó, Gourville như thần hộ mạng của viên tổng giám tài chính xuất hiện đằng sau Fouquet, đưa một tay đặt lên môi để khuyên ông ta nên giữ gìn ngay cả trong lúc đau khổ.
Viên tổng giám cố hết sức lấy lại được bình tĩnh luy trong lòng thật tan nát.
Danicamp xuất hiện, Gourville nói.
- Báo cáo đi.
Người liên lạc viên trả lời:
- Thưa ông, chúng tôi đã nhận được lệnh cướp hai người tù và kêu lên: "Hoan hô Colbert!".
Gourville ngắt lời:
- Để đem họ thiêu sống, phải không, ông cha xứ?
- Phải! Phải! Lệnh đó đã được ra cho Menneville. Menneville biết anh ta làm gì, và Menneville đã chết.
Tin này có vẻ làm cho Gourville yên tâm hơn là làm cho anh ta buồn.
- Để thiêu sống họ sao? - Người liên lạc đáp lại, như thể anh ta nghi ngờ rằng lệnh này - lệnh duy nhất mà anh ta đã nhận được - là không phải thật.
Cha xứ lớn tiếng đáp:
- Dĩ nhiên là để thiêu sống họ.
- Dạ phải, thưa ông, dạ phải, - Người liên lạc viên lập lại, và đưa mắt dò xét vẻ mặt của hai kẻ đối thoại để xem nếu anh ta kể theo sự thật thì có lợi hay hại gì cho mình.
Gourville nói:
- Bây giờ anh hãy kể đi.
Danicamp nói tiếp:
- Như vậy thì hai người tù phải được dẫn đến pháp trường Grève, và dân chúng nổi giận muốn họ phải bị thiêu sống thay vì bị treo cổ.
- Dân chúng có lý do của họ, - Cha xứ nói, anh hãy kể tiếp - Nhưng, vào lúc các cung thủ bị chúng tôi tấn công đẩy lùi vào lúc ngọn lửa bốc lên trong một ngôi nhà ở quảng trường đã được chọn làm giàn hoả thì một tên hung dữ như quỷ sứ, tên khổng lồ mà tôi đã nói với các ông khi nãy - và cũng chính là chủ của ngôi nhà đó - được một gã trẻ tuổi đi theo hắn trợ giúp đã ném những người đốt lửa qua cửa sổ, gọi những người lính ngự lâm đứng trong đám công chúng đến tiếp cứu. Hắn nhảy từ lầu một của ngôi nhà xuống quảng trường, và sử dụng thanh gươm của hắn một cách dữ dội khiến cho chiến thắng về tay các cung thủ, hai người tù bị bắt lại, và Menneville bị giết. Hai tử tội, sau khi bị bắt lại, đã bị hành quyết trong ba phút.
Fouquet, mặc dầu rất cố gắng tự chế ngự, cũng không ngăn được một tiếng rên rỉ nhỏ thoát ra. Cha xứ hỏi:
- Người chủ của ngôi nhà đó tên là gì?
- Tôi không trả lời được với ông điều này, vì tôi không trông thấy hắn; vị trí đã được chỉ định cho tôi là ở trong khu vườn, và tôi đã ở lại vị trí của tôi; người ta chỉ đến kể lại sự việc cho tôi nghe thôi. Tôi được lệnh khi sự việc kết thúc thì đến đây báo cho các ông biết nó đã kết thúc như thế nào. Và tôi đã tuân lệnh phi ngựa như bay đến đây.
- Tốt lắm, chúng tôi không còn điều gì nữa để hỏi anh. - Cha xứ nói mà nỗi lo sợ trong ông càng gia tăng khi nghĩ đến lúc phải nói chuyện một mình với người anh em của ông.
Gourville hỏi:
- Anh đã được trả tiền chưa?
Danicamp trả lời:
- Một phần tiền trước, thưa ông.
- Đây là hai mươi đồng pistole. Thôi, anh đi đi, và cũng như lần này đừng quên luôn luôn bảo vệ những quyền lợi thật sự của Nhà vua.
- Thưa ông, vâng. - Danicamp đáp, vừa nghiêng mình chào, vừa nắm chặt số tiền trong túi.
Sau đó, anh ta bước ra.
Anh ta vừa ra khỏi cửa thì Fouquet, nãy giờ vẫn đứng yên, nhanh nhẹn tiến đến đứng giữa ông cha xứ và Gourville. Cả hai người cùng mở miệng ra một lượt, nhưng Fouquet gạt đi:
- Đừng tự bào chữa cho mình, cũng đừng trách cứ ai hết. Nếu tôi không phải là một người bạn giả dối, tôi đã không giao cho ai hết việc giải thoát cho Lyodot và d'Eymeris. Chính tôi là kẻ duy nhất có tội, vậy chính mình tôi phải chịu những lời trách cứ và phải mang lấy nỗi ân hận. Hãy để tôi một mình cha xứ ạ.
Cha xứ trả lời:
- Tuy nhiên, thưa ông, ông không nên ngăn cản việc tôi cho truy tầm tên khốn kiếp đã can thiệp giúp ông Colbert trong cuộc đã được chuẩn bị rất chu đáo này; bởi vì, nếu thương yêu bạn bè của mình là một chủ trương tốt, thì việc săn đuổi những kẻ thù của mình một cách quyết liệt không phải là một chủ trương xấu.
- Đừng nói đến chuyện chính trị nữa, yêu cầu cha xứ hãy đi ra, và tôi không muốn nghe nói đến ông nữa cho tới khi nào có lệnh mới; tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải im lặng tuỵêt đối và cần phải thật thận trọng. Ông đã thấy một tấm gương ghê gớm trước mặt ông đó. Thưa các ông, không có chuyện trả thù, tôi cấm các ông làm chuyện đó.
Cha xứ gầm lên:
- Không có lệnh nào có thể ngăn cấm tôi trả thù một kẻ đã xúc phạm đến danh dự của gia đình tôi.
- Và tôi - Fouquet kêu lên bằng một giọng quyết liệt, - Nếu ông có một ý định duy nhất nào không diễn tả được một cách tuyệt đối ý muốn của tôi, tôi sẽ ném ông vào ngục Bastille hai giờ sau khi ý định đó được biểu lộ ra ngoài. Cứ dựa theo điều tôi vừa nói để định cách hành động của mình.
Cha xứ đỏ mặt nghiêng mình chào.
Fouquet ra hiệu cho Gourville đi theo mình và trong khi ông tiến về phía văn phòng, thì người gác cổng báo bằng một giọng thật lớn:
- Ông Hiệp sĩ d'Artagnan.
- Ông ta là ai vậy? - Fouquet hỏi Gourville bằng một giọng thờ ơ.
- Một phó quan ngự lâm quân - Gourville trả lời cũng cùng một giọng.
Fouquet có vẻ không cần suy nghĩ và lại tiếp tục đi, Gourville nói:
- Xin lỗi ngài! Nhưng tôi đã suy nghĩ lại; ông này đã không còn giúp việc cho Nhà vua nữa, và có lẽ ông đến để lãnh một món tiền trợ cấp nào đó.
Fouquet nói:
- Bảo ông ta đi đi! Tại sao ông ta đến không đúng lúc như vậy?
- Thưa ngài, vậy xin phép ngài để tôi nói lời từ chối với ông ta, bởi vì tôi có quen ông ta, và đó là một người mà trong hoàn cảnh hiện giờ chúng ta nên làm bạn hơn là coi như kẻ thù.
Fouquet nói:
- Anh cứ trả lời với ông ta như thế nào cũng được.
- Ồ! Chúa ơi! Cha xứ nói bằng một giọng hằn học,- anh hãy trả lời là không có tiền, nhất là đối với lính ngự lâm.
Nhưng cha xứ vừa mới thốt ra lời nói dại dột này thì cánh cửa đang mở hé được đẩy bật ra và d'Artagnan xuất hiện và nói:
- Ô! Thưa ông Fouquet, tôi đã biết được điểm đó, rằng không có tiền cho những người lính ngự lâm. Vì thế tôi đến đây không phải để được lãnh tiền, mà là để được từ chối không lãnh tiền. Xong rồi, cảm ơn ông. Tôi xin chào ông và sẽ đi đến nhà ông Colbert tìm.
Và ông ngạo mạn chào rồi bước ra.
Fouquet nói:
- Gourville, chạy theo kêu ông ta trở lại đây.
Gourville vâng lời và chạy theo đuổi kịp d'Artagnan trên cầu thang.
D'Artagnan nghe tiếng chân bước đằng sau, liền quay lại và trông thấy Gourville. Ông nói:
- Chán quá! Ông bạn thân mến, dân tài chính các ông có những cung cách thật đáng buồn; tôi đến nhà ông Fouquet để lãnh một số tiền cấp phát cho tôi theo lệnh của Nhà vua, thế mà các ông tiếp đón tôi như một tên ăn mày đến xin bố thí, hay như một tên vô lại đến để ăn cắp một món đồ quý.
- Nhưng ông d'Artagnan thân mến, ông đã nói đến tên của Colbert, ông đã nói ông sẽ đến nhà của ông Colbert?
- Dĩ nhiên là tôi sẽ đi đến đó, dầu chỉ để yêu cầu ông ấy trừng phạt, phạt những kẻ muốn đốt nhà người khác vừa la to "Hoan hô Colbert!".
Gourville chăm chú nghe.
- Ồ! ồ! - Anh ta nói, - ông muốn nhắc đến chuyện vừa xảy ra ở quảng trường Grève? Và chuyện đó có liên hệ gì đến ông?
- Sao! Ông hỏi tôi chuyện ông Colbert muốn biến nhà tôi thành một cái giàn hoả có liên hệ gì hay không đến tôi à?
- Vậy là cái nhà của ông. Cái nhà mà người ta muốn đốt là cái nhà của ông?
- Chúa ơi!
- Quán rượu ""Hình ảnh Đức Bà"" là của ông?
- Từ tám ngày nay rồi.
- Và ông là vị chưởng quan can đảm, là tay gươm dũng cảm đánh tan những kẻ muốn thiêu sống hai tử tội?
- Ông Gourville thân mến, ông hãy đặt ông vào địa vị của tôi: tôi là người của triều đình và cũng là chủ nhà. Với tư cách chưởng quan, bổn phận của tôi là làm cho lệnh của Nhà vua phải được thi hành. Với tư cách chủ nhà, tôi có quyền bảo vệ không cho người ta đốt nhà tôi. Vậy tôi phải tuân theo những quy luật của quyền lợi và của bổn phận để trao trả lại các ông Lyodot và d'Eymeris vào tay các cung thủ.
- Vậy chính ông đã ném một người qua cửa sổ?
- Chính tôi. - D'Artagnan trả lời một cách nhũn nhặn.
- Chính ông đã giết Menneville?
- Tôi phải đau lòng làm chuyện đó, - D'Artagnan nói vừa chào như một người vừa được khen ngợi.
- Sau cùng, cũng chính ông là nguyên nhân khiến cho hai tử tội bị treo cổ?
- Thay vì bị thiêu sống, phải, thưa ông, và tôi rất hãnh diện về việc này. Tôi đã cứu hai kẻ khốn khổ đáng thương đó thoát khỏi những cực hình ghê gớm. Ông có hiểu không, ông Gourville thân mến của tôi, rằng người ta đã muốn đem thiêu sống họ? Điều này thật vượt quá sức tưởng tượng.
- Thôi, ông đi đi, ông d'Artagnan thân mến, đi đi, - Gourville nói vì muốn tránh cho Fouquet khỏi phải nhìn thấy kẻ đã vừa gây ra cho ông ta một nỗi đau đớn cùng cực.
- Không, không? - Fouquet đã đứng nghe hết từ cánh cửa của phòng ngoài, kêu lên, - Không, đừng đi, ông d'Artagnan, trái lại, mời ông hãy vào đây.
D'Artagnan chùi sạch vết máu cuối cùng còn sót lại trên cán gươm của mình và đi vào.
Và ông lại đối diện với ba người mang trên gương mặt của họ ba tâm trạng rất khác nhau: sự tức giận trên gương mặt của ông cha xứ, sự kinh ngạc trên gương mặt của Gourville và sự đau khổ trên gương mặt của Fouquet.
D'Artagnan nói:
- Xin lỗi ngài Tổng giám, thời giờ của tôi có hạn định. Tôi cần phải đến gặp ông Colbert để hỏi chuyện và lãnh tiền của tôi.
Fouquet nói:
- Nhưng thưa ông, ở đây có tiền.
D'Artagnan ngạc nhiên nhìn ông tổng giám. Ông này nói:
- Người ta đã trả lời cho ông một cách không đúng đắn, tôi biết, tôi đã được nghe, một người có giá trị như ông phải được tất cả mọi người biết đến.
D'Artagnan nghiêng mình. Fouquet hỏi tiếp:
- Ông có lệnh chi tiền của Nhà vua?
- Thưa ngài có.
- Ông đưa đây, tôi sẽ đích thân chi tiền cho ông, mời ông vào.
Ông ra hiệu cho Gourville và ông cha xứ đứng lại rồi dẫn d'Artagnan vào văn phòng.
- Chúng tôi phải trả cho ông bao nhiêu, thưa ông?
- Hình như là năm ngàn đồng louis, thưa ngài.
- Cho những tháng ông chưa lãnh.
- Cho một quý.
Fouquet nhìn thật lâu vào d'Artagnan.
- Một quý năm nghìn đông louis? Vậy là Nhà vua cho ông hai mươi ngàn đồng louis mỗi năm?
- Vâng, thưa ngài, hai mươi ngàn đồng louis; ngài cho số tiền đó là quá nhiều, phải không?
- Tôi! - Fouquet kêu lên, và ông ta cay đắng mỉm cười - Nếu tôi là kẻ biết người, nếu tôi, thay vì là một đầu óc nông cạn, hời hợt và phù phiếm lại là một đầu óc khôn ngoan và biết suy nghĩ nói tóm lại, nếu tôi biết sắp xếp cuộc sống của tôi, như một số người khác, ông sẽ không lãnh hai mươi ngàn louis mỗi năm, mà là một trăm ngàn đồng, và ông sẽ không làm việc cho Nhà vua, nhưng cho tôi!
D'Artagnan hơi mỉm cười.
Trong cách thể hiện lời khen, trong giọng nói đầy thân ái của kẻ khen có một liều độc dược quá êm dịu khiến cho kẻ mạnh nhất đôi khi cũng thấy say sưa.
Ông tổng giám kết thúc lời khen tặng bằng cách mở một ngăn tủ lấy ra bốn gói tiền đặt trước mặt d'Artagnan.
Chàng Gascon vạch một gói, nói:
- Vâng!
- Như vậy, ông sẽ khỏi mang nặng, thưa ông.
- Nhưng thưa ngài, như vậy là hai mươi ngàn đồng louis.
- Dĩ nhiên.
- Nhưng người ta chỉ thiếu tôi có năm ngàn.
- Tôi muốn ông khỏi mất công đi lại phòng tài chính đến bốn lần.
- Ngài làm ơn cho tôi rất nhiều, thưa ngài.
- Tôi làm những gì tôi phải làm, thưa ông Hiệp sĩ, và tôi hy vọng ông sẽ không hờn giận tôi vì sự tiếp đón của anh tôi đối với ông vừa rồi. Ông ấy là một con người rất khó chịu và thiếu chín chắn.~
D'Artagnan nói:
- Thưa ngài, xin ngài tin rằng một lời xin lỗi của ngài sẽ làm cho tôi vô cùng áy náy.
- Vì thế, tôi sẽ chỉ yêu cầu ông ban cho tôi một ân huệ.
- Ô! Thưa ngài.
Fouquet rút trong ngón tay của ông ra một chiếc nhẫn kim cương trị giá khoảng một ngàn đồng pistole, và nói:
- Thưa ông, chiếc nhẫn này là của một người bạn rất thân từ thuở còn bé tặng tôi, một người mà ông đã giúp cho một việc rất lớn.
Giọng nói của ông Fouquet lộ vẻ đầy xúc động.
Người lính ngự lâm nói:
- Giúp một việc? Tôi đã giúp một việc cho một người bạn của ngài?
- Ông không thể quên điều đó, thưa ông, vì điều đó đã xảy ra trong chính ngày hôm nay.
- Và người bạn đó tên gì?
- Ông d'Eymeris.
- Một trong hai tử tội?
- Phải, một trong hai nạn nhân. Vậy thưa ông d'Artagnan, để đền ơn ông, tôi yêu cầu ông hãy nhận lấy chiếc nhẫn kim cương này. Xin ông hãy nhận nó vì cảm tình đối với tôi.
- Thưa ngài.
- Hãy nhận đi, tôi yêu cầu ông. Ngày hôm nay là một ngày tang tóc đối với tôi, tôi đã mất một người bạn; vậy tôi phải cố gắng kiếm lại một người bạn khác.
- Nhưng, thưa ngài Fouquet.
Fouquet nghẹn ngào kêu lên:
- Xin từ giã ông d'Artagnan, xin từ giã! Hay đúng hơn, xin hẹn gặp lại!
Và viên tổng giám ra khỏi văn phòng, để lại trong tay người lính ngự lâm chiếc nhẫn và hai mươi ngàn đồng louis.
- Ô! ô! - D'Artagnan nói sau một lúc suy nghĩ lướng vướng. Làm sao mình hiểu nổi? Chán quá! Nếu mình hiểu được thì ông ta là một con người rất lịch sự! Mình sẽ đi đến yêu cầu ông Colbert giải thích cho mình việc này.
Và ông bước ra.


Chương 25

Bữa ăn nhẹ trong ngục Bastille


Trong triều, nhiều phe âm mưu liên kết nhau. Louis XIV mê tiểu thư De La Vallière và kết cục quyến rũ được nàng.
Ông đưa vị hôn phu của nàng là Raoul De Bagelonne đi qua tận nước Anh. Những nhà lãnh đạo kinh tế tài chính Colbert và Fouquet vẫn trung thành với vua. Aramis được Fouquet cho xứ đạo Vannes nên phải tận tâm với ông tổng giám và lôi Porthos về phe mình. Porthos lại đang điều khiển công trình phòng thủ lãnh địa của Fouquet, vùng Belle-Isleen-Mer.
Còn ông Athos khôn khéo, Bá tước De La Fère thì lùi về điều viên ở Blois, không giao du với ai cả.
Aramis được phong làm trưởng dòng Jesuiters nên có quyền hành to lớn mà kín đáo và nghĩ ra một dự tính táo bạo vừa cứu Fouquet khỏi tán gia bại sản, khỏi thất sủng vừa thoả mãn được tham vọng riêng của ông. Ông được tin mật từ nhà ngục Bastille cho biết rằng ở đây có giam một người mang tên Marchiali, thật ra là anh em song sinh với Louis XIV, bị nhốt từ trẻ vì sợ tranh dành ngai vàng của vua. Ông vận động lấy một lệnh phóng thích cho tù nhân Seldon đưa cho giám đốc ngục Bastille là ngài Baisemeaux và do đó được mời ăn tối với chủ ngục, tất nhiên được chiêu đãi là vì chức Giám mục De Herblay của ông.
Bảy giờ chỉ trên mặt đồng hồ lớn của ngục Bastille, loại mặt đồng hồ có hình người như thứ thường thấy ở thời ấy.
Đó là giờ ăn của các tù nhân khốn khổ. Những tấm bản lề cửa rầm rầm vang lên và cửa mở ra để đưa vào các mâm, các giỏ thúng đầy đồ ăn, chia phần khá hay kèm tuỳ theo thân phận của từng người tù riêng biệt. Giờ đó cũng là giờ ăn nhẹ của giám đốc nhà giam.
Hôm nay ông có khách nên món ăn quay cũng nhiều hơn lệ thường.
Chim đa đa quay kề với chim cút và thịt thỏ thái miếng, gà hầm thịt Jambon chiên xối rượu vang trắng, cải bẹ xứ Guipuzco, cháo tôm, ngoài ra còn có món ăn nhẹ, món ăn chơi; đó là thực đơn của ngài Chúa ngục.
Baisemeaux ngồi vào bàn ăn, xoa tay nhìn ngài giám mục Vannes ăn vận như một hiệp sĩ, mang giầy bết, áo quần xám, đeo gương và luôn luôn kêu đói chứng tỏ thật nôn nóng, sốt ruột. Ngài Baisemeaux chưa từng được thân mật với Đức ông Vannes, còn Aramis tối đó lại hoạt bát, hết nói chuyện tâm tình này đến chuyện tâm tình khác. Viên giám mục ít nhiều cũng trở lại lốt lính ngự lâm. Còn ngài Baisemeaux thì dễ dãi như mọi người thường khác nên thấy khách buông thả một ít cũng phun ra tất cả. Ông nói.
- Thưa ngài, thực ra tối nay tôi không dám gọi là Đức ông, ngài có biết tối nay nhắc tôi nhớ tới chuyện gì không?
Aramis rót đầy một ly rượu và nói.
- Đúng là không, nhưng tôi cũng hy vọng ông nhớ tới một người khách dễ chịu.
- Ngài nhắc tới tôi nhớ tới hai người. Này Francois, đóng cửa lại cho khỏi gió làm đại nhân khó chịu.
Aramis tiếp lời:
- Còn hắn thì ra ngoài đi! Bữa ăn dọn đủ rồi, chúng ta khỏi cần người hầu nữa. Lúc ăn uống riêng rẽ, ăn uống với bạn thân, tôi cứ thích tự tiếp món cho mình thôi.
- Francois đi ra - Baisemeaux la lên - Tôi muốn nói là đại nhân nhắc tôi nhớ đến hai người: một rất nổi tiếng đó là Hồng y đã quá cố, ngài Hồng y vĩ đại của chiến thắng La Rochelle - người mang giày giống như ngài đó. Đúng thế không?
- Đúng rồi còn người kia?
- Đó là một ngự lâm quân, rất đẹp trai, rất hào hùng, rất táo bạo, rất hạnh phúc, từ cha xứ đến ngự lâm quân rồi từ ngự lâm quân trở về cha xứ.
Aramis gắng gượng mỉm cười. Baisemeaux tiếp tục vì thấy ông mỉm cười:
- Từ cha xứ trở thành giám mục và từ giám mục thành…
Aramis la lên:
- Thôi đủ rồi, xin can?
- Thưa ngài, tôi định nói là ngài cho tôi có cảm tưởng như đứng trước một đấng Hồng y.
- Thôi đủ rồi, ông bạn De Baisemeaux thân mến ơi. Ông nói tôi mang lốt hiệp sĩ, nhưng mà ngay cả tối nay, tôi cũng không gây sự với giáo hội đâu.
- Ngài… vẫn sử dụng kiếm đấy chứ.
- Có lẽ đúng, nhưng chỉ khi bị bắt buộc thôi. Thôi hãy gọi Francois vào đi.
- Thưa có rượu rồi kia.
- Không phải để đi lấy rượu đâu, nhưng vì ở đây nóng quá mà cửa sổ lại đóng.
- Tôi cho đóng cửa để khỏi bị người đi tuần và xe cộ làm ồn.
- Ờ! Cửa mở thì thấy họ ồn ào à?
- Vâng ồn lắm, rối lắm.
- Nhưng mà ngột. Francois!
Francois bước vào. Aramis nói.
- Chú mở dùm cửa cho ta. Ông De Baisemeaux cho phép chứ?
- Đức ông cứ tự nhiên như ở nhà.
Chủ ngục trả lời và rót đầy ly lớn.
- Bận uống, ông không thấy được Aramis đang chăm chú lắng nghe các tiếng động từ sân lớn đưa lên. Aramis bỗng la lên:
- Đồ quỷ tha ma bắt?
- Cái gì thế? Cái gì thế Baisemeaux hỏi. Mong rằng không phải tại nơi ly rượu ngài uống cũng không phải tại người mang rượu?
- Không. Có một mình con ngựa dưới sân mà làm ồn như có cả tiểu đội dưới đó.
Chủ ngục trả lời:
- Đúng thật, có người phu trạm. Đúng cái đồ quỷ tha ma bắt?
- Ông quên tôi rồi, ông Baisemeaux, ly tôi cạn rồi, - Aramis vừa nói vừa đưa ra chiếc ly thuỷ tinh lấp lánh.
- Thật hân hạnh cho tôi, này Francois, rót rượu!
- Được nhưng đó là một người phu trạm.
- Tôi đã la rầy hắn rồi.
- Nhưng mà, thưa ông.
- Hắn cứ để giấy tờ nơi phòng lục sự. Mai hãy hay, mai trời sáng rõ mới là hợp lúc - Baisemeaux nhấn mạnh câu cuối.
- Coi chừng, coi chừng đấy.
Baisemeaux nói giọng hơi say:
- Coi chừng cái gì hả ngài De Herblay thân mến?
- Thư trạm đưa đến người giữ thành có khi là một mệnh lệnh đấy.
- Hầu như là thế.
- Lệnh chắc từ các đại thần đến?
- Vâng, chắc thế, nhưng…
- Và chắc các ông đại thần chỉ là ký phó thư theo vua thôi chứ gì?
- Có lẽ ngài nói đúng nhưng thật là chán, trong khi người ta đang ăn ngon, đang đối diện với một người bạn thân? Ô! Xin lỗi, tôi quên là đang chiêu đãi ngài, đang nói chuyện với một Hồng y tương lai.
- Thôi bỏ đi Baisemeaux. Tôi đang nghĩ là phải lưu ý ông về một điều tôi cho là quan trọng đấy.
Baisemeaux lắp bắp:
- Ô, ngài có lý. Mệnh lệnh của nhà vua phải được tôn trọng! Nhưng mệnh lệnh gì mà tới vào lúc người ta đang ăn, tôi đã nói rồi, kệ mẹ.
- Hừm, nếu ông nói thế với ngài Hồng y vĩ đại nếu lệnh đó có gì quan trọng thì ông không nên quên rằng tôi đã khoác áo ngự lâm quân và đã có thói quen nhìn ở đâu cũng thấy kỷ luật.
- Ngài thấy sao?
- Tôi muốn ông bạn làm nhiệm vụ đi. Vâng, ít ra thì tôi cũng lấy tư cách quân nhân mà xin ông.
Francois vẫn còn đứng đấy, Baisemeaux đứng lên nói:
- Bảo đem lệnh đấy lên đây - Rồi hạ giọng nói tiếp - Ngài biết có gì trong đó không? Có thể tiết lộ cho ngài biết rằng đại khái có những điều thích thú uhư thế này: "Coi chừng lửa ở gẩn kho thuốc súng", hay là "Coi chừng thằng đó, nó trốn tài lắm".
Ôi! Thưa ngài, biết bao lần tôi phải bị gọi giật ngược lên trong giấc ngủ êm ấm nhất, ngon lành nhất để các thông tư do ngựa trạm chạy bay tới để nói, hay đúng hơn, chỉ để mang miếng giấy xếp ghi như thế này: "Có gì lạ không, ông De Baisemeaux?". Rõ ràng là những người viết các mệnh lệnh ấy chẳng bao giờ ngủ ở ngục Bastille cả. Ngủ ở đây thì họ sẽ biết rõ hơn mấy bức tường của tôi dày như thế nào, nhân viên của tôi tháo vát ra sao và biết tôi tổ chức tuần tiễu nhiều đến mức nào. Nhưng thưa ngài, công việc của họ là để quấy rầy khi tôi đang yên ổn, để làm rối loạn khi tôi đang ngủ ngon mà. Thôi thì cứ để cho họ làm việc của họ.
- Và cứ để ông làm việc của ông thôi. - Giám mục mỉm cười tiếp lời vuốt ve, nhưng vẫn giữ vững cái nhìn ra lệnh như cũ.
Francois bước vào, Baisemeaux lấy tờ lệnh từ tay hắn. Ông bóc ra chầm chậm và đọc từ từ. Aramis giả bộ nâng ly để nhìn người chủ nhà qua thuỷ tinh. Đọc xong, Baisemeaux thốt lên:
- Lúc nãy tôi nói thế nào nhỉ?
- Sao?
- Lệnh khoan hồng, xin lỗi. Tin tốt lành đáng được bận tâm!
- Tốt lành cho người được nói tới và chắc cũng hợp với ông phải không, ông chủ ngục thân mến?
- Tám giờ tối mà còn lệnh!
- Vì lòng bác ái khoan dung đấy!
- Chuyện khoan hồng thì tôi đồng ý lắm, nhưng khoan dung là để cho thằng chó chết đang khốn đốn kia chứ không phải cho tôi đang vui như thế này.
- Có phải ông bị mất mát gì không, có phải tên tù dứt ra khỏi tay ông đang bị trông coi kỹ không?
- Ờ đúng. Một thằng khiếp nhược, một con chuột cống cái, thứ đó đáng giá có năm quan thôi?
Ngài De Herblay hỏi:
- Cho tôi xem thử? Có phải mật không?
- Không đâu, ngài đọc đi.
- Có dấu khẩn trên văn thư. Chắc ông thấy phải không?
- Khẩn! Thật đẹp mắt! Thằng kia ở đây đã mười năm, thế rồi người ta khẩn trương thả hắn ra, bắt buộc trong đêm nay, vào lúc tám giờ tối.
Rồi Baisemeaux nhún vai một cách trịnh trọng kiêu kỳ, ném tờ lệnh lên bàn, đến ngồi bàn ăn tiếp, miệng nhồm nhoàm nói:
- Họ luôn luôn hành động theo cách đó. Một ngày đẹp trời nào đó người ta túm một kẻ, nuôi hắn trong mười năm và viết cho anh: "Để mắt kỹ đến thằng đó" hay là "Siết chặt hắn đi". Thế rồi khi anh đã có thói quen coi tên tù như một kẻ nguy hiểm, bỗng nhiên người ta lại viết cho anh "Thả hắn ra", mà không cho biết nguyên cớ, không có lời báo trước. Lại còn ghi thêm "Khẩn". Tôi phải thú nhận với ngài rằng, thật chẳng ra cái gì cả.
Aramis nói:
- Làm sao bây giờ. Cứ la hét đi nhưng phải thi hành.
- Đúng, đúng, tôi thi hành. Nhưng phải từ từ. Ngài chớ tưởng tôi là một tên nô lệ.
- Nào, ai có dám nói ông Baisemeaux thân mến thế đâu. Ai cũng biết ông cứng cỏi mà.
- Ơn Chúa!
- Và ai cũng nói ông có lòng tốt.
- A! Còn gì nữa?
- Nói ông tuân lệnh người trên. Ông thấy không. Khi đã vào quân đội rồi thì đó là cả cuộc sống đấy.
- Bởi vậy cho nên tôi phải răm rắp nghe theo và sáng mai, sáng sớm mai tôi sẽ thả người ấy.
- Tại sao không là tối nay, vì văn thư có đóng dấu khẩn cả ngoài lẫn trong?
- Tại vì chúng ta đang dùng bữa và cũng đang gấp.
- Ông Baisemeaux thân mến ơi, dù mang giày nhà binh nhưng với tôi tấm lòng khoan dung bác ái cũng quan trọng như cái đói và cái khát. Con người khốn khổ kia đã phải chịu đựng lâu ngày rồi, mười năm như ông nói đó. Thôi thì cho hắn bớt khổ đi thêm một chút. Cho hắn hưởng sự vui sướng sớm giây phút nào hay giây phút ấy. Chúa sẽ đền ơn ông trên chốn thiên đàng vào ngày phán xử đấy!
- Ngài muốn thế à?
- Xin ông.
- Ngài sẽ được như ý muốn. Có điều món ăn sẽ nguội lạnh thôi.
Baisemeaux nghiêng ra sau để bấm chuông gọi François và quay ra phía cửa theo thói quen thường lệ.
Tờ lệnh vẫn còn nằm trên bàn: Aramis lợi dụng một lúc Baisemeaux không để ý, lấy tờ giấy khác giống in thay vào và nhét tờ lệnh vào túi.
- Francois, - chủ ngục nói, - gọi ông trưởng giám thị lên đây với những người coi ngục buổi tối.
François nghiêng mình chào đi ra. Trong phòng chỉ còn Baisemeaux và Aramis.

Chương 26.

Viện trưởng dòng tu


Giữa hai người diễn ra một lúc im lặng trong khi Aramis không bỏ qua cử chỉ nào của viên chủ ngục. Còn ông này hình như chỉ chịu quyết định có một nửa để làm rộn bữa ăn giữa chừng thôi và rõ ràng là ông ta quyết tìm một cớ, phải trái gì cũng được, để lùi lại việc xử lý ít ra đến sau lúc tráng miệng.
Hình như ông tìm ra rồi. Ông la lên:
- A! Mà không thể được.
- Sao lại không thể được - Aramis nói - ông bạn thân mến ơi nói xem cái gì không thể được?
- Không thể thả người tù vào lúc này được. Hắn không biết gì về Paris, thì hắn biết đi đâu?
- Nó đi đâu kệ nó.
Ngài thấy không, thả như thế này thì cũng như thả một thằng mù.
- Chuyện gì ngài cũng giải quyết được hết. Francois, nói với ngài trưởng giám thị đến mở cửa phòng ông Seldon, số ba khu Bertaudière.
Aramis làm bộ ngạc nhiên và hỏi:
- Seldon à? Ông vừa nói Seldon đấy ư?
- Vâng, Seldon. Tên người phóng thích ấy.
- Chắc là ông muốn nói đến Marchiali.
- Marchiali à? Không, không, Seldon chứ?
- E rằng ông lầm đấy, ông Baisemeaux ạ.
- Tôi đọc lệnh rồi.
- Tôi cũng vậy.
- Và tôi thấy tên Seldon viết to bằng thế này.
Ngài De Baisemeaux đưa ngón tay ra. Aramis cũng đưa hai ngón tay ra:
- Tôi thì tôi thấy tên Marchiali to thế này.
Baisemeaux nói một cách tin chắc:
- Thôi làm cho ra lẽ đi. Tờ giấy còn kia.
Aamis cầm tờ giấy lên.
- Tôi đọc ra: Marchiali, xem đây!
Baisemeaux nhìn thấy, buông tay xuống, hoảng hốt:
- Ờ! ờ! Marchiali, đúng là chữ Marchiali. Đúng lắm.
- Hà!
- Thưa ngài, thú thật là tôi chẳng hiểu ra làm sao cả.
- Người ta cũng có lúc hoa mắt nhìn lầm.
- Kì quái thật. Tôi tới bây giờ vẫn thấy tờ lệnh đó và đọc tên là Seldon, người Ireland. Rõ ràng mà. Rõ ràng dưới tên Seldon đó còn có một dấu mực.
- Nhưng dù sao đi nữa thì lệnh bảo thả tên Marchiali, có dấu mực lem hay không cũng vậy thôi.
Baisemeaux lập lại trong lúc cố lấy lại trí nhớ.
- Lệnh bảo thả Marchiali.
- Và ông thả tên tù ấy ra… nếu ông có thả thêm Seldon thì tôi cũng không phản đối đâu.
Aramis chấm dứt câu nói bằng một nụ cười nhạo báng khiến Baisemeaux tỉnh hẳn và lấy lại can đảm nói:
- Thưa ngài, tên Marchiali này có một hôm được một linh mục, thuộc dòng chúng ta đến nghe xưng tội, đến một cách trang trọng và thật kín đáo.
- Tôi không biết được điều này, - vị giám mục trả lời.
- Cách đây không lâu lắm, thưa ngài De Herblay thân mến.
- Đúng vậy, nhưng theo chúng tôi quen nghĩ thì con người ngày hôm nay không biết con người ngày hôm qua làm gì là tốt nhất.
Baisemeaux nói:
- Dù sao thì ông cha dòng Jesuite đó đến thăm chắc chắn đã mang lại nhiều may mắn cho người này rồi.
Aramis không nói gì và tiếp tục ăn uống.
Về phần Baisemeaux không dùng gì đến trên bàn cả mà lại cầm tờ lệnh lên xoay xoay tứ phía ngắm nghía đủ chiều.
Phải như vào khi khác thấy miếng giấy bị hành hạ như thế thì con người thiếu kiên nhẫn như Aramis chắc là máu lên tận mang tai, nhưng giám mục Vannes không nổi cơn tức lên vì cứ lầm bầm tự nhủ:
- Ông sẽ thả Marchiali chứ gì? Ồ! Rượu ceres đã chảy ra và bốc hơi kìa, ông chủ ngục thân mến ạ.
Baisemeaux trả lời:
- Tôi sẽ thả hắn ra sau khi tôi gọi người lính trạm mang lệnh đến hỏi cho chắc.
- Lệnh có dấu khẩn, người lính có biết gì đâu. Còn ông muốn chắc cái gì nữa?
- Tôi đồng ý với ngài, nhưng tôi sẽ gửi về bộ để ở đấy ngài De Lyonne sẽ rút lại hay xác nhận lệnh này.
Aramis lạnh lùng nói:
- Để làm gì.
- Để nhất định khỏi lầm. Thưa ngài, để khỏi thiếu sự tôn kính của một người dưới đối với người trên, để khỏi sai lầm với nhiệm vụ được giao.
- Khá lắm, ông nói thật hay, tôi xin có lời thán phục. Đúng vậy, một người dưới phải tôn trọng người trên, phải không bao giờ làm sai với bổn phận đã được giao.
Baisemeaux ngạc nhiên nhìn vị giám mục. Aramis tiếp tục nói:
- Cho nên bây giờ ông đi hỏi để yên lòng chứ gì?
- Thưa ngài, vâng ạ. và nếu có người trên ra lệnh, ông phải tuân chứ gì?
- Ngài chẳng phải nghi ngờ gì về điều ấy cả.
- Ông biết rõ chữ ký của Hoàng thượng phải không?
- Thưa ngài, vâng.
- Chữ ký đó nằm trên lệnh tha chứ gì?
- Đúng vậy, nhưng có thể là…
- Giả phải không?
- Thưa ngài, điều ấy rõ rồi.
- Ông có lý đấy! Còn chữ ký của ngài De Lyonne?
- Trên lệnh thì có, nhưng người ta có thể giả được chữ ký của Hoàng thượng thì nhất định là có thể giả của ngài De Lyonne được mà.
Aramis nói:
- Ông De Baisemeaux ạ, ông lý luận thật không chê vào đâu được Nhưng muốn tin vào việc giả chữ ký thì ông đặt căn cứ vào đâu?
- Trên cái này: người ký không có mặt. Chẳng có ai kiểm tra chữ ký của Hoàng thượng cả và còn ngài De Lyonne thì lại chẳng có ở đây để nói rằng ngài ký trên tờ lệnh này.
Aramis quắc mắt nhìn thẳng vào ông chủ ngục:
- Này ông De Baisemeaux, thành thật tán thành những nghi ngờ hữu lý của ông, cho nên xin ông lấy cho một chiếc bút để dùng bây giờ.
Baisemeaux đưa cây bút. Aramis nói thêm:
- Xin một tờ giấy.
Baisemeaux đưa tờ giấy ra.
- Bây giờ tôi đây, tôi có hiện diện nơi này đây, đúng chẳng chạy vào đâu được, tôi viết một tờ lệnh này thì chắc dù ông đa nghi đến đâu đi nữa ông cũng tin được phải không?
Baisemeaux xanh mặt trước dáng tự tin lạnh lùng đó.
Hình như lời nói của Aramis lúc nãy vui vẻ đùa cợt bao nhiêu thì giờ trở nên thâm trầm ghê rợn bấy nhiêu.
Aramis cầm bút lên viết. Baisemeaux kinh hoàng đọc từ sau lưng Aramis:
"A.M.D.G:
Rất bằng lòng khi thấy ông De Baisemeaux De Moutlezun, giám đốc phòng coi lâu đài Bastille, đã nhận lệnh ban, thấy đúng và đã thi hành ngay".
Ký tên De Herblay.
Trưởng dòng, nhờ ơn Chúa ban phước lành.
Baisemeaux như bị đánh một cú nặng khiến mặt ông ta co rúm lại, miệng há ra, mắt mở trừng trừng, không nhúc nhích, không nói được tiếng nào.
Aramis chẳng thèm nhìn con người bị đưa vào tình cảnh khốn khó đó, chỉ rút trong túi ra một cái hộp nhỏ đựng sáp đen, ông lấy con dấu riêng đeo trước ngực, đóng vào bức thư rồi lẳng lặng đưa cho ông Baisemeaux.
Ông này đưa đôi tay run rẩy trông đến tội nghiệp, mắt thẫn thờ đến dại khờ nhìn vào dấu đóng. Một thoáng xúc động cuối cùng hiện trên khuôn mặt rồi ông vật ngã xuống ghế. Sau một lúc im lặng để cho viên chủ ngục Bastille tỉnh táo lại, Aramis nói:
- Này, này đừng để cho tôi tưởng rằng ông Trưởng dòng tu xuất hiện cũng giống như thấy Chúa vậy chứ. Can đảm lên, đứng dậy đi, nào đưa tay tôi kéo lên và vâng lời đi.
Baisemeaux chưa thoả mãn nhưng đã vững tâm hơn đưa tay cho Aramis và đứng dậy.
Ông thì thào:
- Thưa ngay bây giờ?
- Ồ, đừng thái quá như vậy, ông chủ nhà ạ. Về chỗ đi và chúng ta tráng miệng cái đã.
- Thưa ngài, tôi chẳng bao giờ phục hồi được sau chuyện này đâu. Tôi đã cười cợt, đùa bỡn với ngài, đã coi như bằng vai.
- Thôi! Im đi ông bạn, - vị giám mục trả lời khi thấy sợi dây căng ra quá và nếu có đứt thì thật là nguy hiểm, - Im đi. Mỗi người có một cuộc sống riêng. Ông có sự che trở và cảm tình của ta, còn ta thì ông có vâng lời. Nợ bổn phận làm xong, thì cứ thanh thản mà sống.
Baisemeaux suy nghĩ kỹ; ông thoáng nhận ra hậu quả của việc thả một tên tù theo một lệnh giả và nếu có đãt lên cân tờ giấy bảo đảm của viên Trưởng dòng thì cũng chẳng thấy có quân bình chút nào.
Aramis đoán ra và nói:
- Ông bạn Baisemeaux thân mến ơi, ông thật ngốc. Hãy bỏ thói quen suy nghĩ đi khi mà tôi phải lo giùm cho cả ông rồi.
Baisemeaux lại khom lưng xuống khi Aramis ra hiệu một lần nữa, ông nói:
- Bây giờ tôi phải làm sao đây?
- Tôi có luật lệ đã định - Thì cứ theo đi.
- Tôi theo viên trưởng giám thị đến tận phòng giam và đưa đi nếu là một tù nhân quan trọng.
Aramis nói giọng tỉnh bơ.
- Nhưng tên Marchiali có phải quan trọng đâu?
Viên giám đốc trả lời:
- Tôi chẳng biết nữa.
- Nếu chẳng phải tôi có lý rồi. Ông cứ thả Marchiali như thả mấy thằng cắc ké đi.
- Tốt, luật lệ là người coi phòng giam hay một giám thị cấp thấp đem tù đến cho giám đốc ở phòng lục sự.
- Chà, hay đấy. Rồi sao nữa?
- Rồi người ta thả tù, cho tù nhân các vật quý hắn mang lúc vào phòng giam, các quần áo, giấy tờ, nếu lệnh trên không bảo khác di.
- Về phần Marchiali, lệnh thả nói gì?
- Chẳng có gì hết, vì con người khổ đó đến đây chẳng có gì, chẳng có vật trang sức, giấy tờ, cả quần áo cũng không nốt.
- Thật là quá dễ dàng. Baisemeaux ạ, ông coi chuyện gì cũng to tát quá. Cứ ở đây và bảo dẫn tù tới là được rồi.
Nửa giờ sau, người ta nghe tiếng một cánh cửa đóng lại, cánh cửa phòng kín vừa nhả con mồi ra.
Aramis thổi tất cả các cây nến soi sáng căn phòng chỉ chừa một cây phía sau cánh cửa.
Những bước chân đến gần. Aramis nói với Baisemeaux:
- Ông đến đón nhân viên đi.
Viên chủ ngục vâng lời. Viên đội và những người coi phòng giam quay gót.
Baisemeaux trở vào, người tù theo sau.
Aramis ngồi trong bóng tối, để thấy người mà người không thấy.
Baisemeaux nói với giọng xúc động cho người trẻ tuổi biết lệnh thả anh.
Người tù lắng nghe, không thốt lên một lời. Viên chủ ngục tiếp:
- Theo luật lệ nhà giam thì anh phải thề không được tiết lộ những gì anh đã nghe và thấy ở Bastille.
Người tù thấy một tượng Chúa đưa ra, hắn giơ tay và lầm thầm thề.
- Thưa ông, bây giờ ông đã được tự do ông định đi đâu?
Đến lúc ấy Aramis mới từ bóng tối đi ra, nói:
- Tôi đây sẽ giúp ông theo ý muốn.
Người tù hơi đỏ mặt và khoác tay Aramis không chút ngần ngại.
- Chúa sẽ để ông làm người cận nhất của thánh ngài.
Baisemeaux giật mình vì giọng nói cương quyết của người tù mà lại ngạc nhiên về câu chúc nữa.
Aramis bắt tay Baisemeaux nói:
- Tờ lệnh của tôi có làm ông ngại không? Nếu người ta tới lục lọi thấy nó nơi đây thì đó là dấu hiệu đến lúc tôi tiêu rồi. Lúc đó ngài sẽ là người giúp đỡ quan trọng và cuối cùng.
Aramis nhún vai trả lời:
- Ông muốn nói là người đồng loã? Tạm biệt Baisemeaux.
Aramis đưa người tù ra xe và bước lên sau, chỉ buông lệnh ngắn gọn cho người đánh xe.
- Đi đi!
Chiếc xe lăn ồn ào trên nền đá sân ngục. Một viên chức mang đuốc đi trước ngựa ra lệnh cho các lính canh tránh đường cho xe.
Trong thời gian đi qua tất cả các rào cản, Aramis nín thở, trống ngực đập thình thịch.
Người tù nép mình vào một góc xe, như không có trên đời nữa.
Cuối cùng, xe nẩy lên một cái mạnh hơn những cái khác chứng tỏ là đã đi qua con hào ngoài hết. Phía sau xe, cổng khép lại, không còn tường thành hai bên, chỉ có trời dất, chỉ có tự do.
Mấy con ngựa siết cương mạnh, đi từ từ cho đến giữa phố. Xong chúng bước nhanh.
Dần dần vì có đà hăng, một phần bị thúc hồi, chúng đi nhanh hơn, rồi khi đến Berey chiếc xe như là bay lên.
Chúng chạy như thế đến Villeneuve – St. George thì có ngựa thay. Bây giờ không phải là hai mà là bốn ngựa lôi chiếc xe về hướng Melun rồi dừng một lúc giữa rừng Senart. Có lẽ người đánh xe được lệnh từ trước vì Aramis không phải ra một dấu hiệu nào hết. Người tù như trải qua một cơn mộng dài, lên tiếng hỏi:
- Cái gì thế?
Aramis nói:
- Có chuyện, thưa ngài. Trước khi đi xa hơn, chúng ta phải nói với nhau câu chuyện. Giữa Điện hạ và tôi, bây giờ đang ở rừng, chúng ta không sợ ai nghe trộm hết.
- Còn người đánh xe?
Người đánh xe đoạn đường này câm điếc, thưa ngài.
- Tôi sẵn sàng nghe, thưa ngài De Herblay.
- Khoan đã. Còn phải đề phòng chuyện nữa. Chúng ta đang ở giữa đường lớn, có thể một kỵ mã hay một chiếc xe nào đi như chúng ta đây và thấy xe dừng, tưởng chúng ta gặp khó khăn liền dừng lại hỏi để giúp đỡ, lại rắc rối cho chúng ta.
Aramis chạm vào người đánh xe câm, ra hiệu. Người này bước xuống đất nắm cương hai con ngựa đầu và lôi chúng vào một lối nhỏ quanh quất giữa bụi rậm, cỏ rêu, cùng với mây mù làm thành một thứ màu đen đặc hơn mực trong đêm trời không trăng này. Xong xuôi hắn nằm trên lề đường, cạnh bầy ngựa.
Vị hoàng tử trẻ nói với Aramis:
- Tôi xin nghe ngài; nhưng ngài đang làm gì thế?
- Thưa ngài, tôi tháo đạn trong khẩu súng bây giờ không cần nữa.


Nguồn: http://vnthuquan.net/